Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Ghé thăm các Blogs: 30/10/2012


BLOG BÙI VĂN BỒNG

Bvbqd - "...nhà ông Vươn chỉ là cái chòi...phá hay không phá không thành vấn đề" - Ôi, một vụ phạm pháp "xâm phạm nhà ở, tài sản nhân dân" mà giám đốc công an tỉnh khô nói là "không thành vấn đề", thế nhưng Thủ tướng chỉ đạo phải đưa ra pháp luật "cái dzụ này" thì khó cho Hải Phòng quá. Khó quá, nửa năm làm chưa xong, cân nhắc cứu ông này, trả thù ông kia, bắt ông nọ thay thế, giấu nhẹm tình tiết này, liên quan kia...đủ trò "chính trị xảo".

                Chưa kể, ông Đại Ca còn nói: "Không có chuyện cưỡng chế cưỡng cheo gì cả, đây là cuộc diễn tập...ngoạn mục, có thể dựng thành phim, viết sách...". Nếu thế, dân ở đâu mà nghe nói nơi ở của họ sắp có cuộc "diễn tập hiệp đồng tác chiến công an-quân sự" thì phải tính đến nguy cơ bị ...phá nhà đấy nhé!

               Hồi đầu năm, trả lời P.V các báo, đài, ông đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải  Phòng nói: Cái chỗ diện tích bị cưỡng chế "không phải là nơi quy hoạch nhà ở; nhà ông Vươn chỉ là cái chòi canh cá, phá hay không phá không thành vấn đề" ?!).

Trong khói lửa "diễn tập" - "Cái chòi" này thì
phá hay không phá cũng "dzậy" cả thôi!...he...he...

             Sao mà đưa ra lý giải cùn và ngang đến thế? Nông thôn ta, nhất là các khu đầm phá, khai hoang, ai quy định phải có "quy hoạch nhà ở". Xưa nay vẫn vậy, người đi khai hoang để tiện việc ở và lao động, sinh hoạt đi lại, người ta làm nhà ở đâu là quyền tự do, không xâm phạm trái phép vào đất của người khác là được rồi. Dù đây là nơi ông Vươn thuê hợp đồng khai hoang nuôi trồng thủy sản, theo hợp đồng lần đầu trong 20 năm mà người ta không làm nhà thì ở đâu? Sao lại lôi cái "quy hoạch nhà ở" những nơi "đất vàng" của thành phố về khu đầm lầy?

            Còn nay, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT-CA Hải Phòng, đệ tử của ông Ca lại trả lời báo chí giải thích loằng xì ngoằng về vụ bắt xử tội ông Khanh:

                 Theo báo Tuổi trẻ, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng, Thượng tá Phạm Duy Diên, cho biết như vậy về vụ án hủy hoại tài sản tại đầm của ông Đoàn Văn Vươn, xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng.

                Ông Diên cho biết kết quả điều tra bước đầu và các quyết định khởi tố bị can đều căn cứ trên những chứng cứ, lời khai của nhân chứng do cơ quan điều tra thu thập. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không để sót người, lọt tội. Hiện cả bốn bị can trong vụ án hủy hoại tài sản tại đầm của ông Vươn đều chưa tiến hành làm các thủ tục mời luật sư bào chữa.

              Về lý do tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) trong khi ba bị can khác được tại ngoại, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu dựa trên những văn bản chỉ đạo, các chứng cứ đủ căn cứ để xác định các bị can có hành vi hủy hoại tài sản khi tiến hành cưỡng chế khu đầm nhà ông Vươn. Việc tống đạt quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Khanh là cần thiết để phục vụ công tác điều tra. Ông Nguyễn Văn Khanh, khi đó là phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, được giao trách nhiệm trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế nên được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc.

              Tuy nhiên, trong một cuộc tiếp xúc với phóng viên trước khi bị khởi tố, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết bản thân ông không đồng ý với quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3ha đầm của gia đình ông Vươn.
            Ông Khanh khẳng định: “Sau khi cưỡng chế, đoàn đã lập biên bản bàn giao 19,3ha đầm cho UBND xã Vinh Quang, lập biên bản kiểm kê bảo vệ tài sản khu đầm. Về việc nhà ông Quý bị phá hủy ngày 6-1, tôi khẳng định không chỉ đạo phá”.

