Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

William Choong - Việt Nam 'bủa lưới' Trung Quốc - Việt Nam 'bủa lưới' Trung Quốc


William Choong

Trong cuốn sách mới nhất của Hugh White, "The China Choice: Why America Should Share Power" - "Lựa chọn Trung Quốc - Tại sao Hoa Kỳ Phải Chia sẻ Quyền lực", vị giáo sư Australia cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chia nhau Châu Á nhằm giữ hòa bình trong khu vực.

Một vấn đề cụ thể là Hoa Kỳ phải nhường Đông Dương cho Trung Quốc, vị cựu quan chức quốc phòng nói thêm.

Gợi ý này đã làm cả vùng tức hộc máu, nhất là Việt Nam, nước có lịch sử sóng gió với Trung Quốc.

Nhưng nếu người ta có cái nhìn thực tế khách quan thì chuyện Việt Nam bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc không có gì là đáng ngạc nhiên.

Dù sao thì Trung Quốc cũng đã bốn lần thống trị Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ mười lăm.

Vào cuối thập niên 1960 trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc đã đổ viện trợ kinh tế và quân sự vào Bắc Việt Nam khi nước này đang chống lại Hoa Kỳ khiến cả hai bên coi quan hệ giữa họ như "môi với răng".

Nhưng bất chấp điều này, "môi với răng" đã trở thành chứng viêm lợi và sâu răng trầm trọng.

Hồi năm 1971, sự tiếp cận Washington của Bắc Kinh là màn dạo đầu cho xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 1979.

Trong năm 1988, hai nước đã giao tranh tại đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Máu nóng vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay khi Hà Nội và Bắc Kinh tranh chấp lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi quan hệ Trung-Việt ngày nay đầy phức tạp.

Không 'ăn phân Tàu'

Theo lời Tiến sỹ Tim Huxley, giám đốc phụ trách Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London, Việt Nam đã có 1000 năm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc cũng giống như "bắt đầu một cuộc chiến".
Cựu nhà báo của Hãng Thông tấn Pháp, ông Robert Templer, trong cuốn sách ra năm 1999 "Bóng Và Gió", cũng nghĩ như vậy khi nói rằng "điểm nhấn chủ đạo" trong lịch sử chính thức của Việt Nam luôn là sự kháng cự Trung Quốc.

Ông [Templer] đưa ra ví dụ về ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo thân Trung Quốc và từng có nhiều kỳ nghỉ ở Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu tình huống nào tốt hơn, nằm dưới sự cai quản của quân đội Quốc dân Tưởng Giới Thạch hay sự quay trở lại của Pháp, câu trả lời có tiếng của ông Hồ là ông "thà ngửi chút phân Pháp trong vài năm còn hơn phải ăn phân Tàu trong ngàn năm tới".

Đối mặt với mối đe dọa hiển hiện từ sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Việt Nam cũng không thiếu các sáng kiến địa chính trị.

Giống như nhiều nước Châu Á khác, Việt Nam đã áp dụng chiến lược ngoại giao phổ biến là nhập cuộc nhưng "không chọn" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hà Nội làm ra vẻ có chút tình đoàn kết với Bắc Kinh.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hồi năm 1991, cả hai bên đã có những cơ chế vững chắc để xử lý quan hệ với hơn 100 đoàn thăm viếng lẫn nhău mỗi năm.

Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.

Việt Nam cũng cố gắng hàn gắn và xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ [và coi đó] như bảo hiểm chiến lược trước Trung Quốc.

Họ cho các tàu hải quân Hoa Kỳ cập cảng.

Trong tháng Sáu, Việt Nam đã đón Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, báo hiệu tầm cao mới của quan hệ.

Nhưng tiếp cận cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có giới hạn của nó.

Dù sao thì Việt Nam cũng có sự ngờ vực thâm sâu đối với Trung Quốc từ lịch sử ngàn năm và với Hoa Kỳ sau cuộc chiến Việt Nam đau thương.

Đây là điểm mà mảng thứ hai trong chiến lược của Hà Nội được áp dụng - bủa lưới.

Bằng cách trói Trung Quốc vào mạng lưới các tổ chức khu vực - chẳng hạn Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Vùng Asean - Việt Nam hy vọng những luật lệ của những thực thể như thế sẽ trói gã khổng lồ Gulliver Trung Quốc bằng những sợi dây của các chú tí hon Liliput.

'Tức phát điên'

Bủa lưới không phải là điều gì mới mẻ.

Khi viết bài cho báo Business Times [của Singapore] hồi năm 1992, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch nói quan hệ Trung - Việt phải được kết nối với "mạng lưới lợi ích kinh tế và chính trị lớn hơn".

Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã làm Trung Quốc tức phát điên khi tuyên bố tại Diễn đàn Vùng Asean ở Hà Nội rằng Washington sẵn sàng đóng vai trò trong đàm phán đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa.

Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng tuyên bố của bà Clinton một phần được sự trợ giúp của Hà Nội, nước chủ tịch Asean trong năm đó.

Kéo Trung Quốc vào các đàm phán đa phương sẽ tăng vị thế của các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines.


Trung Quốc đã gây ảnh hưởng với Campuchia để không đưa Biển Đông vào thông cáo của Asean
Tại cuộc gặp của Asean mới đây ở Phnom Penh, Việt Nam đã [phải] nếm vị thuốc chính họ [kê đơn].

Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của họ đối với Campuchia - nước chủ tịch Asean - để ngưng công bố thông cáo trong đó có đề cập tới Biển Nam Trung Hoa.

Đó là một cuộc đảo chính ngoại giao cho Trung Quốc. Nhưng chiến thắng này cũng làm tăng lo ngại trong khu vực về tham vọng đầy tự phụ của Trung Quốc và ngoại trưởng nước này đã phải có chuyến thăm nhanh chóng trong vùng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Chiến lược hỗn hợp

Về lâu dài, chiến lược hỗn hợp tiếp cận và bủa lưới sẽ mang lại kết quả.

Nhưng chiến lược hỗn hợp chỉ tồn tại khi Hà Nội không phải chọn giữa Bắc Kinh và Washington.

Những căng thẳng gần đây ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy Việt Nam có thể sẽ phải sớm có lựa chọn.

"Những trao đổi gia tăng của Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ khiến họ nhờ tới sự trợ giúp của Chú Sam nếu có xung đột với Trung Quốc."

Philippines, nước đã có căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc về Biển Nam Trung Hoa, rõ ràng đang trục lợi từ liên minh quân sự với Hoa Kỳ.

Những trao đổi gia tăng của Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ khiến họ nhờ tới sự trợ giúp của Chú Sam nếu có xung đột với Trung Quốc.

Giáo sư White cũng nhắc tới điểm này trong cuốn sách mới của ông. Trong một kịch bản, Việt Nam và Trung Quốc giao chiến trong một sự cố khác trên Biển Nam Trung Hoa và Hà Nội đề nghị Hoa Kỳ trợ giúp.
Điều này khiến căng thẳng tăng nhanh và tạo rủi ro có chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đây cũng chính là thế tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội nếu họ lại giao chiến với Bắc Kinh tại Biển Nam Trung Hoa.

Họ sẽ thấy mình bị kẹt trong thế bất khả thắng - nhờ tới Hoa Kỳ và tạo rủi ro căng thẳng leo thao, hay chịu thua Trung Quốc và có nguy cơ bị hút vào quỹ đạo của nước này - một lần nữa.

Bài viết nguyên văn của tác giả William Choong, tựa đề do BBC đặt.

Tú Anh - Biển Đông : Thái độ tùy tiện của Trung Quốc


Tú Anh


Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà sàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu (REUTERS)

Sự kiện vào ngày 25/07/2012, nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam Mai Ngọc Hồng công bố tấm bản đồ của triều đình nhà Thanh năm 1905 khẳng định biên cương Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam làm Bắc Kinh bối rối. Bộ Ngoại giao giữ im lặng trong khi trong giới sử học Hoa Lục đã có tiếng nói phủ nhận đường « lưỡi bò » trong bản đồ mới của Bắc Kinh.

Trung Quốc một mặt e dè luật biển Liên Hiệp Quốc, mặt khác Bắc Kinh lại không có chứng cớ lịch sử. Điều nghịch lý là không chắc Việt Nam khai thác được thế thượng phong này. Vì sao Trung Quốc khi thì trực tiếp động binh,lúc thì ném đá giấu tay để lấn chiếm biển đảo, khiêu khích lân bang kể cả hành động sát hại ngư dân Việt Nam, tấn công lính tuần duyên Hàn Quốc và Nhật Bản ?

Trong việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư / Senkaku với Nhật Bản, Trung Quốc dựa vào một tài liệu từ thời nhà Minh để đòi chủ quyền tại quần đảo mà Nhật cai quản từ thời nhà Thanh. Trong khi đó, với Việt Nam và Philippines thì Bắc Kinh đưa ra bản đồ 9 đoạn không rõ xuất xứ để khẳng định một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương bao gồm con đường hàng hải huyết mạch quốc tế làm ao nhà.

Tính từ trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/01/1974 Sài Gòn trước năm 1975 và Hà Nội ngày nay đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa bằng tài liệu từ thời nhà Nguyễn của Việt Nam. Đến ngày 25/07/2012 vừa qua thì một nhà nghiên cứu Việt Nam công cố tấm bản đồ của nhà Thanh xuất bản năm 1905. Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ nêu rõ, biên giới Trung Hoa ở phía nam dừng lại ở đảo Hải Nam.

Nếu thực sự vì « chủ quyền đất nước và yêu chuộng hòa bình » tại sao Bắc Kinh không công bố một chứng cớ lịch sử rõ ràng mà lại dùng quân đội và chiến thuyền cải trang để lấn hiếp lân bang? Phải chăng thái độ lấy thịt đè người của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Việt Nam và Philippines phản ánh nhược điểm của kẻ mạnh nhưng tự biết mình đuối lý ? Nhiều chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ ra tay ở Trường Sa để đặt Hà Nội và thế giới trước một chuyện đã rồi.

Tuy nhiên, lập trường tùy tiện của Trung Quốc tự thân nó tạo cho Việt Nam thế mạnh. Theo nhà phân tích Lưu Tường Quang, thì « Việt Nam có thể dựa vào lập luận lịch sử của Trung Quốc trong việc tranh giành đảo Điếu Ngư / Senkaku với Nhật Bản » để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặt khác, Việt Nam cần huy động được sức mạnh toàn dân như thời Đinh, Lê, Trần, Lý. Vấn đề là liệu ban lãnh đạo hiện nay có đủ dũng lược để bảo vệ chủ quyền đất nước hay không và làm cách nào để tránh tình trạng rã rời tự trói tay đầu hàng như thời đại Hồ Quý Ly ?

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney nhận định : "Trong vấn đề tranh chấp với các láng giềng Trung Quốc không có lập trường nhất quán vì tại Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc dựa trên văn kiện thời nhà Minh trong khi tại biển Đông Việt Nam, thì Trung Quốc nói một cách mơ hồ là vùng biển lịch sử đã có từ ngàn năm. Điều này không chứng minh được mà cũng không có giá trị Công pháp quốc tế ….. 

Việt Nam có thể học được cách lập luận của Trung Quốc trong vấn đề Điếu Ngư để áp dụng lại trong vấn đề Hoàng sa và Trường Sa… (mặt khác) « những cái lập luận và bằng chứng mà Nhật Bản đưa ra trong vấn đề Senkaku/Điều Ngư thì lập luậncủa Nhật Bản sẽ củng cố lập luận của Việt Nam trước tòa án quốc tế hay nhìn về quan điểm pháp lý : Nhật Bản đã chấp hữu đảo Senkaku từ năm 1895 và liên tục cho đến khi Nhật đầu hàng sau đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ khi cai trị Nhật Bản thì Senkaku, một đảo của Okinawa, nằm trong sự kiểm soát của Hoa Kỳ cho đến 1972 thì trả Okinawa lại cho Nhật và Nhật đã tiếp thu lại Senkaku. Nếu chúng ta nhìn lại cái tiến trình chấp hữu của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì chúng ta thấy rõ lập luận theo chiều hướng pháp lý. Hoàng Sa và Trường Sa đã được chấp hữu ít ra là từ thời nhà Nguyễn, và khi Việt Nam bị Pháp đô hộ thì Pháp có thẩm quyền chấp hữu hai quần đảo này. 

Khi Việt Nam độc lập vào năm 1949 thì Pháp trao trả chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam và sau đó khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập thì Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục quản trị hai quần đảo này thỏa mãn những đòi hỏi của luật pháp về phương diện chấp hữu hòa bình, chấp hữu lâu dài và chấp hữu với tư cách là sở hữu chủ….cho nên xét theo luật biển 1982 thì Việt Nam thỏa mãn hết các điều kiện….. » mà Trung Quốc thì lại không có ..."


Mặc Lâm - Trung Quốc đầu tư vào các nước Phi châu như thế nào?


Trung Quốc hiện là nước có số đầu tư lớn nhất tại hầu hết các nước thuộc Phi châu thế nhưng những nước nghèo nàn lạc hậu này lại không có được sự phát triển nào về kinh tế, xã hội cũng như vấn đề lao động.



TS Đinh Xuân Quân (đứng bên phải)chụp ở Phi Châu năm 2008 - RFA

Mặc Lâm phỏng vấn TS Đinh Xuân Quân để biết thêm chi tiết về vần đề này. TS Đinh Xuân Quân là chuyên gia kinh tế có nhìêu năm làm việc trong các tổ chức như UNDP, USAID và Ngân hàng thế giới. Hiện ông đang là trưởng nhóm tư vấn của Worlk Bank cho hầu hết các nước Phi châu, mời quý vị theo dõi:
Châu Phi đang cần rất nhiều đầu tư

Mặc Lâm: Xin TS cho biết tình hình đầu tư mà Trung Quốc đang thực hiện tại các nước Phi châu mà TS đã có dịp công tác với cương vị là trưởng nhóm tư vấn cho World Bank tức Ngân hàng thế giới ra sao thưa ông.

