Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác tiếng Anh: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

Chương 7

"ÐẤU CHÍNH TRỊ"


Giữa lúc bần dân thiên hạ đương thất điên bát đảo về thuế nông-nghiệp và công-thương-nghiệp, hai thứ thuế mà dân chúng gọi là "thuế thất-nghiệp" - thì Việt-cộng sửa soạn bí mật và bất thình-lình phát-động một chiến-dịch đại quy-mô chưa từng thấy trong lịch sử Việt-Nam. Bắt đầu vào giữa tối 23 tháng Chạp âm lịch, ngày lễ ông Táo lên chầu trời, vào đầu tháng Hai dương lịch năm 1953, cuộc khủng bố này có thể ví với cuộc tàn sát Saint Barthélémy trong lịch sử Pháp. Vì Việt Cộng sửa soạn rất bí mật, và phát động rất bất thình-lình nên ngoài đảng viên cao cấp không một ai biết trước kể cả viên chức ngạch trung-ương trong chính-quyền kháng-chiến. Vì cuộc khủng-bố này có tính cách hoàn toàn chính-trị, nên sau này được dân chúng mệnh danh là "đấu chính-trị". Chữ "đấu" bắt nguồn từ danh từ "đấu tranh", vì Việt Cộng giải thích đấy là một cuộc "đấu-tranh" của dân-chúng.



Hồi ấy vì máy bay Pháp thường oanh tạc ban ngày nên mọi cuộc họp đều triệu tập vào ban tối, và đúng vào buổi tối hôm 23 tháng Chạp âm lịch, 1954, tất cả các xã đều triệu tập nhân dân đến hội trường để bàn về thuế nông-nghiệp và công-thương-nghiệp. Chương-trình nghị-sự chỉ có một câu: Tại sao nhiều người ngoan cố không chịu nộp thuế, hoặc không nộp đủ.

Sự thực thì mọi người đều đã biết tại sao. Chỉ tại sau hai năm liền, giầu cũng như nghèo, không ai còn có thể chạy đâu ra tiền, thóc lúa, để tiếp tục đóng mãi hai thứ thuế "thất nghiệp" ấy được nữa. Nhưng Cộng-sản đặt ra câu hỏi, không phải vì muốn tìm hiểu sự thực, mà cốt để thực hiện một âm-mưu không dính dáng gì đến thuế.

Trước giờ họp, trong hội-trường đã có sẵn thừng, hèo, gậy, và nhiều dụng-cụ tra tấn khác.
Những người thiếu thuế không kể ít hay nhiều, đều bị bắt, điệu ra trước hội-nghị và tra khảo không phải để biết tại sao không nộp được thuế, mà chỉ cần biết kẻ nào đã xui dục không nộp thuế. Chủ-tịch cuộc họp không hỏi lơ mơ "Ai xui mày không nộp thuế ?", mà hỏi một cách rất rõ ràng "Có phải Thằng Ất (hoặc Thằng Giáp) xui mày không nộp thuế, phải không ? Nói mau ! và tức khắc đánh đập, kìm kẹp, tra trấn cho đến lúc nạn nhân chịu không nổi, đuối sức, chỉ khẽ gật đầu. Nếu không gật đầu, nạn nhân có thể bị tra tấn suốt đêm cho đến chết. Hễ nạn-nhân gật đầu, tỏ ý là Giáp hoặc Ất nào đó quả có xui không nộp thuế thì những người này bị bắt tức khắc. Sự thực thì những người này đã được Việt Cộng ghi tên trong sổ đen; chủ-tịch buổi họp chỉ việc lần lượt chọn từng tên một rồi tra tấn những người thiếu thuế bắt phải khai đúng tên những người trong sổ, để sẵn trước mặt. Một khi người thiếu thuế đã khai đúng như ý muốn của Cộng-sản thì tức khắc được tha về, không cần hỏi đến nữa.

