Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Phạm Xuân Đài - PHỎNG VẤN NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA VỀ BẢN GIAO HƯỞNG "VIỆT NAM 1975" (Symphony VietNam 1975)




Phạm Xuân Đài thực hiện

LTS: Nhạc sĩ Lê Văn Khoa chính thức ra mắt CD bản nhạc giao hưởng "Việt Nam 1975" của ông vào dịp 30 tháng 4 năm 2005, dù là ông đã hoàn tất công trình này từ 10 năm trước, 1995. Cho đến nay đây là tác phẩm âm nhạc duy nhất viết trong  thể loại này, mô tả những gì mà biến cố 30 tháng 4, 1975 đã mang lại cho đất nước và dân chúng miền Nam Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn nội dung và ảnh hưởng của tác phẩm lớn này, mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn sau đây với nhạc sĩ Lê Văn Khoa, do nhà văn Phạm Xuân Đài thực hiện, trong dịp tưởng niệm ngày 30/4 năm nay, 2013.

*

Phạm Xuân Đài: Thưa nhạc sĩ Lê Văn Khoa, được biết tác phẩm âm nhạc giao hưởng "Việt Nam 1975" của nhạc sĩ là một công trình dài hơi: viết trong vòng 10 năm, hoàn tất năm 1995,  chính thức phát hành đĩa nhạc năm 2005, được nhiều người cho là một công trình "viết lịch sử bằng âm nhạc". Xin nhạc sĩ cho biết động lực nào đã thúc đẩy nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm này?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: Biến cố 1975 có thể nói là biến cố trọng đại nhất của nhân loại đã giáng xuống dân tộc ta, nhất là người dân miền Nam Việt Nam. Chưa có dân tộc nào phải đột ngột liều chết bỏ xứ ra đi như thế. Tôi là một người dân của miền Nam, vì vậy tôi thấy cần phải ghi lại phần lịch sử mà mình đã sống qua. Vì biết sẽ có nhiều người ghi lại biến cố này bằng văn viết, tôi quyết định ghi lại bằng âm nhạc với nhiều thể loại, nhạc cho piano độc tấu, cho đơn ca với dàn nhạc giao hưởng, cho hợp ca với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng để đưa câu chuyện của chúng ta đi xa hơn vùng ảnh hưởng của tiếng Việt, tôi viết nhạc không lời dưới thể loại nhạc lớn của thế giới: Nhạc Ðại Giao Hưởng (Symphony). Việc này đòi hỏi rất nhiều công sức để viết và rất nhiều tốn kém để thực hiện, mà tôi không được một sự hỗ trợ nào. Tôi bị giằng co mãi nhưng vẫn âm thầm làm việc đến 10 năm mới hoàn tất kịp kỷ niệm năm ly hương thứ 20 (1995).

Phạm Xuân Đài: Nội dung chính của Giao hưởng Việt Nam 1975 là gì?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: Cái tên "Việt Nam 1975" cho người nghe biết CD nhạc này là câu chuyện đã xảy ra trên đất nước Việt Nam vào năm 1975.  Tôi vẽ những bức tranh bằng âm thanh để tả một Việt Nam thanh bình, rồi bị miền Bắc tấn chiếm, cả triệu người bỏ xứ, vượt biển ra đi vì không chịu sống với cộng sản. Họ đến được vùng đất mới và lớn tiếng ca ngợi tự do. 

Tôi dùng nhiều chất nhạc miền Nam để nói lên câu chuyện đã xảy ra trên miền đất này. Vì là nhạc không lời, có thể có nhiều người không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu, tôi xin phép nêu vài gợi ý để khi nghe nhạc, người nghe sẽ hiểu nhiều hơn, thấy lý thú hơn và thông cảm với người viết nhạc hơn. Bốn hành âm (movement) đầu là những bức tranh Việt Nam thanh bình với hội hè đình đám, với thú vui và tình tự trong đêm trăng. Ba hành âm sau tôi muốn đi vào tâm tình mà giờ đây đã trở thành lịch sử cận đại của Việt Nam. Ðó cũng là mục đích chính của tác phẩm này.

Người nghe “thấy” gì trong hành âm thứ năm có tên Trong Ðêm Thâu (In the Depth of the Night)?

Sau phần dẫn nhạc, tiếng đàn độc huyền (đàn bầu) nỉ non, đơn độc âm thầm trong đêm vắng để nói lên tâm tình của người dân nghĩ đến thân phận mình trong hoàn cảnh bấp bênh của đất nước. Tình lình tiếng pháo kích nổ vang cắt đứt dòng tư tưởng của người. Xin lưu ý, trong âm nhạc người ta dùng nhạc để diễn tả hoặc nói lên hình ảnh hay âm thanh ngoại lai chứ không dùng sound effects như trong phim ảnh. Sau đó trong tiếng của giun dế giữa đêm khuya, ta nghe tiếng bước chân rụt rè đầy ác ý của kẻ gian. Qua vài âm thanh ngắn ta biết những kẻ đó là người cộng sản Bắc Việt. Lần lần tiếng bước mạnh bạo hơn, đông người hơn với sự đốc thúc của cộng sản quốc tế (một vế nhạc bài Quốc Tế Ca) và cộng sản Trung Hoa, đoàn quân trong bóng đêm mở cuộc tấn kích.

Có người hỏi tôi tại sao phải qua tận Nga (Ukraine) để thu thanh nhạc. Xin nghe mẩu chuyện gay cấn khi thu thanh bài nhạc này:

Lúc đó tôi ở trong phòng kỹ sư âm thanh xuyên qua khung kính lớn, theo dõi ban nhạc dợt trong phòng bên cạnh. Khi ban nhạc chơi đến chỗ có trích đoạn bài Quốc Tế Ca, nhiều nhạc sĩ cau mày. Lúc câu nhạc ấy được lập lại, ngắn hơn, thôi thúc hơn, gần như toàn ban nhạc ngưng đàn, nhiều người đứng lên, quơ tay, lớn tiếng nói gì đó với nhạc trưởng. Tôi trong phòng cách âm nên không nghe họ nói gì, mà dù có nghe cũng không hiểu vì họ nói với nhau bằng tiếng Ukraine. Thấy dáng điệu của họ tôi sợ. Sợ cho việc thu thanh bất thành, đồng thời cũng sợ bị hành hung. Bà nhạc trưởng ôn tồn giải thích cho họ và một lúc sau họ ngồi xuống và chơi nhạc tiếp. Tới bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ chơi rất hùng hồn như họ đang ở ngoài chiến trường, muốn dùng câu nhạc này đè bẹp quân cộng sản.

Khi ông phụ tá nhạc trưởng bước vào phòng thu, tôi hỏi việc gì xảy ra bên ngoài. Ông nói với tiếng Anh hạn chế, rằng khi chơi câu nhạc Quốc Tế Ca, nhạc sĩ nổi giận, chống lại và đòi bỏ về. Họ nói họ đã hát bài đó từ nhỏ, chơi nhạc đó cả đời và thù ghét nó, tưởng đâu được thoát mà bây giờ còn bị chơi nữa. Bà nhạc trưởng giải thích với họ là miền Nam Việt Nam bị cộng sản dưới sự đốc thúc của cộng sản quốc tế, đã tấn công, nhưng họ gặp sự phản công mãnh liệt của quân dân miền Nam trong đoạn nhạc kế tiếp. Nhạc sĩ vỡ lẽ và ngồi xuống chơi tiếp. Xin nhớ thời điểm thu thanh này là lúc có sự tranh chấp dữ đội của phe thân Nga và phe thân Tây Phương. Ứng viên Tổng Thống, người thân Tây Phương bị đầu độc suýt chết.
      
Trong hành âm thứ Sáu: Trên Biển Cả (On High Sea), tôi muốn tạo cuộn phim cảnh người thoát đi bằng đường biển bằng âm nhạc. Nhạc khởi đầu đơn sơ, âm u cho thấy họ đi từ dòng sông nhỏ, ngoằn ngoèo, khi ra đến cửa biển, nhạc bùng sáng với cảnh rộng mênh mông. Họ đi trên mặt biển dưới ánh nắng chói chang, mệt mỏi, bơ phờ, chán chường. Nhưng mây đen thình lình kéo tới với gió bão, sấm chớp vang động, nhưng con người cố thu hồi sinh lực và ý chí chiến đấu để chống trả để dành phần sống. Nhạc chuyển qua đầy cương quyết và bi tráng. Sau đoạn bão tố họ lại gặp hải tặc Thái Lan. Ðể ám chỉ giặc cướp Thái Lan tôi dùng một bài ca Ru Con của Thái làm nhạc đề. Vì bài ấy thuộc ngũ cung nên len vào nét nhạc của tôi dễ dàng mà có thể không ai nhận ra. Trong phần này ta nghe có tiếng chém giết. Nhưng đoàn người lại vận dụng ý chí và sức phấn đấu để vượt thoát. Nhạc đề bi tráng trở lại.

Hành âm cuối: Ca Ngợi Tự Do (Hymn to Freedom), phần dẫn nhạc hơi dài vì nó không phải chỉ dẫn vào phần hợp ca. Tôi muốn gom lại nội dung câu chuyện, cho tiếng đàn Cello độc tấu thét lên tiếng đau thương, phẫn nộ lẫn căm hờn. Dàn violin tiếp theo lời an ủi, vỗ về để xoa dịu thương đau. Sau đó toàn ban nhạc và ban hợp ca tiếp theo hòa thanh vang lên lời ca tụng tự do như sấm động. Vì là bài ca nên phần này có lời, trong đó có đoạn nhạc đầy xúc động với lời ca:

 “Khi ra đi, con đã hứa với mẹ rằng dù ngày sau sẽ không còn nhau nữa,
“Thì hồn con sáng hơn ngàn tinh tú,
“Và rạng soi cho nước ta Việt Nam.”

 Nhạc chuyển qua quyết liệt:
 “Nghìn người sống: Chứng nhân kinh hoàng,
“Vạn người chết: Ðuốc soi tự do,
“Nước mắt muôn triệu người
“Tưới xuống quê hương mình
“Trồi lên tràn đầy mầm sống mới: TỰ DO . . .”

 Và nhạc kết thúc với câu: “Tự Do Muôn Năm.”

 Tôi kết thúc bài nhạc hơi khác thường, cho tất cả bay bổng lên trời xanh, vượt đi như nghìn cánh chim bay vút lên cao, cho tự do bay bổng.

Có một chuyện nhỏ xảy ra khi chuẩn bị thu thanh bài này. Tôi nhờ ban hợp ca Ukraine hát làm nền để về ráp lời Việt. Trong khi ông kỹ sư âm thanh kiểm lại độ mạnh của âm thanh trước khi thu thanh, có người hỏi tôi đại ý bài ca này là gì mà nghe rất phấn khởi. Tôi đáp là bài Ca Ngợi Tự Do sau khi thoát khỏi tay cộng sản. Sau lời thông dịch, nhiều người lên tiếng cùng lúc. Họ bàn cãi với nhau. Tôi nghĩ thầm: Lại chuyện gì nữa đây. Nhưng yên tâm vì thấy không có vẻ căng thẳng như lần trước. Một lúc sau tôi được thông dịch lại, đại ý họ nói không phải chỉ có người Việt Nam mới yêu thích tự do. Họ cũng muốn ca tụng tự do, và nhiều người khác trên thế giới nữa, cũng vậy. Họ yêu cầu cho dịch ra tiếng Ukraine để họ hát, vì họ đã được thoát khỏi sự thống trị của Nga Sô. Tôi mừng quá và đồng ý ngay dù nghĩ rằng mình phải tốn thêm tiền. Thế là buổi thu được hoãn lại. Tất cả nhạc sĩ của dàn nhạc giao hưởng và toàn thể ca sĩ, không ai đòi thù lao cho buổi đó, kể cả kỹ sư âm thanh và chủ phòng thu. Ngay đêm đó tôi dịch lời ra tiếng Anh. Sáng hôm sau, ông Taras, phó nhạc trưởng, người sát cánh làm việc với tôi, xuống phố, đưa bài tiếng Anh của tôi viết cho một người chuyên dịch các opera ra tiếng Ukraine để dịch cấp tốc bài Ca Ngợi Tự Do. Bà ấy dịch xong trong ngày và hôm sau ban hợp ca tập hát. Hôm sau nữa thu thanh. Do đó tôi phải hoãn ngày trở về Mỹ. Khi về Mỹ vì muốn làm CD xong cho kịp ngày 30-4 và vì ban hợp ca Ukraine hát quá hay, tôi dùng bài hát tiếng Ukraine cho CD Việt Nam 1975. Khi trình diễn bài Ca Ngợi Tự Do ở Washington D.C. năm 2010, tôi muốn ban hợp ca có nhiều sắc dân khác nhau và ai nấy hát đều hát vang chữ TỰ DO bằng tiếng nước mình, nhưng rất tiếc không thực hiện được, đành chỉ hát bằng tiếng Việt và tiếng Ukraine thôi.

Phạm Xuân Đài: Chọn hình thức nhạc cổ điển để thể hiện bản nhạc này, phải chăng ông đã chọn con đường khó mà đi: khó trình diễn, khó phổ biến, khó thưởng thức, và chắc là khó hiểu đối với quảng đại quần chúng... Xin ông cho biết lý do?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: Vâng đúng vậy. Biết rằng nhiều người sẽ đi con đường phổ thông, họ dễ thành công hơn, và như vậy, họ vô tình bỏ rơi thành phần tuy không đông bằng nhưng không kém quan trọng, giới thưởng thức nhạc không lời, không nói, không hiểu tiếng Việt. Hiện nay họ là người khác chủng tộc, nhưng trong tương lai con cháu chúng ta cũng có thể sẽ nằm trong thành phần này và nhạc không lời sẽ nhắc nhở chúng lai lịch của ông cha và động lực họ phải ly hương. Tôi nghĩ mình không chỉ giới hạn phần lịch sử kinh thiên động địa này trong vòng ngôn ngữ của loài người, nên chọn loại nhạc không lời để diễn tả. Nói cho cùng, âm nhạc cũng là một loại ngôn ngữ, một thế giới ngữ. Ngoài ra tôi hy vọng  Symphony Việt Nam 1975 trở thành một thứ tượng đài lưu động. Nó ở với người dù bất cứ nơi nào. Nó luôn luôn nhắc đến giai đoạn lịch sử 1975 không riêng của người Việt mà của cả thế giới, bằng chứng là sự có mặt của người Việt trong mọi sinh hoạt khắp năm châu, và nơi nào có người Việt, nơi đó có lễ kỷ niệm 30 tháng Tư. Tôi viết nhạc không lời để chúng ta không bỏ qua một kẽ hở nào để nói cho thế giới biết thực trạng của Việt Nam. Chúng ta nói cho nhau nghe thì nhiều rồi, thiết nghĩ cũng nên nói cho người ngoài biết. Nhạc không lời thì không có biên giới.

Phạm Xuân Đài: Cho đến nay, kết quả sự phổ biến và đánh giá của giới thưởng ngoạn lẫn giới chuyên môn về Giao hưởng này ra sao?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: Ngay sau buổi trình diễn đầu tiên do Pacific Symphony Institute Orchestra ở Orange County Performing Arts Center, chiều thứ Bảy 3-6-1995 các báo Anh ngữ trong vùng như Los Angeles Times, Orange County Register, Costa Mesa Pilot đều có bài tường thuật với lời khen ngợi.


Liên tiếp mấy năm sau đó Pacific Symphony Orchestra đã trích diễn nhiều lần tại miền Nam California. Dàn nhạc giao hưởng ở Springfield, Connecticut và Houston, Texas có trích diễn. Năm 2005 The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra có trích diễn nhiều hành âm. NK Festival Orchestra trích diễn nhiều lần, Vietnamese American Philharmonic trích diễn năm 2008, Kyiv Symphony Orchestra đã trình diễn ở Ukraine (2005) và Washington D.C. (2010).

Bảo tàng viện quốc gia Úc lưu giữ CD này từ năm 2005, để các học giả, các nhà sưu tầm khảo cứu.

Tiến Sĩ Dmytro nêu một câu hỏi cho nhạc trưởng Alla Kulbaba sau buổi trình diễn nhạc Lê Văn Khoa như sau: “Xét theo khía cạnh bà luôn luôn trình diễn những tác phẩm âm nhạc phức tạp, bà nghĩ thế nào về buổi trình diễn đêm nay?” Bà Alla Kulbaba, nhạc trưởng chính của Ukranian National Opera, và cũng là một nhạc trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, phát biểu như sau: “Thưa ông, trên điểm này tôi không muốn chỉ nói đến buổi trình diễn đêm nay mà thôi... Tôi muốn nói đến Nhà Soạn Nhạc Lê Văn Khoa. Tôi tiếp xúc với ông lần đầu trong khi thu thanh đại tấu khúc (Symphony Việt Nam 1975) của ông. Trên thực tế ông đã minh chứng ông là một nghệ sĩ tân thời qua đại tấu khúc của ông... Tác phẩm ấy nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và trong tác phẩm ấy ông khai triển như là nhà viết đại tấu khúc có tài, chứng tỏ ông không chỉ là người viết nhạc nhẹ mà là soạn nhạc gia với thể loại lớn. Symphony là loại nhạc lớn và ông đã viết thật lý thú. Tác phẩm rất sôi nổi với những khai triển của nó. Soạn nhạc gia hành sử thể loại kỳ thú và nó đúng là thể loại symphony cổ điển với nhiều hành âm. Làm việc với tác phẩm này thật thú vị.” 

Nhạc trưởng All Kulbaba điều khiển Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra and Chorus trình diễn khúc “Ca Ngợi Tự Do” từ Symphony Việt Nam 1975 (Ukraine 2005)

Nhạc trưởng Andrew Wailes, một trong ba vị nhạc trưởng lừng danh của Úc cho biết: “Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất hùng tráng. Hiển nhiên những ai hiểu được lịch sử và văn hóa Việt Nam thì sẽ cảm nhận nó một cách sâu sắc hơn. Ðây là một sáng tác theo thể loại nhạc giao hưởng Tây Phương bởi lẽ tác giả sử dụng cả dàn nhạc đại hòa tấu, sử dụng âm điệu và nhạc cụ Tây Phương, nhưng lại có thêm cả âm nhạc dân tộc và nhạc cụ Việt Nam chơi chung với dàn nhạc. Tôi không biết gọi tên cho đúng nhạc cụ đó là nhạc cụ gì, đó là cây đàn một dây (độc huyền cầm) của Việt Nam. Tác phẩm này hết sức hùng tráng và tôi tin chắc là mọi người sẽ thích lắm. Như chúng tôi được biết, trong lịch sử 150 năm của ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal Melbourne Philharmonic thì đây là lần đầu tiên chúng tôi trình diễn âm nhạc Việt Nam. . . Ðây cũng là lần đầu tiên ban nhạc này được một nhạc sĩ Việt Nam (Lê Văn Khoa) điều khiển, lần đầu tiên chúng tôi cùng trình diễn với ban hợp xướng người Việt, và nói chính xác thì đây là lần đầu tiên chúng tôi đệm cho một ban hợp xướng đa văn hóa. Có nhiều điều làm cho buổi trình diễn này mang ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Âm nhạc cũng rất khác biệt với loại nhạc mà chúng tôi thường trình diễn. Tôi rất nôn nóng trình diễn âm nhạc của một dân tộc thuộc một nền văn hóa khác, có một lịch sử khác với chúng tôi. . .” 

Ba ngày sau đêm trình diễn Symphony “Việt Nam 1975”, đúng ra là sáng sớm ngày 25-10-2005, trong chương trình The Breakfast Club bằng tiếng Anh của đài Phát Thanh Quốc Gia ABC, có tường trình chương trình nhạc đêm 22-10-2005. Xướng ngôn viên nhiều lần nhắc lại và nhấn mạnh đó là một chương trình nhạc “Symphony Việt Nam 1975” thật vĩ đại, khán giả chật kín thính đường rộng lớn Town Hall. 

Nhạc Trưởng Andrew Wailes tái xác nhận đây là lần đầu ông trình diễn một đại tấu khúc Việt Nam. Ông cho biết: “Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất lý thú. Ðây là một tác phẩm thật hay . . . . Như những tác phẩm giao hưởng lớn trên thế giới, nó kể một câu chuyện thật đẹp. Ðây là nhạc về con người thật, về một quốc gia thật. Bắt đầu từ những bài dân nhạc diễn tả một quốc gia thanh bình, hào hùng, rồi bị cộng sản xâm chiếm. Nhạc chuyển lần sang âm thanh rất mới, diễn tả sự bất an, đầy bối rối. Người ta chia tay nhau ra đi đến đất nước mới để tìm tự do. Trong hành âm cuối “Ca Ngợi Tự Do”, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại. Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm lớn để thưởng thức.”

Ông giải thích thêm: “Trong nhạc phẩm này đàn violin của chúng tôi phải uốn âm thanh vào phân nửa của bán cung cho phù hợp với âm thanh độc đáo của nét nhạc dân tộc Việt Nam. Việc này thật khác thường. Tiết nhịp thì diễn tấu khá dễ dàng và hòa âm thì có nhiều hợp âm thứ. Nhạc rất hay, rất sắc xảo, tinh vi, có những đoạn thật mong manh, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để không đàn quá mức vì sợ phá vỡ không khí êm ả của nhạc.”

Hai nhạc trưởng Andrew Wailes và Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra và ban Hợp Ca Cộng Ðồng Người Việt trong chương trình đánh dấu năm ly hương thứ 30 của người Việt (Australia 2005)

Nhạc Trưởng Edward Cumming của Pacific Symphony Orchestra, Hoa Kỳ, xác nhận: “Khi đàn bầu, sáo và khánh (glockenspiel) quyện lại, tôi thấy nhạc Việt và nhạc Tây Phương ôm choàng lấy nhau, gắn bó nhau. Ðó là cái ôm siết chặt của văn hóa Ðông-Tây.”


Ngoài yếu tố lịch sử đã tạo được qua buổi hòa nhạc, Nhạc Trưởng Edward Cumming nhắc lại Khúc Giao Hưởng “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa là tác phẩm âm nhạc nói lên lịch sử cận kim của Việt Nam, ba trích đoạn của tấu khúc này đã được dàn nhạc Pacific Symphony Institute Orchestra, cũng do ông điều khiển, đã trình diễn tháng Sáu năm 1995 tại Orange County Performing Arts Center ở Costa Mesa.

Nhạc trưởng Lê Văn Khoa điều khiển Kyiv Symphony Orchestra & Chorus cùng ban hợp ca cộng đồng vùng Washington DC trình diễn bài Ca Ngợi Tự Do, trích từ Symphony Việt Nam 1975

Qua lời phát biểu của ba nhạc trưởng, một ở Âu, một ở Úc và một ở Mỹ, hẳn ông thấy ý tưởng ban đầu của tôi là đúng. Tôi nghĩ những vị nhạc trưởng này chưa hề nghe một bản nhạc phổ thông Việt Nam nào và nếu không có Symphony Việt Nam 1975 chắc họ không biết nhạc Việt ra sao. Họ xác nhận lịch sử tang thương của ngày 30-4-1975 và tiếp chúng ta nói lên bằng tiếng nói âm nhạc cho những người cùng giới, cùng đẳng cấp với họ và như thế câu chuyện của chúng ta được loan ra xa hơn, rộng hơn để tiếng kêu gào, đòi hỏi tự do do cho người dân Việt được vang dội lớn hơn. 

Phạm Xuân Đài: Năm nay nhạc sĩ đã ở vào tuổi 80, ông còn những dự tính nào cho tương lai không?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: Ðối với tôi dường như tương lai hay hiện tại không có gì khác nhau, ngày nào cũng là tương lai và ngày nào cũng là hiện tại, vì lúc nào tôi cũng làm việc. Tôi vẫn còn dạy nhạc, rất muốn mở lớp sáng tác nhạc cho người lớn và cho trẻ em để tạo một thế hệ tương lai tốt hơn thế hệ của tôi. Tôi muốn khai triển thêm lối hội học hay những buổi nói chuyện thân mật, để một số người có thể đi sâu hơn vào lãnh vực hiểu và bình giảng âm nhạc đúng nghĩa. Nhiều người khuyến khích tôi viết hồi ký, tôi cám ơn và cho biết tôi không có đủ thì giờ đi tới thì làm sao có thì giờ đi lui. Có lẽ vì hiểu tôi như thế nên nhiều thân hữu đã đứng ra gom góp một số bài của tôi viết về âm nhạc, về nghệ thuật, và bài của rất nhiều người viết về nhận định, về kỷ niệm với tôi, về tôi, gom lại làm một quyển sách đồ sộ, lấy tên là LÊ VĂN KHOA, MỘT NGƯỜI VIỆT NAM, sẽ ấn hành trong năm nay. Tôi nghĩ đó là một tài liệu khá đầy đủ về tôi, mời đồng bào đón xem để chia sẻ cùng tôi những quan niệm, những hoạt động về âm nhạc và nghệ thuật mà tôi đã thực hiện trong suốt quãng đời đã qua của tôi.

Phạm Xuân Đài: Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.




Vũ văn Lộc - Nhìn lại ngày 30-4: Dương Văn Minh QUYỀN RƠM, VẠ ĐÁ



Vũ văn Lộc

* Chuyện ông Dương Văn Minh. 

