Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013
Đạm Thạch - NHỚ VÀ QUÊN
Đạm Thạch
Thấy tôi có vẻ lừng khừng,
chị nhìn tôi, đôi mắt có chút gì như năn nỉ. Rồi chị
vừa giải thích mà cũng như vừa khuyến khích tôi thêm:
- Kệ nó em! Chuyện đã qua cho
qua. Đừng để tâm làm gì em. Chịu khó bước vài bước qua nhà thắp cho nó vài
nén nhang. Hôm nay, ngày giỗ đầu của nó. Chẳng mấy
thuở em về. Chị thấy, mấy năm sau này nó thất sủng,
bị hất cẳng ra khỏi Ủy ban, cởi bỏ áo công an, hình
như chỉ còn lo ban Thể dục thể thao cho xã mà thôi!
Mẹ tôi mất hồi tôi mới năm
tuổi. Chị ở vậy nuôi tôi. Tôi xem chị như mẹ. Ba năm trước tôi về tổ chức lễ
thượng thọ cho chị. Chị nói:
- Thôi em! Đừng làm gì rình
rang. Chỉ cần sắm một mâm trái cây rồi chị em mình
qua chùa cúng Phật và gởi tiền cho Thầy trụ trì để
chùa mua gạo phát chẩn.
Chị bảo gì tôi cũng thuận
nghe. Tôi hiểu tấm lòng của chị. Rồi chị cười cười
nhắc lại.
Năm nọ em về mang chai rượu Mỹ
- rượu gì chị không rành. Cúng giỗ cha xong, em khui rượu
đãi mọi người, ai cũng khen ngon. Thằng Long nhún môi khà
lên một tiếng buộc miệng khen rượu Mỹ ngon quá chừng
chừng, ngon đáo để, ngon hết sẩy, ngon hết chỗ chê;
làm ai trong bàn tiệc cũng móc nhẹ nó:
- Giờ mới biết khen Đế quốc
là trễ rồi!
Thằng Long chỉ bẽn lẽn mà
không tỏ dấu hiệu gì tự ái, cáu giận. Giá như trước
đây nó đã sừng sộ lên lớp mọi người. Rượu hết.
Chỉ thoáng chuyền tay qua một tua là trút chai không còn một giọt dính đầu
ngón tay. Tiệc tan. Ai cũng dáo dác tìm cái vỏ chai. Người
nào cũng muốn tìm để cò-léc xông, cò-léc-xiếc gì đó.
Người này nghi người kia mà không ai nghi thằng Long cất
giấu. Té ra, khi nó chết, thấy con Ẩn - em nó - chưng
trên bàn thờ nó.
Vậy là tôi quyết định qua thắp
cho nó mấy cọng nhang. Dầu gì nó cũng là...
Chị tôi vui ra mặt, đệm thêm:
- Có con Bé Ba, con của hai Phường,
cũng ở Mỹ về như em. Không biết em còn nhớ, nó gọi
năm Long bằng cậu ruột.
Như có thêm đồng minh, tôi xăn
xái thay áo qua dự đám giỗ và cũng để biết thêm về con Bé Ba, con của hai Phường,
mà hồi chiến tranh, mẹ nó cũng đã chết chùm cùng gia
đình.
Đầu tiên là ba Tiệm, em kế hai
Phường. Ba Tiệm theo du kích xã. Hôm ấy, có cuộc phối
hợp hành quân giữa lực lượng địa phương và toán
biệt kích quận. Ba Tiệm có nhiệm vụ gác cầu Lái Thển.
Khi phát hiện toán lính mở đường xuất hiện bất ngờ
vội chạy báo động. Ba Tiệm chạy không khỏi, chết
ngay tại chỗ bởi loạt đạt đầu tiên. Toán lính địa
phương tiếp tục mở rộng cuộc hành quân. Toán biệt
kích quận nằm ém lại. Vài người kéo xác ba Tiệm lại
gần dốc cầu, lấy lá dừa đậy lại, sau khi sửa xác
chết nằm ngay ngắn.
Cho đến chiều tối hôm đó,
khi cuộc hành quân hoàn toàn chấm dứt, nghe ngóng và cầm
chắc lính đi ruồng đã rút về hết, bà con trong vùng
mới thông báo cho gia đình tin ba Tiệm nằm chết ở cầu
Lái Thển, nơi mà ba Tiệm thường được phân công canh
gác. Ba Hoài, mẹ ba Tiệm, cùng thằng con út, bỏ dở cữ
sấy dừa, tức tốc chạy qua nhận diện. Hai Phường, từ
dưới lộ đá Ba Lai, cũng được tin, bỏ gánh rau bán nửa
chừng, vội bao đò qua sông cầu Kinh theo ngã lộ chú
Kiếu, hốt hoảng chạy lên cho kịp. Khi ba mẹ con cùng
lúc giở xác ba Tiệm thì một tiếng nổ kinh hoàng, chát
chúa của quả lựu đạn được gài lại. Cả ba mẹ con
chết banh xác ngay tại chỗ. Mẹ, ba Hoài chết tuổi bốn
ba. Con, hai Phường hai mươi bốn để lại ba con nhỏ. Lớn
nhứt mới năm tuổi, nhỏ nhứt lên hai. Ba Tiệm chết
tuổi hai mươi hai, để lại ba con, một trai hai gái. Thằng
Rắc lớn nhứt mới vô mẫu giáo. Con Cụt chị nói còn
ngọng nghịu, con Cụt em mới biết đi lững đững.
Riêng thằng Núp, mới vừa bể
tiếng, giọng nói khao khao, kháp kháp như vịt xiêm lai.
Nó chết xác văng nằm vắt vẻo
sát bờ kinh.
Tôi đã bỏ lửng giữa chừng.
Tôi nói: dầu gì... dầu gì thằng Long cũng là bạn thân
với tôi hoặc còn hơn thế nữa. Nếu
có dịp tôi sẽ mở dấu ngoặc để lần mò về sự thân
cận giữa nó và tôi.
Thằng Long nó chỉ hơn tôi một
hai tuổi là cùng. Tôi tuổi Mùi. Nó tuổi Ngọ hoặc tuổi
Tỵ. Những năm năm mươi, một thời thới bình ở làng
tôi. Những ngày nghỉ học, nhà thằng Long là nơi chúng
tôi thường xuyên tựu tập để tổ chức rượt sóc, bắn
chim.
Thằng Núp, em út thằng Long, lúc
đó chừng ba bốn tuổi, môi chì, nước da bủng, mốc
cời, tướng mập và lùn. Hễ ngày chủ nhựt, ngay sáng
sớm, nhằm lúc nước ròng, nó tình nguyện xuống mương
tìm đất sét. Riết rồi nó quen và biết nơi nào là ổ
đất sét loại đất có màu vàng nửa nghệ nửa tròng
đỏ trứng gà. Loại đất dính dẻo nhẹo chứ không phải đất bùn gặp nước chưa kịp
nắm đã rã ra. Đất sét vò đạn bắn chim là lý tưởng.
Ngoài hai anh em thằng Long và tôi. Còn có thằng Ức con bộ
Hào. Chú bộ Hào có hai người vợ ở chung một nhà.
Thiếm năm lớn, ở với chú không con, thiếm đứng ra
cưới thiếm năm nhỏ cho chú. Chú có tiền, ở không đi
đánh bài. Thằng Ức là con thiếm năm nhỏ. Con Triệu chị
nó sau này ưng thằng tư Xê, em kế ba Tiệm. Rồi còn có
thằng Út con bộ Tánh.
Chú bộ Tánh ho kinh niên, đụng
đâu cũng khạc nhổ, đờm xanh thấy mà gớm. Người ta đồn chú bị lao phổi ít ai
dám lại gần sợ lây. Sau cùng còn có thằng Tam con Ghỉ
A, cháu ngoại Tám Kinh. Tám Kinh ở
xóm ai cũng biết, nhà chuyên môn chứa bài tứ sắc để lấy xâu. Những lúc tám
Kinh thiếu tụ thường hú cha tôi qua trám chỗ. Những lúc đó, cha tôi nhìn chị em tôi
với đôi mắt thật dịu dàng như dò hỏi ngầm tìm một
sự khuyến khích. Biết ý, chị tôi cười cười nói: Cha
qua chơi cho khuây khỏa, lúa chỉ chờ gặt mà thôi, ở
nhà ở không làm gì! Cha đi, cho thằng chín đèo-út của
cha níu áo cha qua ngồi sau lượm rác. Chơi bài tứ sắc
có thua bao nhiêu. Miễn là đừng có nóng mũi chơi bài cào
hay xì dách rủi thua là cháy túi!
Để chuẩn bị cuộc chơi, tụi
tôi xúm nhau nhào, ngắt đất vò đạn. Gặp bữa trời
nắng ráo, đem phơi nắng. Chờ đạn ráo mồ
hôi, cầm lên lòng bàn tay, thấy cưng cứng, nặng nặng
là biết dùng được thì nhét đầy túi quần xà lỏn,
túi quay phía trước bụng, kè kè, xề xệ cho dễ móc nạp vào miếng da
nạng giàn thun. Gặp khi trời ui ui, hoặc thấy chuyển mưa
đạn vò được đem sấy trên lò trấu. Đạn phơi nắng
bắn đằm, đường đi chính xác. Đạn sấy khô nhanh,
viên đạn bốc hơi bởi lửa nóng áp nên nhẹ hơn đạn
phơi khô, thường bị bạt gió. Tôi và thằng Tam có nhiệm
vụ bắn nà tứ phía để cướp tinh thần con vật buộc
nó phải nhảy từ tàu lá dừa cây dừa nầy qua cây dừa
khác cốt yếu cho nó chạy mệt đành thúc thủ bó đọt
trên ngọn dừa. Vì vậy hai đứa tôi cần có nhiều đạn, nên mang một túi vải đeo ở cổ.
Còn tụi kia không thích mang nặng nên chỉ bỏ đủ hai túi quần xề xệ trước rún.
Tụi nó tự hào mỗi viên đạn phải hạ ít nhứt một
con chim.
Thật ra, rượt sóc mới là
chính, là mục tiêu hàng đầu. Còn chim chóc thì chỉ trau
trảu mới đáng phí đạn. Sóc thường chuyền trên cao .
Nó phóng nhanh từ cây dừa nầy sang cây dừa khác. Đôi
lúc bị rượt nà, té xuống đất nó cũng kịp bò lên
chạy vòng vòng theo thân dừa leo tuốt lên ngọn. Khi biết
chắc nó mệt rồi, ngồi bó đọt trên ngọn dừa, hai
thằng, hoặc thằng Ức hoặc thằng Út có nhiệm vụ leo
lên ngồi trên buồng dừa rất nhẹ nhàng, khéo léo để
không động tịnh và giương nạn giàn thun cách con sóc
chừng hai sải tay. Bọn dưới đất đứng giăng hàng
ngang, từ bờ dừa nầy đến bờ dừa khác. Khi phát hiện
thấy có sóc, chúng tôi vừa la vừa bắn nột áp đảo
tinh thần con vật. Đạn bắn tua tủa tứ phía. Nó đành
tháo chạy thoát thân trối chết khi bị rượt nà. Còn
chúng tôi cuộc rượt bắt sôi nổi, hào hứng nhứt là
khi con vật bị thương rơi từ trên cao xuống đất và
thằng nào cũng nhào tới bắt sống. Điều thú vị hơn
nữa, con sóc được mang đến trình diện ông chủ vườn
để được thưởng mười đồng. Hồi đó mười đồng
tiền Bảo Đại lớn lắm. Chúng tôi biết tính ông trưởng
Mười keo kiệt. Vườn rộng minh mông nhưng một trái dừa
khô rụng cũng không qua mắt ông. Đứa nào lén phén lượm
trái dừa hay bẻ bất cứ trái cây nào mà ông bắt gặp,
ông bắt quì gối tại chỗ rồi còn kêu cha mẹ tới mắng
vốn. Cũng vì tính như vậy mà ông thù lũ sóc lũ chuột
phá hoại dừa ông. Chuột thì ông có thể hài bằng bẫy
tre gác trên mỗi cây dừa nào mà ông thấy có chuột
khoét. Còn sóc thì tinh khôn hễ nghe động tịnh một chút
thì đã kịp phóng mình chuyền đi nơi khác. Để chơi
khăm ông chúng tôi cố tình lùa sóc từ vườn khác sang
vườn ông rồi mới tìm kế hoạch bắt sống. Nghe tiếng
chúng tôi hô vang ông thường ra xem và cổ võ. Chính ông
ra giá mỗi con sóc bắt được trong phạm vi vườn ông sẽ
được thưởng mười đồng bất luận lớn hay nhỏ. Cuộc
hành quân chấm dứt khi tiền trao cháo múc. Chúng tôi hăm
hở quay về nhà thằng Long phân công nhau, đứa nhúm lửa,
đứa rửa nồi vo gạo, đứa nấu nước sôi cạo lông
hoặc thui rồi bầm, rồi nấu. Chỉ một con sóc bầm
nhuyễn có thể nấu nồi cháo một lít gạo cũng dư sức
ngọt. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả, mồ hôi
chảy ướt áo. Đứa nào cũng giành góp công cho chiến
tích của nồi cháo sóc. Trong khi ngồi đợi cháo nhừ nêm
nếm muối nước mắm hành lá thì lần nào thằng Ức
cũng tái diễn cái mửng cũ. bằng cách đem chim của thằng
Long ra làm trò cười. Nó chê của thằng Long chỉ bằng
trái ớt hiểm, chắc là muôn đời không cưới được
vợ. Mà quả thật, thằng Long rất mặc cảm về điều
này vì hễ ai nhắc đến đàn bà con gái là nó tìm cách
nói lảng ra. Những lúc ấy thằng Ức thường phô trương
của nó ra để chứng tỏ mình vô địch. Như hãnh diện
thằng Ức cười híp mắt trong khi thằng Long bỏ đi một
nước. Thằng Tam cũng thú nhận với tôi là nó chịu lép
vế khi của nó chưa mở mắt! Còn thằng Bàn con sáu Bắp
thỉnh thoảng mới tham gia cuộc chơi có lần rủ tôi hai
đứa cùng trật quần nằm giữa bờ đê chờ con Lượng
con bà mụ Huấn Tuồng đi ngang qua thấy chơi. Tôi nghe lời
nó làm theo. Nhưng nửa chừng khi thấy bóng con Lượng đi
gần tới tôi vội kéo quần lên khỏi rún và nằm úp mặt
xuống ruộng giả đò ngủ say. Còn một mình thằng Bàn
nó lảnh đủ tiếng chửi của con Lượng: Đồ tồi bại,
đồ mất dạy, khi nó kịp nhìn thấy cái con trùn hổ của
thằng Bàn vội kéo cái nón lá bước né qua.
Không biết
nó về nhà có mách với bà huấn Tuồng không mà sau đó
nghe êm re trong khi thằng Bàn chơi dại đang còn sợ xanh
máu mặt.
Trong khi húp cháo sì sụp chúng
tôi trò chuyện với nhau bằng tiếng lái mà người ngoài
không chú ý nghe được sẽ không thể hiểu chúng tôi
đang nói gì. Thằng Ức có biệt tài nói lái chầu ba chầu
tư. Nói nói : Tay ra ngoào [tao ra ngoài] hoặc nói hỏi: Mừa
ăn cơm chây? [mầy ăn cơm chưa?].
Tôi dở hơn nghe nó không kịp và chỉ nói lái đôi. Để
gỡ gạc tôi xổ một tràng tiếng Tây cho tụi nó lé mắt.
Thằng nào quýt sơ măng đờ mống se? Thằng nào đờ lộng
sôi? Còn thằng nào ót măng? Tôi cố tình chêm chữ đờ [de tiếng Pháp] lần đầu mới
nghe tụi nó có vẻ phục tôi sát đất. Ăn uống no nê
chúng tôi hè nhau rinh nồi chén ra kinh rửa. Rồi chia phe
tạt nước hoặc chơi trò giấu cây lặn kiếm. Ngụp lặn
đã đời cho tới mặt trời đứng bóng mới chịu trồi
lên bờ. Thằng thì môi thâm tím,thằng thì nước bùn
đóng bợn quanh miệng giống như để râu. Để bớt rung
lập cập tụi tôi lấy yếm mo cau làm giấy, rứt mầu
dừa khô giả thuốc rê quấn thành điếu hút phà khói ra
lổ mũi, sặc chảy máu cam. Chỉ có râu bắp hút thơm,
nhẹ nhàng như người lớn hút Rubie, Ách chuồng. Rồi đâu
đã chịu ngưng. Thằng Ức đề nghị tất cả leo lên
đứng hàng ngang trên cây dừa trốc gốc ngã xiên cách
mặt đất hơn hai thước thi nhau đái coi thằng nào đái
xa.
Mục nầy thì thằng Long không
bao giờ tham dự. Chuẩn bị chơi thằng Ức nín đái, hai
tay bịn chặt đứng hẩy ra đằng trước cho nước xịt
thật xa. Còn tôi trịt quần kéo ra trậm trầy trậm trật,
đến chừng xả bọng được thì cũng chỉ đến mức hai
thước là cùng! Thằng Út đếm một hai ba, cả bọn đồng
ca bài: Trời lập đông, con cu teo, kéo ra hoài mà còn dài
nhằng.
Những ngày nghỉ học vui chơi
đã đời cũng đã qua. Đám tụi tôi cũng phải ôm cặp
đệm
đến trường suốt những năm
tiểu học.
Năm lớp nhứt, học với cô
giáo Hà tôi thi rớt đệ thất. Phải đợi năm sau thi đậu
lớp tiếp liên, học với thầy Xương để chuẩn bị thi
lại đệ thất. Có lần cô giáo Hà tâm sự với cả lớp
chúng tôi: cô nói cô sẽ không bao giờ lấy chồng!
Trong trái tim non nớt tôi tin lời
cô Hà nói và như có một điều thiêng liêng nào khiến
tôi vừa cảm động vừa hạnh phúc. Học lớp tiếp liên
với thầy Xương mà tâm hồn tôi vẫn hướng về cô giáo
Hà ở ngôi trường Phú Khương với tất cả chân tình.
