Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013
Phạm Phú Minh - Tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy
Phạm Phú
Minh
Thế là
nhạc sĩ Phạm Duy đã đi hết con đường trần thế. Trong 93 năm.
Nhớ lại
buổi họp mặt tại Quận Cam, California năm 2005 để tiễn ông về Việt Nam, ca sĩ
lão thành Minh Trang, với phong cách dí dỏm cố hữu của bà, đã nói: "Anh Phạm
Duy à, anh với tôi đều là những người đã nhận boarding pass, chờ giờ bay là lên
tàu thôi." Tất cả mọi người có mặt hôm đó đều cười vì cách ví von rất hình
ảnh, dù rằng biết đó là lời vĩnh biệt của hai người nghệ sĩ cao niên, trước một
chuyến đi mà ai cũng hiểu là... đi luôn.
Nhạc sĩ Phạm Duy, tranh Thái Tuấn
Quả vậy,
trước đây mấy năm chuyến bay của bà Minh Trang khởi động, và bà đã cầm boarding
pass ung dung bước lên tàu. Bây giờ tới phiên ông Phạm Duy. Lời của bà Minh
Trang giống như một lời hẹn, bây giờ thì hai người bạn già có lẽ đã gặp nhau,
cùng với biết bao nhiêu là người thân và bạn bè khác: Thái Hằng, Dương Thiệu Tước,
Văn Cao, Văn Phụng, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn...
Nhạc sĩ
Phạm Duy là một tài năng lớn, đó là điều mà người Việt Nam và cả người ngoại quốc
đã nhận thấy từ lâu, và nói đến từ lâu. Một tài năng như thế mỗi dân tộc lâu
lâu, có thể vài ba thế kỷ, mới có một người. Chỉ riêng về tài năng sử dụng tiếng
Việt thôi thì từ Nguyễn Du với Truyện Kiều là một thành tựu vĩ đại về ngôn ngữ,
mãi đến Phạm Duy mới là một trường hợp lạ lùng thứ hai với các ca khúc của ông.
Sự thu góp tinh hoa ngôn ngữ của một dân tộc rồi đơm bông kết trái vào một người
là một quá trình bí ẩn, dân tộc ấy chỉ có thể biết ơn tổ tiên đã dày công cày cấy
trên cánh đồng văn hóa để một ngày có được một bông hoa thiên tài bừng nở.
Nhưng
cũng cần phải có may mắn nữa. Phạm Duy là một người may mắn, mà dân tộc Việt
Nam cũng may mắn. Thử nghĩ lại, nếu đầu thập niên 1950 Phạm Duy không về thành
trót lọt, thì ngày nay làm sao chúng ta có thể có một gia tài âm nhạc nguy nga
Phạm Duy để lại? Làm sao có được Tình Ca, Tình Hoài Hương, Con Đường Cái Quan,
Mẹ Việt Nam và biết bao thành tựu rực rỡ khác nữa của nhạc sĩ? Hãy nhìn Văn
Cao, một tài năng xuất chúng nữa của Việt Nam, nay còn lại gì ngoài một gia tài
sáng tác dở dang, rồi phải câm lặng cho đến chết. Và hãy tưởng tượng, Trịnh
Công Sơn, thay vì sống ở miền Nam thì lại ở miền Bắc, cái gì sẽ xảy ra? Cũng
khó đoán hết những gì xảy ra, nhưng có một điều có thể thấy rất rõ, là Sơn chẳng
bao giờ có một sự nghiệp âm nhạc như đã có. Đó là một điều chắc chắn. Chủ nghĩa
cộng sản đã nghiền nát đến tận cùng tinh hoa của dân tộc. Họ cần một thứ gì
khác, không phải dân tộc. Ngay trong thời kỳ gọi là cởi mở như hiện nay, cái động
tác gọi là "cho phép" nhỏ giọt các tác phẩm của Phạm Duy không gì
khác hơn là một sự xúc phạm ghê gớm những thành tựu của văn hóa Việt Nam.
Vì Phạm
Duy là tâm hồn của dân tộc. Suốt cuộc đời sáng tác của ông, ông không yêu gì
hơn là dân tộc và đất nước Việt Nam. Sáng tác của ông từ lúc ra đời cho đến nay
đã nuôi dưỡng tâm hồn cho ba, bốn thế hệ Việt Nam, và sẽ nuôi vô số thế hệ nữa
trong tương lai. Yêu dân tộc và đất nước như thế, khi chết lại được chôn vào
lòng đất mẹ, đó là kết thúc đáng mơ ước nhất cho Phạm Duy. Một lần chót, ông lại
được may mắn.
Cách đây
mấy năm, một phóng viên của đài truyền hình Hà Nội đã tìm đến phỏng vấn một bà
cụ 100 tuổi ở tại một làng quê hẻo lánh miền Bắc, bà đã hồn nhiên hát mấy câu
thời còn trẻ:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương bà mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi vì nước...
Bà hát mấy
câu ấy lên như một khúc dân ca lưu truyền trong dân chúng không biết tác giả là
ai, ngay người phóng viên thu âm lời hát của bà cũng không biết đó là bài hát
gì, khi mang về đài mở ra thì có người lớn tuổi mới nhớ đó là bài Người Ra Đi của
Phạm Duy sáng tác trong giai đoạn đầu
kháng chiến chống Pháp.
Họa sĩ
Thái Tuấn có một bức tranh vẽ một người nghệ sĩ mang cây đàn ghi-ta sau lưng,
đi chân không, đứng trên một mặt đất hoang tàn. Có lần ông giải thích đó là Phạm
Duy, ông vẽ Phạm Duy như thế là do rung động và cảm thức ông bắt được từ câu
hát trong bài Về Miền Trung:
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ, hương vàng về
đâu?
Câu, chữ,
âm điệu của Phạm Duy tác động vào lòng người bàng bạc, sâu xa, dù là một người
đàn bà nhà quê, hay một họa sĩ trí thức thành phố.
Gia tài
âm nhạc của Phạm Duy để lại cho Việt Nam sẽ tác động mãi mãi như thế, với khắp
mọi người, thế hệ nọ sang thế hệ kia. Giống như Truyện Kiều trường tồn trong
ngôn ngữ và nghệ thuật Việt Nam, từ quá khứ đến hiện tại và mãi mãi trong tương
lai.
California
28.01.2013