Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012
Lê Thành Nhơn (1940-2002)
Trích từ
quyển "Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại" của Huỳnh Hữu Ủy, VAALA
xuất bản 2008.
Về điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn, trong khoảng thời gian 1970-1975, anh được công chúng chú ý đến một
cách đặc biệt vì dự án xây dựng mười tượng đài danh nhân tầm cỡ của Việt Nam.
Tập trung suy nghĩ, thu thập tài liệu và thực hiện liên tục nhiều phác thảo
trong tình trạng nghiên cứu, Lê Thành Nhơn hăm hở, nhiệt tình dồn hết sức lực
của mình, quyết dựng những tượng đài to lớn của các danh nhân đất nước, mỗi
tượng đài sẽ là một tác phẩm cô đọng những nét đặc trưng nhất. Trước tiên anh
bắt tay thực hiện chân dung Nguyễn Trung Trực, pho tượng lớn được đắp bằng đất
sét thử nghiệm nơi xưởng làm việc của
anh giữa một khu vườn ở đường Nguyễn Du, dự trù sẽ đúc đồng để dựng ở
Rạch Giá, trên chính vùng đất nhà anh hùng dân chài đã đổ dòng máu nóng dâng
trào vào những ngày đầu tiên Nam Bộ kháng Pháp. Thời kỳ này, pho tượng Phan
Thanh Giản cao 2,5 mét cũng đã được hoàn tất, thực hiện bằng xi măng cốt sắt.
Đầu thập niên 1970, đang
giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, được mời thỉnh giảng ở trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Trong những ngày đi về làm việc ở Huế, ý định của anh về
những công trình này càng được thôi thúc thêm giữa bầu không khí sôi sục của một
thành phố hừng hực lửa đấu tranh. Những tượng đài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn
Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Du, Phan Bội Châu... nhất định sẽ phải được
dựng lên. Chân dung Phan Bội Châu, linh hồn cuộc chiến đấu giành độc lập dân
tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã hình thành trong bối cảnh ấy. Giữa khuôn
viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, pho tượng được hoàn tất đợt đầu bằng đất
sét. Khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại được đắp tạc khá hoàn hảo, đầy tính chiến
đấu, lột tả được nét kiên cường, cứng rắn cũng như sự thông tuệ, rực rỡ vô
song. Tượng chỉ là khuôn mặt phóng lớn đầy tính diễn tả, thêm vào đó là những
mảng phù điêu đắp nổi phía hậu diện pho tượng hình ảnh cuộc đấu tranh bền bỉ
của đất nước từ kỷ nguyên thứ nhất cho đến ngày nay. Bức tượng đất sét được
những người thợ đúc truyền thống của Huế đúc thành tượng đồng cao hai thước,
nặng gần bốn tấn, công trình đang thực hiện dở dang thì biến cố năm 1975 xảy
đến. Gần 15 năm qua, pho tượng nằm hoang phế giữa Phường Đúc gần đồi Long Thọ,
và mãi đến cuối năm 1987, di tích lịch sử và mỹ thuật này mới được chuyển về
dựng tại vườn cũ của cụ Phan, rất trang trọng trên đầu dốc Bến Ngự.
Cùng với thời kỳ này, Lê Thành Nhơn thực hiện
khá đạt tượng chân dung Quan Thế Âm trước trung tâm văn hóa Liễu Quán
của Phật giáo ở Huế. Là tượng Phật Quan Âm, tất nhiên phải giữ qui cách và ước
lệ cũ để gợi ý về biểu tượng này. Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem đây là chân
dung của một người phụ nữ với phong cách rất lạ, phía trên đầu là một khối hình
chóp gần với thể dạng quen thuộc trong mỹ thuật Chàm, với các vũ nữ múa
Apsaras, các tượng nữ thần Laksmi hay Siva, khuôn mặt rất bay bổng do đôi mắt
thanh nhã, môi mỏng, cổ cao mà tác giả đã tìm cảm hứng hiện thực từ khuôn mặt
của một ca sĩ thời danh và rất phiêu lãng lúc bấy giờ. Gần như phong cách tượng
Phật Quan Âm vừa đề cập, chúng ta còn tìm thấy vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng
nhưng cứng cáp và chắc nịch của khối thể nơi tượng Bà Mẹ Việt Nam
với chiếc khăn trùm quen thuộc của những bà mẹ Nam Bộ. Tượng này vẫn còn ở
nguyên chỗ cũ, trước sân xưởng làm việc ngày trước của Lê Thành Nhơn (101
Nguyễn Du, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), chỉ đáng tiếc là chẳng còn ai để ý tới nên
không còn được bảo vệ tốt giữa bao nhiêu sắt, gạch, gỗ, đá chồng chất của một
cơ sở xây dựng hiện nay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét