Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013
Ngô Nhân Dụng - Dân tộc thắng chủ nghĩa
Ngô Nhân Dụng
Sử gia Benedict Anderson mở đầu cuốn sách bàn về các “phong trào dân tộc,” xuất bản năm 1983, ông nhắc ngay đến các cuộc chiến tranh ở bán đảo Ðông Dương, giữa Việt Nam với Campuchia từ cuối năm 1978, và Trung Quốc với Việt Nam đầu 1979.
Anderson thấy một hiện tượng đáng chú ý: Các chính quyền cộng sản nào phát động các cuộc chiến này không ai nhắc nhở gì đến “Chủ nghĩa Mác” để biện minh cho những cái chết của bao nhiêu người dân và binh sĩ mà họ gây ra. Nó khác hẳn “mô típ” quen thuộc của các chính quyền cộng sản trước đó.
Anderson nhắc lại các vụ quân Nga can thiệp vào nước Ðức (1953), Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968), Afghanistan (1980) và các cuộc đụng độ biên giới giữa Nga Xô và Trung Cộng năm 1969. Trong các cuộc dụng binh đó họ vẫn còn nêu lên các khẩu hiệu “bảo vệ chủ nghĩa xã hội” hoặc “chống đế quốc xã hội chủ nghĩa.” Những chữ “xã hội chủ nghĩa” hồi đó còn linh thiêng lắm. Các cuộc chiến ở Ðông Dương năm 1978, 1979 là chiến tranh giữa các chế độ cùng theo “chủ nghĩa xã hội” như nhau! Cái khác nhau là dân tộc, họ xúi người Việt, người Campuchia, người Trung Quốc đánh giết nhau. Dân tộc là một động lực thúc đẩy lịch sử, mà trong hàng thế kỷ trước đó, các người quá tin vào chủ thuyết của Karl Marx đã tự bịt mắt họ nên không chịu nhìn thấy. Rõ ràng, dân tộc là một hiện tượng xã hội rất cần nghiên cứu, đáng được phân tích kỹ lưỡng.
Benedict Anderson đã nhìn ra việc lợi dụng tinh thần dân tộc, tự ái dân tộc ngay trong quá trình phát triển phong trào cộng sản quốc tế. Ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, các đảng cộng sản chiếm được chính quyền không phải vì họ lôi cuốn được người dân tin vào chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa đó quá xa vời. Trong thực tế, các đảng cộng sản đã dựa vào làn sóng giải phóng dân tộc để kêu gọi người ta hy sinh. Ý thức dân tộc là một động cơ vừa mạnh vừa có nguồn gốc sâu xa hơn mọi thứ chủ nghĩa. Không cần đợi tới năm 1989, khi các chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt như những quân bài domino người ta mới thấy như vậy. Sau năm đó thì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã “hết thiêng” rồi, ngay các đảng viên cộng sản cũng mất hết niềm tin. Các đảng cộng sản còn sống sót cũng cố ý lờ đi không nói đến chủ nghĩa nữa.
Tại nước ta ngay bây giờ, chính quyền cộng sản đang nhân danh cái gì khi họ đàn áp những người đòi dân chủ tự do, khi họ bỏ tù những Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ? Tội danh họ thường gán cho các nhà tranh đấu dân chủ là tội “chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ nhà nước;” trong hình luật. Ðảng Cộng sản không hề nói đến chủ nghĩa xã hội, là thứ mà họ vẫn nhân danh để biện minh cho việc chiếm độc quyền cai trị 90 triệu người dân Việt. Trong khi đó thì những người Việt Nam yêu nước đang vận động khắp nơi trên thế giới để bảo vệ mạng sống và con đường tranh đấu của Ðiếu Cày, nhân danh quyền sống của dân tộc Việt Nam. Các nhà trí thức, các bloggers trong nước, các đoàn thể ở hải ngoại khi lên tiếng yêu cầu cả thế giới can thiệp bảo vệ Ðiếu Cày đều nhân danh dân tộc, nhân danh quyền bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước các âm mưu bành trướng của Cộng sản Trung Hoa. Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Ðỗ Thị Minh Hạnh, vân vân, được đồng bào yêu mến vì lòng yêu nước của họ chứ không phải vì một chủ nghĩa trừu tượng nào cả. Nói như Benedict Anderson, chúng ta đang sống trong một “Cộng đồng Tưởng tượng,” là dân tộc Việt Nam, cho nên cùng nhau tranh đấu.
Cuốn sách của Benedict Anderson đặt tựa đề là “Những Cộng đồng Tưởng tượng: Suy nghĩ về nguồn gốc và sự bành trướng của phong trào dân tộc” (Imagined communities: reflections on the origin and spread of nationalism, in lần đầu năm 1983).
Anderson mô tả một dân tộc (nation) là một “Cộng đồng Tưởng tượng,” vì người ta không cần phải gặp nhau, không cần nhìn thấy nhau, nhưng trong đầu vẫn nghĩ tất cả mọi người cùng thuộc vào một “cộng đồng” có thật. Một đặc tính của cộng đồng này là nó có giới hạn, dù biên giới của nó khá co giãn (elastic). Người Pakistan tự nhận họ thuộc một dân tộc dù họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người Bangladesh thấy họ là một dân tộc, cần tách ra khỏi nước Pakistan. Ðó là những “Cộng đồng Tưởng tượng,” chỉ vì người ta muốn như thế. Người ta biết họ thuộc vào một dân tộc, và mặc nhiên coi những người khác cũng nghĩ như mình; bên ngoài biên giới đó là “người khác, dân khác.” Ðặc tính thứ hai mà Anderson nhấn mạnh là chủ quyền. Khi thấy mình là một dân tộc thì người ta cũng nghĩ họ có quyền quyết định trên cuộc sống chung của họ với nhau. Quyền này vượt trên các chế độ chính trị, các vương quốc hay đế quốc đang cai trị họ. Ở Châu Âu vào thế kỷ 19, nhiều nhóm dân sống rải rác trong các đế quốc hay vương quốc nhưng cùng chung một ngôn ngữ, chia sẻ những tập tục văn hóa với nhau. Ðến lúc họ ý thức được mối liên hệ này một cách nồng nhiệt, và bày tỏ ý nguyện được xác định ý thức dân tộc và đòi quyền sống như những dân tộc, phong trào này tiếp tục thay đổi bản đồ châu Âu trong hai thế kỷ.
Các đảng Cộng sản thành công ở nhiều nước nhờ đã đội lốt phong trào dân tộc trong các cuộc cách mạng gọi là giải phóng. Người dân Việt (hay dân Trung Hoa, dân Campuchia) nghe nói “giải phóng” thì nghĩ đến việc thoát khỏi vòng đô hộ và chính sách bóc lột của các đế quốc thực dân. Còn theo đúng chủ nghĩa cộng sản thì nói “giải phóng” có nghĩa là giai cấp công nhân vùng lên lật đổ giai cấp “tư bản bóc lột.” Nhưng ngay từ đầu, các đảng cộng sản cũng mạo danh cả chủ nghĩa Mác để lòe bịp người lao động. Vì nếu đúng theo chủ nghĩa của Karl Marx, thì không thể nào có cách mạng vô sản ở các nước như Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia. Marx xác định rằng cách mạng vô sản chỉ bắt đầu ở các xã hội với một nền kinh tế tư bản đã phát triển hết tiềm năng của nó, chính nó tạo ra giai cấp vô sản sống cực khổ trong các thành thị, những người lao động sẽ “đóng vai trò lịch sử” thay đổi trật tự, giúp cả xã hội cùng tiến lên. Bây giờ thì ai cũng biết các lời tiên đoán của ông Karl Marx sai hết. Lịch sử nhân loại đã quẹo qua một ngả rẽ khác hẳn. Nhưng vào những năm 1930 nếu người ta tin vào kịch bản do ông Marx vẽ ra thì những nước Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia cũng chưa hội đủ các điều kiện để có “cách mạng vô sản” như ông ta tiên đoán.
Một cuộc kiểm tra dân số ở Việt Nam năm 1937 cho thấy rõ điều này. Nước ta chưa thật sự công nghiệp hóa, 95% dân chúng sống ở nông thôn. Những người cộng sản lúc đó tuyên truyền là có một giai cấp tư bản bóc lột lao động ở nước ta. Nhưng trong thực tế cái gọi là giai cấp tư bản nội địa đó chỉ có khoảng 10,500 gia đình, gồm những địa chủ không tự mình làm ruộng mà chỉ thuê người khác làm, một số nhỏ các nhà kinh doanh, và các công chức làm cho chính quyền thuộc địa. Con số đó chỉ chiếm nửa phần trăm (0.5%) dân số cả nước. Có thể nói, nước ta chưa có một giai cấp tư sản.
Năm 1940 Phan Bội Châu đã cực lực bác bỏ dự định làm “cách mạng vô sản” ở nước ta, mặc dù trước đó cụ vốn có cảm tình với Liên Bang Xô Viết. Vì cụ cũng vạch ra rằng ở nước ta chưa có giai cấp tư bản, cũng chưa có giai cấp vô sản! Tại Campuchia cũng vậy.
Một cuộc điều tra dân số năm 1962 cho thấy cả nước có dưới 1,300 người thuộc “giai cấp tư sản” gồm những người tiểu tư sản và các công chức cao cấp, họ chiếm nửa phần trăm dân số. Còn nông dân chiếm hơn 78%, trong đó chỉ có dưới 2% là bần cố nông. Trong dân số hai triệu rưỡi người Campuchia chỉ có 2.5% có thể gọi là công nhân vô sản!
Các phong trào cộng sản đã mạo danh dân tộc, chỉ cốt để cướp lấy chính quyền. Sau khi lừa bịp được mọi người và nắm quyền bính rồi, họ mới lộ rõ bộ mặt thật, là đang theo đuổi giấc mộng xây dựng thiên đường vô sản, theo đường lối Stalin.
Bây giờ, không còn ai bị lừa gạt nữa. Cho nên bọn cộng sản cầm quyền cũng không còn dám nhắc đến chủ nghĩa Mác Lê.
Riêng tại nước ta, đến lượt chính các lãnh tụ cộng sản phải đối đầu với tinh thần dân tộc của dân Việt. Anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, chỉ phạm có một tội là yêu nước Việt Nam. Vì thế, anh đã đòi Trung Cộng phải trả lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo họ chiếm ở Trường Sa. Bỏ tù Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên tức là muốn bỏ tù luôn cả tinh thần dân tộc của dân Việt Nam! Dân tộc Việt Nam sẽ không tha thứ cho hành động gian ác nối giáo cho giặc đó.
Trong cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm chúng tôi muốn chứng tỏ một điều: Người Việt Nam đã xây dựng ý thức dân tộc trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, nếu không phải đã sẵn có từ trước. Nếu vào thời đại Hùng Vương và văn minh Ðông Sơn dân Việt chưa thấy nhu cầu xác định “dân tộc tính” của mình, thì cuộc đụng chạm với các quan lại nhà Hán và văn minh Hán tộc cũng tự nhiên thúc đẩy dân mình ý thức một cách mạnh mẽ hơn về một “cộng đồng tưởng tượng” nối chặt họ với nhau. Nhờ ý thức dân tộc và ý chí tự chủ được rèn luyện trong ngàn năm Bắc thuộc, sau này dân Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần quật cường, bất khuất, trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ thứ 10. Cho nên Vương Thông, viên chỉ huy quân Minh xâm chiếm nước ta vào thế kỷ 15 đã từng viết mật báo về triều đình, nói thật ra rằng cái nước Ðại Việt này, “Có chiếm được cũng không giữ nổi” (Túng đắc chi, bất khả thủ chi - Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lê). Những nhà Hán, nhà Ðường, nhà Minh đến Việt Nam và đã thất bại. Các vua quan mới ở Bắc Kinh cũng sẽ thất bại.
Hùng Tâm/Người Việt - Trung Quốc, trung tâm mâu thuẫn quốc tế
Hùng Tâm/Người Việt
Từ chuyện nay đến chuyện xưa, Trung Quốc là huyền thoại
Trong tuần qua, truyền thông Hoa Kỳ ít chú ý đến hai biến cố Á Châu có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến tình hình Việt Nam. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ nói đến chuyện đó để trở về nhận thức phổ biến của chúng ta về Trung Quốc ngàn đời.
Biến cố thứ nhất xuất phát từ Ấn Ðộ, một cường quốc bán đảo có biên giới tiếp cận - và vì vậy có mâu thuẫn về chủ quyền - với Trung Quốc. Biến cố thứ hai đến từ Nhật Bản, cường quốc quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh nhận là của mình và gọi là Ðiếu Ngư. Hai biến cố ấy khiến chúng ta trở lại định nghĩa “Trung Quốc là gì,” một câu hỏi rất đáng quan tâm tìm hiểu.
Nhật-Ấn và Trung Quốc
Trước hết, hôm Thứ Tư 24 vừa qua, Nội các Ấn Ðộ của Thủ Tướng Manmohan Singh phê chuẩn việc thành lập thêm một Quân Ðoàn Sơn Cước (Mountain Strike Group) để bảo vệ vùng biên giới Ðông-Bắc với Trung Quốc, thuộc bang Arunachal Pradesh là nơi mà Bắc Kinh đòi là chủ quyền của mình trên một diện tích là hai phần ba của tiểu bang. Quân đoàn này có cấp số là hơn bốn vạn binh, chưa kể các đơn vị tác chiến hiện hữu, để phòng thủ biên cương trên một dải đất hẻo lánh hiểm trở giáp ranh với Trung Quốc.
Từ năm 2009, những mâu thuẫn và xung đột Ấn-Hoa ở tầm cỡ nhỏ thường xuyên xảy ra mà ít được dư luận quốc tế chú ý. Việc New Delhi quyết định lập ra một quân đoàn thứ tư để phòng thủ vùng biên vực này là biến cố đáng quan tâm. Quân đoàn mới thành lập sẽ bổ sung cho sức phòng thủ biên giới của Ấn Ðộ vì ba quân đoàn kia đã có nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới tiếp giáp với Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan và được Bắc Kinh chiếu cố khi yểm trợ chính quyền Pakistan.
Ðó là khu vực từng có xung đột vì tranh chấp Ấn-Hồi về chủ quyền tại Kashmir, và lên tới vùng Ladakh của Ấn, tiếp cận với xứ Paksitan và đang được Bắc Kinh nhòm ngó.Việc Ấn Ðộ lập thêm một quân đoàn thứ tư, chuyên về tác chiến trên miền núi để ứng phó với Trung Quốc, là điều gì rất đáng chú ý.
Biến cố thứ hai là cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện Nhật Bản hôm Chủ Nhật 21, với đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) của Thủ Tướng Shinzo Abe thắng lớn và từ nay đến 2016 coi như kiểm soát được lưỡng viện Quốc Hội để đẩy mạnh việc cải cách kinh tế mà ông Abe đã đề nghị từ tháng 11 năm ngoái. Sau khi lên làm chủ tịch đảng LDP mà người Nhật gọi là đảng Tự Dân, ông Abe thắng cử tại Hạ Viện vào tháng 12 và lên làm thủ tướng từ cuối năm. Nhưng ông chỉ có thể rộng tay đẩy mạnh cải cách như đã chủ trương nếu giành lại đa số tại Thượng Viện.
Việc ấy đã xong và dân chúng Nhật tạm tín nhiệm đảng Tự Dân cùng chính sách cải cách đầy tham vọng lẫn khó khăn của ông Abe. Nhật Bản có thể ra khỏi tình trạng ù lì đình đọng từ hơn hai chục năm là nhờ kế hoạch cải tổ của Shinzo Abe. Thế giới chú tâm theo dõi chuyện ấy với nhiều kỳ vọng từ một nước có nền kinh tế đứng hạng ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nào ngờ lại có tiếng cú lạc điệu của Bắc Kinh.
Lãnh đạo Trung Quốc và truyền thông quốc doanh của họ không che giấu được sự thất vọng và ác cảm khi Shinzo Abe thắng lớn. Từ báo chí của đảng và quân đội đã có những bài đả kích Nhật Bản với rất nhiều thậm từ, như “uống độc dược cho đã khát” (!)
Chỉ vì song song với chủ trương kích thích kinh tế và cải cách xã hội, ông Abe còn chiều theo đa số quần chúng Nhật mà đề nghị một chính sách đối ngoại cương quyết hơn: gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng khả năng can thiệp của lực lượng tự vệ và không nhượng bộ thái độ hung hãn của Trung Quốc trong vùng tranh chấp chủ quyền Senkaku/Ðiếu Ngư.
Vì vậy, cường quốc mới nổi lên là Trung Quốc đang có vấn đề và gây phản ứng từ hai nước lân bang vùng Tây Nam là Ấn Ðộ và Ðông Bắc là Nhật Bản. Khi nhớ đến tranh chấp ngoài Ðông hải của Việt Nam và Ðông Nam của Trung Quốc, người ta phải tự hỏi rằng Trung Quốc là gì?
Vì Người Việt TV đã có một chương trình giải ảo của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này, “Hồ Sơ Người Việt” xin được bổ túc như sau.
Ảo tưởng về Trung Quốc
Ngược với nhận thức của nhiều người trên thế giới, kể cả các học giả lẫn chiến lược gia, Trung Quốc như chúng ta biết ngày nay chưa từng là trung tâm của thế giới, hay của lục địa Âu-Á. Nếu có những lúc quốc gia này gây chấn động gọi là “toàn cầu” thì đấy là do các sắc tộc khác đã thống trị người Hoa trong nhiều thế kỷ.
Trong ngàn năm vừa qua của Trung Quốc, từ 960 đến 1911, Hán tộc bị các dị tộc khuất phục trong khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng và đấy là khi Trung Quốc thủ vai đại cường!
Trước hết là nhà Ðại Tống, trên danh nghĩa thì trị vì Trung Quốc từ năm 960 đến 1279.
Thật ra, đấy là khi mà lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các triều Khất Ðan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Từ năm 960 đến 1279, nhà Ðại Tống nhượng đất cho dân Khất Ðan, rồi Tây Hạ, rồi nhà Kim, thuộc tộc Nữ Chân, là nguyên thủy của Mãn tộc sau này. Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị chia hai thành Nam-Bắc Tống và phải triều cống các chư hầu vẫn bị Hán tộc khinh thường
Sau đó là thời của Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một lãnh thổ bát ngát của cả Trung Quốc lẫn các sắc tộc khác từ Á sang Âu. Nhà Nguyên Mông hoàn toàn làm chủ đại cường Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368 và Hán tộc là công dân hạng dưới của người Mông. Gần trăm năm dưới ách Nguyên Mông, Hán tộc chỉ có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, một triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.
Trong nửa đầu 276 năm cai trị của Minh triều, loạn lạc là cơm bữa, tính trung bình mỗi năm lại có một cuộc chiến. Nhà Minh nổi tiếng vì củng cố Vạn Lý Trường Thành khi khu vực Trung Nguyên của Hán tộc bị các dị tộc Mông, Mãn tấn công. Và quay vào trong để nhường đại dương cho thế giới. Lý lẽ ngoại giao là trở lại khuôn phép Khổng Nho là không tranh đua với thiên hạ. Lý do thật là vì kho lẫm kiệt quệ sau khi bị xuất huyết từ 20 năm chinh chiến với Ðại Việt.
Dù đã xây thành đắp lũy, Hán tộc dưới đời Minh vẫn lại bị dị tộc khuất phục. Và Trung Quốc mở rộng lãnh thổ như ngày nay là Mãn tộc, dưới triều Ðại Thanh.
Nhà Ðại Thanh cai trị Trung Quốc từ năm 1644 đến 1911 và đúng là đại cường Ðông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Ðiện. Vết nhơ trên hào quang của họ là việc bị Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại. Dưới triều Thanh, Hán tộc mới là loại phó thường dân nằm dưới trong nhiều thế kỷ.
Trong một giai đoạn dài đến gần ngàn năm, Trung Quốc bị ngoại thuộc tới hơn 600 năm và ngày nay, khi lãnh đạo Bắc Kinh lấy chiến công chinh phục của dị tộc như Mông, Mãn, Tạng, để nói về chủ quyền của họ từ vùng Mãn Châu qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ muốn đánh lừa thế giới và cạo sửa địa dư. Vì những khu vực nằm bên ngoài Vạn lý Trường thành không thể là lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhớ lại chuyện xưa, chúng ta hiểu ra thái độ của Nhật Bản và Trung Quốc.
Kết luận ở đây?
Chúng ta không hiểu ra thái độ của Hà Nội.
Trong ngàn năm uy hùng thật giả của Hán tộc và Trung Quốc, con dân Ðại Việt luôn luôn có mặt với các chiến công lẫy lừng, từ đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đến thời Thanh.
Trọng Thành/rfi - Trí thức Việt Nam tại Pháp đưa kiến nghị về vụ Điếu Cày tuyệt thực
Trọng Thành (RFI)
Chiều ngày 29/07/2013, một nhóm các nhân sĩ trí thức Việt Kiều tại Pháp đã tới tòa đại sứ Việt Nam ở Paris để đề nghị cơ quan này chuyển về nước « Yêu cầu Chủ tịch Nước và Chính phủ Việt Nam khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực của blogger Điếu Cày (tức ông Nguyễn Văn Hải) ». Vụ người tù lương tâm Nguyễn Văn Hải, hiện đang bị giam tại Nghệ An, tuyệt thực đã gần 40 ngày, được công luận khắp nơi quan tâm.
Trả lời RFI Việt ngữ, Giáo sư vật lý học Phạm Xuân Yêm, một thành viên trong nhóm nhân sĩ trí thức tới đại sứ quán Việt Nam thuật lại sự kiện này và giải thích lý do vì sao ông đã ký tên và tham gia vào đoàn chuyển đề nghị nói trên.
Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24.09.2012 - DR
GS Phạm Xuân Yêm: "15 giờ hôm nay, ngày thứ Hai, 29/07, chúng tôi khoảng 10 người, phần lớn là nhà khoa học, chúng tôi đến tòa đại sứ. Chúng tôi là những người sống ở bên Pháp, ký tên vào những bản yêu cầu đó, để góp phần vào với những nhân sĩ ở trong nước, để làm thế nào để thông điệp này đến được sớm nhất với chính quyền, để chính quyền nhanh chóng giải quyết gấp rút sinh mạng của một con người yêu nước.
Những người đã ký tên vào bản Yêu cầu chính quyền xử lý đối với vụ blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, xử lý để đừng cho ông ấy tuyệt thực, như vậy thì có những hậu quả khôn lường, nếu có những mệnh hệ nào. (…) để cho người ta phải tuyệt thực vì người ta thấy là tuyệt vọng rồi.
Mà ông ấy có cái tội tình gì, ngoài cái chuyện cảnh báo cái âm mưu của Trung Quốc, mà chính ông Chủ tịch và chính quyền cũng đã nói thấp thoáng những chuyện đó rồi, mà tại sao lại bắt bớ ông ấy, để ông ấy phải tuyệt thực để phản đối cái chuyện này ? Đấy là mục đích của những người Việt kiều sống ở bên Pháp hôm nay đưa lên tòa đại sứ yêu cầu mà mạng bô xít đã đăng lên.
Trong cái yêu cầu đó, việc đầu tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh là ông Điếu Cày không có việc gì gọi là chống đối lật đổ chính quyền, mà chính quyền lại bắt tội ông ấy như vậy, mà ông ấy chỉ nói lên tiếng nói của một người yêu nước đứng trước hiểm họa xâm nhập mềm của Trung Quốc, nhất là về Biển Đông, về bô xít Tây Nguyên, về thực phẩm an toàn, đủ các thứ… mà chính quyền (trong hành động của mình) không gây lại được cho nhân dân lòng tin (họ) là người yêu nước.
Thứ hai nữa, Việt Nam hiện nay đang là ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, rõ ràng đây là một xâm phạm nhân quyền đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với ông Điếu Cày, và còn hàng mấy trăm blogger nữa, họ không có quyền tự do nói lên ý kiến của mình thôi. Chứ họ cũng không nói gì khác.
Thứ ba là được lòng dân, thì được tất cả, như là trong cuốn sách của ông Nguyễn Huệ Chi, ông ấy nói về văn học cổ, cận đại Việt Nam, ở trang 666. Nói về vụ ông Lê Lợi (Lê Thái Tổ), với sự hợp tác của những trí thức, đặc biệt là ông Nguyễn Trãi, để mà trong vòng có 20 năm, chống lại được sự đô hộ của nhà Minh. Được lòng dân như vậy ! Tôi mong rằng chính quyền, những ông nắm quyền trong Bộ Chính trị, và kể cả trong Ủy ban trung ương, các vị để dành một chút thời gian đọc lại lịch sử, về vụ Lê Lợi được lòng dân như thế nào, mà đi từ một nước nô lệ, giải phóng được, mong rằng (chính quyền) có một thái độ rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.
Chúng tôi mong là làm thế nào thông điệp này đến được chính quyền, bằng nhiều cách càng tốt. Thời buổi internet này, chúng tôi thấy có bổn phận phải báo động đến tòa đại sứ, là người đại diện của chính quyền ở bên Pháp, thì lẽ rất tự nhiên là chúng tôi đưa đến, để mong họ tiếp nhận và chuyển ngay về chính quyền trong nước. Chúng tôi muốn báo động việc này, vì ông Điếu Cày tuyệt thực đến một tháng giời. Sinh mạng ông ấy như ngọn đèn trước gió. Tiếng nói của lương tâm thôi, thấy một người yêu nước trong một hoàn cảnh bi đát như thế này, làm sao mà có thể thờ ơ được ? Làm sao mà có thể vô cảm được ?
Thế thì họ bảo rằng, hôm nay bất thình lình họ không dám nhận. Họ bảo thôi thì cứ để trong hộp thư. Và họ hứa rằng là họ sẽ chuyển. Chúng tôi tin họ sẽ làm như họ đã hứa với chúng tôi."
Vụ ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực trong tù để phản đối các hành động đàn áp của chính quyền, mới chỉ được biết đến vào trung tuần tháng 6/2013 sau khi được nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một bạn tù, thông báo ra ngoài. Kể từ đó đến nay, bất chấp việc gia đình và thân hữu ông Hải liên tục yêu cầu, chính quyền không có biện pháp nào để làm sáng tỏ tình hình này. Chỉ một lần duy nhất, ngày 22/07/2013, con trai của ông Nguyễn Văn Hải được cho phép vào gặp bố trong vòng 5 phút, sau đó anh Nguyễn Trí Dũng thuật lại rằng sức khỏe ông rất yếu.
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải được coi là một trong những nhà báo công dân đi đầu trong việc cất lên tiếng nói chỉ trích chính quyền trong một loạt các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân chủ, môi trường… Cuối năm 2012, ông bị tòa phúc thẩm Việt Nam y án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Trước nguy cơ tính mạng Điếu Cày bị đe dọa, cuối tuần trước, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã công bố trên mạng boxitvn.net yêu cầu các lãnh đạo Việt Nam có biện pháp giải quyết khẩn cấp việc này. Cho đến ngày Chủ nhật, 28/07, và cũng là ngày đóng mục ký tên, bản yêu cầu này đã nhận được chữ ký của hơn 600 người, sống tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng.
Cũng liên quan đến ông Nguyễn Văn Hải, ngày 29/07/2013 lần đầu tiên một tờ báo của Nhà nước Việt Nam, tờ Công an Nhân dân, có bài viết «Lật tẩy ‘‘chiêu tuyệt thực’’ của Nguyễn Văn Hải », để phản bác việc ông Hải tuyệt thực là có thật.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI hôm qua, bà Dương Thị Tân, thân nhân ông Nguyễn Văn Hải cho biết: «Hôm nay đã bước sang ngày thứ 37 » mà chính quyền chưa hề « ra một thông báo rõ ràng » về chuyện này, cho dù bà đã gõ cửa một loạt các cơ quan tư pháp và công an tại Vinh và Hà Nội.
Nguyễn Hoàng Văn - Lịch sử của bệnh dịch
Nguyễn Hoàng Văn
Nhà văn Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu và những kẻ a tòng trong vụ đấu tố luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan nên tìm đọc công trình nghiên cứu History of Shit của Dominique Laporte [i].
Họ cần đọc để may ra ngộ thêm, sáng thêm một vài điều. Họ cần đọc để hiểu rằng bất cứ thứ gì liên quan đến con người và cuộc sống, dù vĩ đại hay bé tí, dù thanh cao hay ghê tởm như là shit, sản phẩm của quá trình bài tiết, cũng đều đáng để nghiên cứu cả. Và họ cần đọc để hiểu rằng, chính họ, như những quân binh chỉ điểm và đấu tố, cũng rất đáng trở thành đối tượng nghiên cứu trong một công trình hàn lâm tương tự.
Trong cuốn sách trên Laporte đã nhìn lại lịch sử văn minh qua cách thức mà nhân loại ứng xử trách nhiệm với cặn bã bài tiết mà mình thải ra: theo từng thời kỳ, những thế cách ấy đã tăng tiến một cách phù hợp với những tiến trình văn minh khác, trong đó có tiến trình hình thành ý thức cái Tôi, ý thức về con người cá nhân, đặc biệt là cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Nói cho gọn thì đây là sự phát triển của “văn hoá bài tiết”: càng ý thức về những tác động từ sự “bài tiết” của mình, nhân loại càng đường hoàng và chính trực hơn trong việc thể hiện trách nhiệm trước những đống bài tiết mình thải ra.
Từ chuyện bài tiết sinh học này, hãy nhìn đến sự bài tiết ý thức – tư tưởng của những hệ thống cầm quyền.
Sự sống là một tiến trình trao đổi chất, ở đó từng hệ thống hấp thụ chất dinh dưỡng bên ngoài và thải hồi những cặn bã sau một tiến trình xử lý. Để sống thì hệ thống sinh học của từng cá nhân phải trao đổi chất qua tiến trình hô hấp, tiêu hoá và bài tiết. Và để sống, từng hệ thống cầm quyền phải tiến hành công việc tương tự về mặt ý thức và tư tưởng: “hô hấp” và “tiêu hoá” để hấp thụ những tư tưởng mới của thời đại và thải hồi cái đã lỗi thời.
Vấn đề cần nêu ra ở đây cũng là “văn hoá bài tiết” và nói theo ngôn ngữ tuyên giáo của hệ thống toàn trị là phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nếu cá nhân không được phép vô trách nhiệm trước những thứ mà cơ thể mình bài tiết thì hệ thống chính trị cũng không được dửng dưng trước những cặn bã nó thải ra. “Không được phép vô trách nhiệm” hay “dửng dưng” chỉ là một cách nói. Một cách bình dân, nôm na, có thể nói thẳng là “ỉa bậy” hay “ỉa vất”: cá nhân không đuợc ỉa vất, chế độ cầm quyền không được ỉa vất.
Thế nhưng những bằng chứng lịch sử hiển nhiên lại cho thấy rằng cái hệ thống toàn trị hô hào “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một hệ thống chuyên ỉa vất, chuyên ứng xử vô trách nhiệm, luôn phủi tay trước những đống cặn bã mà nó thải ra. Nó ỉa bậy trên phương diện ý thức – tư tưởng đến độ, cho đến nay, sau gần ba phần tư thế kỷ, vẫn chưa chịu xây cho mình một cái hố xí hai ngăn.
Một thời, hệ thống toàn trị xây dựng sự sống còn của mình trên tư tưởng đấu tranh giai cấp cứng nhắc theo mô hình Stalinist hay Maoist mà hai thí dụ đau đớn nhất là phong trào đấu tố địa chủ trong Cải cách Ruộng đất vào thập niên 50, là phong trào đấu tố văn nghệ trong vụ Nhân văn – Giai phẩm vào thập niên 60. Nhưng để tiếp tục sống còn thì phải thải hồi những tư tưởng cứng nhắc ấy và, theo góc độ “văn minh bài tiết” mà Laporte đã chỉ ra, hệ thống trị vẫn chưa đủ trưởng thành để bài tiết một cách đàng hoàng và tử tế trong tinh thần “dám chịu trách nhiệm”.
Nó không bao giờ “sai lầm” hay “ấu trĩ”, chỉ có “một thời sai lầm và ấu trĩ”. Nó không có lỗi, chỉ “lịch sử” và “thời đại” là có lỗi. Nó thải, nhưng không nhận đó là chất thải. Nó bài tiết, nhưng không dám vứt thẳng vào hầm tiêu. Không thừa nhận là chất thải, cũng không dám vứt vào hầm cầu, nó đã hiện nguyên hình là một hệ thống ỉa bậy.
Trở lại với câu chuyện Nhã Thuyên và công trình nghiên cứu về nhóm Mở Miệng. Lịch sử chắc chắn sẽ lặp lại và một mai, khi quyền “Mở Miệng” được công nhận hay, ít ra, được đối xử công bằng và tử tế, cái chu kỳ ỉa bậy và “từng một thời ấu trĩ” kia cũng sẽ lặp lại. Nó lặp lại để những kẻ đang hăng hái lập công bằng cách chỉ điểm hay đấu tố sẽ kết thúc sinh mệnh văn nghệ hay “nghiên cứu” của mình tương tự sự nghiệp chỉ điểm và đấu tố của những bậc quân binh đi trước trong thập niên 50 và 60, những tên tuổi hiện đang trôi nổi trong đống chất thải vô thừa nhận của hệ thống toàn trị.
Có người gọi đoàn quân chỉ điểm và đấu tố ấy là những nhà “phê bình kiểm dịch” nhưng gọi vậy e không chính xác [ii]. “Kiểm dịch” là để ngăn ngừa bệnh dịch. Còn những cây bút ấy, khi đã tự nguyện nhảy vào hàng ngũ của đống chất thải vô thừa nhận, đã là hiện thân của một thứ mầm dịch, thứ dịch đã và đang phá hoại sự phát triển bình thường của nền văn học nói riêng và của đất nước nói chung [iii].
Như thế, nếu có một dự án nghiên cứu toàn diện về hệ thống toàn trị, cần có một chương trình nghiên cứu đặc biệt, chuyên sâu về quá trình ỉa bậy của hệ thống, cái quá trình “không dám chịu trách nhiệm” với những cặn bã gây dịch mà nó liên tiếp thải ra. Nhìn lại lịch sử nhân loại qua lăng kính bài tiết, Laporte đã có công trình đặc sắc History of Shit và chúng ta, nếu nhìn lại một chặng đường của đất nước trong phối cảnh riêng về chất thải mà hệ thống toàn trị đã bài tiết, chúng ta sẽ có gì?
Một History of Plague, Lịch sử của bệnh dịch chăng?
Từ History of Shit đến History of Plague: đáng gọi như thế lắm vì cái ổ dịch một thời của đất nước đang ngo ngoe sống lại, đang âm thầm truyền nhiễm và đang cố gây không khí khủng bố qua những hành động chỉ điểm và đấu tố một luận văn cao học.
30.7.2013
© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra
[i] Dominique Laporte, (2001), History of Shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of Technology Press. [Nguyên tác: Histoire de la Merde, bản Anh ngữ của Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury .]
[ii] Trần Đình Sử, “Phê bình kiểm dịch”, 17-7-2013
[iii] Về phong trào đấu tố luận văn cao học “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hoá” (Bảo vệ năm 2010 tại khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) của Nhã Thuyên, có thể đọc các bài viết: Phạm Thị Hoài. “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn” (10.7.2013) và: Trần Đình Sử. “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” (26.7.2013).
Gia Minh/RFA - Blogger Điếu Cày tuyệt thực, góc nhìn của Bộ Công an
Gia Minh,
biên tập viên RFA, Bangkok
biên tập viên RFA, Bangkok
Bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng (vợ cũ
và con Blogger Điếu Cày) cầm đơn khiếu nại. - Courtesy badamxoe
và con Blogger Điếu Cày) cầm đơn khiếu nại. - Courtesy badamxoe
Sau nhiều ngày im lặng, hôm qua mạng Công an Nhân Dân, cơ quan của Đảng Ủy Công an Trung Ương và Bộ Công an, có bài ‘Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải’ của ký giả Vũ Đại Phong.
Phản ứng từ gia đình và những người quan tâm về vụ tuyệt thực mà được cho tính đến ngày 30 tháng 7 đã 38 ngày như thế ra sao?
‘Lề Đảng’ nói
Nội dung bài viết trên báo mạng Công an Nhân dân hàm ý ký giả Vũ Đại Phong đích thân gặp được ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày trong tại giam số 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Tác giả viết nhận thấy ông Nguyễn Văn Hải đi lại bình thường, nói năng hoạt bát dù dáng vẻ hơi gầy vì tạng người của ông này xưa nay vẫn thế. Cũng theo nguyên văn của tác giả Vũ Đại Phong ‘hễ có người lạ, nhất là cán bộ của ngành Kiểm sát thì lập tức tỏ vẻ lệt bệt, thở không ra hơi…’
Tác giả Vũ Đại Phong cho rằng một người tuyệt thực sau hơn 30 ngày phải chỉ còn da bọc xương, không thể gượng dậy và phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên theo tác giả thì biên bản kiểm tra sức khỏe gần nhất của ông Hải ghi ngày 28 tháng 7 được ghi nhận là bình thường.
Tác giả còn trích dẫn phát biểu của một bác sĩ ở bệnh xá trại giam số 6 và lời của một phạm nhân cùng buồng với ông Nguyễn Văn Hải. Vị bác sĩ thì cho rằng qua thăm khám định kỳ sức khỏe của ông Hải đủ để chấp hành án. Người phạm nhân ở cùng phòng thì nói ông Hải có ăn cơm chung, rồi ăn thức ăn do gia đình gửi vào cũng như mua thức ăn của trại…
Nguyễn Văn Hải trong buổi khám sức khỏe định kỳ
(ngày 26/7)? (nguồn báo Công an Nhan dân)
(ngày 26/7)? (nguồn báo Công an Nhan dân)
Tác giả kết luận qua chuyến công tác đến trại giam số 6 và tìm hiểu thì chuyện tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải chỉ là một màn kịch mà tác giả cho là vụng về, được dựng lên nhân dịp các lãnh đạo Đảng và chính phủ Việt Nam công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi của ông chủ tịch Trương Tấn Sang đi Mỹ.
Ký giả Vũ Đại Phong cũng nhắc lại vụ tuyệt thực gần đây của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở trại 5 Yên Định, Thanh Hóa và kêu gọi ông Nguyễn Văn Hải học bài học đó và công khai ăn uống trở lại.
... Kết luận qua chuyến công tác đến trại giam số 6 và tìm hiểu thì chuyện tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải chỉ là một màn kịch mà tác giả cho là vụng về, được dựng lên nhân dịp các lãnh đạo Đảng và chính phủ VN công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi của ông CT Trương Tấn Sang đi Mỹ - Tác giả (Vũ Đại Phong)
Lập luận phản biện
Bài báo của tác giả Vũ Đại Phong được những người quan tâm đến tình trạng của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực đến ngày 38 vào ngày 30 tháng 7 đọc. Họ có chung kết luận có gì đó không đàng hoàng, minh bạch trong vụ việc này với câu hỏi vì sao sau chục ngày gia đình phải lặn lội đến khắp các cơ quan công quyền mà không nhận được câu trả lời thỏa đáng, đến ngày 30 tháng 7 mới có bài báo như thế?
Ông Phan Trọng Khang, người cùng với những thân hữu khác có mặt tại trại giam số 6 hồi ngày 22 tháng 7, và ba ngày sau đó cùng ký tên vào thông báo khẩn về vụ tuyệt thực của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày, nói về bài báo trên mạng Công an Nhân dân mà ông đọc được:
Tôi cho rằng đây là hành động không có đàng hoàng. Chúng tôi đã vào trong đó đưa mẹ con chị đó- cô Tân, gặp trực tiếp các cơ quan công quyền. Đáng lẽ là một chính phủ, một cán bộ đàng hoàng thì phải nhanh chóng minh bạch thông tin, chứ không để chúng tôi phải gây áp lực như thế trước cửa trại giam. Thậm chí, chúng tôi còn chặn một ông thượng tá ở cửa để hỏi thông tin đó như thế nào. Thế nhưng họ lẩn tránh trả lời.
Tôi cho như thế là không đàng hoàng. Là chính phủ đàng hoàng, người cần thông tin là gia đình người ta nói có việc tuyệt thực, tại sao không trả lời? Viện Kiểm sát không trả lời, người ta phải ra Hà Nội đến Tổng Cục 8, đến Bộ Công An; thậm chí sẽ đến Viện Kiểm sát Nhân dân, đến cấp cao hơn nữa về chuyện này. Áp lực ra Hà Nội căng hơn nữa, nên bài ‘của các anh ấy’ phải ra vào đêm hôm qua, lúc 22 giờ bốn mươi mấy phút…
Người mà trong cả chục ngày qua phải chạy đến khắp các cơ quan chức năng Việt Nam với hy vọng được biết về tình trạng thực tế của ông Nguyễn Văn Hải trong trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bà Dương thị Tân bày tỏ ý kiến về nội dung bài báo của tác giả Vũ Đại Phong cho rằng vụ tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải trong trại giam là màn kịch vụng về:
Đúng ra không phải tôi mà là những anh em bạn hữu, những người thân thiết, những bạn chiến đấu cùng ông Hải; mọi người đều bật cười vì hình thức đưa ra vội vã để che đậy việc làm của họ quá ‘thô’, không muốn nói là ‘trắng trợn, bỉ ổi’.
Thực tế họ không thể quay một video clip để đưa lên như trường hợp của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vì bây giờ làm sao có thể dựng ông Hải dậy mà quay video clip đó. Nên họ buộc phải đưa ra một số hình ảnh, mà trong thời đại ngày nay có thể làm được nhiều thứ. Đơn giản nhất là hình ảnh ông Hải cầm đồ ăn của trại giam; mặc dù photoshop rất kỹ, nhưng họ quên một điều khi làm cho sắc mặt ông Hải hồng hào lên, thì tay của người cán bộ quản giáo đỏ rực.
Vào ngày 20 tháng 7 vừa qua khi họ cho con trai tôi gặp bố cháu 5 phút, ông nói rõ khi họ ‘quăng’ ông vào biệt giam, họ quăng theo 4 gói mì Hảo hảo, và căn phòng đó không có người. Cũng như cán bộ quản giáo, phó giám thị trại Thái Văn Thủy, có nói với con tôi rằng chỉ giam riêng ông ấy thôi, chứ không phải biệt giam. Giam riêng cũng có nghĩa không giam chung với ai. Họ dùng từ hoa mỹ để bớt nặng nề khi dùng câu biệt giam. Dẫn chứng nữa là có người giam chung nói chứng kiến ông ăn đồ của gia đình; đã giam riêng làm sao có người chứng kiến ông ăn đồ của gia đình…
Diễn tiến sự việc
Thông tin blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, được người tù chính trị hiện đang bị giam ở trại số 6, Thanh Chương tỉnh Nghệ An là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa báo cho vợ của ông này biết vào cuối giờ thăm nuôi hồi ngày 17 tháng 7 vừa qua. Khi tù nhân lương thức Nguyễn Xuân Nghĩa can đảm báo với vợ tin đó thì ông Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực được 25 ngày rồi.
Trước đó một ngày vào ngày 16 tháng 7, gia đình ông Nguyễn Văn Hải đến trại giam thăm ông nhưng cán bộ trại không cho gặp mặt mà chỉ nhận quà thăm nuôi với lý do ông này vi phạm kỷ luật của trại. Lúc gia đình về đến Sài Gòn, mới nhận được tin từ bà Nguyễn thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa báo cho.
Gia đình lại tức tốc phải ra lại trại giam số 6 vào ngày 20 tháng 7 và sau đó người con trai của ông Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Trí Dũng được cho vào gặp cha trong trại giam. Chính ông Nguyễn Văn Hải nói với con trong tình trạng sức khỏe yếu kém rằng ông phải tuyệt thực vì trại giam buộc ông phải ký nhận tội, cũng như đơn tố cáo của ông gửi Viện Kiểm Sát không được giải quyết.
