Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ghé thăm các Blogs: 30/08/2012



BAUXITE VIETNAM

Hà Văn Thịnh

Công việc nhiều, nhưng chính là… nỗi sợ và sự mệt mỏi không biết nên viết cái gì đã làm cho tôi im lặng hơi lâu lâu. Vừa đọc xong bài Ai có thể lừa được một siêu lừa của Minh Diện, tôi như có thêm can đảm để viết những dòng này.

Trước hết, xin lỗi bạn đọc vì dùng từ quá nặng nề nhưng tôi đã thử tìm các từ thay thế cho chữ ngu xuẩn như “kém cỏi”, “thiếu trách nhiệm”, “khinh dân”…; nhưng đều thấy không ổn! Đành phải nhận chân sự việc bằng một từ hơi ù tai và đau mắt vậy.

Cách đây vài năm, có một lần GS Nguyễn Huệ Chi email cho tôi đại ý rằng “Thịnh phải viết nhẹ hơn (ý nói là nên “văn hóa” hơn) bởi cái dốt nát của nhiều vị lãnh đạo là điều ai cũng biết. Họ không dốt thì việc gì mình phải viết”. Câu nói đó (đại ý, nhưng xin để trong ngoặc kép cho trân trọng) cứ ám ảnh tôi hoài và, càng ngày càng thấy đúng. Thấy đúng càng nhiều thì càng chán cho nhân tình thế thái, đến mức không chịu được nữa thì lại đành phải nói tiếp.

Dẫn chứng về sự ngu xuẩn của không ít người có trách nhiệm – đã và đang gây ra bao thảm họa trầm kha cho dân tộc thì nhiều vô kể. Chỉ xin dẫn ra vài sự việc mới xảy ra gần đây (nhân tiện, tôi cũng nhấn mạnh rằng, ngay chữ đầu tiên của bài này, tôi dùng chữ XIN, sau khi đã cân nhắc chán chê).

Một ông quan có trách nhiệm cho rằng sau khi trẻ đi học về, chơi cũng không tốt nên cần phải… học nữa. Nói như thế thì chẳng khác gì không nói thì hơn. Phân phối giờ học, giờ chơi cho trẻ thế nào cho hợp lý là nguyên tắc tối thượng của hiệu quả giáo dục, trách nhiệm của quan là chỉ ra cái giải pháp đúng cho điều cần của thực tiễn xã hội. Chợt nhớ chuyện “trồng con gì và nuôi cây gì” (tôi cố tình sai): Làm lãnh đạo mà cứ nước đôi, ba phải thì ngay cả kẻ ít chữ nhất cũng làm được.

Bộ NN & PTNT vừa đưa ra pháp lệnh thịt sau khi giết mổ chỉ được bán sau 8 giờ trong điều kiện thường. Thế nào là điều kiện nhiệt độ bình thường? Nắng 40 độ, gió Lào là thường hay 15 độ ngày gió mùa đông bắc ở Hà Nội là thường? Trâu, bò, lợn thường được giết mổ lúc nửa đêm, chẳng lẽ đến 8 giờ sáng là đem đi tiêu hủy? Ai phân định cho được cái khái niệm trước và sau 8 giờ đồng hồ? Hay đây là cách để bật đèn xanh cho những kẻ muốn trung thành rằng cứ tiếp tục hành dân, nhận hối lộ; rằng những người có trách nhiệm luôn tìm ra nhiều cách thức khác nhau để cho sai nha lộng hành, vơ vét; rằng đã có sự bảo đảm từ một chính quyền vì quan, do quan và của quan?

Ông Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội kết luận chắc như cua óp ngày rằm rằng “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương là do mưa bão (!). Cách đây hơn 10 năm, tôi có đọc cho toàn thể hội đồng chấm thi đại học môn sử nghe đoạn văn với lời dẫn “để sau này có người làm chứng rằng tôi không bịa”: Đảng ta có rất nhiều sai lầm nhưng vì khéo che giấu nên ít người biết. Nhưng đôi khi có người cũng biết nên mới có câu rằng ‘mất mùa đổ tại thiên tai’… Hàng chục năm trước, một đứa trẻ còn biết tỏng tòng tong đâu là sự thật, sao đến tận bây giờ, một ông quan có thể ăn nói ngu hết biết như thế? Một con đường, một con đập đều phải tính toán được mọi tác động của thời tiết, và thậm chí, nếu không lường được thì phải ghi rõ “Công trình này chỉ chịu được động đất 5 độ Richter…”. Một trận mưa chưa phải là ghê gớm mà đường thành hố đủ để lấp xác hàng trăm con tru [trâu] mà cứ xoen xoét vòng vo thì không ngu xuẩn là gì?

Một trong những đỉnh cao của ngu lâu như con trâu là quan chức ngân hàng, cho rằng vì trình độ dân trí thấp nên không thể cho phá sản các ngân hàng yếu kém (!)? Trời hỡi trời! Vậy là dân trí thấp hay quan trí tệ hại? Bởi nếu không dốt nát và tham lam tại sao lại cho phép và dung dưỡng cho sự yếu kém, mầm tai họa tồn tại? Nếu thấy yếu kém, thua lỗ hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng vẫn cứ kiên trì định hướng thì đó là sáng suốt và đỉnh cao, thiên tài sao?...

Cái tham, cái xuẩn trong kinh tế, xã hội do các ngài dốt nát gây ra gây nên những hậu quả tức thời trong đời sống; nhưng cái đui mù (hay giả đui mù sau khi nhìn thấy… tiền) trong quản lý văn hóa thì không thể nào lượng định nổi những tai họa lâu dài. Ngôi Chùa Trăm Gian – một trong những báu vật (báo Dân trí gọi là “Ngôi cổ tự tuyệt bích”) của lịch sử nước nhà đã bị dụ khị hóa bằng hai chữ “làm mới”; để rồi bị mổ xẻ, bị cắt phá, bị đục bỏ tan tành! Không “làm mới” thì chẳng có tiền trùng tu, chấn hưng di tích cổ? Bài học của Ngàn Năm Thăng Long còn đó khi người ta tìm mọi cách để làm mới tất cả mọi thứ có thể thành tiền. Đạo đức văn hóa và lương tâm nghề nghiệp của những cán bộ trong ngành quản lý văn hóa của Hà Nội thật thê thảm! Làm sao họ còn đủ tư cách để nói những điều tốt đẹp về đạo đức, về văn hóa? Xem ra, những đồng tiền mới chảy vào túi các quan luôn cùng chiều với sự đớn đau của cả giống nòi!

Những nỗi đau bất tận của cánh đồng Việt Nam thời nay chỉ có một nguyên nhân mà thôi: Sự dốt nát, tham lam, vô văn hóa của không ít quan chức tự cho mình cái quyền khuynh loát, làm hại cuộc đời của hàng chục triệu con người đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại sao không chịu thấy một thực tế rằng, một ông chủ gia đình nghèo không thể làm chủ tịch xã, chủ tịch huyện… vì không thể chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của hàng vạn gia đình? Có thời đại nào lại dung dưỡng sự dốt nát để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?

Nếu còn có chút lương tri, ý thức vì giống nòi, Tổ Quốc, XIN các vị hãy dừng lại, bớt đi sự ngu xuẩn cho dân nhờ, cho dân đỡ đau đớn, xót xa. Cảm ơn vô cùng, lắm lắm…



BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

VIẾT TIẾP CHO BÀI “VIỆT NAM: XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ”
Posted on 19.08.2012 by nguyentrongtao

KHÁNH TRÂM

Cách đây hơn 20 năm, trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật số ra ngày 11/12/1988 tôi được đọc bài “Việt Nam: Xứ sở của nghịch lý” của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Hôm nay đọc lại bài này thấy có rất nhiều thông tin về sự “nghịch lý” kia vẫn ung dung tồn tại một cách viên mãn.

Đó là nghịch lý về nghiên cứu khoa học : Ngày trước thì “ sắn giàu đạm hơn thịt bò/ hột mít thì ăn ngon và bổ hơn trứng vịt lộn”, còn ngày nay thì cả nước có 9000 tiến sỹ nhưng Việt nam chưa có một tạp chí nào được quốc tế công nhận cả và chỉ xếp hạng 69 về nghiên cứu khoa học (thấp nhất trong vùng Đông Nam Á nhưng số lượng TS lại nhiều nhất)….

Đó là nghịch lý về quản lý : “Ngày ấy người ta in ra tờ giấy bạc ba chục đồng để nâng cao năng suất lao động của nhân viên ngân hàng vì họ phải dành nhiều thì giờ để đếm, nhân chia. Sản xuất hàng hóa phần lớn còn ở trình độ thủ công, nhưng công việc hành chính của ta lại tiến lên tự động hóa hoàn toàn”. Ngày nay thì những tập đoàn làm ăn kém hiệu quả như Vinashine, Vinaline, Vinaconex…được cưng chiều, được giao nguồn vốn khổng lồ để rồi làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ nhưng ngài thủ tướng ( người quản lý các tập đoàn) chỉ nhận trách nhiệm chính trị và các “con cưng” trên lại được “tái cấu trúc” để tồn tại…

Đó là nghịch lý về dân chủ: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, nhưng trong thực tế được xem là nơi để …tán thành một cách có tổ chức và kỷ luật khi thông qua hay hợp thức hóa mọi chuyện cần hợp thức”. Nghịch lý này cho đến bây giờ về cơ bản vẫn vậy (ở quốc hội), còn trong cuộc sống thì có hàng trăm nghìn thứ “phi dân chủ”: Cá lớn nuốt cá bé, cậy chức cậy quyền, đứng trên luật pháp nhưng người dân không còn chỗ bấu víu bởi lẽ nhà nước ta không theo thể chế tam quyền phân lập và công an là lực lượng bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân thế nhưng bây giờ rất nhiều người “sợ” công an. Lực lượng này không ít người thoái hóa, bảo kê cho xã hội đen, thậm chí đánh người vượt quá quyền hạn dẫn đến tử vong ( trường hợp ông Trịnh Xuân Tùng là một điển hình).

Đó là nghịch lý về thông tin: Đây là “một nghịch lý rất đáng buồn là muốn biết chuyện trong nước phải nghe đài báo nước ngoài, và báo chí ở TP HCM thì được tự do bênh vực và ủng hộ nhân dân Nam Phi bị áp bức và công nhân Mỹ bị bóc lột, nhưng không được quyền bênh vực cho người dân bị o ép ở Thuận Hải hay ở các tỉnh khác”! Đúng.  Ngày nay bộ máy tuyên truyền như gã khổng lồ. Cả nước có gần 700 tờ báo nhưng khi sự kiện bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu thì không thấy đưa tin và những trường hợp dân oan mất đất trên khắp ba miền từ Bắc chí Nam thì báo chí quốc doanh chỉ đưa tin có lợi cho chính quyền. Chưa kể rất nhiều trường hợp báo chí không được đến tác nghiệp ( trường hợp hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam bị hành hung ở Văn Giang đến mức phải vô bệnh viện là một ví dụ).

Ngày ấy, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã phải thốt lên “đến nay vẫn còn có nhiều người không cho những chuyện kể trên là những nghịch lý”.

Thế mà hơn 20 năm sau, câu chuyện “nghịch lý” này chưa có điểm dừng.

