Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Ghé thăm các blogs: 02/08/2012



BLOG PRO&CONTRA

Phạm Thị Hoài

Bị một bãi nước bọt nhổ vào mặt là phải chịu bao nhiêu phần trăm tỉ lệ thương tật? 0%, kể cả trước khi rửa. Ở Đức, hành vi đó bị coi là xâm phạm cơ thể. Bật nhạc quá to trước 6 giờ sáng và sau 8 giờ tối là xâm phạm tai hàng xóm. Để đèn quá sáng trước cổng nhà mình là xâm phạm mắt thiên hạ. Một người lái ô tô phanh quá gấp trước đèn đỏ, khiến người đi xe đạp bên cạnh giật mình, ngã, xước một chút đầu gối, bị tòa phạt về tội sơ ý xâm phạm cơ thể, kết hợp với sơ ý gây tổn hại tài sản của người khác, vì qua đó chiếc quần của người đi xe đạp bị toạc. Một ông khách làng chơi bị tòa phạt về tội cố ý xâm phạm cơ thể, vì ép cô gái phục vụ tình dục vào tư thế khiến cô buộc phải phục vụ bằng đường miệng [1]. Một nhân viên cảnh sát bị kết án xâm phạm cơ thể và làm nhục người khác khi thi hành công vụ, vì bắt một người bị tình nghi phạm tội phải cởi hết quần áo để khám xét, trong khi nghi vấn phạm tội của người này không đến mức phải bị khám lột truồng như vậy. Đối tượng được luật pháp bảo vệ trongđiều 223, Luật Hình sự Đức, là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người. Một bãi nước bọt, một cái đá đít, bạt tai, một cây thước kẻ đập vào tay… dù không gây một thương tật tạm thời hay vĩnh viễn nào, đều là phạm luật và có thể bị truy tố hình sự [2].

Khá nhiều người Việt ở Đức không nhập tâm được cái luật mà họ cho là vừa cứng nhắc vừa rách việc đó. Người ta ai chẳng có lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cha mẹ không phát vào mông con mình thì phát vào mông ai. Vợ chồng túm tóc cào mặt nhau là thường, lên giường lại âu yếm. Bạn bè lỡ phang chai bia vào đầu nhau, xong thì xin lỗi, máu chảy một chút là khô, có gì đâu mà điều nọ khoản kia rắc rối. Chưa đâm ai, mới giơ một con dao gọt táo ra dọa đã tù treo. Việt Nam mình mà thế thì cả nước lĩnh án.

Thái độ “rộng lượng” đó dường như cũng được thể hiện trong Luật Hình sự của Việt Nam. Trong các điều từ 104 đến 109, đối tượng được bảo vệ không phải là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người, mà chính xác chỉ là 89% sức khỏe của con người. Trừ những trường hợp đặc biệt – quy định trong khoản 1, điều 104 – tiêu chuẩn để khởi tố hình sự một hành vi “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là: tỉ lệ thương tật của người bị hại phải đạt tối thiểu 11%, và từ đó gắn liền với một điều kiện khác: phải có kết quả giám định về thương tật.

Lòng tin của chúng ta vào hoạt động giám định nói chung tại Việt Nam khó có thể gọi là lớn. Về giám định tư pháp nói riêng, chính ôngViện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, TS Vũ Dương, đã cho biết rằng bảng tỉ lệ phần trăm được ban hành cách đây 25 năm của một ngành khác, đã lạc hậu, lại được “áp vào sử dụng một cách đương nhiên cho giám định pháp y khiến nhiều khi các giám định viên không biết áp dụng kiểu nào vì không có đủ các mục tổn thương.” Ông nêu ra ví dụ về “một kiểu tính tỉ lệ phần trăm trong vụ án hiếp dâm có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam: lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% để cho ra tỉ lệ tổn hại sức khỏe. Có nghĩa là một bé gái 3 tuổi sẽ ít tổn hại hơn một bà lão 60 tuổi khi cùng bị xâm hại tình dục. Câu trả lời của đích thân người ‘phát minh’ ra cách tính tỉ lệ phần trăm này rất đơn giản, ‘vì tra không có quy định không biết tính kiểu gì’”. Ngành giám định tư pháp cho đến nay vừa bị coi là “điểm nghẽn”, gây ách tắc trong hoạt động tố tụng, vừa bị coi nhẹ. Còn các hoạt động tố tụng liên quan tới giám định tư pháp thì vướng từ chuyện không thể khởi tố khi người bị hại từ chối giám định, qua chuyện trưng cầu chính công an giám định thương tật của người bị công an hành hung, đến chuyện cộng trừ nhân chia tỉ lệ thương tậtsao cho cái mốc 11% không bị vượt qua.

Gương mặt sưng vù của phóng viên Hán Phi Long đáng bao nhiêu phần trăm trong bản tỉ lệ vốn dành cho thương binh và tai nạn lao động mà ngành pháp y Việt Nam đang áp dụng? May lắm thì được 2 – 5%, như quy định trong chương XI, dành cho các vết thương phần mềm. [3] Không cần ai đó phải chia nhỏ, tỉ lệ thương tật ấy không đủ để khởi tố vụ án, theo luật pháp Việt Nam.

Việc hai phóng viên bị hành hung trong vụ Văn Giang từ chối giám định bị nhà báo Phong Dao trên tờ Dân Việt phê phán là “thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng nghìn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung” trên tờ Dân Việt. Nhà báo Trương Duy Nhất còn đi xa hơn, khi coi đó là hành động “tự cầm gậy phang mặt mình“. Song theo tôi, câu hỏi “Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?” ở đây là không hợp lí. Dù có muốn, họ cũng không thể vượt qua tỉ lệ 11%. Trừ khi những chiếc dùi cui giáng xuống họ bị đánh giá là hung khí nguy hiểm, hay hành động của nhóm công an và dân phòng hành hung họ bị coi là có tính chất côn đồ hoặc cản trở công vụ của họ, để khoản 1, điều 104 Luật Hình sự có hiệu lực. Nhưng việc đánh giá đó nằm ngoài thẩm quyền và ý muốn của họ.

Quả nhiên không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo, mà là chuyện sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người phải được bảo vệ, chứ không phải chỉ là 89% sức khỏe. Mỗi quốc gia một luật pháp, song con người ở đâu cũng là con người.

© 2012 pro&contra

[1] Nghề mại dâm ở Đức được hợp pháp hóa kể từ ngày 01.1.2002.
[2] Theo quyết định đang gây tranh cãi sôi sục mới đây của một tòa án tiểu bang ở Đức, việc cắt bao quy đầu ở trẻ em trai, nghi lễ bắt buộc với người Do Thái và phổ biến với người theo Hồi giáo, là xâm phạm cơ thể con người, không thể dùng quyền tự do tôn giáo hay quyền của cha mẹ để biện hộ.
[3] Cách tính này cũng được các hãng bảo hiểm thương tật áp dụng.



BLOG J.B. NGUYỄN HỮU VINH

Mới mấy hôm trước, nghe tin Khối ASEAN không thể ra được tuyên bố chung sau cuộc họp cấp Bộ trưởng. Đây là sự kiện không có tiền lệ trong lịch sử 45 năm của khối này mà nguyên nhân là đàn em Campuchia đã bỏ rơi đàn anh nhỏ bé yếu ớt Việt Nam để ôm chân anh bạn vàng lắm của nhiều tiền Trung Quốc. Giữa hai ông anh có tranh chấp ở Biển Đông thì Campuchia đã chọn anh bạn nhiều tiền hơn, súng to hơn dù anh bạn Việt Nam có nhiều ân nghĩa hơn.


Cú này làm đàn anh Trung Quốc hớn hở, vui mừng nhưng Việt Nam choáng váng và thất vọng trước đàn em sớm trở mặt.

Dư luận Việt Nam bức xúc, phẫn nộ trước thái độ “tham vàng bỏ ngãi” của đàn em Campuchia. Nhiều người theo truyền thống, lại tiếp tục kể lể tao đã giúp mày cái này, giúp mày cái kia, nhờ tao mà mày còn sống… y hệt như anh Tàu thường kể lể những sự đầu tư của mình vào cuộc chiến Nam – Bắc giữa ý thức hệ Cộng sản và không cộng sản những năm nào trên đất nước Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam “Mãi mãi nhớ ơn Trung Quốc”

Khổ nỗi, anh Tàu đầu tư vào cuộc chiến ở Việt Nam thì có lãi, được đàn em Việt Nam nhăn nhở tưng bừng “mãi mãi nhớ ơn Trung Quốc”. Thậm chí, ông Bộ trưởng Quốc phòng còn hô to rằng: “Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam”. Sự biết ơn này thể hiện hẳn hoi bằng hành động cụ thể.

Trung Quốc đã ngang nhiên đem quân xâm lược Việt Nam – ở Trường Sa

 Sự giúp đỡ to lớn thế nào thì chưa rõ, nhưng có hiệu quả thì quá rõ ràng, ít nhất là sau đó còn kiếm được ít đất đai đất liền, biển đảo như Hoàng Sa, một phần Trường Sa, ngang nhiên đưa quân sang xâm lược hẳn hoi nghiêm chỉnh mà quân đội Việt Nam vẫn án binh bất động, tưng bừng biết ơn bọn xâm lược.

Nhưng, đàn em Campuchia thì khác hẳn. Không chỉ đàn anh Việt Nam giúp đỡ bạc tiền, mà xương máu cả trăm ngàn lính đổ xuống, bổng nhiên đàn em coi như không. Thế mới tức.

Chừng như thấy vỗ mặt ông anh như vậy cũng khá khó coi, nên đàn em Campuchia sau đó đã lập tức cho mấy đoàn liền sang an ủi, vỗ về ông anh đôi chút như Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng…

Dù mới vỗ mặt ông anh cái đét trước thiên hạ, nhưng khi sang thăm vẫn cứ leo lẻo “bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời, có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia; khẳng định những công lao to lớn đó sẽ mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc Campuchia. Đảng CPP, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Campuchia sẽ làm hết sức mình để giữ gìn, vun đắp, cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia phát triển lên tầm cao mới”. rồi “đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, ngăn chặn dư luận chia rẽ đoàn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước”. Chứng kiến hành động mấy ngày trước, nghe những lời này cứ tức anh ách như đang chọc đểu nhau, nói theo ngôn ngữ dân gian, thì miệng nam mô bụng bồ dao găm.

Tức hơn nữa, là tay Phó thủ tướng gặp Thủ tướng Việt Nam lại còn leo lẻo “Cam-pu-chia mong muốn học hỏi kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Việt Nam”.

Trời đất quỷ thần ơi, nghe xong câu này muốn té ghế.

Thông thường, khi khen chủ nhà khách thường ý tứ tìm những cái đỡ chọc họng, ai lại chơi kiểu này?
Sang Việt Nam phải khen con gái Việt Nam đẹp – như nguyên Chủ tịch Triết đã quảng bá. Hoặc ít nhất cũng khen đất nước Việt Nam “Ở vào xứ nóng, khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu, nhân dân dũng cảm và cần kiệm, các nước anh em giúp đỡ nhiều” – Thơ Hồ Chí Minh – nghĩa là với đất nước này, nhân dân chỉ việc ăn xong lo đi đánh đề cũng giàu – thì không khen không học, lại đi học chống tham nhũng.
Chắc chắn anh bạn Campuchia không xa lạ gì mà không biết mức độ và trình độ tham nhũng ở Việt Nam cỡ nào. Chắc chắn anh Phó thủ tướng Campuchia không thể không biết ông anh Thủ tướng Ba Dũng của Việt Nam đã từng bị quả phốt khi lỡ tuyên bố“Nếu không chống được tham nhũng. tôi xin từ chức ngay”… Cái câu nói lõ miệng khi nhậm chức của Thủ tướng Dũng bây giờ mỗi khi nhắc lại còn phải tím mặt ngượng với bàn dân thiên hạ, lẽ nào lão Phó thủ tướng Campuchia lại không biết?

Vậy thì khi gặp Thủ tướng Việt Nam mà khen chống tham nhũng lại còn đòi học chống tham nhũng thì có khác gì dùng cái que chọc họng Thủ tướng Việt Nam.

Nghe câu chuyện này, ông bạn tôi buông một câu: Đểu, đểu đến thế là cùng, vào nhà có người treo cổ lại đi khen sợi dây thừng.

31/7/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh



BLOG THÙY LINH

Có một diễn đàn về Hà Nội trên Vietnamnet mấy bữa nay nhưng mình ngại đọc các bài viết, các tranh luận về một thứ nói nhiều mà căn nguyên chưa ai truy đến tận gốc rễ? Mọi người nói nhiều về Hà Nội lắm: “Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác gì cái chợ”; “Văn hóa thấp đi nhưng người Hà Nội rất tự tin”; “Vì sao Hà Nội trở nên xấu xí như vậy?”; “Tôi sợ mặt trái của văn hóa Hà Nội”, “Muốn Hà Nội thanh lịch, chính quyền phải vào cuộc”; “Người Hà Nội chưa bao giờ thanh lịch”; “Nạn ăn cắp, cướp giật đang “đục khoét” Hà Nội”…Và một độc giả là TS Phạm Huy Thưởng phải thốt lên: “Hà Nội là Thủ đô của gần 90 triệu dân mà không opera, không ballet, không giao hưởng. Với "thành tựu" văn hóa duy nhất hiện nay là thi hoa hậu thì nói đến văn hóa là sáo từ. Một đất nước có hơn 9.000 giáo sư mà chỉ có 12 bằng phát minh trong 10 năm thì còn gì là văn hóa và khoa học. Lòng tự trọng còn là thứ xa xỉ thì nói gì đến văn hóa…”. Đọc đến đây thở dài: Hà Nội là một người chăng? Là cô hoa hậu để mọi người “ném đá” chăng? Hóa ra tất tật những gì mà bạn đọc kêu than đều có một địa chỉ rất rõ ràng: chính quyền, cụ thể hơn là chính quyền Hà Nội từ nhiều năm qua. Chính tư duy và đường lối phát triển đã dẫn đến mọi sự xấu xa, xuống cấp từ con người đến xã hội ngày hôm nay. Thử làm lại title bài đã đọc trên nhé: “Văn hoá xuống cấp, chính quyền Hà Nội chả khác gì cái chợ”; “Vì sao chính quyền Hà Nội trở nên xấu xí như vậy?”; “Tôi sợ mặt trái của văn hóa chính quyền Hà Nội”; “Chính quyền Hà Nôi chưa bao giờ thanh lịch”; “Nạn ăn cắp, cướp giật đang đục khoét chính quyền Hà Nội”…vẫn thấy chính xác. Và nếu tiếp tục giật cái title trên để thay cho chính quyền to hơn càng xác đáng.

Chưa bao giờ bạo lực kinh khủng nhiều và tàn độc như lúc này. Hành động bạo lực, cử chỉ bạo lực và dùng cả lời nói làm bạo lực tấn công nhau là chiêu thức chủ yếu hiện nay con người sử dụng để tự vệ, tranh giành với đồng loại. Bạn cứ thử mở bất cứ trang tin xã hội nào, của bất cứ tờ báo nào thì giết người, cướp của, hiếp dâm, mìn nổ, tự thiêu…nhiều nhất trong các tin đưa. Xã hội đang bị bạo lực, nạn tham nhũng, lạm quyền làm tổn thương sâu sắc thì khó mà chê bai hay động viên nhau rằng nơi này xấu, nơi kia tốt đẹp hơn hay ngược lại. Đây là lúc cả xã hội phải nhận lại qủa đắng sau nhiều năm xây dựng xã hội mới, con người mới XHCN. Bắt đầu từ sự giết chóc đẫm máu (nhiều khi là vô cớ) lẫn nhau trong chiến tranh; từ cuộc cải cách ruộng đất nhiều sai lầm, ân oán; từ sự bài trừ tôn giáo cho là thuốc  phiện ru ngủ nhân dân, phá tan chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ…; từ những bài học dạy làm “con người mới XHCN” mông lung, chỉ biết có lý tưởng cách mạng ngay con chữ đầu tiên mà quên đi bước chập chững phải bắt đầu làm con người hiếu đạo trước đã…Và giờ thì tham nhũng, giả dối, vô đạo, ích kỷ, cơ hội là lối sống được coi là chuẩn mực đạo đức chính trị của số đông người. Không thể bảo vệ chế độ bằng áp đặt bạo lực với nhân dân mình: đạp mặt, nện dùi cui gây chết người, đấm đá, vu khống, chửi bới, khủng bố, đe dọa... Không còn biết xấu hổ, tự trọng, liêm sỉ như TS Phạm Huy Thưởng nói thì không thể có văn hóa, không riêng gì Hà Nội mà hiển hiện ở trên khắp đất nước này. Mới hôm qua, hôm kia thôi, tất cả đài TH, các báo Hà Nội Mới, Kinh tế Đô Thị, Người Cao tuổi, Cựu chiến binh…còn vào cuộc bôi nhọ người biểu tình chống Trung Quốc, bấp chấp đe doạ từ Trung Quốc, thì trách gì những người đàn ông xích lô, ba gác, phu hồ…uống bia cỏ ven đường rồi vạch quần đái bậy trước thiên hạ, mà cao giọng kêu Hà Nội như một cái chợ xấu xí? Mấy người tham gia biểu tình bị kẻ "giấu mặt" khủng bố bằng mắm tôm dầu nhớt lén lút quăng vào nhà lúc ban đêm thì đòi gì người Hà Nội phải cư xử có văn hóa? Mình không hiểu nổi kẻ nào đã nghĩ ra “kế sách mắm tôm” dùng để khủng bố những người đang có bất đồng chính kiến với chính quyền? Hoặc kẻ đó tâm thần, hoặc kẻ đó rất gần với sự mất trí… Có sức mạnh của chính quyền mà phải dùng đến võ đốn mạt như vậy với công dân của mình thì chính quyền Hà Nội nói riêng và chính quyền to to nói chung có “tự tin” như người Hà Nội văn hoá thấp vẫn đang bị chê bai không? Hay đây là cách chính quyền vào cuộc để xây dựng một Hà Nội thanh lịch, một văn hoá thanh lịch, một ứng xử thanh lịch? Chính quyền đang tạo ra một thứ “văn hoá mắm tôm” bốc mùi thì Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước “thơm” sao được? Cám ơn độc giả đã lên tiếng vì tình yêu với Hà Nội, cũng là tình yêu của mình. Nhưng mình tin càng nói sẽ càng bất lực, nói nữa, truy nguyên đến tận cùng, chắc độc giả sẽ có lúc im bặt, không thốt nổi nên lời. Vì trước mặt họ sẽ là cái biển treo lủng lẳng cái câu: “ĐM lời lẽ bọn phản động” (mình xin lấy lời comment trong một entry ở blog của mình). Thôi, để Hà Nội đắm đến tận cùng của sự suy tàn, xấu xa thì sẽ có lối thoát chăng?

Tìm về góc nhỏ ở Hà Nội may mắn thoát qua tất cả cơn bão táp của các cuộc cách mạng vô sản, phong ba của những trào lưu “Hà Nội mới” đã tràn qua thì vẫn thấy một Hà Nội muôn thuở còn đó…Chỉ có điều Hà Nội đó rất nghèo, đang điêu tàn và ngày càng hiếm hoi…




BLOG TRỊNH HỘI

Ngày 7 tháng 8 tới đây sẽ có 3 người Việt Nam bị đưa ra xét xử. Ba người Việt Nam như tất cả chúng ta. Họ có anh em, có gia đình, bè bạn như chúng ta. Họ thích nói tiếng Việt, nghe nhạc Việt, ăn cơm Việt cũng như chúng ta. Thậm chí có thể nói họ cũng yêu quê hương, nòi giống như chúng ta. 

Nếu không muốn nói là hơn nhiều.

Vì điều khác biệt giữa chúng ta và 3 người Việt Nam này là sự tranh đấu quyết liệt của họ cho một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

Họ dám viết thẳng, viết thật và viết công khai. Về những điều họ nghĩ là có hại hay có lợi cho đất nước. Khác với chúng ta chỉ dám nói một mình, nói quanh quẩn ở nhà, với những người thân quen.

Hoặc chẳng dám nói gì cả.

Hay tệ hơn là a dua theo chỉ thị, viết bài đả kích họ, buộc tội họ, giam giữ họ chỉ vì miếng cơm, manh áo.

Vì vậy nếu phải trách chúng ta không nên chỉ trách những người lãnh đạo ươn hèn, những người chỉ ỷ mình có quyền, có thế đàn áp 3 người Việt Nam này. Mà chúng ta cũng cần phải trách những ai đã và đang tiếp tục thực hiện những chính sách khắc nghiệt của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bao gồm những ký giả viết bài vu khống họ. Những luật sư nhà nước buộc tội họ. Và những quan tòa chỉ biết cúi đầu lắng nghe chỉ thị mà không dám dùng khả năng và địa vị của mình để giữ cán cân độc lập cho công lý và lẽ phải.

Cả một khối người chỉ biết a dua ỷ thế đông ức hiếp người cô thế. Cả một hệ thống được xử dụng để trừng phạt những ai dám lên tiếng bày tỏ công khai những suy nghĩ của mình. Và đám đông thầm lặng còn lại vì sự sợ hãi co rúm chẳng còn mấy ai dám ủng hộ sự ngay thẳng và lòng chính trực của 3 người con Việt Nam này. 

Thường ngày tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình cần phải có thêm tên tiếng Anh để cho người ngoại quốc dễ gọi.

Thế nhưng mỗi khi nghe có người Việt ở đây bị bắt vì tội buôn lậu hay trồng cỏ hoặc gian lận, sự hãnh diện này có đôi phần mai một.

Đặc biệt hơn mỗi khi nghe được những thông tin như thế này, lòng tôi lại càng chùn xuống. Sự hãnh diện được thay thế đầu tiên là sự chán ngán, buồn bực. Nhưng sau đó là sự tức giận, tự kỷ:

Tại sao tôi không thể làm gì hơn trong hoàn cảnh và khả năng của mình?

Để tiếng nói của ba người có thể đi xa hơn. Để nhiều người biết rõ hơn về đất nước Việt Nam hiện tại. Và hơn hết, để không còn bà mẹ nào phải tự hủy đốt thân thể mình để minh oan cho đứa con gái. Là chị Tạ Phong Tần. Một trong 3 người sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 7 tháng 8 sắp tới. Cùng với anh Phan Thanh Hải tức blogger Anhbasaigon. Và anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày sau một thời gian dài bị giam cầm vô hạn định.

Ít nhất ra cuối cùng anh cũng được đem ra xét xử. Tôi đã tự an ủi mình như thế.

Nhưng an ủi hơn là trong những ngày vừa qua ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành một phong trào kêu gọi mọi người tham dự phiên tòa này ngay tại Tòa Án Nhân Dân Thành Phố ở địa chỉ 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa , phường Bến Nghé, Quận 1.
Với những lời trần tình sau đây:
Chúng ta đã lỡ hẹn với con tàu yêu nước được khởi hành bởi những Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và nhiều người khác. Nếu tất cả chúng ta cũng như họ thì có lẽ bạn bè ta đã không ngồi tù, vận mệnh của dân tộc đã khác. 
… 
Chúng tôi, những người bạn của Điếu Cày, Công Lý Sự Thật và Anhbasaigon sẵn sàng chia sẻ với các anh chị ấy và những người yêu nước dũng cảm đang tranh đấu cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay cái giá phải trả cho lòng yêu nước. Chúng tôi sẵn sàng là con số nhỏ nhoi ban đầu đó. 

Và chúng tôi sẽ có mặt.

Đây không chỉ là một lời kêu gọi mà là lời cam kết.

Chúng tôi sẽ có mặt. 

Hãy cùng với chúng tôi vừa là nhân chứng của phiên tòa bỏ tù lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, vừa là những người bạn đồng hành của những người tù Việt Nam yêu nước. Hãy cùng nhau không còn thấy cái tôi của từng người, nỗi sợ hãi lẽ loi mà chỉ có CHÚNG TA và dáng đứng can đảm của Dân Tộc.
Thì ra tôi đã lầm. Trong đám đông thầm lặng đó sẽ luôn có những trái tim vẫn còn biết thổn thức cho đồng loại. Vẫn còn có những con người dứt khoát không để sự sợ hãi làm tê liệt mọi ý chí của họ. Không thể có mắt mà phải giả mù. Không thể có miệng mà phải giả câm. Và càng không thể có một khối óc mà phải giả ngu, giả mê, giả như không biết.

Lẽ ra tôi phải hãnh diện hơn mới phải. Vì mỗi ngày có thêm nhiều người sẵn sàng bước đi trên con đường Việt Nam, đi tìm công lý.

Ước chi tôi cũng có cơ hội tham dự phiên tòa này. Vì chắc chắn một điều đó sẽ một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời tôi. Và của cả ba người con Việt Nam với một người vừa mất mẹ.


BLOG LÊ THIẾU NHƠN
NGƯỜI VIỆT VẪN DUY TRÌ THÓI QUEN KHÔN NHÀ DẠI CHỢ?
TRẦN ĐĂNG KHOA

Mấy ngày gần đây, trong những chuyện phiếm bên quán nước vỉa hè, hay trên các hãng truyền thông, đều xôn xao những chuyện không lấy gì làm đẹp trong phòng khám, phòng điều trị tư nhân có thày thuốc Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn là đã xảy ra cả chuyện chết người. Nạn nhân là một phụ nữ chẳng có bệnh tật gì nghiêm trọng. Một cái chết vu vơ. Chết chỉ vì bị xốc khi truyền nước. Đó là một sơ xuất rất tối thiểu mà ngay cả một trạm xá cấp xã, cấp phường cũng khó vấp phải. Chúng ta không nghi ngờ nền y học Trung Quốc, đặc biệt là Đông y. Tuy nhiên, những thầy thuốc giỏi, những bác sĩ chuyên gia đích thực của họ đâu có sang ta để hành nghề. Việt Nam không phải là lựa chọn của họ. Làm việc trong mấy phòng khám tư nhân ở ta, có khi chỉ là mấy ông lang băm bán thuốc dạo, hay vài cậu sinh viên non choẹt vừa mới ra trường. Tay nghề không. Thực tiễn không. Kinh nghiệm không. Thế thì tránh sao được chuyện rủi ro, kể cả những cái chết bi thảm, những cái chết vu vơ rất không đáng có.

Điều chúng ta quan tâm, là tại sao những phòng khám tư nhân, với cái giá điều trị ngất ngưởng ở …trên giời mà vẫn có bao nhiêu người nghèo sẵn sàng dồn cơ nghiệp và cả tính mạng của mình vào đấy, để rồi cuối cùng chuốc lấy  sự phiền toái, bùng nhùng, cả những cái chết vô cùng thảm khốc? Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết vì bệnh. Nhưng những bệnh nhân đáng thương ấy không phải chết vì bệnh tật, mà vì bệnh …sùng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng tốt, cũng sang. Đến cả hàng hóa, vật dụng, hàng xách tay, hàng… ngoài luồng cũng đều …tốt cả. Còn những gì của ta cũng đều rẻ rúng, “hâm đơ”. Hãm. Từ hàng hóa, vật dụng, đến cả …con người. Các Hoa hậu, ca sĩ của ta, chỉ cần có chút nhan sắc, tiếng tăm, phần lớn cũng sắm… chồng ngoại. Thế thì trách gì mấy bác nông dân chân lấm, tay bùn cả tin, dễ bị lừa mị, thế nên chỉ nhức đầu, sổ mũi, hay cắt trĩ, truyền nước…, toàn những bệnh đơn giản, cũng muốn kén bàn tay của bác sĩ ngoại, dù sự kén chọn ấy có phải trả cái giá ngất nghểu ở xứ …cung giăng thì cũng “cứ chơi”. Không đủ tiền thì bán đất cát, nhà cửa. Tính mạng còn chả tiếc thì tiếc gì mấy chục  …triệu bọ. (Xin lưu ý giá cắt trĩ ở phòng khám tư có thầy thuốc Trung Quốc là 20 triệu đồng).

Thật hẩm hiu cho nền y học “nội địa”. Trong khi chúng ta có rất nhiều thày thuốc giỏi, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Lương y Bành Khừu, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, bác sĩ trẻ Nguyễn Lân Hiếu. Bác sĩ Hiếu là con trai Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và  Thày thuốc Nhân dân, Đại tá hàm Tướng Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Phó Viện trưởng Viện 108 Quân đội. Hiện nay, bác sĩ Lân Hiếu mổ tim thuộc hạng cự phách. Một học giả nước ngoài bảo tôi: “Về y học, chúng tôi chỉ hơn các anh máy móc và điều kiện làm việc thôi. Còn tài năng, kinh nghiệm, và đặc biệt là bàn tay khéo léo, chuẩn xác trong kỹ nghệ mổ xẻ, các bác sĩ của các anh thật đáng kính nể!”.

Thế thì tại sao lại dẫn đến thảm cảnh ấy?

Sùng ngoại. Cả tin. Đa nghi ư? “Người Việt vốn dĩ có tinh thần cảnh giác cao độ. Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh với cái giá quá đắt phải trả đã cho họ đức tính ấy”. Giáo sư J. Berke, một nhà Việt Nam học người Đức đã từng có nhận xét về chúng ta như vậy. Ông đã bảy lần sang thăm Việt Nam. Để khám phá Việt Nam, theo ông, chỉ cần có một công cụ, đó là chiếc xe đạp. Mà xe đạp ở xứ này rất sẵn. Chỉ bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường. Họ là những  anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng tốt nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt sởi lởi lắm. Họ chẳng giữ được cái gì ở trong bụng. Nhưng mà đừng hỏi. Nếu cứ thật thà hỏi, hoặc tỏ ý quan tâm, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một tên gián điệp quốc tế. Với người Việt, tội ác tày trời là tội làm gián điệp. Cứ vu cho cái tội làm gián điệp là mọi việc xử lý rất dễ. Dân Việt nhạy cảm lắm. Cảnh giác lắm, căm gián điệp lắm, nên nhìn đâu cũng thấy địch!

Nhận xét của J. Berke như một chuyện đùa. Nhưng không phải không có những điều khiến ta phải nghĩ ngợi. Một cây bút có tiếng chịu khó tìm tòi, vừa có tác phẩm mới, với giọng điệu hơi lạ, dù chỉ đơn thuần là một cách làm mới mình, để mình không giống với người khác. Vậy mà ông bạn tôi cứ truy hỏi: Cái cậu tác giả ấy là người thế nào? Nó ăn phải bả của địch hay do địch cài cắm?. Tôi bảo: Chả có địch nào chui được vào hàng ngũ của những người từng vào sinh ra tử. Mà cơ quan ấy cũng là mảnh đất lành. Một môi trường trong veo làm sao có chỗ cho cái ác nảy nở. Nếu cậu không tin, cậu cứ cử về đấy vài ba thằng gián điệp. Tớ bảo đảm với cậu chỉ sau mấy tháng, chúng sẽ thành lao động “tiên tiến” hay cá nhân “bốn tốt”!.
Ông bạn tôi bắt đầu cảnh giác. Rồi anh nghi ngờ cả tôi. “Không khéo thằng cha này cũng bị địch tiêm nhiễm rồi cũng nên”.
Bà con mình thế đấy. Có thể cảnh giác, nghi ngờ với cả con cái, anh em ruột thịt trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ. Mà ai nói gì cũng tin. Các cụ bảo đó là bệnh “Khôn nhà dại chợ”.

Còn nhớ những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, khiến cả  mùa màng xiêu điêu. Rồi những năm 2002-2003, thương lái Trung Quốc cũng lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã như thế mới có 5 triệu bạc mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã gần một triệu bạc rồi. Thế là bà con lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc. Để tiêu diệt cả con trâu, họ chỉ chi khoản tiền bằng đúng một chiếc móng. Thế thì chiếc móng trâu mà thương lái Trung Quốc thu gom là đắt hay rẻ đây?

Chưa hết. Hãy nhớ lại chuyện thu gom ốc bươu vàng, rồi thu gom đỉa của thương lái Trung Quốc mấy năm vừa qua, chúng ta cũng đã phải trả một cái giá đắt đến mức như thế nào? Từ các tỉnh phía Bắc, phong trào thu mua đỉa đã lan đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều người dân Hóc Môn còn đứng ra thu gom đỉa từ khắp các vùng lân cận. Thấy lợi, dễ làm mà giá cao, nhiều hộ dân Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao nhà mình hồ để mang bán cho thương lái Trung Quốc. Ngoài việc “sản xuất” đỉa, “sản xuất” ốc bươu vàng, họ còn đi thu mua của các hộ quanh vùng. Thương lái Trung Quốc mua gì, họ thu gom thứ ấy. Thương lái đặt với số lượng cực lớn rồi đột ngột “mất tích” như phép thần thông của Tôn Hành Giả. Mà đỉa với ốc bươu vàng sinh sản rất nhanh. Trời mưa, đỉa theo nước ùa cả vào nhà dân. Không phải chỉ trẻ con mà người lớn cũng sợ khiếp vía. Theo các nhà Động vật học, “đỉa là loài rất nguy hiểm, do dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt một con đỉa lại rất khó khăn, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường, trở thành hiểm họa, giống như hiểm họa ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ những năm trước đây”.

Thật quái quỷ!

Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc thu gom chè bẩn cũng lại của Thương lái Trung Quốc trong khu vực các tỉnh phía Bắc. Chỉ tính riêng ở Văn Chấn, Yên Bái, có thể nói, người người sản xuất chè. Nhà nhà sản xuất chè. Mỗi hộ gia đình chỉ bỏ ra 4 triệu đồng mua 2 máy vò chè và sàng chè, là đã thành một xưởng sản xuất chè tại gia. Chỉ sau 1 tuần sản xuất chè bẩn, họ đã thu hồi toàn bộ vốn. Còn sau thì lãi. Ở Hàm Yên, Tuyên Quang, còn có chuyện sản xuất chè bằng cách trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Có một điều rất lạ, chè bẩn làm ra bao nhiêu cũng được thương lái Trung Quốc thu gom hết. Họ còn mua với giá cao. Thương lái Trung Quốc còn đến tận nhà hướng dẫn làm chè bẩn rồi bao tiêu trọn gói. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế về để làm gì thì chỉ có trời mới biết.

Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do chè Việt bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua. Vậy là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè liêu xiêu và hàng loạt doanh nghiệp gắn với chè đã bị phá sản.

Năm 2007, Tập đoàn Bưu chính viễn thông của chúng ta cũng thiệt hại hàng chục triệu USD khi bị cắt trộm 11 km cáp quang. Nhiều người cứ thắc mắc, không hiểu kẻ cắp cắt trộm cáp quang để làm gì, bởi cái thứ này không thể bán phế liệu được. Sau đó, khi Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bắt được "cáp tặc" Nguyễn Thị Bích Phượng, từ lời khai của thị, mọi người mới tá hỏa: Hóa ra thị tổ chức cắt cáp để bán cho thương lái Trung Quốc. Thị cũng không hiểu thương lái Trung Quốc mua hàng đống cáp quang vụn của thị để làm cái quái quỷ gì?

Cũng may, thương lái Trung Quốc chỉ gom thu chè bản, cáp quang, đỉa ốc, móng trâu... Họ mà thu gom hài cốt thì không khéo khối người đào cả mồ mả, ông bà tổ tiên đem bán rồi.
Thật đáng sợ.

Bây giờ thì tất cả đã rõ.

Bà con ta quá nêu cao cảnh giác, toàn cảnh giác nghi ngờ những người ruột thịt trong nhà, rồi ứng xử rất hà khắc, nhưng lại ngờ nghệch, cả tin với người ngoài thiên hạ, cũng vì những lợi ích cỏn con trước mắt, nên bị mấy anh nghịch tặc phá hoại nó lừa. Và lừa rất manh mún, tiểu nhân, nhưng lại rất bài bản, có hệ thống với mọi tính toán kỹ lướng, và rồi hậu quả để lại cho chúng ta thì lại vô cùng nặng nề và không hề manh mún một chút nào.

Ôi! Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ vàng” mà lại hiện hình rúm ró như thế được sao? Tôi nói điều này cũng vì rất yêu đất nước anh em Trung Quốc. Đất nước của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn… cùng với nền văn hóa vĩ đại mà tôi hằng ngưỡng mộ từ thuở ấu thơ! Chính vì yêu Đất nước Trung Quốc, nên  càng thấy đau đớn, khi những kẻ giả danh Trung Quốc, đã bôi bẩn đất nước đất nước anh em vĩ đại mà chứng ta hằng biết ơn này, nhất là mấy anh Hải tặc đã bịa ra cái đường lưỡi bò, cướp Hoàng Sa, rồi còn hòng thôn tính luôn Trường Sa và cả Biển Đông ngút ngát kia. Trung Quốc là một quốc gia giầu có, hùng mạnh. Sự bật dậy của người anh em thân thiết trong những năm gần đây làm chúng ta mừng vui và hạnh phúc vô cùng. Thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống đây sẽ là thế kỷ Trung Quốc.

Hàng hóa Trung Quốc, từ đồ tiêu dùng vụn vặt cho đến những mặt hàng cao cấp nhất cũng đã phủ khắp thế giới. Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông, Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì việc gì phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó không phải người Việt tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được chính người Pháp và bạn bè Quốc tế khách quan, xác định từ mấy trăm năm trước. Trong bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời Nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của những kẻ tiểu nhân, rất không hảo hán. Việc làm đó chẳng biết có thu được lợi lộc gì không, vì trong thời đại ngày nay, cũng không dễ làm được những điều khuất tất ngang ngược, bất chấp đạo lý, nhưng trước mắt, họ đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông. Và nói như các cụ ta xưa, thì đó cũng chỉ là chuyện : “Khôn nhà dại chợ!”