Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012
Tin rất nóng: Tiên Lãng đã phát nổ một quả bom sự thật
Nguyễn Quang Vinh -
Người trong cuộc đã lên tiếng vì sự thật.
Một thông tin rất nóng và cần thiết vào lúc này. Một tài liệu quan trọng cho các đoàn kiểm tra Trung ương. Văn bản như một quả bom sự thật của chính người trong cuộc đã châm ngòi.
Chúng tôi có niềm vui được công bố lần đầu văn bản này
N. Q. V.
Nguồn: Blog Nguyễn Quang Vinh
Chuyện nhảm ở triều đình
Bùi Tín (VOA)
![]() |
Hình: AP |
Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Chỉ riêng tên nước đã không bình thường. “Cộng hòa” mà không có công dân tự do; “dân chủ” mà chỉ có một đảng duy nhất; “nhân dân” mà người dân chết đói hàng loạt. Nước “thần tiên” mà như địa ngục trần gian, đa số nhân dân chỉ muốn bỏ nước ra đi. Danh xưng một nước chứa đến 4 điều phi lý to đùng.
Chưa hết. Cha truyền con nối 3 đời làm lãnh tụ tối cao, tự phong cho nhau làm “nguyên soái” và “đại tướng”, 3 đời làm vua giữa triều đình cộng sản; thế là nhảm, giữa thời đại dân chủ văn minh.
Bên phải đại tướng lãnh tụ tối cao má búng ra sữa là cụ đại tướng cậu ruột, bên trái là bà đại tướng dì ruột, một bộ ba “Tam đại tướng”. Cháu cậu dì cùng được phong một lúc, trông thật khôi hài.
Vẫn chưa hết chuyện phi lý. “Lãnh tụ vĩ đại” chưa đến 30 tuổi. Ông “đại tướng”, non nớt từ bề ngoài đến tư duy cầm quyền, cố ưỡn ngực trước văn võ bá quan, trên hàng đầu là những nguyên soái, đại tướng, tể tướng cao tuổi, có người trên 70, trên 80 tuổi vẫn phải cúi rạp đầu trước cậu bé đáng tuổi con, tuổi cháu mình, lại chưa biết gánh việc nước, việc quân, việc ngoại giao phức tạp giữa thời đại nguyên tử. Trông buồn cười, vừa tội nghiệp, lại vừa đáng lo.
Những thêu dệt của bộ máy tuyên huấn Bình Nhưỡng sao mà cứ như chuyện tiếu lâm. Nào là cậu “Ủn” khi lên 3 tuổi đã biết cho nổ máy ô tô con, lên 6 tuổi đã vững tay lái, lái xe lớn phóng với tốc độ cao trên đường dài phức tạp. Ở các nước văn minh trường hợp như vậy bố mẹ cậu “Ủn” ắt sẽ bị xử phạt vì không giáo dục, quản lý con còn vị thành niên, để trẻ con đùa cợt với tử thần.
Nguy hiểm hơn nhiều nữa, Bình Nhưỡng úp mở để lộ rằng vụ bắn chìm tàu chiến Nam Triều Tiên năm ngoái là chính do cậu “Ủn” ra lệnh. Nguy hiểm quá! Điều gì sẽ xảy ra nếu như sắp tới giữa một cơn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, lãnh tụ tối cao non trẻ lên cơn cao ngạo hoặc tự ái, tính khí thất thường, dơ vũ khí nguyên tử ra đe dọa thiên hạ? Thảm họa hạt nhân có thể bùng nổ như chơi.
Lẽ ra Ban lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên nên cử ra một viên “nhiếp chính” có đủ trình độ cầm đầu chế độ, hay chí ít là một viên “phụ chính” để kềm cặp chặt chẽ cậu “Ủn” cho đến tuổi 36 – đầy 3 giáp chẳng hạn. Như vậy sẽ làm yên lòng bạn bè, láng giềng gần xa và toàn thế giới, yên lòng cả nhân dân nước mình.
Theo báo chí Nam Triều Tiên, trong buổi lễ tang ông Kim Jong Il, có 7 vị đại thần được đi bên xe linh cữu cùng cậu Kim Jong Un, chắc đó là ban cố vấn cho lãnh tụ mới, nhưng chưa có tin chính xác.
Sắp tới các ông Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng… rồi sẽ gặp ông Kim Jong Un, sẽ xử sự ra sao, ăn nói ra sao, đối đáp ra sao, khi về nguyên tắc là bình đẳng, bằng vai phải vế với nhau. Bên trong các mối quan hệ sẽ có khối chuyện hay, mới lạ, hài hước. Với nước lớn, đảng lớn, đồng chí “Ủn” non nớt là một đồng chí cồng kềnh, chính vì nước nhỏ, đảng nhỏ, tự ái dân tộc thường lớn, nên sẽ có lúc khó thuyết phục, gây bực mình, khó xử.
Từ Macao, anh cả của Kim Jong Un là Kim Jong Nam nói lên một số điều mới mà không lạ. Kim Jong Nam nói rằng từ trước anh ta vẫn không mặn mà gì với chuyện cha truyền con nối. Chuyện đưa ra lý do anh ta phạm tội đi du lịch Nhật Bản bằng hộ chiếu giả nên bị ra rìa là chuyện vô duyên, vì có đến hàng trăm khách du lịch làm như vậy, dùng một tên khác cho mình chứ không phải mang tên người khác.
Kim Jong Nam nói rằng bố anh ta rất lo sợ các con ở lâu nước ngoài sẽ tiêm nhiễm “thói xấu dân chủ“ nên học hết trung học ở ngoại quốc là gọi về nước. Kim Jong Nam tin rằng với chú em quá non nớt lên làm lãnh tụ tối cao đất nước không thể bình ổn, tất yếu sẽ rối loạn từ trong nội bộ, qua những cuộc đấu tranh dành quyền lực trong cung đình và chế độ sẽ tan vỡ trong tương lai không xa. Kim Jong Nam, một người tự cho mình am hiểu tình hình trong nước, tiên đoán rằng chế độ không thể tồn tại lâu dài, chắc chắn sẽ tự vỡ từ bên trong. Nó sẽ tự vỡ lúc nào, ra sao, còn là ẩn số. Chỉ biết chắc là nếu điều đó xảy ra, Nam Triều Tiên tuy mừng nhưng coi đó sẽ là gánh nặng gãy vai, Trung Quốc càng lo hơn vì cuộc chống Mỹ viện Triều năm xưa đã làm suy sụp cả xương sống. Liên bang Nga láng giềng chỉ có chung 20 km biên giới sẽ nhìn sang hướng khác. Tiếp quản một cộng đồng nghèo và đói vào loại tận cùng thế giới đâu có nhẹ nhàng.
Trong khi chờ số phận bấp bênh, Bình Nhưỡng chỉ còn bùa phép tuyên truyền mỵ dân. Họ nhai lại nhũng huyền thoại cũ, như chuyện khi ông Kim Jong Il nhận chức lãnh tụ tối cao, bỗng vườn hoa mơ giữa thủ đô nở rộ hàng trăm ngàn hoa trắng tinh ngào ngạt tỏa hương thơm, thu hút vô vàn ong bướm khắp nơi đổ về. Thiên nhiên cũng biết mừng lãnh tụ. Thông tấn xã Bắc Triều Tiên loan tin hôm đoàn công nhân mỏ đi đưa đám ông Kim Jong Il trên đường về gặp 3 mẹ con chú gấu từ trong rừng ra, đứng lặng lẽ cúi đầu, nước mắt ròng ròng, như chung niềm đau buồn xót xa với nhân dân. Động vật cũng đau buồn khi lãnh tụ ra đi. Cả nước tin đến sái cổ.
Thế nhưng dấu đầu hở đuôi. Người trong nước báo tin ra ngoài rằng ngay sau những ngày tang lễ, các khu phố Bình Nhưỡng cực kỳ căng thẳng, bà con đưa những người không chịu gào khóc ra đấu tố quyết liệt, một số đi tù vì không có nước mắt. Toàn là những chuyện nhảm nhí tại một triều đình cộng sản kỳ quặc, không giống ai, tuy nghèo đói nhưng lại có nguyên liệu chế bom nguyên tử, lãnh tụ lại quá non trẻ, chưa qua thử thách, cả thế giới phải trông chừng, cảnh giác, vì chế độ không bình thường, lãnh tụ không bình thường, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Một triều đình cộng sản phô trương bao nhiêu điều nhảm nhí, có thể coi là một quái thai giữa thế giới văn minh, vậy mà có lúc vẫn còn được coi là “người đồng chí thân thiết truyền thống” của đảng Cộng sản Việt Nam. Một ông đồng chí cũ cồng kềnh. Một di sản cộng sản quái dị.
Trung Quốc và chủ nghĩa dân tộc kiểu mới
Trần Vinh Dự -
![]() |
Google Images |
“Trung Quốc không hạnh phúc” (Unhappy China) là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2009 ở Đại Lục. Cuốn sách này là một tuyển tập các bài viết của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Trung Quốc về cách nhìn của họ đối với đất nước này. Được xuất bản vào tháng 3, 2009, cuốn sách này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cả người Trung Quốc và phương Tây.
Các bài viết trong “Trung Quốc không hạnh phúc” đều cổ vũ cho thái độ cứng rắn đối với các kẻ thù của Trung Quốc, bao gồm cả tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy vì ông này đã gặp Dalai Lama hồi năm 2008. Cuốn sách cũng rất mạnh mẽ về thái độ của phương Tây đối trước sự đối xử của Trung Quốc với người Tây Tạng trước Olympic Bắc Kinh 2008. Một phần trong cuốn sách thậm chí viết “hãy khiêu chiến đi nếu tụi bay có bản lĩnh, còn nếu không thì câm mồm lại”[i].
Zhang Xiaobo, người xuất bản cuốn sách này, cho rằng “chúng tôi vẫn cảm thấy bị chèn ép vì nhiều khi phương Tây lên án hoặc phê phán chúng tôi.” Một trong số tác giả, Wang Xiaodong, trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC[ii] đã trả lời rằng ý của ông ta khi viết “Trung Quốc không hạnh phúc” là “Nếu các cậu không tôn trọng chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh các cậu. Nếu có một quốc gia hùng mạnh, và nếu các cậu không làm nó hài lòng, thì các cậu sẽ gặp rắc rối. Và đó chính là điều nước Mỹ đang làm”.
Khi được hỏi về việc liệu Trung Quốc có nên có một quân đội mạnh và sẵn sàng chiến đấu, Wang Xiaodong trả lời: “Đương nhiên, một đất nước mạnh như Trung Quốc tất nhiên cần một quân đội mạnh, một quân đội có thể chinh phục bất kỳ ai trên bất kỳ phần nào của thế giới. Đó phải là tầm nhìn tổng quát của chúng tôi.”
Ngôn ngữ và quan điểm cực hữu trong “Trung Quốc không hạnh phúc”, và quan trọng hơn là việc nó nằm trong số các cuốn sách bán chạy nhất, đã làm giấy lên lo ngại về chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng cực hữu ở Trung Quốc và ảnh hưởng của nó tới chính sách ngoại giao của đất nước này.
Nhìn rộng ra, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay được định hình bởi ba yếu tố. Thứ nhất là niềm kiêu hãnh về lịch sử “hào hùng” của một nền văn minh vĩ đại kéo dài tới 5000 năm. Thứ hai là cảm giác bị Nhật Bản và phương Tây làm nhục trong suốt 100 năm trước khi Thế Chiến II kết thúc. Thứ ba là sự thức tỉnh về sức mạnh mới do thành quả của hơn 30 năm cải cách và phát triển kinh tế. Sức mạnh mới này khiến người Trung Quốc cần phải xác định lại vị thế của dân tộc mình trên thế giới.
Peter Hays Gries, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng “nỗi nhớ về hào quang bị đánh mất trong quá khứ cùng với việc là nạn nhân của thực dân đế quốc là tâm điểm tạo nên chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc”[iii]. Trung Quốc coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc của phương Tây, bắt đầu từ Chiến tranh Thuốc phiện lần I và nước Anh chiếm Hồng Kông năm 1842 và kéo dài mãi tới khi kết thúc Chiến tranh Thế Giới II năm 1945 (tổng cộng hơn 100 năm), trong suốt thời gian này họ liên tục chịu đựng nỗi nhục mất chủ quyền.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chính là Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc. Theo Peter Hays Gries, “không có tính chính đáng đến từ việc bầu cử chính quyền qua con đường dân chủ và đối mặt với sự xụp đổ của ý thức hệ, Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc chủ nghĩa để nắm quyền và sử dụng nó như là chất kết dính xã hội’.
Quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh ngày hôm nay là duy trì hòa bình trong nước trong khi theo đuổi các mục tiêu phát triển và vai trò to lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Trong khi chủ nghĩa dân tộc có thể có ích trong việc duy trì hòa bình trong nước, nó có thể làm hỏng hình ảnh của nước này trên thế giới. Minxin Pei, một học giả trong chương trình Trung Quốc của Carnegie Endowment for International Peace cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một vật cản trong việc chứng tỏ Trung Quốc là một bên đối tác có trách nhiệm “một công chúng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao sẽ làm người nước ngoài lo ngại và sẽ làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc”[iv].
Ngay cả trong nước, chủ nghĩa dân tộc không kiểm soát được cũng là một thách thức đối với chính quyền. Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm chặt chẽ và dập tắt tất cả các hoạt động mang tính dân tộc chủ nghĩa trong các cộng đồng thiểu số như Tây Tạng hay Uighurs. Chủ nghĩa dân tộc ở Đài Loan cũng được coi là mối đe dọa đối với Bắc Kinh trong mục đích thống nhất hòn đảo này. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng e ngại rằng các phong trào dân tộc chủ nghĩa phát triển quá mức có thể sẽ quay mũi dùi chống lại nhà nước một khi chính quyền không thực hiện được các cam kết mang tính dân tộc.
Liu Lixin, lãnh đạo ban nhạc Ordinance, là một trong những nhân vật cổ súy nhiệt tình cho chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Trong một album ra hồi năm 2009, Rock City, ban nhạc này đã chỉ trích chính quyền và hát về các chủ đề như dân chủ và tham nhũng. Một đoạn lời bài hát nói “Đài Loan của chúng ta. Tây Tạng của chúng ta. Thỏa hiệp với Mỹ và Nhật Bản là nỗi nhục nhã”.
Liu và ban nhạc của anh là đại diện cho một thế lực đang lên của phong trào dân tộc chủ nghĩa mới. Những người này gần như luôn luôn thù địch với Mỹ và Nhật, và luôn cho rằng các nước khác đang tìm cách ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc. Họ cũng là người không mấy hài lòng với chính quyền. Trả lời hãng thông tấn BBC, Liu cho biết “hiện nay chính quyền đang tẩy não người dân để họ tin rằng đất nước này đang mạnh. Họ đã cấm các bài hát của chúng tôi, nhưng chúng tôi không sợ. Tôi nghĩ chính họ mới là người đang sợ hãi, và vì thế họ cấm đoán chúng tôi”[v].
Theo Chen Zhimin, giáo sư chính trị học quốc tế tại trường Fudan, Thượng Hải[vi], kết quả thăm dò hồi năm 1995 của China Youth Daily trên hơn 100 nghìn thanh niên Trung Quốc cho thấy 96,8% người Trung Quốc vẫn căm thù Nhật Bản vì những gì người Nhật làm hồi năm 1930s và 1940s, 98,6% cho rằng họ sẽ không bao giờ quên phần lịch sử đó. Cũng trong cuộc điều tra này, 87,1% số người trả lời cho rằng nước Mỹ là nước “ít thân thiện nhất” đối với Trung Quốc và 57,2% cho rằng Mỹ là đất nước họ ghét nhất.
Đó là kết quả trước khi xảy ra các sự kiện như Mỹ ném bom nhầm vào Đại sứ quán của Trung Quốc ở Belgrade (tháng 5, 1999) và việc máy bay do thám của Mỹ, U.S. EP-3, đâm vào máy bay chiến đấu của F-8 của Trung Quốc, giết chết phi công điều kiển máy bay này.
[i] http://www.telegraph.co.uk/finance/g20-summit/5071299/Unhappy-China-bestseller-claims-Beijing-should-lead-the-world.html
[ii] http://news.bbc.co.uk/2/hi/8363260.stm
[iii] Gries, Peter Hays (2005): “Nationalism, Indignation, and China's Japan Policy” SAIS Review - Volume 25, Number 2, Summer-Fall 2005, pp. 105-114
[iv] http://www.cfr.org/china/nationalism-china/p16079
[v] http://news.bbc.co.uk/2/hi/8363260.stm
[vi] Chen Zhimin (2005): “Nationalism, Internationalism and Chinese Foreign Policy” Journal of Contemporary China (2005), 14(42), February, 35–53
Nguồn: Blog Trần Vinh Dự
Câu chuyện Vận động Thành lập Trung học Cộng đồng Quận 8 Năm 1965 - 66
Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm
![]() |
Thầy giáo và học trò tại trường trung học Cộng đồng Quận 8, sau đổi thành trung học Lương Văn Can. (Hình: manhhai) |
Vào giữa tháng 8 năm 1965, Chương trình Phát triển Quận 8 khởi sự hoạt động. Đó là một chương trình phát triển cộng đồng do một số anh chị em thanh niên chúng tôi tự nguyện đến sát cánh với bà con ở địa phương, trong ý hướng góp phần cải thiện đời sống của người dân về các mặt xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa. Chương trình được sự chấp thuận của chánh phủ và do Bộ Thanh niên và Tòa Đô chánh Saigon bảo trợ.
Hồi đó đang có nạn thiếu cơ sở phòng ốc, nên các học sinh trường tiểu học ở Saigon nhiều nơi phải học thành 3 ca, mà ca buổi trưa từ 11.00 đến 14.00 giờ thì rất nóng bức, gây vất vả mệt nhọc cho cả thầy lẫn trò.Vì thế, công tác đầu tiên của chương trình chúng tôi là phải xây dựng ngay được một ngôi nhà 5 phòng học, giúp cho trường tiểu học Hưng Phú có thể giải tỏa các lớp học ban trưa. Việc này đã gây thêm phấn khởi hào hứng cho bà con phụ huynh học sinh, cũng như các thầy cô giáo.
Nhưng thời đó thì trong toàn quận 8 với dân số cỡ 150,000 dân, lại không có được một trường trung học công lập nào cả. Và các vị hiệu trưởng các trường tiểu học trong quận, thì đều than phiền là : Trong số học sinh ở quận 8 mà đi thi vào các lớp đệ thất ở trường Petrus Ký, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi ở bên phía Saigon-Chợ lớn, thì số được chấm đậu rất là ít. Do vậy, mà nhiều em đã phải bỏ học. Thật là điều đáng lo ngại cho các phụ huynh.
Sau nhiều lần tìm hiểu và thảo luận với các thân hào nhân sĩ, các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh trong quận, chương trình phát triển đã thành lập được một tổ chức với danh xưng khiêm tốn là : “ Ban Vận động Thành lập Trường Trung học Quận 8”. Ban đầu, chúng tôi chưa hình dung được là đó sẽ là một trường công lập, bán công hay tư thục theo quy chế hiện hành của bộ giáo dục vào thời đó. Phải sau một thời gian tìm hiểu, nghe ngóng và cân nhắc, Ban Vận động mới đi tới được một quyết định là : “ Trường Trung học này sẽ là một trường công lập”, để cho các học sinh trong quận được “ đi học miễn phí, khỏi phải đóng tiền”. Khốn nỗi là khi tiếp xúc với các viên chức của bộ Giáo dục, thì chúng tôi được trả lời rằng : Bộ chưa có dự trù ngân sách cho việc xây cất ngôi trường nào ở trong phạm vi cả thành phố Saigon. Vả nữa, thủ tục ngân sách cũng rất phức tạp, bộ Giáo dục phải có sự thỏa hiệp của Nha Ngân sách thuộc Bộ Tài chánh để mà có được ngân khoản cần thiết, và sau đó thì mới có thể tiến hành việc xây cất trường học qua thủ tục đấu thầu như thường lệ. Đó là vấn đề khúc mắc, mà Bộ không thể tự mình vượt qua được. Bộ Giáo dục chỉ có thẩm quyền cử nhân viên giáo chức, do chính bộ quản lý để gửi họ về dậy học ở các trường mà thôi.
Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi đó có sự phân công giữa bộ Giáo dục và địa phương các tỉnh, thành phố như sau : Các tỉnh và thành phố quản lý mọi mặt về các trường cấp tiểu học. Còn cấp trung học thì do Bộ trực tiếp quản lý cho mọi đơn vị trên toàn miền Nam. Như vậy là chúng tôi cứ phải liên hệ trực tiếp với các nha sở của bộ Giáo dục, để mà xúc tiến việc thành lập ngôi trường trung học công lập đầu tiên cho quận.
Và lần hồi ban Vận động đã đề ra được một sách lược “thỏa hiệp với bộ Giáo dục” như sau : “ Địa phương quận 8 sẽ phụ trách hoàn toàn vấn đề xây cất cơ sở trường ốc và trang bị bàn ghế dụng cụ cho các lớp học, bộ không còn phải bận tâm về chuyện cơ sở vật chất nữa. Do đó bộ Giáo dục chỉ có trách nhiệm cung ứng cho đủ số giáo chức cần thiết cho việc giảng dậy tại trường mà thôi…” Như vậy trách nhiệm của Ban Vận động rất là nặng nhọc, để lo kiếm địa điểm tọa lạc, vật liệu và kỹ thuật xây cất cho trường, cũng như là trang bị đày đủ bàn ghế cho các phòng học.
Nhờ Chương trình Phát triển Quận 8 lúc đó lại đang thực hiện nhiều dự án chỉnh trang tái thiết, nên mới có thể sắp xếp cho có được khu đất đủ rộng rãi dành cho ngôi trường. Và vật liệu xây cất cũng như kỹ thuật thì cũng do Chương trình này cung ứng tương đối đày đủ. Như vậy, ban Vận động cũng đỡ được mối lo phải đi chạy vạy xin các nhà hảo tâm giúp đỡ về mặt tài chánh, vật chất.
Học sinh không phải đóng học phí, vì đây là trường công lập. Nhưng phụ huynh phải đóng góp dưới hình thức “lệ phí”, mà mỗi tháng chỉ phải góp đồng hạng chung cho mọi lớp với số tiền rất thấp, bình quân là 100$00. (So với học phí ở các trường tư lúc đó vào năm 1966 cũng cỡ 300-800$00 mỗi tháng, tùy theo lớp). Số tiền lệ phí này do Ban Điều hành cùng với Ban Đại diện phụ huynh quản lý việc chi tiêu, chứ không phải đem nộp cho bộ Giáo dục. Như vậy nhà trường có chút ngân quỹ dành cho việc bảo trì dụng cụ, bàn ghế và chi phí linh tinh. Do vậy mà nhà trường có được sự tự trị về tài chánh, không phải lệ thuộc vào một nguồn tài trợ nào khác. Và đó là lý do để trường này có danh xưng là : “Trung học Cộng đồng Quận 8”. Đây là loại trường ” Trung học Cộng đồng” đầu tiên tại miền Nam thời đó.
* * *
Về thành phần nhân sự đã tham gia trong “chiến dịch vận động” cho việc thành hình ngôi trường trung học đầu tiên của quận 8 này, thì có rất đông đảo thân hào nhân sĩ, các giáo chức, các vị phường trưởng, khóm trưởng, các phụ huynh học sinh trong toàn quận. Mà nay sau trên 40 năm, phần lớn các nhân vật này đã lìa trần rồi. Hơn nữa, sổ sách hồ sơ liên quan đến nội vụ cũng đã bị thất lạc hết. Do vậy mà người viết không thể liệt kê đầy đủ chi tiết về danh tánh từng nhân vật trong bài viết này được. Mà chỉ có thể ghi nhận rằng : Gần như tuyệt đại đa số các phụ huynh, các thầy cô giáo, các chức sắc lãnh đạo tôn giáo, các nhân viên chánh quyền cấp địa phương đều tham gia vào việc vận động này, mỗi người đóng góp tùy theo khả năng của mình. Do tính cách “quần chúng nhân dân như vậy”, mà bộ Giáo dục mới có sự thông cảm tín nhiệm và dành mọi sự dễ dãi cho công cuộc thiết lập ngôi trường được thành công viên mãn.
Dĩ nhiên là chương trình phát triển quận 8 là đơn vị chủ chốt trong việc phát động chiến dịch vận động này. Nhưng cũng cần phải ghi nhận công lao của vị lãnh đạo Tòa Đô chánh Saigon hồi đó là Bác sĩ Văn Văn Của Đô trưởng, và của vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Kỹ sư Võ Long Triều. Đó là hai vị đã nhiệt tâm kêu gọi giới lãnh đạo Bộ Giáo dục đồng ý chấp thuận cho ngôi trường được thành lập. Và nhất định là phải ghi rõ công lao của vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục là Giáo sư Nguyễn Văn Trường và của vị Đổng lý Văn phòng là Giáo sư Lý Chánh Trung. Đó là hai vị đã ra quyết định tối hậu chấp thuận cho thành lập Trung học Cộng đồng Quận 8 và cho bắt đầu khai giảng năm học đầu tiên ngay vào tháng 10 năm 1966.
Trên đây là mấy nét chính yếu, mà bản thân người viết vẫn còn nhớ được, và xin ghi lại như là một hồi tưởng cá nhân của một người đã từng có duyên tham gia trong công cuộc vận động này. Về các chi tiết khác, xin để dành cho quý vị nguyên ở trong Ban Quản lý Chương trình Phát Triển Quận 8, cũng như một số phụ huynh, giáo chức và thân hào nhân sĩ khác tại địa phương cùng nhau bổ túc thêm cho thật hoàn chỉnh. Đây quả là một kỷ niệm đẹp của cả một tập thể những người đã có chung một sự quan tâm đối với tương lai của thế hệ trẻ thân yêu tại quận 8, cách nay đã trên 40 năm rồi
California, Tháng 11 Năm 2009
Đoàn Thanh Liêm
Nguyên Phụ tá Quản lý
Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon (1965-66)
Hiểm Họa Mất Nước Một Lần Nữa: Nhắc lại chuyện Nhà Minh cướp sách của ta đem về Tàu
Phạm Cao Dương -
Trong Khởi Hành số 90, tháng 4 năm 2004, dưới nhan đề “Từ Lĩnh Nam Chích Quái Đến Các Tài Liệu Bị Quân Minh Tịch Thu Đem Về Tàu”, tôi đã viết một bài về việc người Tàu tịch thu sách của ta. Vì bài viết quá ngắn và vì tôi không chỉ rõ các nguồn tài liệu nên sau đó nhiều người thắc mắc. Trong số những vị này, có người là độc giả thuần túy, có người là sinh viên cũ của tôi và cũng có người là học giả có uy tín và rất khả kính. Bác Sĩ Trần Văn Tích là một trong các học giả uy tín và rất khả kính này. Trần Bác Sĩ đã bỏ công viết hẳn một bài đăng với nhan đề “Chuyện Người Tàu Lấy Sách Của Ta” trên Khởi Hành số 92, tháng 6 năm 2004 sau đó và gián tiếp đặt câu hỏi với tôi. Vốn ngưỡng mộ Bác Sĩ từ lâu nhờ đọc các công trình khảo cứu của ông, đồng thời lại có dịp gặp ông dù chỉ thoáng qua khi ông tới thăm Quận Cam và Viện Việt học sau đó nên tôi thấy cần phải viết bài này để được làm quen với ông, đồng thời giải đáp đôi chút những thắc mắc của các độc giả mà tôi đã nhận được. Gốc gác của bài viết này là như vậy. Nhưng năm 2004 khác với năm 2012. Năm 2004 hiểm họa xâm lăng nước ta của người Tàu chưa lộ rõ và chưa thật sự nguy hiểm như trong năm 2011 và bây giờ là năm 2012. Cập nhật hóa và phổ biến những gì tôi thấy được cho bạn bè nói riêng và cho tuổi trẻ Việt Nam nói chung là một điều tôi thấy nên làm mặc dầu tôi vẫn muốn kiếm thêm tài liệu để viết thêm nhiều nữa.
Phải nói là chuyện tôi viết bài đăng trên Khởi Hành số 90 kể trên cũng là do tôi đọc Khởi Hành số 89 y hệt Bác Sĩ Trần Văn Tích viết bài đăng trên Khởi Hành số 92 vì ông đọc Khởi Hành số 90. Có điều sự thắc mắc của tôi về chuyện người Tàu tịch thu hết các sách vở của ta đem đốt hết hay đem về Tàu là có từ lâu. Thắc mắc nhưng đồng thời cũng là một nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục, đặc biệt là mỗi khi tôi có việc phải tìm hiểu về hai thời Lý Trần, hai triều đại đã đóng góp rất nhiều cho vinh quang của xứ sở và của dân tộc mình. Tôi biết nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục của tôi cũng là của chung của cả dân tộc tôi, dù cho là tôi đang làm công chuyện tìm hiểu và nghiên cứu. Tôi cũng biết tìm hiểu và nghiên cứu là phải có cái đầu lạnh chừng nào hay chừng ấy, càng lạnh càng tốt, nhất là nghiên cứu về quá khứ, nhưng dù muốn hay không tôi vẫn là người Việt Nam. Có lẽ tôi không theo kịp Trần Quân ở điểm này. Có điều những gì tôi viết ra chỉ là một gợi ý và gợi ý về những sách vở và tài liệu liên hệ tới nước Đại Việt đương thời do chính người Đại Việt viết, trong đó có học thuật, tư tưởng, phong tục, tập quán, sử ký, địa lý và tất nhiên gồm cả văn chương, thi ca..., những gì có thể giúp cho người thời đó và người sau này tìm hiểu về nước Đại Việt và dân tộc Đại Việt. Những sách vở, tài liệu này tôi tin là nhiều lắm, nhiều hơn là những gì ta hiện có, cộng thêm với những gì được liệt kê trong danh sách những sách đã mất mà các cụ ta sau này còn nhớ được và viết lại trong sử sách do các cụ viết.i Tôi dám tin là như vậy vì đây là cả một kho tàng tổ tiên ta đã tạo dựng được trong suốt bốn trăm năm thịnh trị nhất của lịch sử dân tộc mình. Tôi cũng dám tin như vậy vì trong bài tựa của Việt Âm Thi Tập, sưu tập thơ của thời Lý-Trần và thời Lê Sơ do Phan Phu Tiên khởi đầu và Chu Xa thực hiện, Lý Tử Tấn đề tựa. Cả ba đều là người đương thời. Những sụ hiểu biết của các ông còn rất nóng. Phan Phu Tiên đậu Thái Học Sinh năm 1396 đời Vua Trần Thuận Tông, Lý Tử Tấn đậu đồng khoa Thái Học Sinh với Nguyễn Trãi, khoa Canh Thìn (1400) triều Nhà Hồ, còn Chu Xa thì trẻ hơn một chút vì sách được soạn xong năm 1459 dưới triều Vua Lê Nhân Tông, tiếp nối công trình của Phan Phu Tiên hoàn thành năm 1433, niên hiệu Thuận Thiên triều Vua Lê Thái Tổ nên những gì các ông biết về sách vở, thi ca của hai Triều Lý và Trần phong phú đến mực nào cũng như hành động tịch thu sách của người Việt của Nhà Minh là như thế nào. Lý Tử Tấn trong bài tựa của Việt Âm Thi Tập cho biết là sau cơn binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn. Nguyên văn như sau:
“… Như các vua Triều Trần là Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông, cùng là Chu Tiều Ẩn tiên sinh (Chu An), các ông họ Phạm ở Hiệp Thạch (Phạm Sư Mạnh), họ Lê ở Lương Giang (Lê Quát), Nguyễn Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn) và anh em ông Phạm Kính Khê (Phạm Tông Mại, Phạm Ngộ) đều có tập thơ riêng lưu truyền ở đời. Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn.”ii
Điều cần phải để ý là đây mới chỉ là thơ mà thôi.
Sự thịnh trị này đã được chính Minh Thái Tổ ghi nhận khi ông ban cho sứ thần của ta bốn chữ Văn Hiến Chi Bang vào năm 1368iii và Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), cha vợ của Nguyễn Phi Khanh hay ông ngoại của Nguyễn Trãi đã miêu tả qua câu thơ bất hủ “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” (trăm họ vui ca mừng thời thịnh trị)iv. Cái gì đã làm cho Đại Việt là một nước văn hiến? cái gì đã làm cho trăm họ Đại Việt âu ca lạc thịnh thì? Cái gì đã làm cho một nước nhỏ bằng bàn tayv thắng được quân nhà Tống và luôn cả quân Mông Cổ, điều thượng quốc của người Việt trong nhiều thế kỷ và luôn cả hiện tại, tôi muốn nói là chính nước khổng lồ Trung Quốc, không làm được? Đó phải là những câu hỏi mọi người nghiên cứu về thời này phải tìm hiểu để trả lời. Những sách vở do người Đại Việt đương thời biên soạn hay sáng tác chắc chắn là những nguồn hiểu biết vô cùng quan trọng về đất nước và con người Đại Việt mà những ai, kể cả người Tàu đương thời, có nhu cầu tìm hiểu hay chỉ vì vì tò mò, cũng muốn đọc và lưu giữ. Nếu quả như vậy thì phần nào những sách vở, tài liệu này vẫn chưa bị mất và vẫn còn nằm đâu đó bên Tàu, dưới hình thức này hay hình thức khác, nếu kiên trì tìm kiếm và có phương pháp tìm kiếm, người ta vẫn có thể thấy lại được. Tất nhiên là với tất cả sự dè dặt tối thiểu mà một nhà sưu tầm, khảo cứu cần phải có.
Ý được gợi ra nhưng câu trả lời đầu tiên được ghi nhận gần như là không tưởng vì nếu cứ nhất định căn cứ vào tài liệu của thời đó để lại thì làm gì có chuyện người Tàu lấy sách của ta đem về Tàu. Minh Thành Tổ trong hai đạo sắc dụ của ông có hạ lệnh cho tướng lãnh, quân binh của ông đem về Tàu đâu. Câu trả lời của tôi là căn cứ vào các sách sử của ta. Tôi có thể chưa có dịp đọc hết các sách vở, tài liệu có thể chứa những chi tiết về chuyện này, nhưng trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính sử của nhà Nguyễn và trước đó, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) trong Lê Triều Thông Sử đã viết rất rõ điều này.
Trước hết, trong Lê Triều Thông Sử, phần “Nghệ Văn Chí,” Lê Quý Đôn có viết: ”Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng.”vi Còn trong KĐVSTGCM, phần Chính Biên, quyển XXXIII, sau phần nói về việc vua nhà Minh cho in các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh và Tính Lý Đại Toàn và sai Giám Sinh Đường Nghỉa sang nước ta ban phát cho những người Nho học có chép thêm”Còn các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng.”vii
Gần ta hơn, Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm cũng viết ”Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý - Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”viii
Tất nhiên các nhà nghiên cứu thận trọng vẫn có thể nói rằng những ghi chú kể trên đều là bởi những người của nhiều thế kỷ sau này viết nên vẫn chưa đủ thuyết phục, và ta vẫn cần phải có thêm bằng chứng. Thực sự thì ta không biết Lê Quý Đôn rồi sau này các nhà san định bộ KĐVSTGCM đã căn cứ vào đâu để ghi chép như trên. Có thể các vị này đã căn cứ vào Lê Quý Đôn còn Lê Quý Đôn thì căn cứ vào những gì ông đọc được và nghe được từ những người của thời trước ông. Chúng ta cần ghi nhớ là Lê Quý Đôn là người chịu khó tìm tòi, học hỏi. Ông đã đọc rất nhiều và rất rộng và ghi chép rất cẩn thận. Còn Trần Quốc Vượng thì đã không nêu rõ các nguồn sử liệu ông đã dùng. Nhưng sử gia này cũng là người làm việc rất tỉ mỉ và có phương pháp nên chắc chắn đã không đưa ra những ghi nhận về sự kiện kể trên một cách hồ đồ vô căn cứ. Dù sao, một khi nghi vấn đã được đưa ra, ta vẫn cần phải truy tầm vừa bằng tài liệu nếu có và vừa bằng suy luận cặn kẽ chừng nào hay chừng nấy.
Trước hết ta hãy đọc lại những phần chính liên hệ tới vấn đề sách vở của người Việt trong ba sắc chỉ của Minh Thành Tổ được ghi trong Việt Kiệu Thư, được dịch và in lại trong Thơ Văn Lý Trần, công trình được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu có uy tín và đáng tin cậy của Việt Nam trong thế kỷ trước, để thấy lại phần nào chi tiết liên hệ, nhất là sắc chỉ thứ hai, ban hành vào ngày 16 tháng 6 năm 1407, theo đó thì vị hoàng đế này đã nhiều lần bảo các tướng sĩ của ông ta là phải hủy diệt lập tức những sách vở của người Việt này, nhưng các tướng lãnh của ông đã không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Còn quân lính thì phần đông không biết chữ... thì khi “đài tải” sẽ bị mất mát nhiềuix.
Tại sao lại “đài tải”? Tại sao lại lo mất mát nhiều?
Đến sắc chỉ thứ ba ban hành ngày 24 tháng 6 năm 1407, Minh Thành Tổ lại ra lệnh cho các tướng lãnh của ông phải cấp tốc thu hồi những văn kiện ông ban hành từ trước: “Nay An-nam đã bình định xong [...] trừ các loại chế dụ ra, còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành Quốc Công đã lĩnh hoặc các thứ [sổ sách] trù nghị mọi chuyện, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại rơi vào tay bọn kia thì rất bất tiện.”x thì người ta thấy sự kiện đã quá rõ rệt là lệnh của vua Nhà Minh đã không được triệt để thi hành và các sách vở quân Minh thu được đã không bị đốt bỏ hết. Một số khác trên đường đài tải đã bị mất mát rất nhiều. Ngoài ra, ngoài ba dụ chỉ hiện được người ta biết tới, chắc chắn còn nhiều văn kiện mật khác hoặc đã được niêm phong gửi lại triều đình Kim Lăng, hoặc đã bị hủy bỏ trong thời điểm này. Chúng chứa đựng những gì hiện tại chúng ta chưa biết được. Do đó nếu chúng ta chỉ căn cứ vào sắc chỉ thứ nhất (được nói tới trong Thơ Văn Lý-Trần), ban hành ngày 21 tháng 8 năm 1406, cho Chu Năng kể trên, mà bảo rằng không hề có chuyện người Minh đem sách vở của ta về Tàu, tôi e rằng quá vội vã. Chúng ta chỉ có thể biết rõ hơn chừng nào kiếm ra được những tài liệu mật này. Đây gần như là một việc mò kim đáy biển. Tuy nhiên còn có những lý do khác khiến ta có thể viện dẫn được. Thứ nhất là tính tò mò của các tướng sĩ nhà Minh, một tính tự nhiên và phổ quát của con người mà họ không tránh được, đặc biệt ở những người có học khi họ kiếm được những sách nói về những điều họ đã học, ở đây tôi muốn nói tới các sách về Tam Giáo đặc biệt là sách của Hồ Quý Lyxi và của Chu Văn Anxii, chưa kể tới hoàn cảnh họ phải sống xa nhà. Thứ hai là các nhu cầu quân sự, hành chánh và bình định. Các tướng sĩ trong ban tham mưu của Chu Năng và sau này của Trương Phụ và các nhà hành chánh sau này nữa chắc chắn phải thu thập bất cứ tài liệu gì họ thu thập được, phân tích nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ để hiểu rõ kẻ địch của họ và của dân bản địa mà họ phải bình định và cai trị. Nghiên cứu rồi sau đó đem theo mình và giữ lại làm của riêng là một việc làm tự nhiên của họ; còn triều đình nhà Minh thì ở xa, làm sao có thể theo dõi chặt chẽ được.
