Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012
Nguyễn Giang - Mong điều kỳ diệu ở Thế vận hội
Nguyễn Giang (BBC)
Trong tinh thần Thế vận hội, ai làm báo ở BBC Tiếng Việt tại London năm nay cũng muốn chia sẻ niềm vui dự Olympics của đoàn vận động viên Việt Nam và cũng hiểu sự khiêm tốn về huy chương của đoàn.
Cả nước hy vọng đội Olympic của Việt Nam đạt thành tích cao hơn
Trả lời BBC hôm xuống sân bay Gatwick tuần trước, Trưởng đoàn Olympic Việt Nam, ông Lâm Quang Thành đã coi mục tiêu của tuyển Việt Nam lần này là 'tiếp cận thành tích thế giới' chứ hy vọng đoạt huy chương thì chưa cao.
Việt Nam cũng không có tên trong các bảng dự đoán huy chương mà các tập đoàn tư vấn Goldman Sachs và PwC nêu ra cho Thế vận hội năm nay.
Như thế, bất cứ huy chương nào, vàng, bạc hay đồng cho đoàn Việt Nam ở Olympics năm nay cũng là điều kỳ diệu, nhờ tài năng, may mắn và nỗ lực cá nhân của vận động viên.
Môi trường cho thành tích
Nhưng để biến may mắn thành quy luật cho Việt Nam, có lẽ cần nhắc tới cuộc bàn luận tại Anh về các chỉ số môi trường phát triển, liên hệ giữa GDP và số huy chương Olympics.
Từ những năm 1960, GDP hay tổng sản phẩm quốc nội của một nước được cho là có liên hệ trực tiếp tới số huy chương Olympics, trừ một số thành tích thể thao đặc thù.
Nhưng về sau này, người ta không chỉ nhắc đến GDP.
Các thành tố góp phần tạo huy chương còn có dân số, ưu thế nước đăng cai (host nation) và cả truyền thống thể thao của các nước thuộc Liên Xô cũ (former Soviet bloc), theo tài liệu của tập đoàn tư vấn PwC.
"Tin vào tài năng tự nhiên hay di truyền chỉ là huyền thoại. Đa số thành công nhờ vào khả năng học có hiệu quả (efficient learning), và cách tạo ra văn hóa mang tính cơ chế nhằm tăng tốc quá trình học đó"
Matthew Syed, nhà báo thể thao tại Anh
Một ví dụ thú vị là Cuba tuy dân số ít, GDP không cao nhưng được PwC coi như giống các nước có truyền thống thể thao thuộc Liên Xô cũ nên vẫn thu về nhiều huy chương, tính trên tỷ lệ đầu dân.
Còn tập đoàn tư vấn Goldman Sachs thì nêu ra chỉ số GES (Growth Environment Score), được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 1996, nhấn mạnh tới tổng thể môi trường phát triển tạo thành tích tại Olympics.
Không có trong tay số liệu GES của Việt Nam nên tôi xin trích ra các thành phần của chỉ số này mà giới chức thể thao tại Anh áp dụng để các bạn có một sự so sánh.
Theo định nghĩa đó thì GES đánh giá các thành tố của “tổng thể môi trường chính trị, kinh tế, cơ chế có tác động đến sự phát triển của văn hóa thể thao, vốn con người và công nghệ” trong một quốc gia để suy ra thành tích thể thao.
Môi trường cũng gồm cả văn hóa mê chơi thể thao ở cấp cơ sở (local sports culture), sân bãi và hệ thống tập luyện.
- Goldman Sachs dự đoán huy chương 2012
- Hoa Kỳ: 37 vàng/tổng số 108
- Trung Quốc: 33/98
- Anh Quốc 30/67
- Nga: 25/74
- Úc 15/46
- Pháp: 14/41
- Đức: 14/41
- Hàn Quốc: 10/31
- Ý: 10/30
- Ukraina: 9/27
- Nhật Bản: 8/26
- Tây Ban Nha: 6/19
- Canada: 6/19
- Brazil: 6/18
Goldman Sachs dự đoán năm nay Trung Quốc (1,3 tỷ dân) sẽ có 33 huy chương vàng, không quá nhiều so với Úc vốn chỉ có hơn 20 triệu dân, nhưng dự kiến sẽ đoạt 15 huy chương vàng.
Đây là ví dụ để người ta cho rằng về thành tích thể thao, số dân không quan trọng bằng thói quen luyện tập và môi trường cơ sở.
Vì Trung Quốc dù gặt hái nhiều huy chương nhưng thể thao là chuyện của nhà nước, còn nước Úc tuy nhỏ nhưng xã hội chơi thể thao rộng rãi hơn.
Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Bắc Âu thì gần như hội tụ đủ mọi yếu tố GES để luôn đứng đầu bảng huy chương.
Một số nước nghèo có thể không hội tụ các điểm GES về tổng thể thì có cách ‘chuyển môi trường’ là cho vận động viên sống và tập luyện luôn ở nước ngoài.
Chẳng hạn đội bóng chuyền bãi biển nữ của Mauritius lại không tập trong nước, nơi chẳng thiếu bãi biển đẹp, mà tập ở Pháp và Canada.
Nhưng kể cả khi các điều kiện chung đã có, một quốc gia có thể chọn đầu tư vào một bộ môn thể thao mới, hay chọn cách tranh tài kiểu mới.
Thành tích về đầu của tay đua xe đạp Anh, Bradley Wiggins cuối tuần qua tại Vòng đua Pháp quốc (Tour de France) là một ví dụ.
Từ trước tới nay, Anh chưa bao giờ về đầu tại Tour de France nhưng với đầu tư vào đội đua Sky Team và chọn ra cách tích luỹ các điểm thắng nhỏ trên chặng đua dài và tính toán khoa học của chuyên gia Tim Kerrison, họ đã giành thắng lợi độc đáo.
Đầu tư thông minh
Như thế, Việt Nam nếu muốn đạt thành tích Olympics cũng có thể đầu tư điểm, như ví dụ của Trung Quốc, hay cách Anh xây dựng đội đua xe đạp, hoặc lâu dài hơn là đầu tư rộng, đặt thể thao vào trong chiến lược phát triển chung để lên cùng chỉ số GES.
Bradley Wiggins đạp vượt dốc 100 km trong một tháng trước Tour de France
Cũng có tin Ủy ban Ủy ban Olympic Việt Nam cùng các nhà tài trợ treo giải thưởng cao nhất trong lịch sử cho các vận động viên nếu đoạt huy chương Olympic 2012.
Đáng tiếc rằng đây chỉ là tiền thưởng cho 'phần ngọn', không phải một sự đầu tư lâu dài từ gốc.
Ngoài ra, để nhận diện rõ vấn đề của mình, Việt Nam cần ý thức rằng mình rơi vào khu vực ‘ít vận động’ nhất thế giới, theo đánh giá đăng trên The Economist tại Anh hôm 22/7.
Lấy ý trong Anh ngữ gọi những người lười là 'couch potato', bảng so sánh này đặt Đông Nam Á ở hạng dưới 19, theo ‘chỉ số khoai’, thấp nhất trên toàn cầu.
Cách tự bào chữa rằng 'đất nước còn nghèo' xem ra không thuyết phục, vì trong 20 năm qua, GDP bình quân đầu dân của Việt Nam đã tăng trên 10 lần, từ 200 USD lên 2760 USD (theo số liệu của World Bank 2010).
Cùng thời gian, số huy chương Olympics của Việt Nam hay các thành tích thể thao khu vực không hề tăng lên tương ứng.
Các phong trào thể thao có vẻ không được chú ý nhiều bằng các câu chuyện đại gia tập chơi tennis hay golf một cách trưởng giả hơn là vì mục tiêu khoẻ và đẹp.
Thể thao thời hiện đại không chỉ là có sức mạnh cơ bắp mà là kết quả của đầu tư vào xây dựng đội tuyển theo các phương pháp khoa học mới nhất, khi mà chỉ có tiền không cũng không đủ.
Nhắc lại thành công của Anh ở cuộc đua xe đạp kết thúc tuần qua, BBC News đã nêu 10 yếu tố giúp đôi chân khoẻ và ý chí phi thường của Bradley Wiggins thắng Tour de France.
Tinh thần đồng đội được xếp số một, khoa học đứng thứ nhì, tâm lý học thứ ba, lộ trình đua đứng thứ tư (có lợi cho đội Anh quen đua chặng ngắn) và yếu tố tiền chỉ xếp thứ năm.
Bởi thế, để chúc thành công cho tuyển Olympics của Việt Nam mùa hè này tại London hay bốn năm tới ở Brazil, chúng ta cần chúc cả nước có quyết tâm cải tổ môi trường theo chuẩn GES để tăng số sân chơi và sân tập, giảm các 'sân nhậu' cho giới trẻ.
Nói như nhà báo thể thao Matthew Syed ở Anh thì trông cậy vào tài năng tự nhiên chỉ là huyền thoại, vì thành tích thể thao chính phần kết quả của năng lực tạo ra một văn hóa ham học vì tính hiệu quả.
Có như thế thì mỗ̉i kỳ Olympics sẽ là một lần thể hiện Tham Vọng chứ không chỉ Hy Vọng chiến thắng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét