Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Ghé thăm các Blogs: 31/10/2013


BLOG ĐÀO TUN

Nếu mà biết cười, hẳn nhiên con ốc bươu vàng sẽ cười lên ha hả trước sự lành như đất của các cơ quan quản lý.

Rất đàng hoàng, điều 14 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật vừa được Quốc hội bàn tới chiều qua, ghi rõ cấm đưa “đất hoặc thực vật mang theo đất” vào Việt Nam.

Rất đĩnh đạc, một vị ĐBQH cho biết ông like mạnh quy định này bởi việc “cấm nhập khẩu đất nói chung là để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại xâm nhập vào nội địa”. Trong phát ngôn, ông còn nhắc tới “giá thể” mà có lẽ, không mấy người hiểu được đó là “đất trồng”.

Vậy là từ nay, muốn mang đất vào Việt Nam, phải có có sự OK, bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp. Thế là, ngay cả một cái cây cảnh, cũng vẫn phải có giấy phép con, phải xin cho, phải chạy chọt.

Nếu phải đưa ra một nhận xét, thì giấy phép con, hay cơ chế xin cho, trong trường hợp này, thực ra là cần thiết khi mà thực tế điệp trùng những cây, con, chất lạ mà ngay cả cơ quan quản lý cũng chẳng biết nó là cái gì.

Cũng lại phải nói thêm, việc cấm nhập đất trong luật cũng lại là cần thiết, theo nguyên tắc đã là luật có quy phạm cấm, thì phải lường hết được những gì… phải cấm. Ai mà biết được, nhỡ người ta mang “đất lạ” nhiễm độc như đất nhiễm “Nicotex Thanh Hóa” vào Việt Nam thì sao.

Nhắc đến Nicotex Thanh Hóa, lại phải nói rằng trước khi lo cái lo “đất lạ” to tát xa vời kiều nỗi lo ngày tận thế, hẵng cứ bàn đến những thứ lạ từ cây lạ, con lạ, chất lạ, và cả “đất lạ”…đang tràn ngập đất này đi đã.

Có nhiều con số thật khủng khiếp thực ra là có mối liên hệ bền chặt. Chẳng hạn cả nước có tới 28.593 đại lý và hàng chục ngàn cơ sở bán lẻ thuốc bảo vệ thực vật kịch độc với người trong khi trình độ dù i tờ hay tầm cỡ giáo sư tiến sĩ cũng lắc đầu với những nhãn hàng hoặc toàn chữ tượng hình, hoặc mang những cái tên khoa học bằng chữ la tinh. Rồi thì tới 70,8% những người hàng ngày tiếp xúc với thuốc độc đang pha chế thuốc bằng cách thêm nếm với trình độ của một đầu bếp. Hay câu chuyện Nicotex đang minh chứng xuất sắc cho sự hồn nhiên của các cơ quan quản lý: Đến một cái hố chôn đúng quy cách cũng chưa từng có. Và không thể không nhắc tới con số 110.000 ca K mắc mới mối năm khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam được đưa vào nhóm cao nhất thế giới.

Hôm qua, trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị An, một giáo sư tiến sĩ ngành hóa, đã thổn thức: “Tại sao ốc bươu vàng thương lái đi mua mà các đồng chí không cấm, không bắt luôn thương lái. Tại sao cứ để cho đi mua và tồn tại mãi không thể nào trừ được?”. Tại sao không xác định trách nhiệm của những người ký, phê duyệt liên quan đến những con vật lạ, như ốc bươu vàng, “dù đồng chí đó có về hưu đi chăng nữa”?

Đấy, một con ốc, sinh vật sống còn chẳng quản lý được gây hại gần 4 thập kỷ, huống chi đất.
Đến một cái lọ thuốc còn chẳng biết nó là gì, từ đâu, tại sao xuất hiện, và gây hại thế nào, huống chi thứ hàng hóa đương nhiên không nhãn mác xuất xứ đâu cũng như đâu, chỉ khác nước H2O, vẫn được ví là “lành như đất”.

Vấn đề không phải là cấm cái gì mà là việc thực hiện vấn đề cấm đó như thế nào. Nếu mà biết cười, hẳn nhiên con ốc bươu vàng sẽ cười lên ha hả trước sự lành như đất của các cơ quan quản lý.


BLOG ĐÀO TUẤN

Trong khi QH thảo luận luật PCCC, thì bà Hỏa điềm nhiên cho một mồi lửa. Cháy từ chợ Quảng Ninh cháy lan sang nhà Lang Mường Hòa Bình. Cháy từ mút xốp Hà Nội cháy đến cái đũng quần chị em Bắc Ninh.

Có nhiều chi tiết không biết nên cười hay nên khóc trong phiên họp cuối cùng của tuần họp Quốc hội đầu tiên, về luật PCCC.

Ấy là trong khi QH, trong hội trường, thảo luận luật PCCC, thì diễn ra ngoài thực tế 4 vụ cháy nổ. Nhà máy Diana ở Bắc Ninh thiêu rụi 400 tỷ bạc trong một vụ cháy kéo dài suốt 20h đồng hồ. Cháy chợ ở Quảng Ninh 150 kios bị thiêu rụi. Cháy nhà máy mút ở Hà Nội. Và ở Hòa Bình, nhà Lang Mường, ngôi nhà 1000 tuổi với hơn 200 hiện vật nguyên bản cháy thành tro chỉ vì một đôi nam nữ có thú vui tao nhã là lên đó “nướng ngô”. Còn lực lượng PCCC vì đường xa, khó đi, cho nên khi đến nơi thì bà Hỏa đã giương cờ trắng vì… không còn gì để cháy.

Y như là bà Hỏa vất găng tay thách đấu vậy!

Tới gần cuối phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đứng dậy bày tỏ mong muốn rằng ngay tại hội trường này, ĐBQH 2 tỉnh Hải Dương, Phú Thọ cần thẳng thắn trao đổi về các vụ việc trên để cử tri hiểu thấu đáo hơn về thực tế công tác PCCC.

Là vì cả buổi thảo luận, QH như thể “ăn cơm chay”, thiếu những thực tế từ cuộc sống, trong khi theo ông Phúc, vụ cháy tại Trung tâm thương mại TP Hải Dương cũng như vụ nổ kho thuốc pháo hoa ở Phú Thọ là những vụ cháy nổ điển hình, gây hậu quả lớn, cho thấy tình hình cháy nổ hiện nay đã thay đổi so với thời kỳ trước.

Sau đó có đại biểu nào phát biểu không? Câu trả lời là không.

Vì sao?

Không biết. Cưỡng từ đoạt lý mà giải thích thì có lẽ nên viện dẫn báo những dòng đánh giá công tác PCCC, có câu “lực lượng PCCC cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Hình như đánh giá này xúc phạm tới bà Hỏa, cho nên, nhà Lang Mường bị thiêu trụi trước khi PCCC có mặt. Nhà máy Diana cháy suốt 20 tiếng. Trong một thực tế chung mà ĐBQH Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường nhận xét: “Thực tế nhiều trường hợp nhận được tin báo cháy rồi mà xe chữa cháy của cảnh sát còn thiếu nước, phương tiện chữa cháy không sẵn sàng”. Hay nói như ĐBQH Bình Định Nguyễn Văn Cảnh “Đang chữa cháy thì hết nước”.

Cũng vào hôm đó, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng vẫn đang phân vân với giả thuyết nguyên nhân vụ nổ khiến 24 người chết, gần 100 bị thương có thể do pháo hoa bị ẩm, tự bốc cháy dẫn tới nổ toàn bộ kho chứa. Trong giả thuyết này, lại chứa đựng hai giả thuyết khác là “các hộp pháo rơi, va đập, cọ sát rồi gây cháy hoặc do thuốc pháo hoa bị phân hủy, tự bốc cháy”. Tất tật các giả thuyết này trúng ngay với giả thuyết mà một quan chức có trách nhiệm đã giải thích với báo chí ngay từ khi còn chưa có cuộc điều tra nào.

Pháo hoa tự bốc cháy ư? Có thể nói thế nào nhỉ! Một nguyên nhân hòa cả làng. Một nguyên nhân mà không ai có lỗi, không ai phải chịu trách nhiệm. Một nguyên nhân mang tính chất tiền lệ đáng nguy hiểm để những vụ nổ sau này cứ thế mà giải thích. Và vì thế, nỗi lo cháy nổ điện hạt nhân hoàn toàn không phải là lo bò trắng răng khi có thể dự đoán trước từ bây giờ một nguyên nhân tự phát nổ chẳng hạn khi thảm họa xảy ra.

Điều gì có thể rút ra sau “chiếc găng tay của bà Hỏa”? Cư dân nhà cao và siêu cao tầng nên chuẩn bị sẵn một cái dù. trước thực tế là thang cứu hộ chỉ với được tới tầng 13, còn trực thăng cứu hộ thì đang chờ “cho đến tháng 10”.


Blog Lê Anh Hùng
 “MỘT HÀ TĨNH ĐẦY ẮP NGƯỜI TRUNG QUỐC”: VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Trang mạng của Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 23.10 vừa rồi đăng bài “Một Hà Tĩnh đầy ắp người Trung Quốc” với những thông tin hẳn khiến nhiều người phải giật mình:
…“Một người dân Kỳ Anh yêu cầu giấu tên, buồn bã nói với chúng tôi rằng dân Kỳ Anh đã thật sự đánh mất mình, họ không còn là chủ của mảnh đất cũng như cảm giác là người dân bản xứ cũng không còn mà thay vào đó là cảm giác lép vế, thua thiệt trước sự giàu có và hách dịch của người Trung Quốc. Đặc biệt, tuy mới sang Kỳ Anh sống chưa bao lâu nhưng các nhóm người Trung Quốc ở đây đã tổ chức thành đội ngũ, băng nhóm và các ông trùm khá dữ dằn.”…

…“Một người tên Hùng, là cha của hai thanh niên đang nghiện ngập, đau xót nói với chúng tôi rằng ông quá bàng hoàng và tuyệt vọng trước cơn nguy biến của gia đình. Đùng một cái, mảnh đất Kỳ Anh hiền hòa, nghèo khổ và chân chất bỗng dưng trở nên chộn rộn, nhặn xị, chẳng đâu vào đâu. Bây giờ, phần đông gia đình đã bán hết đất cho người Tàu, đất thì không còn nữa mà con cái thì nghiện ngập, hư hỏng, như vậy, chỗ an thân cũng không còn mà niềm hy vọng vào tương lai cũng bị đứt gãy. Điều này phải xem lại âm mưu của người Trung Quốc. Vì trước khi người Trung Quốc có mặt ở Kỳ Anh, thanh niên ở đây không biết gì về rượu chè, đến khi họ sang làm ăn, níu kéo thanh niên Kỳ Anh chơi bời, nghiện ngập…”

Vấn đề còn nằm ở chỗ, cảng Sơn Dương mà người ta đã “vô tư” dâng cho Formosa (nay đã sang nhượng toàn bộ cổ phần cho Trung Quốc) [1] lại là một trong 4 yếu huyệt của Việt Nam trên Biển Đông:
…“Ở vịnh Bắc Bộ, cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh có vị trí khá đặc biệt. Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía bắc đèo Ngang nơi có quốc lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi. Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16m cùng với vùng nước rộng rãi. Vì vậy cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm sóat đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.”…[2]

Vậy ai đã ngây thơ đến mức “giao trứng cho ác” hay chính xác hơn là “rước voi về dày mả tổ” như vậy? 

Xin thưa, đó chính là ngài Phó Thủ tướng “phụ trách kinh tế ngành” Hoàng Trung Hải, với Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2013 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh” và Công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.[3] Theo sự chỉ đạo đó, ngày 12/6/2008, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng đã cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư với thời hạn hoạt động 70 năm và ngày 1/10/2010 tiến hành bàn giao 33 km2 (bằng 1,2 lần diện tích Macao) trong Khu Kinh tế Vũng Áng cho Dự án Formosa.[4] 

Không những vậy, chỉ vì một dự án đầu tư nước ngoài “lợi bất cập hại” mà khoảng trên 1,3 nghìn hộ dân (tương đương 33000 dân) đã bị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh dùng công an cưỡng bức đi chỗ khác xa xôi, hẻo lánh, với điều kiện sinh kế hết sức khó khăn, bị đẩy vào bước đường cùng của cuộc sống. Mọi thông tin về vụ việc này đang bị bưng bít, khống chế, che đậy. Nhiều người đã bị tống vào tù chỉ vì lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trong việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư.[5]

Tuy nhiên, người ta sẽ không ngạc nhiên với những gì trên đây nếu biết rằng ngay từ ngày 7/5/2007, ông Hoàng Trung Hải (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Công nghiệp) đã bị một số cán bộ đảng viên đã và đang công tác tại “Ban Tổ chức TW, Ủy Ban KTTW, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ TW và một số cơ quan trọng yếu cơ mật khác của Đảng, Nhà nước” tố cáo là khai man lý lịch: Bố đẻ của ông ta tên là Sì Sói, sinh quán ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.[6] Ấy vậy nhưng ông ta không những không bị xử lý mà còn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vào chiếc ghế Phó Thủ tướng quan trọng thứ hai trong chính phủ.

Khu mộ nhà Hoàng Trung Hải ở làng Đồng Sơn, Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ, Thái Bình 
(dòng chữ trên cột vàng bên trái: Hoa Kiều Tiên Hữu Tổng Mộ)

Nghiêm trọng hơn nữa là suốt hơn 5 năm nay, ông Phó Thủ tướng người Hán này còn bị tố cáo là trùm ma tuý, trùm băng đảng, giết hại nhiều người cũng như bán tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài.[7] Và điều đã giúp ông ta cho đến nay vẫn bình an vô sự chính là sự “bảo kê” của nguyên TBT Nông Đức Mạnh (trước kia) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trước kia và hiện nay).

Nhờ tài phù phép của ngài Phó Thủ tướng gốc Tàu này (được Thủ tướng “ưu ái” giao nhiệm vụ phụ trách các mảng: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… nghĩa là gần như nắm trọn cả nền kinh tế Việt Nam trong tay) mà những năm gần đây, hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Hơn 20 năm qua, FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Nhưng nếu là tổng thầu EPC thì tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất…của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm.[8] Chính vì vậy mà người Tàu đã theo chân các dự án này tràn sang hầu khắp các tỉnh thành ở Việt Nam rồi tìm mọi cách để sinh cơ lập nghiệp. 

Ngày 27/10 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, sau khi đọc bài “Một Hà Tĩnh đầy ắp người Trung Quốc” trên RFA đã thốt lên: “Chả lẽ mất nước từng phần và tiếp tục bởi những mưu đồ đen tối của họ 'Bành' phương Bắc?”[9]

Việc nhà lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng như vậy là rất cần thiết, nhưng chừng ấy là chưa đủ, bởi ông vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân trực tiếp của thực trạng trên. Đó chính là sự thao túng và lũng đoạn hết sức ngang ngược[10] suốt bao năm qua của ngài Phó Thủ tướng Hán tặc Hoàng Trung Hải (với sự tiếp tay vô cùng đắc lực và hiệu quả của nguyên TBT Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).[11]

HÃY LÊN TIẾNG ĐỂ CỨU LẤY ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NÀY TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN! 



FACEBOOK PAULO THÀNH NGUYÊN

Tôi viết những dòng này trong thời gian ngắn ngủi còn lại trong ngôi nhà tôi vừa dọn tới ở chưa đầy 24 tiếng. Họ (công an) sách nhiễu chủ nhà với đủ các lý do để buộc vợ chồng tôi phải rời khỏi nơi ở trước đêm nay. Chú bảo vệ cũng thắc mắc không hiểu sao lại như vậy, nói tôi đừng trách chủ nhà, mà thực lòng tôi cũng không trách ai, ngay cả các anh công an tác động đến sự việc này. Tất cả chỉ hành động theo bản năng do sự sợ hãi gây ra, chủ nhà thì lo liên lụy, công an thì sợ trách nhiệm, và hầu hết con người trong xã hội này đều bị khống chế bởi nỗi lo tương tự, cái mà chúng ta thường gọi tên là sự-ổn-định.

Nhiều người khuyên tôi nên lo làm ăn, mua nhà cho ổn định cuộc sống, rồi sau đó mới lo nghĩ đến việc xã hội, nhà mình lo chưa xong thì lo được cho ai. Nghe rất có lý, rất thuyết phục, nhưng mấy ai có thể định nghĩa được thế nào là sự ổn định? Chúng ta có thể tìm thấy một công việc ổn định, có thể xây dựng một ngôi nhà ổn định, để rồi sau đó chúng ta sống trong sự lo sợ mất nó, đó là một điều chắc chắn xảy ra trong xã hội được duy trì bằng một cơ chế bất bình đẳng. Ông Đặng Thành Tâm cách đây ba năm là một người giàu nhất Việt Nam nhưng hôm nay ông phải đối diện với những đe dọa tù đày, một anh hùng lao động như bà Ba Sương có thể biến thành tội đồ sau đó. Không có gì bảo đảm cho sự ổn định trong xã hội này, sự ổn định nếu có, thì đó chỉ là sự ảo giác để chúng ta né tránh các vấn nạn thực tại.

Trước khi dọn công ty, dọn nhà, một bạn an ninh mời tôi uống cafe dò hỏi và gợi ý sự giúp đỡ bảo đảm về mặt pháp lý, tôi sẽ không lo sợ bị sách nhiễu, ẩn ý rằng chỉ cần tôi im lặng, chỉ cần tôi lo làm nuôi vợ, nuôi con, mọi chuyện khác của xã hội thì…kệ cha nó. Tôi hiểu lòng tốt của anh, nhưng tiếc là lòng tốt đối với tôi nó lại khác. Tôi không chắc tôi sẽ đói vì thiếu việc làm, tôi không chắc tôi sẽ mất ổn định khi phải di chuyển chỗ ở, nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ chết nếu không sống theo tiếng lương tâm và lý trí của mình. Sự sách nhiễu, gây khó khăn của các anh càng cho tôi động lực để sống với lý tưởng của mình. Tôi không còn thời gian để viết thêm, ngay lúc này, chú bảo vệ đang hối thúc chúng tôi ra khỏi nhà. Giờ chúng tôi phải đi, đi trong an bình và hy vọng về một xã hội tương lai không còn những người bị sách nhiễu vì lên tiếng cho sự thật như chúng tôi...


Bùi Tín - Tuyên chiến với dân tộc


Bùi Tín - 

Quốc hội Việt Nam đang họp một phiên họp được coi là dài nhất - 33 ngày - và quan trọng bậc nhất, vì sẽ thông qua bản Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi), hàng chục năm mới có một lần.


Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 tại Hà Nội, ngày 21/10/2013.

Xem ra Bộ Chính trị Trung ương đảng CS và Ban Thường vụ Quốc hội quyết tâm thúc ép gần 500 đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao các văn kiện cơ bản trên đây, sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khóa XI) vừa họp lần thứ 8 đã thông qua một cách khá là trôi chảy, dễ dàng. Họ vẫn quen một lối nghĩ đơn giản, coi ý đảng là ý trời. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rõ Hiến pháp mới được dự thảo là văn kiện bám chặt theo cương lĩnh của đảng CS đã được Đại hội đảng XI vạch rõ thêm. Có nghĩa là đảng đứng trên nhân dân, quyền lực đất nước này trước hết nằm trong tay đảng CS. Điều đó cũng có nghĩa là Tổng bí thư ra lệnh cho tuyệt đại đa số đảng viên CS trong gần 500 đại biểu Quốc hội - chiếm hơn 90 % đại biểu - phải bỏ phiếu thông qua các văn kiện sẽ được đưa ra, theo đúng kỷ luật của đảng, không được thắc mắc, trì hoãn, đặt lại vấn đề gì nữa hết.

Nếp nghĩ của Bộ Chính trị rất dễ hiểu. Vì xưa nay Quốc hội đã có bao giờ dám bác bỏ những văn kiện cơ bản do đảng đưa ra. Cái điều khoản trong Hiến pháp coi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất chỉ là một vòng trang sức hào nhoáng tròng vào cổ các đại biểu. Chuyện Quốc hội từng trì hoãn chủ trương làm xe lửa cao tốc đã được dự định chỉ là một chi tiết nhỏ, một trục trặc tạm thời.

Trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương, có ai lo ngại rằng việc thông qua Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) kỳ này sẽ gặp trở ngại, khó khăn, hay vấp váp không? Không, họ đầy tự tin. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn nói rõ là 2 văn kiện này đã được Ban Thường trực Quốc hội hoàn thiện sau khi đã tiếp nhận hơn 20 triệu ý kiến đóng góp của công dân cả nước, do đó không thể thảo luận kéo dài thêm nữa.

Tôi vừa đọc lại toàn «Bản dự thảo Hiến pháp cuối cùng đã được hoàn thiện» được phổ biến trong Quốc hội, tôi không khỏi giật mình, kinh hãi về thái độ tự tin thái quá của Bộ Chính trị, về thái độ khinh thường dân chúng, khinh miệt trí thức của nhóm lãnh đạo cao nhất của đảng CS, về thái độ mù quáng đến liều lĩnh của họ. Tôi băn khoăn tự hỏi, họ mê hay tỉnh? Họ khôn hay dại?

Mù quáng, liều lĩnh, Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội vẫn cho ghi nhiều lần «chủ nghĩa Mác – Lênin » vào Hiến pháp mới, vẫn giữ «điều 4» về vai trò lãnh đạo toàn trị của đảng Cộng sản, vẫn «quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội», vẫn «lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế», và vẫn coi «đất đai và mọi tài nguyên là thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý». Đây chính là 5 điều phi lý, mơ hồ, sai lầm tệ hại nhất, rõ ràng nhất, 5 xiềng xích giam hãm xã hội ta trong thân phận nô lệ, 5 cản trở đất nước ta phát triển và hôi nhập với thế giới văn minh.

Đó chính là thông điệp cô đọng của 14.785 công dân, đa số là trí thức có trí tuệ và tâm huyết, tinh hoa của dân tộc, công khai, minh bạch bác bỏ cả 5 điều phi lý trên đây với lập luận chặt chẽ, đầy tính thuyết phục, liên quan trực tiếp đến bản dự thảo Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) trong bản kiến nghị công khai được giao tận tay ban biên tập Dự thảo.

Ban Tuyên huấn Trung ương đã huy động hàng mấy chục tuyên truyền viên nói theo công thức giáo điều, nói lấy được, nhưng không có một ai bác bỏ được lập luận của tập thể trí thức trên đây, chỉ phơi bầy sự nghèo nàn về lý lẽ, sự xa rời thực tế và căn bệnh tối tăm về kiến thức khi họ bị lòng tham và quyền lực khống chế.

Dứt khoát việc thông qua dự thảo Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) sẽ không thuận buồm xuôi gió, trái lại nó sẽ vấp phải sự phủ định mạnh mẽ của toàn xã hội do một tập thể trí thức tự tin, gan góc dẫn đầu một cách không thể khoan nhượng nữa. Bởi vì Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội đã hoàn toàn đuối lý về cả 5 vấn đề then chốt trên đây, đã quá chủ quan, tin theo nền nếp cũ, đã dám khiêu khích lương tri dân tộc, dám thách đố sự thật và lẽ phải, dám ngang nhiên nhắm mắt trước yêu cầu cấp bách của toàn dân là phải đổi mới hệ thống chính trị theo hướng từ bỏ độc đoán, chuyên quyền, xây dựng hệ thống dân chủ pháp trị đang thiếu vắng một cách tệ hại và nguy hiểm.

Trên thực tế, Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội đã tuyên chiến với cả khối trí thức dân tộc đã thức tỉnh tự lãnh trách nhiệm lịch sử trước toàn dân, thúc đẩy đà chuyển biến đi lên của đất nước, nhằm hòa nhập với thế giới dân chủ văn minh. Điều họ không muốn nhận ra là khối trí thức - dân chủ rất trẻ về tư duy chính trị hiện không còn là đàn cừu để họ chăn dắt, dạy dỗ, dẫn đường nữa. Thế lực này luôn được bổ sung lực lượng trẻ khỏe về kiến thức, dồi dào về sáng kiến, gan góc khi dấn thân, xiết chặt hàng ngũ chiến hữu trong đấu tranh, có một dự án chính trị rất rõ ràng là: giữ trọn vẹn nền độc lập, chống bành trướng, thực hiện đầy đủ các quyền tự do của công dân, xây dựng xã hội dân sự năng động, trên nền tảng pháp luật công minh cho mọi người, từ bỏ dứt khoát, không thương tiếc chủ nghĩa Mác – Lênin cổ lỗ, chế độ CS không tưởng, chủ nghĩa xã hội mờ ảo, việc nuông chiều sở hữu quốc doanh hư hỏng.

Sự liên kết, liên minh giữa trí thức với nông dân và quần chúng các tôn giáo luôn đề cao thiện tâm chống cái ác bất kỳ từ đâu, sẽ làm cho cuộc đấu tranh thêm quyết liệt và sâu rộng.

Thêm nữa việc các học giả, trí thức, giáo sư, tiến sĩ, sinh viên ưu tú có mặt trong số 14.785 ngôi sao trí tuệ và tâm huyết dân tộc có thừa kiến thức khoa học, lập luận lô-gích biện chứng để đánh đổ và chôn vùi 5 cột trụ lý sự cùn thô vụng của giới cầm quyền hiện tại. Chênh lệch giữa 2 bên khác biệt hẳn nhau như ánh sáng và bóng tối, như ngày và đêm, như khoa học và tà giáo, như sự ngay thật với dối trá, như lòng yêu nước với dã tâm bán nước, như lòng xót xa thương dân với cú đạp giầy vào mặt dân vậy.

Nếu tổ chức tranh cãi công khai trước truyền hình trong nước, một em sinh viên trẻ như Huỳnh Thục Vy, Đỗ Thị Minh Hạnh hay Nguyễn Phương Uyên ở phía bên này có thể dễ dàng dồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cả Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đinh Thế Huynh ở phía cường quyền vào tình thế ấp úng, lúng túng, ngậm hột thị cho mà xem.

Thế lực cai trị đất nước ta đã phơi bày hết dã tâm của họ. Họ đã khinh miệt bác bỏ hết mọi ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm của của nhân dân, coi cả 14.785 công dân yêu nước chỉ bằng con số không, họ vẫn định ép gần trăm triệu dân ta phải nuốt 5 món ăn siu thối chết người đã bị đông đảo loài người loại bỏ dứt khóat.

Tuy nhiên, thời kỳ tan rã của phong trào Cộng sản thực tiễn, giai đoạn mạt vận của học thuyết Mác - Lênin từng cổ súy bạo lực, chiến tranh, máu đổ đầu rơi, và tình trạng suy thoái toàn diện của đảng CS Việt Nam không có cách gì cứu vãn nổi.


Trần Phương - CNXH ĐƯA RA CHỈ ĐỂ BỊP THIÊN HẠ


Trần Phương - 

HUỲNH NGỌC CHÊNH: Tôi được vinh dự nghe giáo sư, phó thủ tướng Trần Phương nói chuyện thời sự một lần. Đó là vào năm 1987, khi tôi là giáo viên trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Nhân dịp ông vào công tác Đà Nẵng, ban giám hiệu trường Phan Chu Trinh đã mời ông về nói chuyện cho toàn thể giáo viên nghe. Lúc đó tôi đang rất hoang mang về "con đường quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội" thì qua bài nói chuyện, ông đã khai sáng cho tôi rất nhiều. Một số nội dung trong bài phát biểu dưới đây là những điều tôi đã được nghe hồi đó, dĩ nhiên, dưới cách nói bóng bẩy, rào đón hơn chứ không thẳng thừng như góp ý với đảng.


Giáo sư Trần Phương, cựu phó thủ tướng chính phủ

TIN KHÔNG LỀ: Đây là phát biểu của GS Trần Phương, cựu Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng Bộ Nội Thương (1981-1982), cựu ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Phát biểu này của GS Trần Phương tại hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội 11 trước đây, do có liên quan tới phát phiểu gần đây của TBT Nguyễn Phú Trọng về tình hình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, xin được giới thiệu cùng độc giả.


GS Trần Phương đã phát biểu như sau: "Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông không nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu, cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi, có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?

Chúng ta đã trải qua 70 năm (người Việt Nam thì 20 năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới... À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông 'đổi mới' nhưng thực ra ông 'thụt lùi'.

Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ.

Tôi không gọi là thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi.

Cho nên cái đổi mới của ông nó thực chất là ông lùi lại chứ không phải là ông tiến lên. Lùi lại chế độ sở hữu tư nhân. Ngay cả chế động công hữu ông cũng phải cổ phần hóa bớt đi. Vì công hữu đó, ông có hiệu quả đâu. Trừ mấy thằng to tổ bố thì không ai làm nổi, ông dầu khí này, ông điện lực này v.v… thế còn nói chung một loạt các cái công hữu của ông đó là nó làm bố láo, nó tiêu tốn đất đai và vốn của nhà nước rất nhiều. Nhưng mà ông cứ ôm lấy nó để tưởng là CNXH.

Cho nên tôi nói rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi, bây giờ ông đổi mới thì ông phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại. Vâng, vâng, ông trở lại. Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ.

Cho nên tôi nói là chúng ta … đây thì không biết là góp ý kiến rồi để rồi người ta như thế nào, nhưng ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta! Tôi nói ví dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì?! Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như thế.

Còn bây giờ trong cái cương lĩnh này, trong cái gì này… thì ông đều nói chủ nghĩa Mác – Lênin và ông đều nói XHCN, nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc sách nhiều nhất rồi đây. Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!

Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác!

Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì, "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh", đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH!

Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh" mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông!

Đại hội X, tôi đã nói trước Bộ Chính trị trước khi các anh đưa … bởi vì thế này này: tôi được cái ưu điểm là người ta mời mình vì mình là một thằng lão thành, lâu năm quá rồi mà chưa chết cho nên người ta cũng mời mình phát biểu. Nhưng tôi nói là các anh định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là nó là cái gì? Cũng không ai trả lời. Rồi tôi hỏi là: ông nói định hướng cái XHCN thì cái định hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây, là ông cũng không trả lời được. Có phải không ạ? Ông nói về định hướng XHCN thì định hướng của ông là cái gì đây, ông nói tôi nghe? Ông bảo là xóa đói giảm nghèo. Xin lỗi ông, cả thế giới nó làm. Mà Liên hợp quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó. Thế chả nhẽ nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba cái thằng tư bản.

Cho nên tôi cảm thấy là … viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn quá. Lúc nào cũng là 'nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin', lúc nào cũng là 'định hướng XHCN' rồi 'xây dựng CNXH' và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là 'chúng ta đang quá độ lên CNXH'!"

Mời bà con nghe tiếp tại đây:


Viết Từ Sài Gòn - Trò hề rẻ tiền diễn đi diễn lại



Viết Từ Sài Gòn - 

Phiên xử Đinh Nhật Uy diễn ra ngày 29 tháng 10 năm 2013, lại một lần nữa nhà nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa diễn trò hề vừa rất cũ vừa thô thiển và thiểu năng của họ. Đó là trò nhân danh nhân dân, dân tộc. Thử điểm lại hàng trăm phiên tòa xét xử nhà yêu nước, người bất đồng chính kiến, blogger, người tham gia biểu tình chống bành trướng Trung Quốc và các nhà báo tự do, luật sư đấu tranh cho lẽ phải, công lý, nhân quyền… Đều là những phiên tòa “công khai”. Nhưng phải coi lại cái sự gọi là “công khai này”?!

Đinh Nhật Uy

Từ các phiên tòa xử luật sư Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức… trước đây vài năm cho đến phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Lê Thanh Hải, và gần đây nữa là phiên tòa xử Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, gần nhất là phiên tòa xử Đinh Nhật Uy… Tất cả đều là các phiên tòa mà theo nhà nước thông báo là công khai nhưng trên thực tế thì hoàn toàn xử kín và nếu có xử công khai một cách hình thức thì bằng mọi giá phong tỏa khu vực quanh tòa bằng công an, xe, hàng rào thép và chó nghiệp vụ. Thậm chí là bắt “nóng” những người thân, bạn bè của người gọi là “bị cáo” trong phiên tòa. Như vậy thì còn gì là công khai? Vì sao phải xử kín nhưng nhà nước Cộng sản cứ một mực bu lu boa la loan tin là xử công khai?

Có hai lý do để xảy ra trò hề cũ rích này: Tính không chính danh của nhà nước; Tính phi pháp của các hoạt động bắt bớ và nhốt tù các nhà yêu nước.

Ở lý do thứ nhất, nhà nước Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là một nhà nước chính danh kể từ sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, sau khi cướp chính quyền, đảng Cộng sản Việt Nam nhảy lên tiếm quyền bằng cách thủ sẵn hàng loạt cờ đỏ búa liềm, đợi tất cả các đảng phái hợp lực cướp chính quyền xong thì lẳng lặng treo cờ đỏ búa liềm lên khắp nơi. Thủ đoạn này nằm ngoài sự tưởng tượng và hình dung của các đảng phái. Và sau đó không lâu, chính quyền hoàn toàn bị rơi vào tay Cộng sản, những đảng phái khác bị ám sát, tiêu diệt một ách dã man.