Câu hỏi kế tiếp người ta có thể nêu lên là cho đến những ngày hiện tại đã có tác phẩm nào của người Việt sau nhiều thế kỷ luân lạc đã được người ta khám phá ra dưới hình thức này hay hình thức khác chưa? Câu trả lời là có. Đó là Việt Sử Lược và Thiền Uyển Tập Anh. Hai cuốn sách này xuất hiện từ thời nhà Trần và đã được người sau chép hay viết lại. Việt Sử Lược đã bị thất truyền rất lâu, mãi đến thời Càn Long nhà Thanh (1736 - 1795) mới được đem in, nói là theo bản của tuần phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua với người hiệu đính là Tiền Hi Tộ, người Giang Tô, người đã san định bộ Thủ Sơn Các Tùng Thư. Việt Sử Lược được lưu trữ ở Thủ Sơn Các Tùng Thư và ở Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh và đã được nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ấn hành. Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phiên dịch sang Việt ngữ, giới thiệu và chú giải.xiii Trong bản dịch này Trần Quốc Vượng có nói tới Thiền Uyển Tập Anh khi ông bàn về việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần, nhưng đến Lê Mạnh Thát thì sau khi đối chiếu nội dung của Thiền Uyển Tập Anh với An Nam Chí Nguyên, nhà học giả Phật giáo uyên thâm này đã khẳng định là: “Khi quân Minh đánh chiếm được nước ta vào năm 1407, Thiền Uyển Tập Anh đã bị chúng thu gom và sau này được dùng một phần để viết An nam chí nguyên.”xiv
Trên đây là những gì tôi ghi tạm để cấp thời chia sẻ với mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi hiển họa mất nước của dân tộc ta trước những mưu toan vừa công khai vừa tiệm tiến và vô cùng thâm độc của người Tàu đang diễn ra ở cả ngoài biển đảo lẫn trên đất liền, ở dọc biên giới với những khu rừng đầu nguồn, trên cao nguyên cũng như dưới đồng bằng dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đối với đất đai cũng như đối với con nguời. Tất cả đã trở thành một một mối ưu tư và một đề tài vô cùng nóng hổi cho những ai còn lưu tâm tới tiền đồ của tổ quốc và tương lai của con cháu mình cũng như trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đồng bào và hàng triệu chiến sĩ ở cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến kéo dài ba mươi năm vừa qua nhân danh bảo vệ đất nước . Bài viết, do đó, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và sơ hở. Tôi sẽ xin bổ túc khi có dịp. Riêng về giá trị văn chương của thi phú của ta thì tôi không dám lạm bàn vì sự hiểu biết và khả năng của tôi về khía cạnh này không đủ. Nếu tôi có đọc các tác phẩm thuộc loại này thì chỉ là để tìm hiểu về các thời kỳ hay các nhân vật liên hệ tới lịch sử. Tuy nhiên nếu người Tàu có làm chuyện hủy diệt hay chép lại hay viết lại sách hay đạo văn của ta khi họ xâm lăng nước ta vào đầu thế kỷ XV thì họ chỉ nhằm triệt tiêu khả năng tinh thần, lòng tin tưởng và hãnh diện của dân tộc ta để phòng ngừa hậu họa, không phải chỉ ở thời điểm xâm lăng hay đô hộ mà vĩnh viễn sau này nữa. Đây là một chính sách vô cùng tàn độc nếu ta dùng tữ ngữ chung của nhiều người khi nói tới hay viết về giai đoạn lich sử này của dân tộc và của đất nước ta. Một chính sách không phải chỉ phát xuất từ tham vọng Đại Hán mà còn có thể được coi như phản ảnh của một mặc cảm, một sự sợ hãi lo âu trước sự thành công không thể ngờ được của Đại Việt trước sự thất bại của Thiên Triều Trung Quốc, một chính sách và một hành vi nếu được thực hiện vào thời điểm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI hiện tại, quốc gia chủ trương sẽ phải chính thức và long trọng xin lỗi. Có điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được. Còn nếu vị Hoàng Đế sáng lập nên Triều Đại Nhà Minh là Minh Thái Tổ ban cho sứ Đại Việt bốn chữ Văn Hiến Chi Bang, vô tình ông đã khai tử cả một nền văn hóa riêng của Đại Việt mà đao phủ là hậu duệ của ông, Minh Thành Tổ. Là người sáng lập nên một triều đại mới, Minh Thái Tổ có thể có một cái nhìn rộng rãi bao dung nhưng những người kế vị ông coi đó là một sự xúc phạm đến thiên triều khi chính tình của nhà Minh đã ổn định. Cuối cùng ta cũng không nên quên là kiêu căng nhưng người Tàu vẫn luôn mở cửa để thu góp chất xám từ các xứ chung quanh bằng cách đòi hỏi các xứ này phải cống những người tài giỏi khi các nước này còn độc lập hoặc ruồng bắt những người này khi các nước họ bị xâm lăng hay đô hộ đem về Trung Quốc. Điều này đã xảy ra trong thời quân Minh xâm lăng nước ta khi vua Minh hạ lệnh cho Trương Phụ và các tướng tá của ông này “tìm tòi dò hỏi những người ẩn dật ở núi rừng, có tài, có đức, thông suốt năm kinh, văn hay, học rộng, thạo việc, am hiểu thư toán, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, chăm làm ruộng, tướng mạo khôi ngô, gân sức cứng rắn, cùng những người hiểu biết nghề cầu cúng, làm thuốc, xem bói, dều đưa sang Kim Lăng, sẽ trao cho quan chức, rồi cho về trấn trị các phủ, châu huyện”.xv Lệnh này phải được hiểu là nhằm thâu góp nhân tài của Đại Việt để phục vụ cho thiên triều ở Trung Quốc hơn là để sau này cho về phục vụ trong ngành hành chánh ở Đại Việt vì nếu cho họ phục vụ ngay tại Đại Việt, cần gì phải đưa họ về Kim Lăng, đường xá vừa xa xôi, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Đưa về phục vụ ở Đại Việt chỉ là miếng mồi không hơn, không kém, giữ họ lại Trung Quốc để khai thác mới là chính. Một trường hợp điển hình cho chính sách tom góp và thu dụng nhân tài của nhà Minh đương thời là trường hợp của Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quý Ly. Bị bắt đưa về Tàu nhưng Nguyên Trừng đã không bị ghép tội và bị xử cực hình vì ông đã bằng lòng đem tài riêng của mình, tài chế súng thần cơ, và sự hiểu biết của mình về tình hình Đại Việt ra giúp cho nhà Minh hay cung cấp cho nhà Minh những chỉ dẫn cần thiết để diệt nhà Hậu Trần, trái lại, ông đã được trọng dụng, làm quan đến chức á khanh, công bộ tả thị lang và đã được pháo binh Trung Quốc thời đó kính trọng và sau này tế như là thánh tổ của họ. Nói cách khác, người Tàu luôn luôn có chính sách thu góp mọi thứ ở chung quanh về làm giàu cho xứ họ. Đối với họ, nước họ phải là nhất, các nước chung quanh không được phép hơn họ. Do đó cái gì có giá trị họ thu góp hết, trong đó có sự hiểu biết, có sách vở, có các sản phẩm nghệ thuật, có văn chương, thơ phú... Thu góp và để nguyên như vậy hay sửa đổi đi nhưng tất cả đều phải trở thành di sản văn hóa riêng của họ, điều sau này họ tiếp tục làm, người Nhật cũng làm và người Mỹ, người Anh, người Pháp cũng làm; nhưng không thời nào, không người nào có mưu toan thâm độc và tàn bạo như người Tàu dưới thời nhà Minh xâm lăng Đại Việt. Hậu quả là từ sau thời Minh thuộc, người Việt không bao giờ có được những vinh quang đáng nể đối với người ngoài, đáng hãnh diện cho chính mình như thời trước đó nữa.
Phạm Cao Dương
Kỷ niệm Ngày Giỗ Trận Đống Đa năm Nhâm Thìn 2012
i Dựa theo phần “Văn Tịch Chí”, trong Lịch Triều Hiến Chưong Loại Chí của Phan Huy Chú, các nhà san định bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục liệt kê các tác phẩm “mà người Minh tịch thu mất” như sau:
Tên sách Số quyển/bộ Tác giả/Soạn thời các vua
Hình Thư 3 quyển Lý Thái Tông
Quốc Triều Thông Lễ 10 quyển Trần Thái Tông
Hình Luật 1 quyển Trần Thái Tông
Kiến Trung Thường Lễ 10 quyển Trần Thái Tông
Khóa Hư Tập 1 quyển Trần Thái Tông
Ngự Thi 1 quyển Trần Thái Tông
Di Hậu Lục 2 quyển Trần Thánh Tông
Cơ Cừu Lục 1 quyển Trần Thánh Tông
Thi Tập 1 quyển Trần Thánh Tông
Trần Triều Đại Điển 2 quyển Trần Dụ Tông
Trùng Hưng Thực Lục 2 quyển Trần Nhân Tông
Thi Tập 1 quyển Trần Nhân Tông
Thi Tập 1 quyển Trần Minh Tông
Thủy Vân Tùy Bút 2 quyển Trần Anh Tông
Bảo Hoà Điện Dư Bút 8 quyển Trần Nghệ Tông
Thi Tập 1 quyển Trần Nghệ Tông
Binh Gia Yếu Lược 1 bộ Trần Hưng Đạo
Vạn Kiếp Bí Truyền 1 bộ Trần Hưng Đạo
Tứ Thư Thuyết Ưóc 1 bộ Chu Văn Trinh
Tiều Ẩn Thi 1 tập Chu Văn Trinh
Sầm Lâu Tập 1 quyển Uy Văn Vương
Trần Quốc Tuy (Toại)
Lạc Đạo Tập 1 quyển Chiêu Minh Vương
Trần Quang Khải
Băng Hồ Ngọc Hác Tập 1 quyển Trần Nguyên Đán
Giới Hiên Thi Tập 1 quyển Nguyễn Trung Ngạn
Hiệp Thạch Tập 1 quyển Phạm Sư Mạnh
Cúc Đường Di Thảo 2 quyển Trần Nguyên Đào
Thảo Nhàn Hiệu Tần 1 quyển Hồ Tôn Thốc
Việt Nam Thế Chí 1 bộ Hồ Tôn Thốc
Việt Sử Cương Mục 1 bộ Hồ Tôn Thốc
Đại Việt Sử Ký 30 quyển Lê Văn Hưu
Nhị Khê Thi Tập 1 quyển Nguyễn Phi Khanh
Phi Sa Tập 1 quyển Hàn Thuyên
Việt Điện U Linh Tập 1 quyển Lý Tế Xuyên
Tất nhiên đây chỉ là những tác phẩm được tập trung lại thành sách. Chỉ cần đối chiếu với danh sách các tác phẩm được Lê Quý Đôn ghi trong phần “Nghệ Văn Chí” thuộc tác phẩm Đại Việt Thông Sử người ta thấy còn nhiều sách khác đã bị mai một mà các cụ đã bỏ qua không ghi ra hết, chẳng hạn như Hoàng Tông Ngọc Diệp, 1 quyển, soạn năm thứ 17 đời Lý Thái Tổ (1026); Quốc Triều Thông Chế , 20 quyển,soạn trong thời Trần Thái Tông, Công Văn Cách Thức thời Vua Trần Anh Tông, năm 1299 , Nam Bắc phân Giới Địa Đồ, thời Vua Lý Anh Tông, năm 1147… Còn nhiều tài liệu rời thuộc các sinh hoạt chính trị, hành chánh, giáo dục, văn chưuơng, thi ca… có giá trị khác cũng đã bị tiêu hủy hay bị Quân Minh lấy mất, tiêu hủy hay đem về Tàu. Xin xem thêm: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, bản dịch của Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1998, tr. 765-767; Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn Toàn tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử,bản dịch ncủa Ngô Thế Long. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 103-113; Lệ ThầnTrần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 212-213.
