Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012
Anh Vũ - Thiệt hại kinh tế của bão Sandy với nước Mỹ
Anh Vũ (RFI)
Cứu nạn tại Little Ferry, tiểu bang New Jersey, 30/10/2012. REUTERS/Adam Hunger
Mặc dù chưa có thống kê cuối cùng nhưng một câu hỏi lớn đã được đặt ra : Bão Sandy gây thiệt hại bao nhiêu cho nền kinh tế Mỹ ? Các chuyên gia dự báo con số lên tới nhiều tỷ đô la, nhưng cũng khuyến cáo là thiên tai có thể thúc đẩy sức năng động cho hoạt động kinh tế.
Các chuyên gia đã nhất trí cho rằng, với hơn 11 nghìn chuyến bay bị hủy, nhiều xí nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giao thông ở các thành phố lớn như Washington và New York bị đình trệ, cơn bão Sandy sẽ gây những hậu quả không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang trong khó khăn. Dự tính sau bão sẽ còn phải mất hàng tuần để sửa chữa lại mạng lưới điện và nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hại.
Ngay từ bây giờ cơ quan quản lý rủi ro của Mỹ Eqecat dự tính thiệt hại do bão Sandy gây ra với bờ đông nước Mỹ có thể lên tới từ 10 đến 20 tỷ đô la. Đây là mức thiệt hại trung bình do bão mà nước Mỹ phải gánh chịu trong thời gian gần đây. Năm 2008 cơn bão Ike cũng đã gây thiệt hại 20 tỷ. Trận thiên tai tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ đó là cơn bão Katrina, đổ vào New Orlean, nam tiểu bang Lousiana hồi năm 2005. Thiệt hại vật chất ước tính của trận bão Katrina khi đó lên tới khoảng 66 tỷ đô la và làm 1800 người chết. Tính toán thiệt hại của một trận thiên tai chỉ là tương đối chính xác.
Tuy nhiên theo các chuyên gia về thiên tai thì các trận thiên tai lớn như bão hay động đất thường lại có tác dụng kích thích hoạt động kinh tế, đăc biệt như ở nước Mỹ. Chuyên gia Morici nhận định « thiên tai có thể tạo ra cú hích cho lĩnh vực xây dựng, một ngành kinh tế hiện đang gặp khó khăn và thúc đẩy đầu tư. Nhận định này được rút ra từ những đợt thiên tai trước đây. Chẳng hạn như sau trận động đất kinh hoàng tàn phá hầu hết tỉnh Tứ Xuyên năm 2008, làm 70 nghìn người chết, một cơ quan của chính phủ Trung Quốc đã tính toán được rằng những cố gắng tái thiết vùng bị nạn đã góp phần làm tăng 0,3% sản phẩm nội địa của nước này.
Nhiều cơ quan thẩm định rủi ro thiên tai đều có chung nhận định nền kinh tế Mỹ cũng ít nhiều có thể hưởng lợi sau bão Sandy. Các chuyên gia cho rằng « một khi cơn sốc đã đi qua, có thể việc làm trong ngành xây dựng sẽ gia tăng, chỉ tiêu của các gia đình và công ty để sửa chữa thiệt hại cũng tăng » , và điều này sẽ kích thích kinh tế phát triển. Theo Edmunds, những thiệt hại do bão Sandy gây ra có thể sẽ thúc đẩy người tiêu dùng trở lại với thị trường xe hơi và doanh số bán xe sẽ tăng trong tháng 11.
Trừ tham nhũng đi giật lùi
Ngô Nhân Dụng
Ðảng Cộng sản Việt Nam đã hô hào chống tham nhũng, ngăn ngừa tham những từ mấy chục năm nay; nhưng nạn tham nhũng ngày càng gia tăng thêm. Thời Nguyễn Văn Linh không nhiều tham nhũng như thời Ðỗ Mười. Thời Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải không có những vụ ăn cắp trắng trợn như thời Nguyễn Tấn Dũng. Họ đã lập ra những ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng không bao giờ tấn công vào tận gốc rễ của tham nhũng, là chính sách tập trung quyền hành; mà quyền hành thì không có cơ chế độc lập nào để kiểm tra.
Một căn nguyên của nạn tham nhũng, lạm quyền, ở Việt Nam cũng như bên Trung Quốc, là chính sách tập trung quyền hành trong tay một người hay nhóm người. Quyền hành tập trung tất nhiên tạo cơ hội cho tham nhũng, lạm quyền; rồi tiếp tục nuôi dưỡng tai họa đó. Muốn sửa đổi, muốn chấm dứt nạn tham nhũng, phải bắt đầu từ căn nguyên, là xóa bỏ cả hệ thống đặt trên chính sách tập trung quyền hành.
Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam không theo cách đó. Bây giờ, để cắt bớt tay chân của Nguyễn Tấn Dũng, họ đang sai Quốc Hội chuẩn bị sửa lại luật. Luật mới sẽ không cho chức thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nữa, chức vụ này sẽ được trao cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể coi đây là một đợt “sửa sai” mới và khá lớn của đảng Cộng sản Việt Nam, sau vụ sửa sai năm 1955 khiến Trường Chinh mất chức tổng bí thư vì cuộc cải cách ruộng đất giết chết oan hàng trăm ngàn người, lòng dân oán hận. Khi nói “sửa sai” tức là công nhận có lỗi lầm. Có lỗi lầm tức là có người chịu trách nhiệm. Cho nên nói sửa sai thì cũng phải sửa ngay cái nhân vật trách nhiệm làm sai.
Nhưng trong vụ sửa sai Nguyễn Tấn Dũng này, không hề chỉ mặt ai là người chịu trách nhiệm; không ai bị mất chức như Trường Chinh hồi trước. Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm thủ tướng, nhơn nhơn ra trước Quốc Hội tuyên bố mình có lỗi lầm, nhưng không nhận một trách nhiệm cụ thể nào cả. Dũng mất quyền chỉ huy trực tiếp vài chục doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, nhưng vẫn nắm quyền gián tiếp. Vì các doanh nghiệp đó sẽ được trả về cho các bộ, các cơ quan, vân vân; mà những bộ và cơ quan này lại nằm dưới chức thủ tướng; những người đứng đầu cơ quan cũng do thủ tướng cử ra.
Nguyễn Phú Trọng nắm thêm được thêm quyền hành, sẽ lên làm chủ tịch ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng; theo dự luật thì cái ban phòng chống từ nay sẽ thuộc Bộ Chính Trị chứ không thuộc chính phủ nữa.
Chức chủ tịch ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vốn là một chức béo bở. Nó có thể tạo cơ hội cho người đứng đầu tham nhũng mạnh hơn, vì có quyền hạch sách những tay tham nhũng khác trong khi vẫn che chở được những đàn em theo mình. Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm lấy chức vụ đó của Nguyễn Tấn Dũng. Làm như vậy có giúp cho việc phòng ngừa và bài trừ tham nhũng có hiệu quả hơn không?
Khó tin là hiệu quả hơn. Bởi vì việc chuyển quyền hành từ một chức vụ này sang một chức khác không hề thay đổi bản chất của hệ thống, là quyền hành vẫn được tập trung; vẫn không có cơ chế độc lập nào làm công việc kiểm soát và giám sát chính cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đó. Mấy năm trước Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nên tha hồ nuôi đàn em tham nhũng; với những công ty quốc doanh biến mất hàng tỷ Mỹ kim, với những chiếc tàu thủy mới mua về đã chìm nghỉm. Nay Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cái ủy ban đó; nhưng ai sẽ giám sát, kiểm tra công việc bài trừ tham nhũng của các đàn em của Nguyễn Phú Trọng? Một câu hỏi của mọi hệ thống chính quyền là: “Ai thanh tra, giám sát những người thanh tra và giám sát viên?” Trong hệ thống cai trị của đảng cộng sản không có cơ chế độc lập nào để giám sát những người giám sát cả.
Nhìn dưới mắt hệ thống, thì việc chuyển cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ chính quyền sang Bộ Chính Trị, việc trao chức đứng đầu ủy ban cho tổng bí thư thay vì chức thủ tướng, là một bước đi giật lùi.
Bởi vì chức vụ thủ tướng, trên nguyên tắc là do Quốc Hội tín nhiệm trao cho. Nghĩa là các đại biểu Quốc Hội có quyền giám sát, điều tra và đàn hặc (họ gọi là kỷ luật) người nắm chức thủ tướng. Cũng trên nguyên tắc, các đại biểu Quốc Hội là do dân chúng bầu lên. Do đó, có thể coi là (trên nguyên tắc) người làm thủ tướng chịu trách nhiệm trước dân chúng. Ðó là những nguyên tắc dân chủ.
Trong thực tế, người ta đang làm khác hẳn so với nguyên tắc. Cho nên cái ông thủ tướng cầm đầu ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mới có thể nuôi tay chân bằng tiền tham nhũng. Nhưng muốn sửa đổi thực tế sai lầm này thì phải làm sao cho từ nay áp dụng cho thực tế theo đúng nguyên tắc. Tức là phải cố gắng thi hành đúng các nguyên tắc được rõ ràng ghi trong Hiến Pháp. Thi hành đúng tức là các đại biểu Quốc Hội phải thực sự đại diện cho dân; mọi người phải có quyền ứng cử và bỏ phiếu chọn lựa tự do. Thi hành đúng Hiến Pháp tức là các đại biểu phải làm công việc kiểm soát chính phủ một cách tích cực. Ðó là cách sửa chữa để làm công việc bài trừ tham nhũng một cách hữu hiệu. Nhưng đảng cộng sản không làm theo cách đó. Ngược lại, họ sửa chữa những sai lầm bằng cách xóa bỏ cả những nguyên tắc căn bản trong Hiến Pháp đi. Trong việc phòng chống tham nhũng, hay trong bất cứ sai lầm nào, họ đều làm như vậy.
Khi trao cả ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào Bộ Chính Trị, đặt chức tổng bí thư lên đứng đầu ủy ban đó, đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt cái ủy ban này, và người đứng đầu nó, ra ngoài tầm tay kiểm soát của Quốc Hội! Họ xóa bỏ quyền của Quốc Hội, mà các đại biểu Quốc Hội cứ thế nhắm mắt biểu quyết thông qua, thế mới là trò hề! Nhưng đồng thời, họ cũng xóa bỏ luôn nguyên tắc là người dân có quyền kiểm tra cái ủy ban đi kiểm tra người khác!
Ðảng Cộng sản là một quyền lực vượt trên tất cả, trên Hiến Pháp cũng như trên cả hệ thống pháp luật. Ðặt cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào tay tổng bí thư tức là trao cho tổng bí thư một con dao với quyền lực vô địch. Không một đại biểu Quốc Hội nào, không người dân bỏ phiếu nào có quyền gì đối với ông tổng bí thư cả. Nó cũng không khác gì thời xưa đảng Cộng sản đã trao cho một ông tổng bí thư cái quyền truy tam đại người ta để tố khổ rồi giết chết những người bị gán danh hiệu địa chủ. Ngày trước thì người ta sử dụng uy quyền tuyệt đối đó để giết người. Ngày nay, với kinh tế đổi mới, giết người không phải là một hành động sinh lợi lộc cho nên chẳng ai thiết làm. Nhưng ai nắm trong tay cái quyền siêu việt gọi là bài trừ, phòng chống tham nhũng cũng có thể sử dụng quyền đó mà kiếm lời, lợi lộc lớn khó mà đo lường, không khác gì ngành kinh doanh “buôn vua” của Lã Bất Vi đời trước. Ðể cho việc kinh doanh thêm dễ dàng, người ta sẽ làm một cái luật chống tham nhũng đầy lỗ hổng, để cho người thi hành toàn quyền quyết định cho đứa nào chui qua cái lỗ nào! Trước khi dự luật được đưa ra bàn, bao nhiêu người đã chê nó là một thứ con hổ không có răng! Chê như vậy là không hiểu gì hết. Vì chủ ý của người ta có định cắn tham nhũng đâu mà con cọp cần phải có răng!
Quốc Hội bù nhìn sẽ gật gù cho thông qua cái dự luật mới về phòng chống tham nhũng. Nhưng cái luật đó sẽ rất lẩm cẩm! Bất cứ người công dân Việt Nam nào cũng có thể đặt câu hỏi: Chức vụ tổng bí thư có chịu trách nhiệm trước Quốc Hội bao giờ hay không? Chức vụ tổng bí thư không thuộc ngành hành pháp, làm sao bắt nó phải thi hành một đạo luật của Quốc Hội? Ðiều nào trong Hiến Pháp cho phép Quốc Hội lập một cái ủy ban rồi bắt ông tổng bí thư phải đứng đầu?
Tất nhiên, không người dân nào cũng như không đại biểu Quốc Hội nào dám đặt các câu hỏi đó; những câu hỏi làm cho tất cả các nghị gật đều lộ ra bộ mặt ngớ ngẩn. Thực chất là người ta cũng chẳng cần phòng chống cái gì cả. Mọi hành động, mọi biện pháp họ đang làm chỉ là những thủ đoạn để chống phá lẫn nhau mà thôi. Chuyển giao chức vụ trưởng ban phòng chống tham nhũng từ tay này sang tay khác để chia sẻ quyền hành giữa các phe nhóm. Còn chuyện việc chuyển giao đó có đúng Hiến Pháp hay không, họ không cần biết! Họ xưa nay vẫn ngồi trên Hiến Pháp, có sao đâu? Còn chuyện mai mốt có ai bài trừ được nạn tham nhũng hay không, họ cũng không cần biết. Gia đình Ôn Gia Bảo bên Tàu, sau 10 năm làm thủ tướng, đã thu góp được tài sản gần ba tỷ Mỹ kim, không lẽ các đồng chí ếch nhái bên ta không theo gót? Dù cái thủ lợn bên ta nhỏ hơn bên Tàu, nhưng vẫn phải phấn đấu tranh thủ lấy mấy miếng chứ?
Vì chỉ nghĩ đến việc phá lẫn nhau để giành phần thủ lợn, họ phải dùng ngay cả cái ủy ban bài trừ tham nhũng làm con dao chém nhau, cho nên mới bày ra những trò hề vô duyên và ngớ ngẩn.
Trọng Thành - Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng
Trọng Thành (RFI)
Bình luận về vụ án Việt Khang trong bối cảnh xẩy ra nhiều vụ bắt bớ và kết án tù những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, từ TP Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết ý kiến.
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam
RFI : Xin kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Phiên tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vừa kết thúc. Xin luật gia cho biết nhận định của ông về phiên tòa này.
Ông Lê Hiếu Đằng : Phiên tòa sáng nay xét xử nhạc sĩ Việt Khang và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình thì cũng như tất cả các phiên tòa khác, như phiên tòa xử anh Cù Huy Hà Vũ, hay mới đây xử 3 blogger (Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải). Nói là phiên tòa công khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được dự. Tôi nghĩ là điều đó là không có dân chủ. Nhất là đối với lực lượng báo chí thì chúng ta cứ cho tham gia, kể cả báo chí nước ngoài nói chung.
Nếu nhà nước thấy rằng việc làm của mình đúng đắn, tự tin, thì mình làm công khai minh bạch, cho nhiều người tham gia càng tốt, thì cái việc làm mình nó sáng tỏ. Còn nếu thấy việc làm chưa đủ tự tin, hay là như thế nào đó, mà lại úp úp mở mở, và dàn hết lực lượng cảnh sát công an ra để ngăn chặn, thì tôi cho là cái này rất là « thất chính trị ». Anh có thể thắng, theo nghĩa nào đó, là xử tù người ta. Nhưng cái mất của anh rất lớn, là mất lòng tin của dân, và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước Việt Nam. Nhất là trong thời buổi này, vấn đề nhân quyền, vấn đề bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân tất cả các nước đang là một vấn đề mà người ta đều rất quan tâm với xu thế tiến bộ hiện nay.
RFI : Vừa rồi, như ông biết, tại Việt Nam diễn ra một loạt các vụ xét xử hay bắt bớ, với nhiều án tù với tội danh chống Nhà nước. Phải chăng có một chủ trương trấn áp thực sự, một làn sóng trấn áp của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến ?
Ông Lê Hiếu Đằng : Tôi cho rằng, đứng trước đòi hỏi chính đáng của người dân, trước phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đấu tranh để thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, thì thay vì đáp ứng lại các đòi hỏi chính đáng ấy, cũng như các đòi hỏi về ruộng đất của nông dân, thì chính quyền lại dùng các biện pháp trấn áp. Bắt bớ, đàn áp, đạp vào mặt người biểu tình, bắt người dân, hay đàn áp các cuộc đấu tranh của nông dân Văn Giang, Hải Phòng, Nam Định… hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Thế thì cái này đem đến một hậu quả như thế nào, thì chúng ta đã biết rõ. Đó là làm cho lòng dân ngày thêm bất bình, chứ nó không đi đến đâu cả. Mặc dầu anh dùng những bản án nặng nề đối với Cù Huy Hà Vũ, đối với 3 blogger vừa rồi, rồi đối với một số người đấu tranh khác, và sáng nay là Việt Khang. Có tin là 4 năm tù, có tin là 5 năm tù. Còn anh Anh Bình thì 6 năm tù gì đó.
Tôi thấy những cái bản án đó rất nặng nề so với những gì các anh, các chị ấy đã làm. Có lẽ người ta muốn dùng các biện pháp phát xít để mà làm cho người dân, để làm cho giới trí thức, giới văn nghệ sĩ phải sợ, không hưởng ứng phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đấu tranh chống lại cường quyền hiện nay trên đất nước Việt Nam.
Nhưng tôi nghĩ, dân tộc Việt Nam có truyền thống, anh càng trấn áp, thì… Mà chính tôi đi làm cách mạng, và chính các vị lãnh đạo cách mạng đã nói với tôi đấy : « Ở đâu có áp bức, thì ở đấy có đấu tranh thôi ». Anh dùng cái biện pháp đó thì cũng không thể nào dẹp được phong trào đấu tranh hiện nay, mà anh phải bằng chính nghĩa của anh, phải bằng sự minh bạch của anh.
RFI : Thưa ông, vừa rồi ông có nói đến việc tòa kết án hai nhạc sĩ thì quá nặng so với hành động của họ. Không biết như vậy ông muốn nói rằng, họ cũng có thể bị kết một cái án nhất định trong chế độ hiện hành, hay ý ông muốn nói rằng, cần phải có một sự khoan hồng từ phía Nhà nước ?
Ông Lê Hiếu Đằng : Tôi có trên tay hai bản nhạc của nhạc sĩ Việt Khang. Thì hai bản nhạc này không có nội dung gì nghiêm trọng cả. Bởi vì hiện nay, còn có nhiều người nói nặng nề hơn nữa. Ví dụ như, tôi đọc một đoạn trong bài « Việt Nam tôi đâu ? », « Già trẻ, gái trai, giơ cao tay chống xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam ». Tôi nghĩ có lẽ « Nhà nước » xử cái câu sau đấy, có đúng không ?
Giơ tay chống « xâm lược », « xâm lược » ở đây người ta hiểu là chống Trung Quốc, những thành phần hiếu chiến Trung Quốc, còn việc « chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam », thì nếu ai nhu nhược thì người đó phải chịu, có phải không ? Nói « nhu nhược » đây anh cho là ám chỉ Nhà nước mình, vậy Nhà nước mình có nhu nhược hay không nhu nhược mà lại phải xử án ? Nếu chúng ta không nhu nhược, thì bằng hành động của chúng ta, chúng ta phải chứng tỏ là chúng ta không nhu nhược. Chúng ta phải chứng minh cho nhân dân biết là nhạc sĩ Việt Khang nói vậy đấy, nhưng tôi không nhu nhược đây, bằng các hành động chống lại việc nó bức bách ngư dân này, cho báo chí phản bác lại một cách công khai luận điệu hiếu chiến của bọn cầm quyền Trung Quốc, hay trên báo chí, ví dụ như tờ báo Hoàn cầu của Trung Quốc chẳng hạn. Thì anh làm như vậy, thì làm sao nói anh nhu nhược được ?
Thậm chí nhiều người còn dùng những chữ còn mạnh mẽ hơn cả Việt Khang nữa như « hèn nhát ». Nhiều người đây là nhiều quan chức, đảng viên cũng dùng chữ đó, chứ không phải chỉ là những người bình thường đâu. Thì như vậy đâu phải là một tội nặng nề, thậm chí không phải là tội nữa. Mà đó là một sự phê phán, bằng âm nhạc phê phán thái độ chưa thỏa đáng của Nhà nước mình đứng trước hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc.
Cứ nói "16 chữ vàng, 4 tốt". Cái miệng thì nói như vậy, nhưng hành động thì xâm lược. Thậm chí còn những mưu toan xâm lấn trên bộ, như đưa người vào đứng chân ở những vị trí chiến lược của Việt Nam, thậm chí lũng đoạn về mặt kinh tế và chính trị nữa, làm dân Việt Nam phải lo cái đó.
Mà nhạc sĩ Việt Khang nói lên cái tâm trạng đó của người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam hiện nay. Cũng như vừa rồi em Nguyễn Phương Uyên bị bắt, một số nhân sĩ trí thức chúng tôi đang tính sẽ có một tuyên bố về vấn đề này, cũng như tuyên bố về vấn đề bắt bớ hiện nay, để tỏ thái độ chính trị của chúng tôi trước những hành động không đúng mức của Nhà nước.
Trong bài hát thứ hai : « Xin hỏi anh là ai ? » « Xin hỏi anh là ai ? Sao anh bắt tôi ? Tôi làm điều gì sai ? Xin hỏi anh là ai ? Sao bắt tôi chẳng một chút nương tay ? Xin hỏi anh là ai ? Sao không cho tôi xuống đường để bày tỏ… », tôi thấy là, nếu mấy anh công an, hay Nhà nước chúng ta thấy rằng, đây là ám chỉ lực lượng công an, hay là như thế nào thì tôi thấy… Mà nói thẳng là, đấy là chưa nói việc công an, quân đội là con em của nhân dân, là con em của những nông dân, tại sao lại đàn áp nông dân ở Văn Giang, tại sao lại trấn áp gia đình anh Vươn ở Hải Phòng ? Rồi tại sao lại đạp vào mặt anh Đức (Nguyễn Chí Đức) ở Hà Nội, rồi bắt những người yêu nước ở Sài Gòn ? Hôm tôi biểu tình, tôi chứng kiến bắt người như bắt một con heo.
Thì những câu hỏi này làm cho những người công an phải suy nghĩ. Anh là người Việt Nam, thì anh đứng về phía Việt Nam hay phía Trung Quốc ? Trong khi mà chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc (gây hấn), chứ không phải biểu tình chống Việt Nam, theo Trung Quốc, nhưng mà các anh lại đi đàn áp chúng tôi là những người đi biểu tình, cũng như bây giờ bắt bớ anh Việt Khang và xử 4, 5 năm tù. Thế thì anh đứng về phía ai ? Anh đứng về phía Trung Quốc, hay đứng về lợi ích tối cao của đất nước Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam ?
(Có) những người phải trả lời trước lịch sử, trước nhân dân về vấn đề này. Với việc sử dụng tòa án, trấn áp anh cũng không dẹp tắt được ngọn lửa yêu nước của nhân dân Việt Nam đâu. Nó sẽ bùng lên thôi chứ không thể nào dập tắt được. Tôi nghĩ như vậy.
Với hai bài nhạc này, tôi đánh giá là anh Việt Khang chẳng có tội gì hết. Các sáng tác của anh Trần Vũ Anh Bình thì tôi chưa được biết.
Nếu mà với các bản nhạc này mà có tội, thì bản thân rất nhiều người Việt Nam hiện nay đang có tội, kể cả các vị lão thành cách mạng, như tướng Vĩnh, hay những người thường hay phát biểu trên các phương tiện công khai. Ví dụ như tôi nói anh Trần Mạnh Hảo, trước đây là nhà thơ, bộ đội, đã từng đi chiến đấu. Anh ấy có cả những bài thơ còn quyết liệt hơn cả cái này nữa. Và còn nhiều người nữa chứ không chỉ có anh Trần Mạnh Hảo.
Thế thì sao ? Nếu bắt thì có lẽ là Nhà nước Việt Nam không đủ các nhà tù để giam chứa những người yêu nước hiện nay trên cả nước, trong đó có Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Ví dụ như, ký tên vào các kiến nghị vừa rồi, thì có hàng ngàn người, thì anh giam hàng ngàn người đó đi. Những tư tưởng này (trong hai bài hát của Việt Khang) thì cũng như vậy đi.
Thành ra tôi cho rằng, cái biện pháp trấn áp phát xít, bắt bớ giam cầm có tác dụng ngược, rất là nguy hiểm. Nó rất có hại cho chính quyền Việt Nam.
Với tư cách một công dân, tôi đề nghị từ ông Tổng bí thư cho đến Chủ tịch nước cho đến các lãnh đạo cao cấp khác phải xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc, để mà ngăn chặn cái làn sóng, nếu như anh nói có cái làn sóng đó, mà đúng là hiện nay có cái làn sóng đàn áp bắt bớ đối với những người yêu nước, đối với những người khác chính kiến.
Chúng ta phải có thói quen như thế giới hiện nay là phải tôn trọng các ý kiến khác nhau, vấn đề khác chính kiến là điều rất bình thường. Miễn là chúng ta đấu tranh trong hòa bình, không bạo lực, không gây chết chóc. Chúng tôi phản đối hoàn toàn những ai muốn gây chết chóc đổ máu.
Đấu tranh bằng tiếng nói, bằng biểu tình, bằng những gì mà luật pháp đã cho phép, thì tôi nghĩ rằng Nhà nước phải tôn trọng. Nếu không, Nhà nước sẽ đẩy một số người, vì không có các hoạt động..., họ lại đi vào các hoạt động khác, nó tại hại hơn, thì lúc đó là… đó là những bất ổn chính trị hết sức nghiêm trọng.
- Xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.
BBC: Trí thức gửi thư về vụ Phương Uyên
BBC
Một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đang kiến nghị lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người bị bắt hôm 14/10 vừa qua.
Nguyễn Phương Uyên bị bắt hôm 14/10
Lá thư đề ngày 30/10, hiện đang được thu thập chữ ký trước khi chính thức chuyển tới Văn phòng Chủ tịch nước, cũng yêu cầu có giải thích công khai "về sự kiện bắt giam cháu Nguyễn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM".
Được biết, lá thư kiến nghị này hiện đã có khoảng 100 người tham gia, trong đó có những tên tuổi trí thức quen thuộc, được nhiều người biết đến, như Giáo sư Tương Lai, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...
Người chấp bút bản kiến nghị nói rõ nó được thảo ra "tiếp theo thư của các cháu sinh viên Trường Đại học Công Nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Nước ngày 20/10/2012 và nhằm hậu thuẫn cho đề nghị chính đáng của sinh viên".
Chừng 100 sinh viên đồng môn của Nguyễn Phương Uyên trước đó đã gửi thư cầu cứu khẩn cấp lên Chủ tịch Sang về việc mà họ gọi là sinh viên này 'mất tích'.
Sau đó vài ngày, công an mới thông báo cho gia đình Phương Uyên là em đã bị bắt vì cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước.
'Bức xúc'
Thư kiến nghị của các vị trí thức cho hay họ "hết sức bức xúc" trước tin sinh viên Phương Uyên bị bắt, mà lý do họ cho là "xuất phát từ lòng yêu nước của tuổi trẻ".
"Trong chúng tôi cũng có những người đã từng đứng trên bục giảng và hiểu được tâm trạng của tuổi trẻ", lá thư viết.
"Nếu do thiếu kinh nghiệm đường đời, cháu có thể có hành vi nào đó công an cho là phạm pháp luật, thì liệu có nên bắt giam và hành hạ cháu như thế, cũng như từng đã ứng xử với những tuổi trẻ yêu nước khác đang bị bắt giam như vậy không?"
Các trí thức nhắc lại điều mà cũng chính họ đã ghi trong các thư ngỏ và kiến nghị lên lãnh đạo Việt Nam trước đây, yêu cầu "chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đặc biệt là chấm dứt hành động đàn áp, khủng bố những thanh niên yêu nước đã dám dấn thân vào các hành động cứu nước một cách cụ thể, trong sáng và mạnh mẽ".
Lá thư yêu cầu Chủ tịch Trương Tấn Sang "có chỉ thị cụ thể cho việc xử lý có tình, có lý đối với hành vi yêu nước của một cô gái 20 tuổi đã dám biểu tỏ bằng hành động cụ thể tinh thần dân tộc và lòng căm thù quân xâm lược cho dù hành động đó bị Công an quy kết vào bất cứ tội trạng nào".
Mạnh mẽ hơn, lá thư này còn đòi trả tự do cho Phương Uyên sớm được về với gia đình và trường học, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Sang "xem xét, rà soát lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết".
Trong khi đó, BBC được tin lá thư cầu cứu khẩn cấp từ các bạn học của Nguyễn Phương Uyên gửi lên ông Trương Tấn Sang 10 ngày trước "vẫn chưa có phản hồi".
Một bạn học cùng trường, đề nghị giấu tên, nói tới sáng thứ Ba 30/10 các em mới được nhà trường thông báo chính thức về việc Phương Uyên bị bắt.
Nguồn: bbc.co.uk
Ðinh Xuân Quân - Những điều cử tri gốc Việt cần biết về Obamacare
TS Ðinh Xuân Quân
Trong bốn cuộc tranh luận trên TV của các ứng cử viên tổng thống, có một điểm quan trọng là chính sách y tế và an sinh xã hội. Phe Dân Chủ (DC) ủng hộ luật Affordable Care Act còn gọi là Obamacare trong khi phe Cộng Hòa (CH) muốn bỏ đạo luật này.
Về y tế có một số chuyện phi lý tại Mỹ: Một loại thuốc thông thường ở Canada bán tự do với giá lối 3 đôla trong khi tại Mỹ loại thuốc này được bán với giá 20 Mỹ kim vì Hoa Kỳ cấm nhập thuốc trị bệnh từ nước ngoài, trừ những gì Hoa Kỳ không sản xuất. Muốn mua vài viên trụ sinh cho một cái mụt nhọt thì bệnh nhân phải đi khám bệnh với một bác sĩ, rồi mới có toa thuốc để ra Pharmacy mua. Rốt cuộc tổn phí trên $100 cho mấy viên trụ sinh giá 10 đôla.
Trong mấy bài viết cho cử tri Mỹ gốc Việt (1) phản ứng của độc giả cho thấy cần nói thêm về Obamacare vì còn nhiều sự hiểu lầm. Trong bài trên Người Việt (2) tác giả đã phân tích sơ qua các chính sách và nay muốn cắt nghĩa thêm chính sách y tế để cử tri gốc Việt dễ chọn/bầu.
Sau nhiều thập niên nỗ lực của nhiều đời tổng thống, hơn 14 tháng tranh luận căng thẳng và vô số đề nghị sửa đổi tại Quốc Hội và trên các diễn đàn công cộng khác, cuối cùng ngày 21 tháng 3, 2010 một đạo luật hai phần ra đời. Ðạo luật là The Patient Protection and Affordable Care Act (PPACA gọi là ACA hay Obamacare) được ký ngày 23 tháng 3, 2010 và đạo luật bổ sung khác The Health Care and Education Reconciliation Act (HERA) được ký vào ngày 30 tháng 3, 2010. Bộ luật dài hơn 2,040 trang, rất phức tạp và sẽ ảnh hưởng cho toàn nước Mỹ trong những thập niên tới (3). Ðạo luật này chỉ mới là một khởi đầu cho quy trình y tế nhân bản hơn mà thôi.
Trong quy trình lập luật phe chống nêu lên bản chất quan liêu của hệ thống nhà nước, sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng, sẽ đẩy các hãng bảo hiểm tư nhân đến chỗ phá sản, làm sụp đổ ngành kỹ nghệ bảo hiểm y tế hay chính phủ liên bang trở nên quá mạnh, dễ dàng quá lạm, xâm phạm vào tự do cá nhân của công dân. Sự chống đối tại Quốc Hội được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhóm đặc lợi (special interest groups) thông qua các cuộc vận động hành lang (lobbying) tích cực đối với các nghị sĩ kể cả phong trào Tea Party.
Tháng 7 năm 2012 vừa qua, 26 tiểu bang thân Cộng Hòa đã nộp đơn kiện luật cải tổ y tế với lập luận rằng các cá nhân không thể bị buộc phải mua bảo hiểm lên Tối Cao Pháp Viện. Cuối cùng Tối Cao Pháp Viện công nhận ACA không vi phạm “tự do cá nhân” và chính phủ có thể bắt buộc mọi công dân mua bảo hiểm.
Ðề tài khó và luật rất dài, hơn nữa luật chưa được áp dụng toàn diện cho nên bài này chỉ cố gắng phân tích luật này một cách tổng quát hầu giúp cử tri Mỹ gốc Việt dùng lá phiếu của mình chính xác hơn.
1. Những điểm chính trong luật y tế (ACA):
Sau đây là những điểm chính trong luật cải cách y tế ACA:
- Một quỹ tạm thời sẽ được thiết lập (tài trợ việc mua bảo hiểm cho những người thuộc nhóm có rủi ro cao nhất đang mang bệnh hay đang thất nghiệp).
- Ðối với người già, đạo luật sẽ xóa dần dần “lỗ hổng đô-nớt - donough hole” của Medicare Phần D. Theo luật mới thì năm 2010 những người già “rơi” vào phải lỗ hổng Medicare nói trên được trơ giúp $250, năm 2011 sẽ được trợ cấp 50% chi phí về thuốc khi “rơi” vào trong lỗ hổng đô-nớt. Sau đó hàng năm chính phủ liên bang sẽ tăng dần mức tài trợ cho tới khi lỗ hổng không còn vào 2020.
- Con cái sẽ được hưởng theo bảo hiểm của bố mẹ cho đến năm 26 tuổi (thay vì 24 tuổi như hiện nay).
- 6 tháng sau ngày luật ban hành, các hãng bảo hiểm không được từ chối bảo hiểm cho những trẻ em đã mang trọng bệnh (pre-existing conditions). Ðến năm 2014 trở đi điều khoản này sẽ áp dụng cho cả người lớn.
- Mọi người: Công dân và cư dân hợp pháp phải mua bảo hiểm y tế ở mức thiết yếu tối thiểu (minimal essential coverage) cho bản thân và con cái. Họ có thể mua qua nơi làm việc hoặc, ở các thị trường mới do chính phủ lập ra gọi là Trung Tâm Trao Ðổi (Health Benefit Exchanges). Những người gặp khó khăn tài chánh, và không có Medicaid hoặc Medicare, sẽ được trợ giúp (subsidy) để mua bảo hiểm. (Những cá nhân hoặc gia đình có lợi tức đồng niên dưới $44,000/người sẽ được chính phủ tài trợ để họ không bao giờ phải trả đến 10% lợi tức của mình cho việc có một bảo hiểm y tế đúng tiêu chuẩn. Nguyên tắc căn bản là lợi tức càng thấp, càng được tài trợ nhiều.)
- Từ 2014 ai không mua bảo hiểm y tế sẽ bị phạt $695/người và tối đa là $2,805/gia đình, hoặc 2.5% lợi tức của gia đình. (Ðược hưởng ngoại lệ cho chế tài trên đây là những người bị ràng buộc vì tôn giáo, những thổ dân da đỏ, di dân bất hợp pháp và tù nhân.)
- Medicaid (Medical ở California) sẽ được mở rộng để bao gồm những gia đình có mức lợi tức đến 133% mức nghèo khó của liên bang (FPL), nghĩa là có thu nhập $29,327 cho một gia đình 4 người. Ðến năm 2014 thì chương trình Medicaid bao gồm luôn cả những người lớn không con nhỏ và có lợi tức thấp như vừa nói. Từ năm 2016 trở đi, liên bang sẽ trả 100% chi phí bảo hiểm cho những người hưởng Medicaid.
- Cải thiện phẩm chất nền y tế ưu tiên cho các dịch vụ primary care services - phòng ngừa. Hội đồng - National Prevention, Health Promotion and Public Health Council sẽ được thành lập để phối hợp các hoạt động y tế nhằm phòng chống bệnh và tăng cường sức khỏe công cộng.
- Ðến 2016, khi những điều khoản chính của luật được thực thi hoàn toàn thì bảo hiểm ước lượng sẽ mở rộng cho thêm 32 triệu những người hiện nay chưa có bảo hiểm.
- Chi phí cho đạo luật này có thể lên đến 940 tỉ Mỹ kim trong vòng 10 năm. Ðể có tiền trang trải cho chi phí này, liên bang sẽ tăng thuế. Một trong những loại thuế sẽ gia tăng Medicare Payroll Tax. Lâu nay thuế này chỉ tính trên đồng lương, nhưng từ năm 2012 khoản thuế này sẽ áp dụng cho cả những lợi tức nhận được do các hoạt động đầu tư (investment income) của những cá nhân có thu nhập trên 200,000$ hoặc gia đình có trên 250,000$/năm, với thuế suất là 3.8%.
- Từ 2018, các công ty bảo hiểm phải trả 40% thuế excise tax cho các chương trình bảo hiểm đắt tiền đặc biệt - gọi là bảo hiểm Cadillac - có trị giá niên phí $27,500 cho gia đình và $10,200 cho một cá nhân (không kể phần răng và mắt).
- Những gia đình có lợi tức từ $250,000 trở lên sẽ bị tăng 0.9% thuế Medicare Parroll Taxes.
- Ðối với người già trên 65 tuổi đang hưởng Medicare. Chính phủ liên bang sẽ cắt giảm 132 tỉ Mỹ kim trong thời hạn 10 năm đối với chương trình Medicare Advantage - một chương trình do các hãng bảo hiểm tư điều hành - được những người già có thu nhập cao, chừng 10 triệu người, tham gia.
- Mức liệt kê để giảm thuế (itemized deduction) cho những chi tiêu y tế không được bồi hoàn (unreimbursed medical expenses) sẽ được nâng từ 7.5% lên 10% của tổng lợi tức điều chỉnh (adjusted gross income, AGI) hàng năm.
- Thu niên phí trên các công ty dược phẩm khởi đầu từ năm 2012 với mức 2.8 tỉ đôla/năm. Riêng với các công ty bảo hiểm y tế thì bắt đầu từ năm 2014 sẽ thu 8 tỉ Mỹ kim/năm và sẽ tăng dần vào các năm sau dựa trên mức độ gia tăng bảo phí (premium) mà các công ty này áp dụng đối với người mua bảo hiểm.
- Ngoại lệ sẽ được áp dụng cho các công ty hay tổ chức bảo hiểm bất vụ lợi (non-profit insurers) hoạt động nhằm phục vụ giới có lợi tức thấp trong xã hội.
Ảnh hưởng lên các công ty bảo hiểm y tế tư nhân
- Các hãng bảo hiểm không được quyền từ chối bảo hiểm cho một người vì đã có bệnh sẵn (pre-existing conditions).
- Phải chi trả cho các khám nghiệm tổng quát định kỳ hằng năm và các dịch vụ phòng bệnh khác mà không đòi hỏi người được bảo hiểm trả tiền phụ góp (co-payments).
- Không được đột ngột chấm dứt bảo hiểm khi người mua bảo hiểm phát bệnh (recissions).
- Phải công khai tài chánh về các chi trả cho dịch vụ y tế đối với người được bảo hiểm, đồng thời phải thực hiện những quá trình khiếu nại nhanh, minh bạch đối với các quyết định chi trả và khai thanh toán.
- Các tổ chức y tế bất vụ lợi như Blue Cross Blue Shield sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế.
Các Trung Tâm Trao Ðổi (Health Benefit Exchanges)
- Trung tâm Trao đổi là một cơ quan của tiểu bang được liên bang giúp ngân sách để hình thành. Các trung tâm trao đổi sẽ giúp quy tụ các cá nhân mua bảo hiểm thành những nhóm lớn, và gom các chương trình bảo hiểm khác nhau của các hãng bảo hiểm tư nhân như HMOs, PPOs vào thành một mạng lưới để cả hai phía có được nhiều chọn lựa hơn. Mọi người có quyền chọn hoặc những chương trình với mức lệ phí thấp nhưng mức chiết phí (deductible) hàng năm cao, hoặc ngược lại.
- Trung tâm Trao đổi cũng có nhiệm vụ giúp cho những doanh nghiệp nhỏ với số nhân viên dưới 100 người, các người kinh doanh độc lập, các cá nhân muốn tự mua bảo hiểm lấy, những người thất nghiệp hoặc về hưu nhưng không đủ tiêu chuẩn để hưởng Medicare, để những người này tập hợp lại với nhau và mua được bảo hiểm với giá phải chăng. Hoạt động của các Trung tâm Trao đổi mang tính chất của những hợp tác xã giúp các thành viên tập hợp lại để có khả năng biết cách mặc cả ngang với các công ty trung bình hoặc lớn khi thương lượng giá cả với các công ty bảo hiểm.
- Dự luật cũng cải thiện các phúc lợi phòng chống bệnh tật cho người cao niên trong khuôn khổ Medicare nguyên gốc.
2. Những điểm chính trong luật HCERA:
Luật HCERA cũng đưa ra những cải cách sau:
- Gia tăng Pell Grant, là tiền trợ cấp của liên bang cho học sinh nghèo bằng cách cung cấp 13.5 tỉ dollars, theo dạng phân bổ bắt buộc (mandatory appropriations), cho Pell Grant.
- Từ 2014 trở đi, giảm mức tiền trả nợ tối đa cho sinh viên sau khi ra trường là 10% của lợi tức khả dụng (discretionary income - hiện nay là 15%).
- Từ 2014 trở đi, sinh viên sẽ được tha miễn số nợ còn lại sau khi đã trả nợ trong 20 năm (hiện nay là 25 năm).
- Sẽ có những điều kiện dễ dàng hơn cho phụ huynh trong việc đứng ra vay tiền cho con cái để theo đuổi việc học hành.
- Gia tăng việc trợ cấp ngân sách cho các đại học cộng đồng (community colleges).
3. Chống đối
Luật ACA theo “model” y tế của tiểu bang Massachussets được coi như là một dạng thu nhỏ của đạo luật cải cách y tế liên bang mà Tổng Thống Obama vừa mới ký mà thôi; bởi vì cả hai có cùng chung nét căn bản. Như vậy sự chống đối của phe CH không phải là sự chống đối về chủ trương - quan điểm cải cách y tế, mà chính ra là sự chống đối giữa hai đảng, một sự đối địch về chính trị, mang tính chất đảng tranh.
Kết luận
Ðối với Mỹ, việc cải cách nền y tế theo hướng tiến đến một hệ thống y tế phổ quát (universal healthcare) nhân bản hơn là một nhu cầu. Ðạo luật về Y tế ACA (Obamacare) là một bước khởi đầu quan trọng đáp ứng lại nhu cầu đó. Quy trình này nối tiếp những đạo luật như Social Security Act bởi Tổng Thống Franklin D. Roosevelt năm 1935, hoặc Medicare and Medicaid do Tổng Thống Lyndon B. Johnson ký năm 1965.
Hai đạo luật trên lúc đầu cũng đã gặp những phản đối mạnh mẽ từ các phe đối lập cho rằng các chương trình y tế do chính phủ điều hành sẽ dẫn đến xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Không một đạo luật nào hoàn hảo ngay từ đầu và thỏa mãn một cách đồng đều yêu cầu của các thành phần xã hội với quyền lợi trái ngược nhau. Ðạo luật Obamacare chưa giải pháp trọn vẹn cho tất cả các nhược điểm của nền y tế Mỹ.
Nó là nền móng cho những cải cách quan trọng hơn về sau. Một trong những điều căn bản mà Obamacare đã đề ra là sự chuyển hướng từ một nền y tế nặng về chữa trị (disease/curative care) qua một nền y tế phòng bệnh (preventive care).
Ðiểm thứ hai là nỗ lực để giảm thiểu mức độ độc quyền của các hãng bảo hiểm tư nhân, tăng cường chuẩn định, và giúp gia tăng sự cạnh tranh trong một thị trường mở rộng với gần 200 triệu khách hàng.
Ðiểm thứ ba là việc cố gắng cung cấp bảo hiểm cho hơn 32 triệu người chưa có và việc cưỡng bách mọi người phải có bảo hiểm y tế (individual mandate). Ðây là bước đầu trong nỗ lực nhằm biến bảo hiểm y tế trở nên một quyền của con người, được xã hội bảo vệ bằng luật pháp. Tóm lại cử tri Mỹ gốc Việt, cần biết là:
- Bắt đầu từ 2014, hầu hết người lớn ở Mỹ sẽ phải mua bảo hiểm y tế.
- Không giảm phúc lợi cho người đang thụ hưởng Medicare. Tuy nhiên, có giảm tiền trả cho các chương trình Medicare Advantage của tư nhân, nhưng không ảnh hưởng tới người thụ hưởng.
- Chương trình Medicaid (ở California gọi là Medi-Cal) sẽ gia tăng để giúp cho toàn bộ người nghèo.
- Người không đủ tiền mua bảo hiểm y tế sẽ được chính phủ tài trợ.
- Các công ty bảo hiểm không được từ chối bán cho người đã bị bệnh sẵn.
- Doanh nghiệp nhỏ, nếu mua bảo hiểm cho nhân viên, sẽ được trừ thuế.
- Sẽ không có hãng bảo hiểm của chính phủ hoạt động song song với bảo hiểm tư nhân. Tất cả các công ty bảo hiểm sẽ vẫn là của tư nhân.
- Pell Grant là chương trình trợ cấp học bổng của liên bang giúp học sinh nghèo.
Ðạo luật còn cần nhiều thay đổi sau một thời gian thử để giảm tính “hành chính hay phiền hà” của mọi quyết định liên bang. Nhìn chung luật y tế này có tính cách nhân bản hơn các luật trong quá khứ, và sẽ giúp người Mỹ gốc Việt nhất là thế hệ thứ nhất, (đến tuổi về hưu) hay thế hệ còn phải đi học.
Ðạo luật này được hai hội bất vụ lợi, là Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ - American Academy of Pediatrics) và Hội Người Về Hưu (AARP - American Association of Retired Persons) ủng hộ vì bảo vệ quyền lợi của hai nhóm người này (trẻ em và người già).
Như đã nói trong bài trước (4) cử tri Mỹ gốc Việt nên chọn và dồn phiếu cho các chính sách nào giải quyết các ưu tư của chúng ta (giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế, chính sách ngoại giao - Tổng Thống Obama đã tiến hành thay đổi định hướng chiến lược của nước Mỹ thời Tổng Thống Bush, thoát ra khỏi tình trạng sa lầy ở một số nước Trung Ðông để chuyển hướng đến vùng Châu Á-Thái Bình Dương nhằm thích nghi với tình hình thế giới mới: Sự lớn mạnh của các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là của Trung Quốc).
Ðiều cần thiết nhất cho cử tri gốc Việt chúng ta vẫn là hiểu rõ chính sách của mỗi ứng cử viên, đi bầu cho đông và có sự lựa chọn đúng đắn.
Bài phân tích này có mục đích đóng góp sự hiểu biết về y tế cho cử tri, hầu chọn đúng người sẽ đem lại lợi ích cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng của mình.
Các ghi chú:
1. Diễn đàn thế kỷ (www.Diendantheky.net) ngày 19/10/2012
2. Người Việt thứ 5, 25 tháng 10, 2012
3. http://www.cnn.com/2010/HEALTH/03/19/interactive.health.care.benefits/index.html?hpt=Sbin
4. Người Việt thứ 5, 25 tháng 10, 2012
Trà Mi - Gia đình nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình lên tiếng
Trà Mi (VOA)
Nhạc sĩ Việt Khang (trái) bị kết án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế trong khi nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, 37 tuổi, bị mức án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế
Mười năm tù Việt Nam dành cho hai nhạc sĩ tác giả của các bài hát yêu nước phản đối bất công xã hội và chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam đang dấy lên những quan ngại trong giới yêu chuộng và bảo vệ nhân quyền cả trong lẫn ngoài nước. Nhạc sĩ Việt Khang bị kêu án 4 năm tù và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình lãnh 6 năm tù sau 5 giờ xét xử tại một phiên tòa ở Sài Gòn hôm 30/10.
Phiên tòa được gọi là công khai nhưng chính thân nhân của bị can không được mời tham dự. Người thân của hai nhạc sĩ cho biết sau khi đấu tranh trước cổng tòa, họ mới được cho vào phòng theo dõi phiên xử qua màn hình của tòa án.
Diễn biến phiên xử như thế nào và phản ứng của gia đình bị can trước bản án này ra sao? Trà Mi ghi nhận qua cuộc trao đổi với anh ruột của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.
Anh Trần Văn Việt: Vô trong đó mình chỉ được vào giống như một phòng cách ly, chứ đâu phải được vô trực tiếp phiên tòa.
VOA: Anh ngồi bên ngoài phòng theo dõi qua màn hình?
Anh Trần Văn Việt: Dạ.
VOA: Bên gia đình anh Việt Khang có mấy người được vào?
Anh Trần Văn Việt: Được hai người gồm mẹ và vợ của Việt Khang.
VOA: Anh có ghi nhận sự hiện diện của ai khác nữa ngoài gia đình hai bị can không?
Anh Trần Văn Việt: Xung quanh là công an hết. Họ ngồi kế bên luôn. Tất cả các máy quay của họ quay hết.
VOA: Còn báo giới hay nhân viên ngoại giao nước ngoài thì sao thưa anh?
Anh Trần Văn Việt: Các nhà báo thì ngồi một bên. Báo chí nước ngoài họ lại ngồi ở một phòng khác nữa.
VOA: Qua màn hình, anh có được theo dõi thông suốt vụ xử từ đầu chí cuối không?
Anh Trần Văn Việt: Những lời Bình và Khang nói, ở ngoài tụi em coi bị cắt, một lát sau họ mới bật lên lại. Luật sư tranh cãi thì chánh tòa bác bỏ, không cho nói. Họ kêu ngưng ngay, không nói nữa. Em thấy bất công và quá đáng.
VOA: Tại tòa, anh Bình và anh Khang có được phát biểu, có được trình bày những lý lẽ không?
Anh Trần Văn Việt: Phát biểu vừa nói lên là họ bác bỏ, không cho nói. Tòa có hỏi chỉ được trả lời có hay không thôi.
VOA: Vì sao có sự khác biệt giữa bản án của anh Bình và anh Khang? Một người bị 4 năm, một người bị 6 năm. Có yếu tố nào dẫn tới sự chênh lệch đó?
Anh Trần Văn Việt: Bình khác với Việt Khang. Việt Khang chỉ có bài hát thôi. Còn Bình vừa vì bài hát, vừa vì rải truyền đơn. Nhưng truyền đơn không phải chống đối nhà nước, mà nói lên bức xúc của đất nước mình bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa. Còn Việt Khang thì vì sáng tác nhạc, giao lưu trên mạng mà họ gọi là ‘lôi kéo mọi người để tạo nên một tổ chức chống đối nhà nước’. Họ nói vậy đó.
VOA: Hai anh Khang và Bình phản biện thế nào trước những điều bị cáo buộc?
Anh Trần Văn Việt: Khang chỉ đấu tranh về những lời bài hát. Khang vừa nói được những câu đó thì chủ tọa cắt, kêu không được nói, coi như đâu nói được gì.
VOA: Lời cuối cùng của anh Bình và Khang tại tòa anh ghi nhận được là gì? Họ có thái độ gọi là ‘nhận tội, xin khoan hồng’ hay không?
Anh Trần Văn Việt: Giờ dù có tội hay không có tội, họ cũng cho là mình có tội rồi. Họ bắt mình ‘có’ hoặc ‘không’ thì cũng phải chấp nhận thôi. Khi kết thúc phiên tòa, tòa có hỏi hai bị can có ước nguyện gì. Bình và Khang nói giờ chỉ xin tòa xem xét khoan hồng để được về sớm lo cho gia đình, cho mẹ già và vợ con.
VOA: Là người đại diện gia đình, anh muốn nói gì về bản án này?
Anh Trần Văn Việt: Em chỉ mong nhà nước bên này xem xét lại, giảm mức án cho Bình và Khang, chứ bây giờ nói chuyện được thả về thì hy hữu lắm. Chỉ có mong giảm án xuống thôi chứ hy vọng được thả về thì không có đâu.
VOA: Đối với gia đình, bản án này có ý nghĩa thế nào?
Anh Trần Văn Việt: Em thấy đó là điều bất công. Khang và Bình bức xúc trước việc đất nước đang bị Trung Quốc xâm chiếm và cách đối xử của chính quyền với người dân. Trăn trở và ý chí của họ về tinh thần dân tộc rất mãnh liệt. Bình là một người hăng hái sinh hoạt bên ngoài. Ở nhà thờ, sinh hoạt của Bình coi như ai cũng biết hết. Bình vừa công tác xã hội, vừa công tác trong nhà thờ, đi về các vùng sâu-vùng xa để cắt tóc, khám bệnh, phân phát quần áo cho thiếu nhi..v.v…
VOA: Gia đình có dự định gì sắp tới trước bản án dành cho anh Bình?
Anh Trần Văn Việt: Hỏi qua luật sư được biết mình cũng không được kháng án, chỉ có Bình với Khang mới được kháng án thôi. Ngày mai em đi thăm Bình. Nếu được gặp mặt, mình cũng trao đổi để khuyên Bình kháng án.
VOA: Hồi nãy anh có nói bản án này đối với gia đình là một sự bất công. Nhưng với xã hội và với thế giới, bản án của anh Bình và anh Khang nói lên điều gì, theo anh?
Anh Trần Văn Việt: Những phiên tòa xử các vụ như vậy thứ nhất là bất công, thứ hai cho thấy ý chí của người Việt Nam bảo vệ dân tộc rất mãnh liệt. Có nhiều người không dám nói lên mà Bình, Khang, hoặc blogger Điếu Cày dám nói lên. Những người đó ý chí của họ rất mãnh liệt. Họ dám nói lên những bức xúc trước việc đất nước bị xâm chiếm.
VOA: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012
Ghé thăm các Blogs: 30/10/2012
BLOG BÙI VĂN BỒNG
Bvbqd - "...nhà ông Vươn chỉ là cái chòi...phá hay không phá không thành vấn đề" - Ôi, một vụ phạm pháp "xâm phạm nhà ở, tài sản nhân dân" mà giám đốc công an tỉnh khô nói là "không thành vấn đề", thế nhưng Thủ tướng chỉ đạo phải đưa ra pháp luật "cái dzụ này" thì khó cho Hải Phòng quá. Khó quá, nửa năm làm chưa xong, cân nhắc cứu ông này, trả thù ông kia, bắt ông nọ thay thế, giấu nhẹm tình tiết này, liên quan kia...đủ trò "chính trị xảo".
Chưa kể, ông Đại Ca còn nói: "Không có chuyện cưỡng chế cưỡng cheo gì cả, đây là cuộc diễn tập...ngoạn mục, có thể dựng thành phim, viết sách...". Nếu thế, dân ở đâu mà nghe nói nơi ở của họ sắp có cuộc "diễn tập hiệp đồng tác chiến công an-quân sự" thì phải tính đến nguy cơ bị ...phá nhà đấy nhé!
Hồi đầu năm, trả lời P.V các báo, đài, ông đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng nói: Cái chỗ diện tích bị cưỡng chế "không phải là nơi quy hoạch nhà ở; nhà ông Vươn chỉ là cái chòi canh cá, phá hay không phá không thành vấn đề" ?!).
Trong khói lửa "diễn tập" - "Cái chòi" này thì
phá hay không phá cũng "dzậy" cả thôi!...he...he...
Sao mà đưa ra lý giải cùn và ngang đến thế? Nông thôn ta, nhất là các khu đầm phá, khai hoang, ai quy định phải có "quy hoạch nhà ở". Xưa nay vẫn vậy, người đi khai hoang để tiện việc ở và lao động, sinh hoạt đi lại, người ta làm nhà ở đâu là quyền tự do, không xâm phạm trái phép vào đất của người khác là được rồi. Dù đây là nơi ông Vươn thuê hợp đồng khai hoang nuôi trồng thủy sản, theo hợp đồng lần đầu trong 20 năm mà người ta không làm nhà thì ở đâu? Sao lại lôi cái "quy hoạch nhà ở" những nơi "đất vàng" của thành phố về khu đầm lầy?
Còn nay, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT-CA Hải Phòng, đệ tử của ông Ca lại trả lời báo chí giải thích loằng xì ngoằng về vụ bắt xử tội ông Khanh:
Theo báo Tuổi trẻ, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng, Thượng tá Phạm Duy Diên, cho biết như vậy về vụ án hủy hoại tài sản tại đầm của ông Đoàn Văn Vươn, xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng.
Ông Diên cho biết kết quả điều tra bước đầu và các quyết định khởi tố bị can đều căn cứ trên những chứng cứ, lời khai của nhân chứng do cơ quan điều tra thu thập. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không để sót người, lọt tội. Hiện cả bốn bị can trong vụ án hủy hoại tài sản tại đầm của ông Vươn đều chưa tiến hành làm các thủ tục mời luật sư bào chữa.
Về lý do tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) trong khi ba bị can khác được tại ngoại, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu dựa trên những văn bản chỉ đạo, các chứng cứ đủ căn cứ để xác định các bị can có hành vi hủy hoại tài sản khi tiến hành cưỡng chế khu đầm nhà ông Vươn. Việc tống đạt quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Khanh là cần thiết để phục vụ công tác điều tra. Ông Nguyễn Văn Khanh, khi đó là phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, được giao trách nhiệm trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế nên được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc.
Tuy nhiên, trong một cuộc tiếp xúc với phóng viên trước khi bị khởi tố, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết bản thân ông không đồng ý với quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3ha đầm của gia đình ông Vươn.
Ông Khanh khẳng định: “Sau khi cưỡng chế, đoàn đã lập biên bản bàn giao 19,3ha đầm cho UBND xã Vinh Quang, lập biên bản kiểm kê bảo vệ tài sản khu đầm. Về việc nhà ông Quý bị phá hủy ngày 6-1, tôi khẳng định không chỉ đạo phá”.
Tối 23-10, Tuổi Trẻ liên lạc với ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) để xác minh thông tin trên nhưng ông Hiền không trả lời và từ chối cung cấp thông tin.
Trong một diễn biến khác, ngày 23-10, Huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng đã họp xem xét việc cách chức đối với các ông Phạm Xuân Hoa (57 tuổi, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Hoan (bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) và ông Lê Thanh Liêm (chủ tịch UBND xã Vinh Quang). Tuy nhiên, đến cuối ngày các quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố - (TTO).
Cũng về vụ việc này, theo báo Đất Việt:
... Chánh Văn phòng CA Hải Phòng giải thích các lý do bắt ông Khanh vì tội "hủy hoại tài sản" của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, việc gia đình ông Vươn cũng như Phó Chủ tịch liên chi hội Thủy sản Tiên Lãng từng bênh vực ông Khanh không được nhắc tới.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, thời gian 4 tháng, để phục vụ công tác điều tra về tội "hủy hoại tài sản."
Có ý kiến đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.
Chiều 25/10, Thượng tá Phạm Duy Diên, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an thành phố Hải Phòng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
Nhà ông Vươn nay thành bãi bình địa hoang tàn, chuyện nhỏ, "diễn tập thôi mà!".
- Trước khi bị bắt giam, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị rằng bản thân không có tội, bị bắt oan. Đề nghị Thượng tá cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 4 bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm, bị khởi tố là do hành vi của các đối tượng này đã phạm vào điểm a, khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự “Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.”
Riêng đối với ông Nguyễn Văn Khanh, khi còn đương chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, được Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng giao làm Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn.
Trong quyết định cưỡng chế 3312/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng không có nội dung phá dỡ các công trình xây dựng, tài sản, nhưng ông Khanh đã ra thông báo số 225/TB-BCĐ ngày 28/12/2011, với nội dung phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ cưỡng chế, trong đó phân công cho tổ 2 tháo dỡ nhà trông đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Khi thực hiện, ông Khanh đã chỉ đạo tổ này phá dỡ cả nhà ông Đoàn Văn Quý - nơi không nằm trong phạm vi cưỡng chế.
Ngày 5/1/2012, khi tổ chức cưỡng chế, ông Khanh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh cho tổ cưỡng chế phá dỡ các công trình trên tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Khanh còn là người gọi điện thoại thuê máy ủi đến hiện trường để phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Đến nay, ông Khanh vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình, loanh quanh chối tội, đổ tội cho người khác; không cộng tác với cơ quan điều tra. Trong khi đó, tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự là rất nghiêm trọng, mức án rất cao (từ 7 đến 15 năm). Do vậy, cần phải bắt giam để điều tra theo quy định của pháp luật.
- Nếu tội danh nghiêm trọng như vậy tại sao không bắt giam cả ba ông Hoa, Hoan và Liêm?
- Ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, các ông Hoa, Hoan, Liêm đã có thái độ thành khẩn khai báo, nhận rõ hành vi phạm tội của mình và sẵn sàng tự giác bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Kết quả điều tra cũng cho thấy ông Hoa, Hoan và Liêm cùng một số người khác chỉ là người thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, không cần thiết phải tạm giam.
- Ngay sau khi có quyết định khởi tố 4 bị can, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có đề nghị truy cứu trách nhiệm liên đới đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng. Ngay trong đơn của ông Nguyễn Văn Khanh gửi cơ quan chức năng cũng nêu ông Khanh thực hiện sự chỉ đạo của ông Lê Văn Hiền và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. Thượng tá có thể nói rõ để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này?
- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố nhận được tường trình của ông Khanh, đã tiến hành điều tra nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận việc này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, khi có đầy đủ căn cứ sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết, không ngoại trừ một ai; sẽ không có “vùng cấm,” không kể người đó ở cương vị nào, nếu có hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Theo đơn của ông Khanh, ngay từ đầu ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa Thượng tá?
- Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố, đến nay không có bất cứ văn bản nào thể hiện ông Khanh phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn; lời khai và tường trình của ông Khanh tại cơ quan điều tra chưa một lần thể hiện việc ông Khanh phản đối chủ trương của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng về việc cưỡng chế đầm của ông Vươn. Cũng chưa có lời khai nào của các đối tượng thể hiện nội dung phản đối của ông Khanh đối với việc cưỡng chế.
- Ngày 8/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhưng đến ngày 22/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can. Thưa Thượng tá, như vậy có kéo dài và quá thời hạn quy định của pháp luật?
- Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện việc điều tra theo đúng luật, việc khởi tố bị can nằm trong thời hạn luật cho phép. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra chịu sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và của cơ quan điều tra cấp trên.
Đ.V
BLOG ĐÀO TUẤN
Một ngày trước khi Luật Khoa học công nghệ được trình bày tại QH, báo Tuổi trẻ đưa ra con số: Việt Nam có tới 24.300 tiến sĩ, trong đó 7.924 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. 24.300 tiến sĩ!. Và cùng với khoảng 9.000 GS, PGS. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia bằng cấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, con số khủng này được đưa kèm với một con số còn khủng (khiếp) hơn: Với 7.924 tiến sĩ này, mỗi năm nền khoa học giáo dục VN chỉ công bố được trên dưới 2 bài nghiên cứu về giáo dục theo chuẩn quốc tế. Và nói đến nghiên cứu khoa học, không thể không nói về một con số xấu hổ: “Tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo (nghiên cứu) của VN đứng hạng 13/14, chỉ hơn Campuchia”.
Câu hỏi “vì sao”, đối với nền khoa học giáo dục nói riêng, cũng như nền khoa học công nghệ nói chung, được người nông dân đặt ra mỗi khi loay hoay chọc tô vít sửa chiếc máy cày “made in China”. Được những vị phụ huynh ngửa mặt hỏi giời khi mỗi vài năm SGK lại “điều chỉnh” một lần. Và, có lẽ, được chính các giáo sư tiến sĩ hỏi nhau.
Và câu hỏi đó, sáng nay, được giải thích là vì tiền.
Mức đầu tư cho KH-CN được ấn định ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 0,5-0,6% GDP. Con số quy tiền, năm 2012, vào khoảng hơn 13.168 tỷ. Con số này tuy chưa nhiều nhưng bảo ít cũng không hẳn là ít. Nó chỉ ít ở con số thực xuống với khoa học, ít ở những đồng tiền thực tế đầu tư cho khoa học- Điều mà TS Phạm Bích San gọi “nôm na là cách trả tiền cho những người làm công tác khoa học”. “Trả tiền bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn khoa học”- ông nói. Nhưng đó chỉ là một thực tế rất nhỏ, trong một thực trạng ngành tài chính quyết định, “một cách hết sức chân tay”, từ mức chi, sự “thế nào là hợp lý” và cả cách trả tiền bất biết nó có đủ hay không, có kịp hay không và thậm chí, nó được sử dụng như thế nào.
Thôi thì cũng coi như có cớ để kỳ vọng chuyện tiền khi Dự thảo Luật Khoa học công nghệ sửa đổi được trình bày trước Quốc hội đã nói đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ.
Nhưng vấn đề hiệu quả của nghiên cứu khoa học công nghệ không hẳn chỉ có nguyên nhân từ tiền. Khi được hỏi “cảm nghĩ” khi đi dự các hội thảo quốc tế trong khi mặt bằng nghiên cứu, sáng chế của ta đang ở mức thấp như vậy. TS Phạm Bích San đã trả lời trên Tuổi trẻ: Nói thật là tôi rất xấu hổ.
Hình như ít người dám nói tới chuyện xấu hổ như ông San. Những vị tiến sĩ đã cóp nhặt của người khác trong báo cáo đánh giá về động đất ở dự án thủy điện Sông Tranh, để đến nỗi tác giả phải kêu lên “Họ liều thật”, là một ví dụ.
Không thể có khoa học nếu như cách trả tiền không khoa học.
Nhưng cũng không thể có một nền khoa học công nghệ hiệu quả, ở sự phụng sự, nếu như các giáo sư tiến sĩ thiếu đi phẩm chất tối thiểu của một nhà khoa học, một “kẻ sĩ”: Lòng tự trọng, mà biểu hiện đầu tiên là biết xấu hổ.
BLOG QUÊ CHOA
Văn Cầm
Mặc dù mang tiêu đề “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào đầu tuần này lại tiếp cận theo cách kiểm điểm những điều làm được và chưa làm được của Chính phủ nên người nghe khó lòng hình dung chính xác “tình hình kinh tế” năm nay qua báo cáo. Thay vào đó, người nghe có thể bị cuốn vào những thành tựu như “kiềm chế lạm phát”, “lãi suất cho vay đã giảm”, “tỷ giá ổn định”, “xuất khẩu tăng 18,9%”, “dự trữ ngoại hối tăng”, “ước thu ngân sách đạt kế hoạch”, “giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP”, “hàng tồn kho giảm”, “sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quí”…
Thậm chí những điểm chưa làm được, tức chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội thông qua vào năm ngoái như tăng trưởng GDP cũng làm người nghe hình dung khác về nền kinh tế khi nghe “tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quí sau cao hơn quí trước”. “Quí sau cao hơn quí trước” thì không có gì đáng lo, mọi chuyện đang tốt dần lên. Nói tóm lại, cách nói “đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch” là cách tư duy rất cũ kỹ trong khi tình hình thực của nền kinh tế không được nhận diện đầy đủ và chính xác.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định, trong ủy ban một số ý kiến cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp”.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nếu hỏi họ vấn đề gì là lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2012, câu trả lời ắt là chi phí tài chính đang là gánh nặng đè bẹp nhiều người, tiền lãi làm ra bao nhiêu cũng chưa đủ để trả lãi vay ngân hàng. Lẽ ra báo cáo phải làm rõ vì sao tiền không chảy vào nền kinh tế, Chính phủ sẽ làm gì với tình hình nợ xấu đang làm nghẽn dòng tín dụng, vì sao chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn lớn như hiện nay…
Với đại đa số người dân, tình hình kinh tế đồng nghĩa với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn vì đồng tiền mất giá, thu nhập giảm sút. Báo cáo cho biết “qua chín tháng đã giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới, ước cả năm đạt khoảng 1,52 triệu”. Đây là con số rất đáng lạc quan nếu nó chính xác tuy mức độ chính xác khó mà đo lường cho được. Khu vực doanh nghiệp nhà nước thì hầu như không tạo ra được việc làm nào mới trong khi khu vực tư nhân khó lòng tạo ra số việc làm khổng lồ này khi số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng mạnh so với những năm trước.
Cũng bởi nhìn tình hình kinh tế, xã hội dưới lăng kính các chỉ tiêu nên báo cáo không đề cập đến các vấn đề gây bức xúc trong dân chúng, từ chuyện cụ thể như cách giải quyết đập thủy điện Sông Tranh 2 đến các vấn đề an sinh như tăng viện phí gây tác động lớn lên người dân. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu lên những nghịch lý của nền kinh tế trong khi báo cáo của Chính phủ hoàn toàn không đề cập gì đến những nghịch lý này.
Điều mọi người trông đợi ở báo cáo hay nói đúng ra ở bộ máy điều hành kinh tế là một sự thay đổi căn bản về tư duy điều hành: không bám theo các chỉ tiêu cứng nhắc mà là phân tích và tìm giải pháp cho những vấn đề lớn của kinh tế, xã hội. Đó là tìm mô hình tăng trưởng mới khi đầu tư không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng nữa (ít nhất là trong những năm tập trung giải quyết nợ xấu của nền kinh tế). Trong mô hình này, việc tăng năng suất phải được đặt ra, việc cạnh tranh bình đẳng phải được khuyến khích và việc thay đổi cán cân xuất nhập khẩu theo hướng giảm nhập siêu một cách bền vững phải được coi trọng.
Nhìn rộng ra, đặc điểm lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là sự sụt giá của nhiều loại bong bóng tài sản, sau nhiều năm phình to. Sự sụt giá này diễn ra rộng khắp, từ chứng khoán, bất động sản đến cơ hội làm ăn, mức lãi hàng năm… dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có cả sự sụt giảm tiêu dùng và ngân sách ngày càng eo hẹp. Bộ máy điều hành kinh tế phải thấy được đặc điểm này và có kế sách phù hợp chứ không thể bám theo khuôn khổ cũ.
Làm nên bộ máy là từng con người cụ thể. Vì thế thay đổi tư duy cả về khía cạnh nhân sự để có những con người phù hợp với cách suy nghĩ mới trước những vấn đề mới cũng là điều cấp thiết không kém. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận lỗi về “những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành” – vấn đề là những thay đổi sau đó.
BLOG ĐÀO TUẤN
Nhưng “chưa có khả năng phục hồi”, cũng mới chỉ là một nửa của sự thật, vì cả Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ đều không đưa ra bất cứ một con số nào về tồn kho BĐS. 700 ngàn căn hộ đang “đắp chiếu” 5 tỷ USD ư? Có lẽ đó chỉ là cái đỉnh của tảng băng.
Trong đúng cái ngày sự thật ai điếu được Chính phủ thừa nhận, TAND TP Hà Nội chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu phá sản đối với cái tên Sỹ Ngàn, một đại gia BĐS thực sự với những dự án chục triệu đô du lịch nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp, Resort Ngọc Viên Islands. Phá sản vì mấy chữ mà bất cứ doanh nghiệp BĐS nào cũng đang phải đối mặt: “Không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn”.
Đây không phải là “chuyện riêng” của Sỹ Ngàn. Càng không phải là chuyện riêng của khu vực BĐS. Bởi BĐS là “đầu ra” của hàng loạt các ngành công nghiệp, từ xi măng, sắt thép, xây dựng. BĐS là công ăn việc làm của triệu lao động. BĐS là tiền của, mồ hôi nước mắt của không ít người. Và nguy hiểm nhất, BĐS là nợ xấu ngân hàng, yếu tố đang khiến hàng chục ngàn DN “phi BĐS” khác chết lây. Và thực chất, khủng hoảng bất động sản đang chực chờ với quân domino đầu tiên mang tên Sỹ Ngàn chỉ là sự phản chiếu của một thứ khủng hoảng còn nguy hiểm hơn: Khủng hoảng niềm tin.
Nếu có một con số để thể hiện sự khủng hoảng niềm tin, thì đó là thanh khoản của thị 2 trường BĐS lớn nhất cả nước Hà Nội và TP.HCM thấp đến độ tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7%. Hoặc giá bán đã xuống tới 14 triệu đồng/m2, thấp hơn cả giá thành. Hoặc những dự báo ảm đạm kiểu “2013 cần hơi được đã là một kỷ tích”. Hoặc “Giá BĐS giảm thêm 30% nữa mới tới đáy, và xuyên đáy thêm 30% nữa mới hồi phục”. Thậm chí, “quả bom BĐS sẽ nổ tung”.|
Tư lệnh ngành xây dựng hôm qua thừa nhận một, cái ông gọi là “Nghịch lý: “Thị trường thừa cung, cầu về nhà ở thu nhập thấp lớn, nhưng người dân lại không thể mua được là một lỗi lớn không thể chấp nhận được”. Nhớ khi 4 từ kinh khủng này được phản ánh tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng “an ủi”: “Dự báo kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn và bất động sản khó tránh khỏi vòng xoáy này”.
Tất nhiên, Bộ trưởng có hứa “chuyển đề xuất”. Và tất nhiên, đưa ra giải pháp “Tự tháo gỡ”; giải pháp “nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2”.
Dường như “chuyển đề xuất” không phải là một lời hứa. Dường như “tự tháo gỡ” chưa bao giờ là một giải pháp. Cũng như việc chia nhỏ căn hộ, như thừa nhận của chính Bộ trưởng, chỉ là “chữa cháy”.
“Chôn tiền lớn nhất là bất động sản”
“Dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỷ, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ”
Hai thông tin này được đích thân Ủy viên BCT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng công khai công bố.
Vào cái hôm thông tin này được công khai tại Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến vẫn ung dung: “Các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm”, và “Giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản nợ”.
Ông Tiến chắc quên không giải thích, các tài sản đó cũng chủ yếu là… BĐS.
Blog Phóng Viên Tự Do
Bộ trưởng y tế Kim Tiến trong hội nghị rất nghiêm túc phát biểu: ''nhếch nhác nhất là phòng khám...". Í lộn, chắc bộ trưởng muốn nói đến cái phòng "đầu tiên" khi bệnh nhân bước chân vào bệnh viện.
Lý giải cho sự nhếch nhác đó, bộ trưởng cho rằng : sự thiếu đầu tư từ ngân sách khiến cho các phòng khám, các bệnh viện tuyến trung ương quá tải, phần nữa do quản lí yếu kém của ...bệnh viện, nặng về bằng cấp của lãnh đạo....vv và vv.
Chắc bộ trưởng cũng nhân đó nói về chuyện bằng giả, bằng đểu của mấy anh thứ trưởng Quang, Bộ trưởng cũ là anh Triệu (tiến sỹ nhưng là tiến sỹ xã hội !!!), rồi tuyến dưới ít có bác sỹ giỏi khiến bệnh nhân không yên tâm, ào lên tuyến trên cho dù bán nhà cũng phải lên. Tất cả đã khiến cho bệnh viện của nhà các chị trở thành nơi nhếch nhác nhất quả đất.
Nhìn hiện trạng của ngành y tế hiện nay thì không còn gì nói thêm: nhếch nhác, luộm thuộm, điêu chác chả khác gì hình ảnh của chị Tiến :
Tại hội nghị mới rồi ở đồng bằng sông Cửu Long, chị chém gió nhiều và hầu như đổ lỗi tất tần tật cho khách quan, cho các bệnh viện, cho con bệnh. Mặc nhiên chị - người đứng đầu ngành y tế Việt Nam - không có tí lỗi nào hết, như thế chị đã tự cho mình còn giỏi hơn cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa xin lỗi trước toàn đảng, toàn dân hôm kia.
Chịu Tiến không chịu chỉ ra cái nhếch nhác hiện nay của ngành y tế bắt nguồn từ lối tư duy nhiệm kỳ của lũ người quản lý như chị. Để cho ngành của mình thối như hiện nay lỗi chính là từ các chị, tất cả sự cẩu thả, tham lam, vô trách nhiệm, thiếu y đức của các chị đã đẩy các con bệnh đến cửa tử ngay cả khi đã tan gia bại sản vì chữa bệnh.
Chị cũng không chịu chỉ ra cho các con bệnh biết vì sao các giám đốc bệnh viện, các trưởng khoa dược ở các viện yếu kém về quản lý như thế mà chỉ làm vài năm cũng giàu sụ, nhiều biệt thự xe hơi và tiền của như nước.
Chị cũng không giải thích cho bà con biết rằng : mỗi viên thuốc vào bệnh viện, bán đến tay con bệnh thì đã gánh thêm từ 30 đến 50 % giá để số tiền chênh lệch ấy vào túi các cán bộ từ bộ y tế, cục dược, các công ty nhập khẩu, phân phối, cán bộ bệnh viện, các trình dược viên... Hưng - một dược sỹ, quản lý kinh doanh cho hãng dược phẩm Sipla Ấn Độ tại Việt Nam nhiều năm cho biết : các loại thuốc mà hãng của anh đang "đẩy" vào bệnh viện tại Việt Nam thông thường phải chung chi từ 25 đến 35 % giá để giám đốc và trưởng khoa dược các viện "phê duyệt" cho vào viện.
Đã thế, ngay cả những việc tày trời như : đánh tráo các vật tư tiêu hao, vật liệu thay thế cho bệnh nhân cũng bị bác sỹ nhắm mắt làm liều trục lợi. Tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà Nội khi thay cho nhiều bệnh nhân, kể cả của bố ông Bí thư Quang Nghị cũng bị đánh tráo, phẫu thuật vô tội vạ. Có bác sỹ còn lương tâm đã phải đứng ra tố cáo nhiều lần nhưng vô tác dụng, tiêu cực được bảo kê từ sở, từ bộ rồi.
Chưa kể các trò móc túi con bệnh : cứ vào viện là chụp chiếu loạn xạ, xét nghiệm loạn xạ - nó được lãnh đạo các viện bảo kê và báo chí nói gì thì mặc kệ. Chưa cần mổ cũng mổ, cứ đè ra mà mổ khi chưa cần phải mổ, chỉ cần dùng những thủ thuật hoặc toa thuốc rất đơn giản.
Nói chuyện chị Tiến hoài thì cũng không khác gì mấy anh chị khác : anh La Thăng, anh Đình Huệ, anh ...một lô một lốc các anh chị đều chỉ giỏi chém gió, đã cùng nhau phá nát bấy cái ngành của mình rồi tiếp tục kiếm tiền nhảy sang chỗ khác ...chém gió.
Chưa biết bao giờ thì mấy anh chị chém gió chuyên nghiệp này mới thất nghiệp ?
BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ
In tiền để tăng lương?!
http://nguyenvanphu.blogspot.no/2012/10/in-tien-e-tang-luong.html
Tuần qua, vấn đề tăng lương lại nóng lên khi được đưa ra bàn trước Thường vụ Quốc hội. Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương, “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”.
Phải nói thẳng, đây là một tuyên bố không nghiêm túc!
Việc tăng lương nằm trong lộ trình đã định từ trước, có nghĩa ngân sách 2012 và 2013 đã chuẩn bị trước các nguồn tiền để thực hiện. Nay ngân sách không kham nổi thì Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao, hụt thu ở nguồn nào, cách giải quyết ra sao trước khi loại bỏ một mục chi lớn đã được phê duyệt. Ngân sách nhà nước cũng không phải là chuyện nhỏ để muốn tăng chi ở một mục nào đó thì chỉ cần Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền. Đây là một cách nói dễ gây hiểu nhầm rất tai hại. Quốc hội là nơi thông qua ngân sách hàng năm, kèm theo đó là mức bội chi được phê duyệt chung. Nhiệm vụ của Chính phủ là thuyết trình vì sao cần tăng thêm bội chi, cho khoản mục nào, cách bù đắp sau đó sẽ ra sao để thuyết phục đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Không hề có chuyện Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho in thêm tiền để tăng lương! Vậy mà cũng chẳng thấy các quan chức trong Thường vụ Quốc hội nói lại cho rõ.
Ở hướng ngược lại, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội hoàn toàn có lý khi gợi ý thay vì tăng lương từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng thì có thể chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Nhưng để ý kiến này mang tính thuyết phục cao hơn, cần yêu cầu Bộ Tài chính trình bày cụ thể, với phương án này mức tăng cho ngân sách là bao nhiêu, với phương án kia, thiếu hụt sẽ lên đến bao nhiêu và các phương án bù đắp. Quốc hội là nơi buộc các thành viên của Chính phủ phải trần tình với số liệu chuẩn bị đầy đủ - chứ không phải là nơi mặc cả chuyện… in tiền để chi tiêu.
Trong câu chuyện này, cần phân biệt hai khái niệm “tăng lương” và “bù trược giá”. Lương tối thiểu của công chức, viên chức được tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng trong năm 2011 (tăng 13,7%) và lên 1.050.000 đồng/tháng trong năm 2012 (tăng 26,5%). Trong khi đó lạm phát của năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Như thế nếu loại trừ yếu tố trược giá, mức tăng lương trong những năm vừa qua là không đáng kể. Hay nói cách khác mức tăng lương này không theo kịp mức tăng danh nghĩa tổng thu nhập quốc dân (GDP danh nghĩa năm 2010 tăng 19,4% và năm 2011 tăng 28%).
Như vậy những “mức tăng” lương tối thiểu những năm trước chưa thể nào gọi là góp phần nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, người lao động… mà chỉ mới phần nào bảo vệ thu nhập của họ trước cơn bão tăng giá.
Nay cũng vậy, ngân sách phải có nhiệm vụ ít nhất bảo đảm thu nhập tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách không bị hao hụt vì lạm phát chứ khoan nói gì đến chuyện tăng lương. Đặt vấn đề như thế để thấy trách nhiệm của Bộ Tài chính là bảo đảm ngân sách kham được chuyện này, ít nhất như các năm vừa qua.
Điều đáng nói hơn nữa, trong những lần tăng lương tối thiểu trước đây, rõ ràng không phải tất cả khoản tăng dồn về ngân sách trung ương phải gánh chịu. Chẳng hạn để tăng lương các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế được sử dụng tối thiểu 35% khoản thu được để lại trong khi ngành này vừa tăng viện phí trong năm nay. Không biết Bộ Tài chính đã tính toán chi ly những khoản như thế hay chưa trước khi tuyên bố ngân sách không kham nổi.
BLOG ĐÀO TUẤN
Trong câu chuyện “thuế” được bàn sáng nay tại Quốc hội, “cảnh sát thuế” lại được nhắc đến dù nó đã nhận cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Dường như câu chuyện giảm thu “thấp kỷ lục nhiều năm”, dường như 25.500 tỷ đồng giảm thu nội địa, dường như việc ngân sách cạn đáy khi không có nổi 60 ngàn tỷ đồng để tăng lương đã ám ảnh các nhà làm luật. Đến nỗi, Luật Quản lý thuế hầu như chỉ bàn ở giác độ các biện pháp làm sao để “những phường gian dối” hết đường trốn thuế.
Có một câu cửa miệng dân gian vô cùng thú vị “Nào chúng ta cùng trốn (thuế)” để nói về tình trạng thuế được coi như thứ “của chùa” mà không trốn mới là bất bình thường. Đăng đàn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đưa ra con số: Trong lĩnh vực nhập khẩu, có khoảng 20% DN thường xuyên chây ì thuế và vi phạm pháp luật về hải quan.
Phải chấn chỉnh “nguồn thu chủ yếu” của ngân sách quốc gia là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng có một chi tiết không nhỏ, được nhắc đi nhắc lại ngay cả khi nhận được cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đó là ý tưởng đặt ra một thứ “cảnh sát thuế”.
Một ĐBQH, thuộc khối tư pháp, đương nhiên, đã đăng đàn quyết liệt để bảo vệ, với lập luận: “Sự chuyên nghiệp của cơ quan điều tra, kiểm sát cũng không thể bằng cơ quan thuế”. Có nghĩa là vì khó, cho nên phải lập riêng một lực lượng mới để đối phó với các DN có ý định trốn thuế? Và 20% DN chây ì là lý do dẫn đến việc lập ra một lực lượng gắn kèm hai chữ “cảnh sát”?
DN Việt Nam đang chịu đủ thua thiệt, riêng trong lĩnh vực thuế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã dùng chữ “quá cao”, trong khi thuế Thu nhập doanh nghiệp được nói “khan cổ” suốt từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn đang là những hòn đá tảng, đè nặng lên những DN còn có thể thoi thóp. Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại cuộc “làm luật” sáng nay, cũng có không ít lời kêu than: Thuế cao, thuế nhiều, thuế nặng, thuế trùng và một tình trạng thời sự nóng hổi là phạt chậm nộp thuế, như giọt nước cuối làm tràn “chiếc ly sức chịu đựng” của DN.
Điều cần làm bây giờ, và kể cả sau này là có một mức thuế không cao hơn các nước khu vực để DN Việt không chết trong “ao nhà”, trước khi nói chuyện “ra biển lớn”. Là quyết liệt với những câu chuyện phi thuế, hoặc thuế phí ‘không hóa đơn”, để họ có thể đàng hoàng làm “những chiến sĩ xung kích trong thời bình”, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chứ không phải dáo dác luồn nọ lách kia. Chứ không phải là việc đặt ra một lực lượng cảnh sát thuế.
Ngày 13-10-1945, tức chỉ ít ngày sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới công thương toàn quốc long trọng cam kết “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”, bởi theo ông Cụ: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.
Và hôm nay, đúng vào thời điểm ngân sách cạn đến không còn đủ tiền tăng lương, câu chuyện “cảnh sát thuế” cho thấy còn có một cách nhìn khác. Bởi đặt ra cảnh sát thuế, có nghĩa, các nhà làm luật đang nhìn các DN dưới giác độ những “tên tội phạm tiềm ẩn”, thay vì thấy họ như những người tạo ra nhiều nhất của cải và việc làm cho xã hội. Và thứ đáng để nói hơn cả trong câu chuyện “cảnh sát thuế” là đang cho thấy tồn tại một “tâm lý cảnh sát” trong đầu những nhà làm luật. Thứ tâm lý vẫn dai dẳng từ thời bao cấp, khi DN được gọi miệt thị là “con buôn”, khi sự giàu sang giống y như sự vô đạo đức.
Nguyễn Hưng Quốc - Vạch mặt
Nguyễn Hưng Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
Báo The New York Times vừa đăng một bài tường thuật gây chấn động dư luận thế giới và khiến chính phủ Trung Quốc vừa giận dữ vừa hoảng sợ cho dựng tường lửa tờ báo ấy gần như ngay tức khắc. Nội dung của bài tường thuật là về khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc: Tổng cộng lên đến khoảng 2.7 tỉ Mỹ kim.
David Barboza, mở đầu bài tường thuật, kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu và tường tận, kể về bà mẹ của Ôn Gia Bảo: Bà vốn là một giáo viên, thời Cách mạng văn hóa, sống cực kỳ nghèo. Sau đó, với lương giáo viên, bà vẫn nghèo. Vậy mà, bây giờ, 90 tuổi, bà lại trở thành một người vô cùng giàu có. Một trong các khoản đầu tư của bà trong một công ty tài chính ở Trung Quốc, cách đây năm năm, lên đến 120 triệu đô la.
Điều đáng chú ý là sự giàu có ấy chỉ bắt đầu từ khi con bà, ông Ôn Gia Bảo, trở Phó thủ tướng vào năm 1998, và đặc biệt, năm năm sau đó, khi ông chính thức trở thành Thủ tướng.
Ngoài mẹ, hầu hết thân nhân của Ôn Gia Bảo đều là những triệu triệu phú: vợ ông, con trai ông, con gái ông, em rể ông, và họ hàng xa gần của ông. Tất cả đều nắm giữ những vai trò quan trọng trong các ngân hàng, các công ty nữ trang, các khu du lịch sang trọng, các công ty truyền thông, các công ty tài chính, bao gồm cả hãng bảo hiểm Ping An, một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới với vốn tài sản trị giá gần 60 tỉ Mỹ kim, và nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả một dự án phát triển villa ở Bắc Kinh.
Vợ của Ôn Gia Bảo, bà Trương Bồi Lợi, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” (Diamond Queen) của Trung Quốc. Lúc nào cũng ăn mặc bình dị và nói năng khiêm tốn nhưng bà Lợi là người rất mê kim cương và các loại nữ trang đắt tiền. Năm 2007, báo chí Đài Loan phanh phui ra vụ bà Lợi từng mua hai cái hoa tai bằng ngọc thạch trị giá đến 275.000 đô la. Không phải chỉ mua để sử dụng, bà Lợi còn điều hành nhiều công ty kiểm tra chất lượng và buôn bán nữ trang lớn, là một trong vài người có thế lực và ảnh hưởng nhất trong kỹ nghệ vàng, ngọc và kim cương ở Trung Quốc. Các công ty liên quan đến nữ trang của ngoại quốc muốn vào làm ăn ở Trung Quốc cần phải đến “yết kiến” bà trước. Được bà chấp thuận, công việc làm ăn mới xuôi chảy. Bà lắc đầu, bao nhiêu dự án, dù lớn lao đến mấy, cũng đều bó tay. Người con trai duy nhất của Ôn Gia Bảo, Ôn Winston, năm nay khoảng 40 tuổi, từ năm 2000, thành lập ba công ty kỹ thuật trong vòng năm năm. Công ty nào cũng bắt đầu với vốn cả hàng triệu đô, sau đó, tăng vọt lên hàng chục triệu đô. Riêng công ty New Hozizon Capital được lập vào năm 2005 đến nay đã có vốn lên đến trên 2.5 tỉ Mỹ kim.
Bài viết của David Barboza chắc chắn sẽ được dịch sang tiếng Việt hoặc được tóm tắt trên nhiều cơ quan ngôn luận. Tôi không cần phải kể lại nhiều chi tiết hơn. Ở đây chỉ nhấn mạnh vào một số điểm:
Thứ nhất, hầu hết những người lãnh đạo đều có bàn tay…sạch. Tài sản chính thức của họ hầu như không có gì cả. Lý do là chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, cách phổ biến nhất là cho thân nhân đứng tên. Nhiều người đặt vấn đề: chưa chắc bà mẹ của Ôn Gia Bảo, năm nay 90 tuổi, đã biết là mình có một số cổ phần lên đến mấy trăm triệu đô la trong các công ty tài chính lớn. Bà chỉ được mượn tên, vậy thôi.
Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến sự giàu có tột bậc của gia đình ông Ôn Gia Bảo chắc chắn không phải do tài năng của họ. Mà chủ yếu là nhờ thế lực của ông. Nhờ ông, họ được nắm giữ những chức vụ quan trọng, từ đó, tiền bạc cứ ào ào đổ vào túi. Nhờ ông, họ có vô số ưu thế để làm ăn và làm giàu. Hơn nữa, có thể nói, nhờ ông, họ không cần làm gì cả mà vẫn có thể giàu: giới kinh doanh khắp nơi, từ trong đến ngoài nước, cứ mang tiền, thật nhiều tiền đến dâng cho họ.
Thứ ba, qua trường hợp của Ôn Gia Bảo, chúng ta mới thấy cách hiểu thông thường về vấn đề tham nhũng rất phiến diện và hời hợt. Nói đến tham nhũng, người ta thường nghĩ ngay đến hối lộ. Nhưng ở vị thế lãnh đạo cao cấp trong đảng và trong chính phủ, người ta không cần nhận hối lộ. Người ta chỉ cần sử dụng - đúng hơn: lạm dụng - quyền lực của mình để cho thân nhân kiếm tiền. Nhìn bề ngoài, việc kiếm tiền ấy hoàn toàn chính đáng: họ lập công ty, công ty ấy vận hành tốt và có nhiều lợi tức; họ giàu là nhờ số lợi tức ấy. Nhưng, nó vẫn không chính đáng ở hai điểm: một, vị trí của họ trong công ty không xuất phát từ tài năng mà là từ thế lực (xin nhớ trường hợp con cái của Nguyễn Tấn Dũng và Tô Huy Rứa ở Việt Nam); và hai, lợi tức của công ty chủ yếu đến từ các quan hệ quen biết hơn là do thực lực.
Thứ tư, sự giả dối của giới lãnh đạo cộng sản. Trước đây, Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, từng nổi tiếng là cứng rắn trong việc chống tham nhũng, nhưng, sau khi ông bị ngã ngựa, người ta mới biết chính ông từng dung dưỡng cho thân nhân kiếm đến cả hàng trăm triệu Mỹ kim từ tham nhũng. Ôn Gia Bảo cũng thế. Lúc nào ông cũng xuất hiện dưới vẻ bình dị, như là nghèo nàn. Mở miệng, ông toàn nói những chuyện đạo đức và nỗ lực làm trong sạch đảng. Chỉ mới đây thôi, vào tháng 3 năm 2011, trong một cuộc họp của hội đồng nhà nước Trung Quốc, Ôn Gia Bảo lớn tiếng yêu cầu chống tham nhũng, giám sát tệ lạm quyền và thúc giục cán bộ các cấp phải làm việc vì “một chính phủ trong sạch trong năm 2012”.
Bộ mặt giả dối của giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị thế giới vạch trần. Bao giờ đến lượt Việt Nam nhỉ?
Cáo lỗi cùng thế giới: Những gì xảy ra ở Bắc Kinh SẼ KHÔNG giới hạn tại Bắc Kinh
Minxin Pei, The Diplomat, 22 tháng Mười 2012
Trần Ngọc Cư dịch
Minxin Pei là một giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là một nhà nghiên cứu thâm niên không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs, The National Interest, Modern China, China Quaterly, Journal of Democracy và trong nhiều sách được biên tập. Nhiều bài xã luận của ông đã xuất hiện trên các báo Financial Times, New York Times, Washington Post, Newsweek International, và International Herald Tribune, cũng như nhiều nhật báo quan trọng khác. - The Diplomat
Một trong những câu hỏi ám ảnh đầu óc của hầu hết các nhà quan sát tình hình Trung Quốc (TQ) hiện nay là, Bắc Kinh sẽ ứng xử thế nào với thế giới bên ngoài khi chính quyền này phải đối diện với một tình hình nội bộ khó khăn hơn nhiều? Trong những thách thức rõ nét mà Trung Quốc sẽ đối phó trong những năm sắp tới có những vấn đề như tính năng động kinh tế đang suy giảm, một cơ cấu làm quyết sách với quyền lực bị tản mác và thiếu ổn định, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, những đòi hỏi cải tổ chính trị ngày càng gia tăng, và nỗi bất bình của dân chúng đối với nguyên trạng (the status quo) đang lan rộng [The status quo còn được dịch ra tiếng lóng là “Vũ Như Cẫn”, ND].
Nói chung, những khó khăn nội bộ này sẽ làm suy giảm các nguồn lực có thể có được để duy trì và bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, sẽ giới hạn khả năng quân đội Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa, và sẽ khiến các lãnh đạo TQ trở nên dè dặt hơn trong việc đảm nhận những trách nhiệm quốc tế và khu vực quan trọng hơn. Điều đáng lo ngại hơn cả là, thái độ ứng xử thất thường của Trung Quốc, do hậu quả của một hỗn hợp gồm thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và bất ổn chính trị, rất có thể sẽ đánh dấu cách điều hành chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới.
Dựa trên địa vị nổi bật mà Trung Quốc đã nắm giữ trong việc phóng chiếu ảnh hưởng kinh tế của mình khắp thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển có nhiều tài nguyên, người ta có thể cho là hoang tưởng, nếu có ai bảo rằng những khó khăn kinh tế đang ló dạng trong nước có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng của Trung Quốc trong việc khẳng định mình như một cường quốc kinh tế thay thế cho phương Tây. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn cái cung cách mà Trung Quốc đã và đang tài trợ các đầu tư của mình tại châu Phi, Trung Á, và châu Mỹ La tinh, người ta sẽ chứng minh được rằng những đầu tư này không những tốn kém, mà lại còn chứa đầy rủi ro. Những khoản trợ cấp và cho vay ưu đãi mà Trung Quốc đã cung cấp cho nhiều nước khác nhau để giành lấy thiện chí của họ ít ra đã lên đến một con số tổng cộng hàng chục tỷ đôla (đây là những con số được báo cáo; không ai biết được con số đích thực). Những khoản vay này được thực hiện vào giai đoạn Trung Quốc có mức tăng trưởng trên 10% và dư thừa tiền mặt để vung vít. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu giảm tốc và lượng tiền chảy vào ngân khố của Bắc Kinh giảm đi, thì Chính phủ Trung Quốc hẳn nhiên sẽ không đủ ngân sách để duy trì những mũi tiến công kinh tế và ngoại giao này. Xét về chính trị nội bộ, nếu Nhà nước TQ tiếp tục duy trì một chương trình ngoại viện hào phóng khi dân chúng trong nước đang vật lộn với cuộc sống, thì việc này chắc chắn sẽ kích động những chỉ trích gay gắt từ phía dân chúng. Cách đây không lâu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị lên án gay gắt khi có tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã viện trợ cho Macedonia những xe buýt an toàn để chở học sinh trong khi con em trong nước phải đến trường trên những phương tiện chuyên chở bấp bênh.
Cuộc xâm nhập đầy rủi ro của Trung Quốc vào các nước đang phát triển sẽ gặp phải một trở ngại khác. Hầu hết các dự án tầm cỡ mà Trung Quốc hậu thuẫn tại những nước này được tài trợ do các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, nhiều dự án trong số này có khả năng thất bại. Khi chính các ngân hàng Trung Quốc được dự kiến sẽ vật lộn với một loạt nợ không sinh lãi ở trong nước, các ngân hàng này sẽ không muốn tiếp tục tài trợ các dự án có mức rủi ro cao và lợi nhuận thấp như thế ở nước ngoài. Vì thế, mọi người có thể thấy trước, một Trung Quốc suy yếu ở trong nước có nghĩa là một Trung Quốc mất dần ảnh hưởng ở nước ngoài.
Một tổn thất hiển nhiên khác là chiến dịch khoa trương của Trung Quốc để phóng chiếu “quyền lực mềm” (soft power). Được mệnh danh ở trong nước là “dawaixuan” (cuộc tuyên truyền to lớn ở nước ngoài), chiến dịch này đã dẫn đến việc mở rộng sự hiện diện của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc khắp thế giới. Tân Hoa Xã, chẳng hạn, đã phát động chương trình tin tức truyền hình bằng tiếng Anh. Tờ lá cải dân tộc chủ nghĩa, Global Times (Hoàn cầu Thời báo), đã thêm một phiên bản tiếng Anh. Tờ báo chính thống China Daily thường xuyên chiếm nguyên một trang quảng cáo trên các tờ The New York Times, The Wall Street Journal, và The Washington Post. Nếu phán đoán từ sự kiện hình ảnh của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ khắp thế giới, thì chiến dịch tuyên truyền này đã hoàn toàn thất bại. Khi các vị trưởng ban tuyên truyền của Bắc Kinh tiếp nhận những ngân sách khắc khổ trong vòng một hoặc hai năm tới, thật khó mà tưởng tượng được họ sẽ quyết định phung phí tiền bạc như trước đây.
Ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, và ngoại giao đang suy yếu của Trung Quốc, do sự cắt giảm các nguồn lực tài chính gây ra, không phải là nạn nhân duy nhất của những khó khăn trong nước. Giải phóng quân Nhân dân (GPQND), trong gần hai thập niên qua có mức tăng trưởng ngân sách trên 10%, chắc chắn phải tranh đấu nhiều hơn nữa để giành lấy phần mình trong một chiếc bánh nhỏ hơn. Tiến độ của việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc có thể chậm lại. Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, tình hình này sẽ làm cho họ bớt lo lắng. Washington, hẳn nhiên, có thể thở dài nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một kết quả như vậy là không có gì chắc chắn. Người ta tưởng tượng được rằng GPQND có thể lấy cớ phải đối phó với chiến lược “xoay trục” của Mỹ và các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam, để đòi hỏi thêm nhiều chi phí quốc phòng. Ví như GPQND có thành công trong đòi hỏi của mình đi nữa, tổ chức này sẽ phải trả một giá đắt bởi vì quân đội Trung Quốc còn phải cạnh tranh với những tập thể chính trị khác có quyền lực không kém, như các doanh nghiệp Nhà nước, guồng máy thư lại, và các chính quyền địa phương, để giành lấy ngân sách đang bị cắt giảm.
Một số nhà quan sát phương Tây có thể vui mừng về những thảm trạng đang chồng chất bên trong Trung Quốc vì chúng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm thiểu “mối đe dọa của Trung Quốc”. Nhưng họ cần phải thận trọng về những gì họ đang mong muốn. Một Trung Quốc dù suy yếu vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự thế giới.
Thiệt hại hiển nhiên khi Trung Quốc bị suy yếu bên trong sẽ là thái độ e ngại của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò xây dựng hơn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Những người hoài nghi có thể nói rằng các lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong thời kỳ đất nước thịnh vượng, vẫn nói thì nhiều mà thực hiện thì ít. Mặc dù một số trong những lời chỉ trích đó là đúng sự thực, nhưng nếu đánh giá khách quan hơn, ta sẽ thấy rằng thỉnh thoảng Bắc Kinh cũng đóng một vai trò tích cực nhưng không được nhìn nhận xứng đáng, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á những năm 1997-98 và trong nỗ lực thúc đẩy tự do mậu dịch khu vực. Thậm chí về Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã gây áp lực khiến Bình Nhưỡng bớt hung hăng hơn trước, kể từ đầu năm 2011 (sau khi không làm điều đó trong năm 2010). Về Iran và Libya, Trung Quốc cũng tránh thọc gậy bánh xe. Về các cuộc thảo luận khí hậu toàn cầu, lập trường đàm phán đang diễn biến của Bắc Kinh cũng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả những đóng góp khiêm nhượng của Trung Quốc cho trật tự thế giới cũng có nguy cơ tan biến nếu các lãnh đạo TQ, vì quá bận tâm với những khủng hoảng trong nước, phải quyết định chấm dứt mọi đóng góp.
Quan niệm thông thường về một Trung Quốc suy yếu là, nước này sẽ trở nên hiếu chiến hơn vì giới lãnh đạo của nó sẽ thấy có lợi trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng bằng những hô hào về lòng yêu nước và bằng một chính sách đối ngoại hung hăng hơn. Đây là một lối giải thích giản đơn về cung cách ứng xử của Bắc Kinh. Chắc chắn là, những cám dỗ này đang hiện hữu, và người ta có thể dự kiến rằng các lãnh đạo mới của Trung Quốc, vì bị hạn chế bởi thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn liếng chính trị, sẽ lợi dụng những tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân. Nhưng nói cứng là một chuyện, mà hành động cứng rắn lại là một chuyện khác. Khi chúng ta nghiên cứu kỹ hành vi ứng xử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong vòng 60 năm qua, chúng ta sẽ thấy rằng Bắc Kinh, dù ăn nói đao to búa lớn, thực ra đã lựa chọn kỹ càng các trận đánh trước khi lâm chiến. Ý thức sâu sắc về các khả năng quân sự hạn chế của mình, các lãnh đạo Trung Quốc đã tránh lao vào những cuộc chiến mà họ biết chắc sẽ thua.
Nếu ta áp dụng tư duy này vào việc phỏng đoán hành vi đối ngoại của Trung Quốc trong những năm sắp tới, chúng ta nắm chắc một điều là Trung Quốc sẽ ở trong một tình trạng bấp bênh (uncertainty). Sự tự tin phát xuất từ một nền kinh tế mạnh và tình hình tương đối ổn định ở trong nước sẽ biến mất, và thái độ tự chế (self-imposed restraints) về các luận điệu sô vanh cũng tiêu tan luôn. Những thách thức nhiều mặt đối với giới lãnh đạo mới -- khả năng kinh tế bị đình đốn, bất ổn xã hội, tình trạng chia rẽ ở chóp bu, và sự phục hưng các lực lượng dân chủ -- sẽ gây ra tình trạng thiếu tập trung và yếu kém chính trị trong việc duy trì kỷ luật đối với nhiều tác nhân có liên quan đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hậu quả của những rắc rối nội bộ chồng chất này, mặc dù không nhất thiết có tác động dữ dội, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến một lề thói ứng xử thất thường, gây lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi cho các láng giềng của Trung Quốc và phần còn lại của cộng đồng quốc tế.
M.P.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)