Thầy Xương dữ dằn, thường đứng chồm xuống bàn thứ
hai nhiếc tụi học trò chậm hiểu bài toán mà thầy vừa
giảng là đồ ăn rục quần chó! Những lúc ấy hình ảnh
cô Hà hiền dịu như một nguồn an ủi. Rồi một chiều,
khi đạp xe đi ngang qua trường cũ tôi bỗng bắt gặp cô
Hà ngồi sau xe Lambretta và một tay vòng ôm eo thầy Quân!
Tự nhiên tôi choáng váng và nước mắt tủi thân chảy
dài xuống má. Câu nói ngày nào của cô đã làm cô như
thần tượng bỗng nhiên sụp đổ. Tôi không còn hứng
thú đạp xe mỗi ngày từ nhà đến trường hơn sáu cây
số như trước đây với chiếc xe đạp đòn dông nhỏ
xiếu mà anh tôi mua tặng như món quà quí giá đầu tiên
trong đời của tôi để khuyến khích tôi cố thi đậu
vào lớp đệ thất trường công tại thị xã Trúc Giang.
Và năm đó một lần nữa tôi thi rớt. Nỗi thất vọng
của tôi không phải vì thi rớt đệ thất mà là tôi thật
sự buồn bã khi biết mình từ đây đã thật sự mất cô
Hà.
Chị tôi tưởng tôi không đậu
nên buồn bỏ ăn mấy ngày. Chị an ủi:
- Rớt keo này bày keo khác em lo
chi. Học tài thi phận mà! Mấy tháng hè cứ vui chơi với bạn bè để rồi tựu
trường ghi tên học lớp đệ thất trường tư rồi cố
ôn bài thi lại cứ nhồi riết thế nào cũng đậu
lo gì ?
Thế là tôi xa quê từ đó. Xa
những thằng bạn với những buổi rượt sóc hào hứng.
Tôi tiếp tục học trường bán
công Hoài An ở Phú Nhuận và ở trọ nhà anh tôi. Thay vì
trở về quê thi lại đệ thất
tôi tiếp tục học tiếp lớp đệ lục. Và sau khi được
ban giám hiệu khuyến khích nhảy lớp, tôi bỏ lớp đệ
ngũ và nhảy lên học lớp đệ tứ mà không phải đóng
học phí. Đang khi ráo riết để chuẩn bị thi tốt nghiệp
trung học đệ nhứt cấp được tin chị tôi đau nặng
tôi tức tốc trở về quê cũ. Xuống xe bên kia cầu Ba
Lai, tôi lột giày lội bùn từ ngả tư Từng Đậu nhắm
hướng ấp Phước Hậu đi như một kẻ mất hồn.
Theo lời cha tôi kể lại, vào
một đêm khuya, thằng Long sau nhiều năm vắng mặt bỗng nhiên xuất hiện, súng ống
kè kè. Nó đề quyết chị tôi lấy cắp số vàng mà gia
đình nó chôn giấu. Bằng chứng là tôi có tiền lên
thành phố học mà không cần thi đệ thất ở tỉnh nhà.
Chị tôi thề bán mạng. Chị thách nó dám lên đình Phước
Hậu bẻ cổ gà thề trước mặt thánh thần? Nó không
đi. Nó nói nó không tin thần thánh. Thần thánh là cái
con mẹ gì mà phải thề? Nó bắt ép chị tôi phải nhận.
Ức quá chị tôi phát điên. Cha tôi phải đi thỉnh bác
chín Du làm nghề thầy pháp lâu năm để giải tà. Phải
mất hai ngày để bác chín chuẩn bị lập đàn tràng ngay
trước sân nhà cha tôi. Cái sân vuông rộng chung quanh dựng
hàng rào ngang ngực kết tua bằng lá đủng đỉnh như
người ta thường dùng trang trí rạp đám cưới. Ngoài
bác chín Du, người ốm yếu, giọng nói sang sảng, cột
cái khăn nhiễu điều trên đầu bỏ thỏng một bên để
một tay bác cầm, tay kia bác cầm cây nhang bắt ấn, còn
có ba người đàn ông lực lưỡng hóa trang thành ba nhân
vật Quan Công, Quan Bình và Châu Xương. Người nào cũng
đi đứng múa may, hươi thương , kích, đoản đao giống
như trong tuồng hát bộ. Cuộc lễ bắt đầu lúc chạng
vạng tối. Bà con trong xóm kéo nhau đứng vây quanh hàng
rào vừa tò mò theo dõi một cách thành kính vừa có cảm
giác sờ sợ. Cha tôi mặc áo dài khăn đóng màu đen như
những ngày đình Phước Hậu cúng lễ kỳ yên.
Một người thanh niên lạ mặt
đệ tử của bác Chín dẫn chị tôi từ trong nhà bước
ra ấn chị ngồi trên chiếc ghế đai. Trông chị ốm yếu,
gương mặt thất thần. Chị dáo dác nhìn những người
đang chen chúc đứng xem. Chị không nói tiếng nào. Thỉnh
thoảng chị kéo vạt áo bà ba lên lau mặt. Quang cảnh
bỗng im lặng đến ngột ngạt khi chiêng trống trổi lên
gióng giả. Sau khi xá bốn phương tám hướng bác chín Du
bắt đầu hành lễ. Một tay nâng khăn điều tay cầm
nhang dạng chân đi qua lại trước mặt chị tôi với sự
hỗ trợ hầm hì của ông quan Châu Xương râu cụt cầm
thương dài múa may loạn xạ. Lúc đầu chị tôi chỉ cúi
nhìn xuống đất, đôi mắt như sợ sệt. Nhưng khi bác
chín càng la hét hâm dọa thì chị tôi bỗng đứng vụt
dây chỉ vào mặt bác chín nói như thách thức:
- Ai có giỏi thì đè cổ thằng
nào vu oan giá họa. Đừng tưởng làm ồn ào như vầy mà
dọa được con nhỏ nầy. Nào. Giải tán. Nhà ai nấy về.
Về hết. Để tôi còn nghỉ ngơi!
Con heo sữa quay từ hồi sáng
giờ đã nguội lạnh. Bác chín lắc đầu than con tà nầy
dữ quá cần phải triệu thêm người cao tay ấn để
trừng trị.
Phải mất cả năm sau chị tôi
mới lần lần hồi phục. Khi được biết chị tôi đã
tỉnh nhiều, sinh hoạt bình thường thì tôi không còn dám
trở lại quê tôi nữa. Bởi, đây là giai đoạn mà Mặt
trận Giải phóng Miền Nam thật sự nổi lên. Dấu hiệu
đầu tiên là những thân cây dừa đã bắt đầu xuất
hiện cờ Mặt trận với ba màu xanh đỏ vàng. Lính nghĩa
quân xã cũng chỉ dám lên một đổi đường lấy bùn non
trét lấp lá cờ rồi rút về. Tin từ quê nhà cho hay
thằng Long đã gia nhập lực lượng chính quy được huấn
luyện trong bưng. Thằng Ức đi nghĩa quân. Thằng Út đi
Sư đoàn Bảy căn cứ đóng ở phía Sơn Đông. Thằng Tam
ghi danh vào lực lượng cảnh sát chiến đấu ở tận
Long An. Cha và chị tôi không thể rời bỏ ruộng vườn,
đành trụ lại giữa hai lằn đạn. Nhiều lúc tình hình
căng thẳng bắt buộc phải tản cư thì cũng chỉ né qua
phía Sơn Đông khi thấy tình hình êm lại thì quay trở
về.
Từ lộ đá Ba Lai nơi có nhà
việc Xã, có ngôi chợ, có trường tiểu học Thạnh Hựu
mà thuở thơ ấu tôi đã học lớp ba với thầy Đơ rồi
lên lớp nhì với thầy Bình. Chính năm học này thằng
Nam tuy học cùng một lớp nhưng nó lớn con bự xộn đã
đầu độc tôi bằng cách nhét cuốn tập chép tay trong
gầm bàn tôi với hình ảnh ba mưới sáu kiểu tục tĩu.
Và cũng chính năm học này tụi tôi chuyền tay nhau chép
thơ bằng giấy pơ-luya mỏng nhiều màu với những bài
thơ như Hổ nhớ rừng, hai sắc hoa ti-gôn...
Đó, từ đây có thề tẻ theo ba
ngả lên các ấp Phước hậu, phước
Thịnh, và Phước hựu của làng Tam Phước nơi chôn nhau
cắt rốn của tôi. Riêng ngả chú Kiếu nằm dọc theo bờ
sông Ba lai lên hướng Tường đa phải qua cây cầu đúc duy nhứt
là cầu Kinh cũng đã bị giựt sập để cản trở những
cuộc hành quận lớn nhỏ của chánh quyền. Dọc đường
các biểu ngữ viết nguyệch ngoạc với nội dung chống
chế độ Ngô Dình Diệm thối nát, gia đình trị hoặc đả
đảo tay sai đế quốc Mỹ được căng ngang các lối đi.
Và rất nhiều chướng ngại vật mô mìn giả. Trong bối
cảnh nguy hiểm đó định mệnh nào khiến hai Phường kịp
bao chuyến đò định mệnh cho đời mình...
Dĩ nhiên, những tàn tích chiến
tranh những năm ác liệt ấy giờ không còn sau bao nhiêu
năm vật đổi sao dời. Cây cầu Kinh đã được bắc lại
ngang qua con kinh rộng chỉ trên năm mươi thước cũng chỉ
là cây cầu xi măng tạm bợ rộng chỉ vừa đủ bộ hành
và xe ba gác qua lại chở dừa. Ba con lộ tẻ đã cũng chỉ
từng chặng trải đá tráng nhựa để tiến lên xã hội
chủ nghĩa ưu việt thay thế những con lộ đất từ thuở
cha sanh mẹ đẻ ra tôi.
Tôi đã về thăm lại mộ mẹ
tôi. Ngôi mộ mà anh chị tôi bàn tính sẽ có ngày di dời
về nằm gần cha tôi bên phần đất bên nội, cách con
rạch Lái Thển, bên này là miếng vườn của bà Bái Ba
mà hình như hồi nhỏ tôi quen miệng kêu bằng ngoại. Mẹ
tôi mất năm bốn tám mà chị tôi hay nói là
năm Mậu Tý hưởng dương bốn mươi lăm. Chị tôi kể
lại ngày đám ma, tôi không khóc và
còn hãnh diện với lũ bạn rằng nhà tôi có làm bò đãi
tiệc, tôi cũng giả bộ kéo cái đầu tàu dừa gắn hai
trái quao làm sừng dắt đi như sáng nay người ta dắt còn
bò tội nghiệp đi đập đầu. Riêng mẹ tôi hồi sanh
tiền không có chụp ảnh lưu lại nên trong ký ức mù mờ
tôi cũng chỉ còn nhớ mang máng là mẹ tôi có khuôn mặt
xương xương, người mảnh dẻ. Bà có thói quen ngồi bên
bàn nước nhai trầu bỏm bẻm với con dao tách cau không
tra cán, phần sắt đuôi dao được bẻ quặp lại. Tôi
còn nhớ như in, chính lúc mẹ tôi dùng con dao ấy lạng
trái bắp nấu ra dĩa cho tôi bốc ăn thì tôi cũng vừa
làm một việc tàn ác là cầm cây chỉa soi nhái có ngạnh
nhắm con gà con chui nằm dưới ngạch cửa mà đâm. Con gà
mắc lưỡi chỉa dẫy dụa rồi chết ngay. Cha tôi đang
nằm đọc truyện phong thần bỗng ngồi vụt dậy, đôi
mắt quắc lên giận dữ quát to:
- Đồ chết bầm! Sao mầy ác
vậy?!
Tôi ôm mặt khóc òa. Tay chân
rung lẩy bẩy. Mẹ tôi một tay tém miệng trầu một tay ôm tôi vào lòng dỗ ngọt:
- Thôi con đừng khóc. Cha giận
cha rầy thêm. Lỡ rồi, chắc con đâu muốn vậy. Thôi để mẹ bảo chị hai con làm
thịt quay chảo cho con ăn. Trước sau gì mình cũng ăn.
Gà nuôi để ăn thịt mà!
Theo lời chị tôi kể lại,
chính thằng Long hồi còn sống, nó khuyên đừng di dời
mộ dì Tư [nó nói gia đình nó đâu có bắt buộc phải
dời, ai cũng sẵn lòng dành một khoảnh đất đâu có thiệt thòi gì?] và bởi
chị em chúng tôi ai cũng có công ăn việc làm đàng hoàng, cuộc sống đang an bình, sau chiến
tranh ai cũng còn nguyên vẹn thì không nên làm điều gì
xáo trộn.
Và đây cũng là lúc tôi cần mở
dấu ngoặc để nói về sự thân cận giữa tôi với
thằng Long. Cũng theo lời chị tôi kể, hồi đó,gia đình
ông bà ngoại tôi nghèo, sanh đông con, ở đâu miệt Thủ Thừa thuộc
Long An, bằng lòng cho bà Bái ba nuôi thời con gái, bà
ngoại của thằng Long. Bà Bái là bạn hàng xóm láng giềng
với ông bà nội tôi. Hai miếng đất giáp ranh bởi con
rạch Lái thển chảy ra sông Ba lai. Con rạch mà tuổi thơ
của tôi trầm mình tập bơi lội dưới dòng những chiều
nước lớn và khi nước giựt ròng tôi theo chị tôi xúc
tép đãi hến và sau này lớn lên một chút tôi thường
cắm câu dọc theo kinh lúc đêm về với cả chục cần
câu chuốt bằng tre gai. Con rạch mà hồi nhỏ tôi bơi
muốn hụt hơi mới tới bên kìa bờ thật ra nó chỉ rộng
vừa đủ chiếc ghe chài lui tới chở dừa đem cân. Thấy
được tuổi, nội tôi bằng lòng cưới vợ cho cha tôi
còn bà Bái ba đứng ra gã, hai bên kết thông gia từ khi
mẹ tôi mới vừa mười bảy tuổi còn cha tôi cũng hai
mươi. Lập gia đình xong cha tôi quyết định ra riêng. Bà
Bái ba chỉ miếng đất trong vườn bà cho cha tôi cất nhà
nói là để tiện cho mẹ tôi lui tới sớm hôm với bà.
Có lẽ mẹ tôi về sống với bà được bà thương yêu
đùm bọc coi như con nên đặt chị ba Hoài thứ ba mặc
dầu chị là con đầu lòng và cũng tiện cho vai vế khi
xưng hô vì phía cha tôi - thứ hai.
Thật tôi không ngờ, đứng trước
ngôi mộ của mẹ tôi lại là chòm mộ của gia đình chị
ba Hoài. Mộ của chị, và nằm sắp lớp xung quanh là mộ
hai Phường, ba Tiệm, mộ thằng Núp và sau cùng ngôi mộ
mới tinh vừa quét vôi ràng ràng mộ thằng Long.
Mới tết vừa rồi, chị tôi
cũng sửa sang chỗ nằm của mẹ tôi tươm tất. Con Ẩn,
không chồng, sau ngày ba mưới tháng tư cũng chỉ giữ vai
trò khiêm nhượng là chủ tịch hội phụ nữ giải phóng Xã mỗi
tháng chỉ họp lấy lệ một lần với công lao kháng
chiến hưởng tiền hưu, chủ yếu hoa lợi nhờ vào miếng
vườn để giữ ngôi nhà thừa tự. Sáu Ẩn cũng đã
chỉnh trang chòm mộ đặc biệt sau khi anh nó thằng Long
mãn phần. Hai anh em sống hủ hỉ suốt năm tháng sau chiến
tranh. Thằng Long chết vì bịnh ung thư gan khi nó chưa kịp
hưởng căn nhà thừa tự mà hai anh em nó dành dụm mới
vừa xây xong.
Tôi thắp nhang vái mẹ tôi xong,
rồi đi vòng vòng cắm ba nén nhang cho từng ngôi mộ.
Khi tôi bước qua nhà đi dự đám
giỗ thì gặp tư Xê và sáu Ẩn đon đả mời chào. Những
người đi dự đa số tôi đều biết mặt. Người lớn
có, nhỏ có, ngang hàng có, chỉ trừ các em cháu nhỏ sau
này là tôi không biết gốc gác con ai. Thấy tôi ở xa về
ai cũng xúm xít hỏi thăm cuộc sống của tôi ở Mỹ ra
sao, nghe nói có vợ về sao không thấy? Hồi trước giải
phóng làm chức vụ gì. Tôi trả lời vắn tắt. Tôi là
sĩ quan trước phục vụ ở bộ tư lệnh vùng bốn Cần
Thơ, làm việc ở văn phòng không có đi tác chiến cấp
bực trung úy tuy có quyết định thăng cấp đại úy chưa
kịp nhận thì bị vụ ba mươi tháng tư. Sau khi đi tù về
rồi sang Mỹ diện H.O. Sau mấy tuần rượu đẩy đưa,
mời ép thì tôi chỉ cầm đũa cầm chừng mà không buồn
gắp thức ăn, Tư Xê sợ tôi ngại ăn gà vịt sợ bịnh
cúm gia cầm nên nói bảo đảm gà vịt ở nhà nuôi không
lây nhiễm. Tôi làm sao nuốt cho vô trong khi ngồi ở bàn
tiệc nghe những điều mà mình muốn quên đi:
- Thời chiến tranh ác liệt mầy
không ở dưới quê là may. Giờ hòa bình lại được ở
Mỹ là đại phước!
- Bồ mà còn ở lại chắc cũng
phải không theo bên nầy cũng theo bên kia. Chắc bồ còn
nhớ thằng Ức con bộ Hào theo nghĩa quân cũng bị anh em
mình giết chết. Thằng Út con bộ Tánh bỏ làng theo sư
đoàn bảy. Đi hành quân bị thương về ở làng thương
phế binh. Sau bảy lăm cách mạng vào giải tán trại, bị
đuổi về vườn sống bữa đói bữa no, vợ nó là con Á
con tám Kinh. Hiện nay thì bị tai biến mạch máu não đi
cà xịt cà đụi quanh quẩn trong nhà chỉ nhờ vào con vợ
đi bán bánh bò bữa được bữa không. Còn thằng Tam con
Ghỉ A, đi theo cảnh sát hòa bình không thấy trở về
chẳng biết còn hay mất.
- Không nói đâu xa.Hôm nay giỗ
năm Long cũng nên nhắc lại tội ác của Mỹ ngụy.
Ai đời, tụi nó bắn chết ba
Tiệm ở chân cầu Lái Thển, trước khi rút đi còn thâm
độc gài trái lựu đạn lại. Nó cố tình giết thêm
nhiều mạng người. Bữa đó, vì nóng lòng con, nóng lòng
em, mà cô ba Hoài, hai Phường, thằng Núp cả nhà chết
chùm. May mà tư Xê, không có mặt, vã đi lính ở miệt
nào xa không biết. Còn sáu Ẩn thì theo bên nầy công tác
xa nên thoát nạn, chứ không thôi...
Sợ buổi Tiệc không được vui
tư Xê đánh trống lảng bằng cách châm rượu thêm cho
tôi bắt qua chuyện khác:
- Anh chín, người ngồi kế anh
là ai anh có biết không? Chồng sau của vợ ba Tiệm đó.
Còn thằng hồi nãy bưng thức ăn nó chào anh. Nó là thằng
Rắc con ba Tiệm. Ba nó mất hồi nó mới học mẫu giáo.
Con Cụt chị, con Cụt em hai đứa đều lớn đại có
chồng có con hết trơn.
Tôi à lên một tiếng. Thằng
Rắc để râu ria lởm chởm trông muốn già bằng tôi.
Bỗng như nhớ ra điều gì, tư
Xê giới thiệu với mọi người là tôi có trí nhớ dai.
Ảnh còn nhớ vanh vách câu thiệu hay
câu vè mà hồi đó mọi người đều biết. Những nhân
vật trong làng mình, nhớ từng đặc điểm. Đâu anh Chín
thử nhắc lại xem ai trong bàn tiệc nầy còn nhớ không?
Tôi bưng ly nước lạnh nhấp
mội xong rồi thưa, sau khi đọc xong cho phép tôi kiếu
trước, vì còn bận xuống nhà dưới để chào hỏi bà
con một chút kẻo bị quở là ở xa về vô tình. Tôi đọc:
- Lội mương mắc cạn là chỉ
ba Ơn [Có tiếng nói lao xao: ba Ơn ở ngõ ba lộ thầy
Cai mập ú na ú nần...]
Ai có cơn là chị tư Lược
[Tư Lược chết lâu rồi, bả có cơn thiệt]
Ai nói cũng được là
con năm Kiểm Dầu [Con nhỏ lẳng lơ phải biết!]
Tánh hay câu mâu là cô mười
Cứng [A, a cái này đụng chạm à nghen. Bả đang
còn sống. Bả mà nghe được
chắc bả nổi sùng chửi cho một mách!]
Cặp nào xứng bằng cặp thằng
Liêm [Không biết hai đứa nó giờ ở đâu? Có còn
khắng khít như hồi mới cưới không hay đã rã bè?]
Con mắt lim dim là con ba bà
Lếch [Con ba con tư. Nhớ ra rồi. Bà Lếch vợ quản
Đặng. Cả hai đều chết. Hai chị em nó có chồng ở đâu
xa ít khi về đây. Nhắc chị ba bà Lếch tôi thù thằng
cha tư Tương hết chỗ nói. Số là... Chị ba mới mua được
chiếc xe máy đầm. Chị mới tập chạy chưa rành. Thế
mà chị dám rủ tôi xuống chợ Bến Tre xem cải lương
gánh Đồng Thinh có kép mùi Văn Thường đóng. Tôi ngồi
sau yên xe vịn chặt dưới yên xe. Con lộ đất ngoằn
ngoèo khiến xe lượn qua lượn lại, còn thân mình chị
cũng uốn theo. Thế mà thằng cha tư Tương dám đặt điều
bảo tôi bóp l. con ba bà Lếch! Chú sáu Xã đang đứng hớt
tóc cho tôi, chú vừa húi cái đầu ca-rê thì tôi vụt đứng dậy xấn tới như
muốn ăn thua đủ với tư Tương. Chả chỉ cười hề hề
gạt nhẹ tay tôi ra. Chú sáu nói như an ủi. Ảnh nói giỡn
chơi vậy mà. Đừng tức giận kỳ lắm!]
Tướng đi chấm phết là chị
ba Dương [Mọi người cười cười. Chị ba Dương dâu
ông mười Quản có tật chân]
Ăn nói lương khương là ông
mười Quản [Tới ông già chồng đây. Ông nầy nói chuyện chậm rãi, rị mọ
nghe bắt ghét]
Ông nào xài đản bằng ông
bồi Minh [Ông bồi Minh giàu có, ăn xài thả cửa.
Không biết ông chết đi nhà có còn bộ sắc thần mà ông
nội của tôi bàn giao cho ông?]
Rốt cuộc ở một mình là ông
bảy Chữ. [Nói bảy chữ chứ ông dốt đặc cán mai.
Cho đến khi ông qua đời ông vẫn còn độc thân!]
Ai dữ bằng thợ Hai. [Chú
thợ Hai làm nghề thợ mộc, có người vợ là cô ba Ký
mắt bị mù vì bịnh đậu mùa. Vậy mà công việc trong
nhà một tay cô sắp đặt rành rẽ như người sáng mắt.
Nhớ có lần thằng On con dượng lội hớt cá thia thia ở
vườn ông Huyện. Nó đạp nhằm cây chông cây. Về nhà
nó mượn cây khoan của dượng ba ngồi khoan lấy khúc giầm ra. Nghe nói sau
này nó theo du kích thủ cây tiểu liên nằm chết tử thủ
trong hầm.]
Ai dai bằng thần Tài. [Chú
thần Tài chuyên môn mua rượu chịu, chủ quán đòi trật
vuột, chú hẹn lần hẹn lựa, riết rồi hễ thấy chú
xách chai đi đong ai cũng bắt cười].
Tôi vừa định đứng lên kiếu
từ thì thằng Khai chồng em Nhỏ đã giới thiệu Chủ
tịch xã đi cùng với mấy người khác
cũng trạc tuổi với nhau làm việc ở Ủy ban xã, vừa
bước vô nhà đi thẳng đến chiếc bàn đã được dành
sẵn. Thằng Khai lên tiếng:
- Giới thiệu với bạn. Đây là
Xã trưởng, con trai của tư Xê. Nghe nói kỳ đại hội
tới sẽ được đề bạt vào chức
vụ cao hơn, bí thư xã. Nhờ có ít chữ nghĩa học bồi
dưỡng các lớp bổ túc văn hóa mà gia đình toàn cách
mạng và liệt sĩ.
Tôi nghe mà để ngoài tai. Cái
thằng bạn học thuở nhỏ, sau bao nhiêu năm chiến tranh
xa cách, gặp nhau chỉ chào hỏi qua loa, tuyệt nhiên không
đá động gì việc tôi ở Mỹ về.
Nó cũng là lính ngụy chứ có
theo cách mạng cách miếc gì mà như không ưa tôi lại còn
nói vùa theo họ? Nó là thương phế binh được giải ngũ
trước bảy lăm. Con mắt trái lúc nào cũng đeo cái kính
màu vàng ố nhét cục bông gòn. Ngồi vào bàn tiệc mà
thấy nó tháo kính ra lau rồi thay cục
bông gòn mới ai cũng muốn bỏ ăn. Nó có biết đâu, em
Nhỏ vợ nó hồi nhỏ từng ở truồng tắm mưa với tôi.
Em Nhỏ là con chị tư nhỏ. Chị ba Hoài có người em kế
là anh Kiểm tư. Cưới vợ chị tư lớn ở không con, nên
đèo bồng thêm chị tư nhỏ sanh một mụn con duy nhất
rồi anh chết. Sau nầy chị tư nhỏ lại làm bé chú mười
Thê. Chị tư lớn ở vậy sống cuộc sống tu hành.
Trở xuống nhà sau bé Ba gặp
tôi vội vã nói:
- Cậu ngồi bàn trên chắc là
không hợp. Con nhắc ghế ngồi với phe ta. Đây con giới
thiệu: Chị Ba, bạn học thời Trung học. Trước bảy lăm
nhà có tiệm vàng tổ chức đóng tàu vượt biên năm lần
bảy lượt không xong, bị bắt lên bị bắt xuống, xài
không biết bao nhiêu cây vàng, giờ cũng đành thúc thủ
ngồi đây. Hai anh ngồi kế bên là bạn dây chuyền với
nhau. Cùng phe ta nên dễ quen nhau. Cũng là sĩ quan. Nhưng
không ra trình diện học tập, cũng bao phen đi mà không
thoát, ở tù, lo tiền thả ra. Vợ con đi được gởi tiền
về ở không xài chờ ngày bảo lãnh. Ngồi đây cậu có
thể nói chuyện thoải mái. Con thông cảm với cậu mà!
Thấy tôi chịu
ngồi xuống, các vị chĩa mũi dùi vào tôi hỏi tới tấp.
Nghe nói bên Mỹ cũng có ăn xin đứng ở ngả tư? Ở bển
có nghe rục rịch gì không? Không lẽ dân chịu đựng mút
mùa lệ thủy sao! Báo chí bên này tụi nó bàn điệu nầy
anh Mẽo lại sa lầy ở I-Rắc như ở Việt Nam? Liệu đảng
Cộng Hòa kỳ nầy có tiếp tục hay nhả ra cho đảng Dân
chủ. Bà vợ ông Clinton có thể trở thành nữ Tổng Thổng
đầu tiên của nước Mỹ không? Toàn những câu hỏi mà
tôi không dám trả lời chỉ lắc đầu cười trừ. Thật
tình cuộc sống của tôi đâu có rảnh mà tò mò những
chuyện đó. Tôi chỉ muốn nói không cốt để an ủi
họ.Thế giới ngày nay đã đổi khác rồi. Cái gì trái
quy luật cũng sẽ bị đào thải. Hãy sống để chờ. Chứ
không chờ mới sống! Thôi quí vị cứ ăn uống tự
nhiên. Tôi xin phép kiếu về sớm vì có nhiều việc cần
làm.
Bé Ba tiễn tôi một đoạn đường
và không quên trao đổi số điện thoại với tôi, hứa
về Mỹ gọi cậu cháu tâm sự nhiều
hơn.
“Alô! Xin lỗi ai ở đầu dây,
có phải cậu Chín không? Con là bé Ba con hai Phường. Cậu
về khỏe không? Còn con lần đầu từ ngày vượt biên
năm tám hai, gặp lại gia đình bên ngoại cũng vui mà buồn.
Chiến tranh mà, trời kêu ai nấy dạ. Con tin con người có
số mạng. Nếu như hồi đó má con bao đò không kịp chắc
là đâu có chết chùm tức tưởi cả nhà như vậy! Thật
sự giờ con chỉ muốn quên đi. Chỉ nghĩ đến tương lai
mà thôi. Cậu năm Long con, giá như cậu chịu nghe lời lúc
con lén đem cậu lên Saigon chửa trị cái lỗ mũi nó hành
cậu dữ dội, cậu một hai đòi về nói là để trả thù
cho cái chết của gia đình ngoại con. Thế mà chính cậu
sau nầy lại là người xúi con tìm cách đưa mấy đứa
nhỏ đi để sau nầy tụi nó có tương lai. Mà thật vậy.
Hai đứa lớn, đứa kỹ sư, đứa dược sĩ, cả hai ra
trường có công ăn việc làm vững chắc. Còn gái Út cũng
đã năm thứ hai đại học. Bây giò cậu năm đã yên
phận. Tội là tội cho dì sáu Ẩn. Giờ ở một mình
không chồng không con. Lương hưu đâu có bao nhiêu. Con nói
dì cần gì con giúp. Dỉ nói sao cậu biết không? Dỉ nói
huê lợi miếng vườn cũng đủ để dì lo ngôi nhà thừa
tự. Bây mà cho tiền nhiều người ta tưởng tao tham
nhũng! Cái đó nó thành quen lệ rồi. Hễ lớn ăn theo
lớn. Nhỏ ăn theo nhỏ.
Một mai lại đổi đời cũng móc
họng ra ói! A! Nãy giờ con nói nhiều quá. Nói hước
không cho cậu chen vô tiếng nào. Con xin lỗi cậu. Lần
sau tới phiên cậu nói con nghe.”