Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012
Du Tử Lê - Tính nhân bản trong thơ Phan Vũ, thành viên cuối cùng của nhóm Nhân Văn
Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi không biết những người cùng tôi (luôn bàn ghế, ngôi quán, cái nóng, con đường, thành phố xế chiều) nghe “Alexis Zorba” Phan Vũ đọc trường khúc “Hà-Nội-phố” của ông, nghĩ gì, cảm gì?
Phan Vũ. (Tranh Lê Quân)
Riêng tôi có bất ngờ to lớn, là sự kiện ông cho biết, bài thơ được viết vào tháng 12 năm 1972. Khi Hà Nội trân mình chịu đựng những đợt B-52, ném bom. Trải thảm.
Tiết lộ của tác giả, chỉ như một chú giải hoàn cảnh ra đời đứa con tinh thần của mình. Nhưng với tôi, vô tình ấy, lại như khối lửa và, thất thanh tiếng sét, thình lình xé toang bóng tối bưng bít, hiển lộ ký ức bài thơ (đoạn trường tác giả).
Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “ký ức, vì ký ức tôi không có Hà Nội, 72. Bài thơ cho tôi những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và, hình ảnh một Hà Nội sơ tán. Một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu:
Cơn mưa đầy
Những hố sâu trước cửa
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
(......)
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?... (1)
Ký ức tôi vẫn xanh thẫm một Hà Nội những gốc bàng sưng, khô sẹo hưng, phế. Những hàng sấu, chứng nhân buồn/vui bao đời hai hè phố. Những cây phượng giấu diếm tiếng ve mùa Hè, trên cao. Con đường bờ sông dẫn ra đê Hồng Hà cát bồi, ngút mắt. Những cây soan lá nõn, reo, ngân ngày nở hoa, đơm trái. Những búp đỏ lựng, thơm tho hoa gạo - Trôi từ Kim Bảng / Sông Ðáy tới Năm cửa ô. Tiếng rao phở đêm, quyến rũ tới chảy nước miếng. Như những sớm mai tôi, cổng trường Hàng Vôi táo dầm, mùa Thu; bài vè kẹo kéo, mùa Ðông. Ngây ngất.
Ký ức tôi vẫn bâng khuâng, huyền bí tiếng chuông, mõ từ ngôi chùa nép mình lòng ngõ Tràng An. Con ngõ mạch máu nối Triệu Việt Vương nhập thân Phố Huế, nơi tôi ở những ngày cuối cùng, Hà Nội. Nhưng ký ức tôi không có một Hà Nội, 72, Phan Vũ.
Hà Nội, 72 của họ Phan, là những tháng, ngày B-52, ném bom-trải-thảm tử/sinh, còn/mất trộn lẫn... mù, điếng phận người:
Ta còn em tiếng dương cầm.
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và Sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...
(......)
Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.
Ðêm lộng lẫy!
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên áo đỏ.
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió.” (1)
Ký ức tôi cũng không có tiếng đàn câm. Như những phần số bỗng dưng, một sớm chia ly hình/bóng:
Ta còn em một đam mê.
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long... (2)
Hay:
Em ơi! Hà-Nội-Phố.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
(......)
Ta còn em một cuộc tình
Như một bài thơ.
Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.
Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ... (3)
Không có trong ký ức nghèo nàn Hà Nội của mình, nhưng tôi cảm nhận được nhiều (rất nhiều) những nốt lặng giữa “Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.” Hay “Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số,” của Hà Nội, 72, Phan Vũ, tán lạc hồn vía. Trắng xóa ngày mai!
Tôi vẫn nghĩ, tùy kiến thức, tập quán cảm nhận mà, mỗi cá nhân tiếp cận, đi vào tác phẩm văn chương, công trình nghệ thuật thuận/nghịch khác nhau.
Tuy nhiên, nếu có những tác phẩm hiện ra như một cánh rừng, thách đố người thưởng ngoạn tự tìm lối... Thì, cũng có những tác phẩm, cung cấp cho ta những cụm từ hay, chỉ một chữ, (tôi gọi là từ-chìa-khóa,) giúp ta dễ dàng khám phá khu rừng thi ca nguyên sinh của tác giả.
Từ-chìa-khóa trong trường khúc “Hà-Nội-phố” của Phan Vũ là tính-từ “Còn.” “Còn,” (nghịch nghĩa với “Mất,”) là chìa khóa tác giả trao cho người đọc, để mở cửa vào mọi đền đài ký ức trong cảnh thổ Hà Nội, 72, của họ Phan.
Bất cứ ai, dù bước vào cảnh thổ Hà Nội, 72 của Phan Vũ, qua cửa ngõ ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” (do Phú Quang phổ nhạc;) hay qua khá nhiều dị bản “Hà-Nội-phố” của Phan Vũ, có dễ đều ngạc nhiên khi thấy dọc lộ trình tháng, ngày Hà Nội, 72 mình, họ Phan tịnh không một từ kết án B-52, ném bom-trải-thảm. Tác giả không “xỏ nhầm giầy” của những người làm công tác tuyên truyền. Ông cũng không mặc áo khín của những chuyên viên gia công cưỡng bức chữ nghĩa.
Phố đông. (Tranh Phan Vũ)
Suốt lộ trình trường khúc 443 câu, họ Phan không mang vào trong thơ ông, những khẩu hiệu. Những con số máy bay “Mỹ-Ngụy” bị bắn rớt. Những “giặc lái không tim” bị nhân dân ta trói giựt cánh khuỷu, cúi đầu, nhục nhã đi trong ánh mắt căm thù đám đông. Dọc lộ trình trường khúc 443 câu, người đọc cũng không thấy hình ảnh đấu tố, xỉa xói giặc ngoại xâm... Thay vào đấy là những nhức buốt thân phận, kiếp người, nạn nhân chiến cuộc. Cụ thể hình ảnh:
Ðôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Ðã có tên trong vòng hoa tưởng niệm...
Một tháng chạp trắng khăn sô,
Khói hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ
Thức.
Hóa vàng... (4)
Làm người đọc chấn động tâm can, ngàn lần hơn biểu ngữ, khẩu hiệu.
Hoặc:
Tháng chạp con đường ngẩn ngơ,
Dãy phố thành tọa độ.
Khu trắng không người ở,
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,
Lời thề của người bỏ phố:
“Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!”
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ,
Thí thân cho mất cho còn! (5)
Cũng một ngàn lần hơn những gào thét phát thanh, hô hào Hà Nội vùng lên.
Hoặc nữa:
Một tháng chạp,
Cây bàng mồ côi, mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi mùa đông.
Tháng chạp năm ấy in hình bao mộ phố! (6)
“Mộ phố” chỉ hai chữ đó thôi, trong thơ Phan Vũ, đủ thay thế hàng ngàn bài báo Hà Nội căm thù chiến tranh!
Tôi quan niệm, tính nhân bản, cảm thức không “lề trái, lề phải” mà, chỉ có lề duy nhất: Lề của nhãn quan và, rung động tự thân, độc lập, mới có thể làm thành nhân cách thi sĩ. Làm thành thước đo độ lớn tác phẩm!
Tác giả “Hà-Nội-phố,” theo tôi, là một trong những tác giả hiện thân của nhân cách thi sĩ, làm nên giá trị tác phẩm.
Du Tử Lê
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (5) (6): Theo bản chung quyết, do chính tác giả cung cấp.
Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012
Phạm Ngọc Cương - Nghệ thuật của cái có thể
Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)
1- Lịch sử thế giới cả mấy ngàn năm nay luôn chứng kiến sự trồi sụt của các dân tộc. Mông Cổ đã từng làm mưa làm gió ở thế kỷ XIII, giờ là một quốc gia kém cỏi trong thang bậc văn minh. Nước Pháp- một trong những quán quân của vài thế kỷ trước- nay đang trên đà lao dốc... Thế kỷ nào cũng có những nước thành và nước bại. Việt Nam từng là một nước làm nên lịch sử khi chỉ với một dân số và đất đai nhỏ bé (miền Bắc và Bắc Trung Bộ), không “xung kích” cùng “tiền đồn” của ai và với ai, chẳng có sự “hỗ trợ” nào của quốc tế..., mà ba lần chiến thắng Nguyên Mông bằng vũ khí đồng lòng từ vua quan cho đến dân chúng. Đồng thuận cao giữa lãnh đạo và quần chúng là vấn đề sống còn của mọi quốc sách, đặc biệt với những nước nhỏ như Việt Nam.
2- Đòi hỏi chính đáng của quần chúng ở bất kỳ xứ xở nào là các chính trị gia cần thể hiện sự lương thiện và chuyên nghiệp trong sử dụng quyền lực qua hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của nhân dân. Nếu không thể hiện được tiêu chí đó thì các chính khách chỉ là những kẻ xôi thịt đang cố đeo bám vào quyền lực. Để đắc cử (thu đủ phiếu ) các ứng viên ở các xứ minh bạch (nơi thường không còn mấy nhức nhối và bức xúc xã hội để thi thố tài năng), chính khách thường hứa giảm thuế mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tức chứng minh tính hiệu quả của phương cách quản lý. Cũng như các sản phẩm công nghệ vậy, giá thành ngày càng rẻ mà lại càng hiện đại, nhiều công dụng mới. Họ nêu rất rõ các mục tiêu phụng sự (dẫu thật nhỏ) mà họ muốn hướng tới. Khi được bầu mà làm không được thì thường họ từ chức, hoặc cầm chắc là sẽ không được bầu lại. Năm 2006 đảng Bảo thủ đứng đầu là ông Stephen Harper ở Canada đắc cử khi đưa ra chính sách tranh cử thiết thực là giảm thuế tiêu dùng (GST) từ 7% xuống 5%. Đảng này sau đó giữ lời giảm thuế và điều hành tốt khiến Canada là nước duy nhất trong nhóm nước G7 không bị chao đảo trong sóng gió khủng hoảng kinh tế thế giới nên được dân bầu lại. Năm 2010 trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Toronto ông Rob Ford dù không được bất kỳ nghiệp đoàn hay tờ báo uy tín nào ủng hộ vẫn đắc cử do chủ trương: trả lại tiền đăng ký biển số xe hàng năm và giảm thuế trước bạ nhà đất ở thành phố xuống như cũ. Sau khi ông lên được ba tháng, các chủ xe đã đăng ký đều nhận lại được một tấm ngân phiếu $65 của tòa thị chính gửi trả lại đến tận nhà. Dân đang đợi ông giảm tiếp thuế trước bạ. Nếu không làm được lời hứa này, chắc ông khó trụ ở chân thị trưởng nhiệm kỳ ba năm tới.
3- Ở nơi mà chính khách không đi lên bằng việc xây dựng một cử tri đoàn đúng nghĩa thì chính khách luôn ở tư thế không cần (hoặc phải) có nhu cầu phục vụ cho lợi ích của cử tri. Lộ trình mà đáng ra bất kỳ quan chức cấp cao nào của Việt Nam cần làm là phải tích đức (nâng cao năng lực quản lý cá nhân), tề gia (làm trong sạch hóa bộ máy do mình quản lý) rồi tiến lên trị quốc (đưa ra chính sách tầm vóc quản lý vỹ mô, tạo bước đột phá) đã luôn không được thực hiện. Trái lại các trò thô thiển của quyền lực (chặt chém nhân dân) lại cứ liên tục được mặc sức đưa ra thi thố. Khi cần tiền và làm so sánh họ đưa ra các con số là đất giao thông đô thị ở Việt Nam chỉ có khoảng 6-7% quĩ đất so với mức bình quân của thế giới là 20% - 25%... Tâm huyết quan ở đâu khi các nguồn lực đã hạn hẹp như vậy sao không thấy quyết liệt chấm dứt tình trạng bị rút ruột đầu tư và tiến độ ì ạch (thủ phạm chính của nhiều ách tắc, an toàn giao thông). Quyết toán nhiều công trình giao thông của Việt Nam đắt lè lưỡi mà vốn thực ra tới công trường chỉ khoảng 60%, dẫn đến việc hầu như công trình nào vừa nghiệm thu xong cũng như công trình dởm cần gấp rút tu sửa.
4- Nền hành chính hiện đại sẽ không thể sạch khi lá phiếu ( ý ) dân không ảnh hưởng gì đến mệnh của quan (quan có đường hoạn lộ ngầm của quan, dân không được ý kiến ý cò vào); quan (sẽ) không ra quan (thiếu tầm vóc, tính chuyên nghiệp, đa tài). Thiếu (cả) bãi đỗ dân sự an bình để quan (dám) từ quan. Văn hóa quản lý không lấy sự tôn trọng khách hàng (dân) làm gốc là một văn hóa không có chỗ đứng trong thị trường hiện đại. Tôi có anh bạn ở Montreal bị ung thư lúc mới phát hiện tưởng chết trong vòng một tháng may gặp được đội ngũ bác sỹ tốt, và có tinh thần yêu đời nên đã sống tiếp khỏe mạnh tới 17 năm nay. Khi tôi hỏi chuyện anh, anh nói: tôi sống được vì y tế Canada là công cộng, ai điều trị cũng được đối xử chu đáo, không mất đồng hào cắc bạc nào, nhưng ấn tượng dễ chịu nhất của tôi là với văn hóa quản lý của Canada. 17 năm trước vào viện tôi thấy dòng chữ “cấm dùng điện thoại cầm tay” dán ở các nơi (vì họ sợ các sóng gây nhiễu loạn các thiết bị điện tử y tế, ảnh hưởng sự điều trị). 12 năm trước vào thấy các dòng chữ “cấm...” được thay bằng: “xin vui lòng không dùng điện thoại cầm tay”. 10 năm trước vào đã thấy những dòng “xin vui lòng ...” được thay thế tiếp bằng: “cảm ơn đã không dùng điện thoại cầm tay”.
5- Sự khao khát của nhân dân về một thế hệ quan lại mới với tư chất, đạo đức tốt hơn là một bức xúc thiết yếu cho đất nước. Thế hệ quan ngày nay đã quá đát và mất giá. Tuy nhiên mong chờ sản phẩm công nghệ cao từ lò luyện cũ là điều không tưởng. Người tiêu dùng đang phải cam chịu cắn răng “xài đỡ” những sản phẩm chất lượng thấp và thậm chí độc hại. Với ông Đinh La Thăng thì ngoài các tật “đẹp” mà hầu hết quan Việt hôm nay thường ẵm đủ là thiếu cả “tâm” lẫn “tầm”, ông còn trội hơn người ở bản sắc mà các cụ nhà ta đã đúc kết là cái thùng “càng” rỗng thì kêu “càng” to. Ngay cả ở những nền công quyền tương đối lành mạnh chính phủ cũng dễ có khuynh hướng phình ra và bao biện dẫn đến việc ngân sách nào cũng dễ bị thiếu hụt vì lạm chi. Các chính khách giỏi phải là những người biết khoan sức dân, cắt giảm thuế má mà vẫn làm cho xã hội thấy công bằng, hài hòa và tiến triển.
6- Khi Napoleon lần đầu lên đường ra trận, trong đoàn quân của ông gồm đủ các kẻ lêu lổng, cà chớn, sa cơ lỡ vận... của nước Pháp. Với phương châm bất hủ - trong mỗi bao đạn của người lính đều có cây gậy của viên thống chế - ông đã dẫn đoàn quân ô hợp đó vừa hành quân vừa học, luyện tập và tác chiến, thẳng tiến đến đài vinh quang. Là nghệ thuật của cái có thể, chính trị sẽ lương thiện hơn khi trong sân chơi đó có những người biết sử dụng vị thế có mặt của mình để làm việc đúng (nâng đỡ và dẫn dắt) chứ không phải để chuyên đi khống chế (ăn bẩn và ép buộc) quần chúng.
PNC
Nguồn: Blog Trương Duy Nhất
Song Chi - Vì sao người trẻ quỳ xuống và...hôn ghế thần tượng?
Song Chi
Cái tựa của bài này là từ cái tựa bài viết trên báo Tuổi Trẻ: “Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế…”.
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ có đoạn:
“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”…
…có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, có thể làm mình làm mẩy với cha mẹ để xin được tiền mua chiếc vé cắt cổ, có thể nhuộm tóc xanh, tô môi tím và mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng…
Nhưng đến mức – dù là chỉ vài người trẻ – xúm xít vào hôn cái ghế Bi ngồi thì…”
Đọc xong, tôi không còn biết phải nói gì. Vì “sốc”. Không phải tôi không biết một bộ phận giới trẻ VN từ lâu nay rất mê phim Hàn quốc, mê K-Pop, mê các ngôi sao ca nhạc, diễn viên Hàn, từ đó mê thời trang, nghệ thuật trang điểm, hàng hóa Hàn, bắt chước cách ăn mặc, trang điểm của các thần tượng trong giới showbiz Hàn…
Thật ra không chỉ riêng VN, trong vòng hai, ba thập niên qua, một số quốc gia châu Á khác cũng từng bị cơn lốc phim Hàn, nhạc Hàn làm cho chao đảo. Nói cho chính xác, khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng rõ hơn các quốc gia thuộc khu vực Nam Á như Ấn độ, Pakistan, Nepal…hay vùng Trung Đông, bởi vì văn hóa của các khu vực này khác hẳn. Cơn lốc văn hóa Hàn gần đây còn lan rộng cả đến Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Âu và cả Bắc Phi.
Đối với riêng từng quốc gia, sự say mê đó lan tỏa rộng hay hẹp, lâu hay mau, mức độ “cuồng si” như thế nào…trong giới trẻ, cũng rất khác nhau, tùy theo nhiều yếu tố: giáo dục, gia đình và xã hội.
Với những quốc gia có một nền giáo dục tốt ngay từ bậc phổ thông, học sinh sẽ có được một kiến thức khá rộng, cả về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có được một gu thưởng thức thẩm mỹ tốt, phong phú. Từ đó giới trẻ sẽ có nhiều xu hướng đam mê hơn là đa số chỉ lao vào say mê một dòng phim, một dòng nhạc nào đó. Chẳng hạn như giới trẻ các nước Âu- Mỹ, ngay từ khi đang học tiểu học cho đến những năm tháng của bậc trung học phổ thông, các em đã được nghe nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển cho đến các thể loại âm nhạc khác nhau; các em đã được học về lịch sử hội họa thế giới, được đi xem bảo tàng, xem những cuộc triển lãm hội họa cổ điển và hiện đại, kể cả những buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt, performing art…; được đọc đủ loại văn học cổ điển vả hiện đại của những tác giả lừng danh trên thế giới, đi xem nhạc kịch opera, múa ballet; còn phim ảnh thì ngay trên truyền hình hàng ngày đã có đủ loại phim của các nước để lựa chọn. Từ đó các em sớm có kiến thức, trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật khá vững, và có nhiều sự lựa chọn tùy theo ý thích. Tin rằng trong những quốc gia như vậy, con số giới trẻ mê phim Hàn nhạc Hàn sẽ không phải là quá nhiều và nếu có, cũng không quá “cuồng si” bởi các em có đủ kiến thức để nhận ra cái dở bên cạnh cái hay của phim Hàn, nhạc Hàn.
Thứ hai, yếu tố xã hội cũng rất quan trọng. Muốn ngăn chặn ảnh hưởng về văn hóa của nước khác xâm nhập vào nước mình, không phải bằng cách đóng cửa từ chối mọi luồng văn hóa từ bên ngoài, mà cái chính là phải tạo ra cái của mình. Muốn cho giới trẻ không mê đắm từ thần tượng diễn viên, ca nhạc cho đến thời trang, mỹ phẩm, hàng hóa của nước khác, thì phải có thần tượng, xu hướng thời trang, sản phẩm hàng hóa của nước mình. Ví dụ như giới trẻ Nhật Bản cũng có những bạn thích phim Hàn, nhạc Hàn, nhưng bên cạnh đó, họ có những cái của họ-phim, nhạc, thời trang cho đến các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ chơi, hàng tiêu dùng…dành cho lứa tuổi teen của Nhật cực kỳ phong phú, đa dạng. Có thể nói, về độ phong phú, sáng tạo, quái lạ…còn hơn Hàn Quốc. Thế thì đâu có sợ gì chuyện đa số giới trẻ Nhật sẽ mê đắm phim, nhạc, thần tượng hay hàng hóa của Hàn Quốc?
Ngoài yếu tố giáo dục, nhà trường, xã hội…nếu trong gia đình có những cách định hướng tốt, cho con được xem/nghe/đọc nhiều dòng văn hóa nghệ thuật khác nhau từ nhỏ để có một kiến thức, trình độ, gu thưởng thức văn hóa tốt, phong phú; giáo dục cho con có những mục đích sống và niềm say mê khác hơn là chỉ mê phim Hàn nhạc Hàn; giáo dục cho con có lòng tự trọng vào bản thân…thì những hành vi mê cuồng quá lố đối với những thần tượng showbiz như khóc lóc làm mình làm mẩy dọa bỏ học, bỏ nhà ra đi, thậm chí dọa tự tử nếu bố mẹ không kiếm được cho cái vé xem một chương trình biểu diễn của một ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc, hoặc cúi xuống ngửi, hôn cái ghế thần tượng ngồi v.v…chắc chắn khó có thể xảy ra.
Không thể trách một bộ phận giới trẻ VN điên cuồng với phim Hàn, nhạc Hàn. Đó chỉ là hệ quả của một nền giáo dục mà các em đã được hấp thụ, một xã hội mà các em đang phải sống. Một nền giáo dục lạc hậu, thiếu hụt trầm trọng về mặt kiến thức văn hóa nghệ thuật ngay từ bậc phổ thông. Suốt những năm học phổ thông và kể cả đại học, các em nào có được học/xem/nghe gì bao nhiêu về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn học…cổ điển và hiện đại của các nước? Hay chỉ được học/xem/nghe chủ yếu về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn học…Việt Nam, mà phần chính là từ thời…cách mạng? Nếu em nào không tự mình tìm tòi hoặc may mắn được gia đình có hiểu biết hướng dẫn, thì sẽ là cả một lỗ hổng lớn về mặt kiến thức. Không hiếm trường hợp đã là sinh viên nhưng nếu hỏi đến các loại nhạc yêu thích, nếu không nhạc Hàn thì cũng chỉ là nhạc trẻ VN, hỏi đến các loại sách hay đọc, vẫn chỉ đọc truyện tranh, hoặc những loại sách dễ đọc kiểu như Twilight, những cuốn tiểu thuyết của Marc Levy…
Giáo dục đã thiếu hụt, đến môi trường sống xung quanh nếu muốn đi xem một bảo tàng triển lãm tranh có giá trị, một buổi trình diễn hội họa đương đại, nhạc kịch opera, hay nhạc giao hưởng…cũng khó kiếm. Truyền thông VN cũng cũng góp phần làm lệch thêm cái sự lệch lạc, thiếu hụt này khi mở TV ra thì chỉ rặt phim Tàu, phim Hàn, nhiều tờ báo mạng lá cải tối ngày đưa tin, hình ảnh về các ngôi sao Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến cách ăn mặc, trang điểm…Các em đã không được thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ để có thể có được một trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật tốt, một bản lĩnh văn hóa vững vàng, mà môi trường xã hội cho đến truyền thông hàng ngày đập vào mắt các em lại bày ra quá ít sự lựa chọn như thế, thì việc các em mê phim Hàn, nhạc Hàn cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi phim Việt, nhạc Việt, thời trang Việt, hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm Việt…chưa đủ sức hút để lôi kéo các em.
Đó là chưa nói đến sự quan tâm định hướng từ gia đình. Mà cha mẹ muốn định hướng tốt cho con thì trước hết bản thân mình cũng phải có sự hiểu biết nhất định về văn hóa nghệ thuật.
Cho nên, khi nào giáo dục, xã hội cho đến truyền thông Việt vẫn còn như hiện nay, thì chuyện có những cô cậu trẻ tuổi làm đủ trò điên khùng, mất lòng tự trọng vì một ngôi sao diễn viên, ca nhạc từ một dòng phim, dòng nhạc mang đậm tính giải trí nào đó, sẽ vẫn còn tiếp tục.
Xa Xứ - Trò chuyện với đạo diễn bộ phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát” André Menras Hồ Cương Quyết
Sau đây là trích đoạn nội dung cuộc trò chuyện của báo “Xa Xứ” với ông André Menras Hồ Cương Quyết, trong dịp ông đến Praha (Cộng hòa Séc) để công chiếu cuốn phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát” do ông thực hiện. Bài phỏng vấn được đăng trên báo Xa Xứ số 252 ra ngày 27 tháng 3, 2012.
