Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

ĐÔI DÒNG ĐIỂM SÁCH CỦA CÁC NHÀ VĂN HỌC NGUYÊN SA VÀ ĐẶNG TIẾN VỀ THƠ TRẦN VĂN NAM

Trần Văn Nam ghi lại

I/ Trích lại bài tựa của thi sĩ NGUYÊN SA:  
Tình yêu trong thơ Trần Văn Nam là một tình yêu lớn (1). Nếu so với âm thanh, tình yêu đó là một bản hòa tấu (2), nếu mượn màu sắc để so sánh, tình yêu trong thơ Trần Văn Nam hiện ra như một cầu vồng ngũ sắc (3). Hình ảnh thiên nhiên có thật nhiều trong thơ Trần Văn Nam, bởi lẽ nhà thơ có một phần trái tim dành cho những cánh đồng thơ ấu của quê hương cũ, có những khu rừng thâm sâu kỷ niệm (4), có những biển mênh mông khi đe dọa, lúc an ủi ngày dứt áo ra đi (5). Những khúc nhạc lên tới đỉnh cao cảm xúc trong thơ Trần Văn Nam là tình yêu đam mê cất dấu trong những khu vườn êm đềm nhất của nội tâm (6). 


Quê hương Trần Văn Nam: Độ chừng bốn chục năm xưa / Cây xoài con két buổi trưa đường làng/ Thôn Phong Thạnh, vùng Nha Trang/ Xa xôi như đã qua sang cõi nào/ Kêu trong vòm lá xanh cao/ Bóng chim biền biệt bay vào hư không (Phong Thạnh, tỉnh Khánh Hòa, là quê hương cha kế của Trần Văn Nam, T.V.N ghi chú – Bài thơ này sáng tác năm 1988). Xa hơn quê hương Nha Trang là quê hương Bến Tre: Suốt một đời vẫn thấy nước trường giang/ Chuyến phà quanh co, bãi cồn bát ngát  (Bến Tre là quê mẹ;  Gia Định, quê cha. T.V.N.  ghi chú). Và hôm nay, trong cuộc đời tha hương, đầy ắp trong hồn Trần Văn Nam là quê hương Việt Nam, vì: Xứ này thâu hẹp núi sông/ Nghe tàu đêm chạy lòng không nỗi niềm/ Gối chăn, tàu đến tiếng rền/ Ngỡ toa hạng nhất xuôi miền quê xưa (Trích bài: Ngủ Đêm, Nghe Tàu Chạy) Việt Nam, quê hương đa dạng trong thơ đó, biển cũng muôn màu. Người thơ giao động cực kỳ mãnh liệt trong ngày đi: Ngày đi nằm dưới sàn tàu/ Cảm nghe trăm dặm trên màu biển xanh/ Hồi lâu đảo mắt ngó quanh/ Rặng bần Tổ Quốc sắp thành phôi pha… Nhưng rồi những xúc động đến từ rời đổi biệt ly của biển ngày đi cũng tan đi, nhường chỗ cho biển muôn đời:                                                          
Bản hòa tấu biển trời xanh muôn thuở/ Như loài người hát mãi khúc tình ca. Biển là một hình ảnh đậm nét trong thơ Trần Văn Nam. Cũng vậy, âm nhạc trong thơ của tác giả “MỘT ĐÊM CHO THƠ, TÌNH VÀ ÂM NHẠC” sáng chói. (Một Đêm Cho Thơ, Tình, Và Âm Nhạc là nhan đề Tập Thơ của Trần Văn Nam do ĐỜI xb.năm 1991 tại Nam California). “Ảo Giác Trong Bản Đàn Độc Tấu” là một bài thơ độc đáo (Bài thơ này cảm hứng do hình ảnh trên TV chiếu một nhạc sĩ độc tấu Tây Ban Cầm, thỉnh thoảng lại có bóng mờ của người tình dứt áo ra đi, và nàng bước đi trên những giây đàn phóng-đại. Ghi chú của T.V.N.): Ngón tay bấm, và ngón rung, ngón vuốt/ Mưa âm thanh trên mấy sợi tơ đồng/ Đường giây đàn thành đại lộ mênh mông/ Có bóng em cùng anh đi chung bước/ Những dấu nhạc ký âm qua lướt thướt/ Cũng biến thành hoa đẹp áo em bay/ Trên đường xưa, vạt áo em tròn xoay/ Đã gói trọn hồn anh thời tuổi trẻ/ Anh gõ nhịp trên thân đàn nhè nhẹ/ Lại thấy em nhảy múa điệu tình ca/ Tiếng vỗ xập xình là nhịp đập tim ta/ Gót chân em dặt dìu trong xa vắng/ Duy chỉ có tiếng em là im lặng/ Không nghe gì trong hiện tại cô đơn/ Vì em đi đã cách mấy năm tròn/ Bỏ lại anh những chiều buồn độc tấu.Âm nhạc ở đó, biển ở đó, vì tình yêu ở đó. Bất kể bối cảnh, dù cây xăng, dù Parking Lot. Cây xăng, Parking Lot là những bối cảnh đời; biển và nhạc là những bối cảnh tâm tư cho một tình yêu giản đơn, vẻ ngoài trầm lặng nhưng thực chất cực kỳ mãnh liệt. Bài “Cây Xăng 24 Giờ” của Trần Văn Nam (thử thi-hóa một cảnh-vật đô-thị. Ghi chú của T.V.N.): Nếu như em ngại lỡ đường/ Xe xăng cạn lúc phố phường ngủ mơ/ Trạm xăng hai mươi bốn giờ/ Suốt đêm đèn sáng sẽ chờ đôi ta/ Freeway sát bóng trăng tà/ Đường khuya khắn khít anh và bóng em”.“Parking Lot Ở Trên Cao” cũng rất tới (cũng thử thi-hóa một cảnh-vật đô-thị): Tiễn em ra tận phi trường/ Về phương trời khác, trùng dương cõi ngoài/ Parking Lot cách xa đời/ Lấy xe về chốn một thời ái ân/ Trên cao xe chạy xuống dần/ Theo vòng trôn ốc, tâm thần quẩn quanh. Biển và  trời, âm nhạc, quê hương và tình yêu, trong thơ Trần Văn Nam, qua những nối tiếp đổi dời, qua những khác biệt dạng thức, trước sau, vĩnh viễn Trần văn Nam. Thơ Trần Văn Nam không giống thơ ai. Nó là Trần Văn Nam. Nghệ thuật trong một phạm vi, chính là tác phẩm mang dấu ấn độc đáo của tác giả. 

NGUYÊN SA                                                                                                                                       Irvine, California, 1991 

Ghi Chú -Lời Tựa của Thi sĩ Nguyên Sa có ý liên hệ đến các bài thơ sau đây của Trần Văn Nam trong Tập Thơ kể trên:  1/ bài Cây Đàn Của Ta; 2/ bài Tình Như Biển Xanh Muôn Thuở;  3/ bài Ngũ Sắc Cầu Vồng (tức Cầu Vồng  HóaThân); 4/ bài Ấn Tượng Cánh Đồng Đầy Kên Kên; 5/ bài Khi Vào Hải Phận Thái Lan; 6/ bài Nhạc và Truyện.

II / ĐẶNG TIẾN năm 1963, trong Tạp chí Tin Sách (1), điểm Tập Thơ của Trần Văn Nam:
Trần Văn Nam xuất bản một tập thơ có cái tên hơi khác thường (nhan đề: Tập Thơ Độc Nhất) vì “sau khi xuất bản tập thơ này, tác giả tự nguyện sẽ vĩnh viễn không bao giờ làm thơ nữa”. Nhưng trong quyển gửi tặng tôi, anh tự ý xóa những giòng này. Anh đổi ý chăng? Thật ra, anh có làm thơ nữa hay không, điều đó ít ai cần biết; vấn đề là tác phẩm hiện thời của anh hay hoặc dở, chỉ có thế. 

 Tập thơ chia làm ba phần: Thơ và Triết Học – Thơ và Giai Đoạn – Thơ và thơ. Tác giả cho phần đầu là quan trọng nhất, là “phần chính”. Đáng lý ra phần nào là chính, phần nào là phụ, nên để cho độc giả phê phán và thời gian xác nhận, tùy theo tiêu chuẩn nghệ thuật từng người và từng giai đoạn. Trong phần “Thơ và Triết Học”, tác giả  nhắm “diễn tả triết học qua thi ca, nhắm đưa ra một vài tư tưởng trừu tượng vào nghệ thuật gợi hình”. Một tham vọng hơi to tát, vì triết học diễn tả bằng ngôn ngữ triết học đã là một chuyện khó. Đọc “Thơ và Triết học” của Trần Văn Nam, tôi bắt gặp những hình ảnh, những âm điệu của thi ca xuất hiện với tác giả sau khi tác giả chung đụng với triết học; và sự liên hệ giữa Thơ và Triết Học chỉ là những sợi tơ mỏng manh, kín đáo. Nhờ vậy, đọc những bài “thơ và triết học” của Trần Văn Nam, độc giả có những cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát. Những vần điệu êm ái luân lưu đều hòa như một giòng sông giữa đồng bằng (2). Tuy làm thơ xuôi, Trần Văn Nam giữ nhịp thơ chừng mực, xử dụng bằng trắc rất điều hòa. Hình ảnh phần nhiều quen thuộc và tươi mát.

Sang đến “Thơ và Giai Đoạn”, người đọc bắt gặp thuần một lối thơ thất ngôn cổ kính. Ở đây không còn tiếng sóng của trường giang vỗ vào kẽ đá, mà là tiếng sáo êm ả, mơ hồ từ xa xưa vọng lại. Không khí ở đây là cảnh rừng trong trăng mờ, cảnh biển dưới trời sao, mênh mông xa vắng, tựa hồ như cảnh mộng. Tình cảm ở đây là nỗi bâng khuâng bàng bạc, nhẹ như mây bay, êm như cơn gió rung rinh đầu ngọn cỏ, mờ ảo như lớp sương đèo mỏng mảnh (3):                                                                                
Từ thuở  dừng chân ở lại đây/ Biển xanh giải rộng vào chân mây/ Chiều hôm cát bãi dài xa thẳm/ Từng vũng hoàng hôn phủ xuống đầy.

Muôn thuở  trùng dương chẳng nói gì/ Trông vời sương bạc phủ ngang mi/ Người xa biết đến bao giờ lại/ Người ở khi nào mới bỏ đi…                                                                        

Vũ trụ mơ hồ ấy không phải chỉ có một chiều rộng xa xăm, mà còn một chiều sâu huyền bí:  Từ những nơi nào ở cõi âm/Trong làn mưa bụi bay lâm râm/ Hồn ma đắm bể còn trôi nổi/ Thây vướng vào chân những đá ngầm.

Đã vạn năm chìm trong bể loang/ Đâu đoàn thủy thủ những đêm hoang/ Đâu hồn hải khấu thời sơ cổ/ Sương trắng mờ trên vạt áo choàng.Thỉnh thoảng một hình ảnh đẹp thoáng qua, yên lặng thoáng qua:
Giờ đây bọt sóng là tham vọng/ Mặt nước ngàn trùng vẫn lặng thinh.

Toàn tập thơ quý ở chỗ tạo ra một khoảng im lặng chung quanh linh hồn độc giả. Một khoảng im lặng không lạnh lùng mà quạnh quẽ, không trống vắng  mà hoang sơ. Tôi bắt gặp lại không khí: Không gian như có giây tơ/ Bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tiêu… (của Xuân Diệu ngày nào). Người đọc sẽ mến thơ Trần Văn Nam, có thể mỗi người vì một lý do riêng. Nhưng chắc ít người mến Trần Văn Nam vì những “tư tưởng  triết học” (4). ĐẶNG TIẾN(Trích Tạp chí Tin Sách,  Sài Gòn, số tháng 3 năm 1963) 

Ghi Chú (1) Số báo này, nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm được ở Thư viện Đại Học Cornell ơ tiểu bang New York, và copy gửi tặng; (2) Bài điểm sách của ông Đặng Tiến có ý liên hệ đến bài thơ xuôi “Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ” trong “Tập Thơ Độc Nhất”; (3) Những cảnh sắc trên có ý liên hệ đến các bài thơ: “Về Thị Thành - Đại Lộ Hoàng Hôn – Niềm Im Lặng Của Trùng Dương – Tiếng Sáo Trương Chi”; cũng trong tập thơ ấy (4) Thực sự tác giả có chủ-đích muốn sáng tác “văn-ảnh  theo thể thơ-văn-xuôi”sau khi chung đụng với triết học, không nghiêng nhiều về tư tưởng.

TRẦN VĂN NAM , Ghi lại và thêm những ghi chú. City of Walnut, tháng 12 năm 2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét