Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013
Võ Phiến - Hình ý, ý hình
Võ Phiến
NGUYỄN XUÂN HOÀNG (N.X.H.): Trước khi tiếp tục câu chuyện ông nghĩ có nên tạm dừng lại, tự kiểm điểm một chút chăng? Nửa năm trôi qua...
VÕ PHIẾN (V.P.): Nên lắm, nên lắm. Người xưa mỗi ngày tự xét mình mấy bận. Chắc ông đang có ý kiến nào đó về tôi chứ gì?
N.X.H: Không hẳn. Về cả hai chúng ta thì đúng hơn. Đối với một số vấn đề, chúng ta có thái độ giống nhau. Thái độ ấy tự biểu lộ ở một giọng... ai oán.
V.P.: Ấy chết!
N.X.H.: Ai oán đối với cái mới. Người ta ăn nhanh đọc nhanh: mình kêu trời!
V.P.: Có thế. Thành ra mình nói chuyện với nhau như một đám “đàng cựu” ngồi than vãn về những đổi thay của thời thế. Nhưng thực ra chúng ta chỉ có giọng “ai”, làm gì có được giọng “oán”? Oán trách ai? Chính mình cũng hớt ha hớt hải, cũng đọc nhảy lóc ca lóc cóc như ai, mình đóng góp vào sự phá hủy những giá trị cũ nhiều chứ ông.
N.X.H.: Không thế mình bị công việc, bị sách báo nó ào ào xông tới chôn sống mấy hồi. Mình không oán thời thế lắm đổi thay thì thôi, thời thế lại dám oán trách mình à?
V.P.: Phải lắm. Hùng dũng lắm. Như thế, tại sao ông lại đâm ngần ngại về giọng này giọng nọ?
N.X.H.: Thì nói thế để tự bào chữa, chứ thực tình chúng ta có giọng ai, ông ạ. Nghĩa là ai cách... quá đáng. Những kẻ theo dõi sáu buổi chuyện trò vừa qua chắc phải để ý đến chỗ ấy và lo rằng không khéo chúng ta đâm lỗi thời.
V.P.: Thường tình thôi. Tâm lý người ta, ai chẳng thế. Khi một thời đại đang tàn lụi, ta ngoái đầu trông theo, con mắt có đuôi, tiếc nuối ngẩn ngơ, nhưng... Cái nhìn lại đầy lưu luyến của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời đẹp đẽ chứ. Nhìn chiếc ấm trà Thế Đức thấy hay đáo để, nhưng điều ấy không cản Nguyễn Tuân vồ vập chụp lấy lũ chai cốc cognac nhấm nháp thích như điên.
Này, cụ Socrate ngày xưa lý luận rành rẽ là thế mà thái độ cũng có lúc lẩm cẩm đấy. Khi cụ xuất thế thì ở Hi-lạp chữ viết ra đời sơ sơ cũng được mấy trăm năm. Vậy mà cụ cứ còn luyến tiếc thời đàng cựu, cứ yêu lời nói hơn chữ viết. Đây đó cụ có những nhận định tai hại đối với chữ viết. Chẳng hạn cho rằng có chữ để ghi chép rồi thì con người ỷ lại vào tài liệu, trí nhớ không sử dụng đến sẽ suy kém dần đi. Lại chẳng hạn cho rằng phép học trong sách không hay bằng phép học với thầy: kẻ đọc sách chỉ lặng lẽ tiếp nhận một chiều, người học thầy được đối thoại để biện bạch đến nơi đến chốn cho ra lẽ phải v.v...
Đám hậu thế vô lễ thỉnh thoảng không khỏi bụm miệng cười khe khẽ về những nỗi lo bò trắng răng của cụ Socrate. Chúng ta chỉ kêu là nếp sống mới giết nghệ phẩm cũ, chứ đâu đã dám tiên đoán rồi nó sẽ làm suy nhược trí óc con người hay làm sụt lùi văn hoá gì đâu. Trong khi ấy sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông điện tử thời nay làm đảo lộn nếp sống con người có thua gì sự xuất hiện chữ viết trước kia. Đảo lộn sâu xa và cấp kỳ hơn trước nhiều chứ. Máy móc điện tử ra đời chỉ được mấy chục năm mà ngay bây giờ trên thế giới đã có đến 80 triệu máy vi tính; cái máy nó tràn lan nhanh hơn con chữ ngày xưa kinh khủng. Dăm ba chục năm tới đây thôi, ông tưởng tượng coi, nếp sống chúng ta khác trước đến chừng nào, số phận của cuốn sách tờ báo nó thay đổi đến đâu! Chúng ta có “ai” tí chút, nhưng coi vậy mà vẫn chì hơn cụ Socrate đấy, không sao. (Nói vụng thôi. Ai có hỏi, xin ông bảo là tôi không hề phát ngôn bừa bãi như thế nhé.
N.X.H.: Yên trí, tôi sẽ kín như bưng. Ông đừng ngại bị cụ Socrate quở, hãy ngại chuyện khác: bị độc giả quở.
V.P.: Ủa, quở về chuyện gì?
N.X.H.: Đi xa đề tài. Chúng ta nhằm vào những thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự sáng tác văn nghệ. Vừa rồi ông bảo phương tiện truyền thông điện tử thay đổi sâu xa nếp sống. Đồng ý. Nhưng mặc nó chứ. Cái muốn biết là nó có thay đổi lề lối sáng tác, quan niệm sáng tác...
V.P.: Tất nhiên.
N.X.H.: Nhưng có tức thời không?
V.P.: Sao ông nóng nảy vậy?
N.X.H.: Xin lỗi ông. Ý tôi muốn bảo: cái ảnh hưởng của những phát kiến mới này đến sự sáng tác văn nghệ có trực tiếp không, có nhanh chóng mạnh mẽ không? Nếu nó chỉ ảnh hưởng đến nếp sống, rồi dần dà dăm bảy chục năm sau, nếp sống ấy mới từ từ ảnh hưởng đến sự sáng tác văn nghệ, thì bây giờ chúng ta vội vàng gì lo âu cho vất vả.
V.P.: Các phương tiện điện tử không phải chỉ thay đổi nếp sống, chúng nó thay đổi luôn cách cảm nghĩ của chúng ta nữa. Thay đổi cấp kỳ.
Xin nói về cái ti-vi. Xem ti-vi không như xem sách, tuy cùng là “xem”. Một đàng xem hình, một đàng xem chữ. Xem hình thì thấy người thấy vật (và nghe cả tiếng nói tiếng cười của người, tiếng kêu tiếng động của vật phát ra); xem chữ chẳng nghe chẳng thấy gì ráo. Chẳng nghe chẳng thấy, vậy lấy gì làm ta xúc động? Bởi xem thơ xem truyện vẫn có người khóc thút thít có kẻ khóc mùi mẫn, có người lây buồn mà thẫn thờ, có kẻ phát lên cười sằng sặc v.v... Con người ta không thể bỗng dưng nổi buồn nổi vui vì những ký hiệu ngoằng ngoèo vô hồn, vì một mớ lá bùa phơi ra trước mắt. Sở dĩ xúc động là vì từ những ký hiệu ấy chúng ta dựng nên cả một thế giới trong đầu, có người có vật hẳn hoi, có gió thổi chim kêu, có kẻ xinh người xấu... Xem ti-vi, ta tiếp nhận những hình tượng cụ thể; xem sách chúng ta được gợi để tự mình dựng lên bằng trí tưởng tượng của chính mình một hoàn cảnh, một câu chuyện. Mỗi đàng vận dụng những quan năng khác nhau của con người...
N.X.H.: Đọc truyện phải vận dụng đến trí tưởng tượng, còn xem ti-vi thì có cần vận dụng đến cái gì đâu? Hình ảnh âm thanh xuất hiện trước mặt, cứ mở mắt vểnh tai ra tiếp nhận, như đối diện với cuộc sống ngoài đời thôi.
Một cuốn truyện nằm trên bàn là một đống giấy có nét mực loằng ngoằng. Đối với đứa trẻ con, đối với người mù, đối với kẻ dốt, với ngoại nhân bất đồng ngôn ngữ, thì nó không phải là truyện triếc gì ráo. Truyện chỉ hiện ra dần dần trong trí óc một độc giả có trình độ thôi. Phải có trình độ nhận thức, mới đọc ra truyện: đứa trẻ lớp năm lớp tư, cậu trai người Rhadé vừa ở núi cao xuống, dù biết chữ, cầm cuốn Bướm trắng chẳng hạn, đọc vẫn không ra truyện. Một tác giả từng nói rằng văn phẩm là một con vụ kỳ cục: còn quay còn là con vụ, lăn kềnh ra, không phải vụ viếc gì nữa, chỉ còn là cục gỗ. Sách có đọc mới ra sách, mà đọc lại còn phải do kẻ “biết” đọc nữa mới được. Thành thử cuốn truyện chỉ thành ra cuốn truyện do sự hợp tác giữa kẻ viết và người đọc. Vai trò của người đọc không nhỏ. Đó là một vai trò tích cực.
Trái lại, tôi nghĩ trong sự ngồi xem ti-vi không có vai trò đóng góp. Có người xem hay không có người xem, mở ti-vi lên một câu chuyện vẫn xuất hiện đầy đủ âm thanh hình ảnh, vẫn tiếp tục diễn tiến từ đầu đến cuối. Thái độ xem ti-vi là một thái độ tiếp nhận thụ động.
V.P.: Đại khái có thể nghĩ như thế. Nhưng tế suy vật lý, e không hẳn là xem ti-vi không có sự “cộng tác” nào.
Truyện viết: “Trông chừng thấy một văn nhân”. Viết thế truyện không vẽ ra trước mắt hình vóc văn nhân ấy cao bao nhiêu thước, nặng mấy “pao”, màu da hồng hào hay nhợt nhạt v.v... Người đọc truyện căn cứ vào câu văn và vào hình ảnh những văn nhân trai trẻ cụ thể mình đã từng biết qua, đã trông thấy, nghe thấy, vào mớ kinh nghiệm tích lũy trong đời mình để tưởng tượng nên một chàng Kim Trọng thích hợp với nàng trưởng nữ nhà họ Vương. Cái đóng góp của người đọc sách là hình tượng hoá các ý niệm nêu ra bằng ký hiệu trên trang sách.
Phần đóng góp của kẻ xem ti-vi là việc làm ngược lại. Trên màn ảnh xuất hiện một chàng thanh niên mặc chiếc áo màu xanh non, cưỡi con ngựa trắng, người buông lỏng cương, ngựa đi thong thả, theo sau có vài đứa tiểu đồng... Trên màn ảnh, thanh niên ấy vóc vạc cao thấp gầy béo ra sao, mặt mũi tóc tai xấu đẹp thế nào, màu da đậm nhạt ra sao, mọi cái rõ ràng cả; nhưng không có ghi chú hướng dẫn nào để kẻ xem ti-vi biết được đó là một văn nhân hào hoa, đa tình, tư cách đường hoàng chung thủy. Trong khi ấy người đọc sách được mách bảo tường tận:
“Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.”
Kẻ xem ti-vi thiếu hướng dẫn có thể không nhận ra như thế, mà lại thấy văn nhân nọ trông không có gì khác với Mã Giám Sinh, hay hơn nữa, với Sở Khanh chẳng hạn, thì kẻ xem hại nhà đạo diễn nặng rồi. Cái đóng góp của khán giả ti-vi là từ hình tượng âm thanh, từ cái cụ thể trước mắt phải tiến tới một ý niệm, một cảm tưởng thích hợp nào đó.
Xem gì thấy nấy, nghe sao hay vậy, không tiến tới thối lui gì ráo, là chết cả phim. Thấy nhân vật láu lỉnh mà không nhận ra sự láu lỉnh, thấy phong cảnh u tịch mà không nhận ra vẻ u tịch, thấy cái gì cũng xêm xêm cả: như thế là không đóng góp. Đối với hạng khán giả như vậy, người làm phim lạy cả tơi cả nón mà chào thua thôi, không cách nào gây được sự xúc cảm.
Nói chung, các bộ môn nghệ thuật sử dụng hình ảnh hay âm thanh đều cần sự hợp tác kiểu ấy ở giới thưởng thức. Tác phẩm chỉ gợi ra, kẻ thưởng ngoạn phải nhận ra.
Hội họa truyền thống Trung Hoa không nhằm tả chân, không chủ ý diễn tả tỉ mỉ cho đúng thực tại, mà chỉ cốt gợi ý, chỉ phác qua đơn sơ, mở lối cho sự suy diễn của người xem. Có nhiều giai thoại ngộ nghĩnh về điểm này.
Một chuyện kể trong một cuộc tranh tài hồi đời nhà Tống, các họa sĩ thi nhau minh họa câu thơ: “Đạp hoa qui khứ mã đề hương” (Giẫm lên hoa mà về, móng chân ngựa còn thơm mùi hoa). Bức tranh đoạt giải nhất là bức vẽ một con ngựa bước đi, có đàn bướm bay theo chung quanh các móng chân.
Lại một chuyện khác nói về bức họa diễn tả ý thơ: “Dã độ vô nhân chu tự hoành” (Ở chỗ bến đò giữa đồng vắng vẻ, có chiếc đò bị nước chảy xoay ngang). Bức họa ấy vẽ ở nơi mũi đò có mấy con chim, con này đậu con nọ đang sà cánh xuống. Thấy hình chim đến đậu tự do, nên nhận ra cái ý vô nhân, tịch liêu hoang vắng. Thấy hình bướm xúm xít lao xao, nên nhận ra cái ý hoa thơm.
Một đàng đi từ hình đến ý, một đàng đi từ ý đến hình.
N.X.H.: Ông bảo rằng ti-vi và tranh ảnh trình bày hình tượng cụ thể để người xem tự nhận ra cái ý bao hàm trong đó. Tôi nghĩ văn chương cũng đề cao phương pháp ấy thôi. Nhất Linh từng nói không nên viết: “cử chỉ ông X thật là điềm đạm” hoặc “cậu Y táy máy luôn tay”; mà phải tả những cử chỉ để cho người đọc tự nhận thấy ông X điềm đạm hay cậu Y táy máy.
Như vậy, đâu khác gì vẽ bướm cho người ta thấy hương, vẽ chim cho người ta thấy cái “vô nhân”?
V.P.: Có thế. Có sự kiện bên này vói sang bên kia. Bên ti-vi, kịch tuồng, hội họa, chỉ trình bày được cái cụ thể, thì lo rằng kẻ thưởng ngoạn không vươn tới ý niệm đúng, nên cố tìm cách gợi ý niệm. Bên tiểu thuyết chỉ có chữ nghĩa, ký hiệu, lại lo rằng kẻ thưởng ngoạn không hình dung ra sự vật cụ thể, nên cố tìm ra cách diễn đạt cụ thể nhất. Có người cẩn thận đã đếm thử, thấy ông cụ Tolstoi từng trình bày nét mặt Anna Karénine với trăm diễn biến khác nhau. Nhưng rốt cuộc đâu là khuôn mặt thực sự cụ thể của Anna? Nàng Anna trong trí tôi khác Anna trong trí ông, càng khác với vẻ mặt Anna trong trí Tolstoi chứ.
Vả lại, nói chi xa xôi: Hãy nói ngay trường hợp ông Nhất Linh. Ông tả bà Ký Ân ngồi nói chuyện với cô Mùi: “Bà Ký chăm chú nghe.” Chữ “chăm chú” là một nhận định, không phải là một mô tả. Vẻ chăm chú của bà Ký Ân, ông Nhất Linh tinh ý nhận thấy; nhưng đưa lên màn ảnh, một khán giả hời hợt vô tình có thể không nhận thấy. Thế là mất một chỗ lý thú của câu chuyện. (Bởi chính cái chăm chú ấy là bí mật nghề nghiệp của bà Chủ Nhật Trình: gặp ai nói tin gì mới, bà chăm chú nghe, ghi nhận, để sau đó chạy đi chỗ khác loan báo.)
Lại ở một đoạn khác, nói về chuyện anh Nhỡ nằm ngủ trên ổ rơm nhà cô Mùi. “Suốt một đêm kéo lưới, chân tay mỏi mệt của chàng được đặt trên ổ rơm, chàng thấy êm ái lạ thường. Một lát sau chàng ngủ đi lúc nào không biết.” Chàng “thấy êm ái lạ thường” là một nhận định, “ngủ đi lúc nào không biết” cũng lại là một nhận định. Mô tả cụ thể cách nào cho người ta trông thấy được những cái ấy? Cho nên Nhất Linh nói là nói thế thôi. Ai mà làm được? Mỗi bộ môn nghệ thuật có những hạn chế của nó chứ ông.
N.X.H.: Tiểu thuyết gia ao ước cái cụ thể mà không đạt được cái cụ thể. Trong khi ấy trên ti-vi lồ lộ toàn hình tượng cụ thể...
V.P.: Cái cụ thể hỗn độn không qui hướng thì không nói lên được gì, không gây được cảm xúc, không thành tác phẩm nghệ thuật. Cho nên người làm phim, soạn tuồng, có nỗi khổ tâm của họ. Và do đó ngoài đời người say cố gắng đi đứng ngay ngắn cho giống người tỉnh, thì trên sân khấu, trên màn ảnh, người say ít cố xiêng xẹo ngả nghiêng thêm nhiều; do đó ngoài đời kẻ buồn thở ra nhẹ nhàng thì trên màn ảnh lại ra sức thở dài thườn thượt. Cái vui cái buồn đều quá lố, cái gian giảo, say sưa, lém lỉnh v.v... mọi sự đều được phóng đại, cho dễ nhận thấy. Bộ môn càng hướng về quần chúng đông đảo thì chủ tâm phóng đại, nhấn mạnh v.v... càng lộ liễu. Rốt cuộc, trông rẻ tiền.
N.X.H.: Cái cao cái thấp, cái đắt cái rẻ, lúc này không thành vấn đề. Đôi bên khác nhau, đường ai nấy đi. Bộ môn nào trau dồi kỹ thuật thích hợp cho bộ môn ấy. Vấn đề của chúng ta là: liệu cái mới có thay đổi quan niệm sáng tác văn nghệ không?
V.P.: Ông lại trở về cương vị chủ tọa, lại lo chúng ta vui miệng đi xa, lạc đề!
Xin yên trí. Chúng ta vẫn bám đề sát sạt. Ti-vi phải thay đổi tiểu thuyết ông ạ. Hàng ngày nó thu hút một số lượng quần chúng lớn lao, hướng họ về một cách thức thưởng ngoạn trái ngược với cách thưởng ngoạn văn chương, tập dượt cho họ phát triển một khả năng trái hẳn với khả năng cần thiết để thưởng thức văn chương. Ý tôi muốn nói thứ văn chương theo quan niệm sáng tác của chúng ta hiện nay. Như vậy, một là văn phẩm sẽ bị bỏ rơi gấp; hai là muốn sống còn, văn phẩm phải chuyển hướng cho thích hợp với quần chúng thưởng ngoạn. Làm sao khác được? Ngày này sang ngày nọ, tháng này tiếp tháng kia, liên tu bất tận người khán giả ti-vi luôn luôn phải vận dụng khả năng chuyển hình sang ý; riết rồi khả năng ấy được trau dồi tinh vi, thành thói quen trong tâm lý khán giả. Thỉnh thoảng trở lại với cuốn sách, đụng đầu với các ký hiệu, phải vận dụng trí tưởng tượng dữ dội, họ không thấy thích thú, thoải mái. Dần dần, họ lười nhác, hời hợt. Họ thành những độc giả tồi!
Thử nghĩ: tiểu thuyết của Marcel Proust, của Claude Simon, giá tình cờ có đôi cuốn bỗng nhiên xuất hiện vào thời trung cổ, thì ai đọc? Không phải vì người xưa... tối dạ. Nhưng chính vì những tác phẩm “thần đồng” nọ chúng ra đời quá sớm, bất phùng thời. Bấy giờ độc giả chưa kịp trau dồi những khả năng tiếp nhận thích hợp với loại tiểu thuyết ấy. Phải chờ mấy trăm năm lặng lẽ miệt mài với những trang chữ dày kìn kịt, người ta mới sẵn sàng thưởng thức chúng.
Bây giờ, này! đừng quên là bây giờ không phải chỉ có tâm lý độc giả thay đổi, mà chính tâm lý các tác giả cũng thay đổi nữa. Thì các thi sĩ, văn sĩ, ai mà không xem ti-vi? Tự nhiên dần dà thói quen thưởng ngoạn của chính họ cũng thay đổi thôi.
Kẻ viết người đọc đều thay đổi, làm sao sáng tác phẩm vẫn như xưa được!
6 – 1993