Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011
CHỈNH-HUẤN
Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Bản dịch: Mạc Định
Chương 11
Người đầu tiên muốn mang phương-pháp Chỉnh-huấn của Trung-cộng áp-dụng tại Việt-nam là Thiếu-tướng Nguyễn-Sơn, hồi 1948, làm Khu-trưởng Khu 5 (từ Thanh-hóa đến Thừa-thiên). Trong khoảng hai mươi năm về trước, Nguyễn-Sơn là cán-bộ quân-sự cao cấp của Hồng Quân Trung-Hoa. Ông là người tính-khí rất đặc-biệt và đã sống một cuộc đời vô cùng gian lao. Nhờ vậy mà ông đã được Trung-cộng suy-tôn là “Anh-hùng Dân-tộc của Trung quốc” và xuýt nữa ông đã trở thành Tito của Việt-Nam.
Nhắc đến nhân vật kỳ lạ này, chúng tôi tưởng nên nói qua về đời sống rất "Từ Hải" của ông ta. Nguyễn-Sơn, tên thật là Vũ-văn-Bác, sinh tại làng Kiêu-Kỵ, huyện Gia-Lâm, tỉnh Bắc-Ninh, nhưng ở bên Tầu ông lấy tên là Hồng-Thủy. Con một nhà nho có tham-gia phong trào Ðông-Kinh Nghĩa-thục, ông được vào học trường sư-phạm Hà-Nội, và đang học giở, năm 1925, ông tham-gia phong-trào Bãi-khóa, năm 1925. Bị mật-thám tầm nã, ông trốn sang Tầu và được thu nhận vào Trường Chính-trị Quân-sự Trung-ương tại Hoàng-phố. Vừa tốt-nghiệp xong thì xảy ra vụ Quảng-châu Công-xã. Ông là người Việt Nam duy-nhất tham-gia phong-trào này và từ ngày ấy trở thành đảng-viên Ðảng Cộng-sản Trung-hoa.
Ông được nổi tiếng về tài lãnh-đạo quân-sự trong cuộc Vạn-lý Trường-chinh (1934-36) và sau đó, ông được bổ-nhiệm làm tùy-tướng cho Bành-đức-Hoài, chỉ-huy trưởng Ðệ-Bát Lộ-Quân của Trung Cộng. Nguyễn-Sơn là một trong bảy tướng còn sống sót của Quảng-châu Công-xã và một trong mười tám tướng còn lại của Vạn-lý Trường-chinh. Vì vậy nên năm 1949, sau khi Trung-cộng toàn thắng, ông được tuyên-dương là "Anh hùng Dân-tộc" của Trung-quốc.
Cuối năm 1945, Nguyễn Sơn còn đang ở Diên-An thì một hôm, ông gặp một ký-giả người Ca-nađa tới đấy, sau khi ghé qua Hà-Nội. Người này báo tin là Việt-nam đã tuyên-bố độc-lập, nhưng vì Pháp đang tấn-công mưu chiếm lại, nên toàn quốc đương có phong trào kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Ca-na-đa cũng thuật chuyện có gặp vị chủ-tịch của chính-phủ lâm thời, một ông già biết nói tiếng Anh tên là Hồ-chí-Minh. Ðoán chắc Hồ-chí-Minh là ông Nguyễn-Ái-Quốc, Nguyễn Sơn bèn xin các lãnh-tụ Trung-Cộng cho phép hồi hương giúp nước chống Pháp. Ông Mao-Trạch-Ðông khuyên Nguyễn Sơn nên ở lại giúp Trung Cộng cho đến ngày hoàn toàn thắng lợi vì theo lời ông Mao thì "tiền đồ của Việt-Nam gắn liền với sự thành bại của Cách mệnh Trung-Hoa". Nhưng vì Sơn cứ nằng nặc đòi về nên cuối cùng các lãnh-tụ Trung Cộng cũng chấp thuận cho về. Họ làm giấy tờ chứng nhận Nguyễn-Sơn và cả Nguyễn-khánh-Toàn, là nhân-viên phái đoàn Trung Cộng từ Diên-An xuống Trùng Khánh để điều-đình với Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc, rồi nhân dịp trốn xuống Hoa Nam, về Việt-Nam.
Vì quyết tâm rời bỏ hàng ngũ Trung Cộng để về nước kháng-chiến dành độc-lập, nên ngay từ khi ra về Nguyễn-Sơn đã bị Trung Cộng phê-bình là nặng về tinh thần quốc-gia, nhẹ về tinh-thần quốc-tế. Có lẽ ông Hồ chí-Minh cũng phê-bình Nguyễn-Sơn như vậy nên đầu năm 1946, khi Nguyễn-sơn về tới Hà-Nội, ông Hồ không thể tiếp và các lãnh-tụ Việt Cộng khác cũng tỏ vẻ lạnh nhạt. Nhưng vì Pháp tấn công mỗi ngày một mạnh ở miền Nam và một mặt khác, vì cộng-sản Quảng Ngãi bất chấp lệnh trên cứ giết chóc bừa bãi, nên ông Hồ phái Sơn vào Khu Năm (miền Nam Trung Việt) với nhiệm-vụ đình-chỉ cuộc chém giết lung tung và điều khiển công cuộc kháng-chiến chống Pháp. Sau đó ít lâu, Sơn được đổi ra Khu Bốn (miền Bắc Trung Việt) làm "Khu Phó" phụ-trách huấn luyện quân-đội. Chẳng bao lâu, khu-trưởng là Thiết-Hùng bị mất chức vì liên can vào một vụ buôn thuốc phiện lậu nên Nguyễn-Sơn được cử thay thế. Vì có hai mươi năm kinh-nghiệm hành quân, nên Nguyễn-Sơn được quân đội Khu Bốn hết sức mến phục. Ðồng thời vì có tâm hồn nghệ-sĩ và tận tâm giúp đỡ văn-nghệ-sĩ, nên Nguyễn-Sơn cũng được giới văn-nghệ hết sức hâm mộ. Nói chung vì có thành tâm yêu nước và có thực tài, rộng rãi và thân mến mọi người, nên Nguyễn-Sơn được mọi người quý trọng. Năm 1948, ông Hồ phong Võ-nguyên-Giáp làm đại-tướng và Nguyễn-Sơn làm thiếu-tướng, khiến Sơn khó chịu, vì Sơn vẫn chê Giáp "i-tờ" về quân sự. Sự thực thì Giáp chỉ là một sinh viên trường luật, được huấn-luyện qua loa về du-kích chiến trong một khóa do quân-đội Mỹ mở ở Tỉnh-Tây, hồi Thế-chiến Thứ Hai. Giáp được địa-vị cao chỉ vì Giáp được ông Hồ tin yêu, không phải vì Giáp có thực tài về quân-sự.
Tuy nhiên mối bất hòa lớn giữa Nguyễn-Sơn và các lãnh-tụ Việt-cộng không phải là vấn-đề kèn cựa địa-vị, mà là vấn-đề bất-đồng ý-kiến đối với chính-sách yêu cầu Trung Cộng viện-trợ. Nguyễn-Sơn hết sức phản đối việc yêu cầu Trung-cộng viện-trợ vì Sơn cho rằng hễ nhận viện-trợ của Trung-cộng thì sẽ mất hết chủ-quyền. Sơn viện lẽ rằng hồi chiến tranh chống Nhật, ông Mao không thèm yêu cầu Nga viện-trợ và để mặc Nga tiếp tế cho Tưởng-giới-Thạch. Theo Sơn thì nên tự-lực kháng chiến chống Pháp, đánh Pháp bằng võ-khí thu được của Pháp, tuy gian lao hơn nhưng không bị phụ-thuộc vào bất cứ một ngoại bang nào. Sau một cuộc thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình nhắm phía bắc, đi thẳng sang Trung-quốc. Vì được tôn là "Anh Hùng Dân Tộc" của Trung-quốc nên từ Lạng-sơn đến Bắc-Kinh, đi qua tỉnh nào, Sơn cũng được đón-tiếp trọng-thể. Nhưng ông Hồ đã đánh điện sang Bắc-Kinh, báo cáo với ông Mao là Sơn vô kỷ-luật, và đồng thời Võ Nguyên-Giáp cũng bắt toàn thể quân-đội Việt-minh phải học-tập một tài-liệu đặc-biệt, trong đó tả Sơn là một cán-bộ "điển hình xấu". Vì bị ông Hồ báo cáo nên lên tới Bắc-Kinh, Sơn phải đi chỉnh-huấn ngay tức khắc. Sau khi chỉnh-huấn, Sơn tình-nguyện đi học đại-học Quân-sự ở Nam-kinh, do chuyên-viên Nga dạy về chiến-thuật quân-sư hiện-đại. Năm 1956, Sơn bị ung-thư dạ-dày và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt-Nam. Hai ngày sau khi về tới Hà-Nội, Sơn chết và Võ-nguyên-Giáp phải đi đưa đám. Những người đã từng quen biết Nguyễn Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc-gia mặc dầu suốt đời tranh-đấu trong hàng ngũ Cộng-sản. Nếu không chết sớm, Nguyễn-Sơn có thể là một Tito Việt-nam.
Hồi còn làm Khu-trưởng Khu Bốn, Sơn có viết và xuất bản mấy cuốn sách nhỏ, nói về Chỉnh-Quân, Chỉnh-Phong và Chỉnh-Ðảng. Chỉnh nghĩa là chỉnh đốn tư-tưởng và tác-phong. Chỉnh-Quân dành riêng cho quân-đội ; Chỉnh-Ðảng dành riêng cho đảng-viên, và Chỉnh-Phong dành cho cán-bộ ngoài đảng. Nhưng vì hồi ấy Trường-Chinh và Võ-nguyên-Giáp ghét Nguyễn-Sơn nên không chịu nghe theo. Họ chỉ bắt chước những nét đại-cương để lập nên phong-trào Rèn Cán Chỉnh Cơ (Rèn luyện Cán bộ và Chỉnh đốn Cơ quan). Mãi sau này, sau khi Nguyễn-Sơn đã sang Tầu, và cố vấn Tầu sang Bắc Việt bày vẽ, Việt Cộng mới chịu áp dụng phương pháp "Cải tạo tư-tưởng" theo kiểu Trung Cộng, nhưng bao gồm cả Chỉnh Phong và Chỉnh Ðảng dưới hình thức mới, gọi là Chỉnh Huấn, nghĩa là cán bộ và đảng viên đều học chung một khóa, mặc dầu có những bài chỉ giảng riêng cho đảng viên.