               Tối 23-10, Tuổi Trẻ liên lạc với ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) để xác minh thông tin trên nhưng ông Hiền không trả lời và từ chối cung cấp thông tin.

                Trong một diễn biến khác, ngày 23-10, Huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng đã họp xem xét việc cách chức đối với các ông Phạm Xuân Hoa (57 tuổi, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Hoan (bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) và ông Lê Thanh Liêm (chủ tịch UBND xã Vinh Quang). Tuy nhiên, đến cuối ngày các quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố - (TTO).

              Cũng về vụ việc này, theo báo Đất Việt:
... Chánh Văn phòng CA Hải Phòng giải thích các lý do bắt ông Khanh vì tội "hủy hoại tài sản" của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, việc gia đình ông Vươn cũng như Phó Chủ tịch liên chi hội Thủy sản Tiên Lãng từng bênh vực ông Khanh không được nhắc tới.

               Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, thời gian 4 tháng, để phục vụ công tác điều tra về tội "hủy hoại tài sản."

              Có ý kiến đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.

             Chiều 25/10, Thượng tá Phạm Duy Diên, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an thành phố Hải Phòng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.


Nhà ông Vươn nay thành bãi bình địa hoang tàn, chuyện nhỏ, "diễn tập thôi mà!".

- Trước khi bị bắt giam, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị rằng bản thân không có tội, bị bắt oan. Đề nghị Thượng tá cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 4 bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm, bị khởi tố là do hành vi của các đối tượng này đã phạm vào điểm a, khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự “Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.”

Riêng đối với ông Nguyễn Văn Khanh, khi còn đương chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, được Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng giao làm Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn.

Trong quyết định cưỡng chế 3312/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng không có nội dung phá dỡ các công trình xây dựng, tài sản, nhưng ông Khanh đã ra thông báo số 225/TB-BCĐ ngày 28/12/2011, với nội dung phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ cưỡng chế, trong đó phân công cho tổ 2 tháo dỡ nhà trông đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Khi thực hiện, ông Khanh đã chỉ đạo tổ này phá dỡ cả nhà ông Đoàn Văn Quý - nơi không nằm trong phạm vi cưỡng chế.

Ngày 5/1/2012, khi tổ chức cưỡng chế, ông Khanh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh cho tổ cưỡng chế phá dỡ các công trình trên tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Khanh còn là người gọi điện thoại thuê máy ủi đến hiện trường để phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Đến nay, ông Khanh vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình, loanh quanh chối tội, đổ tội cho người khác; không cộng tác với cơ quan điều tra. Trong khi đó, tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự là rất nghiêm trọng, mức án rất cao (từ 7 đến 15 năm). Do vậy, cần phải bắt giam để điều tra theo quy định của pháp luật.

- Nếu tội danh nghiêm trọng như vậy tại sao không bắt giam cả ba ông Hoa, Hoan và Liêm?

- Ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, các ông Hoa, Hoan, Liêm đã có thái độ thành khẩn khai báo, nhận rõ hành vi phạm tội của mình và sẵn sàng tự giác bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Kết quả điều tra cũng cho thấy ông Hoa, Hoan và Liêm cùng một số người khác chỉ là người thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, không cần thiết phải tạm giam.

- Ngay sau khi có quyết định khởi tố 4 bị can, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có đề nghị truy cứu trách nhiệm liên đới đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng. Ngay trong đơn của ông Nguyễn Văn Khanh gửi cơ quan chức năng cũng nêu ông Khanh thực hiện sự chỉ đạo của ông Lê Văn Hiền và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. Thượng tá có thể nói rõ để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này?

- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố nhận được tường trình của ông Khanh, đã tiến hành điều tra nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận việc này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, khi có đầy đủ căn cứ sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết, không ngoại trừ một ai; sẽ không có “vùng cấm,” không kể người đó ở cương vị nào, nếu có hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Theo đơn của ông Khanh, ngay từ đầu ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa Thượng tá?

- Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố, đến nay không có bất cứ văn bản nào thể hiện ông Khanh phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn; lời khai và tường trình của ông Khanh tại cơ quan điều tra chưa một lần thể hiện việc ông Khanh phản đối chủ trương của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng về việc cưỡng chế đầm của ông Vươn. Cũng chưa có lời khai nào của các đối tượng thể hiện nội dung phản đối của ông Khanh đối với việc cưỡng chế.

- Ngày 8/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhưng đến ngày 22/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can. Thưa Thượng tá, như vậy có kéo dài và quá thời hạn quy định của pháp luật?
- Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện việc điều tra theo đúng luật, việc khởi tố bị can nằm trong thời hạn luật cho phép. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra chịu sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và của cơ quan điều tra cấp trên.

Đ.V




BLOG ĐÀO TUẤN

Không thể có một nền khoa học công nghệ hiệu quả, ở sự phụng sự, nếu như các giáo sư tiến sĩ thiếu đi phẩm chất tối thiểu của một nhà khoa học, một “kẻ sĩ”: Lòng tự trọng.

Một ngày trước khi Luật Khoa học công nghệ được trình bày tại QH, báo Tuổi trẻ đưa ra con số: Việt Nam có tới 24.300 tiến sĩ, trong đó 7.924 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. 24.300 tiến sĩ!. Và cùng với khoảng 9.000 GS, PGS. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia bằng cấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, con số khủng này được đưa kèm với một con số còn khủng (khiếp) hơn: Với 7.924 tiến sĩ này, mỗi năm nền khoa học giáo dục VN chỉ công bố được trên dưới 2 bài nghiên cứu về giáo dục theo chuẩn quốc tế. Và nói đến nghiên cứu khoa học, không thể không nói về một con số xấu hổ: “Tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo (nghiên cứu) của VN đứng hạng 13/14, chỉ hơn Campuchia”.

Câu hỏi “vì sao”, đối với nền khoa học giáo dục nói riêng, cũng như nền khoa học công nghệ nói chung, được người nông dân đặt ra mỗi khi loay hoay chọc tô vít sửa chiếc máy cày “made in China”. Được những vị phụ huynh ngửa mặt hỏi giời khi mỗi vài năm SGK lại “điều chỉnh” một lần. Và, có lẽ, được chính các giáo sư tiến sĩ hỏi nhau.

Và câu hỏi đó, sáng nay, được giải thích là vì tiền.

Mức đầu tư cho KH-CN được ấn định ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 0,5-0,6% GDP. Con số quy tiền, năm 2012, vào khoảng hơn 13.168 tỷ. Con số này tuy chưa nhiều nhưng bảo ít cũng không hẳn là ít. Nó chỉ ít ở con số thực xuống với khoa học, ít ở những đồng tiền thực tế đầu tư cho khoa học- Điều mà TS Phạm Bích San gọi “nôm na là cách trả tiền cho những người làm công tác khoa học”. “Trả tiền bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn khoa học”- ông nói. Nhưng đó chỉ là một thực tế rất nhỏ, trong một thực trạng ngành tài chính quyết định, “một cách hết sức chân tay”, từ mức chi, sự “thế nào là hợp lý” và cả cách trả tiền bất biết nó có đủ hay không, có kịp hay không và thậm chí, nó được sử dụng như thế nào.

Thôi thì cũng coi như có cớ để kỳ vọng chuyện tiền khi Dự thảo Luật Khoa học công nghệ sửa đổi được trình bày trước Quốc hội đã nói đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ.

Nhưng vấn đề hiệu quả của nghiên cứu khoa học công nghệ không hẳn chỉ có nguyên nhân từ tiền. Khi được hỏi “cảm nghĩ” khi đi dự các hội thảo quốc tế trong khi mặt bằng nghiên cứu, sáng chế của ta đang ở mức thấp như vậy. TS Phạm Bích San đã trả lời trên Tuổi trẻ: Nói thật là tôi rất xấu hổ.

Hình như ít người dám nói tới chuyện xấu hổ như ông San. Những vị tiến sĩ đã cóp nhặt của người khác trong báo cáo đánh giá về động đất ở dự án thủy điện Sông Tranh, để đến nỗi tác giả phải kêu lên “Họ liều thật”, là một ví dụ.

Không thể có khoa học nếu như cách trả tiền không khoa học.

Nhưng cũng không thể có một nền khoa học công nghệ hiệu quả, ở sự phụng sự, nếu như các giáo sư tiến sĩ thiếu đi phẩm chất tối thiểu của một nhà khoa học, một “kẻ sĩ”: Lòng tự trọng, mà biểu hiện đầu tiên là biết xấu hổ.



