Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013
Ghé thăm các blogs: 21/10/2013
FACEBOOK ĐÀO HIẾU
Bao giờ cho đến tháng Mười là một bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ra mắt lần đầu năm 1984.
Bộ phim đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Ngày 15 tháng 9 năm 2008, CNN đánh giá "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.[1][2] Lấy nhân vật chính là người phụ nữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Bao giờ cho đến tháng mười là một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980.
Trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên mang trong mình nỗi đau khôn tả: biết tin chồng chị đã hi sinh. Trên thuyền trở về, chị đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hi sinh với mọi người trong gia đình đặc biệt là đối với người cha già đang có bệnh nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống. Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong. Thế rồi, có nhiều tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang hai người có tư tình. Đến khi cảm thấy mình yếu, không còn sống được bao lâu, người cha chồng bảo Duyên gọi điện cho con trai về để gặp lần cuối. Đến lúc này, tin chồng mất đã không giấu được nữa...
------------
Không bàn tới cốt chuyện, nghệ thuật, diễn xuất và bất cứ thứ gì mang tính chuyên môn điện ảnh. Sự thành công của bộ phim đã được khẳng định tầm thế giới. Một điều để nói ở đây nằm trong sâu thẳm cách mà bộ phim đã diễn ra, cách các nhân vật xử lý rắc rối để đạt được mục đích của mình.
Ngay khi kết thúc bộ phim này, tôi đã nằm ngửa lên giường và tự nhủ: Điều gì đã xảy ra giữa những con người này.
Câu trả lời là sự mộng mị và mơ hồ. Toàn bộ phim, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ sự thật nào.
+ Duyên, cô gái che dấu sự thật về người chồng đã hy sinh của mình (oh phải, cô ấy là phụ nữ). Duyên đã nhờ thày giáo Khang giả bút tích người chồng viết thư về gia đình để mọi người nghĩ đó là bức thư thật do chính tay anh lính xa nhà viết về (anh lính chồng cô Duyên đã hy sinh hơn 1 năm trước).
+ Thày giáo Khang đồng ý giả làm người viết thư. Anh cũng là người duy nhất biết về cái chết của chồng Duyên và im lặng. Đến cuối phim anh cũng không nói ra sự thật dù có giấy điều chuyển công tác.
+ Bố chồng Duyên, trước khi mất, trong cơn mê sảng, đã nhận nhầm một anh bộ đội đến thăm nhà là con trai của mình. Ông cụ nghĩ người con đã kịp về trước khi ra đi. Đến cuối đời ông cụ vẫn không được biết sự thật.
+ Thằng bé Tuấn, con của Duyên và anh lính, khi biết sự thật về bố, khi biết có chú bộ đội về thăm nhà, cũng không quên dặn chú bộ đội:" Chú đừng nói cho ông cháu biết".
+ Cái chết của chồng Duyên vẫn được khoả lấp bởi Chợ Âm Phủ, bởi miếu thờ thần làng. Một cái chết mà sau đó người ta vẫn có thể gặp được nhau.
+ Thày Khang khi được hỏi có yêu Duyên không, cũng chỉ đáp lại bằng cái gật đầu và cũng không quay lại với Duyên (yêu kiểu này không có vui đâu).
Bộ phim là câu chuyện mà sự thật nằm trong ẩn tàng, trong mộng mị tâm tưởng mỗi người. Khả năng này, đôi khi giống như một phép thuật.
Và cho dù, nghệ thuật là ánh trăng lừa dối. Nếu có thể, khi đọc tới dòng này, bạn hãy tìm kiếm thật sâu bên trong trí óc mình. Tìm kiếm đâu đó sợi dây liên lạc giữa sự Mộng Mị và sự thực.
Điều gì khiến Mộng Mị, cụ thể hơn là cách cô Duyên sống trong sự che dấu, mơ tưởng về người chồng chưa chết, bảo vệ sự thật, biến hoá sự thật với thày Khang giúp đỡ đã làm cho một câu chuyện Việt Nam trở thành kinh điển ??
Tôi cũng không biết, và cũng không biết chắc cách đặt vấn đề của mình là chính xác không.
Chỉ là, lâu rồi, không được nghe về sự thật.
1 ông tướng Phùng Chí Kiên chỉ được nhắc lại sau cả chục năm (dừng đến đây thôi, cụ nào hiểu thì hiểu nhé).
1 lễ Quốc Tang được nói là 2 ngày, thực ra là 36 tiếng.
1 bà Bộ trưởng chỉ là giáo sư thỉnh giảng vớ vẩn cũng lên báo như là 1 thứ danh dự
1 cô gái nói là tự khỏi chân sau 3 tuần bị gãy ống đồng...
Lâu lắm rồi, không được nghe thấy sự thật. Ít nhất là trên mặt báo.
Tìm kiếm chút logic.
Nếu nói sự Mộng Mị đã dẫn dắt "Bao Giờ Cho Đến Tháng 10" đến đỉnh cao điện ảnh, sánh ngang thế giới, có lẽ cũng không quá. Khi nhìn vào cách các nhân vật trung thành với sự im lặng.
Và sự im lặng đó, không chỉ diễn ra trong phim. Không phải chỉ có ở năm 1984.
Ngoài đời thực, có quá nhiều thứ đã im lặng mãi mãi. Cũng là vì lợi ích của riêng mình.
30 năm, trải qua 2 cuộc đổi tiền, hội nhập kinh tế, khủng hoảng tài chính... Từ lúc chưa có khái niệm điện thoại và máy tính cho tới lúc chúng ta sử dụng Windows để đọc bài viết này. Sự Mộng mị, sự Im lặng đã có quá nhiều và ngày càng nhiều. Mộng mị từ kinh điển lịch sử cho tới tầm thường như cafe thật (oh shit).
Mụ Zì nói đây là xứ Lừa. Ông Ti nói dân tộc Thiểu Năng. Sau khi xem phim này, gọi là dân tộc Mộng Mị thì có được không ???
BLOG ĐINH TẤN LỰC
“Hãy nói theo cách của bạn” (Viettel)
Đạo sĩ, nói chung, là từ mô tả những tay râu dài tóc bạc khoái chống gậy lom khom lên núi/chui hang/nhập động đi tìm một cái gì đó, thường khi chỉ là tìm thuốc trường sinh bất lão (chủng loại thần dược màu xanh dương), lại có khi, họa hoằn, là tìm đường kách mệnh, sau khi đã rạc rài trôi sông lạc chợ tìm đường hiến nước.
Đạo cô là đạo sĩ đơn độc, không cần phân biệt giới tính, nhưng hễ là thứ hàng dỏm/hàng giả thì gọi là đạo mạo.
Đạo cụ, khác với đạo lão, chính là những đạo sĩ tuổi quá mức hiếm (cổ hi lai), chỉ có thể là phái nam, hay nói chuyện trồng người tả đạo, thường được nêu làm gương sáng ngời môn đạo đức, rất rành nghề đạo diễn, và nhất định chỉ đi xa vào ngày hoàng đạo.
Đạo gia, khác với đạo sĩ, là động từ chỉ việc trưng dụng nhà cửa những ai góp của cho kách mệnh (chừng 50 năm không trả lại, như trường hợp chủ nhà 34 Hoàng Diệu từng đóng góp 5147 cây vàng, chẳng hạn). Còn việc cưỡng chế đất thì thuộc phạm vi trách nhiệm của quân địa đạo. Riêng động thái xiềng chân bộ đội vào súng máy, hay cột cẳng tù nhân lúc chuyển trại, thì gọi là xích đạo.
Đạo dụ, không có nghĩa là lang thang làm chuyện gì đó, mà dùng để chỉ từng đơn vị văn kiện quan trọng của vua hay của nhà nước, thường gắn liền với lãnh đạo và đòi hỏi thần dân phát huy cuộc sống phải đạo.
Đạo bùa, chỉ phép lạ của thần linh ủy thác qua một đại diện nào đó có nhân thân tốt, cũng thường gắn liền với tư tưởng của lãnh đạo, và ở tầm quốc gia hay thế giới thì gọi là chủ nghĩa gì đó, nếu là tư tưởng hại người thì kêu bằng quỹ đạo; người theo thì gọi là ngoan đạo, ai đứng ngoài thì coi như ngoại đạo, còn kẻ nghĩ ngược lại, kêu bằng lỗi đạo hoặc sùng đạo, thì thường được cho đứng ở ngay đầu đạn đạo.
Đạo luật là loại đũa tiên hoặc gậy phù thủy, cứ huơ vào không khí thì sẽ khều ra tiền. Nó là cha đẻ của dàn tiền đạo. Do tính cách sản sinh lợi nhuận nhai được, nên đạo luật còn có thêm tên gọi tượng hình là đạo hàm (“thực vực đạo”). Ngồi xổm trên các loại đạo luật là giai cấp lãnh đạo/chỉ đạo. Còn định hướng và quảng bá cho đạo hàm là bộ phận tuyên giáo, có thêm tên khác là huấn đạo.
Đạo văn có nghĩa là tự ý ký tên vào tác phẩm của người khác, bất kể là thơ phú trong tù hay ngoài tù. Ngược lại, tự kể chuyện mình mà ký tên khác để lừa thiên hạ thì kêu bằng đạo cốt.
Đạo ý là khắc tên vào ý kiến của người khác rồi hè nhau vinh danh đổi mới, bất kể khoán mười hay khoán trăm.
Nhưng, trong giống dòng đạo thuỗng thì nhất định đạo chích ( 盜 跖) không phải là chỉ thuỗng ống kim tiêm, của bất kỳ ai.
Đạo chích (phỏng theo Wiki) là chuyện kể về tài năng xuất chúng của bộ phận chuyên ngành đào tường khoét vách, chiếm đất, lùa bò, bắt cóc người ta, tụ tập đồ đảng, hoành hành khắp nơi, và có ảnh hưởng khống chế lên toàn xã hội. Tuân Tử chép: “Đạo Chích mở lời, tiếng tăm như mặt trời mặt trăng, cùng Thuấn, Vũ lưu truyền không thôi“. Nghe chẳng khác nào khẩu hiệu về huyền thoại thầy trò những lãnh đạo vĩ đại kính mến đương thời.
Từ đó, đạo chích, lắm nơi, lắm lúc, được coi là một nghề chuyên môn. Xã hội càng tiến nhanh tiến mạnh, bất kể lên trời hay xuống hố, mà cứ thi đua nhau tiến vững chắc và đúng quy trình, thì nghề này càng thịnh. Đạo đồ/đạo kiếp/đạo tặc… đều là đạo hữu của đạo chích.
Thời A còng, nghề đạo chích được (trực tiếp lẫn gián tiếp) tận tình chỉ dẫn/hướng nghiệp/cảnh báo/trao đổi kinh nghiệm trên các diễn đàn Online. Nổi tiếng ở đây là những trang mạng đặc chiêu hình sự tình/tiền/tù: CATP, CAND, ANTĐ, ANTG…
*
“Thiếu một đức thì không thành người” (Hồ Chí Minh)
Sơ đẳng: Thuộc hạng dân đen nghèo khó cùng đinh kiếm ăn bằng món khoái khẩu của nhiều người khác, nhưng vang danh đại trà, khắp nước, là nghề trộm chó. Kỹ thuật bao gồm cả đánh bả, trùm bao, câu trộm… . Sang cả lân bang lùa chó hoang và trộm chó nuôi nhà. Hệ quả thảm khốc là trong nước bị quần chúng nhân dân đốt xe treo cột điện, đánh tới chết; còn ở nước bạn thì bị bỏ tù, chụp hình đăng báo làm nhục.
Hạ đẳng: Là nghề trộm thơ phú văn chương và cả luận văn thạc sĩ/tiến sĩ của người khác. Một số kẻ đạo thơ đã được phong tặng tước thơ có chóp và được in thơ ở trang đầu của mọi tuyển tập, thành tấm gương sáng ngời thần thơ nhất khoảnh. Một số kẻ khác mua thẻ hội viên giá đắt và chộp ngay mọi cơ hội có thể để vỗ ngực là thánh thơ, trên cả thi bá/thi hào các thứ, lại thường chen vai chường mặt trong mọi dịp khạc thơ cháy míc, đặc biệt là những đám tang có truyền hình VTV.
Trung đẳng: Ở thời A còng thì đây là hạng trộm mật khẩu, cướp trương mục (email/blog/FB). Từng khoe nhặng thành tích với niềm tự hào trong một đại hội nhà văn toàn quốc. Cũng từng nâng đỡ cho các tổng bí thư nhiều triều đại đồng nhận lãnh giải thưởng Predators of Press Freedom (dã thú ăn thịt báo chí). Hạng này được hỗ trợ bởi hai nhóm lợi ích (ở hàng bộ) là Bưng Bít và Bưng Bô, qua đó, trang thiết bị (phá sóng/nghe lén/định vị…) được cung ứng cho “công vụ” toàn là loại tân tiến bậc nhất hành tinh.
Cao đẳng: Là hạng trộm bằng/trộm danh/trộm chức… để trộm tiền. Thường được gọi là “chạy”, nhưng vì khả năng bất xứng với văn bằng/danh vọng/chức tước mua bằng tiền (hay rất nhiều tiền), rồi sau đó, gỡ vốn lấy lời lại gấp bội bằng 1001 mánh khóe nhân danh “công vụ”, nên thực chất chính là trộm. Trong các thứ gọi là công vụ đó, không loại trừ hàng nghìn thứ phí: viện phí/trường phí/lộ phí/thủ tục phí/phí bôi trơn/phí chiết khấu/phí hải quan/phí bưu chính/phí tem/phí cầu đường/phí dịch vụ/phí vay nợ/phí niêm phong/phí bảo hiểm v.v… thậm chí cả phí bikini, phí sân tennis và phí biệt thự (được tính cả vào giá điện của dân đen). Đàng sau đó là hàng nghìn mánh khóe khác để ăn cắp tiền xóa đói giảm nghèo/cứu trợ thiên tai… Đến mức rôm rả dạy bảo nhau: “Bọn chỉ đạo nó ko làm công tác phòng tránh bão lũ trước, vì nếu làm thế dân thiệt hại ít, thì… đói à. Ai thèm cứu trợ chứ?”.
Thượng đẳng là hạng trộm vía đảng mà “ăn không chừa thứ gì”. Loại này đông nhất, bởi từng được xuất xưởng đại trà. Tròm trèm 3 triệu trên tổng số dân cả nước. Kẻ bảo là sâu. Kẻ kêu bằng ghẻ. Kẻ gọi là dòi. Có nghĩa là nhung nhúc trồi đạp quanh các dự án (thời sự đường Hồ 2 làn xe cần thêm 65 nghìn tỷ đồng, chẳng hạn). Cỡ chủ tịch MTTQ cấp xã đã có thể nuốt trộng 21/29 căn nhà được trợ cấp xây dựng. Cỡ chủ tịch Tổng Cty thì ụ nổi sắt vụn giá 4 triệu phải thành 9 triệu USD mới bõ công kết toán chi phí. Hoặc đạp nhầu nhau để giành giật các chương trình kê khống (“Thằng đó đã quản những mấy cửa khẩu rồi mà còn được hưởng thêm bão lụt nữa!”). Xét riêng những can phạm ăn bẩn bị lộ mang mỗi tên Dũng không thôi cũng đã đếm hụt hơi: Lương Quốc Dũng (Hậu Seagame 2003), Bùi Tiến Dũng (PMU18), Dương Chí Dũng (Vinalines), Nguyễn Tấn Dũng (Chủ trương lớn)… Hạng này ăn xong rồi cùng nhau xỉa răng tập thể mà hắng giọng phán rằng tham nhũng nhiều triệu USD để xây nhà thờ họ hay “mua nhà cho bạn gái (tình nhân/bồ nhí/vợ bé…) là điều đau xót”, “như ngứa ghẻ, khó chịu lắm”…
Tối thượng đẳng là trộm công và trộm quyền. Hạng này hô hào đồng hóa tổ quốc với đảng cướp. Nó đạp mặt nhân dân để thần tượng lãnh đạo. Nó nhân danh độc lập để nhuộm đỏ nửa nước rồi thống nhất cả nước vào vòng nô lệ Nga-Tàu. Nó nhân danh chiến tranh để biện minh cho lạc hậu. Nó nhân danh định hướng để ăn cắp tài nguyên. Nó nhân danh hiến pháp để khoắng đất thành vàng. Nó nhân danh đồng bọn để bao che cho thuộc hạ khoắng cả nước (“làm người ai chẳng tham?”). Nó nhân danh Quốc Tế III để khoắng cả láng giềng (Miên/Lào). Nó nhân danh ổn định để ngăn chận mọi thông tin tới cấp thứ trưởng. Nó nhân danh trật tự xã hội để bỏ tù mọi phóng viên điều tra phăng lần các đường dây ăn chia. Nó nhân danh hòa bình khu vực để dâng bán cho giặc biển đảo/sông hồ/thác nước/rừng đầu nguồn… hầu làm đầy trương mục ngân hàng Thụy Sĩ.
*
“Hễ ưng tắm mát phải lên ngọn sông Đào
Còn muốn khoắng mẽ lớn thì vào nhà quan…”
(Ca dao bào)
Một đẳng cấp khác của đạo chích, đậm tính giang hồ và khoa học hơn, chính là tác giả câu hạ của dòng ca dao bào vừa kể.
Họ tổ chức “ăn hàng” có bài bản tuyên giáo hẳn hoi: “đạo diệc hữu đạo” (kẻ cướp cũng cũng có lập luận/đạo lý riêng). Tất nhiên, không loại trừ tính năng hiệu quả công việc (nhắm nhà kho khỏe hơn nhà khó), họ còn có ẩn ý thu hoạch lại các món thu hoạch của bọn trộm có môn bài đóng dấu đỏ nói trên.
Và qua đó, một số không ít quan lại chỉ giữ được tiếng “Liêm” biểu kiến kia cho tới khi bị cạy cửa.
Có tính văn nghệ nhất, phải kể đến vụ chụp ảnh trộm mớ ngà voi/trống đồng/đồ cổ/tranh thư pháp/tượng ngọc/vườn rau sạch… tại tư gia một tổng bí thư ngắn ngày từng nổi tiếng với hàng cột mốc biên giới phía Bắc.
Chủ yếu kinh tế thì… phải tạm liệt kê mấy vố đáng đồng tiền bát gạo:
Trần Cang, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định, 500 triệu đồng.
Trần Thị Anh Đào, Cán bộ UBND tỉnh Nghệ An, 57 lượng vàng và 50 triệu đồng.
Trần Thị Xuân Lan, Trưởng phòng Tổ chức, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, 3 tỷ đồng & 1 khẩu súng điện.
Phạm Minh Tú, Trưởng Ban quản lý dự án huyện Đông Hải (Bạc Liêu), 1 tỷ rưỡi đồng.
Đồng Xuân Thọ, Phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai, 800 triệu đồng.
Trương Công Chiến, Đội trưởng Trước bạ thuộc Chi cục Thuế Bình Tân, Sài Gòn, 6 tỷ đồng.
Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN/PTNT tỉnh Quảng Nam, 110 lượng vàng SJC.
Hoàng Dương Việt Anh, con trai Bộ trưởng Văn-Thể-Du Hoàng Tuấn Anh, 617 triệu đồng.
Lê Thị Thủy, Phó chánh văn phòng Cty truyền tải điện lực II, 600 triệu đồng.
Phan Chí Thanh, Đại tá Giám đốc CA tỉnh Long An, xe máy Yamaha Exciter.
Dương Quốc Xuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An, các tài sản điện tử đắt giá.
Đỗ Hoàng Việt, Bí thư Thành ủy Tân An, kho rượu ngoại.
Huỳnh Thanh Phơi, Trưởng Công an huyện Cần Đước, xe máy.
Nguyễn Văn Lai, nguyên Trưởng Công an thị trấn Cần Đước, laptop và chim cảnh.
Nguyễn Văn Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước, được viếng 4 lần trong năm 2011.
Ngô Tấn Cư, Phó giám đốc công ty Điện lực Đà Nẵng, 7 lượng vàng và 70 triệu đồng.
Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, 20 triệu đồng.
Nguyễn Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, 5 triệu đồng + 1000USD.
Nguyễn Văn Phụng, Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, 35 triệu đồng.
Từ Minh Liên, Giám đốc Trung tâm đấu giá Sở Tư pháp, 232 triệu đồng.
Ngô Quang Trường, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH ĐắcLắc, 50 triệu đồng.
Vũ Hùng Vương, Thiếu tướng Phó tổng cục trưởng TC/CS/ĐTTP Bộ Công an, 1 tỷ đồng.
Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư Pháp, 17.000USD
…
Câu hỏi của một nhà báo trong luồng: “Lương không đủ sống nhưng quan chức của ta sao nhiều người giàu đến vậy. Nhà lầu xe hơi, trang trại điền viên…Đó là chưa kể của chìm của nổi, đến khi bị trộm ‘thăm viếng’ mới lộ ra?”.
Đã có một số bài báo rụt rè phân tích. Tựu trung, và điển hình, đó là những thông tin về Trạm trưởng kiểm lâm (Đào Công Thắng) vận chuyển gỗ lậu cho sếp lớn; bí thư đảng ủy (Phạm Đình Dần) trộm tiền cứu trợ để xây mộ; Trưởng ấp (Mai Văn Việt) nhận quà “cứu đói” và cho dân vay lấy lãi; Thượng úy CAGT (Huỳnh Minh Đức) nhận hối lộ bị bắt quả tang…
Theo tác giả Trần Kinh Nghị, nguyên cán bộ ngành ngoại giao:
“Tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam mang một đặc thù khác với tệ nạn tham nhũng trên thế giới, đó là ‘tham nhũng tập thể’… thực chất đó là phần ‘lậu’ đã được hợp thức hóa. Nó quen thuộc đến nỗi không còn ai thấy đó là sai trái”.
Câu hỏi kế tiếp: “Phải chăng tham nhũng được ‘dung dưỡng’ bởi các quan tòa?”.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Ủy ban Tư pháp Quốc hội): “Tòa án Nhân dân Tối cao đã xử lý như thế nào trong trường hợp phát hiện tòa cho bị cáo hưởng án treo không đúng, nhất là với tội phạm tham nhũng?”.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): “Để xảy ra tình trạng trên, phải chăng công tác quản lý cán bộ của ngành tòa án có vấn đề?”
Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình trả lời:
“Trong các vụ tham nhũng, số thừa hành chiếm số đông, họ lại là cán bộ công chức nhà nước có nhân thân tốt… nhưng cũng không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại lo ngay ngáy: “Kỷ luật họ thì bầu sao kịp?”. Còn kẻ đứng đầu chính phủ thì vẫn tự hào suốt 7 năm qua chưa từng kỷ luật một ai.
Từ lâu đã có một quan thượng thư ngành tiền mơ ước một nửa giải Nobel. Cũng có thể giờ này quan lớn ấy đang ngắm nguyên giải, với manh nha một luận án kinh tế đầu tiên trên thế giới về đề tài “Vòng Quay Trộm-Cướp-Trộm”.
Như thế thì đã rõ bọn trộm đẳng cấp cao đó đông đảo như thế nào, từ đâu ra, được ai đào tạo, ai dung dưỡng, sinh sản ra sao… Tốt đời (quan) đẹp đạo (chích)… là đây chăng?
Ngược lại, cũng rõ do đâu mà bọn trộm giang hồ thích cạy cửa bẻ nát chữ Liêm của các quan chức.
Xem ra, không có một đạo sĩ nào có thể tìm ra loại thuốc diệt trừ đạo chích đẳng cấp cao, ngoại trừ cách rốt ráo nhất là bẻ nát chữ Cộng, tán nhuyễn, thả giếng.
17-10-2013 – Nhiệt liệt chào mừng Ngày Quốc Tế Xóa Nghèo.
Blogger Đinh Tấn Lực
BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH
Lê Minh Quốc
Mấy hôm nay, chuyện cẩu thả trong biên soạn sách giáo khoa lại ồn ào.
Chẳng vui vẻ gì. Chán. Sao lại không làm như trước năm 1975 tại miền Nam: Bộ GD & ĐT công khai chi tiết đề cương tiết học, phần học, môn học... của các chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Căn cứ vào đó, các nhà giáo dục sẽ biên soạn sách giáo khoa rồi in ấn, phát hành. Bộ sách nào tốt, bám sát đề cương của Bộ ắt các nhà trường và học sinh sẽ chọn. Cách làm này, nhằm phá thế độc quyền biên soạn sách và ấn hành sách giáo khoa lâu nay chỉ thuộc đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người, một nhà xuất bản. Khi có chính sách tạo điều kiện cho các nhà mô phạm cùng tham gia, chắc chắn sách giáo khoa sẽ phong phú, đa dạng hơn nhiều.
Chỉ xin đơn cử trong phạm vi môn quốc văn và liệt kê ngẫu hứng theo những sách đang lưu trữ. Chẳng hạn, sách Quốc văn toàn tập lớp nhì của Bùi Văn Bảo - Đoàn Xuyên, cho biết biên soạn: “Theo đúng chương trình tiểu học hiện hành và phương châm sư phạm của Bộ Quốc gia Giáo dục”. Câu đó hoặc câu “Soạn đúng theo chương trình của Bộ Giáo dục”; “Soạn theo đúng chương trình Bộ văn hóa Giáo dục” luôn có ghi rõ ngoài bìa; hoặc trang trong. Chẳng hạn, Em học Việt ngữ lớp 1 của Bùi Văn Bảo, Văn Công Lầu, Trần Trọng Phan, Phạm Văn Vệ; Quốc văn bộ mới của Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên; Quốc văn toàn thư lớp nhứt của Phạm Trường Xuân - cựu giáo sư và một nhóm giáo viên, Yên Hà, Kình Dương; Quốc văn toàn thư lớp 3 của Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên; Tân Việt văn lớp 4, lớp 5 của Bùi Văn Bảo; Tân Việt ngữ lớp 5 của Nguyễn Tất Lâm; Quốc văn tân biên lớp nhất, Tiểu học quốc văn lớp tư của Hà Mai Anh v.v… là nằm trong chủ trương này.
