Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012
Hạ Long - SỢI CHỈ THIÊNG LIÊNG
Hạ Long
Nhân đọc Tuỳ bút cuối đời của PHẠM QUỲNH
Trong cuốn Hoa Đường Tuỳ Bút, do Nhã Nam xuất bản
2011 tại VN, tác giả Phạm Quỳnh, đã nhìn thấy và tiên liệu
từ 1945 nền móng đạo đức của đất nước đang bị lung lay bởi đám đông hỗn hào :
- Cả cái lâu đài văn minh của nhân loại cũng
ví như hàng đồ sứ nọ, chớ để cho con voi quần chúng ùa vào mà phá bậy.
- Quần chúng phải buộc bằng những sợi
chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, sợi chỉ mong manh nhưng
cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ
cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp…những sợi
chỉ vô hình đó, chúng ta phải biết giữ gìn mà tôn trọng. Mỗi khi đụng chạm đến,
phải hết sức cẩn thận, vì đã đứt rồi không sao nối lại được nữa…một dân không
biết kính nữa là một dân bất trị vậy. ( trang
21-22 bài 3 Chỉ Buộc Chân Voi)
Đấy
là cái nhìn chân thành của Phạm Quỳnh vào thời điểm tháng 3-1945 khi đất nước
đang trong cơn cuồng phong bác tạp hỗn
hào. Thế kỷ trước, nhà Nho miền Nam trong buổi giao thời khi Pháp mới xâm
lăng, khi gốc rễ Nho phong bật tung, từng than thở trước một xã hội rối ren “con tôm cứt lộn đầu” hay, như Tản Đà than thở sau này : Văn minh ĐôngÁ Trời thu sạch, Này lúc
cương thường đảo lộn ru !. Thời buổi 1945, gọi là kách mệnh, vô thần, phá đình chùa, bách hại vua quan, vô sản vô học
đầu đường xó chợ nổi lên, lấy chân voi đạp vỡ lọ quý, phường thổ phỉ ăn cướp
đội lốt ái quốc thương nòi, bọn hạ lưu mà chính Lenine gọi là lumpen proletariat đã được dùng như một
công cụ làm cuộc giai cấp đấu tranh khốc liệt, tàn bạo.
Phạm
Quỳnh phân biệt rõ ràng : nhuận thân
(hoàn thiện, tu thân) là mục đích của văn học, trạch vật (ban ân tới muôn vật) là mục đích của chính trị, nhưng dù
Nhuận Thân hay Trạch Vật (xem bài 4 Văn Học-Chính Trị tr. 27), văn học hay
chính trị, thì vẫn phải lấy Trung-Hiếu là đầu (châm ngôn của Phạm Quỳnh treo
tại văn phòng Thượng thư- tr.38), viết văn, làm thơ, làm nhạc…mà thiếu thiện
căn, phụ bạc đạo lý cha ông, thì cái đuôi vô lễ, vô luân, tà khí, tà tâm…lòi
ra, không giấu thiên hạ được.
Trong
bài 6 : Chuyện Một Đêm Một Ngày, Phạm Quỳnh kể lại chi tiết đêm Nhật đảo chính
Pháp, đánh đồn Mang Cá, ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại đi săn về, tiếp quan chức
Nhật, phần quan trọng nhất, Vua BĐ tiếp đặc sứ Yokoyama cùng 2 quan lãnh sự
Watamata và Ishida, đề cập tới vấn đề độc lập của VN, mà Phạm Quỳnh đóng vai
chính, hứa sẽ thuật tường sau này (tr. 43) -mà cụ sẽ không bao giờ còn cơ hội
thuật lại cho hậu thế ! Phạm Quỳnh, cùng với cha con Ngô Đình Khôi bị VMCS bắt
giam ngày 23-8-1945
và sau đó bị giết, có thể là vào đêm 6 rạng mùng 7-9-1945 . Di hài mãi tới năm 1956 thời VNCH mới
tìm thấy tại rừng Hắc thú, Thừa Thiên (2).
Phạm Quỳnh 1893-1945, học khoá đầu trường Bưởi Chu Văn An, tốt nghiệp thủ khoa bằng Thành Chung
1908 (cùng khoá còn có cụ Nguyễn Văn Ngọc tác giả Phong Giao Tục Ngữ…), sau ông
vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, khảo cứu bách khoa, chủ báo Nam Phong…
và từng diễn thuyết nổi danh tại Hàn Lâm Viện Pháp, đề xướng thuyết lập hiến
đòi Pháp xác định quyền căn bản cho dân VN, cho vua và quan VN, từ năm 1930.
Năm 1932 ông vào Huế làm Ngự Tiền Văn phòng cho vua Bảo Đại, thăng Thượng thư Bộ
Học, rồi Thượng thư Bộ Lại (như Thủ tướng) 1944-45, ông cùng với vua BĐ đòi
Pháp trở lại hiệp ước 1884, theo đó Pháp giữ vai trò bảo hộ tại Bắc kỳ và Trung
kỳ chứ người Pháp không có quyền cai trị trực tiếp. Bỏ lương báo Nam Phong 600
đ. một tháng, Phạm Quỳnh vào làm việc với vua BĐ với một hoài bão cao đẹp cho
tổ quốc, không phải vì danh hay lợi. Ông
là người tranh đấu dai dẳng, ôn hoà mà không tương nhượng cho nền độc lập của
VN theo lời nhận xét của chính người Pháp thời bấy giờ (1), chính ông là người
viết bản tuyên ngôn Độc lập đầu tiên cho vua Bảo Đại vào tháng 3-1945 khi Nhật
đảo chính Pháp, trả lại độc lập cho Việt Nam.
Chú
Thích :
(1) Theo tài
liệu của sử gia Trần Gia Phụng, báo Thế
Kỷ 21, năm 2007, số 221, tr 57-62, thì Phạm Quỳnh gia nhập hội Tam Điểm (FrancMaconnerie
Pháp) tại Hà Nội khoảng 1920, HCM cũng vào hội Tam Điểm tại Pháp một thời gian
ngắn, 6-1922, trước khi đi Mạc Tư Khoa với CS đệ Tam quốc tế, đầu 1923.
(2) Phạm Quỳnh với kinh
nghiệm nhà báo, nghị viên (Hội đồng thành phố Hà Nội), giao tiếp rộng với các
giới Pháp, Nhật…ông đủ kinh nghiệm và khả năng tranh thủ độc lập cho VN theo
hướng Quân chủ Lập hiến là hướng đúng đắn hợp tình hợp lý nhất cho VN vào thời
điểm đó, ông là một đối thủ nguy hiểm nhất cho đường lối cực đoan tả phái, nên
họ phải thanh toán ông trước rồi vây bọc vua Bảo Đại sau. Mất Phạm Quỳnh (do
nhóm hương đảng Phạm Khắc Hoè, Ngự Tiền Văn Phòng, xúi dục) Bảo Đại chỉ còn là
ông vua bù nhìn cho các thế lực tả, hữu lợi dụng, suốt từ 1945 đến 1955.