Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012
Đinh Xuân Quân - VỊ TRÍ VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG QUAN HỆ MỚI GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
Đinh Xuân Quân
Năm 2010 NT Clinton tuyên bố Biển Đông là quan trọng đối với Hoa kỳ. Đầu năm 2011, TT Obama tuyên bố về chính sách quốc phòng tại Hawai và sau đó tại Bali – Indonesia ông đã tuyên bố về sự trở lại Á châu của Hoa Kỳ.
Ai cũng biết là dưới sự chỉ đạo của Nixon, Kissinger đã thi hành chính sách thân thiện với Trung Quốc để cân bằng với Liên Xô vào 1972. Sau khi hồi hưu ông ta lập một công ty để làm lobby cho Trung Quốc.
Sau khi Liên Xô tan rã Trung Quốc đã dùng chiêu bài “phát triển hòa bình” của Đặng Tiểu Bình để trở thành siêu cường quốc tế về kinh tế và nay cả về quân đội nữa. Lúc nào họ cũng đề cao khẩu hiệu “chính sách láng giềng tốt” và khao khát về một “thế giới hài hòa”. Mỹ và các nước phương Tây chỉ mong Trung Quốc phát triển theo nguyên tắc “phát triển gắn với gánh vác trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”. Như vậy trong nhiều nhiệm kỳ TT từ Reagan cho đến, Bush Cha, Clinton, Trung Quốc đã “ru ngủ” thành công phát triển kinh tế lẫn quân sự dưới lá bài “Trỗi dậy Hoà Bình” mà không bị nhòm ngó.
Họ cũng thành công “ru ngủ” các giới trách Pentagon và Ngoại giao Mỹ nhờ các “lobby” thân họ. Đứng đầu là nhóm “chuyên gia ngoại giao” trường phái thân “Trỗi dậy hoà bình” do GS Harvard Joseph S. Nye, một cố vấn của TT Clinton. Theo ông này thì nếu Hoa Kỳ coi TQ là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ là mối đe doạ. Ông này cũng vận động cho “ngoại giao mềm – soft power.”
Tại Biển Đông và tại Bắc Hải (2010-2011) Trung Quốc hung hăng và mới đây chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gửi một thông điệp rõ ràng đến hải quân nước này là: "tăng cường sức mạnh chuẩn bị cho chiến tranh" trong khi TT Ôn Gia Bảo cũng nói là Trung Quốc phải có khả năng thắng trong các cuộc tranh chấp “cục bộ.”
Tại sao Mỹ thay đổi đối với Trung Quốc? Cái gì đã xẩy ra? Liên hệ Trung Quốc-Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao và các chuyên gia trong nước nói gì?
Từ Trỗi dậy Hoà Bình đến mối đe doạ
Mới đây các chuyên gia Mỹ mới hé mở những gì đã xẩy ra trong hậu trường cho đến khi Mỹ trở lại Á châu./ Vào thập niên 90, tình báo Hoa Kỳ thấy là ngược lại với suy nghĩ của Hoa Kỳ, Trung Quốc coi Mỹ là kẻ thù số 1. Các nhà chính trị vẫn bị H. Kissinger “ru ngủ” cho là Trung Quốc khác với Liên Xô cũ. Theo phe này thì Hoa Kỳ cần làm hoà với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vào năm 1992, tuỳ viên quân sự Mỹ Thiếu tá Mark Stokes bí mật “chuồn ra” khỏi Bắc Kinh và tận mắt thăm viếng các căn cứ quân sự TQ ở tỉnh Hồ Nam miền nam Trung Hoa. Trái ngược với cách suy nghĩ của Mỹ, quân đội Trung Quốc không những nhắm các hỏa tiễn vào Đài Loan mà còn ngắm vào các căn cứ Mỹ ở Nhật và Guam, sẵn sàng cho một trận đánh bất ngờ.
Báo cáo của Stokes đã có công làm thức tỉnh cấp trên, ngay cả vị chỉ huy trực tiếp của ông là phó đô đốc Eric McVadon cũng ủng hộ trường phái TQ ôn hoà, và vì vậy Lầu Năm Góc có chính sách quân sự lỗi thời với TQ.
Một người khác có công trong việc thay đổi suy nghĩ của Mỹ là ông Andrew Marshall, người đứng đầu “Office of Net Assessment”, ông có được sự trợ giúp của Peter Schwartz. Ông này viết một số báo cáo cho là TQ sẽ đánh úp Mỹ và dùng một số đồng minh của Mỹ để ngăn cản hải quân Mỹ tham gia chiến trường, còn gọi là “anti-access.”
Nhờ những ý kiến của P. Schwartz và tin tức của Stoke, Pentagon đã tổ chức một cuộc tập trận dựa trên các ý kiến của họ cùng các tin tức tình báo. Kết quả của cuộc tập trận giả tưởng này là hải quân Mỹ bị thua to, các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm bị tê liệt vì bị đánh bất nhờ. Từ đó Mỹ đi từ Air land battle – Không Địa trận (chiến thuật được áp dụng tại Iraq) đến Air Sea battle – Không Hải trận.
Nhờ sự việc này, từ 1995 bộ quốc phòng theo dõi TQ nhiều hơn (CIA, NSA, và NGIA - National Geospatial-Intelligence Agency). Nhiều nhà nghiên cứu được gởi sang TQ với nhiệm vụ tìm hiểu chiến lược quốc phòng của nước này. Họ đã nhận ra rằng phe trỗi dậy ôn hoà tại Mỹ đã nghĩ sai về TQ. Theo Bộ trưởng quốc phòng James Schlesinger thì TQ sẽ dùng IT để làm trì trệ Mỹ. Có sự xung đột nội bộ giữa hai phe ôn hoà thân TQ và phe coi TQ là mối nguy, trong đó có thứ trưởng quốc phòng Kurt Campbell. Phe thân TQ không muốn Mỹ bán khí giới cho Đài Loan và coi việc này là trở ngại cho mối thân hữu với Trung Hoa lục địa của Hoa Kỳ.
May mắn cho Mỹ, một sĩ quan tình báo cao cấp Trung Quốc đào thoát xin tỵ nạn cho phía Mỹ biết là TQ đang nhằm đánh vào Mỹ và việc này được báo cáo cho Bộ Trưởng Rumsfeld. Năm 2001 vụ phi cơ thám thính EP3 của Mỹ bị một máy bay TQ đâm vào vào phải hạ cánh xuống Hải Nam. TQ gây khó khăn cho Mỹ. Từ 2001 Rumsfeld đã gởi người đi Ấ Độ và khắp Á châu để xây dựng một chiến lược dự phòng hành vi của TQ, còn gọi là “hedge strategy - khi TQ coi Mỹ là kẻ thù và luôn luôn giấu kín các ý đồ của họ thì bắt buộc lúc nào Mỹ cũng phải sẵn sàng phòng ngừa.”
Sau đó có nhiều tranh cãi giữa các phe “thân và chống Trung Quốc” - đô đốc đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương cũng chống chính sách cứng rắn với TQ. Cuộc tranh chấp nội bộ càng ngày càng lớn vì phe thân Trung Quốc chống đối, không tin. Họ vẫn cho là Trung Quốc không có khả năng, cho đến khi tình báo cho biết là Trung Quốc đang làm khí giới chống vệ tinh (2006), các có chương trình xây tàu ngầm và tổ chức chiến tranh trên mạng.
Từ 2009, BT quốc phòng Gates ra lệnh xây dựng khả năng không quân và hải quân để thắng TQ, kể cả lực lượng đặc biệt, dùng các nhóm thiểu số như Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, vv.. để xây dựng chiến lược “Sea air battle.”
Đầu tháng 1, 2012, trong buổi tuyên bố chiến lược quốc phòng mới, gồm “chuyển hướng” và “xoay trục”, Tổng thống Obama đã tái khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo Michael Schiffer, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, chi tiêu quốc phòng và sự phát triển quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc "có khả năng gây ra những bất ổn đối với khu vực, làm tăng nguy cơ hiểu lầm và có thể sẽ làm tình hình trong khu vực thêm căng thẳng". Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng hải quân ngày càng được tăng cường của mình để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với những nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines.
Tóm lại, Trung Quốc đã thành công che đậy sự trỗi dậy kinh tế và chính trị trong một thời gian lâu dài vì đã thành công trong việc “ru ngủ phe thân TQ tại Mỹ.”
Liên hệ VN-TQ
Việt Nam nghĩ sao và đánh giá ra sao trước tình hình như trên giữa hai đại cường? Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung / cựu Đại sứ Việt Nam tại Thailan và là cố vấn của cố TT Võ Văn Kiệt, khi Trung Quốc vươn lên địa vị siêu cường, thì Việt Nam mặc nhiên trở thành chướng ngại vật đầu tiên của họ. Theo ông thì lý tưởng đối với Trung Quốc là làm sao có các nước vệ tinh theo mối quan hệ thiên triều – chư hầu kiểu mới. Trung Quốc sẽ không từ một biện pháp hay thủ đoạn nào để ngăn cản sự xuất hiện một quốc gia sát nách mình ở hướng Nam trở thành một “tiền đồn của dân chủ hay của thế giới phương Tây”. Kể từ khi thực hiện bình thường hóa trở lại quan hệ hai nước từ năm 1990 đến nay, có thể thấy Trung Quốc theo đuổi 2 kịch bản chính trong đối sách với Việt Nam:
- Thượng sách là giương cao 16 chữ để tiếp tục thâm nhập, lũng đoạn, nhằm thúc đẩy quá trình tạo ra một Việt Nam èo uột và lệ thuộc; bằng mọi cách không để cho chế độ èo uột của Việt Nam sụp đổ để Trung Quốc dễ bề dùng cái vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của mình. Trung Quốc chủ trương cô lập Việt Nam trên thế giới bằng những biện pháp khôn ngoan như một mặt phân hóa các đồng minh láng giềng sống còn của Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam phải gìn giữ đại cục quan hệ Trung – Việt để tăng sức ép, đồng thời mặt khác lại gượng nhẹ và lôi kéo Việt Nam đi với Trung Quốc trong những vấn đề khác. Đặc biệt quan trọng là Trung Quốc vận dụng quyền lực mềm tác động nặng nề vào phát triển kinh tế của Việt Nam, khuyến khích giương cao ngọn cờ “chống diễn biến hòa bình” để ngăn cản những nỗ lực cải cách chính trị của Việt Nam. Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội tiếp tục uy hiếp biển - đảo, vừa nhằm tạo điều kiện cho những bước lấn chiếm tiếp theo, vừa giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình… Có thể nhận định: Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong việc thực hiện thượng sách này.
- Hạ sách là: đẩy mạnh các biện pháp đã và đang thực hiện của thượng sách, chấp nhận hiện trạng một Việt Nam “tranh tối tranh sáng”, nếu không ngăn cản được cải cách ở Việt Nam thì tìm mọi cách kìm hãm công cuộc cải cách này, gia tăng các sức ép của quyền lực rắn và quyền lực mềm để gia tăng thực trạng èo uột của Việt Nam, đẩy mạnh phân hóa bên trong, tăng các biện pháp lũng đoạn hay trừng phạt kinh tế, khi cần thiết lại có thể “cho một bài học” kiểu chiến tranh biên giới tháng 2-1979 hay theo kịch bản đánh chiếm một số đảo Trường Sa tháng 3-1988. “Bài học” lần này nếu xảy ra, có nhiều khả năng sẽ là trên Biển Đông; sắp tới có thể có những biện pháp ngang nhiên thăm dò và khai thác Biển Đông phần thuộc hải phận của nước ta, vân vân...
- Lưu ý 1: Trong mọi trường hợp, Biển Đông chỉ là một mặt trận nóng, thậm chí có khi rất nóng trong đối xử của Trung Quốc đối với Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trận chính yếu của Trung Quốc là nhằm vào đối nội của Việt nam, trên cả hai phương diện nội trị và kinh tế, với mục đích khoét sâu những khả năng Việt Nam dễ bị chấn thương. Thắng trên mặt trận chính yếu này, Trung Quốc hy vọng sẽ thắng trên các mặt trận khác.
- Lưu ý 2: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhất là trong các năm 2010 và 2011, cho thấy không phải Trung Quốc muốn làm gì với Việt Nam cũng được. Trung Quốc rất ngại có những bước đi đụng chạm vào tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và thức tỉnh dư luận thế giới.
Được hỏi, vậy Việt Nam phải làm gì, tác giả Nguyễn Trung trả lời:
“Muốn thế, phải có một thể chế chính trị nào và một triển vọng phát triển nào của đất nước, để có thể cổ vũ, khuyến khích từng người Việt Nam dấn thân cho đòi hỏi này của đất nước… ta phải thực hiện, thực sự nước ta sẽ phải thay đổi tất cả: thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, trước hết là đường lối giáo dục và phát triển con người, chính sách đối ngoại; tất cả phải thay đổi theo các chuẩn mực truyền thống văn hóa và lịch sử vẻ vang của đất nước, phải thay đổi theo các giá trị đã tích tụ được của văn minh nhân loại ngày nay; tất cả để trở thành một nước phát triển với 3 trụ cột là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.Tất cả phải thay đổi với mục đích làm cho ở nước ta tự do, dân chủ, quyền con người trở thành nguồn lực vô tận và sáng tạo cho sự thịnh vượng của quốc gia và cho hạnh phúc của dân.
Trong lựa chọn như thế, nhỡ xảy chân nghiêng về một bên thì sao? Đã thế, trong nước bây giờ có nhiều ý kiến “pro” Mỹ? Để xảy ra “nghiêng” về Trung Quốc, nguy cơ đầu tiên và lớn nhất là dân sẽ ngày càng mất lòng tin và càng xa lánh Đảng. Xảy ra như thế, sớm muộn sẽ thua ngay trên mặt trận chính yếu và quyết định tất cả là đối nội; phần thắng sau đó thuộc về Trung Quốc. Để xảy ra như thế, hệ quả sẽ có thể là đến lúc nào đó phải làm lại từ đầu tất cả.
Để xảy ra “nghiêng” về Mỹ, hầu như chắc chắn Trung Quốc sẽ huy động mọi thứ của quyền lực rắn và quyền lực mềm nhằm đối phó với cái “nghiêng” này. Hệ quả nhãn tiền là có nguy cơ rơi vào vết xe cũ với nhiều bài học đau đớn: Nước ta có thể lại trở thành trận địa giằng xé nhau giữa các thế lực.
Khỏi phải nói, bây giờ cả lãnh đạo đất nước và toàn dân đều phải có trí tuệ, tỉnh táo và khôn ngoan. Thật sự đất nước bây giờ đang đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trác việt.
Là một đối tác chiến lược như thế, hoàn toàn không thể là dỹ hòa vi quý, mà phải là dân chủ trong đối nội, thẳng thắn đối đầu trong đối ngoại khi lợi ích và chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, trong khi nỗ lực tối đa gìn giữ hòa bình. Tất cả những điều này chẳng liên quan gì đến việc Trung Quốc luôn luôn ép ta “gìn giữ đại cục”. Thậm chí muốn vô hiệu hóa áp lực “đại cục” như thế của Trung Quốc, nhất thiết nước ta phải thực hiện những điều này.”
Tạm kết
Trong một thời gian khá lâu, Mỹ bị ru ngủ. Việc hé mở các tranh dành trong hậu trường giữa hai phe “thân và chống Trung Quốc” trong chính phủ và giới chức Mỹ đã kéo dài nhiều năm.
Nay Mỹ đã thức dậy với chính sách mới về việc “xoay trục” tại Thái Bình Dương. Việc này cho thấy Mỹ và các nước phương Tây đã bỏ mộng ước về một nước Trung Quốc phát triển theo nguyên tắc “phát triển gắn với gánh vác trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”.
Việc “trỗi dậy” của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam được coi là nút chặn trên đường tiến về phương Nam của Trung Quốc. Trong nước có rất nhiều kêu gọi VN thay đổi hoàn toàn. Ý kiến và đề nghị của ông Nguyễn Trung (trong nước) cũng không khác mấy với ý kiến của Gs Vũ quốc Thúc / trong cuộc phỏng vấn của đài RFI gần đây. Vấn đề còn lại là, chính quyền Việt Nam hiện nay đã “nghiêng” về phía Trung Quốc đến mức độ nào rồi, có còn kịp để tự điều chỉnh vào vị thế “ở giữa” hay không? Bản lĩnh của cả dân tộc Việt Nam phải được chứng tỏ giữa tình thế đầy nguy cơ hiện nay.
Tháng Tư, 2012
Ts. Đinh Xuân Quân
1/ Bill Gertz, aChina's High-Tech Military Threat , Commentary, April 2012
2/ Nguyễn Trung “Sự lựa chọn nào đây cho Việt Nam, viet-studies 1-4-12. Ông này là cựu Đại sứ VN tại Thailan và là cố vấn cho VVKiệt
3/ Phỏng vấn GS Vũ Quốc Thúc vào ngày 19/3/2012.