Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Trần Mộng Tú - Tình Yêu và Trái Tim



   Trần Mộng Tú

Mẹ tôi mở cửa bước vào nhà như một cơn bão, mà bà mang theo một cơn bão thật. Bà vừa thở vừa nói một câu ngắn:
- Chị Loan bỏ đi rồi.

Mà bỏ đi đâu? Bà không nói tiếp. Chị Loan vừa làm đám cưới ngày hôm qua, hôm nay nhị hỉ. Một đám cưới cả tỉnh hài lòng vì họ rất đẹp đôi.


Ba tôi nhìn mẹ tôi từ tốn.

- Ai nói cho bà biết là cô ấy bỏ đi. 

- Thì chính chị Khải gặp em sáng nay ở tiệm bánh mì, vừa khóc vừa gọi em ra một góc cho biết.

Đối với những người mới lớn như chúng tôi thì mối tình của chị Loan với anh Trung là một mối tình rất đẹp. Họ là bạn học với nhau từ thời còn Trung học ở quê nhà, cả hai gia đình may mắn cùng được định cư ở trong cùng một tiểu bang, cách nhau có một năm. Chị Loan sang Mỹ đi học kế toán, ra trường có việc ngay. Anh Trung học Kiến Trúc ra sau chị hai năm.

Chị đi làm trước chờ cho anh ra trường và để dành tiền mua được một căn townhouse cho tổ ấm tương lai của hai người.

Chúng tôi gặp họ hầu như trong tất cả những sinh hoạt của cộng đồng và ở trường học. Từ hướng đạo cho đến lớp Việt ngữ, từ bích báo cho đến kịch nghệ. Họ săn sóc nhau, tôn trọng nhau và hỗ trợ nhau trong mọi lãnh vực. Họ cùng thưởng thức thơ văn, hội họa, âm nhạc, Anh Trung giỏi về triết học, lịch sử, kiến trúc, hội họa thì chị Loan thuộc rất nhiều thơ . Thơ cũ, thơ mới, thơ Anh, thơ Tầu, chị cặn kẽ nhớ từng tiểu sử tác giả của những bài thơ hay. Mặc dù rất khiêm tốn, lãnh vực văn chương nào chị cũng cho chúng tôi nhìn thấy sự hiểu biết của chị. Họ là một cặp tình nhân mà chúng tôi điều ước gì có được một mối tình như thế.

Đám cưới ngày hôm qua gia đình tôi cũng được tham dự. Cử hành ngay ở ngoài trời, quan khách gần 300 trăm người. Cô dâu chú rể đứng trên một thảm cỏ xanh ngọc của sân golf với Mục Sư, chung quanh là vòng người đến dự. Mục Sư chúc phúc và chúng tôi tung hoa. Nắng tháng năm, hoa tháng năm phủ kín cả hai người. Sau khi làm lễ, một lồng chim nhỏ trong đó có hai con chim hòa bình trắng toát được đem tới, Cô dâu chú rể mở cửa chuồng chim thả chúng bay thẳng vào bầu trời trong xanh trước mặt.  “Đôi ta như chim liền cánh.” Cha mẹ bạn bè tưởng không còn gì vui hơn nữa. Thức ăn một phần đặt nhà hàng mang tới, một phần do các bạn bè của cha mẹ hai bên, bạn bè của anh chị đóng góp. Tiếng chúc tụng, tiếng cười, tiếng nổ của những chai sâm banh, của bong bóng, pháo nhỏ ngũ sắc trong tay những người trẻ thi nhau tung ra, kéo dài cho đến cuối chiều. Một dạ vũ kế tiếp cho nhóm trẻ được tổ chức ngay trong câu lạc bộ nhỏ của sân golf. Chúng tôi chỉ còn khoảng dưới 100 người ở lại nhẩy, hát cho đến gần sáng.

 Bây giờ tôi còn đang mắt nhắm, mắt mở mẹ tôi đã báo một cái tin nghe như bão tới. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn.

- Bỏ đi làm gì?

Mẹ tôi gắt

- Mẹ không biết, con sang hỏi bác Khải, anh Trung thì đang nằm trong bệnh viện.

Lại thêm một tin mới. Anh Trung chắc là không chịu nổi sự bỏ đi bất ngờ của chị Loan nên đã ngất xỉu phải vào bệnh viện. Tôi vội vàng gọi sang nhà bác nhiều lần, cả nhà chắc vào bệnh viện nên không có ai trả lời điện thoại. Tôi đành phải đợi đến chiều lái xe sang nhà bác Khải. Cửa nhà đóng, đèn bên trong không bật, bấm chuông không ai mở, cả ngôi nhà chìm trong bóng tối nhờ nhờ của mặt trời vừa lặn. Tôi lủi thủi quay về, có cảm tưởng mình vừa đi qua một nghĩa trang.

Tin chị Loan bỏ đi và anh Trung vào bệnh viện lan rộng trong cộng đồng, như vệt dầu loang. Có một điều rất lạ là cả hai bên cha mẹ điều không ai nói đến việc này một lần nào nữa, ngoài một lần mẹ tôi được bác Khải cho biết ở tiệm bánh mì. Anh Trung nằm ở bệnh viện nào cả hai nhà giấu kín, không có ai đến thăm được. Hình như bệnh viện được chỉ thị của thân nhân không cho bạn bè thăm viếng. Họ từ chối tất cả điện thoại gọi vào.

Chị Loan đi biệt tăm, anh Trung sau khi xuất viện ở nhà hai tháng đi làm lại. Anh đi về như một cái bóng, anh không có mặt trong bất cứ một sinh hoạt tập thể, hay bạn hữu nào. Không ai dám hỏi anh về chuyện tại sao chị Loan bỏ đi, tại sao chị Loan không về? Mà muốn hỏi cũng không có dịp nào. Anh đi thẳng ở sở về căn townhouse của anh chị, rồi từ đó đến sở, thế thôi. Người ta cũng khó lòng mà gặp anh ở một Siêu thị. Không biết anh có ăn không? Bác Khải thì chắc buồn chuyện con dâu bỏ đi nên cũng bớt sinh hoạt, thỉnh thoảng bác có đến chùa, nhưng không ai nỡ hỏi về chuyện hôn nhân của con bác khi nhìn ánh mắt buồn bã và khuôn mặt khép kín của bác. 

Câu chuyện của anh chị bắt đầu rất sôi nổi, sau chìm dần rồi yên lặng. Nó giống như một tảng đá ném xuống sông, nghe một tiếng ầm, bọt bắn tung lên, rơi xuống. Hòn đá chìm dần, mặt nước dấy lên những vòng tròn loang xa, loang xa rồi tất cả chìm vào im lặng. Tảng đá bây giờ nằm ngủ tận đáy sông.

Chúng tôi trưởng thành hơn, rời ghế nhà trường, đi làm, lập gia đình. Chuyện của anh Trung chị Loan trở thành chuyện cổ tích. Một vài người yêu đương sôi nổi, một vài đám cưới, một vài vụ ly hôn. Nhưng không có mối tình nào đẹp và buồn như mối tình của anh Trung chị Loan. Trong mười năm có người mới nhập vào cộng đồng, có người dọn đi nơi khác. Cha tôi mất, mẹ tôi già thêm, chúng tôi cũng đã lâu lắm rồi không còn gặp bác Khải. Không biết bác và anh Trung còn ở cùng tiểu bang này không?

Cho đến một dịp nghỉ hè vừa qua khi vợ chồng tôi cùng cô con gái mới được sáu tuổi đi chơi ở vùng biển Dana Point. 

Khi tôi đang xoa kem chống nắng cho con, thì có hai người khác vừa đến, họ cúi xuống trải chiếc khăn lông lớn ngay bên cạnh chúng tôi. Khi họ ngồi xuống nhìn ra biển thì tôi nhận ngay ra được là anh Trung và chị Loan. Mặc dù đã mười năm trôi qua, và hai người đã thay đổi nhiều. Cả hai đều gầy ốm hơn và tóc đã lốm đốm bạc. Chị Loan cũng nhận ngay ra tôi. 

Sau một hồi tíu tít mừng rỡ, tôi giới thiệu chồng con với anh chị, chị Loan cho tôi địa chỉ, nhìn vào mắt tôi nói:
- Khi nào em rảnh ghé chị chơi.

Chắc chắn rồi, tôi phải đến chứ, đến hỏi làm sao chị lại bỏ đi ngay sau đêm tân hôn, và sao chị lại có anh bên cạnh lúc này? Một đống câu hỏi cho chị nhẩy lung tung trong đầu tôi, câu nọ ngã vào câu kia, làm tôi không ngồi yên được.

*

“Không, em nhất định không chấp nhận chuyện này. Nếu anh làm như thế thì có khác gì anh gả em cho một người chồng khác.” Loan vừa nói vừa nấc, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt còn nguyên son phấn của một cô dâu. 

Trung phân trần:
 “Em biết là anh chờ đợi chuyện này lâu lắm rồi, nếu bây giờ mình trì hoãn thì anh có thể chết bất cứ lúc nào.”
Loan lắc lắc cái đầu còn cài hoa, những bông hoa nhỏ đã bắt đầu rơi xuống từng cánh trên vai cô.

“Em không nghĩ là anh sẽ chết, y học nhiều khi có thể sai lầm, anh đã sống gần 30 năm rồi, có sao đâu.”

“Nhưng 30 năm sau của cuộc đời anh sẽ khác em ạ, anh càng lớn tuổi thì càng có nhiều cơ hội nó sẽ ngưng luôn không còn làm việc được nữa.” Trung vừa nói vừa đứng lên thay quần áo, anh gọi người em ra chở anh vào bệnh viện, ở đó người ta đang chờ anh đến để thay cho một trái tim khác. 

Loan biết Trung có một trái tim không được bình thường từ nhỏ, và sau này Loan cũng biết là Trung chắc chắn sẽ có ngày phải thay một trái tim khác để sống còn. Nhưng việc thay một trái tim của người đàn ông mình đã yêu suốt một thời thiếu nữ, và chờ đợi được làm vợ vào đúng ngay đêm tân hôn làm Loan hoảng hốt. Cô không biết là khi tỉnh dậy với một trái tim của kẻ khác thì Trung còn yêu cô không? Và cái quan trọng hơn nữa là Trung có còn yêu cô giống như trước đây đã yêu không?

Cái quả tim mới của Trung đâu phải là quả tim Trung yêu cô từ trước đến nay. Lỡ nó đã yêu một người phụ nữ nào ở tận Trung Hoa, hay ở bên Mễ thì cô phải làm sao? Còn trái tim của cô nữa, tự nhiên bắt nó hòa đồng với một trái tim lạ hoắc thì có tọi nghiệp cho cả nó lẫn cô không? 

Loan chạy bay ra sân, mở cửa chiếc xe đang nổ máy, cho đầu vào gào lên:
“Em không chịu, em không chịu. Anh đừng bắt em yêu một người khác.”

Bà Khải ở hốt hoảng chạy theo ra, đỡ cô con dâu vào trong. Chiếc xe lao ra đường, tiếng động cơ mất hút trong đêm. 

“Con phải để cho Trung đi, nó đợi dịp này lâu lắm rồi. Mẹ con mình cũng phải đi vào bệnh viện bây giờ. Con phải thực tế, mạng sống đôi khi còn quý trọng hơn tình yêu.”

 Loan ngẩn người ra, mẹ Trung vừa nói gì.  Thế ra Trung yêu mạng sống hơn mối tình của hai người hay sao?
Loan thẫn thờ nhìn quang cảnh một buổi tiệc cưới vừa tan chung quanh mình. Mọi người đã về hết, chỉ còn lại những người thân đang thu dọn quà cưới, ly tách cái đứng, cái nằm còn loang mùi rượu, khăn bàn xô lệch, hoa trên sàn, xác pháo ngũ sắc còn bám trên áo Loan. Thế mà có ai lại nói cho nàng biết là mạng sống quý hơn tình yêu. Ngay cả mẹ Trung, mẹ Loan cũng đang nói vào tai Loan như vậy, Loan không muốn tin. 

Loan cũng chui vào một cái xe, nhưng Loan không đến bệnh viện, Loan không muốn chứng kiến người ta lấy trái tim của người đàn ông đang yêu mình ra, thay vào đấy một trái tim kẻ lạ. Loan về nhà mình, thu xếp một ít áo quần, Loan bỏ đi, Loan đi biền biệt.

Trong gần mười năm, gia đình Loan chỉ liên lạc với Loan qua điện thư, họ không biết Loan ở đâu. Loan dọa nếu người nhà cho Trung địa chỉ điện thư của Loan, Loan sẽ cắt đứt liên lạc ngay, nên không ai dám. Loan sống trong hờn giận, buồn bã và khép kín. Loan có thử vài ba lần một mối liên hệ thân mật với những người đàn ông khác, nhưng không bao giờ còn yêu ai được như đã yêu Trung, và điều này làm Loan càng không muốn trở về với Trung. Loan tự hỏi, nếu trái tim mình không yêu ai được nữa ngoài Trung thì làm sao mình có thể yêu một trái tim lạ hoắc đang ở nhờ trong ngực anh ấy.

Cho đến một hôm Loan nhận được điện thư của em gái viết.

 “Anh Trung sắp chết, chị về ngay.”

Loan lặng người đi, Trung sẽ chết với trái tim mới, trái tim đó trong vòng mười năm nay đã yêu ai chưa? Loan ngẩn ngơ cả ngày mới làm được quyết định.

