Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013
Ghé thăm các blogs: 01/10/2013
BLOG TẢN MẠN VÀ CẢM NHẬN
Sự việc tưởng chừng như lắng đi sau kỳ thi đại học, lại được khuấy lên khi bác Thanh Bá bút phê xin việc cho một Thạc sỹ văn chương loại giỏi thất nghiệp phải đi làm công nhân.
Những việc làm trên của các vị tưởng là hay, là đi sâu sát thực tiễn. Những ngẫm kỹ ra, lại là một việc rất hồ đồ và phản cảm.
Tại sao lại nói vậy? Rõ ràng trong thời điểm kinh tế suy thoái, việc gia tăng thất nghiệp là không tránh khỏi. Khi mà vấn nạn tham nhũng, nhận hối lộ vẫn đang hoành hành, thì những người không có tiền và quan hệ không xin được vào cơ quan nhà nước là điều dễ hiểu.
Trách nhiệm của các bộ ban ngành, đặc biệt là những người đứng đầu là phải xây dựng được cơ chế, chính sách, tạo ra những đột phá để giúp đất nước vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, hạn chế tham nhũng, nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ công chức.
Rõ ràng kinh tế đất nước vẫn đang rất khó khăn, tham nhũng cửa quyền tiếp tục hoành hành làm mục nát chính quyền. Các bộ ngành bị vướng cơ chế, luật chồng chéo luật, giải quyết công việc cứ rối như gà mắc tóc. Vậy mà các vị không lo giải quyết, lại thích thể hiện ở những việc tủn mủn như ký tuyển dụng hay bút phê xin việc.
Thế mới nói hồ đồ và phản cảm là vậy.
Quay lại việc cô Thạc sỹ văn chương loại giỏi phải đi làm công nhân. Theo quan điểm của người viết, cô này là loại “bằng giỏi nhưng cực dốt”. Có bằng giỏi mà lại cực dốt là sao? Bởi vì cái bằng giỏi là do học vẹt nên điểm cao, nhưng thực chất không có một chút tư duy và kiến thức thực tiễn nào cả.
Người viết có loạt bài phê phán tình trạng “thợ dạy” trên giảng đường đại học đã minh chứng kiểu học thầy đọc trò chép trong giáo dục đại học. Thế nên đôi khi những sinh viên đần đần một tý, nhưng chăm chỉ một tý, chịu khó mài đít trên giảng đường học vẹt thì kiểu gì điểm cũng rất cao. Thầy nào thì trò nấy. “Bằng giỏi nhưng cực dốt” chính là thế.
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Một người giỏi thực sự, có trong tay bằng Đại học sư phạm ngành Văn loại giỏi, có trong tay bằng Thạc sỹ nghành Văn học Việt Nam loại giỏi mà phải đi làm công nhân thì chắc chắn là loại “bằng giỏi nhưng cực dốt”.
Rõ ràng, nếu một người giỏi thực sự, có học vị Thạc sỹ, thì không thiếu gì việc làm để kiếm tiền, đâu nhất thiết phải xin vào nhà nước.
Đơn cử, với một Thạc sỹ văn chương loại giỏi, lại có kỹ năng sư phạm, chỉ cần ngồi viết báo, viết bài phê bình văn học, thậm chí là viết bài đưa tin bằng đúng chuyên môn của mình để gửi cộng tác với hơn 700 tờ báo lớn nhỏ, chưa kể các tạp chí văn chương thơ phú của xứ An-nam cũng đã sống thoải mái. Không thì chí ít cũng đi dạy hợp đồng cho mấy trường dân lập để xứng đáng với cái bằng loại giỏi và công sức đi học. Chứ sao Thạc sỹ văn chương loại giỏi lại đi làm gia sư, rồi đi làm công nhân thời vụ như thế.
Thế nên, bác Thanh Bá chả chịu suy trước nghĩ sau gì cả. Ai lại đi phê đơn xin việc cho những loại “bằng giỏi nhưng cực dốt” như thế, làm vậy quá bằng hại đất nước này.
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Chính bác đang phải cầm thuyền trượng đi dẹp tham nhũng, mà tham nhũng toàn do các quan tham và quan dốt là con cái của quan tham và quan dốt đi trước. Bài học nhãn tiền như thế, bác không tránh đi mà lại giúp những kẻ dốt vào cơ quan nhà nước là làm sao?
Người viết đã từng có một entry: “Không thất nghiệp mới là lạ” để nói chuyện này. Người viết còn nhìn ra được thế, lẽ nào bác không nhìn thấy.
Vẫn còn đó những hậu quả do “một bộ phận không nhỏ” những kẻ mà Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã ví von “dắt qua Liên Xô một con bò khi về được một tiến sĩ” đã tàn phá đất nước này (đặc biệt là đối với nền giáo dục và khoa học công nghệ).
Vì vậy, dù biết điều này chả đến được tai bác, nhưng vì sự phát triển của nước nhà, người viết đành cố gào vậy.
Không nên khuyến khích loại "bằng giỏi nhưng cực dốt" tàn phá đất nước này nữa, bác Thanh Bá ạ!
(@ by Baron, 2013)
Bài báo thông tin về việc này: Ông Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc cho thạc sĩ
BLOG QUÊ CHOA
Nguyễn T Bình
Ba Lâm Hoài Phương – G.đốc Bệnh viện RHM TƯ Tp HCM
Trên trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 24/9 mới đây đưa tin“Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM bị thôi chức”. Tin này cũng bình thường thôi, nếu trong ruột nó không đưa thêm thông tin “bà Phương (Giám đốc BV) sẽ chuyển qua giảng dạy ở Trường đại học y dược TP.HCM”.
Trời mẹ ơi ! Đọc hết nội dung tin trên tôi nẫu lòng còn hơn khi đọc cái tin “TP.HCM: Chín tháng, 800 người chết vì TNGT” (tai nạn giao thông), do ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT. TP.HCM công bố vào trưa ngày 22/9 (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 23/9, trang 2). Vì, dù sao người chết cũng đã chết rồi, không sống lại được, dù buồn đau biết bao. Nhưng, những người đang sống, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn và dù nhiều hay ít cũng có thể bị bệnh đến nhà thương công hoặc tư khám chữa bệnh. Nếu chẳng may họ gặp phải bác sĩ là học trò “chân truyền” của bà giám đốc bệnh viện răng hàm mặt trung ương (TP.HCM) vừa bị Bộ Y tế quyết định cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc (và tất nhiên không còn làm bí thư đảng ủy bệnh viện) vì “không chấp hành qui định của Nhà nước về hành nghề y tư nhân; lãnh đạo bệnh viện thực hiện qui chế dân chủ chưa tốt, chưa nghiêm túc trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện kê khai minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai thuế cá nhân theo qui định…”, không biết thân phận bệnh hoạn của họ sẽ ra sao?
Trường đại học y dược nói chung là nơi đào tạo đội ngũ trí thức chuyên làm công việc trực tiếp cứu người, giúp con người chống lại bệnh tật, duy trì sự sống đúng theo mệnh trời. Do vậy, nghề và nghiệp bác sĩ từ lâu được xã hội quí trọng. Còn bệnh viện nói chung là nơi các bác sĩ thực hành, thể hiện trình độ, kết quả sau nhiều năm học tập cả về y thuật và y đức. Do vậy, từ lâu người dân VN đã quen gọi bệnh viện là nhà thương – trái nghĩa với nhà ghét, nhà thù.
Những người làm công tác tổ chức đảng, tổ chức chính quyền nghĩ sao trước sự việc bà bác sĩ giám đốc, bí thư đảng ủy BV. RHM. TW TP.HCM bị kỷ luật nhưng được chuyển qua giảng dạy ở Trường đại học y dược TP.HCM ? Bà này sẽ giảng dạy ra sao trong thân thế đã bị đảng, chính quyền “chê” về nhiều chuyện ? Rồi đây các sinh viên theo học chuyên khoa răng hàm mặt ở Trường đại học y dược TP.HCM sẽ thụ giáo được gì nơi bà này – cụ thể về y đức ?
Tôi không nói trong trường hợp trên, đảng và chính quyền tuy hai mà một đã cố ý “nhân rộng điển hình” về phẫm chất, đạo đức, ý thức nghề nghiệp, ý thức thượng tôn pháp luật của những người giống như bà bác sĩ giám đốc BV. RHM.TƯ.TP.HCM – theo nghĩa đang từ phạm vi hẹp (BV) chuyển sang phạm vi rộng, có sức lan tỏa xa (Trường ĐHYD). Nhưng thực tế đúng là vậy. Tại sao không để bà bác sĩ ấy về lại hẳn tư gia tự tu thân, tự nhìn lại quãng đời làm bác sĩ, làm giám đốc bệnh viện mình đã đúng sai, xấu tốt ra sao, như thế nào ? Hay vì bà bác sĩ này là đảng viên, “người đằng mình”, nên đảng phải cưu mang suốt đời – theo lối nghĩ “sự nghiệp của đảng dài hơn đời người” của ông Nguyễn Chơn Trung (6 Quang) trong bài viết dụ khị ông Lê Hiếu Đằng vừa qua ?
Thảo nào trong thực tế có nhiều cán bộ đảng viên bị đồng nghiệp, đồng sự, quần chúng tố cáo, tổ chức không thể để tại vị mãi được bèn bốc đi chỗ khác và lắm trường hợp nhờ được bốc đi chổ khác lại lên chức cao hơn, quyền nhiều hơn, bổng lộc dồi dào hơn, tầm tác động và tác hại lan tỏa rộng hơn. Quan trọng hơn, đảng vẫn không bị mất / bớt tay sai. Chỉ có người đàng hoàng, chân thật, hay cả tin mới bị thiệt hại, tổn thương, thất vọng mà thôi. Từ lâu rồi, trong dân gian đã đúc kết thành kinh nghiệm nhận diện con người “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nói nôm na, chế độ nào đẻ ra con người nấy, bộ máy nấy. Chúng ta đã thấy và nghe quá nhiều về y đức cùng bao điều tệ lậu trong ngành y tế dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của đảng. Bệnh viện công không ra bệnh viện công. Sự nghiệp “trồng người” trở thành bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức không được chú trọng tương xứng, thậm chí giao vào tay những người giống như bà bác sĩ giám đốc bệnh viện RHM trung ương tại TP.HCM vừa bị thôi chức. Nếu không nói, đảng chỉ chú trọng củng cố, phát triển đảng để có đủ lực lượng “ổn định chính trị” lâu dài mà thôi. Chả trách sao, không ít người bị bệnh nặng buộc phải đến bệnh viện khám chữa trị, khi được hỏi “bệnh viện có phải là nhà thương không”, người nào cũng lăc đầu thay lời đáp “không phải”.
Thêm một lần “quả tó rồi nhé” cái chính sách cán bộ “xấu tốt như nhau”, cán bộ đảng viên bị kỷ luật cũng như cán bộ đảng viên không hoặc chưa bị kỷ luật đều giống nhau, tất cả đều là người “đằng mình” cả thôi. Bác sĩ giỏi, đạo đức cách mấy, nếu không là đảng viên khó có vị thế, tiếng nói “ngang bằng”, nói chi “thượng phong” so với bác sĩ đồng thời là đảng viên – bởi ở nước ta lâu nay không có vị trí nào hơn vị trí đảng viên và không có đạo đức nào hơn “đạo đức cách mạng” (sic).
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
BLOG NGUYỄN QUANG VINH
Thím Doan nói trong cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần trước: "Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì".
Mình đã bình về hai chữ "người ta" rồi.
Giờ thì đây, trong rất nhiều tập hợp của những kẻ xấu xí ở "người ta", đã tòi ra một cái tên: Bác sĩ Vũ Thị Thanh, giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội (Nguồn: http://infonet.vn/Thoi-su/He-lo-tinh-tiet-rung-dong-vu-trao-thuy-tinh-the-BV-Mat-Ha-Noi/111509.info)
Dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của "phù thủy" Vũ Thị Thanh, bà này đã chỉ đạo nhân viên các khoa "ăn" của dân về thủy tinh thể bằng cách đổi tráo thủy tinh thể Mỹ ghi trong hóa đơn thành loại thủy tinh thể thấp cấp, giá rẻ để rút tiền.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy đã tố cáo và các cơ quan thanh tra xác nhận đơn tố cáo của bác sĩ Thủy là đúng, nhưng lại kết luận do "thiếu sót chuyên môn".
Không hài lòng, bác sĩ Thủy đã đưa đơn tố cáo trực tiếp cho ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội- ông Phạm Quang Nghị.
Ông Nghị nói: “Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết nhiều lần nhưng chị Thủy không hài lòng với kết luận thanh tra. Tới đây tôi sẽ giao cho thanh tra liên ngành vào cuộc”.
Sai phạm quá rõ dù thanh tra chỉ đưa ra con số thủy tinh thể bị tráo khi thay cho người dân là con số 703 ca mổ gian lận, nhưng con số thật có thể lên tới 3000 ca, và số tiền chênh lệch ăn cắp của bệnh nhân là hàng tỉ đồng.
"Ăn" thế này, nếu chỉ nhìn vào số tiền rút bớt do chệnh lệch giá, thường gọi là ăn bẩn.
Nhưng "ăn" thủy tỉnh thể do đánh tráo của người bệnh còn là tội ác.
Khi các bác sĩ ở Viện Mắt Hà Nội dám "ăn" cả ánh sáng của bệnh nhân thì hành vi đó thuộc vào hành vi ác độc.
Hành vi đó đáng phải tử hình.
Vì với thủy tinh thể giá rẻ, chỉ mấy năm sau, nhiều người có thể mù lại, và khi mù lại thì không thể thay thủy tinh thể lần nữa.
Mấy hôm nay, đọc đến tên bác sĩ Viện trưởng Viện Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh thấy bốc lên mùi tanh.
Không còn là vấn nạn về chuyên môn, thái độ, hành vi ăn cắp, tham ô, bòn rút tiền bạc bệnh nhân của một số bác sĩ đã trở thành hiểm họa rình rập cuộc sống bình yên của từng gia đình. Như với Viện Mắt Hà Nội, bệnh nhân có thể mù lại bất cứ lúc nào vì hành vi đánh tráo thủy tỉnh thể ác độc.
Những kẻ như thế gọi là " bác sĩ cá sấu" luôn chực mò vào từng ngôi nhà bình yên để "ăn thịt" dân lành.
BLOG NGUYỄN DUY XUÂN
Cái tên Đại Phong (bây giờ thuộc xã Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi tiếng từ hơn nửa thế kỉ trước bởi lúc bấy giờ nó là ngọn cờ đầu sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi của miền Bắc XHCN. Với thế hệ những người ngấp nghé U60 trở lên không ai là không biết đến câu “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong” lừng lẫy một thời.
Cứ nghĩ Đại Phong ngày nay chắc khác hẳn Đại Phong nửa thế kỉ trước, nhưng thật không ngờ, đọc bài Bán chó làm đường trên Pháp luật thành phố mà không khỏi giật mình xót xa cho một vùng quê luôn sôi sục tinh thần cách mạng. Người nông dân vẫn còn vất vả với bao lo toan của cuộc sống thường nhật, tuy “gió Đại Phong” vẫn bừng bừng khí thế trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay.
Để thực hiện chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, để làng quê được nở mày nở mặt với thiên hạ, Đại Phong phải hô hào dân đóng góp không chỉ có công sức mà cả tiền bạc. Nhưng thay vì giãn ra từng đợt, từng năm để dân đỡ vất vả thì địa phương lại bắt dân đóng cái rụp một lần, hộ ít vài ba triệu, hộ nhiều cả chục triệu cho nên nhà nào cũng phải gồng lên. Số tiền đó quả là quá sức đối với những người nông dân ở một vùng quê nghèo. Nhiều gia đình chạy ngược chạy xuôi, cắm sổ đỏ, vay lãi cao, có những hộ cận nghèo phải bán lúa non ngoài đồng để nộp cho đủ số tiền đã được phân bổ. Nghị quyết ban rồi, không thể làm khác được. Vả lại người nông dân dù nghèo khó nhưng vẫn trọng danh dự, không muốn nhục vì thiếu tiền mà bị réo tên trên cái loa công cộng. Còn chính quyền thì chỉ biết làm sao lập được thành tích càng nhanh càng tốt, chẳng cần quan tâm đến việc dân đang phải khốn khổ xoay sở ra sao.
