Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Vũ Thụy Hoàng - Viết Hay



 Vũ Thụy Hoàng

 “Trừ chuyện làm tình, chẳng có đề tài nào hấp dẫn,” theo lời Paul Roberts, một nhà ngữ học kiêm giáo sư dạy viết văn. Trong ngành viết, đề tài nào thường cũng buồn tẻ, nhưng dễ trở nên thích thú khi có người biết khai thác và làm thành hấp dẫn. Cũng như cá, thịt bày ở quày hàng ngoài chợ, nếu chỉ nhìn, đâu có ai muốn ăn. Nhưng khi cá, thịt qua tay người đầu bếp xào nấu và trở nên thơm phức, nhiều người ứa nước miếng.

Người viết hay là tìm ra những đề tài, đường lối, khía cạnh, luận cứ và ngôn từ để đưa độc giả đi theo. Nhờ vậy đã có biết bao đề tài tầm thường hàng ngày được sách báo viết tới và được độc giả thích thú theo dõi.

 Ðược coi là hay, khi bài viết hoặc cuốn sách có gì mới lạ, làm người đọc tò mò muốn đọc, muốn biết. Ðề tài dù cũ vẫn trở thành mới, khi truyện viết xảy ra ở chỗ mới, trong hoàn cảnh mới, với những diễn biến mới, lời lẽ mới. Những chi tiết cho truyện, cho nhân vật, cho hoàn cảnh cũng vì vậy thành mới.


Ý niệm về hay cũng thay đổi tùy theo người, tùy theo ý hướng. Có người cho cười là hay. Người khác vui thích khi đọc được điều mới, thu thập thêm kiến thức, mở rộng tầm hiểu biết. Ông này thích thú khi đọc thấy trên trang giấy những điều tác giả viết đúng với ý của mình. Bà kia khuây khỏa vì bài viết gợi lại những ý nghĩ tiềm tàng trong tâm khảm, làm sống dậy những suy tư ấp ủ trong đầu, tạo được rung cảm trong lòngỳ. Bài báo hoặc sách được coi là hay, khi đánh trúng được điểm nào đó của người đọc. Những háo hức tìm hiểu, những ý nghĩ, những suy tư cũng như những rung cảm của mỗi người một khác, nên mỗi bài viết, mỗi cuốn sách đều có người thích, người chê. Người này cho là hay, người khác bảo là dở. Mỗi tác giả, mỗi loại sách báo vì vậy có những độc giả khác biệt. Nam giới thường hay đọc những truyện nhiều hoạt động sôi nổi, loại đấm đá, chiến tranh. Phụ nữ thích đọc truyện nhẹ nhàng, tình cảm.

 Viết hay là kéo được độc giả đọc hết bài hay sách mình viết, làm họ say mê, vui thú khi đọc. Ðể lôi cuốn người đọc, bài viết hoặc sách cần cả nội dung, hình thức và lối viết. Nội dung, tức đề tài, tư tưởng hay khái niệm, chiếm địa vị quan trọng hàng đầu. Ðề tài đáp ứng được nhu cầu hoặc mối quan tâm của độc giả, dễ lôi kéo được người đọc, dù kỹ thuật viết yếu, hoặc sách in xấu. Truyện không hay đôi khi cũng ăn khách nếu người viết biết kỹ thuật sắp xếp, dàn dựng cho truyện gay cấn, đối thoại linh động, miêu tả nhân vật khéo léo.

 Nội dung, nếu là tin tức hoặc thuộc loại không giả tưởng, cần phong phú và chính xác. Phong phú là cho độc giả biết tin tức mới mẻ, hay truyện có ý nghĩa thích thú, cùng với nhiều chi tiết được lọc lựa thích hợp. Những sự việc, nhân chứng, lời thuật, thống kê, tài liệu, phân tích, nhận định, phải dồi dào và phù hợp vào chủ điểm muốn tường thuật, trình bày hay diễn tả. Cạnh phong phú, bài viết cần chính xác. Ðây là điều quan trọng trong báo chí và ngành viết không giả tưởng. Bài viết có sai lầm dễ bị nghi ngờ và làm mất niềm tin của độc giả.

 Ngoại trừ thể viết nghị luận, người viết thường dùng hình thức truyện để tường thuật sự việc, trình bày vấn đề, phát biểu ý nghĩ của mình và để lôi cuốn độc giả. Truyện thường có cốt truyện, có nhân vật, có xung đột, có ngụ ý, có miêu tả, có đối thoại.

Xung đột

 Truyện là hình thức thông dụng nhất, hấp dẫn nhất trong ngành viết văn, viết báo, tiểu thuyết và không tiểu thuyết. Truyện dễ đọc, dễ hiểu đối với độc giả. Người đọc thấy thế giới bên ngoài qua truyện, và trong nhiều trường hợp thấy hoàn cảnh hay tâm trạng của mình giống phần nào trong truyện. Truyện đến từ bất cứ đề tài nào, không cần phải những đề tài to lớn, đại sự như những vấn đề chính trị, chiến tranh. Những việc nhỏ, tầm thường hàng ngày liên hệ đến con người, vẫn có thể là đề tài hay và hấp dẫn.

 Ðịnh nghĩa được truyện hay là điều không dễ. Mỗi tác giả nghĩ một khác. Mỗi độc giả cũng nhìn khác. Nhưng điều cốt yếu để có truyện hay là phải có xung đột, có đối nghịch, có tranh chấp, có gay cấn, có “nổ.” Thế gian đầy rẫy những tranh chấp và gay cấn. Tranh chấp giữa người với người: vợ với chồng, con cái với cha mẹ, trai với gái, ở sở, ở thương trường, ngoài chính trường, giữa phe này với phe kia. Tranh chấp giữa người với thiên nhiên, với bão tố, tai nạn, thú dữ. Tranh chấp giữa tư tưởng mới với cũ, giữa tập quán xưa với nay, giữa thực tại với mơ ước. Tranh chấp còn xảy ra cả với chính mình, trong nội tâm: lưỡng lự, dằn vặt trước những khó khăn, những hoàn cảnh éo le, phức tạp. Những tranh chấp và rắc rối đó đi kèm theo với những mưu kế, những xúc cảm ở nhiều nơi, nhiều giai đoạn. Tranh chấp có lúc đơn giản, lúc gay go, lúc lên tới tột đỉnh rồi mới được giải quyết. Chính những tình tiết, những diễn tiến đó làm thành truyện, và truyện trở nên hấp dẫn.

 Người ta không thích những rắc rối của cuộc đời, nhưng lại thích đọc truyện rắc rối để biết, để thỏa mãn tính tò mò, để tìm xúc cảm, để hòa mình trong đó và để xem giải quyết vấn đề ra sao. Vì tranh chấp là thiết yếu, nhà văn James Frey mới nói: “Ba quy tắc quan trọng nhất của loại viết gây xúc động mạnh là tranh chấp, tranh chấp, tranh chấp.” Nhà văn, nhà báo biết nhìn thấy những tranh chấp xẩy ra thường ngày trong cuộc sống, nhờ quan sát, tìm tòi, sưu tầm tin tức và sự việc, rồi nối kết lại với nhau, chọn lọc những chi tiết, diễn tiến của tranh chấp để viết lại cho người đọc. Bạn thấy những tranh chấp, gay cấn, rồi suy nghĩ, chọn lựa được điểm chính, tìm đủ những chi tiết cần thiết, thế là bạn có đề tài cho bài viết hay truyện.

 Có tranh chấp thì phải có đối thủ kình chống nhau, tức là phải có nhân vật. Ðặt nhân vật chính vào những hoàn cảnh khó khăn, éo le, gay cấn. Nhân vật cố tìm những phương thế, mưu kế để vượt gian nan, hạ đối phương, chiếm phần thắng. Những mưu kế, những nỗ lực khắc phục khó khăn, nguy hiểm được xếp đặt càng ly kỳ, bí hiểm, càng tăng hồi hộp và càng lôi cuốn người đọc.

 Có nhân vật, có tranh chấp là có người đọc. Sách, truyện vào đầu cần cho biết ngay có tranh chấp, hoặc nhân vật chính phải đương đầu với rắc rối, nguy hiểm. Cho biết ngay càng sớm càng tốt, hay ít ra ám chỉ có tranh chấp.

Nhân vật

 Ngoài cốt truyện, nhân vật có thể làm thành truyện. Truyện và nhân vật thường đi đôi với nhau. Trong một số truyện, nhân vật làm truyện trở nên hấp dẫn, nổi bật hơn. Muốn sôi nổi, gay cấn, nên có ít nhất là hai nhân vật chính, vài nhân vật phụ.

 Những diễn tiến của truyện, những mưu kế và giải đáp một biến cố gay cấn, thường đi sát với nhân vật chính trong truyện, như bóng với hình, nên có người cho cốt truyện là nhân vật, và nhân vật là cốt truyện. Có người tạo nhân vật rồi mới nghĩ tới cốt truyện. Có người nghĩ cốt truyện trước, rồi cho nhân vật vào.

 Phần lớn sách hay truyện phát xuất từ nhân vật, bất kể cốt truyện được sắp xếp thế nào. Cốt truyện và tình huống phải phát xuất từ cá tính của nhân vật.

 Các nhân vật trong truyện cũng khác nhau: người hiền, kẻ dữ, người tốt, người xấu, người thông minh, người ngớ ngẩn, mỗi người một cá tính, người nọ đối địch người kia. Ðối thoại vì vậy cũng khác nhau. Hành động cũng khác nhau. Những tương phản đó làm truyện thêm hấp dẫn.

 Nhân vật phải sống động, phải có lý do để có mặt trong truyện. Những tay đối địch nhau phải thuộc loại kỳ phùng địch thủ, tương xứng tài sức. Mỗi bên có điểm mạnh, điểm yếu, mới tạo nhiều hồi hộp, lắm bất ngờ. Khi đưa nhân vật vào truyện, nên đưa từng người một. Ðưa nhiều người cùng một lúc, độc giả dễ hoang mang và khó nhớ.

 Nhân vật chính, thường là người hùng, có những tính tốt, biết gây ngạc nhiên, bất ngờ, chứ đừng buồn tẻ. Nhân vật làm truyện chuyển động, nên nhân vật chính phải giải quyết được những khó khăn. Người đó phải có nhiều nghị lực, nhiều cách thế để thoát khỏi những gian lao, nghịch cảnh éo le, phức tạp về tinh thần cũng như vật chất.

 Nhân vật chính cần được miêu tả kỹ hơn nhân vật phụ, từ diện mạo, tuổi tác, thân thế, tính tình, cho tới cách ăn mặc, xử sự. Ðừng tả nhân vật phụ rườm rà quá, làm lu mờ vai chính.

Cốt truyện

 Cốt truyện là cách dàn dựng, sắp xếp những tình tiết về diễn tiến nòng cốt của một biến cố gay cấn, cho biết truyện xảy ra như thế nào và được giải quyết ra sao. Dàn dựng truyện giống như hoạch định đường đi trong cuộc hành trình, như vẽ họa đồ xây cất nhà cửa. Dàn dựng truyện giúp người viết hoàn tất tác phẩm theo những diễn tiến hợp lý. Cốt truyện, theo John Leggett, một tác giả có sách bán chạy nhất và là chủ biên của nhà xuất bản, thường gồm bốn phần:
Truyện thường vào đầu bằng cách giới thiệu nhân vật.

Ðặt nhân vật trong hoàn cảnh rắc rối. Nhân vật chính gặp khó khăn, nguy hiểm và muốn tìm cách giải quyết, muốn thoát đi, nhưng lại bị trắc trở, chống đối hoặc ngăn cản.

Cao điểm là chỗ gay cấn nhất của truyện

Giải đáp, cởi nút cho truyện.

 Những rắc rối, những tranh chấp làm truyện biến đổi từ màn này sang màn khác. Những tình tiết gay go, phấn đấu được dự trù sẵn, nhằm gây ảnh hưởng mạnh vào óc tưởng tượng của độc giả, tạo xúc cảm và làm họ hồi hộp theo dõi. Xúc cảm đến vì có tranh chấp, vì muốn xem nhân vật chính phấn đấu và đương đầu ra sao trước những nghịch cảnh, rồi từ đó người đọc hòa mình vào truyện và theo dõi diễn tiến của truyện. Họ muốn biết truyện đi đến đâu, kết thúc ra sao.

 Ðộc giả thường thích người tốt, ghét người xấu. Nhân vật phải đáng tin cậy, thích thú, sống động, để lôi kéo độc giả hòa theo truyện, tưởng như nhân vật đó có thực nếu là truyện giả tưởng. Nhờ vậy độc giả có cảm xúc để yêu hay ghét người trong truyện. Nhân vật cần được người đọc ưa thích để họ lo lắng khi nhân vật lâm nguy, hay sa cơ thất thế; rồi họ thở phào, phấn khới khi thấy nhân vật vượt qua và thắng thế địch thủ. Viết hay là làm sao tạo được nhân vật để độc giả yêu hay ghét. Ít nhất cũng phải có một người được yêu hay bị ghét.

 Cốt truyện phải phù hợp với nhân vật và hoàn cảnh. Người hùng giải quyết theo lối hùng. Người gian giải quyết theo lối hèn. Người hùng mà giải quyết theo lối hạ sách làm độc giả thất vọng. Cốt truyện cũng theo hoàn cảnh để kết thúc theo lối vui vẻ, có hậu, hoặc buồn phiền, bi thảm.

Hoạt động

 Truyện, cũng như phim ảnh, muốn hấp dẫn cần có hoạt động. Hoạt động diễn tiến trước mắt người đọc có tác dụng mạnh hơn là lời kể. Truyện càng có nhiều hoạt động càng dễ gây sôi nổi, hồi hộp và linh động. Có hành động của vai chính, tất phải có phản ứng của địch thủ. Hai bên đương đầu đối chọi nhau sẽ nảy sinh những mưu kế, những màn thư hùng, cũng như để lộ cá tính của nhân vật, điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người.

 Những màn, những cảnh hoạt động đó làm truyện tiến diễn. Cảnh là một truyện nhỏ trong một truyện lớn, do đấy có sẵn nhân vật, có đụng độ, gay cấn, có hành động, có khủng hoảng, có cao điểm, có giải đáp. Cảnh phải có địa điểm, có thời gian. Cảnh cho thấạy hoạt động quan trọng và gây ảnh hưởng mạnh nên lôi cuốn được độc giả. Cảnh cũng cần thay đổi cho khác nhau, nay chỗ này, mai chỗ kia, nay hoàn cảnh này, mai hoàn cảnh khác để truyện không bị buồn nản.

 Hoạt động tạo nên hồi hộp, căng thẳng. Càng hồi hộp càng dễ giữ độc giả. Ðộc giả càng hồi hộp, càng tò mò muốn đọc tiếp để biết truyện sẽ ra sao, đi đến đâu. Gây hồi hộp, tò mò, nhưng đừng để lâu quá, độc giả sốt ruột. Cũng đừng cắt sớm quá, người đọc chưa kịp say men.

 Muốn gây được hồi hộp, hãy tạo dựng một nhân vật mà họ ưa thích, cho nhân vật lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Vừợa thoát khỏi nguy hiểm này, lại phải đương đầu với nguy hiểm khác sập tới. Truyện càng có nhiều biến chuyển, lòng hồi hộp và căng thẳng càng lên cao. Những đột biến càng làm tăng thêm chăm chú, và người đọc càng thích thú đọc tiếp.

 Cạnh những hoạt động còn có lời thuật hoặc dẫn giải. Hoạt động và lời thuật thường xen lẫn và pha trộn vào với nhau. Lời thuật và cảnh phải xen lẫn vào nhau như chiếc thảm có đan nhiều màu để tạo thành một cốt truyện hay và hấp dẫn.

 Những màn hoạt động, những cảnh sôi động hay những chi tiết ly kỳ thường được chọn lựa để đưa vào ngay phần đầu của truyện để khởi đi mau lẹ, sống động và sôi nổi, kích thích óc tò mò của độc giả. Những truyện trinh thám, gián điệp, băng đảng thường khởi đầu theo lối này.

Miêu tả

 Miêu tả giúp người đọc hình dung ra nhân vật, biết được bối cảnh, để nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhờ đấy hiểu truyện nhiều hơn, rõ hơn, sâu hơn. Tiểu thuyết, cũng như báo, đều có những miêu tả về người, về cảnh. Nhiều bài viết và truyện khởi đầu bằng những đoạn miêu tả, hoặc về người, về cảợnh, hoặc cả hai. Ngay cả những đoạn mở đầu bằng hoạt động cũng có xen lẫn miêu tả. Mỗi khi người, cảnh, và cả hành động, thái độ, tâm trạng của nhân vật được đưa vào truyện là có miêu tả. Miêu tả đi liền với truyện, đan lẫn vào trong truyện, và làm truyện khởi sắc, sống động.

 Người viết dùng năm giác quan ghi nhận những gì xảy ra để miêu tả. Nhờ tai, mắt, tay, mũi, lưỡi, người viết mới tả được cụ thể và linh hoạt, làm độc giả như nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm thấy ở trước mặt. Miêu tả cần chính xác, rõ ràng, ngắn gọn, đừng dông dài, rườm rà. Có những từ để tả rõ. Có những từ hàm ý. Dùng những từ gợi hình dễ gây ấn tượng. Miêu tả giỏi là tạo được ấn tượng bằng cách chọn những chi tiết đặc biệt, thích hợp, dùng những từ gợi ý, sống động, những ví von, so sánh, ẩn dụ như đã đề cập ở văn phong, để trưng cho độc giả thấạy hình ảnh ở trước mắt, như thấy trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, chứ không phải chỉ đọc những chữ tả ở trong sách. Miêu tả vì vậy làm ý nghĩa của truyện trở nên cụ thể, độc giả hiểu truyện sâu sắc hơn.

 Không cần phải tả tỉ mỉ, từng li từng tí, chỉ cần những đặc điểm nổi bật của người, của cảnh. Cảnh nếu quan trọng mới cần nhiều chi tiết. Nhân vật chính, hoặc quan trọng, mới cần những chi tiết như diện mạo, tuổi tác, thân thế, nghề nghiệp, chức vụ, trình độ học vấn, quê quán, nơi cư trú, tính tình, cách nói năng, xử sự, thái độ, và hành động. Chọn những chi tiết đặc trưng để đưa vào những chỗ thích hợp, chứ đừng đưa vào nhiều chi tiết rậm rạp hoặc dồn cục ở mộỳt chỗ. Miêu tả dở là kể ra nhiều chi tiết mà không hội tụ, chú trọng vào điểm nào.

 Trong tiểu thuyết, tác giả được tự do tả người theo ý muốn, theo ý của truyện. Trong báo chí và loại viết không giả tưởng, việc tả người cần thận trọng hơn, nhất là khi tả về thể chất, diện mạo của người mình đã nói chuyện hoặc phỏng vấn. Về thể chất, chỉ nên tả vắn tắt, một vài điểm. Bạn có thể dùng nhận xét hoặc cái nhìn của người khác về nhân vật mà mình viết để độc giả biết thêm. Lối này xen vào để thay đổi nhận xét và để được khách quan hơn.

 Sau đây là đoạn văn ở đầu một chương, vừa tả người, tả cảnh, tả việc, vừa làm truyện diễn tiến.

 Trương Văn Ðăng, người mảnh khảnh, nét mặt phong sương, quần áo bình dị. Anh là một trong những thanh niên Việt tỵ nạn cần cù, lanh lợi, nhiều mưu trí và giàu lòng thương mến gia đình.

 Ðăng bước ra khỏi nhà vào một buổi sáng mùa xuân. Kẹp dưới nách tay trái là chiếc thùng giấy bồi màu cát biển vàng sạm. Tay phải anh kéo sập cánh cửa, nhét chìa khóa vào ổ, xoay một vòng. Căn phòng anh thuê nằm trong một cao ốc già nua, cũ kỹ. Tường phía trước cao ốc vàng bệch, sơn tróc loang lổ, như một bà đầm già thiếu son phấn lại biếng chải chuốt. Tòa nhà đứng ủ dột ở gần góc đường 17 và R thuộc khu tây bắc thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. (Tòa nhà này sau được phá đi và thay thế bằng một cao ốc mới tráng lệ hơn)

 Rời cao ốc, Ðăng tiến lại phía chiếc xe cũ màu xám nhạt đậu ở lề đường gần đấy. Chừng 10 phút sau, chiếc xe rời ranh giới thủ đô, vượt cầu Theodore Roosevelt bắc ngang sông Potomac, tiến vào George Washington Memorial Parkway thuộc tiểu bang Virginia.

 Ðăng khoan khoái trước làn không khí mát mẻ ban mai lọt qua cửa kính hé mở. Lòng anh thơ thới lâng lâng, thỉnh thoảng rộn lên niềm băn khoăn, hồi hộp, khi biết mình đang làm một việc cần thiết và quan trọng. Anh thích thú mỉm cười khi nghĩ đến những nét mặt mừng rỡ, hân hoan của thân nhân. Nhưng rồi anh đột nhiên cau mày, liên tưởng đến những công lao dành dụm của anh trong nhiều tháng ngày sẽ tan biến thành mây khói nếu vụ anh sắp làm bị lộ tẩy.

 Hơn nửa giờ trôi qua. Tháp kiểm soát không lưu của phi trường quốc tế Dulles hiện ra trong ánh nắng vàng dịu. Trụ tháp với tầng kiến trúc tỏa rộng ở phía trên gợi lại hình ảnh ngôi chùa một cột của Việt Nam ở miền bắc mà Ðăng có dịp nhìn thấy trong sách.

 Tới văn phòng chuyển vận hàng hóa của hãng Hàng Không Pháp, Ðăng gặp người quen, Nguyễn Văn Lý, để làm thủ tục giấy tờ gửi quà về cho gia đình ở Việt Nam.

 Chiếc thùng giấy được chằng cẩn thận bằng mấy lớp băng keo. Các kẽ tiếp giáp và cả trên những đường góc bên cạnh cũng được dán kỹ. Thùng được cột chặt thêm bằng hai lượt dây gai xoắn lại với nhau. Trong thùng có 20 thước lụa Pháp, năm khúc vải ga-bác-đin may quần tây, ba gói bột ngọt loại hai cân Anh, hai lọ thuốc trị đau bao tử hiệu Maalox, hai lọ thuốc trị cảm nóng hiệu Tylenol loại 100 viên cực mạnh, hai lọ aspirin thứ 200 viên và một hộp cá mòi nặng năm cân Anh.

 Trong thùng còn một lá thư viết cho “ông già” để báo tin gửi quà về. Thư có đoạn viết: “Con nghèo lắm, chỉ có mấy thứ quà nhỏ này gửi về cho gia đình. Có ít vải để ba và các em may mặc. Một ít thuốc để phòng ngừa khi đau bịnh. Hộp cá con gửi tuy tầm thường, nhưng biểu lộ lòng thương mến của con với gia đình. Nhà ăn thử xem sao. Nếu vì để lâu, cá có mùi, ba bảo mấy đứa nhỏ cho tiêu ớt vào, kho lên hoặc chiên lại mà ăn, đừng vứt đi uổng...”
 (Trích Quê Hương Thương Ghét)

 Sài Gòn Tuyết Trắng cho thấy ngay khi vào truyện là tả thành phố Sài Gòn, đoạn đường Hai Bà Trưng và tâm trạng của người thuật truyện.

 Tôi thẫn thờ nhìn vào khoảng trời mờ mờ tối của thành phố Sài Gòn. Ðầu óc tôi rối bời. Tâm thần tôi mệt mỏi. Lòng tôi trũng xuống. Nhiều câu hỏi đang quay cuồng nhảy múa trong trí tôi. Chúng chập chờn, khi ẩn khi hiện. Câu hỏi này chưa được trả lời, câu hỏi khác lại nhảy tới. Chúng như đám muỗi vo ve, vây hãm và châm đốt tôi tới tấp. Những âu lo vì vậy dồn dập chồng chất trong lòng tôi sau cả một ngày căng thẳng.

 Tôi đứng trên lầu ba, tựa người vào thành bao lơn, lơ là nhìn xuống đường Hai Bà Trưng ở phía dưới. Chạy ngang trước mặt nhà thờ Tân Ðịnh, đoạn đường vào giờ này bớt ồn ào. Xe cộ ngược xuôi thưa thớt hơn Một chiếc xe gắn máy phóng thật nhanh, tiếng động cơ rít lên, vụt chạy về phía Phú Nhuận như vội về nhà gấp trước giờ sắp giới nghiêm. Dãy nhà hai bên đường đứng bình thản. Nghĩa địa Mạc Ðĩnh Chi, chênh chếch trước mặt tôi về phía tay phải, im lìm trong tăm tối. Xa xa phía tay trái bảng hiệu của nhà hòm nổi tiếng Tobia lờ mờ trong ánh đèn vàng.

 Tôi thấy mình rờn rợn. Tôi đăm chiêu, tư lự.