 Loan về, Trung vẫn sống trong ngôi nhà cũ của hai người mua trước khi đám cưới, Loan đứng ở phòng khách nhìn đồ đạc Loan sắm được thứ nào vẫn y nguyên, không thêm hay bớt. Trung vừa được đưa ở bệnh viện về, người ta nói trái tim của Trung đã bắt đầu có vấn đề, một phần lớn là do sự buồn bã gây ra. Loan theo người em đi vào phòng ngủ, Trung nằm xanh xao giữa hai cái gối. Tại sao lại hai cái gối, Loan hỏi trong đầu?

Loan ghé ngồi vào giường, nâng dầu Trung tựa vào ngực mình, nàng nghe tiếng Trung thở rất chậm, nhưng tiếng trái tim mình thì đập vội vã. Loan biết rằng mình vẫn yêu Trung nhiều lắm. Cả hai không nói một lời nào, họ ngồi như thế lâu lắm. Buổi chiều đã xuống bên ngoài cửa sổ.

  Loan dứng dậy đi bật những ngọn đèn, nàng xuống bếp mở tủ lạnh làm bữa cơm chiều, như một người vợ vừa đi xa về, như vợ chồng nàng ở trong căn nhà từ mười năm nay, như Trung chỉ vừa bị một cơn cảm nhẹ.

 Loan tập yêu trái tim mới và tình yêu của Loan đã giúp cho trái tim buồn bã đó trở lại hoạt động bình thường.   







Võ Phiến - Hình ý, ý hình



Võ Phiến

NGUYỄN XUÂN HOÀNG (N.X.H.): Trước khi tiếp tục câu chuyện ông nghĩ có nên tạm dừng lại, tự kiểm điểm một chút chăng? Nửa năm trôi qua...


VÕ PHIẾN (V.P.): Nên lắm, nên lắm. Người xưa mỗi ngày tự xét mình mấy bận. Chắc ông đang có ý kiến nào đó về tôi chứ gì?

N.X.H: Không hẳn. Về cả hai chúng ta thì đúng hơn. Đối với một số vấn đề, chúng ta có thái độ giống nhau. Thái độ ấy tự biểu lộ ở một giọng... ai oán.

V.P.: Ấy chết!


N.X.H.: Ai oán đối với cái mới. Người ta ăn nhanh đọc nhanh: mình kêu trời!
V.P.: Có thế. Thành ra mình nói chuyện với nhau như một đám “đàng cựu” ngồi than vãn về những đổi thay của thời thế. Nhưng thực ra chúng ta chỉ có giọng “ai”, làm gì có được giọng “oán”? Oán trách ai? Chính mình cũng hớt ha hớt hải, cũng đọc nhảy lóc ca lóc cóc như ai, mình đóng góp vào sự phá hủy những giá trị cũ nhiều chứ ông.

N.X.H.: Không thế mình bị công việc, bị sách báo nó ào ào xông tới chôn sống mấy hồi. Mình không oán thời thế lắm đổi thay thì thôi, thời thế lại dám oán trách mình à?

V.P.: Phải lắm. Hùng dũng lắm. Như thế, tại sao ông lại đâm ngần ngại về giọng này giọng nọ?

N.X.H.: Thì nói thế để tự bào chữa, chứ thực tình chúng ta có giọng ai, ông ạ. Nghĩa là ai cách... quá đáng. Những kẻ theo dõi sáu buổi chuyện trò vừa qua chắc phải để ý đến chỗ ấy và lo rằng không khéo chúng ta đâm lỗi thời.

V.P.: Thường tình thôi. Tâm lý người ta, ai chẳng thế. Khi một thời đại đang tàn lụi, ta ngoái đầu trông theo, con mắt có đuôi, tiếc nuối ngẩn ngơ, nhưng... Cái nhìn lại đầy lưu luyến của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời đẹp đẽ chứ. Nhìn chiếc ấm trà Thế Đức thấy hay đáo để, nhưng điều ấy không cản Nguyễn Tuân vồ vập chụp lấy lũ chai cốc cognac nhấm nháp thích như điên.

Này, cụ Socrate ngày xưa lý luận rành rẽ là thế mà thái độ cũng có lúc lẩm cẩm đấy. Khi cụ xuất thế thì ở Hi-lạp chữ viết ra đời sơ sơ cũng được mấy trăm năm. Vậy mà cụ cứ còn luyến tiếc thời đàng cựu, cứ yêu lời nói hơn chữ viết. Đây đó cụ có những nhận định tai hại đối với chữ viết. Chẳng hạn cho rằng có chữ để ghi chép rồi thì con người ỷ lại vào tài liệu, trí nhớ không sử dụng đến sẽ suy kém dần đi. Lại chẳng hạn cho rằng phép học trong sách không hay bằng phép học với thầy: kẻ đọc sách chỉ lặng lẽ tiếp nhận một chiều, người học thầy được đối thoại để biện bạch đến nơi đến chốn cho ra lẽ phải v.v...

Đám hậu thế vô lễ thỉnh thoảng không khỏi bụm miệng cười khe khẽ về những nỗi lo bò trắng răng của cụ Socrate. Chúng ta chỉ kêu là nếp sống mới giết nghệ phẩm cũ, chứ đâu đã dám tiên đoán rồi nó sẽ làm suy nhược trí óc con người hay làm sụt lùi văn hoá gì đâu. Trong khi ấy sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông điện tử thời nay làm đảo lộn nếp sống con người có thua gì sự xuất hiện chữ viết trước kia. Đảo lộn sâu xa và cấp kỳ hơn trước nhiều chứ. Máy móc điện tử ra đời chỉ được mấy chục năm mà ngay bây giờ trên thế giới đã có đến 80 triệu máy vi tính; cái máy nó tràn lan nhanh hơn con chữ ngày xưa kinh khủng. Dăm ba chục năm tới đây thôi, ông tưởng tượng coi, nếp sống chúng ta khác trước đến chừng nào, số phận của cuốn sách tờ báo nó thay đổi đến đâu! Chúng ta có “ai” tí chút, nhưng coi vậy mà vẫn chì hơn cụ Socrate đấy, không sao. (Nói vụng thôi. Ai có hỏi, xin ông bảo là tôi không hề phát ngôn bừa bãi như thế nhé.

N.X.H.: Yên trí, tôi sẽ kín như bưng. Ông đừng ngại bị cụ Socrate quở, hãy ngại chuyện khác: bị độc giả quở.

V.P.: Ủa, quở về chuyện gì?

N.X.H.: Đi xa đề tài. Chúng ta nhằm vào những thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự sáng tác văn nghệ. Vừa rồi ông bảo phương tiện truyền thông điện tử thay đổi sâu xa nếp sống. Đồng ý. Nhưng mặc nó chứ. Cái muốn biết là nó có thay đổi lề lối sáng tác, quan niệm sáng tác...

V.P.: Tất nhiên.

N.X.H.: Nhưng có tức thời không?

V.P.: Sao ông nóng nảy vậy?

N.X.H.: Xin lỗi ông. Ý tôi muốn bảo: cái ảnh hưởng của những phát kiến mới này đến sự sáng tác văn nghệ có trực tiếp không, có nhanh chóng mạnh mẽ không? Nếu nó chỉ ảnh hưởng đến nếp sống, rồi dần dà dăm bảy chục năm sau, nếp sống ấy mới từ từ ảnh hưởng đến sự sáng tác văn nghệ, thì bây giờ chúng ta vội vàng gì lo âu cho vất vả.

V.P.: Các phương tiện điện tử không phải chỉ thay đổi nếp sống, chúng nó thay đổi luôn cách cảm nghĩ của chúng ta nữa. Thay đổi cấp kỳ.

Xin nói về cái ti-vi. Xem ti-vi không như xem sách, tuy cùng là “xem”. Một đàng xem hình, một đàng xem chữ. Xem hình thì thấy người thấy vật (và nghe cả tiếng nói tiếng cười của người, tiếng kêu tiếng động của vật phát ra); xem chữ chẳng nghe chẳng thấy gì ráo. Chẳng nghe chẳng thấy, vậy lấy gì làm ta xúc động? Bởi xem thơ xem truyện vẫn có người khóc thút thít có kẻ khóc mùi mẫn, có người lây buồn mà thẫn thờ, có kẻ phát lên cười sằng sặc v.v... Con người ta không thể bỗng dưng nổi buồn nổi vui vì những ký hiệu ngoằng ngoèo vô hồn, vì một mớ lá bùa phơi ra trước mắt. Sở dĩ xúc động là vì từ những ký hiệu ấy chúng ta dựng nên cả một thế giới trong đầu, có người có vật hẳn hoi, có gió thổi chim kêu, có kẻ xinh người xấu... Xem ti-vi, ta tiếp nhận những hình tượng cụ thể; xem sách chúng ta được gợi để tự mình dựng lên bằng trí tưởng tượng của chính mình một hoàn cảnh, một câu chuyện. Mỗi đàng vận dụng những quan năng khác nhau của con người...

N.X.H.: Đọc truyện phải vận dụng đến trí tưởng tượng, còn xem ti-vi thì có cần vận dụng đến cái gì đâu? Hình ảnh âm thanh xuất hiện trước mặt, cứ mở mắt vểnh tai ra tiếp nhận, như đối diện với cuộc sống ngoài đời thôi.

Một cuốn truyện nằm trên bàn là một đống giấy có nét mực loằng ngoằng. Đối với đứa trẻ con, đối với người mù, đối với kẻ dốt, với ngoại nhân bất đồng ngôn ngữ, thì nó không phải là truyện triếc gì ráo. Truyện chỉ hiện ra dần dần trong trí óc một độc giả có trình độ thôi. Phải có trình độ nhận thức, mới đọc ra truyện: đứa trẻ lớp năm lớp tư, cậu trai người Rhadé vừa ở núi cao xuống, dù biết chữ, cầm cuốn Bướm trắng chẳng hạn, đọc vẫn không ra truyện. Một tác giả từng nói rằng văn phẩm là một con vụ kỳ cục: còn quay còn là con vụ, lăn kềnh ra, không phải vụ viếc gì nữa, chỉ còn là cục gỗ. Sách có đọc mới ra sách, mà đọc lại còn phải do kẻ “biết” đọc nữa mới được. Thành thử cuốn truyện chỉ thành ra cuốn truyện do sự hợp tác giữa kẻ viết và người đọc. Vai trò của người đọc không nhỏ. Đó là một vai trò tích cực.

Trái lại, tôi nghĩ trong sự ngồi xem ti-vi không có vai trò đóng góp. Có người xem hay không có người xem, mở ti-vi lên một câu chuyện vẫn xuất hiện đầy đủ âm thanh hình ảnh, vẫn tiếp tục diễn tiến từ đầu đến cuối. Thái độ xem ti-vi là một thái độ tiếp nhận thụ động.

V.P.: Đại khái có thể nghĩ như thế. Nhưng tế suy vật lý, e không hẳn là xem ti-vi không có sự “cộng tác” nào.

Truyện viết: “Trông chừng thấy một văn nhân”. Viết thế truyện không vẽ ra trước mắt hình vóc văn nhân ấy cao bao nhiêu thước, nặng mấy “pao”, màu da hồng hào hay nhợt nhạt v.v... Người đọc truyện căn cứ vào câu văn và vào hình ảnh những văn nhân trai trẻ cụ thể mình đã từng biết qua, đã trông thấy, nghe thấy, vào mớ kinh nghiệm tích lũy trong đời mình để tưởng tượng nên một chàng Kim Trọng thích hợp với nàng trưởng nữ nhà họ Vương. Cái đóng góp của người đọc sách là hình tượng hoá các ý niệm nêu ra bằng ký hiệu trên trang sách.

Phần đóng góp của kẻ xem ti-vi là việc làm ngược lại. Trên màn ảnh xuất hiện một chàng thanh niên mặc chiếc áo màu xanh non, cưỡi con ngựa trắng, người buông lỏng cương, ngựa đi thong thả, theo sau có vài đứa tiểu đồng... Trên màn ảnh, thanh niên ấy vóc vạc cao thấp gầy béo ra sao, mặt mũi tóc tai xấu đẹp thế nào, màu da đậm nhạt ra sao, mọi cái rõ ràng cả; nhưng không có ghi chú hướng dẫn nào để kẻ xem ti-vi biết được đó là một văn nhân hào hoa, đa tình, tư cách đường hoàng chung thủy. Trong khi ấy người đọc sách được mách bảo tường tận:
“Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.”

Kẻ xem ti-vi thiếu hướng dẫn có thể không nhận ra như thế, mà lại thấy văn nhân nọ trông không có gì khác với Mã Giám Sinh, hay hơn nữa, với Sở Khanh chẳng hạn, thì kẻ xem hại nhà đạo diễn nặng rồi. Cái đóng góp của khán giả ti-vi là từ hình tượng âm thanh, từ cái cụ thể trước mắt phải tiến tới một ý niệm, một cảm tưởng thích hợp nào đó.

Xem gì thấy nấy, nghe sao hay vậy, không tiến tới thối lui gì ráo, là chết cả phim. Thấy nhân vật láu lỉnh mà không nhận ra sự láu lỉnh, thấy phong cảnh u tịch mà không nhận ra vẻ u tịch, thấy cái gì cũng xêm xêm cả: như thế là không đóng góp. Đối với hạng khán giả như vậy, người làm phim lạy cả tơi cả nón mà chào thua thôi, không cách nào gây được sự xúc cảm.

Nói chung, các bộ môn nghệ thuật sử dụng hình ảnh hay âm thanh đều cần sự hợp tác kiểu ấy ở giới thưởng thức. Tác phẩm chỉ gợi ra, kẻ thưởng ngoạn phải nhận ra.

