Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012



BLOG ĐÀO TUẤN

Hai năm trước, một bức ảnh do nhà sử học lừng danh Dương Trung Quốc sưu tầm được ở Pháp về “tuần lễ vàng 1945” đã gây ra sự xúc động trong dư luận. Đó là một bức ảnh chụp cảnh người dân đi đóng góp tiền, vàng cho quốc gia “đông như hội”. Sau ngày độc lập, ngân khố quốc gia bấy giờ chỉ còn lại 1,2 triệu đồng Đông Dương. Và trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới “sự hy sinh”. Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương cũng có thể hy sinh để phụng sự Tổ quốc.

Chỉ trong vòng 7 ngày, đồng bào cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền Đông Dương và 370kg vàng. Quy đổi theo tỷ giá 400 đồng Đông Dương 1 lạng vàng thì tuần lễ vàng 1945 đã quyên góp được 59.618 lạng vàng, bằng 10 lần số tiền trong nhà băng Đông Dương khi giành lại chính quyền ở thủ đô Hà Nội.
Những nhà sử học sau này, nhìn con số đó để nói về một “kỳ tích”. Nhưng thứ kỳ tích lớn nhất mà sử sách không thể không ghi. Đó là kỳ tích lòng dân. Kỳ tích về sự hy sinh không có giới hạn. Chưa bao giờ người dân sẵn sàng hy sinh đến thế. Chưa bao giờ người dân và Chính phủ lại đồng lòng như thế.

Hôm qua, hơn 60 năm sau “tuần lễ vàng 1945”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn QH nhắc lại chuyện “gia đình dòng họ tôi góp vàng cho Chính phủ” từ những ngày đầu lập quốc, để kêu gọi nhân dân, trong phạm trù “cả hệ thống chính trị” cần “vào cuộc” cùng với Chính phủ trong thời buổi khó khăn này, dù bà không nói rõ về sau này “dòng họ, gia đình” có tiếp tục đóng góp vàng cho Chính phủ.

Lời kêu gọi của bà Bộ trưởng không sai. Chỉ có điều, lời kêu gọi đó rơi tõm trong sự im lặng, không một lời hưởng ứng. Cũng giống y như chuyện Thống đốc cam kết giữ hộ vàng cho dân. Cũng rơi tõm vào sự thất bại.

Lý do tất nhiên hoàn toàn không phải là vì dân không còn tiền, còn vàng.

Thực tế, người dân chưa bao giờ đứng “ngoài cuộc” với những khó khăn của quốc gia, của đất nước. Bản thân việc họ hàng ngày vẫn nai lưng ra làm để kiếm miếng ăn cho bản thân, cho gia đình mang lại sự phồn vinh cho xã hội đã là một sự “giúp sức” cùng Chính phủ. Bản thân việc những người dân của một quốc gia thuộc về phạm trù “thế giới thứ ba” đang phải chịu một mức thuế, phí cao gấp 2-3 lần khu vực, không một lời kêu ca, cũng đã đáng coi là một thứ hy sinh. Bản thân những người nông dân vẫn đang loay hoay với chuyện áo cơm để làm nên kỳ tích xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, nhiều nhất thế giới, và cũng rẻ nhất thế giới, dường như cũng không thể gọi khác hơn là cống hiến.

Và họ đã được hưởng những gì để tiếp tục “vào cuộc”!? Và họ còn gì nữa để có thể “chung sức”!?

Có một câu chuyện thú vị liên quan đến “tuần lễ vàng 1945” mà những bức ảnh tư liệu còn lưu lại được. Đó là hình ảnh cựu hoàng Bảo Đại, bấy giờ mang tên công dân Vĩnh Thụy, đứng phát biểu trong buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hôm bế mạc Tuần lễ Vàng. Bức tranh chân dung Hồ chủ tịch, với giá khởi điểm 10.000 đồng Đông Dương (khoảng 25 lạng vàng) đã được mua với giá 100.000 đồng Đông Dương. Và người mua là phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Mở ngoặc đơn, ông bà Bô cũng là những người đóng góp nhiều nhất cho Chính phủ: Hơn 5.000 lượng vàng.

Năm 2003, sau đúng nửa thế kỷ, sau đủ sự can thiệp của 4,5 đời các vị nguyên thủ quốc gia, bà Bô mới đòi được lại căn nhà từng cho nhà nước mượn.

Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ còn có một tuần lễ vàng. Và ngoài bức chân dung ông Cụ 60 năm trước, cũng chẳng có một bức chân dung nào được bán đấu giá nữa. Vì đơn giản sẽ chẳng bao giờ có thêm một “niềm tin bà Bô”, dù lòng dân, sau hơn nửa thế kỷ, có lẽ không hề thay đổi.



BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Bà nội tôi chỉ có hai người con trai là bác và ba tôi. Thấy hai người đang học chữ Nho tự dưng nghe theo phong trào Duy Tân, chuyển sang học chữ Quốc Ngữ, rồi hớt tóc ngắn, mặc đồ tây bà lo sợ lắm. Bà suốt ngày canh chừng và căn dặn: Hai con đừng có làm phản chống Tây mà triều đình bắt xử chém.

Đúng thế, thời đó triều đình Nhà Nguyễn được mẫu quốc Tây cho một ít đất miền Trung để ngồi làm vì cai quản cho oai nên rất cúc cung tận tụy với mẫu quốc, ai tỏ ý chống Tây là bắt tù và xử trảm ngay. Bao nhiêu người ở quê Quảng Nam tôi, thời đó bị tù đày hoặc bị xử trảm vì tội chống Tây.  Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...bị tù. Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên... bị chém đứt đầu, chưa nói hàng chục người khác đứng lên biểu tình chống xâu thuế cũng bị xử trảm. Người dân quê tôi nhìn vào đó mà không khỏi không rùng mình sợ hãi.

Nội tôi sợ đến mức lúc nhắm mắt còn trăn trối lại với hai ông con trai: "Con ơi đừng có chống Tây!" đâu biết rằng cả hai ông con trai đều theo Việt Minh chống Tây từ đời nào.

Cả nước thời đó đều như vậy. Ai sợ thì sợ, ai chống Tây thì cứ chống Tây. Hết lớp nầy đến lớp khác, hết cách nầy đến cách khác, bao nhiêu thế hệ bị tù đày, hy sinh không thể nào kể ra hết...

Lịch sử dường như được lặp lại. Không biết thời nầy đất nước mình có độc lập tự do thật sự hay chưa, nhà cầm quyền của mình có bị thằng Tàu bảo hộ hay không mà ai tỏ ý chống Tàu xâm lược đều cũng bị truy bức và bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng.

Cù Huy Hà Vũ bị tù vì đã đòi kiện Thủ Tướng về việc cho Tàu vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên và nhiều chuyện khác.

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị tù vì biểu tình và viết bài chống Olympic Bắc Kinh để phản đối việc Tàu thành lập thành phố Tam Sa.

Bùi Hằng bị đưa đi cải tạo vì liên tục tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược.

Cô gái trẻ Phạm Thanh Nghiên bị tù vì treo biểu ngữ chống Tàu cộng xâm lược.

Đảng viên trẻ Nguyễn Chí Đức bị bắt thô bạo và bị đạp vào mặt vì tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược.

Các bạn sinh viên, các bạn trẻ yêu nước, các blogger trẻ như Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Trầm Tử, Paulo Thành Nguyễn, Gió Lang Thang, Hành Nhân, Người Yêu Nước, Thụy Nga, Uyên Vũ, Thi Đen, Tào Lao, Diên An Lê, Vy tong... bị công an bắt, bị hành hung, bị côn đồ luôn bám theo hành hung, bị gây khó dễ trong cuộc sống... cũng vì "tội" tham gia biểu tình chống Tàu xâm lược.

Mới đây nhất, đang gây rúng động dư luận trong và ngoài nước là sự kiện em sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị mất tích sau đó được thông báo là do an ninh bắt vì tội làm thơ chống Tàu và chụp hình truyền đơn chống Tàu.

Cũng đang gây ra sự căm phẫn trong dư luận là vụ xử hai nhạc sĩ yêu nước Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Hai nhạc sĩ  ấy đã bị tuyên tổng cộng 10 năm tù vì "tội" sáng tác ra các bài ca yêu nước và chống Tàu.
Nếu bà nội tôi còn sống lại ở thời nay chắc cũng sợ hãi mà la to: Các con ơi đừng có chống Tàu mà triều đình bắt nhốt tù.

Nhưng cũng như thời còn Tây bảo hộ, dân ta có sợ chi ai. Có thằng trời nào bảo hộ, dân ta cũng lớp lớp đứng lên chống đến cùng và chống luôn cả những thằng chấp nhận sự bảo hộ ô nhục đó.



FACEBOOK PHẠM CHINH

cùng điểm lại vài mốc sự kiện kể từ năm ngoái đến nay (Tuổi trẻ, 26/10/2012):

* 6-10-2011: Ngân hàng (NH) Nhà nước cho phép Công ty SJC và năm NH gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank và Đông Á bán 5 tấn vàng cùng một mức giá để can thiệp thị trường. Ngoài ra, theo thông tư 32 của NH Nhà nước, một số NH đủ điều kiện được bán vàng huy động, đồng thời mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

* 10-10-2011: NH Nhà nước ra quy định cấm NH thế chấp, cầm cố vàng cho mục đích đầu cơ.

* 25-11-2011: tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NH Nhà nước”.

* 4-2012: Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, trong đó cho phép mua bán vàng miếng nhưng không được dùng làm phương tiện thanh toán.

* 24-8-2012: Công ty SJC được cho gia công và chuyển đổi hơn 418.000 lượng vàng (gần 16 tấn).

* 22-10-2012: Công ty SJC tung ra bao bì chống giả cho loại vàng miếng 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Trước đó ngày 24-10-2011, bao bì chống giả đã được dùng cho vàng miếng loại 1 lượng.

ĐỘC QUYỀN VÀNG

Kể từ khi vàng SJC được coi là nhãn vàng độc quyền của nhà nước, biết bao chuyện trớ trêu, éo le đã xảy ra với người nắm giữ vàng.

Đầu tiên là chuyện nhãn vàng của các hãng khác, có cùng chất lượng nhưng do SJC độc quyền nên bị ép giá thấp hơn so với vàng SJC. Nhân dân được bận tất tả mang đi đổi sang vàng SJC, lại còn bị ép giá mất vài triệu/cây vàng.

SJC còn tuyên bố không thu mua vàng bị móp méo, làm nghẽn mạch lưu thông của thị trường vàng. Trước đó, vàng móp méo khi thu mua đều được gia công lại và chỉ bị trừ 1 khoản phí rất nhỏ.

Gần đây nữa là sự kiện vàng nhái SJC, thông tin chưa rõ thế nào. Chỉ biết là SJC được quyền phán đâu là vàng nhái và khi thu mua vào sẽ trừ 3 triệu đồng/lượng. (Thanh Niên, 26/10/2012)

Nghiêm trọng hơn, nghị định 95 sửa đổi cho phép công an tịch thu toàn bộ lượng vàng mà SJC “cho là nhái” và người dân bán vàng nhái sẽ bị phạt đến 100 triệu cho hành vi này. (Dự đoán kinh tế, 11/04/2012)

Vì thế, các hiệu vàng SJC độc quyền có thêm sức mạnh để ép người dân bán cho họ vàng với giá thấp. Đó là 1 thủ đoạn ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN.

Về nguyên tắc, vàng miếng khác nhau chỉ ở độ tuổi của vàng chứ không phải do cái nhãn “độc quyền” mà SJC được nhận. Chỉ có khác biệt về độ tuổi thì vàng mới có giá khác nhau được.

Vậy mà kể từ khi Thống đốc Bình ban cho SJC nhãn hiệu độc quyền, họ đã lợi dụng điều này để làm đủ thủ đoạn, cướp đoạt trắng trợn số tiền người dân đáng được hưởng khi bán vàng cho họ.

THUẾ VÀNG

Sau việc lạm dụng sự độc quyền trong kinh doanh vàng miếng của SJC là 1 động thái mới của Ngân hàng Nhà nước nhằm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào vàng.

Thuế suất tiêu thụ đặc biệt dao động từ 10% đến 65%. Nếu tiến hành đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì người dân sẽ hạn chế giao dịch vàng tại các cửa hàng mà rút vào chợ đen để tránh thuế này.

Toàn bộ các công ty, cửa hàng kinh doanh vàng miếng có thể phải đóng cửa hay phá sản.

Giới kinh doanh vàng cũng như người dân không khỏi bàng hoàng. Đây chính là sự kiện đánh vào tiền tích cóp của người dân.



BLOG QUÊ CHOA

Mình không tin bất kì một phán xét nào của phiên tòa nếu như phiên tòa đó diễn ra thiếu minh bạch. Phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, theo bác Lê Hiếu Đằng kể lại ( tại đây) nó na ná phiên tòa xử  Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội: “Nói là phiên tòa công khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được dự”. Sự thiếu minh bạch của phiên tòa chỉ xảy khi  mấy ông quan tòa không có lý do chính đáng để kết tội một công dân yêu nước. Đó là một điều chắc chắn.

Trên FB Huy Đức đã viết status thể hiện rất rõ ràng quan điểm của anh, như thế này:
“Sau khi toà xử nhạc sỹ Việt Khang 4 năm tù và đồng nghiệp của anh, nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, 6 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” tôi đã nghe lại hai bài hát của anh: “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai”. Ở thời điểm khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc “Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông”.

Theo toà thì hai anh còn tham gia một tổ chức có tên “Tuổi trẻ yêu nước”. Cho dù “tổ chức này có mục đích tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” như các anh thừa nhận thì “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” là một nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng.

Người dân có thể bất tín nhiệm một đảng vì tình trạng tham nhũng nhưng chỉ có thể bỏ tù từng cá nhân bởi những hành vi tham nhũng mà các cơ quan tố tụng có thể chứng minh. Cũng như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cho dù có ai đứng sau thì em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn chống Trung Quốc (nếu đó là của em).

Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.”

“Lịch sử  sẽ phán xét” là câu cửa miệng của dân Việt ta thời này, chưa thời nào lời nhắc nhở  và đe nẹt “lịch sử sẽ phán xét” lại nhiều như thời này. Nhưng lời đe nẹt ấy chẳng làm cho quan tòa chùn tay. Những kẻ ăn xổi ở thì đâu có thèm để ý đến sự phán xét của lịch sử, quan thầy của họ mới đáng kể, là trước tiên và trên hết. Ai muốn nói gì thì nói, kệ sư bố chúng mày!

Thế đấy, đối với trâng tráo và trơ trẽn thì lịch sử  phán xét chỉ là cái đinh gỉ.



BLOG ĐÀO TUẤN

Trong tất cả những ngôn từ dành cho việc đảm ảo thứ an sinh xã hội tối thiểu phát biểu tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dùng sai một chữ: Đó là chữ “tăng”.

Chắc phải gãi đầu gãi tai chán, Chính phủ và Bộ Tài chính mới đành, bất đắc dĩ, quyết định tăng lương, dù mức tăng chỉ 100 ngàn mỗi tháng, và cũng cho chỉ 7-8 triệu người, tức là chỉ khoảng 1/3 số đối tượng đáng lẽ được tăng lương theo lộ trình.

Cái khó này rất đáng được thông cảm, bởi theo phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ sáng nay tại Quốc hội, để có khoản thu cho việc tăng 100 ngàn tiền lương này, CP đã buộc phải tính đến việc giảm đầu tư công, để có khoảng 10 ngàn tỷ; phải tiết kiệm chi thường xuyên. Và thậm chí, phát hành thêm trái phiếu khoảng 50-60 ngàn tỷ khác trong khi đã “thống nhất không tăng thêm dự toán thu 2013”.

9 tháng của năm 2012 đã lần đầu tiên chứng kiến 1 kỷ lục: 28 tỉnh thành, trong đó có những trọng điểm thu, đã không đạt dự toán thu. Ngân sách rỗng là một thực tế. Và Bộ trưởng Bộ Tài chính, hay Thủ tướng không thể móc tiền túi cho việc tăng lương.

Nhưng trong tất cả những ngôn từ dành cho việc đảm bảo thứ an sinh xã hội tối thiểu này, Bộ trưởng Huệ đã dùng sai một chữ: Đó là chữ tăng.

Thực tế, 100 ngàn tăng thêm mỗi tháng ho 7-8 triệu đối tượng này không thể gọi là tăng, bởi cứ tính đúng như dự báo của Chính phủ, lạm phát 2013 sẽ vào khoảng 8%, chưa nói đến tăng giá tâm lý, có thể nói, khoản bèo bọt gọi là “tăng” này thực ra không đủ bù trượt giá. Huống chi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, dùng được để tính lương tối thiểu hiện nay vẫn đang được tính toán trên cơ sở giỏ hàng hóa của năm 1985, tức là gần 30 năm trước.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương- Bộ Nội vụ, ông Đoàn Cường, có lần đã nói đầy lạc quan về Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020, rằng: Tinh thần là sẽ cải cách lương để công chức có thể sống được bằng lương. Nhưng với 100 ngàn an ủi này, Đề án đã khởi đầu với sự tồi tệ đến không thể tồi tệ hơn.

Sáng nay, có đại biểu QH đã nói về kỳ vọng vào việc tăng lương, như một “biện pháp kích cầu”. Có đại biểu còn lạc quan đề xuất “CP cần giải quyết căn cơ trong việc tăng lương lần này”. Nhưng kích cầu, tháo gỡ hàng tồn sao được khi việc “tăng lương” không đủ bù cho tăng giá. Nhưng giải quyết căn cơ sao được khi 7-8 triệu người được tăng lương, trong khi hơn 80 triệu dân còn lại phải chịu tăng giá, (có khi lại khởi đầu từ việc 7-8 triệu người được tăng lương). Và lạc quan sao được khi một vị Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH có lần đã bình luận: Mỗi lần cải cách (tiền lương) là một lần chắp vá.

Còn một con số nữa đáng để nói. Đó là có tới 22 triệu người, tức là ¼ dân số “hưởng lương”. Nhiều đến vô lý, nhất là đối với những người phải đóng thuế nhưng không có lương. Tất nhiên, tất cả những vô lý này bắt nguồn từ một con số vô lý “cơ bản” khác: Sau 4 năm thực hiện NĐ 132 về tinh giản biên chế, 54.220 người đã được tinh giản. Tuy nhiên, sau “tinh giản”, biên chế bộ máy hành chính nhà nước tăng thêm 25%. Cụ thể hơn, nếu đầu những năm 2000, tổng biên chế công chức hành chính của cả nước chỉ trên dưới 200 ngàn người thì sau “tinh giản”, đã lên tới 260 ngàn.

Nhớ tại phiên họp của Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Huệ đã có câu nói bất hủ về  nguồn tiền tăng lương đang khó đến mức: “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”. Chuyện này bảo là nói đùa cũng đúng mà bảo Bộ trưởng nói thật cũng không sai.