Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013
Thảo Trường - Cơn Sốt
Thảo Trường
“Chúa Jesus phán rằng khát nước!”
Chiếc xe đạp dùng để tập thể dục của con đã bị ông bố “cải tiến” thành chiếc xe thồ. Âu cũng là do ảnh hưởng Việt Cộng nó ám vào ông sau thời gian dài sống trong lao tù của chúng. Mà Việt cộng thì bắt chước Trung Cộng. Ông lão tị nạn, ở nhờ nước Mỹ đế quốc, ai ngờ lại phải bắt chước làm cái xe thồ như của bọn chống đế quốc. Hai bên hông xe ông “thiết trí” thêm vào hai cái giỏ nhôm để ông đi lượm ve chai Mỹ. Mỗi buổi sáng ông thủng thẳng đạp chiếc xe thồ đi rảo qua các khu nhà đến ngày đổ rác để moi trong những thùng rác các phế phẩm gồm ba thứ: nhựa trong, thủy tinh trong và lon nhôm, là những thứ kỹ nghệ tái chế ở đây người ta mua. Có nhiều thứ ông thấy bỏ phí như giấy báo, nhựa mầu... nhưng không làm sao được vì rẻ quá, muốn khai thác những thứ đó phải lấy nhiều và phải dùng xe truck mà ông thì không dám lái xe. Ông mới sang dung thân ở nước đồng minh được hơn một năm, sau gần mười bảy năm làm người tù binh vô thừa nhận ở quê nhà. Khi đi tù ông còn trẻ, tóc còn đen, nay ra tù sang đây ông đã là một ông già tóc bạc chậm chạp yếu đuối và lầm lỳ. Bà vợ ông tập cho ông lái xe để ông thích nghi với cuộc sống ở nước Mỹ nhưng sau mấy lần lái thử ông đành bỏ cuộc. Thấy các xe khác chạy nhanh quá và nhìn xuống triền đất thấp có các căn nhà dưới đó ông bèn chóng mặt thắng xe lại tấp vô lề, suýt nữa xe sau nó tông vào đít. Nó bóp còi inh ỏi. Bà lão dẫn giải:
– Ở Mỹ, nó bấm còi xe là nó chửi mình đấy.
Ông ngô nghê hỏi:
– Ở Mỹ, nó chửi nhau bằng máy à?
Bà lão phải lái xe về nhà, bà nói với các con:
– Má không hiểu sao hồi trước Bố có thể lái máy bay, nhảy dù và điều quân đánh giặc được.
Ông cũng nói với các con ông:
– Câu đáp là “hồi trước” còn bây giờ là... “hồi sau” hay ít ra cũng không còn là “hồi trước” nữa.
Đàn con có lẽ cũng chẳng hiểu mấy những lời của ông nói, nhất là mấy người con di tản năm 75 lúc hãy còn rất nhỏ.
Thua! Cái thua đầu tiên ở Mỹ là nói tiếng Anh dở, đến cái thua thứ hai là không lái được xe. Ở cái xứ sở xa lộ đan nhau chằng chịt chồng chéo và xe hơi nhiều như kiến đàn nối đuôi nhau mà không lái được xe thì chỉ có mà ngồi một chỗ. Ông bèn tính kế nhỏ, giang hồ vặt bằng xe đạp, loanh quanh trong khu thị xã, “không ra khỏi tỉnh”. Buổi chiều ông đạp xe ra bãi biển vừa thu nhặt ve chai vừa hóng gió và cũng là để exercise luôn... Mỗi ngày ông đạp xe hơn chục miles, được hít thở gió biển miễn phí, hoá ra ông lại đâm khoẻ mạnh! Ông còn cái thú là đi xe đạp trên các con đường đất mòn trong khu đầm lầy Bolsa Chica. Cư dân thành phố Huntington Beach nhất định tranh đấu đòi duy trì cánh đồng lầy này để nguyên tình trạng thiên nhiên của nó. Ông vào chơi khu đồng lầy nhiều lần và biết rõ công cuộc tranh đấu ấy nên ông cũng đi theo đoàn biểu tình người Mỹ, cầm theo cái khẩu hiệu đòi bảo vệ sinh mạng cho những con sâu, cái kiến, bầy cá lòng tong và những con bọ bay sinh sống trong cánh đồng. Thị xã có dự án xây dựng đầm lầy thành một công viên rộng lớn hiện đại đẹp đẽ, nhưng dân ở đây không chịu và ông di dân tị nạn già cũng tìm thấy ở nơi đây “một cánh đồng đã mất” của thời thơ ấu của ông ở quê nhà xa xăm tít mù dĩ vãng. Ông dựng chiếc xe đạp thồ, đầy nhóc ve chai mới lượm được ngoài bãi tắm, bên vệ đường rồi ông đi men xuống bờ đầm lầy in như ngày xưa còn bé ông đứng trên bờ Đầm Sét nơi quê nhà. Ông nhìn những con lăng quăng, những con bọ nước có những chiếc càng nhỏ như sợi tóc và dài leo khoeo lêu khêu trên mặt nước. Mấy đứa trẻ Mỹ chơi đùa gần đó kêu rú lên gọi nhau lại xem một con sâu như con sâu róm, chúng lấy làm lạ lùng mà bàn tán với nhau, ông nghĩ là người ta có lý do để đòi giữ lại sự ngạc nhiên lạ lùng tầm thường ấy cho trẻ con của họ. Ở quê hương ông những thứ này đầy rẫy thông thường đến độ người ta muốn loại bỏ nó đi, nhưng ở đây thì thật hiếm hoi, hiếm hoi đến độ lâu ngày ông không trông thấy chúng và khi bắt gặp nó ông tưởng như bắt gặp một quá khứ đời mình. Nằm giữa một bên là thành phố đã sản xuất ra những bộ phận và cả cái cánh của phi thuyền vũ trụ với một bên là bãi biển danh tiếng của môn thể thao trượt nước surfing, đầm lầy Bolsa Chica ở đó với những con đường đất ngoằn ngoèo cỏ mọc lùm xum sâu bọ lẫn với bươm bướm chuồn chuồn... và ông già tóc bạc lẩm nhẩm: “Chuồn chuồn có cánh thì bay...” Ông ngồi bệt trên bờ cỏ nhìn những con vịt trời bơi trên mặt nước và những con cuốc lủi chạy lăng xăng trên sườn đồi. Thỉnh thoảng còn xuất hiện những con “bồ nông” hay con “đại bàng đất” to lớn hơn con ngỗng bay từ biển vào hoặc đàn quạ đen, đàn “bồ câu Mỹ” dạn dĩ... Xa xa bên kia bờ đầm là con đường PCH xe hơi nườm nượp, xa hơn nữa là bãi tắm và biển Thái Bình Dương. Có tiếng lục xục trong một bụi cây ở bờ đầm, nhìn ra là mấy chú chuột rượt đuổi nhau... Ông chợt nhớ tới một người bạn tù, không biết bây giờ anh đang làm gì ở đâu. Phải công nhận rằng anh ta là một người trầm tĩnh, thản nhiên bên ngoài mặc dù bên trong anh là cuồng phong bão tố. Anh là “chuyên gia” bẫy chuột trong đội tù, lấy thịt chuột làm món ăn có chất đạm bồi dưỡng cho cơ thể anh đang đến độ sút giảm vì suy dinh dưỡng. Với anh, ở tù, chuột cũng có thể cứu người. Một hôm anh được cha đến thăm nuôi, cũng mang ra cho anh một ký khô chuột Đồng Tháp Mười và báo tin cho anh biết vợ anh đã lấy chồng khác. Anh thản nhiên nghe tin sét đánh, rồi còn an ủi lại người cha rằng như thế cũng hiểu được thôi và nên thông cảm cho vợ anh. Khi trở vào trong trại giam anh cũng kể lại chuyện đó cho các bạn đồng cảnh biết. Tối đó anh cũng pha trà và cà phê, nướng khô chuột, lai rai cùng mấy người bạn xúm nhau trên manh chiếu chuyện trò. Rồi như thường lệ anh cất tiếng ca, anh vẫn thường ca hát cùng những người bạn “yêu văn nghệ” như thế, nhưng lần này anh có thêm một lớp vọng cổ:
“Khi ra đi tôi đã biểu em ở nhà không được đi tắm sông tắm biển, vậy mà em không nghe, ở nhà, em cứ đi tắm biển tắm sông, để đến nỗi cho mấy cái con cá lòng tong, nó rỉa... nó rỉa... mất ba cái sợi lông... mày...”
