Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012
Nét cọ Xuân: những đóa màu từ vũng tối
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Một nghịch lý
Sắp rồi. 37 năm. Gần bốn thập niên. Như một cái chớp mắt. Cuộc chiến tàn. Tâm thức vẫn chưa nở. Còn tiềm sinh.
Tôi chợt nghĩ đến một nghịch lý trong nghệ thuật sáng tạo của các họa sĩ Việt tại Hoa Kỳ. Tôi thắc mắc, không hiểu sao có một số họa sĩ sinh trưởng vào thời chiến lại không sáng tác về chiến tranh nhiều như một số họa sĩ sinh sau chiến tranh.
Có phải con người cần khoảng cách thời gian để nhìn về một kinh nghiệm quá-tầm như chiến tranh? Hay khi sống trong chiến tranh, người ta vẫn muốn mơ mộng và vươn tới những giấc mơ đẹp, thay vì xuôi theo thực tế rát tim đang xảy ra xung quanh? Hay là vì chúng tôi, những người sinh sau cuộc chiến, vẫn muốn biết về quá khứ của mình, về một tiềm thức khuất mặt, nên chúng tôi đi tìm, bằng cách này hay cách khác, qua nét cọ, con chữ, hay dựa vào những biến cố mờ mịt cuối đường thời gian?![]() |
Đèn pha lê từ Hotel Majestic - Danh Võ |
Tôi không biết về cuộc chiến. Sau 1975, cuộc chiến Việt Nam bị xóa sổ, và người ta đưa vào bộ sách giáo khoa cải cách giáo dục một cuộc chiến dị dạng: một cuộc chiến toàn thắng, toàn thiện, và toàn… [h]ảo. Giữa cái lặng đanh của tiềm thức dưới chế độ mới, tôi đi tìm quá khứ của quê hương như đi tìm một người tình không có thật.
Cho đến khi tôi di cư sang Mỹ. Ký ức của cuộc chiến đã bỏ đi hoang, rồi chịu quay về, đổ bộ lên tâm thức tôi. Tôi mở tâm thất tâm nhĩ, mở não trái não phải, dọn đường trong tim trên tai, đưa ký ức quê hương tản cư xuống đời tôi. Có phải hành trình này là một mẫu số chung cho những ai thao thức về căn tính lịch sử của mình trong thế hệ hậu-1975 không?
Ảnh xạ ngược
Ảnh xạ ngược
Một số họa sĩ cùng thế hệ với tôi xem ra vẫn còn thao thức với hố bom, tầm đạn. Thịnh Nguyễn (Los Angeles, CA) từng ngụp lặn trong “Orange Children,” “Search of the Enemy,” “It’s Raining Bomb.” Bên cạnh những sáng tác sắp xếp và trên cơ thể, Thịnh vẫn dành riêng một khoảng khá lớn và khá quan trọng cho ký ức chiến tranh. Một khoảng đầu tiên trong sáng tác của anh. Hồng Ân Trương (Chapel Hill, North Carolina) bơi xa hơn, vùng vẫy giữa cánh đồng chết chóc của Nam Kinh dưới sự thảm sát của quân đội Nhật.
Ký ức cũng dội về trong những ẩn dụ và vốc màu khác, những đóa hình thể mới, những cách diễn đạt mới, những kết tinh mới. Quá khứ đã biến hình, trở thành những “Ốc Đảo,” “The Engagement,” “Bướm Hoa” với Hoàng Vũ (Los Angeles, CA). Quá khứ đi xa hơn, tìm tầng lớp “Tổ Tiên” với Howard Trần (Williamsport, PA), ngược dòng Mêkông trên dòng giấy bột (pulp). Hay bay vào những khoảng sắc-hình vô tận “Limitless” của Trang Lê (Aliso Viejo, CA).
![]() |
Tổ tiên # 21 - Howard Trần |
Nhưng quá khứ cũng là hiện tại được tìm-về và tái-hiện. Jerry Huy Trương, tốt nghiệp MFA tại UC San Diego, là một trong 30 họa sĩ được chọn cho cuộc triển lãm thường niên GLAMFA (Greater LA MFA) tại CSU Long Beach, quy tụ tác phẩm đa ngành từ khắp Nam California. Tác phẩm installation "Lớp/Vỏ" (với ba ý nghĩa Lớp, Vỏ, Lớp Vỏ), cũng như tất cả các tác phẩm trước đây của Jerry, đều xoay quanh đề tài thuyền nhân. Jerry sinh ở Mỹ, nhưng luôn nhớ về lịch sử vượt biển của Cha Mẹ mình. Tác phẩm đầu trong loạt này là "Biển Girl" (hành trình vượt biển), kế đó là "Biến Mất" (tưởng niệm những thuyền nhân mất tích), và cuối cùng là "Lớp/Vỏ."