Xin tiếp tục góp thêm vào bản danh sách những nghịch lý đau lòng của những người con dân nước Việt ở những năm đầu TK 21:
Nghịch lý 1: Yêu nước bị đàn áp.

Liên tiếp trong hai mùa hè (2011 và 2012), nhiều người đi biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn và xâm lược trên biển Đông đã bị chính quyền đàn áp. Trong số các biểu tình viên (BTV) có nhiều nhân sỹ trí thức, các văn nghệ sỹ, cựu chiến binh, học sinh sinh viên, các tầng lớp nhân dân… trong số đó có nhiều người ở xa Hà Nội và TP HCM. Những công dân đầy lương tri và trách nhiệm trước vận mệnh tổ quốc này đã không những không được biểu dương mà còn bị các phương tiện truyền thông của chính quyền bôi nhọ, bị gọi là “phản động”, bị “kẻ xấu xúi giục”, bị “gây mất trật tự công cộng”, bị “làm xấu hình ảnh thủ đô hòa bình”, bị….Trong số đó BTV Bùi Thị Minh Hằng bị bắt và đưa đi giam giữ 5 tháng trong trại Thanh Hà không qua xét xử còn các BTV khác thì bị đưa đi giam giữ ở trại Lộc Hà (cả 2 nơi này dành cho các đối tượng phục hồi nhân phẩm). Nghe thật hài hước. Tôi cứ nghĩ mãi để tìm ra lời giải: Hiện nay mâu thuẫn cơ bản và nguy hiểm nhất là quyền lợi dân tộc và quyền lợi của Đảng mâu thuẫn nhau. Nếu không thì tại sao trước họa xâm lăng chính quyền lại thẳng tay đàn áp người yêu nước? Nếu việc này còn tiếp diễn thì chắc chắn trong tương lai cái trại Lộc Hà sẽ trở thành điểm tham quan du lịch nơi ghi dấu danh sách những biểu tình viên chống Tầu – một tài nguyên du lịch nhân văn của thủ đô.

Nghịch lý 2: Đi sơ tán giữa thời bình.

Để thể hiện lòng yêu nước trước họa xâm lăng và thực hiện quyền biểu tình của công dân được hiến pháp ghi nhận, nhiều người đã phải đi “sơ tán” (không ngủ ở nhà) để tránh việc bị chính quyền cho người chặn cửa, theo dõi, cầm chân…trước mỗi chủ nhật “xuống đường”. Đội quân “sơ tán” này đủ thành phần từ người già (cụ Lê Hiền Đức), người trẻ và trẻ em (mẹ con Trần Thị Nga), trung niên (Blogger Phương Bích)…
Nghịch lý 3: Đem thanh niên, học sinh ra làm hàng rào ngăn chặn biểu tình còn cảnh sát và an ninh đứng phía sau. Hình ảnh này đã lưu lại câu thơ trong nhân dân “ Em đứng trước dãy hàng rào sắt/ Sau lưng em sào huyệt giặc Tầu”.

Nghịch lý 4: Thời đại thông tin mà các bloggers bị sách nhiễu.

Trước thực trạng nhiều sự kiện quan trọng bị bưng bít, các bloggers ( những người viết báo mạng) đã cam đảm đưa những thông tin trung thực đến với nhân dân. Để hạn chế người dân truy cập, chính quyền đã ra thông tư yêu cầu các nhà mạng đặt tường lửa bên cạnh độ ngũ hacker chuyên nghiệp. Với biện pháp này nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng đã bị mất khách hàng (con số này được báo cáo là hàng triệu người bỏ thuê bao). Những bloggers tên tuổi còn được chính quyền và xã hội đen “chăm sóc” bằng nhiều hình thức. Trường hợp TS Nguyễn Xuân Diện bị hành hung ở Viện Hán Nôm và mới đây anh bị sở Thông Tin Truyền Thông ( 4T) gửi giấy bắt nộp phạt vì “ lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội”. Quyết định của sở 4T vô căn cứ, đã quy chụp, vu khống nên TS Diện đã ngay lập tức phản hồi “tôi sẽ xem xét để khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này”. Ngoài TS Diện, nhiều bloggers đã bị đánh phá trang mạng nên phải liên tục “xây nhà”, “dọn nhà” như Anh Ba Sàm, Quê Choa, Nguyễn Trọng Tạo…

Nghịch lý 5: Sống trong thời bình mà người dân cảm thấy bất an hơn trong thời chiến.

Nếu nhà nước làm cuộc điều tra XHH tôi tin là số người đồng tình với nhận xét trên đây từ 80% đến 90%. Chưa có khi nào mà danh sách tin “cướp, giết, hiếp” cứ ngày một dài trên báo và các phương tiện truyền thông. Đây là dấu hỏi lớn cho việc xây dựng, quản lý và điều hành xã hội.

Nghịch lý 6: Không thể kể tên hết các nghịch lý.

Nếu kể thêm ra như : Người ngay sợ kẻ gian, người dốt dậy người giỏi, học giả bằng thật, kẻ bất lương bắt nạt người lương thiện, “ông chủ” thì nghèo mà “đầy tớ” thì giàu, kẻ tham nhũng được giao trọng trách chống tham nhũng….thì danh sách này sẽ còn dài lắm. Với những gì nêu ra trên đây, tôi lại lẩm cẩm tự lẩm bẩm một mình “Việt Nam có nên tự hào nói rằng DÂN CHỦ GẤP VẠN LẦN các nước tư bản và nhận mình là NƯỚC HẠNH PHÚC THỨ HAI trên thế giới hay không???”