Anh em trong phòng giam hồi hộp cố lắng nghe, phân tích xem khi anh xuống “xề”, giọng ca anh có phần nào là bi ai, phần nào là trào lộng? Nhưng không ai nhận xét được, giọng anh thản nhiên và trầm tĩnh đến độ gây xúc động cho cả phòng giam. Dưới nước đầm quả cũng có đàn lòng tong đang tung tăng bơi khiến người ngồi đó nhớ tới người bạn và tưởng mình đang ngồi trên bờ “ao xả” Tân Lập. Nhưng dòng xe cộ nối tiếp ngoài đường hoặc người gần đó kéo ông về hiện tại. Chuột bọ chim chóc bờ bụi đưa ông về miền quê dĩ vãng song lại đến những chiếc máy bay khổng lồ trên trời đánh thức ông trở lại nơi xứ lạ quê người. Ông đạp chiếc xe đạp chậm rãi đi trên con đường rừng đất bạc mầu, đến một ngã ba thì ông dừng lại, phân vân không biết nên đi về ngả nào?
“Một lối dẫn về trại giam còn một lối dẫn ông ra ngoài quốc lộ. Ông tần ngần cúi tìm những cọng lông chim mà ông thường thấy rơi vãi nơi đây. Dân đi rừng đã đặt chết tên cho cái điạ danh này là “ngã ba lông chim” vì nơi đây trên đường về thợ rừng thường dừng chân nghỉ và nhổ lông những con chim mà họ săn bắt được.”
Không có, ở nơi đây không có cọng lông chim nào rơi vãi cả. Cũng không có một “cây chân chim” nào bên đường cả. Chỉ nghe tiếng nói chuyện lao xao của đám trẻ con Mỹ lập tức lại lôi ông lão về thực tại.
“Đường nào đi đến cộng sản còn đường nào đi đến tự do? Đường nào lên thiên thai?”
Ông thắng gấp xe vì một con chim vụt bay ra từ trong một bụi rậm bên đường. Mấy cái lon nhôm xô vào nhau kêu loong coong trong giỏ và có một cái nhảy xuống đường đất lăn lông lốc, ông lão cúi nhặt lên bỏ vào giỏ. “Năng nhặt chặt bị” không rõ văn hóa Mỹ có câu ca dao nào như vậy không? Ông lão nhìn thấy một tổ chim bên trong có hai quả trứng nhỏ xíu.
“Hai người tù binh cuốc đất bên hàng rào cấm. Hàng rào phòng thủ chống xâm nhập của trại huấn luyện xưa, bây giờ hóa thành hàng rào cấm chống đào thoát của trại tù, giam giữ chính những sĩ quan chỉ huy và huấn luyện viên ở đây ngày trước. – Hai trái trứng. Để tôi lấy cho anh bồi dưỡng. Cũng là một tý chất bổ trong lúc thiếu thốn. Binh thư dạy “mưu sinh thoát hiểm” có tiên liệu kế này mà. Thảm hoạ xảy ra trong nhấp nháy. Không ai kịp có ý kiến hay phản ứng gì. Tiếng nổ kinh hồn của trái mìn hất tung xác người tù binh bay lên tan tác...”
Ông lão nhấn bàn đạp cho chiếc xe rướn tới.
*
Nó có tên tuổi đàng hoàng và tên tuổi nó còn được ghi trong sử sách, trong tự điển, quốc tế chứ không chỉ riêng một nước hay một dân tộc một lãnh thổ nào. Nó còn có khả năng mang con malaria từ nơi này sang nơi khác để con malaria giết người. Con malaria giết người ta chứ nó thì không giết ai cả, nó chỉ hút một tí tị máu làm thức ăn nuôi thân. Cũng bởi mắt thường không trông thấy kẻ sát nhân mà chỉ nhìn thấy nó hóa cho nên nó bị coi là chính phạm, là kẻ thù nguy hiểm. Nó bị lên án bằng bản văn, chữ nghĩa và hình ảnh công khai, phổ biến, thậm chí còn được đưa vào sách giáo khoa để quảng bá chứ không phải nói lén rỉ tai, hay đồn đãi vô căn cứ, mà chính thức không cần sự dè dặt thường lệ nào cả. Nếu nhìn nó ở cái thế đậu trên da thịt người ta hút máu thì sẽ thấy là nó rất... đẹp! Nó có cái oai phong của phản lực cơ chiến đấu F. gì đó mà con người đã bắt chước chế tạo theo hình dáng nó. Con người văn minh bày đặt rửa tay trước khi ăn, nó không có thói quen rửa vòi chích trước khi hút máu, nó không cần một thủ tục vệ sinh hay làm dáng quí phái, nó “tự nhiên như ruồi muỗi”. Và vì thế nó truyền nhiễm. Nó chích vòi vào gáy người tù già hút tý máu sống qua ngày, có thế thôi, còn để lại cái gì, hậu quả thế nào, nó đâu có ý thức. Nó chỉ có một phản ứng sinh tồn là nếu thấy động thì phải nhanh chóng bay chạy trốn. Phản ứng sinh tồn thì giống nào mà chẳng có, nhanh hay chậm mà thôi. Nó cũng chẳng có ý kén chọn đối tượng này hay đối tượng kia, cũng chẳng phân biệt quốc gia hay cộng sản. Tiện đâu làm đó. Ối, hơi đâu mà nghĩ ngợi vớ vẩn lại bị ghép vào cái tật triết học. Nó chỉ biết chích hút máu khi có “cơ hội”. Và rồi... Người ta đưa bệnh nhân từ trong rừng về bệnh xá ở trại chính, nơi đây mới có bác sĩ Cộng Hoà làm y tá, có y tá Cộng Sản làm bác sĩ, có ống chích Mỹ luộc đi luộc lại mấy chục năm, có một vườn thuốc nam cũng gọi là thuốc dân tộc trồng củ xả để ướp cá thịt, trồng rau dấp cá để ăn gỏi cuốn. Ông lão bị vứt nằm chèo queo trên cái giường gỗ ở góc phòng bệnh. Ông hâm hấp sốt và thiêm thiếp ngủ. Hình như có ai đó sờ trán và sờ chân ông. Rồi lại có người đến đòi chỗ nằm, nhưng khi mở mắt ra lại chẳng thấy ai...
