Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Ngọc - “Bệnh lạ” hay cách hành xử lạ?


Blog Nhật ký của Ngọc

Chữ “lạ” càng ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc trên báo chí. Khởi đầu là “tàu lạ” nay đến “bệnh lạ”. Như một blogger nói, tàu thì không lạ nhưng sự hèn hạ thì quen. Còn bệnh thì cũng không lạ, lạ chăng là cách hành xử lạ lùng và trình độ còn xa lạ với quốc tế.


Câu chuyện “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi làm tôi liên tưởng đến câu chuyện H5N1. Bệnh lạ xảy ra đã 3 năm nhưng các quan chức y tế và các giáo sư tiến sĩ VN không tìm ra nguyên nhân. Năm 2004, khi H5N1 hoành hành, chỉ trong vòng vài ngày, một nhóm chuyên gia của WHO và Đại học Oxford cùng với vài chuyên gia Việt Nam đã lập tức điều tra và cho ra nguyên nhân. Họ còn công bố kết quả trên tạp chí y khoa toàn cầu để cảnh báo toàn thế giới. So sánh hai sự việc cho thấy trình độ của nền y khoa VN ra sao.

Nền y khoa trong đó – nói theo một đàn anh – bác sĩ ta không thua kém bất cứ ai trên thế giới càng ngày càng bi hài. Căn bệnh “viêm da dày sừng bàn tay bàn chân” đã xảy ra 3 năm. Hơn 200 người mắc bệnh. 21 người tử vong. Hơn một năm điều tra dịch tễ và lâm sàng. Huy động hàng trăm “chuyên gia hàng đầu” với chức danh giáo sư, tiến sĩ về dịch tễ học, da liễu, hoá sinh. Nhiều đến nỗi người dân chán ngán không muốn tiếp thêm một đoàn nào nữa. Tốn biết bao tiền của của người dân, để rồi được kết quả gì? Không được gì cả. Đúng như một tờ báo thất vọng thốt lên: Một năm truy tìm “bệnh lạ” vẫn chưa rõ nguyên nhân. Kết quả đó có xứng đáng với kiểu tự sướng một nền y khoa “tài giỏi” hay không? Tôi nghĩ phải nói là một nền y khoa tồi thì mới đúng. Chỉ có một hệ thống y khoa tồi và bất tài mới tiêu tiền của dân một cách vô tội vạ như thế. Đó là bi.

Đến hài.  Hiện tượng một em bé “gây cháy” làm nhốn nháo cả hệ thống y khoa. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng cả một nhúm giáo sư, tiến sĩ, với những thiết bị điện tử đã “vào cuộc”. Kết quả là … không kết quả.  Không kết quả là phải thôi, vì người ta đem những thiết bị mua ở siêu thị, nhưng có lẽ Made in China, về để đo … điện từ trường. Rồi lại tốn giấy mực của báo chí, nhưng người dân cho đến nay vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Chưa bao giờ sự hài hước lên đến cao độ như thế.

Hai sự việc nói lên một thực tế hết sức đơn giản, đó là sự bất tài. Sự bất tài thể hiện rõ nét từ các trường y, đến bệnh viện và sau cùng là Bộ Y tế. Chưa bao giờ trong lịch sử VN, chúng ta có nhiều giáo sư tiến sĩ y khoa như hiện nay. Con số giáo sư và tiến sĩ y khoa có thể đã lên đến vài vạn. Nhưng như Gs Tuấn đã nhiều lần phân tích cho thấy mỗi năm họ chỉ cho ra khoảng 300 bài nghiên cứu! Càng nhục hơn khi biết con số đó chỉ bằng 1/4 của Thái Lan. Một sự thật khác càng nhục hơn là trong số đó gần 95% là do các đồng nghiệp ngoài giúp đỡ.  Những con số lạnh lùng đó cho thấy rất rõ ràng và thuyết phục là các giáo sư tiến sĩ VN rất kém cỏi trong nghiên cứu khoa học.

Phải là người trong cuộc và ở trong nước mới thấy hết sự kém cỏi của các giáo sư tiến sĩ y khoa VN. Đọc qua những “nghiên cứu” của họ trên các tạp chí như Nghiên cứu Y học TPHCM, Y học Thực hành, tôi thật ngán ngẩm cho học thuật thời mạt vận. Tôi phải để hai chữ nghiên cứu trong ngoặc kép vì tôi dám chắc đại đa số những bài đó không phải là nghiên cứu. Đó chỉ là những bài kể chuyện, kể một cách nghèo nàn và linh tinh. Nhưng những bài đó “ngốn” hàng tỷ đồng Việt Nam. Ai chi trả? Xin thưa: người bệnh. Theo tôi, phải nêu vấn đề này trên công luận để công chúng biết rằng họ đang trả tiền cho các bác sĩ vi phạm y đức nhân danh “nghiên cứu khoa học”. Những đồng nghiệp nào từng đi dự hội thảo thường niên của các hội như tim mạch, thần kinh, lão khoa, chấn thương chỉnh hình … sẽ thấy tình trạng khoa học thê thảm đến độ khó cứu vãn. Trong những hội nghị đó chúng ta vẫn thấy những khuôn mặt được xưng tụng là “thầy của những bậc thầy” với những slide quen thuộc. Quen thuộc là vì đều do các công ty thuốc soạn cho họ. Có công ty còn chèn vào logo thuốc của công ty! Tôi mới dự một hội thảo và thấy có một vị “giáo sư” đình đám dùng đến 10 slide của công ty thuốc, phần còn lại là cóp nhặt từ mạng. Họ không có bất cứ một nghiên cứu gì của chính họ cả. Vì nhặt từ mạng và vì dốt tiếng Anh, tiếng Pháp nên có người phát âm thuật ngữ sai be bét. Các vị “giáo sư” lúc đó chỉ là những kẻ bán hàng hay quảng cáo hàng cho công ty thuốc. Thảm hại nhất là họ không nhận ra điều đó. Ngược lại, họ nghĩ rằng họ đang cập nhật hoá kiến thức cho bác sĩ, kể luôn những bác sĩ già như tôi nghe.

Với một trình độ kém cỏi như thế thì làm sao họ có thể tự mình thực hiện một nghiên cứu khoa học cho hoàn hảo. Bởi thế, tôi không ngạc nhiên khi cả lố đoàn khảo cứu vào Quảng Ngãi mà vẫn không tìm ra căn nguyên của “bệnh lạ”. Trong tương lai, chúng ta cũng không trông chờ gì họ sẽ giải quyết được vấn đề nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài.

Có thể nói rằng trong hệ thống công quyền ngày nay đầy rẫy các quan chức đang ngồi nhầm chỗ. Họ chẳng những không có đủ trình độ chuyên môn mà còn thiếu nhân cách của một quan chức phục vụ dân. Bằng cấp và chức quyền đều là những món hàng có thể mua và bán. Đó là câu trả lời cho những bất cập hiện nay trong ngành y tế. Là câu trả lời tại sao cả nhúm giáo sư tiến sĩ mà không giải đáp được “bệnh lạ”. Họ là giáo sư dỏm, tiến sĩ dỏm, thì làm sao có đủ khả năng nhận ra bệnh. Hầu như trong bất cứ lĩnh vực nào trong ngành y tế cũng đều lộ diện ra những con người dỏm, bất tài. Không chỉ trong ngành y tế mà còn trong tất cả các ngành khác. Từ trên trung ương xuống dưới địa phương.

Đã bất tài thì thiếu tự tin và sĩ diện hảo. Trong khi các tổ chức quốc tế như WHO và CDC của Mỹ lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta điều tra về “bệnh lạ” thì Bộ Y tế khăng khăng nói họ có thể làm được mà không cần đến chuyên gia nước ngoài. Làm được mà trong 3 năm vẫn là bệnh lạ! Trong điều trị lâm sàng, chúng ta vẫn phải tham vấn các chuyên gia ngoại quốc khi gặp các trường hợp bệnh hiếm. Tôi thiết nghĩ trong trường hợp “bệnh lạ” cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy tại sao Bộ Y tế và các giáo sư tiến sĩ của VN không tham vấn WHO và CDC? Theo tôi, chỉ có một giải thích duy nhất, đó là do họ thiếu tự tin. Họ sợ rằng khi tiếp xúc với các chuyên gia thứ thiệt ở nước ngoài, họ sẽ lộ cái dỏm, cái dốt của mình ra.

Trong khi các giáo sư tiến sĩ dấu cái dốt của mình thì cả một làng vẫn sống trong sự rủi ro. Trong khi các giáo sư tiến sĩ sợ mất sĩ diện thì người dân hoặc phải chờ cái chết hoặc phải chịu trận với “bệnh lạ”. Tại sao trong câu chuyện H5N1, các quan chức y tế sẵn sàng nhờ vả chuyên gia nước ngoài, còn trong chuyện bệnh lạ thì họ chậm trễ. Chậm trễ để dẫn đến cái chết cho người dân là một tội ác. Ai đứng ra chịu trách nhiệm cho những cái chết vì bệnh lạ ở Quảng Ngãi?

Tái bút: viết xong bài này tôi mới đọc được giả thuyết dioxin và hoá chất của Gs Tuấn.

http://www.nguyenvantuan.net/health/2-health/1502-benh-la-o-quang-ngai-vai-tro-cua-dioxin
Những hình ảnh và y văn trong bài mang tính thuyết phục cao. Nhưng nếu đúng là do độc chất thì chúng ta phải làm gì? Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm? Có lẽ đó là giải pháp thực tế nhất.


Nguyễn Trọng Tạo -Bao giờ dân được yên thân?


Thư gửi Thủy sau chuyến thăm Trung Quốc


LÊ THANH DŨNG

Mình vừa đi Trung Quốc về, Thủy hỏi Trung Quốc có gì mới lạ. Mình ghi lại mấy cảm nhận ban đầu.
Như Thủy đã biết, hơn nửa thế kỷ trước mình đã đến Trung Quốc. Khi đó đối với mình-đứa bé mười bốn tuổi, nước Trung Hoa mới cái gì cũng hay cũng đẹp, người Trung Quốc ai cũng tử tế nhân hậu. Chân tình lắm, cảm động lắm … Thế rồi mình học ở đó hàng chục năm, học được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và vỡ ra nhiều về nhân tình thế thái, các thầy các bạn, những con người cụ thể, đáng yêu đồng thời cũng là nạn nhân của hàng chục “cuộc vận động chính trị” mà nội dung là đấu tố, hành hạ về tinh thần và thể xác con người. Cách nhìn Trung Quốc của mình khác dần đi cho đến năm 1979 sau cuộc xâm lược trắng trợn của bọn con cháu Mã Viện, Vương Thông thì chẳng còn gì tốt đẹp nữa. Biết làm sao, một người yêu Tổ Quốc mình yêu nhân dân mình, có thể có cách nhìn nào khác đối với kẻ giết dân mình, cướp nước mình ngoài sự ghê tởm và căm thù, ít ra là đối với cái chế độ đó.


Kể ra thật là may mắn mình được học tiếng Trung quốc để được hiểu thêm nền văn hóa vĩ đại của dân tộc Trung hoa. Mình đã nhiều lần quay trở lại đất nước này. Mình đã từng nằm ngủ trưa trên bãi cỏ dưới bóng cây bên mộ Khổng tử; leo lên đỉnh núi Thái Sơn, từ đó nhìn xa xa như thấy các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử; đã đến thăm nhà Đỗ phủ, viếng mộ Lưu Bị, dạo chơi Xích Bích, lên Hoàng Hạc Lâu “của Thôi Hiệu”; thăm tượng Nhạc Phi có vợ chồng tên quan thượng thư gian hùng Tần Cối bị trói quỳ trước mặt, nguồn gốc của câu chuyện cái bánh “quẩy”;  lên thành Kinh Châu “của Lưu Bị-Gia Cát Lượng”; thăm nhà tắm của Dương Quí Phi-Đường Minh Hoàng, đến Trùng Khánh thăm nhà vợ chồng “Tưởng thống chế” và Tống Ái Linh; đêm ngủ ngày chơi trên tàu thủy nội thất như khách sạn, trôi trên Trường Giang-Dương Tử Giang bồng bềnh giữa đập Tam Hiệp đang xây (và theo ý kiến của nhiều nhà khoa học Trung Quốc, nó đang và sẽ là mối họa lớn của Trung Quốc trong tương lai). Mình đã ở nhiều năm ở Nam Kinh, tức Kim Lăng, nơi diễn ra câu chuyện để thành cuốn tiểu thuyết “Kim Lăng Thập Tam Thoa” mình vừa dịch đầu năm 2012 này, cuốn sách vừa mới được phát hành ở Việt Nam.

Thủy là đạo diễn điện ảnh nên mình xin phép sa đà một chút, cuốn phim cùng tên đang được chiếu ở Trung Quốc là cuốn phim có đầu tư lớn nhất, tác giả kịch bản phim không phải ai khác, chính là Nghiêm Ca Linh tác giả văn học của cuốn tiểu thuyết. Thực hiện cuốn phim là đạo diễn gạo cội Trương Nghệ Mưu. Ông nói: Trong mấy chục năm làm nghề, đây là kịch bản tôi ưng ý nhất. Diễn viên chính là Christian Bale, ngôi sao Oscar người Mỹ; ông nói: Tôi đánh cược cả sự nghiệp của tôi vào cuốn phim. Sự thành công tuyệt vời của vai diễn chứng tỏ ông đã làm đúng. Mình xin nói thêm, mình đã dịch hơn chục cuốn tiểu thuyết trong đó “Kim Lăng Thập Tam Thoa” là cuốn tiểu thuyết mình thấy thú vị nhất và dịch nhanh nhất.

Quay trở lại chuyến đi vừa qua. Mình không phải nhà xã hội học để có thể phân tích mọi yếu tố của một nhà nước, một thể chế chính trị; càng không phải nhà ngoại giao để lựa lời cho khéo, cho đúng chỉ đạo theo tinh thần “16 chữ vàng”, mình cũng chẳng hiểu gì về cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Trung Quốc cũng như nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam ta – tuy vậy mình và chắc nghệ sĩ nhân dân đạo diễn Trần văn Thủy và cả cái hội MT (Mày Tao chứ Minh Triết quái gì!) cũng chẳng buồn lòng về điều đó vì cả nước mình cũng chẳng ai hiểu nó là cái gì, kể cả những người “đẻ” ra nó, nghe đâu họ còn “đang trăn trở”. Nhớ câu các cụ nói mà thấy được an ủi: “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu!”

Mình chỉ kể lại đôi điều cảm nhận riêng sau chuyến đi Trung Quốc tháng 4, tháng 5 vừa qua. Một chuyến đi không phải tour du lịch mà là trong khuôn khổ một chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật.


1.     Mức sống:
Cảm nhận đầu tiên là mức sống của nhân dân Trung Quốc khá cao, nhà nước họ đã thực hiện được một điều mà ta cứ kêu gào hơn nửa thế kỷ mà chẳng làm được tý gì. Đó là Dân giàu Nước mạnh. Mình đã từng ở Trung Quốc vào cái thời họ chết đói hàng chục triệu người. Vậy mà bây giờ hơn tỷ dân no nê, cả một vùng lớn phía bắc hầu như không trồng trọt được gì vì đất đai khô cằn, tất nhiên họ phải nhập thực phẩm lương thực hằng năm, muốn vậy phải có rất nhiều tiền.

Lương cao, giá hàng tiêu dùng rẻ. Sinh viên mới tốt nghiệp chưa được xét tuyển chính thức hưởng lương một ngàn tệ (3 triệu VNĐ). Sau khi được tuyển chính thức được tăng lên khá nhiều và tùy theo chỗ làm.

Tất cả những người mình có quan hệ trong công việc, kể cả cô gái vừa tốt nghiệp đại học hai năm nay đều đi làm bằng ô tô riêng. Những người trí thức bình thường, thí dụ như giáo viên có thể sống thoải mái với đồng lương hưu khoảng sáu ngàn tệ (mười tám triệu VNĐ), hàng hóa, lương thực thực phẩm rẻ hơn ở ta.

Về tinh thần, những người thuộc lớp già cũng nhắc đến Cách mạng văn hóa, đến vụ Thiên an môn- những sự kiện lịch sử đẫm máu và đầy những bi hài kéo lùi lịch sử Trung Quốc nhiều thập kỷ, nhưng họ nhắc vậy như nhắc lại chuyện đã qua, là khúc đường cụt lẽ ra không nên đi vào đấy. Nhiều người cho rằng cuộc sống hiện tại là tốt đẹp, thế là đủ. Còn ở ta, đời sống vật chất của đa số nhân dân đã đến mức cùng quẫn (thử hỏi các bà đi chợ xem). Người có đồng lương ít ỏi đã đành, người không lương sống thế nào? tất tật từ mớ rau miếng đậu cũng tăng giá theo xăng, theo điện “của nhà nước”. Nhà nước do dân vì dân dẫn đầu việc  tăng giá thì trông cậy vào đâu. Các chính sách liên quan mật thiết đến sự sống còn của dân được đưa ra như trò chơi. Nhân cách và đạo đức xã hội của một bộ phận không nhỏ, kể cả những người cầm cân nảy mực, sa sả nói đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng sa đọa. Đọc tên các vụ án giết người đầy rẫy trên các báo “chính thống”, báo mạng (cũng chính thống) đã đủ sởn tóc gáy. Và từ đó không tránh khỏi sự liên tưởng của nhiều người: Vậy thì xương máu ba đời đổ ra để giành được cái xã hội thế này à?

Đi trên đường phố Trung Quốc thỉnh thoảng lại gặp những khoảng trống đặt các dụng cụ tập thể dục, sạch đẹp và loáng thoáng có người tập. Trong các công viên có nhiều đám người trẻ già múa hát, tập thể dục theo nhạc, không phải chỉ có buổi sáng, mà bất cứ lúc nào trong các ngày nghỉ; có những người đem theo xô nước lã và chiếc bút to bằng cái chổi để luyện chữ và để giải trí, viết đến đâu khô đến đó và không để lại vết tích gì. Cuộc sống tinh thần của họ thoải mái, tuy nhiên mình cho là khá đơn điệu.

2.     Chính trị
Là một quốc gia đông dân nhưng sự chuyển động tư tưởng chủ đạo của họ khá linh hoạt, hợp thời thế và tất nhiên theo xu hướng lợi ích dân tộc ích kỷ của họ. Còn ở ta tư duy cũ kỹ hàng nửa thế kỷ, kiểu như Việt Nam rủ Cu Ba tiếp tục canh giữ cho Hòa Bình thế giới trong khi Cu Ba “bỏ gác” về đi ngủ lâu rồi. Ở Trung Quốc không hề thấy bóng dáng khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Trung Quốc quang vinh muôn năm” ở đâu cả. Quang vinh hay không nó thể hiện ở xã hội, ở tâm tư người dân chứ không treo lơ lửng trên xà ngang. Xã hội Trung Quốc có vẻ vững chãi chuyển động theo hướng quốc hội đề ra. Ở ta thì khác, cái dân giàu nước mạnh dân chủ văn minh gì gì đó nêu lên là vậy nhưng xã hội cứ lùi lũi đi theo hướng khác, hướng kiếm chác cao nhất của các nhóm lợi ích; tầm “nhìn xa trông rộng” cũng như cái gọi là kế hoạch “dài hơi” được đo bằng nhiệm kỳ. Tư tưởng lạc hậu hàng thế kỷ vì theo cách cha truyền con nối, một người làm quan cả họ được nhờ.

Trung Quốc cũng đầy những vụ tham nhũng chấn động xã hội nhưng họ xử rất nghiêm.

Trung Quốc có một nhà nước độc đảng độc tài, họ bóp nghẹt tự do dân chủ bóp nghẹt tiếng nói của những nhà trí thức, của những văn nghệ sĩ, những người nhạy cảm và coi tự do là lẽ sống, là trên hết. Nhà nước đàn áp dã man và khốc liệt với các cộng đồng người dân tộc khác, tàn sát người Tây Tạng, người Tân Cương đòi độc lập, đưa người vào Hán hóa cộng đồng của họ; tàn sát và lấy nội tạng những người theo Pháp Luân Công, kể cả những Hoa kiều, khách du lịch về nước tập Pháp Luân Công (!) Nhưng mặt khác họ nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của đại đa số dân, làm như vậy chừng mực nào đó họ đã “cách ly” những người đấu tranh cho tự do, cho một cuộc sống tinh thần đúng nghĩa khỏi cộng đồng nói chung.

Ở ta, cả vật chất và tinh thần đều ngày một nghèo nàn, bày đặt nhiều trò lố, kiểu như cấy tim vàng cho thánh Gióng và cho ngựa của ngài. Chẳng cần biết đụng vào thánh như vậy có bị thánh vật không; hình như là thánh vật rồi đó. Ngay cả chữ nghĩa cũng khô cằn rỗng tuếch và giả dối. Cứ lên TV là thấy “nhất trí cao, đồng thuận…”, mặc dù chưa bao giờ có cuộc trưng cầu ý dân của một cơ quan độc lập nào, chĩa micrô vào miệng ai đó là thấy bật ra mấy chữ “tin tưởng, phấn khởi…”

Trung Quốc giáo dục nhân dân theo hướng dân tộc chủ nghĩa, theo tư tưởng nước lớn và hiếu chiến; dân chúng có vẻ rất đồng tình. Trên một tờ báo cuối tháng 5 mình đọc mấy cái tít: Chỉ cần 100 quả tên lửa sẽ tiêu diệt hoàn toàn nước Mỹ; Mỹ không dám can thiệp vào biển Đông vì sợ Trung Quốc; Philippin châu chấu đá xe, dựa vào đâu mà kêu gào? …Một xã hội định hướng tư duy cho nhân dân như thế không thể nói là một xã hội tiến bộ.


3.     Quản lý xã hội.
Trung Quốc nổi tiếng xưa nay về… nhếch nhác, vậy mà bây giờ đâu cũng sạch bong. Bất kể ở đâu, không hề có bóng dáng người bán hàng rong, không có hiện tượng chèo kéo khách, vứt rác ra đường. Công viên sạch sẽ không chút rác bẩn không thấy bóng dáng những kẻ càn quấy, những chuyện xô xát.

Những cây cổ thụ mọc thành rừng ngay trong các thành phố vùng phía nam, xe hơi lao đi vun vút trên những đại lộ cao tốc xuyên rừng! Nhà cao tầng đã nhiều nhưng cây trong thành phố còn nhiều hơn. Bảo rằng đi giữa phố hay đi giữa rừng đều đúng! Có người nói vui, lâm tặc bên ta sao không sang đây mà làm ăn; có người lại bảo, ở ta, thành phố mà cây cối rậm rạp thế này công an khoái lắm vì dễ núp để rình phạt vạ kiếm ăn và cũng dễ “điều đình” với người phạm luật. Không thể tưởng tượng xe lao vun vút thế kia mà mặt đường lại có những hố tử thần như ở giữa thủ đô ta.

Họ đi moi móc tài nguyên nơi khác, ở châu Phi ở Tây nguyên nước ta, để dành những tài nguyên thiên nhiên trong nước cho con cháu. Ngay cả mộ 6000 lính đất nung của Tần Thủy Hoàng, họ cũng chỉ bới lên một phần để sửa sang cho khách du lịch xem, còn bảo quản nguyên trạng cho con cháu khai thác vì phát hiện thấy màu sắc xanh đỏ bị bạc đi sau khi xuất thổ.

Cách quản lý của Trung Quốc đơn giản, là quy trách nhiệm rõ ràng và phạt rất nghiêm. Những nhà quản lý ở ta điều biết nhưng không làm nổi cả điều đơn giản đó. Ta chỉ biết bài ca truyền thống: “xử nghiêm theo pháp luật, xử đúng người đúng tội”  bức xúc quá thì “quyết liệt” và… liệt luôn.

Nhân chuyến đi này mình đã đến xem một cơ sở sản xuất một thiết bị chuyên dùng nặng tạ rưỡi, khi di chuyển phải dùng tời điện, một người không làm nổi. Nhưng khi điều chỉnh thì chỉ có một người làm chính và chỉnh xong thì phải gắn nhãn có tên mình! Một cái rơ le điện nhỏ cầm được trên tay từ xưởng sản xuất ra cũng có tên người kiểm tra sản phẩm. Dùng lâu rồi, kiểm tu định kỳ, lại có tên người kiểm tu trên cái tem nhỏ dán vào cái rơ le đó.

Từ việc to nhất đến việc nhỏ nhất đều có người phải đứng ra lãnh trách nhiệm. Ở ta, cái nắp cống cũng bị mất cắp và cái lỗ để đó hàng nửa năm, ai rơi xuống thì tự chịu. Mọi cơ quan nhà nước đều vô can. Trung Quốc không hề “xã hội hóa” trách nhiệm. Nếu có trách nhiệm nào được coi là trách nhiệm của “các cấp các ngành”, là “không đồng bộ”, là tại “cơ chế”, kiểu như ta hay nói thì đó là trách nhiệm của chính phủ, là trách nhiệm của đích danh thủ tướng, không của ai khác cả. Thủ tướng phải kiểm điểm, phải cách chức bộ trưởng hay chính mình từ chức, phải nhận trách nhiệm, và trách nhiệm gì, nói cho rõ, chứ không nhận trách nhiệm khơi khơi.

Quản lý đô thị và quản lý nhà nước mà giải quyết không nổi vài chuyện vặt vãnh như chuyện xe dù, chuyện đinh tặc. Mấy chuyện ba lăng nhăng nói từ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn không cũ thì nói gì đến chuyện lớn lao hơn như chống tham nhũng, vấn đề giáo dục, vấn đề quốc kế dân sinh.

Xã hội nào cũng có những điểm tối, những tệ nạn nhưng cách đánh giá đơn giản tài năng của nhà quản lý là sự chuyển biến của chúng như thế nào, tăng lên hay giảm đi.

Vậy có thể nói cách quản lý của Trung Quốc rất giỏi, còn ở ta: Xin hỏi: nạn phá rừng, đĩ điếm, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, giết người, tống tình, tống tiền, tham nhũng, chạy án, chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp, thậm chí chạy ghế ngồi trong lớp, chạy điểm, chạy cả huân chương… trong những năm gần đây đang giảm đi hay đang tăng lên? Dân đánh giá nhà quản lý qua đó, vậy thôi, rất tiếc nhà quản lý lại giải thích quanh co thậm chí dạy lại dân phải thế nọ thế kia. Cứ kiểu quản lý thế thì xã hội đang và sẽ còn là cái đống rác.

Có một dạo nhà nước yêu cầu rất ngặt nghèo các cửa hàng phải niêm yết giá hàng. Bây giờ nghe nói, có một “hệ thống” các giá vượt tầm quản lý của Ủy ban Vật giá: đó là giá các loại ghế: Bộ trưởng giá bao nhiêu, bí thư, thành ủy viên giá bao nhiêu, mới đây nghe nói còn có chức thứ trưởng dự bị, tức có thời gian thử thách (chẳng hiểu thử thách năng lực hay thử thách sự lễ độ tức độ lễ), hệ thống giá bao trùm tất tật mọi cấp, công an đứng đường đắt hơn công an trong nhà. Báo còn đưa tin bố con nhà nào đó bị bắt vì tội cướp hòm phiếu bầu… tổ trưởng thôn vì thấy “nhà mình” sắp mất ghế! Vậy giá ghế tổ tưởng thôn là bao nhiêu?

Ở Trung quốc có mua quan bán chức không? Có phải đút lót để được một cái gì mình muốn không? Có cầu tất có cung và phải có tiền. Tất nhiên Trung Quốc cũng có nhưng nó kín đáo hơn, “biết sợ” hơn, nó không tràn lan, không tủn mủn vặt vãnh và không phơi bày trắng trợn. Ở ta, ai cũng thấy tận mắt được việc “xã hội hoá đút lót” dưới mọi hình thức, đến nỗi hầu như ai cũng vừa là tòng phạm vừa là bị hại. Nếu nói bỏ tiền để “xin” cho con vào mẫu giáo, vào lớp một là phạm tội đút lót, không biết có quá lỡ lời hay không?

4. Tự do: 
Vấn đề lớn quá, không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ tạm nói thế này: Trung Quốc quản lý dân như ông bố thương con nhưng rất gia trưởng quản lý gia đình: Ăn no mặc đủ, biết nghe lời thì sướng, hư thì ăn đòn. Phải biết nghe lời, khi bố hô đánh láng giềng là phải đánh mặc kệ ở đó có bạn thân chúng mày. Trong đám con có đứa không hư nhưng nghịch ngợm ham vui, thế là không được, ăn nói linh tinh, nghĩ ngợi linh tinh, lắm ý kiến ý mối là ăn đòn.

Nếu Việt Nam là một gia đình thì ông bố chọn cách quản lý dễ làm nhất là cấm tất. Nhưng thằng nào làm gì thì cứ làm vì ông bố chẳng nhớ nổi mình đã cấm những gì và điều cấm nào đã bỏ. Thế là ông bố đơn giản mức nữa cho dễ “quản lý”. Ông cho sống tùy thích, đánh nhau, phá phách đồ đạc, bới tung vườn tược, nhà cửa, mặc kệ. Ông chỉ cấm tiệt và chăm chăm phạt hai tội, một là to tiếng chửi bố, hai là làm mất lòng thằng cha láng giềng to khỏe.

Nói vậy cho vui chứ ví von bao giờ cũng khập khiễng, tỷ như nếu Việt Nam là một gia đình thì chẳng phải, vì gia đình nào lại được quản lý bởi mấy ông bố “tập thể”!

Về tự do thì vô cùng. Có thể tự tiện xông vào một cơ quan chửi bới đập phá đốt đồ đạc sách vở của người ta hay không? Có thể tụ tập dăm bảy người bạn ngồi chơi ở bờ hồ nhất là vào ngày chủ nhật và lại hứng lên mang theo cờ tổ quốc mình hay không? Chả hiểu cái gì được làm và cái gì không được làm.

5. Xu thế: 
Có lần mình nói vui rằng dân ta đừng đấu tranh dân chủ cho ta, tù tội mệt lắm, nên tập trung đấu tranh cho dân chủ ở… Trung Quốc. Ta sẽ được ăn theo, vì kiếp nạn dân tộc mình chỉ có ăn theo thôi. Chua chát lắm.

Nói vậy thôi. Nếu Việt Nam có tiến bộ về tự do thì là do xu thế của thời đại và ảnh hưởng của thế giới. Trung Quốc bao giờ cũng lấy sự kìm hãm, phá hoại Việt Nam làm quốc sách. Đồ ăn ôi thối độc hại ùn ùn trút sang Việt nam có thể đổ cho thương lái nhưng tiền giả đổ sang ta bấy lâu thì do ai in? Trung Quốc quản lý tài giỏi thế mà không cấm nổi mấy vụ thu mua rễ hồi sừng trâu, móng trâu, bán vũ khí gây án, phân hóa học giả làm hại người bạn truyền thống hữu nghị lâu đời sao? Chính hắn là thủ phạm chứ ai! Nếu cứ miễn cưỡng coi Trung Quốc là bạn thì không bao giờ là bạn tin cậy cả. Ông cha ta dạy thế, đừng đòi khôn hơn ông cha mà thành kẻ mất dạy.

Trung Quốc rắp tâm kìm hãm Việt Nam, muốn Việt Nam luôn luôn trong tình trạng nghèo nàn về kinh tế, bất ổn về chính trị xã hội. Họ nghĩ, như vậy những người lãnh đạo Việt Nam sẽ luôn luôn bị dân xa lánh, phải phụ thuộc vào họ, để cho họ ép thực hiện những gì họ muốn.

Trung Quốc thật lòng muốn Việt nam là một nước độc lập tự do và giàu mạnh ư?

Ai tưởng rằng Trung Quốc nghĩ thế thì hoặc là ngu hoặc là điên, hoặc là… Trung Quốc cho tiền và bảo nói thế.


Ghé thăm các Blogs: 31/05/2012



BLOG VIẾT TỪ SAIGON

Mấy ngày nay trong nước nổi lên vụ người mẫu Hồng Hà bị bắt khi đang quan hệ tình dục chiều 24/5. Cục Cảnh sát hình sự (C45) gọi đó là hành động bán dâm; còn dư luận thì tỏ ra ngạc nhiên và tò mò này nọ. Trong khi sự thực, điều này đã là chuyện thường ngày ở Việt Nam, vì nếu không có hoạt động này, nhiều chân dài hay hotgirl sẽ chết đói theo nghĩa đen.

Hồng Hà (sinh năm 1989, quê ở Thái Thụy, Thái Bình) là một cô gái tay ngang, chẳng được học về phim ảnh, nghệ thuật, nói rằng mình đã đóng trong các phim truyền hình như: Ai, Giấc mơ biển, Một thời ta đuổi bóng, Pha lê không dễ vỡ, Mùa thu đi… Cô nói: “Em không hay đi dự sự kiện, cũng không hay trình diễn thời trang, chỉ thỉnh thoảng đi chụp ảnh mẫu thôi ạ. Phim thì chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng/ bộ, còn chụp ảnh thì em được khoảng 1 triệu đồng/ buổi”.

4 năm ở Sài Gòn, chỉ đóng chừng này phim (đã là khá nhiều so với tên tuổi của Hồng Hà) và thỉnh thoảng mới chụp hình một buổi, tổng thu nhập sẽ là bao nhiêu, tính nhẩm đủ thấy. Vậy thì làm sao sống?

Cho nên trường hợp của Hồng Hà chẳng qua là cục băng nhỏ bị rớt ra khỏi tảng băng khổng lồ, đang trường tồn trong giới showbiz Việt Nam.

Ví dụ như trường hợp ca sĩ Vy Oanh, cô từng nói rằng: “Tôi may mắn có đến 3 đại gia mà tôi rất yêu quý và kính trọng, đại gia tinh thần và đại gia vật chất. Đó là ba mẹ và mẹ Ngân (mẹ nuôi của tôi), cùng với sự nỗ lực không ngừng của tôi nữa. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi làm được bất cứ việc gì mà tôi thích, và còn manager Sơn Nguyễn nữa, còn sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị trong nghề như chị Thủy Nguyễn, anh Nguyễn Phi Hùng… nữa”.

Tất nhiên chừng này là đủ để một ca sĩ đi hát, rồi đóng phim, quay clip quảng cáo. Thế nhưng, như báo TT&VH từng đưa tin: “không đầy 3 năm đi hát, Vy Oanh đã dành dụm được 7 tỷ đồng chi cho việc sở hữu chiếc xe siêu. Và ngay sau khi quyết định sắm xế hộp hàng “khủng” này, từ một ca sĩ mà hỏi tên khối người còn lơ mơ, cái tên Vy Oanh tràn ngập trên nhiều trang báo mạng. Vy Oanh tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Oanh, diễn viên trong một số phim truyền hình (Siêu mẫu xì trum, Thiên đường vắng em, Câu chuyện cuối mùa Thu), phát hành 3 album (Mưa nhạt nhòa, Có lẽ... Em rất nhớ anh, Có thật không anh) và làm MC trong một số chương trình của Đài Đồng Nai.

Trong giới, ai cũng biết để mua được một xe đắt tiền như vậy, với tên tuổi và công việc chuyên môn Vy Oanh thì không thể nào. Và chính cô cũng nói: “Thì đúng như vậy đấy! Nếu chỉ đi hát, đóng phim… thì cỡ như em may lắm chỉ đủ tiền mua được cái nhà hoặc cái xe trả góp khoảng 1 tỷ. Trong làng showbiz này, nếu không phải là ngôi sao, thì thật khó để nghĩ đến chuyện làm giàu nhờ đi hát. Em nghĩ chắc là chuyện không tưởng luôn ấy”.

Nói thêm về mình, Vy Oanh cho biết: “Em sinh ra trong gia đình nghèo, từ nhỏ bố mẹ đã gửi chỗ các sơ, chứng kiến nhiều số phận còn cơ cực nên em thấy việc bỏ vài chục, vài trăm triệu để mua 1 bộ váy thật lãng phí. Thà để tiền đó đi làm từ thiện em thấy còn có lý. Nhưng là ca sĩ thì phải đầu tư bề ngoài, nên cũng phải có dăm bảy món đồ đẹp để chưng diện dịp này dịp nọ”.

Và cô cũng khẳng định: “Vâng, thì em yêu đại gia. Một chiếc xe 7 tỷ chỉ là chuyện nhỏ với anh ấy. Nếu chính thức về chung một nhà, thì em có thể có những thứ giá trị hơn rất rất nhiều. Nhưng bây giờ, vẫn phải khẳng định: chiếc xe này là em mua, là xe của em...”.

Chỉ cần lướt qua các báo, tạp chí hay các trang mạng thì sẽ thấy các người đẹp khoe giàu có, kiểu như: Lý Nhã Kỳ diện váy của nhà thiết kế lừng danh thế giới Alexander Macqueen với giá gần 2 tỷ đồng, đeo đồng hồ Piaget trị giá hơn 6 tỷ đồng (300 ngàn USD), đôi bông tai hơn 600 triệu đồng; Thanh Hằng dùng túi xách 700 triệu đồng; Mai Phương Thúy mặc váy Gucci hơn 100 triệu đồng, cô cũng từng bỏ 315 triệu đồng mua váy hiệu Elie Saab; Ngọc Trinh dùng túi xách Hermes Birkin có giá khoảng 200 triệu đồng và đôi giày Christian Louboutin với giá gần 100 triệu đồng; hoa hậu Diễm Hương với váy hiệu Balmain khoảng 300 triệu đồng… Nói chung nhiều vô thiên lủng, chẳng thể kể hết, gần như tuần nào cũng có.

Trong khi đó, cỡ diễn viên đẳng cấp như Dustin Nguyễn thì đóng phim điện ảnh ở Việt Nam, cát-sê cũng chỉ khoảng 1 tỷ đổ lại, thường thì chỉ 5-7 trăm triệu đồng, mà mỗi năm cũng chừng một phim, còn lâu mới mua được váy như Lý Nhã Kỳ. “Nóng” như nam diễn viên Thái Hòa, vậy mà tả xung hữu đột mấy năm ròng mới mua được cái chung cư giá rẻ.

Những chân dài như vừa kể ở trên và còn rất nhiều nữa, có người xin đi đóng phim với phong bì kèm theo chưa chắc đạo diễn đã gật đầu, có người còn phải ngủ với đạo diễn; hay như cô hoa hậu sinh viên Mai Phương Thúy, từ hồi đạt vương miện (2006) đến nay, chưa bao giờ thấy cô có một hợp đồng làm việc công khai nào giá trên 10 ngàn USD, chẳng lẽ thành hoa hậu thì tự nhiên tiền vào tài khoản, két sắt?

Cho nên, đĩ điếm trong thời này không thể và không nên hiểu là bán dâm đơn thuần. Đôi khi thị dâm, nhĩ dâm… đã là đĩ điếm.

Nhiều thông tin trong giới cho biết, muốn có Mai Phương Thúy, Ngô Phương Lan, Hương Giang, Thùy Dung, Nguyễn Thị Huyền, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Oanh, Hà Anh… cho một sự kiện ra mắt nhãn hàng thì phải bỏ phong bì cho họ khoảng 3.000 đến 4.000 USD. Các tên tuổi khác như Giáng My, Thu Thủy, Hoàng Yến, Ngọc Quyên, Huỳnh Bích Phương, Ngọc Thạch, Thái Hà, Chung Thục Quyên, Trang Trần, Thùy Trang... thì dưới 2.000 USD.

Tất nhiên đây là thu nhập chính đáng, vì các nhãn hàng cần các hotgirl này để được báo chí đưa tin thật ồn ào, dính logo của mình trong đó. Thế nhưng, các hạng “vedett” như vừa nêu không phải ai cũng hoàn toàn sạch sẽ trong thế giới ngầm và không phải lúc nào cũng có nhãn hàng nhiều tiền gọi mời tham dự. Trong khi chi tiêu và ăn diện của họ thì cực kỳ phung phí, xa xỉ. Một bộ phận xem các sự kiện là chỗ show hàng để tiếp thị cho các đại gia. Đặc biệt là với các chân dài ít tiếng tăm hơn, họ chịu khó đến những nơi này, vừa để chụp hình chung các vedett cho có tiếng, vừa để nâng giá và nâng quan hệ khách hàng.

Đôi khi đọc các bài phỏng vấn trên báo, thấy một chân dài nào đó thở than, kiểu như: “Em đang ở không?”; “Ngóng cổ chờ người tâm đầu ý hợp”, “Em vẫn là con gái”, “Có thể yêu người nhiều tuổi, miễn anh ấy hiểu mình”… Về bề mặt, rõ ràng họ đang nói về hiện trạng của mình, một mặt nào đó, cũng là “bật đèn xanh” cho các đại gia nhảy vào. Bởi trong suy nghĩ của các đại gia, chân dài nào cũng phải có một vài đại gia đỡ đầu theo kiểu cho tiền xài, nếu em đã nói “ở không” thì mình có thể vào mà không sợ cạnh tranh.

Điểm lại các gương mặt nghệ sĩ từng dính tới mại dâm và bị phanh phui trong hơn 10 năm qua như Yến Vy, Lâm Nhật Ánh, Bảo Chi, Kim Tính… thì rõ ràng họ chưa phải là những gương mặt nổi bật nhất trong giới của mình. Nhưng không phải vì thế mà những chân dài hạng nhất là hoàn toàn sạch sẽ, một bộ phận trong đó đã hoặc đang nhúng chàm, nhưng vì họ kín đáo và chặt chẽ hơn trong đường dây của mình. Như một tỷ lệ thuận, vì họ có tiếng nên có thu nhập thường xuyên, nếu có bán dâm, cũng đủ bình tĩnh và thời gian để lựa các mối thật an toàn, béo bở.

Chính vì thế, tảng băng ngầm này chẳng bao giờ lộ diện và chẳng bao giờ tan, thậm chí to lên. Bởi nhu cầu mua dâm (dưới mọi hình thức) ở Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Trong khi quả bóng showbiz của Việt Nam ngày càng trương phồng, mà ảo nhiều hơn thật.

*
Khoan hãy bàn tới việc lập khu mại dâm chuyên nghiệp, điều mà một nước muốn văn minh phải nên làm. Ở đây chỉ xin nói thêm về pháp luật và sự bình đẳng của nó.

Theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì: Người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, nếu người mua dâm là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc xử lý như trên còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và kỷ luật. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật, người đó không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Ai là người có tiền mua dâm các chân dài? Không chỉ ra thì đủ rõ: đó là người giàu, hoặc có chức có quyền. Mà những đối tượng này trước pháp luật thường có quan hệ hoặc đặc quyền đặc lợi riêng, tên tuổi họ bị giấu nhẹm trước báo chí. Rõ ràng, việc mua dâm người mẫu Hồng Hà, cả hai đều bị phạt hành chính, mà tên của người mua thì ít được báo chí biết đến, trong khi người bán thì lao đao, có khi bỏ nghề luôn.

