Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012
Thụy Khuê - Nguyễn Mộng Giác và người Bình Định
Thụy Khuê
Võ Phiến có hai bài
tùy bút viết về người Bình Định.
Bài thứ nhất tựa
đề Anh Bình Định và bài thứ hai, Người Bình
Định.
Bài thứ nhất (không
ghi ngày) viết về sự "hấp dẫn" của "người
anh" Bình Định với "người em" Phú Yên, qua
câu ca dao:
"Anh về Bình
Định chi lâu,
Chiều chiều em
đứng hàng dâu ngó chừng".
Và ông tuyên bố chắc
nịch: "Gái Phú Yên không tỏ ra đa tình với một
ai khác, chỉ đa tình với trai Bình Định mà thôi".
Ông Võ Phiến là
người Bình Định trăm phần trăm và ông đã quả quyết
như vậy, thì phải tin thôi, cãi sao được?
Ông giải thích bằng
lịch sử, theo lối nói nhũn của ông thì "đó là
những suy đoán vu vơ". Theo "những suy đoán
vu vơ" ấy, thì dân tộc ta có hai đợt Nam tiến:
Đợt thứ nhất, gồm toàn bọn Bắc vô như Đào Duy Từ,
Nguyễn Hữu Tấn (gốc Thanh Hoá), Lê Đại Cương, Nguyễn
Nhạc, Nguyễn Huệ (gốc Nghệ An), v.v..., đợt này kéo
dài đến thế kỷ XVI.
Đợt hai, từ khi
Nguyễn Hoàng lấy được Phú Yên, biên giới Nam Bắc đã
phân chia rõ rệt, bọn Bắc không thể tự tiện kéo vào
được nữa, mà chính dân Bình Định kéo xuống phía Nam.
Vì vậy mới có sự "khăng khít" giữa người
"anh Bình Định" với người "em Phú Yên",
kết quả những "anh em" này sinh con đẻ cái,
thành "thế hệ thứ nhì", thoát thai câu ca dao:
"Anh về Bình
Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ,
Khánh Hoà thăm em."
Vậy là thêm một
từng lớp "anh em" đợt nhì, có duyên nợ tiền
kiếp! Lập luận của ông Võ Phiến giúp ta hiểu đôi
chút về những "succès" của các "người anh"
văn nghệ Bình Định đối với các người em văn nghệ
phái nữ nói chung và các "người em" Phú Yên nói
riêng.
Bài thứ hai tựa đề
"Người Bình Định" (viết tháng 10/1973), mở đầu
ông giới thiệu ngay Nguyễn Mộng Giác, một người cùng
quê với ông. Ông Võ Phiến giới thiệu như vậy là đã
có chủ đích: Ông coi Nguyễn Mộng Giác như một người
Bình Định "tiêu biểu". Sự tiêu biểu này ông
không nói ra, nhưng đọc hết bài sẽ thấy. Nên nhớ năm
1973, Nguyễn Mộng Giác mới viết, chưa nổi tiếng. Đến
1974, Nguyễn Mộng Giác mới nổi tiếng vì được giải
thưởng của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam với truyện dài
Đường một chiều.
Như thường lệ, ông
Võ thường nói vòng vo tam quốc trước khi đưa ra những
nhận xét tinh tế, lạ và đúng, chưa ai nghĩ ra bao giờ,
như:
- "Kể từ Bình
Định vào Nam, một giọng nói khác, một loạt tiếng nói
khác". Ý ông muốn nói: bọn răng, rứa,
mô, tê, chừ... rủ nhau vào Nam, đến chân đèo Bình
Đê thì bị chặn đứng cả, chẳng tên nào đi lọt.
- Vẫn theo lập luận
"vu vơ" của ông: Dân Quảng Nam, Quảng Ngãi
(đúng ra là Quảng Nam thôi) lúc nào cũng hăm hăm chỉ
chực "nổi lên", "vùng dậy", còn dân
Bình Định êm rơ, chẳng tha thiết gì đến chuyện phản
kháng phảng khiếc. Và ông gọi đức tính ấy là "thàn
hậu"1.