Người ngoại cuộc thường hay nói đến danh từ "Tẩy não" và thường không biết có nhiều loại "tẩy não" khác nhau, nặng nhẹ tùy theo thành phần của đương sự. Hình thức nặng nhất là "Quản-huấn" dành riêng cho "địa chủ ngoan cố" ; hình thức vừa vừa, gọi là "cải-tạo" dành cho tù binh ngoại quốc. Các hình thức này đều nặng về khủng bố tinh thần, và nhẹ về thuyết phục. Chỉnh huấn thì trái lại, nặng về thuyết phục và tương đối nhẹ về khủng bố, vì mục đích chính của Chỉnh huấn là "thêm bạn bớt thù". Với phương pháp Chỉnh huấn, Cộng sản mưu cải tạo tư tưởng và tác phong của cán bộ với dụng tâm lôi kéo những phần tử còn hi vọng lôi kéo được.
Chỉnh huấn bắt đầu trở thành "quốc sách" năm 1949, sau khi Trung Cộng thành lập chế độ Dân Chủ Nhân Dân. Theo thường lệ, từ ngày ấy trở đi, mỗi lần Cộng sản thay đổi đường lối là một lần tất cả cán bộ chính quyền và đảng viên, từ bộ trưởng xuống đến thư ký hạng bét, phải đi chỉnh huấn để học tập chính sách mới của Ðảng.
Như Trường-Chinh đã nói rõ : "Mỗi công tác tư tưởng đều nhằm một mục tiêu chính trị". Như vậy nghĩa là chỉnh huấn nhằm sửa soạn tinh thần cán bộ trước khi thực hiện một chính sách mới, để đến khi thực hiện, cán bộ không phản-ứng và mọi việc được êm đềm. Nói chung thì chiến lược chỉnh huấn không khác một cuộc hòa nhạc, nhạc trưởng là Ðảng còn các nhạc công là đảng viên và cán-bộ. In hệt các nhạc công phải theo sát điệu bộ của nhạc trưởng, các cán bộ công tác cũng phải theo sát đường lối của Ðảng để hoạt động cho đúng nhịp. Những cán bộ khác không có trách nhiệm trực tiếp, cũng phải có thái độ lịch sự của thính giả, nghĩa là yên lặng ngồi nghe, không được la ó, chỉ trích.
Thực hiện một đường lối mới là một việc phức tạp, khó khăn, nhất là ở các nước chậm tiến, vì trình độ văn hóa và giác ngộ chính trị không đồng đều, nên thường có những phản ứng khác nhau, tùy theo trường hợp, hoàn cảnh và địa phương. Vì vậy nên Cộng sản bao giờ cũng nhắc nhở cán-bộ nên hết sức linh động. Linh động nghĩa là không được áp dụng chính sách một cách máy móc cứng rắn, mà trải lại phải biết dò trước đón sau, tùy cơ ứng biến. Vì cần phải linh động, nên Ðảng không thể gò ép, áp-dụng một thứ kỷ-luật quân-sự đối với cán bộ phụ-trách. Trái lại, Ðảng áp-dụng một chính sách tự-nguyện tự-giác, coi nhiệm vụ Ðảng giao phó như một nhiệm vụ thiêng liêng. Muốn gây cho cán-bộ một tinh thần như vậy, Ðảng phải giảng giải cho cán-bộ thấy rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác họ phụ-trách. Cán bộ phải tuyệt đối tin tưởng ở sự đúng đắn của chính sách và ở tài năng của giới lãnh đạo. Ðảng tổ chức chỉnh huấn cốt để thuyết-phục cán-bộ, đảng viên làm cho họ đinh ninh rằng chính sách của Ðảng hoàn toàn đúng và bao giờ cũng đúng. Ðôi khi Ðảng cũng phải thú nhận một vài sai lầm, nhưng mặc dù sai lầm Ðảng cũng cố gắng chứng minh rằng chủ nghĩa Mác Lê vẫn đúng và bao giờ cũng đúng. Chỉnh huấn còn nhằm mục đích giải thích cho cán bộ thấy rõ thay đổi đường lối là sự rất cần thiết. Ðảng lý luận rằng nếu không thay đổi, Cách Mạng sẽ thất bại, và thực dân đế quốc sẽ trở lại. Nhưng có nhiều cán-bộ, tuy vẫn thiết tha muốn học, nhưng không thể chấp nhận lối giải thích của Ðảng, vì trước đây không bao lâu, cũng một sự việc ấy, mà Ðảng đã giải thích một cách hoàn toàn khác, và đề ra một chính sách khác hẳn. Tỷ dụ, hồi Cách Mạng mới bùng nổ, Ðảng hứa rằng chính quyền sẽ do bốn giai cấp lãnh đạo : công nhân, nông dân, tư sản và tiểu tư sản. Về sau Ðảng lại nói chỉ có ba giai cấp được tham dự chính quyền : là công, nông và tiểu tư sản ; và sau cùng Ðảng lại nói chỉ có công, nông mới đủ tư cách nắm chính quyền, còn các thành phần khác đều là phản động hoặc không đủ khả năng.
Vì Ðảng cứ đưa ra rồi lại dìm đi những lời tuyên bố về đường lối chính sách, và thỉnh thoảng lại thay đổi nội dung những danh từ thường dùng, nên nhiều cán bộ đâm ra thắc mắc, nghi ngờ sự thành thực của đảng. Vì vậy nên mỗi lần Ðảng giải-thích một chính sách mới, cán bộ vẫn ngờ rằng đấy chưa phải là lời giải thích cuối cùng. Khi có một cán-bộ đi dự chỉnh huấn mà tỏ vẻ thắc mắc về chính sách của Ðảng, thì Ðảng thấy cần phải "đả thông tư tưởng" cho họ. Ðấy là nhiệm vụ thứ hai của Chỉnh huấn. In hệt một người thợ thông ống nước, việc đầu tiên của Ðảng là phải tìm xem cán bộ "tắc" ở chỗ nào. Muốn biết chỗ "tắc" Ðảng khuyến khích cán-bộ thành thật nói lên những thắc mắc, thành thật phê bình chính sách của Ðảng. Học viên các lớp chỉnh-huấn được phép nói "toạc" tất cả những khổ tâm từ lâu nay vẫn ủ ấp trong lòng. Ðảng trịnh trọng tuyên bố sẽ hoàn toàn tha thứ và nhất thiết không mượn cớ để trừng trị. Sau khi mọi người phô bày hết thảy mọi thắc mắc, ban giáo ủy mới lần lượt trả lời từng điểm mà học viên đã nêu ra, không khác thủ tướng một nước tự do ra trước nghị viện trả lời những câu chỉ trích của phe đối lập. Không khí trong lớp chỉnh huấn khác hẳn không khí hàng ngày ở ngoài đời, vì chỉ có trong lớp chỉnh huấn mỗi người mới được tự do phê bình chính sách và hành động của Ðảng và chính phủ. Ðảng cho phép cán-bộ, đảng viên nói lên những thắc mắc của họ để Ðảng biết chỗ mà "đả thông", hòng cứu vớt những linh hồn còn có thể cứu vớt được. Sự thực thì có nhiều "linh hồn" mà Ðảng đã coi là hoàn toàn không thể cứu vớt được, nên Ðảng không gọi đi chỉnh-huấn. Ðấy là những người mà Ðảng đã quy là "Kẻ thù" mặc dầu trước đó mấy năm, Ðảng còn coi là "Bạn". Vì vậy, nên người nào nhận được giấy gọi đi chỉnh huấn cũng đều vui mừng, vì họ cảm thấy họ còn được coi là "bạn". Họ hiểu rằng, nếu họ "Chỉnh huấn thành công" thì họ sẽ được tiếp tục coi là bạn trong một thời gian nữa, ít nhất cũng tới kỳ chỉnh huấn sau.
Ðể độc giả có ý niệm rõ ràng hơn về chính sách chỉnh huấn, chúng tôi xin lược thuật cuộc chỉnh huấn năm 1953. Mục đích cuộc chỉnh huấn này là sửa soạn tinh thần cán bộ để đón tiếp chiến dịch Cải-Cách Ruộng đất năm 1954-56.
I. - Phân chia học viên.
Những người được tham gia chỉnh huấn đều là "bạn" : đảng-viên, cán bộ và một số "nhân sĩ tiến bộ". Tất cả đều học một chương trình, nhưng tùy theo cấp bực công vụ và tùy theo trình độ hiểu biết chính trị, họ được chia thành nhiều loại.
1. - Ðảng viên cao cấp và cán-bộ trung ương, và một số nhân sĩ quan trọng, lên Việt Bắc học. Ðịa điểm dạy gần nơi Chính Phủ Trung ương để ông Hồ và ông Trường-chinh có thể thân hành đến dạy.
2. - Ðảng viên và cán bộ cấp giữa, và một số nhân sĩ địa phương, học tại khu, do khu ủy phụ trách giảng dạy.
3. - Ðảng viên và cán bộ cấp dưới học ở tỉnh, do tỉnh ủy giảng dạy.
4. - Công nhân và nhân viên cấp dưới học ngay tại chỗ. Ðảng cử một phái đoàn tới dạy ngoài giờ làm việc, buổi chiều hoặc buổi tối.
Vì tất cả mỗi cấp bực đều phải đi học, nên chỉnh huấn phải chia thành nhiều đợt liên tiếp để mọi người có thể lần lượt nghỉ việc đi học. Mỗi đợt một phần ba nhân viên đi học, trong khi hai phần ba ở lại đảm bảo phần việc của họ. Sau khi nhóm thứ nhất chỉnh huấn xong, thì đến lượt nhóm thứ nhì lên đường và cuối cùng là nhóm thứ ba. Mỗi khóa chỉnh huấn kéo dài trong ba tháng, và công việc bố trí trường ốc và thu xếp chỗ ăn ở hết chừng một tháng nữa. Như vậy là ít nhất cũng phải trọn một năm mới thực hiện xong một chiến dịch chỉnh huấn, nhưng sự thực thì phải mất 18 tháng, vì trước hết còn phải chờ một số cán bộ cao cấp đi chỉnh huấn trước rồi về mới dạy học viên khóa đầu.
II. - Tổ Chức về phương diện vật chất.
Ðịa điểm chỉnh huấn bao giờ cũng đặt sâu trong chiến khu ở những nơi rất hẻo lánh. Học viên tạm trú trong nhà nhân dân địa phương, còn giảng đường thì do học viên xây cất lấy, sán gỗ và tre nứa đốn trong rừng. Chủ nhật, học viên phải vào rừng đốn củi cho nhà bếp nấu cơm. Công tác lao động nằm trong chương trình huấn luyện vì Ðảng muốn trí thức phải lao động để hiểu rõ hơn về đời sống của nhân dân lao động. Mỗi người đi dự chỉnh huấn phải mang theo quần áo, chăn mùng, một cái bát, một đôi đũa, và một số tiền tương đương với giá một trăm cân gạo.1 Số tiền này để chi mọi khoản trong thời gian ba tháng học tập, tính như sau : Tiền ăn 75 cân (mỗi tháng 25 cân), tính mỗi người ăn hết 15 cân gạo, còn mắm muối hết 10 cân. Số tiền tương đương với 25 cân còn lại tính vào phí tổn giấy bút, dầu đèn, và tài liệu quay bằng rô-nê-ô.
1 Hồi ấy chính quyền Việt-Minh dùng "ki lô" gạo, là đơn vị tính lương công chức, vì đồng bạc Việt-Minh mỗi ngày
một xuống giá do chính sách lạm phát. Ði chỉnh huấn ở địa phương nào thì phải trả cho Ðảng một số tiền tương-đương với giá 100 kilô gạo, tại địa phương ấy.
Học viên chia thành từng tổ, mỗi tổ ba người : tổ trưởng là một đảng-viên có trách-nhiệm điều-tra và kiểm soát hai tổ-viên khác không đảng. Mỗi tổ ở nhờ một gia-đình nông-dân và mỗi ngày hai lần cử một tổ-viên đến ban "cấp dưỡng" (nhà bếp) lĩnh thức ăn do các "anh nuôi" (bếp) cấp phát. Mỗi lần đi mang theo một cái rổ và một cái nồi đất mượn của chủ nhà, rổ để đựng cơm và nồi để đựng canh. Cơm nấu bằng gạo "mậu dịch" để lâu trong kho nên thường mốc và thức ăn là rau nấu với muối. Mỗi tuần lễ được ăn thịt một lần nhưng thịt cắt thành từng miếng nhỏ nấu lẫn với rau. Thịt hiếm đến nỗi người phụ trách lĩnh cơm lĩnh cơm thường phải vớt ra chia từng miếng cho đều để khỏi hơn thiệt. Những người có tiền mang theo cũng bắt buộc phải ăn uống như vậy vì trước khi tới trại, Ðảng-ủy đã ra lệnh cấm dân địa-phương không được mua bán thức ăn cho các học viên. Chỉ trong trường hợp thiếu sức khoẻ mới được phép mua thêm một vài quả trứng hoặc vài miếng thịt để tẩm bổ. Ðơn phải gửi qua tổ-trưởng đưa lên Ðảng-ủy.
Học-viên không được phép ra khỏi một khu vực nhất định, không được liên lạc với xã-hội bên ngoài ; được phép viết thư về nhà (qua kiểm-duyệt), nhưng không được nhận thư ở ngoài gửi đến. Tất cả thư từ gửi đến đều bị giữ lại, chờ khi nào mãn khóa mới được nhận, vì Ðảng muốn mọi người yên tâm học-tập, không bận tâm đến công việc gia-đình. Có trường hợp một bác-sĩ (Trịnh-đình-Cung) chỉnh-huấn xong, mới nhận được thư báo vợ chết, từ hai tháng trước.
Kỷ luật trong trại chỉnh-huấn cũng đại-khái như trong trại lính. Sáng dậy từ 6 giờ, tập thể thao nửa giờ. Học từ 7 đến 11 giờ. Về nhà ăn cơm và nghỉ từ 11 giờ đến 1 giờ, rồi lại học từ 1 giờ đến 5 giờ, ăn cơm tối và làm bài vở từ 7 giờ đến 10 giờ tối. Mười lăm phút trước khi đi ngủ dành cho "hội thảo" tức là trong tổ kiểm thảo lẫn nhau qua loa về hành-vi trong ngày. Chủ nhật ra suối tắm và cộng-tác lao-động như vào rừng kiếm củi cho nhà bếp, hoặc đào hầm trú ẩn để tránh máy bay. Tối thứ bảy có biểu diễn văn-nghệ do học viên trình bày. Trong một khóa được xem chiếu bóng một lần, phim Nga hoặc phim Tầu.
III. - Phương pháp giảng dạy.
Mỗi khóa chỉnh-huấn gồm một số bài xắp xếp thế nào để tuần tự đưa học viên đến mục đích nhất định. Mỗi bài phải học chừng nửa tháng, mất tất cả chừng 150 giờ. Cách thức giảng dạy đã được nghiên-cứu rất tỉ mỉ và gồm có những hoạt-động như sau :
1. - Tất cả học viên (vào khoảng 500) họp tại giảng đường. Mỗi người được phát một tài liệu quay rô-nê-ô. Một đại diện Ðảng giảng bài và các học-viên ghi chép lời giảng.
2. - Học viên về tổ thảo luận về nội-dung các danh từ dùng trong bài học, người biết nhiều giảng cho người biết ít. Sau đó thảo-luận về ý nghĩa từng đoạn văn một nếu có đoạn nào tối nghĩa quá, cả tổ không ai hiểu thì tổ trưởng báo cáo với ban giáo ủy.
3. - Sau khi nhận được báo cáo các tổ gửi đến, ban học-ủy giải thích lại cho toàn thể lớp học. Ðôi khi ban học-ủy chấp nhận ý-kiến học viên đề-nghị sửa-chữa một vài danh-từ cho rõ nghĩa hơn.
4. - Học-viên lại trở về tổ để thảo luận từng đoạn một, tất cả ý nghĩa trong bài. Mỗi học-viên lần lượt phát biểu ý-kiến của mình. Ðảng khuyến khích mọi người thẳng thắn nói lên ý-kiến của mình, dù không đồng-ý với tác giả bài học. Nếu không đồng-ý, cứ việc nêu "thắc mắc" và theo thường lệ mỗi người đều nêu lên một vài thắc mắc, vì nếu không nêu thắc mắc tức là dấu kín ý-nghĩ của mình. Càng thắc mắc bao nhiêu càng có vẻ thành khẩn bấy nhiêu. Sau khi một tổ-viên nêu thắc mắc, thì hai tổ-viên khác tìm cách đả thông. Nhưng nếu trong tổ không đả thông nổi thì tổ trưởng lập tức báo cáo lên học-ủy.
5. - Sau khi tập trung tất cả thắc mắc của cả lớp, học-ủy triệu tập tất cả học-viên tới giảng-đường để đả thông. Ðại diện Ðảng đọc lên từng thắc mắc một và lần lượt đả thông cho cả lớp nghe. Có được nghe tất cả các thắc mắc (nhiều người công kích Ðảng một cách thậm tệ) mới rõ là phần đông cán-bộ và đảng-viên vẫn uất-ức với chính-sách của Ðảng.
6. - Học-viên lại trở về tổ để thảo luận về những câu giải-thích của đại-diện Ðảng. Nếu mọi người đồng ý chấp nhận thì thông qua, nhưng đôi khi có người vẫn nhất định không chấp nhận. Trong trường hợp ấy, đảng-ủy cử một giáo-viên đến tận nhà để đả thông tư tưởng cho học viên kể trên. Nếu giáo-viên đả thông không nổi thì ông Trường-Chinh, Tổng bí thư Ðảng đến. Nếu ông Trường-Chinh cũng không thuyết-phục nổi thì ông Hồ thân hành đến để thuyết phục cho kỳ được. Theo sự hiểu biết của tác giả thì chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi.
7 - Trong thời gian ấy ban giáo-ủy tổ chức một vài-buổi thực-nghiệm. Thí dụ, trong khi học bài về chế-độ thực dân thì Ðảng mời một cán-bộ trước kia đã bị giam ở Sơn-la hoặc Lao-bảo đến kể chuyện cho cả lớp nghe ngày trước họ bị hành hạ dã man như thế nào. Trong khi học bài nói về Cải-cách Ruộng-đất, thì cả lớp được đi dự một cuộc đấu tố gần đấy.
8. - Sau khi học xong một bài, nghĩa là tất cả học viên đã hoàn toàn công nhận quan điểm của Ðảng đối với vấn-đề trình bày trong bài, thì mỗi người bắt đầu viết một bài "kiểm thảo sơ bộ". Mỗi học-viên phải căn cứ vào những điểm mới học được để tự xét mình và nói ra những hành-động và tư-tưởng mà bây giờ, nhờ sự giáo-dục của Ðảng, mình nhận thấy là sai. Thí dụ, sau khi học xong bài về chế-độ thực-dân thì học-viên phải bộc lộ thái-độ của mình đối với Pháp trước kia, những ý nghĩ hoặc cử-chỉ xét thấy có thể có lợi cho chính-quyền thực-dân. Nếu học-viên không hề làm công-chức cho Pháp thì ít ra cũng phải "bộc lộ" những tư-tưởng hoặc ý nghĩ "không yêu nước". Tỉ dụ, một người ngắm một máy bay Pháp đang lồng lộn bắn phá mà trong lòng hâm mộ tài nghệ của viên phi-công khéo lái chiếc máy bay. Nếu thành thật yêu nước thì đúng lý, chỉ căm thù đối với viên phi-công ấy, không được phép cảm phục. Ðể giúp các học-viên nhớ lại các "tội lỗi" cũ, ban giáo ủy đọc cho cả lớp nghe một bản lược-kê những "tội lỗi" và học-viên mấy khóa trước đã bộc lộ. Ban giáo-ủy cũng đọc cho nghe những bản bộc lộ điển hình của mấy nhân vật có tiếng tăm, nghệ-sĩ, văn-sĩ, như Nguyễn-Tuân chẳng hạn.
9. - Sau khi mọi người đã viết xong bản "kiểm-thảo sơ bộ" thì tổ-trưởng mang nộp cho ban giáo-ủy. Ban giáo ủy đọc qua và chọn những bản xuất-sắc nhất, nghĩa là những bản kê khai những tội ghê gớm nhất, rồi mời tác-giả mấy bản kiểm-thảo này ra trước lớp học bộc lộ công khai cho cho mọi người thưởng-thức. Cả lớp chăm chú nghe thỉnh-thoảng hô "Ðả đảo (tội lỗi nào đó)", nhưng cấm không được ghi chép. Có người công khai thú-nhận đã làm Việt gian cho Pháp ; có người vừa khóc nức nở vừa bộc lộ là đã gian-dâm với em gái. Không ai hiểu họ nói thực hay họ bịa để tâng bốc Ðảng, ra vẻ nhờ Ðảng đã giáo-dục mà nay quyết tâm lột bỏ cái "xác" dơ bẩn thuở trước. Nhưng nói chung thì người nghe có cảm tưởng thanh-niên có vẻ thành thực hơn mấy người đứng tuổi.
10. - Sau khi học hết chương-trình, mỗi học-viên phải viết một bản lý-lịch và một "tổng kiểmthảo". Nhà trường dành riêng cho hai tuần để viết hai bản này, mỗi bản viết vào một quyển vở 60 trang, và viết hai lần, tức là bốn quyển vở tất cả.
Bản lý-lịch ghi đủ tên, họ, nơi và ngày sinh, lịch trình học vấn, nghề-nghiệp, chức-vụ, khả năng về ngoại ngữ, bằng cấp, thành-tích công tác, khen thưởng, vân vân... Ðiểm đặc-biệt là phải khai mọi khoản rất tinh tường. Tỉ dụ về thành-phần phải khai rõ ba họ: họ nội, ho ngoại, họ nhà vợ (hoặc nhà chồng) cho đến tam đại. Phải nêu rõ ảnh-hưởng tốt hoặc xấu của những người trong gia đình và trong ba họ. Học-viên cũng phải khai ảnh hưởng của thầy hoặc cô giáo, của ban học, của đồng nghiệp, ảnh-hưởng của các sách vở đã đọc, của các tác giả, các nhà văn, những triết-lý nào đã ảnh-hưởng để tính tình và tư-tưởng của mình. Sau đấy phải ghi rõ những tư-tưởng và hành-động chính-trị, giải-thích cặn kẽ lý do tại sao đã thay đổi tư-tưởng. Cuối cùng học-viên phải trả lời những câu hỏi như : công-tác hiện-thời ? Lương bổng ? Tài sản ? Gia cảnh ? Ðời sống gia-đình ? Tình-hình tài chính ? vân vân...
Bản lý-lịch đầy đủ tới mức bất cứ ai đọc cũng biết ngay hoàn cảnh và thành phần của đương sự, có thể nhận định đương sự là hạng người như thế nào.
Viết bản "Tổng kiểm-thảo" là công việc khó khăn và cực nhọc nhất, mặc dầu mọi người đã từng hơi quen với công việc bằng cách viết các bản "kiểm-thảo sơ bộ", sau mỗi bài học. Thú nhận các tội lỗi không phải là việc khó, mà chỉ khó ở chỗ không "moi" đâu ra cho đủ tội lỗi sai lầm, thiếu sót, để viết cho đầy 60 trang giấy và kết quả là những người càng trong trắng bao nhiêu càng thấy khó bấy nhiêu. Tuy nhiên khó dễ cũng tùy thành phần xã-hội và hoàn cảnh sinh hoạt của mỗi người. Ðối với văn-sĩ chẳng hạn thì bộc lộ sai lầm tương đối rất dễ. Họ chỉ việc điểm lại tất cả các-phẩm họ đã từng viết, nêu lên những đoạn sai lầm, công-nhận là đã bị ảnh hưởng của phong-kiến thực-dân, "tán" rộng ra một chút là đủ 60 trang. Các nhà văn phần nhiều là người thành thị tản cư vào vùng kháng chiến nên không có liên hệ với địa-chủ. Do đó họ không lo ngại về vấn-đề Cải-cách Ruộng-đất và không cần phải bộc lộ những trọng tội đối với nông-dân. Văn-nghệ-sĩ chỉ cần phải "tự phê" một cách nghiêm khắc, "đấm ngực xưng tội và từ bỏ" tất cả các sáng tác cũ, dù là tác-phẩm hay nhất của mình. Nhưng về phần kết-luận các văn-nghệ- sĩ vẫn phải tỏ ý tán thành chính sách Cải-cách Ruộng-đất mặc dầu không có liên-hệ trực-tiếp.
Trái lại, viết bản "Tổng kiểm-thảo" quả là gay go đối với những học-viên thuộc thành-phần địa-chủ, vì họ bị lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan : hoặc phải tự gán cho mình đủ thứ tội lỗi đối với nông-dân, hoặc để mặc nông-dân quy định mình là địa-chủ gian-ác khi nào chiến-dịch Cải-cách Ruộng đất lan đến làng mình. Họ bị kẹp ở giữa hai gọng kìm : một bên là tam-đoạn-luận "Ðịa-chủ là gian-ác, anh là địa-chủ, vậy thế tất anh phải gian ác" và một bên là lời cảnh cáo rất nhẹ nhàng "Nếu anh không chịu bộc lộ hết tội lỗi thì nông-dân bộc lộ hộ anh". Trước khi khai giảng lớp chỉnh huấn thì ở một vài nơi, gọi là thí-điểm, chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất bắt đầu, và các học-viên đều biết nông-dân không được tự do muốn tố gì thì tố (nếu họ tự ý tố, Ðảng không chấp nhận), mà trái lại bao giờ họ cũng tố theo lời chỉ dẫn của Ðảng. Người kém thông-minh nhất cũng hiểu rằng chỉnh-huấn là cơ-hội cuối cùng để thoát thân, bằng cách thú cho thật nhiều tội và tỏ cho Ðảng thấy là mình đã hoàn toàn "lột xác". Nếu chỉnh-huấn "thành công" thì Ðảng sẽ không coi là ngoan cố, và sẽ chỉ thị cho địa phương xếp đặt vào thành-phần khác, không phải là địa-chủ.
Mọi người đều phải tự đặt một câu hỏi : "Moi đầu moi óc mà tìm mãi không ra tội, vậy có nên ’sáng tác’ ra một vài tội không ?" Một số người quả thực đã "sáng tác" rất nhiều tội, nhưng không chắc là đã thành-công vì muốn vừa lòng Ðảng, phải bộc lộ cho đúng những tội lỗi mà Ðảng đương chờ nơi mình. Ngay hôm lớp học mới khai giảng, mỗi học-viên đã phải khai rõ những nơi trú ngụ từ trước tới nay, và những cơ quan đã từng hoạt động, và tức-khắc đảng-ủy đánh điện hỏi về tính-nết và hành vi của đương sự. Vì vậy nên Ðảng chỉ thực sự tin tưởng là đương sự đã hoán cải, khi nào đương sự thú nhận đúng những tội trạng có ghi trong hồ sơ bí-mật của Ðảng. Một việc khác cũng khó lường là rất có thể một học-viên nào đó, trong khi thú-nhận một tội lỗi nào đó đã khai mình là chính phạm mà hắn chỉ tòng phạm. Tóm lại, vấn-đề nan giải là phải tìm ra những tội nào mà Ðảng đương trông chờ nơi mình.
Bộc lộ một tội A sẽ không ăn nhằm, nếu trong hồ sơ của Ðảng tội mình lại là B, chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu bộc lộ những tội có tính cách "phổ thông" như chiếm đoạt của nông dân một vài thứ gì đó hoặc hiếp dâm một vài cô gái quê cũng chẳng tội vạ gì, mà may ra lại trúng ý Ðảng vì lẽ thứ nhất là toàn thể giai cấp địa-chủ không ai không bị "tố" những tội kể trên và lẽ thứ hai là Ðảng đã trịnh trọng tuyên bố rằng "bất cứ tội gì, hễ thành thật bộc-lộ sẽ được tha thứ".
Tuy nhiên cũng có một số học-viên, vì khí khái "tiểu-tư-sản" không chịu "sáng tác" tội lỗi để viết cho đầy trang, mà trái lại chỉ ngồi ngậm bút hoặc kê khai những "thiếu sót" vớ vẩn không đáng kể là "tội", không vừa ý Ðảng. Như vậy là hễ chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất lan tới làng họ, những học-viên kể trên thế tất sẽ bị quy là "địa-chủ cường-hào gian-ác" và sẽ bị "tố" vô số tội lỗi tầy trời.
Chỉnh-huấn quả thực là một nơi luyện tội để những linh hồn không được trong sạch lắm, nhưng còn có thể cứu vớt được, trút rửa tất cả những tư-tưởng phản-động để thoát khỏi địa-ngục "kẻ thù của nhân dân". Số phận những người bị rơi vào địa-ngục này sẽ trình-bày ở Chương 14 và 15.
(Còn tiếp)