Luật sư Trương Văn Dũng, Hội Luật gia Hà Nội cho biết trong Luật Hình sự cũng chưa có chỗ nào phạt người mua dâm. Trong Luật Hình sự, ở Điều 255 có quy định về tội môi giới mại dâm, Điều 254 có quy định về tội chứa mại dâm. Chỉ có duy nhất Điều 256 có quy định về tội của người mua dâm, nhưng là người mua dâm của những trẻ chưa thành niên. Mà trong trường hợp này, Hồng Hà đã trưởng thành (vào nghề từ lúc 22 tuổi), nên cô phải chịu. Đây là xã hội nam quyền và độc quyền, phận gái còn lâu mới được bảo vệ trọn vẹn.



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Mình phải trại cái câu tục ngữ kia để blog mình khỏi tục, vì nhắc đến một từ "nhạy cảm". Nó cũng nhạy cảm như những từ cưỡng chế, mất đất, oánh dân... hiện nay.

Là hôm qua mình thấy thủ tướng phải có hẳn một yêu cầu riêng về vụ Văn Giang, cái vụ mà phó chủ tịch thường trực tỉnh và chánh văn phòng luôn miệng ca ngợi thành công tốt đẹp, không có ai bị đánh và có địch lợi dụng, địch tường thuật trực tiếp từng phút và dựng clip giả bôi nhọ chính quyền.

Thấy công an Hưng Yên hẹn làm việc với VOV rồi lại hoãn. Thấy mấy cặp... chân trâu đang hóa đùi trâu thì thủ tướng nhắc, nói rõ vụ đánh người, phải xử lý nghiêm.

Thấy thương mấy chú dùi dục chấm mắm cáy, đụng hàng thứ thiệt rồi. Khi oánh, chắc chắn các chú phải được lệnh từ thượng cấp, cộng với tính côn đồ cố hữu, các chú oánh cho sướng tay. Giờ chắc chắn theo lệnh thủ tướng, làm nghiêm thì các chú chết trước. Lại khổ mẹ và vợ các chú.

Nhưng chưa chắc. Vụ Tiên Lãng đấy, thủ tướng cũng quyết ngay, quyết quyết liệt. Nhưng đến giờ, chân trâu cũng hóa đùi trâu rồi. Cái nhà bị phá tan hoang giữa thanh thiên bạch nhật thế, các cơ quan chức năng Hải Phòng giờ này vẫn chưa định giá xong và chưa xác định ai phá, đồng nghĩa chưa khởi tố bị can vụ phá tài sản công dân được. Tương tự ông chánh Hưng Yên bảo cái clip mờ mịt thế ai thấy ra ai mà điều tra. Chỉ ông là không thấy thôi chứ ai cũng thấy hết, ai cũng rõ cái việc này nó dễ hơn... cắt móng tay nữa, nhưng đến giờ, ở báo cáo mới nhất, vẫn là: thành công tốt đẹp, không ai bị đánh.

Hôm nay báo đồng loạt đưa tin, vợ ông Vươn đã gửi đơn đề nghị rút quyết định khởi tố 2 người đàn bà chống người thi hành công vụ, khi họ không có mặt ở cuộc cưỡng chế, đồng nghĩa với việc họ không thể chống người thi hành công vụ. Hơ hơ, vụ này còn nhiều điều hay.

Có điều qua 2 vụ này, nhờ thế thủ tướng nên ta có thể yên tâm, từ nay chắc sẽ ít còn công bộc dám láo với dân, coi dân là thế lực thù địch, muốn đánh thế nào thì đánh, muốn bắt thế nào thì bắt...

Cứ là tin tưởng thế nhé nhé...




BLOG THÙY LINH

Cuối cùng thì ai cũng đúng: Bổ nhiệm đúng qui trình từ Chính phủ tới Bộ GTVT. Tức là đã chọn đúng cán bộ có năng lực và phẩm hạnh để ngồi vào cái ghế lãnh đạo hẳn một ngành nghề lớn: hàng hải. Còn cơ sự xảy ra hôm nay là chuyện ngoài mong muốn? Vinalines thua lỗ, cán bộ cao nhất phải chịu trách nhiệm bỏ trốn. Bộ GTVT nói là khi bổ nhịêm ông Dương Chí Dũng dù Vinalines đang thanh tra, nhưng nhiều đơn vị vẫn thường có thanh tra như thế, và khi chưa có kết quả họ không thể biết ai sai phạm? Văn phòng chính phủ cũng nói tương tự. Chẳng có văn bản nào cấm bổ nhiệm cán bộ khi đang bị thanh tra nên cứ bổ nhiệm thôi. Thanh tra nghĩ gì, làm gì, kết quả thế nào sao mà biết được? Bí mật mà. Dân tình hiểu thế này: có nghĩa là nội các chính phủ là bộ nào biết bộ nấy, bộ phận nào biết bộ phận nấy? Không hề có chuyện chia sẻ thông tin, phối hợp hành động giữa các bộ phận trong nội các chính phủ? Bộ máy ấy không cần có sự gắn kết trong sự điều hành kinh tế, xã hội… cho nhịp nhàng và có hiệu quả? Vậy Thủ tướng điều hành bộ máy chính phủ thế nào khi thông tin không được chia sẻ giữa các bộ phận? Và cuối cùng, Thủ tướng có quyền được biết tất cả bộ phận trong nội các vận hành ra sao không?

Qui trình bổ nhiệm cán bộ của đất nước này chưa bao giờ sai. Dân tình hiểu ra điều đó mỗi khi có một cán bộ cao cấp của chính quyền rơi vào vòng lao lý, mỗi khi núi tiền đóng thuế và tiền nợ nước ngoài oằn trên lưng dân đen đổ vào túi các quan và đổ vào thúng rác. Vậy thì sai từ đâu, ở chỗ nào? Liệu có thể hỏi: nếu qui trình đúng mà vẫn ra kết quả sai thì có nghĩa qui trình sai mà cứ khăng khăng là đúng? Ai là người “lắp đặt” và đề ra nguyên tắc cho qui trình này vận hành? Từ bao lâu rồi qui trình này đã đưa vào thực tế cuộc sống? Đã bao nhiêu “đinh, ốc, vít” lắp đặt để qui trình vận hành cho đến lúc này? Bao nhiêu sản phẩm được tạo ra từ qui trình này? Hoặc có thể qui trình đúng nhưng cách điều hành, quản lý sai hay không? Dù sai hay đúng thì vẫn là từ một nguồn điều hành duy nhất: chính phủ. Đến lúc này, kết quả điều tra ban đầu ở Vinashin lẫn Vinalines đều nói rằng: họ tự ý làm khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Mà hai nơi đều nằm trong sự điều hành, quản lý của Thủ tướng cùng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Vậy người điều hành, quản lý có bị qui là “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hịêu quả nghiêm trọng” không? Và cho đến lúc bắt được ông Dương Chí Dũng thì qui trình này có khi vận hành đề bạt thêm vài “cán bộ nguồn” cho các nhà tù trong tương lai? Vì thực tế cho thấy, dù đã có PM18, Vinashin mà đến cuối năm 2011, Dương Chí Dũng vẫn được tiến cử chỉ vài tháng để rồi có quyết định khởi tố bị can. Dân tình từ lâu đã hiểu chỉ chính phủ không hiểu “qui trình luôn đúng” đó là thế nào? Nếu không tháo bỏ qui trình luôn đúng này để thay thế bằng lối làm việc khác thì chính phủ chỉ còn mỗi việc chạy theo xử lý các kết quả sai của “qui trình đúng” của mình cả về tiền bạc và con người. Hay nói theo kiểu dân dã là qui trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay là cách tạo nguồn cho các nhà tù về tội phạm kinh tế...



BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
THỨ HAI, NGÀY 28 THÁNG NĂM NĂM 2012


Có những việc không ký gì sai, đúng thủ tục, đúng qui trình, đúng trình tự, đúng thẩm quyền, nhưng đó là cái đúng ngu dốt- sự ngu dốt của cái đúng!

          Trả lời chất vấn của báo chí về việc đề bạt khó hiểu ông Dương Chí Dũng từ Chủ tịch HĐQT Vinalines lên ghế Cục trưởng hàng hải, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: việc bổ nhiệm đó là “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo các quy định về cán bộ của đảng và nhà nước”.

          Ông Đam còn viện dẫn ra đủ điều luật để chứng minh “không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ”...

          Nghe ông Đam nói về sự đúng trong việc bổ nhiệm ông Dũng, cứ tưng tức như năm rồi nghe câu “không ký gì sai” trong vụ Vinashin.

          Điều quan trọng của công tác cán bộ là bổ nhiệm đúng người, đúng ghế. Nếu phát hiện đúng người tài mà vượt thẩm quyền tí, sai thủ tục tí, ký sai tí cũng không phải là điều đáng trách. Thậm chí sự “cướp cò” nếu có lại là điều dũng cảm, đáng khen, đáng cổ vũ khích lệ.

          Ngược lại, cho dù rất đúng qui trình, đủ thủ tục, trúng thẩm quyền, “không ký gì sai”... nhưng lại đi cất nhắc đề bạt một đứa ăn hại, thậm chí là một thằng tội phạm thì cái việc “đúng” ấy là cái đúng ngu dốt của người làm công tác tổ chức.



BLOG CÁNH CÒ

Cánh Cò (RFA Blog) - Trong tuần qua có hai sự việc liên quan đến thân phận đàn bà làm mình chú ý. Việc thứ nhất được báo chí kèn trống một cách quá lố vì có liên quan đến chân dài. Vụ thứ hai chỉ có hai tờ báo đưa tin có lẽ do vụ việc chỉ liên quan đến hai phụ nữ có chân… không được dài lắm.

Nhân vật chính trong cả hai vụ đều là phụ nữ và nội dung hoàn toàn khác nhau nhưng lại nói lên bộ mặt thật của xã hội hôm nay.

Vụ thứ nhất là người mẫu Hồng Hà, cô bị bắt vì bán dâm với cái giá 1.000 đô la cho một đại gia nào đó mà theo báo chí ỡm ờ có thể là một quan tham mà nhà báo được chính quyền rỉ tai nên không tiện nêu tên vì lý do “nhạy cảm”.

Người mẫu bán dâm thì có gì là lạ trong xã hội Việt Nam khi cái nghề này tuy ồn ào trên báo chí nhưng có cô người mẫu nào giàu được nhờ khả năng và công việc của mình? Những ông bầu sau chiếc cánh gà của sàn catwalk chính là người chính thức hưởng lợi qua các hợp đồng mà người mẫu ký được với những công ty thời trang và sau một thời gian trong nghề, những người mẫu quen tiêu xài ấy sẽ không thể ngưng lại và chiếc xe lộng lẫy do báo chí thổi phồng chỉ có thể đổ xăng bằng các loại thu nhập ngoài…vòng phong tục!
Tuy với lý do gì, mình cho rằng bất cứ người đàn bà nào khi chấp nhận bán dâm cũng đều đáng thương, chí ít là thương hại. Là đàn bà, bạn nghĩ gì khi phải nhắm nghiền hai mắt để một tên đàn ông nào đó thân thể ngập ngụa mùi rượu, tởm lợm với thức ăn chưa tiêu hóa hết trong cuống họng, hì hục làm cái việc mà một con heo nọc xem ra còn dễ coi hơn?

Người chấp nhận làm công việc gọi là bán dâm ấy có vui được không khi báo chí mô tả họ như những kẻ làm băng hoại xã hội này kể cả cô người mẫu đang bị lên án? Người mẫu rồi sao? Họ không có những đau đớn ê chề từ đòn thù mà báo chí hết tờ này tới tờ khác đang thi nhau “bề hội đồng” họ? Cái giá 1.000 ngàn đô la trong khách sạn sang trọng khác gì với hai trăm ngàn tiền Việt của một cuộc bán dâm tại Vườn Tao Đàn? Giá cả không nói lên được bản chất vì đau đớn, nhục nhã lẫn ê chề không có giá và luôn luôn giống nhau. Cô gái từ miền Tây lên thành phố bán thân tuy hoàn cảnh có khác, thân phận có khác và giai cấp cũng có khác nhưng không vì thế mà cô người mẫu “hân hạnh” tăng giá theo như điều mà báo chí đang làm.

Đưa tin theo cách mà báo chí làm với cô người mẫu hiện nay là cách đưa tin đầy nọc đọc. Nọc độc ấy đang được sự hiếu kỳ rẻ tiền của xã hội tiếp tay chuyền vào cơ thể của hàng triệu cô gái Việt Nam khác bất kể thành thị hay thôn quê đang đứng trước nguy cơ không công ăn việc làm trong hoàn cảnh kinh tế mất định hướng và tuổi trẻ mất niềm tin như hiện nay.

Báo chí không dám đả động hay tìm cho ra cái tên đại gia ấy là ai? Hắn làm ở Bộ ở Cục nào trong chính phủ? Hắn có phải là công an hay hiệu trưởng một trường học nào đó hay không? Đó là những câu hỏi mà người đọc cần biết và người làm báo có tay nghề càng phải biết hơn. Tập trung vào một tấm hình duy nhất và loan tin theo bản tin của công an đưa cho thì xin lỗi các anh, hàng triệu người làm báo tốt hơn các anh nhiều mặc dù quanh năm họ không hề bước ra khỏi cửa.

Mình không hề xúc động một chút gì qua bản tin này, do đó bài báo về vụ người mẫu bán dâm kể như tốn giấy một cách ngu đần. Tuy nhiên mình lại xúc động thật sự ở một bản tin khác do Bee.Online đưa tin với đầy đủ hình ảnh: “Hai mẹ con khỏa thân để giữ đất”.

Vụ việc xảy ra tại Cần Thơ khi bà Phạm Thị Lài 52 tuổi, với con gái ruột là Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi hiện đang làm kế toán của một doanh nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng ở TP Cần Thơ. Hai người đã lột hết quần áo để chống lại với những người đàn ông đang có mặt trên công trường trên mảnh đất của bà bị nhà nước tước đoạt giao cho doanh nghiệp. Bà Lài được trả 500 ngàn cho một mét vuông đất trong khi đó chính quyền giao lại cho doanh nghiệp với con số tăng lên 10 lần.

Sau nhiều lần đấu tranh không thành công hai mẹ con bà đành sử dụng phương pháp cuối cùng: “Lấy cái xấu chống lại cái ác”.

Rõ ràng chị Hồ Nguyên Thủy không phải là người thất học, vì làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân không thể thiếu kiến thức hay được lo lót như làm việc cho nhà nước. Trong lứa tuổi 30 chị không thể được xem là già nhưng chấp nhận không mặc quần áo để chống lại cái ác thì hành động này của mẹ con chị vừa đau đớn cho đàn bà Việt Nam vừa là một vết mực đen quất thẳng vào bức tranh đang được người ta cố hết sức để thổi phồng lên về sức mạnh và sự đẹp đẽ khó tin của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Tâm lý xem bộ phận sinh dục của phụ nữ là nơi dơ bẩn đã được truyền bá trong cộng đồng nông nghiệp hàng ngàn năm nay và vì vậy khi chấp nhận khỏa thân thì người dân quê đang dùng đến thứ vũ khí cuối cùng để chống lại đám cường hào mới.

Cường hào không lộ mặt như những thứ Tổng, Lý trong thời Ngô Tất Tố. Cường hào hôm nay có khuôn mặt đẹp đẽ hơn nhiều và cơ ngơi của họ cũng đồ sộ gấp ngàn lần hơn. Họ là những người có chức danh nghe rất kêu như chủ tịch ủy ban này, bí thư thành phố nọ. Khuyển ưng của họ không phải là mấy tên võ biền ốm đói mà cả một rừng quân lính kêu đâu dạ đó, súng ống khiên nón đầy người…

Vậy mà hai mẹ con của bà Lý, người miền Tây của mình lại chỉ có thể đem hai cái vật chỉ bằng hai bàn tay ra chống một cách đau đớn như vậy thử hỏi mấy ai không nghẹn ngào, rơi lệ?

Nhìn cảnh hai mẹ con trần truồng bị đám sai nha lôi xềnh xệch trên mảnh đất của họ người đọc sẽ nghĩ sao so với tấm ảnh của cô gái trong đồn công an về tội bán dâm? Xã hội chưa lên án báo chí thì quả là chuyện lạ!

Đóng bản tin lại mình thẫn thờ tự hỏi: sao mà nhân phẩm con người hôm nay lại rẻ rúng đến như thế? Một bên khoe thân để lấy tiền, một bên đưa thân ra để chống lại bọn người tàn ác. Hai hình ảnh ấy nói lên điều gì tại quê hương của mình ngày hôm nay vậy?

Mình chỉ biết buồn và cầu nguyện cho hai mẹ con bà Lài và cũng không quên cho cả cô người mẫu tội nghiệp.

Mình cũng muốn cắn răng, như một tín đồ Thiên Chúa thường cho rằng nên cầu nguyện luôn cho kẻ thù để chúng sớm quay đầu lại với Chúa… nhưng sao không thể làm được? Có thể giận quá mất khôn, hay tận thâm tâm mình không tin rằng những hung thần của quê hương sẽ không bao giờ quy cải được?

Khi người đàn bà bị đẩy đến chân tường đến nỗi phải dùng đến thứ vũ khí trời ban cho để sinh tồn mà xã hội vẫn nhởn nhơ cười nói thì đến Chúa cũng hết lời chứ nói chi đến mình, một người ngoại đạo?


BLOG HỒ NHƯ HIỂN

Đọc báo thấy đưa tin về con trai bí thư tỉnh Hải Dương, mình phục anh ấy quá. Đúng quy luật cụ Khổng bên Tàu bảo hơn nghìn năm trước, mới hơn ba mươi cái xuân xanh một tị, anh ấy đã là trưởng một phòng của Sở LĐTB và XH tỉnh Hải Dương. Không chỉ có vậy, anh ấy còn có khu nhà vườn trị giá hàng tỉ đồng. Đúng là tài không đợi tuổi.

Nghĩ đến anh ấy, so sánh với bản thân, mới thấy mình kém cỏi, bất tài quá. Cũng là đàn ông, cũng xấp xỉ tuổi anh ấy mà mình thì hai bàn tay trắng làm nên... vô số nợ. Anh ấy, nhà thành phố, bố làm to, còn mình nhà trong ngõ, bố cất vó bờ sông. Cơ mà, con không chê cha mẹ khó. Mình chỉ tủi thân là chỉ số ai - kiu (IQ) của mình chỉ ở mức ngang... thân nhiệt (hồi đi học có đứa còn dám bảo mình: đậu phụ làm thì quái gì có nếp nhăn, mình căm lắm nhưng nghe nhời các cụ dạy, nhịn không phải là nhục nhịn là chờ nước đục thả câu, nên mình chỉ cười trừ rồi mỗi ngày chửi nó mười lần bằng... ý nghĩ). Người ta đi một ngày đàng gặp toàn hàng ngon, mình thì đi một ngày đàng học càng tồi hơn. Biết thân biết phận, mình chịu khó là gà thì phải la cà bới thóc mà mãi cũng chẳng khá lên được. Nhìn toàn cảnh cuộc đời mình cho đến giờ thì thấy, nhỏ thì làm khổ mẹ khổ cha, bây giờ thì làm khổ vợ (chả thế mà lúc tắt điện sản xuất... tương lai mình bảo: em là tất cả của đời anh, nàng độp lại mình: còn anh là vất vả của đời em, làm mình tụt hết cả hứng). Với đà này về già lại làm khổ con mất thôi.

Cụ Nguyễn Công Trứ bên xứ mình cũng thật quá đáng. Ừ thì cụ tài, ừ thì cụ có công, nhưng giá cụ cứ im lặng là vàng, đừng phang cho bọn hậu bối câu nói: ... phải có danh gì với núi sông thì bọn trai trẻ như mình đỡ phải dằn vặt, phải khổ sở, phải vật vã vì trót sinh ra mang kiếp... đàn ông. Nội cái việc gánh vác vai là cái kèo cái cột gia đình đã bở hơi tai rồi lại còn làm trai phải có chỗ đứng và cứng chỗ đó nữa thì nát một đời hoa, tan ba đời chuối những thằng máu lên não chậm như mình. Nhiều lúc chán đời muốn tự tử nhưng sợ... không thở được nên... thôi.

Cũng chẳng nên tiêu cực quá kẻo lại sì troét nặng rồi lại trầm cảm mất. Làm thằng đàn ông, đã không biết làm việc nhỏ thì phải biết... nghĩ việc lớn. Hay ho gì cái việc lúc nào cũng chỉ chăm chăm để vinh thân phì gia, phải nghĩ cho rộng một chút. Đến đất nước, đến nhân dân chẳng hạn. Phải học anh ấy chứ.

Anh bỏ tiền túi làm khu vườn rộng mênh mông như thế là có ý đồ rất... trong sáng.  Nó giúp ta liên tưởng tới câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh: Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài (chỉ cần thay hai từ “nông trường” bằng “khu vườn”). Nói đến nông trường, ta nghĩ  ngay đến hợp tác xã, nói đến hợp tác xã không chỉ có hợp tác xã mà nghĩ đến chủ nghĩa xã hội. Mà ở ta, nghĩ đến chủ nghĩa xã hội là nghĩ đến lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước. Thật là thâm hết cả... hậu.

Chưa hết, cái nhìn xa trông rộng, cái ý tại ngôn ngoại của anh ấy còn ở con số diện tích khu vườn. Tại sao không phải là năm nghìn mét vuông hoặc hơn thế, dù mình tin rằng, tài giỏi như anh ấy dư sức lo được, mà lại là hơn bốn nghìn mét vuông? Ồ, cái đầu như hũ nút của mình nghĩ mãi mới ra. Anh ấy chọn con số như vậy là muốn nhắc nhở mọi người về lịch sử cha ông bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đấy. Cảm động quá, khâm phục anh ấy quá. Giữa lúc tình thế đất nước như ngàn cân treo... sợi bún, giữa lúc người dân vô cảm với tình hình đất nước, giữa lúc bọn bành trướng phương Bắc đang lăm le cướp nốt phần biển đảo của ta thì việc làm của anh ấy như một ánh chớp xé ngang đêm tối làm lay động con tim mọi người. Vĩ đại thay.
Điều đáng quí hơn ở anh ấy là ý thức tự lực, tự cường. Nếu như ở ta, phần lớn  thanh niên luôn ỷ lại, trông chờ: hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ... dựa thì anh ấy tuyệt nhiên không. Có được số tiền để làm công trình như vậy hoàn toàn xuất phát từ mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân anh ấy chứ không hề dựa dẫm vào bất kì ai, bất kì mối quan hệ nào. Rồi đây, nhân dân ta, nhất là thế hệ 8X, 9X,... vô ích (0X) nhìn anh ấy, theo gương anh ấy mà học tập nhé. Đang lo con cái mình bước vào đời không có một hình mẫu nào để theo, chúng khủng hoảng lí tưởng sống thì hỏng mất. May quá, anh lại xuất hiện. Một tấm gương thật to. Mình sẽ sưu tầm ảnh anh ấy, các bài viết về anh ấy, treo ở đầu giường để con mình hàng ngày chúng soi vào.

Và mừng hơn nữa, đất nước ta lên thiên đàng đến nơi rồi. Anh ấy là công bộc của dân mà giàu vậy thì các chủ nhân ông - nhân dân còn giàu đến đâu nữa.

Thật là hồn thiêng sông núi đã hiện về để dẫn đường chỉ lối cho nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta.

Mừng lắm! Mừng lắm!


BLOG PHƯƠNG BÍCH
Chủ nhật, ngày 27 tháng năm năm 2012

Một cô bạn vốn chẳng quan tâm gì đến chuyện xã hội, tự dưng lại hỏi mình về một chuyện không cũ lắm, là vụ hai nhà báo của VOV bị đánh nhầm, khi xuống hỗ trợ nhà cầm quyền đưa tin về cưỡng chế ở Văn Giang. Mình cười hức hức, bẩu đúng là nhiều chuyện dở khóc dở cười quanh vụ này. Lẽ ra họ sẽ chẳng bị đánh bầm dập như thế nếu phối hợp chặt chẽ với nhà cầm quyền. Hay là sợ nhà cầm quyền không tin tưởng, hoặc quá tự tin vào cái mác phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam của mình mà các anh cứ hiên ngang đứng đó, thậm chí còn dại dột hô lên: tôi là nhà báo đây?

Có người bảo: ngu cho chết! “Nó” đã không muốn nhà báo vào quay phim chụp ảnh (dù là báo nhà nước vì bây giờ chả tin bố con nhà nào) mà lại hô là nhà báo đây thì nó oánh cho là phải. Lẽ ra phải hô: Tôi là chủ đầu tư đây! Tôi là chủ đầu tư đây! Thì mới không bị ăn no đòn thế chứ.

Thế là công an và dân phòng thì tưởng nhầm họ là nhà báo nhân dân. Nhân dân cũng tưởng họ là nhà báo nhân dân. Thế cho nên công an và dân phòng choảng nhà báo vì tội dám chụp ảnh (để tố cáo hả? Đừng hòng! Ngu gì mà cho chúng mày cơ hội đó). Còn nhân dân thì nhào vô cứu nhà báo, thế là cũng bị đánh hội đồng theo. Té ra tất cả đều bé cái nhầm cả.

May mà có người quay được cảnh đó rồi phô lên mạng. Đúng là nhân dân thì có trăm tai nghìn mắt. Cảnh công an với dân phòng đánh đập nhà báo và phụ nữ dã man bị cả làng cả nước nhòm thấy.  Nhìn công an bổ dùi cui vào đầu nhà báo như bổ củi, rồi công an tung cước vào bụng hay ngực người phụ nữ đang bị giữ chặt hai tay mới thấy khiếp. Ai có thể không bàng hoàng, phẫn nộ? Vì lẽ gì mà người ta có thể làm điều ác đến thế? Thế lực của đồng tiền ư?

Một người nhận xét rất hay, rằng “ Ô không! Ngàn lần không! Tất cả chúng con phải quì gối xuống trước mặt các Cha, các Mẹ, các Anh, các Chị nông dân - những người đã ngàn đời tần tảo nuôi sống cả dân tộc này - mới đúng, mới phải đạo làm người!”

Khi thấy dân nhào vô cứu nhà báo, mình đã tự hỏi: Dân cứu nhà báo! Vậy nhà báo có cứu dân không?
Bị đánh te tua như vậy, không nhờ có dân che trở, chia lửa nên còn tỉnh táo mà tìm được đường về quê mẹ, vậy mà các anh vẫn phải cầm lòng “đấu tố” ân nhân là hung hãn chống lại chính quyền. Mình nghĩ chắc các anh cũng đau lòng lắm, vạn bất đắc dĩ phải trả lời thế thôi. Và hiện giờ nhà báo bị kẹt vào cái thế oái ăm quá, muốn tử tế cũng không được, muốn khốn nạn cũng không xong.

Hôm bà con Văn Giang kéo nhau sang tận trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam, để thăm hai nhà báo bị đánh thì mình cũng có mặt. Mình hỏi mục đích của các bác là gì thế, thì họ bảo sang hỏi thăm nhà báo thôi. Rồi họ cũng muốn biết quan điểm của cơ quan phát thanh của nhà nước về việc nhà cầm quyền địa phương đem công an và cảnh sát cơ động ra đàn áp dân, để cưỡng chế thu hồi đất một cách trái pháp luật là như thế nào.
Thôi rồi! Khó cho các anh rồi. Biết trả lời thế nào cho ân nhân cứu giúp mình đây? Thậm chí bà con còn lễ mễ mang cả bao tải ngô và hàng túi bánh tẻ đặc sản lên để làm quà cho nhà đài nữa chứ.

Hu hu! Khó ăn khó nói quá mất thôi. Từ chối thì không đành, mà nhận rồi lại không nói cho nó phải đạo, dù chỉ là nói đúng sự thật thôi thì đúng là không còn mặt mũi nào thật.

Thì chỉ nghe trên mạng thôi, là trốn mãi cũng không được, nên các nhà báo đành phải trả lời phỏng vấn. Chủ trương thì có thể nói theo chỉ đạo, nhưng cái việc bị oánh thì không làm sao mà nói khác đi cho được. Thế là trên mạng xì xầm rằng nghe đâu hai nhà báo bị cho thôi việc vì vụ này. Người trong nội bộ thì khẳng định đã “tuyên án”, nhưng khi thấy hai nhà báo vẫn có mặt trong các sự kiện mới toanh thì thấy rằng rõ ràng là không có chuyện các anh bị thôi việc. Quả này đúng là nuốt vào không trôi mà nhè ra cũng không xong! Cầm lòng vậy, rầu lòng vậy.

Tuy nhiên mình vẫn thắc mắc đấy, dù không phải là nhận hối lộ bao tải ngô với mấy chục cái bánh tẻ, nhưng đã được dân cứu, lại được hỏi thăm sức khỏe có kèm theo quà quê, liệu các nhà báo có lên tiếng cứu dân bằng cách nói lên sự thật không nhỉ?