TS Đinh Xuân Quân: Tôi có làm cố vấn tại một số nước trong18 xứ phi châu như Liberia, Zimbabwe, Zambia, Swaziland, vv. Sự hiện diện của Trung Quốc  khá nhiều và ngày càng bành trướng.  Trung Quốc cần phát triển kinh tế cho nên họ cần đến Phi châu để giải quyết các vấn đề nguyên liệu. Thương mai hàng năm giửa Phi châu và Trung Quốc lên đến 120 tỷ/năm (14% của thương mại Trung Quốc ).

Quý vị cũng biết là tại Phi Châu người ta cần rất nhiều đầu tư và lúc nào cũng thấy Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào hầm mỏ, khoáng sản, xây cất tại các nước Phi châu nhất là các nước sau khi đánh nhau thì họ cần tái xây dựng. Mà tái xây dựng thì các công ty Trung Quốc tương đối khá thành công trong việc đấu thầu. Các công ty Trung Quốc thường là các công ty doanh nghiệp nhà nước do đó họ đựơc sự hỗ trợ của nhà nước nên họ trúng thầu khá nhiều.

Tại Liberia là nước mới đánh nhau xong thì phần nhiều việc xây cất là do Trung Quốc đảm nhận mà tiền thì là tiền của World Bank hay là tiền của African Development Bank, là Ngân hàng Phát triền Phi châu. Ngoài Liberia thì người ta thấy các nứơc khác như Zimbabwe hay Zambia nếu có đầu tư về hầm mỏ thì Trung Quốc lúc nào cũng được đặc quyền.

Phi Châu người ta cần rất nhiều đầu tư và lúc nào cũng thấy Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào hầm mỏ, khoáng sản, xây cất tại các nước Phi châu nhất là các nước sau khi đánh nhau thì họ cần tái xây dựng. Mà tái xây dựng thì các công ty Trung Quốc tương đối khá thành công trong việc đấu thầu - TS Đinh Xuân Quân


TS Đinh Xuân Quân là chuyên gia kinh tế có nhìêu năm làm việc trong các tổ chức như UNDP, USAID và Ngân hàng thế giới (bên phải) RFA

Các công ty Trung Quốc khai thác khoáng sản tại DRCongo và trả bằng các công trình hạ tầng. Các công ty Trung Quốc như Aluminum Corp. of China Ltd, CNOOV đầu tư và mua khoáng sản (sắt, dầu khí, aluminium và đồng), chú ý đến tăng trường kinh tế, sinh lời và các đầu tư của họ nhằm “tối đa hoá lợi nhuận” do đó ít chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, quyền và an toàn công nhân, quyền công nhân hay bảo vệ môi trường vì họ áp dụng các tiêu chuẩn Trung Quốc do đó phá hoại môi trường thiên nhiên.

Nguyên nhân Trung Quốc thắng thầu ở Châu Phi

Mặc Lâm: là nước dẫn đầu về con số đầu tư nước ngoài tại hầu hết các nước Phi Châu như vậy, xin TS cho biết Trung Quốc có lợi thế nào so với các nước khác cũng muốn đầu tư vào các nước Phi châu thuộc diện nghèo và lạc hậu nhất thế giới này?

TS Đinh Xuân Quân: Trung Quốc được lợi thế vừa chính trị và kinh tế. Kinh tế thì họ đầu tư vào khoáng sản còn về chính trị thì họ bán súng ống cho Zimbabwe. Soudan cũng vậy, Trung Quốc đầu tư vào dầu khí và ngược lại họ bán khí giới cho Soudan. Tổng thống Soudan là Omar Al Bashir hiện cũng đang bị thế giới cấm vận như ông Mugabe.

Tại Zimbabwe thì như quý vị cũng biết là ông Mugabe là một nhà độc tài có tiếng đã nắm quyền hơn 30 năm nay. Các xí nghiệp nước ngoài phải có 80% vốn địa phương nhưng đối với Trung Quốc thì các xí nghiệp Trung Quốc chỉ cần có 30-40% vốn đia phương mà thôi. Trung Quốc còn bán súng ống cho quân đội của ông TT Mugabe và vì vậy có nhiều quyền lợi các công ty ngoại quốc khác không được. Do đó phải thừa nhận rằng Trung Quốc có lợi điểm cả hai mặt chính trị lẫn kinh tế.


TS Đinh Xuân Quân (ngoài cùng bên phải) chụp chung với cộng tác viên và thổ dân. RFA

Mặc Lâm: Trung Quốc luôn thắng những gói thầu tại các nước Phi châu phải chăng các công ty của họ đưa ra giá cả hợp lý hơn những công ty khác hay còn nguyên nhân nào khác thưa TS?

TS Đinh Xuân Quân: Tại sao Trung Quốc thắng? Vì thường thường họ là các công ty các doanh nghiệp của nhà nước do đó họ được trợ giúp về vấn đề tài chính. Họ được lãi suất thấp hay ngân hàng xuất khẩu của Trung Quốc giúp đỡ đo đó họ thuờng thắng với giá thấp. Thứ hai nữa, tại các nước Phi châu thì chính phủ không rõ ràng, trong suốt nên họ tham nhũng được, do đó khi họ bỏ gói thầu thì họ biết tin tức trước vì mua đựơc thông tin từ những người trong chính phủ nên đa số là họ thắng thầu nhờ vào yếu tố hối lộ này.

Mặc Lâm: Sau khi thắng thầu thì bước kế tiếp họ tuyển dụng công nhân bản xứ hay lại đem công nhân từ Trung Qúôc sang thưa TS?

TS Đinh Xuân Quân: Họ mang công nhân của họ vào để làm những công việc thấp, dễ dàng chẳng hạn như rải đừơng hay đổ nhựa. Những công việc không cần kỹ thuật mà một công nhân bình thường ai cũng làm được mà họ vẫn mang ra nước ngoài làm việc. Còn họ sống với nhau tập trung như trong trại lính. Khi họ tới một nước nào tôi nghĩ kể cả Việt Nam, họ đều tập trung sống chung trong những doanh trại và những người bên ngoài không hề biết họ đang làm gì bên trong.

Họ mang từ anh đầu bếp cho tới những anh công nhân thấp nhất vào những xứ này để làm việc. Tại những nước đó thì cảnh sát rất yếu và dễ bị mua…tôi nghĩ cũng giống như tại Việt Nam thôi, cũng không khác gì nhiều lắm.

Mặc Lâm: Theo kinh nghiệm của ông thì có nước nào đối phó hiệu quả với tình trạng bảo hộ từ chính quyền của Trung Quốc hay không? Cụ thể có nước nào chủ trương giúp cho công ty của nước họ có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các công ty của Trung Quốc hay không?

Tại các nước Phi châu thì chính phủ không rõ ràng, trong suốt nên họ tham nhũng được, do đó khi họ bỏ gói thầu thì họ biết tin tức trước vì mua đựơc thông tin từ những người trong chính phủ nên đa số là họ thắng thầu nhờ vào yếu tố hối lộ này - TS Đinh Xuân Quân

TS Đinh Xuân Quân: Có, có một trường hợp mà tôi thấy khi tôi đến Azerbaijan làm việc. Tại đây nếu cho đấu thầu và làm việc theo kiểu Trung Quốc thì không một công ty hay doanh nghiệp nào của nước sở tại trúng thầu là vì cái giá quá rẻ. Azerbaijan họ có ra những luật lệ mới đó là nếu đấu thầu thì các công ty trong nước của họ sẽ đựơc một số điểm ưu tiên cộng chung vào thì họ mới cạnh tranh đựơc với Trung Quốc. Thật ra các công ty của Azerbaijan đâu có được chính phủ nước họ giúp đỡ, trong khi các công ty Trung Quốc được chính phủ nước họ giúp hết. Vì những trợ giúp này mà chính phủ Azerbaijan phải có biện pháp riêng, Tôi nghĩ đây là một chuyện tốt.

Mặc Lâm: Về vần đề công nhân theo TS nhận xét thì các công ty Trung Quốc đối xử với công nhân người bản xứ có công bằng không? Có thường xảy ra các tranh chấp như thường thấy giữa công nhân và chủ nhân hay không?

TS Đinh Xuân Quân: Họ thuờng mang người của họ qua nên lúc nào cũng có tranh chấp về công nhân. Tôi thấy những việc xảy ra tại các nước Phi châu cũng không khác gì nhiều tại Việt Nam có nghĩa là lúc nào cũng có tranh chấp tại các địa phuơng, Tại Zambia, một xứ mà tôi mới làm việc vài tháng trước thì Trung Quốc đầu tư trên 1 tỷ đô la vào các lãnh vực hầm mỏ, đồng và than. Tại Zambia mỏ Collum cách thủ đô Lusaka trên 300 km, hai năm trước đã có xảy ra vụ đụng độ giữa công nhân và ban lãnh đạo Trung Quốc. Chủ nhân đã nổ súng làm 13 người bị thương và nay ông chủ bị toà xử tù.

Vừa rồi tại Zambia mới cách đây mấy tháng thì nhân công và chủ nhân của Trung Qúôc có tranh chấp với nhau tại một mỏ đồng. Ở đây vốn có nhiều vấn đề tranh chấp rồi vì hồi xưa khi người Anh còn làm chủ những hầm mỏ thì họ chú trọng an toàn cho thợ mỏ do đó thợ người Zambia an toàn hơn khi làm việc với chủ nguời Anh. Các người chủ Trung Quốc thì họ áp dụng những tiêu chuẩn an toàn về hầm mỏ theo kiểu Trung Quốc. Mà quý vị cũng đã biết Trung Quốc là nước có độ an toàn về hầm mỏ thấp nhất thế giới. Mỗi năm không biết mấy chục ngàn người bị chết tại Trung Quốc vì tai nạn hầm mỏ do đó nảy sinh tranh chấp về vấn đề an toàn.

Thứ hai là lương bổng. Chủ nhân Trung Quốc không chịu áp dụng mức luơng của chính phủ đưa ra. Vừa rồi có chuyện một lãnh đạo hầm mỏ người Trung Quốc bị công nhân giết chết vì không trả lương tối thiểu đúng như chính phủ đã ban ra cả năm trước đó. Theo tôi thấy thì những tranh chấp này vẫn còn dài dài vì hai lý do đó là an toàn lao động và tiền lương trả cho công nhân không sòng phẳng.

Tại Zambia không chỉ trong khu vực hầm mỏ nhưng nhà đầu tư Trung Quốc còn nhảy vào nông nghiệp và ngành buôn bán. Trung Quốc cũng trồng rau và nuôi gà. Họ bán phá giá từ 40 đến 65% rẻ hơn.  Đây có phải là vì họ làm tốt hơn hay đây là cách họ làm tại nhiều nước khác phá thị trường, giết các nhà sản xuất địa phương và dành thị trường?

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Đinh Xuân Quân đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Bùi Tín - Một chế độ rẻ rúng mạng người

Bùi Tín

Hôm nay 30/8, là đúng một tháng sau cái chết bi thảm của Cụ Đặng Kim Liêng. Sáng sớm ngày 30/7/2012, trước trụ sở tỉnh ủy CS tỉnh Bạc Liêu, một bà cụ tóc bạc tự đổ can dầu vào người rồi châm lửa tự thiêu, áo quần và da bị cháy đen từng mảng, cụ bất tỉnh. Khi xe cấp cứu đưa cụ đến bệnh viện tỉnh gần đó, rồi chuyển cụ lên bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn thì cụ tắt thở ở giữa đường.


Cụ Đặng thị Kim Liêng, 64 tuổi, công dân tỉnh Bạc Liêu, là thân mẫu cô Tạ Phong Tần, một chiến sỹ dân chủ can trường, nổi tiếng với blog Công lý và Sự thật, từng cùng Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Blogger Phan Thanh Hải - anh Ba Sài Gòn lập nên Câu lạc bộ các Nhà báo Tự do, cả 3 đều đang ở trong nhà tù, chờ sẽ ra tòa vào ngày 7/8/2012 tại Quận I – Sài Gòn. Sau cuộc tự thiêu nói trên, chính quyền hoãn phiên tòa, không đưa ra lý do.

Ngay sau khi Cụ Đặng Thị Kim Liên tắt thở, cô Tạ Khởi Phụng, em gái cô Tạ Phong Tần và em trai Tạ Hòa Phú cùng toàn gia đình đứng ra chăm lo việc tang lễ và an táng cho Mẹ.

Cô Phụng cho các nhà báo và bà con biết rõ lý do tự thiêu của bà Mẹ. Một là đã mấy năm nay, láng giềng của gia đình đã cậy thế thân quen chính quyền lấn chiếm một giải đất của gia đình vốn đã rất chật hẹp, cản trở sinh hoạt gia đình. Cụ đã mang đơn rất nhiều lần đến tận trụ sở chính quyền quận và tỉnh, nhưng không hề có hồi âm. Nỗi buồn lớn hơn là cô Tạ Phong Tần bị bắt giam gần 1 năm, từ tháng 9 năm 2011 mà cụ không được đến thăm. Họ còn dọa dẫm là cô sắp ra tòa và có thể lãnh án hàng chục năm tù vì tội «âm mưu lật đổ chế độ».

Cụ từng nói với con gái út và bà con trong họ hàng gần là cụ chỉ muốn tự thiêu để dùng mạng sống của mình nói lên nỗi oan ức và tận cùng phẫn uất của mình, may ra sẽ có thể mang lại công lý cho vụ án phi lý này, cứu cô con gái yêu và các bạn cô ra khỏi vòng lao lý, thức tỉnh kẻ cầm quyền tàn bạo, báo động cho xã hội về cuộc sống tận cùng oan ức và bế tắc của người dân.

Là một người đàn bà chất phác, ngay thật, ngoan đạo, cụ nói là làm. Cụ đã âm thầm mang can dầu đến trước trụ sở cường quyền và quyên sinh vì «Công lý và Sự thật», như con gái cụ coi là phương châm sống của mình.

Chính quyền trung ương và địa phương đã có thái độ ra sao trước cái chết bi thảm của Cụ Đặng Thị Kim Liêng?

Để so sánh ta hãy xem trước hết bà con ta ở trong nước và công luận quốc tế đã có thái độ ra sao trước sự kiện cương nghị mà bi thảm này của một bà mẹ Việt Nam đáng kính.

Một loạt blog tự do trong nước như Dân làm báo, Anh Ba Sàm, Trí Nhân Média, Dân Luận…lập tức loan tin này từ tối 30/7, trang trọng lập bàn thờ Cụ với Di ảnh màu phóng to đóng khung, có bát hương, hoa quả viếng người đã khuất.

Các chiến sỹ dân chủ từ Hà Nội, Sà iGòn, Đà Nẵng vào ngay Bạc Liêu để viếng và dự lễ an táng Cụ. Đúng ngày 7/8 – ngày toà án từng dự định mở phiên xét xử rồi lại hoãn - anh chị em vẫn tập họp ngay trước Tòa án Quận I Sài Gòn, mặc toàn đồ đen tỏ thái độ đòi tự do ngay cho 3 blogger của Câu Lạc Bộ các Nhà báo Tự do và chia buồn cùng cô Tạ Phong Tần, còn đòi chính quyền cho phép cô về dự lễ an táng mẹ.

Các đài truyền thanh quốc tế tiếng Việt như VOA, BBC, RFI, RFA đều bình luận về cuộc tự thiêu của Cụ Kim Liêng, coi Cụ là nạn nhân bi thảm của bất công xã hội dưới chế độ phi dân chủ coi thường tính mạng và quyền sống của người dân. Các tổ chức nhân quyền quốc tế Amnesty International, Human Rights Watch, Tổ chức Phóng viên không Biên giới từ Paris và Uỷ viên phụ trách Nhân quyền quốc tế của Liên Hợp Quốc từ Thụy Sỹ cũng ra tuyên bố chia buồn sâu sắc với gia đình Cụ Kim Liêng và đòi chính quyền Hànội trả tự do ngay cho 3 bloggers nói trên, đặc biệt là đòi họ phải cho cô Tạ Phong Tần về nhà dự lễ tang mẹ.

Đáng chú ý là Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC cùng nữ nghị sỹ Loretta Sanchez từ Quốc Hội Hoa Kỳ đều ra tuyên bố về sự kiện bi thảm này, tỏ rõ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của cụ Kim Liêng và yêu cầu công lý và sự thật phải được làm sáng tỏ, các tuyên bố đều nhấn mạnh các blogger chỉ phát biểu chính kiến và thái độ chính trị của mình phải được tự do ngay. Huống gì tất cả đều là người yêu nước chống mọi hành động bành trướng xâm phạm lãnh thổ nước mình. Họ không hề phạm tội.

Thái độ của chính quyền từ trung ương đến cơ sở ra sao? Họ ngăn cản việc đưa thi hài Cụ Kim Liêng về nhà. Họ bao vây gia đình Cụ suốt mấy ngày đêm, ngăn cản bà con đến viếng thăm, phiền nhiễu mọi người đến phải khai báo lý lịch, ngăn nhiều bà con từ xa vào gặp gia đình. Chính quyền phường quận không một ai đến viếng, chia buồn, mặc dù Cô Tạ Phong Tần vốn là một sỹ quan công an, một cán bộ của địa phương và Cụ Kim Liêng từng đóng góp công sức cho nhiều công tác xã hội. Họ coi đây như là một gia đình thù địch của chính quyền.

Ở trung ương, thái độ của lãnh đạo, của bộ Công an, ban tuyên huấn, báo chí, đài phát thanh còn tệ hơn nữa. Trước cái chết bi thảm của một bà mẹ 64 tuổi, bị dồn nén đến bước đường cùng do bất công của nhà đương quyền, người phát ngôn của bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị lạnh lùng, ráo hoảnh nói chỉ một câu là: «cái chết của bà Liêng đang được điều tra». Chấm hết.

Không một xúc động. Không một lời chia buồn. Thậm chí không một lời tỏ ra tiếc rằng một sự kiện bi thảm đã xảy ra, một mạng người đã mất, không có cách gì cứu vãn nổi. Họ cũng không hé nửa lời về lý do vì sao hoãn phiên tòa và hoãn đến bao giờ. Câm như hến.

Tin từ trại giam cho biết, 4 ngày sau đó, cô Tạ Phong Tần mới biết tin mẹ mình đã qua đời. Cô gào khóc thảm thiết, vang động ra cả vùng xung quanh, yêu cầu được về nhà nhìn thấy mẹ một lần cuối. Nhưng cả hệ thống cầm quyền độc ác mất hết nhân tính, vẫn làm ngơ, giả điếc.

Còn bộ Công an, Cục quản lý trại giam, còn ngành Toà án, còn viện Kiểm sát các cấp, còn hội Liên hiệp phụ nữ…tất cả đều im re, câm như hến, coi như không có gì xảy ra. Và bà phó chủ tịch nước từng huênh hoang sẽ chú ý đến thân phận của người phụ nữ Việt Nam để không ai bị phân biệt đối xử. Cô Tạ Phong Tần là phụ nữ bị đối xử bất công đó, bà cụ Đặng Thị Kim Liêng bị đối xử cực kỳ bất công đó, ý kiến bà phó chủ tịch nước nhận định ra sao? sẽ làm gì để bênh vực họ? hay chỉ nói mép, và quay mặt đi nơi khác?

Tất cả bộ xậu chính quyền đều vô cảm, bất nhân không cho cô Tạ Phong Tần về dự tang mẹ. Người ta có quyền hỏi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay ông thủ tướng Dũng, hay ông Sang chủ tịch nước? Chỉ cần một tiếng nói của một trong những người này là đủ cho cô Tạ Phong Tần về nhìn thấy mặt bà Mẹ kính yêu một lần cuối. Người với người ít ra, bình thường ra là phải thế.

Cả một chế độ chính trị độc đảng tàn bạo với dân, thâm thù các nhà báo, đàn áp các blogger tự do dám nói lên sự thật, coi mạng sống của người dân như cỏ rác, một chế độ vô cảm, bất nhân đến như vậy - trước toàn dân và trước toàn thế giới - đã tự mình đánh rơi hoàn toàn tính chính đáng cầm quyền của mình vậy.

Hà Tường Cát - 'No Easy Day,' cuốn sách kể chuyện giết bin Laden


Hà Tường Cát 

Cuốn sách sắp xuất bản, do một cựu biệt kích SEAL tham gia trong cuộc đột kích hạ sát Osama bin Laden, có một vài chi tiết được coi là không hoàn toàn đúng với báo cáo chính thức đã được các giới chức chính quyền Hoa Kỳ công bố trước đây.



Cuốn sách sắp xuất bản. (Hình: AP/Amazon.com)

Cuốn sách mang tựa đề “No Easy Day” (Ngày không dễ dàng) dự trù ra mắt vào dịp kỷ niệm vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ 9/11 sắp tới, nhưng do đòi hỏi của các nhà bán sách như Amazon và Barnes & Noble trước số độc giả đặt mua đông đảo mà người ta tin rằng sẽ là một cuốn sách bán chạy, nên sẽ được bộ phận Penguin Group thuộc nhà xuất bản Dutton phát hành sớm một tuần vào ngày 4 Tháng Chín.

Chi tiết quan trọng nhất được trình bày trong sách là Osama bin Laden đã bị bắn chết vào lúc trong tay không mang vũ khí, chứ không phải trong tình huống gây đe dọa nguy hiểm cho các biệt kích SEAL lúc tấn công vào căn nhà ở Abbottabad, Pakistan, đêm 1 Tháng Năm, 2011. Dưới bút hiệu Mark Owen, tác giả nói rằng ông xông lên cầu thang hẹp ngay phía sau một đồng đội dẫn đầu và tới đầu hành lang tối om, thì nghe hai phát súng nổ.

Sách không cho biết rõ ai là người nổ súng mà chỉ nói rằng biệt kích đi đầu trông thấy một người từ căn phòng cạnh hành lang bên tay phải xuất hiện, và người này thụt ngay vào trong cửa trở lại. Khi các biệt kích theo vào tới phòng thì chỉ còn thấy người đàn ông đã ngã gục trên sàn giữa vũng máu với một phát đạn bắn trúng đầu phía bên phải và hai phụ nữ đang kêu khóc bên cạnh.

Sau khi đã chùi máu trên mặt, họ xác định được chắc chắn người đàn ông vừa bị hạ là Osama bin Laden. Tác giả Owen kể lại là người trưởng toán kéo hai phụ nữ ra và đẩy họ vào góc phòng rồi ông cùng các biệt kích SEAL chĩa súng nhắm bằng laser vào tử thi hãy còn đang co giật nổ thêm nhiều phát cho đến khi hết động đậy.

Theo lời trình bày của các giới chức chính quyền Washington với các phóng viên vào những ngày sau cuộc đột kích, biệt kích SEAL chỉ bắn Osama bin Laden sau khi thụt trở lại vào trong phòng vì nghĩ là đương sự có thể chụp lấy vũ khí chống cự.

Phát ngôn viên Tommy Vietor của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia không bình luận về điểm mâu thuẫn giữa hai lời trình bày này, nhưng qua một e-mail hôm Thứ Tư, ông viết: “Như tổng thống nói trong đêm công lý đã được thi hành cho Osama bin Laden: 'Chúng tôi cám ơn những người đã thi hành sứ mạng này bằng khả năng nghiệp vụ, tinh thần ái quốc và sự can đảm vô song để phục vụ đất nước chúng ta.'”

Sự trình bày trong cuốn “No Easy Day” chắc chắn sẽ dấy lên trở lại nghi vấn là cuộc đột kích nhằm bắt sống hay chỉ để giết cho bằng được Osama bin Laden. Tác giả Owen, mà Fox News tiết lộ tên thật là Matt Bissonnette, 36 tuổi, và hãng thông tấn xã AP xác định là đúng, viết hồi ký này cùng với một người khác ký tên là Kevin Maurer. Theo lời ông Bissonnette, trong buổi thuyết trình trước khi thi hành công tác, một luật sư của chính quyền đã nói với họ rằng đây không phải là một sứ mạng ám sát. Nếu Osama bin Laden không có vũ khí và giơ tay đầu hàng thì đừng nên tấn công. Nếu đương sự không gây ra sự đe dọa gì thì nên bắt sống.

Nhưng một cựu thẩm phán quân sự nhận định là: “Không phải là vô lý các biệt kích SEAL đã nổ súng khi bắn một người thò đầu ra khỏi cửa.” Cựu Thiếu Tướng Không Quân Charlie Dunlap, hiện là giáo sư trường đại học luật khoa Duke University, giải thích: “Ở trong một chỗ hẹp và chắc chắn là có thù địch như thế, các biệt kích SEAL cần phải bảo vệ an ninh cho họ để hoàn thành sứ mạng.” Ông cũng nói thêm rằng bắn Osama bin Laden sau khi đã bị hạ cũng là một việc hữu lý để tránh việc một kẻ khủng bố vớ lấy vũ khí bắn trả hoặc nổ bom tự sát.”

Một chi tiết khác trong sách có thể không hoàn toàn phù hợp với trình bày chính thức của các giới chức Hoa Kỳ là thi hài Osama bin Laden được đối xử với sự tôn trọng trước khi tống táng ngoài biển với đầy đủ nghi thức Hồi Giáo. Ông Bissonnette viết là trên trực thăng rời khỏi căn nhà ở Abbottabad, một biệt kích đã ngồi lên xác Osama bin Laden đặt giữa sàn và phía dưới chân tác giả.

Ðây là việc bình thường vì các quân nhân Mỹ đôi khi cũng ngồi lên xác đồng đội trên trực thăng chật cứng người. Vì một trực thăng của biệt kích đã bị rớt ngay khi đáp xuống, hơn 20 biệt kích chỉ còn lại một trực thăng để rời khỏi Pakistan trở về tới Afghanistan mới có một trực thăng thứ ba chờ sẵn. Xác Osama bin Laden đến lúc đó được chuyển sang trực thăng này và đưa ra hàng không mẫu hạm Carl Vinson chờ ngoài biển Á Rập.

Ông Bissonnette cũng cho biết thêm rằng không có biệt kích SEAL nào thuộc đơn vị tên Team SIX của ông là người đặc biệt ngưỡng mộ Tổng Thống Obama, nhưng họ tôn trọng ông với tư cách là tổng tư lệnh quân đội và đã chấp thuận cho tiến hành chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden. Do danh tánh của mình bị tiết lộ, ông Bissonnette hiện nay sẽ phải chịu sự đe dọa nguy hiểm đến sinh mạng. Những trang web của al Qaeda và các nhóm Jihad đã đưa hình của tác giả “No Easy Day” lên và kêu gọi ám sát ông.

Một đe dọa khác cho tác giả Bissonnette là ông có thể bị truy tố hình sự về tội tiết lộ bí mật quốc phòng. Ngũ Giác Ðài hôm Thứ Tư cho biết đang duyệt xét cuốn sách vì tác giả không xin phép trước các giới an ninh theo đúng quy định cho những trường hợp có những thông tin mật trong nội dung. Phát ngôn viên Bryan Whitman nói với phóng viên hãng thông tấn Reuters rằng: “Chúng tôi đã có một bản của cuốn sách, đang xem xét và có thể cho mở cuộc điều tra nếu thấy cần.”

Theo lời các giới chức quân sự và CIA, thủ tục pháp lý có thể được thi hành với những ai tiết lộ những thông tin nhạy cảm có thể phương hại tới đồng đội hay đơn vị bạn. Trong cuốn “No Easy Day” cũng có nói đến việc huấn luyện của biệt kích SEAL cho những sứ mạng đặc biệt. Tuy nhiên, trong một văn thư gởi đến AP, ông Bissonnnette xác định là ông “không tiết lộ những tài liệu mật hay thông tin nhạy cảm nào có hại đến an ninh quốc gia trong bất cứ lãnh vực nào.”

Có tin đồn là sách sẽ được viết thành kịch bản để làm phim điện ảnh hay truyền hình, nhưng cho đến nay, tin này chưa được xác nhận. Một đại diện của đạo diễn và nhà làm phim Steven Spielberg hôm Thứ Tư cho biết: “Ông Spielberg cũng như DreamWorks Studio hay DreamWorks Television chưa có dự án này.”

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ghé thăm các Blogs: 30/08/2012



BAUXITE VIETNAM

Hà Văn Thịnh

Công việc nhiều, nhưng chính là… nỗi sợ và sự mệt mỏi không biết nên viết cái gì đã làm cho tôi im lặng hơi lâu lâu. Vừa đọc xong bài Ai có thể lừa được một siêu lừa của Minh Diện, tôi như có thêm can đảm để viết những dòng này.

Trước hết, xin lỗi bạn đọc vì dùng từ quá nặng nề nhưng tôi đã thử tìm các từ thay thế cho chữ ngu xuẩn như “kém cỏi”, “thiếu trách nhiệm”, “khinh dân”…; nhưng đều thấy không ổn! Đành phải nhận chân sự việc bằng một từ hơi ù tai và đau mắt vậy.

Cách đây vài năm, có một lần GS Nguyễn Huệ Chi email cho tôi đại ý rằng “Thịnh phải viết nhẹ hơn (ý nói là nên “văn hóa” hơn) bởi cái dốt nát của nhiều vị lãnh đạo là điều ai cũng biết. Họ không dốt thì việc gì mình phải viết”. Câu nói đó (đại ý, nhưng xin để trong ngoặc kép cho trân trọng) cứ ám ảnh tôi hoài và, càng ngày càng thấy đúng. Thấy đúng càng nhiều thì càng chán cho nhân tình thế thái, đến mức không chịu được nữa thì lại đành phải nói tiếp.

Dẫn chứng về sự ngu xuẩn của không ít người có trách nhiệm – đã và đang gây ra bao thảm họa trầm kha cho dân tộc thì nhiều vô kể. Chỉ xin dẫn ra vài sự việc mới xảy ra gần đây (nhân tiện, tôi cũng nhấn mạnh rằng, ngay chữ đầu tiên của bài này, tôi dùng chữ XIN, sau khi đã cân nhắc chán chê).

Một ông quan có trách nhiệm cho rằng sau khi trẻ đi học về, chơi cũng không tốt nên cần phải… học nữa. Nói như thế thì chẳng khác gì không nói thì hơn. Phân phối giờ học, giờ chơi cho trẻ thế nào cho hợp lý là nguyên tắc tối thượng của hiệu quả giáo dục, trách nhiệm của quan là chỉ ra cái giải pháp đúng cho điều cần của thực tiễn xã hội. Chợt nhớ chuyện “trồng con gì và nuôi cây gì” (tôi cố tình sai): Làm lãnh đạo mà cứ nước đôi, ba phải thì ngay cả kẻ ít chữ nhất cũng làm được.

Bộ NN & PTNT vừa đưa ra pháp lệnh thịt sau khi giết mổ chỉ được bán sau 8 giờ trong điều kiện thường. Thế nào là điều kiện nhiệt độ bình thường? Nắng 40 độ, gió Lào là thường hay 15 độ ngày gió mùa đông bắc ở Hà Nội là thường? Trâu, bò, lợn thường được giết mổ lúc nửa đêm, chẳng lẽ đến 8 giờ sáng là đem đi tiêu hủy? Ai phân định cho được cái khái niệm trước và sau 8 giờ đồng hồ? Hay đây là cách để bật đèn xanh cho những kẻ muốn trung thành rằng cứ tiếp tục hành dân, nhận hối lộ; rằng những người có trách nhiệm luôn tìm ra nhiều cách thức khác nhau để cho sai nha lộng hành, vơ vét; rằng đã có sự bảo đảm từ một chính quyền vì quan, do quan và của quan?

Ông Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội kết luận chắc như cua óp ngày rằm rằng “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương là do mưa bão (!). Cách đây hơn 10 năm, tôi có đọc cho toàn thể hội đồng chấm thi đại học môn sử nghe đoạn văn với lời dẫn “để sau này có người làm chứng rằng tôi không bịa”: Đảng ta có rất nhiều sai lầm nhưng vì khéo che giấu nên ít người biết. Nhưng đôi khi có người cũng biết nên mới có câu rằng ‘mất mùa đổ tại thiên tai’… Hàng chục năm trước, một đứa trẻ còn biết tỏng tòng tong đâu là sự thật, sao đến tận bây giờ, một ông quan có thể ăn nói ngu hết biết như thế? Một con đường, một con đập đều phải tính toán được mọi tác động của thời tiết, và thậm chí, nếu không lường được thì phải ghi rõ “Công trình này chỉ chịu được động đất 5 độ Richter…”. Một trận mưa chưa phải là ghê gớm mà đường thành hố đủ để lấp xác hàng trăm con tru [trâu] mà cứ xoen xoét vòng vo thì không ngu xuẩn là gì?

Một trong những đỉnh cao của ngu lâu như con trâu là quan chức ngân hàng, cho rằng vì trình độ dân trí thấp nên không thể cho phá sản các ngân hàng yếu kém (!)? Trời hỡi trời! Vậy là dân trí thấp hay quan trí tệ hại? Bởi nếu không dốt nát và tham lam tại sao lại cho phép và dung dưỡng cho sự yếu kém, mầm tai họa tồn tại? Nếu thấy yếu kém, thua lỗ hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng vẫn cứ kiên trì định hướng thì đó là sáng suốt và đỉnh cao, thiên tài sao?...

Cái tham, cái xuẩn trong kinh tế, xã hội do các ngài dốt nát gây ra gây nên những hậu quả tức thời trong đời sống; nhưng cái đui mù (hay giả đui mù sau khi nhìn thấy… tiền) trong quản lý văn hóa thì không thể nào lượng định nổi những tai họa lâu dài. Ngôi Chùa Trăm Gian – một trong những báu vật (báo Dân trí gọi là “Ngôi cổ tự tuyệt bích”) của lịch sử nước nhà đã bị dụ khị hóa bằng hai chữ “làm mới”; để rồi bị mổ xẻ, bị cắt phá, bị đục bỏ tan tành! Không “làm mới” thì chẳng có tiền trùng tu, chấn hưng di tích cổ? Bài học của Ngàn Năm Thăng Long còn đó khi người ta tìm mọi cách để làm mới tất cả mọi thứ có thể thành tiền. Đạo đức văn hóa và lương tâm nghề nghiệp của những cán bộ trong ngành quản lý văn hóa của Hà Nội thật thê thảm! Làm sao họ còn đủ tư cách để nói những điều tốt đẹp về đạo đức, về văn hóa? Xem ra, những đồng tiền mới chảy vào túi các quan luôn cùng chiều với sự đớn đau của cả giống nòi!

Những nỗi đau bất tận của cánh đồng Việt Nam thời nay chỉ có một nguyên nhân mà thôi: Sự dốt nát, tham lam, vô văn hóa của không ít quan chức tự cho mình cái quyền khuynh loát, làm hại cuộc đời của hàng chục triệu con người đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại sao không chịu thấy một thực tế rằng, một ông chủ gia đình nghèo không thể làm chủ tịch xã, chủ tịch huyện… vì không thể chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của hàng vạn gia đình? Có thời đại nào lại dung dưỡng sự dốt nát để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?

Nếu còn có chút lương tri, ý thức vì giống nòi, Tổ Quốc, XIN các vị hãy dừng lại, bớt đi sự ngu xuẩn cho dân nhờ, cho dân đỡ đau đớn, xót xa. Cảm ơn vô cùng, lắm lắm…



BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

VIẾT TIẾP CHO BÀI “VIỆT NAM: XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ”
Posted on 19.08.2012 by nguyentrongtao

KHÁNH TRÂM

Cách đây hơn 20 năm, trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật số ra ngày 11/12/1988 tôi được đọc bài “Việt Nam: Xứ sở của nghịch lý” của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Hôm nay đọc lại bài này thấy có rất nhiều thông tin về sự “nghịch lý” kia vẫn ung dung tồn tại một cách viên mãn.

Đó là nghịch lý về nghiên cứu khoa học : Ngày trước thì “ sắn giàu đạm hơn thịt bò/ hột mít thì ăn ngon và bổ hơn trứng vịt lộn”, còn ngày nay thì cả nước có 9000 tiến sỹ nhưng Việt nam chưa có một tạp chí nào được quốc tế công nhận cả và chỉ xếp hạng 69 về nghiên cứu khoa học (thấp nhất trong vùng Đông Nam Á nhưng số lượng TS lại nhiều nhất)….

Đó là nghịch lý về quản lý : “Ngày ấy người ta in ra tờ giấy bạc ba chục đồng để nâng cao năng suất lao động của nhân viên ngân hàng vì họ phải dành nhiều thì giờ để đếm, nhân chia. Sản xuất hàng hóa phần lớn còn ở trình độ thủ công, nhưng công việc hành chính của ta lại tiến lên tự động hóa hoàn toàn”. Ngày nay thì những tập đoàn làm ăn kém hiệu quả như Vinashine, Vinaline, Vinaconex…được cưng chiều, được giao nguồn vốn khổng lồ để rồi làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ nhưng ngài thủ tướng ( người quản lý các tập đoàn) chỉ nhận trách nhiệm chính trị và các “con cưng” trên lại được “tái cấu trúc” để tồn tại…

Đó là nghịch lý về dân chủ: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, nhưng trong thực tế được xem là nơi để …tán thành một cách có tổ chức và kỷ luật khi thông qua hay hợp thức hóa mọi chuyện cần hợp thức”. Nghịch lý này cho đến bây giờ về cơ bản vẫn vậy (ở quốc hội), còn trong cuộc sống thì có hàng trăm nghìn thứ “phi dân chủ”: Cá lớn nuốt cá bé, cậy chức cậy quyền, đứng trên luật pháp nhưng người dân không còn chỗ bấu víu bởi lẽ nhà nước ta không theo thể chế tam quyền phân lập và công an là lực lượng bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân thế nhưng bây giờ rất nhiều người “sợ” công an. Lực lượng này không ít người thoái hóa, bảo kê cho xã hội đen, thậm chí đánh người vượt quá quyền hạn dẫn đến tử vong ( trường hợp ông Trịnh Xuân Tùng là một điển hình).

Đó là nghịch lý về thông tin: Đây là “một nghịch lý rất đáng buồn là muốn biết chuyện trong nước phải nghe đài báo nước ngoài, và báo chí ở TP HCM thì được tự do bênh vực và ủng hộ nhân dân Nam Phi bị áp bức và công nhân Mỹ bị bóc lột, nhưng không được quyền bênh vực cho người dân bị o ép ở Thuận Hải hay ở các tỉnh khác”! Đúng.  Ngày nay bộ máy tuyên truyền như gã khổng lồ. Cả nước có gần 700 tờ báo nhưng khi sự kiện bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu thì không thấy đưa tin và những trường hợp dân oan mất đất trên khắp ba miền từ Bắc chí Nam thì báo chí quốc doanh chỉ đưa tin có lợi cho chính quyền. Chưa kể rất nhiều trường hợp báo chí không được đến tác nghiệp ( trường hợp hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam bị hành hung ở Văn Giang đến mức phải vô bệnh viện là một ví dụ).

Ngày ấy, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã phải thốt lên “đến nay vẫn còn có nhiều người không cho những chuyện kể trên là những nghịch lý”.

Thế mà hơn 20 năm sau, câu chuyện “nghịch lý” này chưa có điểm dừng.

Xin tiếp tục góp thêm vào bản danh sách những nghịch lý đau lòng của những người con dân nước Việt ở những năm đầu TK 21:
Nghịch lý 1: Yêu nước bị đàn áp.

Liên tiếp trong hai mùa hè (2011 và 2012), nhiều người đi biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn và xâm lược trên biển Đông đã bị chính quyền đàn áp. Trong số các biểu tình viên (BTV) có nhiều nhân sỹ trí thức, các văn nghệ sỹ, cựu chiến binh, học sinh sinh viên, các tầng lớp nhân dân… trong số đó có nhiều người ở xa Hà Nội và TP HCM. Những công dân đầy lương tri và trách nhiệm trước vận mệnh tổ quốc này đã không những không được biểu dương mà còn bị các phương tiện truyền thông của chính quyền bôi nhọ, bị gọi là “phản động”, bị “kẻ xấu xúi giục”, bị “gây mất trật tự công cộng”, bị “làm xấu hình ảnh thủ đô hòa bình”, bị….Trong số đó BTV Bùi Thị Minh Hằng bị bắt và đưa đi giam giữ 5 tháng trong trại Thanh Hà không qua xét xử còn các BTV khác thì bị đưa đi giam giữ ở trại Lộc Hà (cả 2 nơi này dành cho các đối tượng phục hồi nhân phẩm). Nghe thật hài hước. Tôi cứ nghĩ mãi để tìm ra lời giải: Hiện nay mâu thuẫn cơ bản và nguy hiểm nhất là quyền lợi dân tộc và quyền lợi của Đảng mâu thuẫn nhau. Nếu không thì tại sao trước họa xâm lăng chính quyền lại thẳng tay đàn áp người yêu nước? Nếu việc này còn tiếp diễn thì chắc chắn trong tương lai cái trại Lộc Hà sẽ trở thành điểm tham quan du lịch nơi ghi dấu danh sách những biểu tình viên chống Tầu – một tài nguyên du lịch nhân văn của thủ đô.

Nghịch lý 2: Đi sơ tán giữa thời bình.

Để thể hiện lòng yêu nước trước họa xâm lăng và thực hiện quyền biểu tình của công dân được hiến pháp ghi nhận, nhiều người đã phải đi “sơ tán” (không ngủ ở nhà) để tránh việc bị chính quyền cho người chặn cửa, theo dõi, cầm chân…trước mỗi chủ nhật “xuống đường”. Đội quân “sơ tán” này đủ thành phần từ người già (cụ Lê Hiền Đức), người trẻ và trẻ em (mẹ con Trần Thị Nga), trung niên (Blogger Phương Bích)…
Nghịch lý 3: Đem thanh niên, học sinh ra làm hàng rào ngăn chặn biểu tình còn cảnh sát và an ninh đứng phía sau. Hình ảnh này đã lưu lại câu thơ trong nhân dân “ Em đứng trước dãy hàng rào sắt/ Sau lưng em sào huyệt giặc Tầu”.

Nghịch lý 4: Thời đại thông tin mà các bloggers bị sách nhiễu.

Trước thực trạng nhiều sự kiện quan trọng bị bưng bít, các bloggers ( những người viết báo mạng) đã cam đảm đưa những thông tin trung thực đến với nhân dân. Để hạn chế người dân truy cập, chính quyền đã ra thông tư yêu cầu các nhà mạng đặt tường lửa bên cạnh độ ngũ hacker chuyên nghiệp. Với biện pháp này nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng đã bị mất khách hàng (con số này được báo cáo là hàng triệu người bỏ thuê bao). Những bloggers tên tuổi còn được chính quyền và xã hội đen “chăm sóc” bằng nhiều hình thức. Trường hợp TS Nguyễn Xuân Diện bị hành hung ở Viện Hán Nôm và mới đây anh bị sở Thông Tin Truyền Thông ( 4T) gửi giấy bắt nộp phạt vì “ lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội”. Quyết định của sở 4T vô căn cứ, đã quy chụp, vu khống nên TS Diện đã ngay lập tức phản hồi “tôi sẽ xem xét để khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này”. Ngoài TS Diện, nhiều bloggers đã bị đánh phá trang mạng nên phải liên tục “xây nhà”, “dọn nhà” như Anh Ba Sàm, Quê Choa, Nguyễn Trọng Tạo…

Nghịch lý 5: Sống trong thời bình mà người dân cảm thấy bất an hơn trong thời chiến.

Nếu nhà nước làm cuộc điều tra XHH tôi tin là số người đồng tình với nhận xét trên đây từ 80% đến 90%. Chưa có khi nào mà danh sách tin “cướp, giết, hiếp” cứ ngày một dài trên báo và các phương tiện truyền thông. Đây là dấu hỏi lớn cho việc xây dựng, quản lý và điều hành xã hội.

Nghịch lý 6: Không thể kể tên hết các nghịch lý.

Nếu kể thêm ra như : Người ngay sợ kẻ gian, người dốt dậy người giỏi, học giả bằng thật, kẻ bất lương bắt nạt người lương thiện, “ông chủ” thì nghèo mà “đầy tớ” thì giàu, kẻ tham nhũng được giao trọng trách chống tham nhũng….thì danh sách này sẽ còn dài lắm. Với những gì nêu ra trên đây, tôi lại lẩm cẩm tự lẩm bẩm một mình “Việt Nam có nên tự hào nói rằng DÂN CHỦ GẤP VẠN LẦN các nước tư bản và nhận mình là NƯỚC HẠNH PHÚC THỨ HAI trên thế giới hay không???”

Khánh Trâm- Nguồn :Blog Nguyễn Trọng Tạo

Bài tôi chép lại và đăng vào tháng 8. 2011

VIỆT NAM XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ

Khi ngồi gõ lại bài báo nầy, tôi đã cười bò lăn vì ngỡ là đang đọc chuyện tiếu lâm. Nhưng rồi  ngay sau đó, thấy đau xót. Không ngờ đất nước lại trải qua một giai đoạn tăm tối và tồi tệ đến mức như vậy mà nhân dân ta vẫn cứ lầm lủi chịu đựng.

Bài báo nầy tôi viết từ năm 1988, được báo Tuổi Trẻ đăng lên mục diễn đàn. Từ đó đến nay tôi không hề đọc lại, nhiều chuyện trong đó tôi đã quên đi. Bây giờ đọc lại thật bất ngờ, không thể nào tin nỗi. Như chuyện lưu hành tiền mệnh giá 30 đồng. Không biết vị lãnh đạo nào của Ngân hàng Nhà nước có sáng kiến động trời ấy, nếu bây giờ còn sống hãy dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm để lịch sử lưu "danh".

Có những chuyện đã qua rồi như là chuyện tiếu lâm thời Trạng Quỳnh. Nhưng cũng có những chuyện đến bây giờ vẫn còn y như vậy. Ôi nghịch lý !!!!

Ban biên tập Tuổi Trẻ thời đó đã rất dũng cảm khi cho đăng bài nầy. Hẳn sau đó các anh chị trong ban biên tập phải gặp rất nhiều khó khăn với cấp trên.

VIỆT NAM XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ

Ở hội nghị bàn tròn các nhà báo Châu Á Thái Bình Dương, trả lời phóng viên báo Utusan(Malaysia), đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nói rằng ở nước chúng tôi có thời kỳ giá một trứng vịt 30 đồng, trong khi đó giá một ký thép 5 đồng. Phải có đến 6 kg thép mới mua được một trứng vịt. Trên thế giới không ai làm như thế cả. Chuyện ấy khó tin, nhưng lại là một sự thật. Và đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện nghịch lý đã và đang xảy ra ở đất nước ta.

Một giáo viên sau 13 năm giảng dạy, thấy đời sống quá khó khăn, không còn đủ sức theo ngành giáo nữa bèn xin nghỉ dạy. Nhà nước cấp cho chị 13 tháng lương va 6 tháng gạo, qui ra tiền tổng cộng 300.000 đồng. Mang số tiền ấy gửi tiết kiệm lấy lãi 8% mỗi tháng, như vậy không cần phải đi làm việc, mỗi tháng cô giáo lãnh được 24.000 đồng…hơn xa tiền lương lúc còn đi dạy.

Một em bé bán nước tại chợ Cồn Đà Nẵng, mỗi ngày mùa nắng đổ được 30 ấm, mỗi ấm kiếm được 100 đồng, vị chi mỗi tháng thu vào 90.000 đồng. Lương của một vị giáo sư đại học phải thua xa.

Có một dạo, tỉnh nầy thừa gạo nên đem nuôi heo, trong khi thành phố bên cạnh đang thiếu gạo phải cho dân ăn bobo và sắn lát thay cơm. Và hàng hóa sản xuất ra tại nhà máy ở Thủ Đức mà người tiêu dùng ở Chợ Lớn muốn mua phải ra tận Hà Nội mang về! Cung cách làm ăn của ta dựa trên cơ sở những nghịch lý: Người ta phá máy móc tốt để xuất khẩu sắt vụn thu ngoại tệ, dùng ngoại tệ đó nhập máy móc về để cho… han rỉ. Đất đai được chuyển từ người lao động siêng năng cần cù sang những người lười biếng và không biết trồng trọt. Tương tự như vậy, người biết thức khuya dậy sớm để phục vụ nhân dân từ nắm xôi điểm tâm đến cây kim sợi chỉ thì không được phép buôn bán, còn người không biết và không muốn buôn bán thì được giao cho những quầy hàng đồ sộ lộng lẫy.

Nghịch lý cơ bản và nguy hiểm nhất là quyền lợi giữa cá nhân và quyền lợi đất nước mâu thuẫn nhau. Một người lao động chân chính làm hết sức mình một cách thành thật và có năng suất dĩ nhiên sẽ mang lợi đến cho xí nghiệp, cho đất nước nhưng khốn thay bản thân lại đói khổ vì tiền lương quá thấp. Còn ngược lại, nếu chỉ biết lo cho bản thân mình đầy đủ và sung sướng thì dứt khoát anh ta phải làm hại đất nước: ăn cắp, buôn lậu, móc ngoặc, tham ô, gian dối….Do vậy mà có “định lý đảo”: ở Hà Nội có một công dân phải ở tù vì tội sản xuất ra những cây bút và lốp xe tốt hơn và rẻ hơn của nhà nước.

Trong nghiên cứu khoa học xảy ra những nhịch lý: sắn thì giàu đạm hơn thịt bò và hột mít thì ăn ngon và bổ hơn trưng vịt lộn. Đồng thời một giáo sư triết học trước đây tốt nghiệp tiến sỹ tại đại học Sorbone nhưng khi làm bài thi triết ở Việt Nam chỉ đạt được điểm 4/10.

Trong quản lý (tài chính) cũng lắm điều nghịch lý. Người ta in ra tờ giấy bạc ba chục đồng để nâng cao năng suất lao động của nhân viên ngân hàng..vì họ dành nhiều công sức để đếm, nhân chia….

Lại có chuyện nghịch lý như sau. Hai anh em nhà kia cùng rủ nhau đi vượt biên, một người đi lọt và một người bị bắt. Thế là một kẻ bị kết tội phản quốc phải đi tù, kẻ còn lại sau một thời gian trở về thành người yêu nước, được tiếp đón nồng hậu.

Giai cấp tư sản trong nước bóc lột công nhân quá tệ nên được triệt hạ đi, và sau đó người ta trải thảm đỏ mời tư sản nước ngoài vào.

Rồi đến nghịch lý dân chủ: Quốc hội là cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của người dân nhưng trong thực tế được xem như là nơi để…tán thành một cách có tổ chức và kỷ luật khi thông qua hoặc hợp thức hóa mọi chuyện cần hợp thức hóa.. Còn tại một huyện nọ, HĐND huyện phiên đầu tiên bầu chủ tịch huyện, ứng cử viên chỉ có một người duy nhất và điều lệ bầu: ai cũng phải bỏ phiếu và không được quyền bỏ phiếu trắng. Cách làm như vậy được gọi là “dân chủ”…

Trong thông tin có một ngịch lý đáng buồn là muốn biết chuyện xảy ra trong nước phải nghe báo đài nước ngoài, và báo chí ở thành phố HCM thì được tự do bênh vực và ủng hộ nhân dân Nam Phi bị áp bức và công nhân Mỹ bị bóc lột nhưng không được quyền bênh vực cho những người dân bị o ép ở Thuận Hải hay ở các tỉnh khác!

Những chuyện nghịch lý như vậy kể ra còn nhiều nhưng tất cả đều không đáng kể so với điều nghịch lý lớn nhất sau đây: Đến nay vẫn còn có nhiều người không cho những chuyện kể trên là điều nghịch lý



BLOG PHẠM VIẾT ĐÀO


Mạnh Cường.

Như đã thành một công thức, trong chương trình của các cuộc thi hoa hậu dù  lớn hay nhỏ, BTC cuộc thi thế nào cũng đưa các thí sinh đến thăm một cơ sở nào đó để "làm từ thiện" như thăm một trung tâm chăm nuôi trẻ mồ côi, hay người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam,..


Câu hỏi đặt ra là: để làm gì nhỉ? Ai cần cái đó? Nói chính xác hơn: chuyến đi của các cô hoa hậu này đang phục vụ ai, phục vụ cái gì?

Chẳng nhẽ để chứng tỏ rằng các cô hoa hậu vừa đẹp người vừa đẹp nết ư? Liệu cái việc các cô hoa hậu trang điểm (hay hóa trang?) rồi xếp hàng để cố nắm lấy cái tay cái chân của mấy em bé nạn nhân chất độc da cam cho ra dáng thăm hỏi thế là chứng tỏ các cô đẹp nết ư? (Tôi nói "hóa trang" vì việc các cô mặc áo xanh thanh niên tình nguyện để đến thăm các em bé đấy thì cũng là cái áo để trang điểm hay hóa trang cho các cô chụp ảnh lên báo thôi. Tôi đố các cô tự nhiên mặc cái áo đó ra đường đấy!).

Hay để mang tính giáo dục? Nếu vậy thì giáo dục cho ai? Ôi, đâu phải phiền tới mấy cô hoa hậu để đi giáo dục tính tương thân tương ái cho người khác. Tôi thấy trên mạng vừa rồi có tấm ảnh một cụ già ăn xin gầy guộc tay run run bỏ mấy đồng tiền lẻ mới xin được vào thùng quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất và tôi dám chắc rằng bức ảnh đó có thể đánh thức lòng nhân ái của bất cứ ai nhìn thấy nó, chứ đâu cần đến một đội ngũ người đẹp, cầu kỳ hóa trang rồi xếp hàng đi như vậy.

Thế nên có lẽ ta cứ nói toạc ra với nhau rằng việc các cô thí sinh hoa hậu đi nơi này nơi nọ, nắm tay người nọ người kia ra dáng thăm hỏi và được gọi với cái tên mỹ miều "đi làm nhân đạo" thực ra là một hoạt động nhằm đánh bóng, quảng bá BTC cuộc thi cũng như đánh bóng cho các cô thí sinh hoa hậu mà thôi.

Người đẹp áo dài Ngọc Anh đẫm nước mắt trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều bệnh nhân

Thực ra tôi không có ý hạ thấp hay nói xấu lòng nhân ái của ai cả. Tôi luôn tin rằng "nhân tri sơ, tính bản thiện" - nghĩa là sinh ra trên cõi đời, trong mỗi chúng ta luôn có một tình thương yêu con người. Tôi nghĩ rằng mỗi cô hoa hậu, mỗi thành viên BTC cuộc thi cũng vậy, có thể ít nhiều, đậm nhạt khác nhau nhưng những cảm xúc thương cảm, xẻ chia trong họ là có thật. Đó là điều tôi luôn trân trọng.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là liệu có cần lắp ghép một cách khiên cưỡng những tình cảm mang tính trầm kín với một cuộc thi mang tính khoe trương về thân thể hay không? Cái sự lắp ghép "đẹp người - đẹp nết" kia không khéo lại phản tác dụng đấy. Hẳn nhiều người đã biết là cộng đồng mạng mới đây đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi nhìn bức ảnh chụp cuộc gặp mặt giữa một đoàn các cô chân dài với các bà các mẹ tại một miền quê Nam Bộ, khi mà các cô với khuôn mặt hớn hở tươi cười làm dáng trên những chiếc ghế cao, cái bàn trước mặt để chai nước, trong khi bên cạnh là các bà, các mẹ ăn mặc xuyềnh xoàng ngồi trên những chiếc ghế đẩu mặt đăm chiêu (hay vì chân các cô dài nên phải ngồi ghế cao?!).

Cuộc thi hoa hậu là cuộc thi sắc đẹp. Thôi thì các cô hoa hậu có thể đến đó mà khoe hết những gì có thể khoe trên cơ thể các cô. Các cô khoe như thế nào tôi cũng không có ý kiến gì cả, thế nhưng nếu lại coi đây cũng là nơi để "khoe" rằng tôi nhân đạo lắm, tôi thương người lắm thì không nên tí nào cả.

Sự cảm thương, sự trắc ẩn, lòng nhân đạo là những cảm xúc mang tính tự nhiên, mang tính bản năng của con người nên những hành động để thể hiện sự cảm thương đó luôn toát lên một cái gì đó chân thành, mộc mạc, rất Người. Cái tình cảm đó không cần phải đánh bóng vì nếu anh đánh bóng nó thì là anh đã xuyên tạc nó rồi. Còn nếu anh lấy cái tình cảm thiêng liêng đó để đi đánh bóng cái khác thì tuyệt nhiên không được phép rồi.

Nhìn những bức hình chụp các cô hoa hậu ngồi bên các em bé mồ côi, các nạn nhân chất độc da cam tự nhiên tôi lại rùng mình chợt nghĩ: ở cái mô ment chụp hình đưa lên báo thế này, các cô đang nghĩ gì? Liệu có bao nhiêu phần trăm suy nghĩ của các cô đang dành cho các phận đời thiệt thòi kia và bao nhiêu phần trăm suy nghĩ các cô dành cho việc tạo dáng để lên hình cho "chuẩn" để phục vụ cho cuộc thi sắc đẹp?

Thưa BTC cuộc thi hoa hậu, thưa các cô thí sinh hoa hậu cho phép tôi nói thật lòng thế này: Các vị hãy cứ tập trung vào việc thi thố sắc đẹp đi, còn thi xong thì muốn làm gì thì làm. Trước khi thi và sau khi thi, các thành viên BTC, các cô hoa hậu cứ thoải mái đi làm từ thiện theo sự mách bảo của lương tâm, của tình cảm chân thành trong mình. Thế mới quý, thế mới thực các vị ạ.

Còn những gì các vị quảng cáo là "đi làm nhân đạo" trước cuộc thi thì trong mắt tôi nó lại vô nhân đạo lắm. Các vị nên nhớ: Những phận đời thiệt thòi kia đâu phải là thỏi son để các cô hoa hậu trang điểm đâu. Nếu ứng xử như vậy là có tội đấy.



BLOG HIỆU MINH

Trong cuộc chiến vùng Vịnh (1990-1991), do làm chủ hoàn toàn thông tin trên chiến trường nên Hoa Kỳ đã khuất phục được Iraq một cách chớp nhoáng.

Khi đó, Trung Quốc nhận ra vai trò to lớn của mặt trận không tiếng súng nên đã đầu tư khá nhiều tiền của cho mục đích này. Chiến lược của họ khá đơn giản, chỉ cần thành thạo 36 kế sách của Tôn Tử binh pháp, có thể đối đầu với Hoa Kỳ hùng mạnh.

Báo cáo Quốc hội Mỹ năm 2007 đã nói rõ, nhiều cuộc tấn công qua mạng vào Bộ Quốc phòng, chính phủ, các bộ, các ngành…có dấu vết từ Trung Quốc.

Thay vì dùng vũ lực chiếm Đài Loan, các nhà chiến lược quân đội Trung Quốc định dùng thông tin gây nhiễu trên mạng máy tính của đảo quốc này. Trong lúc đó, mạng của quân đội tìm cách trì hoãn mọi lệnh trợ giúp từ Hoa Kỳ để Đài Loan hiểu rằng, cần đầu hàng trước khi Mỹ tới. Chiến thắng không cần súng đạn.

Chỉ cần vài ví dụ nhỏ trên cũng đủ biết chiến tranh thông tin trong thời đại internet là vô cùng lợi hại và nguy hiểm cho những ai không hiểu rõ.

Đối phương ngồi ở một nơi nào đó, với cái máy tính xách tay, modem 4G xuất xứ từ Trung Quốc, và ly café Highland ngay tại Hà Nội, vẫn có thể lũng đoạn cả một quốc gia, thông qua các tin gây rối loạn cho dân chúng, các nhà lãnh đạo dễ đưa đến các quyết định sai lầm.

Mấy ngày gần đây, trang Quanlambao (QLB) bỗng người ra kẻ vào đông nghịt, lúc nào cũng vài nghìn người truy cập. Trong vòng hai tháng xuất hiện đã có tới 15 triệu hít, một con số khổng lồ.

Tin blog cá nhân mà gây tò mò cao độ ở một xứ mọi thông tin đều mù mờ. Việc người đọc tìm đến một nơi có nhiều thông tin thâm cung bí sử là hoàn toàn có thể hiểu được.

QLB đã đoán trúng tâm lý người Việt đang đói thông tin nghiêm trọng. 700 tờ báo đưa tin theo hiệu lệnh, người đọc đã quá quen chuyện này rồi, nên đã không tìm đến nguồn tin chính thống.

Tin vỉa hè lên ngôi là do sự cấm đoán thông tin và dễ gây ra hiểu lầm. Có thể ai đó đã cố vấn rằng, để bảo vệ chế độ, cần hạn chế hay quản lý chặt thông tin. Nhưng đó là cách làm mất lòng tin của dân chúng vào nhà cầm quyền. Kẻ lên kế hoạch chiến tranh chỉ đợi có thế.

Sự trùng lặp đến không thể tin nổi là vụ bắt bầu Kiên do QLB “đánh” mấy tháng trời. Thông tin về số liệu ngân hàng, của các đại gia khá chính xác.

Nó lại đúng vào thời điểm phê và tự phê của BCT. Sự đồn đoán về đấu tranh phe phái hoàn toàn có thể hiểu được, vì dân chúng bức xúc về tham nhũng, đạo đức xuống cấp, kinh tế mong manh, dễ đổ vỡ. Người ta thì thào về tài sản của người này người kia, do đâu mà có, ai đó chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô la.

Ảnh hưởng của QLB mạnh tới mức mà Thủ tướng NT Dũng phải nói gián tiếp, chính ông chỉ đạo bắt bầu Kiên và sau đó được trưởng ban chuyên án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nhắc đi nhắc lại mấy lần trên báo chí.

Tin đồn đoán về người này bị bắt, người kia bị câu lưu, phần đông là sai,  người bị ảnh hưởng phải thanh minh, thanh nga, và hàng triệu người đọc được vài ngày hả hê.

QLB đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận. Trong vài ngày, TTCK Việt Nam bốc hơi 5 tỷ đô la. Độc giả có cảm giác rằng, đang có cuộc đấu tranh nội bộ một mất một còn giữa giới chóp bu, và blog này có vẻ được sự bao che của một phái nên mới có nguồn tin nóng như thế.

Nhưng một blog cả triệu người truy nhập lại dùng ngôn từ thô thiển, viết rất ẩu, thông tin nhiễu loạn, lúc đúng, lúc sai. Tâm lý người đọc hoang mang và mất phương hướng, biết đọc gì, tin gì trong lúc này.

Rõ ràng, QLB là một bộ máy của chiến tranh thông tin đã được khởi động, dù khó đoán được do ai đưa ra. Nhưng mục đích thì rất rõ: gây chia rẽ nội bộ, phá hoại hệ thống kinh tế, ngân hàng vốn yếu kém của Việt Nam, người dân không còn tin vào lãnh đạo và đất nước chìm vào rối loạn thông tin.

Muốn nói gì thì nói, QLB đã giúp chúng ta mở mắt ra rất nhiều. Hiện nay, QLB đang bị đánh phá, giao diện bị mất, dù có bị xóa thì hậu quả để lại đã vô cùng tai hại.

Khó ai có thể tin nếu QLB tìm cách hạ bệ Obama tại nước Mỹ bằng cách làm nghiệp dư này. Bởi đơn giản, hàng thế kỷ qua, người dân Mỹ đã quen với nhưng thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, và minh bạch từ nhà cầm quyền.

Tổng thống có tài sản giá trị bao nhiêu, sức khỏe ra sao, thậm chí đi chữa răng cũng được cả nước biết đến.
Lạm phát, kinh tế chao đảo hay tín hiệu tốt lành, phần trăm người thất nghiệp, số lính chết trận hay chi tiêu quân sự… họ chỉ tin vào số liệu của FED, của Bộ Lao Động, Tổng cục Thống kê hay Lầu Năm Góc đưa ra.
Để đấu lại với cuộc chiến thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cơ hội, thách thức và ẩn chứa cả hiểm họa, những nhà quản lý thông tin, truyền thông của Việt Nam cần có một tư duy khác về đa chiều, về báo chí mở, minh bạch trong chính phủ và dân chủ thông tin.

Một khi còn để dân chúng tìm tin vỉa hè như trang QLB để đọc thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến thông tin ngay cả khi chưa bắt đầu.


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ

Ngày bé thường nghe câu người lớn nói:
- Đồ ăn cướp la làng!

Dạo đó mình vắt óc suy nghĩ, sao ăn cướp lại phải đi la làng làm gì nhỉ. Cướp xong phải im mà trốn chạy đi chứ. Nhưng không dám hỏi người lớn. Vì người lớn ngại giải thích cho mình, cứ bảo lớn lên rồi sẽ biết.
Tầm những năm đầu 80 của thế kỷ trước Hà Nội vắng hơn bây giờ rất nhiều. Đến tầm 9 giờ tối là đường phố vắng hoe. Lác đác có người kẽo kẹt đạp xe đi, khuya hơn chỉ có người đi bán xôi lạc, bánh khúc. Điện thì mất thường xuyên nên đường phố tối om.

Người đi xe đạp chở gì đằng sau, hay dùng dây chun làm từ săm xe đạp cũ chằng buộc. Thứ chở là gạo, củi, quần áo hay hàng hoá linh tinh gì đó. Có một bọn lưu manh thường phục ở chỗ tối, chúng phát hiện ai chở gì là chạy theo rất nhẹ nhàng bởi đôi chân đi dép nhựa quai hậu Tiền Phong (gọi là gò trắng), chúng dùng dao cạo cắt dây chun và nẫng gói hàng khiến người đi xe đạp còn không biết. Theo từ chúng gọi đó là "cắt bom". Bọn này có điểm chung là thường đi "gò trắng" đội mũ cối Tàu. Một hôm mình đi bắt ve dọc đường Trần Quang Khải, thấy một "gò trắng" cắt bom của một người đàn ông. Người bị mất phát hiện tri hô, tên ăn cắp chạy vào phố Tông Đản. Người mất của hô cướp cướp. Mình chạy theo xem, lúc đó quần đùi, chân đất suốt ngày đá bóng, leo cây mình chạy cũng nhanh. Tên cướp chạy từ Tông Đản sang đến đoạn Hàng Vôi, Trần Nguyên Hãn thì có mấy người ở cái ở đầu đường bán nước, vá xe. Đằng sau người mất của đạp xe hô cướp cướp. Mấy người hàng nước, bơm xe đứng bật dậy nhìn. Tên cướp chỉ tay về phía trước cũng hô cướp cướp, bắt nó với, bắt nó với.

Mọi người đứng sững sờ nhìn theo tay tên "gò trắng" chỉ. Tên "gò trắng" chạy qua và ngoặt lên đầu phố Trần Nguyên Hãn chạy qua đê chỗ cửa Chương Dương và biến mất sau bóng tối. Người đạp xe đến đó thì dừng lại vì không dám vất xe đạp để chạy qua đê đuổi theo.

Lần sau mình thấy vụ còn li kỳ hơn. Đó là một buổi tối mọi người đuổi theo một tên ăn cắp, bắt được nó. Trong đám đuổi theo có hai thằng rất hăng hái. Nó xông vào đấm đá rồi chửi mày biết tao không. Thằng ăn cắp van - em xin anh, em biết các anh là hình sự quận rồi. Anh tha cho em. Hai thằng kia chửi bới, tha à, bọn tao theo mày lâu rồi. Về bót bóc lịch con nhé. Rồi một tên hỏi đám đông. Người bị mất đâu rồi? Mất gì chưa? Người bị mất kêu chưa. Tên kia bảo tí nữa lên quận làm nhân chứng nhé.

Hai thằng bẻ cánh khuỷu thằng ăn cắp đưa đi. Bà con ai cũng hoan hỉ, khen công an chìm giỏi.

Mình đứng đó, nhìn thấy thằng xưng là công an đi đôi "gò trắng". Trong khi đa số công an hồi đó đi dép rọ quai hậu mầu nâu. Mình tò mò đi theo xem. Đi xa một đoạn thấy hai thằng buông tay, thằng kia ôm vai xoa xoa vài cái. Chúng nói gì với nhau sau đó một thằng ra hồ Gươm. Hai thằng còn lại mỗi thằng đi một ngả.
30 năm sau, đọc tin trên intenet thấy đại gia ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì tội lũng đoạn kinh tế, tài chính.

Trên truyền hình. báo chí đưa tin các lãnh đạo cao cấp đã chỉ đạo vụ án này.

Tiếc là ảnh báo chí, truyền hình chỉ đưa hình từ ngang ngực các vị lãnh đạo trở nên.

Mình thì cứ tò mò, không biết vị lãnh đạo ấy đi giầy, hay dép quai hậu, xăng đan, ủng hay gì nhỉ? Đôi khi cứ hâm hâm thắc mắc những điều không ra đâu như vậy. Nghĩ thấy mình hâm thật. Chả để ý gì lại để ý lãnh đạo đi giày hay dép.



FACEBOOK PAULO NGUYỄN

        Trong giai đoạn khủng hoảng kỳ đầu của giai đoạn đổi mới (1997 – 2000) ở Việt Nam pha trộn sự khủng hoảng tài chính của một số nước Châu Á. Công ty Minh Phụng – EPCO bị điều tra và Tăng Minh Phụng bị bắt truy tố về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có, để có thể được vay vốn, Minh Phụng đã thành lập hàng loạt công ty con, câu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn. Tính đến khi xảy ra vụ án, Minh Phụng đã thực hiện trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, với tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD.

Khủng hoảng tài chính năm 2012 với việc đóng băng thị trường bất động sản và nợ xấu giữa liên ngân hàng kèm theo đó là tình trạng bất ổn trong nội bộ đảng. Việc lợi dụng các chính sách điều chỉnh để thâu tóm lẫn nhau trên thị trường tài chính mà dư luận mới đây cho rằng, người đứng đằng sau là ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và là cổ đông của rất nhiều ngân hàng hiện nay.

Sự việc ông bị bắt vào ngày 20/8 sau khi trả lời báo giới đã làm chấn động dư luận. Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh thì lý do ông bị bắt là “kinh doanh trái phép”, và chúng ta sẽ chờ xem diễn biến sau đó sẽ thế nào.

Nhưng ở đây có một sự trùng hợp là các “đại gia” bị bắt vào thời điểm có khủng hoảng về kinh tế, điều đó cho thấy rằng sự nghiệp kinh doanh ở Việt Nam giống như việc “xây nhà trên cát”, có thể sụp đổ rất nhanh khi có một sự rung động, nó có thể đến từ bất ổn nội bộ đảng hay thậm chí từ một chính sách có lợi cho phe nhóm.

Đất nước hiện nay vẫn duy trì nền kinh tế ngoài luồng, một doanh nghiệp bình thường muốn kinh doanh có lãi phải dựa vào kẻ hở của pháp luật, và điều đó trở thành sự trói buộc họ vào guồng máy của cơ chế, một guồng máy được điều hành dựa trên sự sai trái của tất cả mọi người.

Khi một cơ chế mà sự phân phối thu nhập dựa vào "tính đảng" và yếu tố “ xã giao” thì sự thành công về mặt vật chất chứa đựng nhiều bất công và may rủi. Nó tạo ra một hệ thống quản lý dựa trên cái sai của mỗi người.Ai cũng được đóng một “phốt” nhận dạng riêng cho mình, và mặc nhiên chúng ta trở thành nô lệ, một phạm nhân của cơ chế bất công với một bản án có sẵn treo lơ lửng.

John Stuart Mill nói : “Thà làm con người không mãn nguyện còn hơn trở thành một con lợn thỏa mãn; thà làm Socrates không mãn nguyện còn hơn trở thành một kẻ ngốc thỏa mãn. Và nếu kẻ ngốc , hoặc con lợn có ý kiến khác, đó là bởi vì chúng chỉ biết ý kiến của riêng mình”

Thực tế là chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không thể thay đổi được hiện tại và chúng ta cũng không thể thay đổi người khác. Điều chúng ta có thể thay đổi chính là thái độ của mình. Nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận thỏa hiệp với sự sai trái để thỏa mãn mục đích cá nhân thì cũng giống như một con lợn, sẽ có lúc bị thịt để cúng tế hoặc duy trì sức sống cho chế độ.






Thanh Quang - Liệu Đảng có thật sự chống tham nhũng?


Thanh Quang, RFA 

Tờ Quân Đội Nhân Dân số ra ngày Chủ Nhật 26/08 vừa rồi có bài tựa đề “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’!”, qua đó mạnh mẽ cáo giác những “luận điệu cũ rích” từ bên ngoài nhằm xuyên tạc Việt Nam.


Ảnh minh họa nạn hối lộ, tham nhũng - AFP photo

Thanh Quang nêu lên những luận điểm chính của bài báo và ghi nhận phản biện của nhà báo Bùi Tín từ Paris, từng là phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong nỗ lực gọi là “làm thất bại chiến lược ‘diễn biến hoà bình’ ”, bài “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’!” trích dẫn điều mà bài báo cáo giác là “luận điệu cũ rích” của các trang mạng, báo, đài ở nước ngoài, kể cả Đài RFA, nhằm quy tội Đảng CS “đẻ ra” tham nhũng, quan liêu suy thoái.

Vẫn theo bài báo, thì đây là một cách trong muôn phương, ngàn kế để “các thế lực thù địch” kích động tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN và Nhà nước VN.
Luận điệu cho rằng "tham nhũng chỉ có ở những quốc gia do một đảng lãnh đạo, tham nhũng là “con đẻ” của Đảng cộng sản" là hoàn toàn không có cơ sở. Báo Quân đội Nhân dân

Nhưng nhà báo Bùi Tín nhận xét rằng đấy vẫn là những “lập luận cũ” của Hà Nội nhằm đối phó với tình hình hiện nay ở trong nước, giữa lúc không những ngày càng có nhiều nhân sĩ, trí thức, mà còn cả giới trẻ đều nêu lên một yêu cầu chính trị lớn nhất, đòi hỏi nhà cầm quyền phải thực thi tự do, dân chủ. Qua đó, theo nhà báo Bùi Tín, điều quan trọng nhất là thay đổi hệ thống chính trị hiện nay tại VN. Ông nói:
Chúng ta biết trên thế giới hiện có hai hình thái chính trị: Thứ nhất là thể chế độc đoán, độc đảng theo kiểu phát xít, không dân chủ; và thứ hai là thể chế đa nguyên, đa đảng, tự do, dân chủ. Thế thì điểm yếu của chế độ và của những nhà tuyên truyền trong nước hiện nay là không thể rao bán được chế độ gọi là độc đảng mà lại dân chủ vì trên thế giới này đã là độc đảng thì không thể có dân chủ, tự do. Độc đảng không bao giờ đi đôi với quyền công dân cả.

Do đó, đã là dân chủ thì tất nhiên phải đa nguyên, đa đảng. Trước sự thức tỉnh của quần chúng, nhân dân đòi phải đi theo đa số các nước, thay đổi hẳn hệ thống từ độc đảng sang đa đảng trong trật tự, thì những nhà tuyên truyền trong nước hay “lu loa”, lập luận rằng nếu dân chủ sẽ đại loạn. Nhưng chúng ta thấy đại đa số các nước trên thế giới hiện nay dân chủ có đại loạn đâu, mà chính dân chủ mới thực sự ổn định đất nước.
Lập luận thứ hai của những nhà tuyên truyền ở trong nước là nhân dân VN hiện nay chưa đòi hỏi tự do và dân chủ, mà đòi là phải có cuộc sống vật chất trước đã. Đây là nói ngược, bởi vì muốn có đời sống vật chất thì phải có công bằng, muốn công bằng phải có độc lập, tự do, dân chủ. Nếu không có được tự do, đa nguyên, đa đảng thì không thể nào cải thiện được đời sống, và không bao giờ có thể chống được tham nhũng.

Tham nhũng cao....

Bài “ Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng” trong tờ Quân đội Nhân dân cũng cho rằng “tham nhũng có thể diễn ra ở bất cứ chế độ xã hội nào, dù độc đảng hay đa đảng, dù CS hay tư bản…”. Bài báo trích dẫn Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) rằng tham nhũng nghiêm trọng ở các nước như Afghanistan, Somalia, Cameroon, Uganda…để chứng minh các quốc gia đa nguyên, đa đảng “tham nhũng nghiêm trọng” trong khi các nước như VN, TQ “đứng ở mức giữa”.

Bài báo nhân tiện đề cập tới chỉ số nhận thức tham nhũng của các quốc gia độc đảng CS “cao hơn nhiều so với nhiều nước đa đảng, đa nguyên, từ đó, khẳng định những “luận điệu cũ rích” trên mạng, báo, đài bên ngoài là “hoàn toàn không có cơ sở”. Về vấn đề này, nhà báo Bùi Tín cho đây cũng chỉ là cách nói quanh co, giả dối, không cơ sở:

Tôi có đầy đủ cơ sở để chứng minh rõ rằng các nước phát triển nhất, ổn định nhất, có chỉ số hạnh phúc, tự do nhất chính là những nước đa nguyên, đa đảng. Có thể nói là trong 50 nước có bình quân đời sống người dân cao nhất, tất cả đều là những nước đa nguyên, đa đảng. Chúng ta xem trong chỉ số những nước minh bạch nhất cũng là những nước đa nguyên, đa đảng. Đó là những nước ở Âu Châu như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, hay ở Á Châu như Nhật Bản.v.v…Tại những nước ấy không có tham nhũng, hay tham nhũng rất ít.

Tôi có đầy đủ cơ sở để chứng minh rõ rằng các nước phát triển nhất, ổn định nhất, có chỉ số hạnh phúc, tự do nhất chính là những nước đa nguyên, đa đảng. Bùi Tín, cựu Phó tổng biên tập báo Nhân Dân
Trong khi VN là một trong những nước tham nhũng cao nhất, và TQ cũng thuộc một trong những nước tham nhũng tệ nhất, chỉ có thể hơn được một số nước lạc hậu ở Châu Phi thôi. Do đó tôi nghĩ bài báo này trong tờ Quân Đội Nhân Dân rất khập khiễng, giả dối, không minh bạch rõ ràng. Nếu mà họ có thể đưa ra thống kê của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, thì thấy rất rõ tất cả những nước ổn định, có đời sống cao, hài hoà, có bình đẳng xã hội, tất cả những nước đó đều là đa nguyên, đa đảng.

...và ngày càng phức tạp

Bài báo vừa nói quả quyết – nguyên văn - “Đảng ta…đã kiên trì và kiên quyết lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh cam go này” (tức chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu cùng các tệ nạn xã hội khác) trong suốt mấy chục năm qua, và khẳng định việc phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ “cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc XHCN của đảng, nhà nước và nhân dân”.

Như vậy câu hỏi cần được nêu lên là thực tế ở VN hiện nay cho thấy có đúng như vậy không? Nhà báo Bùi Tín nhận xét:
Họ nói ngược lại với lãnh đạo của họ, họ nói ngược lại với phiên họp Quốc Hội vừa rồi. Phiên họp Quốc Hội đã nói rõ là chúng ta ra sức chống tham nhũng, thậm chí thủ tướng cũng nói là chống tham nhũng quyết liệt 5 năm nay, nhưng càng ngày, nạn tham nhũng càng nặng nề hơn, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn trước.

Cho nên ai cũng đều kết luận rất rõ là không có nước nào như VN hiện nay lại diễn ra những vụ như là Vinashin, Vinalines, như Tổng Công ty Điện lực EVN…lãng phí và tham nhũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng – đến năm, sáu, bảy tỷ đô la tiền tham nhũng.

Chính Quốc Hội cũng phải công nhận với nhận định rằng việc chống tham nhũng chưa được kết quả. Nhà nước càng kêu gọi chống tham nhũng bao nhiêu, thì nạn tham nhũng càng diễn biến phức tạp và nặng nề bấy nhiêu. Càng chống tham nhũng gọi là quyết liệt bao nhiêu, thì nạn tham nhũng càng biến thành “5 đầu 6 tay” và càng ngốn ngân sách nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Vẫn theo bài “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’ ” trong tờ Quân đội Nhân dân, thì sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5, việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ trực thuộc Bộ Chính trị, việc lập Ban Nội chính Trung ương… chứng tỏ “Đảng CSVN không chấp nhận, không thoả hiệp với tham nhũng”.

Bài báo cho đây là cơ sở để “phủ nhận những luận điệu xuyên tạc mà những kẻ hiềm khích đã cố tình bịa đặt”. Có lẽ một câu hỏi nữa cũng cần nêu lên ở đây là liệu những dẫn chứng như vậy có ổn không ? Nhà báo Bùi Tín khẳng định:
Tôi thấy là không ổn một tí nào cả. Đó cũng là một cách nói lanh quanh thôi. Bởi vì ban chỉ đạo, phòng chống tham nhũng trước kia thuộc về thủ tướng, thuộc về chính phủ, bây giờ thuộc về tổng bí thư. Điều này chỉ là biểu hiện hai nhóm đặc quyền, đặc lợi đấu đá với nhau thôi.

Ngày nào còn cơ chế độc đảng này, còn cơ chế không có dân chủ, tự do này, còn cơ chế không có tự do báo chí để phanh phui tham nhũng này, thì tệ nạn nhất định chỉ có tăng thêm lên, chứ không thể nào bị đẩy lùi được.

Trong khi bài báo “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’! ” ra sức chỉ trích những “luận điệu cũ rích” từ bên ngoài như vừa nói, thì hồi tháng Sáu mới đây, đại biểu Lê Như Tiến từ Quảng Trị lưu ý tới quốc nạn tham nhũng có nguy cơ “hạ đo ván” quốc sách của nhà nước, khi ông liệt kê “không xuể” những “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng đang tràn lan khắp xã hội VN.

Lê Diễn Ðức - Nước Việt buồn và gia tài để lại của mafia đỏ


"Chúng ta hãy cứ để cho những người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta dân chủ" - Adam Michnik
 
Một tuần sau vụ bê bối của của ông chủ ngân hàng ACB và "bầu" Kiên bị bắt giữ hôm 20/8, trong con mắt bi quan và thất vọng của người dân Việt bình thường, tất tần tật các đại gia sống trong những biệt thự nguy nga, đi xe siêu sang trọng, ăn xài hoang túng, đều có thể là những tên ăn cắp. Trước bầu Kiên ít ngày, họ đã chứng kiến những đại gia khác được cho là "làm ăn đàng hoàng" cũng... bất chợt dính vòng lao lý. Lùi xa hơn thì nhiều.

Vai trò của bầu Kiên rất lớn trong hoạt động của VPF
Sản xuất ra một rừng luật và các nghị định vi hiến để trị dân, nhưng bản thân thì không chịu sự chi phối nào của cơ chế nhà nước pháp trị, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã tạo ra một xã hội tư bản vô chính phủ, mọi rợ, một bộ máy cai trị dung dưỡng tham nhũng, nơi mà các quan chức chóp bu cấu kết với giới tư nhân để tư bản hoá khu vực kinh tế công, làm giàu riêng bằng cái giá phải trả của 90 triệu người.
 
Tờ Tuổi Trẻ ngày 23/8 vạch ra thủ đoạn kiếm tiền của "bầu" Kiên là bằng cách thành lập các công ty con có vốn điều lệ lớn, phát hành cổ phiếu bán cho ngân hàng để "huy động" vốn, rồi lấy tiền từ ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng, cầm cổ phiếu này thế chấp vay tiếp mua trái phiếu, trả nợ ngân hàng, hoặc dùng vào mục đích khác, song song với những trò đầu cơ bằng các liên kết ảo thuật đẩy giá thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ lên xuống theo ý đồ, lừa gạt dân chúng nhẹ dạ, cả tin. 
 
Những tay chơi bạc là những tay tổ sư của trò các trò ma giáo "mượn đầu heo nấu cháo", "lấy mỡ nó rán nó", dù chẳng lạ lẫm gì trong giới làm ăn, vì đã từng được các tay trùm mafia đỏ ở nước Nga áp dụng trong thập niên 90, nhưng là sân chơi riêng vô cùng hạn hẹp của giới quyền lực đầu sỏ. Những con bạc máu mê đặt cược hàng trăm triệu, hàng tỷ đôla, nhưng "khi thua có người cứu, ngân hàng thương mại mà chết thì có Ngân hàng Nhà nước cứu. Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh bạc, thắng anh ăn, anh thua - nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc không sợ mất vốn" - Ông Bùi Văn, cựu Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định trên tờ Pháp Luật
 
Điều này được khẳng định chẳng thèm giấu giếm qua tuyên bố của Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng, "chủ trương của chính phủ không để cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào đổ vỡ trong giai đọan này". Trong khi Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB nói "NHNN cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho ACB, chúng tôi cần bao nhiêu thì NHNN sẽ hỗ trợ bấy nhiêu".
 
Không những che chắn, quẳng phao cứu nhau đến cùng, các quan chức của ĐCSVN còn biểu hiện sự kiêu căng, coi dân chúng không ra gì. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, "do dân trí, tập quán ở VN chưa cao như ở một số nước, nên dân chúng không biết ngân hàng nào xấu, tốt (...) Cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để NH lành mạnh lên". Điều này có khác gì nói thẳng vào mặt dân rằng, đám dân đen ngu ngơ kia, hãy biết thân phận ngồi im để các con bạc vần vũ trên tấm lưng lam lũ đáng thương của họ?
 
Ở một quốc gia dân chủ, trong trường hợp một ngân hàng tư nhân có bê bối như ACB, những tuyên bố trên đây của các quan chức bảo đảm sẽ là quả bom nguyên tử của nổi giận xã hội có thể làm nổ tung cả bộ máy cầm quyền. Thế nhưng, ở VN, trong tâm lý hỗn loạn, đám đông ngơ ngác, ngoài sự xao xác săn tin đồn hầu thoả mãn tính tò mò chuyện cung đình, chỉ biết giương mắt ếch nhìn tiền bạc và của cải của đất nước bị cướp giật, mà dường như chẳng biết làm bất cứ điều gì chống lại nó.
 
Cuối năm 2011 hậu quả của khủng hoảng Vinashin với món nợ khổng lồ 4,5 tỷ đôla và thanh toán đáo hạn chậm trễ, VN đã bị tổ chức xếp hạng tín dụng S&P hạ mức uy tín đồng nội tệ từ BB xuống mức BB-, cho thấy đất nước đang đối mặt với những rủi ro, bất ổn kinh tế và tài chính. Đầu tư nuớc ngoài trong những tháng vừa qua của năm 2012 giảm đi 1/3, nợ xấu của ngân hàng cao chót vót nhưng mơ hồ, các doanh nghiệp nhà nước nợ như chúa chổm, hàng chục ngàn doanh nghiệp tư phá sản vì thiếu vốn, giá cả hàng tiêu dùng và dich vụ gia tăng mạnh theo xăng dầu, nợ nước ngoài tăng hơn gấp đôi trong nhiệm kỳ 2006-2011 của Nguyễn Tấn Dũng (32,5 tỷ USD). Các biện pháp chống lạm phát bằng xiết chặt một cách phi lý quản lý vàng, ngoại tệ, bơm 29 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, chưa cải thiện được bức tranh kinh tế xám xịt là bao, thì vụ bê bối của ngân hàng ACB trong sự phản chiếu của vụ đại tá tình báo Lương Ngọc Anh, được báo Úc cho là tay chân thân cận của Nguyễn Tấn Dũng, trong vụ sex scandal Securency, càng làm cho bộ mặt kinh tế VN vốn ảm đạm, lại càng thê thảm hơn và hổ thẹn chưa từng thấy trong con mắt của giới doanh nghiệp thế giới.
 
Hãy lướt qua một số tiêu đề trên báo chí quốc tế:
 
"Chính trường Việt Nam nóng lên cũng như kinh tế đang rúng động" (Jakarta Post 26/8/12);  -"Sự sụp đổ tiếp tục ở Ngân hàng Việt Nam" (New Yorl Times 24/8/12); -"Fitch: Các lỗ hổng của bề mặt ngân hàng Việt Nam; RTG rủi ro gia tăng" (Reuters 24/8/12); -"Cổ phiếu Việt Nam giảm nhiều nhất ở châu Á" (Bloomberg 23/8/12); -"Ngân hàng của Việt Nam: lòng tự tin bị mục nát" (Financial Times 23/8/12); -"Việt Nam bị nghiền nát bởi bong bóng bất động sản" (Business Insider 23/8/12); -"Tại Việt Nam: Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế" (New York Times 22/8/12)...
 
Nhìn những tiêu đề trên, khó có nhà đầu tư nước ngoài nào còn cảm hứng nhiệt tình của mấy năm trước đó để nhảy vào một thị truờng đầy bất trắc và bị khuynh loát trong bóng tối của các liên kết mafia ma quỷ.
 
Trong bối cảnh nghiêm trọng như thế, nguời dân chỉ được ban phát những thông tin không gây bất lợi cho giới cầm quyền, nhân danh sự ổn định. Hai ngày sau khi bầu Kiên bị bắt, có vẻ ồn ào chút ít, nhưng liền sau đó báo chí lề đảng chỉ còn đăng tải những gì được cơ quan điều tra công bố chính thức. Tin Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải bị bắt được báo đảng đăng lên, rút xuống như kẻ ăn trộm thập thò rình chủ vắng nhà, tờ Tuổi Trẻ cho tin Online 12 giờ sau khi hãng AFP chạy bài "Second tycoon arrested amid bank run in Vietnam" (23/8/12). Nhà cầm quyền run sợ rằng, chút niềm tin mong manh còn lại nơi dân chúng sẽ rách nát không thể vá víu, và sự ai oán của xã hội chất chồng cao thêm do nung nấu tích luỹ từ các vụ cưỡng chế tước đoạt đất đai gần đây và các cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc bị đàn áp.
 
Tôi cho rằng, vụ bê bối của ACB sẽ không dẫn đến một sự thay đổi gì đáng nói trong hệ thống chính trị hiện hành. Có chăng nhân vật nào đó bị suy yếu hoặc giảm quyền lộng hành. Sự tồn tại của đảng là máu thịt của họ, "còn đảng, còn mình", đảng tan rã là mất hết, không chừa ai, nên trong sự chính xác nhất của kịch bản thì cao lắm một ai đó sẽ bị hạ bệ, nhưng rồi sẽ có thoả hiệp để không làm con tàu bị đắm, chết chìm tất cả. Trong quá khứ, có rất nhiều các ông trùm không thua kém "bầu" Kiên bao nhiêu, cũng dính líu mật thiết với giới đầu sỏ cầm quyền, đã vào tù, thậm chí bị tử hình, nhưng chưa bao giờ cấu trúc thượng tầng của ĐCSVN lung lay.
 
Ngay cả khi tiến trình điều tra, có thể phanh phui thêm những liên kết ma quỷ, như dư luận đồn thổi, giữa "bầu" Kiên với Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ của Nguyễn Tấn Dũng thì, bằng mọi giá, kể cả thủ tiêu đối tác hay thí tốt, Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm mọi thứ để cứu mình và con gái. Nếu như Trung tướng Phan Văn Vĩnh Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Trưởng ban chuyên án vụ “bầu” Kiên cho hay "nội dung cụ thể thuộc phạm vi bí mật Nhà nước", thì người ta có thể suy luận rằng, các nhân vật thế lực trong nhóm lợi ích ngân hàng này sẽ tìm mọi biện pháp che chắn những gì có thể để bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng, ngăn cặn phản ứng của dư luận.
 
Vì vậy, sự xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi "bầu" kiên bị bắt với vai trò Trưởng ban phòng Chống Tham nhũng (dù đã bị Bộ Chính Trị bãi nhiệm từ hơn 3 tháng trước), khen ngợi Bộ công an, cùng với việc Bộ Công an thông báo “quá trình bắt, khám xét và tổ chức điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ”, chỉ là màn diễn để phủ nhận tin đồn vụ bắt giữ "bầu" Kiên nằm ngoài tầm kiểm soát của Nguyễn Tấn Dũng, phủ nhận "bầu" Kiên không có mối liên hệ thân thiện với ông, đồng thời cũng muốn chứng tỏ cho dư luận thấy mình còn đủ mạnh trước Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.
 
Suy cho cùng, với sự can thiệp sâu rộng của an ninh, tình báo mà Nguyễn Tấn Dũng đã đầu tư nuôi dưỡng nhiều chân rết, trong tay ông ta vẫn còn những lá bài làm con tin với các đối thủ chính trị. Có ai dám bảo đảm 13 vị còn lại của Bộ Chính Trị hoàn toàn trong sạch? Có bàn tay nào mà không nhúng chàm, ít hay nhiều mà thôi, chí ít thì cũng những người thân trong gia đình. Thoát sao nổi trong cái ổ sâu mọt cộng sinh đầy rẫy dối trá, gian lận từ xài bằng cấp, danh vị, huân chương rởm, đến mua bán chức quyền.
 
Adam Michnik (*), nhà đối lập nổi tiếng của của Ba Lan thời cộng sản, một trong 20 nhà báo có ảnh hưởng nhất của thế giới được "Financial Times" bình chọn năm 2006, vào năm 1989 đã đề ra chiến lược cho lộ trình chuyển hoá chế độ CS Ba Lan như sau:
 
"Chúng ta hãy cứ để cho những người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta dân chủ".
 
Tôi hiểu ý ông rằng, sự ăn cắp sẽ làm thối nát hệ thống kinh tế, đánh mất lòng tin của dân chúng, làm tăng cao bất bình và dẫn tới sự phản kháng của xã hội. Điều này đã đúng, khi Ba Lan bấy giờ các cửa hàng thực phẩm trống rỗng, thiếu thốn đủ điều, lạm phát phi mã, đã khiến 10 triệu người Ba Lan đã tập hợp trong phong trào "Solidarność" (Đoàn Kết) liên tục biểu tình, bãi công làm tê liệt đất nước, buộc nhà cầm quyền CS phải ngồi vào bàn thương lượng, chấp nhận bầu cử tự do, xoá sổ chế độ cộng sản vào năm 1989.
 
Nhưng chiến lược "hãy cứ để cho những người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta dân chủ" của Adam Michnik xem ra không phù hợp với thực tế Việt Nam, mặc dù nhiều người Việt cũng nghĩ tương tự rằng, chế độ càng thối nát thì càng nhanh chóng sụp đổ.
 
Với kinh tế thị trường, trong hai thập niên qua, ở VN hàng hoá không thiếu, những ai biết "sống chung với lũ" vẫn có thể tạo đuợc cho mình cuộc sống vật chất khá hơn nhiều so với thời chiến tranh. Đa số dân chúng cam phận hoặc bằng lòng với cái lồng chật hẹp sơn đỏ phết vàng và sẵn sàng nhảy hót líu lo khi chủ cho ăn, chằng cần quan tâm tới bầu trời tự do vuông tròn như thế nào. 
 
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, trong tình cảnh vật lộn đứt hơi với món nợ nươc ngoài hơn 40 tỷ USD, chính phủ dân chủ non trẻ của Ba Lan đã phát hiện ra rằng, trong hai ngân hàng nhà nước chủ chốt bấy giờ, Ngân hàng Thương mại (Bank Handlowy) và Ngân hàng Pekao, nhà cầm quyền cộng sản đã xài hết sạch 4 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm của dân chúng. Không dám công bố vì sợ dẫn đến tình cảnh hoảng loạn, sau hơn một thập niên khôi phục kinh tế, kiếm đủ tiền bù cho dân, chính phủ Ba Lan mới tiết lộ. Chính quyền dân chủ Ba Lan đã phải đi đổ vỏ ốc cho những tên cộng sản ăn cắp như thế đấy!
 
Người Ba Lan kiên cường đấu tranh như vậy, mà còn bị những người cộng sản móc túi đến đồng xu cuối cùng. Thì, tôi tin rằng, với mấy chục triệu dân "ngoan ngoãn" ngồi im nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mặc sức xài xể, sẽ có một tương lai bi thảm hơn nhiều. Tới khi có dân chủ, túi tiền dân Việt không những bị móc hết, mà e rằng thân tàn ma dại. Thế hệ con cháu sẽ phải tìm ra công nghệ chế biến đống vỏ ốc vĩ đại mà bọn mafia đỏ để lại, để xuất khẩu kiếm tiền sống và trả nợ.
 
Rồi một lúc tỉnh tảo mới cảm nhận hối tiếc và nhục nhã khi thấy khoảng cách giữa VN với nền văn minh nhân loại sao quá dài.
 
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
 
---------------------------------------------
 (*): Adam Michnik hiện là Tổng biên tập nhật báo "Gazeta Wyborcza", lớn nhất Ba Lan và có uy tín ảnh hưởng tại Ba Lan và Đông Âu, được Viện báo chí quốc tế (IPI) năm 2000 xếp vào danh sách "50 Anh hùng của báo chí tự do".