Ông Phạm Xuân Phồn (80 tuổi), một hộ nghèo, cho biết: “tui cực khổ xóm cho nộp 2,2 triệu đồng, tui chẳng có tiền. Nuốt nước mắt, cả nhà có được cái tivi cũ cùng con chó mới lớn, dặn vợ đưa con chó vàng ra chợ bán được 600.000 đồng. Về nộp cho xóm 500.000 đồng, còn lại nợ. Trăm ngàn tiền bán chó vàng còn lại tui ra mua con chó khác về nuôi”.
Chuyện thật như đùa, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố mà thôi?
Bỗng nhớ đến chuyện mấy bữa trước Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc trước việc dân mình còn nghèo mà nhiều địa phương xây trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy như cung điện. Giá như bớt được một phần nhỏ kinh phí xây dựng những cái “cung điện” ấy thì sẽ thêm được hàng ki lô mét đường nông thôn bê tông hóa và những người nông dân nghèo như ông Phồn nhờ đó mà vợi đi một phần cơ cực. Giá như…
21-9-2013
Nguyễn Duy Xuân
BLOG ĐINH TẤN LỰC
CON GÌ LÀM RA TIỀN NHIỀU NHẤT?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng sau đây của phóng viên Ngọc Hà (hãng thông tấn Ý Dân) nhằm làm rõ hơn ý kiến của thủ tướng:
Hỏi: Mong ngài thủ tướng nói rõ hơn điều gì khác biệt nổi trội nhất giữa 1 nền kinh tế “nhiều thành phần-một định hướng” của Hà Nội với 1 nền “kinh tế thị trường” mà ông đang yêu cầu Hoa Kỳ công nhận?
Đáp: Trong cả hai nền kinh tế, người ta vẫn hỏi khó nhau là con gì làm ra tiền nhiều nhất? Trả lời được câu hỏi này thì sẽ hiểu tất tần tật những nguyên tắc cốt lõi của các nền kinh tế…
Trong nền kinh tế “nhiều thành phần-một định hướng” thì đó là con tôm xuất khẩu.
Trong giai đoạn quá độ giữa nền kinh tế tập trung và kinh tế thị trường thì đó là… con gái xuất khẩu.
Còn trong nền kinh tế thị trường ở VN xứ tôi, hiện giờ và trong tương lai những năm trước mặt, thì chắc chắn đó là… con dấu.
BLOG ĐÀO TUẤN
Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, chỉ có điều đừng kèm theo một chữ “Nếu”.
Hình như hoàn toàn không vô tình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trước nghị trường, đã yêu cầu một cách chân thành về một “sự xuất hiện”, một “thông điệp” mà Bộ trưởng Y tế cần phải có, trước nhân dân.
“Tôi đã thấy có sự mất tin cậy…Chị Tiến phải xuất hiện. Sự xuất hiện của Bộ trưởng sẽ tạo sự tin cậy. Tôi biết khó, chị Tiến đã trao đổi với tôi những cái khó, nhưng Bộ trưởng rõ ràng phải có thông điệp”- bà nói.
Câu hỏi đặt ra là: Nhân dân đang cần sự xuất hiện như thế nào và Bộ trưởng nên có thông điệp gì?
Nhớ hồi đầu năm, khi “vi hành” tới Viện Ung bướu ở TP HCM, Bộ trưởng Tiến tận mắt chứng kiến cảnh ngộ “chui gầm giường” vì quá tải của các bệnh nhi. Một cái tít cực kỳ ấn tượng xuất hiện ngay sau đó: “Bệnh nhân bò từ gậm giường ra chào Bộ trưởng”.
Những người dân thừa kiên nhẫn và vẫn lịch sự trong cảnh khốn nạn của mình. Và hẳn nhiên, họ tin bà Bộ trưởng cảm thấy đau lòng. Bởi không chỉ gầm giường, hành lang, ghế đá, gốc cây…từ lâu đã trở thành giường bệnh.
“Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam”- Thật ngạc nhiên, câu này cũng của Bộ trưởng Tiến, người được coi là thật thà, là “Chà, bả nghĩ cái rồi bả nói thế”.
Và cũng không đâu có những Bộ trưởng Y tế… hồn nhiên như ở Việt Nam.
Còn nhớ vào chiều 22.11.2010, bị truy trách nhiệm trước lời hứa giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phát ngôn: “Qua truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ”.
Đó cũng có thể là lý do, trong lễ bàn giao sau đó gần 1 năm, ông Triệu cho biết ông cảm thấy “nhẹ nhõm”, “vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.
Thật khó có thể nhẹ nhõm, khi nghe Bộ trưởng nói ra hai từ “nhẹ nhõm”. Những “anh bệnh nhân nằm trong bệnh viện” cũng khó có thể thanh thản trước cảnh cá hộp như thể đi đày.
Cũng trong lễ bàn giao vào ngày đẹp 8.8 hôm đó, Tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Đối với ngành y tế, có những nhiệm vụ có thể giải quyết dứt điểm ngay trong một nhiệm kỳ nhưng có rất nhiều nhiệm vụ phải mất đến mấy thập kỷ có lẽ mới giải quyết được”. Một trong 5 “thách thức” mà bà nêu có thách thức là “Tình trạng quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải”.
Nói ra thật lẩn thẩn, nhưng niềm mong ước của người bệnh có khi chỉ là được nằm trên giường để trị bệnh.
Muốn giảm tải thì phải làm gì?
Bất cứ bệnh nhi nằm gầm giường nào, thậm chí chưa được học đến hai chữ “biện pháp”, cũng có thể trả lời rành rọt: Phải xây thêm bệnh viện. Phải “phân luồng từ xa”. Và giải pháp cho mọi giải pháp là phải có tiền.
Nhưng nếu chỉ kêu khó vì không có tiền, hoặc nêu giải pháp bằng một chữ “nếu” thì một đứa trẻ lên ba cũng có thể làm bộ trưởng.
Cái người dân cần sự xuất hiện, vì thế, không phải chỉ để chính Bộ trưởng cũng than như bệnh nhân, rằng “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam… Bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường”.
Tin thời sự là một quan chức Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ vừa ca ngợi Dự án đường cao tốc Hà Nội- Bái Đính trị giá 3.500 tỷ là để phục vụ cho 6,5 triệu dân Hà Nội cuối tuần về Bái Đính, đi chùa, đi du lịch….tức là “chủ yếu để phục vụ nhu cầu du lịch và tâm linh” khi “Hiện nay tại Ba Sao cũng đang xây dựng chùa Ba Sao cũng tương tự như chùa Bái Đính, cùng với cảnh quan thiên nhiên tại Vân Long sẽ là những khu du lịch rất tuyệt vời”.
Du lịch cũng cần. Tâm linh cũng cần. Để người ta có thể thanh thản “như anh nông dân cày xong thửa ruộng” khi thoát khỏi những bức bối khi phải làm “anh bệnh nhân chui gầm giường bệnh viện” chẳng hạn.
Ai cũng muốn đi du lịch, muốn tâm linh… trong bệnh viện. Ai cũng hiểu không phải cái gì cũng đổ dồn lên đầu Bộ trưởng, nhất là khi “cái khó bó cái khôn”.
Giá như số tiền 3.500 tỷ cho nhu cầu tâm linh, du lịch kia được dành cho những bệnh viện cá hộp, giá như bệnh viện cũng nguy nga hoành tránh như những tòa trụ sở.
Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, nhưng có lẽ nếu có một thông điệp nào đó, người dân chỉ mong bà Bộ trưởng nói thẳng, như bản tính thật thà vừa được ca ngợi của bà, mà không kèm theo một chữ “Nếu”.
BLOG ĐÀO TUẤN
Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức. Có cái tâm con người bị xáo trộn. Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội
Một người đàn ông mù đứng trên bờ dòng sông lười tại một công viên nước. Và… vạch quần, tiểu vào những người đang thư thả nằm phao trôi ra từ đường hầm.
Đây là một trong những trò kinh điển của loạt chương trình hài Just For Laughs Gags nổi tiếng trên toàn thế giới.
Những “nạn nhân Canada” đã khó chịu không che dấu. Và họ phản ứng bằng cách la hét (để cảnh báo), ngã lộn xuống nước (vì tránh), hay nhảy lên bờ để “nói chuyện phải quấy”, tất nhiên, cũng chỉ nói bằng…mồm.
Nhắc lại, Just For Laughs Gags là chương trình hài được làm theo kiểu giấu camera, làm trò ngớ ngẩn để đối tượng không nghi ngờ và chộp những phản ứng hoàn toàn tự nhiên của họ.