BLOG QUÊ CHOA

Văn Cầm

NQL: Tác giả nói năng nhỏ nhẹ kín kẽ, nhưng đọc kĩ thì hiểu muốn tái cấu trúc nền kinh tế trước hết phải tái cấu trúc chính phủ.

Mặc dù mang tiêu đề “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào đầu tuần này lại tiếp cận theo cách kiểm điểm những điều làm được và chưa làm được của Chính phủ nên người nghe khó lòng hình dung chính xác “tình hình kinh tế” năm nay qua báo cáo. Thay vào đó, người nghe có thể bị cuốn vào những thành tựu như “kiềm chế lạm phát”, “lãi suất cho vay đã giảm”, “tỷ giá ổn định”, “xuất khẩu tăng 18,9%”, “dự trữ ngoại hối tăng”, “ước thu ngân sách đạt kế hoạch”, “giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP”, “hàng tồn kho giảm”, “sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quí”…

Thậm chí những điểm chưa làm được, tức chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội thông qua vào năm ngoái như tăng trưởng GDP cũng làm người nghe hình dung khác về nền kinh tế khi nghe “tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quí sau cao hơn quí trước”. “Quí sau cao hơn quí trước” thì không có gì đáng lo, mọi chuyện đang tốt dần lên. Nói tóm lại, cách nói “đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch” là cách tư duy rất cũ kỹ trong khi tình hình thực của nền kinh tế không được nhận diện đầy đủ và chính xác.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định, trong ủy ban một số ý kiến cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp”.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nếu hỏi họ vấn đề gì là lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2012, câu trả lời ắt là chi phí tài chính đang là gánh nặng đè bẹp nhiều người, tiền lãi làm ra bao nhiêu cũng chưa đủ để trả lãi vay ngân hàng. Lẽ ra báo cáo phải làm rõ vì sao tiền không chảy vào nền kinh tế, Chính phủ sẽ làm gì với tình hình nợ xấu đang làm nghẽn dòng tín dụng, vì sao chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn lớn như hiện nay…

Với đại đa số người dân, tình hình kinh tế đồng nghĩa với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn vì đồng tiền mất giá, thu nhập giảm sút. Báo cáo cho biết “qua chín tháng đã giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới, ước cả năm đạt khoảng 1,52 triệu”. Đây là con số rất đáng lạc quan nếu nó chính xác tuy mức độ chính xác khó mà đo lường cho được. Khu vực doanh nghiệp nhà nước thì hầu như không tạo ra được việc làm nào mới trong khi khu vực tư nhân khó lòng tạo ra số việc làm khổng lồ này khi số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng mạnh so với những năm trước.

Cũng bởi nhìn tình hình kinh tế, xã hội dưới lăng kính các chỉ tiêu nên báo cáo không đề cập đến các vấn đề gây bức xúc trong dân chúng, từ chuyện cụ thể như cách giải quyết đập thủy điện Sông Tranh 2 đến các vấn đề an sinh như tăng viện phí gây tác động lớn lên người dân. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu lên những nghịch lý của nền kinh tế trong khi báo cáo của Chính phủ hoàn toàn không đề cập gì đến những nghịch lý này.

Điều mọi người trông đợi ở báo cáo hay nói đúng ra ở bộ máy điều hành kinh tế là một sự thay đổi căn bản về tư duy điều hành: không bám theo các chỉ tiêu cứng nhắc mà là phân tích và tìm giải pháp cho những vấn đề lớn của kinh tế, xã hội. Đó là tìm mô hình tăng trưởng mới khi đầu tư không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng nữa (ít nhất là trong những năm tập trung giải quyết nợ xấu của nền kinh tế). Trong mô hình này, việc tăng năng suất phải được đặt ra, việc cạnh tranh bình đẳng phải được khuyến khích và việc thay đổi cán cân xuất nhập khẩu theo hướng giảm nhập siêu một cách bền vững phải được coi trọng.

Nhìn rộng ra, đặc điểm lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là sự sụt giá của nhiều loại bong bóng tài sản, sau nhiều năm phình to. Sự sụt giá này diễn ra rộng khắp, từ chứng khoán, bất động sản đến cơ hội làm ăn, mức lãi hàng năm… dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có cả sự sụt giảm tiêu dùng và ngân sách ngày càng eo hẹp. Bộ máy điều hành kinh tế phải thấy được đặc điểm này và có kế sách phù hợp chứ không thể bám theo khuôn khổ cũ.

Làm nên bộ máy là từng con người cụ thể. Vì thế thay đổi tư duy cả về khía cạnh nhân sự để có những con người phù hợp với cách suy nghĩ mới trước những vấn đề mới cũng là điều cấp thiết không kém. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận lỗi về “những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành” – vấn đề là những thay đổi sau đó.



BLOG ĐÀO TUẤN

Có một điều Chính phủ đã nói thật: Thị trường Bất Động Sản chưa có khả năng phục hồi. Sự thật, dù được nói ra một cách ung dung, thật chẳng khác gì lời ai điếu.

Nhưng “chưa có khả năng phục hồi”, cũng mới chỉ là một nửa của sự thật, vì cả Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ đều không đưa ra bất cứ một con số nào về tồn kho BĐS. 700 ngàn căn hộ đang “đắp chiếu” 5 tỷ USD ư? Có lẽ đó chỉ là cái đỉnh của tảng băng.

Trong đúng cái ngày sự thật ai điếu được Chính phủ thừa nhận, TAND  TP Hà Nội chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu phá sản đối với cái tên Sỹ Ngàn, một đại gia BĐS thực sự với những dự án chục triệu đô du lịch nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp, Resort Ngọc Viên Islands. Phá sản vì mấy chữ mà bất cứ doanh nghiệp BĐS nào cũng đang phải đối mặt: “Không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn”.

Đây không phải là “chuyện riêng” của Sỹ Ngàn. Càng không phải là chuyện riêng của khu vực BĐS. Bởi BĐS là “đầu ra” của hàng loạt các ngành công nghiệp, từ xi măng, sắt thép, xây dựng. BĐS là công ăn việc làm của triệu lao động. BĐS là tiền của, mồ hôi nước mắt của không ít người. Và nguy hiểm nhất, BĐS là nợ xấu ngân hàng, yếu tố đang khiến hàng chục ngàn DN “phi BĐS” khác chết lây. Và thực chất, khủng hoảng bất động sản đang chực chờ với quân domino đầu tiên mang tên Sỹ Ngàn chỉ là sự phản chiếu của một thứ khủng hoảng còn nguy hiểm hơn: Khủng hoảng niềm tin.

Nếu có một con số để thể hiện sự khủng hoảng niềm tin, thì đó là thanh khoản của thị 2 trường BĐS lớn nhất cả nước Hà Nội và TP.HCM thấp đến độ tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7%. Hoặc giá bán đã xuống tới 14 triệu đồng/m2, thấp hơn cả giá thành. Hoặc những dự báo ảm đạm kiểu “2013 cần hơi được đã là một kỷ tích”. Hoặc “Giá BĐS giảm thêm 30% nữa mới tới đáy, và xuyên đáy thêm 30% nữa mới hồi phục”. Thậm chí, “quả bom BĐS sẽ nổ tung”.|

Tư lệnh ngành xây dựng hôm qua thừa nhận một, cái ông gọi là “Nghịch lý: “Thị trường thừa cung, cầu về nhà ở thu nhập thấp lớn, nhưng người dân lại không thể mua được là một lỗi lớn không thể chấp nhận được”. Nhớ khi 4 từ kinh khủng này được phản ánh tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng “an ủi”: “Dự báo kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn và bất động sản khó tránh khỏi vòng xoáy này”.
Tất nhiên, Bộ trưởng có hứa “chuyển đề xuất”. Và tất nhiên, đưa ra giải pháp “Tự tháo gỡ”; giải pháp “nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2”.

Dường như “chuyển đề xuất” không phải là một lời hứa. Dường như “tự tháo gỡ” chưa bao giờ là một giải pháp. Cũng như việc chia nhỏ căn hộ, như thừa nhận của chính Bộ trưởng, chỉ là “chữa cháy”.
“Chôn tiền lớn nhất là bất động sản”

“Dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỷ, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ”

Hai thông tin này được đích thân Ủy viên BCT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng công khai công bố.

Vào cái hôm thông tin này được công khai tại Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến vẫn ung dung: “Các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm”, và “Giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản nợ”.

Ông Tiến chắc quên không giải thích, các tài sản đó cũng chủ yếu là… BĐS.



Blog Phóng Viên Tự Do

 Bộ trưởng y tế Kim Tiến trong hội nghị rất nghiêm túc phát biểu: ''nhếch nhác nhất là phòng khám...". Í lộn, chắc bộ trưởng muốn nói đến cái phòng "đầu tiên" khi bệnh nhân bước chân vào bệnh viện.

 Lý giải cho sự nhếch nhác đó, bộ trưởng cho rằng : sự thiếu đầu tư từ ngân sách khiến cho các phòng khám, các bệnh viện tuyến trung ương quá tải, phần nữa do quản lí yếu kém của ...bệnh viện, nặng về bằng cấp của lãnh đạo....vv và vv.

 Chắc bộ trưởng cũng nhân đó nói về chuyện bằng giả, bằng đểu của mấy anh thứ trưởng Quang, Bộ trưởng cũ là anh Triệu (tiến sỹ nhưng là tiến sỹ xã hội !!!), rồi tuyến dưới ít có bác sỹ giỏi khiến bệnh nhân không yên tâm, ào lên tuyến trên cho dù bán nhà cũng phải lên. Tất cả đã khiến cho bệnh viện của nhà các chị trở thành nơi nhếch nhác nhất quả đất.

 Nhìn hiện trạng của ngành y tế hiện nay thì không còn gì nói thêm: nhếch nhác, luộm thuộm, điêu chác chả khác gì hình ảnh của chị Tiến :

Tại hội nghị mới rồi ở đồng bằng sông Cửu Long, chị chém gió nhiều và hầu như đổ lỗi tất tần tật cho khách quan, cho các bệnh viện, cho con bệnh. Mặc nhiên chị - người đứng đầu ngành y tế Việt Nam - không có tí lỗi nào hết, như thế chị đã tự cho mình còn giỏi hơn cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa xin lỗi trước toàn đảng, toàn dân hôm kia.

 Chịu Tiến không chịu chỉ ra cái nhếch nhác hiện nay của ngành y tế bắt nguồn từ lối tư duy nhiệm kỳ của lũ người quản lý như chị. Để cho ngành của mình thối như hiện nay lỗi chính là từ các chị, tất cả sự cẩu thả, tham lam, vô trách nhiệm, thiếu y đức của các chị đã đẩy các con bệnh đến cửa tử ngay cả khi đã tan gia bại sản vì chữa bệnh.

 Chị cũng không chịu chỉ ra cho các con bệnh biết vì sao các giám đốc bệnh viện, các trưởng khoa dược ở các viện yếu kém về quản lý như thế mà chỉ làm vài năm cũng giàu sụ, nhiều biệt thự xe hơi và tiền của như nước.

 Chị cũng không giải thích cho bà con biết rằng : mỗi viên thuốc vào bệnh viện, bán đến tay con bệnh thì đã gánh thêm từ 30 đến 50 % giá để số tiền chênh lệch ấy vào túi các cán bộ từ bộ y tế, cục dược, các công ty nhập khẩu, phân phối, cán bộ bệnh viện, các trình dược viên... Hưng - một  dược sỹ, quản lý kinh doanh cho hãng dược phẩm Sipla Ấn Độ tại Việt Nam nhiều năm cho biết : các loại thuốc mà hãng của anh đang "đẩy" vào bệnh viện tại Việt Nam thông thường phải chung chi từ 25 đến 35 % giá để giám đốc và trưởng khoa dược các viện "phê duyệt" cho vào viện.

 Đã thế, ngay cả những việc tày trời như : đánh tráo các vật tư tiêu hao, vật liệu thay thế cho bệnh nhân cũng bị bác sỹ nhắm mắt làm liều trục lợi. Tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà Nội khi thay cho nhiều bệnh nhân, kể cả của bố ông Bí thư Quang Nghị cũng bị đánh tráo, phẫu thuật vô tội vạ. Có bác sỹ còn lương tâm đã phải đứng ra tố cáo nhiều lần nhưng vô tác dụng, tiêu cực được bảo kê từ sở, từ bộ rồi.

 Chưa kể các trò móc túi con bệnh : cứ vào viện là chụp chiếu loạn xạ, xét nghiệm loạn xạ - nó được lãnh đạo các viện bảo kê và báo chí nói gì thì mặc kệ. Chưa cần mổ cũng mổ, cứ đè ra mà mổ khi chưa cần phải mổ, chỉ cần dùng những thủ thuật hoặc toa thuốc rất đơn giản.

   Nói chuyện chị Tiến hoài thì cũng không khác gì mấy anh chị khác : anh La Thăng, anh Đình Huệ, anh ...một lô một lốc các anh chị đều chỉ giỏi chém gió, đã cùng nhau phá nát bấy cái ngành của mình rồi tiếp tục kiếm tiền nhảy sang chỗ khác ...chém gió.

  Chưa biết bao giờ thì mấy anh chị chém gió chuyên nghiệp này mới thất nghiệp ?


BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ
In tiền để tăng lương?!
http://nguyenvanphu.blogspot.no/2012/10/in-tien-e-tang-luong.html
Tuần qua, vấn đề tăng lương lại nóng lên khi được đưa ra bàn trước Thường vụ Quốc hội. Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương, “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”.
Phải nói thẳng, đây là một tuyên bố không nghiêm túc!
Việc tăng lương nằm trong lộ trình đã định từ trước, có nghĩa ngân sách 2012 và 2013 đã chuẩn bị trước các nguồn tiền để thực hiện. Nay ngân sách không kham nổi thì Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao, hụt thu ở nguồn nào, cách giải quyết ra sao trước khi loại bỏ một mục chi lớn đã được phê duyệt. Ngân sách nhà nước cũng không phải là chuyện nhỏ để muốn tăng chi ở một mục nào đó thì chỉ cần Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền. Đây là một cách nói dễ gây hiểu nhầm rất tai hại. Quốc hội là nơi thông qua ngân sách hàng năm, kèm theo đó là mức bội chi được phê duyệt chung. Nhiệm vụ của Chính phủ là thuyết trình vì sao cần tăng thêm bội chi, cho khoản mục nào, cách bù đắp sau đó sẽ ra sao để thuyết phục đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Không hề có chuyện Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho in thêm tiền để tăng lương! Vậy mà cũng chẳng thấy các quan chức trong Thường vụ Quốc hội nói lại cho rõ.
Ở hướng ngược lại, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội hoàn toàn có lý khi gợi ý thay vì tăng lương từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng thì có thể chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Nhưng để ý kiến này mang tính thuyết phục cao hơn, cần yêu cầu Bộ Tài chính trình bày cụ thể, với phương án này mức tăng cho ngân sách là bao nhiêu, với phương án kia, thiếu hụt sẽ lên đến bao nhiêu và các phương án bù đắp. Quốc hội là nơi buộc các thành viên của Chính phủ phải trần tình với số liệu chuẩn bị đầy đủ - chứ không phải là nơi mặc cả chuyện… in tiền để chi tiêu.
Trong câu chuyện này, cần phân biệt hai khái niệm “tăng lương” và “bù trược giá”. Lương tối thiểu của công chức, viên chức được tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng trong năm 2011 (tăng 13,7%) và lên 1.050.000 đồng/tháng trong năm 2012 (tăng 26,5%). Trong khi đó lạm phát của năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Như thế nếu loại trừ yếu tố trược giá, mức tăng lương trong những năm vừa qua là không đáng kể. Hay nói cách khác mức tăng lương này không theo kịp mức tăng danh nghĩa tổng thu nhập quốc dân (GDP danh nghĩa năm 2010 tăng 19,4% và năm 2011 tăng 28%).
Như vậy những “mức tăng” lương tối thiểu những năm trước chưa thể nào gọi là góp phần nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, người lao động… mà chỉ mới phần nào bảo vệ thu nhập của họ trước cơn bão tăng giá.
Nay cũng vậy, ngân sách phải có nhiệm vụ ít nhất bảo đảm thu nhập tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách không bị hao hụt vì lạm phát chứ khoan nói gì đến chuyện tăng lương. Đặt vấn đề như thế để thấy trách nhiệm của Bộ Tài chính là bảo đảm ngân sách kham được chuyện này, ít nhất như các năm vừa qua.
Điều đáng nói hơn nữa, trong những lần tăng lương tối thiểu trước đây, rõ ràng không phải tất cả khoản tăng dồn về ngân sách trung ương phải gánh chịu. Chẳng hạn để tăng lương các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế được sử dụng tối thiểu 35% khoản thu được để lại trong khi ngành này vừa tăng viện phí trong năm nay. Không biết Bộ Tài chính đã tính toán chi ly những khoản như thế hay chưa trước khi tuyên bố ngân sách không kham nổi.


BLOG ĐÀO TUẤN

Tháng Mười 25, 2012 in Kinh hoàng tế sống

Trong câu chuyện “thuế” được bàn sáng nay tại Quốc hội, “cảnh sát thuế” lại được nhắc đến dù nó đã nhận cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Dường như câu chuyện giảm thu “thấp kỷ lục nhiều năm”, dường như 25.500 tỷ đồng giảm thu nội địa, dường như việc ngân sách cạn đáy khi không có nổi 60 ngàn tỷ đồng để tăng lương đã ám ảnh các nhà làm luật. Đến nỗi, Luật Quản lý thuế hầu như chỉ bàn ở giác độ các biện pháp làm sao để “những phường gian dối” hết đường trốn thuế.

Có một câu cửa miệng dân gian vô cùng thú vị “Nào chúng ta cùng trốn (thuế)” để nói về tình trạng thuế được coi như thứ “của chùa” mà không trốn mới là bất bình thường. Đăng đàn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đưa ra con số: Trong lĩnh vực nhập khẩu, có khoảng 20% DN thường xuyên chây ì thuế và vi phạm pháp luật về hải quan.

Phải chấn chỉnh “nguồn thu chủ yếu” của ngân sách quốc gia là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng có một chi tiết không nhỏ, được nhắc đi nhắc lại ngay cả khi nhận được cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đó là ý tưởng đặt ra một thứ “cảnh sát thuế”.

Một ĐBQH, thuộc khối tư pháp, đương nhiên, đã đăng đàn quyết liệt để bảo vệ, với lập luận: “Sự chuyên nghiệp của cơ quan điều tra, kiểm sát cũng không thể bằng cơ quan thuế”. Có nghĩa là vì khó, cho nên phải lập riêng một lực lượng mới để đối phó với các DN có ý định trốn thuế? Và 20% DN chây ì là lý do dẫn đến việc lập ra một lực lượng gắn kèm hai chữ “cảnh sát”?

DN Việt Nam đang chịu đủ thua thiệt, riêng trong lĩnh vực thuế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã dùng chữ “quá cao”, trong khi thuế Thu nhập doanh nghiệp được nói “khan cổ” suốt từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn đang là những hòn đá tảng, đè nặng lên những DN còn có thể thoi thóp. Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại cuộc “làm luật” sáng nay, cũng có không ít lời kêu than: Thuế cao, thuế nhiều, thuế nặng, thuế trùng và một tình trạng thời sự nóng hổi là phạt chậm nộp thuế, như giọt nước cuối làm tràn “chiếc ly sức chịu đựng” của DN.

Điều cần làm bây giờ, và kể cả sau này là có một mức thuế không cao hơn các nước khu vực để DN Việt không chết trong “ao nhà”, trước khi nói chuyện “ra biển lớn”. Là quyết liệt với những câu chuyện phi thuế, hoặc thuế phí ‘không hóa đơn”, để họ có thể đàng hoàng làm “những chiến sĩ xung kích trong thời bình”, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chứ không phải dáo dác luồn nọ lách kia. Chứ không phải là việc đặt ra một lực lượng cảnh sát thuế.

Ngày 13-10-1945, tức chỉ ít ngày sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới công thương toàn quốc long trọng cam kết “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”, bởi theo ông Cụ: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Và hôm nay, đúng vào thời điểm ngân sách cạn đến không còn đủ tiền tăng lương, câu chuyện “cảnh sát thuế” cho thấy còn có một cách nhìn khác.  Bởi đặt ra cảnh sát thuế, có nghĩa, các nhà làm luật đang nhìn các DN dưới giác độ những “tên tội phạm tiềm ẩn”, thay vì thấy họ như những người tạo ra nhiều nhất của cải và việc làm cho xã hội. Và thứ đáng để nói hơn cả trong câu chuyện “cảnh sát thuế” là đang cho thấy tồn tại một “tâm lý cảnh sát” trong đầu những nhà làm luật. Thứ tâm lý vẫn dai dẳng từ thời bao cấp, khi DN được gọi miệt thị là “con buôn”, khi sự giàu sang giống y như sự vô đạo đức.