Tại sao ông lại ra nhận trách nhiệm vào 2 ngày sau cùng. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tướng Minh cũng theo đoàn tầu hải quân VNCH tách bến Sài Gòn ra đi đêm 29 tháng 4-1975. Nhưng ông quyết định ở lại chỉ để lãnh đòn thù trước mặt và sự sỉ nhục của bạn sau lưng. Theo lịch sử Pháp trong đệ nhị thế chiến thống chế Petain cam chịu nhục để làm bại tướng cứu Paris khỏi cơn binh lửa để 4 năm sau thủ đô chào đón De Gaule trở về trong vinh quang. Bây giờ gần 40 năm qua người cứu Sài Gòn không còn nữa mà sao chưa thấy ai đóng vai De Gaule trở lại thủ đô.


Lời nói đầu: Từ suốt 38 năm qua, cứ đến 30 tháng 4 là mọi người đều nhắc đến câu chuyện tướng Dương Văn Minh đầu hàng với biết bao nhiêu là oán trách.

Riêng chúng tôi vẫn giữ trong lòng những suy nghĩ khác. Bây giờ sống trong thế giới tự do xin cho chúng tôi được giãi bày quan điểm khác biệt với quý vị. Từ năm 2000, nhiều hồ sơ về chiến tranh Việt Nam đã được giải mật. Các tin tức đã cho thấy dù quyết tâm chiến đấu ngay từ đầu năm 1975 và không có các quyết định chiến lược sai lầm thì số phận miền Nam cũng phải được giải quyết trong thời hạn một năm.

Tiếp theo với chiến lược sai lầm trong 55 ngày cuối cùng làm mất vùng 1 và vùng 2 với hai quân đoàn và tất cả lực lượng Tổng Trừ Bị, miền Nam chắc chắn không thể nào gượng lại được nữa.

Vào ngày 28 tháng 4-1975, khi Cộng quân đã đến ngưỡng cửa Sài Gòn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn bất cứ một nguồn tiếp liệu dự trữ nào tại thủ đô. Hai tổng kho vĩ đại là Đà Nẵng và Long Bình có khả năng cho 90 ngày tiếp liệu đã nằm trong vùng địch. Kho bom đại vĩ đại nhất Đông Nam Á ở Thành Tuy Hạ lửa bốc cháy lưng trời. Nếu tiếp tục chiến đấu, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sẽ chỉ còn trên tay các vũ khí nhẹ làm thành các ổ kháng cự nhỏ và sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngắn. Nếu nỗ lực lập được phòng tuyến vòng đai xa lộ cho thủ đô thì Sài Gòn sẽ chịu trận mưa pháo như An Lộc. Trong mùa hè năm 72, thị trấn An Lộc chịu pháo 10 ngàn trái một ngày. Trong khi đó năm 75, Bắc quân đưa 19 sư đoàn với 1,000 chiến xa và đại pháo hướng về Sài Gòn. Tất cả các đơn vị trừ bị của Hà Nội đều tung vào Nam. Trận địa pháo vào Sài Gòn sẽ ác liệt hơn nhiều vì đông dân và không có công sự phòng thủ. Đau thương hơn cả là địch sẽ xử dụng tối đa chiến xa và đại pháo của chính chúng ta.

Vào những ngày cuối tháng tư 75 cấp chỉ huy cộng sản ăn bom B52 suốt cuộc trường chinh sẽ rất hả hê vui mừng được bắn phá thủ đô miền Nam trả thù, để tiến vào như đạo quân chiến thắng thực sự thay vì đem quân vào một thành phố bỏ ngỏ.

Miền Tây của tướng Nguyễn Khoa Nam tuy chưa nao núng nhưng thực sự chỉ là vấn đề thời gian. Hình thức chiến tranh mà miền Nam tùy thuộc suốt 20 năm không phải dễ dàng biến thành đạo quân cách mạng đánh du kích chống cộng sản xâm lược.

Đó là hoàn cảnh của ngày 28 tháng 4-1975 khi ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Dù muốn hay không, số phận nghiệt ngã của lịch sử đã dành cho ông vai trò chấm dứt cả hai nền Cộng Hòa Việt Nam. Đệ nhất và đệ nhị. Năm 1963 ông được đưa lên làm đảo chính chấm dứt nền đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm. 10 năm sau đến lượt đệ nhị Cộng Hòa cáo chung khi ông Minh được đưa ra cúi đầu trước lịch sử.

Nhờ ông Minh người Mỹ có thể ra đi trong trật tự và kéo theo 130,000 dân di tản đợt đầu.

Và từ đó lịch sử mở tiếp các trang mới đầy đau thương cho đến gần 40 năm sau. Trải qua 20 năm dài với thuyền nhân trên bể khổ để rồi gần 1 triệu dân được định cư. Trải qua những năm dài với tù đày lao cải, trên 400 ngàn HO và gia đình đã định cư. Các đợt thuyền nhân và HO kéo theo đoàn tụ ODP, con lai để rồi chúng ta có 1 triệu 700 ngàn trên miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc. Ta vui mừng trở thành công dân của chính quốc gia đã phản bội chúng ta trong chiến tranh Việt Nam.

Nếu chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện nay, chúng ta không thể nguyền rủa ông Dương Văn Minh. Nếu chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng phải trút oán hờn vào nơi khác. Niên trưởng Dương Văn Minh với công việc làm tổng thống miền Nam trong hai ngày cuối cùng chỉ là ông tướng trên bàn cờ thảm bại đóng vai tốt đen, làm con chốt thí. Dứt khoát là ông đã cứu Sài Gòn với hàng chục ngàn cái chết hoàn toàn vô ích trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Trong niềm cảm thông sâu xa với vai trò bẽ bàng đau khổ của niên trưởng Dương Văn Minh tôi xin viết bài này gửi ông một vòng hoa tưởng niệm. Bài viết khi ông chết năm 2001, phổ biến năm 2005 và được bổ túc lại vào dịp 38 năm của ngày 30 tháng 4 oan trái.

* * *

Trong số các niên trưởng quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy nhiên, thực ra nguyên nhân đã đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng, tôi viết bài này cho đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận, ông cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi ông qua đời. Đây không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho vị niên trưởng đã ra đi lần cuối tháng 8-2001.

Bao năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ riêng tư và qua người con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như sau: "Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người khác thì tôi càng không muốn." Ông đã nhận chức tổng thống VNCH trong hai ngày cuối cùng, cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn không nắm vững tình thế. Các giới chức hải quân VNCH trước khi lên đường có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.

Tướng Minh quyết định ở lại và dự trù chỉ gửi vợ con ra đi. Nhưng bà Dương Văn Minh cũng nhất định ở lại với chồng và chỉ có gia đình con gái và con rể đi vào giờ chót. Ông Minh cho biết là cộng sản đã phối trí pháo chung quanh để khai hỏa đồng loạt dằn mặt Sài Gòn. Ông ở lại và chấp nhận tất cả mọi hậu quả.

Ông cũng cho biết, qua lời đại tá Nguyễn Hồng Đài là người Mỹ đã yêu cầu chính phủ của ông ra thông cáo mời họ ra đi. Việc này vị thủ tướng của ông tổng thống Dương Văn Minh là luật sư Vũ Văn Mẫu đã chính thức lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn.

Tuy nhiên, phải thành thật mà ghi lại rằng, đây vẫn còn là bí ẩn của lịch sử. Mỹ yêu cầu Việt Nam mời họ đi hay là quyết định đơn phương của nội các Dương Văn Minh. Nhưng rõ ràng là, dù có mời đi hay giữ lại thì người Mỹ cũng ra đi.

Sau khi đầu hàng, ông ở nhà chờ cộng sản kêu đi học tập. Một năm sau, có người xưng là thủ trưởng đem đến một thùng sách nói là để giúp ông học tập tại nhà. Tướng Minh nói: "Tôi không có lòng dạ nào mà học tập, cũng chẳng thấy có gì cần học tập, xin anh cứ đem về." Thùng sách nằm tại phòng khách. Bốn tháng sau, thủ trưởng đến khảo sát kết quả nhưng thấy ông bị bệnh nên đã đem sách về. Khi bị đau nặng chính phủ Hà Nội đề nghị ông đi Nga, hoặc là đi Đông Đức để chữa bệnh nhưng ông từ chối. Gia đình ông yêu cầu cho đi Pháp nhưng cứ chờ đợi mãi. Sau cùng được biết trước một ngày. Sáng hôm sau có xe chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đến cửa phi cơ mới thấy vé máy bay và thông hành. Viên phi công người Pháp đã được lệnh chờ và dành chỗ cho 2 người khách đặc biệt, lúc đó mới biết đó là ông bà cựu tổng thống Dương Văn Minh. Sau hết, từ lâu đã muốn đưa lên một ý kiến riêng tư về hoàn cảnh đại tướng Dương Văn Minh, tuy nhiên tôi không muốn mở ra một cuộc tranh luận mới. Vì vậy nên ý kiến của chúng tôi nếu không được chấp nhận, xin quý độc giả vui lòng lượng thứ.

( Vũ văn Lộc )


Trần Gia Phụng - 30-4-1975: THẮNG CUỘC HAY TỘI ĐỒ?



Trần Gia Phụng

Chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975.  Cho đến nay, cộng sản Việt Nam (CSVN) thường tự hào họ là bên thắng cuộc.  Nhân mùa Quốc hận năm nay, có lẽ nên thử trở lại vấn đề ai là bên thắng cuộc trong cuộc chiến 1960-1975?


1.-   THẾ NÀO LÀ BÊN THẮNG CUỘC?

Trước hết cần phải xác định thế nào là thắng cuộc thì mới có thể biết bên nào thắng cuộc?  Thông thường, bên thắng cuộc là bên thực hiện được mục đích do chính bản thân đặt ra trước khi tham chiến.

Những bên tham chiến vừa qua là:  Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt Nam (BVN),  Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN), Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam (NVN).  Ngoài ra, phía BVN có Liên Xô và Trung Quốc viện trợ và gởi quân làm cố vấn và bảo vệ BVN.  Phía NVN có Hoa Kỳ viện trợ và gởi quân tham chiến.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và MTDTGPMN tuy hai mà một, do đảng Lao Động (LĐ) điều khiển.  Tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, diễn ra Đại hội đảng LĐ lần thứ III, được mệnh danh là "Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà", đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng LĐ là xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và “giải phóng hoàn toàn miền Nam...” (Lê Mậu Hãn chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2001, tt. 154-155.)  Sau Đại hội nầy, đảng LĐ thành lập MTDTGPMNVN, ra mắt tại Hà Nội ngày 12-12-1960 và ra mắt tại xã Tân Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (vùng chiến khu Dương Minh Châu) ngày 20-12-1960.

Trong chế độ dân chủ, quyền tuyên chiến, quyền quyết định chiến tranh, một vấn đề tối quan trọng, liên hệ đến vận mạng đất nước, thuộc về quốc hội, đại diện toàn dân quyết định.  Ở BVN, quyết định chiến tranh và tuyên chiến, lại do đảng LĐ quyết định, chứ không do quốc hội, chứng tỏ rõ ràng rằng đảng LĐ nắm quyền tuyệt đối ở BVN, và nhà cầm quyền Hà Nội chỉ là bù nhìn của đảng LĐ mà thôi.  Thế là BVN khởi binh đánh NVN.

Tuy viện cớ thống nhất đất nước, nhưng thực sự đảng LĐ quyết tâm đánh chiếm miền Nam vừa vì tham vọng bành trướng cố hữu của CS, vừa làm tay sai quốc tế cho Liên Xô và Trung Quốc.  Lê Duẫn bí thư thứ nhất đảng LĐ, đã từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422 và tiết lộ của Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 24-1-2013.)

Liên Xô (LX) và Trung Quốc (TQ) đều mang đặc tính chung của các nước CS là luôn luôn chủ trương bành trướng, bá quyền.  Tại LX, ngày 15-10-1964, Leonid Brezhnev đảo chánh và lên làm thư ký thứ nhất đảng CSLX thay Nikita Khrushchev.  Brezhnev, tăng cường viện trợ BVN, gởi quân và chuyên viên sang giúp BVN.  Đây là khởi đầu chủ trương can thiệp mới của Liên Xô, mà về sau các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev, theo đó. “Nguyên lý Xô viết về luật quốc tế khẳng định quyền của Cộng đồng Cộng sản can thiệp bất cứ ở đâu mà các lực lượng nội tại và ngoại lai thù địch đối với chủ nghĩa cộng sản tìm cách biến đổi sự phát triển một nước theo chủ nghĩa xã hội hướng về chủ nghĩa tư bản, một tình thế được xem có tính cách đe dọa đối với tất cả các nước cộng sản.” (The New Lexicon Webster's Encyclopedic Dictionary of English Language, Nxb. Lexicon, New York, 1988, mục "Brezhnev Doctrine".)

Trung Quốc ở sát ngay phía bắc của Việt Nam.  Từ năm 1950, TQ giúp CSVN vừa vì sự cầu viện của CSVN và của Hồ Chí Minh, vừa vì lợi ích an ninh bản địa TQ.  Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc là sự giúp đỡ lẫn nhau.”(La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch. Montreal: Nxb. Tạp chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.)

Thật vậy, từ năm 1956, mối bang giao TQ - LX rạn nứt.  Liên Xô bao vây TQ ở phía bắc và phía tây.  Phía tây nam, Ấn  Độ chận TQ.  Phía đông (biển Thái Bình) là hàng rào ba nước đồng minh của Hoa Kỳ và ký hiệp ước phòng thủ song phương với Hoa Kỳ là Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Nếu để cho Hoa Kỳ bao vây luôn BVN, thì TQ bị chận hết các đường ra biển.  Vì vậy, TQ giúp BVN chẳng những do ý thức hệ CS và sự cầu viện của BVN, nhưng đồng thời cũng do TQ bị bao vây các mặt, trừ một phần phía nam TQ là BVN.  

Năm 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam không đồng ý chia hai đất nước, nhưng nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Genève (20-7-1954).  Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa năm 1955.  Việt Nam Cộng Hòa theo chế độ tự do dân chủ, dầu hạn chế vì chiến tranh, duy trì nền văn hóa dân tộc cổ truyền, hệ thống giáo dục khai phóng, cởi mở, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nền tự do dân chủ ở NVN, chống lại cuộc xâm lăng của BVN.  Tuy nhiên, vì yếu sức, VNCH phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Sau thế chiến thứ hai, từ năm 1946, trên thế giới bắt đầu xảy ra chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và CS.  Hai khối tư bản và CS tranh chấp quyết liệt trên toàn cầu.  Tuy vậy Hoa Kỳ và Liên Xô tránh đụng độ trực tiếp vì cả hai đều thủ đắc võ khí nguyên tử, sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra thì cả hai đều thiệt hại.  Tình trạng tranh chấp căng thẳng nhưng không đánh nhau nầy, gọi là chiến tranh lạnh.

Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và khối CS dùng chiêu bài giải phóng dân tộc để tuyên truyền và bành trướng thế lực.  Hoa Kỳ và khối tư bản cho rằng khi một nước bị CS chiếm quyền, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay CS, nghĩa là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo.   Đó là nguồn gốc thuyết domino tại các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ.  

Vì vậy, khi TQ (ngày 18-1-1950) rồi LX (ngày 30-1-1950) thừa nhận nhà nước VNDCCH do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, thì Hoa Kỳ (ngày 4-2-1950) và Anh (ngày 7-2-1950) thừa nhận chính phủ QGVN do Bảo Đại làm quốc trưởng.  Từ đó, Hoa Kỳ giúp Pháp và QGVN chống lại CSVN.

Sau hiệp định Genève, Việt Nam bị chia hai.  Để ngăn chận làn sóng CS ở Đông Á, nhất là ngăn chận Trung Quốc xuống phía nam, Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954.  Từ đó ra đời Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization, SEATO), gồm các nước Australia (Úc), France (Pháp), New Zealand (Tân Tây Lan) Pakistan (Hồi Quốc), Philippines (Phi Luật Tân), Thailand (Thái Lan), United Kingdom (Anh), và United States of America (Hoa Kỳ).  

Trong phụ bản (protocol) của hiệp ước SEATO, ba nước Cambodia (Cao Miên), Laos (Lào) và NVN được liệt kê trong vùng lãnh thổ được SEATO bảo vệ.  Hoa Kỳ dựa vào phụ bản nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á, và giúp xây dựng NVN thành một “tiền đồn chống cộng”.  Lúc đầu, Hoa Kỳ chỉ gởi cố vấn sang giúp NVN.  Từ năm 1965, Hoa Kỳ đưa quân trực tiếp tham chiến.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 60, tình hình thay đổi.  1) Giới phản chiến Hoa Kỳ hoạt động mạnh, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam. 2) Trong khối CS, cuộc tranh chấp LX-TQ càng ngày càng trầm trọng.  Chính phủ Hoa Kỳ liền thay đổi chính sách ngoại giao toàn cầu.  Khi lên cầm quyền năm 1969, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon quyết định rút quân ra khỏi NVN bằng kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh nhằm yên lòng dân chúng Hoa Kỳ; đồng thời Nixon thay đổi chính sách ngoại giao đối với khối CS, hòa hoãn với Trung Quốc và Liên Xô, đào sâu sự chia rẽ giữa LX và TQ.

Richard Nixon sang thăm TQ từ 21-2 đến 28-2-1972, và ký kết với thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai  bản Thông cáo chung Thượng Hải (Shanghai) ngày 28-2-1972, làm nền tảng cho chính sách của cả hai bên về Đông Á cho đến ngày nay.  Tiếp theo, Richard Nixon thăm Liên Xô từ 22 đến 30-5-1972, cùng Leonid Brezhnev ký kết hiệp ước SALT (Strategic Arms Limitation Treaty = Hiệp ước giới hạn võ khí chiến lược) ngày 26-5-1972, và hứa hẹn sẽ cho Liên Xô quy chế tối huệ quốc (most favored nation).

Sau hai cuộc viếng thăm nầy, Hoa Kỳ ký hiệp định Paris ngày 27-1-1973, đơn phương rút quân khỏi Việt Nam.  Quốc hội Hoa Kỳ giảm viện trợ cho VNCH.  Quân đội VNCH thiếu nhiên liệu, thiếu phương tiện chiến đấu, đành buông súng; VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975.

2.-   AI LÀ BÊN THẮNG CUỘC

Dựa trên mục đích của các bên tham chiến và diễn tiến tình hình chiến tranh Việt Nam được sơ lược trên đây, vấn đề đặt ra là ai là bên thắng cuộc trong cuộc chiến 1960-1975?

Trước hết và rõ ràng nhất, sau cuộc chiến vừa qua, người CS thường huyênh hoang tự hào là họ là kẻ thắng cuộc.  Quả thật, ngày 30-4-1975, VNCH sụp đổ, VNDCCH chiếm được NVN, thực hiện mục tiêu “giải phóng” miền Nam đã được đề ra trong Đại hội III đảng LĐ ở Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960.  Tuy nhiên, sau khi CS làm chủ toàn bộ đất nước, CS có thật sự là bên thắng cuộc hay không?

Ngay tức khắc, sau khi CS chiếm NVN, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài.  Tiếp đến là phong trào vượt biên.  Dầu CS kiểm soát gắt gao, khoảng trên 1,500,000 bỏ nước ra đi bằng tất cả các phương tiện, “cây cột đèn cũng muốn ra đi”, trong đó khoảng 500,000 người bỏ mình ở biển Đông.  Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới.  Ở trong nước, nhiều phong trào nổi lên chống đối CS đều bị đàn áp.  Như thế, CS chiến thắng bằng súng ống, chiếm được đất đai, nhưng hoàn toàn thất bại về nhân tâm, không chiếm được lòng người, không thống nhất được lòng dân.

Những người ra đi bị ghép tội “phản động”, chạy theo bơ sữa “đế quốc Mỹ” năm 1975, sau đó bỗng chốc trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”.  Nhà nước CS kêu gọi hòa giải hòa hợp với “khúc ruột ngàn dặm”, nhưng chỉ có một nhóm người đếm được trên đầu ngón tay, tìm kiếm chút hư danh, về nước nói là “đóng góp xây dựng đất nước”, trong khi đại đa số người Việt hải ngoại chẳng có nhu cầu hòa giải hòa hợp với CS toàn trị.  Về Việt Nam du hí thì có, nhưng về Việt Nam để giúp chế độ CS thì không.  Như thế, CSVN có phải là “bên thắng cuộc” hay không?

Phải vay nợ súng ống thì mới có súng ống chiến đấu.  Cộng sả n Vay nợ LX và TQ.  Vay nợ thì phải trả nợ.  Sau năm 1975, CSVN trả nợ LX, giao hải cảng Cam Ranh cho LX và muốn chạy theo LX để xù nợ TQ, liền bị TQ dạy cho một bài học năm 1979, làm 6 tỉnh biên giới tan hoang.  Năm 1990, khối Đông Âu sụp đổ, CSVN quay qua đầu phục TQ ở Thành Đô (TQ), đưa đến các hiệp ước 1999 và 2000, mất đất mất biển.  Sau đó còn nhiều chuyện tiếp theo, thuê rừng, khai thác bauxite, tấn công ngư dân... 

Sau năm 1975, một điểm nổi bật là hầu hết người BVN, từ cán bộ, bộ đội, đến thường dân, khi vào Nam đều học theo cách sống của người Nam, chứ hầu như người Nam không học theo người Bắc.  Người Bắc (1975) thích ăn bận theo người Nam, đua đòi thời trang miền Nam, nghe nhạc Nam mà CS gọi là "nhạc vàng", đọc sách Nam, từ tiểu thuyết  trữ tình, tiểu thuyết kiếm hiệp đến văn chương, triết học, và làm tất cả các cách để thành người Nam.  Ngay cả những cán bộ cao cấp trong Bộ chính trị đảng LĐ (năm 1976 cải danh thành đảng CS) cũng từ bỏ bộ áo quần đại cán cao cổ để ăn bận Âu phục theo kiểu người Nam.  Chẳng những thế, hầu như toàn thể BVN cũng được Nam hóa, trang bị bằng sản phẩm của NVN, nghĩa là được đồng hóa theo NVN. Cho đến nay, CSVN muốn trở lại con đường của NVN, duy chỉ muốn bảo vệ quyền lực đảng CSVN.  Ngang đây, cũng tạm đủ để cho thấy CSVN có phải là kẻ thắng cuộc hay không?  

Về phần VNCH, ngày 30-4-1975, quân đội VNCH bị thiếu tiếp liệu, súng ống, đành phải ngưng chiến đấu.  Chính phủ VNCH sụp đổ.  Cộng sản đặt ách thống trị lên NVN.  Tuy nhiên, dân chúng còn bị kẹt lại ở trong nước, vẫn quy hướng về chính thể VNCH, vẫn mong muốn hít thở không khí tự do dân chủ của VNCH, luôn luôn tưởng nhớ VNCH, nghĩa là linh hồn VNCH vẫn còn đó.  Vì bị đàn áp, dân chúng đành lặng thinh, nhưng ai ai cũng mong sẽ có ngày giải trừ CS, tái xây dựng chế độ Cộng hòa.  Vậy làm thế nào giải thích hiện tượng nầy?  Phải chăng VNCH chỉ tạm thời thất bại năm 1975 nhưng vẫn chưa bị tiêu diệt.  Anh linh VNCH còn đó.  Ai cũng tin sẽ có ngày VNCH phục sinh.  Thời gian sẽ trả lời.

Về các nước ngoài:  Hoa Kỳ mang tiếng là đã bị CSVN đánh cho “Mỹ cút”, nhưng thật sự Mỹ không cút, Mỹ cũng chẳng “tháo chạy” (như tựa đề quyển sách Khi đồng minh tháo chạy), mà phải nói cho thật đúng diễn tiến lịch sử là Mỹ tức Hoa Kỳ ngưng, không tiếp tục hiện diện ở Việt Nam vì thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, và Hoa Kỳ đã thành công trong các mục tiêu chiến lược của họ:  Rút quân khỏi Việt Nam, giải quyết chuyện nội bộ Hoa Kỳ, bắt tay với Trung Quốc, và cuối cùng chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh với LX khi LX sụp đổ năm 1991.  Riêng nội bộ Hoa Kỳ, nhân dân Hoa Kỳ mất gần 60,000 thanh niên ưu tú trong chiến tranh Việt Nam.  Đổi lại Hoa Kỳ thí nghiệm nhiều loại võ khí tối tân tại Việt Nam, kể cả những chuyến oanh kích thử nghiệm đầu tiên của B52.  Tư bản kỹ nghệ võ khí Hoa Kỳ thu lợi như thế nào thì không được thống kê đầy đủ. 

Ngoài ra, một số đồng minh của Hoa Kỳ cũng hưởng lợi:  Nhật Bản phục hưng nhanh chóng nền kỹ nghệ sau thế thiến thứ hai nhờ cung cấp hàng tiêu dùng cho Việt Nam, nhất là cho quân nhân Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam.  Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân nhờ VNCH làm lá chắn ngăn chận làn sóng CS và các nước nầy kịp phục hồi kinh tế và an ninh để chống lại sự bành trướng của TQ.

Trung Quốc thu lợi nhiều mặt.  Trước hết, thông qua chiến tranh Việt Nam, TQ bắt tay được với Mỹ năm 1972, được Mỹ thừa nhận chỉ có một nước TQ, công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ TQ, công nhận không kiếm cách làm chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và chống đối bất kỳ nước nào hay nhóm nước nào muốn làm bá chủ vùng nầy, ý ám chỉ Liên Xô.  Đó là những điều TQ mong muốn nhất.

Về biển Đông, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ để TQ viện trợ cho BVN đáng NVN.  Vì vậy năm 1974, nhân cơ hội VNCH bị Mỹ bỏ rơi, bị BVN tấn công dồn dập, TQ ra tay cướp đoạt Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH.  Sau năm 1975, khi CSVN chạy theo LX, muốn trốn nợ TQ.  Trung Quốc liền đánh 6 tỉnh biên giới năm 1979, dạy cho CSVN một bài học.  Vì vậy, khi Đông Âu lung lay, CSVN qua Thành Đô xin đầu hàng TQ năm 1990, đưa đến hai hiệp ước 1999 và 2000.  Trung Quốc chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam.  Như vậy, tuy không được tiếng là bên thắng cuộc, nhưng TQ là kẻ thu hoạch nhiều nhất sau chiến tranh Việt Nam.  

Liên Xô viện trợ cho BVN không kém gì TQ.  Đầu năm 1975, viện trợ của LX cho BVN để BVN đánh NVN tăng gấp bốn lần so với trước. (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tr. 481.)  Sau năm 1975, Việt Nam gia nhập khối COMECON (Council for Mutual Economic Assistance tức Hội đồng Tương trợ Kinh tế) ngày 27-6-1978.  Ngày 3-11-1978, Lê Duẫn, tổng bí thư đảng CSVN, sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev, tổng bí thư đảng CSLX, Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ giữa hai nước.  Từ sau hiệp ước nầy, hải quân Liên Xô bắt đầu tiến vào sử dụng hải cảng Cam Ranh làm căn cứ tại Viễn đông.  

Có hai ảnh hưởng gián tiếp đáng ghi nhận sau chiến tranh Việt Nam:  1) Khi rời bỏ Việt Nam năm 1975, Hoa Kỳ chủ trương để lại nguyên vẹn và không phá hủy tất cả máy móc thiết bị mà Hoa Kỳ giao lại cho VNCH.  Cộng sản rất mừng tiếp nhận được những chiến lợi phẩm nầy.  Sau ngày 30-4-1975, đại diện các nước CS trên thế đến thăm viếng NVN, chúc mừng sự thành công của CSVN, rất ngạc nhiên về những chiến lợi phẩm nầy, sự tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, y khoa của Hoa Kỳ so với Liên Xô mà lâu nay Liên Xô bưng bít, giấu kín.  Nhờ đó, các nước Đông Âu mới biết rõ sự cách biệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, khiến họ giảm tin tưởng đối với đàn anh Liên Xô và bắt đầu nhìn về phía Hoa Kỳ, nhập cảng sản phẩm của Hoa Kỳ, tạo tâm lý thuận lợi cho sự sụp đổ của khối CS.  2) Làn sóng vượt biên vĩ đại của người Việt Nam chạy ra nước ngoài tỵ nạn CS sau năm 1975, khiến cho lương tâm thế giới, nhất là các nước Tây Âu, lâu nay thiên tả là một “thời trang”, bừng tỉnh về giấc mộng “xã hội chủ nghĩa”, ghê sợ và chán ghét các chế độ CS.  Các nước Tây Âu quay qua giúp đỡ các phong trào kháng chiến ở các nước CS Đông Âu, góp phần dần dần đưa đến sự sụp đổ của hệ thống CS Đông Âu. 

KẾT LUẬN

Đặt kết quả chiến tranh Việt Nam trong chiều rộng của không gian và trong chiều dài của thời gian, mà vẫn khó có thể thẩm định ai là bên thắng cuộc.  Tuy nhiên chắc chắn có hai điều rất rõ ràng: 1) Toàn dân Việt Nam ở cả Bắc và Nam Việt Nam đều thua cuộc về nhiều mặt.  Ngoài thiệt hại vật chất, nhà cửa, ruộng vườn, hàng triệu gia đình tan nát vì chủ nghĩa CS, hàng triệu người tử vong vì chiến tranh do CS gây ra, nền văn hóa và đạo đức suy đồi trầm trọng.  2)  Thủ phạm của tấn thảm kịch nầy chính là kẻ đã du nhập chủ nghĩa CS ngoại lai bạo tàn, chính là kẻ đã rước voi về giày mồ tổ tiên, chính là kẻ chủ trương gây chiến để phục vụ quyền lợi ngoại bang và chỉ làm lợi cho ngoại bang dù là CS hay tư bản.  Chúng là những tên phản quốc dâng đất, dâng đảo, dâng biển cho kẻ thù phương bắc.  Đám nầy không ai khác hơn là tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN.  Sau năm 1975, chúng dần dần lộ diện.  Chúng mất trắng tất cả vốn liếng chính trị mà chúng đã dày công lừa phỉnh toàn dân Việt Nam và thế giới.  Chúng không phải là bên thắng cuộc.  Chúng chẳng những trở thành kẻ thua cuộc, mà chúng còn là tội đồ dân tộc.  Lịch sử sẽ ghi tội, hậu thế sẽ đời đời lên án.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Quốc hận 2013)


Ngu Yên - Ngày 29 tháng 4 năm 2013


Ngu Yên

Chuyện bể dâu xưa như trái đất
trái đất còn xoay
lại chuyện bể dâu.
Chuyện bể dâu mới như khoa học
phát minh lên trời
lại chuyện bể dâu.


Hôm nay pha trà
pha luôn dâu bể.
Một nhúm trà xanh, một nhúm trà đen
mấy muỗng cà phê, vài muỗng rượu
Có nên rảy thêm một ít xì dầu?
hay là một chút chanh chua?

Nói cho bạn biết
Bể dâu này gôm hết
Từ Hùng Vương đến 30 tháng 4
có chua xót, có đắng cay, có chát mặn
có mùi vừa thơm vừa thủm vừa khai
có nước mắt, có mồ hôi, có máu
có sử gia vừa treo cổ vừa chết chìm.
Trà khó uống
hay là uống khó?
Nâng lên môi tóc rớt châm mày
Mũi ngửi được mấy ngàn năm văn hiến
mùi ngậm ngùi của bể chôn dâu
Nhắp một ngụm thấu ra hồn dân tộc
biển cạn rồi dâu vẫn chưa xanh
không có tằm làm sao có bướm?

Có phải chúng ta là kẻ giết tằm?
miệng ngậm pháo
tay chờ lục túi
chân chờ chạy
đầu chờ cúi
trái tim chờ hối hận

Trà khó uống
hay là uống khó?


kông kông - Thêm một chút, nghĩ về ngày 30/4


kông kông

Theo tin báo chí thì bến xe miền Đông tại Tp Hồ Chí Minh đầy nghẹt người, họ tìm cách ra khỏi thành phố trong dịp nghỉ dài ngày.  Cùng thời điểm nầy 38 năm trước, Sài Gòn thất thủ, cũng đầy ắp người nhưng lại chạy ngược chạy xuôi, hoảng loạn, bất chấp những xác người mà đa số là quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nằm rải rác trên đường, để tìm cách thoát thân.


Cho dẫu 38 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh ngày 30/4 vẫn còn mới rợi.  Ngày mà miền Bắc ăn mừng chiến thắng.  Ngày mà miền Nam đau buồn gục ngã.  Ngày mà cho đến bây giờ báo chí cả hai phe thắng/bại vẫn không thể nào gặp nhau!  Vì thế, khẳng định “Việt Nam thống nhất” là mỉa mai!  

Chế độ hiện tại càng ca ngợi thành quả thì càng giẫm đạp lên nỗi đau của người miền Nam!  

Khi phe thắng trận càng tổ chức lễ hội “hoành tráng” là càng cố che giấu sự yếu kém nội tại.  Còn phe chiến bại, càng cố thu mình tưởng niệm, lại càng tỏ ra hồi sinh!  Hình ảnh nón cối, dép râu biến mất nhường cho hình ảnh người dân mất đất mất nhà vì bọn tư bản Đỏ.  Hình ảnh văn hóa thanh lịch của hòn ngọc Viễn Đông thay thế bằng khoe mẽ hợm hĩnh, rởm đời!  Hình ảnh đơn giản “Tình đồng chí” thay bằng phách lối kênh kiệu.  Hình ảnh thượng tôn pháp luật thay bằng đầu gấu công an!

Nếu kết quả của ngày 30/4 đã đem lại tốt đẹp cho quê hương thì trên một số diễn đàn đã không có nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở mà theo lẽ nó phải tự chìm vào quá khứ. 

Nỗi dằn vặt ai thật sự là người chiến thắng ngày 30/4 của 38 năm về trước từ mấy cây bút đã một thời theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) là điều đáng suy nghĩ.  Thử đọc trên facebook Lề Trái!

“Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó. Cả dân tộc đều là nạn nhân của chiến tranh, kể cả những người đã cầm súng và đã chiến đấu, đã giết và đã bị giết.”  

“Vậy thì tại sao lại cứ đòi cho được rằng hồi đó theo cộng sản hay theo Mỹ là có tội?” 

 “Họ có cùng một điểm đến là đánh đuổi ngoại xâm và một người cầm lái: đó là Đảng. Họ không biết Đảng là ai, chỉ đến khi thuyền cập bến, thấy Đảng coi những thành phần khác là “khách sang sông” và gạt họ qua một bên để nắm trọn quyền lực và quyền lợi, thì đã muộn rồi.

Tôi cũng từng là một người “khách sang sông” như thế. Tôi cũng đã từng đứng ở một chiến tuyến. Vì thế với tư cách nhà văn, tôi thấy có trách nhiệm ghi lại bi kịch của những người lính trong chiến tuyến đó.”  [1] 
Như vậy ngoài Đảng cầm lái ra, ai là người có tội nữa? 

Những người theo MTGPMN bây giờ còn viết, còn trăn trở, còn thanh minh về sự dấn thân cá nhân vào cuộc chiến vừa qua là những người thời đó đã không bị “bắt-quân-dịch” tại miền Nam!  Thay vì chọn lựa tự vệ cùng người miền Nam, họ đã tự chọn đứng vào phía MTGPMN, giúp phe chủ chiến cho dù không biết Đảng là ai!  Do đó họ không phải “Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó.”  mà chính là tự nguyện! 
Thử xem cách “bắt lính” của hai phía:

Miền Nam huỵch toẹt: “Bắt-quân-dịch”!  Miền Bắc: “Được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự”!  Miền Nam:  Thân nhân có quyền gạt nước mắt khi đứng nhìn theo chiếc GMC đưa con/cháu họ vào cuộc chiến.  Miền Bắc:  Tập trung tại sân vận động với ca nhạc chiến đấu, hồ hởi, phấn khởi tiễn đưa anh-bộ-đội mà thân nhân không dám gạt-nước-mắt trước đám đông, vì sợ bị nâng hàng quan điểm, là thiếu-lập-trường, ảnh hưởng tới sổ gạo, tem phiếu!  

Một bên tự do cho nước mắt đổ công khai.  Một bên phải tự đè nén, chỉ quằn quại trong bóng đêm!   Điều khốn nạn là “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, đã ra chiến trường có mấy ai về lại được!

Tự do và mất tự do từ hai chiến tuyến đã thể hiện ngay trong việc đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu!  Biển máu cốt nhục tương tàn!

Câu hỏi đơn giản là: Vậy những người theo MTGPMN ở dạng nào?

Chắc chắn họ không thuộc hai dạng vừa nêu, vì họ không ở vào hoàn cảnh “được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự” hay “bị-bắt-quân-dịch”!  

Thể chế VNCH đã cho họ tự do.  Tự do chọn lựa cho chính mình!  Và họ đã chọn “nhảy núi”, theo MTGPMN.  

Do đó họ không phải là nạn nhân mà là tác nhân!  Không phải bị động mà là chủ động!  

Vì thế, không thể đánh đồng họ với thân phận anh chiến binh miền Nam (tự vệ), với anh chiến binh miền Bắc (cứu nước)!   

Những người đã chọn lựa theo MTGPMN phải là những người tự mình chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình.  

Điểm khác, “Đảng là người cầm lái con đò”  mà con đò đó lại ô hợp chỉ khi đến bến mới bật ngửa!   

Vâng, đầu não lãnh đạo tại miền Bắc lúc đó đã khéo léo che đậy, người dân không hề thấy bóng dáng người Liên Xô, Triều Tiên hay Trung Cộng trên chiến trường nên mới đánh lừa được là “đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam”!  

Trái ngược, tại miền Nam thì máy bay đầy trời, xe Mỹ đầy đường với G.I.!  Sự công khai nầy đã giẫm đạp lên truyền thống của người Việt Nam, đã gây ra ngộ nhận.  Đã làm hình ảnh tự vệ của người miền Nam trước họa cộng sản thành “bọn tay sai Đế Quốc”!  