*
Hồn bay lên khỏi những ngọn cây tràm rậm rì trước bệnh xá, qua những cây tràm khác trong trại giam ra khỏi hàng rào tre, rồi cứ thế hồn bay qua Suối Lạnh, qua Suối Cạn... lướt trên những ngọn cây, bay cái vù lên ngọn núi Mây Tào... bay lượn quanh ngọn núi rồi đáp trên cái nền xi măng... Ở đây ngày xưa người ta đặt đài radar để làm chiến tranh. Hồn đứng nhìn lên trời và cúi nhìn xuống cánh rừng phía dưới nơi có trại tù... Ờ nhỉ, sao lại là nhìn lên trời và xuống đất? Đâu là trên đâu là dưới? Bằng tưởng tượng hồn đào một cái lỗ ngay dưới chân xuyên qua nền xi măng này, xuyên qua lớp đá núi này, xuyên qua trái đất, qua cả cái lòng trái đất nóng bỏng và nhão nhoét, đi xuyên qua phía mặt đất bên kia... biết đâu nơi đó là mặt biển hay sa mạc hay trên cái nền của một nhà xưởng sản xuất ra cái radar đã từng đặt ở đây, hay ở một kho vũ khí chiến tranh nào đó. Hoặc ở một cái sàn nhảy nào đó, một nhà thổ hay sòng bài nào đó, có tiếng máy xoành xoạch lẫn những tiếng reo vang loảng xoảng của đồng jeton rơi rụng. Hay ở một giàn phóng hỏa tiễn nào đó, một ngôi miễu thờ nào đó. À, hay là ở một phòng hơi ngạt, máy chém, ghế điện chuyên xử tử con người... ở đâu đó, một chỗ nào đó trên cái mặt vỏ trái đất. Và từ đó sẽ lại nhìn lên trời hay cúi xuống nhòm vào cái lỗ xuyên trái đất sang tận cái đít của hồn cũng đang đứng đây nhìn lên trời và nhìn xuống đất... Hai kẻ, hai nơi, cùng nhìn lên trời, hai cái trên trời đối xứng nhau càng đi càng xa nhau mãi mãi, đồng thời cũng là hai cái dưới đít nhau tuy có khoảng cách nhất định đấy nhưng không phải ai cũng có thể đến với nhau được, đi đường vòng vượt biên thì nhất chín mười bù... Ờ nhỉ, ở trong cái “vũ trụ bao la trong những cái vũ trụ bao la” này thì trái đất lơ lửng lửng lơ đó nằm ở đâu? Và đâu là trên đâu là dưới mà lại gọi là lên trời xuống đất. Ở chỗ này lên trời thì ở chỗ khác có thể là xuống trời không biết chừng cũng nên. Ối, chẳng biết đâu mà rờ, cũng tại con người ta đặt ra rồi nói miết nghĩ miết hóa quen tai quen mắt quen óc thành thói quen mà thôi. Sao lại cứ phải là gội đầu rửa đít mà không ngược ngạo nói gội đít rửa đầu nghe cho nó chướng tai! Mà ai là người đầu tiên gọi cái này là đít cái kia là đầu? Lâu ngày quen tai quen mắt quen óc biến thành văn hóa mà nếu nói khác đi sẽ bị coi là phi văn hóa! Vậy thì từ đỉnh núi nhìn lên trời hay nhìn xuống trời, nhìn xuống trại tù hay nhìn... lên trại tù dưới kia, muốn nói sao thì nói nhưng trời thì vẫn là trời và ở xa, còn trại tù thì vẫn là trại tù và ở gần. Trại tù thì có thể nhìn thấy, có thể sờ được và có thể bị nhốt ở trong ấy được, nhưng còn trời thì cho đến tưởng tượng cũng không nghĩ chắc được nó như thế nào.
Đậu chán ở cái nền xi măng đỉnh núi hồn lại bay tà tà băng trên các ngọn cây, hồn tính phóng thẳng bay “lên trời” nhưng không được. Hồn nặng nề tội quá không thể cất lên cao được mà nó còn xuống thấp tới chân núi. Hồn đậu xuống xác một máy bay vận tải. Đống sắt rỉ sét này nằm nay từ hồi còn chiến cuộc, bao nhiêu những thứ gì có thể lấy được và có thể bán được thì người ta đã lấy hết. Đố ai còn mót được mảnh nhôm nào. Cây cỏ đã mọc xâm lấn vào cả trong thân máy bay và côn trùng chim chóc sinh vật các loại cũng đã nhiều kẻ chui vào cư trú. Liệu có bao giờ người ta tìm đến đây đào xới kiếm hài cốt không nhỉ? Thôi thây kệ, hồn lại bay tiếp trên các ngọn cây, rồi đáp xuống một ngã ba đường mòn, định thần nhìn một lúc hồn nhận ra đây là dốc “trời ơi”, kia là suối “giao ôi”... Thôi chết, lại quành trở lại trại tù...
*
Người nữ y tá khoe với mọi người:
– Sư phụ bị tôi trói vào giường.
Khi kể lại với bệnh nhân, chị nói:
– Sư phụ còn bị em đánh cho nữa.