Khánh Trâm- Nguồn :Blog Nguyễn Trọng Tạo

Bài tôi chép lại và đăng vào tháng 8. 2011

VIỆT NAM XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ

Khi ngồi gõ lại bài báo nầy, tôi đã cười bò lăn vì ngỡ là đang đọc chuyện tiếu lâm. Nhưng rồi  ngay sau đó, thấy đau xót. Không ngờ đất nước lại trải qua một giai đoạn tăm tối và tồi tệ đến mức như vậy mà nhân dân ta vẫn cứ lầm lủi chịu đựng.

Bài báo nầy tôi viết từ năm 1988, được báo Tuổi Trẻ đăng lên mục diễn đàn. Từ đó đến nay tôi không hề đọc lại, nhiều chuyện trong đó tôi đã quên đi. Bây giờ đọc lại thật bất ngờ, không thể nào tin nỗi. Như chuyện lưu hành tiền mệnh giá 30 đồng. Không biết vị lãnh đạo nào của Ngân hàng Nhà nước có sáng kiến động trời ấy, nếu bây giờ còn sống hãy dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm để lịch sử lưu "danh".

Có những chuyện đã qua rồi như là chuyện tiếu lâm thời Trạng Quỳnh. Nhưng cũng có những chuyện đến bây giờ vẫn còn y như vậy. Ôi nghịch lý !!!!

Ban biên tập Tuổi Trẻ thời đó đã rất dũng cảm khi cho đăng bài nầy. Hẳn sau đó các anh chị trong ban biên tập phải gặp rất nhiều khó khăn với cấp trên.

VIỆT NAM XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ

Ở hội nghị bàn tròn các nhà báo Châu Á Thái Bình Dương, trả lời phóng viên báo Utusan(Malaysia), đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nói rằng ở nước chúng tôi có thời kỳ giá một trứng vịt 30 đồng, trong khi đó giá một ký thép 5 đồng. Phải có đến 6 kg thép mới mua được một trứng vịt. Trên thế giới không ai làm như thế cả. Chuyện ấy khó tin, nhưng lại là một sự thật. Và đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện nghịch lý đã và đang xảy ra ở đất nước ta.

Một giáo viên sau 13 năm giảng dạy, thấy đời sống quá khó khăn, không còn đủ sức theo ngành giáo nữa bèn xin nghỉ dạy. Nhà nước cấp cho chị 13 tháng lương va 6 tháng gạo, qui ra tiền tổng cộng 300.000 đồng. Mang số tiền ấy gửi tiết kiệm lấy lãi 8% mỗi tháng, như vậy không cần phải đi làm việc, mỗi tháng cô giáo lãnh được 24.000 đồng…hơn xa tiền lương lúc còn đi dạy.

Một em bé bán nước tại chợ Cồn Đà Nẵng, mỗi ngày mùa nắng đổ được 30 ấm, mỗi ấm kiếm được 100 đồng, vị chi mỗi tháng thu vào 90.000 đồng. Lương của một vị giáo sư đại học phải thua xa.

Có một dạo, tỉnh nầy thừa gạo nên đem nuôi heo, trong khi thành phố bên cạnh đang thiếu gạo phải cho dân ăn bobo và sắn lát thay cơm. Và hàng hóa sản xuất ra tại nhà máy ở Thủ Đức mà người tiêu dùng ở Chợ Lớn muốn mua phải ra tận Hà Nội mang về! Cung cách làm ăn của ta dựa trên cơ sở những nghịch lý: Người ta phá máy móc tốt để xuất khẩu sắt vụn thu ngoại tệ, dùng ngoại tệ đó nhập máy móc về để cho… han rỉ. Đất đai được chuyển từ người lao động siêng năng cần cù sang những người lười biếng và không biết trồng trọt. Tương tự như vậy, người biết thức khuya dậy sớm để phục vụ nhân dân từ nắm xôi điểm tâm đến cây kim sợi chỉ thì không được phép buôn bán, còn người không biết và không muốn buôn bán thì được giao cho những quầy hàng đồ sộ lộng lẫy.

Nghịch lý cơ bản và nguy hiểm nhất là quyền lợi giữa cá nhân và quyền lợi đất nước mâu thuẫn nhau. Một người lao động chân chính làm hết sức mình một cách thành thật và có năng suất dĩ nhiên sẽ mang lợi đến cho xí nghiệp, cho đất nước nhưng khốn thay bản thân lại đói khổ vì tiền lương quá thấp. Còn ngược lại, nếu chỉ biết lo cho bản thân mình đầy đủ và sung sướng thì dứt khoát anh ta phải làm hại đất nước: ăn cắp, buôn lậu, móc ngoặc, tham ô, gian dối….Do vậy mà có “định lý đảo”: ở Hà Nội có một công dân phải ở tù vì tội sản xuất ra những cây bút và lốp xe tốt hơn và rẻ hơn của nhà nước.

Trong nghiên cứu khoa học xảy ra những nhịch lý: sắn thì giàu đạm hơn thịt bò và hột mít thì ăn ngon và bổ hơn trưng vịt lộn. Đồng thời một giáo sư triết học trước đây tốt nghiệp tiến sỹ tại đại học Sorbone nhưng khi làm bài thi triết ở Việt Nam chỉ đạt được điểm 4/10.

Trong quản lý (tài chính) cũng lắm điều nghịch lý. Người ta in ra tờ giấy bạc ba chục đồng để nâng cao năng suất lao động của nhân viên ngân hàng..vì họ dành nhiều công sức để đếm, nhân chia….

Lại có chuyện nghịch lý như sau. Hai anh em nhà kia cùng rủ nhau đi vượt biên, một người đi lọt và một người bị bắt. Thế là một kẻ bị kết tội phản quốc phải đi tù, kẻ còn lại sau một thời gian trở về thành người yêu nước, được tiếp đón nồng hậu.

Giai cấp tư sản trong nước bóc lột công nhân quá tệ nên được triệt hạ đi, và sau đó người ta trải thảm đỏ mời tư sản nước ngoài vào.

Rồi đến nghịch lý dân chủ: Quốc hội là cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của người dân nhưng trong thực tế được xem như là nơi để…tán thành một cách có tổ chức và kỷ luật khi thông qua hoặc hợp thức hóa mọi chuyện cần hợp thức hóa.. Còn tại một huyện nọ, HĐND huyện phiên đầu tiên bầu chủ tịch huyện, ứng cử viên chỉ có một người duy nhất và điều lệ bầu: ai cũng phải bỏ phiếu và không được quyền bỏ phiếu trắng. Cách làm như vậy được gọi là “dân chủ”…

Trong thông tin có một ngịch lý đáng buồn là muốn biết chuyện xảy ra trong nước phải nghe báo đài nước ngoài, và báo chí ở thành phố HCM thì được tự do bênh vực và ủng hộ nhân dân Nam Phi bị áp bức và công nhân Mỹ bị bóc lột nhưng không được quyền bênh vực cho những người dân bị o ép ở Thuận Hải hay ở các tỉnh khác!

Những chuyện nghịch lý như vậy kể ra còn nhiều nhưng tất cả đều không đáng kể so với điều nghịch lý lớn nhất sau đây: Đến nay vẫn còn có nhiều người không cho những chuyện kể trên là điều nghịch lý



BLOG PHẠM VIẾT ĐÀO


Mạnh Cường.

Như đã thành một công thức, trong chương trình của các cuộc thi hoa hậu dù  lớn hay nhỏ, BTC cuộc thi thế nào cũng đưa các thí sinh đến thăm một cơ sở nào đó để "làm từ thiện" như thăm một trung tâm chăm nuôi trẻ mồ côi, hay người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam,..


Câu hỏi đặt ra là: để làm gì nhỉ? Ai cần cái đó? Nói chính xác hơn: chuyến đi của các cô hoa hậu này đang phục vụ ai, phục vụ cái gì?

Chẳng nhẽ để chứng tỏ rằng các cô hoa hậu vừa đẹp người vừa đẹp nết ư? Liệu cái việc các cô hoa hậu trang điểm (hay hóa trang?) rồi xếp hàng để cố nắm lấy cái tay cái chân của mấy em bé nạn nhân chất độc da cam cho ra dáng thăm hỏi thế là chứng tỏ các cô đẹp nết ư? (Tôi nói "hóa trang" vì việc các cô mặc áo xanh thanh niên tình nguyện để đến thăm các em bé đấy thì cũng là cái áo để trang điểm hay hóa trang cho các cô chụp ảnh lên báo thôi. Tôi đố các cô tự nhiên mặc cái áo đó ra đường đấy!).

Hay để mang tính giáo dục? Nếu vậy thì giáo dục cho ai? Ôi, đâu phải phiền tới mấy cô hoa hậu để đi giáo dục tính tương thân tương ái cho người khác. Tôi thấy trên mạng vừa rồi có tấm ảnh một cụ già ăn xin gầy guộc tay run run bỏ mấy đồng tiền lẻ mới xin được vào thùng quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất và tôi dám chắc rằng bức ảnh đó có thể đánh thức lòng nhân ái của bất cứ ai nhìn thấy nó, chứ đâu cần đến một đội ngũ người đẹp, cầu kỳ hóa trang rồi xếp hàng đi như vậy.

Thế nên có lẽ ta cứ nói toạc ra với nhau rằng việc các cô thí sinh hoa hậu đi nơi này nơi nọ, nắm tay người nọ người kia ra dáng thăm hỏi và được gọi với cái tên mỹ miều "đi làm nhân đạo" thực ra là một hoạt động nhằm đánh bóng, quảng bá BTC cuộc thi cũng như đánh bóng cho các cô thí sinh hoa hậu mà thôi.

Người đẹp áo dài Ngọc Anh đẫm nước mắt trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều bệnh nhân

Thực ra tôi không có ý hạ thấp hay nói xấu lòng nhân ái của ai cả. Tôi luôn tin rằng "nhân tri sơ, tính bản thiện" - nghĩa là sinh ra trên cõi đời, trong mỗi chúng ta luôn có một tình thương yêu con người. Tôi nghĩ rằng mỗi cô hoa hậu, mỗi thành viên BTC cuộc thi cũng vậy, có thể ít nhiều, đậm nhạt khác nhau nhưng những cảm xúc thương cảm, xẻ chia trong họ là có thật. Đó là điều tôi luôn trân trọng.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là liệu có cần lắp ghép một cách khiên cưỡng những tình cảm mang tính trầm kín với một cuộc thi mang tính khoe trương về thân thể hay không? Cái sự lắp ghép "đẹp người - đẹp nết" kia không khéo lại phản tác dụng đấy. Hẳn nhiều người đã biết là cộng đồng mạng mới đây đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi nhìn bức ảnh chụp cuộc gặp mặt giữa một đoàn các cô chân dài với các bà các mẹ tại một miền quê Nam Bộ, khi mà các cô với khuôn mặt hớn hở tươi cười làm dáng trên những chiếc ghế cao, cái bàn trước mặt để chai nước, trong khi bên cạnh là các bà, các mẹ ăn mặc xuyềnh xoàng ngồi trên những chiếc ghế đẩu mặt đăm chiêu (hay vì chân các cô dài nên phải ngồi ghế cao?!).

Cuộc thi hoa hậu là cuộc thi sắc đẹp. Thôi thì các cô hoa hậu có thể đến đó mà khoe hết những gì có thể khoe trên cơ thể các cô. Các cô khoe như thế nào tôi cũng không có ý kiến gì cả, thế nhưng nếu lại coi đây cũng là nơi để "khoe" rằng tôi nhân đạo lắm, tôi thương người lắm thì không nên tí nào cả.

Sự cảm thương, sự trắc ẩn, lòng nhân đạo là những cảm xúc mang tính tự nhiên, mang tính bản năng của con người nên những hành động để thể hiện sự cảm thương đó luôn toát lên một cái gì đó chân thành, mộc mạc, rất Người. Cái tình cảm đó không cần phải đánh bóng vì nếu anh đánh bóng nó thì là anh đã xuyên tạc nó rồi. Còn nếu anh lấy cái tình cảm thiêng liêng đó để đi đánh bóng cái khác thì tuyệt nhiên không được phép rồi.

Nhìn những bức hình chụp các cô hoa hậu ngồi bên các em bé mồ côi, các nạn nhân chất độc da cam tự nhiên tôi lại rùng mình chợt nghĩ: ở cái mô ment chụp hình đưa lên báo thế này, các cô đang nghĩ gì? Liệu có bao nhiêu phần trăm suy nghĩ của các cô đang dành cho các phận đời thiệt thòi kia và bao nhiêu phần trăm suy nghĩ các cô dành cho việc tạo dáng để lên hình cho "chuẩn" để phục vụ cho cuộc thi sắc đẹp?

Thưa BTC cuộc thi hoa hậu, thưa các cô thí sinh hoa hậu cho phép tôi nói thật lòng thế này: Các vị hãy cứ tập trung vào việc thi thố sắc đẹp đi, còn thi xong thì muốn làm gì thì làm. Trước khi thi và sau khi thi, các thành viên BTC, các cô hoa hậu cứ thoải mái đi làm từ thiện theo sự mách bảo của lương tâm, của tình cảm chân thành trong mình. Thế mới quý, thế mới thực các vị ạ.

Còn những gì các vị quảng cáo là "đi làm nhân đạo" trước cuộc thi thì trong mắt tôi nó lại vô nhân đạo lắm. Các vị nên nhớ: Những phận đời thiệt thòi kia đâu phải là thỏi son để các cô hoa hậu trang điểm đâu. Nếu ứng xử như vậy là có tội đấy.



BLOG HIỆU MINH

Trong cuộc chiến vùng Vịnh (1990-1991), do làm chủ hoàn toàn thông tin trên chiến trường nên Hoa Kỳ đã khuất phục được Iraq một cách chớp nhoáng.

Khi đó, Trung Quốc nhận ra vai trò to lớn của mặt trận không tiếng súng nên đã đầu tư khá nhiều tiền của cho mục đích này. Chiến lược của họ khá đơn giản, chỉ cần thành thạo 36 kế sách của Tôn Tử binh pháp, có thể đối đầu với Hoa Kỳ hùng mạnh.

Báo cáo Quốc hội Mỹ năm 2007 đã nói rõ, nhiều cuộc tấn công qua mạng vào Bộ Quốc phòng, chính phủ, các bộ, các ngành…có dấu vết từ Trung Quốc.

Thay vì dùng vũ lực chiếm Đài Loan, các nhà chiến lược quân đội Trung Quốc định dùng thông tin gây nhiễu trên mạng máy tính của đảo quốc này. Trong lúc đó, mạng của quân đội tìm cách trì hoãn mọi lệnh trợ giúp từ Hoa Kỳ để Đài Loan hiểu rằng, cần đầu hàng trước khi Mỹ tới. Chiến thắng không cần súng đạn.

Chỉ cần vài ví dụ nhỏ trên cũng đủ biết chiến tranh thông tin trong thời đại internet là vô cùng lợi hại và nguy hiểm cho những ai không hiểu rõ.

Đối phương ngồi ở một nơi nào đó, với cái máy tính xách tay, modem 4G xuất xứ từ Trung Quốc, và ly café Highland ngay tại Hà Nội, vẫn có thể lũng đoạn cả một quốc gia, thông qua các tin gây rối loạn cho dân chúng, các nhà lãnh đạo dễ đưa đến các quyết định sai lầm.

Mấy ngày gần đây, trang Quanlambao (QLB) bỗng người ra kẻ vào đông nghịt, lúc nào cũng vài nghìn người truy cập. Trong vòng hai tháng xuất hiện đã có tới 15 triệu hít, một con số khổng lồ.

Tin blog cá nhân mà gây tò mò cao độ ở một xứ mọi thông tin đều mù mờ. Việc người đọc tìm đến một nơi có nhiều thông tin thâm cung bí sử là hoàn toàn có thể hiểu được.

QLB đã đoán trúng tâm lý người Việt đang đói thông tin nghiêm trọng. 700 tờ báo đưa tin theo hiệu lệnh, người đọc đã quá quen chuyện này rồi, nên đã không tìm đến nguồn tin chính thống.

Tin vỉa hè lên ngôi là do sự cấm đoán thông tin và dễ gây ra hiểu lầm. Có thể ai đó đã cố vấn rằng, để bảo vệ chế độ, cần hạn chế hay quản lý chặt thông tin. Nhưng đó là cách làm mất lòng tin của dân chúng vào nhà cầm quyền. Kẻ lên kế hoạch chiến tranh chỉ đợi có thế.

Sự trùng lặp đến không thể tin nổi là vụ bắt bầu Kiên do QLB “đánh” mấy tháng trời. Thông tin về số liệu ngân hàng, của các đại gia khá chính xác.

Nó lại đúng vào thời điểm phê và tự phê của BCT. Sự đồn đoán về đấu tranh phe phái hoàn toàn có thể hiểu được, vì dân chúng bức xúc về tham nhũng, đạo đức xuống cấp, kinh tế mong manh, dễ đổ vỡ. Người ta thì thào về tài sản của người này người kia, do đâu mà có, ai đó chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô la.

Ảnh hưởng của QLB mạnh tới mức mà Thủ tướng NT Dũng phải nói gián tiếp, chính ông chỉ đạo bắt bầu Kiên và sau đó được trưởng ban chuyên án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nhắc đi nhắc lại mấy lần trên báo chí.

Tin đồn đoán về người này bị bắt, người kia bị câu lưu, phần đông là sai,  người bị ảnh hưởng phải thanh minh, thanh nga, và hàng triệu người đọc được vài ngày hả hê.

QLB đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận. Trong vài ngày, TTCK Việt Nam bốc hơi 5 tỷ đô la. Độc giả có cảm giác rằng, đang có cuộc đấu tranh nội bộ một mất một còn giữa giới chóp bu, và blog này có vẻ được sự bao che của một phái nên mới có nguồn tin nóng như thế.

Nhưng một blog cả triệu người truy nhập lại dùng ngôn từ thô thiển, viết rất ẩu, thông tin nhiễu loạn, lúc đúng, lúc sai. Tâm lý người đọc hoang mang và mất phương hướng, biết đọc gì, tin gì trong lúc này.

Rõ ràng, QLB là một bộ máy của chiến tranh thông tin đã được khởi động, dù khó đoán được do ai đưa ra. Nhưng mục đích thì rất rõ: gây chia rẽ nội bộ, phá hoại hệ thống kinh tế, ngân hàng vốn yếu kém của Việt Nam, người dân không còn tin vào lãnh đạo và đất nước chìm vào rối loạn thông tin.

Muốn nói gì thì nói, QLB đã giúp chúng ta mở mắt ra rất nhiều. Hiện nay, QLB đang bị đánh phá, giao diện bị mất, dù có bị xóa thì hậu quả để lại đã vô cùng tai hại.

Khó ai có thể tin nếu QLB tìm cách hạ bệ Obama tại nước Mỹ bằng cách làm nghiệp dư này. Bởi đơn giản, hàng thế kỷ qua, người dân Mỹ đã quen với nhưng thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, và minh bạch từ nhà cầm quyền.

Tổng thống có tài sản giá trị bao nhiêu, sức khỏe ra sao, thậm chí đi chữa răng cũng được cả nước biết đến.
Lạm phát, kinh tế chao đảo hay tín hiệu tốt lành, phần trăm người thất nghiệp, số lính chết trận hay chi tiêu quân sự… họ chỉ tin vào số liệu của FED, của Bộ Lao Động, Tổng cục Thống kê hay Lầu Năm Góc đưa ra.
Để đấu lại với cuộc chiến thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cơ hội, thách thức và ẩn chứa cả hiểm họa, những nhà quản lý thông tin, truyền thông của Việt Nam cần có một tư duy khác về đa chiều, về báo chí mở, minh bạch trong chính phủ và dân chủ thông tin.

Một khi còn để dân chúng tìm tin vỉa hè như trang QLB để đọc thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến thông tin ngay cả khi chưa bắt đầu.


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ

Ngày bé thường nghe câu người lớn nói:
- Đồ ăn cướp la làng!

Dạo đó mình vắt óc suy nghĩ, sao ăn cướp lại phải đi la làng làm gì nhỉ. Cướp xong phải im mà trốn chạy đi chứ. Nhưng không dám hỏi người lớn. Vì người lớn ngại giải thích cho mình, cứ bảo lớn lên rồi sẽ biết.
Tầm những năm đầu 80 của thế kỷ trước Hà Nội vắng hơn bây giờ rất nhiều. Đến tầm 9 giờ tối là đường phố vắng hoe. Lác đác có người kẽo kẹt đạp xe đi, khuya hơn chỉ có người đi bán xôi lạc, bánh khúc. Điện thì mất thường xuyên nên đường phố tối om.

Người đi xe đạp chở gì đằng sau, hay dùng dây chun làm từ săm xe đạp cũ chằng buộc. Thứ chở là gạo, củi, quần áo hay hàng hoá linh tinh gì đó. Có một bọn lưu manh thường phục ở chỗ tối, chúng phát hiện ai chở gì là chạy theo rất nhẹ nhàng bởi đôi chân đi dép nhựa quai hậu Tiền Phong (gọi là gò trắng), chúng dùng dao cạo cắt dây chun và nẫng gói hàng khiến người đi xe đạp còn không biết. Theo từ chúng gọi đó là "cắt bom". Bọn này có điểm chung là thường đi "gò trắng" đội mũ cối Tàu. Một hôm mình đi bắt ve dọc đường Trần Quang Khải, thấy một "gò trắng" cắt bom của một người đàn ông. Người bị mất phát hiện tri hô, tên ăn cắp chạy vào phố Tông Đản. Người mất của hô cướp cướp. Mình chạy theo xem, lúc đó quần đùi, chân đất suốt ngày đá bóng, leo cây mình chạy cũng nhanh. Tên cướp chạy từ Tông Đản sang đến đoạn Hàng Vôi, Trần Nguyên Hãn thì có mấy người ở cái ở đầu đường bán nước, vá xe. Đằng sau người mất của đạp xe hô cướp cướp. Mấy người hàng nước, bơm xe đứng bật dậy nhìn. Tên cướp chỉ tay về phía trước cũng hô cướp cướp, bắt nó với, bắt nó với.

Mọi người đứng sững sờ nhìn theo tay tên "gò trắng" chỉ. Tên "gò trắng" chạy qua và ngoặt lên đầu phố Trần Nguyên Hãn chạy qua đê chỗ cửa Chương Dương và biến mất sau bóng tối. Người đạp xe đến đó thì dừng lại vì không dám vất xe đạp để chạy qua đê đuổi theo.

Lần sau mình thấy vụ còn li kỳ hơn. Đó là một buổi tối mọi người đuổi theo một tên ăn cắp, bắt được nó. Trong đám đuổi theo có hai thằng rất hăng hái. Nó xông vào đấm đá rồi chửi mày biết tao không. Thằng ăn cắp van - em xin anh, em biết các anh là hình sự quận rồi. Anh tha cho em. Hai thằng kia chửi bới, tha à, bọn tao theo mày lâu rồi. Về bót bóc lịch con nhé. Rồi một tên hỏi đám đông. Người bị mất đâu rồi? Mất gì chưa? Người bị mất kêu chưa. Tên kia bảo tí nữa lên quận làm nhân chứng nhé.

Hai thằng bẻ cánh khuỷu thằng ăn cắp đưa đi. Bà con ai cũng hoan hỉ, khen công an chìm giỏi.

Mình đứng đó, nhìn thấy thằng xưng là công an đi đôi "gò trắng". Trong khi đa số công an hồi đó đi dép rọ quai hậu mầu nâu. Mình tò mò đi theo xem. Đi xa một đoạn thấy hai thằng buông tay, thằng kia ôm vai xoa xoa vài cái. Chúng nói gì với nhau sau đó một thằng ra hồ Gươm. Hai thằng còn lại mỗi thằng đi một ngả.
30 năm sau, đọc tin trên intenet thấy đại gia ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì tội lũng đoạn kinh tế, tài chính.

Trên truyền hình. báo chí đưa tin các lãnh đạo cao cấp đã chỉ đạo vụ án này.

Tiếc là ảnh báo chí, truyền hình chỉ đưa hình từ ngang ngực các vị lãnh đạo trở nên.

Mình thì cứ tò mò, không biết vị lãnh đạo ấy đi giầy, hay dép quai hậu, xăng đan, ủng hay gì nhỉ? Đôi khi cứ hâm hâm thắc mắc những điều không ra đâu như vậy. Nghĩ thấy mình hâm thật. Chả để ý gì lại để ý lãnh đạo đi giày hay dép.



FACEBOOK PAULO NGUYỄN

        Trong giai đoạn khủng hoảng kỳ đầu của giai đoạn đổi mới (1997 – 2000) ở Việt Nam pha trộn sự khủng hoảng tài chính của một số nước Châu Á. Công ty Minh Phụng – EPCO bị điều tra và Tăng Minh Phụng bị bắt truy tố về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có, để có thể được vay vốn, Minh Phụng đã thành lập hàng loạt công ty con, câu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn. Tính đến khi xảy ra vụ án, Minh Phụng đã thực hiện trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, với tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD.

Khủng hoảng tài chính năm 2012 với việc đóng băng thị trường bất động sản và nợ xấu giữa liên ngân hàng kèm theo đó là tình trạng bất ổn trong nội bộ đảng. Việc lợi dụng các chính sách điều chỉnh để thâu tóm lẫn nhau trên thị trường tài chính mà dư luận mới đây cho rằng, người đứng đằng sau là ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và là cổ đông của rất nhiều ngân hàng hiện nay.

Sự việc ông bị bắt vào ngày 20/8 sau khi trả lời báo giới đã làm chấn động dư luận. Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh thì lý do ông bị bắt là “kinh doanh trái phép”, và chúng ta sẽ chờ xem diễn biến sau đó sẽ thế nào.

Nhưng ở đây có một sự trùng hợp là các “đại gia” bị bắt vào thời điểm có khủng hoảng về kinh tế, điều đó cho thấy rằng sự nghiệp kinh doanh ở Việt Nam giống như việc “xây nhà trên cát”, có thể sụp đổ rất nhanh khi có một sự rung động, nó có thể đến từ bất ổn nội bộ đảng hay thậm chí từ một chính sách có lợi cho phe nhóm.

Đất nước hiện nay vẫn duy trì nền kinh tế ngoài luồng, một doanh nghiệp bình thường muốn kinh doanh có lãi phải dựa vào kẻ hở của pháp luật, và điều đó trở thành sự trói buộc họ vào guồng máy của cơ chế, một guồng máy được điều hành dựa trên sự sai trái của tất cả mọi người.

Khi một cơ chế mà sự phân phối thu nhập dựa vào "tính đảng" và yếu tố “ xã giao” thì sự thành công về mặt vật chất chứa đựng nhiều bất công và may rủi. Nó tạo ra một hệ thống quản lý dựa trên cái sai của mỗi người.Ai cũng được đóng một “phốt” nhận dạng riêng cho mình, và mặc nhiên chúng ta trở thành nô lệ, một phạm nhân của cơ chế bất công với một bản án có sẵn treo lơ lửng.

John Stuart Mill nói : “Thà làm con người không mãn nguyện còn hơn trở thành một con lợn thỏa mãn; thà làm Socrates không mãn nguyện còn hơn trở thành một kẻ ngốc thỏa mãn. Và nếu kẻ ngốc , hoặc con lợn có ý kiến khác, đó là bởi vì chúng chỉ biết ý kiến của riêng mình”

Thực tế là chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không thể thay đổi được hiện tại và chúng ta cũng không thể thay đổi người khác. Điều chúng ta có thể thay đổi chính là thái độ của mình. Nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận thỏa hiệp với sự sai trái để thỏa mãn mục đích cá nhân thì cũng giống như một con lợn, sẽ có lúc bị thịt để cúng tế hoặc duy trì sức sống cho chế độ.