Hội họa truyền thống Trung Hoa không nhằm tả chân, không chủ ý diễn tả tỉ mỉ cho đúng thực tại, mà chỉ cốt gợi ý, chỉ phác qua đơn sơ, mở lối cho sự suy diễn của người xem. Có nhiều giai thoại ngộ nghĩnh về điểm này.

Một chuyện kể trong một cuộc tranh tài hồi đời nhà Tống, các họa sĩ thi nhau minh họa câu thơ: “Đạp hoa qui khứ mã đề hương” (Giẫm lên hoa mà về, móng chân ngựa còn thơm mùi hoa). Bức tranh đoạt giải nhất là bức vẽ một con ngựa bước đi, có đàn bướm bay theo chung quanh các móng chân.

Lại một chuyện khác nói về bức họa diễn tả ý thơ: “Dã độ vô nhân chu tự hoành” (Ở chỗ bến đò giữa đồng vắng vẻ, có chiếc đò bị nước chảy xoay ngang). Bức họa ấy vẽ ở nơi mũi đò có mấy con chim, con này đậu con nọ đang sà cánh xuống. Thấy hình chim đến đậu tự do, nên nhận ra cái ý vô nhân, tịch liêu hoang vắng. Thấy hình bướm xúm xít lao xao, nên nhận ra cái ý hoa thơm.

Một đàng đi từ hình đến ý, một đàng đi từ ý đến hình.

N.X.H.: Ông bảo rằng ti-vi và tranh ảnh trình bày hình tượng cụ thể để người xem tự nhận ra cái ý bao hàm trong đó. Tôi nghĩ văn chương cũng đề cao phương pháp ấy thôi. Nhất Linh từng nói không nên viết: “cử chỉ ông X thật là điềm đạm” hoặc “cậu Y táy máy luôn tay”; mà phải tả những cử chỉ để cho người đọc tự nhận thấy ông X điềm đạm hay cậu Y táy máy.

Như vậy, đâu khác gì vẽ bướm cho người ta thấy hương, vẽ chim cho người ta thấy cái “vô nhân”?

V.P.: Có thế. Có sự kiện bên này vói sang bên kia. Bên ti-vi, kịch tuồng, hội họa, chỉ trình bày được cái cụ thể, thì lo rằng kẻ thưởng ngoạn không vươn tới ý niệm đúng, nên cố tìm cách gợi ý niệm. Bên tiểu thuyết chỉ có chữ nghĩa, ký hiệu, lại lo rằng kẻ thưởng ngoạn không hình dung ra sự vật cụ thể, nên cố tìm ra cách diễn đạt cụ thể nhất. Có người cẩn thận đã đếm thử, thấy ông cụ Tolstoi từng trình bày nét mặt Anna Karénine với trăm diễn biến khác nhau. Nhưng rốt cuộc đâu là khuôn mặt thực sự cụ thể của Anna? Nàng Anna trong trí tôi khác Anna trong trí ông, càng khác với vẻ mặt Anna trong trí Tolstoi chứ.

Vả lại, nói chi xa xôi: Hãy nói ngay trường hợp ông Nhất Linh. Ông tả bà Ký Ân ngồi nói chuyện với cô Mùi: “Bà Ký chăm chú nghe.” Chữ “chăm chú” là một nhận định, không phải là một mô tả. Vẻ chăm chú của bà Ký Ân, ông Nhất Linh tinh ý nhận thấy; nhưng đưa lên màn ảnh, một khán giả hời hợt vô tình có thể không nhận thấy. Thế là mất một chỗ lý thú của câu chuyện. (Bởi chính cái chăm chú ấy là bí mật nghề nghiệp của bà Chủ Nhật Trình: gặp ai nói tin gì mới, bà chăm chú nghe, ghi nhận, để sau đó chạy đi chỗ khác loan báo.)
Lại ở một đoạn khác, nói về chuyện anh Nhỡ nằm ngủ trên ổ rơm nhà cô Mùi. “Suốt một đêm kéo lưới, chân tay mỏi mệt của chàng được đặt trên ổ rơm, chàng thấy êm ái lạ thường. Một lát sau chàng ngủ đi lúc nào không biết.” Chàng “thấy êm ái lạ thường” là một nhận định, “ngủ đi lúc nào không biết” cũng lại là một nhận định. Mô tả cụ thể cách nào cho người ta trông thấy được những cái ấy? Cho nên Nhất Linh nói là nói thế thôi. Ai mà làm được? Mỗi bộ môn nghệ thuật có những hạn chế của nó chứ ông.

N.X.H.: Tiểu thuyết gia ao ước cái cụ thể mà không đạt được cái cụ thể. Trong khi ấy trên ti-vi lồ lộ toàn hình tượng cụ thể...

V.P.: Cái cụ thể hỗn độn không qui hướng thì không nói lên được gì, không gây được cảm xúc, không thành tác phẩm nghệ thuật. Cho nên người làm phim, soạn tuồng, có nỗi khổ tâm của họ. Và do đó ngoài đời người say cố gắng đi đứng ngay ngắn cho giống người tỉnh, thì trên sân khấu, trên màn ảnh, người say ít cố xiêng xẹo ngả nghiêng thêm nhiều; do đó ngoài đời kẻ buồn thở ra nhẹ nhàng thì trên màn ảnh lại ra sức thở dài thườn thượt. Cái vui cái buồn đều quá lố, cái gian giảo, say sưa, lém lỉnh v.v... mọi sự đều được phóng đại, cho dễ nhận thấy. Bộ môn càng hướng về quần chúng đông đảo thì chủ tâm phóng đại, nhấn mạnh v.v... càng lộ liễu. Rốt cuộc, trông rẻ tiền.

N.X.H.: Cái cao cái thấp, cái đắt cái rẻ, lúc này không thành vấn đề. Đôi bên khác nhau, đường ai nấy đi. Bộ môn nào trau dồi kỹ thuật thích hợp cho bộ môn ấy. Vấn đề của chúng ta là: liệu cái mới có thay đổi quan niệm sáng tác văn nghệ không?

V.P.: Ông lại trở về cương vị chủ tọa, lại lo chúng ta vui miệng đi xa, lạc đề!

Xin yên trí. Chúng ta vẫn bám đề sát sạt. Ti-vi phải thay đổi tiểu thuyết ông ạ. Hàng ngày nó thu hút một số lượng quần chúng lớn lao, hướng họ về một cách thức thưởng ngoạn trái ngược với cách thưởng ngoạn văn chương, tập dượt cho họ phát triển một khả năng trái hẳn với khả năng cần thiết để thưởng thức văn chương. Ý tôi muốn nói thứ văn chương theo quan niệm sáng tác của chúng ta hiện nay. Như vậy, một là văn phẩm sẽ bị bỏ rơi gấp; hai là muốn sống còn, văn phẩm phải chuyển hướng cho thích hợp với quần chúng thưởng ngoạn. Làm sao khác được? Ngày này sang ngày nọ, tháng này tiếp tháng kia, liên tu bất tận người khán giả ti-vi luôn luôn phải vận dụng khả năng chuyển hình sang ý; riết rồi khả năng ấy được trau dồi tinh vi, thành thói quen trong tâm lý khán giả. Thỉnh thoảng trở lại với cuốn sách, đụng đầu với các ký hiệu, phải vận dụng trí tưởng tượng dữ dội, họ không thấy thích thú, thoải mái. Dần dần, họ lười nhác, hời hợt. Họ thành những độc giả tồi!

Thử nghĩ: tiểu thuyết của Marcel Proust, của Claude Simon, giá tình cờ có đôi cuốn bỗng nhiên xuất hiện vào thời trung cổ, thì ai đọc? Không phải vì người xưa... tối dạ. Nhưng chính vì những tác phẩm “thần đồng” nọ chúng ra đời quá sớm, bất phùng thời. Bấy giờ độc giả chưa kịp trau dồi những khả năng tiếp nhận thích hợp với loại tiểu thuyết ấy. Phải chờ mấy trăm năm lặng lẽ miệt mài với những trang chữ dày kìn kịt, người ta mới sẵn sàng thưởng thức chúng.

Bây giờ, này! đừng quên là bây giờ không phải chỉ có tâm lý độc giả thay đổi, mà chính tâm lý các tác giả cũng thay đổi nữa. Thì các thi sĩ, văn sĩ, ai mà không xem ti-vi? Tự nhiên dần dà thói quen thưởng ngoạn của chính họ cũng thay đổi thôi.

Kẻ viết người đọc đều thay đổi, làm sao sáng tác phẩm vẫn như xưa được!

 6 – 1993



Hoa Mùa Thu - Gà mất mẹ thì lâu khôn



Hoa Mùa Thu

Thần thức tôi bay mông lung, đi tìm một điểm tựa. Trong lúc đang ngơ ngác, bất ngờ tôi thấy một xưởng nuôi gà, có một cái trứng sắp bể vỏ để một chú gà con chui ra chào đời. Một niệm dấy lên, nhanh như ánh chớp, tự nhiên chung quanh tôi tối đen như mực, tôi thấy tức ngực, ngột ngạt, nặng nề. Tôi vùng vẫy, cựa quậy dữ dội, miệng kêu thất thanh, nhưng âm thanh tôi phát ra là những tiếng kêu chíp chíp yếu ớt. Tôi đã trở thành một chú gà con, đang cố gắng chui ra khỏi vỏ. Do nghiệp lực nào dẫn dắt không biết mà thêm một kiếp nữa tôi vẫn là kiếp gà. Thần thức tôi trôi lăn không dứt, đọa đầy từ kiếp này sang kiếp khác, đễ chừng đã tới đã mấy trăm nạn kiếp trôi qua.


Như chú bé con vừa lọt lòng mẹ, bị vị bác sĩ đỡ đẻ cầm ngược hai chân, vỗ vào đít thật đau cho đứa bé bật tiếng khóc oa, chính thức chào đời. Tôi cũng vậy, tiếng kêu chíp chíp đã đem thần thức tôi từ nơi mông lung mù mịt, vào cõi đời chan hòa ánh sáng, dưới thân xác loài gà. Bây giờ đây tâm linh tôi còn sáng suốt, cái tâm linh mẫn cảm nối liền hai cuộc sống, còn bén nhậy trong tôi, nhưng tôi biết rồi đây thần thức tôi sẽ mê mờ đi, sinh hoạt ăn ngủ hành động như loài gà, thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn của loài gia cầm thấp kém, và cứ tiếp tục như thế mãi, biết đến bao giờ mới trở lại được kiếp người sáng suốt.

Tương tự bất cứ trẻ em của các loài khác, tôi ao ước nhiều thứ lắm, muốn được mẹ tôi ôm ấp, chiều chuộng, săn sóc, cho ăn. Nhưng sự thật quá phũ phàng, mới sinh ra đời đã mồ côi. Mẹ tôi đâu? Tôi nhìn quanh ngơ ngác. Chung quanh tôi không biết cơ man nào là gà, dễ đến cả chục ngàn con., tất cả cũng vừa chui ra khỏi vỏ trứng như tôi, tiếng kêu chíp chíp rộn ràng. Chẳng lẽ tôi có nhiều anh chị em đến thế sao? Trong đám đông lẫn lộn kia, đứa nào thật sự là anh em cùng một mẹ với tôi. Ước mơ độc nhất của tôi là được thấy mẹ tôi, được mẹ tôi dẫn đi kiếm ăn cùng các anh chị em trong gia đình, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc. Tôi không có cái diễm phúc đó vì người ta đã ngăn cách mẹ con tôi. Mẹ của tôi chắc bây giờ đang ở cái chuồng chật hẹp nào đó, chuồng này chồng chất trên chuồng kia, nhiều tầng tiếp nối nhau. Trong một diện tích chật hẹp chỉ vừa đủ chỗ cho mẹ tôi xoay trở, ánh đèn sáng suốt ngày đêm để mẹ tôi chỉ biết ăn và đẻ trứng. Trứng vừa lọt lòng, mẹ tôi mới nhóm người lên để nhìn vào công trình mang nặng đẻ đau của mình, thì trứng đã lăn theo sàn dốc ra ngoài. Hốt hoảng mẹ tôi cố dùng mỏ giữ lại nhưng không được, trứng tiếp tục lăn xuống máng và được máng mang đi biệt tích. Trứng nào có mầm sống thì người ta cho vào máy ấp, trứng nào không, thì được phân loại đóng hộp bán cho người tiêu thụ. 

Được một hai năm, khi sức sản xuất trứng của mẹ tôi giảm sút, thân thể tiều tụy sơ sác, người ta làm thịt mẹ tôi để nấu nước súp hay chế biến thành thức ăn cho mèo chó. Tôi cảm thấy tức và đau khổ vô cùng tận, muốn có một quyền lực vĩ đại để cứu mẹ tôi khỏi kiếp sống khốn khổ, một máy đẻ và một cuộc đời tù ngục. Mẹ tôi đã có tội tình gì  mà họ hành hạ giam cầm như thế. Ở xứ tự do mà không được tự do, mọi người oang oang hô hào bảo vệ nhân quyền, thế mà mẹ tôi không được hưởng chút ‘’vật quyền’’ căn bản là sống cuộc đời bình thường thuận theo thiên nhiên của kiếp gà.

Đầu óc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ bực tức, thì một đám bạn bè lít nhít cùng lứa tuổi với tôi, cãi cọ ồn ào, xô đẩy nhau, giành chỗ đứng dưới ngọn đèn ấm áp. Chúng lấn lướt, băng ngang, băng dọc, đạp lên cả người tôi để đi qua lại, cắn mổ nhau chí choé. Họ nhốt chúng tôi trong một chuồng rộng mênh mông, nhưng vì số gà quá nhiều nên chúng tôi chỉ có được một diện tích nhỏ hẹp để di chuyển quanh quẩn tới máng thức ăn, nước uống cũng như tới ngọn đèn sưởi ấm. Bây giờ chúng tôi còn nhỏ, thành thử chuồng tương đối còn rộng rãi, nhưng càng ngày chúng tôi càng lớn, chúng tôi phải sống chen vai thích cánh, chật chội vô cùng.

Căng thẳng và buồn chán quá, chúng tôi sẽ trở nên nóng nẩy, quạu cọ, hơi xích mích, mất lòng nhau một chút, thay vì thương yêu nhường nhịn, hoặc nhờ bố mẹ phân xử, thì chúng tôi trở nên hung tợn, chẳng còn biết tình anh em đồng loại là gì. cắn mổ nhau tới chết mới thôi. Tôi rất buồn cho số phận. Bạn bè bên cạnh kể cho tôi nghe họ nuôi chúng tôi chừng vài tháng, đủ lông, đủ cánh, có da, có thịt, họ sẽ đem xử tử. Cuộc đời ngắn ngủi như thế, mình không hưởng cũng uổng. Đạo đức lắm thì chết  cũng ra ma.

Tôi hỏi ‘’Chúng mình có tội lỗi gì đâu, mà đem xử tử.’’ Các bạn tôi nhao nhao trả lời ‘’Ai biết đâu. Kiếp gà của chúng mình là vậy. ‘’ Tôi giải thích: “Chúng mình sanh ra không đúng chỗ. Tội lỗi từ tiền kiếp của mình có lẽ quá nặng, mới xui khiến ra nhu vậy. Nếu ít tội lỗi hơn, thì tuy cũng sinh kiếp gà, nhưng được sinh ra tại các nông trại nhà quê. Họ để chúng ta tự do chạy nhẩy rong chơi, theo mẹ chúng ta đi kiếm ăn. Bới đất nhặt cỏ, đói thì ăn, mệt thì nằm ngủ, không ai hành hạ chúng mình cả. Khi lớn lên không may cũng có con bị làm thịt cho người ăn, cũng có con may mắn, đẻ trứng, nuôi con, gây dựng gia đình, sống đời hạnh phúc tới già.’’

Các bạn tôi còn kể, ở Mỹ có nhiều dụng cụ ghê gớm lắm, khi chúng tôi đến tuổi choai choai, cân nặng vừa đúng mức để làm thịt, họ đẩy mình hàng loạt vào máy làm thịt, cắt tiết vặt lông mổ bụng, moi gan với vận tốc cả trăm con một phút, rồi rửa sạch, chuyển sang máy khác để cắt xén, gói ghém, khi xong, mang ra siêu thị. Ôi chu cha, tôi nghe nói mà sởn lông gáy, tưởng tượng tới một ngày nào đó, số kiếp tôi cũng thảm thê như vậy, lìa bỏ cõi đời trong tuổi thanh xuân, còn yêu đời phới phới. Nghe xong tôi sợ và khóc thầm, cầu Trời Phật run rủi cho kiếp sau đừng bị đầy đọa làm thân gà ở xứ Mỹ mà làm chó mèo được người tưng tiu chiều chuộng cho sướng tấm thân. Đang chuyện trò cùng bạn bè thì ào ào một toán nhân công kéo vào, bê từng khay gà mới nở là bọn chúng tôi ra ngoài. Nơi đây chúng tôi còn đang hãi hùng co rúm, túm tụm vào nhau thì nhanh như máy, một người tướng mạo hung dữ, đen thui, ngồi trên ghế cao, tay thoăn thoắn dùng một thanh gỗ mỏng, phân loại chúng tôi thành hai nhóm, một nhóm trai và một nhóm gái. Đám gà con gái thì bị đẩy dạt sang một bên, lùa sang khay khác. Đám gà con trai thì bị gạt xuống khe, rơi vào chiếc túi nylong phía dưới. Tôi thò đầu ra thành khay nhìn xuống, thấy đám bạn bè con trai xấu số chen chúc nhau trong túi, ngộp thở la thất thanh cầu cứu, chẳng bao lâu tiếng kêu nhỏ dần  rồi tắt ngấm vì tất cả đã chết. Thì ra đây là trại nuôi gà đẻ chứ không phải trại nuôi gà thịt, đám con trai coi như vô dụng  nên bị tước đoạt mạng sống một cách dã man. May mắn thay, tôi là gái nên sống sót, nhưng tương lai cũng chẳng sáng sủa gì, tôi sẽ trở thành cái máy đẻ sau này. Chưa hết cơn kinh hoàng, lũ chúng tôi bị đám người trai trẻ túm lấy từng con một đưa qua máy đốt mỏ. Chỉ nghe cái xèo, thanh dao điện nóng bỏng đã đốt cháy chất sừng nơi mỏ chúng tôi, chỉ còn một nửa, để sau này chúng tôi vẫn ăn được thức ăn mềm chế tạo sẵn, nhưng không thể cắn mổ nhau được nữa. Tôi đau thấu trời xanh, tá hỏa tam tinh, thấy cả ngàn sao trước mắt, mũi ngửi thấy mùi sừng bị đốt, khét mù. Ngón chân cũng bị cắt trụi đau điếng. Rồi qua khu chích ngừa. Một người mặc áo blouse tráng xiên chiếc kim to tướng chích cho chúng tôi, người khác còn bóp mỏ chúng tôi rỏ vào họng một giọt thuốc cay xè. Trên đường về chuồng, lũ gà sống sót chúng tôi vừa đau vừa hoảng, lông lá sơ sác, nằm la liệt.

Tôi vừa tỉnh thức sau một cơn mê, run sợ và hồi hộp. Toàn thân uể oải nóng sốt bừng bừng vì cái đau nơi mỏ, nơi chân, lại bị phản ứng vì thuốc ngừa. Nghĩ buồn cho thân phận mình. Một chút tĩnh tâm, tôi hồi tưởng lại từ một kiếp  trước, tôi cũng là một con gà con được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả tại làng quê Việt Nam. Tôi được cô chủ nhỏ cưng chiều nhất trong đám mười mấy anh chị em chúng tôi. Cô bế tôi trên tay, nâng niu vuốt ve, lại nói chuyện cùng tôi, dành riêng cho tôi những thức ăn ngon nhất. Nhưng vì chiến cuộc cô phải theo cha mẹ sang Mỹ, để lại mẹ con tôi với ông bà của cô. Khi vắng cô tôi rất nhớ, cảm thấy cô đơn.  Mỗi lần nghe ông bà của cô tụng kinh cầu cho gia đình cô được an lành, tiếng chuông mõ vang ra ngoài vườn là tôi lén mẹ và anh chị tôi, chạy vào trong nhà để nghe, vì lẫn trong lời kinh là tên cô tôi, khiến lòng tôi ấm áp sung sướng chen lẫn bồi hồi cảm động. Tôi cũng khấn nguyện cho kiếp sau được tái sinh trên đất Mỹ để gặp lại cô tôi. Tôi tưởng tượng đất Mỹ cũng giống như làng tôi, chắc là dễ tìm ra cô tôi. Tôi tiếp tục sống trọn kiếp gà, lớn lên ấp trứng sanh con, rồi một ngày kia, già cỗi, tôi qua đời bình yên nơi bụi chuối thân quen trong vườn. Thần thức tôi nhớ lời nguyện xưa, bay bổng lên không trung đi tìm cô tôi. Nào ngờ đâu, đường bay xa xôi diệu vợi, bão tố, tuyết lạnh, thành phố, xứ sở mênh mông, người đông như kiến cỏ, biết đâu mà tìm. Nhưng rồi tôi cũng tìm ra cô, chắc nhờ nghiệp duyên linh cảm hướng dẫn. Nhưng bây giờ cô tôi nghèo quá, lại ở tận cao ốc 10 tầng, nhà cửa chật chội, không thấy có ổ gà nào đang ấp trứng làm tôi thất vọng vô cùng. Bay vơ vẩn trong cõi mịt mù, như con chim lạc loài trong giông bão, cố tìm một điểm nương thân, thì thấy một trại gà nơi ngoại ô. Chịu sự cuốn hút vô hình của nghiệp lực, thần thức tôi sa xuống. Tôi cứ nghĩ vô xưởng này mình sẽ được sướng vì không phải đi kiếm ăn. Họ nuôi mình khoẻ re, chỉ ăn rồi ngủ không phải lo lắng vất vả một sương hai nắng như ở Việt Nam, tạm chờ khi chuyển sang kiếp khác sẽ đi tìm cô chủ tôi một lần nữa. Ai ngờ những điều tôi mơ ước đều trái ngược hẳn. Tuy được ăn no, sưởi ấm, nhưng tôi là con gà mồ côi, biết bao giờ tôi khôn ngoan được đây để thoát ra khỏi kiếp gà. ‘’Gà lạc mẹ thì lâu khôn’’ mà. Hiện nay tôi sống kiếp tù đầy, chung thân khổ sai chờ ngày lên đoạn đầu đài.

Cái đau âm ỷ nơi mỏ làm đầu óc tôi như mê đi. Tôi im lặng một hồi lâu, Các bạn tôi nhao nhao đòi tôi kể tiếp. Tôi ráng tĩnh tâm, hồi nhớ lại tiền kiếp. Ở Việt Nam tôi được sinh trưởng trong một gia đình giầu có như đã nói. Ông bà có được hai người con trai. Ông con cả tu tại gia không lấy vợ. Ông ăn chay trường, mỗi buổi tối đều quỳ trước bàn thờ Phật miệt mài tụng niệm. Người con thứ lập gia đình, sinh được một người con gái đó là cô chủ của tôi đấy các bạn ạ. Cô tôi kể cho tôi nghe, khi mẹ tôi sinh được 15 trứng, cô xin với mẹ đừng bán để mẹ tôi ấp trứng nở thành gà con nuôi thêm cho vui.

Cô làm cho mẹ tôi một cái ổ bằng chiếc rổ cũ, lót rơm cho êm, trong đó đặt 15 trái trứng. Mẹ tôi dùng thân hình để ủ nóng chúng tôi. Bà nằm ấp liên miên cả ngày, chỉ  nghỉ chốc lát để đi uống nước. Sau 21 ngày vất vả với lũ chúng tôi, mẹ tôi gầy sơ sác vì bà không ăn được nhiều. Lông bà sù to để giữ nhiều hơi ấm, rất cần thiết cho sự nẩy nở của chúng tôi. Mỗi ngày bà dùng mỏ trở lộn đám trứng ba lần để chúng tôi khỏi bị sát vỏ. Cô chủ cũng ra thăm ổ trứng đều đều ra chừng sốt ruột lắm. Gần đến ngày trứng nở, cô lấy chậu nước đầy, lần lượt bỏ từng quả vào, hễ trứng nào nổi lên mặt nước là trứng đang tượng hình tốt và sắp đến ngày nở. 

Một ngày kia anh chị em tôi lần lượt phá vỏ chui ra chào đời. Sung sướng lắm các bạn ạ. Tôi còn nhớ là tôi là đứa nở sau cùng. Khi tôi dùng mỏ cứng khẩy vỏ, quằn quại thân mình cố trườn ra, mở mắt nhìn ánh sáng rực rỡ, chói lòa. Mẹ tôi và các anh chị tôi đã có mặt  đầy đủ, vỏ trứng nằm ngổn ngang trong ổ rơm. Cô chủ cũng có mặt. Cô reo lên mừng rỡ vì cô bảo tôi có bộ lòng vàng óng mịn như tơ, đầu tôi có một vòng lông mầu cam, như chiếc vương miện. Tôi lại có cả cái mào nhỏ tí xíu mầu hồng. Tôi là út nhưng lại đẹp hơn tất cả anh chị tôi. Cả nhà đều sốt ruột, xúm xít quanh tôi, chờ tôi cứng cáp, khô lông, khô cánh đi lại vững vàng  là mẹ tôi rời tổ, dẫn đàn con ra sân. Bác Ngan, bác Ngỗng, cô Dê, chú Lợn, chị Vịt cùng họ hàng nhà Gà xúm lại chào đón mẹ con chúng tôi. Dĩ nhiên ai cũng trầm trồ nói tôi đẹp hơn cả. Tôi hãnh diện lắm, nhưng còn thẹn. Còn mẹ tôi, ôi thôi khỏi nói, bà sung sướng như đi trên mây, tuy nhiên bà không quên lấy cánh che bớt tôi lại, sợ người ta quở quang nhiều quá, đâm xui.  Bà úm chúng tôi dưới cánh cho bớt lạnh. Sợ còn quá yếu ơt để theo mẹ tôi đi đó đây, lại chưa đủ khôn ngoan để tránh nguy hiểm, cạm bẫy của kẻ ác làm hại, được một lúc, cô chủ lấy chiếc nơm, úp mẹ tôi lại. Nơm đan bằng tre, có những khe nhỏ khiến bọn tôi có thể chạy ra chạy vào dễ dàng, nũng nịu cùng mẹ tôi. Bọn tôi chỉ quanh quẩn bên chiếc nơm, hễ mẹ gọi là chạy ùa về núp dưới cánh bà, chờ khi hết nguy hiểm mới chui ra. Cô chủ rắc gạo thóc hoặc ngô để mẹ tôi ăn cho lại sức sau những ngày vất vả ấp trứng. Thức ăn của bọn tôi thì cô chủ xay nhỏ hơn để chúng tôi có thể ăn được. Cô chủ lấy hai tay ôm tôi nhè nhẹ, vuốt ve tôi, cọ nhẹ má cô vào lớp lông  vàng tơ của tôi mà cô thích lắm. Tôi cũng mến cô chủ. Mỗi lần được nâng niu như thế, tôi lại tò mò ngắm hình bóng tôi phản chiếu trong cặp mắt mơ màng của cô. Được đâu một tuần, bọn tôi đã khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cô chủ mở nơm thả mẹ tôi ra để bà dẫn chúng tôi đi kiếm ăn trong vườn.

Mỗi lần cô chủ cho ăn, cô gọi “túc túc túc túc, chích chích chích chích.” Dù mẹ con tôi ở đâu cũng chạy vội về. Tôi luôn luôn đến gần để cô bắt lên cưng chiều và nói chuyện cho tôi nghe. Cô bảo mẹ: “Mẹ ơi, con thích con gà này quá, mẹ cho con nuôi đừng giết thịt nó nghe.” Mẹ cô cưng cô con gái, mắng yêu: “Gớm lớn rồi mà còn nũng nịu. Ừ đấy, mẹ để dành nó cho con nuôi, nhưng phải chăm học cho giỏi nghe không.” Cô mừng, cười rạng rỡ, và tôi cũng sung sướng hết sức, vì sẽ không bị làm thịt. Khi cho chúng tôi ăn, bao giờ cô cũng chọn những hột ngon, ném về phía tôi để tôi nhặt. Đôi lúc đám anh chị em chúng tôi tranh ăn đánh đá nhau (ăn tham đấy các bạn ạ) cô nổi tức la lên, đôi khi còn rượt đánh. Lúc này sao cô dữ quá, như bà chằng lửa, mồm miệng chu chéo chân tay múa may. Cô rượt một đứa, nhưng anh em chúng tôi cũng sợ lây, bỏ chạy toán loạn, thức ăn bỏ lại bừa bãi. Lợi dụng dịp may, đám chim sẻ đói ăn sà xuống lượm sạch. Mỗi lần như thế đám chim sẻ mừng lắm. Chắc chúng nó cũng cám ơn chúng tôi lắm đấy.

Các bạn ạ, các bạn ở đây không được diễm phúc theo mẹ đi kiếm ăn. Mẹ kiếm được món gì ngon, mẹ kêu các con lại nhường cho ăn. Khi bắt được con giun, con dế là mẹ kêu cục cục, anh em chúng tôi vươn vai sải cánh, chạy như bay về để giành ăn trước. Các anh chị tôi thích ăn giun, dế nên đua nhau giành giựt, mỗi người cắn một đầu con giun, kéo mạnh, chẳng ai nhường ai. Kéo quá mạnh nên con giun đứt phựt làm hai khúc, khiến hai anh tôi mất đà ngả bổ chửng, quay lơ, nhưng vẫn không quên nuốt vội miếng mồi ngon. Riêng tôi gớm lắm, thích ăn ngũ cốc hơn. Buổi trưa, sau khi kiếm ăn no nê, mẹ tôi tìm chỗ bóng mát, dẫn cả gia đình đến đó nằm nghỉ. Khi còn bé tôi hay leo lên lưng mẹ nằm khi mùa hè. Mùa đông lạnh giá,  chúng tôi chui rúc dưới bụng mẹ. Bà dang hai cánh phủ hết chúng tôi vào cho ấm. Bọn tôi cười đùa rúc rích xô đẩy nhau, nhiều đứa bị đùn ra ngoài lạnh kêu chí chóe,  cố lấn vào. Mẹ tôi thật nhân từ, thương con rất mực, không la mắng lấy một lời. Nhưng không phải bà hiền đâu. Một hôm, chúng tôi đang quanh quẩn kiếm ăn, thì từ trên cao một bóng đen lao xuống, tiếng kêu rít lên như xé gió. Mẹ tôi la thất thanh, báo động. Linh cảm được tai biến nguy hiểm, theo bản năng sinh tồn, chúng tôi hốt hoảng chạy tán loạn vào bụi rậm ẩn núp. Mẹ tôi tức khắc xông đến con diều hâu ác điểu đang đứng trên mặt đất, mắt sáng quắc như tóe lửa, ngó dáo dác tìm bọn tôi, để xé xác ăn thịt. Mẹ tôi xù lông, dang cánh, xông tới đập mạnh con ác điểu. Thật nguy hiểm vì với mỏ sắc, móng nhọn, nó chỉ mổ vài cái là mẹ tôi lâm nguy, vì sức đàn bà yếu đuối lại thêm không có mỏ sắc, móng nhọn như nó.  Nhưng mẹ tôi tới tấp xông tới. Con ác điểu hốt hoảng, nhẩy lùi ra sau để né. Ai ngờ chân nó không dùng để đi trên mặt đất được vì có móng cong, nên loạng choạng mất đà, té xuống. Mẹ tôi thừa thế nhẩy tới đập cánh vào mặt nó túi bụi. Con ác điểu hoảng sợ trước sức tấn công như vũ bão, lấy đà bay vụt lên cao. Mẹ tôi còn đang hăng máu, muốn nhẩy theo để quyết  tử chiến với kẻ thù, nhưng bà chợt nhớ đàn con đang hãi sợ ẩn nấp đâu đây, nên bà thu cánh, lên tiếng gọi bọn tôi. Bọn tôi chưa hết kinh hoàng, từ từ tiến ra, mắt ngó dáo dác lên cao, tìm bóng con ác điểu. Nhưng nó đã bay mất dạng. Mẹ tôi lại trở lại chức năng của người mẹ dịu hiền. Bà nằm ôm lấy chúng tôi, thở hào hển. Một lúc sau chừng đã hoàn hồn và hết mệt, mẹ tôi lại dắt chúng tôi đi kiếm ăn, như không có chuyện gì xẩy ra.

Tôi kể đến đây, các bạn xung quanh tôi ùn ùn nói ra những lời thèm khát, tại sao họ không được hưởng cuộc đời sung sướng như vậy. Tội lỗi gì mà họ phải đọa đầy nơi đây, ăn cho béo để cung cấp thịt cho loài người làm thức ăn. Mất cả quyền sống một cuộc đời bình thường hạnh phúc.

Chờ cho những lời than thở ồn ào của chúng bạn dịu xuống, tôi kể tiếp: các bạn ạ, các bạn có biết kiếp luân hồi không? Khi mình chết đi đâu phải là hết. Mình còn hóa nhiều kiếp đến khi nào tội lỗi mình làm đã trả sạch, mình mới được hóa sinh vào cảnh giới khác tốt đẹp hơn. Cảnh người, cảnh trời chẳng hạn, sung sướng hơn. Các bạn tôi nhao nhao hỏi: “Thế cảnh người ra sao? Cảnh trời ra sao? Làm người sướng hơn làm gà sao? Sao mình chỉ thấy lũ người ở đây  hung ác quá, hành tội mình, bắt giết mình không à? Rồi chết họ về đâu? Chắc phải làm gà như mình để đền tội quá. Mình là gà, ngày đêm chỉ đứng im trong lồng thì tội gì nhỉ? Làm sao mình hết tội lỗi được.’’ Tôi trả lời: “Một lời nói gian cũng có tội. Không biết nhường nhịn, cắn mổ, gây gổ nhau như các bạn cũng có tội. Mình nghe nói ở xưởng này, vì bị nhốt chật chội, nhiều bạn cắn mổ nhau đến chết phải không?”

-Đúng vậy, nhưng vì các bạn đây buồn phiền, bực tức quá độ mà nên chứ đâu phải mình muốn như vậy đâu?

-Không phải thế. Sát sanh là có tội, không thể bào chữa được. Tại các bạn không kềm chế được thân tâm của mình. Chẳng qua vì nghiệp báo tiền kiếp mà chúng ta kiếp này phải trả nợ, sống đời khốn khổ mà thôi. Người ta giam giữ chúng mình như tù tội, nhưng không vì thế ta gây nên nghiệp mới, rồi biết kiếp nào trả cho hết.

-Sao bạn lý thuyết như bà cụ non vậy. Kiếp trước bạn có tội gì mà nay cũng vào đây?

- Chắc là có các bạn ạ. Tôi còn nhớ tôi lén qua nhà hàng xóm, ham nhẩy lên bắt con bướm, làm gẫy cành hoa, tôi ăn cắp luôn cành hoa đem về khoe với anh chị em tôi. Mẹ tôi biết được la quá xá, bắt tôi đem cành hoa trả lại và bắt tôi hứa phải làm điều tốt để chuộc tội. Nhưng tôi đâu có chừa, nhiều bữa tôi sang nhà hàng xóm, nhập bầy kiếm ăn, nhưng tôi ỷ lớn, giành hết  của chúng còn đá mổ chúng túi bụi. Mẹ tôi đánh mắng nhiều lần, cho nhiều trận đòn nên thân, còn dọa nếu tôi tiếp tục hoang đàng như thế, trốn sang nhà hàng xóm, người ta sẽ bắt cóc tôi làm thịt ăn nữa kìa. Tôi tởn luôn, không dám hư hỏng nữa vì sợ bi giết. 

Ghê sợ lắm các bạn ơi, tôi đã thấy ngưới ta giết gà rồi. Hôm đó nhà cô chủ có giỗ, bố mẹ cô chủ định bắt tôi mang làm thịt. Cô chủ khóc, không chịu vì cô thương tôi hơn cả. Cô mếu máo: “Mẹ đã hứa với con rồi mà, con gà này để con nuôi, sao bây giờ lại định làm thịt.” Tôi quên chưa kể cho các bạn nghe là lúc mới nở ra tôi có 15 anh chị và tôi, lớn lên chỉ còn 12, một bị bệnh chết, một bị chồn cáo bắt đi, một đi lạc đâu không biết. Số còn lại bị bố mẹ cô chủ đem ra chợ bán dần, cuối cùng chỉ còn bốn chị em chúng tôi vì mầu sắc tươi đẹp và đẻ trứng nhiều nên bà chủ giữ lại nuôi. Cuối cùng mẹ cô chủ chọn người chị thứ 10 của tôi. Chị tôi linh cảm có gì chẳng lành, la bai bải chạy trốn nháo nhào trong chuồng, làm bọn tôi cũng sợ hãi run rẩy. Khi được thả khỏi chuồng tôi lẻn đi theo coi xem số phận của chị tôi ra sao. Người ta cắt tiết, vặt lông làm thịt chị tôi. Khi bị cắt cổ, có lẽ chị tôi không đau đớn vì tôi thấy chị tôi mở mắt thao láo, máu trong cổ phụt ra cho đến hết, chị tôi mới nghẻo đầu nhắm mắt. Tôi cũng mừng cho chị tôi ra đi nhẹ nhàng, không khổ sở. Tôi nghe mẹ cô chủ đọc cho chị tôi bài kinh siêu thoát “Sống cắt  tai, mái cắt cổ, hóa kiếp cho mày, theo Phật Thích Ca, đừng làm kiếp gà, người ta cắt cổ.” Người ta luộc chị tôi chín vàng ươm rồi bầy lên bàn thờ, khói hương nghi ngút, lâm râm khấn vái. Hóa ra bố mẹ cô giết gà không phải vì thù ghét mà coi gà là vật quí dâng lên tổ tiên chứng giám lòng thành của con cháu.

Như thế kể ra, thân làm gà của mình cũng có ích lợi đôi chút, âu cũng là giảm bớt nghiệp báo của mình để hóa sinh kiếp khác sung sướng hơn.

Riêng phần tôi, gia đình cô chủ nuôi tôi đến già. Tôi sinh con cháu đầy đàn. Khi đã hết tuổi thọ, tôi già yếu hẳn ăn uống không ngon lành, đi đứng không vững, thân thể lạnh lẽo run rẩy. Một hôm tôi nằm ngủ ngoài vườn rồi thiếp đi, thần thức bay ra lúc nào không hay. Vì vướng mắc chút ước mong là gặp lại cô chủ nên nghiệp lực dẫn dắt tôi bay sang Mỹ quốc, tình cờ lại làm gà thêm một kiếp nữa. Nhưng than ôi, kiếp gà Mỹ khốn khổ vô cùng, các bạn ơi.



Khánh Hà - Vẫn CònÐ âu Ðó




Khánh Hà
Bước qua đời sống mỗi ngày
Chân trong như ở hồn ngoài cõi xa
Bao lâu thì đến quê nhà
Có ai đứng đó chờ ta cuối đường
Tấm lòng rũ sạch bụi vương
Mở ra xem lại, vết thương đã lành
Cõi chiều tưởng đã lạnh tanh
Vẫn còn ủ giấc mộng xanh đầu đời
Lang thang góc biển chân trời
Tấm tình cố cựu không rời không tan
Còn đây một chút muộn màng
Cời tro khơi lại chưa tàn lửa hương
Ta về tìm lại cuối đường
Vẫn còn đâu đó khu vườn mùa xuân.


Ngự Thuyết - Vô Xứ


Ngự Thuyết 

(Tiếp theo và hết)

Hơn ba mươi năm sau.

Hai người bạn ngày xưa thoát chết trong chuyến vuợt biển nay ngồi bên nhau, một mái tóc hoa râm, một mái đầu bạc, chuyện trò tâm đắc. Trước kia họ đã là bạn thân của nhau, sau cơn hoạn nạn ấy, tình bạn càng thêm thắm thiết. 


Ông Cảnh sống với người vợ già trong một khu chung cư gần một trung tâm cộng đồng Việt Nam tại nước Mỹ. Đứa con trai của ông, nay đã có gia đình riêng, đã vài lần mời bố mẹ già về sống chung nhưng ông từ chối. Có lẽ ông đã nhận ra rằng lối sống tại Mỹ là thế, cha mẹ già nên ở riêng để khỏi làm phiền con cháu. 

Ông Vĩnh, sau vài lần lấy vợ không có con cái, không có hạnh phúc, quyết định không  lập gia đình nữa. Ông đi làm việc và sống tại nhiều tiểu bang trên đất Mỹ, du lịch cũng nhiều, thỉnh thoảng về thăm Việt Nam. Bất cứ lúc nào có dịp đến Cali, ông đều tìm ông Cảnh, có khi chỉ trao đổi vài câu về sức khỏe rồi ông đi công chuyện riêng, có khi ở lại chơi cả tháng. Ông đã nghỉ hưu, sống tự do theo sở thích. Ngoài du lịch, ông cũng có cái thú đọc sách.   

“Anh Cảnh này, lâu nay anh có theo dõi thời cuộc bên nhà chứ?”

“Thì cũng đại khái,” ông Cảnh đáp. “Có gì mới mẻ đâu. Tôi nản quá. Cứ tưởng 5 năm là đã quá lắm rồi, thế mà lại nhân đôi lên 10 năm, rồi 20 năm, rồi sắp sửa 40 năm, tụi sâu dân mọt nước vẫn bám chặt quyền hành. Để làm gì cậu biết không? Để cuối cùng bán nước cho tụi Tàu.”

Ông Vĩnh ngồi lẳng lặng nghe, ông Cảnh càng nói càng hăng: 
“Ta sắp bị tiêu diệt. Bọn cầm quyền thì bán nước, mà dân chúng bây giờ đã quá mệt nhọc muốn buông xuôi tất cả. Một số ít, quá ít, đáng được gọi là những bậc anh hùng, liệt nữ, đang cố sức vùng vẫy dưới những gọng kềm của bọn cầm quyền. Đúng thế, bọn bán nước lẽ dĩ nhiên phải tìm đủ mọi cách trừ khử những người yêu nước. Nếu không, chúng sẽ bị lật đổ. Liệu số người yêu nước ít ỏi và can trường ấy chống chỏi được bao lâu?”

“Tôi nghĩ khác.”

“Cậu không còn trẻ, nhưng cũng chưa già như tôi, cứ thử nghĩ khác đi xem nào. Biết đâu giấc mơ của cậu biến thành sự thật. Mà mơ và thật thường không đi đôi với nhau. Còn tôi? Quá đát rồi, sống rày chết mai, thấy sao nói vậy.”

Ông Vĩnh tỏ vẻ khó chịu. Ông gắt:
“Tôi còn nhớ anh bảo hễ bên nhà có thay đổi, anh về ngay. Về ở luôn.”

“Vâng, tôi có nói như thế thật, nhưng đã lâu rồi. Có lẽ nói trong lúc cãi cọ sôi nổi với cậu tôi nói cho hơn hơi. Bây giờ thì khác, hết hy vọng. Sống ở đâu cũng được, chết ở đâu cũng xong, miễn là đừng chung đụng với bọn đó. Ở cái đất Mỹ tự do, sung túc này, cơm no rửng mỡ, ta phải nói cho hả hơi chứ, chẳng ai làm gì ta được. Mà con người vốn được voi đòi tiên, như đứa con nít được cưng chiều vòi hết quà này đến quà khác. Sướng quá hóa quàng. Nhưng nghĩ cho cùng, ở đây tôi vẫn đứng ngoài rìa thỉnh thoảng dòm vào xã hội Mỹ thấy hoang mang, lạ lẫm  dù vẫn mang tiếng là công dân Hoa Kỳ. Vậy tôi nay vẫn là người tỵ nạn như cách đây mấy mươi năm chứ chẳng khá hơn chút nào? Cũng có phần đúng đấy. Hay cái gọi là người tạm dung? Còn hy vọng gì đâu mà tạm với chẳng tạm. Mong ngày về quang phục quê hương? Ấy, ấy, xin chào thua. Tôi nói đầu gà đít vịt, xin lỗi, đầu Ngô mình Sở, lung tung, lôn xộn, nhưng cậu biết tôi nói gì chứ.”

Ông đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Bà đang xách cái bình tưới nhỏ lụm cụm tưới mấy cây ớt, mấy khóm rau thơm. Ông thở phào một tiếng, tiếp:
“Chỉ vợ tôi là khổ thôi.”

Nhìn bạn thẫn thờ, ông Vĩnh ngập ngừng:
“Sao anh lại nói thế. Tôi thấy chị vẫn bình thường đấy chứ, vẫn vui vẻ đấy chứ. Đâu phải lạng quạng như anh.”

“Đó là bề ngoài,” ông Cảnh buồn rầu đáp.

“Tôi nghĩ rằng chị còn người thân bên nhà, muốn về, mà anh nhất định không cho chị về, nên…”

“Ông Cảnh ngắt lời ngay:
“Ai bảo anh thế? Để tôi nói cho anh nghe, vợ tôi càng lớn tuổi càng đổi tính. Bà ta độ rày  buồn vẩn buồn vơ hoài. Tôi cũng đã nghĩ như cậu, cho nên một lần tôi lẩm nhẩm hát đi hát lại mấy câu của một bài hát cũ, dọ ý đó mà, ‘Buồn nhớ quê huơng/Lòng ta có bao giờ thắm tươi…’ Bà cười rồi phán một câu, ‘Anh lãng tai nặng, không nghe được giọng của mình, nên hát lộn tông này qua tông nọ mà cứ hát hoài. Nghe sốt ruột.’ Có lần trông thấy bà ngồi ủ rũ cả ngày, tôi bảo thẳng rằng nếu bà muốn về Việt Nam thì cứ về với mấy bà bạn đạo. Tôi ở đây một mình cả tháng cũng không sao. Bà lắc đầu.” 

“Nghĩa là chị cũng không tha thiết gì chuyện về Việt Nam. Chị có thích đi du lịch không? Đi Âu Châu, đi Tàu, đi Úc?”

“Cũng háo hức vài ba lần đầu tiên, rồi đâu vào đấy.”

“Nghĩa là sao?”

Ông Cảnh chau mày: 
“Nghĩa là bà bảo đi đâu cũng chừng ấy chuyện. Cũng chừng ấy nhà cao ngất trời và xa lộ dài thấy khiếp. Thêm tốn tiền. Vợ tôi khác tôi. Tôi chấp nhận số phận, không buồn cũng chả vui. Sống thế là đủ rồi. Còn bà … ” 
Sau một hồi ngẫm nghĩ, ông Cảnh tiết lộ:
“Có một điều khiến tôi suy nghĩ, tiện thể nói cho cậu biết xem có lời giải thích nào hay ho không. Gần đây, bà nhỏ to với tôi, ‘Anh chị Kha đúng là bạn tốt. Mình nên đi lại nhiều hơn nhé. Chiếc tàu nhỏ dễ thương quá.’”
“Kha? Tôi có quen không?”

“Không. Kha qua đây hồi 75, có tiền, có nhà cao cửa lớn, có chiếc tàu nhỏ đi chơi được ven biển. Ông bà Kha khá thân với chúng tôi, mời chúng tôi đi tàu chơi vài ba lần rồi. Nhà tôi từ đó thỉnh thoảng lại nhắc tôi đến anh chị Kha, để đi tàu.” 

*

Tôi khác.  Kỷ niệm thời thơ ấu sống mãi trong tôi. 
Hồi còn nhỏ, chưa xong tiểu học, lũ trẻ con chúng tôi mỗi khi đi ngang qua đồn Vệ Quốc Quân ở ngoại ô thành phố, là luôn luôn dừng lại nhìn anh bộ đội đứng gác cổng, quân phục màu gì nhỉ quên mất, chỉ nhớ là nó bạc thếch, nón ca-lô vải bèo nhèo, giày da cũ kỹ, đứng thẳng người với cây súng truờng dài dựng bên hông. Thấy chúng tôi nhìn, anh luôn luôn đáp lại bằng một nụ cười hiền. Tôi cảm thấy anh đẹp quá! Thương anh quá! Lính của mình mà. Trước kia lính Tây trắng, Tây đen mới có quyền đứng gác ở đấy. Nghe nói quân ta đã đánh đuổi được lũ Tây xâm lăng, dữ tợn đi chỗ khác. Người mình đã giành lại chỗ đứng của mình trên đất nước mình. Thật là vinh quang! Thật là oai hùng! Bên tai chúng tôi, ngày ngày văng vẳng những bài ca, không biết nhan đề, chỉ nhớ vài ba câu, tiếng được tiếng mất Đây là lúc quốc dân hùng tiến, hoặc Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, hoặc Đoàn Giải Phóng Quân một lần ra đi, hoặc Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều … Trước mắt chúng tôi, những người thuộc thế hệ đàn anh, sôi sục lòng yêu nước, đang học những lớp cao của ngôi truờng lớn nhất Miền Trung, tình nguyện xếp bút nghiên  ra đi trên những chuyến xe lửa chật ních, trên những chiếc xe tải cà tàng xộc xệch hướng vào Nam. Hết đợt này đến đợt khác tiếp nối nhau. Họ vào Nam đánh Tây đang manh tâm trở lui tìm cách lập lại chế độ gông xiềng cũ. Lũ con nít chúng tôi hận là mình không đủ tuổi để noi theo ‘Các Anh Đi’. Những khẩu hiệu Dựng nước, giữ nước, nước còn, còn tất cả hoặc Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến được ghi trên truyền đơn, hoặc được viết bằng những hàng chữ lớn trên các bức tường của công sở, của tư gia. Và bằng những dòng chữ khổng lồ trên những dãy thành dài rêu phong nối liền nhau bao quanh đại nội cổ kính đang bừng bừng tỉnh giấc.         

Trên đồi cao, trên trời cao, trong gió, trong mây vang lừng tiếng nhạc thúc quân, dưới dòng nước, dưới dòng suối, dưới dòng sông rần rật tiếng sóng giục giã lên đường. Chất men lạ lùng ấy không phải chỉ làm say lòng những bậc đàn anh, những bậc cha mẹ, mà cũng làm mê mẩn tâm hồn của bọn con nít ngây thơ.   

Thời gian say sưa ấy chỉ kéo dài được mấy năm. Chiến tranh bùng nổ, chết chóc, đói khổ, gian lao. Rồi tản cư, rồi hồi cư. Bọn trẻ con chúng tôi lại cắp sách đến trường trong thiếu thốn, nghèo khó, nhưng hình ảnh hào hùng của Cách Mạng Mùa Thu không phai. Tuy nhiên nỗi hoang mang đã bắt đầu nẩy mầm. Quốc Gia là cái gì? Cộng Sản là cái gì? Thế Giới Tự Do là cái gì? Thế Giới Ngục Tù là cái gì? 

Lớn lên, bắt đầu biết suy nghĩ, thì đã đến tuổi bị động viên. Như cánh bèo trôi theo dòng nước cuốn, vào quân truờng Thủ Đức như những bạn đồng lứa. Sau 10 tháng huấn luyện, lúc ra trường chọn binh chủng Hải Quân, nghĩ rằng vào binh chủng này sẽ không phải hành quân liên miên như trên bộ, như các binh chủng Bộ Binh, hoặc Thuỷ Quân Lục Chiến, hoặc Nhảy Dù chẳng hạn. Như vậy một phần nào đỡ phải lâm vào hoàn cảnh hoặc giết chết hoặc bị giết chết bởi người cùng giống nòi.   

Dần dần hiểu biết thêm về tình hình của đất nước trong bối cảnh chung của thế giới. Thì nhận ra được cái phi lý của cuộc chiến tranh tương tàn, khốc liệt, một cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc mà lại do những thế lực của ngoại bang nắm quyền quyết định. Nó làm tiêu hao quá nhiều tiềm lực của tổ quốc, nó gây hận thù liên miên chồng chất. Vậy mà, oái ăm thay, rất nhiều lúc vẫn còn phân vân tự hỏi phải chăng Bộ Đội Miền Bắc cùng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày nay có phải là kế tục xứng đáng của Kháng Chiến oai hùng ngày xưa? Những buổi bình minh của Kháng Chiến, chưa thấy rõ bản chất của người Cộng Sản? Cho đến khi Miền Bắc thắng trận cuối cùng, câu trả lời muộn màng nhưng đích xác đã hiện ra. Cuộc chiến dai dẳng hơn 20 năm sau khi đất nước chia đôi năm 1954 quả không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước mà Miền Bắc vẫn xác quyết, trái lại đó là một cuộc xâm lăng với sự giàn xếp và thỏa thuận của những nước lớn. 

Và điều tai hại là cách đối xử bất xứng của người thắng đối với kẻ thua. Tiếp theo là tệ nạn độc tài, tham nhũng làm cho đất nước điêu linh. Và cuối cùng kẻ chiến thắng lại đưa tổ quốc đến bờ vực của tiêu vong. Gần đây lại có tin đồn nhà cầm quyền đã lén lút chấp nhận Việt Nam trở thành một đặc khu hành chánh của Trung Quốc trong một tương lai không xa. Sao lại có chuyện lạ lùng đến thế! Mong rằng đó chỉ là tin đồn sai lạc. Nhưng rồi lại có tin làm mình bàng hoàng, hoảng hốt. Tin đồn ấy có cơ sở chăng? Cách đây không lâu, mấy em bé xinh xắn được cử đi cầm cờ Tàu vẫy chào lãnh tụ Tàu qua thăm. Cờ có một ngôi sao lớn với năm ngôi sao nhỏ thay vì bốn, tượng trưng cho bốn nước nhỏ đã bị lệ thuộc là Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Vậy ngôi thứ năm là Việt? Sau đó, trước những phản ứng gay gắt của dân chúng, có lời giải thích thiếu thuyết phục về phía chánh quyền rằng người làm cờ nhầm lẫn. Tin được chăng?