Vì thế mới có việc từ miền Bắc “vô Nam cứu nước”!  Và, “đi cứu nước” là động cơ chính đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu, biến người lính miền Nam thành tội đồ!    

Nhưng sau 30/4, và lịch sử cận đại đã trả lời rõ ràng:  

Lãnh đạo đầu não tại miền Nam không phải ai cũng là “tay sai đế quốc Mỹ”!  

Con số tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ VNCH tự sát đã nói lên điều đó!  
Con số hàng triệu người bỏ tất cả tài sản, liều chết vượt biển đã nói lên điều đó!   

Lãnh đạo tại miền Bắc mới thật sự là nô lệ của khối cộng sản, được cộng sản nuôi dưỡng, lo từ cây kim, sợi chỉ! 

Đã có lính Trung Quốc, Triều Tiên... hiện diện trên chiến trường miền Bắc cùng với hàng triệu tấn vũ khí của khối cộng sản quốc tế tuồn vào Việt Nam nói lên điều đó! 

Công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng đã nói lên điều đó! 

Mãi đến bây giờ, 38 năm sau 1975, Việt Nam vẫn “không có bóng dáng anh lính Trung Cộng” nào!  Vì CSVN vẫn giữ nguyên bài bản cũ, bài bản đã đánh lừa được dư luận trước kia! 

Bây giờ thì chỉ có “ngư dân” Trung Cộng đánh/nuôi cá dọc biển VN.  Chỉ có “nông dân” Trung Cộng trồng rừng đầu nguồn.  Chỉ có “công nhân” Trung Cộng trong các công xưởng boxit Tây nguyên!  Chỉ có “người dân” Trung Cộng tự do vào Việt Nam “du lịch”!  

Tất cả, tất cả… họ đều là “người hiền lành” của nước cộng sản anh em 4 tốt, 16 chữ vàng!  

Cách điều hành đất nước, về mọi phương diện, nhất nhất đều răm rắp theo lệnh Trung Cộng.  “Anh” đi trước “em” ngoan ngoãn theo sau!  “Em” ngổ ngáo, “anh” ra roi “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979!

Đại khái như vậy thì chế độ miền Nam hay miền Bắc là NGỤY? 

Kỳ tích chiến thắng miền Nam của CSVN đã đưa đất nước ngày một gần hơn đến điểm then chốt cuối cùng của nó, là biến Việt Nam sớm trở thành một Tân Cương, một Tây Tạng! 

Thời VNCH, dù đang chiến tranh, vẫn có tự do dân chủ.  Đời sống người miền Nam vẫn cao hơn những nước láng giềng.  Cao hơn Thái Lan, Đại Hàn và tương đương với Singapore!  Còn bây giờ?  38 năm có hòa bình nhưng Việt Nam đang đứng ở vị thế nào?  Vị thế 100 năm sau Singapore (!) như một bài báo phân tích khá chính xác đã gây xôn xao dư luận cách đây mấy năm!

Cho nên không thể trách người miền Nam tự vệ mà phải lên án lãnh đạo miền Bắc CSVN xâm lăng!  Họ chính là thủ phạm.  Thủ phạm gây tai ương cho đất nước.  

Chủ nghĩa cộng sản là tai ương của nhân loại!  Lịch sử đã chứng minh điều đó:  Đất nước nào có cộng sản đất nước đó là đói khổ, lầm than, bị kiềm kẹp!  

Để lính Mỹ đặt chân lên miền Nam là sai lầm chiến lược của VNCH nhưng bản chất sự việc lại khác.  Là, người miền Nam được sung túc và biết dân chủ tự do như thế nào!  Cũng giống như Nhật, Đại Hàn, biết nhờ vào Hoa Kỳ, nên đất nước họ vươn lên hàng cường quốc!  

Thế thì tại sao “theo Mỹ” là có tội?  

Những người theo MTGPMN đã sớm biết mình bị lường gạt trắng trợn, khi CSVN tuyên bố: “MTGPMN đã hoàn thành sứ mạng” ngay trong những ngày đầu sau 30/4 thì tại sao họ nhận chịu mà không dám có một phản ứng nào cụ thể, đợi mãi cho đến bây giờ mới dám lên tiếng? 

Là nạn nhân bị lường gạt trực tiếp mà không dám phản ứng với kẻ lường gạt thì ai là người làm thay cho họ?

Cho nên, những người “nhảy núi”, dù vô tình hay cố ý, đã tự chọn cho mình con đường phản bội dân tộc!

Viết lên sự trăn trở của một thời Lạc Đường là điều đáng trân trọng nhưng hiện tại dám dấn thân cùng với phong trào đòi lại tự do dân chủ cho người dân mới thực tiễn!

Mới là thái độ của kẻ sĩ!

(Apr 28th, 2013)
_______________________________________

[1] http://daohieu.wordpress.com/

Trần Mộng Tú - ĐOẢN VĂN CỦA MỘT NGƯỜI TỬ TRẬN



Trần Mộng Tú

Tràng AKa – 47
Khu oanh kích tự do
Bây giờ lần thứ mấy
Anh lỡ cuộc hẹn hò (*)

Em thân yêu,

Hôm 20 tháng 2 năm 1997, nước Nga đã chào mừng sinh nhật thứ 50 của khẩu AK-47. Khẩu AK là một trong những võ khí chiến tranh nước Nga viện trợ cho miền Bắc Việt Nam, cũng như khẩu M-16 của nước Mỹ viện trợ cho miền Nam Việt Nam.


Khẩu AK-47 là một vũ khí cá nhân tuyệt vời. Nó tuyệt vời ở chỗ không bao giờ hóc đạn, chỉ cần lắp băng đạn cùng cỡ, sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới, xử dụng vẫn dễ dàng. Dù có đánh rơi nó xuống nước, ngâm trong bùn rồi lôi ra, lắp đạn vào, nó vẫn bắn chính xác. Và hay hơn nữa tuy là vũ khí cá nhân, nó có thể xử dụng như một khẩu liên thanh, nghĩa là nó bắn ra từng tràng đạn ngọt ngào không gián đoạn.

Khẩu AK-47 được 50 tuổi, anh tử trận 28 năm, hơn nửa số tuổi khẩu súng. Anh tử trận ở Kiên Giang (xã Vĩnh Thanh Vân, tiểu khu Rạch Giá) trong một cuộc hành quân, đánh xáp lá cà, có M-16 của Mỹ và AK-47 của Nga. Trận đánh kéo dài trên hai tuần, và lúc đó anh không biết có bao nhiêu người tử trận bằng AK-47 và M-16 cùng với anh.

 Năm 1947, ông Mikhail Kalahsnikow vẽ kiểu khẩu súng mà ngày nay được cả thế giới ưa chuộng, khi đó chỉ là một thượng sĩ khiêm nhường mới 27 tuổi (năm nay là một cụ già 77 tuổi), chắc ông đâu có thể biết được, một ngày nào đó , tràng AK-47 đã xuyên qua ngực của một chàng thanh niên cũng 27 tuổi, mới cưới vợ được ba tháng, ở một nước cách xa nước Nga đến bao nhiêu ngàn dậm. Ông hồn nhiên lãnh những lời khen ngợi trong ngày đánh dấu nửa thế kỷ dành cho cái mà ông gọi là: “Món quà tổ quốc của tôi”, cũng như những người lính Bắc Việt hồn nhiên bắn những tràng AK trong cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước.” 

Em còn nhớ không, trận đánh vào tháng 7 năm 1969 đó, sau hai tuần, nhà xác của bệnh viện tiểu khu không đủ chỗ cất xác. Xác của sĩ quan được đem vào trong, xác lính thì nằm dọc, nằm ngang ở lối đi, xếp cả ra sân, sát ra tận chân tường, bên dưới chân tường là dòng sông Kiên Giang, con nước trôi pha bùn đặc quánh. Xác lính được đắp vội vàng bằng những chiếc phoncho, lòi ra một phần ống chân với đôi dầy saut dính bùn và máu đã khô từng mảng.

Nhà xác Kiên Giang nằm cạnh bờ sông
Con nước đục lờ đờ pha sắc máu.(Thơ-tmt)

Anh nằm ở trong, thấy mẹ và em dắt nhau, cố tránh bước qua những người lính của anh, len lỏi vào bên trong tìm anh. Mà em có nhìn được anh đâu, mùi tử khí và nỗi xúc động đã làm em ngất đi khi vừa vào đến cửa nhà xác. Anh biết, sau này em cứ hỏi đi hỏi lại mẹ là: “Có đúng anh ấy không, anh ấy đã chết thật hả mẹ?”

Anh đã chết thật rồi em ạ, em phải tập tin điều đó. Chiến tranh có thật, và sự mất mát ngoài sức chịu đựng, ảnh hưởng đến đời sống của em sau này là có thật. Anh đã chết cùng với nhiều người bạn đồng đội, và anh cũng biết rằng trong cánh rừng thuộc xã Vĩnh Thanh Vân đó, nơi đã diễn ra cuộc chiến đó, những xác người lính Bắc Việt cũng nằm gối lên nhau, cùng chia nhau những viên đạn bắn ra từ khẩu M-16. Người Việt Nam chết bằng cả hai thứ vũ khí được viện trợ của Nga và Mỹ.

 Ông Kalashmikov nói rằng: “Ông muốn võ khí của ông ở trong tay một quân đội có trách nhiệm.” Ông bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông có trách nhiệm về cái chết của bao nhiêu người trên khắp thế giới với sự sáng chế của ông. (Reuter)

Là một người lính, anh hiểu. Một quân đội có trách nhiệm, là một quân đội gửi lính ra ngoài mặt trận để giữ gìn đất đai. Người lính miền Nam đã đi làm nhiệm vụ đó, và người lính miền Bắc cũng được gửi ra dưới cái tựa đề chống Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Và cuộc nội chiến đó kéo dài hơn hai mươi năm. Các viên chức Nga cho hay, đã có khoản 70 triệu khẩu Kalashmikov đủ loại được sáng chế từ năm 1947 và được dùng làm vũ khí cá nhân chính cho quân đội của 55 quốc gia trên thế giới, và khẩu AK-47 sẽ tiếp tục đứng hàng đầu cho ít nhất đến năm 2025 (Reuter).

Bây giờ anh đã chết, ở thế giới xa xăm này, anh có thể nói cho em con số chính xác, có bao nhiêu khẩu AK được đem vào Việt Nam và có bao nhiêu người lính Việt Nam chết dưới tràng Ak-47. Nhưng thôi, em chẳng nên biết làm gì những con số nghiệt ngã đó!

Năm 2025, lúc đó tuổi của em cũng sẽ ngang với tuổi của Kalashmikov bây giờ. Anh mong ước em đã có một bài thơ kỷ niệm sinh nhật thứ 50, bài thơ không bắn ra một viên đạn nhỏ nào, không nhân danh một cuộc chiến nào, và cũng có thể nó có một cái tựa được viết bằng chữ số như AK-47. Em có thể đặt tựa cho bài thơ như TY-25 (Yêu Thương 2005 ) hay HB-25 ( Hòa-Bình 2025) hoặc TN-25 ( Tình Người 2005). Em sẽ không phải bác bỏ những lời buộc tội vào tác phẩm của em, vì những bài thơ đó không tung ra những mảnh nhọn, bắn tan lồng ngực của một ai.

Em thân yêu, mặc dù khẩu AK-47 còn được trọng vọng đến năm 2025, nhưng xin em an lòng, nó không thể nào đến gần anh và làm cho anh chết thêm một lần nữa. Những cái vỏ và đầu đạn bỏ sót lại trên mặt trận thì giờ đây đang được thâu lượm, rửa đi những vết máu còn bám trên đó, tái chế thành những vật dụng hàng ngày cho người dân Việt sống sót sau cuộc chiến xử dụng.

Em hãy sống bình an, thôi lo sợ và đừng hay khóc như ngày chúng ta mới yêu nhau. Chiến tranh đã thực sự tàn lụi như em hằng mong ước, chỉ có đau đớn một điều là chúng ta vĩnh viễn mất nhau.

Trần Mộng Tú
 (Tháng 3/1997, kỷ niệm 50 năm sinh nhật của khẩu AK-47)


Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Ghé thăm các Blogs: 29/04/2013




BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 27, 2013 

“Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì người dân thấy Ngân hàng Nhà nước chỉ lo bán vàng”- Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế sáng nay 26.4.

Ngân hàng nhà nước chỉ lo bán vàng

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô; trong khi đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chậm được triển khai; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, việc xử lý nợ xấu còn chậm nên những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều.

Phát biểu có tính chất phân tích, nguyên Thống đốc NHNN, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhìn nhận những “vấn đề rất mới”. “Vấn đề doanh nghiệp co hẹp sản xuất, phá sản thất nghiệp ngày càng tăng mà chưa có hướng vực dậy. Lòng tin của doanh nghiệp đối với kinh tế thị trường, điều hành, quản lý của ta có vấn đề. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ trong doanh nghiệp đã có biểu hiện, ý chí vươn lên rất hạn chế”. Ông Kiêm nhìn nhận tình trạng này là do “Những giải pháp Chính phủ đề ra đúng, trúng, kịp thời nhưng lại triển khai chậm, lối ra càng bàn lại càng khó khăn hơn”. Nguyên Thống đốc lên tiếng cảnh báo về tình trạng nền kinh tế “Từ 2010 đến nay thì ngày càng đi xuống”.

Có ít nhất 4 ý kiến nói về khó khăn của doanh nghiệp. ĐBQH Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy nói doanh nghiệp khó khăn do “chính sách chỉ bảo hộ ngân hàng chứ chưa bảo vệ doanh nghiệp”.

ĐBQH Bùi Đức Thụ thì đặt câu hỏi trước tình trạng “dư nợ huy động tăng nhưng cho vay gần như không tăng”. “Tiền chảy  đi đâu, có phải vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các ngân hàng lớn nên thà giữ tiền chứ không hạ lãi suất cho vay vì như thế vẫn được lợi hơn?”- ông Thụ đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng thậm chí thẳng thắn “Vốn cho doanh nghiệp thì bế tắc, cho vay gần như không tăng mà huy động vẫn tăng, vậy vốn đi đâu hay lấy vốn của dân đi mua vàng?”
Đỉnh điểm là phát biểu của ĐBQH Lê Nam khi ông phát biểu trong khi “doanh nghiệp thiếu vốn” thì “dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của ngân hàng nhà nước là lo bán vàng” Ông kêu gọi: “Đừng cứu ngân hàng vì ông ấy đang sida rồi, nên lo bảo vệ lợi ích của dân”.

Dân không còn tiền để mua

Phần nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh còn chậm trễ: “có rất nhiều chủ trương, giải pháp, rất nhiều kế hoạch, nghị quyết nhưng dường như chúng ta chỉ dừng ở đó thôi. Còn triển khai thực tiễn đi vào cuộc sống thì nó xa xôi và vẫn là câu hỏi lớn. Ví dụ như bây giờ người dân và cán bộ ở cơ sở đều biết là các nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào, doanh nghiệp nhà nước là ai, ngân hàng là ai, đầu tư thế nào nghị quyết nói rõ rồi nhưng chưa thấy làm gì cả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi sau phân tích tình hình bất cập về tiền lương, chính sách an  sinh  xã hội đã đưa  ra kiến nghị: Chính phủ cần xem xét lại hệ thống chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, 36 chương trình mục tiêu quốc gia hầu hết đổ vào nông thôn nhưng không biết triển khai thế nào, để làm gì…Theo  đại  biểu, trái phiếu Chính phủ đầu tư cho Y tế 23.000 tỷ, chiếm 27% tổng trái phiếu Chính phủ cả nước nhưng hầu hết đều để dở dang, đình hoãn do NQ 11. Nhiều bệnh viện xong không có tiền mua thiết  bị để hoạt động trong khi 80% bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến gây quá tải bệnh viện TƯ.

“Chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá cả có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt”- ông Lợi nói.


BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 26, 2013 

“Sức khỏe” sau các vụ “xin nghỉ hưu non”, “từ chức” của các quan chức, bỗng trở thành lý do quý như vàng SJC

Trung tuần tháng 4, khi Chủ tịch tỉnh Trà Vinh xin nghỉ hưu sớm (4 tháng)  vì “lý do sức khỏe và không muốn người ta nói mình tham quyền cố vị”, có một câu hỏi đã được đặt ra: Nếu không có scandal nữ phó phòng đại náo trụ sở Ủy ban thì ông có xin nghỉ hưu sớm? thì ông có thấy sức khỏe đang có vấn đề?

Người mạnh miệng hơn thì bảo đó là “hạn cánh an toàn” chứ chẳng phải cái gì gọi là tham quyền cố vị.

2 tháng trước đó, ở Lâm Đồng, một vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra xin thôi chức. Nguyên cớ: Vị chủ nhiệm, trong một cuộc sát phạt, đã bị quay clip. Và tình tiết “thú vị” là đơn thôi chức của vị này được gửi đi, ngay trước cuộc họp xem xét hình thức kỷ luật của Huyện ủy Lâm Hà. Vị Chủ nhiệm đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, khi bước đúng bước chân của một đồng nhiệm là Chánh án TAND huyện: Cũng đánh bạc, cũng bị phát hiện, cũng hết cơ hội chối, cũng xin thôi chức. Và, thật tình cờ, cũng vì lý do “sức khỏe không đảm bảo”.

Sức khỏe đúng là thứ lý do quý như vàng.

Nhìn ngược trở lại, hình như chẳng có mấy người xin nghỉ hưu sớm, nhất là “từ chức” nếu không dính tới, nhẹ thì là scandal, nặng thì là những hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, một thời được xem như tiết tháo, bị lạm dụng như một chiếc phao, cứu cánh cho những sai phạm, phổ biến đến mức giờ đây, trước mỗi vụ từ chức, người dân liền đeo kính hiển vi xem đằng sau đó là scandal, hay sai phạm.

Đó cũng là tâm trạng xã hội chung khi sáng nay, người dân đọc một bản tin trên Thanh Niên về việc PGĐ Sở NN và PTNT Bình Thuận xin từ chức.

Thanh Niên dẫn lời Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh xác nhận vị Phó Giám đốc “Là người tốt, có chuyên môn giỏi. Nhưng bị bệnh gút rất nặng không thể đi công trường trong khi ông lại phụ trách mảng công trình thủy lợi”.

Vị Phó Giám đốc xin từ chức, một thạc sĩ chuyên ngành cơ khí học công trình được đào tạo tại Pháp, từng cùng các chuyên gia của Hiệp hội Thủy điện Thế giới chuyển giao công nghệ xây đập thủy lợi của Pháp cho Bình Thuận- thì cho biết ông có nhiều trăn trở và không tán thành cơ bản với cách triển khai một số công trình thủy lợi của tỉnh hiện nay. Đây là nguyên do chính dẫn đến việc ông xin từ chức.

Nhưng, hoàn toàn không lạ, là sau vụ từ chức của vị PGĐ Sở, có vẻ người dân đã rất dè dặt, thậm chí, xuất hiện những dấu hỏi lớn về nguyên nhân thực sự.

Cũng phải thôi, nói đến ngành Nông nghiệp, người dân còn chưa quên vụ từ chức vô tiền khoáng hậu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Năm 2004, Bộ trưởng Ngọ đã viết đơn xin từ chức trước trách nhiệm để Công ty tiếp thị đầu tư thương mại vi phạm pháp luật, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Vụ này nghiêm trọng đến mức bị cáo chính bị tuyên tử hình, 2 thứ trưởng bị xử án dù (dù treo), còn chính Bộ trưởng phải đối chất.

Buồn nhất là lá đơn xin từ chức chỉ được gửi sau khi BCH TƯ đã quyết định thi hành kỷ luật Đảng với Bộ trưởng, thậm chí, chỉ từ chức sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo.

Xin vị PGĐ tha lỗi nếu những dấu hỏi to tướng mà dư luận đang đặt ra là khiếm nhã với vụ từ chức vì bất đồng ý kiến với cấp trên, một vụ từ chức sẽ đúng tuyệt đối với hai chữ “tiết tháo”, sẽ trở thành một tiền lệ tốt đẹp, nếu không có scandal hay vi phạm nào ẩn dấu sau đó.



BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 25, 2013 

Ở Mỹ, một người đàn bà bị tuyên có tội, với hành vi cho ông chồng uống thuốc mê, rút dao cắt phăng “thằng nhỏ”. Ả ta sau đó “đi thẳng vào bếp, ném “cái đó” vào máy xử lý rác và… bật nút

Một tuần khủng hoảng với những tin tức đánh ghen. Ở Đà Nẵng, một kẻ thất tình tưới xăng thiêu sống người yêu khiến nạn nhân “bỏng 95% cơ thể, hôn mê sâu và không còn đo được huyết áp” và sau đó… Ở Bình Dương, 2 mẹ con một người đàn bà đánh đập lột quần áo “địch nhân” quay clip và tung lên mạng. Còn ở Mỹ, một người đàn bà bị tuyên có tội, với hành vi cho ông chồng uống thuốc mê, rút dao cắt phăng “thằng nhỏ”. Ả ta sau đó “đi thẳng vào bếp, ném “cái đó” vào máy xử lý rác và… bật nút.

Cảm giác của bạn, ngoài sự tò mò, khi đọc những dòng tin này là gì?

Nếu ai đó thắc mắc vì sao lại có chuyện “cắt phăng thằng nhỏ bên Mỹ” vào đây, thì xin thưa rằng, kẻ thủ ác mang cái tên Catherine Kiều, và là một người Mỹ gốc Việt. Còn chuyện “cắt phăng thằng nhỏ” thì, lạy thánh mớ bái, cũng chỉ vừa mới xảy ra ở TP HCM. Một người phụ nữ ở Củ Chi, vô tình đọc được một tin nhắn, chắc sướt mướt, của ai đó gửi vào điện thoại của chồng. Không nói nhiều. Chị này chạy vào bếp lấy dao…và sau đó, anh chồng được đưa thẳng vào Khoa Nam học. Có thể bạn không tin, nhưng mỗi năm, BV Chợ Rẫy phải “xử lý” chừng 30 ca các ông chồng vào viện trong tình trạng…khiêng kèm xô đá. Thôi thì đủ loại, từ bảo vệ, công nhân, kỹ sư, nghệ sĩ, và cả… công an.

Nhắc đến Kiều, mới nhớ trong Kiều có câu “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Có yêu mới có ghen, như hai ống của một chiếc quần. Và những kẻ thủ ác, sau này kiểu gì cũng “thú nhận” rằng vì thất tình, vì…tình yêu.

Nhưng yêu, nhưng ghen, không có nghĩa là người ta sẽ xăm quái vật vào mặt tình địch. Không có nghĩa là được phép đánh đập, lột đồ, quay clip tung lên mạng để làm nhục người khác. Cũng không thể “tự kỷ bản thân” đến mức cắt phăng thằng nhỏ “cho vào máy xử lý rác và bấm nút”.

Có một điều chúng ta cần sòng phẳng với nhau, rằng: không tội ác nào có thể bao biện được bằng tình yêu.

Có thể, những người “trong chăn” sẽ cảm thấy tổn thương khi bị phản bội. Có thể phường “mèo mả gà đồng” khiến chị em không thể bình tĩnh nổi. Nhưng sau những cơn ghen “máu nóng bốc lên đầu” là những hậu quả mà không “bác sĩ” nào, kể cả nam học, có thể hàn gắn nổi.

Người phụ nữ xăm quái vật lên mặt “địch nhân” đã phải bồi thường 400 triệu đồng.

Người phụ nữ lột đồ quay clip đánh ghen đã bị bắt giữ vì tội làm nhục người khác.

Người đàn và gốc Việt tên Kiều đang đối diện với án phạt tù chung thân.

Còn kẻ tẩm xăng thiêu sống người yêu vừa bị bắt. Và bản án đang đợi kẻ thủ ác khó biết trước là bao nhiêu cuốn lịch, cả đời chăn kiến, hay một chiếc cột.

Trước khi đánh ghen có lẽ bạn nên cẩn thận chọn lựa kiểu đánh ghen: Kiểu “bồi thường hàng trăm triệu”, kiểu “buôn lịch” hay kiểu “cả đời chăn kiến”. Chọn được rồi thì đánh ghen đâu đã muộn.

Chúng ta hay nói về Hoạn Thư với những đòn ghen “nhẹ như bấc, nặng như chì”, đến nỗi cụ Tiên Điền phải thốt lên rằng “Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen”. Nhưng Hoạn Thư đã không đánh Kiều, dù chỉ một roi. Huống chi trong bức tranh Đông Hồ “Đánh ghen” nổi tiếng, các cụ ta đã để lại một lời đề: Thôi thôi nuốt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta”.



BLOG LỀ TRÁI 
25/04/2013 at 6:58 chiều  

Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.

Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.

Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.

Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân. Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi – con trai một ủy viên BCT – còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).

Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.

Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.

Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.

Thật vậy sao? Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.

Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.

Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.

*

Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ. Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!

Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.



BLOG ĐÔNG A

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố vào tháng 10 năm 2011: "Mục tiêu thời gian tới là đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức 400 nghìn đồng/lượng. Nếu giá vàng có sự vượt quá mốc điểm này tức là bị đầu cơ". Đây là tiêu chí rất rõ ràng để nhận diện hiện tượng đầu cơ vàng. Hiện nay mức chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã gấp cỡ 10 lần con số 400 nghìn đồng/lượng. Như vậy theo đúng tiêu chí mà NHNN từng tuyên bố qua phát biểu của ông Thống đốc, vàng ở Việt Nam hiện nay đang bị đầu cơ. Vấn đề bây giờ là ai đang đầu cơ vàng, hay nói cách khác là tiền chênh lệch giữa hai mức giá đấy đang chảy vào túi ai?

Muốn xác định ai đang đầu cơ vàng thì chúng ta tìm chỉ dấu để xác định. Hiện nay chỉ có duy nhất NHNN đang bán vàng ra để bình ổn thị trường. Phần lợi nhuận chênh lệch giá này tất nhiên chảy vào túi NHNN. Như vậy có thể thấy chỉ dấu này cho thấy chính Chính phủ Việt Nam đang đầu cơ vàng. Chỉ dấu thứ hai là Thống đốc NHNN không bị cách chức. Nếu NHNN làm ra chính sách để tạo điều kiện hình thành đầu cơ vàng cho một nhóm đặc lợi cá nhân nào đó thì cái ghế Thống đốc không thể yên ổn. Ngày 22/12/2012 Tổng bí Đảng Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với NHNN đồng thời đánh giá cao hoạt động của NHNN. Tháng 9 năm 2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo hội nghị kiểm điểm của ban cán sự Đảng của NHNN và cũng đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của NHNN. Những hoạt động này là chỉ dấu cho thấy chính sách của NHNN được Đảng cầm quyền và Nhà nước đánh giá cao. Như vậy có thể suy ra Đảng cầm quyền và Nhà nước đang ủng hộ chính sách tạo ra đầu cơ vàng.

Vậy còn ai đang đầu cơ vàng ở đây ngoài chính Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam? Tại sao họ phải làm như vậy? Rất có thể đầu cơ vàng chính là chính sách tận thu tiền từ nhân dân trong bối cảnh nền kinh tế đang be bét và xuống dốc, và ngân sách nhà nước đang bị thâm thủng nghiêm trọng.



BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ 
THURSDAY, APRIL 25, 2013
Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng mạnh bài ‘Rửa’ vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống, hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.

Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) “cùng xử lý thông tin rửa vàng”, tạo một tiền lệ chưa từng có.

Bình tĩnh đọc lại bài báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra các con số nhập lậu vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá 4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm 2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012 thêm 12,5 tấn nữa.

Cái sai về mặt kỹ thuật ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm “gold demand”, tức nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là “tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng tiêu thụ trong cả nước”. Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm để ước tính ra “demand” (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.

Ví dụ theo thông tin trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011 là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán? Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.

Vậy nếu bài báo nói những con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.

Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất là câu “hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để ‘rửa’ số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam”. Chỉ cần biên tập bỏ chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính sách là nhằm rửa vàng lậu?

Tôi đã từng phê phán chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể ít) mà NHNN không biết.

Nếu NHNN là nơi muốn lắng nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.

Chính sách liên quan đến vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báo Thanh Niên có đính chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài “Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!” (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?); báo Tuổi Trẻ thì có bài “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?” đặt vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.

Đâu có thể “mét” bên Bộ Công an hết được!



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Kinh hoàng, vô cùng kinh hoàng khi một người phụ nữ ở Cà Mau đã phải tự tử để, một là chồng con đỡ phải chi tiền thuốc hàng ngày cho mình, lấy tiền ấy cho con ăn học, và 2, là để chứng minh là gia đình mình là hộ nghèo, mong được các cấp chính quyền xác nhận cho nhà mình nghèo, để ngân hàng cho vay tiền theo chế độ ưu đãi cho con mình đi học...

Tôi đọc tin này trước tiên trên fb của nhà báo Đức Hiển khi anh vừa duyệt bài xong, mai báo mới ra, nhưng cầm lòng không đậu anh phải thông báo ngay trên fb, một việc ít BTV nào làm. Sau đó hôm sau đọc cụ thể và, không thể cầm được lòng uất hận cũng như thương xót. Trời ơi, sao trong xã hội chúng ta bây giờ mà vẫn còn những người khổ đến thế. Chết là khổ nhất, thế mà có người lấy cái chết để chia sẻ cái khổ với chồng con. Tôi đọc được một tình yêu vô bờ của người phụ nữ này với chồng và con qua bức thư chị để lại. Và tôi cũng thấy sự vô cảm đến ác độc của những ông quan ở đấy, từ ấp đến xã đến mấy ông quan ngân hàng... đau đớn, vô cùng đau đớn.

Chúng ta có những công trình hàng ngàn tỉ, những tượng đài, những quảng trường hàng mấy trăm tỉ, những nhà thờ, những lễ hội hoành tráng... thế mà vẫn có những thân phận người "dưới đáy" đến như thế, còn hơn cả thời Gooc Ky, hơn cả anh Pha, chị Dậu, vì họ chưa phải treo cổ chết để chứng minh mình nghèo, để cứu chồng con. Chị Dậu, dẫu sao vẫn còn Nghị Quế ra tay mua cho mấy con chó, mua cho mấy đứa con để mà sống. Và rồi vẫn còn có cụ Cố, dẫu dê xồm nhưng còn ra tay cho chị Dậu tiền nếu chị... im lặng. Ở đây, cả một hệ thống chính trị từ ấp đến tỉnh, bao nhiêu bà con hàng xóm... thế mà cuối cùng chị đã một mình lặng lẽ chọn cái chết để giải thoát mình, để lại gánh nặng cho chồng và con- như thư chị viết...

Nếu viết nữa tôi sẽ khóc. Khóc vì phẫn uất, và vì biết, những thân phận dưới đáy như chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, vẫn còn nhiều lắm.

Khi khởi công rầm rộ các công trình vô bổ, khi đề ra những dự án làm nghèo đất nước, khi định những chủ trương, chính sách vớ vẩn... hãy nghĩ đến những thân phận "dưới đáy" đang rất nhiều trong xã hội ta, thưa các ông bà ăn lương của dân...

Nếu chị không tự tử, chúng ta vẫn vênh vang là một xã hội ngàn lần tốt đẹp, như lời bà phó chủ tịch nước, cũng như nếu không... tung clip...



BLOG VIẾT TỪ SÀI GÒN
Sat, 04/27/2013 - 14:44 — VietTuSaiGon

Có lần, ông tôi nằm trên giường bệnh và nói lớ mớ, anh em tôi không ai hiểu ông nói gì, ông ngoắc tôi lại gần, rồi thều thào dặn: “Ba mươi tháng Tư năm nay, chắc ông không làm được như mọi năm, con nhớ, cứ nghe tiếng chó sủa đêm phía sau nhà thì mang một ít thuốc lá, bánh, áo giấy và đường ra cúng nhé! Họ về đó, năm nào cũng thế…”. Chưa kịp hiểu gì thì ông đã qua đời. Cũng từ đó, cứ 30 tháng Tư, tôi lại làm theo lời ông dặn nhưng vẫn không rõ lắm “họ” mà ông đã nói là ai. Mãi cho đến mười một năm sau, lúc này tôi đã ngấp nghé tuổi trung niên.

Lúc tôi được biết rõ chuyện này cũng là lúc bà sắp qua đời, bà cũng gọi tôi đến bên giường và nói thì thào vào tai tôi: “Sau nhà mình là một nghĩa trang đã bị phá hủy trong những ngày mới thay đổi chế độ, nghĩa trang đó chôn những người lính Nghĩa quân và Biệt kích, trong thời gian làm kinh tế hợp tác xã, họ bắt ông của con phải ra đào mộ, lấy đất làm gạch. Chỉ bắt ông con vì ông con là lính nghĩa quân thời Pháp và bác Hai của con là sĩ quan chế độ cũ. Hồi đó nếu ông từ chối thì nhà mình khó mà sống cho yên. Ông con nhắm mắt mà bốc họ đi. Bốc xong, mấy ông cán bộ đưa cốt đi đâu bà cũng không rõ. Chỉ nhớ là mỗi đêm, vong hồn về đốt đuốc sáng choang ngoài hố gạch, nói chuyện rì rầm cả đêm. Họ linh lắm. Ông của con chỉ biết thắp hương khấn vái xin họ thương tình mà tha thứ cho tình cảnh của ông. Họ về báo mộng, cho ông biết là họ bỏ qua tội của ông, họ hiểu hết, họ không trách. Nhưng họ cần áo quần để mặc, họ thèm đường bát và thuốc lá… Con nhớ mà cúng mỗi năm nhé, và nhớ cầu nguyện cho họ siêu thoát…”.

Lời dặn của ông và câu chuyện của bà trước lúc lâm chung khiến tôi buồn mấy ngày và cứ suy nghĩ miên man về thân phận con người, thân phận của những chiến binh đã hy sinh thân xác cho lý tưởng, cho quốc gia, dân tộc. Có thể nói rằng họ là những chiến binh không may, mộ phần của họ không được chăm sóc tử tế bởi bàn tay đồng đội, bàn tay người thân. Sau một biến cố lịch sử, mọi việc đảo lộn, thân phận của người sống cũng như người đã khuất cũng trở nên phiêu hốt, bất định. Và cũng có thể nói rằng đó là một sự không may mắn mang tính lịch sử.

Nhưng, nếu chỉ nói thế thì e rằng sự thiếu sót này không thể nào bỏ qua, và sự hời hợt trong nhận xét cũng là một cái tội, chí ít là cái tội với người đã nằm xuống. Hai miền Nam – Bắc nước Mỹ, sau chiến tranh, họ vẫn có một nghĩa trang chung của hai phía, họ cũng có những cuộc hòa giải để cho thấy rằng không có bên nào chiến thắng cũng như không có bên nào thua trận. Mà chiến thắng lại thuộc về nước Mỹ, một nước Mỹ yêu chuộng hòa bình và dân chủ, văn minh thuộc vào bậc nhất địa cầu. Rất tiếc, Việt Nam thì mọi chuyện vừa buồn cười vừa chảy nước mắt.

Sau ba mươi mấy năm kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc, cái người ta dễ nhìn thấy nhất đó là hàng triệu sốn phận bị đắm chìm vì những chủ trương, chính sách cấm cửa, không cho thi đại học vì có lý lịch là con em của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mọi cơ hội hoàn toàn đóng kín trước mắt những người có liên quan đến chế độ cũ. Và, mãi cho đến bây giờ, những căn nhà bị cướp trắng, những người vợ, người con của chiến bính Việt Nam Cộng Hòa bị xua đuổi ra đường vẫn chưa bao giờ có cơ hội bước chân vào căn nhà cũ của mình.
Nhưng đó là chuyện vẫn chưa đáng kinh hãi lắm.

Đáng kinh hãi hơn cả là những ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ hoang, bị đào bới và những nghĩa trang bị chiếm đất để trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ mà ai cũng có thể nhận biết là cây đó nhanh tươi tốt như vậy nhờ bởi hút xác người. Thật là hãi hùng khi nghĩ rằng người chết phải thêm một lần chết dần chết mòn bởi rễ cây đang từ từ nhấm nháp xương cốt, từ từ xâm thực toàn bộ mộ phần của họ. Nhưng, mức độ kinh hãi vẫn chưa dừng ở đó, người ta còn nghĩ đến việc mở đường, xây dựng công trình lên đó và xóa sạch dấu vết của chế độ cũ. Giật sập tượng đài, đào bới mộ, hoang hóa nghĩa trang, đó là tất cả những gì có được trong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc này!

Đến lúc này, tôi phải tự hỏi liệu cái nền giáo dục mà tôi đã học ở đó trong quãng thời gian không ngắn của đời người có phải là nền giáo dục của con người? Vì nếu là nền giáo dục của con người thì phải dạy cho người ta biết yêu thương, biết kính trọng, nghiêng mình trước vong linh người đã khuất và biết động lòng trắc ẩn trước cái chết đồng loại. Nhưng không, suốt ba mươi mấy năm nay, người ta vẫn chưa ngưng hành hạ những ngôi mộ liệt sĩ đối phương, người ta vẫn chưa ngừng tung hê chiến thắng, người ta vẫn không ngừng rót rượu uống mừng, mặc cho mấy triệu đồng bào phải cúi mặt giấu nước mắt.

Thêm một 30 tháng 4 nữa, thêm một năm dài của những oan hồn còn vương vấn đâu đó nơi dương thế bởi chưa tìm được sự chăm sóc ấm áp của người thân hoặc bị cư xử quá tệ bạc và tàn nhẫn. Thêm một năm nữa, không có hy vọng gì vào một xứ sở mà ở đó, lòng cừu thù đã lậm vào máu thịt và não trạng, sự hận thù không từ bỏ cả với người chết… Lại một 30 tháng 4 nữa, chó đang sủa sau nhà, và trụ sở ủy ban phường đang có văn nghệ ăn mừng chiến thắng!