Cha mẹ Jerry đã vượt biển đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980. “Lớp/Vỏ” giúp anh thể hiện lại kinh nghiệm cá nhân của một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, chạm vào những vấn nạn như căn tính, tang thương, và giai cấp. Khi tiếp cận tác phẩm, người xem sẽ tìm thấy giữa những lớp đất là những dấu vết của một cá nhân: giày converse, quần jeans, áo chemise. Jerry thao thức với sự đan chéo của quá khứ, một quá khứ đã bị chôn vùi nhưng nhất quyết không chịu bị che lấp. Những người đã ra đi, dù họ bị dìm xác dưới bể Đông, hay trôi về miền vô định, vẫn để lại những dấu vết quanh ta.
Những vòng sinh
Tôi gọi những họa sĩ như Jerry là thế hệ ngoại biên, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Tôi muốn hỗ trợ cho những sáng tác của họ, nhất là khi họ nỗ lực tìm về nguồn, nhớ đến những nạn nhân đã bỏ mình trong cuộc vượt biển, trong ý nghĩa tưởng niệm nhân sinh chịu cảnh tang thương.
Nghệ thuật sáng tạo đã rẽ nhiều nhánh và chảy vào những mạch thể hiện mới. Cách thể hiện đa dạng. Thế giới hội họa không chỉ còn ở giữa bốn cạnh của khung vẽ. Người làm công việc sáng tạo đã có thể dùng chính cơ thể mình để làm canvas. Dùng chính những vật thể rất tầm thường hằng ngày để nói về những đề tài có tầm cỡ quốc gia hay quốc tế. Những dấu mốc lớn trong lịch sử. Những khúc ngoặt quan trọng của dân tộc.
Tại phòng triển lãm “I Am Still Alive: Politics and Everyday Life in Contemporary Drawing” của MoMA Museum of Modern Arts tại Los Angeles, người ta bắt gặp một Hiệp Ước Paris được tháo tung, nằm xoãi trên sàn-hiện-tại. Danh Võ (Đan Mạch) tìm được chiếc đèn từ phòng hội của Khách sạn Majestic tại Paris, nơi mà Hoa Kỳ, Miền Nam, Bắc Việt, và Việt Cộng ký Hiệp Ước Paris ngày 27 tháng Giêng, 1973. Danh Võ đã gỡ chiếc đèn pha lê ra một cách hệ thống, trải xếp trên sàn nhà theo một thứ tự khoa học.
Nếu có những họa phẩm ghi lại hồi ức của chiến tranh, như của Thịnh Nguyễn hay Hồng Ân Trương, thì những tác phẩm installation như của Jerry Huy Trương và Danh Võ mở ra những con đường mới, đưa lịch sử vào một sự trải nghiệm mới, mở tung lịch sử (như chiếc đèn pha lê trải trên sàn) hay tiễn đưa lịch sử (Lớp/Vỏ) về một miền tiềm thức bình an.
Từ vũng tối
Tôi cho rằng hạt giống của lịch sử cận đại Việt Nam đã lớn thành cây, trổ đồng, và tỏa hương. Lúa đã chín, mùa gặt bội thu.
Một quá trình hữu cơ. Cuộc chiến và những gì thuộc về nó như những chiếc lá khô. Qua cuộc vượt biển xuyên Thái Bình Dương, lá bị ướt, mục rã. Tan rữa. Vùi nát. Thành đất bùn, mịn. Để xanh lá mới.
Ở Hoa Kỳ, các họa sĩ trẻ lại có thêm cái sự tự do để sáng tác, sự kích thích trong một vũ quan rộng, sự thúc bách để đi tìm cái riêng trong sáng tạo cho mình. Cái nghịch lý mà tôi nêu ra ở đầu bài không áp dụng cho tất cả mọi họa sĩ, nhưng vẫn đến từ một thực tế bán phần. Có nhiều họa sĩ thuộc thế hệ tôi sáng tác một cách độc lập với quá khứ, và cũng có nhiều họa sĩ trong thời chiến cũng sáng tác về chiến tranh. Nhưng có lẽ sự tự kỷ ám thị của tôi đã khiến tôi thấy rằng, chính thế hệ chúng tôi, cho dù không trực tiếp vá víu chiến tranh, cũng bằng nhiều cách mặc nó trên người. Nên chúng tôi cũng phải rùng mình, bưng mặt, phải đau đáu chia ly – bằng trực cảm, thay vì bằng chính thân xác mình. Để có ngày xuôi thuyền về bến êm đềm.
Và giữa những dập dềnh ký ức, giữa tân toan lịch sử, giữa bấu víu trước/sau, tôi chợt nhận ra mình mơ về cái vùng sáng thật mềm trong những bức tranh thiếu nữ của Đinh Cường.
Lớp vỏ - Jerry Trương |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét