Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012
BBC - Lãnh đạo 'thông thái' của Trung Quốc
BBC
Thời điểm thay đổi lãnh đạo quan trọng của Trung Quốc đang đến gần, với những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là tâm điểm của báo chí thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó, cây bút Cary Huang của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã có bài viết về người được cho sẽ là thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, với tựa đề "Từ luật sư đến lãnh đạo, Lý Khắc Cường là quan chức có bằng cấp cao nhất từ trước đến giờ."
BBCVietnamese xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này.
Các bằng cao học về luật và kinh tế có thể là điều khiến thủ tướng chưa đăng cai Lý Khắc Cường trở nên khác biệt, tuy nhiên đừng vội hy vọng rằng sẽ có các cải cách toàn diện ở Trung Quốc.
Thủ tướng tương lai có thể là nhân vật có bằng cấp cao nhất kể từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ nhân của bằng cao học về luật và kinh tế từ trường đại học uy tín Bắc Kinh, được trông đợi sẽ kế nhiệm thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng Ba sang năm.
Tại đại học, ông Lý đã học về cách xét đoán của người Anh, hòa lẫn với chủ trương dân chủ, điều này khiến nhiều người mong rằng sự lãnh đạo của ông có thể đem lại thay đổi chính trị to lớn tại nước lớn cuối cùng theo thể chế cộng sản.
Tư tưởng hiện đại
Ông Lý Khắc Cường được đánh giá là lãnh đạo Trung Quốc với tư tưởng tiến bộ
Ông Lý là lãnh đạo kỳ cựu đầu tiên trong Trung ương đảng có nắm giữ một bằng thạc sỹ và tiến sỹ kinh tế cùng với một bằng đại học luật, tất cả đều từ một đại học từng là tâm điểm của sự bất đồng chính kiến. Tư tưởng tự do phóng khoáng mà ông thu nhận được xung khắc mạnh mẽ với xuất xứ ngành kỹ thuật của những lãnh đạo Trung Quốc gần đây.
Trong thời kỳ hỗn độn của Cách mạng Văn hóa, ông Lý theo học luật từ Giáo sư Cung Tường Thụy, một chuyên gia về luật hiến pháp của phương Tây, người du học tại Anh từ năm 1930. Sau đó ông Lý lấy bằng tiến sỹ kinh tế dưới sự chỉ dạy của Lệ Dĩ Ninh, bậc thầy về cải cách thị trường của Trung Quốc.
Kerry Brown, trưởng chương trình Châu Á tại Chatham House ở London, nói ông Lý là luật sư đầu tiên trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, và là luật sư đầu tiên trở thành thủ tướng.
“Ông ta là điển hình cho những nhà lãnh đạo mới vì ông ấy không phải người theo kỹ trị, ông có bằng tiến sỹ Đại học Bắc Kinh và công tác một thời gian dài ở các tỉnh trước khi thăng tiến lên chức phó thủ tướng vào năm 2008,” ông Brown nhận xét.
Trong một lần viếng thăm Hong Kong năm ngoái, ông đã phá lệ trong nghi thức ngoại giao và phát biểu tại một trường đại học của Hong Kong bằng tiếng Anh. Ông Lý là một trong số ít những lãnh đạo cấp nói lưu loát tiếng Anh; điều này khiến giới quan sát bất ngờ.
Khi ông theo học tại Đại học Bắc Kinh trong những năm cuối thập kỷ 70, những lời kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ vang lên khắp nơi trong sự sụp đổ niềm tin sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.
Ông Lý hăng hái tham gia bàn luận chính trị ở đại học, kết bạn với những người có tư tưởng tự do sau trở thành bất đồng chính kiến sống lưu vong; và từng giúp dịch cuốn Tiến trình luật cơ bản của luật gia nổi tiếng người Anh Lord Denning.
Một người đồng môn của Lý Khắc Cường nói "là người được Giáo sư Cung dạy dỗ đúng ở độ tuổi hình thành tư tưởng và lại từng dịch thuật cuốn sách luật nổi tiếng của Anh, có lẽ ông Lý có niềm tin to lớn vào pháp quyền và hệ thống hiến pháp hiện đại."
Lớp học của Giáo sư Cung thời đó được cho là hạt giống của những ý tưởng tự do hoặc từ nước ngoài. Ông Cung cũng là người tham gia soạn thảo hiến pháp Trung Quốc.
Người bạn học cũ của ông Lý và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, ông Vương Cẩm Đào, người phải sống lưu vong ở Mỹ kể từ năm 1994 sau khi bị kết án 13 năm tù vì ủng hộ phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, nói Lý Khắc Cường là người trực ngôn và ứng đối nhanh ở trường.
Cả hai đều là lãnh đạo sinh viên tích cực, và ông Vương nói rằng ông bị ấn tượng bởi những bài diễn thuyết của ông Lý đến nỗi đã bầu ông làm Chủ tịch đoàn Thanh niên.
Ông Vương nói ông thấy bất ngờ khi ông Lý làm công chức lâu đến vậy vì thời gian đi học, ông là người phản đối tư tưởng quan liêu trong cách làm việc.
Một nhà bất đồng chính kiến khác, ông Hồ Bình, hồi tưởng lại năm 1980, ông Lý, lúc đó là một thành viên của Đoàn sinh viên đã ủng hộ ý tưởng bầu cử trực tiếp lãnh đạo đoàn trong trường đại học khiến mọi người đều kinh ngạc.
"Sau cuộc bầu cử, tôi đã nói chuyện với ông ấy về các cuộc tuyển cử, dân chủ và tương lai của chính trị Trung Quốc," ông Hồ nói với báo chí nước ngoài.
Chưa nên hy vọng?
Vấn đề nhà ở, một trong những khu vực dưới sự quản lý của ông Lý Khắc Cường, vẫn khiến Bắc Kinh phải xấu hổ
Ông Vương ghi nhận rằng mặc dù là người "suy nghĩ độc lập", và "muốn có được những thành tựu cá nhân to lớn" ông Lý không bao giờ đối đầu với chính quyền trong các vấn đề lớn.
Giới nghiên cứu về Trung Quốc nói trải nghiệm quá khứ của Lý không đồng nghĩa với việc ông ta sẽ là hoa tiêu của đường lối tự do, dựa vào ý kiến từ nội bộ Đảng, miêu tả ông là 'tắc kè chính trị', người nằm trong hệ thống và thực hiện nhiệm vụ của mình chỉ với tư cách một công chức.
Ông Lý sinh ra trong một gia đình công chức truyền thống của Trung Quốc và trải qua nhiều huấn luyện tư tưởng và văn hóa trước khi vào đại học.
Cha của ông là một nhân viên tòa án cấp huyện, sau đó trở thành quan chức về bảo tồn di sản ở tỉnh An Huy.
Ông Cheng Li, chuyên gia về Trung Quốc tại Brookings nói những ưu tiên chính sách của ông Lý là những ưu tiên của một thế hệ mới.
"Lý Khắc Cường đã lôi cuốn sự chú ý vào những vấn đề ông quan tâm mạnh mẽ như nhà cho người nghèo, an toàn thực phẩm, y tế công cộng, thay đổi khí hậu, năng lượng sạch," ông Li viết trong một bài tiểu luận gần đây nhất về những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.
"Không một vấn đề nào trong số những điều đưa ra nằm trong diện ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc 10 năm trước."
Tuy nhiên cũng giống như ông Ôn Gia Bảo, ông Lý cũng đã là tâm điểm chỉ trích của các tin đồn xoay quanh tài sản của gia đình ông.
Em trai của Lý Khắc Cường, ông Lý Khắc Minh, hiện là phó Cục trưởng Cục Quản lý thuốc lá của Trung Quốc.
"Đây là điều mỉa mai và thiếu nhạy cảm đối với người sắp kế nhiệm vị trí thủ tướng vì ông Lý Khắc Cường đã đảm nhiệm khu vực y tế công cộng của Trung QUốc kể từ năm 2008," ông Li nói thêm.
Một vụ tai tiếng về y tế dưới sự quản lý của ông Lý nữa là vụ lây lan bệnh AIDS tại tỉnh Hà Nam qua đường truyền máu.
Hai lĩnh vực khác mà ông Lý nhận trách nhiệm là nhà ở và an toàn thực phẩm, cũng tiếp tục là hai vấn đề khiến Bắc Kinh phải nhiều lần xấu hổ.
Trong một bài diễn thuyết mới đây tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc, sau 30 năm cải cách và mở cửa, đã đạt đến ngưỡng cần phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và cần nhiều đột phá ở những lĩnh vực chủ chốt.
Ông Brown nói rằng ông Lý đã chứng minh rằng mình là một nhà cải cách kinh tế và có tư tưởng tự do, tuy quan điểm của ông về xã hội - chính trị vẫn còn thiếu rõ ràng.