Mãi cho đến nay, chưa bao giờ có một cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc ở Việt Nam. Mọi cuộc bầu cử cũng là một trò hề trong hàng vạn trò hề của nhà nước Cộng sản, chưa bao giờ có hoạt động ứng cử và bầu cử đảm bảo dân chủ tại Việt Nam. Chính vì thế, nhà nước Cộng sản Việt Nam là một nhà nước không chính danh, không phải của nhân dân bầu ra mà là một nhà nước ép buộc nhân dân chấp nhận sự cai trị của mình bằng kiểu bầu cử đểu, không có khoa học và hoàn toàn không có tính dân chủ, người dân không được phép lựa chọn người tài.

Và một khi không có tính chính danh, nhà nước không phải của dân bầu ra, thì nguy cơ bị dân oán thán, coi thường và phanh phui sự bất minh của nó là nguy cơ cao nhất, luôn đặt trong tình trạng báo động đỏ cho sự tồn vong của chế độ. Cũng chính vì lẽ này, các hoạt động tuyên truyền, mị dân luôn được nhà nước Cộng sản đặt thành chức năng hàng đầu của truyền thông nhà nước. Nhằm đảm bảo những tuyên truyền, mị dân của họ được hiệu quả, mọi hoạt động có tính đối lập đều bị xếp vào diện kẻ thù của Cộng sản. Nhưng, trên cơ sở đạo đức và nhân quyền, không có bất kỳ đảng phái, chính thể nào được phép xử tội công dân nếu họ bày tỏ sự bất đồng chính kiến với đảng phái đó, nhà nước đó một cách ôn hòa, có thành ý.

Trường hợp vụ xử gần đây nhất với Đình Nhật Uy cũng nằm trong diện làm lộ rõ tính phi pháp của nhà nước Cộng sản. Vì suy cho cùng, Đinh Nhật Uy không làm tổn hại gì đến nhà nước Cộng sản Việt Nam, việc nói xấu (giả sử có) của Uy cũng không làm tổn thất đến ngân sách quốc gia (như các quan chức Cộng sản đã và đang làm), việc bày tỏ chính kiến của một công dân trước sự xuống cấp đạo đức của hàng loạt cán bộ nhà nước (điều này khỏi cần chứng minh thêm) và phê phán nhà nước đớn hèn, chấp nhận cúi luồn trước Trung Cộng (điều này chẳng có gì là sai)… Là hoàn toàn chính đáng, nếu xét trên khía cạnh Hiến Pháp hiện hành và những công ước về quyền con người mà nhà nước Cộng sản đã ký với Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng nhà nước phải bắt Uy, bởi bắt Uy là việc bắt buộc phải làm, vừa răn đe, vừa ghép tội, vừa giảm bớt một mối nguy đang tự do đi lại nói năng và rao giảng những thứ mà “nó nói ra thì tao chết, mày chết, chúng ta chết…”. Và, một khi những người như Uy, Uyên, Kha… Còn tự do, còn chưa bị tù tội, thì một sớm một chiều, đảng Cộng sản sẽ lộ rõ bộ mặt nói láo, mị dân và lừa đảo một cách toàn diện. Điều này cũng đồng nghĩa với ngày tàn chế độ!

Lần này, với phiên tòa của Uy, cũng tuyên bố là phiên tòa công khai, vì sao? Vì không nói công khai là không được, bởi không thể nào đưa ra lý do là Uy đã nói xấu đảng Cộng sản mà bị bắt bị xử, vì nói như thế thì ngay tức thì bị “dân Tây” lẫn dân ta đều đặt câu Hỏi: Vì sao đảng bị nói xấu? Nói xấu có hại gì mà cả một cái đảng to bự với hơn ba triệu đảng viên và hàng loạt các ban bệ lại xúm vào đánh hội đồng một thanh niên không được to con gì? Vô lý! Chỉ còn một nước duy nhất là đẩy người bị xử vào tội: gây mất đoàn kết dân tộc, tuyên truyền phản động. Như vậy, cả hai tội đều liên quan đến quốc gia đại sự hơn 90 triệu dân chứ không phải chuyện riêng của một cái đảng hơn ba triệu đảng viên nữa rồi. Và đã là có tội với dân tộc thì phải xử công khai cho dân tộc quan sát. Thế nên bèn loan tin: Xử Công Khai!

Nghe tin, bà con lại tin! Lại đến tham dự để xem sự thể ra làm sao? Lại bị lừa nữa rồi. Có gì mà xem mà tham dự, đây là một chuyện bọn tao xử thằng đó, nó nói xấu bọn tao, nó làm ảnh hưởng đến miếng ăn, chỗ ngồi và miếng đất vàng thờ Bác của tao ngoài Hà Nội cũng như anh bạn mười sáu vàng (SJC) và bốn (số chín) tốt của tao. Thế mà cũng không hiểu! Nếu không nhân danh quốc gia, không nhân danh dân tộc để xử thì bọn tao đưa cái lưng toàn trị, độc tài ra à?!

Và đây cũng là nguyên nhân, lý do vì sao tất cả các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, người yêu nước, nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và chống bành trướng Trung cộng đều tuyên bố công khai nhưng lại xử kín. Vì Công khai là cái cớ, qua đó, nhân danh dân tộc, quốc gia để xử, nhưng xử kín vì nếu để nhân dân mục kích sở thị thì họ biết hết sự việc, lòi cái đuôi bẩn ra, còn ra thể thống gì nữa!


Nguyễn Hưng Quốc - Quyền lực và trách nhiệm



Nguyễn Hưng Quốc - 

Bản chất của chính trị là quan hệ quyền lực. Quyền lực, nói một cách tóm tắt, là khả năng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ cũng như hành vi của người khác.Trong hệ thống đẳng cấp của chính trị, chức vụ càng lớn, quyền lực càng nhiều; quyền lực càng nhiều, ảnh hưởng trên suy nghĩ và hành vi của người khác càng sâu và rộng. Ở vị trí cao nhất trong một quốc gia, ảnh hưởng ấy có thể tác động đến mọi công dân trong nước ấy. Ở Tây phương, hầu như ai cũng biết: Khi thay đổi lãnh tụ, chúng ta thay đổi chính phủ; và khi thay đổi chính phủ, chúng ta thay đổi cả quốc gia.


Về phương diện chính trị, có nhiều loại quyền lực, nhưng đơn giản và phổ biến nhất, có hai loại chính: quyền lực chính đáng và quyền lực không chính đáng. Quyền lực chỉ được xem là chính đáng khi nó được dân chúng ủy thác: Lúc ấy, quyền lực (power) biến thành thẩm quyền (authority).

Có thể nói thẩm quyền là thứ quyền lực được sự đồng thuận giữa người cai trị và những người bị trị. Hình thức phổ biến nhất của sự đồng thuận ấy là qua các cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, dù được tiến hành dưới hình thức nào thì mọi quyền lực và mọi thẩm quyền đều phải đáp ứng được một số điều kiện dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là giới hạn và trách nhiệm. Cái gọi là giới hạn ấy có hai khía cạnh chính: một là giới hạn về thời gian (có tính chất nhiệm kỳ, không phải vĩnh viễn, cha truyền con nối) và giới hạn của chính quyền lực (phải chấp nhận phân quyền và chịu sự kiểm soát của các cơ quan độc lập). Những điều này đã có nhiều người viết. Ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào yếu tố trách nhiệm.

Nếu bản chất của quyền lực, dưới các chế độ dân chủ, là sự đồng thuận thì hai cơ sở chính để duy trì sự đồng thuận ấy là: sự tín nhiệm và trách nhiệm. Nói đến tín nhiệm là nói đến một thứ quan hệ nhiều chiều, nhưng trong đó, chiều quan trọng nhất là chiều từ dưới lên: những người bị trị tín nhiệm những người cai trị. Trách nhiệm, ngược lại, chủ yếu là theo chiều từ trên xuống: những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm về chính quyền lực của mình, và với những người đã ủy thác quyền lực ấy cho mình.

Quyền lực không phải là một cái gì có tính chất tự thân: quyền lực vì quyền lực. Mọi quyền lực chính đáng đều có tính mục đích: quyền lực để làm một cái gì. Dưới chế độ độc tài, cái gì đó là bản thân người và/hoặc gia đình người có quyền lực; dưới chế độ dân chủ, cái gì đó là những mục tiêu chung mà mọi người tin tưởng và giao phó, thuộc về cộng đồng, hay rộng hơn, quốc gia. Những mục tiêu chung ấy chính là trách nhiệm.

Có thể nói, quyền lực chỉ chính đáng trong chừng mực nó gắn liền với trách nhiệm và chu toàn trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo lý tưởng phải nhắm đến trách nhiệm nhiều hơn là quyền lực. Ở Việt Nam, ngược lại, với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm, người ta lại muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.

Tất cả những điều ấy, người ta đều thấy từ lâu. Vụ thất thoát tài sản đến cả mấy tỉ đô la của tập đoàn kinh tế Vinashin: Không ai chịu trách nhiệm cả. Các vụ vỡ nợ liên tục của các tập đoàn kinh tế quốc doanh khác sau đó: Không ai chịu trách nhiệm cả. Kinh tế càng lúc càng suy thoái: Không ai chịu trách nhiệm cả. Nạn tham nhũng càng ngày càng phát triển từ một số con sâu đến cả một “bầy sâu”: Không ai chịu trách nhiệm cả. Đạo đức ở khắp mọi nơi càng ngày càng suy đồi: Không ai chịu trách nhiệm cả. Giáo dục càng ngày càng xuống dốc: Không ai chịu trách nhiệm cả.

Mới đây, gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất là những chuyện liên quan đến ngành y tế: Nhiều bác sĩ, vì bất cẩn và thiếu đạo đức, làm chết hàng loạt bệnh nhân, trong đó có các sản phụ và trẻ em, thậm chí, một bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang. Trách nhiệm thuộc về ai? Không có ai nhận cả. Mọi người cứ đổ lỗi cho nhau. Dân chúng bức xúc đến độ, lần đầu tiên trên báo chí chính thống (PetroTimes) trong nước, có người kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức.

Có lẽ, cuối cùng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng. Như tất cả những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam từ trước đến nay. Vô trách nhiệm đến mấy, cái ghế của họ vẫn bất khả xâm phạm, dù cái giá mà họ và đảng họ phải trả rất đắt: Càng ngày càng mất sự tín nhiệm của dân chúng.

Không có trách nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cắp. Không có sự tín nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cướp. Không có cả hai, người ta vừa ăn cắp vừa ăn cướp.


Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Kính Hòa - Lễ cầu siêu bên bờ Bến Hải


Kính Hòa, phóng viên RFA - 




Một đoàn Phật tử người Nhật cùng các nhà sư Việt Nam từ Huế ra cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong bên dòng Bến Hải sáng 23/10/2013 - Hình do anh Dũng, thông dịch viên của đoàn gửi RFA

Ngày 23/10/2013 một sự kiện khuấy động nhè nhẹ không khí vắng lặng thường nhật ở bờ bắc cầu Hiền Lương bên sông Bến Hải. Một đoàn Phật tử người Nhật dựng đàn cầu siêu cùng các nhà sư Việt Nam từ Huế ra. Tiếng kinh kệ trầm bổng bằng hai thứ tiếng xen kẽ nhau, trong khói hương trầm thoảng hương cúc mùa thu trên đàn thờ Phật làm hồi tưởng tiếng rít chát chúa của bom đạn của mùa hè 41 năm trước, mùa hè đỏ lửa 1972.

Có lẽ trong suốt cuộc chiến Việt Nam, các trận đánh trong mùa hè 1972 ấy là hình ảnh rõ ràng nhất của hai đội quân cùng màu da tàn sát nhau bằng những vũ khí hiện đại nhất trong thời đại của họ. Chiến trận kéo dài trong mấy tháng trời ròng rã, phủ lên toàn tỉnh Quảng Trị, vùng giới tuyến chia cắt hai miền Nam Bắc. Khi khói thuốc súng dịu bớt, cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng, để lại trong các dòng sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh, Bến Hải…mấy chục ngàn sinh linh. Những sinh linh đã đi vào lời hát của một tác giả miền Nam, trong một bài hát mong đợi hòa bình sau mùa hè 1972…Dòng Mỹ Chánh nước sông mùi hôi tanh, hay hai câu thơ của một tác giả miền Bắc, Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, dưới sông còn đó bạn tôi nằm

Bốn mươi Phật tử Nhật Bản âm thầm đến từ ngàn dặm xa, với mục đích giản đơn là cầu siêu cho tất cả các vong linh của cuộc chiến năm xưa. Họ kín đáo thực hiện buổi cầu siêu, không tiếp xúc giới truyền thông. Anh Dũng phiên dịch viên của đoàn cho chúng tôi biết:
 “Đoàn chỉ tham quan du lịch một ít, còn chủ yếu là đi làm lễ cầu siêu cho những người nạn nhân chiến tranh, cùng với chùa Việt Nam ra vĩ tuyến 17 cầu siêu cho những chiến sĩ trận vong.”

Nhật Bản cũng là một dân tộc chịu nhiều mất mát của chiến tranh, phải chăng đó cũng là một lý do mà đoàn Phật tử đã đến với địa danh Quảng Trị và vĩ tuyến 17! Nhưng những nỗi đau chiến tranh hai bên bờ Bến Hải còn hơn cả những mất mát chiến tranh, vì nó cũng đồng thời là vết cứa trong lòng dân tộc, dù bao năm tháng mà dường như vẫn chưa lành.

Cách bờ sông Bến Hải không xa về phía Nam là cổ thành Quảng Trị. Sau trận chiến 1972 cổ thành chỉ còn là một đống gạch vụn. Ngày nay, nơi đây là một bảo tàng chiến tranh lớn, mà trong đó chỉ thấy những thành tích chiến thắng của một bên, cùng những thương vong của bên kia được đưa ra như niềm tự hào của những người chiến thắng.

Những Phật tử đến từ Nhật. Hình do anh Dũng, thông dịch viên gửi RFA

Cũng đã có những cố gắng của những người Việt nhằm hóa giải vết cắt năm xưa. Có những cố gắng đang tiến triển khả quan như dự định trùng tu nghĩa trang chiến sĩ VNCH tại Biên Hòa. Song cũng có những cố gắng đi đến thất bại như đại lễ cầu siêu năm xưa cho người chết cả hai phía của người Phật tử Thích Nhất Hạnh.

Một nhà sư tại TP HCM nói với chúng tôi về lễ cầu siêu của những người Phật tử Nhật Bản,
“Tôi cũng có nghe tin này, tôi cũng nghĩ rằng chắc có những người Việt mình đã chứng kiến chết chóc của chiến trận rồi mới nói với những người Nhật này, và cũng có thể là họ biết điều đấy qua sử sách rồi họ phát tâm làm. Việc làm của họ rất là quý, người chết ở đâu cũng như nhau.”


Một nhà sư khác ở chùa Từ Đàm, thành phố Huế, có tham gia vào việc tổ chức buổi chay sau lễ cầu siêu, nói một cách rất đơn giản về công việc đó:

“Trên quan điểm của đạo Phật thì Từ bi là bình đẳng, Từ bi là để xoa dịu tất cả mọi nỗi đau, không phân biệt oán thù. Chuyện cầu siêu là chuyện bình thường, chứ không nên đem suy luận, biện chứng ra mà luận bàn.”

Xin kết thúc bài viết này bằng câu chuyện một chị bán hàng trong chợ Đông Ba. Khi đoàn cầu siêu cử người đến mua phẩm vật cho ngày lễ, chị đã biếu một nồi chè, cùng bỏ bữa chợ ngày hôm sau để cùng đoàn sang bờ bắc sông Bến Hải làm lễ. Chị nói rằng mùa xuân năm Mậu Thân 1968 gia đình chị có nhiều người ra đi mãi mãi.

Những việc làm bình thường như nhà sư chùa Từ Đàm nhìn thấy, hay việc làm không suy luận tính toán của chị bán hàng chợ Đông Ba phải chăng là cái mà người Việt đang cần để làm lành vết cứa ở đôi bờ Bến Hải!



The Economist - Giang hồ Bồ Tát


The Economist
Phan Trinh dịch

Giới thiệu của người dịch

1. 
 Robert Webster Ford (1923-2013) sinh ra ở Anh, đến Tây Tạng từ năm 1945, và trở thành người phương Tây đầu tiên làm công chức cho chính quyền tại đây. Khi Trung Quốc xua quân chiếm Tây Tạng năm 1950, thay vì bỏ đi, ông chọn ở lại cùng người Tạng. Và ông bị quân Trung Quốc bắt, giam tù, tra tấn, cải tạo tư tưởng suốt năm năm.


Câu chuyện của ông được kể lại trong cuốn tự truyện Captured in Tibet (Bị bắt ở Tây Tạng) xuất bản năm 1957, bản ở Mỹ có tên Wind Between the Worlds (Gió giữa ta bà thế giới), năm 1990 tái bản dưới tên The Occupation (Cuộc chiếm đóng) với lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

2. 
Bài được dịch dưới đây tuy ngắn gọn, nhưng lại như một cuốn phim ngắn cô đọng nhiều chi tiết và tình tiết. Đọc xong, hình ảnh Robert Ford cứ ám ảnh tôi, gợi nhiều suy nghĩ, và tôi xin phép được chia sẻ đôi điều ở đây.

Tuy không được truyền thông đại chúng nói tới bao nhiêu nhưng Robert Ford thật đáng chú ý, có lẽ vì ông đại diện cho một “cách làm người” khác. Cái cách của những gã “giang hồ” rời bỏ nước mình, sống, làm việc và sẵn sàng chết cho chính nghĩa ở một nước khác.

Nhưng đó mới chỉ là một vế, vì giang hồ cũng có năm bảy đường. Ford gợi nhớ đến con đường của những người nổi tiếng khác trong “giới”, tuy được truyền thông đại chúng tung hô, nhưng chưa hẳn đã thực sự xứng đáng, hoặc cần, chú ý.

Đường của Ché Guevara là một:
Ché sinh ở Argentina, làm bạn và làm cách mạng với Fidel Castro ở Cuba, rồi làm tiếp cách mạng ở Congo, Bolivia, cuối cùng chết ở Bolivia. Mặc dù trong thời Chiến tranh Lạnh, Ché trở thành một thứ James Dean của cách mạng (Ché cũng chết trẻ, lúc 39 tuổi), và được “phong thánh” (trẻ em Cuba mỗi sáng đều đọc câu “em mơ thành Ché”), con người thật của người hùng này ngày càng lộ rõ:

“Guevara không phải là một chàng lãng mạn theo đạo Chúa, mà là một tay Mác-xít tàn nhẫn và giáo điều, cũng không đại diện cho giải phóng, mà là đại diện cho một nền độc tài chuyên chính mới. Ở Sierra Maestra [Cuba] ông cho bắn bỏ những kẻ bị tình nghi là phản bội cách mạng; sau chiến thắng, Castro giao cho ông chịu trách nhiệm đội xử bắn, tử hình ‘những tên phản cách mạng’; khi làm bộ trưởng công nghiệp [Cuba], Guevara cổ xúy chính sách truất hữu triệt để, tịch biên đến miếng đất nông nghiệp cuối cùng, đến cửa hàng tư nhân cuối cùng. Việc ông cổ vũ cho chiến tranh du kích, bất kể tình hình chính trị có phù hợp hay không, đã đẩy hàng ngàn thanh niên Châu Mỹ La Tinh đầy ắp lý tưởng vào chỗ chết, đã giúp dựng nên các chế độ độc tài tàn ác và làm trì hoãn tiến trình đi đến dân chủ.” [i]

Ford khác Ché ở nhiều điều. Một điều nhỏ là Ford cũng từng “phượt” đó đây trên mô-tô như Ché, nhưng trong khi nhật ký mô-tô của Ché trở thành best-seller một thời, được làm phim, thì Ford phượt rồi lại chán, và ông quyết định không đi nữa, mà ở lại Tây Tạng, ngay khi quân xâm lược Trung Quốc tràn vào. Có lẽ, “ở lại” trong trường hợp này mới là thứ “giang hồ” tuyệt đỉnh.

3.
Cũng có một con đường giang hồ khác, của một người phương Tây khác, tên là Heinrich Harrer (1912-2006), nhà leo núi thám hiểm người Áo, có mặt ở Tây Tạng cùng thời với Ford, trước khi Trung Quốc xâm lăng. Chuyện của Harrer được kể lại trong phim Seven Years in Tibet (Bảy năm ở Tây Tạng), do tài tử Brad Pitt điển trai giữ vai chính, và Jean-Jacques Annaud đạo diễn (Annaud cũng là đạo diễn phim L’Amant (Người tình) quay tại Việt Nam).

Nếu so với Ford thì chuyện của Harrer quá bình yên và bình thường. Nhưng vì sao Harrer lên phim, Ford thì chìm? Câu trả lời có lẽ nằm ở công thức sản xuất phim theo kiểu Hollywood: Phương Tây thích làm phim về nước ngoài nếu, và chỉ nếu, có người phương Tây trong phim, nhất là ông Tây này phải giữ một vai trò “chiếu trên”, như góp phần “khai hóa” dân bản xứ chẳng hạn (hoặc trong trường hợp phim Người tình, nhân vật nữ phương Tây đã làm anh da vàng… điêu đứng). Hình tượng đó kín đáo làm khán giả phương Tây thấy thỏa mãn “tự ái dân tộc” hơn, và như thế sẽ mua vé xem phim nhiều hơn. Chuyện của Harrer đáp ứng điều này, ông là “thầy” dậy Anh văn, và nhiều thứ khác của phương Tây, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Còn Ford, dù rất hay, lại là chuyện của một ông Tây hòa vào đám đông, và bị những tên cai tù (da vàng) trù dập. Harrer cũng giang hồ, nhưng là giang hồ “cung đình”, trong khi Ford là giang hồ… “chìm”.[ii]

4.
Con đường của Robert Ford Tây Tạng – tên rất dễ nhầm với Robert Redford, tài tử thành công trong phim Out of Africa (Rời Phi Châu) – gợi ra hình ảnh của một thiền sư rời chùa, rời tháp ngà, xuống núi, “thõng tay vào chợ”.

Có lẽ, với Ford, và những người như ông, sống – gồm cả sẵn sàng hy sinh để sống cho ra hồn – là một chọn lựa hoàn toàn có ý thức và tự nguyện, chứ không phải một phản xạ thụ động và đối phó. Họ sống thật với mình, chứ không “diễn” cho người khác xem và sung sướng vì mình long lanh trong mắt người khác. Và vì không diễn nên họ thanh thản như không. Thấy họ “hay” cũng được, bảo họ “ngu” cũng xong. Chuẩn mực xã hội không đo được họ.

Sau này, Robert Ford phục vụ cho Bộ Ngoại giao Anh, có lúc đã làm việc ở Việt Nam. Về hưu, ông đấu tranh cho Tây Tạng. Ông từng sắp xếp để Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp hoàng gia Anh. Và Lạt Ma đã đích thân chủ trì lễ tưởng niệm khi Ford qua đời. Tháng ba năm nay, chính quyền lưu vong Tây Tạng đã trả lại cho ông khoản lương còn thiếu từ năm 1950, tương đương 100 đô-la. Rất có thể loài người cũng nợ những người như Ford một khoản “lương” nào đó, chỉ vì họ tồn tại.

Tôi tin những gã giang hồ một mình như thế. Họ vẫn đang lang bạt đâu đó, giữa núi rừng, hoang mạc, ruộng đồng, làng chài hay phố thị. Họ có thể ngồi uống trà đá hay bia hơi ở bàn cạnh tôi trong quán bình dân tối qua, hay cọ vai vào bạn trên chuyến xe buýt vượt qua con đường nhiều ổ gà sáng nay.
______________

Robert Ford, người Anh, chuyên viên radio Tây Tạng Tự do, qua đời ngày 20/9, thọ 90 tuổi.
So với những quan chức khác của chính quyền Tây Tạng, ông dường như một mình một cõi. Áo không nâu sồng, tóc không kết bím, tai không khoen dài. Ngược lại, ông để tóc húi cao sau gáy và trên tai, lại mặc bộ quần áo vét cứng đờ, rất khó cho người mặc khom sâu cúi chào, ngồi chéo chân trên đất, hay co chân leo lên lưng ngựa. Ngoài đường, ai nấy chăm chăm nhìn tóc ông hoe hoe vàng. Những bạn thân người Tạng cũng không dám dùng chung dầu gội của ông, vì sợ dùng xong tóc họ cũng sẽ vàng hoe hoe như thế.

Robert Ford được người Tây Tạng mướn vào năm 1948 để dựng nên hệ thống thông tin hiện đại cho Tây Tạng: ít nhất là hiện đại hơn những con đường mòn in chân lừa đi, ngoằn ngoèo vắt ngang những dãy núi cao nhất thế giới. Việc của ông, với lời chúc phúc của Đạt Lai Lạt Ma, là gắn kết khu vực trọng yếu Chamdo ở phía đông với thủ đô Lhasa, và kết nối Tây Tạng với thế giới bên ngoài. Vô tình, ông cũng giúp Tây Tạng phần nào đứng vững như một đất nước tự do trước những đợt tấn công xâm nhập của Trung Quốc. Người dân Tây Tạng gọi ông là Phodo Kusho (Ford Esquire, Ngài Ford). Còn người Trung Quốc, khi bắt được ông, lại gọi ông là gián điệp tay sai đế quốc.

Cuộc sống của ông ở Chamdo thật lạ lùng, nhưng cũng rất khắc nghiệt. Ông phải gắng uống vô số những tách trà bơ, và loại bia “chang” khó nhằn đặc sản. Một lá thư gửi về Anh mất năm tuần mới đến, ngay một thông điệp gửi đến Lhasa cũng mất 15 ngày. Nhưng kết nối qua radio không chuyên lại giúp ông quen biết nhiều bạn bè trên thế giới, và trong một lần may mắn, ông quen được một anh thợ may cùng quê hương Burton-on-Trent. Nhờ vậy, khi điều kiện cho phép, ông có thể nói chuyện với bố mẹ vào mỗi thứ tư.

Huấn luyện cho người dân Tây Tạng hiểu radio là gì còn khó hơn. Người bình dân cứ tìm “cái ông nằm trong cái hộp”; các quan chức cao cấp thì cứ hay cúi mình trước micro và choàng khăn trắng cho micro để tỏ lòng tôn kính. Ở Chamdo, cũng chẳng mấy ai có đồng hồ để có thể hẹn giờ nghe đài. Thay vào đó, ông phải tính giờ truyền thanh của mình theo vị trí mặt trời lên xuống.

Khi quân đội Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng vào năm 1950, ông được yêu cầu treo những giải cờ cầu nguyện lên cột ăng-ten phát thanh, vì để chống lại súng máy và đại pháo của quân Trung Quốc, người dân Tây Tạng hầu hết chỉ biết khẩn cầu thần thánh. Họ sợ máy bay trên trời có thể khuấy động các vị thần trên tầng cao. Ford tham gia những nghi lễ ông có thể tham gia, nhưng chưa bao giờ thấy mình là một phần của tôn giáo nơi đây. Có lẽ ông không chỉ là người Anh cô đơn nhất trên thế giới, như ông viết, mà còn là người Thiên Chúa giáo cô độc nhất.

Vào tháng 10, 1950, Chamdo thất thủ. Phodo Kusho lúc ấy có thể bỏ trốn khỏi Tây Tạng, nhưng không, ông đến Tây Tạng để phiêu lưu mạo hiểm kia mà – sau khi đã không thỏa mãn với những cuộc phiêu lưu phượt trên mô-tô, hay làm huấn luyện viên phát thanh cho RAF (Không lực Hoàng gia Anh), hoặc khi được phái đến làm việc tại Ấn Độ năm 1943. Bên cạnh đó, ông thấy không thể bỏ rơi các nhân viên, cũng là những người bạn Tạng của mình. Ít nhất, việc ông ở lại cũng góp phần cho thế giới bên ngoài biết rằng Tây Tạng đã không buông xuôi hay ngoan ngoãn đầu hàng. Ông đến Lhasa bằng cách vượt một chặng đường 4.500 mét xuyên qua những khe núi vách đá dựng đứng, phần lớn trong đêm, để rồi đến cuối đường, ông lại lọt vào tay quân Trung Quốc phục sẵn. Ông bị tống giam, trải qua không biết bao nhiêu cuộc tra vấn suốt năm năm trời.

Cai ngục đinh ninh rằng ông đã đầu độc Lạt Ma Geda, tu sĩ Tây Tạng thân Trung Quốc. Thực ra thì Ford đã không chịu chữa trị cho Geda, dù ông là “thầy thuốc” tốt nhất có được lúc bấy giờ ở Chamdo, nhờ ông học cứu thương khi còn là hướng đạo sinh; ngược lại, các thầy tu lo chữa bệnh cũng chỉ có thể đề xuất cách điều trị tốt nhất cho Geda là uống nước tiểu của Đạt Lai Lạt Ma.

Ngoài ra, hoạt động phát thanh của ông cũng làm cai tù Trung Quốc nghĩ ông là gián điệp, một việc ông không hề liên quan. Họ lập luận rằng: Nước Anh sẽ phản ứng thế nào, nếu Trung Quốc cử người đến xúi giục ly khai ở xứ Wales? Còn những thông điệp mã hóa kia trong báo cáo hàng ngày của ông có nghĩa là gì, chẳng hạn như dòng mật mã “SRI OM CONDK PR”? Ford cố giải thích: đó chẳng qua là “Sorry old man, conditions poor” (Xin lỗi bố già, tình hình bết bát quá). Kẻ tra vấn ông phản bác lập tức: “Bố láo! “Sorry” mà đánh vần thế à?”

Tôi trung của các vị

Quân Trung Quốc không giết ông. Thay vào đó, họ cố biến ông thành người cộng sản thuần thành bằng những cuộc tra tấn tâm lý liên tiếp. Điều kiện giam giữ khắc nghiệt dần, cho đến khi ông bị biệt giam trong căn phòng dưới gầm cầu thang đầy chuột. Khủng bố tinh thần cũng ngày càng tăng cường độ, cho đến khi cứ mỗi sáng thức dậy, ông lại bụng bảo dạ không biết hôm nay người ta có đem mình ra bắn bỏ hay không. Lần hồi, ông biết chắc rằng chỉ còn cách nhận tội (dù là nhận một cách giả tạo và chỉ nhận một phần) mới có thể thoát chết và đầu óc không phát điên. Thế là ông tự nạp vào đầu mớ ngôn ngữ Mao-ít, cũng leo lẻo lên án chủ nghĩa đế quốc, cũng tự phê, tự thú đã phạm tội trong tư tưởng ra sao. Không chỉ phải làm tất cả những thứ ấy, ông còn phải cho thấy mình “thành khẩn, chấp hành đường lối, và trên hết là thật tình cải tạo” ra sao.

Sau bốn năm, ông được phép viết thư cho bố mẹ vốn nghĩ rằng ông đã chết rồi. Một năm sau, ông được xem là đã cải tạo xong, và bị trục xuất qua Hong Kong. Ở Hong Kong, ông biết tin “một nhóm những con người dũng cảm đã chinh phục ngọn Everest”, chứ ngọn núi không được chinh phục “nhờ Đảng quang vinh hoặc nhờ Mao Chủ tịch vĩ đại”. Ông bắt đầu giải độc đầu óc mình, làm lại từ đầu.

Sau này, lúc nghỉ hưu, rời khỏi công việc trong ngành ngoại giao nước Anh, ông trở thành người đấu tranh rất mạnh mẽ và thẳng thắn cho quyền lợi Tây Tạng. Qua nhiều năm, vị thế của ông trở nên quan trọng: Ông là nhân chứng phương Tây duy nhất còn sống sót đã sống tận nơi, xem tận mắt đất nước Tây Tạng trước khi Trung Quốc xâm chiếm, ông cũng ở vị trí rất tốt để phản bác lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ chiếm đóng: Thì đúng rồi, Trung Quốc đã cải thiện được mức sống cho dân; thì đúng rồi, tiến bộ của nước Tây Tạng cổ xưa đã diễn ra, tuy hơi chậm chạp; nhưng theo ông, “không thể lấy một người máy, dù no nê khỏe mạnh, để thay thế một con người.”

Bạn của ông, đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, đã chủ trì nghi lễ tưởng niệm ông. Trước đó vài tháng, ông đã trở thành một trong số ít người ngoại quốc làm công chức cho chính quyền Tây Tạng được tặng danh hiệu cao quý nhất của đất nước này, Giải thưởng Ánh sáng từ Sự thật. Và ông cũng được trả nốt số lương còn sót lại là một tờ 100 srang mà chính quyền Tây Tạng nợ ông từ trước khi ông bị bắt.

Ảnh: Robert W. Ford khi bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt năm 1950.

Nguồn: “Robert Ford”, The Economist, số ra ngày 5 tháng 10, 2013. Tựa của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra


________________________________________
[i] “Che Guevara – A modern saint and sinner. Why the Che myth is bad for the left” (Ché Guevara – thánh nhân và tội nhân kiểu mới. Vì sao huyền thoại Ché không tốt cho cánh tả), The Economist, số ra ngày 11 tháng 10, 2007.
[ii] Cả Harrer và Ford đều được Đức Đạt Lai Lạt Ma trao Giải Ánh sáng từ Sự Thật”. Harrer nhận giải năm 2002, vì nỗ lực của ông trong việc trình bày cho thế giới biết tình hình Tây Tạng. Ford nhận giải vào tháng 4, năm 2013, vì “không ngừng vận động cho chính nghĩa Tây Tạng trong hơn nửa thế kỷ”.