 “Có lẽ nào mau lẹ thế?” tôi tự hỏi.

 Bầu trời Việt Nam từ lâu đã không sáng sủa. Nhiều đám mây đen vẫn lảng vảng ở phía xa. Ðiều không thể ngờ là những đám mây đen ùn ùn đùn lên quá nhanh. Nền trời thấp hẳn xuống, tối sầm lại. Chớp giật loang loáng. Sấm sét nổ ầm ĩ. Mưa tuôn ào ạt. Gió giật đùng đùng, rít mạnh từng hồi. Thoạt đầu tưởng chỉ là một cơn giông thường, trận bão bất ngờ biến thành hung dữ, hoành hành với cường độ mãnh liệt nhất tôi chưa từng thấy.

 Con thuyền mong manh Việt Nam đang bị trận bão nhồi dập, sắp chìm đắm. Tôi nghĩ đến cuộc chiến Việt Nam, sau gần 30 năm, đang diễn tiến ác liệt để đi đến hồi kết thúc.

Ðối thoại

 Ít có truyện nào viết mà không có đối thoại. Những nhân vật trong truyện nói với nhau, hoặc đối đáp nhau, làm người đọc như chứng kiến hai người trước mặt, như coi phim có tiếng nói, chứ không phải phim câm. Ðối thoại làm lời nói sống động, hơn là kể lại những lời phát biểu của những nhân vật.

 Ðối thoại rất quan trọng trong tiểu thuyết. Qua đối thoại các nhân vật có thể giãi bày ý nghĩ, giải thích hành động, bày tỏ những cảm xúc vui, buồn, hờn, giận, biểu lộ cá tính của mình. Lời nói của các nhân vật khơi động lòng yêu, ghét của người đọc. Người viết còn dùng đối thoại để làm truyện diễn tiến và chuyển động, phanh phui manh mối những xung đột, tiết lộ động cơ hành động, báo tin biến chuyển sắp xảy ra, hay giải đáp những tranh chấp, và có khi tóm lược chuyện quá khứ thay vì người viết phải kể lại. Ðối thoại còn là cách để người viết đưa vào quan điểm của mình, ý kiến của mình. Ðộc giả nhờ đối thoại dễ lĩnh hội và suy ngẫm về câu chuyện.

 Vì đối thoại có công dụng đa dạng, người viết cần đặt mình vào địa vị của mỗi nhân vật, đóng vai trò của mỗi nhân vật, ở mỗi hoàn cảnh để lời đối thoại hợp với thực tế và đúng với vai của người trong cuộc. Ðối thoại của người trong truyện phải tự nhiên và đúng như ngôn ngữ ngoài đời, nhưng đừng lông bông, rườm rà như chuyện thường ở ngoài, mà nên cô đọng, cắt xén cho gọn lại, đi thẳng vào điểm chính hay có liên hệ đến vấn đề. Ðối thoại cũng không cần đúng văn phạm, hoa mỹ, nhưng cần phản ánh thực tế. Lời đối thoại có thể xen những từ sáo, tiếng lóng, tiếng địa phương, biệt ngữ, nếu có gợi ý hoặc giải thích vắn tắt để người đọc hiểu được.

 Truyện có bao nhiêu đối thoại thì vừa? Với tiểu thuyết, có người cho đối thoại chiếm một nửa, còn nửa nữa là miêu tả hay tường thuật. Khó mà định hẳn một tỷ lệ nào đó. Ðối thoại nhiều hay ít là tùy truyện, tùy hoàn cảnh, tùy màn.

 Trong văn viết, lời đối thoại thường được dùng trong ngoặc kép, hay có dấu gạch ngang ở đầu dòng, để phân biệt lời người này với người khác. Khi thuật, cần xác định ai nói lời đó. Người nói nên đi trước hay sau lời trích thuật? Trong sách báo Việt Nam, người nói đi trước. Trong sách báo Âu, Mỹ, người nói thường đi sau một câu ngắn, hoặc một phần câu nếu câu dài. Mời bạn đọc hai lối viết đối thoại sau đây:

 Tôi hỏi bà bạn ở Orange County, California: “Bà mới đi chơi Việt Nam về?”

 Bà đáp: “Vừa mới về được mấy ngày.”

 Tôi nói: “Thế bà ăn Tết Tân Tỵ ở Việt Nam, vui há?”

 Bà trả lời: “Vui gì mà vui. Tôi bảo ông chồng tôi lần sau muốn về thì đi một mình, tôi không về nữa,”

 Và lối thứ hai:

 “Bà mới đi chơi Việt Nam về?” tôi hỏi bà bạn ở Orange County, California.

 “Vừa mới về được mấy ngày,” bà đáp

 “Thế bà ăn Tết Tân Tỵ ở Việt Nam, vui há?” tôi nói.

 “Vui gì mà vui. Tôi bảo ông chồng tôi lần sau muốn về thì đi một mình, tôi không về nữa,” bà trả lời.

 Lối thứ nhất xác định người nói rồi tới lời nói. Lối này theo thứ tự thời gian, nhưng làm văn đang đọc bị đứt đoạn, bị chậm lại vì những chữ như tôi hỏợi, bà đáp. Lối thứ hai, để lời nói đi trước và ngay ở đầu câu, làm người đọc bắt được ý mau hơn, thấy truyện diễn tiến dồn dập hơn, và giúp độc giả đọc nhanh hơn. Còn phụ ngữ cho biết người nói lời đó là thứ yếu, chỉ cần liếc qua là biết, và có khi không cần đọc cũng đoán được ai nói nếu có đối thoại dài giữa hai người.

Trích thuật 

 Báo chí và những loại viết không giả tưởng ít có đối thoại hơn tiểu thuyết, nhưng có những trích thuật lời nói của người được đề cập tới. Những lời này được rút ra từ những cuộc phỏng vấn, những buổi diễn thuyết, thảo luận, chuyện trò và có khi nghe lóm được. Những tài liệu như biên bản, báo cáo và sách báo cũng được trích thuật. Lời trích thuật còn cho thấy người viết có sưu tầm, dẫn chứng tài liệu, nên làm tăng giá trị của bài viết và tạo tín nhiệm cho tác giả.

 Nhà báo ít khi có dịp được chứng kiến sự việc ngay tại chỗ, mà thường nghe những người khác thuật lại sự việc hay câu chuyện xảy ra. Lời kể của những nhân chứng đó có thể được thuật trực tiếp, nhưng không có nghĩa là phải ghi chép nguyên văn. Khi chuyện trò, người ta thường nói luộm thuộm, dài dòng, đôi khi không đúng văn phạm, cú pháp, vì vậy không phải thuật đúng từng chữ họ nói, mà chỉ chọn những từ cần thiết để cô đọng ý và giữ đúng ý. Cũng có thể tóm gọn hoặc sửa đổi câu nói, thêm bớt một số chữ mà không làm sai lạc ý của họ. Chỉ những chữ hay câu nào đúng nguyên văn mới để trong ngoặc kép, nên nhiều khi chỉ có một vài chữ được đóng ngoặc kép. Lời trích thuật vì thế phải có gì đặc biệt như để tăng cường ý bài viết, làm nổi bật ý, soi sáng vấn đề, hoặc tạo sống động, dí dỏm cho người đọc. Ðoạn dưới đây có một số trích thuật, có khi là một câu, có khi chỉ vài chữ xen vào bài của người viết:

 Năm 1967 ông Kỳ có ý định ứng cử tổng thống với tư cách đại diện quân đội và tin chắc ông sẽ thắng. Ông ngạc nhiên thấy ông Thiệu loan báo cũng ra tranh cử. Thấy nguy cơ thất bại nếu quân đội có hai ứng cử viên đối địch nhau, một số tướng lãnh đã gặp riêng ông Thiệu để yêu cầu ông Thiệu đừng ra tranh cử. Trung Tướng Nguyễn Ðức Thắng, người ủng hộ ông Kỳ, đã gặp Trung Tướng Thiệu để can ngăn, và hai người đã to tiếng “suýt đánh nhau,” theo sách viết.

 Ông Kỳ và nhiều tướng lãnh trong Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia lúc đó đã họp bàn và quyết định cho Tướng Thiệu giải ngũ, đưa Ðại Tướng Cao Văn Viên lên chức quốc trưởng. Khi quyết định này sắp sửa được loan báo, và thấy ông Thiệu “sắp khóc,” ông Kỳ đột nhiên nói: “Tôi sẽ trở về Không Quân. Các ông có thể cử Trung Tướng Thiệu làm ứng cử viên tổng thống.”

 Lời nói thốt ra bất chợt trong khoảng “một phần mười ngàn giây đồng hồ, nhanh hơn một nháy mắt,” và đến nay vẫn còn là “một bí hiểm lớn đối với tôi,” theo lời thuật của ông Kỳ. Ông cũng không hiểu tại sao ông lại quyết định như vậy. Ông giải thích có lẽ vì thấy ông Thiệu sắp khóc, và vì lòng từ tâm của con nhà Phật, mủi lòng “thương hại,” mà ông quyết định như vậy. Ông cho rằng nếu lúc đó ông ngậm miệng thì “thế giới đã đổi khác.”

 Sau khi ông Kỳ cho biết không ra ứng cử, một số tướng tá đã yêu cầu ông đứng chung liên danh với ông Thiệu. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã bóc lon ra, nói sẽ từ chức và ra khỏi quân đội, nếu ông Kỳ không chịu đứng chung với ông Thiệu. Ông Kỳ rút cục đồng ý. “Ðó là lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi. Từ năm 1975 không một ngày nào mà tôi không hối tiếc,” ông Kỳ viết.

 Viết tóm lược lời nói, hoặc viết lại cho gãy gọn mà giữ đúng ý, còn làm bài viết được giản dị, trong sáng, giúp độc giả đỡ thắc mắc, khó hiểu, và cũng giúp người viết khi không nhớ được hết nguyên văn. Thuật khéo thì hấp dẫn, linh động, sáng sủa. Thuật dở thì lòng thòng, chán phè, làm người đọc bực mình rồi bỏ ngang.
 Những trích thuật lời nói của những người trong cuộc phỏng vấn, hay tuyên bố nơi công cộng, nên có tên người nói. Nếu họ nói riêng với mình, hoặc yêu cầu đừng nhắc đến tên, không nên nêu tên của họ. Lối trích thuật như vậy cũng được áp dụng cho tài liệu hay sách báo. Với sách báo, nên ghi chú xuất xứ, để cho thấy có sưu tầm nghiên cứu, và cũng để tránh bị tố là đạo văn.

Giai thoại 

 Giai thoại là những mẩu chuyện có liên hệ đến người hay sự việc trong truyện. Một bài viết, hoặc cuốn sách, có những câu chuyện nhỏ làm truyện sống động, hấp dẫn hơn. Giai thoại thường hé lộ cho biết cá tính hay tư cách của nhân vật, hoặc một khía cạnh đáng chú ý của vấn đề. Vì vậy giai thoại tự nói lên ý nghĩa của nó, chứ không cần giảng giải. Ðộc giả dễ lĩnh hội ý nghĩa của câu chuyện và tự rút ra kết luận. Kinh Thánh đã dùng những mẩu chuyện để giảng giải luân lý, đạo nghĩa và được coi là có hiệu lực hơn những lời thuyết pháp.

 Vì là truyện nhỏ nằm trong những truyện khác, việc thuật lại mẩu chuyện cũng đòi hỏi tài kể chuyện. Giai thoại cần viết ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề, nhất là phải vui vui, ngồ ngộ để giải trí độc giả. Truyện phải mới, ít người biết. Thường được kể theo thứ tự thời gian, chuyện nên có nút mở bất ngờ ở cuối. Bất ngờ này làm người đọc ngạc nhiên, thích thú, nở một nụ cười khoái trá. Trong Sài Gòn Tuyết Trắng, vụ ông đại úy cảnh sát mang lon trung tá giữ an ninh trật tự ở tòa đại sứ Mỹ khi có cuộc di tản năm 1975 làm nhiều người đọc không khỏi mỉm cười.

 Nhà văn, nhà báo còn dùng những mẩu chuyện để mở đầu sách hay bài viết hoặc để dẫn vào chủ đề của bài. Những chuyện khác lạ, trớ trêu, trái khoáy càng dễ lôi kéo sự chú ý của độc giả. Bạn đọc dễ nhận thấy lối này trong báo chí, nhất là trong loại bài đặc biệt.

Hồi Tưởng

 Hồi tưởng là kỹ thuật dùng cảnh hay mẩu chuyện trong quá khứ để xen vào nhằm làm độc giả biết thêm tin tức hay hiểu rõ hơn về truyện chính. Có thể xen vào bằng cách tóm tắt biến cố đã qua hoặc nhớ lại sự việc hồi trước. Hoặc lấy một chi tiết nào đó rồi khơi lại việc xa xưa. Cũng có thể dùng đối thoại hay hành động để gợi lại chuyện cũ. Hồi tưởng hay là có cả miêu tả, đối thoại và hành động. Tiểu thuyết thường có những đoạn hồi tưởng về những giai đoạn xa xưa như thuở thiếu thời, lúc đi học, mối tình đầu hoặc cuộc tình đã qua. Xen vào nửa chừng như vậy dễ làm gián đoạn truyện, hồi tưởng cần vắn tắt. Ðiều quan trọng khi xen hồi tưởng phải khéo léo, tự nhiên, không làm người đọc hoang mang, khó hiểu, làm gián đoạn mạch truyện đang kể. Nên tránh xen hồi tưởng khi truyện đang ở lúc gay cấn.

Gây cảm xúc

 Muốn hấp dẫn, lôi cuốn, bài hay truyện còn cần làm cho độc giả hòa mình vào truyện, để họ tưởng như đang sống với truyện, như chính họ đang trải qua những kinh nghiệm của người trong truyện, để họ mỉm cười, hoặc sụt sùi nước mắt. Gây được những cảm xúc như vậy là người viết dễ thành công.

 Không phải chỉ có những loại truyện tình cảm, ướt át mới khơi được xúc động của người đọc. Những truyện không giả tưởng vẫn có thể làm nở những nụ cười, hoặc làm rơi những giọt lệ. Tạo ra được xúc cảm thường phải là truyện của cá nhân, chứ không phải của tập thể, vì cá nhân mới cụ thể và mới dễ gây tác động với người đọc. Ðộc giả xúc cảm vì ý thức được hoàn cảnh buồn bã, đau lòng đối với người trong cuộc, như cảnh đám ma, truyện tình tan vỡ, gái quê bơ vơ trước hoa lệ của đô thị. Những truyện trẻ thơ bị bỏ rơi, gái quê bị lừa gạt, người nổi tiếng chết vì tai nạn, thường dân vô tội bị tai họa chiến tranh, đều là những truyện dễ khơi động lòng thương cảm của người đọc, khiến họ mủi lòng, rơi lệ, quyên góp tiền bạc, mang thực phẩm đến giúp đỡ. Kể một chiến binh với những cảm xúc khi xông pha ngoài chiến trận, lúc đói khát, trèo đèo, lội suối, băng rừng, và khi đụng độ với địch phải nằm bẹp dưới làn đạn cày đất tung bụi, trong lúc đồng đội người bị thương, người chết, sẽ gây tác động hơn là kể chuyện một sư đoàn dàn quân đánh nhau với địch. Truyện một thanh niên Việt tỉ mỉ bỏ vàng vào hộp cá gửi về cho anh chị em ở Việt Nam làm người đọc thích thú hơn là chỉ nói những vụ gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam của tập thể người Việt ở hải ngoại.

 Ðộc giả cũng thường thích cười đùa, nên tìm hoặc chêm vào những giây phút thoải mái, những nụ cười, những ý nhị nếu có dịp. Nhiều tiếng cười đến vì những sự việc nghịch lý, trái bình thường. Những hành động của anh chồng sợ vợ, những kiểu cảnh sát lớ ngớ khi tìm bắt gian phi, lối nghịch ngợm của học trò với thày giáo, kiểu lính đùa giỡn cấp trên hoặc lối sống bủn xỉn của người giàu, thường dễ tạo ra những tràng cười thoải mái. Chính vì vậy những bài viết châm biếm, dí dỏm, chọc ghẹo, dễ được người đọc ưa thích. Những tình tiết vui buồn không nhất thiết phải dài dòng, nhiều khi chỉ cần vài tiếng gợi ý đủ tạo xúc cảm cho người đọc.

Dài, ngắn

 Bài báo hay sách nên viết dài hay ngắn? Bao nhiêu thì vừa?

 Dài hay ngắn tùy loại, tùy nội dung còn sức lôi cuốn độc giả hay không, và tùy theo tác giả lượng định. Nói chung, dài đủ để truyện có đầu có đuôi, có sức hấp dẫn, đáp ứng được ước muốn của độc giả.

 Viết ngắn quá, sách tỏ ra nghèo nàn nội dung, khó bán. Nếu ngắn, phải xem lại dàn bài, duyệt lại cốt truyện, thêm cảnh, thêm hoạt động, tạo thêm những tranh chấp phức tạp.

 Viết dài mà không có nhiều tình tiết và biến chuyển hấp dẫn, sách làm người đọc nản. Ðừng nghĩ viết dài là giỏi, làm sách có giá trị. Những sách dày cộm, viết lông bông mà nội dung không hấp dẫn, dễ làm độc giả sợ. Ấn phí cũng cao hơn, giá bán sách tăng lên, và người đọc đắÔn đo khi mua. Nếu thấy dài, xem lại, cắt đi những đoạn rườm rà, lòng thòng. Số trang nên sắp xếp làm sao cho tiện với xấp giấy của nhà in. Nhà in Việt Nam thường in tám trang một tập, còn nhà in Mỹ 24 trang hoặc 48 trang mỗi tập.

 Các chương trong sách cũng nên được sắp xếp cân đối. Chương dài quá làm độc giả khó đọc liên tục trong một lúc và dễ chán. Chương ngắn quá làm độc giả có cảm tưởng không có gì quan trọng, gay cấn ở trong. Người viết nên sắp xếp để mức dài ngắn của các chương xấp xỉ gần bằng nhau.

 Chương thường được kết thúc mỗi khi đổi khung cảnh, đổi đề mục, đổi quan điểm hay đổi nhân vật trong truyện. Hết một chương, độc giả thường có khuynh hướng nghỉ đọc, trừ phi sách hấp dẫn và lôi cuốn. Muốn độc giả đọc tiếp, ngoài cốt truyện hay, còn kỹ thuật để đoạn gay cấn lửng lơ ở cuối chương, hoặc ngụ ý điểm gay cấn sẽ được giải quyết ở phần tiếp.

Viết hay

 Bạn đã thấy những yếu tố góp phần làm cho truyện hay là cốt truyện, nhân vật, xung đột, hoạt động, miêu tả, tương phản, đối thoại, và những tình tiết. Tất cả những điểm đó phải gắn bó với nhau, mạch lạc, hợp lý và làm người đọc hài lòng. Khi viết truyện về người hay việc xảy ra, nhớ sáu câu hỏi căn bản: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Trả lời được càng nhiều chi tiết về sáu điểm trên, bài viết càng được đầy đủ, không bị những lỗ hổng, những thiếu sót, và độc giả cũng hài lòng khi thấy những thắc mắc được giải đáp.

 Người viết hiểu thấu đáo câu chuyện hay sự việc, viết sẽ dễ dàng và rõ ràng. Nếu không, bài viết trở thành lờ mờ, khó hiểu. Khi viết, đặt mình vào địa vị người đọc để dự đoán những gì họ muốn biết, muốn hỏi.

 Từ những điều thu thập được, sắp đặt câu chuyện cho có thứ tự, mạch lạc, và dùng những kỹ thuật để làm cho bài viết được hấp dẫn. Bài viết phải có mở đầu lôi cuốn. Truyện phải có gay cấn, hấp dẫn.

 Truyện viết phải có chủ đề, và phải chú trọng vào chủ đề. Bài viết không có chủ đề, không nhắm vào trọng điểm sẽ trở thành lang bang, lộn xộn và người đọc khó bắt được ý chính, do đấy khó hiểu. Không chú trọng vào chủ đề, bài viết không giải đáp được những thắc mắc của độc giả, không đáp ứng kỳ vọng của họ.

 Bài viết dù giả tưởng hay không giả tưởng còn cần có một ý nghĩa nổi bật, hoặc ngụ ý, hoặc gửi gắm một thông điệp. Ý nghĩa này thường dễ nhận trong loại viết không giả tưởng, khi bạn biết mình viết về vấn đề gì, vì sao viết vấn đề đó. Nhưng trong tiểu thuyết ngụ ý của truyện nhiều khi không lộ rõ. Vì tác giả không nói rõ, nên người đọc có thể giải thích theo nhiều lối khác nhau tùy theo nhận định của mỗi người. Dù không lộ diện, ngụ ý vẫn nằm sẵn trong tác phẩm, nên Judy Delton cho rằng ý nghĩa của truyện chạy ngầm song song với đề tài từ đầu tới cuối.

 Thêm vào những điểm về nội dung, tác phẩm hay còn cần lối viết tự nhiên, giản dị như khi nói chuyện. Người viết hay là để người ta đọc mà tưởng mình nói, chứ không phải viết. Lời văn diễn tả phải ngắn, gọn, hợp với đề tài, đối thoại phải linh động. Sống động là làm độc giả đọc mình mà tưởng như đang chứng kiến sự việc xảy ra trước mắt, nhìn thấy cảnh vật, nghe các nhân vật nói chuyện với nhau, khiến độc giả hòa mình vào trong cuộc, muốn đọc để theo dõi truyện hoặc để tìm hiểu, học hỏi.

 Muốn viết hay, người viết cần đọc nhiều sách báo. Ðọc là cách tốt và mau để học viết. Hãy đọc tác phẩm của những cây viết nổi tiếng, những tờ báo có uy tín để phân tích và học hỏi cách dàn dựng truyện, cách tạo nhân vật, cách phô diễn cá tính, cách miêu tả người, cảnh và hoạt động, cách mở đầu và kết thúc bài viết, tầm mức dài ngắn của truyện, lối sử dụng chữ và những cách phát biểu trong sáng, gọn gàng. Cũng nên liếc qua những sách báo hạng xoàng hoặc dở để nhận thấy những sơ suất, lỗi lầm của họ mà tránh.

 Người đọc, phần đông không biết kỹ thuật viết, vẫn biết phân biệt truyện hay hoặc dở, như thực khách không nấu ăn vẫn biết món ăn tiệm nào ngon, tiệm nào tồi. Nhưng xin bạn nhớ rằng lượng định sách hay hoặc dở tùy thuộc nhiều yếu tố trong đó có chủ quan, cũng như món ăn được khen ngon hay bị chê tùy theo khẩu vị mỗi người. Một cuốn sách hay không nhất thiết sẽ thành sách bán chạy nhất. Không có tiêu chuẩn nào đểợ đảm bảo sách trước khi in sẽ thuộc loại ăn khách nhất. Ngay cả người viết có tài, tìm được đề tài hay, cũng không dám chắc là tác phẩm viết ra sẽ đứng đầu về số bán. Có nhiều yếu tố để sách bán chạy. Có khi do tình cờ, đề tài được độc giả ưa thích. Có khi vì loại truyện độc giả dễ đón nhận như những truyện tình gay cấn, ướt át, hoặc truyện trinh thám ly kỳ, hoặc vấn đề thời sự đang được chăm chú theo dõi, hoặc loại truyện vui dí dỏm. Có khi vì người viết đã nổi tiếng, hoặc được độc giả ái mộ.

 Vì không thể đoán được phản ứng của độc giả, bạn cứ cố viết cho thật hay rồi kết quả sẽ tới sau. Ít ra bạn cũng hoàn tất được tác phẩm và trở thành tác giả. Nếu bạn may mắn thành công, mừng bạn vì vừa có tiền vừa có tiếng.

 Viết hay là một nghệ thuật. Nghệ thuật được phát huy do chính người viết, chứ không ai có thể chỉ dạy được. Những kỹ thuật đề cập ở trên chỉ là những chỉ dẫn để giúp viết hay mà thôi. Irving Stone, một trong các tác giả có những sách vào hàng bán chạy nhất của Mỹ, nhìn nhận thật khó định nghĩa thế nào là nghệ thuật. Theo ông, nghệ thuật là tiếng hát trong dòng máu, là khoái cảm của thần kinh, là ánh lửa bùng lóe trong tim, là sáng rực của giá trị nhân bản trong tâm trí. Muốn vậy, theo ông, văn có lối viết trầm bổng, làm người đọc vui thích, không rời mắt ra được; nhân vật và tình huống tỏa ra hương vị hài hước; tình tiết của truyện và hồi hộp phải quấn quít vào nhau; cảnh phải gay cấn để người đọc cảm thấy như mình là nhân vật chính trên sân khấu, và tiếp tục đọc say mê, thích thú, lật trang này qua trang khác khi đọc được những ý tưởng mới, những khái niệm sâu xa hơn và hiểu hơn về thân phận con người.

(Trích từ quyển "Múa Bút")