Anh Nguyễn Trí Dũng chỉ được gặp cha 5 phút vì ông Nguyễn Văn Hải đã nói lên điều mà cán bộ trại cho là vi phạm nội qui. Anh này cho bà mẹ biết ngay sau đó là ‘không thể nào nhận ra cha mình’ trong hình dạng như thế.
Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013
Trần Vinh Dự - Xây chùa bên thác Bản Giốc
Trần Vinh Dự
Cách đây chưa lâu, câu chuyện xây chùa bên thác Bản Giốc được báo chí nói đến nhiều. Ngôi chùa này được động thổ vào giữa tháng 6 và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành giai đoạn một.
Thác Bản Giốc.
Gần đây tôi có dịp lên thác Bản Giốc và đến thăm nơi được chọn để xây chùa. Vị trí này nằm trên một sườn núi thuộc phía Việt Nam, cách thác Bản Giốc khoảng 10 phút đi bộ. Từ vị trí này có thể nhìn thấy thác Bản Giốc, một phần của dòng sông Quây Sơn (dòng sông tạo ra ngọn thác này), và núi non trùng điệp của phía bên kia biên giới.
Khu vực thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Dân cư ở đây chủ yếu là người Tày và Nùng. Hầu như rất ít người địa phương đi theo đạo Phật. Vì thế, câu hỏi thú vị là tại sao Việt Nam lại xây dựng một ngôi chùa ở đây?
Thác Bản Giốc, theo hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã được chia. Phía Việt Nam sở hữu toàn bộ phần thác phụ (còn gọi là thác cao) và một nửa phần thác chính (còn gọi là thác thấp). Phía Trung Quốc thì có một nửa phần thác chính.
Do đã có hiệp định biên giới và việc cắm mốc đã xong từ lâu, khách du lịch hai nước Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đều có thể đến tham quan ở đây. Phía Trung Quốc đã hình thành những khu nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Còn phía Việt Nam hiện nay vẫn cơ bản chưa có bất cứ cơ sở hạ tầng nào cho khách du lịch lưu trú.
Đường từ trung tâm thành phố Cao Bằng lên thác Bản Giốc cũng có nhiều đoạn không tốt. Với khoảng cách khoảng 90 km, khách du lịch bằng ô tô phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ để lên tới thác. Vì không có cơ sở nghỉ dưỡng ở khu vực gần thác, khách du lịch thường phải đi và về trong ngày. Vì thế, việc đi lại đối với khách từ phía Việt Nam có thể nói là khá vất vả.
Do đó, hiện nay số lượng người Việt hoặc du khách nước ngoài đi du lịch ở Việt Nam lên thăm thác Bản Giốc rất thưa thớt.
Trong khi đó phía Trung Quốc đã làm cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều. Họ cũng làm tốt việc tổ chức lưu trú, quảng bá du lịch. Vì thế, khách đến Bản Giốc hiện nay chủ yếu là người Trung Quốc.
Khu vực cột mốc 53 (cột mốc biên giới theo hiệp ước Pháp – Thanh) hiện nay được mở có giới hạn (trên một diện tích rất nhỏ) để khách bên này có thể tự do sang phía bên kia. Dân địa phương của phía Việt Nam dựng nên một khu chợ tạm để bán đồ lưu niệm. Khách đến đây chủ yếu là khách từ phía Trung Quốc. Tại cột mốc luôn có một số hướng dẫn viên người Trung Quốc cầm loa di động giới thiệu về cột mốc này cho khách du lịch bằng tiếng Trung.
Tình trạng bất cân xứng này dẫn đến chỗ nếu không đẩy được lượng khách Việt Nam lên thì thác này sẽ chủ yếu do phía Trung Quốc khai thác. Điều này sẽ dẫn tới chuyện tuy thác đã chia, nhưng lợi ích kinh tế thì chỉ có một bên khai thác được.
Vì thế, phía Việt Nam gần đây đang cố gắng tìm cách tăng cường hoạt động kinh tế và du lịch của vùng này. Tuy nhiên việc này không dễ. Cuối năm ngoái, Saigon Tourist có động thổ để làm một dự án nghỉ dưỡng tại khu vực thác Bản Giốc, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa triển khai được gì nhiều. Lý do cũng dễ hiểu vì chẳng doanh nghiệp nào muốn đặt mình vào thế “cô nhạn xuất đầu”. Khách du lịch lên ít, dù có xây xong cũng dễ bị lỗ.
Việc xây chùa ở khu vực này rõ ràng là nhằm vào việc tạo thêm các điểm nhấn về du lịch, tăng sức hút cho du khách đến đây. Khách lên đông hơn mới mong kéo được các doanh nghiệp trong nước như Saigon Tourist lên đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng.
Nhưng ngoài lý do này thì có vẻ như còn một lý do khác quan trọng hơn. Việc xây dựng chùa Việt Nam tại địa phương còn tạo ra một “cột mốc tâm linh” của Việt Nam trong khu vực biên giới vốn được coi là nhạy cảm.
Gần đây, Việt Nam đã xây một loạt các công trình tín ngưỡng ở các vùng được coi là nhạy cảm. Trong đó điển hình là hệ thống các chùa ở quần đảo Trường Sa. Chỉ riêng ở quần đảo này, Việt Nam đã xây dựng 3 chùa ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, và Sinh Tồn.
Nguyễn Văn Phú - Hận cá, chém thớt
Nguyễn Văn Phú
(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)
Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực…
Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm?
Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.
Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”.
Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép. Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định.
Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:
- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).
- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.
- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.
Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.
Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”.
Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ. Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích.
Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ.
Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối.
Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống.
Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi. Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.
Kông Kông - Kông Kông, Thư gửi chị Dương Thị Tân và con trai anh Điếu Cày
Kông Kông
Một mẩu tin nhỏ “thư giãn cuối tuần”[1], post trên blog xuandienhannom, thứ Bảy ngày 20-7-2013, chắc không mấy ai chú ý, vì chỉ để “thư giãn” nhưng bỗng níu giữ suy nghĩ của tôi. Trong tấm ảnh đó các vị Linh mục thuộc giáo xứ Thái Hà được Thanh tra thành phố Hà Nội tiếp trong một căn phòng mà hậu cảnh trên vách chính, phía trái có cờ đỏ búa liềm với các nếp gấp vẫn còn nguyên, hình như mới vừa được trương lên, ở giữa là ảnh ông Hồ Chí Minh, bên phải có bảng “Lễ Kết Nạp Đảng”! Vì thế các vị khách giáo xứ Thái Hà xin được đổi qua phòng khác họp. Được “gia chủ” chấp thuận. Đây là một điều lạ!
Không nói ra nhưng khách e ngại những tấm ảnh sẽ được chụp trong lần gặp nầy có thể bị giàn phóng viên nhà nghề của “gia chủ” đưa lên truyền thông, như báo Hà Nội Mới, hay VTV-1, họ sẽ chẳng cần thêm một dòng nào kèm theo các tấm ảnh, mà cứ để người đọc thấy đỏ rực cờ xí và bảng “Lễ Kết Nạp Đảng” cũng đủ! Từ đó dư luận sẽ đồn thổi, rồi tha hồ râu ria như:
“Thành phần phản động Thái Hà được Đảng “ta” (tài tình và sáng tạo) giác ngộ cho tham dự Lễ gia nhập Đảng!”
Cái tinh ý của các linh mục, tưởng như nhỏ, đã nói lên sự nghi ngờ rất lớn! Đó là lòng tin của người dân giáo xứ Thái Hà nói riêng, và cả nước nói chung, đối với nhà cầm quyền CSVN đã bị mất hoàn toàn!
Các linh mục luôn luôn giảng dạy về Lẽ Thật, vì chỉ có Lẽ Thật mới giải phóng con người ra khỏi những gian trá và lỗi lầm chồng chất! Một khi đã nói dối, dù chỉ lỡ lời, cũng ít ai dám xác nhận và xin lỗi! Mà đã cố ý nói dối thì tự nhiên người ta phải tìm mọi cách nói dối thêm nữa để chứng minh lời nói dối đó thành sự thật! Phương pháp tuyên truyền của Goebels trong thời Đức quốc xã là cứ nói dối liên tục, lặp đi lặp lại thì một ngày nào đó lời nói dối làm người ta tin là thật. Đảng và nhà nước CSVN đã áp dụng khuôn mẫu Goebels từ lâu và bao giờ cũng đạt được mục đích! Những thông tin, tuyên truyền cho phương Tây trong thời gian chiến tranh Nam-Bắc là thí dụ!
Thế nhưng hôm nay âm mưu đó đã lỗi thời! Dòng chảy dữ dội của internet đang cuốn phăng tất cả những âm mưu lừa đảo! Thí dụ như đoạn video hình ảnh sinh hoạt của tù nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù vừa rồi!
Cho dẫu có sắp xếp tinh vi, dùng kỹ thuật cao photoshop nhưng cũng chỉ được trong thời gian rất ngắn và sau đó sẽ bị bóc mẽ! Và bộ mặt lừa đảo trơ tráo của chế độ cũng sẽ lộ nguyên hình.
Thế nhưng bây giờ Việt cộng đã hết sợ, hết lo lắng về sự lừa bịp công khai đó rồi!
Nhìn hai tấm ảnh khác!
Một, là mẹ con chị Dương Thị Tân và cháu Dũng đang mệt mỏi, thẫn thờ, thất vọng ngồi trên thềm xi măng ở đâu đó, chắc tại gần Bộ Công an Hà Nội(?), cháu Dũng đang điện thoại! [2]
Hai, là ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCNVN và Tổng thống Obama bắt tay nhau trong nụ cười rạng rỡ tại tòa Bạch Ốc, xảy ra cùng thời điểm! [3]
Người tranh đấu chống Tàu Khựa xâm lược, như Điếu Cày, đang cô đơn ngay giữa lòng đất nước! Chắc chắn không phải anh cô đơn vì đi ngược lại mong ước của người VN nhưng anh cô đơn vì cả xã hội VN, người dân vẫn chưa hết sợ hãi chế độ CS!
Chuyện dễ như trở bàn tay, nếu cả nước đồng loạt tẩy chay chế độ và cùng nắm tay nhau xuống đường thì chắc chắn chế độ CSVN sẽ sụp đổ ngay! Vì chính trong nội bộ họ đã chia rẽ trầm trọng, nạn bè phái vì đặc quyền đặc lợi và đặc biệt là có sự chống đối Tàu Khựa xâm lược của những đảng viên CS kỳ cựu đã thức tỉnh!
Chế độ cứ như căn nhà đã long móng chỉ cần một lực đẩy là sẽ sụp đổ! Thế mà vẫn chưa xảy ra!
Vì những người chống CSVN mà đặt điểm tựa hoàn toàn vào Hoa Kỳ hay là những nước khác là sai! Giữa thời buổi này Hoa Kỳ cũng như những nước Tư Bản không ai chủ trương chiếm giữ đất đai như thời thực dân đế quốc của thế kỷ trước! Họ chỉ chủ trương khai thác lợi ích về kinh tế cho nên liên kết với VN cũng chỉ vì cho chính họ! Tấm gương đã vỡ giữa Hoa Kỳ và VNCH là thí dụ điển hình!
Ngày đó VNCH gần như giao phó hoàn toàn sinh mệnh miền Nam trong tay Mỹ! Chống cộng sản theo kiểu Mỹ mà tự mình không biết lợi dụng vào sức mạnh của Mỹ để tạo nền tảng, tự lực sau nầy! Đến khi Hoa Kỳ đi đêm thành công với Trung Cộng thì VNCH phải bị bỏ rơi!
Tấm gương vỡ đó đang là bài học nhãn tiền cho chế độ CSVN bây giờ!
Vì thế VC đang đi dây giữa Tàu Khựa và Mỹ, cho dù thâm tâm vẫn biết theo Mỹ VN sẽ tiến bộ vượt bực trong một tương lai không xa!
Về phía Hoa Kỳ thì sự liên kết với Trung Cộng vẫn là món lợi kếch sù cho nên bằng bất cứ giá nào Hoa Kỳ cũng tiếp tục đi đêm với Tàu Khựa! Trong thế tương tranh với Tàu Khựa thì chế độ CSVN là một quân cờ để mặc cả. Cũng giống thời VNCH!
Cho nên muốn giải thoát VN khỏi CS thì người VN phải Tự Lực! Ta về ta tắm ao ta! Nếu không có thực lực thì chẳng ai thèm quan tâm đến.
Trọng điểm giải phóng VN khỏi cộng sản phải nằm trong tay chính người VN! Đây là thế tất yếu để cứu đất nước!
Ngày trước Trung Cộng nuôi lực lượng vũ trang của Việt Cộng để áp lực ngày đêm với VNCH, chờ kết quả đi đêm với Hoa Kỳ. Khi Kissinger hoàn tất mặc cả, năm 1972, thì Việt Cộng biết chắc thân phận của VNCH đã bị định đoạt!
CSVN bây giờ đang là VNCH thời đó nhưng lực thì đã khác! Khác vì thời buổi nầy thế giới không chấp nhận chiến tranh, cho nên nếu nội tại VN có chiến tranh, dù chính nghĩa, thì cuộc chiến cũng sẽ bị làm ngơ! Vì thế chế độ CSVN hiện tại hoàn toàn không bị áp lực về súng đạn mà họ đang nắm trong tay toàn bộ sức mạnh quân sự, công an để đàn áp đối kháng, nên nội lực đấu tranh chống cộng của người VN chỉ còn là tấm lòng thèm khác Tự Do Dân Chủ nhưng trong sợ hãi! CS biết rất rõ điều nầy nên càng thẳng tay! Dĩ nhiên thế giới thỉnh thoảng cũng nhắc nhở VN về tự do nhân quyền nhưng chuyện đó thực sự không liên quan gì đến quyền lợi cốt lõi của cả khối Tư Bản đang làm ăn với CSVN!
Họ thừa biết CSVN độc tài toàn trị nhưng đó là chỉ là “chuyện nội bộ của VN”!
Người VN chỉ giải phóng được đất nước khỏi cộng sản nếu có thực lực. Thực lực đó rất tiếc là không nằm trong vấn đề vũ trang mà chỉ nằm trong Ý Thức Về Tự Do và Dân Chủ. Bao giờ ý thức đó bùng nổ, như các nước Bắc Phi với cách mạng Hoa Lài, thì mới hy vọng được hỗ trợ cụ thể của thế giới Tư Bản! Họ hỗ trợ không phải vì quyền lợi người VN mà chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi kinh tế riêng của họ đang có!
Bây giờ muốn tạo Ý Thức Cách Mạng mạnh mẽ đó cho người VN không là một việc đơn giản, cho dù vũ khí sắc bén nhất là internet!
Cho nên một Điếu Cày, chỉ như muối bỏ bể! Phải có hàng triệu Điếu Cày thì mới thay đổi được thể chế chính trị tại VN. Tìm đâu ra hàng triệu Điếu Cày ngay lúc nầy?
Khi Chủ tịch Việt Nam đang cùng uống rượu mừng với Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ [4] thì là lúc người VN yêu nước phải nuốt ngược nước mắt vào lòng, vì uất hận!
Điếu Cày là biểu tượng của bất khuất! Là khuôn mẫu của đấu tranh bất bạo động, không chỉ cho VN mà cho nhiều nước trên thế giới chống độc tài, nhưng chỉ là biểu tượng mà thôi!
Công an cho cháu Dũng gặp Điếu Cày 5 phút là ngầm gửi tín hiệu đe dọa đến thân phận của những người khác đang tích cực tranh đấu cho tự do, nhân quyền tại VN! Người VN không thờ ơ trước sự dũng cảm của anh nhưng họ đang sợ hãi, không dám đồng loạt trực tiếp xuống đường để ủng hộ anh! Chính sự sợ hãi đó là căn nguyên nô lệ, là căn nguyên bị trị mà CSVN đã đầu độc dân tộc VN hơn nửa thế kỷ qua.
Chị Dương Thị Tân ơi, đừng bao giờ tự thiêu, vì ngọn lửa tự thiêu của chị chỉ làm đau lòng những người yêu mến Điếu Cày, yêu mến mẹ con chị, chứ với chế độ VC thì họ hoàn toàn vô cảm!
CSVN đang uống rượu Mao Đài với Tàu Khựa, Whisky với Mỹ, Saké với Nhật mà!
Một bầy thú đã bị thuần chủng thì không thể thả ngay trở về thiên nhiên! Muốn thay đổi thái độ thụ động, bị thuần hóa đó cần phải có thời gian. CS đã nô lệ dân tộc, đã thuần hóa sự phản kháng của người VN là một tội ác khủng khiếp nhưng muốn thoát khỏi nó ngay trước mắt là điều chưa khả thi!
VC đang bám vào thời gian để hút máu dân lành, như con đỉa khát máu, cho đến khi nào người VN tự thoát khỏi bản chất sợ hãi, bản chất quen chịu sự nô lệ, “câu nhịn chín câu lành”, thì mới mong tự giải phóng!
Còn quan niệm bám víu vào ngoại bang, như Hoa Kỳ, hay bất cứ nước nào khác là vô ích!
Mỗi nước đều mưu tìm hạnh phúc cho chính dân họ chứ không ai đi tìm hạnh phúc cho người dân nước khác! Không thể trách Hoa Kỳ, Trung Cộng, Tư Bản mà chỉ có thể tự trách chính mình!
Chị Dương Thị Tân và cháu Dũng ơi,
Sinh mạng anh Điếu Cày đang nằm trong tay VC. Công an có thể cứu anh ấy dễ dàng. Họ chích thuốc cho anh ngủ rồi truyền thực phẩm, thuốc men trực tiếp vào cơ thể, anh sẽ hồi sinh! Nhưng, có thể họ muốn anh chết đi, chết để cảnh báo cho những người tranh đấu khác nhìn tấm gương của anh mà sợ hãi, dù CS có thể đạt được kết quả trước mắt, nhưng hậu quả hận thù trong lòng dân tộc về lâu về dài thì khôn lường khi chế độ CSVN cáo chung!
VC hết sợ sự bùng nổ Cách mạng Hoa Lài, vì họ đã ký được “Hợp tác toàn diện với Tàu Khựa 16 chữ + 4 tốt”, và đang ký “Hơp tác toàn diện với Hoa Kỳ”!
Một bên là dâng đất biển VN cho Tàu Khựa, chịu lệ thuộc trực tiếp mọi mặt, một bên là cùng Hoa Kỳ tiến hành khai thác tài nguyên, lợi lộc kinh tế! Hai thủ lãnh Tàu Khựa và Mỹ đối đầu tại VN đều được hưởng lợi nên họ có ghìm nhau cũng chỉ vì tranh nhau phần hơn chứ sá gì thân xác một Điếu Cày?
Rượu Mao Đài, Whisky hay Saké cũng đều là thứ hảo hạng, mà họ đang uống với nhau thì Điếu Cày cạn kiệt sinh lực, đang đi vào lòng đất, có ăn thua gì?
Chỉ có mẹ con chị và người VN yêu nước phẫn uất để cho những dòng nước mắt lặng lẽ chảy ngược vào tim mà thôi chị ạ!
Không thể trách Mỹ, Nhật cũng không thể trách Tàu chỉ vì tham vọng của họ là cho người dân đất nước họ! Chỉ căm hận cho bọn Việt cộng bán nước mà thôi!
Thân phận đất nước VN hiện tại và thân phận của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một, thưa chị!
(July 26th, 2013)
________________________________________________________
[1http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/07/thu-gian-cuoi-tuan.html
[2] http://www.danchimviet.info/archives/77851/ve-tin-chi-duong-thi-tan-dinh-tu-thieu/2013/07
[3]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130725_barack_obama_truong_tan_sang.shtml
[4]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2013/07/130725_sang_meets_kerry.shtml
Từ Linh - Vì Điếu Cày: Thứ năm không ăn sáng. Thứ năm không đổ xăng. Thứ năm không đi làm. Thứ năm mặc áo trắng
Từ Linh
Nhân ngày thứ 37 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực, 29/7/2013
1.
Hôm nay là ngày thứ 37 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực tại Trại giam Số 6 tỉnh Nghệ An, để phản đối cai tù bắt ông biệt giam vì không nhận tội không phạm.
Đến nay, gần 60 nhân sĩ trí thức đã viết kiến nghị gửi Chủ tịch Nước và Thủ tướng, yêu cầu giải quyết vụ việc và trả tự do vô điều kiện cho Điếu Cày.
10 tổ chức quốc tế đã lên tiếng. Phóng viên Không Biên giới đã lên tiếng. Hội Ân xá Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi mọi người hành động bằng cách viết thư cho các giới chức có thẩm quyền yêu cầu họ can thiệp.
Trí Nhân Media đăng danh sách 26 người Việt khắp nơi đã và đang đồng hành tuyệt thực cùng Điếu Cày. Nhiều nhân sĩ, trí thức, blogger đã viết bài, lên tiếng. Nhiều người đã cùng vợ con Điếu Cày đi gõ cửa các cơ quan công quyền.
Nhưng, tình hình vẫn vậy.
Sau 37 ngày Điếu Cày tuyệt thực, quan chức Trại giam Số 6 vẫn im lặng, ẩn hiện như ma; Viện kiểm sát Nghệ An vẫn đùn đẩy; Tổng cục 8 Bộ Công an vẫn né tránh; Thanh tra Công an vẫn trì hoãn. Một anh công an hứa sẽ giải quyết, rất có thể anh hứa vì thiện chí, nhưng đó chỉ là hứa suông không có gì bảo chứng, dường như anh cũng không thực sự đại diện cho ai, cũng chẳng có thẩm quyền gì, thiện chí của anh vẫn có thể bị các đồng chí có quyền trói chặt.
Chẳng lẽ có người dám mở miệng giải quyết khi Thủ tướng vẫn còn đang im lặng? Chủ tịch Nước thì hình như đi Mỹ chưa về. Nhưng chắc rồi cũng sẽ như thường lệ, dù có nhận kiến nghị, họ cũng sẽ giả vờ như không, không có gì quý hơn im lặng.
Nghĩa là đến ngày thứ 37 Điếu Cày tuyệt thực vẫn chưa có kết quả gì, dù là thêm một lần thăm gặp để biết Điếu Cày sống hay chết.
2.
Lần này, phản ứng của người trong và ngoài nước dường như vẫn chưa đủ mạnh để mang lại kết quả lớn. Trả lời phỏng vấn trên RFI ngày thứ sáu 26/7, giáo sư Tương Lai cũng đồng ý với phóng viên Thụy My là phản ứng của xã hội dân sự vẫn chưa “tương xứng” với mức độ nghiệm trọng của tình trạng Điếu Cày.
Điều gì xảy ra vậy?
Vì sao phản ứng của cộng đồng trong và ngoài nước dường như lặng lẽ hơn, dù rằng vụ việc của Điếu Cày cấp bách hơn vụ Cù Huy Hà Vũ nhiều lần?
Hay là từ khi tin lọt ra vào ngày tuyệt thực thứ 25, cộng đồng đến nay mới biết được 12 ngày, và 12 ngày thì chưa đủ để chuẩn bị hay hành động gì có ý nghĩa mạnh mẽ?
Hay là vì cộng đồng hải ngoại chưa có lực lượng phản ứng nhanh, sự gắn kết của các hội đoàn còn lỏng lẻo, sự gắn kết trong và ngoài nước chưa thực có?
Hay là vì có gì khuất tất từ vụ Cù Huy Hà Vũ, khiến mọi người chần chừ vào cuộc lần này?
Khó có thể biết được, nhưng tôi tin rằng, những người thực tâm lo lắng cho mạng sống Điếu Cày trong lúc cấp bách này sẽ tạm gác mọi sự ra ngoài, sẽ bàn luận về những đề tài kia vào lúc khác, còn bây giờ, họ sẽ chỉ tập trung vào việc tìm cách làm gì thêm nữa để cứu sống Điếu Cày.
Thà là hết lòng với một người chính trực đang chống chọi với cái chết trong gang tấc, còn hơn là lọt vào bẫy thờ ơ.
Khi kẻ ác càng cố tình im để giết và muốn mọi người im, im vì hoài nghi hay im vì sợ “hố” đều gây tê liệt, thì những người thực tâm với Điều Cày sẽ càng phải làm ầm lên để cứu.
Nhưng làm gì bây giờ?
Tôi thấy câu hỏi đó trên gương mặt băn khoăn của tiến sĩ Nguyễn Quang A sáng hôm qua, chủ nhật, khi ông cùng mọi người tham dự buổi giao lưu cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội với vợ và con Điếu Cày, chị Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng.
Tôi thấy điều đó trên gương mặt của những người đứng trương biểu ngữ “Tự do cho Blogger Điếu Cày”, “Hãy cứu lấy tính mạng Blogger Điếu Cầy” trước cổng Trại giam Số 6 ở Nghệ An, hay trước Bộ Công an ở Hà Nội.
Giáo sư Tương Lai trong cuộc phỏng vấn vừa kể một lần nữa kêu gọi hãy “đánh thức công luận để bảo vệ những tù nhân lương tâm như Điếu Cày.”
Nhưng, ngoài lên tiếng bằng thư, bằng kiến nghị, còn có thể đánh thức công luận bằng cách nào nữa?
Tôi tin rằng câu hỏi đó đang cháy bỏng trong lòng nhiều người. Nhiều người sẽ trả lời, và tôi xin phép góp vài ý kiến thô thiển.
3.
Sắp tới là ngày thứ năm 1/8/2013, ngày thứ 40 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực. Không biết anh còn sống đến ngày đó không, nhưng dù sống hay không, người Việt trong và ngoài nước vẫn có thể biến ngày này thành một ngày đầy sự kiện để đánh thức công luận.
Đó sẽ là ngày
Thứ năm không ăn sáng:
Hãy tưởng tượng sáng thứ năm, mọi cửa hàng ăn sáng từ Bắc chí Nam đều vắng ngắt người. Chúng ta bỏ một bữa sáng để nhớ đến người tù lương tâm đã bỏ ăn liên tiếp 40 ngày rồi.
Người Việt nước ngoài vào sáng thứ năm 1/8 cũng sẽ không một ai ghé McDonald’s, hay những cửa hàng ăn nhanh ăn chậm khác… Và quan trọng không kém là HÃY ĐƯA TIN cho báo chí thế giới biết rằng: đó là buổi sáng đầu tiên trong lịch sử fast-food thế giới không có một người Mỹ, người Úc, người Pháp, người Canada… gốc Việt nào ăn fast-food, để đồng hành với một tù nhân lương tâm họ yêu quý đang tuyệt thực.
Và cũng sẽ là tin rất đáng chú ý nếu sáng thứ năm 1/8 cũng là buổi sáng mà không một người Việt hải ngoại hay trong nước nào ăn phở hay bánh mì, những món ăn sáng “đại sứ du lịch” của Việt Nam, tất cả chỉ vì họ muốn kêu gọi thế giới chú ý để lên tiếng, cứu tính mạng Điếu Cày.
Thứ năm không đổ xăng:
Hãy tưởng tượng tất cả các cây xăng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Saigon, Cần Thơ… đều vườn không nhà trống. Đó có lẽ sẽ là một ngày kinh hoàng cho giới kinh doanh xăng dầu và nhà nước. TIN TỨC về tất cả mọi trạm xăng trên toàn quốc không có người mua có lẽ sẽ chấn động gần như vụ mất điện toàn miền Nam Việt Nam cách đây không lâu.
Dòng xăng chảy như máu trong nền kinh tế sẽ đột nhiên ứ lại, nghẽn mạch. Nhưng sẽ chẳng có ai đổ được trách nhiệm nào cho dân. Sẽ có người ngồi trên lửa hay lên cơn đột quỵ ngoài ý muốn, nhưng hy vọng, cũng sẽ có những người thấy rằng quần chúng quyết tâm lên tiếng, lên tiếng thật, và sẽ còn lên tiếng nữa, nếu chính quyền vẫn đùn đẩy, không chịu giải quyết yêu cầu chính đáng của Điếu Cày.
Thứ năm mặc áo trắng:
Hãy tưởng tượng sáng thứ năm 1/8, hàng trăm người tập thể dục quanh Hồ Gươm mặc toàn trắng. Cũng vậy, người tập thể dục ở Công viên Tao Đàn, ở Hồ Bán Nguyệt tại Quận 7 Saigon, và ở mọi công viên trên cả nước tất cả đều mặc áo trắng.
Hàng triệu tín đồ Công giáo ở Hố Nai, Gia Kiệm, Long Khánh, hàng triệu tín đồ ở các xứ đạo Vườn Xoài, Bùi Phát, Tân Chí Linh, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhà thờ Chánh Tòa, nhà thờ Tân Định, rồi hàng triệu tín đồ ở Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định, Hà Nội… đi dự lễ thứ năm đầu tháng 1/8 sẽ chỉ mặc áo trắng. Cũng vậy, hàng triệu triệu người Việt khác ở Việt Nam lẫn hải ngoại đều hẹn nhau ra đường mặc áo trắng.
Trắng là màu tang. Chúng ta để tang cho nhân quyền đang bị xâm phạm, cho những người đã chết và đang chết trong lao tù.
Và HÃY ĐƯA TIN: Hàng triệu người Việt hôm thứ năm 1/8 để tang cho nhân quyền bằng áo trắng.
Phụ nữ Cuba cũng đã mặc toàn trắng (Ladies in White) dự lễ mỗi chủ nhật, rồi họ xuống đường diễu hành trong im lặng dọc đường phố Havana để đòi công lý cho những tù nhân lương tâm là chồng con của họ. Cuộc đấu tranh này của đông đảo phụ nữ Cuba đã được Nghị viện Châu Âu trao Giải Sakharov vì Tự do Tư tưởng năm 2005.
Thứ năm không ra quán:
Nếu đã không ăn sáng, thì buổi tối chúng ta sẽ khước từ luôn cảnh lê la hàng quán. Hãy tưởng tượng mọi quán vỉa hè, bia hơi, bia tô, bia ôm, mọi quán karaoke, quán bar sành điệu ở các khu khu thương mại cao cấp, trong các khách sạn 5-sao đều không người vào đêm thứ năm 1/8.
Và sáng hôm sau, TIN TỨC sẽ chạy dòng chữ: Đêm không bia ở Saigon. Ngày Điếu Cày không rượu. Người Việt Nam không nhậu ngày 1/8…
Tương tự như ở Thái Lan, mỗi lần bầu cử, sinh nhật vua, sinh nhật nữ hoàng, mọi hàng quán đều không bán bia rượu. Tất cả các cửa hàng, siêu thị hay cửa hàng tiện dụng 24/24 đều cất toàn bộ bia rượu. Họ muốn mọi người tỉnh táo trong những ngày trọng đại cần phải có trách nhiệm này. Riêng ngày Phật Đản, ngoài việc không rượu bia, tất cả khu đèn đỏ đều đóng cửa và mọi lao động tình dục đều được nghỉ, họ và khách hàng cũng cần có trách nhiệm.
Thứ năm không mua bán:
Điều gì sẽ xảy ra khi đột nhiên siêu thị không ai đến, chợ không ai mua, từ thành đến tỉnh mọi người yên tịnh? Một ngày thứ năm như thế có thể sẽ là bước đầu tiên của một phong trào bãi thị rộng khắp.
Thứ năm không đi làm:
Điều gì sẽ xảy ra khi người Việt khắp nơi trong và ngoài nước sẽ nộp đơn từ thứ hai hôm nay, báo trước rằng họ sẽ nghỉ làm một ngày vì lý do lương tâm vào thứ năm 1/8?
Cộng đồng người Việt hải ngoại ở từng tiểu bang, từng thành phố sẽ thay mặt người Việt trong cộng đồng viết thư gửi các công ty, các dân biểu, chính quyền tiểu bang, liên bang… thông báo người Việt sẽ không đi làm, ít nhất một ngày, để biểu lộ tinh thần đồng hành với tù nhân lương tâm Điếu Cày đang hấp hối.
Nếu Cộng đồng người Việt hải ngoại đã thu được 150.000 chữ ký để đòi tự do cho nhạc sĩ Việt Khang, thì hãy tưởng tượng sẽ có 150.000 người Việt hải ngoại không đi làm vào thứ năm 1/8 vì Điếu Cày. Có lẽ hiện tượng đó sẽ khiến giới doanh nghiệp, giới hữu trách, các dân biểu địa phương và liên bang chú ý và sẽ phải lên tiếng mạnh hơn vì Điếu Cày.
Thứ năm 40 tiếng chuông
Hãy tưởng tượng tất cả các tháp chuông nhà thờ, các tháp chuông nhà chùa của người Việt khắp năm châu đều gióng lên 40 tiếng chuông vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ tối để nhắc mọi người nhớ đến Điều Cày đang tuyệt thực đến ngày thứ 40.
Thứ năm đọc Kinh Bát nhã và Kinh Lạy Cha
Các nam nữ tín đồ, người cao tuổi, thanh niên, trẻ em Công giáo sẽ đọc 40 Kinh Lạy Cha cầu nguyện cho Điếu Cày. Các nam nữ tín đồ, người cao tuổi, thanh niên, trẻ em Phật giáo sẽ đọc 40 Kinh Bát Nhã cầu nguyện cho Điếu Cày. Tất cả sẽ tụ tập tại nhà chùa, nhà thờ, hội trường…, từ sáng đến tối để đọc kinh, tụng niệm và thắp nến cầu nguyện cho Điếu Cày.
Đó cũng có thể là thứ năm không ngủ, thứ năm biểu tình, thứ năm ngồi thiền giữa nơi công cộng hướng về Điếu Cày…
4.
Tôi cũng hình dung rằng:
Để những việc vừa kể có thể làm được và đạt hiệu quả tại hải ngoại, cần có sự điều phối của các đơn vị như cộng đồng người Việt tại các tiểu bang ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Na Uy, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Úc, Tân Tây Lan… Cũng vậy, để làm được và đạt hiệu quả trong nước, cần có sự điều phối và cần rất đông người được thông báo, được vận động để đồng loạt tham gia.
Những hành động đồng loạt, rộng khắp từ trong ra ngoài như thế sẽ cần thiết sau khi những nhân sĩ trí thức – những người mà mọi người luôn đặt kỳ vọng, những người đại diện không chính thức của đông đảo những người khát khao sự thật – đã tận dụng mọi kênh thông tin chính thức rồi, nhưng kết quả vẫn chỉ là im lặng:
Kiến nghị gửi lên trên không thấy ai trả lời.
Đến gõ cửa cơ quan công quyền thì công quyền úp úp mở mở như sợ dân, như đang ngó nghiêng xem các đồng chí lãnh đạo cao nhất bảo gì. Lãnh đạo cao nhất thì dường như đang phân vân toan tính, hay cố tình chủ trương hoãn binh, hay chủ trương im để giết. Không ai biết.
Trong khi người tù lương tâm tuyệt thực thì có thể chết bất cứ lúc nào.
Có lẽ chúng ta cần ra tối hậu thư, rằng: Chúng tôi sẽ làm những điều như trên và nhiều điều khác nữa chỉ để yêu cầu chính đáng của Điếu Cày được xem xét thỏa đáng, để người thân vào thăm, để anh chấm dứt tuyệt thực, được chăm sóc y tế và được trả tự do vô điều kiện vì vô tội.
Một khi các kiến nghị chính đáng bị xem thường thì cộng đồng cần có những hành động trực tiếp khác, bằng không sẽ không lay chuyển được gì.
5.
Nhưng đó là tưởng tượng.
Tưởng tượng xong rồi tôi lại thấy mình hoang mang.
Vì để làm được những việc như thế và nhiều việc lớn hơn nhiều thì trước hết phải có “chúng ta”, tức đông đảo, hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người biết về Điếu Cày, yêu quý Điếu Cày, tự nguyện tham gia vì Điếu Cày. Trong khi đó, khi hỏi 10 người bình thường quanh mình, có đến tám người chưa biết Điều Cày là ai. Blogger Mẹ Nấm đã rất có lý khi viết bài “Nguyễn Văn Hải – Blogger Điếu Cày – Anh là ai?” để nhiều người hơn nữa biết về anh.
Cũng chưa có lực lượng hạt nhân nồng cốt cho hành động dân sự, gồm những người tự nguyện, sẵn sàng cam kết tham gia bền bỉ và vận động người khác cùng hành động.
Tuy Internet có thể truyền tải thông tin rộng khắp và tức thời, nhưng để người nhận thông tin có phản ứng tích cực, hoặc tham gia một cuộc vận động rộng lớn, lại cũng cần có thời gian để họ được chuẩn bị, trước khi bắt tay vào cuộc…
Thôi thì nếu chưa có “chúng ta” lớn thì vẫn còn có nhiều những “tôi” nhỏ.
Như người Nhật, người Hàn Quốc, người Hồng Kông, và đặc biệt là người Tây Tạng, thường viết những lời nguyện trên dải lụa rồi treo lên trong gió, như muốn gió gửi giúp lời nguyện qua biên giới cho người thân xa cách, qua thế giới bên kia cho người đã khuất, hoặc gửi lên cao xanh cho động lòng trời đất và chạm vào lòng người hướng thiện, những điều tưởng tượng ở đây tôi cũng xin được treo lên mạng, như một lời cầu nguyện.
Đó cũng là điều tôi sẽ làm, vào ngày thứ năm 1/8, lại cũng như một lời cầu nguyện, để hiệp thông với anh Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, cùng gia đình anh, và những người cầu nguyện khác. Tôi sẽ:
Thứ năm không ăn sáng
Thứ năm không đổ xăng
Thứ năm mặc áo trắng
Thứ năm không ra quán
Thứ năm không mua bán
Thứ năm không đi làm.
Tôi cũng sẽ gõ 40 tiếng chuông
Đọc 40 Kinh Bát Nhã và 40 Kinh Lạy Cha.
© 2013 Từ Linh & pro&contra
Nguyễn Hưng Quốc - Việt Nam và Mỹ
Nguyễn Hưng Quốc
Chủ tịch nước Việt Nam hội kiến Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc
Nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Mỹ trong mấy ngày cuối tháng 7 vừa qua, thử nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh ngay là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được xây dựng trên một nền tảng khá bất bình thường: sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài; và, có lẽ, do ảnh hưởng của nền tảng ấy, nó phát triển khá chậm: Đã 38 năm sau chiến tranh, 18 năm sau ngày bình thường hóa ngoại giao và 16 năm kể từ ngày Tòa Đại sứ Mỹ mở cửa tại Hà Nội, quan hệ giữa hai nước tuy càng ngày càng được mở rộng nhưng nó lại không có chiều sâu gì đặc biệt như hai bên – hoặc ít nhất một số người ở cả hai bên – mong muốn.
Mục đích chuyến đi của Trương Tấn Sang ở Mỹ là để “nâng cấp quan hệ” với Mỹ. Trong các phát biểu đây đó, Trương Tấn Sang luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam xem Mỹ là “đối tác quan trọng hàng đầu”, một “đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Trong thông báo chung, phía Việt Nam và Mỹ còn dùng chữ “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership).
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, cho chuyến đi của Trương Tấn Sang được tổ chức một cách vội vã, “chỉ có hai tuần lễ để chuẩn bị”, một thời gian ngắn bất thường trong quan hệ quốc tế. Sự “vội vã” ấy có lẽ xuất phát từ chuyến đi thăm Trung Quốc của Trương Tấn Sang vào giữa tháng 6 vừa qua, ở đó, Trương Tấn Sang và Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam nhận thấy nhu cầu đến gần Mỹ trở thành khẩn thiết hơn.
Nói cách khác, Việt Nam cần Mỹ để cân bằng lực lượng với Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắn tiếng trong bài phát biểu khai mạc trong cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 31/5/2013: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. […] Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương.”
Đó cũng chính là điều Mỹ đang cần. Trong chiến lược trở lại châu Á để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ rất cần đồng minh trong khu vực. Hiện nay, họ đã có một số đồng minh chiến lược rất đáng tin cậy: Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Úc. Để vòng vây thực sự được thắt chặt, họ cần thêm những đồng minh khác nữa: các nước Đông Nam Á. Trong các nước Đông Nam Á, nước có vị trí quan trọng nhất chính là Việt Nam, nước có biên giới chung với Trung Quốc, hơn nữa, đó cũng là nước có vùng biển đang bị Trung Quốc dòm ngó nhiều nhất.
Trong quan hệ quốc tế, sự gặp gỡ của một nhu cầu chung là yếu tố quan trọng nhất để nối kết hai quốc gia lại với nhau. Người ta hay nói, để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với một nước nào đó, với Mỹ, có ba trụ cột chính: Một, những lợi ích về chiến lược; hai, những lợi ích về kinh tế; và ba, vấn đề nhân quyền hay những giá trị mà Mỹ muốn cổ vũ. Dư luận hay chú ý đến yếu tố thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế, một điều hầu như ai cũng biết là Mỹ, cũng như bất cứ quốc gia dân chủ và lớn mạnh nào khác ở Tây phương, rất sẵn sàng bỏ qua yếu tố nhân quyền vì những lợi ích về kinh tế cũng như về chính trị của họ. Lâu nay, ai cũng lên án Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, nhưng hầu như nước nào cũng bang giao và làm ăn với Trung Quốc. Với Saudi Arabia, Equatorial Guinea, Uzbekistan, Turkmenistan… Mỹ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ dù tất cả đều là những quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Việt Nam sẽ được hưởng những sự “ưu đãi” tương tự như vậy chăng?
Có thể. Trong cuộc họp giữa Trương Tấn Sang và Barack Obama ngày 25/7 vừa qua, có lẽ Tổng thống Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề nhân quyền một cách nhẹ nhàng dù ông thừa biết trong nửa đầu năm 2013, Việt Nam bắt bớ những người bất đồng chính kiến nhiều hơn hẳn trong cả năm 2012 trước đó. Trong số những người bị gọi là bất đồng chính kiến ấy, có nhiều blogger và những người hoạt động tôn giáo với chủ trương bất bạo động; hơn nữa, cái gọi là “bất đồng” ấy chủ yếu chỉ tập trung trong quan hệ đối với Trung Quốc.
Nhưng được đề cập một cách nhẹ nhàng không có nghĩa là vấn đề không còn sức nặng gì nữa. Thứ nhất là tuy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở về với châu Á của Mỹ nhưng đó không phải là một vai trò không thể thay thế. Thứ hai, chính phủ Mỹ chịu khá nhiều áp lực từ dư luận để không thể thản nhiên gạt bỏ các yêu sách về nhân quyền đối với Việt Nam. Những áp lực ấy đến một phần, thậm chí, phần nhỏ, từ cộng đồng người Việt ở Mỹ; phần khác, quan trọng hơn, từ chính dân chúng Mỹ, những người vẫn còn bị ám ảnh nhiều với chiến tranh Việt Nam trước đây. Chính ký ức chiến tranh này là một yếu tố khiến chính phủ Mỹ không thể bất chấp dư luận được.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất quyết định quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nằm ở chỗ khác: Sự tin cậy. Có thể nói ngay: hiện nay hầu như không ai tin ai cả. Việt Nam cần Mỹ nhưng vẫn không tin Mỹ và cũng không muốn Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam. Lý do đơn giản: từ phía giới cầm quyền Việt Nam, tất cả các ảnh hưởng đến từ Mỹ, vốn gắn liền với xu hướng dân chủ hóa, đều là những đe dọa đối với sự độc quyền và độc tài của họ. Dân chúng Việt Nam, từ lâu, đã khái quát điều đó bằng nhận định: “Đi với Mỹ thì mất đảng”. Còn Mỹ thì dĩ nhiên cũng không tin gì Việt Nam.
Ký ức chiến tranh là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là sự khuất phục của Việt Nam đối với Trung Quốc. Từ các lời phát biểu đến cách hành xử, kể cả những sự đàn áp dân chúng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đều gợi lên ấn tượng là với Việt Nam, sự lựa chọn đã rất rõ ràng: một mực đi theo Trung Quốc và sẵn sàng nhân nhượng Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các nước khác, kể cả Mỹ, để cò kè trả giá cho sự nhân nhượng ấy mà thôi.
Không thể có quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược nào được xây dựng trên nền tảng những sự nghi ngờ như vậy cả.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)