Trò chuyện tại VP Ban Biên tập báo Xa Xứ
Bìa báo Xa Xứ số 252, ra ngày 27.3.2012
Buổi chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam-nỗi đau mất mát” tối 26.3. Tại Praha, CH.Séc. Ảnh: Xa Xứ
AM HCQ: Lúc trước tôi và bạn bè tôi đã hi sinh vì độc lập tự do cho Việt Nam. Những giá trị ấy không bao giờ thay đổi, nó phải được bảo toàn và giữ vững. Thời gian qua cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất chủ quyền độc lập trước âm mưu bành trướng bá quyền kiểu mới của nhà cầm quyền Trung Quốc. Các ngư dân Miền Trung bị bức hại, đánh đập, bắn chết khi đang hành nghề trên vùng biển truyền thống của mình. Khi dã tâm xâm lược, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa – Biên giới. Khi Trung Quốc khai thác bauxiter trên một địa bàn địa chiến lược quan trọng – Tây Nguyên – “nóc nhà của Đông Dương”…ngày một gia tăng. Tôi không thể im lặng. Tôi xác định giai đoạn này là tiến hành “Một Cuộc Kháng Chiến Kiểu Mới” để giữ vững độc lập tự do cho Việt Nam trước bất cứ kẻ thù nào, cường quốc nào dù là Mỹ hay Trung Quốc…và giữ giá trị thiêng liêng là độc lập mà tôi đã tranh đấu... bộ phim của tôi được sự ủng hộ của BVH&TT – BNG – và nguyên Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết…nhưng khi chiếu tại thành phố Hồ Chí Minh thì bị cấm mà không hề có văn bản, tên người ra lệnh cấm, mặc dù phim đã có giấy phép. Vì chẳng có chứng cớ, nên tôi khó biết, khó hiểu, nó cứ chung chung như là “tàu lạ” còn đây là “người lạ”… không có ai trả lời câu hỏi của tôi là lệnh từ đâu? Như thế là có vấn đề: trong lãnh đạo bây giờ không có thống nhất về vấn đề đó. Có người phản đối, có người ủng hộ tôi. Tôi không sợ bất cừ điều gì, có người kể chuyện một phóng viên UPI bị hành hung, Lãnh sự quán Pháp tại SG cũng khuyên tôi cẩn thận khi đi ngoài đường bị “tai nạn” xe…khi còn trẻ tôi đã chẳng sợ, giờ hơn sáu mươi rồi, có gì phải sợ đâu. Tôi không lật đổ chế độ, không manh động, không ai có thể nói tôi là “phản động”, tôi không yêu Việt Nam…tôi không tham gia bất cứ một đảng phái nào, tôi không có tài sản lớn, không ai mua chuộc chuộc nổi tôi, lương hưu của tôi là hai nghìn Ero. Tôi chỉ có một tình yêu Việt Nam và vì nền độc lập của Việt Nam mà tôi tranh đấu từ khi còn trẻ tới giờ. Tôi chỉ nói lên sự thật, mặc dù có một số người ở Việt Nam không muốn nói lên sự thật. Không dũng cảm nói lên sự thật, trong đó có một số người lãnh đạo, nhưng không phải là tất cả. Hiện nay, dân chủ đang gõ cửa, đang sửa đổi hiến pháp, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhân dân không ai muốn lật đổ chính quyền, họ đi biểu tình là biểu thị lòng yêu nước. Sức mạnh là lòng dân chứ không hẳn là vũ khí hiện đại. Sợ nhất là khi người dân dửng dưng trước hiểm họa chủ quyền bị đe dọa.
Khi làm phim tôi gặp những gia đình ngư dân ở Lý Sơn, người thân của họ bị Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, đối xử như súc vật, đòi tiền chuộc…(xúc động và khóc). Tôi buồn và giận chính quyền vì không có biện pháp cứu trợ giúp đỡ gia đình họ. Họ vẫn bất chấp hiểm nguy ra khơi như để khẳng định chủ quyền biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa từ bao đời nay là của Việt Nam. Họ thự sự là những chiến sĩ của Việt Nam. Phải có chính sách hỗ trợ gia đình họ như miễn phí về việc học hành của con họ, trợ cấp lương thực, vốn cho họ để họ tiếp tục hành nghề. Họ đơn độc trên biển, không có hải quân, tầu bảo vệ biên phòng…nếu Việt Nam mất đảo là sẽ mất biển luôn, tương lai của Việt Nam sẽ thế nào? Tây Nguyên thì Trung Quốc hiện diện rồi, rừng đầu nguồn TQ thuê rồi, dù Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cùng bao nhiêu bậc tướng lĩnh, cựu chiến binh, lão thành cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ phản đối. Bây giờ là biển, ngư trường, thềm lục địa…nền độc lập của Việt Nam chưa bao giờ bị đe dọa như bây giờ…
Xa Xứ : Được biết, anh đã tham gia cuộc biểu tình phản đối âm mưu xâm lược lấn chiếm, đòi TQ tôn trọng chủ quyền biên giới hải đảo của Việt Nam. Anh nghĩ thế nào về các cuộc biểu tình tự phát tại TP HCM và Hà Nội trong thời gian vừa qua?
AM HCQ: Đó là biểu thị lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền, về độc lập tự do của Việt Nam từ xưa tới nay. Ôn hòa, không kích động, bài xích Trung Quốc. Chỉ yên cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ luật pháp về biển, luật pháp quốc tế. Chính quyền muốn mạnh, muốn giữ vững phải dựa vào lòng dân. Hoàn toàn không có sự chống đối, bạo động, kích động lật đổ chính quyền. Các cuộc biểu tình mang ý nghĩa đó. (…)
Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt. Chúng tôi đã nhận lời chính quyền TP.HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chận được sự phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh, chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc.
Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự. Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì đối phương lầm tưởng im lặng là bạc nhược. Làm sao có thể trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính nhân dân ta lên tiếng? Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước ngày nay lại có thể cản ngăn quyền thông tin và hành động của nhân dân? Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam? Ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của mấy chuyên gia Việt Nam để khẳng định điều ấy một cách âm thầm với vài chuyên gia quốc tế. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa ở cả nước.
Tôi rất sửng sốt và đau buồn khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không được biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền. Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh! Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới. Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích, giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì.
Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh. Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết điều ấy: “ Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công“. Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, nói sự thật. Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải liều mạng ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam, tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ! Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Thân cô thế cô, như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam. Trợ cấp của nhà nước hoặc không có, hoặc không thấm vào đâu. Phải anh hùng đến mức nào mới tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy! Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày. Phải lên tiếng, phải nói về họ. Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên và tối thiểu cũng phải cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được học và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em, mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách cụ thể và hữu hiệu. Trong bối cảnh ấy, tôi lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện tàu lạ với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay “tàu Trung Quốc“. Họ chẳng “lạ“ gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết?
Nhiều bạn nói với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự, ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là “khôn“ không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông bị đe dọa. Sau các sự kiện Tây Tạng, Tân Cương, họ đang đánh mất chút uy tín còn lại đối với công luận quốc tế. Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải ghìm ở đây những lực lượng, nghĩa là chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém chắc chắn sẽ làm họ sa lầy. Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp, trấn lột.
Còn một bài học Lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên – như thế không “khôn” tí nào – đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí. Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo. Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là « mộ gió », để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: “Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không gì, không ai có thể chiếm đoạt được .”
(…) Đừng mong rằng tôi sẽ làm giống như một số người bạn tôi, cựu tù nhân chính trị của chế độ Sài Gòn. Nhân danh một quá khứ quang vinh, họ im lặng cam chịu chấp nhận những khốn khổ thê thảm hiện tại. Họ sợ phải lên tiếng cùng với thế hệ thanh niên của họ đang xuống đường. Họ bám víu vào hình ảnh đầy hào quang của họ trong quá khứ và nhắm mắt trước những hình ảnh hiện tại vì sợ bị chóng mặt hay buồn nôn. Tôi rất mến những người bạn này, nhưng cũng rất thương cho họ. Chắc họ khổ tâm lắm! Khổ tâm hơn tôi nhiều. Tôi đơn giản hy vọng rằng những hành xử man rợ và phản quốc, mà những hình ảnh biểu tình ngày 17 tháng 7 năm 2011 tại Hà Nội đã cho tôi thấy, sẽ đánh thức dậy lòng can đảm trong tuổi hai mươi của họ… và làm cho họ khoẻ mạnh hơn. Tuổi trẻ ngày hôm nay cần đến một hình ảnh sống động và đàng hoàng của họ! Trước làn sóng đang dâng lên, hợp pháp, lành mạnh và cứu rỗi, sự đàn áp sẽ lên đến những mức nào trong cái bẩn thỉu, sự hãi sợ, và sự ngu xuẩn? Có phải người ta sẽ mở lại các trại tập trung? Có phải người ta sẽ xử dụng xe tăng theo kiểu Thiên An Môn? Có phải người ta sẽ bắn vào quần chúng? Tra tấn? Thủ tiêu? Liệu có ai ngây thơ đến độ tin rằng nhân dân Việt Nam cũng giống như nhân dân Trung Quốc, và sẽ cúi đầu trước roi vọt? Bởi vì phong trào đã âm ỉ từ lâu như thế, và đã tiến lên như thế, sẽ không dừng lại. Đó không phải là một phong trào bột phát lửa rơm của sinh viên: nó đã tụ hợp được trên những điểm mấu chốt những trí thức có tiếng tăm, có quá khứ ái quốc đầy uy tín, được kính trọng và được lắng nghe, những quân nhân mà sự vinh quang phục vụ tổ quốc cũng như sự liêm khiết không ai có thể nghi ngờ. Nó bắt rễ rất sâu trong quá khứ yêu nước và trong văn hoá đại chúng.
Quả là đến lúc dừng lại dùi cui, để mở mắt nhìn và để dỏng tai nghe: con đường đàn áp là bế tắc. Hỡi quý ông mang dùi cui, cái vị máu trong miệng đó, và cái nỗi thịnh nộ đó, mà mỗi ngày các phản ứng hèn hạ của quý ông mỗi làm cho thêm người cùng nếm trải, đang đưa quý ông, và gia đình, và cả đất nước này đến thảm hoạ. Mà kẻ hưởng lợi độc nhất là xâm lược Bắc Kinh. Chỉ có một lối thoát, chỉ có một lối ra duy nhất cho tất cả những vấn đề liên quan đến công cuộc bảo vệ quốc gia, nền độc lập dân tộc, việc hiện đại hoá nền kinh tế. Đó là nhanh chóng và can đảm mở cánh cửa dân chủ, mở ra cuộc đối thoại tự do với các công dân, khuyến khích họ thực sự tham gia một cách tích cực vào những quyết định trọng đại. Không có gì, không có ai, không một đảng nào có thể tước đoạt lâu dài những quyền tối thượng đó của nhân dân, không có thế lực nào có thể bóp nghẹt hơi thở lành mạnh và cần thiết của lòng yêu nước. Điều này đúng cho việc bảo vệ các hải đảo và vùng biển cũng như đúng cho tất cả những vấn đề khác của đất nước.
Hôm 5.6.2011, trong lần biểu tình đầu tiên trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố HCM, một lãnh đạo cấp cao của thành phố, mà tôi đã có lần gặp gỡ thân mật, mời tôi đối thoại, cùng với một số người bạn tôi. Vị này gọi tôi là đồng chí. Tôi đã có phản ứng lễ độ nhưng quả quyết khi trả lời rằng danh từ này chưa bao giờ có một ý nghĩa chung nhất và bền vững. Tôi cho rằng có đồng chí khi này và có đồng chí khi khác: hãy cho biết anh làm gì ở đây hôm nay, và tôi sẽ nói tôi có là đồng chí của anh hay không. Bà bán cháo, khi nhập vào dòng biểu tình để biểu lộ một cách ôn hoà sự phẫn nộ của bà, là đồng chí của tôi. Vị lãnh đạo đã mượn kiểu giảng đạo chính trị để nhân danh sự “ổn định chính trị” mà thuyết phục tôi từ bỏ quyền lợi hợp pháp và nhiệm vụ của người công dân yêu nước, mà chính là phải biểu lộ công khai sự phẫn nộ khi đất nước bị xâm lược và nhân dân bị sỉ nhục, phải chăng vị đó là đồng chí của tôi? “Đồng chí” ấy nói về kiểu “ổn định chính trị” nào vậy? Kiểu buông xuôi? Ông ta đang nói gì với tôi vậy? Rằng vấn đề tối cao về độc lập dân tộc là tôi không cần phải lo? Rằng tôi phải ngoan ngoãn về nhà, câm nín trong tủi hổ, đọc biết qua Internet là những “đồng chí” cấp cao đó thương lượng sau lưng tôi với bọn cướp vẫn đang tiếp tục cướp bóc, về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, đồng thời khích động lòng thù hận trên chính nhân dân họ chống lại tôi? Đó là tình đồng chí mà tôi được trao cho ư? Không, cám ơn, nghìn lần không, tôi không muốn nhận và tôi buồn nôn. Vì nó sẽ bôi quá nhiều ô uế lên ký ức về những người mà tôi biết bao yêu mến và cảm phục, những người với máu trong miệng và trên môi, vâng, chính họ, trong ngục tù của đế quốc, đã cho tôi bài học về ý nghĩa đích thực của danh từ Việt Nam tuyệt đẹp “Đồng chí”, tôi – kẻ chưa bao giờ thốt lên chữ đó bằng tiếng Pháp. Vâng, với những người đó, tôi vẫn là, và sẽ luôn luôn là đồng chí, với vinh dự, với tình yêu. Và điều này tăng thêm cho tôi ý chí đem lại cho những chữ này ý nghĩa thực thụ của chúng, để tôi có thể có phần hãnh diện. May mắn thay cho Việt Nam và tương lai của nó, tôi không phải là người cộng sản duy nhất và cũng không là công dân duy nhất suy nghĩ như thế…
Nguồn: Xa xứ (Cộng hoà Séc) số 252, ra ngày 27.3.2012
Trích từ: Bauxite Việt Nam
Lê Quỳnh - Chuyên gia Nhật nhìn an ninh Biển Đông
Lê Quỳnh
BBC từ Hong Kong
Ông Shinji Yamaguchi (trái) và Jean-Pierre Cabestan ở hội thảo
Nhật Bản xem các tranh chấp lãnh hải gồm vùng Biển Đông là phép thử cho hướng đi tương lai của Trung Quốc trong khi hải quân Quân Giải phóng đang thực hiện chiến lược ba giai đoạn.
Một chuyên gia quốc phòng Nhật Bản cho biết như vậy trong buổi thuyết trình hôm 27/3 ở Hong Kong bàn về tham vọng trên biển của Trung Quốc.
Ông Shinji Yamaguchi phát biểu trong bối cảnh tiếp tục có căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh sau khi Nhật Bản đầu tuần này tuyên bố một đảo thuộc khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là "tài sản quốc gia".
Tại cuộc thảo luận có mặt các nhà ngoại giao và học giả các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ, ông Shinji Yamaguchi tóm tắt những ý chính trong báo cáo gần đây về hải quân Trung Quốc, được công bố bởi cơ quan của ông, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) - đơn vị có quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng.
Sứ mạng của ông Shinji Yamaguchi ở Hong Kong dường như nhằm quảng bá quan điểm của giới chuyên gia quốc phòng Nhật và cũng để thử phản ứng dư luận trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc.
Báo cáo của NIDS nói tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn từ cuối thập niên 1960 và tiếp tục là một trong những yếu tố gây bất ổn ở Đông Nam Á cho đến nay.
Thái độ của Trung Quốc cũng thay đổi tùy thời điểm. Thập niên 1970 và 1980 chứng kiến Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 và đảo đá ngầm Vành Khăn năm 1995.
Sang cuối thập niên 1990, Bắc Kinh thay đổi giọng điệu và bắt đầu bàn bạc với Asean, dẫn đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hứa hẹn kiềm chế và không dùng vũ lực.
Tuy vậy, ông Yamaguchi ghi nhận, Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn từ vài năm qua, cùng với sự tăng tiến hoạt động của các cơ quan Hải giám và Ngư chính. Ví dụ, tàu Ngư chính lớn nhất mang số hiệu 311 được điều ra Biển Đông từ tháng Ba 2009 và ngày càng có những hành động khiêu khích, mà điển hình là dính líu vụ cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam hồi tháng Sáu 2011.
Tài liệu của NIDS cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng chủ động diễn tập trên Biển Đông cùng các cơ quan giám sát hàng hải.
Mỗi năm đều có ít nhất một sự kiện như vậy kể từ 2009, trong đó có cuộc tập trận nhằm "giành lại đảo do quân thù chiếm đóng" hồi mùa hè năm ngoái.
Mục tiêu chiến lược
Dẫn lại báo cáo của NIDS mà ông là một trong bảy người hiệu đính, ông Yamaguchi cho rằng Trung Quốc có ít nhất ba mục tiêu chiến lược từ trung đến dài hạn ở Biển Đông.
Mục tiêu thứ nhất - giúp giải thích sự cứng rắn hơn của Bắc Kinh – là bảo đảm các lợi ích, đặc biệt là kinh tế, trên Biển Đông. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn, khi mà phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã lên đến 55.2% năm ngoái, cao hơn cả Mỹ (53.5%). Bắc Kinh ngày càng tin rằng sẽ tuyệt vời nếu khai thác được tài nguyên dưới lòng Biển Đông.
Điều đáng nói, các dự báo của Trung Quốc về trữ lượng ở vùng biển này thường cao hơn của nước ngoài. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng có 36.78 tỉ tấn dầu và 7.55 nghìn tỉ mét khối khí đốt ở nơi được gọi là "Vịnh Ba Tư thứ hai", trong khi phía Nhật Bản lại dẫn nguồn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đoán chỉ có khoảng 3.78 tỉ tấn dầu, còn Husky Energy của Canada thì nói khí đốt tự nhiên gần quần đảo Trường Sa ở khoảng 170 tỉ mét khối.
Viện Quốc phòng Nhật giải thích Trung Quốc "ngày càng bất mãn với các nước có tranh chấp mà lại đang đi đầu trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông". Bằng việc gia tăng tuyên bố chủ quyền và phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc "cố gắng ngừng việc khai thác một chiều của các nước và kiếm tìm lợi thế trong vấn đề này".
Nhiều chuyên gia Trung Quốc, cả dân sự và quân sự, ủng hộ cách tiếp cận này, cho rằng cần đưa hải quân kiểm soát Biển Đông để từ đó chiếm phần hơn khi bước vào đối thoại và đàm phán. Học giả nổi tiếng Diêm Học Thông, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, tuyên bố Trung Quốc lâu nay nhường nhịn láng giềng nhưng lại bị lợi dụng và vì thế cần có những biện pháp trừng phạt.
Nằm ở Đông Bắc Á gần Bắc Hàn, Lực lượng Tự vệ Nhật luôn đề cao cảnh giác
Mục tiêu thứ hai là bảo đảm tuyến đường vận tải trên Biển Đông, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng gắn chặt với kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển đi qua eo biển Malacca - khoảng 60% tàu bè đi qua nút thắt cổ chai này treo cờ Trung Quốc hoặc là đang vận chuyển hàng cho Trung Quốc.
Phía Nhật nói Trung Quốc lo ngại việc các láng giềng tranh chấp như Malaysia và Việt Nam đặt mua tàu ngầm. Theo báo cáo, tàu ngầm là vũ khí thích hợp để phá vỡ các tuyến đường biển huyết mạch, và đây cũng là lý do để Trung Quốc đẩy nhanh sự hiện diện của hải quân trong vùng.
Mục tiêu thứ ba xa hơn là đối chọi với quân lực Mỹ mà một dẫn chứng là căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.
Nhật Bản cho rằng nếu năng lực phòng thủ và tấn công ở Hải Nam được hoàn thiện, nó có thể "làm tăng khả năng đối phó với sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển xung quanh Trung Quốc". Tàu ngầm từ Hải Nam sẽ không chỉ ra đến Biển Đông mà thậm chí đi xa tới tây Thái Bình Dương để hạn chế hoạt động của quân Mỹ.
Một tham vọng lớn của Trung Quốc là cố gắng chế tạo tên lửa đạn đạo đối hải có thể bay xa hơn 1500 cây số để bắn chìm tàu sân bay Mỹ trước khi quân Mỹ kịp vào Vòng phòng thủ thứ nhất (first island chain) trong trường hợp xung đột ở Đài Loan hay Biển Đông. Phía Nhật nhận định mặc dù Trung Quốc "có thể thành công" trong tương lai gần, nhưng hiện tại dự án này vẫn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật.
Nhật tìm đối tác
Ông Yamaguchi cho hay là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản buộc phải quan tâm đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông. Trước mắt, khác với ở Biển Đông, Trung Quốc không khiêu khích Nhật Bản bằng những sự kiện như quấy rối tàu khảo sát nước ngoài hay tập trận đạn thật rầm rộ. Lý do chính có lẽ đơn giản là vị thế của Nhật cũng như rủi ro làm xấu đi quan hệ với Mỹ, vốn đang đặt căn cứ quân sự tại Nhật.
Tuy vậy, Nhật Bản cáo buộc ngày càng xuất hiện nhiều tàu Ngư chính và Hải giám của Trung Quốc ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Năm ngoái, hai máy bay do thám của Trung Quốc cũng lần đầu tiên bay đến sát bãi đáp của Nhật trên đảo. Tokyo lo ngại nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc cải thiện trên cả Biển Hoa Đông, thì có thể Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn tương tự như đã xảy ra ở Biển Đông.
Bản báo cáo của NIDS khuyên Trung Quốc rằng "gây áp lực với các nước tranh chấp ở Đông Nam Á có thể chỉ khiến các nước lo bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hung hăng hơn, mà kết quả là làm tăng căng thẳng khu vực". Theo họ, Trung Quốc cần hòa hoãn hơn và có những bước cụ thể để hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên biển với các nước Asean.
Một chuyên gia về Nhật Bản, GS. Jean-Pierre Cabestan (Đại học Hong Kong Baptist), nói với BBC tại hội thảo rằng mức độ cạnh tranh hay hợp tác giữa Nhật và Trung Quốc sẽ phụ thuộc liệu Bắc Kinh có tôn trọng trật tự hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật đã quản lý hành chính, hay không.
Chiến hạm Nhật Bản trong một chuyến thăm Hải Phòng
"Nó cũng phụ thuộc hai nước có tìm được cách cùng khai thác ở khu vực Shirakaba/Chunxiao. Đó sẽ là nguồn cảm hứng cho Trung Quốc và Đông Nam Á tìm kiếm thỏa thuận tương tự ở Biển Đông," ông nói.
Đó là hy vọng, còn thực tế gần đây giới học giả và dư luận Nhật ngày càng lo ngại về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc. Khảo sát của BBC World Service năm 2011 cho hay 88% người Nhật có phản ứng tiêu cực trước viễn cảnh quân đội Trung Quốc trở nên mạnh hơn.
Chính phủ Nhật cũng đã chuyển trọng tâm từ Lực lượng Tự vệ trên Bộ sang trên Biển, đồng thời tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật, củng cố quan hệ với các nước "cùng chia sẻ giá trị" như Úc và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Tokyo cũng nhấn mạnh hợp tác đa phương, trong đó có với Việt Nam. Năm ngoái, Thứ trưởng quốc phòng Nhật tuyên bố nước này sẽ đóng vai trò "hợp tác cụ thể hơn" trong cuộc gặp với giới chức Asean bàn về Biển Đông.
Và nói như một phóng viên thường trú ở Tokyo, tin tức tại Nhật Bản hiện nay hình như chỉ xoay quanh hai vấn đề: sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc (mà Nhật và cả châu Á phụ thuộc), cùng các bài viết về đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Mới nhất trong tuần này, Nhật Bản và Trung Quốc lại cãi vã sau khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay một trong bốn đảo ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư được xếp vào tài sản quốc gia.
Bốn hòn đảo được Nhật chính thức đặt tên vào đầu tháng Ba. Đáng chú ý, theo báo Nhật, năm ngoái Tokyo tuyên bố kiểm soát 23 đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng đã chừa ra bốn đảo trên để tránh kích động Bắc Kinh. Như thế, động thái liên quan bốn đảo này giờ đây phải được xem là sự cố ý đối đầu ngoại giao.
Sự cạnh tranh chiến lược Nhật - Trung có thể được một số nước tranh chấp Biển Đông ngầm hoan nghênh. Hôm 23/3 lần đầu tiên diễn ra Đối thoại Chiến lược cấp thứ trưởng giữa Nhật và Philippines. Theo truyền thông Nhật, Tokyo có gợi ý cho Philippines tàu tuần tra theo hình thức vốn vay ODA.
Nhưng Trung Quốc sẽ xem những động thái như vậy là sự bao vây. Không khó để hình dung tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là hai quân cờ lớn liên quan với nhau trên bàn cờ chiến lược Nhật - Trung trong thời gian tới.
Hình của Hải quân Nhật chụp tàu TQ gần Senkaku 16/3/2012
Thanh Trúc - Thủ tướng họp với các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Hôm Chúa Nhật 25 vừa qua khoảng ba mươi chuyên gia kinh tế tài chính trong và ngoài nước, cùng một số bộ trưởng và thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước gặp nhau trong một buổi họp do thủ tướng triệu tập.
Buổi họp các chuyên gia kinh tế tài chính trong
và ngoài nước do thủ tướng triệu tập ngày 25 tháng 3 vừa qua. - Ảnh chinhphu.vn
và ngoài nước do thủ tướng triệu tập ngày 25 tháng 3 vừa qua. - Ảnh chinhphu.vn
Buổi họp nhằm đánh giá hiện tình kinh tế, sự điều hành chính sách tài chính quí Một, những việc cần thực hiện để có thể ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012 này. Thanh Trúc ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về cuộc họp:
Đánh giá kinh tế và chính sách tài chính tiền tệ.
Đây là cuộc họp lần hai do văn phòng thủ tướng chính phủ tổ chức với chủ đề “Đánh Giá Kinh Tế Vĩ Mô Và Điều Hành Chính Sách Tài Chính Tiền Tệ Quí Một 2012”, tiếp sau lần họp đầu hồi sáu tháng trước, ngày 20 tháng Tám 2011.
Sau buổi họp, một trong những chuyên gia nước ngoài được mời, ông Bùi Kiến Thành, cho biết:
Đây là việc được quyết định là cứ mỗi sáu tháng một lần thủ tướng chính phủ và chính phủ sẽ nghe các chuyên gia. Kỳ trước thì có thủ tướng và bốn phó thủ tướng cũng như mười mấy vị bộ trưởng.
Tham gia kỳ này có thủ tướng chính phủ, bộ trưởng bộ tài chính, bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, lãnh đạo các bộ ngành và khoảng ba mươi chuyên gia.
Tham gia với tính cách chuyên gia là ba vị nguyên thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, ông Cao Sỹ Kiêm, ông Lê Đức Thúy, ông Nguyễn Văn Giàu, có nguyên bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Trần Xuân Giá, và rất nhiều những chuyên gia nổi tiếng trong nước như ông Lê Xuân Nghĩa, ông Trần Du Lịch, ông Võ Đại Lược, ông Trần Đình Kiên. Ngoài ra còn có bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh là những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đồng thời khoảng ba mươi chuyên gia các viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Chuyên gia nước ngoài thì có các anh như Nguyễn Chí Hiếu từ California và có tôi là Bùi Kiến Thành.
Tại buổi họp mọi người được nghe báo cáo từ Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư là chỉ số giá tiêu dùng CPI của Quí Một, bên cạnh phúc trình quan trọng của thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình về tác động tích cực của chính sách tiền tệ vào việc hạ chỉ số giá tiêu dùng, việc sẽ hạ lãi suất huy động xuống 1% mỗi quí và đến cuối năm thì đưa lãi suất huy động về mức 10%, về chương trình tái cấu trúc hệ thống Ngân Hàng Thương Mại. Khả năng hấp thụ vốn rất kém của nền kinh tế, sự khó khăn của doanh nghiệp cũng được thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu ra.
Các chuyên gia cũng được nghe bộ trưởng bộ Tài Chính Vương Đình Huệ trình bày về chỉ số tiêu dùng và tình hình thuế ở Quí Một. Dưới mắt ông Bùi Kiến Thành, chỉ số giá tiêu dùng Quí Một tăng 2,55% là một tín hiệu tốt, thế nhưng cần thận trọng và cần kiểm tra lại độ chính xác về con số do Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư đưa ra vì còn cả một tuần lễ trong tháng Ba này chưa được tính vào.
Lãi xuất và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng
Trong tư cách một chuyên gia kinh tế và tài chính, cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội, ông Bùi Kiến Thành cho biết những điều ông chú ý nhất là vấn đề lãi suất, chương trình tái cấu trúc hệ thống Ngân Hàng Thương Mại, khả năng hấp thụ vốn kém mà thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước trình bày:
Ông thống đốc nói về lãi suất cần của huy động vốn các ngân hàng chứ không phải lãi suất cho vay, thì vừa rồi là hạ từ 14% xuống 13%. Mà thống đốc nói sắp tới sẽ tiếp tục hạ 1% nữa để đưa lãi suất cần huy động vốn của các ngân hàng về mức 10%. Còn lợi tức mà ngân hàng cho vay như thế nào thì đó là vấn đề khác.
Mặt khác, đối với doanh nghiệp đi vay thì doanh nghiệp không hấp thụ được vốn do là doanh nghiệp không chuẩn bị được đầy đủ hồ sơ đi vay. Ý của thống đốc nói rằng khả năng của doanh nghiệp mà thật sự giải trình về dự án của mình hãy còn rất kém, và đấy là khả năng hấp thụ kém của nền kinh tế Việt Nam về mặt tín dụng ngân hàng còn thấp.
Tình hình Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam thì có nhiều vấn đề. Vấn đề thiếu thanh khoản, vấn đề nợ xấu nhiều, nợ khó đòi nhiều. Những ngân hàng lớn thì dư tiền dư thanh khoản mà không cho vay được vì lãi suất quá cao, còn những ngân hàng nhỏ thì không có tiền để cho vay, nên là đem dùng vũ khí tăng lãi suất huy động lên để huy động vốn. Tất cả những chuyện đó tạo nên tình trạng hỗn loạn trong thị trường vốn và thị trường lãi suất ở Việt Nam. Việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng là một trong những điểm quan trọng được thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước nêu ra.
Từ cuộc họp vừa rồi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng mỗi quí giảm lãi suất huy động xuống 1% là điều đáng mừng nhưng mức giảm 1% này không thấm vào đâu so với hàng vạn doanh nghiệp có thể phá sản vì thiếu vốn, trong lúc hàng triệu người lao động có nguy cơ mất việc, dẫn đến hệ quả kinh tế vĩ mô trên đà bất ổn và không bảo đảm được an sinh xã hội.
Cũng là người được mời trong cương vị chuyên gia kinh tế độc lập, bà Phạm Chi Lan, cựu phó chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp, từng là thành viên ban cố vấn cho thủ tướng Phan Văn Khải, đề cập đến điều bà quan tâm nhất:
Thủ tướng nói rõ ngay từ đầu là muốn nghe ý kiến của các chuyên gia các nhà khoa học đánh giá thêm về tình hình kinh tế của ba tháng đầu năm, đồng thời đưa ra kiến nghị với chính phủ về các việc phải làm từ nay đến cuối năm.
Hầu hết các chuyên gia đều nêu ý kiến rất thẳng thắn, một mặt nhìn nhận những nỗ lực của chính phủ khi mà năm nay vẫn quyết tâm tập trung cao vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận tăng trưởng có thể thấp hơn thường lệ miễn là đạt mục tiêu kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vì đó là ưu tiên hàng đầu.
Một mặt khác nhiều chuyên gia cũng bày tỏ mối lo lắng về mặt tiền tệ, đặc biệt về tính thanh khoản và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Cá nhân tôi thì tôi cũng bày tỏ mối quan ngại về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn rất lớn, từ đó ảnh hưởng tới thị trường và tới vấn đề phát triển của đất nước. Tôi cảm nhận được là thủ tướng lắng nghe và đồng tình với nhiều ý kiến của các chuyên gia. Các vị lãnh đạo của các bộ cũng vậy, đặc biệt thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và ông bộ trưởng tài chính.
Nỗ lực kềm chế lạm phát
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng là một chuyên gia kinh tế độc lập:
Cuộc họp đã nhất trí là sẽ tiếp tục nỗ lực kềm chế lạm phát, có ý kiến cho là giảm lạm phát xuống dưới 10%, cũng có ý kiến cho là cần phải xét xem tác động của giá dầu và tình hình sắp tới này như thế nào. Nhưng nói chung mọi ngưởi đều nhất trí rằng với tình hình lạm phát giảm thì có thể giảm lãi suất và giảm những khó khăn cho doanh nghiệp. Đa số các chuyên gia đều lưu ý tình hình doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản cũng như số doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động là khá lớn. Vì vậy tác động về mặt xã hội, đối với việc làm đối với thu nhập của dân, nhất là người nghèo, cần phải được đánh giá đúng đắn.
Cho nên chính phủ phải có các biện pháp hết sức thiết thực để giúp doanh nghiệp, thí dụ có thể dùng vốn nhà nước để xây đường, để tiêu thụ bớt số xi măng và số sắt thép đang tồn đọng. Thí dụ có thể khoanh nợ, giãn nợ và mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp thực sự có khả năng xuất khẩu và có công nghệ tốt, để các doanh nghiệp đó có thể tiếp tục hoạt động. Những ý kiến đó đều thể hiện là muốn có biện pháp mạnh mẽ để cứu để đưa các doanh nghiệp trở lại hoạt động và giảm tác động về mặt xã hội cũng như mặt thu nhập đối với người lao động.
Tuyên bố vào lúc kết thúc buổi họp, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo chính phủ sẽ họp vào ngày 31 tức thứ Bảy tuần này, sẽ tổng hợp, đánh giá và thảo luận mọi ý kiến đề xuất, cố gắng vượt qua mọi khó khăn và quyết liệt chỉ đạo việc tái cơ cấu.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, kinh tế Việt Nam đang như con bệnh cần được chữa tận gốc. Vẫn theo lời ông, trước mắt là phải có phương án cấp cứu để con bệnh tạm thời hồi phục và tiếp tục được chữa chạy để lành bệnh.
Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012
Ghé thăm các Blogs: 29/03/2012
Ấy vậy mà 3 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn, có một con số kinh hoàng liên quan đến căn bệnh này đã được đưa ra: 30.000 người chết mỗi năm. Bình quân 82 người chết mỗi ngày. Một tờ báo đã so sánh số người tử vong vì lao “bằng tai nạn giao thông và HIV/AIDS cộng lại”. Nếu nói tai nạn giao thông là quốc nạn, là sóng thần thì tử vong vì lao là quốc nạn của quốc nạn, là sóng thần của sóng thần.
Ấy vậy mà ở Việt Nam, theo điều tra dịch tễ từ cách đây 5 năm, tỷ lệ mắc lao phổi dương tính cao gấp 1,6 lần so với ước tính 90/100 ngàn dân của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng có tên trong cả 2 danh sách các nước có gánh nặng bệnh lao và gánh nặng lao đa kháng thuốc.
Ấy vậy mà khi mặc vest, cài ruy băng, thắt khăn đỏ, đứng trên nghị trường, bà Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ duy nhất một lần nhắc đến chữ “lao”. Nhưng đó là lời kêu khó về tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành lao, không kèm theo giải thích nguyên nhân.
Còn nhớ năm ngoái, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm chương trình chống Lao Quốc gia, TS Đinh Ngọc Sỹ chua chát bảo: “Cán bộ làm công tác chống lao đang “già đi” do không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang “trẻ lại”.Tỷ lệ bác sĩ lao chỉ 1,58/100.000 dân, có lẽ còn ít hơn cả tỷ lệ bác sĩ pháp y. Cùng với các thần kinh, ngoại thần kinh, sản, tâm thần, lao cũng là một trong những chuyên khoa thiếu trầm trọng nhất. Và sự thiếu hụt này được TS Sỹ đánh giá “Chính là nguyên nhân sâu xa của việc chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân lao được phát hiện”.
Liệu có thể nào trong suốt 10 năm mà một bệnh viên lao- phổi không tuyển mới nổi một bác sĩ chuyên khoa?
Sự khan hiếm nhân lực trong ngành lao thực ra đã được kêu ca từ không mười cũng bảy năm trước. Nhưng trong từng đó năm, ngành y tế đã làm gì, ngoài chuyện kêu ca. Trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế mười mấy lần nhắc đến hai chữ “kinh phí”, đã liệt kê ra vô số những nhóm giải pháp với giải pháp. Nhưng quanh đi quẩn lại toàn chỉ thấy chuyện “tiền”. Để có tiền, có nguồn thu, bà đã kê ra đến 5 gạch đầu dòng. Nhưng người dân nói chung và người bệnh nói riêng nghe đi, nghe lại cuối cùng vẫn chỉ là tiền hoặc trực tiếp từ các khoản thu “bổ đầu bệnh nhân”- được gọi là viện phí, hoặc gián tiếp qua ngân sách- thực ra cũng là thuế do người dân đóng góp.
Nếu như tỷ lệ giường bệnh ở Việt Nam, chỉ 20,5/1 vạn, một tình trạng mà báo chí gọi là “cá hộp” đang chỉ phản ánh mức độ “khốn khổ vật lý” thì tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đang cho thấy cái “giá sinh mạng bình quân” đang quá rẻ mạt. Năm 2003, dưới thời Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, các cuộc khảo sát cho thấy 1 vạn dân Việt Nam mới chỉ có được 5,88 bác sĩ và 0,7 dược sĩ. Trong suốt gần 10 năm qua, tỷ lệ này mới “nhúc nhích tí chút” với chưa đầy 7 bác sĩ/1 vạn dân. Tỷ lệ bình quân này không phản ánh chất lượng chăm sóc y tế khi hầu hết các bác sĩ đều đang ở các BV tỉnh, thành phố. Tỷ lệ “Bác sĩ làng”, chẳng hạn như ở Đồng Tháp chỉ đạt 4,2/1 vạn dân. Lai Châu, tỷ lệ này thậm chí chỉ 3,3/1 vạn dân. Một tỷ lệ thấp vào loại nhất thế giới. Riêng chuyên khoa lao, chỉ có 1,5 bác sĩ/ 1 vạn dân, với một số lượng “đếm trên đầu ngón tay”, trong tình trạng “cứ 10 người dân có 4 người nhiễm lao”. Nếu không có một chính sách đúng, và kịp thời, bác sĩ lao ở Việt Nam, nói không ngoa- chẳng mấy mà tiệt chủng. Khi đó, những từ ngữ như “quốc nạn” hay “sóng thần” cũng không đủ để mô tả thảm họa do căn bệnh- 4 thập kỷ qua đã không còn là một trong “tứ chứng nan y”- gây ra.
Bởi vậy ngành y tế không thể chống lao chỉ bằng cách phát hành tem thư. Không thể “thanh toán bệnh lao vào năm 2030” chỉ bằng những lời kể khổ. Và rõ ràng viện phí, dù tăng thế, tăng nữa, tăng mãi, hoàn toàn không phải là lời giải, là phương thuốc cho căn bệnh nhân sự đang thiếu hụt trầm trọng của ngành y tế, đặc biệt là chuyên khoa lao.
BLOG QUÊ CHOA
Trong bài này, chỉ cần thay chữ “Việt Nam” bằng chữ “Trung Quốc” và ngược lại sẽ lộ nguyên hình ai là kẻ vừa ăn cướp vừa la làng. Xin trích đôi ba đoạn:
- “Việt Nam thèm muốn các đảo ở Nam Hải đã từ rất lâu, nhất là trong những năm phát hiện được nguồn tài nguyên sinh học và khoáng sản phong phú ở các đảo Nam Hải, Việt Nam lại càng mở rộng dã tâm lấy trộm các đảo ở Nam Hải của Trung Quốc. ViệtNam đã là nước được lợi nhất ở Biển Nam Trung Hoa lại còn xâm chiếm 28 đảo của Trung Quốc”.
- “Việt Nam thừa hiểu tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế nước mình, họ không phải là không biết quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là sự thực lịch sử của Trung Quốc, mà trái lại, Việt Nam đã quá lo cộng đồng quốc tế thừa nhận sự thực này, nên mới cố tình kêu gào Trung Quốc hãy ngừng tiến vào vùng biển các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, nhằm tạo ra hiệu quả gây sự mập mờ. Từ đó mà tạo sức ép dư luận với quốc tế về cái gọi là “chủ quyền Nam Hải”, nhằm giúp Việt Nam nhận được sự đồng tình và ủng hộ của một vài quốc gia trong cộng đồng quốc tế về việc giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải.”
- “Việt Nam là nước chiếm nhiều đảo san hô của Trung Quốc nhất, cùng với sự phát triển của Trung Quốc, đã tự thấy thời gian là bất lợi đối với họ, muốn làm cho các đảo chiếm giữ có được chủ quyền đã có thì về mặt thời gian phải càng sớm càng tốt, Việt Nam đương nhiên sẽ không đợi đến khi Trung Quốc thực sự lớn mạnh để khuấy động lại sự tranh chấp. Việt Nam phải rốt ráo tạo nên “sự đã rồi”, để kì vọng chiếm đoạt chủ quyền bằng tâm thái “gác lại tranh chấp” của Trung Quốc.”
Mẹ khỉ, trâng tráo bỉ ổi hết chỗ nói.
Báo Đại Đoàn Kết với bài Ngang nhiên lặp lại hành vi bất chấp luật pháp và đạo lý (tại đây) đã khẳng định không sai chút nào: “Không nghi ngờ gì: Đối với Trung Quốc thì lời nói không (hoặc chưa bao giờ) đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”. Vậy thì dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu họ có thể là một “đối tác tốt”? Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở biển Đông thời gian gần đây”.
Trong bài BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC ( tại đây!) Bác Dương Danh Dy đã nói: “…ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: “chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc”.
Vậy tại sao ta vẫn phải “đồng chí 4 tốt” với họ nhỉ? Có tin người ta mới “đồng chí 4 tốt” với người ta chứ sao.
Ủa, không lẽ chúng ta là một lũ ngu?
BLOG PHAN MINH NGỌC
Bài này tớ viết hồi tháng 8 năm 2010 thì phải, để trên blog cũ. Chắc vì nó và một số bài khác tương tự nên cái blog vô tội của tớ bị các đồng chí hacker mũ đen hay mũ đỏ tớ cũng chẳng biết nữa chiếm làm của riêng. Nay bác Bình được ra hầu tòa, tớ chợt nhớ ra bài này nên tìm và post lên đây cho bà con đọc chơi. Bài có tiêu đề như một tiếng khóc đưa ma.
---------------------------
Vinashin ơi, hỡi Vinashin – chả trách!
Đọc bài “Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình: “Do bung ra không đúnglúc...” trên Pháp luật & Đời sống mà cứ phải than trời về cái đầu, cái tầm, cái trình độ tư duy của một ông Tổng và những chuyện xung quanh chúng, để rồi phải thốt lên rằng với những người như ông Tổng này, và cả những ai đằng sau ông ấy thì Vinashin không phá sản mới là lạ!
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “nghĩ sao mà lại mua tàu Hoa Sen hơn ngàn tỷ rồi nay đắp chiếu?”, ông Bình đáp rằng: “Mua tàu Hoa Sen xuất phát từ chủ trương đầu tư một đội tàu biển cao tốc Bắc-Nam. Nếu đầu tư đường sắt cao tốc hoặc đường bộ Bắc-Nam thì phải mất hàng chục tỷ USD, thời gian mất hàng chục năm, khó đảm bảo an toàn khi bão lũ, tai nạn giao thông... Trong khi đó, đầu tư đội tàu chỉ hết khoảng 2 tỷ USD, hoàn thành trong vòng 3-5 năm và cần khoảng tám con tàu như Hoa Sen, 3-4 cảng, chi phí sẽ rẻ hơn vận chuyển trên bộ, không bị mưa lũ...”. Thật kỳ lạ khi ông đi so sánh vận tải thủy (thường để chở hàng hóa) với đường sắt cao tốc (chỉ chở được người), và cho rằng vận chuyển trên bộ sẽ chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng lại lờ đi chuyện vận tải đường biển sẽ bị ảnh hưởng của gió bão.
Ông còn kể ra những nguyên nhân làm cho chủ trương này phá sản: “Nhưng không may là mới chỉ mua một chiếc đã gặp thời điểm khủng hoảng, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, xe hàng trong nước chưa quen đi đường biển, mà chúng tôi chỉ chở xe lớn nên ít khách. Chạy thêm được một tháng thì thấy lỗ quá, phải dừng lại”. Trung Quốc chắc đã mở cửa khẩu lại (nếu quả thật có đóng) nhưng chắc ông Bình vẫn không thấy có khách từ Trung Quốc? “Xe hàng trong nước chưa quen đi đường biển” mà ông vẫn nhắm mắt cho mua tàu, chứng tỏ ông và bộ sậu của ông không hề làm, không hề có khái niệm gì về điều tra thị trường khi xây dựng một dự án kinh doanh nào đó. Cái việc “chỉ chở xe lớn nên ít khách” càng chứng tỏ nhận định này.
Khi được hỏi về phương hướng xử lý con tàu này, ông tự tin “Đã có hướng xử lý”. Đang phân vân không biết ông xử lý kiểu gì, thì ông nhấn mạnh “kiểu gì mình cũng phải phát triển. Mình chỉ cố chịu đựng thêm một thời gian nữa”. À, hóa ra là xử lý kiểu chịu đựng (tức cứ để nó nằm chịu lỗ ở đó), rồi tiếp tục mua thêm một vài con tàu cao tốc kiểu như vậy. Ông còn “tiết lộ” thêm: “Quan điểm của Chính phủ là vẫn phải phát triển đường cao tốc trên biển. Đến thời điểm nào thì do thị trường nhưng mình phải chuẩn bị trước”. Hóa ra chủ trương đầu tư mua tầu Hoa Sen và những con tàu tương tự không phải là do ông Bình nghĩ ra, mà ông chỉ là người thực hiện, nên chúng ta lâu nay vẫn chỉ trích sai người! Từ chi tiết này, có lẽ phải kêu gọi dư luận có cái nhìn nhân ái hơn với ông Bình, ít nhất trong chuyện mua tàu rồi để nằm chơi, vì ông Bình không phải là tội đồ duy nhất, và cũng không phải là người khởi xướng.
Nhưng nói gì thì nói, vẫn không thể không tức khi nghe ông chống chế với phóng viên khi bị vặn rằng liệu tàu Hoa Sen chỉ là một cái xà lan được hoán cải. Ông cho biết: “Sai hoàn toàn. Đây là một tàu khách hiện đại, tiện nghi như tàu du lịch khách sạn năm sao. Trên thế giới ít có tàu như vậy”. Câu này chỉ làm cho người ta thấy ông không những nói câu sau “đá” câu trước, khi bên trên ông đổ tại rằng tàu chỉ để chở xe (tải) lớn nên ít khách, mà còn thấy ông (và những người có trách nhiệm trên ông cho duyệt phương án mua tàu, nếu có) rất “chịu chơi” và “sáng tạo”. Tại sao không những là tàu chở khách, mà còn “hiện đại” mà ông lại mang ra để chở xe tải? Tại sao thế giới ít dùng (vì có ít tàu như vậy) mà ông lại “sáng tạo, đi tắt đón đầu”, bê về dùng để chở xe tải ở Việt Nam?
Khi biện minh cho vấn đề đầu tư dàn trải, ông chỉ nhận là “Dàn trải ở đây là dàn trải nhà máy đóng tàu chứ không phải ngành khác”, rồi lập luận “Khi trong tay tôi đã có cả mớ hợp đồng đóng tàu trị giá tới 17 tỷ USD mà tôi không đầu tư thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”. Ông quả là có cái lối tư duy như của mấy tay tội phạm lừa đảo kinh tế, khi trong tay chỉ có chút tiền và năng lực chỉ có chút xíu nhưng bằng cách nào đó làm cho đối tác tin tưởng rằng ông là đại gia, có thể làm được những việc cực lớn, nên dễ dàng huy động được một lượng đặt hàng lên tới 17 tỷ USD đảm bảo đủ việc làm cho Tập đoàn cả vài năm trời. Cái gì xui khiến ông “có ít xít ra nhiều” và chạy theo con số để rồi phải ra sức mở rộng đầu tư như vậy? Có lẽ một trong những lý do là bầu sữa của Chính phủ tưởng vô tận trong mắt ông, minh chứng qua việc ông sẵn sàng “kể cả đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp”.
Ông còn cố tình loanh quanh khi bào chữa rằng “Số tôi không gặp may. Ký xong hợp đồng thì xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhiều đối tác chấp nhận bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng. Vốn liếng mình cũng bị kém đi, nhiều dự án không thực hiện được”. Ai cũng hiểu rằng khi đối tác chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, hủy hợp đồng thì về nguyên tắc Vinashin chẳng bị thiệt hại gì, thậm chí còn có lợi, vì tiền đặt cọc và tiền thanh toán là để cho từng công đoạn hoàn thành sản phẩm, nên Vinashin cho dù có bị hủy hợp đồng thì cũng chỉ có một phần công việc phải bị dang dở, nhưng quan trọng hơn là phần việc đó vẫn đã được thanh toán hoặc có tiền đặt cọc đảm bảo.
Nực cười hơn nữa là chuyện ông cho biết tỷ số nợ trên vốn của Vinashin chỉ vào khoảng trên 4 lần (thực tế là trên 11 lần). Tôi không cho rằng ông cố tình nói sai vì chuyện này quá quan trọng và có thể dễ dàng kiểm chứng. Tôi tin rằng ông nghĩ tỷ số này đúng là như vậy. Vậy suy ra điều gì? Ông Bình là Tổng Giám đốc mà hoàn toàn mù tịt về tình hình tài chính của tổ chức của mình! Chắc vì thế mà ông cứ thỏa sức đầu tư, thỏa sức vay mượn, vì (chắc là) cho rằng nợ của Vinashin vẫn còn thấp chán, chẳng có gì đáng lo!
Tương tự vậy, ông phủ nhận ý kiến của phóng viên cho rằng nợ quá hạn của Vinashin đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ông chỉ biết đến mỗi khoản nợ 750 triệu đôla, nhưng lại cho rằng đây là nợ dài hạn, và Vinashin chắc chắn trả nợ được vì “Tới đây, các nhà máy đều đi vào sản xuất, làm ra rất nhiều tiền”. Thưa ông, cứ cho là các nhà máy ông đang đầu tư sẽ có đủ tiền để hoàn thành, đủ hoàn chỉnh để đi vào sản xuất được, nhưng xin hỏi ông một câu đơn giản là khách hàng ở đâu để ông trông mong người ta sẽ đặt hàng đóng tầu ở Vinashin và mang lại rất nhiều tiền cho Vinashin? Hay ông tin rằng những khách hàng đã hủy hợp đồng trước đây nay sẽ quay lại và ngành đóng tàu vẫn ở thời hoàng kim của nó khi các đơn đặt hàng dồn dập đến các nhà máy đóng tàu trên thế giới vượt quá công suất của họ mà nhờ đó Vinashin – với tư cách là kẻ sinh sau đẻ muộn, chẳng có tên tuổi và uy tín gì (xin đừng ảo tưởng ở chỗ này!) sẽ được hưởng “sái” lây? Và “tới đây... làm ra rất nhiều tiền” là thời điểm nào vậy? Hy vọng nó không phải là sau dăm năm nữa, “mưa lắm cũng phải nắng” như lối tư duy “giản dị” của ông. Mà lúc đó thì tiền trả lãi và vốn của Vinashin biến thành nợ quá hạn đã lên đến con số khổng lồ rồi, sao mà còn để ông tự tin rằng nợ quá hạn không đáng kể và chắc chắn sẽ trả được nợ?
Tóm lại, có lẽ phẩm chất duy nhất của ông Tổng Bình là liều và “giản dị”, “ngây thơ” trong tư duy và kiến thức quản lý, kinh doanh, lại được hậu thuẫn bởi một cái chống cực chắc, nên ông cứ thả sức tung hoành và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi con tàu Vinashin được ông trực tiếp chèo lái cặp bến kết cục như hiện nay.
BLOG NGUYỄN TRỌNG TẠO
Vừa qua, Bộ GTVT đưa ra đề xuất giải quyết vấn nạn giao thông bằng cách “thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm” đã làm dấy lên sự phẫn uất của dư luận. Có người còn gọi đó là “Phí Anh Thăng”.
Hôm kia, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - người có mấy chục năm giảng dạy, nghiên cứu về giao thông, tham gia lập nhiều dự án giao thông cho các đô thị ở Việt Nam – lên tiếng cá cược với dư luận: “Thu phí mà giảm được kẹt xe tôi sẽ đi tù!”.
Hôm qua, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - hài hước: “Chúng ta không thể chống ùn tắc bằng cách hạn chế ô tô. Nếu làm vậy, chẳng khác nào chúng ta tiến lên Chủ nghĩa xã hội bằng cách… đi bộ”.
Và hôm nay, ca sĩ Mỹ Linh bức xúc: “Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”.
Vân vân và vân vân…
Chưa thấy bộ trưởng nào mới một thời gian ngắn chấp chính mà đưa ra nhiều giải pháp bị vô hiệu hóa như bộ trưởng GTVT.
Đầu tiên, anh Thăng đưa ra việc “đi làm bằng xe Bus”, anh đi thử và khẳng định “Tốt”. Nhưng chỉ vài tuần sau, anh lại nói: “Đến tôi cũng không thể đi làm bằng xe Bus được”. Tiếp theo là sáng kiến thay đổi giờ làm giờ học khiến cả thành phố Hà Nội nháo nhác, thầy lạc trò, mẹ lạc con… rồi “tùy theo thực tế của từng trường”, rốt cuộc, giao thông vẫn tắc nghẹn, đâu lại vào đấy. Và bây giờ là đề xuất thu phí ô tô, xe máy, cấm vào cấm đỗ… chưa biết kết quả ra sao, nhưng đã thấy loạn cả lên. Ngành cơ khí ô tô kêu chết. Chủ xe kêu bị móc túi. Những anh chàng nghèo mua xe thanh lý đi làm kiếm sống qua ngày bỗng rơi vào đường quẫn.
Đó là anh láng giềng cạnh nhà tôi mua được cái xe cũ 50 triệu, giờ mỗi năm phải nộp phí 50 triệu thì anh phải nộp cả cái xe ấy cho anh Thăng cũng không đủ.
Chợt nhớ bài Á Tế Á Ca của Cụ Phan đầu thế kỷ trước:
Các thức thuế các làng thêm mãi,
Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
Thuế chó cũi, thuế lợn gà,
Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe.
Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc,
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã,
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì.
Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xia kia mới thật lạ lùng,
Làm cho thập thất cửu trùng,
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi…
Đầu thế kỷ này lại thêm “phí anh Thăng”. Chả biết có thành hiện thực hay lại chuyện tào lao? Chả lẽ “Phí anh Thăng lên cung trăng hỏi Cuội”?
BLOG BS NGỌC
Hai chữ “thể chế” đang trở thành một danh từ thời thượng. Những bất cập, những tiêu cực, suy thoái trong kinh tế, suy đồi đạo đức … đều là những vấn đề mang thể chế. Nhưng thể chế là ai? Dường như ai cũng biết nhưng không nói ra.
Bây giờ đi đâu cũng nghe người ta nói đến “thể chế”. Những buổi liên hoan cuối năm, những buổi họp, những trao đổi quanh bàn cà phê, thậm chí trên bàn nhậu, người ta bàn đến thể chế. Nói chính xác hơn là “vấn đề thể chế”. Nói ngược lại, thể chế có vấn đề. Vấn đề thể chế có thể giải thích được tại sao đất nước này đang trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.
Trước hết, chúng ta hãy điểm qua những vấn đề mà dư luận xã hội và giới trí thức đánh giá là suy thoái.
Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ nhiễu nhương, tao loạn. Người dân cảm thấy bất an khi ra ngoài đường, thậm chí cảm thấy bất an ngay trong nhà mình. Trộm cướp nổi lên như rươi. Chúng càng ngày càng táo tợn và dã man. Những cảnh chận xe giữa đường để cướp giựt xảy ra hầu như hàng ngày ở các thành phố lớn. Báo chí cho biết nạn cướp cũng rất phổ biến ở các vùng nông thôn vốn từng là những nơi an bình. Có thể nói rằng không nơi nào trên đất nước này là an bình. Không an bình vì những người đáng lý ra bảo vệ an ninh lại chính là những kẻ cướp. Lực lượng an ninh mà cũng cướp bóc! Công an cướp tiền người dân ngay giữa ban ngày, hơn cả cướp cạn như một bài báo bức xúc viết “Ghê hơn cướp cạn”.
Không chỉ công an mà các quan chức cũng ăn cướp. Đi bất cứ cơ quan công quyền nào người dân cũng phải “bôi trơn”. Người dân nói hay hơn: ăn. Ăn ở đây là ăn cướp. Hành vi ăn cướp của họ được núp dưới những cái tên mang tính hành chánh. Ai cũng ăn. Ăn hối lộ. Cán bộ lớn ăn lớn, cán bộ nhỏ ăn nhỏ. Bởi thế mà người ta có câu vè:
Ai ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Vì ăn quá nên họ làm giàu nhanh. Làm giàu không dựa vào mồ hôi nước mắt của mình nên họ tiêu tiền như nước. Họ gởi con em ra nước ngoài học, nhưng họ bảo con em người dân nuôi họ nên học ở trong nước. Họ thừa tiền nên bày ra những cảnh xa xỉ lố lăng, không hề biết tự trọng là gì.
Không phải vô cớ mà mới đây người đứng đầu Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhận định rằng một số không nhỏ đảng viên cấp cao có vấn đề về đạo đức. Nói thẳng hơn là suy đồi đạo đức. Những hành vi tham nhũng, hối lộ, mua chức quyền, mua bằng cấp không còn là chuyện bí mật nữa. Ai cũng biết ngay từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, các cán bộ của chính quyền có được chức quyền là nhờ mua bán chứ không phải do tài năng. Ai cũng biết bằng cấp thật của họ thực chất là dỏm. Thật là trớ trêu cho một hệ thống giáo dục cấp bằng thật nhưng học giả. Điều khôi hài nhất là cũng chính những người này hàng ngày đang rao giảng về đạo đức!
Một xã hội không có người gương mẫu thì đừng trách sao cả xã hội đang suy đồi.
Những quan chức chính quyền và Đảng CSVN đang hành xử như là những ông quan thời thực dân mà chính họ hoặc cha ông họ đã đổ xương máu để giành quyền cai trị. Đi khắp đất nước, những khu đất đẹp, những tài sản kếch xù, những tập đoàn xuyên các quốc gia, những căn biệt thự hoành tráng … là của ai? Của các quan, đảng viên đảng CSVN. Cha ông họ ra sức đánh đổ chế độ thực dân kiểu cũ, chế độ thức kiểu mới, để dựng lên một chế độ thực dân kiểu cộng sản.
Những ông quan thực dân kiểu cộng sản đã cướp công lý và tạo nên nhiều tội ác. Cải cách ruộng đất và Huế tết Mậu Thân là chuyện cũ. Chuyện ngày nay là người dân bị cướp đoạt công lý. Một thiếu nữ tát vào cái nón của công an lãnh 6 tháng tù. Trong khi đó công an dùng nhục hình với người dân vô tội thì được hướng án treo. Công an giết người thì sự việc hoặc là bị “chìm xuồng” hoặc là xử nhẹ và … lên chức. Tướng công an có công trong việc chống tham nhũng thì bị đày đoạ và trù dập. Nói tóm lại, trong xã hội hiện nay ác lấn thiện. Trong xã hội nhiễu nhương như thế thì người lương thiện và chân chính là những người được xem là “bất bình thường”.
Và dối trá. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam có nạn dối trá như hiện nay. Trên khắp đất nước mà tìm cái thật từ câu nói của các quan thì bao giờ có được. Quan chức nói dối. Trí thức sống hai mặt. Khoa học chỉ thấy dối trá. Giáo dục dối trá. Thật là một xã hội quái đản.
Đất nước này không có tương lai. Thử hỏi chế độ hiện hành để lại gì cho thế hệ mai sau. Nói đến tài nguyên thì đã cạn. Có còn chăng chỉ là đống nợ nước ngoài và những con người như ông bộ trưởng Thăng.
Nhưng thể chế là gì mà có thể giải thích cho tình trạng trên? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa thể chế như sau: “Những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo”. Ở đất nước này ai là người đặt ra những quy định, luật lệ? Đảng CSVN. Chính họ đặt ra luật lệ. Chính họ đẻ ra chính quyền. Chính họ lập ra toà án để xử những người “vi phạm luật pháp”. Chính họ bổ nhiệm quan toà. Tất cả đều là đảng CSVN.
Vậy nên nói thể chế là nói đến đảng CSVN.
Blog Viết Từ Sài Gòn
Hại… nhân dân!
Nhìn cách mà nhà cầm quyền Việt Nam ứng xử với việc nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 và thờ ơ trước lời khẩn cầu của người Chăm trước việc dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì đủ thấy sự vô cảm và quyết hại nhân dân là như thế nào.
Cái tâm lý “thà hi sinh tất cả” trong thời chiến vẫn còn hiển hiện trong đầu óc của nhà cầm quyền cấp cao, nên với họ, 40 ngàn nhân khẩu của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và hàng nghìn gia đình ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn… nơi có dòng Sông Tranh 2 chảy qua, có bị trôi đi, có hề gì. Bởi công trình mà họ xây dựng và muốn nhìn nó như “đỉnh cao muôn trượng”, thành tích đó sao có thể bị đổ sông đổ biển bởi tiếng khóc, sự lo lắng của người dân, dù thực tế, rất có thể nó sẽ bị chảy đổ nếu đập lở. Khu vực này cũng có nguy cơ bị động đất, vì đã từng như thế.
Khi mùa mưa bão bắt đầu, Việt Nam không cần đọc lại Giông tố hay Vỡ đê của các cây bút phê phán cách đây gần thế kỷ, mà sẽ mục kích “đại vỡ đê” thời hiện tại.
Cũng như người Chăm, theo điều tra dân số của người Pháp hồi đầu thế kỷ 20 thì họ có khoảng 1 triệu người tại Việt Nam. Hiện nay, nếu tính hết số người Chăm cư ngụ tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ thì họ có khoảng 400 ngàn. Riêng tại Việt Nam, theo Ủy ban Dân tộc Chính phủ Việt Nam, năm 2008 họ có khoảng hơn 145 ngàn người, xếp thứ 14. Nhà máy điện hạt nhân xây dựng, nếu gặp sự cố, thì chắc chắn “sẽ giúp” giảm bớt số người Chăm đáng kể, bởi khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận họ có gần 100 ngàn người (Ninh Thuận hơn 66 ngàn, Bình Thuận hơn 32 ngàn, chiếm khoảng 68% tổng số người Chăm ở Việt Nam).
Theo kiến nghị hoãn phê chuẩn Hiệp định ACTA (Anti-Counterfeiting Trade Agreement), thì giữa năm 2011, quốc hội nước Đức đã buộc 8 nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, 9 nhà máy còn lại phải đóng cửa chậm nhất đến năm 2022. Vậy thì Việt Nam tại sao lại thích xây dựng nhà máy này? Đành rằng năng lượng là chuyện cấp thiết, nhưng với những nước theo đuôi về khoa học như Việt Nam, việc tỉnh táo theo dõi diễn tiến chung về nguy cơ khoa học cũng quan trọng như việc vội vàng biến đất nước thành các bãi rác công nghệ thứ cấp của nhân loại. Thử hình dung mà xem, trong bối cảnh nhà máy điện hạt nhân đang là nguy cơ của toàn thế giới, tự nhiên có một công ty bán được cho Việt Nam một nhà máy, thu về bộn tiền, thì họ mừng vui cỡ nào. Bởi không bán cho những nước hám bệnh thành tích, thích đi tắt đón đầu như Việt Nam thì biết bán cho ai đây?
Theo ông Trần Sơn Lâm, nguyên Trưởng phòng Phân tích đồng vị - Địa niên biểu hạt nhân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Viện Địa chất và Khoáng sản Bộ Công nghiệp thì: “Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW, dự kiến kinh phí ta phải vay theo lãi suất thương mại là trên dưới 5 tỷ đô-la Mỹ (theo quy định của quốc tế không dùng vốn ODA để xây dựng nhà máy điện hạt nhân). Với lãi suất trên dưới 3%/năm, sau khi tiếp nhận, nếu xảy ra một sự cố cần khắc phục và phải thay thế một cụm chi tiết nào đấy phải dừng hoạt động, tính toán cho thấy một tháng ta cũng phải trả lãi cho khoản vay trên khoảng 12,5 triệu đô-la Mỹ chưa kể phải trả tiền lương cho công nhân và chuyên gia để bảo hành và duy trì nhà máy”.
Với số tiền như ông này nói thì cũng không khác chi dự án khai thác bô-xít, trên giấy tờ thì tưởng dễ ăn, có lãi, nhưng càng đi sâu vào thực tế khai thác thì Việt Nam càng nặng nợ ngân hàng, nặng nợ môi trường và gây tội ác với nhân dân.
Cũng ông này nói thêm: “Theo tính toán của các nhà khoa học, trữ lượng của các mỏ urani trên thế giới cũng đang cạn kiệt dần và chỉ đủ dùng cho các nhà máy điện hạt nhân trong vòng 50-60 năm nữa nếu không tái tạo được nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. […] Một kịch bản là nếu ta chưa đủ khả năng vận hành nhà máy kể từ thời điểm ‘chìa khóa trao tay’, ta phải thuê tối thiểu khoảng từ 700-1.000 cán bộ kỹ thuật, lương bình quân của mỗi người là 7.000 đô-la Mỹ thì tổng tiền lương phải chi trả hàng tháng sẽ là 4,9-7 triệu đô-la Mỹ, việc này sẽ đưa giá thành điện lên rất cao”.
Có lẽ Việt Nam không xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì lợi ích kinh tế, mà chủ yếu là để phô trương cái thanh thế hão, chạy theo thành tích ảo. Cũng giống việc xây dựng đường dây 500kv Bắc - Nam để khắc phục sự thiếu điện ở miền Trung và miền Nam trước đây, thế nhưng, khi vừa đi vào hoạt động thì điện lại tiếp tục thiếu, vì họ quên tính nhu cầu sẽ chạy theo khả năng cung cấp. Khi nhà nhà thiếu điện thì người dân không trông chờ vào điện, khi tạm đủ điện thì nhu cầu thật mới thể hiện, thành ra thiếu nghiêm trọng hơn. Đó là chưa nói chi phí bảo trì đường dây này hàng năm còn bị lên án là nhiều gấp 2 lần tiền bán điện!? Hệ lụy và nợ nần nay ai chịu, tất nhiên người dân chứ không thể là công ty điện lực.
Cắt nghĩa lý do tại sao nhà cầm quyền Việt Nam liên tục thích hại dân thì thật khó trả lời trong một bài viết ngắn, của một người. Nhưng có lẽ nổi trội nhất là nguyên do bởi họ “ngu và liều”, mà nói như phương ngữ ngày nay: “nhiệt tình cộng dốt nát thành ra phá hoại”.
Nhà cầm quyền Việt Nam vốn có xuất thân thấp và đến nay cũng chưa mấy được cải thiện, ấy là một thực tế hiển nhiên, không cần chứng minh. Khi nhà cầm quyền (tạm gọi với từ) “ngu” thì họ có muốn người dân của mình “khôn” hay không, chắc không hoặc rất khó, vì dân “khôn” làm sao cai trị. Nên về giáo dục, mấy chục năm qua họ rất kiên trì với chìa khóa “ngu dân”, dân biết chữ mà không biết nghĩa, hoặc không hành xử theo nghĩa tốt đẹp của chữ. Người Việt có tố chất để học trở thành khôn ngoan, được việc, cứ nhìn ra các môi trường giáo dục quốc tế thì sẽ thấy, ở đó người Việt rất khá, nhưng ở Việt Nam thì trì trệ, vì đó là chủ trương và chính sách.
Chính sách ngu dân trong giáo dục - nơi hiện có khoảng 25 triệu người đi học - sẽ rất hiệu quả khi đi song song với sự toàn trị và độc quyền. Quyền lợi của quốc gia không còn là chuyện của nhân dân, mà chỉ là của một nhóm nhỏ quyền lợi nơi đảng cầm quyền.
Vì bị “ngu dân” nên không biết quyền của mình; vì đói nghèo phải lo ăn từng bữa… nên khó lo nghĩ xa, người dân như quẩn quanh trong vỏ ốc đói nghèo của mình. Rõ ràng, ngoài nỗi lo sợ vỡ đập, 40 ngàn hộ dân ở Bắc Trà My chẳng biết phải đấu tranh như thế nào, biểu tình bày tỏ ý kiến cũng không. 100 ngàn người Chăm thì càng khó hơn, khi họ bị xếp vào vấn đề dân tộc thiểu số, sự trả thù của nhà cầm quyền càng dã man hơn. Nên chỉ còn mỗi nỗi sợ.
Cho nên, với những người ở bên ngoài Việt Nam, họ sẽ không hiểu tại sao nhà cầm quyền ít ỏi và có trình độ hạn chế như thế mà vẫn làm hại gần 90 triệu dân. Trong khi thực tế trong nước cho thấy chuyện này không khó ắt nghĩa, vì từ mấy thập nhiên trước, nhà cầm quyền đã có chủ trương ngu dân hóa 100% nên cố tình đưa ra các phương cách giáo dục kinh khủng, không chịu sửa đổi theo hướng tiến bộ, khoa học. Không phải nhà cầm quyền không biết giáo dục của mình đang sai phương pháp và không phải họ thiếu cách để sửa, mà cố tình không sửa, vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi độc quyền của mình. Với họ, dân khôn thiệt là hiểm nguy.
Cho nên, với những sự cố như nứt đập Sông Tranh 2, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hay cướp đất ở Tiên Lãng… ta đừng vội cho đó là đỉnh điểm của băng hoại, bởi cao hơn cả và thăng chốt hơn cả là tư tưởng hại nhân dân của nhà cầm quyền. Như một sự “cộng nghiệp”, nếu người dân không ý thức về sự tự thay đổi mình thì chắc chắn những hiện tượng bề nổi như vừa nêu không thuyên giảm, và viễn ảnh bị đọa đày chung thì chỉ còn ở thì tương lai gần.
Nguyễn Hưng Quốc - Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai… Nguyễn Hưng Quốc
Nguyễn Hưng Quốc
![]() |
Quầy hàng của người Trung Quốc tại Lagos, Nigeria - Hình: AP |
Vượt lên trên bình diện cá nhân, trong quan hệ đối ngoại của các quốc gia, người ta cũng có thể nói điều đó: quan hệ đối ngoại tiết lộ rất nhiều bản sắc và bản chất của một chế độ.
Trong bài này, tôi muốn nói đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc trong một hai thập niên vừa qua. Trên lý thuyết và về mặt tuyên truyền, Trung Quốc lúc nào cũng muốn trấn an thế giới: Sự phát triển của họ là một sự “phát triển hòa bình”. Họ không uy hiếp ai và cũng không có tham vọng bá quyền gì cả. Họ chỉ muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, không mấy ai tin vào những lời lẽ tuyên truyền ấy. Có nhiều lý do. Một số lý do tôi đã nêu trong các bài trước: một, Trung Quốc không thể giấu giếm tham vọng làm bá chủ của họ qua việc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng; hai, Trung Quốc cũng không thể lừa dối dư luận khi họ thường xuyên trấn áp Tây Tạng và cũng thường xuyên gây hấn với các nước láng giềng, từ Việt Nam đến Nhật Bản và Philippines. Cần thêm một lý do này nữa: cách thức tiến hành các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trừ với Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện, quả thật, phải công nhận là Trung Quốc hiếm khi can thiệp vào nội bộ các nước khác. Từ một hai thập niên vừa qua, họ gia tăng các mối hợp tác song phương cũng như nâng cao mức viện trợ cho rất nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Trung Á. Thường, họ không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì cả. Họ nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của các chế độ độc tài, bất chấp việc các chế độ độc tài ấy nhũng nhiễu, thậm chí, giết hại dân chúng của họ như thế nào. Họ mặc kệ.
Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Tây phương.
Hầu hết các quốc gia Tây phương, khi đặt quan hệ với một nước khác, đặc biệt khi đóng vai trò kẻ gia ân, thường nêu lên một số điều kiện nhất định, bao gồm, thứ nhất, chính quyền các nước ấy phải tôn trọng nhân quyền và từng bước tiến tới dân chủ; thứ hai, chính quyền các nước ấy phải chứng tỏ họ có khả năng quản trị để tiền viện trợ không bị lãng phí hay thất thoát vì tham nhũng. Trong trường hợp một số nước không đáp ứng được hai điều kiện đó, Tây phương sẽ tuyên bố cúp viện trợ, thậm chí, đôi khi gây sức ép hoặc trực tiếp tiến hành các cuộc thay đổi chế độ.
Trung Quốc thì khác. Họ chỉ nhắm đến kinh tế. Các quốc gia họ tiến tới làm thân sớm và chặt chẽ nhất là các nước có nhiều dầu khí, từ Venezuela ở Nam Mỹ đến Nigeria và Sudan ở châu Phi, Kazakhstan ở Trung Á, Yemen ở Tây Á và Iran ở Trung Đông. Họ viện trợ và xóa nợ cho vô số các quốc gia Phi châu với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Mới đây, Trung Quốc tài trợ hoàn toàn cho việc xây dựng tổng hành dinh của Liên đoàn Phi châu (African Union) ở Ethiopia trị giá 200 triệu Mỹ kim; một ngôi đền Hồi giáo cực lớn đủ chỗ cho 120.000 tín đồ cầu nguyện ở Algeria, trị giá đến 1.3 tỉ Mỹ kim; một cái đập khổng lồ ở Ghana trị giá 700 triệu Mỹ kim; một trung tâm hội nghị mênh mông và tráng lệ ở Equatorial Guinea trị giá 800 triệu Mỹ kim; một khu phố rộng lớn bao gồm 710 căn hộ đủ chỗ ở cho 120.000 người, trường học, trung tâm thương mại và các bãi đậu xe ở Angola trị giá đến 3.5 tỉ Mỹ kim; một xa lộ dài 50 cây số (31 miles), được xem là rộng nhất Đông Phi, trị giá 300 triệu Mỹ kim ở Kenya.
Viện trợ một cách hào phóng như vậy, Trung Quốc đòi hỏi điều gì? Họ chỉ đòi hỏi hai điều kiện: Một, không đặt quan hệ chính thức với Đài Loan và hai, ủng hộ các tổ chức quốc tế của Trung Quốc. Hết.
Còn chuyện các nước ấy tham nhũng ư? – Họ không cần biết. Các nước ấy đàn áp dân chúng nước họ một cách dã man ư? – Họ cũng không cần biết. Cũng như họ ngoảnh mặt không cần biết chính phủ Iran âm mưu chế tạo bom nguyên tử có thể gây hiểm họa trong khu vực như thế nào, và chính phủ Syria tàn sát dân chúng nước họ trong cuộc tranh đấu đòi hỏi dân chủ như thế nào. Họ không cần biết. Vấn đề nhân quyền không nằm trong bảng từ vựng đối ngoại của họ.
Chính vì thế một số học giả mới nhận định: Các chính phủ thất bại (failed states, hiểu theo cả hai nghĩa, quản trị tồi và không có dân chủ), với Tây phương là một vấn đề; với Trung Quốc, là một cơ hội.
Sự khác biệt ấy cho thấy một số điểm quan trọng trong các chính sách của Trung Quốc:
Thứ nhất, họ chỉ nhắm đến các lợi ích kinh tế chứ hoàn toàn không có một bảng giá trị nhân văn nào cả. Thậm chí, họ cũng không chia sẻ với bảng giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại, trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là: tôn trọng quyền làm người và sự công chính. Chính vì điều này, nhiều người không tin là Trung Quốc có thể trở thành siêu cường quốc có khả năng thay thế Mỹ để lãnh đạo thế giới.
Thứ hai, trong việc theo đuổi cái lợi về kinh tế, họ chỉ nhắm đến những cái lợi gần gũi trước mắt. Vì thế họ dễ dàng kết giao với những quốc gia bị mọi người phê phán gay gắt và lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, như Zimbabwe, Yemen, Sudan, Syria, Miến Điện và Bắc Hàn. Chính vì điều này, nhiều người không tin Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược lâu dài trên phạm vi toàn cầu.
Thứ ba, không chia sẻ một bảng giá trị và niềm tin chung, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác chỉ dừng lại ở mức hòn bấc ném qua hòn chì ném lại chứ không dẫn đến bất cứ một quan hệ đồng minh nào cả.
Chính vì điều này, nhiều người, kể cả các học giả Trung Quốc, không tin là nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ, Trung Quốc có thể nắm được ưu thế: Trong khi Mỹ có vô số đồng minh sẵn sàng lao ra chiến trường với họ, Trung Quốc không có ai cả.
Từ chính sách đối ngoại chung như thế, chúng ta không thể không nghĩ ngợi về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cũng giống như trong quan hệ với các nước khác ở Nam Mỹ, Nam Phi và Trung Đông, Trung Quốc xem cái “chính quyền thất bại” (failed state) ở Việt Nam là một cơ hội. Không những là cơ hội cho việc phát triển kinh tế mà cho cả việc phát triển chính trị cũng như lãnh thổ và lãnh hải của họ không chừng.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)