Việt Nam và Nhớ. 

Những xóm làng, những thành phố từng đến ở. Nơi nào cũng nhớ, lẫn lộn vào nhau, vương vấn lấy nhau. 

  Những quán ăn, những vỉa hè cà phê, những tiệm chạp phô, những cầu khỉ. Và những con đường, sân ga, bến phà, sân bay, bãi biển. Còn nữa, những con tàu khuya ru êm xập xình vào giấc ngủ, những chuyến xe đò Lục Tỉnh đua nhau chạy như điên, những xe traction màu đen từ Huế qua đèo Hải Vân mù khơi, những xe lô bảy chỗ ngồi phóng như bay lên Đà Lạt. Sông thì lục bình trôi từng hàng dài, đò ngang, đò dọc tấp nập, chợ nổi xúm xít. Núi đồi thì thông reo, thác đổ, và những sơn thôn mơ màng. Sáng sớm tiếng xe thổ mộ lọc cọc cùng với tiếng rao hàng quà bánh rộn rã; trưa trưa mưa rơi lộp độp trong vườn chuối, rào rạt trên mái tôn; chiều về sương khói phủ kín những túp lều tranh đang nổi lửa thổi cơm; đêm xuống len lỏi vào những phòng trà ca nhạc ấm cúng đèn màu. Mùa đông ướt át lũy tre nghiêng ngả, nước bạc ngập đồng trống, tiếng ệnh oạng vang xa và dội vào lồng ngực. Mùa hè ve kêu râm ran nhịp nhịp từng hồi từ sáng đến chiều để dành chạng vạng cho những con bọ đen, nhỏ bay nhiều trong gió đập vào mắt dụi mãi không được, nhờ cô hàng xóm hai ngón tay thon banh mắt ra thổi phù phù. Mùa thu tơ trời, và những ngày khai trường rập rờn kỷ niệm. Mùa xuân mưa bụi và những ngày Tết bồng bềnh trong khói hương và tiếng pháo.

Về thăm. Tìm kiếm. Mất mát nhiều, lẽ đương nhiên. Nhưng đáng buồn nhất, cái cảm giác lạc lõng càng ngày càng tăng. 

Một người bạn, trái lại, về Việt Nam khi nào cũng thấy vui, như tìm lại được “thiên đường đã đánh mất”, lời của hắn. Cho nên hễ có dịp là hắn về. Hắn về nhiều lần. Lỡ không về được, hắn bồn chồn đứng ngồi không yên. Khi nào nhớ quá, hắn thường hay hát bài Chiều phổ từ thơ của Hồ Dzếnh. Hắn nói Chiều thơ hay đã đành, nhạc chắp cánh cho bài thơ bay lên cao khiến mỗi lần hát lên hay được nghe ai hát bài đó, hắn cảm thấy tất cả cái thấm thía của tình hoài hương. Thế sao cậu không về ở luôn bên nhà? Hắn đáp nhớ là một chuyện, ở lại là chuyện khác. Cậu đừng hỏi khó với nhau.

Mình dị ứng loại nhạc phổ từ thơ, vì hầu hết đều dở. Nhạc thường là cái cùm trói buộc khiến bài ca khi hát lên nghe vụng về, ngọng nghịu. Dĩ nhiên một nhạc sĩ có tài cũng có thể làm bài thơ thêm đẹp, thêm hay, nhưng trường hợp đó hiếm. Chiều thì sao? Không dở lắm. Tuy nhiên thử quên lời thơ, chỉ đánh bản nhạc lên, nghe nó ngang ngang, nhàn nhạt, đơn điệu. 

Cho nên mình đi tìm nguyên bản bài thơ. Thử đọc hay ngâm tùy theo cảm xúc mỗi lúc mỗi khác.
CHIỀU

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây

Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách
Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…

Bài thơ hay quá. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi ngờ ngợ tự hỏi tác giả đang ở nơi nào căn cứ vào ý nghĩa của bài thơ? Nếu đã về nhà thì việc gì phải tự xem mình là người lữ khách và đang nhớ nhà. Tôi là người lữ khách … Nhớ nhà châm điếu thuốc. Ở xa mới là lữ khách, mới nhớ nhà chứ. Hơn nữa khi ta đang trên đường về quê hương, về nhà, tình cảm nổi bật không phải là nhớ, mà là háo hức, bồn chồn, trông ngóng. Thế thì có lẽ Hồ Dzếnh đang đi về một ngôi nhà trọ xa xôi nào khác, gặp một cảnh trí trông na ná như nơi chốn quê hương, cũng có gió núi, chim rừng, cây cao bóng cả, bèn “tức cảnh sinh tình”. 

Tìm đọc thêm Hồ Dzếnh. Đoạn dưới đây trong truyện ngắn Trong Bóng Rừng của Hồ Dzếnh mô tả ngôi nhà nơi tác giả lớn lên.

“Nói đến rừng, tôi quên sao được lớp nhà lá đẹp đẽ của ba tôi dựng trên một cánh đồng lớn, lớp nhà đổ xuống sân một đường bóng dài đậm, mỗi lần mặt trời nghiêng xuống dãy đồi cong. Chính ở nơi đó tôi lớn lên …”
Thế thì đúng rồi, trên đường về nhà trọ, gặp cảnh trông giống quê hương, bèn Nhớ nhà châm điếu thuốc.

Nhà thơ nói giùm lòng mình. Nếu Hồ Dzếnh thấy rừng nhớ nhà, mình đi đâu thấy những gì hao hao giống nơi mình từng sống từ bé cho đến khi trưởng thành là nhớ ngay đến Việt Nam. Những góc phố Paris khiến nhớ Sài Gòn, qua Bỉ nhớ Đà Lạt, tới Bắc Kinh nhớ Huế. Đi thuyền trên hồ Michigan nhớ bãi biển Phan Rí, vân vân, và nhớ Hiền. Nói thế không ngụ ý rằng Sài Gòn đẹp như Paris, Huế đẹp như Bắc Kinh. Rất chủ quan khi nhìn vào cái đẹp. Nhiều thành phố trông đẹp như bức tranh, một bức tranh không quá khứ, không kỷ niệm, nó có thể khiến ta ca ngợi hoặc khâm phục, nhưng không thể so sánh với cảnh đẹp nơi quê huơng. Cái nhớ lại càng chủ quan hơn nữa, có khi như Nguyễn Du: 

“Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi” 

nhưng cũng có khi chỉ con bọ nhỏ, con bọ mắt, mùa hè buổi chiều tối bay nhiều trong gió vẫn khiến nhớ. Và nhớ bãi biển Phan Rí thì làm sao quên Hiền được, cô bé thanh thoát như nàng tiên. Nhớ quá. Cùng trải qua hoạn nạn, kẻ chết người sống, nỗi nhớ càng thêm da diết.  

Nhớ quê hương thì về thăm. Chứ không phải như anh chàng Cảnh nhất định không về, sống chết ở đâu không thành vấn đề. Vợ anh thì sao? Ba người thân thiết nhau ba tâm trạng.

Buồn. Lạc lõng. Lại đi. 

Những năm tháng gần đây tình hình ở quê nhà có nhiều chuyển biến. Mong Mùa Xuân Ả Rập đến với Việt Nam. Được như thế có lẽ những chuyến về thăm vui hơn chăng? Hay vẫn cứ  ngơ ngơ, ngáo ngáo?

*

“Chị thích đi tàu? Vậy anh em mình sắp xếp đi cruise một chuyến nhé. Độ bốn ngày, chạy từ San Diego, Nam California đến La Paz bên Mễ. Không đắt tiền lắm đâu.”

Ông Cảnh buồn bã trả lời, dường như đã bỏ thói quen to tiếng:
“Không phải. Tôi biết nhà tôi không thích du lịch hoặc đi cruise gì đâu.” 

“Anh vừa nói chị nhắc anh đến ông bà gì đó để đi tàu mà.”

“Câu chuyện hơi dông dài,” ông Cảnh đáp. “Đi chiếc tàu nhỏ chở bốn năm người như hồi mình vượt biển chứ đâu phải đi cruise với hàng mấy ngàn du khách đâu. Đi lần đầu bà bình thường, nghĩa là vui chiếu lệ, gọi là lịch sự vì lòng tốt của bạn. Tối hôm ấy bà trăn trở khó ngủ. Tôi cũng cho là chuyện bình thường. Từ khi về hưu không có việc gì phải bận tâm, bà trông sút thấy rõ. Cả ngày ngoài mấy bữa ăn, bà hết đứng lại ngồi. Về sau bà quyết định cuốc bộ đi chợ, bảo rằng làm như thế để giết thì giờ lại vừa có dịp tập thể dục. Thế nhưng thì giờ rỗi rãi cũng còn nhiều dù bà thỉnh thoảng đi chùa với các bạn đạo. Cho nên lần đầu ấy, ban ngày đi tàu, cả một sinh hoạt hoàn toàn mới lạ, đêm về thao thức thì có gì lạ đâu. Lần đi thứ hai, buổi tối bà càng không ngủ được, hầu như  thức trọn đêm. Sợ tôi biết, nhiều lần bà cố nằm yên, thở đều, nhưng tôi càng biết rõ. Đến lần thứ ba … thôi, tôi không muốn nói thêm nữa.”

Ông Vĩnh chăm chú nghe, vội vàng thúc giục:
“Anh cứ nói hết đi. Biết đâu tôi có ý kiến hay.”

“Nhưng tôi đã có ý kiến rồi. Trong chuyến thứ ba, tôi không ham vui nữa. Tôi kín đáo quan sát mọi người. Vợ chồng Kha rất thoải mái, nói cười luôn miệng. Ông chồng nốc bia như hũ chìm, tôi đáp lễ, nhưng người ta cứ ba lon, tôi xong một, miệng đắng. Bà vợ lo phục vụ các món ăn, thỉnh thoảng đến bên cạnh vợ tôi chuyện trò, giải thích, chỉ trỏ. Trong khi ấy, vợ tôi càng lúc càng ít nói, nhiều khi trông ngẩn ngơ đến tội nghiệp.”
Ông Vĩnh chen vào:
“Tôi đoán được một phần.”

“Vâng, cậu là người tinh tế, tôi biết cậu đã biết đôi chút. Cháu Hiền ngày xưa giống mẹ như khuôn tạc. Nhà tôi đã già mà vẫn còn nhiều nét của con Hiền hồi đó nhất là khi bà đứng vịn lan can tàu nhìn ra xa. Chiếc thuyền nhỏ, sóng gió, con Hiền …Bà biết tôi để ý liền đến nói chuyện giả lả với tôi.”

“Chuyện cũ đã hơn ba mươi năm rồi mà như mới xẩy ra hôm qua.”

Ông Cảnh tiếp:
“Tối về tôi không đề cập gì đến chuyến đi thuyền, đến chuyện bà đứng ngơ ngẩn như xuất thần. Khơi lại chuyện cũ không nên, phải không cậu. Con đà điểu vùi đầu trong cát. Trước khi đi ngủ, chúng tôi bàn chuyện mai sau. Bà bảo cả hai còn sống thì ở với nhau cũng phải, nhưng nếu tôi đi trước, ông về ở với con chứ gì. Câu hỏi thật ngờ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, nên tôi chỉ ậm à cho qua chuyện, rồi tôi hỏi lại bà cũng câu ấy, tôi đi trước thì bà tính sao? Bà im lặng.”

“Chắc chị cũng bị bất ngờ như anh?” ông Vĩnh góp ý.

“Không. Bà không bị bất ngờ đâu, bà có chủ ý. Thấy bà không trả lời, tôi nói hay là bà về với người chị ở Việt Nam, bà bảo vợ chồng người ta đã già, mình về thêm một người già nữa nặng nề quá. Thì tới thằng Hòa được không? Bà lắc đầu nói tui không hợp với con dâu. Tôi chợt nhớ những khu dành cho người già yếu, đưa ý kiến ấy, bà trả lời rằng tui đã có nơi đâu vào đấy rồi, đến đó làm chi, buồn lắm.”

Nói đến đây, như để nén xúc động, ông Cảnh đứng dậy, đi lui đi tới, tay cầm ly nước trà uống gần cạn. Ông Vĩnh nhìn theo băn khoăn. Tình trạng này kéo dài chẳng biết bao lâu. Cuối cùng ông Cảnh đi ra sau vườn gọi bà vào. Sau nhà có mảnh đất nhỏ, bà trồng mấy cây ớt, dăm ba thứ rau thơm, một cây chanh tí hon sây trái. Lúc ông Vĩnh mới đến, sau vài lời thăm hỏi, bà ra vườn để hai người đàn ông tha hồ chuyện trò.      
  
“Nhà tôi đây,” ông Cảnh nói như phân bua, “cậu là người thân nhất của gia đình mình, cho nên tôi rất cần ý kiến của cậu. Này Vĩnh, cậu nghe bà nói có lọt  lỗ tai hay không?”           
     
“Ô hay, tui nói cái gì vậy?” bà ngạc nhiên.

“Hôm nọ tôi hỏi bà nếu sau này tôi đi, nếu còn một mình bà…”

Bà cướp lời:
“A, tui nhớ ra rồi. Tui nói đùa đó mà.”

Ông Cảnh nóng nảy:
“Thì bà cứ nói lại đi! Xem có đùa hay không!”

Bà vẻ mặt thản nhiên, giọng nói êm êm, không trong trẻo như ngày xưa:
“Ông đã già yếu mà tui cũng già gần bằng ông, ra đi là chuyện bình thường. Nhưng tui đi trước thì có phải tiện việc hơn không. Thằng Hòa và vợ nó đều hạp với ông. Bởi vậy, nếu còn một mình … thì tui sẽ về quê của tui.”

Ông Cảnh vồn vã:
“Đúng thế, đúng thế. Lần này bà tính lại như thế là phải. Cho có chị có em.”

“Ông quên rồi sao, tui đâu có nói với ông tui sẽ về với chị tôi. Thôi đừng bàn chuyện đó nữa. Đang sống yên ổn với nhau, lại có anh Vĩnh đến chơi, nói chuyện ấy làm chi thêm …thêm … mất vui.” 


Lúc bà Cảnh đi chợ lo bữa cơm chiều cho ba người, ông Cảnh trở lại câu chuyện với ông Vĩnh:
“Cậu biết không, bà bảo bà không thể nào quên con Hiền. Có nó biển lặng sóng yên. Nước biển chắc là mát mẻ, êm ái lắm. Mẹ con với nhau.”

3/2013

     


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ngô Nhân Dụng - Đảng Cướp Đất




Ngô Nhân Dụng

Sau này lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhận trong thế kỷ 20 diễn ra một vụ cướp đất khổng lồ do đảng Cộng sản Việt Nam chủ động, bắt đầu từ năm 1952, được điều chỉnh năm 1980, và cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn còn gây ra cảnh tượng đầy máu và nước mắt. Việc thi hành vụ cướp đoạt đất đai này dựa theo mô thức của cộng sản Liên xô, Trung Quốc, sử dụng đủ các khẩu hiệu, thủ đoạn, và luật lệ của nước đàn anh. Công cuộc cướp đất kéo dài hơn nửa thế kỷ, đã tạo ra những cảnh đớn đau oan khuất, như sắp diễn ra trong phiên xử ông Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng.


Bà Trần Thị Mạp mới gửi một thư nhỏ tới “Toàn thể mọi công dân Việt Nam,” và gửi tới cả “Những người có lương tâm trong hệ thống công quyền,” để, “Xin hãy cứu lấy các con, cháu tôi.” Bà là người mẹ già 85 tuổi của các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, sắp bị truy tố ra tòa án Hải Phòng về tội “giết người,” sẽ bị xử với các đứa cháu Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ. Tội giết người có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Mọi người Việt Nam có lương tâm đều nhớ câu chuyện xẩy ra 15 tháng trước đây. Gia đình Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nghe theo chính sách của nhà nước cộng sản; trong mấy chục năm dùng sức lao động ngăn nước mặn, tạo nên một khu đầm nuôi tôm tại khu bãi bồi ngoài đê biển. Có người con nhỏ trong gia đình đã chết, như bà Trần Thị Mạp viết: “Ở đó đã thấm máu và tính mạng của các con và cháu tôi.” Tháng Giêng năm ngoái, chính quyền đã đưa công an, bộ đội tới “cưỡng chế” lấy lại gần 20 mẫu (ha) đất đầm nuôi thủy sản của họ. Các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã dùng chất nổ và súng nhỏ chống cự nhưng không gây thương tích nặng cho ai cả. Vụ cưỡng chiếm này đã làm chấn động dư luận trong nước; ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải họp báo ngay và tuyên bố thẳng rằng hành động chiếm đất này “là việc làm trái cả pháp lý và đạo lý.”

Nhưng bây giờ cả gia đình họ Đoàn bị đem ra xét xử về tội “giết người” và hai người con dâu, Phạm Thị Báu (ông Quý), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) sắp bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ.” Nhóm cán bộ từ huyện đến xã sau đó sẽ bị đem ra xử về tội “Hủy hoại tài sản và Thiếu trách nhiệm hây hậu quả nghiêm trọng.” Nếu bị kết tội thì họ chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ nhiều nhất là 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Pháp lý và đạo lý đâu không thấy, chỉ thấy hành động côn đồ cướp đất.

Bà Trần Thị Mạp còn kêu gọi “Toàn thể giáo dân, các tín hữu và các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam” hãy cứu các con, các cháu bà. Hai Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi ở Huế đã lên tiếng: “Đây là sự thóa mạ công lý, thách thức công luận, chà đạp nhân quyền và vi phạm luật pháp quốc gia … một cách ngang nhiên trắng trợn. Đây cũng là sự bao che lấp liếm, cho hành vi đàn áp nhân dân và cướp bóc tư sản, của nhà cầm quyền địa phương.”

Từ hơn một năm qua, dư luận cả nước Việt Nam đều đồng ý là hành động của gia đình Đoàn Văn Vươn chỉ là phản ứng nóng nẩy của những người dân bị cưỡng chiếm đất đai một cách phi pháp, của một guống máy nhà nước độc quyền, vô đạo. Họ cũng gây phẫn uất cho nông dân khắp nơi, gần đây nhất là hàng ngàn nông dân ở Phước Long, Thủ Thiêm, Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, vân vân, đã biểu tình, bạo động. Riêng gia đình Đoàn Văn Vươn vì thế cô, sức yếu, bị chính quyền từ huyện xuống xã đe dọa, đàn áp, kêu oan tới đâu cũng không hiệu quả, cho nên phải sử dụng vũ khí để bảo vệ thành quả bao nhiêu công lao động của họ trong hơn 20 năm trời. Khi người dân thấy việc tranh đấu “từ bên trong hệ thống” không có kết quả, nỗi uất ức không thể nào giải tỏa, họ phải tranh đấu ở “bên ngoài hệ thống.”
Việc đưa gia đình Đoàn Văn Vươn ra tòa sẽ khiến mọi người dân Việt Nam phải thấy rõ một sự thật. Sự thật là, sau cùng, chỉ còn cách phải “tranh đấu đòi thay đổi tất cả hệ thống.” Vì cả hệ thống luật lệ hiện nay được đặt ra để bảo vệ quyền hành và lợi lộc của đám quan chức, cán bộ trong Đảng Cướp Đất, bất chấp liêm sỉ và đạo lý.

Điều này càng thấy rõ qua màn kịch “Sửa đổi hiến pháp” đang được một cơ quan của đảng cộng sản là “quốc hội bù nhìn” đem ra trình diễn. Một điều trong bản hiến pháp ra đời năm 1980 đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai của dân Việt Nam. Như bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức trong nước nhận xét: “Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội.”

Việc sao chép hiến pháp Liên Xô chỉ là một bước trong quá trình cướp đất của đảng Cộng sản. Trở về từ năm 1930, một khẩu hiệu đầu tiên của đảng Cộng sản là “Lấy ruộng đất trả về tay dân cầy.” Năm 1952, họ tiến bước đầu tiên trong quá trình cướp đất. Hồ Chí Minh đã viết thư riêng hai lần, nộp trình bản dự thảo "Luật Cải cách Ruộng đất" cho Stalin xin ý kiến, trước khi thi hành. Cuộc cải cách “long trời lở đất” này, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn do Mao Trạch Đông cử sang, đã cướp hết ruộng đất từ tay các địa chủ. Nhưng họ không hề trả ruộng cho dân cầy làm chủ. Bước thứ hai là họ “tập thể hóa” ruộng đất, theo chương trình mà Stalin đã thi hành trong thập niên 1930 khiến hàng chục triệu nông dân Liên Xô chết đói. Chương trình này khiến nông dân miền Nam cũng đói, dân Thanh Nghệ đã nhiều người chết đói. Tóm lại, đảng Cộng sản đã cướp đất của các địa chủ, nhưng không có khả năng sử dụng hiệu quả cho nên làm dân chết đói. Hiến pháp 1980 mô phỏng Liên Xô là bước thứ ba trong công cuộc cướp đất trường kỳ của đảng. Đoàn Văn Vươn, và các nông dân ở Dương Nội, Phước Long, Văn Giang, đều là nạn nhân của vụ cướp đất vĩ đại này.

Như 72 nhà trí thức trong nước mới nhận định, dự thảo sửa đổi hiến pháp của đảng cộng sản không những giữ nguyên quy định kiểu Liên Xô mà còn trao thêm vũ khí cho các quan chức để kéo dài cuộc cướp đất cho phù hợp với tình thế mới. Các nhân sĩ vạch ra là điều 57 trong dự thảo hiến pháp mới ghi rõ hơn: “Đất đai tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu.”
Nhà nước đóng vai đại diện cho chủ sở hữu, cho toàn dân. Nhưng “Chủ sở hữu” nghĩa là gì? Người chỉ biết một chút về luật pháp cũng hiểu rằng trong quyền sở hữu có hai điều quan trọng nhất dành cho người chủ. Một là quyền sử dụng, hai là quyền chuyển nhượng, mua bán. Khi nói “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thì guồng máy nhà nước, do đảng Cộng sản giữ trong tay, sẽ nắm cả hai quyền đó. Họ nắm quyền cho phép ai được sử dụng. Họ nắm quyền thu hồi quyền sử dụng của người này, chuyển cho người khác, dù đất đai, ruộng nương đã được người dân đổ mồ hôi khai phá, cải thiện, nâng cao giá trị.
Nắm quyền “đại diện chủ sở hữu” nghĩa là tất cả đất đai, tài nguyên của quốc gia đều thuộc vào tay ông chủ mới, đó là guống máy nhà nước do đảng Cộng sản dựng lên. Ông địa chủ vĩ đại này nắm toàn quyền trên ruộng đất, rừng biển của toàn dân. Ông địa chủ vĩ đại có quyền cho người Trung Quốc vào thuê rừng trồng cây theo nhu cầu và kế hoạch của họ. Ông nắm quyền đòi lại đất người này đang dùng để trao cho người kia khai thác. Ông địa chủ vĩ đại đó, cụ thể là ai? Đó là tất cả các cán bộ quan chức đang nắm quyền. Vì vậy, các quan chức huyện Tiên Lãng đã nhân danh “Ông địa chủ vĩ đại” đòi trục xuất gia đình Đoàn Văn Vươn ra khỏi 20 mẫu đầm nước mà họ đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt khai phá trong mấy chục năm.

Hiến pháp của đảng Cộng sản đã trao toàn quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng đất đai vào tay các cán bộ. Họ thu hồi đất của nông dân, trao cho các nhà tư bản trong nước và nước ngoài sử dụng. Họ nhân danh cái gì mà làm như vậy? Họ có sẵn trong tay cả một hệ thống luật lệ và dùng một đám tay sai kể cả bọn côn đồ để thực hiện chính sách cướp đất.

Bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức viết rằng bản Dự thảo Hiến pháp mới còn “hợp hiến hóa” công cuộc cướp đất, bằng cách mở rộng phạm vi áp dụng cho phép thu hồi đất để làm các “dự án phát triển kinh tế - xã hội.” Dự án nào thì đáng gọi là ““dự án phát triển kinh tế - xã hội?” Ai quyết định điều đó? Chỉ có đám quan quyền toàn quyền quyết định. Nghĩa là họ có thể cướp đất của dân rồi trao cho ai cũng được, nhân danh những “dự án phát triển kinh tế - xã hội!” Họ đã từng cho biến ruộng đất thành sân goff, xây cất các cư xá, nhà nghỉ mát đắt tiền, cho giới quý tộc mới hưởng thụ. Mỗi một công trường xây cất là cơ hội cho các quan chức từ trên xuống dưới chia nhau tham nhũng. Với mỗi chữ ký các cán bộ, quan chức đều được đánh giá bằng đô la! Nắm trong tay quyền cấp phát đất là nắm chìa khóa mở cửa kho vàng! Cho nên, khi Ngân Hàng Thế Giới nghiên cứu dư luận đã thấy dân Việt Nam nhìn bọn quan chức quản lý ruộng đất là bọn tham nhũng nhất, không kém gì đám cảnh sát giao thông. Nhưng các cảnh sát lưu thông còn phải cực nhọc đi đứng đường, rình rập, có ăn tiền cũng chỉ chấm mút được từng trăm ngàn đồng. Còn bọn quan chức ruộng đất chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh ký một chữ là kiếm hàng trăm ngàn đô la như không! Cho nên cụ bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, đã nhận được các lá thư kêu oan vì bị cướp đất đến từ 57 tỉnh trong số 63 tỉnh ở Việt Nam. Cụ không ngần ngại tố cáo: “Họ nhân danh các dự án phát triển kinh tế - xã hội; nhưng tôi gọi đó chỉ ăn cướp!”

Vụ xét xử Đoàn Văn Vươn là một cơ hội để người Việt Nam đòi tái lập quyền sở hữu ruộng đất. Năm 2013 này là cơ hội phát động phong trào đòi quyền làm chủ đất. Vì đến năm nay, thời hạn cấp phát quyền sử dụng đất năm 1993 đang chấm dứt. Quốc hội bù nhìn tay sai của đảng Cộng sản sẽ làm một đạo luật triển hạn thời gian thêm 20 năm nữa, hoặc sẽ nới rộng ra thành 30 hay 50 năm. Nhưng dù có nới rộng, người dân được cấp quyền sử dụng cũng không biết bao giờ sẽ bị cướp mất, như Đoàn Văn Vươn đã phải gánh chịu. Đây là nguồn gốc của nỗi đau khổ mà hàng chục triệu nông dân đang gánh. Một nhóm người đã tước đoạt quyền làm chủ ruộng đất của nông dân từ hơn nửa thế kỷ. Đảng Cướp Đất đã cướp mất nguồn sống của bao nhiêu triệu người Việt Nam. Phải chấm dứt tình trạng bất công đó.