Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

42 công dân đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc


Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 7 năm 2012

Kính gửi: Thường trực Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh
Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

(v/v: Đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, mưu toan xâm chiếm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông)

Sau khi Luật Biển được Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số áp đảo, nhà cầm quyền Trung Quốc đã hằn học dùng các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng và Nhà nước Trung Quốc công kích, đe dọa Việt Nam, thành lập và xây dựng chính quyền cái gọi là “Thành phố Tam Sa” (Tam Sa thị) gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho gọi thầu công khai những lô dầu nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng các đội hải giám, ngư chính mà thực chất là các tàu vũ trang tiếp tục bách hại, cướp bóc ngư dân Việt Nam. Ngày 12-07-2012 Trung Quốc lại mở cuộc ra quân rầm rộ gồm 29 tàu đánh cá hiện đại cùng với tàu hậu cần và chế biến hải sản hàng ngàn tấn vào gần đảo đá chữ thập trong quần đảo Trường sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cùng với lời dọa dẫm dùng vũ lực khi gặp cản trở.Những khiêu khích chưa dừng lại, họ tuyên bố thành lập khu quân bị Tam Sa và đưa quân đến đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chuẩn bị diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông Những hành động thô bạo trên đây đã đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà cha ông chúng ta qua nhiều thế hệ đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ cho đến ngày nay.Tại hội nghị các ngoại trưởng của khối ASEAN ở Phnom Penh, thông qua nước chủ nhà Campuchia, Trung Quốc, kẻ đứng sau bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary thảm sát mấy triệu dân Campuchia, đã phá hoại sự thống nhất của khối ASEAN làm cho Hội nghị không công bố được tuyên bố chung trong đó có điều khoản nói về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, điều chưa từng xảy ra từ khi khối ASEAN được thành lập đến nay. Điều đó càng chứng minh ý đồ độc chiếm Biển Đông, phá hoại sức mạnh đoàn kết giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, bao vây Việt Nam và không loại trừ khả năng nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, tự lột trần 16 chữ vàng và 4 tốt giả dối mà từ trước tới nay họ vẫn rêu rao.

Đứng trước tình hình cấp bách và nguy hiểm nói trên, chúng tôi, những công dân yêu nước và những người đã từng tham gia phong trào đấu tranh thống nhất đất nước trước 1975; từng giữ những cương vị trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng sau 1975, ký tên dưới đây đề nghị:
1/ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần có chủ trương để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn thể thành viên trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị xã hội khác đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành để nói lên ý chí của nhân dân thành phố chống âm mưu bành trướng, xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc mà gần đây nhất là những hành động gây hấn khiêu khích như đã nói ở trên

2/ Trong trường hợp Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vì lý do gì không có chủ trương nói trên thì chúng tôi, những công dân của thành phố, thực hiện quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp, tự đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành, thể hiện quyết tâm của nhân dân thành phố, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Chúng tôi sẽ thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức cuộc biểu tình tuần hành nói trên. Để cuộc biểu tình có kết quả tốt đẹp chúng tôi kiến nghị bố trí lực lượng chức năng giữ gìn trật tự an ninh, giúp chúng tôi phát hiện những kẻ quá khích có những hành động đi ngược lại mục tiêu chống hành động bành trướng, xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc mặt khác tránh việc bắt bớ, đàn áp những người yêu nước như trong cuộc biểu tình ngày 01-07-2012 vừa qua. Rất mong nhận được phúc đáp sớm nhất.

Trân trọng,
Đồng ký tên,





1/ Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp Hồ Chí Minh
2/ Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin Sáng
3/ Linh mục Huỳnh Công Minh
4/ Hồ Ngọc Cứ, Luật gia, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
5/ Tương Lai, Giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6 /Huỳnh Tấn Mẫm, Bác sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975.
7/Trần Hữu Tá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
8/ Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist).
9/ Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist).
Hiện đang ở nước ngoài, đã đồng ý ký tên.
10/ Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 4, 5.
11/ Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
12/ Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố).
13/ Võ Thị Bạch Tuyết, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
14/ Linh mục Thiện Cẩm, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
15/ Hồ Hiếu, nguyên cán bộ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ TP Đà Lạt, nguyên Chánh văn phòng Quận ủy Quận 1, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu tù chính trị Côn Đảo
16/ Ngô Văn Phương, nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 6, nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa 5
17/ Phạm Đình Trọng, nhà văn.
18/ Nguyễn Hoàng Trúc, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè
19/ Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo.
20/ Trần Văn Mỹ, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên giảng viên Đại học Sài Gòn
21/ Nguyễn Xuân Lập, nguyên Phó Chủ tịch Hội Y Dược Việt Nam, Trưởng đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn (trước 1975)
22/ Nguyễn Huy Diễm, Bác sĩ, nguyên Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa năm 1971-1972, cựu tù chính trị Côn Đảo
23/ Hà Thúc Huy, Tiến sĩ, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh
24/ Phan Thị Hoàng 0anh, Tiến sĩ, Giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
25/ Dương Hồng Lam, nguyên Tổng giám đốc Vinabico, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung Ương cục Miền Nam
26/ Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới - Saigontourist.
27/ Lê Thân, nguyên cán bộ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Thành phố Đà Lạt; cựu tù chính trị Côn Đảo
28/ Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ
29/ Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Lực lượng Phụng sự Lao động (trước 1975)
30/ Đỗ Hữu Bút, nguyên cán bộ Thành đoàn
31/ Trương Hồng Liên, nguyên cán bộ Thành đoàn
32/ Đỗ Trung Quân, nhà thơ, nhà báo; nguyên thành viên lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.
33/ Tuấn Khanh, nhạc sĩ
34/ Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo
35/ Nguyễn Quốc Thái, nhà báo
36/ Nguyễn Viện, nhà văn
37/ Nguyễn Hòa, nhà báo tự do
38/ Trần Hữu Kham, cựu tù chính trị Côn Đảo, thương binh
39/ Trần Hữu Khánh, cựu biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ
40/ Bùi Chát, nhà thơ, hoạt động xuất bản độc lập
41/ Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ
42/ Tô Lê Sơn, Kỹ sư Kinh tế

Được đăng bởibauxitevnvào lúc01:35 
Nguồn: Bauxite Việt Nam


RFA - Những chi tiết liên quan đến vụ tự thiêu của Mẹ blogger Tạ Phong Tần


RFA 

Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ blogger Tạ Phong Tần vừa qua đời vào lúc 3:35 chiều ngày 30/7. Công an cho biết bà tự thiêu ngay trước trụ sở UBND tỉnh Bạc Liêu.



Cha Giuse Đinh Hữu Thoại trong một lần thăm Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ blogger Tạ Phong Tần tại thị xã Bạc Liêu ngày 12 tháng 1 năm 2012. - Photo courtesy of VRNs 

Vào khoảng 9:30 tối cùng ngày, những người thân quen của gia đình blogger Tạ Phong Tần cho chúng tôi biết hiện công an đã ép gia đình phải đưa xác của bà cụ vào bệnh viện tỉnh Bạc Liêu mà không cho đem về nhà. Còn hai người con của bà đang bị nhốt trong xe cấp cứu.

Đến khoảng 12 giờ đêm, gia đình chị Tạ Phong Tần cho biết đã đưa xác của bà Liêng về nhà.

Chị Tạ Khởi Phụng, con gái bà Liêng, cho Khánh An biết:
Chị Tạ Khởi Phụng: Mới đưa về lúc khoảng 8 giờ, 9 giờ gì đó, không có coi đồng hồ.

Khánh An: Nghe nói lúc chị ở trên xe, (gia đình) muốn đưa xác của bà về nhưng người ta bắt phải đưa đến bệnh viện, điều này có đúng không?

Chị Tạ Khởi Phụng: Dạ đúng. Em có kêu tài xế lái đưa về nhà mà ổng không chịu. Ổng lái vô bệnh viện. Em mới lên bẻ tay lái ổng mà ổng cứ lái vô. Hai ba người nắm em lại. Em leo lên trước bẻ vô-lăng mà ba người nắm em lại.

Khánh An: Những người đó là ai?

Chị Tạ Khởi Phụng: Nó nói là bác sĩ nhưng mình đâu có biết. Có một người quen, mình biết là “người đó” đó. Người của mấy người đó đưa vô nhưng nó giả bộ. Mình biết nhưng mà mình giả bộ luôn.

Khánh An: Dạ. Sau đó nghe nói chị và một người khác là anh Phú (con trai bà Liêng) đã bị nhốt ở trên xe có đúng không?

Chị Tạ Khởi Phụng: Không, không phải anh Phú mà là em. Nó chạy xe luôn vô bệnh viện rồi nó để trong bệnh viện. Một hồi sau nó mới mở cửa ra. Lúc đó mình tức quá mình quăng đồ, đập thằng tài xế, mình liệng mấy hũ chao vô chỗ nó quá trời luôn. Nó nói với mình là nó chở mẹ mình về. Mình mới nói: “Tui nói cho anh nghe, anh phải chở mẹ tôi về tại nhà. Anh không được chở vô nhà thương tại vì mẹ tôi chết rồi, không cần chở vào nhà thương nữa”. Nó giả bộ ừ, ừ rồi tới ngã tư quốc tế nó vọt luôn. Em mới nhào lên bẻ vô-lăng của nó, em cắn nó. Ba người là thằng tài xế, một thằng nó nói là bác sĩ nhưng em nghĩ không phải là bác sĩ đâu, và một người giả bộ đi chung, giả bộ nói là quen với gia đình quen với mẹ em hồi xưa, nhưng em biết bà đó là vợ của ông công an, giả bộ lại nhìn nhìn, từ cái lúc mà chị Tần bị tai nạn. Em biết nhưng giả bộ luôn.
Khánh An: Đưa đến bệnh viện rồi sau đó thì sao?

Chị Tạ Khởi Phụng: Đến bệnh viện thì nó bỏ xe nó đi mất tiêu. Rồi mình quậy lên, mình la um sùm, rồi anh mình cũng tới. Mấy ổng lại kêu là phải xét nghiệm tử thi gì gì đó,. Em không cho xét nghiệm mà em kêu chở về nhà nhưng nó không chịu. Nó bắt mấy anh em của em phải ký vô cái đơn thì nó mới cho chở xác về.
Khánh An: Cái đơn đó là đơn gì?

Chị Tạ Khởi Phụng: Xác nhận là tại mẹ em uất ức cho nên tự vẫn. Em mới nói là “Uất ức tự vẫn nhưng mà uất ức cái gì chứ? Chứ tự nhiên nói uất ức tự vẫn?!?” Nhưng mà anh của em lên khuyên là ký giấy đi rồi nhận xác mẹ về vì mình cũng không làm lại nó đâu. Cho nên em thấy vậy cũng đúng nên thôi kệ đi. Chứ bây giờ xác mẹ em từ sáng tới giờ nó bự lên thật bự rồi…

Khánh An: Tin mẹ chị chết do tự thiêu là do ai báo?

Chị Tạ Khởi Phụng: Công an lại nhà báo.

Khánh An: Trong gia đình trước đó không ai hay biết gì hay sao?

Chị Tạ Khởi Phụng: Mẹ em thường thường 5:30 giờ đi uống cà phê. Em ngủ trên gác, em nghe tiếng mở cửa, em cũng thức sớm lắm nhưng em không xuống. Lúc này em cũng không khỏe. Em bị liệt thần kinh số 7, hiện giờ mặt vẫn còn méo, cho nên em nghe tiếng mở cửa mà em không xuống.

Khánh An: Trước đó có bao giờ bà đề cập đến chuyện tự thiêu không?

Chị Tạ Khởi Phụng: Có nói một lần, vào lúc mẹ em đi thưa mấy cái vụ đất đai. Bà tức quá nên có về nói với em một lần.

Khánh An: Khi nào thì gia đình sẽ báo tin này cho chị Tần?

Chị Tạ Khởi Phụng: Nó đâu có cho vô thăm đâu mà báo tin. Hằng ngày đi thăm thì chỉ cho gửi đồ thôi.
Khánh An: Nhưng cũng sắp đến ngày xử chị Tạ Phong Tần rồi?

Chị Tạ Khởi Phụng: Cũng không biết nữa. Đâu có nghe nói gì đâu. Đâu có ai điện báo gì đâu. Gia đình em cơm ngày hai bữa là phải chạy hàng ngày. Nhà em đâu có mạng (internet) đâu, chỉ có cái ti vi nhỏ thôi. Mà nó là cơ quan nhà nước mà, xử cái gì thì phải báo cho gia đình, mà cái này nó không có báo cái gì hết cho nên không biết gì hết.

Khánh An: Vâng. Em cám ơn chị.

Trong khi đó, hiện nay trong dư luận cũng đặt nghi vấn về cái chết của bà Đặng Thị Kim Liêng. Một trong những người quen của chị Tạ Phong Tần đặt thẳng vấn đề:
“Lúc nghe tin này, mình rất đau nhưng nghĩ lại thì mình thấy có nhiều điềm khả nghi. Những nghi vấn mình đặt ra, thứ nhất là bà cụ tự thiêu trước ủy ban. Vậy thì cụ tự đi lên ủy ban hay là có giấy mời lên làm việc, bởi vì cũng sắp đến ngày xét xử (chị Tạ Phong Tần). Trước đó cũng nghe nói là cụ bị áp lực từ chính quyền rất nhiều về vấn đề khai những điều bất lợi cho chị Tần. Điểm thứ hai là một mình cụ làm sao có thể tự thiêu, trong khi nếu cụ có ý định tự thiêu thì cụ sẽ thông báo cho cả nhà, ít nhất là những người con hoặc một người thân nào đó biết. Vậy một mình cụ có thể tự thiêu hay không? Và khi cụ tự thiêu ở một ủy ban, nơi đông người như vậy, thì theo người duy nhất thấy xác của cụ là anh Tú, con của cụ, thì nói là “cháy đen thui luôn”, chứng tỏ là cháy rất lâu. Cháy lâu như vậy mà ở một nơi như ủy ban mà không có ai cản hay không có một phương pháp nào hay sao, lại để cho cụ nằm đó?

Tin từ trong nước cũng cho biết hiện nhiều người quan tâm đang kéo nhau về Bạc Liêu để tìm hiểu chân tướng của vụ việc.”

Cũng cần nhắc lại, blogger Tạ Phong Tần là thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do từ năm 2007. Với nhiều bài viết đăng tải trên blog cá nhân và trên một số trang mạng xã hội khác, chị Tần bị bắt vào tháng 9 năm 2011 với cáo trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, sử dụng công nghệ thông tin… để tuyên truyền xuyên tạc sự thật chống nhà nước.

Thông tin cho biết phiên tòa xử blogger Tạ Phong Tần, blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, và blogger AnhbaSaigon Phan Thanh Hải sẽ diễn ra vào ngày 7/8 tới đây.

Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục cập nhật các chi tiết mới nhất về vụ tự thiêu của bà Đăng Thị Kim Liêng, cũng như những phản ứng tại Việt Nam về vụ tư thiêu này, tại trang web: RFATiengViet.net


Bùi Tín - Ngoại trưởng Indonesia cứu nguy cho ASEAN


Bùi Tín


Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (giữa), Bộ trưởng ngoại giao kiêm phó thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong (trái) và Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta

ASEAN vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc hội nghị lần thứ 45 của ngoại trưởng 10 nước ASEAN lâm vào bế tắc, lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung, do sự phá đám dấu mặt của Bắc Kinh.

Phiên họp cuối chiều ngày 17/7/2012, chủ tọa khóa họp là Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong tuyên bố hội nghị đã không đạt được tuyên bố chung vì có 2 nước nhất định đòi ghi cuộc tranh dành lãnh thổ với một nước lớn vào (ám chỉ Philippines và Việt Nam).

Tân Hoa Xã đưa ngay tin bình luận coi đó là thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Ông Hor Nam Hong sau khi đổ lỗi cho Philippines và Việt Nam, liền thanh minh rằng ông rất công bằng không thiên vị, không bênh một bên nào.

Nhưng các nhà báo quốc tế có mặt rất tinh đời. Báo Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ đều đưa tin là chủ nhà đã làm lợi cho nước lớn, có thể là con ngựa thành Troia của Bắc Kinh, đã bị mua vì Trung Quốc vốn có sẵn cả âm mưu và đô-la. Ngôi nhà họp quốc tế là “Cung Hòa Bình” - Peace Palace, là quà tặng của Trung Quốc, trị giá 20 triệu đô-la.

Một số bài bình luận tỏ ra thất vọng về ASEAN, coi đây là biểu hiện của khủng hoảng và bế tắc, rằng nó không còn tương lai trước một kẻ bành trướng hung hãn, thâm độc có nhiều âm mưu và phương tiện chia rẽ.

Nhưng không phải vậy. Đã có ý cảnh báo Bắc Kinh chớ vội hý hửng, vì tuy đạt về chiến thuật nhưng Bắc Kinh sẽ vấp phải những thất bại chiến lược mới, do các nước ASEAN sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc, sẽ tìm cách thắt chặt đoàn kết hơn trước hiểm họa phương Bắc quá rõ.

Quả đúng như vậy. ASEAN không chia rẽ. ASEAN vẫn đoàn kết. ASEAN vẫn ra được tuyên bố chung 6 điểm nguyên tắc cho những tranh chấp vùng Biển Đông.

Đó là vì tất cả các nước ASEAN không chấp nhận thất bại, ở ngay trong cuộc họp này. Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, và cả Campuchia nữa, cuối cùng cũng nhận ra nhu cầu phải cứu vãn tình thế, vì lợi ích tối cao của mỗi nước, cũng vì lợi ích chung của khu vực.

Những người đóng góp lớn nhất vào sự chuyển biến có hậu này là ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ngoại trưởng Malaisia Amifah Haji, ngoại trưởng Singapor K.Shanmugan.

Trong gần một tuần lễ từ sáng 18/7, các vị này chạy lui chạy tới, đôn đáo trao đổi bàn luận, giúp nhau sáng kiến, củng cố niềm tin để đánh thông bế tắc, tìm ra giải pháp.

Công đầu rõ ràng là thuộc về Ngoại trưởng Indonesia M. Natalegawa, người rất gần với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, một nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến vai trò tập thể của ASEAN. Suốt 4 ngày, ông M. Natalegawa hoạt động không ngơi nghỉ, 2 lần ghé Kuala Lumpur để gặp ngoại trưởng Amifah Haji. Ông này cũng nhắc đi nhắc lại ý mình là “ASEAN phải có tiếng nói duy nhất, phải có tiếng nói thống nhất. Không thể để cuộc họp không có kết luận, sẽ tạo một tiền lệ xấu và nguy hiểm”.

Sau đó ông ghé qua Hà Nội 2 lần, gặp cả tổng bí thư, cả thủ tướng, cả Bộ trưởng Phạm Bình Minh, rồi lại trở về Pnom Penh lần thứ tư để thuyết phục cả thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Hor Nam Hong. Trước đó, ông còn sang Vientiane, Manila.

Ông Natalegawa kể lại trước ngày 17/7 ông đã đích thân thảo đi thảo lại đến 6 lần bản thông cáo chung, từ cụ thể nhất đến chung chung nhất, nhưng đều không được nhất trí. Bản chung cuộc ông đưa ra ngày 25/7 này không nói những tranh chấp cụ thể, chỉ nói đến 6 nguyên tắc nhất trí để thảo ra Văn kiện về ứng xử ở Biển Đông (DOC) trong một cuộc họp sắp tới, điều mà Trung Quốc cũng đã buộc phải tuyên bố đồng tình. Trong bản mới này, có nguyên tắc không được dùng vũ lực là điều Trung Quốc rất quan ngại, vì bị chạm đúng nọc.

Trong cuộc họp báo ngày 25/7 ở Pnom Penh ông M. Natalegawa đứng cạnh ông Hor Nam Hong để trình bày với các nhà báo quốc tế, nói rõ rằng cuộc họp ngoại trưởng ASEAN đã có kết luận nhất trí, “chúng tôi đoàn kết và thống nhất”, “chúng tôi không chia rẽ, không chống đối nhau”. Trung Quốc bị một cú phản kích đau điếng. Ông Trì Hạo Điền hết vênh mặt.

Họat động mạnh mẽ, xuất sắc của ngoại trưởng M. Natalegawa rất đáng khâm phục. Thật ra không có gì là lạ. Ông là một nhà ngoại giao trẻ xuất sắc. Ai đã từng gặp ông ở trụ sở Liên Hiệp Quốc – New York hồi 2006 khi ông hơn 40 tuổi, là Đại diện của Indonesia, có thể thấy ông hoạt bát, thông minh ứng phó ra sao trước các nhà báo quốc tế, với tiếng Anh nhuần nhuyễn, chứ không nói kiểu công thức, theo sách giáo khoa như phần lớn các nhà ngoại giao Hà Nội. Suốt mấy tháng nay ông gặp bà ngoại trưởng Clinton nhiều lần và luôn tâm đầu ý hợp.

Điều dễ hiểu là Indonesia là một nước lớn, rộng gần 2 triệu km2, gồm hơn 17 ngàn đảo,với 240 triệu dân, rộng gấp 6 lần và đông dân gấp 3 lần Việt Nam, rất xứng đáng là nước đầu tầu, nước đàn anh chững chạc, năng động của ASEAN. Lâu nay Indonesia đã chọn con đường liên minh tòan diện với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, tạo thế chiến lược tự tin vững chãi.

Trong khi ấy, bộ trưởng ngoại giao VN ở Pnom Penh và thứ trưởng ngoại giao VN ở Hà Nội khi trả lời các nhà báo Pháp và Nhật Bản…, chỉ có mấy câu trả lời vuốt đuôi kiểu than thân trách phận, rất giống nhau ở chỗ mất tự tin, mất phương hướng: “cuộc họp đã thất bại”, “thật là đáng tiếc”, “tình hình đang xấu đi”, “chúng tôi không hài lòng”. Họ không biết nói gì thêm.

Gương sáng hành động có hiệu quả của nhà ngọai giao Indonesia thật đáng ca ngợi và học tập.


Gia Minh - Tình cảnh công nhân VN tại Nga hiện nay


Gia Minh, biên tập viên RFA

Trong một chương trình trước, chúng tôi đã trình bày tình cảnh đến mức phải kêu cứu của gần 100 công nhân Việt làm công cho một xưởng may của chủ Việt tại Nga. Đến nay vụ việc được giải quyết đến đâu?





Công nhân Việt làm việc tại một xưởng may ở Nga, ảnh minh họa. - File photo

Tình cảnh thêm tuyệt vọng
Sau một tháng rưỡi từ khi gửi đơn kêu cứu đến các cấp lãnh đạo cao nhất nước và các bộ ngành liên quan, đến ngày 30 tháng 7 tình hình của những người công nhân trong đơn được cho biết tệ hại hơn vì phía chủ sử dụng lao động chuyển hết máy móc đi, cấp thức ăn nước uống nhỏ giọt, rồi đưa bảo vệ đến canh gác không cho người lạ vào. Ngay cả những người Việt có lòng tốt ở Nga muốn giúp cũng bị ngăn trở.

Ông Nguyễn Minh Cần, một người Việt sống lâu năm tại Matxcơva vào tối 30 tháng 7 mô tả lại tình hình mà theo ông là ‘tuyệt vọng đến cùng cực’ của số 89 người còn lại tại xưởng may của công ty Vinastar:
“Tình hình bây giờ khó khăn hơn: chủ xưởng may dù đứng tên là bà Trần Thị Kim Dung, nhưng thực chất là người chồng tên Tuân trực tiếp điều hành tại đó. Ông này bị nhiều người Việt ở đây biết và cho rằng độc ác, mà từ chính xác họ dùng là ‘tay đầu gấu’. Anh ta có người bà con làm cán bộ cấp cao ở Bộ Nội vụ Việt Nam. Người ta cũng cho biết đúng theo từ họ dùng là ‘anh ta đã mua những quan chức ở Sứ quán’. Và anh ta cũng đã mua những người đứng đầu cảnh sát vùng đó, địa phương đó. Từ đó anh ta nghênh ngang, cho rằng ‘thế’ vững vàng.

Ngày 26 tháng 7 họ đến dọn hết máy móc, đồ đạc, nồi nêu xoong chảo… đi chỗ khác; để lại 89 công nhân. Trong số 102 người, có một số đã khuất phục họ và đi theo họ để làm việc với 30 công nhân cũ tại một xưởng khác.


Một công nhân Việt Nam làm việc ở xưởng may Vinastar tại Matxcơva - Nga. Screen capture.

Họ giam 89 người đó trong nhà đó khóa lại, tắt điện và cho người canh gác. Đến 3 chiều họ phát cho mỗi người một bát cháo và một cốc nước. Họ nói rằng không có bữa ăn trưa. Đến 18 giờ chiều, họ đến phát cho mỗi công nhân một bánh mì và một chai nước rồi tuyên bố từ này trở đi mỗi ngày chỉ phát một bánh mì và một chai nước.”

Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Cần thì chủ nhân xưởng may Vinastar đang áp dụng những biện pháp vừa nói nhằm làm lung lạc ý chí của những công nhân đang trong tình cảnh tuyệt vọng suốt thời gian qua.
Thái độ của sứ quán

Trong tường trình trước, chính một công nhân thuật lại phiên làm việc giữa đại diện sứ quán Việt Nam tại Nga là ông Nguyễn Hùng Anh cùng đại diện Cục Lao động Ngoài nước, ông Đoàn Kim Trung, về việc ông Nguyễn Hùng Anh bỏ về cho rằng công nhân không tin tưởng. Ông tuyên bố là chỉ giúp ai tin vào Đảng và Nhà Nước chứ không giúp cho những ai phản bội. Điều đó làm cho công nhân hoang mang. Đến lúc này sau khi một số cơ quan truyền thông quốc tế như BBC và Đài chúng tôi loan tin về vụ việc, thì các công nhân lại bị quy kết có lực lượng nước ngoài đứng sau lưng họ để đòi hỏi quyền lợi.

Váo tối 30 tháng 7, chúng tôi gọi điện đến cho ông Nguyễn Hùng Anh để hỏi về những thông tin được công nhân phản ánh; thế nhưng ông này sau một lần gọi cho rằng sóng điện thoại yếu không thể trả lời, lần gọi tiếp thì từ chối trả lời qua điện thoại và yêu cầu gửi câu hỏi đến Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva theo địa chỉ công khai trên trang web của Đại sứ quán.

Tổ chức bảo vệ người lao động
Chúng tôi cũng liên lạc với Tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, và một thành viên của tổ chức này là ông Trần Ngọc Thành cho biết:


Một công nhân Việt Nam làm việc ở xưởng may Vinastar tại Matxcơva - Nga. Screen capture.

“Thực ra Nga là một nước Cộng sản, hệ thống pháp luật Nga hay hệ thống cảnh sát ở Nga (đối với người Việt tại đó) cũng được bao che bởi những lực lượng thân Hà Nội hiện nay. Từ trước đến nay có nhiều vụ như vậy nhưng chưa có vụ nào nghiêm trọng như vụ này. Từ trước đến nay việc kêu cứu của công nhân ở đó không kịp thời, và phương tiện truyền thông đến anh em không có điều kiện. Nhưng qua vụ này anh em ở Matxcơva mạnh dạn đưa ra cho mọi người nên mới biết. Đây là việc mà nhà cầm quyền Việt Nam không phải bây giờ mà từng tiếp tay cho những công ty môi giới đưa công nhân Việt Nam đến những nơi có người họ làm chủ. Lâu nay chúng ta nghĩ công nhân lao động Việt Nam bị các chủ Malaysia, Đài Loan ngược đãi; nhưng vụ này là chính người chủ Việt Nam - bà Trần Thị Kim Dung và chồng Nguyễn Quang Thân, bóc lột đồng hương của mình.”

Thông tin cho biết hiện có vài ngàn xưởng may tương tự như xưởng may Vinastar tại Nga. Nhiều chủ xưởng như Vinastar thông qua các đơn vị môi giới hay cả những tay môi giới tư nhân tại Việt Nam tìm người cho họ. Theo như điều tra của Tổ chức Bảo vệ Người Lao động thì khi ở Việt Nam, những đơn vị và người môi giới đưa ra những điều kiện hết sức hứa hẹn cho đối tượng muốn đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng khi đến được Nga hay những nơi khác rồi thì chủ sử dụng có những thủ thuật thay đổi hợp đồng để buộc người lao động bị ràng buộc vào họ; để rồi dù bị bóc lột thậm tệ như nô lệ vẫn không thể thoát ra được.


Bùi Văn Bồng - Sao ta lại quá giống người ta?


Bùi Văn Bồng

Trang Bauxite Việt Nam mới đăng bài “Giai cấp chính trị mới của Trung Quốc: người dân” của tác giả Elizabeth C. Economy (nhà nghiên cứu thâm niên thuộc Chương trình C.V. Starr và là giám đốc Ban Nghiên cứu châu Á tại trung tâm nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ), bản dịch của Trần Ngọc Cư.


Bài viết mở đầu bằng câu: “Quyền lực đã bắt đầu đến tay người dân Trung Quốc (TQ). Khi các quan chức chóp bu của TQ đang hội họp tại Bắc Đới Hà để đúc kết việc lựa chọn ban lãnh đạo mới cho đất nước, đầu óc họ còn bị ám ảnh bởi một giai cấp chính trị khác ngày càng có sức mạnh – đó là người dân TQ”.

Với một thể chế chính trị mang danh đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, ngụy trang bằng xã hội theo dân chủ, mà nay xảy ra hiện trạng như vậy thật là trớ trêu. Vậy là, cho đến nay, cho dù tự khoa trương, tự huyễn hoặc đến cỡ nào, thì xã hội của TQ đã mất dân chủ từ lâu rồi, không còn mang cái bản chất mà họ cứ hô toáng lên là chế độ Cộng sản. Đảng Cộng sản là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà nay lại coi “người dân là giai cấp chính trị mới” (?!), chúng tỏ giới cầm quyền của Đảng Cộng sản TQ hiện nay thuộc giai cấp khác, biểu hiện ngày càng rõ là giai cấp tư sản đặc quyền đặc lợi, các nhà “tư sản đỏ”. Họ chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân và phe cánh, không quan tâm gì đến người dân, mặc cho tình trạng nguy hại xảy đến với hàng vạn người dân như trường hợp mới xảy ra gần đây trong “vụ ngập nước đã gây thiệt hại 1,88 tỉ đôla, khiến 65.000 cư dân phải sơ tán và 77 người thiệt mạng”. Trong khi đó “nhân viên cảnh sát bận viết giấy phạt cho các xe cộ bị bỏ lại trên đường hơn là giúp đỡ người dân đang cần cứu hộ; và công nhân tại các trạm thu lộ phí vẫn tiếp tục thu tiền khi dân chúng hốt hoảng cố thoát con nước đang dâng cao”.

Từ Bắc Kinh đến Giang Tô đến Quảng Đông, công dân TQ đang vận động để tiếng nói của họ được lắng nghe trên Internet và hành động của họ được cảm nhận từ thực tế hoàn cảnh của dân chúng. Đó là vụ ngập nước khủng khiếp tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Cả tờ Hoàn cầu Thời báo, được coi là bái "lề phải" của Nhà nước cũng nói rằng uy tín của chính phủ bị suy giảm rất nhiều vì đã thiếu quan tâm đến nỗi thống khổ trong thiên tai của người dân. Người dân Bắc Kinh trong cơn nguy biến cứ phải ngóng cổ chờ mong các quan chức hành động cứu khổ cứu nạn.

Bài báo cũng không quên biểu dương một số tấm gương, có cả quan chức địa phương mở trang web và tung lên mạng những thông báo nhằm tiếp cận và sẵn sàng giúp đỡ người dân. Bài báo cũng nêu lên những thực trạng buộc người dân phải thể hiện rõ đấu tranh dân chủ. trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản TQ. Ví dụ: “[…] tại huyện Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nông dân TQ một lần nữa đã xuống đường trong một nỗ lực kiếm tìm công lý, chống lại tệ tham nhũng của quan chức địa phương và nạn cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp. Ở đây cũng thế, Internet tỏ ra là một yếu tố quyết định: người dân địa phương phát hiện trước tiên các vụ bán đất bất hợp pháp nhờ đọc các website chính phủ.

Quan chức TQ đang tìm phương cách hữu hiệu nhất để lèo lái một hiện tượng ngày càng phổ biến là quyền lực của người dân đang được thể hiện qua Internet.”

Ôi, đọc bài thấy thực trạng xã hội TQ sao giống ta quá, nhất là sau khi Đảng ta có nghị quyết Trung ương 4 đánh giá thực trạng, và ai cũng thấy rõ thực trạng xã hội ở nước ta cũng “y chang” như vậy. “Tại một cuộc họp các bí thư thành uỷ mới đây, ông Lý Nguyên Triều, người trông coi việc bổ nhiệm các quan chức, trong địa vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Đảng và có khả năng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã nói rất mạnh về nhu cầu là các Bí thư đảng bộ địa phương phải “hiểu và tuân theo ý dân”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh các quan chức phải hiểu rằng trên cơ bản họ chỉ là “đầy tớ của dân” và rằng sự thoả mãn của người dân là cái thước cơ bản nhất để đo công tác của các quan chức.” Sao mà ông Lý Nguyên Triều phát biểu giống như ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng quá vậy?

Các quan chức ở TQ đang ra sức vận dụng công nghệ thông tin này để gửi thông điệp của chính mình đến người dân. Bà Vương Huệ, người phát ngôn của thành phố Bắc Kinh, đã đưa ý kiến lên trang mạng của cá nhân của mình để trả lời những lo lắng của người dân một cách tương đối cởi mở và trực tiếp. Bà gọi những bất bình của người dân là “rất bình thường” và nhìn nhận rằng chính phủ còn nhiều thiếu sót. Cán bộ ta đã có ai làm được như thế chưa? Trong khi đó, biết bao nhiêu chuyện xảy ra ngay giữa “Thủ đô văn hiến” vi phạm quyền dân chủ tạo ra những bất bình trong nhân dân và công luận thì chính quyền Hà Nội không những “bình chân như vại” mà còn phát ngôn bừa bãi cho người dân là nghe theo xúi giục của các “thế lực thù địch”. Cán bộ địa phương ở Trung Quốc còn giỏi vi tính, quan tâm đến mạng, tiếp cận với mạng và coi Internet là kênh trực tuyến tiếp xúc với dân. Còn ở ta lại đi tìm cách chặn mạng, thanh tra mạng, dọa nạt mạng, coi cư dân mạng như kẻ thù, hơi một chút là áp đặt có sự xúi giục, bọn cơ hội, liên quan đến sự chống phá, mắc mưu các “thế lực thù địch”. Lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện chính sách xã hội thế nào mà để sinh ra lắm kẻ thù đến thế?

Cái khác ta, hơn ta còn ở chỗ có nhiều quan chức và văn phòng chính phủ có tài khoản (account) trên Weibo mà họ có thể sử dụng để liên lạc trực tiếp với cử tri của mình: trong một huyện của tỉnh Chiết Giang, một bài kiểm tra về khả năng viết (writing test) trên mạng xã hội Weibo hiện nay được đưa vào kỳ thi thăng thưởng cho các viên chức địa phương. Và, mặc dù các cơ quan kiểm duyệt của Đảng đã phản ứng mạnh tay đối với các chỉ trích liên quan nhằm “giữ vững uy tín Đảng Cộng sản TQ”, nhưng có không ít trang mạng của người dân (nhà báo tự do) đã nói thẳng ra rằng: “Có uy tín đâu mà giữ? Lo đi giữ cái không có à!”. Còn ngược lại ở ta thì các cán bộ, đảng viên dù có chính kiến, dù quan điểm đúng, muốn lo vì dân, thương dân, muốn đối thoại thoải mái, chân tình với người dân, nhưng khi nem nép nhìn, xin ý kiến, dò ý cấp trên rồi thì im như thóc, thậm chí còn vào hùa nịnh nọt, nói và làm trái lòng mình, thậm chí còn lợi dụng “đục nước béo cò” để tâng công, mong có cơ hội vơ lợi về cho cá nhân. Thật là hổ thẹn! Và nữa, đất nước đang gặp nhiều bất ổn, nguy cơ không còn hòa bình, nguy cơ mất chủ quyền, mất độc lập dân tộc, kẻ thù trực tiếp trước mắt, kẻ thù còn lẻn vào cư ngụ ngay trong “nhà” mình mà cứ hô hoán “thế lực thù địch” tận đâu đâu, thì đó mới chính là “diễn biến hòa bình”?!

Một bài viết về Đảng Cộng sản Trung Quốc lột tả vấn đề xã hội, phơi bày một thể chế chính trị-xã hội như vậy, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc theo Chủ nghĩa Mác-Lê-nin chỉ là thứ giả hiệu ngay từ thời Mao Trạch Đông, lừa mị dân, lừa mị thiên hạ. Trong khi đó, bản chất về quan điểm tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhà cầm quyền Bắc Kinh là đậm đà chất tư bản, thậm chí độc quyền, quân chủ chuyên chế chẳng khác nào thời đế chế độc tài Tần Thủy Hoàng.

Khi có quan hệ với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cần khẳng định được tính đúng đắn và ưu việt của một Đảng Cộng sản chân chính như luận thuyết và bản chất vốn có của nó, không nên nghe sự xúc xiểm, xúi giục và ngon ngọt dụ dỗ, lừa đảo đẻ bị phụ thuộc. Độc lập và tự chủ dân tộc phải được thể hiện qua sự độc lập về đường lối, chủ trương, chính sách và cả cơ cấu nhân sự, phải căn cứ vào sự thực thi nó để thể hiện là chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nếu không chỉ thì “y chang”, một thứ “bản sao’ của Tàu, là thứ vỏ bọc bề ngoài lừa mị thiên hạ như kiểu Đảng Cộng sản TQ. Cho nên, trong bối cảnh này, cái gì giống Tàu mà có hại, mất uy tín cho Đảng, bị nhân dân tỏ ra muốn đối trận thành “giai cấp khác” như “Cộng sản kiểu Tàu” thì nên hết sức tránh. Cái gì giống Tàu (hoặc giống Tây) mà có lợi cho dân, đem lại văn minh, công bằng, lành mạnh cho xã hội thì phải hết sức làm. Trông người mà thấy ngao ngán, và cũng nhiều trăn trở ngẫm đến ta.

B. V. B.
Nguồn: Bauxite Việt Nam

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Elizabeth C. - Giai cấp chính trị mới của Trung Quốc: người dân



Elizabeth C. Economy,
Council on Foreign Relations, 26 July 2012
Trần Ngọc Cư dịch

 Quyền lực đã bắt đầu đến tay người dân Trung Quốc (TQ). Khi các quan chức chóp bu của TQ đang hội họp tại thành phố biển Beidaihe để đúc kết việc lựa chọn ban lãnh đạo mới cho đất nước, đầu óc họ còn bị ám ảnh bởi một giai cấp chính trị khác ngày càng có sức mạnh – đó là người dân TQ. Từ Bắc Kinh đến Giang Tô đến Quảng Đông, công dân TQ đang vận động để tiếng nói của họ được lắng nghe trên Internet và hành động của họ được cảm nhận trên đường phố. Chẳng hạn trong vụ ngập nước khủng khiếp tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Cho đến thời điểm này, theo ước tính của chính quyền địa phương, vụ ngập nước đã gây ra 1,88 tỉ đôla thiệt hại, khiến 65.000 cư dân phải sơ tán và 77 người thiệt mạng. Chính quyền địa phương rõ ràng thiếu chuẩn bị: hệ thống báo động trước không hoạt động; tin tức cho biết nhân viên cảnh sát bận viết giấy phạt cho các xe cộ bị bỏ lại trên đường hơn là giúp đỡ người dân đang cần cứu hộ; và công nhân tại các trạm thu lộ phí vẫn tiếp tục thu tiền khi dân chúng hốt hoảng cố thoát con nước đang dâng cao. Sự chỉ trích của người dân đối với cách thức chính phủ đối phó cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp diễn không khoan nhượng, và ngay cả tờ Hoàn cầu Thời báo của Nhà nước cũng nói rằng uy tín của chính phủ bị thiệt hại vì đã đáp ứng yếu ớt trước sự mong đợi của dân chúng.


Nhưng trong những biểu hiện đáng lưu tâm, sự thụ động của chính phủ đã trở thành một câu chuyện phụ. Người dân Bắc Kinh không ngóng cổ chờ mong các quan chức làm theo lẽ phải. Như tờ Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (China Digital Times) mô tả, diễn đàn xã hội Weibo đã trở nên sinh động vì những lời đề nghị giúp đỡ như: “Tôi ở gần Cổng Đông Thiên Đàn. Nếu bà con nào gần đó cần nghỉ ngơi, xin mời đến nhà tôi…”; “Văn phòng tôi ở Tòa Kỵ Trang (Zuojizhuang) A2 Vườn Hữu nghị Bắc Kinh 1-6H. Chúng tôi có nước, chút thức ăn, TV, máy vi tính, wifi, giường, ghế xôfa, Sanguo Sha và vòi tắm nóng! Tất cả miễn phí!...”. Hàng trăm người đã lái xe đến sân bay thủ đô Bắc Kinh để ra sức giúp đỡ trên 80 ngàn hành khách bị mắc kẹt tại đó.

Đi về phía Nam duyên hải TQ, một dạng thức khác của quyền lực người dân đã bắt đầu xuất hiện, một thế hệ mới những nhà hoạt động chính trị đang thành hình. Tại huyện Kỳ Đông (Qidong), tỉnh Giang Tô (Jiangsu), những lo ngại về y tế cộng đồng đã thúc đẩy hàng ngàn học sinh trung học và các thành phần khác tổ chức biểu tình để ngăn chặn việc xây cất một nhà máy xử lý nước cống mới. Nhờ Internet, học sinh đã tìm được sự khích lệ từ cuộc biểu tình vào tháng Sáu tại huyện Thập Phương (Shifang), tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), nơi hàng ngàn người (kể cả học sinh trung học) đã chặn đứng kế hoạch xây một nhà máy hợp chất đồng - molybden. Với cuộc biểu tình tại huyện Kỳ Đông (Qidong) được dự trù diễn ra vào thứ Bảy này [28-7], các quan chức địa phương đang làm việc ngoài giờ để chặn đứng cuộc xuống đường, thậm chí còn kêu gọi các giáo viên đang nghỉ hè phải trở về để buộc học sinh phải ở nhà.

Đi thêm về phía Nam, tại huyện Phật Sơn (Foshan), tỉnh Quảng Đông, nông dân TQ một lần nữa đã xuống đường trong một nỗ lực kiếm tìm công lý, chống lại tệ tham nhũng của quan chức địa phương và nạn cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp. Ở đây cũng thế, Internet tỏ ra là một yếu tố quyết định: người dân địa phương phát hiện trước tiên các vụ bán đất bất hợp pháp nhờ đọc các website chính phủ.

Quan chức TQ đang tìm phương cách hữu hiệu nhất để lèo lái một hiện tượng ngày càng phổ biến là quyền lực của người dân đang được thể hiện qua Internet. Chắc chắn là, các quan chức đang ra sức vận dụng công nghệ thông tin này để gửi thông điệp của chính mình đến người dân. Nhiều quan chức và văn phòng chính phủ có tài khoản (account) trên Weibo mà họ có thể sử dụng để liên lạc trực tiếp với cử tri của mình: trong một huyện của tỉnh Triết Giang (Zhejiang), một bài kiểm tra về khả năng viết (writing test) trên mạng xã hội Weibo hiện nay được đưa vào kỳ thi thăng thưởng cho các viên chức địa phương. Và, mặc dù các cơ quan kiểm duyệt của Đảng đã phản ứng mạnh tay đối với các chỉ trích liên quan việc thành phố Bắc Kinh đối phó nạn ngập lụt vừa qua, người phát ngôn của thành phố Bắc Kinh, bà Vương Huệ (Wang Hui), đã dùng tài khoản cá nhân để trả lời những lo lắng của người dân một cách tương đối cởi mở và trực tiếp. Bà gọi những bất bình của người dân là “rất bình thường” và nhìn nhận rằng chính phủ còn nhiều thiếu sót.

Một số quan chức trong ban lãnh đạo Đảng cũng nhìn nhận rằng thách thức mà họ đang gặp phải trong việc xây dựng một guồng máy quản trị quốc gia hữu hiệu không phải chỉ là đưa ra các thông điệp hay ho. Tại một cuộc họp các bí thư thành bộ mới đây, ông Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), người trông coi việc bổ nhiệm các quan chức, trong địa vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Đảng và có khả năng vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị, đã nói rất mạnh về nhu cầu là các Bí thư đảng bộ địa phương phải “hiểu và tuân theo ý dân”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh các quan chức phải hiểu rằng trên cơ bản họ chỉ là “đầy tớ của dân” và rằng sự thoả mãn của người dân là cái thước cơ bản nhất để đo công tác của các quan chức.

Thông điệp của Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao) là điều được đưa ra nhiều lần trong những năm gần đây, nhưng rõ ràng là ít có hiệu quả. Nhưng, hình như những tác nhân chính trị mới của đất nước – người dân Trung Quốc – đã nghe qua thông điệp của họ Lý và càng muốn lên mạng xuống đường để cho các quan chức địa phương biết rằng họ không thể quên nó.

E.C.E
Elizabeth C. Economy là nhà nghiên cứu thâm niên thuộc Chương trình C.V. Starr và là giám đốc Ban Nghiên cứu châu Á tại trung tâm nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ.

Nguồn: blogs.cfr.org
Nguồn: Bauxite Việt Nam


Đào Tuấn - Không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo


Đào Tuấn

Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử lý nghiêm minh.


Thông tin “không khởi tố vụ án hình sự” đối với vụ 2 phóng viên VOV bị hành hung dã man đã được Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên chính thức xác nhận. Trả lời Tuổi Trẻ, Đại tá Nguyễn Văn Minh lý giải là vì “Không cần thiết”. Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên Dương Văn Cảnh sau đó giải thích: 2 nhà báo đã đề nghị không giám định thương tật, trong khi với tội danh “cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác”, phải có kết quả giám định để xem xét có thể khởi tố vụ án hình sự được hay không.

Phải khẳng định dư luận hoàn toàn không bất ngờ với hướng xử lý vụ việc của Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi có thông tin chính thức, một câu hỏi cay đắng không thể không đặt ra “Liệu các nhà báo phải bị đánh đến như thế nào? Hay phải tử vong tại chỗ?” thì vụ án hình sự mới được khởi tố. Việc một vụ án quá rõ ràng, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng và gây công phẫn xã hội xử lý theo kiểu “mưa to như mưa nhỏ”, sẽ tạo ra một “tiền lệ Hưng Yên” cực kỳ nguy hiểm cho phép những nhân viên công vụ trong chính quyền thoát tội miễn đòn hội đồng không gây thương tích “đến 11% sức khỏe”, hoặc vì sức ép nào đó, nạn nhân từ chối giám định, đề nghị không khởi tố vụ án.

Trong vụ hành hung nhà báo ở Hưng Yên, rất tình cờ, đã có một video clip ghi lại toàn bộ hình ảnh vụ việc. Clip này đã được gửi tới giám định tại Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an. Cả nước đã nhìn thấy vụ hành hung, cực kỳ dã man. Duy chỉ có Viện Khoa học hình sự là “không thấy” khi họ cho rằng nhưng hình ảnh này “chất lượng thấp, quá mờ nhòe” nên không thể làm rõ được đối tượng đã hành hung 2 nhà báo. Các nhà báo cần một kíp quay phim với máy quay chất lượng HD đi kèm để không tự biến mình từ nạn nhân trở thành tội phạm, phạm tội vu khống cơ quan công quyền? Hay Hưng Yên cần thượng tôn pháp luật để kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về mặt pháp luật, gây công phẫn về mặt tâm lý xã hội?

Hai tháng trước, tỷ lệ % các nhà báo đã và đang bị cản trở nghề nghiệp do RED Communication công bố khiến dư luận choáng váng: 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức. Thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam trong số 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên chỉ có 4 vụ được khởi tố. Nguyên nhân hầu hết là thiếu chứng cứ. Đại loại như một bức ảnh, một video clip. Đáng lưu ý là cả 4 vụ này, không vụ nào được khởi tố theo điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Dường như, với cơ quan công quyền, tấm thẻ nhà báo, hay việc kêu gào “Chúng tôi là nhà báo. Chúng tôi là phóng viên” hoàn toàn không lọt tai họ, chỉ vì họ “đang tức giận” và “không bình tĩnh”.
Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử lý nghiêm minh.

Trong vụ việc này, có một chi tiết rất đáng chú ý: Cả 2 phóng viên của VOV đều “không đề nghị khởi tố hình sự vụ án”, và từ chối giám định thương tích. Dù với bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm không thể che dấu. Thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng ngàn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung. Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?

Đ.T.
Nguồn: daotuanddk.wordpress.com


Lê Phan - Tại sao độc tài thích côn đồ?


Hồi còn mồ ma nhà độc tài Haiti Papa Doc Duvalier, ông có một nhóm côn đồ mà ông gọi là dân quân tự nguyện cho an ninh quốc gia, nhưng dân chúng thì gọi đám đó là Tonton Macoutes, dựa trên tiếng Creole chỉ một kẻ “bogyman”, một tên ngoáo ộp.


Cái tên Tonton Macoutes ở vùng Caribbean quả thật đã trở thành đồng nghĩa với côn đồ của chính quyền.
Nhưng nào phải ông Duvalier là người duy nhất. Hiện nay chẳng hạn là trường hợp ông Bashar al-Assad. Ông có thiếu gì cách để giết dân mình. Ông đã cho phép trực thăng vũ trang và xe tăng bắn vào lực lượng nổi dậy ngay trong thủ đô của mình. Tòa Bạch Ốc còn khuyến cáo Syria đừng sử dụng vũ khí hóa học. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã tuyên bố cuộc chiến ở Syria là một cuộc “nội chiến”.

Nhưng ngay cả khi bạo động đang ngày càng gia tăng ở Syria, vũ khí tệ hại nhất trong kho súng của ông Assad rất thô sơ, rõ ràng là low-tech. Có quá nhiều lần rồi tiến trình diễn tiến giống hệt nhau: Ðầu tiên quân đội chính quy pháo kích, bỏ bom vào các làng xóm theo phe nổi dậy cho đến lúc họ không còn sức kháng cự nữa. Lúc đó chính quyền tung vào đám dân quân Alawite, một đám chiến binh chẳng có đồng phục, chẳng có chỉ huy, nhưng rất có tài giết người.

Ðược gọi là “Shabiha”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “ma”, họ đã trở thành tiêu biểu cho sự tàn bạo của chế độ Assad. Sở dĩ họ được gọi như vậy là vì nơi nào có những vụ thảm sát thì thường nơi đó có sự xuất hiện của những Shabiha. Cách đây vài tuần, ở làng Tremseh, các Shabiha được nói đã tham gia trận chiến và để lại nhiều trăm người thiệt mạng. Các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc họ trực tiếp dính đến vụ thảm sát 108 người ở Houla hôm tháng 5, khoảng nửa trong số đó là trẻ em. Toán dân quân này của ông Assad cũng đã bị tố cáo nhúng tay vào một vụ đổ máu kinh hồn ở Mazrat al-Quber, gần Hama, không lâu sau đó.
Theo những người biết về Syria, đây là một lực lượng được tổ chức lỏng lẻo tùy theo nơi sinh, lực lượng Shabiha đứng ngoài hệ thống chỉ huy của quân đội. Người ta nghĩ là họ chịu trách nhiệm trực tiếp với gia đình Assad.

Nhưng tuy những gì chúng ta biết được về Shabiha, hầu hết qua các video được post lên Internet, thật là kinh hồn, và sự tàn bạo của họ đến mức có lẽ phải nói là trở thành thú tính, nhưng họ không phải là toán duy nhất.

Trên toàn miền Trung Ðông và ở nhiều quốc gia độc tài khác, những tên côn đồ của chính quyền, không phải là quân đội, đang đàn áp, sát hại và hành hạ dân chúng.

Ở Sudan, không được mấy ai biết đến, họ có cái tên là Rabattah. Những toán dân sự được tung ra trên đường phố Khartoum hay Omdurman để đàn áp những ai chống lại chính quyền Sudan cũng tàn nhẫn không kém. Chính phủ Iran thường xuyên sử dụng một lực lượng khổng lồ những tình nguyện viên Basij chống lại những người chống đối. Chúng ta hẳn vẫn còn chưa quên được hình ảnh của những Basij dùng “ống nước, dùi cui, thanh sắt và đôi khi súng để đánh đập hành hạ sinh viên biểu tình”. Ở Yemen, đám côn đồ của ông Ali Abdullah Saleh trước khi ông bị lật đổ tên là Baltajiya. Ở Ai Cập dưới thời ông Hosni Mubarak thì họ là Baltageya. Tên tuổi của họ có thể khác nhưng chiến lược chính trị của việc sử dụng những đám côn đồ có tổ chức để đàn áp đối lập thật hết sức giống nhau.

Hiện tượng này phổ biến quá ở vùng Trung Ðông khiến tạp chí Foreign Policy đặt câu hỏi “Các nhà độc tài Trung Ðông, vốn chi ra không biết bao nhiêu tiền để mua võ khí, lập quân đội tối tân, họ cũng có một đạo quân lớn và nhiều tổ chức an ninh, vậy tại sao họ lại ‘outsource’ việc đàn áp cho một đám mà thực ra chỉ là du côn đạo tặc hay băng đảng đường phố.”

Giáo Sư Adel Iskandar của viện Ðại Học Georgetown giải thích “Họ được thuê làm những việc bẩn thỉu mà cảnh sát không làm nổi.” Khi đàn áp chống đối, các định chế chính thức có giới hạn của nó. Một nhà độc làm sao, chẳng hạn khi cảnh sát và quân đội của ông ta cũng phát xuất từ cùng một sắc tộc hay một giáo phái như những người đang chống lại ông ta? Câu trả lời là đi thuê thêm tay chân từ thế giới tội phạm. Những nhà tranh đấu ở Sudan chẳng hạn nói là những cảnh sát thường, lương ít, ngần ngại đàn áp người biểu tình. Thành ra bạo hành đối với người biểu tình đã được trao cho lũ côn đồ, và dĩ nhiên sau đó họ sẽ đòi tiền mãi lộ của nhà nước.

Ở Syria chẳng hạn, Shabiha phát xuất từ các băng đảng ở thành phố Latakia, vốn là thành trì của nhóm giáo phái thiểu số Alawite vốn đã cai trị quốc gia này từ nhiều năm nay. Thành phố này là sào huyệt của một băng đảng do ông chú của ông Bashar tên là Jamil cầm đầu. Ông Jamil kiếm tiền bằng cách buôn lậu và bán dâm. Ở Syria đám Shabiha sống tương đối vương giả nhờ chính quyền làm ngơ cho làm ăn. Ðiều kết hợp họ chính là sự sợ hãi vì họ là một thiểu số nhỏ xíu trong một quốc gia mà đại đa số không cùng giáo phái.

Ở Iran, đám Basij thường được tuyển từ các xóm nghèo, các ổ chuột quanh thành phố hay từ các vùng quê nghèo khổ. Hoàn cảnh này khiến họ vốn có thành kiến với các nhà chống đối, những người biểu tình. Ông Ali Alfoneh, một chuyên gia về Iran của viện nghiên cứu American Enterprise giải thích “Những thành viên Basij không có liên hệ xã hội với dân đô thị, trong khi họ lại vốn âm thầm thù ghét, thành ra họ có khả năng đàn áp dã man cuộc nổi dậy mà đa số là từ giai cấp trung lưu.” Ở Ai Cập, đám Baltageya được tuyển từ khu xóm nghèo khổng lồ của Cairo và các thành phố lớn khác. Trong những khu này, sự kết hợp của nghèo đói lâu năm và trộm cắp lặt vặt đã tạo nên một tinh thần địa phương thách đố và hận thù, rất dễ để chính quyền chuyển sang chống lại kẻ sống bên ngoài thế giới đó.

Hơn thế, côn đồ không thích mặc đồng phục, một việc cũng tiện cho nhà nước có thể chối không nhận những bạo động mà đám này tạo nên.

Và có vẻ như chính quyền độc tài ở Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã học được bài học đó. Ở Bắc Kinh thì họ là những tên gọi là thành quản. Ðây là những tên du côn được chính quyền địa phương thuê để đánh đập hành hạ quấy phá gia đình nhà tranh đấu Trần Quang Thành. Họ là đám đã được thuê để bắt những người dân quê lên Bắc Kinh khiếu kiện đất đai, đem nhốt họ ở những nhà tù bất hợp pháp một thời gian rồi bắt cóc họ đưa về nguyên quán.

Và ở Việt Nam đó là đám dân phòng hay “nhân dân tự nguyện”, hay ngay cả “thương phế binh” đã được chính quyền mang ra để uy hiếp, đàn áp và nếu cần hành hung các nhà tranh đấu mà đa số là trí thức và sinh viên học sinh. Họ quả là sẵn sàng làm những việc mà ngay chính công an cũng hổ thẹn không dám làm như ném mắm tôm vào nhà đối lập chẳng hạn.

Thế ra độc tài nào cũng chỉ có một sách.


Thùy Linh - Nói cùng báo chí


 Thùy Linh 

 Một ngày đọc lướt mấy báo mạng có được những thông tin sau:
 1. “Truyền thông Trung Quốc đang bôi đen Việt Nam ” – Học giả Dương Danh Dy trả lời PV trên Vnexpress – Còn truyền thông Việt Nam đang bôi nhọ những người biểu tình chống TQ xâm lược.
 2. “Căng thẳng ở Biển Đông có thể thành xung đột” VNexpres – Theo Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussel (Bỉ) triển vọng giải quyết các tranh chấp "dường như bị thu hẹp" sau khi 10 nước ASEAN mới đây họp mà chưa ra được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông – Căng thẳng giữa chính quyền VN với những người biểu tình có nguy cơ thành tù tội. Những người tham gia đang bị chính quyền gây sức ép với gia đình, cơ quan, công ty, nơi cư trú…để buộc họ phải từ bỏ biểu tình.

 3. “Biển Đông: Trong họa có phúc” - VNN – Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua đang tạo ra ba kết quả ngoài ý muốn của Bắc Kinh: lá bài tẩy bị lật, các dân tộc thức tỉnh và cộng đồng quốc tế càng nâng cao cảnh giác – Nếu đưa sự việc biển Đông ra toà án quốc tế thì VN sẽ tranh thủ được ủng hộ của nhiều nước. Nhưng chính quyền dường như đang biến cái Phúc đó thành cái Họa mất nước và cái Họa cho người dân nếu họ tiếp tục biểu thị thái độ bằng những cuộc biểu tình chống TQ xâm lược, đồng thời phản ứng trước thái độ nhu nhược của chính quyền.

 4. “Thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa của Việt Nam” - VNN – Bản đồ của Trung Quốc được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904, trong đó ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa đã được TS Mai Ngọc Hồng tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Liệu có thêm bằng chứng về thái độ nhu nhược đến mức không giải thích nổi của chính quyền trong việc đấu tranh giành lại vùng đảo, vùng biển đã mất, sắp mất?

 5. “Cần thêm 'luật con' để cụ thể hóa Luật Biển” - DV – Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) khẳng định – Liệu trong các “rừng luật” nhu nhú sẽ đâm chồi ấy, có luật nào cho phép người dân biểu tình, tuần hành bày tỏ thái độ trước sự xâm lấn của TQ mà không bị qui kết là “gây rối trật tự công cộng”; “lợi dụng lòng yêu nước”; háo danh, hoang tưởng…?

 6. “Chính sách 'cây gậy và củ cà rốt' của TQ ở Biển Đông” -DT – Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt” để củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông: tỏ ra khá mềm mỏng về ngoại giao đồng thời rất mạnh bạo về quân sự - Chính quyền đang thực hiện chính sách “củ cà rốt” với Bắc Kinh và cây gậy với nhân dân mình cả trong vấn đề biển Đông và nhiều lĩnh vực khác.

 7. “Cách chức thượng úy công an đánh phóng viên VOV” -DV – Căn cứ kết quả điều tra, không đủ căn cứ để khởi tố những người nói trên đánh 2 phóng viên phạm tội "Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ" theo Điều 107-BLHS – Đánh chết người như Nguyễn Văn Ninh cũng chỉ 4 năm tù và ra toà ông ta vẫn dõng dạc tuyên bố không ân hận và làm đúng chức trách, nhiệm vụ. Chỉ cần qua cách giải quyết của CA Hưng Yên đã giải thích cho câu nói “bất hủ” của Nguyễn Văn Ninh và cách hành xử lạm quyền hiện nay của các cơ quan công quyền ở VN. Nhưng có lẽ đáng giận nhất là hai “chú cừu” PV đã (không dám) đi khám thương tích và không (dám, thể) lên tiếng về nỗi đau họ hứng chịu. Đến đây có thể tắc lưỡi, họ xứng đáng bị đối xử như vậy chăng?

 8. “ Đã tìm ra hai công an hành hung nhà báo ở Văn Giang” - GD – Tìm ra để làm gì vậy? Cách chức này và cho làm chức khác?

 9. “Bắt nguyên kế toán trưởng Vinalines” (DV) – Nhổ cỏ ở bờ ruộng thì lúa trong ruộng vẫn không thể lên tươi tốt được. Chợt nhớ ở hai vụ Vinashin và Vinalines thì thành phần “cốt cán” quản lý tài chính đều trốn thoát. Khá nhiều vụ án quan trọng áp dụng biện pháp diệt khẩu này đều tỏ ra hữu hiệu vì…”cứt trâu để lâu hóa bùn”. Và chưa kịp nguôi ngoai thì “án chồng lên án”, dân chúng có chuyện khác để phẫn nộ, quan tâm, để trút uất ức…Ví dụ Tiên lãng mới đây mà đã gần như thành quá khứ…

 10. “Mua 300 triệu đồng tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ” (DV) – Ngày 25/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội cho biết vừa khám phá đường dây vận chuyển 300 triệu đồng tiền giả - TQ đánh VN trên các mặt trận. Vừa xâm chiếm, vừa huỷ hoại kinh tế với đủ mọi cách…Và kinh khủng nhất là “in giả” tình đồng chí, tình vô sản, ý thức hệ. Vậy mà chính quyền VN vẫn tiêu những “đồng bạc” giả đó?

 11. “Hà Nội: Lấy đất quốc phòng làm sân golf” (Vef.VN) – Sân golf và dịch vụ Long Biên có tổng diện tích hơn 119 ha do Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Sân golf và dịch vụ Long Biên có phía Đông Bắc giáp mương thoát nước đường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Hải Phòng; Phía Tây Nam giáp khu quy hoạch xây dựng trận địa pháo phòng không; Phía Nam giáp Trung tâm văn hóa thể dục thể thao quận Long Biên, Công ty Thực phẩm miền Bắc, đất quốc phòng và khu dân cư hiện hữu.  Phía Tây Bắc giáp khu vực đường băng, xưởng sửa chữa sân bay Gia Lâm – Cảm giác tư duy nhiệm kỳ khiến các quan chức đang bán đến tấc đất cuối cùng, tận thu đến những đồng bạc lẻ…

 12. “Cần có gói kích cầu tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế” - (DV) – Kinh tế đang suy giảm là thực tế không còn phải bàn cãi.  Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng vẫn tăng nhưng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.  Các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn cả về đầu vào lẫn đầu ra, sản xuất đình đốn khi tổng cầu thế giới giảm mạnh và sức mua trong nước kiệt quệ - Dân chúng còn gì nữa để kích cầu tiêu thụ đây? Họ chỉ “mua” được mỗi nỗi uất ức, bất công, đè nén, nghèo đói…mà thôi.

 13 . “Thấy gì khi thí sinh 'viết lại Lịch sử?” - (GD) – Có thể dẫn dụ một số câu "viết lại lịch sử" của học sinh trong bài thi như: “Năm 1945 chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 đã cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên phủ ”; “Năm 1975 nhân dân ta bầu Nguyễn Ái Quốc lên làm Chủ tịch nước”; “Nhật Bản có bom nguyên tử để doạ Liên Xô”; “Nhật Bản là thành viên sáng lập tổ chức ASEAN ” … - Khi lịch sử bị bưng bít trong bóng tối, bị xuyên tạc, bóp méo cho mục đích (thậm chí rất ngắn) của chính trị thì đây là nhân quả mà giáo dục gặt hái được. 
   

Di ảnh duy nhất của bé Minh Tâm (Ảnh: Bee.net.vn)  

 14 . “Triệu trái tim thổn thức trước bé gái 3 tuổi lấy thân mình che chở em” – (GD) - Bé gái 3 tuổi Đặng Ngọc Minh Tâm đã tự lấy thân mình che chở em trai được mẹ giao chăm sóc trước bầy ong hung dữ.  Cô bé mất để em trai được sống.  Lập bàn thờ cho con, người mẹ nghèo mới nhớ ra từ khi được chào đời đến giờ, con gái mình chưa từng một lần được chụp hình nên không có lấy một tấm hình làm di ảnh.  Ngày nào đi làm thì được 150 ngàn cho cả nhà 5 miệng ăn.  Không có tiền nên người mẹ chưa nghĩ việc đưa con đi chơi chụp hình bao giờ.  Cứ tưởng chẳng có ảnh thờ, may có người dì lục điện thoại thấy một tấm hình nhòe nhòe chụp bữa trước – Bản năng của Minh Tâm trước những gì em yêu quí và được giao trọng trách bảo vệ, chăm sóc hơn rất nhiều người lớn, có chức vụ, địa vị, có học thức…cũng với trách nhiệm ấy. Em vĩ đại hơn rất, rất nhiều những “cái xác” đang sống trong xã hội hôm nay.

 15. “ Phẫn nộ, đau đớn vì em bé mua cơm cho mẹ bị hắt hủi” - (GD) – Cô bé với 3000 đồng trên tay nấc nghẹn vì bị bà chủ quán cơm hắt hủi không thèm bán, khi em mua cơm cho mẹ đang bị bệnh – Vô cảm là căn bệnh lâu nay người ta đã tìm ra nhưng chưa có liều thuốc nào chữa. Không những không được chữa trị mà còn bị làm trầm trọng thêm. Vô cảm giờ đây như là vô phương…

 16. "Hãy hành động, truyền cảm hứng thay đổi và biến mỗi ngày là Ngày Mandela" - (GD) - Năm 2009, Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 18.7 là Ngày quốc tế Nelson Mandela.  Ngày này được tổ chức hàng năm để ghi nhận 67 năm Nelson Mandela cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh dành tự do và công lý – Một ngày tuyệt vời, một việc làm tuyệt vời như thế mà ở VN buổi lễ kỷ niệm chỉ được tổ chức tại Trung Tâm Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội. VN đang rất cần một lãnh tụ Mandela dấn thân cho tự do và công lý. Và hy vọng “hãy hành động, truyền cảm hứng thay đổi và biến đổi mỗi ngày là Ngày Mandela” sẽ có ở VN…

 http://www.buudoan.com/2012/07/noi-cung-bao-chi.html 


Nguyễn Văn Khanh - Bên lề Olympic London 2012: Chính trị và thể thao


 Nguyễn Văn Khanh,
viết từ London, Anh

“Phải tách rời thể thao với chính trị,” ông Xuân Hồng của đài BBC thủa nào bảo với tôi. Tay cầm ly cà phê pha đậm đến mức uống vào phải nhăn mặt, ông đồng nghiệp cũ nhấn mạnh từng chữ một: “Thể thao là thể thao, chính trị là chính trị. Chúng ta có thể pha sữa chung với cà phê như người Ăng Lê pha sữa chung với trà, nhưng phải cố gắng đừng trộn lẫn thể thao với chính trị.”
   

Các nhà báo gốc Việt làm phóng sự Olympic 2012 chụp hình bên sông Thames, London. Từ trái, Xuân Hồng (trước làm ở BBC), Thủy Phan (SBTN), Diệu Quyên (SBTN) và Nguyễn Văn Khanh (RFA). (Hình: Nguyễn Văn Khanh cung cấp)

Ông Xuân Hồng không phải là người đầu tiên nói câu “lý tưởng” đó.

Trong buổi gặp gỡ với báo chí trước ngày khai mạc Olympic London 2012, ông Chủ Tịch Liên Ðoàn Olympic Quốc Tế (IOC) Jacques Rogge cũng bảo mỗi lần nghĩ đến hình ảnh ngọn đuốc thiêng Thế Vận Hội được chuyền tay từ người này sang người khác “là tôi nhìn thấy ngay hình ảnh của một cộng đồng gắn bó chung với nhau, tôn trọng lẫn nhau, chơi đẹp, công bằng với nhau, không chấp nhận những chuyện xấu xa, không có chuyện gian lận.” Cũng như các vị chủ tịch tiền nhiệm, ông Rogge nhắc lại điều cha đẻ của Olympic ngày nay là Nam Tước Pierre de Coubertin đã nói từ năm 1892, gọi sức mạnh của thể thao là chìa khóa “đem lại hòa bình” cho nhân loại.

Bất kể được nhìn dưới góc độ nào, câu nói của Nam Tước Pierre de Coubertin và của Chủ Tịch Jacques Rogge là những câu nói mang ý nghĩa chính trị, đề cao một lý tưởng chính trị. Rất tiếc, lý tưởng cao đẹp đó vẫn chưa được thực hiện đúng mức. Lỗi rõ ràng không phải từ các phái đoàn lực sĩ, mà nằm ở những quyết định của thành phần lãnh đạo IOC. Nói đúng hơn và rõ hơn: Không mấy ai muốn đem chính trị trộn lẫn với thể thao, nhưng chính IOC đã có những quyết định “phản chính trị” tới mức mọi người phải bực mình, chính IOC đã làm xấu cái lý tưởng cao đẹp mà họ đặt ra lúc ban đầu, và lịch sử thể thao lẫn lịch sử chính trị thế giới chứng minh rõ điều đó.

Một trong những chuyện thế giới chưa quên được là Olympic Berlin 1936 diễn ra khi Adolf Hitler đang nắm quyền. Không ai chê trách IOC khi quyết định trao vinh dự cho thành phố Berllin tổ chức cuộc tranh tài từ năm 1931, nhưng đến giờ mọi người vẫn thắc mắc không hiểu tại sao IOC không quyết định dời cuộc đua đến một địa điểm khác sau ngày Ðức Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1933.  

Tài liệu lịch sử cho thấy trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1936, Ðức Quốc Xã ban hành ít nhất 114 đạo luật mang nội dung khắc nghiệt với người Do Thái - trong đó có cả những quy định nhằm giới hạn người Ðức gốc Do Thái tham dự các cuộc đua tuyển chọn lực sĩ đại diện quốc gia, nhưng một trong những nhân vật quyền uy nhất của IOC lúc đó là ông Avery Brundage, chủ tịch Liên Ðoàn Olympic Mỹ Châu, là người bỏ lá phiếu quyết định vẫn giữ nguyên quyết định tổ chức tại Berlin, sau đó còn vận động để Hoa Kỳ gửi đoàn lực sĩ sang Ðức tham dự. Hình ảnh Hitler đứng trên khán đài danh dự vẫn được xem là một trong những hình ảnh tệ hại nhất của lịch sử thể thao thế giới.

Không chỉ nhất định để Berlin tổ chức Olympic, ông Brundage còn tìm cách ngăn cản ít nhất hai lực sĩ Mỹ gốc Do Thái là Sam Stoller và Marty Glickman, không để họ ở trong đội điền kinh đua 400 mét tiếp sức. Ðến khi lên làm chủ tịch IOC (1952-1972), ông lại làm ngơ việc những nước cộng sản sử dụng thể thao vào mục đích tuyên truyền, không chú ý đến những lời tố cáo những nước độc tài “có lò luyện lực sĩ được chính phủ tài trợ,” đi ngược lại tôn chỉ mà Olympic Quốc Tế đã đề ra. Cũng chính ông là người quyết định “tất cả các cuộc tranh tài vẫn tiếp tục như đã định” sau ngày 11 lực sĩ, huấn luyện viên và trọng tài Do Thái bị khủng bố Palestine thảm sát ở Olympic Munich 1972. (Năm nay, IOC từ chối không làm lễ tưởng niệm 40 năm ngày đã được cả thế giới công nhận là “ngày đau buồn của thể thao toàn cầu.”)

Tám năm sau ngày ông Brundage rời khỏi chức vụ lãnh đạo, Liên Ðoàn Olympic Quốc Tế do ông Juan Antonio Samaranch lãnh đạo. Ông là một nhân vật có liên hệ chặt chẽ với chính phủ phát xít Tây Ban Nha. Hình ảnh ai ai cũng nhìn thấy là những bức ảnh ông mặc đồng phục phát xít, giơ tay chào theo kiểu phát xít, và hết lòng ủng hộ đơn xin tổ chức Olympic 1980 của Moscow cho dù lúc đó Liên Xô đã đưa quân sang xâm chiếm Afghanistan.

Cũng chính ông Samaranch là người sang tận Bắc Kinh để xoa dịu sự giận dữ của giới lãnh đạo Trung Quốc sau khi Sydney được chọn tổ chức Olympic 2000, và rời Bắc Kinh với hứa hẹn sẽ vận động mọi người bỏ phiếu ủng hộ Bắc Kinh cho kỳ tổ chức 2008, những lá phiếu vô tình công nhận cho Trung Quốc quyền được sử dụng thể thao để tuyên truyền với thế giới. Ông đã làm được điều này trước khi về hưu, bất kể sự phản đối của những người yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền mọi nơi, chống chữa bằng câu trao trách nhiệm cho Bắc Kinh “để thúc đẩy Trung Quốc phải đổi mới.”

Không hiểu Trung Quốc đã “đổi mới” thế nào mà “tình trạng nhân quyền ở Hoa Lục mỗi ngày một tồi tệ hơn trước,” theo bản phúc trình thường niên của tổ chức Human Rights Watch, “chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến những tin nói về trường hợp người Tây Tạng tự thiêu vì bị đàn áp,” theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo cách đây chỉ vài tuần lễ.

Những lúc đó, chẳng thấy “ông” IOC lên tiếng nói gì cả. Ðiều này cũng dễ hiểu: Một tổ chức từng im tiếng ở thời Ðức Quốc Xã 1936, từng ngậm miệng ở thời 1980 khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan, thì không nên mong đợi họ sẽ lên tiếng tranh đấu cho những người dân thấp cổ bé miệng Trung Quốc, nhất là những sự kiện đau lòng này lại xảy ra, bốn năm sau ngày ngọn đuốc thiêng Olympic đã tắt ở bầu trời Bắc Kinh!


Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Trần Mộng Tú - Nhạt nhòa


Trần Mộng Tú

Sách có in trăm cuốn
Đắp mặt chỉ một trang

Đàn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi. Chúng hót chiêm chiếp rộn rã ngay từ sáng tinh mơ, chúng thoáng sân trước trong những bụi tùng thấp, vụt vào sân sau trong vòm cây Mộc Lan (Magnolia), tranh nhau ăn ở cái máng thực phẩm treo đong đưa trên một cành cao. Chúng đến ngày giờ nào không rõ rệt, chỉ biết chúng đến cùng với nắng, chúng đến sau những cơn mưa. Thấy chúng đến, biết là mùa hạ đến. Khi không thấy chúng nữa, biết thu về.


Trong tháng sáu kéo sang tháng bẩy năm nay, tôi đón tiếp khá nhiều khách: chị Bích Hà từ quận Cam của California đến chơi mười ngày, ông anh tôi mang theo một người bạn từ Virginia đến chơi một tuần, vợ chồng cậu em từ Việt Nam sang năm tuần (đi chơi vài tiểu bang khác xong lại quay về Seattle), cậu cháu từ Pháp sang bốn ngày. Tất cả sáu người. Họ đến và đi khác ngày nhau, nhưng tôi biết rõ ngày giờ của từng chuyến bay. Vì ít ra ngay ở thời điểm này, họ có đủ sức khỏe để xắp xếp cho những chuyến đi của họ. Như những con chim mùa hạ, họ biết nơi đến, nơi đi và nơi trở về.

Anh Nguyễn Mộng Giác, người bạn văn của tôi, đã bẩy năm nay, anh không có thể tự xắp xếp cho mình đi đâu, về đâu. Anh đi theo chỉ thị của bác sĩ, của bệnh viện, của hospice. Cuối cùng, vào một ngày nắng hạ năm nay, anh đã theo cánh tay của vợ con trở về nhà, nằm trên giường của mình, rồi nhẹ nhàng nhắm mắt, xuôi tay, bỏ đi hẳn, không quay lại nữa.

Anh bỏ đi đâu tôi không biết, vì nơi anh đến, vợ con anh và chúng tôi, tất cả những bạn anh còn ở trên mặt đất này, chưa ai đến đó bao giờ. Anh bỏ lại tất cả những trang sách anh đã viết. Hai tập trường thiên tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn. Anh không mang được trang sách nào cùng đi với anh cả. Hơn bẩy mươi năm trước anh đến với cuộc đời, chẳng mang theo một chữ nào, ngoài một tiếng “oe” thảng thốt. Bây giờ đi cũng phải để lại tất cả những “tài sản” anh tích tụ được, dù đó chỉ là những trang giấy và những con chữ. Như tất cả bạn anh: những nhà văn, nhà thơ khác, đã qua đi trước anh, họ đã đánh rơi tất cả những gì họ viết xuống, khi những bàn chân không còn giẫm trên mặt đất này.

Sách có in trăm cuốn
đắp mặt chỉ một trang
thơ có viết ngàn quyển
còn lại chỉ một hàng
một hàng thơ nằm thẳng
giữa vách gỗ thơm hơi
Xử thế nhược đại mộng” (1)
Tử sinh một tiếng cười (tmt)

Thật vậy, nếu theo như phong tục cũ ở quê nhà, người ta thường lấy một vuông vải trắng mỏng hay một tờ giấy bản đắp lên mặt người vừa mới qua đời, để xem còn thở hay không? cũng để tránh, không muốn ai nhìn thẳng vào mặt người chết (vì sợ chạm vía) Anh Giác mà được ai đó, xé một trang sách của anh, đắp lên mặt mình thì chắc anh mãn nguyện lắm!

Như vậy thì số giấy dùng để in những con chữ anh Nguyễn Mộng Giác viết xuống quả có hơi nhiều so với số giấy anh cần mang đi với mình ở giờ phút lìa đời.

Không biết những người thân yêu trong gia đình, khi khâm liệm, có ai nhớ đặt một cuốn sách của anh vào áo quan trước khi hỏa thiêu không nhỉ.

Trong thời gian dài nằm trên giường bệnh, thỉnh thoảng bạn bè xa, gần, rủ nhau ghé viếng thăm anh. Chụm đầu vào nhau nói chuyện văn chương, chẳng bao giờ thấy ai đặt ra câu hỏi: “Liệu khi mình đi ra khỏi cuộc đời này, mình có muốn tiếp tục làm văn chương không?” Nếu có ai đặt ra câu hỏi đó thì anh Giác sẽ trả lời như thế nào?

Chúng ta đến đây, đặt bàn chân nhỏ trên mặt đất này, trưởng thành, và già đi, chúng ta biết mình muốn làm gì, muốn ở đâu. Chúng ta tìm đủ cách để đạt được cái nhu cầu ở đâu và làm gì. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, biết nhu cầu của anh là cần sống ở một vùng đất an bình, tự do, để anh được viết như được thở. Anh đã dùng chính mạng sống mình, vượt qua bao nhiêu biển, bao nhiêu núi, bao nhiêu con đường khó đi, để đến được vùng đất cho anh thở và viết tự do. Suốt chiều dọc của cuộc đời, anh luôn luôn dính liền với “Chữ”. Từ dậy học, làm việc cho Sở Học Chánh, đến viết văn. Định cư ở Mỹ anh tiếp tục viết văn, làm báo văn học, ngay cả để mưu sinh anh cũng chọn được việc làm in, ấn cho đến lúc về hưu. Hai bàn tay anh lúc nào cũng chạm vào những công việc của mực và giấy. Anh sống hạnh phúc trong môi trường này. Trong nhiều năm, ngôi nhà ở đường Strait, Westminster, miền Nam California, được bạn bè tứ xứ khi đến quận Cam, coi như một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ”. Cuối tuần ghé đến thế nào cũng thấy tụ họp, tiếng nói, tiếng cười, trong một tương giao thân mật tràn ngập không khí văn chương, sách vở. Những tên tác giả, tên sách trong và ngoài nước, những nhóm sinh họat văn học, những cấm kỵ văn chương, những cuốn sách mới xuất bản, những ngôn ngữ đổi mới…. Sóng sánh trong những ly rượu đỏ, uống cạn cùng với tiếng cười.

Bây giờ anh lại tiếp tục đi nữa, anh có chọn đi không nhỉ? Anh đến chỗ người ta gọi là “Niết Bàn” là “Thiên Đàng” anh có tiếp tục làm một nhà văn nữa không? Hay được đổi đến một nơi không có một lằn ranh biên giới nào của tư tưởng, người ta sẽ không còn nhu cầu viết nữa. Những người bạn đi trước anh, có rủ anh lập một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ” mới ở nơi đó không?

Hôm thứ bẩy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, chúng tôi đến dự lễ giỗ năm thứ 49 của nhà văn Nhất Linh tại tư gia của anh Nguyễn Tường Thiết, người con út cụ. Trong khi im lặng nghe anh Thiết thổi khẩu cầm trước bàn thờ, hồi tưởng lại ký ức những tiếng nhạc của cha lúc còn sinh tiền đã thổi cho mình nghe. Tiếng nhạc quyện bay lên cùng với khói nhang nhạt nhòa, thơm ngát trước hình ảnh của người đã bỏ ra đi. Tôi hình dung ra cũng trong giờ phút này, gia đình anh Nguyễn Mộng Giác và bạn hữu đang tụ tập cầu siêu cho anh ở quận Cam, miền nam Cali. Những lời chia buồn cũng sẽ lững lờ, nhạt nhòa quyện vào hương khói, khăn tang và những đóa hoa.

Ai đó đã nói: “Thượng Đế rót đời sống vào cõi chết, rót sự chết vào cõi sống, không để rơi ra ngoài một giọt nào” (2)

Chúng ta có được chứng kiến khi Thượng Đế làm công việc “rót” đó không?

Tôi nhớ ở trung học, khi thầy giáo dậy về cái bình thông nhau, thầy cầm cái bình nghiêng qua, nghiêng lại, mực nước ở hai bên bao giờ cũng bằng nhau khi cái bình đặt đứng thẳng. Thượng Đế chắc cũng rót sống, chết vào nhau ở một cái bình như thế.

Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, …và những người cầm bút khác, còn sống hay đã chết, tất cả chỉ là những giọt nước trong cái bình thông nhau. Ở cái bình thông nhau đó, Thượng Đế rót qua, rót lại, không rơi ra ngoài một giọt nào.

Phải chăng, những con người được gọi là văn nhân, nghệ sĩ họ là những giọt nước đặc biệt của Thượng Đế, nên dù ở trong cái bình “Sống” hay “Chết” những giọt nước mong manh này vẫn óng ánh, trong suốt, tinh khôi, dù có bốc hơi nhạt nhòa bay đi nhưng không bao giờ mất dấu.

Những suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc của các văn nhân, thi sĩ đã viết xuống, những cuốn sách của họ đã in ra, để lại những dấu ấn nhạt nhòa nhưng vĩnh viễn trong tâm những ai đã đọc, cảm thông và đã chạm tay vào giấy mực với sự quý trọng.

Trần Mộng Tú
Viết sau ngày ra đi của Nguyễn Mộng Giác (mồng 2 tháng 7 năm 2012)

(1)- God pours life into death and death into life without a drop being spilled
(Author Unknown)
(2)Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh (thơ-Lý Bạch)
Cuộc đời như giấc chiêm bao/Việc chi ta phải lao đao với đời (dịch-tmt)

Lê Đại Lãng - Tha Sala, em ơi biển động về hư không


Lê Đại Lãng

Ngày hai mươi mốt tháng chạp năm Kỷ Tỵ, xác mười một cô gái tuổi từ mười chín đến hai mươi ba, trôi dạt vào bờ Tha Sala, Thái Lan, không mảnh vải che thân.

Những người con gái Việt Nam, cổ bị trói chùm vào nhau, sau khi bị hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, và sau khi hơi thở còn thoi thóp sự sống, sau tột cùng của đau thương ô nhục, các cô đã bị kéo theo tàu hải tặc, thân thể chập chùng theo sóng nước từ đuôi tàu, cho đến một lúc, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi xác đau thương, hải tặc chặt giây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu.


Những ngày chuẩn bị vào xuân Canh Ngọ (1990), một mẩu tin rất ngắn trên báo Úc loan tin người ta tìm thấy xác mười một cô gái Việt Nam chết trần truồng trên bờ biển Tha Sala. Người ta đoán tuổi các cô gái từ mười chín đến hai mươi ba, cổ bị giây thừng trói chùm vào nhau.

Tôi đã viết một bài tưởng niệm để người bạn thân Trung Chính đọc trên đài phát thanh SBS với lời mở đầu như trên. Giọng đọc dù rất lão luyện, nhưng chợt nghẹn ngào của Chính, đã gửi đi toàn nước Úc một thông điệp buồn, đúng chương trình phát thanh đặc biệt vào giờ khắc giao thừa.

Hôm nay tôi đang ngồi trên bờ biển Tha Sala vào một ngày giữa tháng 7 năm 2012 để viết những dòng này.
Hơn hai mươi hai năm đã trôi qua.

Ngày cuối cùng của tháng 5 âm lịch năm Nhâm Thìn.

Tôi ngồi nghe lại giọng của Chính trên bờ Tha Sala.

Trên bờ biển, dưới một táng cây dương liễu lớn, có dáng một chiếc thuyền dài gần mười thước đã rã mục, chỉ còn trơ ba lớp ván đáy thuyền. Người ta kê miếng ván thuyền này trên các cột thấp, phía trên lợp mái tranh, hai đầu mũi thuyền có hai cái am nhỏ, một cái hướng vào bờ, một cái hướng ra biển.

Lúc tôi đến thì đúng lúc một bà lão Thái đang cùng hai cậu nhỏ bưng đồ cúng gồm trái cây và xôi trắng phía trong bờ đi ra. Bà cụ sắp đồ cúng lên hai cái am, kê một cái bàn vuông nhỏ ngay phía mũi thuyền hướng biển, đặt mâm ngũ quả lên, thắp hương vái rồi đi vào. Tôi không biết bà cúng ai vì bà không nói được, có lẽ miếng ván thuyền để trong chòi tranh là di tích một thuyền cá nào đó trôi vào bờ. Có lẽ có người chết trên thuyền nên người địa phương mới chưng thờ miếng ván một cách trang trọng dù mái che và cột chống tơi tả nhuộm một màu buồn bã và nghèo nàn.

Đột nhiên thấy rùng mình.

Bờ Tha Sala không phải là chốn nghỉ. Người Thái chê bờ biển này vì có nhiều thuyền đánh cá, bờ cát sạch nhưng đáy biển là lớp bùn dầy. Người nước ngoài qua đảo Ko Samui không xa lắm. Hai chục cái nhà sàn không một người khách nào khác đến thuê ở qua đêm. Con đường từ đường quốc lộ vào đây phải đi bộ trên hai cây số. Có lẽ những căn nhà sàn gỗ đỏ mái tôn dành cho người địa phương gần đâu đấy vì bên trong không có gì, ngoài một cái giường có treo mùng trắng và cái quạt bàn.

Một bờ biển rất buồn. Một làng chài lạc lõng trên bản đồ vùng duyên hải phía nam của Thái Lan, thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat.

Tôi ra dấu xin bà cụ một ít nhang. Cụ sai một đứa nhỏ chạy vào trong cầm ra ba nén nhang.

Có ai đó đang đốt nén hương dâng lên bàn thờ Tổ, xin thắp thêm nén hương lòng, cắm vào hư không cho thơm linh hồn của những người nằm xuống trên cuộc hải trình tuyệt vọng.
Có ai đó đang đi lễ chùa đêm nay, hãy dừng lại thả vào không gian tiếng thở dài, để sưởi ấm những hương hồn cô đơn lạnh lẽo.
Có ai đó đang ngập ngừng trước cổng thánh đường, hãy xin Chúa ban phát tình yêu cũng như niềm đau khổ đồng đều cho hết thảy nhân loại.

Chính đã đọc những lời trên ở đất Úc yên bình hai mươi hai năm trước, hướng về những linh hồn thảm tử Việt Nam trôi vào bờ Tha Sala.

Hôm nay tôi đưa giọng trầm buồn của Chính vang trên bờ Tha Sala vắng lặng.

Hôm nay tôi cắm một nén hương trên bờ biển Tha Sala vắng lạnh giữa trời mai nắng cháy.

Chợt nghẹn ngào.

Mặt biển xa phẳng như mặt nước hồ.

Sóng nhẹ không thành tiếng.

Một vị sư ở Việt Nam khi biết ý định, đã chỉ cho tôi cách tịnh thủy và cầu nguyện.

Tôi ngồi sau nén hương, hướng ra biển.

Những tàng dừa biển mọc sát đất xào xạc trong gió.

Lá bàng vàng võ rơi rụng trên những vỏ sò đá cuội trắng.

Tôi cám ơn bà cụ đã cho tôi nén hương làm từ vùng đất của những tên cướp biển.

Nhưng những người Thái mà tôi gặp hết sức hiền lành và tốt bụng. Mấy ngày qua tôi ở nhờ gia đình một bà bác sĩ trong khu vực dành cho bác sĩ và sinh viên y khoa bên trong khuôn viên nhà thương Maharat ở trung tâm tỉnh Nakhon Si Thammarat. Bà chỉ cho tôi đến bờ Tha Sala chỉ cách trung tâm thành phố vài chục cây số. Nhưng khi tôi hỏi cách qua đảo Ko Kra thì bà chịu. Bà cả không biết có một hòn đảo có tên như thế nằm trong ranh giới tỉnh nhà.

Kro Kra, người Thái đọc là ‘Cỏ Cả’ (Kro là đảo). Năm 1981, các nhà văn Nhật Tiến, Dương Phục, và Vũ Thanh Thủy đã viết một bản tường trình từ trại tỵ nạn Songkhla miền cực nam nước Thái về thảm trạng kinh hoàng của thuyền nhân trên đảo này. Bản tường trình ‘Hải tặc trong Vịnh Thái Lan’ của họ đã dóng lên tiếng kêu đau đớn, tiếng chuông hy vọng và tuyệt vọng nhất của thời đại chúng tôi.

Mười một cô gái chết thảm nơi đây thuộc thế hệ chúng tôi.

Họ sinh ra trong thời chiến, chết trong thời hậu chiến trên biển người và đất lạ.

Buổi trưa, tôi nửa nhắm nửa mở ngồi trên ghế dựa nhìn ra biển vắng.

Căn nhà sàn tôi ở nằm sát mép nước, tận trong cùng của khuôn viên, chỉ cách cái chòi thờ miếng ván thuyền độ 20 thước.

Chợt thấy hai cô gái phục sức theo Hồi giáo, khăn trùm kín đầu, đi dạo trên bờ biển. Một cô trùm khăn trắng, một cô khăn đỏ rực. Họ nắm tay nhau đứng nói chuyện trước chòi thờ ván thuyền.

Những người con gái Việt Nam đã chết trần truồng trên bờ biển này. Những người con gái đạo Hồi kín đáo từ đầu đến chân đứng nhởn nhơ trên bờ biển này.

Chờ gần chiều khi biển chỉ còn một màu vàng đỏ, tôi đi lần xuống nước tính lấy toàn cảnh từ biển trông vào bờ. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì giật nẩy mình. Ngay nóc chòi thờ chiếc ván thuyến, có di ảnh mờ mờ của một cô gái. Có lẽ do nắng gió từ biển khơi lâu ngày nên hình hài trên ảnh đã mờ, nhưng trông kỹ vẫn thấy đúng là ảnh một cô gái. Cả thân hình cô được bao phủ bởi một thân cây già, các táng cây mọc sau cô xòe những lá cây như hoa trắng trùm lên mái tóc dài thả xuống hai vai, cô quỳ hai gối trên một chiếc thuyền buồm đang vượt đại dương, miệng mỉm cười, đôi mắt đen to nhìn thẳng ra biển.

Tôi rùng mình trong thoáng giây.

Tôi đã quan sát hai cái am nhỏ hồi sáng. Không có tượng Phật. Thì ra họ thờ cô gái này.

Tôi chụp nhanh một tấm thì đúng lúc, trời đổ mưa lắc rắc, mây từ đâu kéo đến đen cả bầu trời. Rồi những hạt mưa to trút xuống cả biển khơi, rơi đồm độp trên mái lá mái tôn và bãi cát. Một tia chớp sáng lóe bầu trời. Gió nổi mạnh trong khi ngoài biển xa bầu trời vẫn vàng ươm ánh chiều tím mịn.

Tôi chạy vội vào căn nhà bán thức ăn. Lúc này không có gì hơn là một lon bia Thái. Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi mang bia ra, tiện thể ngồi xuống bên cạnh để hỏi chuyện.

Tôi hỏi tại sao có cái chòi thờ chiếc chuyền đã rã mục, lại có hai cái am. Có phải thờ cô gái có di ảnh hướng ra biển không.

Ông ta là con trai độc nhất của bà cụ hồi sáng. Ông trầm ngâm, nói tới đâu tôi lạnh mình tới đấy.
Ông kể rằng cách đây mười bảy năm, gia đình từ đảo Samui qua đây lập nghiệp. Khi đào cát để lập chòi thì thấy xác một chiếc thuyền vùi sâu trong cát. Ông nói trước đây có một số thuyền Việt Nam qua đây, nhưng không chắc có phải là thuyền của người Việt hay không.

Cả nhà khi đào thấy chiếc thuyền cũng không chú ý, chỉ để trơ ra đấy. Thế rồi một hôm, có một vị sư kêu mẹ ông đến bảo rằng hãy thờ chiếc thuyền ấy. Vị sư nói ông nằm mộng thấy một cô gái hình vóc như thế này thế kia, đến nhờ ông nói lại với gia đình là những người đi trên thuyền, trong đó có cô, đã chết thảm, nên xin được thờ phụng. Vị sư kêu người vẽ lại chân dung cô gái như ông thấy, rồi bảo bà cụ hãy thờ cô gái này nơi chỗ xác thuyền tìm thấy.

Bà cụ là người mộ đạo nên làm theo. Cả mười bảy năm nay, mỗi ngày bà cụ đều cúng hai mâm như thế cả.
Tôi xúc động bảo với người đàn ông, dù gia đình ông không chắc người chết trên thuyền kia là ai, nhưng tôi chắc là những thuyền nhân Việt Nam, vì mười bảy năm trước thuyền đã mục, nghĩa là chiếc thuyền đã vùi trong cát lâu lắm, có lẽ từ khoảng thời kỳ mà thuyền nhân Việt ồ ạt ra đi.

Người đàn ông lặng thinh, ngẫm nghĩ. Rồi ông vào trong nhà mời bà cụ ra. Bà bảo khi bà lập chỗ thờ thuyền cùng di ảnh cô gái, người trong làng cá này đều bảo bà điên. Nhưng bà không màng, bà bảo bà tin có Phật, nhất là vị sư không bao giờ đặt chuyện như thế.

Trời đã sụp tối, tiếng sóng biển rì rào. Tôi về lại căn nhà sàn của mình, phải đi ngang lại chiếc chòi thờ thuyền. Bất chợt, dù cả đời không sợ ma vì biết ma chê mình, người tôi lạnh xương sống.

Nhìn quanh không một bóng người. Tiếng sóng, tiếng chó tru trong đêm rờn rợn.

Nhưng rồi tôi cũng đứng lại hồi lâu trước di ảnh cô gái trong bóng tối nhá nhem. Có lẽ từ một tiếng gọi kêu nào đấy đã đưa chân tôi lưu lạc chốn này để thấy lại một thảm cảnh hiển bày.

Tha Sala, em ơi, đêm nay sóng cuồng điên ngoài biển, miếng ván thuyền rã mục trên bờ vắng.
Mưa đã ngưng nhưng cát vẫn ướt.

Tôi vào nhà lấy cái máy đem ra để cạnh cái chòi thờ, mở lại giọng đọc của Chính.

Trong đêm vắng, giọng của người bạn tôi như tiếng kinh cầu chiêu niệm những oan hồn lẩn khuất đâu đây. Tiếng của anh chậm buồn như sóng biển ngoài kia đang thổn thức.

Đêm nay, đêm oai linh, đêm hồn thiêng sông núi, đêm của tổ tiên nghìn năm sống lại, đêm của những bước chân phiêu lãng trở về bên đốm lửa quê nhà.
Đêm đào huyệt chôn vùi tội ác và ích kỷ.
Đêm của những tấm lòng nở hoa nhân ái.
Xin hãy bàn giao hiện tại tối tăm và phù phiếm, cho ngày mai rạng rỡ bài đồng ca thơm ngát tình người.
Để mùa xuân được trải đều khắp chốn.
Để thiện tâm nở đầy trên lòng bàn tay, thúc giục những bước chân trần tiến về những cuộc hải trình tuyệt vọng, cho mùa xuân chia đều trên mỗi một sinh mệnh của đồng bào.


Tha Sala, em ơi biển yên bình.
Sóng dậy.
Những người con gái Việt Nam.
Những thế hệ chúng tôi đi vào biển dữ.
Cuồng điên, khát vọng, xâu xé.
Biển đen những kiếp người trôi dạt.
Biển đêm miếng ván thuyền di ảnh
Của em.
Sáng lung linh tinh khiết
Trên bãi vắng.
Thân xác em hoang lạnh nhưng linh hồn thơm ngát những đóa hoa nở tung trời.
Hình hài em từ lòng cây hiện ra sang cả tinh trong.
Em biết không
Các thành tựu của Mâu Ni đều hiển bày từ cây đó.
Sinh trong vườn cây Lâm Tỳ Ni.
Thành đạo dưới cội cây Bồ Đề.
Giảng pháp đầu tiên trong vườn cây Lộc Uyển.
Và trở lại hư không dưới táng cây Sala bất diệt.
Người đất lạ đã hiển bày em trang nghiêm từ lòng cội cây già nở hoa
Nơi biển Tha Sala này.
Em là biểu tượng của vô cùng
Của hư không bất diệt.

Tha Sala, hai mươi hai năm sau, tôi thắp nén hương này, nói vào hư không bài văn tế không thành tiếng.


Tha Sala đêm 17.7.2012