Lần đầu tiên tôi học được chữ thàn hậu,
tiếng này ngoài Bắc không có, trong Nam cũng không.
Tiếp đó, để giải
nghiã hai chữ thàn hậu bằng thơ, ông trích hai câu
thơ Quách Tấn:
![]() |
Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Bá Trạc |
Sầu
mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gửi
vào thơ, nghĩ tội thơ
Rồi
ông phê rằng: "Nghĩ
tội thơ!", cái nhân ái đến rụt rè ấy, ở địa
phương gọi nó là đức tính "thàn hậu". Con
người thàn hậu vốn dè dặt, kín đáo, âm thầm trong sự
sầu đau thương nhớ; chính con người ấy mới càng "tội"
đa!"2
Cuối
cùng ông trở về với Nguyễn Mộng Giác: "Ở
Nguyễn Mộng Giác cũng vậy. Ngay từ những thiên truyện
ngắn đầu tiên, anh đã có cái phong độ chín chắn, mực
thước, có cái kín đáo, âm thầm, anh đã lim lỉm vào
những suy nghĩ lo lắng."3
Nhận
xét về Nguyễn Mộng Giác, ngay từ
1973, trên những bước đầu, quả chỉ Võ Phiến mới
tinh tường như vậy.
Bài
thư ba, có liên quan đến Bình Định và Nguyễn Mộng Giác
là bài Tựa
cho tập truyện ngắn Ngựa nản
chân bon, ông viết tháng 11, 1983,
tại Hoa Kỳ. Bài này không thấy ông in lại.
Tuy
là tựa sách, nhưng Võ Phiến lại nói rất kỹ về người
Bình Định. Ông triển khai những ý đã có trong bài Người
Bình Định, lần này ông viết
kỹ hơn, về tính tình, về giọng nói Bình Định... Đặc
biệt ông trở lại và dừng khá lâu ở hai tiếng thàng
hậu4:
"Cái
cười của Quách tiên sinh5
có vẻ trẻ thơ chỉ vì trông nó lành quá sức lành.
Trông cái cười ấy, người ta thấy rõ trước mặt mình
một kẻ hoàn toàn vô hại, không có chút mưu chút mẹo
nào hết trơn. Một kẻ thàng.
Thàng
là chữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng trong một bài viết về
tôi trên một số Văn đặc biệt6
(....) Thàng
là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ
riêng để mô tả người Bình Định. Thàng
cũng nói là thàng hậu;
thàng hậu
nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu
nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không.
Hiền hậu, thực thà là một đức tính, một nết hay;
thàng hậu
còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ
mồn một. Người thàng,
thàng từ
tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng
đi. Mà người thàng
thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng
mọi người Bình Định đều thàng
hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám
vv... Hết thảy, không ai là không thàng.
Muôn người như cùng một vẻ, một giọng."7
Bất
cứ kẻ nào không phải dân Bình
Định, chưa bao giờ nghe nói đến chữ thàng,
mà đọc được đoạn này của Võ Phiến, thì hết chối
là tôi không biết thàng
là gì. Cái sức mạnh trong lối nói "vu
vơ" của Võ Phiến là như
thế. Cái thàng
trong ông là như thế. Cũng thì là thàng
mà thàng
của Võ Phiến, chỉ mới "vu vơ" nhưng nó bám, nó
buộc, nó riết người ta vào chữ nghiã Bình Định của
ông.
Vẫn
trong bài Tựa này, còn một câu
ngắn, độc giả dễ bỏ qua, nhưng nếu ai chú ý, sẽ
thấy nó lạ lắm, phải là Võ Phiến mới đủ cao cường
để biến các thứ trịnh trọng thành "vu vơ" như
thế, ông viết:
"Cũng
trong một bài báo Văn nọ, Nguyễn Mộng Giác nói đến
những con người trông thì
"thàng" nhưng kỳ thực lại "dữ"8.
Tôi
không được đọc bài báo Văn "nọ" của Nguyễn
Mộng Giác, nhưng câu mà ông Võ
trích thật đáng kể ở nhiều mặt.
Nếu chữ dữ
của họ Nguyễn được hiểu là không lành, thì nó
phản ảnh tính chất phản kháng ngầm trong con người
Bình Định, kể cả... Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác
nữa. Ông Nguyễn viết và ông Võ thấy, cả hai đều tinh
tường, ông Võ bâng quơ nhắc lại lời ông Nguyễn, nhưng
làm lơ như ông Nguyễn nói... người khác.
Còn nếu chữ dữ
được hiểu là ác, thì nó cũng lại phản ảnh
tính chất của một số người... Bình Định, lịch sử
biết nhưng ông Võ không nhắc đến thôi.
Ví dụ, ông Võ Phiến
nhìn thấy ở Quách tiên sinh cái cười "lành quá
sức lành", ông vô tư nhận xét tiên sinh là một
kẻ "hoàn toàn vô hại, không có chút mưu mẹo gì
hết trơn".
Nhớ lại hồi tiên
sinh kiện Trần Thanh Mại ở Huế năm 1942, vì chuyện dám
viết cuốn Hàn Mặc Tử trước tiên sinh, dám quảng bá
thơ Hàn Mặc Tử trước khi tiên sinh kịp in thơ Hàn, thì
quả tiên sinh chẳng có thàng chút nào.
Mà đi trước tiên
sinh còn một vị tiền bối nữa, bề thế hơn nhiều, đó
là Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông này không ai biết mặt
ngang mũi dọc ra sao, cũng chẳng biết ông cười, ông đi,
ông đứng có thàng không, người ta chỉ biết, mỗi
lần ông ra Bắc là có một kẻ bị xé xác; lần đầu
Nguyễn Hữu Chỉnh, lần sau Vũ Văn Nhậm, cách nhau có mấy
năm, mà hai tay ấy đâu có phải vừa. Vậy nếu ông Huệ
có thàng thì cũng là thàng theo kiểu "trông
thì thàng nhưng kỳ thực là dữ". Cái dữ này là
dữ thật, chứ không phải chỉ là không lành thôi
đâu.
Ai muốn tìm đọc
Sông Côn mùa lũ để xem vốc vác ông Huệ thế nào,
thì lại thấy ông Huệ có bề giống ông Giác, nghiã là
ôn tồn, hiền lành, nhân hậu, đứng trước phụ nữ còn
rụt rè nữa, hoá ra ông Giác chỉ tả cái thàng của
ông Huệ.
Tóm lại, ông Võ
Phiến khi nói người Bình Định đều thàng cả, là
ý ông muốn nói đến những người thân thương của ông,
đó là những nhân vật trong tiểu thuyết của ông, những
anh Bốn thôi, ông Năm tản... Và khi ông tả nụ cười
của Quách tiên sinh, người ta lại thấy hiện ra nụ cười
của... chính ông: ông Võ Phiến có nụ cười rất thàng.
Ông Võ Phiến mới đích thực là Người thàng,
thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng
đi", để nói theo giọng Vũ Bằng ca tụng món ăn
Hà Nội, mà ông Vũ lại dật tạm cái giọng này của
Thạch Lam.
Tháng 7/1989, Nguyễn
Mộng Giác đến Paris để ra mắt tập trường thiên Mùa
Biển Động. Lần đầu tiên độc giả Paris thấy
Nguyễn Mộng Giác bằng xương bằng thịt. Lúc đó tập
Mùa Biển Động đã gây sóng gió bên Cali, người
yêu cũng nhiều mà người ghét cũng lắm.
Dáng dong dỏng cao
trên trung bình đối với người Việt, da mặt có những
vết rỗ nhỏ, chắc hồi còn bé bị lên sởi, biến
chứng. Cười tươi, rất thàng. Nhưng ở con người
Bình Định này, điểm gây chú ý là đôi mắt.
Đôi mắt Nguyễn
Mộng Giác, thường trú dưới cặp kính cận và bị cái
cười chụp lên hai mí, lấp đi, làm nhỏ lại. Phải đợi
đến lúc ông không cười, không nói, chăm chú nhìn
đối tượng, thì mới thấy ở đó như có gì xuất thần,
nó đen nhánh, lòng đen chiếm hơn 80%, nó "nói"
tất cả, mặc dù ông không hề mở miệng. Có vài diễn
viên thượng thặng -ví dụ như ở Pháp chỉ Simome
Signoret- là có khả năng diễn xuất bằng mắt. Nhưng
Nguyễn Mộng Giác không hề diễn xuất gì cả, ông cũng
không đóng một vai trò nào. Ông sống bằng mắt và
ông viết bằng mắt, đơn thuần là thế.
Tôi nhận thấy điều
này ngay từ phút đầu giáp mặt đến phút cuối, vĩnh
biệt, chiều ngày 4/6/2012, trước khi về Pháp. Ba lần
thăm, lần nào cũng thế: nằm trên giường bệnh, Giác đã
trút bỏ hết cả ngoại hình, từ thịt da đến xương
cốt, tất cả đều đã rã, đã rời, tất cả đã bỏ
Giác, đã theo nhau về chín suối trước khi Giác đi. Các
tế bào còn đó, nhưng chúng đã chết từ lâu, chúng hiện
hữu mà cũng như không. Riêng đôi mắt còn sống,
nó nhất quyết ở lại với Giác như con kỳ mã trung
thành với chủ, như Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp bảo
vệ vua Hàm Nghi. Cặp kính cận cũng đã biến mất, nó
không còn che lấp cái nhìn của Giác nữa. Đôi mắt tự
do tung hoành trong không gian chật hẹp của căn phòng bệnh
viện. Tất cả đều bị tẩy uế, trùng bị giết sạch,
người vào thăm phải đeo mặt nạ, đi găng, khoác áo
choàng, trừ hai con mắt. Họ và Giác cân bằng, hai bên
đồng đẳng, chỉ có mắt đối mắt. Lúc đó mới
thấy rõ ánh sáng kỳ dị trong đôi mắt đen như đêm hạ
tuần của Giác và tôi bỗng hiểu.
Chính đôi mắt ấy
đã "viết" các truyện ngắn và các bộ trường
thiên. Giác "sinh hoạt" bằng đôi mắt, đôi mắt
sai khiến và đôi mắt dò hỏi. Đôi mắt lưỡng lự, đôi
mắt tiến thoái theo đúng thế trận bầy trước mắt.
Người ta hay nhắc đến việc Giác tranh luận sôi nổi,
tôi cho rằng những tranh luận chỉ để lấp đầy chỗ
trống, chúng không có bề thế gì, so với phán quyết im
lặng của đôi mắt. Giác "biết hết" nhân tình
thế thái qua đôi mắt "thàng" mà "dữ"
của anh. Đừng có giấu Giác, vô ích. Giác biết hết.
Nhưng chẳng nói ra thôi.
Đôi mắt ấy đã
thấu suốt tâm linh những người phụ nữ mà anh gặp và
mô tả trong tiểu thuyết, từ tuổi dậy thì đến hồi
đứng bóng. Không mấy nhà văn sành tâm lý phụ nữ như
anh, ngoài Mai Thảo. Cái màu đen trong lòng mắt anh, lạ
lắm, nó đen như mun và trong vắt như pha lê đến độ
không nhìn thấy con ngươi, vì thế không ai "tìm"
thấy mình trong đó, khiến Giác có đủ phù phép để "áp
đảo" đối tượng, đi vào gan ruột kẻ đối diện
khiến y không phản ứng kịp thời, nghiã là y không kịp
giấu những gì y muốn giấu trước đôi mắt của Giác.
Cái tên cũng tiền
định: Đã mộng còn giác. Giác có lẽ
là tình cờ, cha mẹ đặt cho con, bởi lúc lọt lòng đã
biết mắt nó thế nào. Mà đặt tên con bao giờ cũng là
một ước nguyện. Mong con thông minh thì
đặt tên minh,
tên mẫn.
Mong con trong trắng, thì đặt tên trinh,
tên tuyết.
Có những
trường hợp nguyện ước bị dội lại, như người tên
Lành mà ác.
Có
những trường hợp nguyện ước
được thực hiện, trong đó có Giác. Cả mộng
cũng vậy.
Bởi
nếu không biết mộng
thì làm sao có thể trở thành nhà văn? Cho nên cái tên
tiền định do cha mẹ đặt đã báo trước phận số phận
một nhà văn: một người biết
mộng từ lúc sinh ra sẽ trở
thành nhà văn Mộng Giác.
Con
mắt là
yếu tố quan trọng nhất trong sáng tác, khiến những
người hoàn toàn khác nhau như Cao Bá Quát, Apollinaire,
Merleau-Ponty, Bích Khê... đều đặt trọng tâm trên con
mắt. Không biết mắt Cao Bá Quát như thế nào, nhưng ta
biết mắt Bích Khê. Dù chỉ còn lại một tấm hình duy
nhất của Bích Khê, tấm hình chỗ nào cũng in, rõ nhất
là hai con mắt, như thủy tinh thể xuất ra từ cuộc đời
ngắn ngủi của Khê, gọi ta về với vô cùng. Mắt Nguyễn
Mộng Giác không "ăn ảnh" như mắt Bích Khê, có
nghĩa là vào ảnh, nó bị sai đi, nó dị đi, nó bị đôi
kính cận che đi một nửa, không được như bên ngoài.
Chỉ khi sắp ra đi, anh không còn đeo kính, anh đem theo cả
đôi mắt mun pha lê. Nhưng sản phẩm của đôi
mắt để lại, là sự nghiệp
văn chương anh, sẽ mãi mãi còn. Giác đi mà rất ở.
Một
sự nghiệp dựng trên truyện ngắn và 2 bộ trường
thiên: Sông
Côn mùa lũ và Mùa
biển động. Anh rất tâm đắc
với bộ Sông Côn mùa lũ,
mà anh thầm cho là bộ sách của đời anh. Có lần tôi
nói với anh: Mùa biển động
mới là tác phẩm của đời anh, Sông
Côn mùa lũ, cũng hay, nhưng chưa
phải. Anh có ý giận. Từ đó chúng tôi không bao giờ trở
lại đề tài này nữa.
Hôm
nay anh đi rồi, nói lại chuyện cũ, không phải vì anh đã
mất, không thể trả lời được
nữa, tôi lợi dụng nói bừa.
Câu
chuyện văn học này, tôi không nói với anh, vì anh nghĩ
thế nào về tác phẩm của anh là quyền của anh, đại
để như cụ Nguyễn Du có cho Văn
Tế Thập Loại Chúng Sinh là tác
phẩm chính, hay hơn Kiều,
thì chúng tôi cũng mặc kệ cụ. Bởi cụ chẳng có quyền
gì trên tác phẩm của mình, điều cụ nghĩ về tác phẩm
của mình chỉ đúng với cụ mà thôi, Paul Valéry đã có
lần nhận ra như vậy.
Tại
sao thế? Jean Paul Sartre giải thích
rõ hơn: Bởi vì nhà văn không thể đọc được tác phẩm
của mình như một độc giả. Lý do: hắn đã biết rõ
từng câu từng chữ của hắn trước khi viết, nên khi
đọc lại, hắn mất hẳn tính khách quan, là yếu tố
hàng đầu, cần thiết cho một độc giả đích thực. Sở
dĩ những người sống trong chế độ toàn trị, không thể
"đọc" được sách theo nghiã thông thường, vì
họ bị bủa vây bởi những thành kiến do tuyên truyền
nhồi sọ, áp đảo lên họ từ gia đình đến học đường.
Tóm lại, muốn "đọc", cũng phải có tự do.
Sartre đặt tự do của người viết và người đọc lên
cùng một cán cân.
Tác
giả, ở một xã hội tự do, có thể viết được, nhưng
hắn vẫn không "đọc" được tác phẩm của hắn,
vì những gì hắn viết, hắn đã biết trước rồi, cái
"gu" của hắn, đã định rồi, tương tự như
người sống trong chế độ toàn trị bị nhồi sọ. Vì
vậy, biết bao nhiêu người cứ tưởng mình là nhà thơ
nhà văn, nhưng sự thực, họ chẳng là nhà gì cả, mà có
ai dám nói với họ sự thực đâu.
Cái
thành kiến của nhà văn đối với tác phẩm của mình,
giống như lời một nhân vật trong
Đôi bạn
của Nhất Linh: "Vì tôi đã
quyết định thế rồi".
Bộ
Sông Côn mùa lũ,
viết dưới chế độ cộng sản, với chủ đích dùng
thời Tây Sơn để nói chuyện ngày nay, theo lời Nguyễn
Mộng Giác kể lại với Phạm Phú Minh9.
Bộ
sách này, đối với người đọc không chuyên, là một bộ
sách hay.
Nhưng
về mặt nghệ thuật tiểu thuyết, nó phạm một số quy
luật:
Nói
chuyện với anh Minh, anh cho biết,
khi dự định viết Sông Côn mùa
lũ, anh chưa biết dùng ngôn ngữ
thời nào, và khi thấy Nguyễn Du viết Kiều bằng ngôn
ngữ "thời nay", anh bèn viết theo Nguyễn Du10.
Thực
ra thì Nguyễn Du (1766-1820) không thể
dùng ngôn ngữ "thời nay" hiểu theo nghĩa thời
của chúng ta, việc ấy đã đành. Nguyễn Du "dịch"
(tức là theo sát) tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mà
Thanh Tâm Tài Nhân là người sống gất gần triều đại
Minh Thế Tông (hiệu Gia Tĩnh) (1507-1567), thời truyện Kiều
xẩy ra.
Đọc
Kiều, chúng ta thấy ngôn ngữ Nguyễn
Du, nhưng đồng thời chúng ta thấy cả một thời đại
xưa. Vì tất cả những câu thơ như: "Đạm
Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", "Hài
văn lần bước dặm xanh".
"Vẫn nghe thơm nức hương
lân". "Sinh
rằng: giải cấu là duyên". "Hai thân còn dở tiệc
hoa chưa về"... tự chúng đã
tạo cái không khí "thời trước", nhưng ta chưa
biết chắc là thời nào, nhờ có Thanh Tâm Tài Nhân, ta
biết rằng, đó là thời không xa với Minh Gia Tĩnh.
Nhưng thỉnh thoảng
lại có vài câu rất "hiện đại" như "Vân
rằng: Chị cũng nực cười, khéo dư nước mắt khóc
người đời xưa". Chắc Nguyễn Mộng Giác dựa
vào lối xưng hô này mà anh đoán là Nguyễn Du dùng ngôn
ngữ "thời nay" chăng? Không phải.
Vẫn trong hướng theo
sát tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mà tiếng Tầu
chỉ có "ngộ, nị" (tôi, cô), nên Nguyễn Du
"dịch" là "chị, em" trong tiếng
Việt.
Điều đó chứng tỏ:
Ở thời Nguyễn Du, anh chị em trong nhà xưng hô với nhau
là chị, em.
Nhưng ta lại còn biết
Nguyễn Du là người cực kỳ thận trọng, khi dùng những
tiếng chị, em trong Kiều, ông không thể lấy cách
xưng hô của thời ông, để chỉ một thời cách ông hai
trăm năm. Vậy chắc chắn là Nguyễn Du đã tham khảo và
biết rằng ở thế kỷ XVI, tại nước ta, anh em ruột
trong nhà đã xưng hô với nhau là chị, em rồi!
Về ngôn ngữ thời
đại Tây Sơn, Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Thì Chí,
phản ảnh rất rõ. Về phong tục, y phục, lối sống, văn
hoá, của dân tộc ta trong suốt thời đại nhà Lê, trải
mấy trăm năm, Phan Huy Chú ghi rất rõ trong Lịch Triều
Hiến Chương. Vậy mà khi làm phim về Quang Trung, một đạo
diễn bảo không biết thời ấy họ ăn mặc thế nào!
Những vấn đề để
xây dựng một không khí cổ, ngoài y phục, cử chỉ, lời
nói (trong chỗ thân tình, người xưa có thể nói giống
chúng ta) nhưng ngôn ngữ xã hội luôn luôn được trang
phục bằng những lớp lang khác của đạo đức, của tôn
giáo, của thói quen, của những công thức, chỉ xuất
hiện trong thời kỳ lịch sử ấy...
Mở rộng hơn nữa,
chúng ta đi tới phần kiến trúc tiểu thuyết. Cái gì xác
định một tác phẩm là tiểu thuyết?
Kiến trúc không
gian và thời gian là điều quan trọng nhất trong
tiểu thuyết. Bahktine gọi đó là Thời-không-gian
(Chronotope): Nhà văn phải cấu tạo được Thời gian và
Không gian trong tiểu thuyết của mình.
Sông Côn mùa lũ
chưa tạo được thời không gian cuối thế kỷ
XVIII, ở Việt Nam, dưới thời Tây Sơn. Vì các nhân vật
trong truyện sinh hoạt nói cười, cử chỉ, bông đùa, tâm
sự, hệt như trong xã hội ngày nay. Nguyễn Huệ nói
chuyện với An không khác Ngữ nói chuyện với Diễm trong
Mùa Biển Động. Do đó tác dụng xã hội học trong Sông
Côn mùa lũ, gần như không có. Mà xã hội là nền
tảng đầu tiên và cuối cùng của tiểu thuyết.
Vậy, rút cục tiểu
thuyết là gì? Một trong những định nghiã sâu xa và bao
trùm nhất, đến từ Bakhtine:
"Tiểu thuyết
là sự đa dạng xã hội của ngôn ngữ, đôi khi của
những thứ tiếng và những giọng cá nhân. Sự đa dạng
này được thực hiện một cách văn chương. Những định
đề thiết yếu của tiểu thuyết đòi hỏi ngôn ngữ dân
tộc (langue nationale) phải được kết tầng thành những
thổ ngữ (dialecte) xã hội khác nhau, thành những kiểu
nói riêng của một nhóm người, thành những tiếng lóng,
tiếng nhà nghề (jargon), thành ngôn ngữ của những kiểu
cách, những lối nói, ngôn ngữ của một thế hệ, của
một lớp tuổi tác, của các trường phái, của những kẻ
cầm quyền, của những câu lạc bộ hay những mốt thời
thượng, thành ngôn ngữ xã hội của "ngày này"
(thậm chí của "giờ này"), thành ngôn ngữ của
chính trị (mỗi ngày chính trị có một định thức riêng
để chỉ định một vấn đề chính xác bằng từ vựng
và bằng cách nhấn mạnh)11;
mỗi loại ngôn ngữ trên đây phải được kết tầng bên
trong tiểu thuyết, bất cứ lúc nào, khi câu truyện hiện
hữu."12
Đoạn viết trên đây
của Bakhtine, có thể coi là một trong những định nghiã
đầy đủ nhất về tiểu thuyết. Nó giải thích một số
hiện tượng: có những tác giả, dù tài ba đến đâu,
cũng không thể viết tiểu thuyết mà chỉ viết được
truyện ngắn. Bởi vì họ không có cái nhìn quán xuyến
toàn thể xã hội, họ không đi vào được nhiều nhóm xã
hội khác nhau, họ không tìm được các mối liên lạc
giữa các nhóm xã hội khác nhau, như trường hợp Nguyễn
Tuân hay Nguyễn Huy Thiệp.
Trở về trường hợp
Nguyễn Mộng Giác, trong Mùa Biển Động, ông đã
nhìn rõ lớp người trung lưu, có học, trong xã hội miền
Nam mà người ta thường gọi là "tiểu tư sản
thành thị", đặc biệt ở Huế. Nhưng ông hoàn
toàn xa lạ với lớp người Bình Định, quê hương ông,
nhất là người dân quê. Trong khi Võ Phiến sở hữu từ
thể xác đến linh hồn người dân quê Bình Định. Tiểu
thuyết và truyện ngắn của Võ Phiến nằm trong thời
không gian Bình Định của những người dân quê, thô
mạc. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Mộng
Giác, nằm trong thời không gian Huế và Sài Gòn,
thập niên 60-75.
Tập Sông Côn mùa
lũ, đối với những độc giả không sành, vẫn là
một cuốn tiểu thuyết hay, lôi cuốn, bởi Nguyễn Mộng
Giác là một nhà tâm lý tiểu thuyết, ông đã dựng nên
những thăng trầm của hai gia đình: giáo Hiến và họ
Nguyễn với ba người con tên Nhạc, Lữ và Huệ.
Nhưng ông chưa dựng
được xã hội Việt Nam dưới thời Tây Sơn, chưa dựng
được chân dung lịch sử của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Lữ, trong xã hội Việt Nam thời Tây Sơn, với
những con người thời ấy, với những cử chỉ, hành
động, ngôn từ, của những lớp người xã hội
thời ấy... Vì vậy khó có thể nói đến một thời
không gian trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ.
Về Mùa biển động,
tôi đã viết khá kỹ, ở đây chỉ xin thêm đôi dòng.
Với đôi mắt tinh
tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác
đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều
nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn
lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước. Ông là
một tiểu thuyết gia truyền thống, không đi tìm cái mới
lạ, ông thể hiện tiểu thuyết như những người đi
trước đã làm, như thời Hồ Biểu Chánh, như thời Tự
Lực văn đoàn, bằng ngôn ngữ của thời ông... Là nhân
chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết
lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố
Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên
70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản,
thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ... Chúng
tôi đọc ông và thấy thấm thía, đau xót, đôi khi thấy
những mảng đời mình. Ông đã thành công. Một thành
công lớn, không phải tiểu thuyết gia nào cũng đạt
được.
Viết những dòng này,
không để tiễn Nguyễn Mộng Giác, bởi đối với nhà
văn, ra đi là bước vào văn học sử, không có gì phải
tiếc, không có gì phải tiễn. Ông đi, nhưng tác phẩm
của ông ở lại. Khi nào chúng tôi còn đọc ông, khi nào
đời sau còn đọc ông, ông còn hiện hữu.
Cũng không để "phê
bình" ông, mà để chứng minh một điều: Nguyễn Mộng
Giác là nhà văn của thực tại, của nhận xét tinh vi
những gì xẩy ra trước mắt. Ông không phải là nhà văn
của quá khứ, những gì trong quá khứ, qua tay ông, cũng
trở thành thực tại. Ông là nhà tâm lý tiểu thuyết của
hôm nay. Khi thực tại không còn gì thúc đẩy ông nữa,
ông ngừng viết.
Thụy Khuê
Les Issambres ngày
12/7/2012
Chú
thích:
1. Tuỳ bút 1, bản năm
1986, Văn Nghệ, trang 138, in là thàn
hậu.
2
Sđd, trang 141.
3
Sđd, trang 142-143.
4
Trong bài Tựa này, ông viết là thàng hậu.
5
Tức Quách Tấn.
6
Văn số ra ngày 1/8/74, Sài Gòn (Chú thích của Võ Phiến).
7
Ngựa nản chân bon của Nguyễn Mộng Giác, Người
Việt, Cali, tái bản, 1985, trang XIV.
8
Võ Phiến, bđd, trang XVI.
9
Phạm Phú Minh, Nói chuyện với Nguyễn Mộng Giác,
Diendantheky.net
10 Phạm Phú Minh, Nói
chuyện với Nguyễn Mộng Giác,
Diendantheky.net
11 Ví dụ, ở Việt Nam có
cụm từ "diễn biến hoà bình", rất thời danh.
12 Mikhail Bakhtine,
Esthétique et théorie du roman
(Mỹ học và lý thuyết tiểu thuyết, bản dịch từ tiếng
Nga sang tiếng Pháp của Daria Olivier, Tel Gallimard, 2003,
trang 88-89).