ii Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, Nguồn Tư Liệu Văn Học Sử Học Việt Nam, Tập II. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 26-30; Lại Nguyên Ân, Từ Điển Văn Học Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1999, tr. 734-35.
iii Phạm Cao Dương, “Chung quanh hai chữ Văn Hiến trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Đệ Nhất Công Thần Triều Lê: Nguyễn Trãi”, trong Đại Học Văn Khoa Saigon, Tập I. Huntington Beach: Dòng Việt, 1999, tr. 77-80.
iv Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Văn Học, Thơ Văn Lý-Trần, Tập III. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 196.
v Lời phê của Vua Trần Nhân Tông về việc Trần Anh Tông phong thưởng quá nhiềuquan tước. Nguyên văn:”Một nước to bằng bàn tay, mà sao lại có triều ban nhiều như thế này!” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã dẫn, tr.589; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, bản dịch của Hoàng Văn Lâu. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 103-104.
vi Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử, “Nghệ Văn Chí” , bản dịch của Ngô Thế Long, đã dẫn, tr. 100-101.
viii Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật, 2000, tr. 754-755.
xi Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , năm Quang Thái thứ 5 thời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có dâng lên vua sách Minh Đạo gồm có 14 chương trong đó ông đã đưa ra nhiều nhận định mới và độc đáo. Đại khái “ông cho Chu Công là Tiên Thánh, Không Tử là Tiên Sư, ở Văn Miếu để Chu Công ở chính giữa, nhìn về phương nam, Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây, sách Luận Ngữ có bốn chỗ đáng ngờ, cho Hàn Dũ là đạo nho, cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử, tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo việc cóp nhặt văn chương người xưa.” Những nhận xét này bị Ngô Sĩ Liên cho là “khinh suất bàn về ngài (Khổng Tử) thì thục là không biết lượng sức mình. Ta không biết lý luận của Quý Ly là như thế nào vì sách này không còn nữa nhưng dù sao nó cũng chứng tỏ lối học của họ Hồ là có suy nghĩ, phê bình chứ không máy móc, thụ động như sau này. Còn Vua Tự Đức thì cho rằng những nhận định này chưa phải đã hoàn toàn sai. Ngoài Minh Đạo, Quý Ly còn làm Quốc Ngữ Thi Nghĩa và viết bài Tựa để dạy cho các cung nữ Sách này cũng có điểm đặc biệt là tác giả phần nhiều đã chép theo ý mình chử không theo tập truyện của Chu Tử. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, đã dẫn, tr. 184-185, 190. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển Thứ XI, đã dẫn, tr. 688-689.
xii 1292-1370. Ngoài vai trò của một sư biểu của Việt Nam, Chu Văn An còn là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước, Tiều Ẩn Thi, Thanh Trì Quang Liệt Chu Thị Di Thư, Quốc Ngữ Thi, Thất Trảm Sớ.
xiii Tác giả khuyết danh đời Trần, Thế kỷ XIV, Việt Sử Lược, bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1960.
xiv Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh. Saigon: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr.24.
Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012
CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ MỚI CỦA MỸ TẠI THÁI BÌNH DƯƠNG
Đinh
Xuân Quân
Trong nhiều bài viết trước đây trên Diễn Đàn Thế kỷ 1/, tác giả có nói khủng hoảng tại Biển Đông là một tranh chấp Mỹ-Trung và trong tranh chấp này, Mỹ cần các nước có liên hệ chiến lược để dễ có thể tham gia vào Biển Đông.
Trong nhiều bài viết trước đây trên Diễn Đàn Thế kỷ 1/, tác giả có nói khủng hoảng tại Biển Đông là một tranh chấp Mỹ-Trung và trong tranh chấp này, Mỹ cần các nước có liên hệ chiến lược để dễ có thể tham gia vào Biển Đông.
Đối với các
nước ASEAN, năm 2010 đã có nhiều biến cố và vận đồng
hành lang giữa Mỹ, ASEAN và ASEAN với Trung Quốc, nhất là
nước này có hành vi càng ngày càng hung hăng 2/.
Theo GS Thayer thì trong 2010, có căng thẳng giữa Trung Quốc
và Mỹ, Mỹ trở lại ĐNÁ và Trung Quốc có thái độ
hung hăng tại Biển Đông. Ngoại tường Clinton đã tuyên
bố tại Hanội vào tháng 7 năm 2010 tại diễn đàn châu Á
rằng bản thân Washington có "lợi ích quốc gia"
trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực và tự do
đi lại bình thường trên vùng biển. Bài của GS Thayer có
cho thấy nhiều chi tiết về các đàm phán hành lang trong
2010 và nó đã mang tới chiến lược mới cũa Mỹ tại
Thái Bình Dương.
Trong
năm 2011 thì thái độ Trung Quốc đã khiến cho không những
các nước ASEAN mà còn Nhật, Ấn và Úc có thái độ
thiên về Mỹ hơn. Vấn đề Biển Đông đã được đưa
ra tranh cãi tại Bali mặc dù có sự chống đỡ của TQ.
Thủ Tướng Ôn Gia Bảo phải có thái độ ôn hoà. Tại
đây, Nhật đã làm việc với các nước ASEAN. Kể từ
đó, Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ quân sự và tiến hành
tập trận chung với các nước đang có tranh chấp với
Trung Quốc, chẳng hạn như Philippines, Singapore, Australia,
Ấn Độ, v.v. và đây là một phần trong kế hoạch mở
rộng dài hạn đầu tiên cho sự hiện diện của quân đội
Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đầu năm 2012
Tổng thống Barack Obama đã đến Ngũ Giác Đài công bố
chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Hướng chủ
đạo của chiến lược này là giảm lực lượng nhưng
vẫn duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ tại Á Châu –
Thái Bình Dương. Bản phúc trình 3/
của Lầu Năm Góc nêu các ưu tiên cho Á châu. Mặc dù
không nêu đích danh, nhưng chiến lược quân sự của Hoa
Kỳ nhắm vào Trung Quốc đang thách thức vai trò cường
quốc Châu Á Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang nắm giữ.
TT Obama nhắc là Hoa kỳ sử dụng tất cả các phương
tiện không những quân sự mà còn là ngoại giao, phát
triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội. Trung Quốc
ứng dụng chính sách chống tiếp cận mà giới quân sự
gọi là anti-access/area denial (A2/AD) hay là việc thiết lập
các vùng nhằm mục tiêu chống lại các cuộc tấn công
của đối thủ (để đối phó các trường hợp hàng
không mẫu hạm Hoa Kỳ được huy động tham gia xung đột).
Để đối phó, Hoa kỳ sẽ đầu tư vào tất cả những
gì cần thiết để chống chính sách chống tiếp cận của
Trung Quốc bằng khả năng quân sự.
Ngày
27/01/2012, Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario
tuyên bố Manila sẽ chấp nhận sự hiện diện quân sự
lớn hơn của Mỹ để giúp nước này bảo vệ quyền lợi
và bảo đảm hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh căng
thẳng với Trung Quốc gia tăng.
Bản phúc
trình 4/
của Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ
(Trung tâm Nghiên cứu vì nền An ninh mới của Hoa Kỳ -
Center for a New American Security – CNAS) thúc giục gia tăng
sức mạnh hải quân để bảo vệ tự do giao thông ở
Biển Đông và giúp Đông Nam Á bảo vệ độc lập. Bản
báo cáo dài 115 trang kêu gọi Mỹ tăng số lượng tàu
chiến từ 285 chiếc lên 346 chiếc và theo Giám đốc
Chương trình Patrick Cronin thì: “Can dự ngoại giao và
kinh tế với Trung Quốc và những nước khác sẽ tốt hơn
khi được hỗ trợ bởi một lực lượng quân sự đáng
tin cậy.”
Bản
báo cáo của CNAS được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ
Obama công bố chiến lược quốc phòng mới - "tái cân
bằng" lực lượng quân sự toàn cầu của Mỹ "đối
với khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Các tác giả
của Báo cáo của CNAS cho rằng Mỹ cần phải làm nhiều
hơn nữa để bảo đảm với các nước nhỏ rằng Hoa kỳ
sẽ đứng về phía họ cho dù rất có thể Trung Quốc sẽ
nhanh chóng mở rộng khả năng quân sự và hải quân của
mình. Các tác giả đề nghị 5 biện pháp:
- Hoa kỳ phải tăng hải quân lên đến 346 chiến hạm;
- Hoa kỳ cần có một mạng lưới an ninh – quân sự với nhiều quốc gia bạn có khả năng;
- Hoa kỳ phải đặt mục tiêu an ninh và hoà bình tại Biển Đông qua việc giải quyết tranh chấp đa phương dựa trên luật quốc tế mà không khiêu khích TQ;
- Hoa kỳ cần tăng trưởng kinh tế thương mại với vùng;
- Hoa kỳ cần có một chính sách đúng đắn – nghĩa là chính sách kinh tế - ngoại giao được hỗ trợ bằng sức mạnh quân sự và kinh tế, ủng hộ hợp tác và luật quốc tế – tránh tranh chấp quân sự nhưng có thể có tranh chấp ngoại giao.
Việc
tăng cường quân sự tại Biển Đông và quyết tâm củng
cố thế mạnh quân sự tối ưu của Mỹ không phải vì
mục đích tấn công Trung Quốc mà Mỹ chủ trương hợp
tác “kinh tế và ngoại giao”
với
Trung Quốc với điều kiện là Hoa Kỳ là “siêu cường
lãnh đạo” tại châu Á Thái Bình Dương. Song song
với chiến lược này Mỹ cũng tăng cường hợp tác
thương mại qua hiệp ước tự do mậu dịch TTP Xuyên Thái
Bình Dương, cùng với vấn đề nhân quyền.
Các
tài liệu trên không đi vào chi tiết, nhưng dựa vào những
nét đại cương đó, ta có thể hiểu chính sách Mỹ như
thế nào?
Chiến
lược của Mỹ
Bản
báo cáo chiến lược quân sự đi song song với các điều
chỉnh về ngân sách quốc phòng và sẽ được công bố
trong vài tuần tới.
Theo
chiến lược mới thì Mỹ sẽ tiến tới một quân đội
nhỏ, gọn nhưng linh hoạt để phục vụ cho việc nâng
cao vai trò của quân đội Mỹ tại châu Á, trong khi vẫn
duy trì sự hiện diện hải quân mạnh mẽ ở Trung Đông.
Quân đội Mỹ sẽ chuẩn bị cho việc làm thất bại bất
cứ một nỗ lực nào của Iran trong việc đóng eo biển
huyết mạch Hormuz, cũng như sẵn sàng đối phó trước
tham vọng của Trung Quốc với các vùng nước quốc tế
trên Biển Đông.
Các
nhà chiến lược quốc phòng Mỹ đã đưa ra thuyết quân
sự mới về kết hợp các lực lượng hải-không chiến
làm giảm hữu hiệu của chiến lược Trung Quốc gọi là
anti-access/area denial (A2/AD). Việc điều chỉnh quân sự
của Mỹ sẽ mở đường cho việc giảm số quân đóng
tại nhiều nơi trên thế giới như tại châu Âu.
Ngày
26/01/2012, BT quốc Phòng Leon Panetta5/
cho biết là dự kiến ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm
2013 sẽ vào khoảng 525 tỷ đôla, thấp hơn 2012 đã được
thông qua. Lục quân bị cắt 70.000 người, Thủy quân
lục chiến 20.000 người. Theo ông thì quân đội sẽ “là
một quân đội gọn nhẹ hơn, nhưng linh hoạt, uyển
chuyển, triển khai nhanh chóng hơn và tiên tiến hơn trên
mặt công nghệ’’ và chỉ có Châu Á và Trung Động là
ưu tiên.
Trung Quốc
cũng thấy đây là Mỹ “bao vây” họ vả dĩ nhiên sẽ
không ngồi yên 6/.
Việc cạnh tranh kinh tế, thương mại và quân sự đã
được thể hiện qua các cuộc họp WTO, họp về khí hậu
và về tài chính với G20.
NT Clinton có
nói là sẽ siết chặt quan hệ với đồng minh (Nhật, Nam
Hàn, Taiwan, Philippines, Singapore và Úc) và cũng có quan hệ
với các nước khác như Ấn, Indonesia kể cả đối với
VN. [Về phần VN 7/
nhà phân tích Robert Karniol, vừa có bài nhìn nhận 'VN đang
chuẩn bị để bảo vệ tốt hơn đòi hỏi chủ quyền
của mình trên Biển Đông'. Ông cho rằng VN đang học kinh
nghiệm của chính nước láng giềng Trung Quốc trong chiến
lược quân sự đối với Đài Loan. Theo ông, Trung Quốc
đang phát triển một chiến thuật riêng để đối trọng
với Hoa Kỳ gọi là phương thức chống tiếp cận hay
anti-access/area denial (A2/AD). Theo ông Robert Karniol, VN đang
ứng dụng chiến thuật của Trung Quốc. Theo ông thì VN
mua các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK và chiến hạm lớp
Gepard của Nga chính là để tăng khả năng chống tiếp
cận (A2/AD) với chủ trương không chạy theo số lượng
mà chú ý đến tính năng].
Đối
với VN, về chính trị thì phái đoàn Thượng nghị sĩ
(TNS) Mỹ gồm John McCain (Arizona), Joseph Lieberman
(Connecticut), Sheldon Whitehouse (Rhode Island) và Kelly Ayotte
(New Hampshire) có mặt tại VN ngày 19/01/2012 còn có một số
vấn đề trước khi VN có thể trở thành đối tác với
Mỹ. Các TNS Mỹ không tin rằng sẽ hay cần có đối đầu
với Trung Quốc và TNS Joseph Lieberman cho rằng VN và Mỹ rõ
ràng có những mối quan ngại chung về việc Trung Quốc
khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. "Đây
là điều không chấp nhận được đối với cả VN và
Mỹ", Theo vị thượng nghị sĩ bang Connecticut, việc
khẳng định chủ quyền phải thông qua biện pháp thương
lượng hòa bình hoặc thông qua luật pháp quốc tế.
Nhưng
nếu nghiên cứu kỹ các tài liệu thì mặc dù lúc nào
quân đội Mỹ cũng sẵn sàng cho mọi tình huống, ta có
thể thấy là lúc nào Mỹ cũng để cửa ngỏ cho Trung
Quốc. Chiến lược quân sự của Mỹ cũng thấy là việc
trổi dậy của Trung Quốc cũng được coi với cặp mắt
nghi ngờ - e dè của Ấn Độ, Nhật và Úc. Việc này cũng
sẽ giúp Mỹ trong chiến lược quân sự và Mỹ sẽ ở
thế mạnh để kềm TQ hầu tránh
một cuộc phiêu lưu quân sự có thể xẩy ra từ phía
Trung Quốc tại Biển Đông hay tại Thái Bình Dương. Với
chiến lược quân sự kinh tế (TPP) và ngoại giao, Trung
Quốc sẽ khó mà “trục xuất” Mỹ khỏi Thái Bình
Dương.
Tạm
kết:
Mỹ
dàn binh, bố trận, lúc nào cũng sẵn sàng, liên kết thêm
đồng minh. Họ cũng không có ý định chiến tranh với
Trung Quốc. Chiến lược quân sự của Mỹ là họ sẽ ở
thế mạnh hầu kềm TQ. Mục tiêu là Mỹ và đồng minh
của họ muốn đưa Trung Quốc đi đến một giải pháp an
ninh và hoà bình qua hợp tác ở Biển Đông và Thái Bình
Dương.
TS
DXQ
2/
Carlyle A. Thayer, Southeast Asian Affairs 2011, The US, China and
South East Asia, Institute of Southeast Asian Studies
4/
Patrick
M. Cronin and Robert D. Kaplan: “ Cooperation from Strength: US
Strategy in the South China Sea”, Center for a New American
Security, Jan 2012
Ceration from Strength
The
United States, China and the South China Sea
COOPERATION FROM STRENGTH: U.SRATEGy AND THE SOUTH CHINA SEA
5/
Reuters 26/1/2012
6/
Gideon
Rachman “The
End of the Win-Win World
-
Why
China’s rise really is bad for America and other dark forces at
work.”
24/1/2012
7/
BBBVietnamese.com, “Chiến thuật giữ Biển Đông của Việt
Nam” - thứ hai, 16 tháng 1, 2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)