Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

PHẪN NỘ

Nguyễn Hoài Vân

Từ Stephane Hessel đến « Chiếm Phố Wall »

« Ngày Phẫn Nộ, ngày ấy ... Ngày hoang mang lo sợ, ngày khủng hoảng điêu tàn, ngày tối tăm u ám, ngày mây mù quay cuồng trong bão tố, ngày trống kèn ghê rợn vang rền trên các đô thị huy hoàng và đe dọa những thành lũy cao ngạo ».

Đoạn Thánh Kinh "Cephania" (1,14-18) (1) này có ảnh hưởng trên tiềm thức của nhà ngoại giao gốc Do Thái Stephane Hessel khi ông công bố tài liệu « Hãy Phẫn Nộ » vào đầu năm 2011 hay không ?


Chúng ta đều biết Phẫn Nộ là một đề tài thường thấy trong Thánh Kinh và trong suốt dòng lịch sử Do Thái. Nó là điều kiện của chuyển đổi, là tiền đề của « sám hối », cho phép con người làm hòa với Thiên Chúa, để trở về con đường đưa đến Đất Hứa. Người Ky Tô Giáo cũng lấy đó làm động cơ của sự cáo chung của lịch sử, mở màn (nghĩa chữ « Apocalypse ») cho một thế giới mới, hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Đối với người Xã Hội Stephane Hessel, thì sự đoạn tuyệt đó có nhiều hy vọng là Cách Mạng, là sự thay đổi toàn diện của xã hội từ trong cấu trúc, để sau đêm đen, con người có thể tỉnh giấc trước một chân trời mới. Y hệt như tổ phụ ông, những người du mục trong sa mạc Trung Đông xưa, mỗi sáng nhìn ra một cảnh vật hoàn toàn mới mẻ ... Chính những tổ phụ ấy đã phát minh ra khái niệm Thiên Chúa Duy Nhất ở ngoài sự vật, tiền đề của thuyết duy vật và óc khoa học, của chủ nghĩa Tân Tiến với lịch sử tiến theo đường thẳng, và của Cách Mạng, thông qua Niềm Tin vào một Đất Hứa, được coi như điểm đến của Thời Gian, của Lịch Sử, như tương lai tất yếu được « tiên tri » bởi những văn kiện thần bí, hay bởi những chủ thuyết tự nhận là « khoa học » ... (2)

Khi dòng lịch sử bị bế tắc, khi người ta không còn hình dung được cái tương lai huy hoàng trong Đất Hứa như vừa nói, thì người ta thường làm tỉnh dậy cái « thảo trình phẫn nộ » từ chiều sâu tâm thức. Với chuỗi tai họa được tiên đoán sẵn, như muốn bảo nhau rằng : nếu không có những thay đổi sâu đậm, thì xã hội sẽ rơi xuống vực thẳm điêu tàn, tăm tối ... Sự phẫn nộ của Hessel bắt nguồn từ giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Do Thái, và có lẽ của lịch sử toàn nhân loại. Đó là giai đoạn đệ nhị thế chiến, với những cuộc tàn sát tập thể, những trận chiến kinh hoàng vùi chôn hàng chục triệu nhân sinh, và một phần quan trọng của thế giới quằn quại dưới gót giày bạo tàn, áp bức.

Giai đoạn cực kỳ đen tối ấy đã xảy ra vào giữa lúc Stephane Hessel vừa được tuyển vào trường Cao Đẳng  Sư Phạm phố Ulm, được vinh dự trở thành « đồng môn » của Sartre, Beauvoir, Merleau Ponty và những tên tuổi lẫy lừng nhất trên trường tư tưởng. Vào lúc ấy, Hessel tự nhận mình là môn đệ của Hegel, qua niềm tin vào một hướng đi của lịch sử, dẫn đưa nhân loại đến một tương lai hoàn hảo, một Đất Hứa ... Người « Quốc Gia Xã Hội » Nazi đã làm gián đoạn tiến trình lý tưởng ấy. Hessel phải bỏ học, lao vào kháng chiến, bị bắt bớ, tra tấn ... Tương lai cũng hoàn toàn bế tắc đối với vô số người khác quanh ông, đặc biệt là người Do Thái. Ông cắt nghĩa sự dấn thân của ông vào con đường kháng chiến chỉ bằng một chữ : Phẫn Nộ !

Trong tài liệu “Hãy Phẫn Nộ », ông cho rằng thế giới hiện nay lại đang rơi vào một tình trạng đòi hỏi sự Phẫn Nộ. Rằng những thành quả của cuộc chiến đấu chống lại tập đoàn Nazi khi xưa, đang bị hủy hoại. Rằng xã hội con người đang tụt dốc với nguy cơ rơi xuống một vực sâu tăm tối. Lời kêu gọi của Hessel đã được nhiều người hưởng ứng. Chưa đầy 10 tuần sau, 950 ngàn ấn bản đã được phổ biến chỉ riêng tại Pháp, không kể những bản dịch sang nhiều ngôn ngữ khác : Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Nhật, Đại Hàn, Do Thái, Liban, Phần Lan, Slovène, v.v...

Tuy nhiên thành quả bất ngờ nhất của lời kêu gọi này là sự hình thành một phong trào quần chúng mang tên « Những Người Phẫn Nộ » tại Tây Ban Nha, vào trung tuần tháng 5 năm 2011, trước khi tràn lan đến gần như toàn thế giới. Phiên bản Hoa Kỳ của phong trào này với tên « Chiếm phố Wall », đã bắt rễ tại nhiều nơi và được coi như phong trào quần chúng quan trọng nhất từ bốn thập niên nay.

Những yếu tố nào đã đưa đến thành quả bất ngờ ấy?  Người ta không khỏi nghĩ ngay đến hai cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp, cộng với những phong trào quần chúng được phát động trước đó, như tại Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Hy Lạp, và nhất là các cuộc nổi dậy được gọi chung là « Mùa Xuân Ả Rập ».

Khủng Hoảng Tài Chính :

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đã làm cho dư luận thức tỉnh trước những phương cách làm ăn của giới tài phiệt, được hậu thuẫn bởi quyền hành chính trị, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Thật ra ý kiến khởi đầu không hoàn toàn xấu. Người ta muốn khuyến khích người dân, đặc biệt là những người có lợi tức kém, mua nhà đất. Trên lý thuyết, khi những người này làm chủ được một ngôi nhà và có được một số hàng hóa đắt tiền như xe cộ, máy móc điện tử, cộng thêm với một ít cổ phần của các đại công ty, thì họ sẽ cảm thấy hội nhập vào hệ thống tư bản, sẽ cảm thấy mình là một thành viên tích cực của hệ thống ấy, được chia sẻ những thành quả, và có bổn phận phải bảo vệ cũng như phục vụ nó. Đây là một khai triển của lý thuyết « Tư Bản Đại Chúng » mà tôi đã từng được nghe thân mẫu tôi giảng dạy ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70.

Vấn đề nảy sinh từ những lạm dụng của một số tài phiệt. Với những bảo đảm của chính phủ, họ thả giàn cho vay bừa bãi, bất kể người vay có khả năng trả được nợ hay không. Họ cũng chấp nhận những món tiền đặt trước rất nhỏ hay có khi không cả đòi hỏi người vay ứng tiền. Thế là thiên hạ đổ xô vay tiền, kể cả những người lợi dụng đầu cơ. Các cơ cấu tài chính, như thị trường chứng khoán phố Wall, lại đi thêm một bước, khi gom góp những món nợ ấy thành những « sản phẩm tài chính » và bán chúng đi khắp thế giới. Những ngân hàng cho vay nợ không còn phải đơn độc gánh vác rủi ro của những món tiền mình đã cho vay nữa, và lại càng mạnh dạn cho vay một cách vô trách nhiệm.

Cùng lúc, các văn phòng trắc định như Standard and Poor, Moody, Fitch Ratings ... nhập cuộc. Họ đánh giá những « sản phẩm tài chính » đầy rủi ro của các ngân hàng vừa nói như những đầu tư kiên cố, ít bất trắc, khiến các cơ quan tài chính trên khắp thế giới tin tưởng ồ ạt thu mua, làm cho trị giá của chúng càng lên cao. Kết quả là càng có thêm người mua các sản phẩm ấy để hy vọng kiếm lời, đẩy trị giá của chúng vượt cao hơn nữa. Đó là hiện tượng «  giá trị ảo » và « lợi tức ảo », sẽ được bàn thêm ở phần sau.

Đến một lúc nào đó quả bong bóng phải vỡ. Khi con số người vay tiền không trả kịp nợ lên đến một mức nào đó, thì cả hệ thống sụp đổ, làm chấn động toàn thế giới.

Những biện pháp ngăn ngừa hiện tượng tương tự tái diễn, đã được quyết định trên bình diện quốc gia và quốc tế (G20), như ngăn cấm những thiên đường thuế vụ, tách rời ngân hàng ký thác và tín dụng với ngân hàng tài chính, kiểm soát và hạn chế các dịch vụ đầu cơ tài chính. Tuy nhiên, các biện pháp này đã không được áp dụng hay áp dụng không đúng mức. Cuộc khủng hoảng tiếp tục âm ỉ, để lại bùng phát một cách trầm trọng hơn vào năm 2011. Sau cơn khủng hoảng nợ quốc gia của Hoa Kỳ, người ta chứng kiến cảnh Âu Châu chìm trong bão táp. Những món nợ quốc gia, vốn được coi là an toàn nhất, giờ đây trở thành vô cùng bấp bênh, với nguy cơ tan thành mây khói, làm lung lay toàn bộ hệ thống tài chính cũng như tiền tệ.

Tiền ảo và tiền thật :
Bất công chủ yếu trong cuộc khủng hoảng hiện tại là việc đem tiền thật bù đắp cho tiền ảo. Các cổ phần, trái phiếu, địa ốc, đều đã tăng vọt trong suốt nhiều năm qua, vượt xa sự tăng trưởng thực sự của các công ty và của trị giá địa ốc. Một phần quan trọng của những đầu tư này lại đến từ tiền đi vay. Vay của ai ? Của những người đi vay chỗ khác, những chỗ ấy lại vay theo dây chuyền từ một chuỗi những cơ chế sẵn mang đầy nợ ... Tức là một phần lớn các món tiền dùng để mua qua bán lại ấy chỉ là tiền ảo. Đến khi bong bóng tan vỡ, thì những món tiền ảo vô cùng to lớn vừa bị mất đi liền được các chính phủ tính kế bù vào bằng tiền thật lấy của người dân, bằng cách tăng thuế, dồn nén lương bổng, cắt giảm lợi ích xã hội, sức khỏe, hưu trí v.v...
Không có gì ngạc nhiên khi người dân coi đấy như một bất công lớn. Nhất là khi tiền bạc đến từ công việc làm của họ bị tịch thu để cứu nguy cho một giai cấp tài phiệt giàu có, và không ngừng giàu thêm lên mặc dù khủng hoảng. Thật vậy, theo Financial Times, lợi tức trung bình của các chủ ngân hàng Âu Châu và Hoa Kỳ đã tăng 36% trong năm 2010. Jamie Dimon (JPMorgan Chase) và Lloyd Blankfein (Goldman Sachs) có thu nhập năm 2010 gấp 15 lần hơn năm 2009. Giám đốcBarclays, HSBC, Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland đều lãnh trên 26 triệu USD trong năm 2010 (atlantico.fr). Wall Street Journal cho biết trong 10 năm vừa qua, 15 người đã thu được 14 tỷ USD, bằng GNP của Ivory Coast ... Trong khi đó lợi tức trung bình của các gia đình Mỹ năm 2010 giảm 7% so với 1999, và số người nghèo tăng 2,6 triệu, lên đến 46,2 triệu người, mức độ cao nhất từ 52 năm nay (Census Bureau). Một nghiên cứu của Moody’s Analytic gần đây cũng cho biết 37% tiêu dùng của Hoa Kỳ tập trung trong tay 5% dân số !
Một trong những phương cách để giảm bớt bất công là thuế khóa. Tuy nhiên người ta có cảm tưởng chính sách thuế khóa không thực sự hữu hiệu trong mục tiêu này. Nhà tỷ phú Warren Buffet cho biết ông trả 17,4% lợi tức cho thuế vụ, trong khi các người làm công cho ông phải đóng gấp đôi, từ 33 đến 41% thu nhập của họ. Mặt khác, cũng tại Hoa Kỳ, trong khi người ta cắt giảm các lợi ích xã hội và hưu trí của người dân, thì một phần quan trọng cổ phần của giới đầu tư lại được hưởng một tỷ lệ thuế rất thấp, chỉ 15% ! (www.nytimes.com)
Rốt cuộc, có vẻ như khuynh hướng gia tăng bất công xã hội không gì ngăn cản được, kể cả bởi những chính quyền thiên tả, như chính quyền Obama. Nguyên tắc được áp dụng vẫn tuân theo quy luật cố hữu : « Nên lấy tiền của người nghèo. Người nghèo có ít tiền ? Đúng thế ! Nhưng luôn có nhiều người nghèo ... » (A. Allais).

Nguyên nhân sâu xa
Thật ra, nguyên nhân sâu xa của bất công không đến từ hai cuộc khủng hoảng. Chúng chỉ làm tỏ lộ hiện tượng gia tăng chênh lệch giàu nghèo luôn tiềm tàng trong cấu trúc của Tư Bản Chủ Nghĩa. Cắt nghĩa đơn giản nhất của hiện tượng ấy có lẽ là thuyết "khuynh hướng suy giảm tỷ lệ lợi nhuận" :
Khi một xí nghiệp làm ra một món hàng, thì giá trị của món hàng ấy được coi như tương ứng với số lượng thời gian làm việc để tạo ra nó. Khi xí nghiệp này đầu tư vào việc gia tăng năng xuất để làm ra 110 thay vì 100 món hàng với cùng số lượng thời gian làm việc, thì giá trị của mỗi món hàng liền bị suy giảm. Giá bán của nó cũng giảm. Số tiền thu được cho mỗi món hàng bớt đi, khiến xí nghiệp có thể không đủ thu hoạch để bù lại cho việc đầu tư vào gia tăng năng xuất. Giải pháp cho tình trạng này là tiếp tục đầu tư để lại tăng thêm năng xuất, khiến cho, với số hàng sản xuất nhiều hơn nữa, vẫn trong cùng thời gian làm việc, nhà đầu tư tiếp tục tăng thu nhập để bù lại vốn đầu tư, cộng thêm lợi nhuận. Sự gia tăng năng xuất mới này khiến giá trị của mỗi món hàng lại giảm thêm đi, giá bán của nó sụt thêm xuống, cùng với số tiền thu được. Kết quả là lại càng phải tăng đầu tư để tiếp tục tăng năng xuất, tìm lợi nhuận trên việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn nữa, tạo nên một « vòng luẩn quẩn ». Vì thế, kinh tế thị trường là một đầu tầu không ngừng lao tới, mà không có khả năng ngừng lại. Chúng ta đều biết, một xí nghiệp sản xuất ít đi, là một xí nghiệp đang hấp hối.

Việc chạy đua sản xuất như thế khiến xí nghiệp tư bản chủ nghĩa luôn phải mở rộng thị trường, để tiêu thụ tất cả hàng hóa mà nó sản xuất ra. "Thị trường" công việc làm cũng được mở rộng một cách tương tự. Mở rộng rốt ráo đưa đến toàn cầu hóa.  Sự thúc ép bắt buộc phải mở rộng tầm ảnh hưởng của mỗi xí nghiệp còn mang ý nghĩa một cuộc chiến sống còn với tất cả những gì có thể cản trở sự bành trướng ấy. Mỗi công ty phải « chiến đấu » không những với các công ty cạnh tranh, mà cả với những cấu trúc xã hội, nghiệp đoàn, chính quyền, luật pháp, và thiên nhiên, vì những yếu tố này đều có thể cản trở sự gia tăng sản xuất của nó. Đó là tình trạng thường được gọi là « chiến tranh của tất cả chống lại tất cả ».
Áp lực gia tăng năng xuất trong cuộc chiến này cũng khiến cho các xí nghiệp không ngừng gia tăng đầu tư vào những phương tiện kỹ thuật. Máy móc càng làm thêm được nhiều công việc thì xí nghiệp càng bớt cần đến việc làm của nhân công. Hậu quả rất dễ nhận ra là nạn thất nghiệp. Mặt khác, tăng trưởng phú hữu càng đến từ máy móc, kỹ thuật (3), thì nó lại càng dành riêng cho những người có đủ vốn, đủ khả năng để đầu tư vào máy móc, kỹ thuật. Người làm công chỉ có phú hữu đặt căn bản trên sức làm việc của mình, nên chỉ tham gia vào sự gia tăng giàu có này một cách rất khiêm nhượng, qua tiết kiệm. Đó là một trong những lý do khiến cho phú hữu càng ngày càng tập trung vào tay những người có nhiều vốn. Sự chênh lệch giàu nghèo trở thành một hệ luận đương nhiên, phổ quát, được kiểm chứng bởi các thống kê.
Thêm vào đó, khả năng làm giàu nhờ vào đầu cơ tài chính đã được phát triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây, khiến người có nhiều vốn lại càng thêm cơ hội giàu hơn lên. Tuy nhiên cần hiểu, như đã nói ở trên, rằng đó chỉ là lợi nhuận ảo. Vấn đề là khi những lợi nhuận ảo ấy bị mất đi, thì người ta lại đòi hỏi chúng được thay thế bằng lợi nhuận thật, đến từ sức làm việc của người dân !

Kinh Tế vẫn chạy tốt !
Một nghịch lý mà những người « Phẫn Nộ » có thể ghi nhận là : trước những khủng hoảng được mô tả là « vô cùng trầm trọng », các nhà máy vẫn chạy tốt, nền sản xuất vẫn thừa sức đem lại mọi thứ hàng hóa, và nông nghiệp vẫn cho ra dư thừa thực phẩm. Tức là kinh tế thực sự, dựa trên sản xuất, không có vấn đề. Vấn đề chỉ đến từ ... tiền bạc. Điều oái oăm là vấn đề tiền bạc ở đây không liên hệ gì tới giá trị thật của hàng hóa mà chỉ là những con số đến từ sự trao đổi của chính bản thân ... tiền bạc ! Tiền bạc tự nó tạo ra khủng hoảng cho chính nó ...

Một số người Phẫn Nộ đã đặt câu hỏi, rằng : trong điều kiện ấy, tiền bạc có còn thực sự cần thiết hay không ? Để trả lời, chúng ta có thể hình dung những siêu thị đầy hàng hóa nhưng không có ai vào mua vì không có tiền (trường hợp deflation), những hãng xưởng hoàn toàn chạy tốt nhưng không có thợ làm việc vì không được trả lương ... Người Phẫn Nộ có thể họp nhau phá cửa siêu thị để xông vào lấy hàng hóa, nhưng sau đó siêu thị sẽ trống trơn vì không còn ai bán hàng cho nó nữa. Kịch bản giả tưởng này sẽ không xảy ra vì khủng hoảng sẽ không một sớm một chiều trở thành toàn diện. Mặc dầu thế, dù khủng hoảng tài chính có bị kềm lại ở một mức độ nào đó, như hiện nay, đời sống của người dân cũng vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Lý do vì mọi khía cạnh nhỏ nhặt nhất của đời sống đều phải qua trung gian của tiền bạc. Trong căn bản, điều này không có gì tai hại. Từ những thời xa xưa nhất, người ta đã tạo ra tiền bạc vì sự tiện ích của trung gian ấy. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ thực sự tiện ích khi nó là trung gian giữa những giá trị thực sự. Mà giá trị thực sự không thể là gì khác hơn là giá trị tạo ra bởi công việc làm. Kỳ dư chỉ là những giá trị ảo. Một cổ phần trên thị trường chứng khoán có trị giá 100 hay 1000 USD là tùy vào số người xông vào mua nó, bất chấp giá trị thật của nó. Đó là giá trị ảo. Vấn đề là dần dần tiền bạc bị gắn liền với giá trị ảo hơn là với giá trị thật. Tình trạng này đưa đến thiếu tiền (deflation) hay tiền mất giá trị (inflation), trong khi guồng máy kinh tế, tự nó, vẫn dư thừa tiềm năng.
Nghịch lý này, khi đè nặng trên đầu dân chúng, thì không khỏi làm nảy sinh ra những người dân « Phẫn Nộ ».

Phong trào quần chúng
Trong một chế độ dân chủ, khi không đồng ý với một chính sách nào đó, thì người dân có thể phát biểu ý kiến của mình qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý (ở đây chúng ta không bàn đến các chế độ độc tài). Các phong trào quần chúng đấu tranh quy mô diễn đạt một sự thiếu tin tưởng vào các định chế dân chủ. Một nền dân chủ càng nặng về hình thức, càng được cảm nhận như không đủ thực chất, thì càng có nhiều vụ biểu tình, đình công.
Tại Pháp, người ta thường thấy những cuộc biểu tình quy mô chỉ vài tháng sau một cuộc bầu cử, thậm chí có khi làm sụp đổ cả một chính phủ. Tại sao người dân lại bất nhất như thế ? Có phải vì họ không đủ trưởng thành, khi thì đòi chuyện này, lúc lại đòi chuyện khác, không biết mình muốn gì ? Thật ra, những thái độ ấy đến từ hai ngộ nhận nền tảng về bầu cử và dân chủ.

Bầu cử và dân chủ :

Nếu dân chủ là « người dân làm chủ », thì bầu cử chính là tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Bầu cử mâu thuẫn với dân chủ. Trong phòng phiếu, khi để cho lá phiếu rời khỏi tay, thì người dân mặc nhiên từ bỏ quyền làm chủ đất nước của mình, để đặt nó vào tay một người mà có khi mình chỉ được biết sơ sài qua vài màn trình diễn hay vài thông tin phiến diện được gạn lọc bởi những cơ sở truyền thông. Kết quả là quyền hành được chuyển nhượng cho một nhóm chính trị gia chuyên nghiệp, phân chia thành đảng phái để thay phiên nhau cai trị xã hội. Bầu cử, trong sự vận hành tốt đẹp nhất của nó, chỉ đưa đến một chính thể « thượng chủ » (oligarchie), với quyền hành luân chuyển trong tay một giới thượng lưu. Có lẽ vì thế mà Sartre đã cho rằng bầu cử là cạm bẫy dành cho bọn đần độn : « élection, piège à cons ! » (Tựa một bài báo viết năm 1973, trong « Les Temps Modernes »).

Ngộ nhận nền tảng thứ hai giữa bầu cử và dân chủ là niềm tin rằng khi mỗi cử tri phát biểu qua lá phiếu của mình thì đó là quyết định của « nhân dân », của dân tộc, của toàn xã hội, và cho đó là dân chủ. Điều này hoàn toàn là một ngộ nhận, vì lá phiếu chỉ phản ảnh sự chọn lựa của một cá nhân, và tổng hợp các lá phiếu chỉ cho biết quyết định của một tập hợp cá nhân. Một tập hợp cá nhân không phải là một dân tộc, không đồng nghĩa với « nhân dân », với xã hội. Xã hội, nhân dân, dân tộc, mang cá thể riêng biệt, khác hẳn với những cá nhân cộng lại. Chỉ cần nghĩ rằng : sự kín đáo của phòng phiếu chính là nơi mỗi cá nhân được dịp phản bội tập thể của mình …

Như thế, bầu cử có thể hiện diện trong những nền dân chủ hình thức mà không thực sự đem lại quyền hành cho người dân. Vì thế, họ ít đi bầu, như trường hợp Tây Ban Nha cách đây vài hôm, với 29% cử tri đã không tham gia đầu phiếu (10 triệu người), và 9% bầu phiếu trắng (hơn 2 triệu người). Con số người không đi bầu trong các cuộc bầu cử quốc hội Âu Châu trung bình là 44%. Cuộc bầu cử cuối cùng ở Pháp (Cantonales – 20 tháng 3, 2011) có đến 51,2% người không đi bầu !

Nếu người dân không sốt sắng tham gia đầu phiếu, thì khi có những vấn đề được nghĩ là đụng chạm đến quyền lợi của họ, họ sẽ chọn những phương thức phát biểu khác, như đấu tranh quần chúng.

(Còn tiếp một kỳ)