Nhưng nếu trò chơi tè nhầm này diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây chẳng hạn, không hiểu, những phản ứng của người dân chúng ta sẽ thế nào?
Một sự thông cảm? Chút xíu càu nhàu? Một mẹt các loại thịt thừa vào mặt? Hay “nói chuyện phải quấy” bằng nắm đấm?
Rất khó để lấy những hình ảnh nữ sinh đánh ghen lột quần lột áo, thanh niên tóc xanh tóc đỏ ngay và luôn xử nhau bằng mã tấu, côn đồ ngập bệnh viện, hay những vụ nổ súng đang khiến cả xã hội bất an, để đánh giá nền tảng ứng xử cơ bản của một xã hội, một dân tộc, nhưng tình trạng bạo lực đến mức bất an như hiện nay, rõ ràng, đang đặt ra một câu hỏi lớn về sự…hài hước.
Năm ngoái, kết quả một cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân”, do Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện tại 53 quốc gia đã đưa ra khẳng định “Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất”.
Nói chính xác hơn, người dân Việt Nam lạc quan nhất thế giới, rất lạ là từ niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nhưng lạc quan nhất thế giới không có nghĩa là họ biết đùa, càng không phải biết cách giải quyết vấn đề bằng một cách thức lạc quan.
Ngày hôm qua, có 2 ý kiến đã nhắc tới những vụ nổ súng ở Thái Bình, ở Đồng Nai gần đây.
Trước nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại “Những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình”, để nói về định chế, và thực tế thu hồi đất với những “Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt”.
Mâu thuẫn gì? Mâu thuẫn như thế nào khiến những người hiền như cục đất phải khỏa thân, rào làng, lập miếu để giữ đất, và xả súng để giải quyết?
Đó là “cán cân lợi ích”, mà theo bà Nga, đang “nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư, người được lợi ít hơn là nhà nước còn người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân”.
Trong khi đó, một Phó giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển- Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh lý giải “cái tâm của con người bị xáo trộn, như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội”, bằng nguyên do Mỹ và cơ chế thị trường.
Bên cạnh nguyên nhân “mặt trái của những vấn đề pháp luật”: “Pháp luật xử có nghiêm, có đúng không hay còn để tồn tại những nỗi oan ức khiến người ta không xử với nhau bằng pháp luật được mà phải dùng tới luật rừng?”, vị Phó giáo sư tiến sĩ cũng khẳng định “Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, của những ảnh hưởng từ lối sống bạo lực bên ngoài”. “Chẳng hạn như lối sống của nước Mỹ, dùng súng có thể để tự vệ nhưng cũng có thể để thể hiện bản năng “cuồng sát” của một số người.
Đúng là đằng sau những vụ bạo lực có những mâu thuẫn đóng vai trò nguyên nhân.
Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức.
Có cái tâm con người bị xáo trộn.
Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội.
Nhưng không phải vì thế mà người ta giải quyết vấn đề bằng súng ống, dao kiếm, hay tự hủy như vụ tự thiêu ngay trước trụ sở Công an phương, chỉ vì một món nợ nhỏ, và bị xã hội đen thúc ép.
Và cũng đừng giải thích nguyên nhân bằng thủ phạm vô hình “cơ chế thị trường” hay “lối sống bạo lực từ bên ngoài”.
Cách nhìn nhận vấn đề cho biết hậu quả hay kết quả.
Muốn có một nụ cười, thay cho nắm đấm, chẳng hạn chỉ trong một trò chơi “Công viên nước”, có lẽ, những bức xúc xã hội ngay từ khi nó chưa thành hình phải được giải tỏa, bằng một lẽ công bằng trước nhất từ vấn đề lợi ích. Chứ không phải nhìn sang trại thủy quân Mỹ để tìm kiếm nguyên nhân, hay tự ru ngủ bằng những góa phụ trắng ở Kenya.
BLOG ĐÀO TUẤN
Bộ trưởng Tiến đã lại có một phát ngôn bất hủ: “Thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”.
Có 3 câu chuyện xảy ra ngay trước phiên giải trình thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Tiến. Ở Hải Phòng, một bệnh nhi đã trở thành tử thi sau một mũi tiêm. Không phải mũi tiêm vaccine ngừa bệnh mà mũi tiêm chữa bệnh viêm phổi, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là “sốc phản vệ”.
Ở Hà Nội, ở TP HCM, ở hàng loạt các tỉnh, dịch đau mắt đỏ đã hoành hành đến tuần thứ 3 trong tình trạng bệnh nhi chật viện, hiệu thuốc cháy hàng, sạch bách không còn một lọ thuốc. Và 5 bệnh nhi, thị lực suy giảm trầm trọng. Vâng, 5 đứa trẻ đang đứng trước nguy cơ mù lòa vĩnh viễn chỉ vì một căn bệnh thông thường.
Còn ở Đà Nẵng, Đà Nẵng chứ không phải Quảng Trị, một cử tri, khi tiếp xúc với ĐBQH Nguyễn Bá Thanh đã nói thẳng toẹt- theo tờ infonet- “Tôi và cử tri phường Hòa Thuận Tây không muốn nhìn thấy mặt bà Bộ trưởng Bộ Y tế nữa vì bà làm việc rất vô trách nhiệm. Chuyện trẻ em tử vong ở Quảng Trị cho thấy thái độ thờ ơ của Bộ trưởng”.
Vẫn biết là “bắt bà Bộ trưởng trên kia chịu thì làm sao bả chịu nổi, làm sao bả quán xuyến hết được”. Nhưng những câu chuyện thời sự đang cho thấy những tật bệnh của ngành y tế và cả những thương tổn xã hội.
Vụ bệnh nhi tử vong ở Hải Phòng do “sốc phản vệ”, cho thấy sự “hoang mang”, chữ dùng của ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh, đã trở thành một bệnh dịch trầm kha, sói mòn lòng tin của nhân dân vào những người thầy thuốc vốn vẫn được tôn xưng, và tự xưng là “từ mẫu”.
Dịch đau mắt đỏ lan khắp toàn quốc và những tấm biển hết hàng ở hiệu thuốc, đang chứng minh sức đề kháng của ngành y tế đang có vấn đề. Và “vấn đề” là sự bó tay trước một bệnh dịch “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.
Còn lời nói thẳng ở Đà Nẵng, nhìn nhận một cách lạc quan, giống như một liều kháng sinh cho riêng bà Bộ trưởng.
Hôm ở Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh có ý bênh khi ông giải thích chuyện chích ngừa vaccine, giải thích nguyên nhân quá tải bệnh viện. Còn bà Bộ trưởng thì “Cái bà Bộ trưởng này nhiều lúc bả nói… Chà, bả nghĩ cái rồi bả nói thế!”
Nhưng khen đấy mà chê đấy. Rằng thì “cũng đi tuyên truyền, cũng giáo dục, cũng căn dặn…rồi rứa đó chứ đến quên mất”.
“Tôi nghĩ ngành y tế chưa nắm được bệnh của mình”- ông Thanh nhận xét chí tử.
Ông Thanh nói cũng đúng.
Hôm qua, Bộ trưởng Tiến khi trả lời câu hỏi về cơ chế tự phát hiện sai phạm trong ngành, đã lại có một phát ngôn bất hủ: “Người cố tình làm sai chỉ có nội bộ mới biết chứ thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”.
Chịu, không phát hiện ra căn bệnh của mình. Và bệnh hay không tùy “vở sạch chữ đẹp”, tùy y đức.
Nhưng bác Thanh nói cũng chưa đúng.
Ở chỗ quá tải bệnh viện là căn bệnh đã xuất hiện từ thời bộ trưởng tiền nhiệm của bộ trưởng tiền nhiệm Bộ trưởng Tiến.
Chuyện những lời hứa giảm tải, rồi “quên mất” cũng từng di căn từ thời Bộ trưởng Triệu với phát ngôn bất hủ “Tôi có hứa gì đâu”.
Còn y đức, giống y như những mũi tiêm đau mà người dân phải chịu mỗi độ lơ đãng quên phong bì.
Căn bệnh của ngành y tế bà Bộ trưởng đã biết. Cái còn thiếu, chỉ là một liều thuốc, một mũi chích.
Thuốc có thể đắng như sự thật. Chích có thể gây “sốc phản vệ”, nhưng không dám nuốt đắng làm sao người ta có thể chữa khỏi bệnh được.