Bà con Văn Giang đội đơn khiếu nại lên Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam - ăn trưa bám trụ

Mệt mỏi đợi chờ

Chị Ngô Thị Ánh - người phụ nữ bị đánh khi cứu nhà báo

Lễ mễ vác cả bao tải ngô làm quà thăm hỏi nhà báo bị đánh











Lê Diễn Đức - Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ: Những bi kịch đau lòng sẽ còn tiếp diễn


Lê Diễn Đức

                                  
 Vụ Bản (Nam Định) ngày 8/5/2012 – Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Tôi thật sự bàng hoàng, sau đó lặng người đi, suy ngẫm, khi nhận được tin hai người phụ nữ đã khỏa thân, ngăn cản phương tiện thi công đi vào phần đất của gia đình mà trên đó họ đã sống mấy chục năm, tại Cần Thơ, trưa ngày 22/5/2012.

Phần đất của họ nằm trong khu vực cưỡng chế thu hồi cho dự án xây dựng Khu dân cư Hưng Phú, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 8, thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư.

Thực ra hình thức khoả thân phản kháng đòi hỏi quyền lợi, hoặc biểu lộ chính kiến chẳng có gì lạ, không những được áp dụng bởi nữ giới mà cả nam giới.

Trước khi nói về sự kiện đau lòng tại Cần Thơ, chúng ta xem một số hình ảnh của hình thức phản kháng này trên thế giới. Và cuối cùng tại Cần Thơ:



Nữ hoàng Carnival Brazil Viviane Castro với hình Tổng thống Barack Obama được vẽ trên đùi trái trong lễ hội Carnival ở Sao Paulo, Brazil, ngày 21/2/2009. Chữ Bồ Đào Nha “Vendese” trên bụng của Viviane có nghĩa là “For Sale” (Ảnh: Folha Imagem, Lalo de Almeida).



 Những người mẫu của Playboy Victoria Eisermann (L) và Monica Harris trong ngày “PETA World Water Day” trên Quảng trường Trafalgar tại London, Anh quốc, ngày 22/3/2011. PETA là tổ chức bảo vệ động vật nổi tiếng (Ảnh: Getty Images).


 Hàng trăm gái mại dâm và chủ chứa Hàn Quốc mặc đồ lót và phủ sơn cơ thể, một số mặc đồ tang, có người đã tự thiêu không thành công, tại khu đèn đỏ ở Seoul, để phản đối sự đàn áp của cảnh sát vào nhà thổ, ngày 17/5/2011 (Ảnh: AP).


 Các nhà hoạt động nhân quyền của “Anima Naturalis” chống giết động vật để làm áo khoác lông thú tại Plaza de Espana, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 4/12/2011 (Ảnh: Getty Images).






Phụ nữ El Salvador phản đối chi phí sinh hoạt cao và chênh lệch mức sống giữa người giàu và người nghèo trong ngày Lao động Quốc tế 1/5/2011 tại thành phố San Salvador (Ảnh: AP).




Tổ chức nữ quyền Ukaine Femen phản đối Euro 2012 tạo ra điều kiện phát triển mại dâm và buôn bán phụ nữ, Kiev ngày 16/11/2011 (Ảnh: Wikimedia Commons).

Dân oan Việt Nam phản đối chiếm đoạt đất đai, tại Cái Răng, Cần Thơ, ngày 22/5/2012 (Ảnh: Blog Lê Hiền Đức):


Hai người phụ nữ Việt Nam trong tấm hình cuối, một là bà Phạm Thị Lài, sinh năm 1960, ngụ tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, người thứ hai là bà Hồ Nguyên Thủy, sinh năm 1979, con ruột của bà Lài, hiện đang làm kế toán ở một công ty kinh doanh vật tư xây dựng.

Như chúng ta thấy, hình thức khoả thân phản kháng khá phổ biến trên thế giới, nhưng trong thực tế không quốc gia nào khuyến khích nơi công cộng.

Tuy nhiên, trong những trường hợp với phụ nữ, ở các nước dân chủ, văn minh phương Tây, lực lượng giải tán biểu tình của nhà cầm quyền thường cố gắng tối đa để không bị dư luận cáo buộc có hành động thô bạo.
Thẳng tay đàn áp, bất kể là phụ nữ hay trẻ em, thường xảy ra ở các nước có chế độ độc tài, chuyên chế. Việt Nam là một trong số đó. Các ví dụ rất nhiều và có thể chứng minh dễ dàng qua công cụ tìm kiếm Google.

Khoan hãy nói đồng tình hay phản đối hình thức phản kháng của bà Lài và bà Thuỷ, nhìn hình ảnh những người phụ nữ trần truồng, yếu đuối và đáng thương bị kéo lê lết trên đất đá như một con vật, quả là đám vệ sĩ đã mất hết tính người!

Người có một chút lương tâm thôi sẽ đặt câu hỏi vì sao nên nỗi mà người dân phải chống lại bất công bằng cách sử dụng hình thức đau xót, xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt như thế, và sẽ ý thức được hành động thích ứng của mình.

Cụ bà Lê Hiền Đức, một công dân chống tham nhũng nổi tiếng và có uy tín với đông đảo dân oan, đang quan tâm tới việc này, viết trên Blog mình:
“Đang trong trạng thái “lõa thể”, bà Lài nói trong nước mắt uất nghẹn: “Đất của gia đình vợ chồng tôi dành dụm, mua bằng tiền mồ hôi nước mắt để cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà… cả mấy chục năm rồi. Công ty địa ốc vào đây tự đưa ra giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. Ủy ban còn hỗ trợ Công ty, dùng lực lượng Công an cưỡng chế đất tôi giao cho công ty. Chồng tôi sức yếu thế cô chỉ biết tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột hết đồ đạc, ráng chịu nhục nhã để phản đối họ?! Nhục lắm mấy cô mấy chú ơi!”.

Tại sao những kẻ đại diện cho quyền lực, lợi ích của chế độ hôm nay lại có thể tàn nhẫn, dã man với nhân dân như thế? Trong giai đoạn còn phải ăn nhờ ở đậu vào dân, họ có vẻ thích thú hình thức này lắm cơ mà!
Tôi nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ, những người sống ở miền Bắc kể cho nhau nghe và tự hào về “Đội quân tóc dài” ở miền Nam. Báo chí còn hả hê thuật lại những cuộc biểu tình chống chế độ Sài Gòn trong đó những người phụ nữ miền Nam “phẫn nộ không ngần ngại tụt quần trườn mặt những tên ác ôn mặt dày mày dạn làm chúng phải cúi mặt bỏ đi“.

Trong bài “Hành xử trong chế độ ta và chế độ Ngụy“, blogger Đông A mỉa mai:
“Dưới chế độ Ngụy những tên ác ôn mặt dày mày dạn đã cúi mặt bỏ đi trước những người phụ nữ lõa thể, nhưng ở chế độ ta những người ngày ngày được nghe tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn hăng hái xông vào lôi kéo những người phụ nữ trần truồng. Đấy là điểm khác nhau giữa chế độ ta và chế độ Ngụy. Không biết những người phụ nữ trong đội quân tóc dài ngày xưa đấy giờ ra sao, có kinh nghiệm gì truyền lại cho chị em hôm nay không và khi xuôi tay có nhắm mắt được không?“.

Không có gì chính xác hơn để xác định bản chất của nhà cầm quyền và tất cả những kẻ đang cộng sinh trên nó, là sự trở mặt và phản bội. Họ đã thực sự biến thành những con thú man rợ trong cuộc tranh giành lợi ích từ những hợp đồng mua bán đất-quyền-tiền.

Giờ đây trên đất nước Việt Nam “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” (thơ Bùi Minh Quốc) với “ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ, chị em tôi, những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn đi đánh giặc giữ nước giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ, vô nhân” (nhà văn Thuỳ Linh).

Đến mức một người đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) từ những ngày đầu, vinh dự được Hồ Chí Minh đặt cho cái tên với hai chữ “Hiền” và “Đức” (cụ Lê Hiền Đức), đã phải thốt lên:
“Tình cảnh người dân Việt Nam hiện nay còn kém cả thời chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít“. [5]

Nếu có một quốc gia nào giống Việt Nam thì cũng vô cùng hiếm hoi, nơi mà chỉ trong vòng 4 năm thôi (2008-2011) “đã có hơn 1,57 triệu lượt người đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, với gần 673 ngàn đơn thư, trên 70% liên quan đến đất đai, còn ở Bộ Tài nguyên – Môi trường, tới 98% hàng năm.

Bất công và oán hận ngút ngàn, người nông dân phải vùng lên bằng mọi khả năng có thể của thân phân nô lệ. Tiếng súng từ Tiên Lãng (Hải Phòng), của gia đình Đoàn Văn Vươn như một chất xúc kích, chỉ trong khoảng một tháng sau, số lượt người khiếu kiện tăng 50%, số đoàn đông người tăng 30%“.

Biết bao nhiêu bị kịch đã xảy ra, máu của nông dân, trong đó có cả phụ nữ trẻ em, đã đổ xuống trên những cánh đồng. Môt số  trường hợp đã tự tử vì quá thất vọng, uất ức và cùng quẫn. Mới hôm 8/5, bà con nông dân ở Vụ Bản (Nam Định) đồng loạt mang vòng tang trắng giữ đất, thì hơn hai tuần sau, ngày 22/5, vụ khoả thân ở Cần Thơ lại mang đậm màu sắc bi thương…

Trên hết mọi khía cạnh, chưa cần nói đến đúng sai của các cuộc cưỡng chế, với hàng núi đơn khiếu nại “cao hơn cả dãy Trường Sơn” từ hơn hai thập niên qua và hệ quả là “dân phải nổ súng, đặt bom, hay tự tử, lột đồ để giữ đất. Nói cách gì cũng là lỗi của chính quyền đã đẩy họ vào bước đường cùng” – Blogger Đào Tuấn viết.

Tôi đồng ý với blogger Đào Tuấn, nhưng nói “lỗi của chính quyền” là quá nhẹ! Chắc vì sống trong nước nên ông không muốn dùng ngôn ngữ mạnh hơn. Còn tôi, tôi gọi đây là tội ác của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN.
Trong vấn đề xây dựng và phát triển, ở quốc gia nào cũng có vấn đề  tranh chấp đất đai, nhưng nơi nào nhà nước công nhận quyền tư hữu và có toà án độc lập phân xử quyền lợi khi có tranh chấp, nơi đó sẽ được giải quyết đúng pháp luật, thoả đáng với lợi ích công cộng, nhưng cũng công bằng với lợi ích của công dân.

Lấy danh nghĩa đất là sở hữu của toàn dân và thống nhất quản lý vào tay nhà nước, ĐCSVN với độc quyền cai trị, trong thực tế đã chiếm đoạt toàn bộ lãnh thổ đất nước làm của riêng cho một đảng phái thiểu số trong 90 triệu người và giữ cho mình toàn quyền ban phát lợi ích.

Cốt lõi của tất cả vấn đề nằm ở đây! Và bất công đi liền với tội ác cũng nằm ở đây!
Cỏ vẫn mọc khi chưa nhổ tận gốc. Sẽ còn nhiều nữa Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ…

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog


Đoàn Thanh Liêm - Và tôi đã khóc tại vườn Luxembourg ở Paris


Bài Ghi Nhanh của Đoàn Thanh Liêm

Vào buổi chiều ngày thứ Ba 22 tháng Năm, tôi đã có dịp đi dạo quanh vườn hoa nổi tiếng ở Paris, đó là Jardin du Luxembourg - mà từ cái thời thơ ấu trước năm 1945 tôi đã đọc đến thuộc lòng đọan văn trong cuốn “Livre de mon ami” của văn hào Anatole France - mô tả cảm nghĩ của một chú bé học trò đi rong chơi trong vườn này. Mùa Xuân tại khu vườn nơi đây, với những cành lá xanh mướt và hoa nở tưng bừng lộng lẫy, từng đàn chim tung tăng bay lượn dành nhau kiếm mồi - cùng với hàng đòan khách du ngọan áo quần tươm tất lũ lượt đi lại dưới những tàng cây dày đặc phủ rợp các lối đi – càng làm cho lòng tôi thấy thêm phấn chấn yêu đời yêu người.


Ấy thế mà mắt tôi lại đã rưng rưng hoen lệ, lòng tôi đã se lại vì vừa mới được tin trễ về sự lìa đời từ năm 2005 của một bà chị tôi thật quý mến ngưỡng mộ - đó là vị nữ tu họat động rất năng nổ sáng tạo mà được nhiều người trên thế giới biết đến và kính trọng tên là Marie Thérèse de Maleissye (1916 – 2005). Câu chuyện bắt đầu thế này : Sau khi thăm anh chị Lê Như Khôi trên đại lộ d’ Alésia vào buổi trưa, thì tôi thả bộ đến thăm nhà dòng Phan sinh tại đường Reille cũng nằm trong Quận 14 – mà hồi cuối năm 1970 khi qua Paris để tham dự Hội nghị thành lập INODEP (Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), thì tôi đã hay lui tới nơi đây và có một ít ngày đã được Marie Thérèse de Maleissye là vị Bề trên Giám tỉnh (Provinciale) sắp xếp cho tôi trú ngụ trong một phòng dành riêng cho khách vãng lai.

Sau 42 năm, thì hầu hết các nữ tu thời đó đã không còn ở đây nữa, nên tôi không gặp lại một người nào quen biết thuở xưa. Mà tôi chỉ gặp được duy nhất một nữ tu gốc Việt Nam, đó là chị Thanh Hương năm nay cỡ 70 tuổi. Sau vài phút thăm hỏi tin tức thường lệ, tôi mới hỏi chị Thanh Hương : Chị Marie Thérèse bây giờ ra sao, lâu lắm rồi tôi không hề nhận được thư từ hay tin tức gì của chị ấy ? Chị Thanh Hương nói với giọng nghẹn ngào : “Marie Thérèse qua đời rồi, từ năm 2005 cách nay đã 7 năm!” Tôi lặng người, lòng thương cảm vô hạn và nước mắt lưng tròng, Một ông lão gần 80 tuổi như tôi, ấy thế mà không thể kìm hãm được nỗi xúc động trước cái tin chẳng vui này.

 Rồi bình tĩnh lại, tôi tiếp tục trao đổi tin tức với vị nữ tu người Việt duy nhất trong cộng đòan Phan sinh ở đây. Qua chị, tôi mới biết được chị Colette Humbert bây giờ đã về hưu với tuổi ngòai 80 và sinh sống trong một căn hộ chung với chị Brigitte de la Bouillerie tại thị trấn Cachan ở ngọai ô Paris. Với địa chỉ do chị Thanh Hương đưa cho, tôi đã nói chuyện qua điện thọai với Colette là một cộng sự viên đắc lực của Marie Thérèse năm xưa. Và ít bữa sau, tôi đã đến thăm các chị Colette và Brigitte tại Cachan cũng gần Bourg la Reine là nơi tôi đang ở nữa – như tôi đã viết bài tường thuật về cuộc thăm viếng này.

Từ giã chị Thanh Hương, tôi tiếp tục lội bộ để thăm viếng khu Quartier Latin. Những trường Đại học và Cao đẳng danh tiếng vẫn còn đó với bao nhiêu dấu tích kỷ niệm của những nhân vật khoa học, triết học, văn học nghệ thuật … được ghi lại trong những tấm plaque ghi vắn tắt công lao đóng góp của từng người. Và tôi đã ghé vào vườn hoa Luxembourg tọa lạc trong Quận 6 là một khu vực thanh lịch nhất của Paris. Buổi chiều nắng xuân thật êm dịu, từng cơn gió nhẹ làm xao động những tàng cây xum xuê với khối lá xanh ngắt. Phong cảnh thật hữu tình, thật quyến rũ đối với khách nhàn du thuộc đủ mọi lứa tuổi. Tôi kiếm chiếc ghế ngồi nghỉ sát ven hồ nước hình bán nguyệt ở vào khỏang giữa cái vườn hoa rộng đến trên 20 hectares này.

 Rồi tôi giở cuốn sách nữ tu Thanh Hương vừa mới cho - sách được xuất bản năm 2007 - viết về cuộc đời ngọai hạng của Marie Thérèse ra đọc. Cuốn sách do Colette và Brigitte cùng hợp tác biên sọan có nhan đề thật lạ lẫm : “Passionnément” (Tràn đầy Say mê) - dài cỡ ngòai 300 trang kèm theo một số hình ảnh minh họa rất gọn gàng sáng sủa. Sau khi đọc lướt qua một số trang, nước mắt tôi lại ứa ra hồi tưởng lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ với người chị tinh thần thật quý mến này.  Tôi gấp sách lại, bâng khuâng nhìn cảnh vật bao quanh, nhìn số đông người qua lại trước mặt và trong lòng nổi lên một niềm thương cảm vô vàn… Dưới đây, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm sâu sắc với Marie Thérèse từ suốt trên 40 năm qua.

* Kỷ niệm tươi đẹp với Marie Thérèse de Maleissye (1916 – 2005)

1 – Cuộc gặp gỡ ban đầu.
Vào khỏang đầu năm 1969, hai vị nữ tu người Pháp trong bộ áo dòng màu xám nhạt có đến thăm tôi tại văn phòng của Chương trình Phát triển các Quận 6, 7 & 8 Saigon. Đó là Marie Thérèse de Maleissye và Colette Humbert. Vào lúc đó, tất cả anh chị em trong Chương trình Phát triển chúng tôi đang rất bận rộn tất bật với công việc tổ chức cho bà con ở địa phương cùng hợp lực ra tay tái thiết xây dựng lại nhà cửa đã bị tàn phá nặng nề do chiến cuộc hồi Tết Mậu Thân 1968 gây ra. Hai vị khách chú ý theo dõi sự trình bày của tôi về tình hình xây dựng tái thiết này. Tôi nói : “Vai trò chính yếu của người thanh niên tự nguyện chúng tôi ở đây, đó là làm chất men, chất xúc tác (catalyseur) để khơi động cho số đông quần chúng ý thức được sự ích lợi của phương thức phát triển cộng đồng và rồi họ sẽ cùng nhau tự nguyện dấn thân vào công cuộc chỉnh trang tái thiết cho cộng đồng địa phương của chính họ…”

Khách tò mò hỏi thêm vì lý do nào mà tôi lại tự nguyện đi làm những việc như vậy ? Tôi trả lời đại khái rằng : “Chính cái chủ trương ‘Phát triển Tòan diện và Điều hòa’ (Développement Total et Harmonisé) của Nhóm Kinh tế và Nhân bản bên Pháp (Économie & Humanisme) - mà tôi có dịp theo dõi tham khảo ngay từ thời còn là một sinh viên trường Luật Saigon những năm giữa thập niên 1950 – đã gợi ý cho tôi dấn thân vào công cuộc xây dựng tại địa phương này. Rồi trong thời gian du học tu nghiệp tại Mỹ năm 1960 – 61, tôi lại có dịp quan sát việc xây dựng và phát triển cụ thể tại địa phương cơ sở ở những thị trấn nhỏ xung quanh vùng thủ đô Washington nữa. Và hơn nữa, trong hòan cảnh chiến tranh khốc liệt hiện nay, chúng tôi có bổn phận phải ra tay giúp đỡ chăm sóc cho các nạn nhân chiến cuộc đáng thương là chính đồng bào ruột thịt của mình nơi vùng ven biên đô thị này đây. Việc anh chị em chúng tôi đang làm ở đây chỉ là “Giúp dân để dân tự giúp lấy chính họ” – như người Mỹ thường nói : “Helping the people to help themseves”… Cả hai vị khách đều gật đầu, biểu lộ sự thông cảm tán thành lời lẽ trình bày đại lọai như thế của tôi.

 Sau cuộc trao đổi tại văn phòng như vậy, thì tôi lại hướng dẫn khách đến thăm tại chỗ nơi mấy công trường chỉnh trang tái thiết ở địa phương. Chứng kiến cái cảnh xây dựng tái thiết thật là sinh động náo nức của bà con địa phương lúc ấy, cả hai vị khách đều trầm trồ khen ngợi cái ý chí hăng say nhiệt thành của người dân địa phương để kiến tạo một nếp sống an vui hạnh phúc cho chính bản thân gia đình của mình. Và lúc chia tay ra về, các chị nói với tôi : “Chị em chúng tôi thật sự có một ấn tượng sâu sắc đối với công cuộc phát triển và xây dựng tại hạ tầng cơ sở nơi vùng ven biên thành phố ở đây - giữa thời chiến tranh khói lửa vẫn còn ác liệt kinh hòang đến thế... “

2 – Hội nghị thành lập INODEP ở Paris vào cuối năm 1970.
Vào giữa năm 1970, thì tôi nhận được một lá thư do Colette Humbert ký mời tôi vào đầu tháng 12 đến Paris để tham dự Hội nghị Quốc tế thảo luận về việc thành lập INODEP = Institut Óecuménique au service du Développement des Peuples (Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc). Tôi thật vui mừng phấn khởi với cơ hội được tham gia trao đổi kinh nghiệm và suy nghĩ với các bạn hữu quốc tế nơi kinh thành ánh sáng này. Đúng vào lúc tôi lên đường qua Pháp, thì Marie Thérèse cũng từ Saigon bay về Paris, nên tôi lại có dịp chuyện trò trao đổi với chị trong suốt chuyến đi  kéo dài đến 20 chục giờ bay này.

Là người đã từng làm việc và đi lại thăm viếng trong nhiều năm tháng tại các quốc gia ở Á châu, nên Marie Thérèse tỏ ra có một sự hiểu biết rất vững vàng chính xác về tình hình văn hóa xã hội và lịch sử của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Sinh năm 1916, Marie Thérèse cùng tuổi với bà chị cả của tôi là chị Đoàn Thị Nga mà trong nhà thường gọi là chị Chắt. Chị Chắt mắc bệnh câm điếc từ nhỏ, nên được cha mẹ tôi gửi vào sinh sống tại trại câm điếc bên thị xã Thái bình do các nữ tu phụ trách điều hành. Vì thế mà chính tôi cũng đã có thời gian theo chị để sinh sống tại cơ sở xã hội này vào lúc mới có 9 – 10 tuổi đầu. Thành ra, tôi dễ có sự gần gũi gắn bó với các nữ tu trong các họat động từ thiện nhân đạo. Và đối với Marie Thérèse, thì tôi lại càng có mối liên hệ mật thiết hơn qua tổ chức INODEP mà chị là một thành viên sáng lập năng động nhất.
Hội nghị được tổ chức trong khuôn viên của một tu viện thuộc Dòng Jésuites tại thị trấn Chantilly cách xa Paris chừng vài chục cây số về hướng bắc – với đầy đủ tiện nghi cho các tham dự viên về nơi ăn, chốn ở và các phòng họp lớn nhỏ đủ cỡ. Có đến 60 người từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đến tham dự và sử dụng 4 ngôn ngữ chính, đó là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Chúng tôi làm việc liên tục trong hơn một tuần lễ với một số phiên họp khóang đại và những cuộc họp từng nhóm nhỏ.

 Một trong những diễn giả chính yếu mà gây được ấn tượng sâu sắc nhất đối với tòan thể cử tọa, đó chính là nhà giáo dục nổi tiếng từ nước Brésil có tên là Paulo Freire – tác giả cuốn sách mới xuất bản “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức). Paulo Freire nói say sưa đến cả một tiếng đồng hồ, ông nhấn mạnh đến khía cạnh cần thiết phải thay đổi cái não trạng lạc hậu được áp đặt trên lề lối suy nghĩ của người dân tại các quốc gia bị nô lệ hóa bởi cái chế độ thực dân của người phương Tây. Vì các tham dự viên đều là những người đã từng có kinh nghiệm họat động nhiều năm trong lãnh vực văn hóa xã hội, nên các cuộc trao đổi thảo luận tại Hội nghị đã diễn ra thật là sôi nổi hào hứng.

Phải nói là tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ những cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị này. Colette Humbert một trong những nhân vật chủ chốt trong Ban Tổ chức thì giới thiệu tôi là một thành viên trong Nhóm Phát động INODEP (équipe de lancement). Và kết cục, Hội nghị đã thông qua được một số quyết định cụ thể liên quan đến cơ cấu tổ chức và điều hành của INODEP tại cấp trung ương cũng như tại cấp vùng. Và Marie Thérèse de Maleissye vừa là một thành viên sáng lập tiên khởi, vừa là một trong những thành viên cốt cán của ban Quản trị đầu tiên của INODEP.

3 – Những cuộc gặp gỡ với Marie Thérèse sau năm 1975 tại Saigon.
Sau Hội nghị thành lập INODEP ở Paris, lần nào đến làm việc ở Việt Nam, thì Marie Thérèse đều hẹn tôi đến gặp gỡ trao đổi với chị. Đặc biệt nhất là sau 1975, chị vẫn tìm cách đến thăm Việt Nam rất nhiều lần khi thì đi với phái đòan của Hồng Thập Tự Pháp, khi thì đi với phái đòan viện trợ nhân đạo. Và tôi cũng đã có một vài lần đến gặp chị ở khách sạn. Có lần vào năm 1989, tôi đã mời chị đến ăn cơm tại một quán ăn trên đường Nguyễn Huệ Saigon cùng chung với Linh mục Chân Tín, ông Tạ Bá Tòng và vài anh em trong Xí nghiệp Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật. Vào năm 1989 này, thì nhờ có sự cởi mở với trào lưu Đổi Mới Petrestroika ở Liên Xô, nên chúng tôi đã có thể chuyện trò trao đổi tin tức với nhau một cách tương đối thỏai mái, chứ không đến nỗi phải quá dè dặt e ngại vì sợ bị công an mật vụ rình rập theo rõi như mấy năm trước đó nữa.

Đầu năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Khấn Dòng của chị, cha Chân Tín và tôi có viết chung một tấm Thiệp Chúc Mừng để gửi đến chị. Rồi chẳng bao lâu sau, thì tôi bị công an bắt giữ và cha Chân Tín thì bị đưa ra quản chế ở Cần Giờ. Mãi đến năm 1996, khi qua định cư ở California cùng với gia đình, thì tôi mới lại có thể viết thư thăm chị. Marie Thérèse rất vui mừng được biết tin tôi đã ra khỏi trại tù và đã mau mắn hồi âm ngay cho tôi. Chị cho biết năm đó đã 80 tuổi và sinh sống trong một căn hộ bình thường trong khu lao động tại thành phố Lille phía đông bắc nước Pháp. Đây là bức thư cuối cùng tôi nhận được của chị. Và sau đó thì biệt tăm luôn, tôi chẳng còn nhận được thư từ tin tức nào của chị nữa.

**Và như đã ghi ở trên, mãi đến ngày 22 tháng Năm 2012, khi đến thăm Tu viện xưa trên đường Reille ở Paris, tôi mới được cho biết là Marie Thérèse đã qua đời từ năm 2005. Ở vào tuổi 89, kể ra là chị cũng đã sống thọ lắm. Nhưng tôi đã không sao kìm hãm được nỗi xúc động trước cái tin này. Và sau khi trấn tĩnh lại, bằng những lời lẽ đơn sơ mộc mạc nơi đây, tôi xin ghi lại một ít kỷ niệm thân thương với một người chị tinh thần rất đáng quý này để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và sự quý mến chân thành đối với một người đã hết lòng khích lệ nâng đỡ tôi trên bước đường dấn thân phục vụ nhân quần xã hội từ mấy thập niên qua.

Và tôi cũng xin chia sẻ nỗi đau buồn của gia đình và cộng đòan Phan sinh trước sự ra đi của một con người kiệt xuất này.

Xin nguyện cầu Linh hồn Marie Thérèse được an nghỉ thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng. RIP.

Thành phố Bruxelles, ngày 31 tháng Năm 2012

Đoàn Thanh Liêm




Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Dominique Chassard - Chiếm đoạt đất đai ở những nước đang phát triển


Dominique Chassard

Đào Hùng dịch từ Tập san của Trung tâm Lebret, Développement & Civilisations (Phát triển và Văn minh), số 401, tháng 3-2012.

Chiếm đoạt đất đai ở những nước đang phát triển là một vấn đề thời sự nóng hổi và đang làm dấy lên những hành động phản đối mạnh mẽ qua các xuất bản phẩm, hội thảo trên thế giới. Tác giả bài này là một nhà hoạt động trong ban điều hành quốc tế của Tổ chức cứu trợ Công giáo Pháp, đã tổng hợp những tranh luận đang diễn ra làm lay động cộng đồng nông dân trên thế giới, đồng thời trình bày những hoạt động của các tổ chức quốc tế và hiệp hội nông dân ở những nước có liên quan. Chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo, trong bối cảnh Việt Nam, dù hiện nay chưa thấy nói đến hiện tượng này, nhưng không phải không có tiềm năng xảy ra. - Đào Hùng  

Việc gần một tỉ người hiện đang bị đói hay thiếu dinh dưỡng và con số đó đang ngày càng tăng từ năm 2008, đã khiến cho quyền có lương thực thường được nêu lên trong các tổ chức quốc tế và trong nhiều lời tuyên bố, đã trở thành vô nghĩa.


Triển vọng cải thiện tình hình đó có vẻ không đáng khích lệ: các chuyên gia dự đoán từ nay đến năm 2050 dân số sẽ tăng từ 8,5 tỉ lên 9 tỉ với việc tăng 70% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp, họ tỏ ra bi quan trước khả năng có thể vực dậy xu thế này và trước mắt là hoàn thành một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển: từ nay đến năm 2015, giảm một nửa số người đang bị thiếu lương thực.

Trái ngược với một ý nghĩ đang thịnh hành, là không phải sự gia tăng dân số đã ngăn cản một phần bảy nhân loại đạt đến các điều kiện sinh tồn. Chẳng phải người ta đã đưa ra nhận xét rằng làn sóng di dân khỏi nông thôn đến các vùng nghèo khổ của các đô thị rộng lớn là nguyên nhân của tình trạng nghèo khổ cực kỳ và tạm bợ đã gây nên tình hình đó sao? Ở đây, sự phân tích không phù hợp với thực tế, ba phần tư những người bị thiếu đói là nông dân.

Chiếm đoạt đất đai: tác động chủ yếu đến an ninh lương thực

Hiện tượng đã biết dưới tên gọi chiếm đoạt đất đai (tiếng Anh là land grabbing) ngày càng được coi như một nhân tố quan trọng làm suy thoái lương thực. Thoạt nhìn thì đấy không phải là nhân tố duy nhất nếu so sánh với những tác nhân khác mà ảnh hưởng đã rõ ràng và mang tính độc lập: khí hậu nóng lên, nạn phá rừng, nạn hoang mạc hóa, sự gia tăng thiên tai, mực nước biển dâng cao, sự hủy hoại môi trường, đất đai suy kiệt… Nhưng mức độ rộng lớn của nhân tố này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sản xuất lương thực của những nước là nạn nhân mà không phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế và xã hội của những nước đó.

Người ta coi khái niệm đó, là quá trình đưa đến việc chiếm hữu hay kiểm soát những diện tích đất đai quan trọng hay không cùng mức độ với phương thức khai thác trong vùng đó, để sản xuất lương thực phục vụ cho thương mãi hay công nghiệp, thì bản thân nó đã khá rõ ràng. Để chỉ xét đến khía cạnh pháp lý của vấn đề, trước tiên ta thấy không có gì là phi pháp trong việc làm đó, việc giao dịch được làm một cách công khai với sự đồng thuận của những bên liên quan, nghĩa là người nông dân canh tác đất đai hay những chủ đất đang để đất hoang hóa.

Nhưng trên thực tế, sự việc có diễn ra như vậy không, và những cái có vẻ là hợp pháp có phải là chính đáng và có thể chấp nhận về mặt đạo lý không? Cần phải nhìn lại kỹ hơn.

Một hiện tượng đa dạng

Trước tiên có thể dễ dàng xác định tầm rộng lớn của việc chiếm đoạt đất đai, mà các nhà quan sát đã có những đánh giá rất khác nhau. Quả thật là nó mang muôn hình muôn vẻ: mua bán với việc chuyển giao tài sản, cho thuê trong thời hạn dài hay ngắn, có thể lên đến 99 năm, sang nhượng quyền trồng trọt một hay nhiều loại cây trồng hay khai thác đất đai, hợp đồng sản xuất đơn giản với các doanh nghiệp địa phương mà nhà đầu tư nước ngoài không lộ mặt.

Cũng cần tính đến sự đa dạng của các đối tác: các chính phủ, được thấy rõ và dễ xác định, nhưng còn có những công ty tư nhân với cơ cấu quốc tế nấp đằng sau những cơ chế pháp lý tù mù và hoạt động không rõ ràng. Một số đối tác là những chuyên gia về thị trường nông sản, số khác chỉ là những quỹ đầu tư không chuyên biệt, mà mục tiêu là thu lãi càng nhanh càng tốt. Mặt khác, người ta không biết một cách chính xác họ đã ký kết những gì và ít khi biết những điều đang được thương lượng và thường diễn ra gần như bí mật, vì sợ thu hút sự chú ý và gây nên việc huy động các tổ chức địa phương và quốc tế muốn chống đối việc làm đó.
Một vài con số rút ra từ các nguồn được coi là tin cậy. Báo cáo viên của LHQ về quyền lương thực, Olivier de Schutter, đánh giá rằng trong thập niên gần đây, đã có 34 triệu hecta diện tích được bán hay cho những nhà đầu tư ngoại quốc thuê dài hạn. Cơ quan nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (International Food Policy Research) nói đến 20 triệu từ năm 2006, trong đó có 9 triệu ở châu Phi. FAO nghiên cứu chi tiết năm 2009 trường hợp của năm nước giáp sa mạc Sahara, đánh giá có 2,4 triệu ha đất đai đã thay đổi chủ từ năm 2004. Một số tổ chức phi chính phủ đưa ra những con số cao hơn cho thấy những khó khăn trong việc đánh giá chính xác hiện tượng này. Một số hợp đồng to tát đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông, như hợp đồng giữa Hàn Quốc với Madagascar, hay giữa Nam Phi với Congo-Brazzaville. Nếu châu Phi hình như được nhắm tới vì có diện tích rộng được coi là bỏ hoang và không khai thác, thì châu Mỹ Latinh cũng bị sờ tới, cụ thể là Braxin và Achentina. Những kẻ chiếm đoạt nói chung là những Nhà nước hay những công ty thuộc các nước mà sản xuất nông nghiệp không đủ hay có nguy cơ tăng dân số hoặc do biến đổi khí hậu đe dọa, có nguy cơ thiếu hụt lương thực trong tương lai: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, A Rập Saudi và các nước vùng Vịnh… Cộng đồng châu Âu thì hình như còn đứng ngoài.

Trục lợi trên khủng hoảng lương thực, năng lượng và khí hậu

Tại sao lại có đường lối chiếm đoạt và đầu tư tài chính trong một lĩnh vực nhiều rủi ro và việc thu hồi vốn lại bấp bênh và không bao giờ có hiệu quả ngay như vậy? Một số động cơ rất dễ hiểu: an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu, ít ra là đối với các nước đang sợ không đủ sức nuôi sống dân cư trong tương lai bằng một cái giá không chịu đựng nổi. Việc khí hậu nóng lên, sự cạn kiệt tài nguyên nước, giá cả nguyên liệu cơ bản không ổn định và sản phẩm nông nghiệp bị đẩy giá đột biến kéo theo một sự sửa sai nhưng ít khi quay lại mức độ trước, đã khiến cho mối lo thêm trầm trọng. Cắm chân vào một nước đang phát triển có vẻ hấp dẫn trong bối cảnh đó: đất đai rẻ tiền, nhân công ít tốn kém, có nhiều đất hoang hóa có qui chế không rõ ràng (đất đai ở châu Phi có chủ sở hữu chiếm dưới 10%), sự đồng lõa của những chính phủ chỉ thấy lợi ích trước mắt trong việc giao dịch và bị hấp dẫn trước lợi ích cá nhân khi nạn tham nhũng thâm nhập dễ dàng.

Những động cơ khác cũng nổi bật hơn: để thực hiện từ nay đến năm 2020, đảm bảo 10% năng lượng tiêu thụ trong giao thông vận tải sẽ được lấy từ nguồn năng lượng tái tạo, Cộng đồng châu Âu, hay ít ra một số thành viên của nó, đã tiến hành phát triển nhiên liệu sinh khối được biết nhiều nhất là ethanol, bằng nguyên liệu mía, dầu cọ, dầu mè hay sắn, ngô, thầu dầu hay cao lương. Tổ chức Bạn của Trái đất (Friends of the Earth) cho rằng tối thiểu có một phần ba số đất mua bán ở châu Phi là nhằm phục vụ cho việc sản xuất nhiên liệu sinh khối.

Nghị định thư Tokyo, mặc dầu phát triển hạn chế, cũng được coi là một nhân tố kích thích, trong chừng mực nhằm hạn chế việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở những nước đã phê chuẩn, họ tìm cách dựa vào các nước đang phát triển ít gây ô nhiễm hơn.

Những hiệu quả bất lợi mà lợi nhuận không bù lại được

Những hiệu quả có hại và độc ác của việc chiếm đoạt ồ ạt đất đai đã được nhiều tổ chức NGO và tổ chức dân sự tố giác ngày càng quyết liệt. Có thể tóm tắt như sau:
- Làm tăng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vì quá trình đó đưa đến sự tập trung quyền lực quyết định và thu nhập vào tay một số ít người khai thác và nắm đồng vốn.

- Di chuyển cư dân, buộc họ phải rời mảnh đất của tổ tiên để đến định cư tại các vùng ngoại vi các đô thị lớn mà họ không có một mối liên hệ nào.

- Xung đột xã hội gắn với những phản ứng và phong trào do sự đảo lộn đó đem lại (năm 2008 nhà chức trách Madagascar buộc phải từ bỏ một dự án lớn của Daewoo Hàn Quốc). Việc khai thác cơ giới những diện tích lớn dẫn đến mất việc làm và bần cùng hóa những người dân không chịu ra đi và trở thành kẻ sống ngoài lề xã hội.

- Đe dọa an ninh lương thực của người bản xứ trong chừng mực những cây trồng thâm canh được dùng cho xuất khẩu và khiến cư dân địa phương bị thiếu hụt sản phẩm cần thiết và lương thực cơ bản.

- Cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, nhiều loại cây trồng đó đòi hỏi tiêu thụ nước rất lớn (cây dầu mè lúc đầu nổi tiếng là có tiết độ, về sau mới biết là ăn rất nhiều nước).

- Gây nguy hại đến môi trường, gắn với hậu quả của độc canh, làm nghèo đất, làm phá rừng, dùng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón.

Đối diện với những lời buộc tội đó, một số đối tác đưa ra một vài điểm tích cực theo quan điểm của họ, lúc đầu tương đối thiếu sức thuyết phục vì nó không có giá trị lý thuyết, tất cả đều phụ thuộc vào việc tiến hành luôn luôn bấp bênh và gắn với ý đồ cùng sự hào phóng của đối tác:
- Nhà nước tiếp nhận thu được lợi nhuận, về lâu dài có thể cải thiện cán cân thanh toán.

- Tạo việc làm ổn định, không phụ thuộc vào biến đổi khi hậu, đối với người bản xứ.

- Cung cấp trợ giúp kỹ thuật mà nông nghiệp truyền thống sẽ được hưởng.

- “Những sự bù trừ” khác do việc đầu tư đem lại biểu hiện ở việc xây dựng cơ cở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, cải thiện môi trường, sản xuất năng lượng cho các thành phố…).

Mỗi thứ đều có lợi thế trong một cuộc giao dịch mà sự trong sáng đưa ra sẽ được đảm bảo bằng sự công tâm.

Sự chiếm đoạt đất đai có thể điều chỉnh bằng một qui tắc ứng xử hay đó là một “mối họa tự thân”?

Dù sao đi nữa, những thống kê đã cho thấy thiệt hại mà cư dân địa phương phải gánh chịu và dẫn đến nhiều tổ chức quốc tế phải đặt câu hỏi về các chuẩn mực và điều kiện cho phép việc chiếm đoạt đất đai đó và phác thảo nên một qui tắc ứng xử buộc những nhà đầu tư phải tôn trọng. Tiến trình được soạn thảo đầy đủ nhất do FAO và Ủy ban an ninh lương thực của LHQ đề xuất nhằm chấp nhận một Đường lối tự nguyện đối với quản lý đất đai. Văn bản được thảo luận ở Roma tháng 10-2011, đang trong quá trình hoàn thiện.

Về phía mình, Ngân hàng thế giới cũng đi một bước theo hướng đó bằng việc xác định những chuẩn mực mà các “đầu tư chịu trách nhiệm” trong nông nghiệp, phải tuân theo. Nhiều NGO hay nhóm NGO cũng đưa ra những nguyên tắc đôi khi trùng hợp nhau. Có thể dẫn ra đây những điểm chính:
- Tôn trọng quyền có lương thực của mọi con người.

- Tôn trọng các truyền thống địa phương và những thực hành cổ truyền riêng biệt của từng vùng.

- Minh bạch trong giao dịch.

- Được sự đồng thuận của cư dân có liên quan.

- Trả tiền đền bù thích đáng.

- Nghiên cứu tiền khả thi những hậu quả lâu dài của sự đầu tư đối với môi trường và khí hậu.

- Ưu tiên đem lại việc làm cho cư dân bản địa.

- Bán một phần đáng kể các sản phẩm làm ra trên thị trường địa phương.

- Tôn trọng các tiêu chí xã hội do ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) đề ra.

- Áp dụng những qui tắc bắt buộc làm khuôn khổ mà các nhà đầu tư phải tuân thủ, và dự kiến trước những trình tự tố tụng liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư khi có va chạm hay không tôn trọng các điều cam kết.

Cần ghi nhớ rằng một số tổ chức đã đi đến thậm chí không chấp nhận nguyên tắc của những tiêu chí đó, dù họ không có ảo tưởng nào về khả năng có thể áp dụng trong bối cảnh tự do trao đổi, hoặc họ coi việc chiếm đoạt đất đai là một mối họa tự thân mà không gì có thể bù đắp hoặc sửa chữa.

Đấy là trường hợp của FIAN (Food Information and Action Network), một trong những tổ chức khởi xướng lời kêu gọi Dakar chống chiếm đoạt ruộng đất, đưa ra hồi tháng hai 2011, trong một Diễn đàn toàn cầu. Bản thân lời kêu gọi đã giữ một lập trường rất dứt khoát khi đòi hỏi trả lại những đất đai đã bị chiếm đoạt và đòi hỏi Ủy ban an ninh lương thực của LHQ phải bác bỏ những “nguyên tắc đầu tư nông nghiệp chịu trách nhiệm” của Ngân hàng thế giới.

Nếu những văn bản khác nhau đó tránh đề cập cụ thể đến hiện tượng chiếm đoạt đất đai, thì nó vẫn không che giấu sự lên án và bác bỏ hành động đó, hành động coi đất đai như là một vật buôn bán phụ thuộc vào sự thăng trầm của thị trường.

D. C.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn: Bauxite Việt Nam