Thử so sánh:
Môn Tân Việt văn lớp 5: Tiết học thứ nhất của Tuần lễ 1, phần Ngữ vựng “Thể dục”, sách của Bùi Văn Bảo (NXB Sống Mới): “Muốn cho thân thể khỏe mạnh, chúng ta phải năng tập thể dục. Ở sân vận động có đầy đủ dụng cụ, Huấn luyện viên sẽ chỉ dẫn cho ta tập đúng phương pháp. Bài tập thể dục phổ thông gồm nhiều động tác giản dị rất thích hợp với mọi người. Học sinh lớn thường trình bày thể dục đồng diễn. Mọi người cử động chân, tay rất nhịp nhàng, đẹp mắt”
Sách của Nguyễn Tất Lâm (NXB Nam Sơn): “Ta năng tập thể dục để cho thân thể khỏe mạnh luôn. Ở nhà ta chỉ có thể chỉ tập những động tác phổ thông. Nếu muốn đầy đủ dụng cụ ta nên đến sân vận động, ở đó có huấn luyện viên hướng dẫn. Từ sự hô hấp cho đến sự cử động chân tay cần phải tập đúng phương pháp mới có kết quả”.
Những chữ bold đen, người biên soạn có giải nghĩa rõ ràng.
Bài học thuộc lòng Quốc văn lớp nhì, về “Thôn quê”, sách của Bùi Văn Bảo - Đoàn Xuyên cho học bài Quê em của Trường Giang Phong, có đoạn:
Ven bờ sông cái trong xanh
Lòng em ấp ủ bao tình mến thương
Chiều thu nhạt ánh tà dương
Gió về phảng phất mùi hương thơm lành
Đồng vàng bông lúa rung rinh
Reo vui trong gió nhạc tình nước non
Mái đình sừng sững đầu thôn
Rêu phong mấy độ hãy còn nét xưa
v.v…
Sách của Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên cho học bài Khung cảnh đồng quê của Sơn Ca, có những câu như:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Chiều chiều trên cánh đồng xa
Cánh cò bay lả bay la nhịp nhàng
Vui tươi này những trai làng
Líu lo tiếng hát cô nàng xứ quê
Một mai lúa chín gặt về
Cày sâu cuốc bẫm không nề gian lao
v.v…
Rõ ràng, với cách làm này sách giáo khoa của nước nhà phong phú hơn, vì đã huy động trí tuệ và trách nhiệm của toàn xã hội. Còn có thể bàn luận thêm biết bao điều lý thú khác. Mà thôi. Chuyện của thiên hạ, nói chơi cho vui, xía vào làm gỉ? Có bao điều hay ho khác thiên hạ cứ gào lên, thét lên mà có ai thèm nghe đâu. Đừng ảo tưởng. Mấy hôm này tự nhiên vui vui, do nhớ lại một mẩu chuyện nhỏ trên TTC số ra ngày 15.10.2013. Chuyện của bé Phạm Thục Nhi (3 tuổi) học trường Mầm Non Hướng Dương, TP. Long Xuyên:
“Bé ở nhà bà ngoại, gọi điện về nói:
- Bà nội ơi! “Em” đang ở nhà bà ngoại nè! Bà nội có nhớ “em” hông? Còn “em” nhớ bà nội lắm đó!
Bà nội nghe mát cả ruột”.
Chuyện chỉ có thế. Tự nhiên thấy đời vui. Rất vui. Thích nhất từ “em” nghe dễ thương, đáng yêu quá. Chỉ trẻ con mới có thể hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện đến thế.
Đọc cái chú thích ảnh, chỉ một dòng in trên các báo bỗng dưng tối tăm mặt mày: “Chung cư hạng sang bậc nhất Hà Nội Pacific Place, nơi ông Dương Chí Dũng mua nhà cho bồ nhí bằng tiền tham nhũng”.
Chỉ muốn buồn nôn.
Nôn vào đâu?
Trích từ Nhật Ký 17.10.2013 của nhà thơ Lê Minh Quốc
FACEBOOK NGƯỜI BUÔN GIÓ
Từ lâu chúng ta vẫn nghe đài báo tuyên truyền của nhà nước Việt Nam lên án những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền là những kẻ bán nước, tay sai cho ngoại bang để ngửa tay nhận đồng tiền từ các thế lực thù địch bên ngoài.
Cụm từ '' bán nước '' được sử dụng nhiều trong ngôn ngữ dân gian, bằng một cách nào đó cụm từ này ăn sâu vào đầu những người dân thành ý thức, thói quen. Đến nỗi khi có vụ án chính trị nào họ đọc được hay nghe được từ đài báo nhà nước lên án, là họ buông ngay câu kết luận
- bọn bán nước.
Chưa có một nhà nghiên cứu nào tìm hiểu một cách khoa học về vấn đề này. Ví dụ như hành động bán nước diễn ra thế nào, như thế nào là bán, bán cái gì, bán ai mua, bán để làm gì, được bao nhiêu....Chỉ có những tờ báo của Đ và NN khẳng định khái niệm bán nước này một cách rất chủ quan là qua hành vi rất sơ sài của đối tượng có nhận tiền bên ngoài, có hành động đả phá, chỉ trích, gây rối... thế là cấu thành hành vi bán nước.
Giờ chúng ta thử xác định nghĩa bán theo cách thông thường.
Bán, tức là hành động xảy ra khi có một vật cần trao đổi với người khác để đổi lấy thứ khác. Vật này có thể hữu hình hoặc có thể vô hình (như văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật).
Vật bán ở đây là nước, hiểu nôm na là quốc gia. Trong quốc gia bao gồm nhiều thứ tạo nên như con người (bao gồm sức người, con người, tư tưởng, văn hóa, lịch sử ...) hay tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ....
Nếu xác định như vậy thì bất kỳ chính phủ nào cũng có hành động bán nước, thông qua những hiệp định lý kết trao đổi về khai tháng khoáng sản, trao đổi văn hóa, cung cấp nguồn lao động. Ở trường hợp này không thể gọi là bán nước nếu như sự trao đổi, mua bán này mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai bên. Nó đơn giản chỉ là hợp đồng kinh tế đôi bên cần đến nhau, anh có cái A thừa mà cần cái B, tôi có cái B thừa mà lại cần cái A. Sự trao đổi, mua bán này ....
Nhưng vì lợi ích cá nhân, anh mua cái A mà đất nước không cần, trả bằng cái C mà đất nước rất thiếu (C ở đây chẳng hạn là ngoại tệ lấy từ ngân khố, ngân sách quốc gia, tiền thuế, tiền bán tài nguyên, bán ....) để trục lợi cho mình. Hoặc trao đổi bằng những hiệp định gây thiệt hại cho đất nước nhiều hơn, đối tác anh ký được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng anh được hưởng ân huệ nào đó từ đối tác để đảm bảo về quyền lực, vị trí...
Những hành động đó rõ ràng là bán nước.
Tuy nhiên có nhiều cách bán nước ở cấp độ khác nhỏ hơn ở trong giới kinh doanh, ví dụ như vì lợi ích mua đồ độc hại, kém chất lượng về bán cho người dân trong nước. Bắt tay với tư thương nước ngoài khống chế thị trường mua ép giá vật nuôi trồng của người nông dân...
Ở đây tạm bàn đến hai loại người có khả năng bán nước mà dư luận hay nhắc đến nhất. Loại thứ nhất là thành phần '' phản động '' cung cấp tin tức công khai rộng rãi về tình trạng đất nước,để '' bên ngoài '' có thông tin chèn ép những nhà chính trị khi ký kết hợp đồng kinh tế, ngoại giao, chính trị. Chẳng hạn như tin về ngược đãi công nhân, bảo hộ lao động, môi trường lao động kém, tình trạng nhân quyền bị chà đạp...những tin tức như vậy được loại '' phản động '' này đưa phổ biến công khai trên các trang mạng ngoài luồng. Gây bất lợi về hình ảnh Việt Nam trước con mắt quốc tế, làm những nhà chính khách của VN phải gặp khó khăn khi trả lời, giải thích. Nhà Nước Việt Nam coi những kẻ như vậy là '' bán nước '' và thực hiện những cuộc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân lên án chúng, đồng thời ráo riết truy bắt xét xử tù giam nghiêm khắc với những thành phần này.
Đặc điểm chung của loại bán nước thứ nhất này là không nằm trong bộ máy chính quyền, hình thức '' bán nước '' không gây hại trực tiếp đến đất nước mà gián tiếp. Vì tác động của thông tin chúng cung cấp có đến được người dùng hay không, người dùng có sử dụng để trục lợi với VN hay không .? Là những điều chúng không thể xác định được. Bởi thế kết quả mục đích đạt được của chúng là khá mơ hồ, nằm ngoài hy vọng của chúng khi thực hiện hành vi '' bán nước ''. Người thụ hưởng thông tin mà chúng cung cấp để làm việc với chính phủ VN lại không phải là người trả tiền cho chúng. Mà do đa số những Việt Kiều hải ngoại muốn thế giới thấy rõ đời sống, quyền con người ở Việt Nam đang ở mức độ nào, những Việt Kiều này đã hỗ trợ tiền bạc cho chúng, vì tính chất vòng vo giữa lợi ích trực tiếp như vậy, nên tiền chúng nhận được không nhiều, thường chỉ vài trăm usd một tháng.
Từ đặc điểm người bán, người dùng, người trả tiền, vật bán như trên. Chúng ta thấy khái niệm '' bán nước '' quy chụp cho bọn này là khá mơ hồ, thiếu chứng cứ thuyết phục về mặt thực tiễn.
Loại thứ hai là loại nằm trong bộ máy nhà nước, có quyền, có tư cách đại diện trong lãnh vực chúng công tác. Ví dụ chúng được bổ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên, khoáng sản, chủ quyền lãnh thổ, quản lý văn hóa, tư tưởng.
Chúng ta lấy trường hợp của Dương Trí Dũng giám đốc Vinalines đã dùng 9 triệu usd để mua một ụ nổi của '' bên ngoài '' mà giá trị thực chỉ được 5 triệu usd là quá mong đợi với kẻ bán.
9 triệu usd này là tiền của đất nước, của nhân dân, tiền bán tài nguyên, tiền thu thế nông lâm sản, tiền máu thịt và mồ hôi của người lao động Việt Nam, tiền từ những cánh rừng bị đốn, tiền từ khoáng sản dưới đất bị moi lên, từ những cánh đồng bờ xôi ruộng mật gắn bó bao đời với người nông dân bỗng chốc bị san phẳng làm khu ăn chơi, giải trí của các nhà đầu tư nước ngoài.
Quan chức nhà nước, Đảng viên ĐCS VN Dương Chí Dũng trên vị trí đảm nhiệm đã dùng số tiền này để đổi lấy một thứ giá trị thực thấp hơn đến 4 triệu usd, với mục đích hưởng chênh lệch từ số 4 triệu usd này, mua nhà cao cấp cho vợ bé, con riêng.
Hành động thông qua một thương vụ mua bán với nước ngoài, để mua một thứ vô dụng ( ụ nổi nay đã thành đống sắt han rỉ ), bằng đồng tiền từ nguồn lực đất nước nói trên, khiến '' bên ngoài '' cũng có lợi và cá nhân mình cũng có lợi. Ngoài nghĩa tham ô thông thường mà chúng ta hay gọi ra, hành động ấy phải được gọi đích danh là hành động bán nước.
Hành vi của Dương Chí Dũng như thế là bán nước.
Có bao nhiêu kẻ bán nước như Dương Chí Dũng chưa tìm ra.?
Đất nước nghèo đi, nợ nần nhiều hơn, tài nguyên cạn kiệt hơn. Chứng tỏ những kẻ bán nước như Dương Chí Dũng không phải là ít. Và đương nhiên số tiền mà những kẻ như Dũng thu về từ những hợp đồng bán nước như thế không chỉ là 4 triệu USD mà thôi.
Dư luận cứ mải mê vào những kẻ '' bán nước '' loại một nhận về vài trăm usd để đay nghiến hành vi '' bán nước'' của chúng, cho dù thiệt hại về việc '' bán nước '' của chúng chưa ai đong đếm được.
Nhưng nhiều triệu usd của loại bán nước thứ hai như Dương Chí Dũng thu về, dường như chỉ được gọi là tham ô. Đến lúc này đáng ra người dân gọi tên rõ rằng, hành động của Dương Chí Dũng
Như thế là bán nước.
FACEBOOK SINH LÃO TÀ
Vậy là cuộc lên đồng vĩ đại nhất nhì lịch sử đã chấm dứt.
Tôi phát ngán khi lên diễn đàn dành cho các nhà báo trẻ và đọc những thứ họ viết ra vào thời điểm ấy. Ừ thì trẻ. Trẻ, nhưng họ là nhà báo.
Thay cho nỗi tiếc thương bởi sự ra đi của một con người lớn, một số thành phần cuồng tín trong đó đã biến tang lễ thành một cuộc đấu tố. Họ nhân danh họ là nhà báo, họ là nhân dân để biến mình thành những anh hùng bảo vệ sự tôn nghiêm, biến mình thành kẻ chỉ điểm, biến mình thành quan tòa, biến mình thành nhà quản lý.
Tôi đã sống đủ lâu, đã chứng kiến đủ nhiều để rồi đặt ra câu hỏi: Họ đã ở đâu những lúc mà người đã khuất cần đến họ?
- Họ đã ở đâu khi người đã khuất gửi hết tâm tư vào những trang thư đề nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên?
- Họ đã ở đâu khi ông gửi thư bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu?
- Họ đã ở đâu khi ông viết bài báo nói về thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay?
- Họ đã ở đâu trong cái kiến nghị không mở rộng thủ đô?
- Họ đã ở đâu vậy, suốt bao nhiêu năm qua, người đã khuất phải nằm vật vờ, sống nhờ vào cái bóng quá khứ của mình?
Tôi chẳng nhìn thấy họ ở đâu trong những lúc ấy. Rất ít sự ủng hộ, phần đông chỉ là im lặng, không có bao nhiêu những bình luận mang tính cá nhân trên mạng xã hội.
Và rồi lễ đưa tang họ đột ngột xuất hiện.
Họ đã tự cho mình cái quyền gì để đem cái đạo đức của mình ra làm quy chuẩn đánh giá xã hội, đấu tố cá nhân? Và chắc chắn là những người trong số họ, đã căn cứ vào sách vở nào để khiến cho đất trời phải đổi sắc mây, cây bằng lăng phải thay màu lá, con rùa Hoàn Kiếm phải ngóc đầu dậy gật gù bái biệt?
Họ đã đại diện cho cái gì để tạo ra những cuộc đấu tố vĩ đại trong những ngày tang lễ? Đấu tố một anh phát thanh viên lỡ mồm; đấu tố một anh phóng viên ảnh hăng hái quá mức; đấu tố một chú cộng tác viên chụp ảnh tự sướng trong lúc chờ đoàn xe tang đi qua...? Chắc gì họ đã buồn chưa, sao bắt người khác phải đau khổ rấm rứt?
Tôi bàng hoàng thực sự khi nghe thấy lời xin lỗi của lãnh đạo một đài truyền hình. Dư luận khủng khiếp đến mức tạo ra một sức ép chính trị chỉ bởi nửa câu lỡ lời. Mà đáng lẽ, một lời xin lỗi của anh phát thanh viên đối với khán giả là xong; đằng này, lãnh đạo phải nghiêm trang đứng lên tạ tội như thể ông đã không dạy dỗ chu đáo, để nhân viên của mình rút súng bắn chết mấy chục triệu người.
Cơn điên của xã hội hay dư chấn của trận lên đồng còn khiến cho rất nhiều người trong xã hội biến thành chó săn, thành chỉ điểm; tìm ra cho được cái thằng đã dám chụp ảnh tự sướng trước mặt nhiều người. Cứ cho rằng nó thiếu lịch sự; thì thử hỏi hành vi của nó có thể khép vào tội gì? Nó có trần truồng chạy ra giữa đám tang hay buông lời chửi bới người đã khuất không? Hay nó chỉ chụp ảnh nó, rồi quay ra làm công việc mà nó được giao? Nó làm thế thì gây thương vong, tổn thất đến ai, hay là trong tang lễ có quy định cấm chụp ảnh tự sướng?
Khoảng thời gian ấy, bạn chỉ cần mở miệng lỡ lời thôi là hàng trăm danh hiệu "phản động", "súc vật", "chó má", "vô cảm", "ngu dốt"... sẽ được trao cho bạn. Nhưng tin tôi đi, chừng một tháng nữa thôi, khi thông tin về đám tang ấy không còn là một thứ thời trang, những người tham gia vào việc tạo ra những danh hiệu ấy sẽ quên hẳn rằng họ đã từng tự cho mình là một nhà phán xét đạo đức trong một cái đám tang như thế.
Cũng chính là họ, họ đã im lặng khi những dòng người xuống đường biểu tình đòi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Họ đã im lặng. Nhưng rồi khi dân Tàu xuống đường phản đối Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì họ viết bài ngợi ca rằng dân xứ Khựa yêu nước lắm.
Dẫu biết có những kiểm duyệt đang siết ngòi bút của họ lại; nhưng cũng đừng mong tìm thấy một ý kiến cá nhân của họ về các vấn đề ấy trên các diễn đàn, trên các trang cá nhân.
Tin tôi đi, chừng một tháng nữa thôi, những con người ấy sẽ biến mất trong chính những bài báo mà họ viết. Những bài báo chỉ nương quan điểm theo số đông, chẳng chính kiến, không lập luận, thiếu thống kê, không một cơ sở pháp lý; nhưng lại rất an toàn trước dư luận và nhà quản lý. Họ chỉ hăng hái, to mồm mở các cuộc đấu tố những lúc có thể kiếm nhuận bút. Khi rủng rỉnh túi tiền thì họ lại tiếp tục biến mất như chưa từng xuất hiện.
Thà rằng họ im lặng.
Chừng một tháng nữa thôi, sẽ chẳng còn ai nhớ tới họ nữa.
BLOG VIẾT TỪ SÀI GÒN
Gần đây, chuyện cứu trợ đểu, cứu trợ không đúng địa chỉ, cứu trợ chiếu lệ, ăn gian quà cứu trợ nghe ra bùng phát dữ đội, và báo chí trong nước đưa tin phản ảnh cũng hết lời gay gắt. Mới đọc, mới nghe, cứ nghĩ báo chí trong nước đã tiến bộ, đã công tâm, dám đưa tin sự thật… Nhưng, ngẫm lại, thật ra, đây là trò vừa đánh trống vừa la làng của báo nhà nước không hơn không kém. Cố tình đưa tin cho vấn đề trở nên bi thảm, kịch tính và sau đó lại quay sang xét nét, vạch lá tìm sâu, đó là kiểu làm việc của báo nhà nước chăng?
Đương nhiên, khi đưa ra vấn đề này, người viết có đủ cơ sở, bằng chứng để khẳng định đây là trò chơi vừa đánh trống vừa la làng, a dua hốt bạc của báo chí nhà nước nhân dịp bà con miền Trung bị thiên tai, đau khổ. Nếu không tin, bạn đọc vui lòng đọc lại báo Tuổi trẻ, phần tin tức về lũ lụt miền Trung sau bão Wutip, đặc biệt là tin Hội An ngập lụt. Những tấm ảnh trên báo đều là ảnh trận lụt năm 2010 trên đường Nguyễn Thái Học, Hội An. Vì cho đến thời điểm bây giờ, sau hai trận bão lớn ở miền Trung, đường Nguyễn Thái Học, Hội An chưa bị ngập lụt sâu đến mức độ của tấm ảnh 2010 chụp. Thậm chí, con đường này chỉ bị nước thủy triều dâng mỗi chiều, ngập đến mắt cá chân. Rõ ràng, đây là tấm ảnh láo!
Và trên các báo khác, tin về lụt Hội An cũng hoàn toàn không chính xác. Đó là chưa muốn nói đến chuyện cứu trợ. Hễ cứ có một đoàn cứu trợ nhỏ, về tặng mấy gói mì tôm, mấy lít nước mắm, nửa ký đường thì báo chí nhảy vào cuộc rùm beng, loan tin đoàn này, cơ quan nọ đã đến tận nhà, trao quà cho bà con, tỉnh cảm sướt mướt, nước mắt chẹp nhẹp… Nhưng trên thực tế, những tấm hình chụp cũng chỉ là hình dựng, phóng viên theo chân hoặc dắt nhà cứu trợ đến một nhà nào đó, đạo diễn tặng quà để chụp hình, người được cho quà cũng thấy vui, dù là không biết bên trong có gì, cũng mừng mừng tủi tủi, kẻ cho quà cũng cảm động, thậm chí rưng rưng nước mắt, thế là có bức ảnh đẹp, gây hiệu ứng…
Chuyện này diễn ra như cơm bữa trong làng báo, lẽ ra không cần bàn. Nhưng, xét cho kĩ, đó là chuyện rất cần bàn! Chuyện là thế này, sáng nay, bà bạn Sài Gòn của tôi bất ngờ xuất hiện ở miền Trung, gọi điện mời tôi đi cà phê, lúc này tôi đang ở Hà Tĩnh, bà bạn cho biết là bà đang ở Hội An, Quảng Nam, vài hôm nữa sẽ ghé Quảng Bình, tiện thể mang món quà cứu trợ đến Lệ Thủy, trao cho vợ con tôi. Tôi nghe hơi chưng hửng, không hiểu bà bạn có ý gì, vì nhà tôi không hề bị lột mái, cũng không có thiệt hại gì nặng, chỉ gãy đổ mấy cái cây. Như vậy thì có gì mà cứu trợ. Nhưng tôi cũng cám ơn bà bạn và hẹn gặp sau, định bụng lúc đó sẽ giải thích chứ bây giờ giải thích ngay thì làm bà bạn mất lửa… cứu trợ!
Đến trưa, bà bạn lại gọi điện thoại, than phiền thất vọng, tôi hỏi vì sao lại thất vọng. Bà nói nghe tin Hội An bị ngập lụt nặng, dân tình đói khổ, rồi đây là cái rốn bão, mọi thứ đều xác xơ nên mới mang tiền ra cứu trợ. Ra tới nơi thì ngỡ ngàng nhận ra rằng không chừng Hội An cứu trợ cho bà cũng nên, vì họ quá giàu, nhà cửa an toàn, đâu có ai bị gì! Tôi an ủi bà bạn cố gắng đi những vùng phụ cận thử xem sao. Bà này thở dài, nói rằng cũng vậy thôi, do báo chí thổi bùng lên làm cho ai cũng có cảm giác Quảng Nam đói đến nơi, quà cáp đổ xô tìm về xứ Quảng, trên thực tế chẳng đến mức như vậy!
Tại sao lại có chuyện tréo ngoe như thế? Lẽ ra báo chí đưa tin sai, cơ quan chính quyền địa phương phải đính chính, thậm chí phản đối mới đúng chứ? Không đâu, thậm chí, những phóng viên đưa tin thổi phồng bi kịch như vậy, năm sau ghé về, sẽ được nhà cầm quyền địa phương sốt sắng đón chào, tay bắt mặt mừng, bia rượu ê hề, không chừng có thêm món chân dài mắt lá răm ăn dặm chở khuya nữa là đằng khác!
Vì chí ít, phóng viên này đã giúp cho giới quan chức địa phương vừa nhận được hàng cứu trợ, mà một khi dân không bị gì nặng thì đương nhiên quà cứu trợ vào tay các quan, chia nhau mà nhậu chứ mà lị! Lại vừa được miễn một khoản nộp ngân sách nhà nước trong năm sau vì năm này gặp phải thiên tai. Thế thì còn gì thích bằng, có mà dại mới đính chính, không chừng còn bỏ phong bì cho phóng viên này nói quá “một tí” cho nó ngọt nữa là đằng khác!
Về phía tòa soạn, gì thì gì, tin phải hot. Cứ dựa trên nguyên tắc hot hot hot… mới phát hành, mới trụ vững trong cái thời thị trường chen chúc thằng mạnh húc thằng yếu, thằng có thế đạp đầu thằng cô thế. Chính vì thế, việc phóng viên dùng hình lụt 2010 minh họa cho bài lụt 2013 là chuyện không có gì để bàn, miễn sao bài nó hot là được tất. Bất quá thì nói đó là hình minh họa, thế thôi!
Và cũng nhờ những bài báo bé xé cho to, bi kịch hóa cấp số nhân của báo chí, nhân dân mủi lòng, nhịn ăn mà cứu trợ. Đến lúc này, lại có thêm mảng tin cứu trợ, và lại cố gắng vạch lá xem sâu chỗ nào đó chia cứu trợ không đều mà không biết điều với nhà báo, đánh một quả! Chứ thử nghĩ, có chỗ nào là chia quà cứu trợ đàng hoàng, tử tế, có chỗ nào mà quan chức địa phương không chấm mút cứu trợ, không cắt xén tàn bạo quà cứu trợ? Thế sao phóng viên chỉ đưa tin vài nơi, mà toàn là những nơi không đáng kể, còn lại, đâu đâu cũng “lá lành đùm lá rách”, nước mắt bèm lem…!
Bởi vì đơn giản, những chỗ biết điều thì phóng viên bỏ qua, những chỗ không biết điều thì phóng viên đánh cho mày chết! Cuối cùng, chuyện cứu trợ trở thành trò tung hứng của báo chí nhà nước với các quan chức địa phương, kẻ la làng chợ cháy, kẻ bợ bánh tráng bỏ chạy, chỉ có dân đen là đứng lại với gương mặt ngơ ngác, không hiểu ai cháy, cháy ai và bánh tráng nhà mình bị bợ lúc nào… Thế mới biết là báo chí nhà nước nhân đạo cỡ nào!