Rồi chị thuật lại:
– Chỉ có một chai nước biển dỏm truyền vào mạch máu cho sư phụ thế mà ông ấy cứ giật ra. Sư phụ bị mê man, nói sảng suốt chửi hết tụi nó rồi giật ống dẫn và kim chích ra, chảy cả máu ở chỗ chích, tôi sửa hoài, giữ tay chân sư phụ hoài mệt quá, tôi phải dùng khăn mặt và xé ống tay áo làm dây, trói chân trói tay sư phụ tôi vào thanh giường. Sư phụ giãy dụa, tôi còn đánh cho nữa.
Người nam y tá cười hỏi:
– Cô... đánh vào chỗ nào của sư phụ cô?
– Tôi đánh vào cái tay chuyên bứt ống truyền dẫn nước biển thử coi sư phụ làm gì được tôi!
– Láo thật, đệ tử dám đánh sư phụ! - Nhưng sao lại xưng em với sư phụ?
Chị bẽn lẽn cười:
– Chỉ có mình tôi trói được sư phụ và cũng chỉ có mình tôi dám... đánh sư phụ!
Bác sĩ Cộng Hòa kể cho bệnh nhân biết:
– Ông sốt rồi bị coma, mà bệnh xá thì không có thuốc, may cô Tư có bốn ống quinine max của Hungarie, của riêng cô ấy, chích hết cho ông, có thể cũng nhờ nó mà ông qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.
– Sao cô ấy lại gọi tôi là sư phụ?
– Có lẽ “nàng” xem phim võ hiệp Tàu nhiều quá.
Người nữ y tá giải thích:
– Cũng tại thời trước sư phụ cấp cao hơn chồng em. Chồng em hồi xưa là đại úy chiến tranh chính trị, anh ấy vẫn thường gọi các ông sĩ quan cấp trên là sư phụ.
Ông bác sĩ Cộng Hòa kể tiếp:
– À, chồng cô ấy cứ hai tháng thăm nuôi cô ấy một lần, và lần nào cũng làm một bài thơ “Thăm Vợ Tù” đọc cho cô ấy nghe.
– Sao đại úy không bị tù mà bà đại úy lại bị tù?
– Đại úy bị tù sáu năm, bà vợ thăm nuôi đủ sáu năm. Về Nha Trang anh làm nghề lái xe đò chở khách nuôi lại vợ con bù đắp ân tình mà vợ anh đã dành cho anh. Tưởng hạnh phúc gia đình sẽ êm đẹp, không còn bị ly tán nữa, ai ngờ...
– Ai ngờ, đến phiên anh ở nhà nuôi con và đi thăm nuôi chị ở tù.
– Kể lại đầu đuôi nông nỗi nghe với.
– Đàn ông ở tù phần đông đều có vợ con thăm nuôi. Đàn bà đi tù ít có người được chồng tới lui săn sóc như cô Tư đây. Kể ra trường hợp như cô Tư có chồng ở nhà thăm nuôi đều đặn thế là hiếm và đáng quí lắm. Sự thăm nuôi săn sóc của gia đình cũng nói lên được tình trạng tình nghĩa của mỗi giới trong đạo vợ chồng. Bách phân bạc tình của mỗi giới thấy rất rõ trong tình cảnh ở tù và thăm tù.
Nghe lời tán tụng chồng, người nữ y tá vui tính và tốt bụng nở nụ cười rạng rỡ.
– Cô bị án mấy năm?
Nụ cười rạng rỡ tắt ngấm, nét mặt cô đanh lại và cô buông tiếng chửi thề ngổ ngáo:
– Đù má... chúng nó tuyên án tôi mười hai năm!
“Người chồng từ bến xe về gần tới nhà bị thì bị một tên cán bộ Việt Cộng trong phường hỏi móc: ‘Chào... đại úy. Đi tù về thấy trước kia ngồi trên xe Jeep có tài xế lái và bây giờ làm tài xế dành từng mối khách, đằng nào sướng hơn?’ Rồi nói qua cãi lại hai bên to tiếng, viên cựu đại úy bị nó rượt chạy, ngang qua nhà, người vợ chợt thấy chồng mình bị uy hiếp vừa chạy vừa la, bèn sẵn con dao làm cá trong tay, chị bay ra can thiệp cứu chồng, chị bổ một dao ngay bả vai kẻ đang đàn áp chồng chị, nó ngã gục máu ra lai láng! Thế là lãnh án! Đù má!”
Ông bác sĩ Cộng Hòa kể thêm:
– Chị vốn là y tá của nhà bảo sanh của mẹ chị, ở tù một thời gian chị được giao làm y tá ở bệnh xá này. Tính cũng dữ nhưng cũng tốt lắm. Sư phụ là bệnh nhân được chị lo cho đặc biệt lắm đấy.
Dường như chị cũng đã qua cơn oán hận, bèn kể chuyện cấp cứu:
– Khi thấy bệnh của sư phụ quá nặng e khó bề khỏi được, chúng mới cho chuyển sư phụ đi bệnh viện tỉnh. Chết ở bệnh viện tỉnh sẽ chôn ở trên đó luôn trại khỏi lo, cũng không gây xúc động mấy trong giới tù chính trị đã quá mòn mỏi xao động. Buổi chiều khiêng sư phụ ra gửi quá giang xe tiếp phẩm của tỉnh, sư phụ có biết những ai tiễn đưa mình không? Phải nói là tiễn đưa lần cuối, ai cũng có trong lòng cái tình cảm biệt ly ấy!
Cô nhìn sư phụ mỉm cười kể tiếp:
– Ai cũng nghĩ rằng sư phụ sẽ chẳng thể qua khỏi cơn mê, không ai hy vọng sư phụ còn sống trở lại nhà tù. Khiêng sư phụ ra xe mà tưởng như khiêng thi thể của một đám táng. Ấy thế mà không ngờ. Người lại “trở về từ cõi chết”.
Ông bác sĩ mô tả “đám tang”:
– Ông nằm thoi thóp trên cái cáng Mỹ chiến lợi phẩm, trên phủ một cái chăn đỏ Trung Cộng viện trợ, miệng ông luôn luôn lảm nhảm kêu: ‘Kiến! kiến! kiến nhiều quá!’ Tôi khiêng một đầu, tác giả ‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ khiêng một đầu, ông cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 1 đi một bên bấm huyệt, một người bạn của ông đi một bên cầu nguyện, còn cô Tư tay xách cái bị quần áo và bảy ngày gạo khóc lóc mếu máo chạy theo sau. Người cán bộ y tế lững thững đi sau chót kiểm soát. Chúng tôi đều như chạy chỉ riêng mình anh ta thản nhiên lững thững. Các bác tù đồng cảnh đứng nhìn theo đám tang chạy ra cổng trại giam. Thôi vĩnh biệt! Đưa ông ra bệnh viện tỉnh rồi những ngày sau chúng tôi đợi tin báo tử, một, hai rồi ba ngày không thấy tin tức gì, nhiều người nghĩ là đã xong xuôi tất cả, bốn, năm ngày thì tôi lại nghĩ là ông không chết. Tôi nói với các vị bằng hữu của chúng ta: ‘No news, good news.’ Quả thật good news, ông còn sống trở lại vào tù với chúng tôi. Tổng cộng ba ngày nằm bệnh xá trại giam với hai mươi lăm ngày nằm bệnh viện tỉnh, có bốn ngày hôn mê hẳn và những ngày sau ngất ngư, khi trở lại đây ông như kẻ mất hồn ‘ngơ ngơ ngác ngác vờ vờ vịt vịt vớ va vớ vẩn.’
Kẻ thoát chết nói:
– Xin ghi lòng tạc dạ tình cảm thương yêu lo lắng giúp đỡ săn sóc của quí vị dành cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi cũng sẽ suy ngẫm mãi về ‘sinh lão bệnh tư’ và lẽ sống ở đời.
– Ông đừng quên những giọt nước mắt của đệ tử tiếc thương sư phụ.
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét