Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Ghé thăm các Blogs: 31/05/2012



BLOG VIẾT TỪ SAIGON

Mấy ngày nay trong nước nổi lên vụ người mẫu Hồng Hà bị bắt khi đang quan hệ tình dục chiều 24/5. Cục Cảnh sát hình sự (C45) gọi đó là hành động bán dâm; còn dư luận thì tỏ ra ngạc nhiên và tò mò này nọ. Trong khi sự thực, điều này đã là chuyện thường ngày ở Việt Nam, vì nếu không có hoạt động này, nhiều chân dài hay hotgirl sẽ chết đói theo nghĩa đen.

Hồng Hà (sinh năm 1989, quê ở Thái Thụy, Thái Bình) là một cô gái tay ngang, chẳng được học về phim ảnh, nghệ thuật, nói rằng mình đã đóng trong các phim truyền hình như: Ai, Giấc mơ biển, Một thời ta đuổi bóng, Pha lê không dễ vỡ, Mùa thu đi… Cô nói: “Em không hay đi dự sự kiện, cũng không hay trình diễn thời trang, chỉ thỉnh thoảng đi chụp ảnh mẫu thôi ạ. Phim thì chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng/ bộ, còn chụp ảnh thì em được khoảng 1 triệu đồng/ buổi”.

4 năm ở Sài Gòn, chỉ đóng chừng này phim (đã là khá nhiều so với tên tuổi của Hồng Hà) và thỉnh thoảng mới chụp hình một buổi, tổng thu nhập sẽ là bao nhiêu, tính nhẩm đủ thấy. Vậy thì làm sao sống?

Cho nên trường hợp của Hồng Hà chẳng qua là cục băng nhỏ bị rớt ra khỏi tảng băng khổng lồ, đang trường tồn trong giới showbiz Việt Nam.

Ví dụ như trường hợp ca sĩ Vy Oanh, cô từng nói rằng: “Tôi may mắn có đến 3 đại gia mà tôi rất yêu quý và kính trọng, đại gia tinh thần và đại gia vật chất. Đó là ba mẹ và mẹ Ngân (mẹ nuôi của tôi), cùng với sự nỗ lực không ngừng của tôi nữa. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi làm được bất cứ việc gì mà tôi thích, và còn manager Sơn Nguyễn nữa, còn sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị trong nghề như chị Thủy Nguyễn, anh Nguyễn Phi Hùng… nữa”.

Tất nhiên chừng này là đủ để một ca sĩ đi hát, rồi đóng phim, quay clip quảng cáo. Thế nhưng, như báo TT&VH từng đưa tin: “không đầy 3 năm đi hát, Vy Oanh đã dành dụm được 7 tỷ đồng chi cho việc sở hữu chiếc xe siêu. Và ngay sau khi quyết định sắm xế hộp hàng “khủng” này, từ một ca sĩ mà hỏi tên khối người còn lơ mơ, cái tên Vy Oanh tràn ngập trên nhiều trang báo mạng. Vy Oanh tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Oanh, diễn viên trong một số phim truyền hình (Siêu mẫu xì trum, Thiên đường vắng em, Câu chuyện cuối mùa Thu), phát hành 3 album (Mưa nhạt nhòa, Có lẽ... Em rất nhớ anh, Có thật không anh) và làm MC trong một số chương trình của Đài Đồng Nai.

Trong giới, ai cũng biết để mua được một xe đắt tiền như vậy, với tên tuổi và công việc chuyên môn Vy Oanh thì không thể nào. Và chính cô cũng nói: “Thì đúng như vậy đấy! Nếu chỉ đi hát, đóng phim… thì cỡ như em may lắm chỉ đủ tiền mua được cái nhà hoặc cái xe trả góp khoảng 1 tỷ. Trong làng showbiz này, nếu không phải là ngôi sao, thì thật khó để nghĩ đến chuyện làm giàu nhờ đi hát. Em nghĩ chắc là chuyện không tưởng luôn ấy”.

Nói thêm về mình, Vy Oanh cho biết: “Em sinh ra trong gia đình nghèo, từ nhỏ bố mẹ đã gửi chỗ các sơ, chứng kiến nhiều số phận còn cơ cực nên em thấy việc bỏ vài chục, vài trăm triệu để mua 1 bộ váy thật lãng phí. Thà để tiền đó đi làm từ thiện em thấy còn có lý. Nhưng là ca sĩ thì phải đầu tư bề ngoài, nên cũng phải có dăm bảy món đồ đẹp để chưng diện dịp này dịp nọ”.

Và cô cũng khẳng định: “Vâng, thì em yêu đại gia. Một chiếc xe 7 tỷ chỉ là chuyện nhỏ với anh ấy. Nếu chính thức về chung một nhà, thì em có thể có những thứ giá trị hơn rất rất nhiều. Nhưng bây giờ, vẫn phải khẳng định: chiếc xe này là em mua, là xe của em...”.

Chỉ cần lướt qua các báo, tạp chí hay các trang mạng thì sẽ thấy các người đẹp khoe giàu có, kiểu như: Lý Nhã Kỳ diện váy của nhà thiết kế lừng danh thế giới Alexander Macqueen với giá gần 2 tỷ đồng, đeo đồng hồ Piaget trị giá hơn 6 tỷ đồng (300 ngàn USD), đôi bông tai hơn 600 triệu đồng; Thanh Hằng dùng túi xách 700 triệu đồng; Mai Phương Thúy mặc váy Gucci hơn 100 triệu đồng, cô cũng từng bỏ 315 triệu đồng mua váy hiệu Elie Saab; Ngọc Trinh dùng túi xách Hermes Birkin có giá khoảng 200 triệu đồng và đôi giày Christian Louboutin với giá gần 100 triệu đồng; hoa hậu Diễm Hương với váy hiệu Balmain khoảng 300 triệu đồng… Nói chung nhiều vô thiên lủng, chẳng thể kể hết, gần như tuần nào cũng có.

Trong khi đó, cỡ diễn viên đẳng cấp như Dustin Nguyễn thì đóng phim điện ảnh ở Việt Nam, cát-sê cũng chỉ khoảng 1 tỷ đổ lại, thường thì chỉ 5-7 trăm triệu đồng, mà mỗi năm cũng chừng một phim, còn lâu mới mua được váy như Lý Nhã Kỳ. “Nóng” như nam diễn viên Thái Hòa, vậy mà tả xung hữu đột mấy năm ròng mới mua được cái chung cư giá rẻ.

Những chân dài như vừa kể ở trên và còn rất nhiều nữa, có người xin đi đóng phim với phong bì kèm theo chưa chắc đạo diễn đã gật đầu, có người còn phải ngủ với đạo diễn; hay như cô hoa hậu sinh viên Mai Phương Thúy, từ hồi đạt vương miện (2006) đến nay, chưa bao giờ thấy cô có một hợp đồng làm việc công khai nào giá trên 10 ngàn USD, chẳng lẽ thành hoa hậu thì tự nhiên tiền vào tài khoản, két sắt?

Cho nên, đĩ điếm trong thời này không thể và không nên hiểu là bán dâm đơn thuần. Đôi khi thị dâm, nhĩ dâm… đã là đĩ điếm.

Nhiều thông tin trong giới cho biết, muốn có Mai Phương Thúy, Ngô Phương Lan, Hương Giang, Thùy Dung, Nguyễn Thị Huyền, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Oanh, Hà Anh… cho một sự kiện ra mắt nhãn hàng thì phải bỏ phong bì cho họ khoảng 3.000 đến 4.000 USD. Các tên tuổi khác như Giáng My, Thu Thủy, Hoàng Yến, Ngọc Quyên, Huỳnh Bích Phương, Ngọc Thạch, Thái Hà, Chung Thục Quyên, Trang Trần, Thùy Trang... thì dưới 2.000 USD.

Tất nhiên đây là thu nhập chính đáng, vì các nhãn hàng cần các hotgirl này để được báo chí đưa tin thật ồn ào, dính logo của mình trong đó. Thế nhưng, các hạng “vedett” như vừa nêu không phải ai cũng hoàn toàn sạch sẽ trong thế giới ngầm và không phải lúc nào cũng có nhãn hàng nhiều tiền gọi mời tham dự. Trong khi chi tiêu và ăn diện của họ thì cực kỳ phung phí, xa xỉ. Một bộ phận xem các sự kiện là chỗ show hàng để tiếp thị cho các đại gia. Đặc biệt là với các chân dài ít tiếng tăm hơn, họ chịu khó đến những nơi này, vừa để chụp hình chung các vedett cho có tiếng, vừa để nâng giá và nâng quan hệ khách hàng.

Đôi khi đọc các bài phỏng vấn trên báo, thấy một chân dài nào đó thở than, kiểu như: “Em đang ở không?”; “Ngóng cổ chờ người tâm đầu ý hợp”, “Em vẫn là con gái”, “Có thể yêu người nhiều tuổi, miễn anh ấy hiểu mình”… Về bề mặt, rõ ràng họ đang nói về hiện trạng của mình, một mặt nào đó, cũng là “bật đèn xanh” cho các đại gia nhảy vào. Bởi trong suy nghĩ của các đại gia, chân dài nào cũng phải có một vài đại gia đỡ đầu theo kiểu cho tiền xài, nếu em đã nói “ở không” thì mình có thể vào mà không sợ cạnh tranh.

Điểm lại các gương mặt nghệ sĩ từng dính tới mại dâm và bị phanh phui trong hơn 10 năm qua như Yến Vy, Lâm Nhật Ánh, Bảo Chi, Kim Tính… thì rõ ràng họ chưa phải là những gương mặt nổi bật nhất trong giới của mình. Nhưng không phải vì thế mà những chân dài hạng nhất là hoàn toàn sạch sẽ, một bộ phận trong đó đã hoặc đang nhúng chàm, nhưng vì họ kín đáo và chặt chẽ hơn trong đường dây của mình. Như một tỷ lệ thuận, vì họ có tiếng nên có thu nhập thường xuyên, nếu có bán dâm, cũng đủ bình tĩnh và thời gian để lựa các mối thật an toàn, béo bở.

Chính vì thế, tảng băng ngầm này chẳng bao giờ lộ diện và chẳng bao giờ tan, thậm chí to lên. Bởi nhu cầu mua dâm (dưới mọi hình thức) ở Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Trong khi quả bóng showbiz của Việt Nam ngày càng trương phồng, mà ảo nhiều hơn thật.

*
Khoan hãy bàn tới việc lập khu mại dâm chuyên nghiệp, điều mà một nước muốn văn minh phải nên làm. Ở đây chỉ xin nói thêm về pháp luật và sự bình đẳng của nó.

Theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì: Người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, nếu người mua dâm là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc xử lý như trên còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và kỷ luật. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật, người đó không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Ai là người có tiền mua dâm các chân dài? Không chỉ ra thì đủ rõ: đó là người giàu, hoặc có chức có quyền. Mà những đối tượng này trước pháp luật thường có quan hệ hoặc đặc quyền đặc lợi riêng, tên tuổi họ bị giấu nhẹm trước báo chí. Rõ ràng, việc mua dâm người mẫu Hồng Hà, cả hai đều bị phạt hành chính, mà tên của người mua thì ít được báo chí biết đến, trong khi người bán thì lao đao, có khi bỏ nghề luôn.

Luật sư Trương Văn Dũng, Hội Luật gia Hà Nội cho biết trong Luật Hình sự cũng chưa có chỗ nào phạt người mua dâm. Trong Luật Hình sự, ở Điều 255 có quy định về tội môi giới mại dâm, Điều 254 có quy định về tội chứa mại dâm. Chỉ có duy nhất Điều 256 có quy định về tội của người mua dâm, nhưng là người mua dâm của những trẻ chưa thành niên. Mà trong trường hợp này, Hồng Hà đã trưởng thành (vào nghề từ lúc 22 tuổi), nên cô phải chịu. Đây là xã hội nam quyền và độc quyền, phận gái còn lâu mới được bảo vệ trọn vẹn.



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Mình phải trại cái câu tục ngữ kia để blog mình khỏi tục, vì nhắc đến một từ "nhạy cảm". Nó cũng nhạy cảm như những từ cưỡng chế, mất đất, oánh dân... hiện nay.

Là hôm qua mình thấy thủ tướng phải có hẳn một yêu cầu riêng về vụ Văn Giang, cái vụ mà phó chủ tịch thường trực tỉnh và chánh văn phòng luôn miệng ca ngợi thành công tốt đẹp, không có ai bị đánh và có địch lợi dụng, địch tường thuật trực tiếp từng phút và dựng clip giả bôi nhọ chính quyền.

Thấy công an Hưng Yên hẹn làm việc với VOV rồi lại hoãn. Thấy mấy cặp... chân trâu đang hóa đùi trâu thì thủ tướng nhắc, nói rõ vụ đánh người, phải xử lý nghiêm.

Thấy thương mấy chú dùi dục chấm mắm cáy, đụng hàng thứ thiệt rồi. Khi oánh, chắc chắn các chú phải được lệnh từ thượng cấp, cộng với tính côn đồ cố hữu, các chú oánh cho sướng tay. Giờ chắc chắn theo lệnh thủ tướng, làm nghiêm thì các chú chết trước. Lại khổ mẹ và vợ các chú.

Nhưng chưa chắc. Vụ Tiên Lãng đấy, thủ tướng cũng quyết ngay, quyết quyết liệt. Nhưng đến giờ, chân trâu cũng hóa đùi trâu rồi. Cái nhà bị phá tan hoang giữa thanh thiên bạch nhật thế, các cơ quan chức năng Hải Phòng giờ này vẫn chưa định giá xong và chưa xác định ai phá, đồng nghĩa chưa khởi tố bị can vụ phá tài sản công dân được. Tương tự ông chánh Hưng Yên bảo cái clip mờ mịt thế ai thấy ra ai mà điều tra. Chỉ ông là không thấy thôi chứ ai cũng thấy hết, ai cũng rõ cái việc này nó dễ hơn... cắt móng tay nữa, nhưng đến giờ, ở báo cáo mới nhất, vẫn là: thành công tốt đẹp, không ai bị đánh.

Hôm nay báo đồng loạt đưa tin, vợ ông Vươn đã gửi đơn đề nghị rút quyết định khởi tố 2 người đàn bà chống người thi hành công vụ, khi họ không có mặt ở cuộc cưỡng chế, đồng nghĩa với việc họ không thể chống người thi hành công vụ. Hơ hơ, vụ này còn nhiều điều hay.

Có điều qua 2 vụ này, nhờ thế thủ tướng nên ta có thể yên tâm, từ nay chắc sẽ ít còn công bộc dám láo với dân, coi dân là thế lực thù địch, muốn đánh thế nào thì đánh, muốn bắt thế nào thì bắt...

Cứ là tin tưởng thế nhé nhé...




BLOG THÙY LINH

Cuối cùng thì ai cũng đúng: Bổ nhiệm đúng qui trình từ Chính phủ tới Bộ GTVT. Tức là đã chọn đúng cán bộ có năng lực và phẩm hạnh để ngồi vào cái ghế lãnh đạo hẳn một ngành nghề lớn: hàng hải. Còn cơ sự xảy ra hôm nay là chuyện ngoài mong muốn? Vinalines thua lỗ, cán bộ cao nhất phải chịu trách nhiệm bỏ trốn. Bộ GTVT nói là khi bổ nhịêm ông Dương Chí Dũng dù Vinalines đang thanh tra, nhưng nhiều đơn vị vẫn thường có thanh tra như thế, và khi chưa có kết quả họ không thể biết ai sai phạm? Văn phòng chính phủ cũng nói tương tự. Chẳng có văn bản nào cấm bổ nhiệm cán bộ khi đang bị thanh tra nên cứ bổ nhiệm thôi. Thanh tra nghĩ gì, làm gì, kết quả thế nào sao mà biết được? Bí mật mà. Dân tình hiểu thế này: có nghĩa là nội các chính phủ là bộ nào biết bộ nấy, bộ phận nào biết bộ phận nấy? Không hề có chuyện chia sẻ thông tin, phối hợp hành động giữa các bộ phận trong nội các chính phủ? Bộ máy ấy không cần có sự gắn kết trong sự điều hành kinh tế, xã hội… cho nhịp nhàng và có hiệu quả? Vậy Thủ tướng điều hành bộ máy chính phủ thế nào khi thông tin không được chia sẻ giữa các bộ phận? Và cuối cùng, Thủ tướng có quyền được biết tất cả bộ phận trong nội các vận hành ra sao không?

Qui trình bổ nhiệm cán bộ của đất nước này chưa bao giờ sai. Dân tình hiểu ra điều đó mỗi khi có một cán bộ cao cấp của chính quyền rơi vào vòng lao lý, mỗi khi núi tiền đóng thuế và tiền nợ nước ngoài oằn trên lưng dân đen đổ vào túi các quan và đổ vào thúng rác. Vậy thì sai từ đâu, ở chỗ nào? Liệu có thể hỏi: nếu qui trình đúng mà vẫn ra kết quả sai thì có nghĩa qui trình sai mà cứ khăng khăng là đúng? Ai là người “lắp đặt” và đề ra nguyên tắc cho qui trình này vận hành? Từ bao lâu rồi qui trình này đã đưa vào thực tế cuộc sống? Đã bao nhiêu “đinh, ốc, vít” lắp đặt để qui trình vận hành cho đến lúc này? Bao nhiêu sản phẩm được tạo ra từ qui trình này? Hoặc có thể qui trình đúng nhưng cách điều hành, quản lý sai hay không? Dù sai hay đúng thì vẫn là từ một nguồn điều hành duy nhất: chính phủ. Đến lúc này, kết quả điều tra ban đầu ở Vinashin lẫn Vinalines đều nói rằng: họ tự ý làm khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Mà hai nơi đều nằm trong sự điều hành, quản lý của Thủ tướng cùng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Vậy người điều hành, quản lý có bị qui là “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hịêu quả nghiêm trọng” không? Và cho đến lúc bắt được ông Dương Chí Dũng thì qui trình này có khi vận hành đề bạt thêm vài “cán bộ nguồn” cho các nhà tù trong tương lai? Vì thực tế cho thấy, dù đã có PM18, Vinashin mà đến cuối năm 2011, Dương Chí Dũng vẫn được tiến cử chỉ vài tháng để rồi có quyết định khởi tố bị can. Dân tình từ lâu đã hiểu chỉ chính phủ không hiểu “qui trình luôn đúng” đó là thế nào? Nếu không tháo bỏ qui trình luôn đúng này để thay thế bằng lối làm việc khác thì chính phủ chỉ còn mỗi việc chạy theo xử lý các kết quả sai của “qui trình đúng” của mình cả về tiền bạc và con người. Hay nói theo kiểu dân dã là qui trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay là cách tạo nguồn cho các nhà tù về tội phạm kinh tế...



BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
THỨ HAI, NGÀY 28 THÁNG NĂM NĂM 2012


Có những việc không ký gì sai, đúng thủ tục, đúng qui trình, đúng trình tự, đúng thẩm quyền, nhưng đó là cái đúng ngu dốt- sự ngu dốt của cái đúng!

          Trả lời chất vấn của báo chí về việc đề bạt khó hiểu ông Dương Chí Dũng từ Chủ tịch HĐQT Vinalines lên ghế Cục trưởng hàng hải, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: việc bổ nhiệm đó là “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo các quy định về cán bộ của đảng và nhà nước”.

          Ông Đam còn viện dẫn ra đủ điều luật để chứng minh “không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ”...

          Nghe ông Đam nói về sự đúng trong việc bổ nhiệm ông Dũng, cứ tưng tức như năm rồi nghe câu “không ký gì sai” trong vụ Vinashin.

          Điều quan trọng của công tác cán bộ là bổ nhiệm đúng người, đúng ghế. Nếu phát hiện đúng người tài mà vượt thẩm quyền tí, sai thủ tục tí, ký sai tí cũng không phải là điều đáng trách. Thậm chí sự “cướp cò” nếu có lại là điều dũng cảm, đáng khen, đáng cổ vũ khích lệ.

          Ngược lại, cho dù rất đúng qui trình, đủ thủ tục, trúng thẩm quyền, “không ký gì sai”... nhưng lại đi cất nhắc đề bạt một đứa ăn hại, thậm chí là một thằng tội phạm thì cái việc “đúng” ấy là cái đúng ngu dốt của người làm công tác tổ chức.



BLOG CÁNH CÒ

Cánh Cò (RFA Blog) - Trong tuần qua có hai sự việc liên quan đến thân phận đàn bà làm mình chú ý. Việc thứ nhất được báo chí kèn trống một cách quá lố vì có liên quan đến chân dài. Vụ thứ hai chỉ có hai tờ báo đưa tin có lẽ do vụ việc chỉ liên quan đến hai phụ nữ có chân… không được dài lắm.

Nhân vật chính trong cả hai vụ đều là phụ nữ và nội dung hoàn toàn khác nhau nhưng lại nói lên bộ mặt thật của xã hội hôm nay.

Vụ thứ nhất là người mẫu Hồng Hà, cô bị bắt vì bán dâm với cái giá 1.000 đô la cho một đại gia nào đó mà theo báo chí ỡm ờ có thể là một quan tham mà nhà báo được chính quyền rỉ tai nên không tiện nêu tên vì lý do “nhạy cảm”.

Người mẫu bán dâm thì có gì là lạ trong xã hội Việt Nam khi cái nghề này tuy ồn ào trên báo chí nhưng có cô người mẫu nào giàu được nhờ khả năng và công việc của mình? Những ông bầu sau chiếc cánh gà của sàn catwalk chính là người chính thức hưởng lợi qua các hợp đồng mà người mẫu ký được với những công ty thời trang và sau một thời gian trong nghề, những người mẫu quen tiêu xài ấy sẽ không thể ngưng lại và chiếc xe lộng lẫy do báo chí thổi phồng chỉ có thể đổ xăng bằng các loại thu nhập ngoài…vòng phong tục!
Tuy với lý do gì, mình cho rằng bất cứ người đàn bà nào khi chấp nhận bán dâm cũng đều đáng thương, chí ít là thương hại. Là đàn bà, bạn nghĩ gì khi phải nhắm nghiền hai mắt để một tên đàn ông nào đó thân thể ngập ngụa mùi rượu, tởm lợm với thức ăn chưa tiêu hóa hết trong cuống họng, hì hục làm cái việc mà một con heo nọc xem ra còn dễ coi hơn?

Người chấp nhận làm công việc gọi là bán dâm ấy có vui được không khi báo chí mô tả họ như những kẻ làm băng hoại xã hội này kể cả cô người mẫu đang bị lên án? Người mẫu rồi sao? Họ không có những đau đớn ê chề từ đòn thù mà báo chí hết tờ này tới tờ khác đang thi nhau “bề hội đồng” họ? Cái giá 1.000 ngàn đô la trong khách sạn sang trọng khác gì với hai trăm ngàn tiền Việt của một cuộc bán dâm tại Vườn Tao Đàn? Giá cả không nói lên được bản chất vì đau đớn, nhục nhã lẫn ê chề không có giá và luôn luôn giống nhau. Cô gái từ miền Tây lên thành phố bán thân tuy hoàn cảnh có khác, thân phận có khác và giai cấp cũng có khác nhưng không vì thế mà cô người mẫu “hân hạnh” tăng giá theo như điều mà báo chí đang làm.

Đưa tin theo cách mà báo chí làm với cô người mẫu hiện nay là cách đưa tin đầy nọc đọc. Nọc độc ấy đang được sự hiếu kỳ rẻ tiền của xã hội tiếp tay chuyền vào cơ thể của hàng triệu cô gái Việt Nam khác bất kể thành thị hay thôn quê đang đứng trước nguy cơ không công ăn việc làm trong hoàn cảnh kinh tế mất định hướng và tuổi trẻ mất niềm tin như hiện nay.

Báo chí không dám đả động hay tìm cho ra cái tên đại gia ấy là ai? Hắn làm ở Bộ ở Cục nào trong chính phủ? Hắn có phải là công an hay hiệu trưởng một trường học nào đó hay không? Đó là những câu hỏi mà người đọc cần biết và người làm báo có tay nghề càng phải biết hơn. Tập trung vào một tấm hình duy nhất và loan tin theo bản tin của công an đưa cho thì xin lỗi các anh, hàng triệu người làm báo tốt hơn các anh nhiều mặc dù quanh năm họ không hề bước ra khỏi cửa.

Mình không hề xúc động một chút gì qua bản tin này, do đó bài báo về vụ người mẫu bán dâm kể như tốn giấy một cách ngu đần. Tuy nhiên mình lại xúc động thật sự ở một bản tin khác do Bee.Online đưa tin với đầy đủ hình ảnh: “Hai mẹ con khỏa thân để giữ đất”.

Vụ việc xảy ra tại Cần Thơ khi bà Phạm Thị Lài 52 tuổi, với con gái ruột là Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi hiện đang làm kế toán của một doanh nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng ở TP Cần Thơ. Hai người đã lột hết quần áo để chống lại với những người đàn ông đang có mặt trên công trường trên mảnh đất của bà bị nhà nước tước đoạt giao cho doanh nghiệp. Bà Lài được trả 500 ngàn cho một mét vuông đất trong khi đó chính quyền giao lại cho doanh nghiệp với con số tăng lên 10 lần.

Sau nhiều lần đấu tranh không thành công hai mẹ con bà đành sử dụng phương pháp cuối cùng: “Lấy cái xấu chống lại cái ác”.

Rõ ràng chị Hồ Nguyên Thủy không phải là người thất học, vì làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân không thể thiếu kiến thức hay được lo lót như làm việc cho nhà nước. Trong lứa tuổi 30 chị không thể được xem là già nhưng chấp nhận không mặc quần áo để chống lại cái ác thì hành động này của mẹ con chị vừa đau đớn cho đàn bà Việt Nam vừa là một vết mực đen quất thẳng vào bức tranh đang được người ta cố hết sức để thổi phồng lên về sức mạnh và sự đẹp đẽ khó tin của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Tâm lý xem bộ phận sinh dục của phụ nữ là nơi dơ bẩn đã được truyền bá trong cộng đồng nông nghiệp hàng ngàn năm nay và vì vậy khi chấp nhận khỏa thân thì người dân quê đang dùng đến thứ vũ khí cuối cùng để chống lại đám cường hào mới.

Cường hào không lộ mặt như những thứ Tổng, Lý trong thời Ngô Tất Tố. Cường hào hôm nay có khuôn mặt đẹp đẽ hơn nhiều và cơ ngơi của họ cũng đồ sộ gấp ngàn lần hơn. Họ là những người có chức danh nghe rất kêu như chủ tịch ủy ban này, bí thư thành phố nọ. Khuyển ưng của họ không phải là mấy tên võ biền ốm đói mà cả một rừng quân lính kêu đâu dạ đó, súng ống khiên nón đầy người…

Vậy mà hai mẹ con của bà Lý, người miền Tây của mình lại chỉ có thể đem hai cái vật chỉ bằng hai bàn tay ra chống một cách đau đớn như vậy thử hỏi mấy ai không nghẹn ngào, rơi lệ?

Nhìn cảnh hai mẹ con trần truồng bị đám sai nha lôi xềnh xệch trên mảnh đất của họ người đọc sẽ nghĩ sao so với tấm ảnh của cô gái trong đồn công an về tội bán dâm? Xã hội chưa lên án báo chí thì quả là chuyện lạ!

Đóng bản tin lại mình thẫn thờ tự hỏi: sao mà nhân phẩm con người hôm nay lại rẻ rúng đến như thế? Một bên khoe thân để lấy tiền, một bên đưa thân ra để chống lại bọn người tàn ác. Hai hình ảnh ấy nói lên điều gì tại quê hương của mình ngày hôm nay vậy?

Mình chỉ biết buồn và cầu nguyện cho hai mẹ con bà Lài và cũng không quên cho cả cô người mẫu tội nghiệp.

Mình cũng muốn cắn răng, như một tín đồ Thiên Chúa thường cho rằng nên cầu nguyện luôn cho kẻ thù để chúng sớm quay đầu lại với Chúa… nhưng sao không thể làm được? Có thể giận quá mất khôn, hay tận thâm tâm mình không tin rằng những hung thần của quê hương sẽ không bao giờ quy cải được?

Khi người đàn bà bị đẩy đến chân tường đến nỗi phải dùng đến thứ vũ khí trời ban cho để sinh tồn mà xã hội vẫn nhởn nhơ cười nói thì đến Chúa cũng hết lời chứ nói chi đến mình, một người ngoại đạo?


BLOG HỒ NHƯ HIỂN

Đọc báo thấy đưa tin về con trai bí thư tỉnh Hải Dương, mình phục anh ấy quá. Đúng quy luật cụ Khổng bên Tàu bảo hơn nghìn năm trước, mới hơn ba mươi cái xuân xanh một tị, anh ấy đã là trưởng một phòng của Sở LĐTB và XH tỉnh Hải Dương. Không chỉ có vậy, anh ấy còn có khu nhà vườn trị giá hàng tỉ đồng. Đúng là tài không đợi tuổi.

Nghĩ đến anh ấy, so sánh với bản thân, mới thấy mình kém cỏi, bất tài quá. Cũng là đàn ông, cũng xấp xỉ tuổi anh ấy mà mình thì hai bàn tay trắng làm nên... vô số nợ. Anh ấy, nhà thành phố, bố làm to, còn mình nhà trong ngõ, bố cất vó bờ sông. Cơ mà, con không chê cha mẹ khó. Mình chỉ tủi thân là chỉ số ai - kiu (IQ) của mình chỉ ở mức ngang... thân nhiệt (hồi đi học có đứa còn dám bảo mình: đậu phụ làm thì quái gì có nếp nhăn, mình căm lắm nhưng nghe nhời các cụ dạy, nhịn không phải là nhục nhịn là chờ nước đục thả câu, nên mình chỉ cười trừ rồi mỗi ngày chửi nó mười lần bằng... ý nghĩ). Người ta đi một ngày đàng gặp toàn hàng ngon, mình thì đi một ngày đàng học càng tồi hơn. Biết thân biết phận, mình chịu khó là gà thì phải la cà bới thóc mà mãi cũng chẳng khá lên được. Nhìn toàn cảnh cuộc đời mình cho đến giờ thì thấy, nhỏ thì làm khổ mẹ khổ cha, bây giờ thì làm khổ vợ (chả thế mà lúc tắt điện sản xuất... tương lai mình bảo: em là tất cả của đời anh, nàng độp lại mình: còn anh là vất vả của đời em, làm mình tụt hết cả hứng). Với đà này về già lại làm khổ con mất thôi.

Cụ Nguyễn Công Trứ bên xứ mình cũng thật quá đáng. Ừ thì cụ tài, ừ thì cụ có công, nhưng giá cụ cứ im lặng là vàng, đừng phang cho bọn hậu bối câu nói: ... phải có danh gì với núi sông thì bọn trai trẻ như mình đỡ phải dằn vặt, phải khổ sở, phải vật vã vì trót sinh ra mang kiếp... đàn ông. Nội cái việc gánh vác vai là cái kèo cái cột gia đình đã bở hơi tai rồi lại còn làm trai phải có chỗ đứng và cứng chỗ đó nữa thì nát một đời hoa, tan ba đời chuối những thằng máu lên não chậm như mình. Nhiều lúc chán đời muốn tự tử nhưng sợ... không thở được nên... thôi.

Cũng chẳng nên tiêu cực quá kẻo lại sì troét nặng rồi lại trầm cảm mất. Làm thằng đàn ông, đã không biết làm việc nhỏ thì phải biết... nghĩ việc lớn. Hay ho gì cái việc lúc nào cũng chỉ chăm chăm để vinh thân phì gia, phải nghĩ cho rộng một chút. Đến đất nước, đến nhân dân chẳng hạn. Phải học anh ấy chứ.

Anh bỏ tiền túi làm khu vườn rộng mênh mông như thế là có ý đồ rất... trong sáng.  Nó giúp ta liên tưởng tới câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh: Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài (chỉ cần thay hai từ “nông trường” bằng “khu vườn”). Nói đến nông trường, ta nghĩ  ngay đến hợp tác xã, nói đến hợp tác xã không chỉ có hợp tác xã mà nghĩ đến chủ nghĩa xã hội. Mà ở ta, nghĩ đến chủ nghĩa xã hội là nghĩ đến lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước. Thật là thâm hết cả... hậu.

Chưa hết, cái nhìn xa trông rộng, cái ý tại ngôn ngoại của anh ấy còn ở con số diện tích khu vườn. Tại sao không phải là năm nghìn mét vuông hoặc hơn thế, dù mình tin rằng, tài giỏi như anh ấy dư sức lo được, mà lại là hơn bốn nghìn mét vuông? Ồ, cái đầu như hũ nút của mình nghĩ mãi mới ra. Anh ấy chọn con số như vậy là muốn nhắc nhở mọi người về lịch sử cha ông bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đấy. Cảm động quá, khâm phục anh ấy quá. Giữa lúc tình thế đất nước như ngàn cân treo... sợi bún, giữa lúc người dân vô cảm với tình hình đất nước, giữa lúc bọn bành trướng phương Bắc đang lăm le cướp nốt phần biển đảo của ta thì việc làm của anh ấy như một ánh chớp xé ngang đêm tối làm lay động con tim mọi người. Vĩ đại thay.
Điều đáng quí hơn ở anh ấy là ý thức tự lực, tự cường. Nếu như ở ta, phần lớn  thanh niên luôn ỷ lại, trông chờ: hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ... dựa thì anh ấy tuyệt nhiên không. Có được số tiền để làm công trình như vậy hoàn toàn xuất phát từ mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân anh ấy chứ không hề dựa dẫm vào bất kì ai, bất kì mối quan hệ nào. Rồi đây, nhân dân ta, nhất là thế hệ 8X, 9X,... vô ích (0X) nhìn anh ấy, theo gương anh ấy mà học tập nhé. Đang lo con cái mình bước vào đời không có một hình mẫu nào để theo, chúng khủng hoảng lí tưởng sống thì hỏng mất. May quá, anh lại xuất hiện. Một tấm gương thật to. Mình sẽ sưu tầm ảnh anh ấy, các bài viết về anh ấy, treo ở đầu giường để con mình hàng ngày chúng soi vào.

Và mừng hơn nữa, đất nước ta lên thiên đàng đến nơi rồi. Anh ấy là công bộc của dân mà giàu vậy thì các chủ nhân ông - nhân dân còn giàu đến đâu nữa.

Thật là hồn thiêng sông núi đã hiện về để dẫn đường chỉ lối cho nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta.

Mừng lắm! Mừng lắm!


BLOG PHƯƠNG BÍCH
Chủ nhật, ngày 27 tháng năm năm 2012

Một cô bạn vốn chẳng quan tâm gì đến chuyện xã hội, tự dưng lại hỏi mình về một chuyện không cũ lắm, là vụ hai nhà báo của VOV bị đánh nhầm, khi xuống hỗ trợ nhà cầm quyền đưa tin về cưỡng chế ở Văn Giang. Mình cười hức hức, bẩu đúng là nhiều chuyện dở khóc dở cười quanh vụ này. Lẽ ra họ sẽ chẳng bị đánh bầm dập như thế nếu phối hợp chặt chẽ với nhà cầm quyền. Hay là sợ nhà cầm quyền không tin tưởng, hoặc quá tự tin vào cái mác phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam của mình mà các anh cứ hiên ngang đứng đó, thậm chí còn dại dột hô lên: tôi là nhà báo đây?

Có người bảo: ngu cho chết! “Nó” đã không muốn nhà báo vào quay phim chụp ảnh (dù là báo nhà nước vì bây giờ chả tin bố con nhà nào) mà lại hô là nhà báo đây thì nó oánh cho là phải. Lẽ ra phải hô: Tôi là chủ đầu tư đây! Tôi là chủ đầu tư đây! Thì mới không bị ăn no đòn thế chứ.

Thế là công an và dân phòng thì tưởng nhầm họ là nhà báo nhân dân. Nhân dân cũng tưởng họ là nhà báo nhân dân. Thế cho nên công an và dân phòng choảng nhà báo vì tội dám chụp ảnh (để tố cáo hả? Đừng hòng! Ngu gì mà cho chúng mày cơ hội đó). Còn nhân dân thì nhào vô cứu nhà báo, thế là cũng bị đánh hội đồng theo. Té ra tất cả đều bé cái nhầm cả.

May mà có người quay được cảnh đó rồi phô lên mạng. Đúng là nhân dân thì có trăm tai nghìn mắt. Cảnh công an với dân phòng đánh đập nhà báo và phụ nữ dã man bị cả làng cả nước nhòm thấy.  Nhìn công an bổ dùi cui vào đầu nhà báo như bổ củi, rồi công an tung cước vào bụng hay ngực người phụ nữ đang bị giữ chặt hai tay mới thấy khiếp. Ai có thể không bàng hoàng, phẫn nộ? Vì lẽ gì mà người ta có thể làm điều ác đến thế? Thế lực của đồng tiền ư?

Một người nhận xét rất hay, rằng “ Ô không! Ngàn lần không! Tất cả chúng con phải quì gối xuống trước mặt các Cha, các Mẹ, các Anh, các Chị nông dân - những người đã ngàn đời tần tảo nuôi sống cả dân tộc này - mới đúng, mới phải đạo làm người!”

Khi thấy dân nhào vô cứu nhà báo, mình đã tự hỏi: Dân cứu nhà báo! Vậy nhà báo có cứu dân không?
Bị đánh te tua như vậy, không nhờ có dân che trở, chia lửa nên còn tỉnh táo mà tìm được đường về quê mẹ, vậy mà các anh vẫn phải cầm lòng “đấu tố” ân nhân là hung hãn chống lại chính quyền. Mình nghĩ chắc các anh cũng đau lòng lắm, vạn bất đắc dĩ phải trả lời thế thôi. Và hiện giờ nhà báo bị kẹt vào cái thế oái ăm quá, muốn tử tế cũng không được, muốn khốn nạn cũng không xong.

Hôm bà con Văn Giang kéo nhau sang tận trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam, để thăm hai nhà báo bị đánh thì mình cũng có mặt. Mình hỏi mục đích của các bác là gì thế, thì họ bảo sang hỏi thăm nhà báo thôi. Rồi họ cũng muốn biết quan điểm của cơ quan phát thanh của nhà nước về việc nhà cầm quyền địa phương đem công an và cảnh sát cơ động ra đàn áp dân, để cưỡng chế thu hồi đất một cách trái pháp luật là như thế nào.
Thôi rồi! Khó cho các anh rồi. Biết trả lời thế nào cho ân nhân cứu giúp mình đây? Thậm chí bà con còn lễ mễ mang cả bao tải ngô và hàng túi bánh tẻ đặc sản lên để làm quà cho nhà đài nữa chứ.

Hu hu! Khó ăn khó nói quá mất thôi. Từ chối thì không đành, mà nhận rồi lại không nói cho nó phải đạo, dù chỉ là nói đúng sự thật thôi thì đúng là không còn mặt mũi nào thật.

Thì chỉ nghe trên mạng thôi, là trốn mãi cũng không được, nên các nhà báo đành phải trả lời phỏng vấn. Chủ trương thì có thể nói theo chỉ đạo, nhưng cái việc bị oánh thì không làm sao mà nói khác đi cho được. Thế là trên mạng xì xầm rằng nghe đâu hai nhà báo bị cho thôi việc vì vụ này. Người trong nội bộ thì khẳng định đã “tuyên án”, nhưng khi thấy hai nhà báo vẫn có mặt trong các sự kiện mới toanh thì thấy rằng rõ ràng là không có chuyện các anh bị thôi việc. Quả này đúng là nuốt vào không trôi mà nhè ra cũng không xong! Cầm lòng vậy, rầu lòng vậy.

Tuy nhiên mình vẫn thắc mắc đấy, dù không phải là nhận hối lộ bao tải ngô với mấy chục cái bánh tẻ, nhưng đã được dân cứu, lại được hỏi thăm sức khỏe có kèm theo quà quê, liệu các nhà báo có lên tiếng cứu dân bằng cách nói lên sự thật không nhỉ?

Bà con Văn Giang đội đơn khiếu nại lên Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam - ăn trưa bám trụ

Mệt mỏi đợi chờ

Chị Ngô Thị Ánh - người phụ nữ bị đánh khi cứu nhà báo

Lễ mễ vác cả bao tải ngô làm quà thăm hỏi nhà báo bị đánh