Những người bị khai, nói đúng hơn là bị buộc vào tội xui không nộp thuế, bị tra tấn một mức gắt hơn và phải trả lời hai câu hỏi: Mày ở trong tổ-chức phản-động nào? Trong tổ-chức phản-động của mày có thằng... (Bính, Ðinh) không ? Về câu hỏi thứ nhất thì người bị tra có thể bịa ra bất cứ đảng phái nào, khai là đảng hươu đảng vượn gì cũng được. Có người tự nhận là đảng Bảo-Ðại, đảng Việt-gian, và có một nông dân cuống quá, nghĩ không ra đảng, khai ngay "Ðảng Cộng-sản" vì từ bé anh ta chỉ nghe nói lờ mờ có Ðảng Cộng sản không rõ là cách mạng hay phản-động. Về câu hỏi thứ hai thì người bị tra không được phép khai lung tung, phải khai đúng tên mà chủ-tịch hội-nghị đã mớm cho. (Tuy nhiên đây chỉ là quang cảnh trong những ngày đầu, sau nầy sẽ có nhiều sai lạc mà chúng tôi sẽ trình bày ở đoạn sau).

Tất cả những người "phản động" có tên trong sổ đen lần lượt "bị khai", bị bắt và bị tra tấn. Họ thuộc đủ thành-phần, không cứ giầu nghèo, và sự thực thì cũng không phải "phản động". Nói cho đúng thì phần đông là những người có thái-độ lừng chừng, vì những người thật sự chống đối với Việt Cộng thì, hồi năm 1953, hoặc đã bị tiêu diệt, hoặc đã bỏ chạy vào vùng Pháp chiếm đóng. Ðối với Cộng-sản thì lừng chừng cũng nặng tội như phản động. Bài thơ sau đây của Xuân Diệu, nhà thơ bồi bút của Cộng-sản chứng tỏ điều đó.

Anh em ơi, quyết chung lưng đấu cật.
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Ðịa-hào, đối-lập ra tro
Lưng chừng, phản-động đến giờ tan xương.

Tất nhiên khi thảo mấy vần thơ trên, không phải là "Nàng Thơ" đã gợi ý cho Xuân Diệu, mà chính là Ðảng đã ra lệnh, vì Ðảng quyết tâm đánh tan xương những phần tử phản-động hoặc lừng chừng không chịu theo giặc mà cũng không tích-cực theo Ðảng. Quả thực là nhiều người đã bị tan xương, đúng như lời của nhà thơ Xuân Diệu, vì hài cốt họ không còn nguyên vẹn sau khi bị đánh chết. Nói về lối tra tấn thì thường có mấy phương pháp điển-hình, xã nào cũng áp dụng. Ðại để như sau :

Nạn nhân phải quỳ, hai tay giơ lên đỡ một thùng đá nặng đặt ngay trên đầu.

Nạn nhân bị treo hai chân, hoặc hai tay vào một sợi thừng vắt qua xà nhà. Một lúc lại kéo lên, kéo xuống, vừa đánh vừa hỏi, thỉnh thoảng buông rơi "cái bịch" xuống đất.

Quấn giẻ tẩm dầu vào hai ngón tay cái và đốt.

Vì mấy hình thức tra tấn này được áp-dụng trong toàn thể vùng Việt-Minh kiểm soát, nên dư luận ngờ rằng Ðảng đã quy-định như vậy. Có người nói rằng những cực hình này đã áp-dụng trong các cuộc đấu-tố bên Trung Quốc và do các cố-vấn Trung Cộng nhập cảng vào Việt-Nam.

Trên đây chỉ là những kiểu tra tấn "phổ thông" khắp mọi xã, nhưng cũng có nhiều xã áp-dụng những kiểu tra tấn "đặc-biệt" do sáng-kiến địa-phương nghĩ ra. Ở một làng nọ, nạn nhân bị bỏ vào rọ dìm xuống nước một vài phút, lôi lên để hỏi, chưa chịu nhận tội, lại dìm nữa cho kỳ nhận mới thôi. Ở một làng khác, cán-bộ mượn một cái "ê-tô" của một hiệu chữa xe-đạp, kẹp ngón tay người bị tra vào giữa hai má ê-tô, và cứ hỏi một câu mà chưa chịu trả lời lại quay một vòng.

Ðiều đáng chú ý là đảng-viên và cán-bộ đảng không trực-tiếp nhúng tay vào các vụ tra tấn này. Họ giao công việc cho "cốt-cán", vì cốt-cán không phải là người của Ðảng và của Chính-phủ. Như vậy là cốt để sau này, Ðảng có thể ngang-nhiên phủ nhận mọi trách-nhiệm và, hơn nữa, đổ hết cả tội lỗi vào đầu nhân-dân. Câu chuyện sau đây có giá-trị điển-hình về thái-độ kể trên.

Một cô giáo "cấp 1" ra cho trẻ em trong lớp một bài luận, đề như sau : "Các em hãy tả một ’đấu’ trong xã các em". Lũ trẻ em cứ thực tình tả nào là bắt người, đánh, trói và tra tấn, và không quên kết luận bằng những câu ca-tụng đường lối sáng suốt đúng đắn của Ðảng và của "Bác Hồ". Nhưng mấy ngày sau Ðảng đã chính-thức tuyên-bố là Ðảng không dính dáng dến những vụ tra tấn này và đấy chỉ là "Nhân dân tự động đấu-tranh chống phản-động". Vì Ðảng đã phủ nhận vai trò của mình, nên hôm trả bài, cô giáo phải làm bộ phê-bình học-sinh là tả không đúng sự thực. Cả lớp bị mắng là "nói điêu" rán gân cổ cãi lại cô giáo, nói chúng đã trông thấy tận mắt và một vài em lại kể rành mạch là đã thấy cán-bộ chặt tre làm gậy và mang thừng chão đến hội trường từ buổi chiều, trước khi triệu-tập cuộc họp.

Vụ "đấu" này kéo dài trong nửa tháng và đêm nào, làng nào cũng có người bị đánh chết. Bắt đầu đêm hôm 23 tháng Chạp, nghĩa là một tuần trước Tết, vào giữa lúc thiên hạ đương lo cúng ông bà ông vải và đón mừng Năm Mới. Vì vậy nên mọi cuộc sửa soạn đều bị bỏ dở, và nhà nào nhà nấy im hơi lặng tiếng, tối đến cũng không dám thắp đèn. Có người nhận xét súc vật thấy người sợ cũng sợ lây ; gà không gáy chó không sủa. Trong mấy ngày đầu, mọi việc đều tuần tự như tiến, theo đúng kế hoạch của Ðảng đã vạch sẵn. Những người có tên trong sổ đen đều lần lượt bị "khai" và tra tấn. Nhưng một khi phong-trào đã được "đẩy mạnh", cán-bộ trở thành say sưa với quyền sinh quyền sát nên coi nhẹ cuốn sổ đen, vì vậy nên hễ khai ai bắt nấy, đưa đến tình trạng bất cứ ai cũng có thể bị bắt và bị tra tấn. Ðảng không kìm hãm nổi và khắp mọi nơi cuộc khủng-bố trở thành "lung tung". Những giới-hạn mà Ðảng đã quy định trở thành vô giá-trị và khắp nơi khắp chốn chỉ nghe nói đánh-đập, tra-tấn, chết chóc. Sở dĩ phong trào trở nên hỗn loạn là lại hai nguyên nhân sau :

1. Theo lời Ðảng dặn, cán-bộ giao việc đánh đập, tra tấn cho cốt-cán. Nhưng trong mỗi xã chỉ có một số ít cốt-cán, mà nhiều người trong bọn ngần ngại không muốn thẳng tay đánh-đập bà con trong thôn xóm, đôi khi là anh em, chú bác, cô dì. Hơn nữa đánh lắm cũng mỏi tay, nên cốt-cán phải tuyển mộ người khác giúp bớt phần việc. Nhưng trong xã-hội Việt-nam tìm được những người tình-nguyện làm những việc ác-đức này không phải là chuyện dễ, nên rốt cuộc, những người sẵn sàng tiếp tay cho cốt-cán đều là những lưu-manh vô-lại trong nông-thôn. Vì là lưu-manh nên phần đông có "thành-tích bất hảo", hoặc đã trốn "dân công"1 hoặc đã ăn trộm lúa kho hoặc có phạm một tội nào tương tự mà chính quyền chưa hỏi đến. Bây giờ "cờ đã đến tay" nên chúng ra sức "phất" rất mạnh, đánh đập bất cứ ai để ra oai với nhân dân và để chuộc tội với Ðảng. Bỗng nhiên đương "thằng" trở thành "ông" chúng ra tay đánh đập "phản-động" để không còn ai có thể quy chúng là phản-động được nữa. Ðánh phản-động tàn nhẫn như vậy, tất nhiên là căm thù với phản-động, và không phải là phản động. Hồi mấy "thằng" lưu manh trở thành "ông" có người đặt mấy câu vè như sau :

Trời làm một hội lăng-nhăng
Thằng hóa ra ông, ông hóa ra thằng.
Trời làm một hội lông-nhông
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.

Tình trạng trở nên hoàn toàn hỗn loạn vì bất cứ nạn-nhân khai ra ai chúng cũng bắt đánh. Chúng chỉ cần đánh để lấy lòng Ðảng và "lấy le" với nhân dân, làm cho mọi người sợ chứng, không giảm khai ra chúng. Vì thất học nên chúng chẳng hiểu "tư-bản", "đế-quốc" là gì, và đối với chúng, mọi người lương thiện thường khinh rẻ chúng, mọi người lương thiện thường khinh rẻ chúng đều có thể coi là "phản-động" cả.

2. Nguyên nhân thứ hai chỉ là hậu quả của nguyên nhân thứ nhất. Trong thời kỳ đầu người bị tra không phải tốn công nghĩ ra tên người khác để khai là đồng đảng vì hồi ấy cốt-cán còn lãnh đạo công việc tra trấn nên lúc nào cũng sẵn sàng "mớm" tên cho mà khai. Trái lại đến lúc lưu-manh xông ra đánh đập thì không còn ai lưu ý đến sổ đen và bất cứ ai bị "khai" cũng bị đòn như mọi người. Mọi người đều nhận thấy hai điều : khai càng sớm càng đỡ đòn và khai ra bất cứ ai cũng được. Không ai bảo ai, mọi người đều tự đặt câu hỏi : "Nếu đêm nay mình bị đánh thì nên khai ra ai, cho đỡ bị đòn ?" Có người lý-luận rằng muốn cho Ðảng chóng đình chỉ cuộc "đấu" thì nên lợi dụng tình trạng, khai ngay cán-bộ hoặc bà con thân thích của cán-bộ và đảng-viên. Quả nhiên những đảng-viên bị khai cũng bị bắt và tra-tấn như các "phản-động thường". Các chi-bộ cộng sản không có thể can-thiệp vì khẩu-hiệu Ðảng đã nêu ra là : Phóng tay phát-động quần-chúng đấu-tranh chống phản-động. Ðảng cũng đã ra lệnh cấm không một cá-nhân nào hoặc một cấp-bộ nào được phép can-thiệp. Thế là đảng-viên trở thành nạn~nhân, đúng câu thành-ngữ Việt-Nam "âm binh quật lại phù thủy".

Trong một cuộc "đấu" người bị tra hoảng quá, mất hết tinh-thần. Khi bị hỏi "trong tổ-chức phản-động của mày có những ai ?" giơ tay chỉ ngay ông chủ tọa phiên họp. Ông chủ tọa bị lôi xuống và bị đánh tức khắc. Sau đó hội nghị tạm ngưng vì không ai nhận chủ-tọa buổi họp.

1 Ði dân công tức là đi làm phu khuân vác, đào sông, đắp đường, không khác đi làm "cỏ vê" ngày trước.



Ðến ngày thứ 15 thì Ðảng nhận thấy tình hình trở nên quá nghiêm trọng và điện từ trung ương về các tỉnh ra lệnh đình chỉ ngay tức khắc. Nhưng điện-văn cũng nói rõ phải giam giữ những người mà "quần-chúng sáng suốt" đã tố cáo là "phản-động".

Lệnh giam giữ những nạn nhân của cuộc "đấu" chứng tỏ Ðảng đã có dụng tâm từ trước. Ðảng muốn tạm thời gạt bỏ ra ngoài xã-hội những phần-tử mà Ðảng ngờ có thể chống-đối chính sách sau này của Ðảng : chính sách Cải Cách Ruộng Ðất. Quả thực, những người bị khai là phản-động bị giam trong các trại tập-trung mãi đến phong-trào Sửa Sai, năm 1956, mới được tha.

Trong vụ "Ðấu Chính Trị" trung bình mỗi xã có từ ba đến năm người bị đánh chết, hoặc vì uất ức phải tự tử trong số có một bộ-trưởng chính-phủ là ông Ðặng-Văn-Hướng. Ông Ðặng-Văn-Hướng nghỉ phép về thăm nhà thì gập phải vụ "đấu". Vì "Bụt nhà không thiêng" nên cán-bộ xã không nhận thấy ông là "bộ-trửởng" chỉ thấy ông là "một tên phản động" nên mang ra "đấu". Trong khi ấy thì từ ông Hồ cho đến các bộ-trưởng khác không ai đoái-hoài đến số phận của ông. Ông không bị đánh chết nhưng ông anh ruột bị, và sau đó cả hai ông bà thắt cổ tự tử. Việc đáng chú ý là ông Hướng là thân-phụ Ðại-tá Ðặng-Văn-Việt, nổi tiếng là "Anh Hùng Ðường số 4" vì mấy năm trước Ðại-tá Việt đã chiến-thắng quân-đội Pháp trong trận Cao-Bằng Lạng-Sơn.

Trong khi cuộc "đấu" diễn ra ở khắp thôn xã thì ở các thị-trấn cũng có "đấu" nhưng với hình-thức nhẹ hơn. Lý do là vì những người buôn-bán ở các thị trấn mới thành-lập là người tứ xứ, không quen biết nhau nên không có hận thù. Những thị-trấn này chỉ là những chỗ buôn bán nhỏ, vì những thành-phố lớn đã bị Cộng-sản phá trụi, theo chính sách tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Việt-cộng lấy cớ là phá hủy thành-phố để không cho Pháp chiếm đóng và lập căn cứ nhưng chủ tâm của Việt-cộng là muốn phá-sản giai-cấp "tư-sản thành-thị" mà Cộng-sản coi là khó cai-trị. Những thị-trấn nói trên chỉ là những dẫy nhà lá thường dựng ở mấy ngã-tư đường nhiều người qua lại. Chủ-nhân là những người trước kia sinh-nhai ở thành-phố, nay mất hết cơ nghiệp phải tản cư về thôn quê, nhưng không làm ruộng quen nên phải dựng lên một túp lều nhỏ để buôn bán chút đỉnh, một vài thứ hàng lặt vặt, mong qua ngày đoạn tháng.

Nói chung thì dân thôn quê phải mất một tuần mới vỡ lẽ là càng nhận tội sớm bao nhiêu thì càng đỡ đòn bấy nhiêu. Trái lại, dân thị-thành vì "láu" hơn, nên ngay buổi đầu họ đã tìm ra mánh lới này. Vì vậy nên ở các thị-trấn có nhiều người chưa bị một cái bạt tai đã vội vàng quỳ gối thú tội vanh vách, nhưng họ cũng được may mắn là những "tội" họ buộc lẫn nhau đều là những tội không lấy gì làm "phản động" lắm. Vì thiếu "phản động" nên chi-bộ Ðảng ở các thị-trấn không thể "đào" đâu cho đủ "phản động" để kéo dài cuộc "đấu" cho trọn hai tuần. Kết quả là cuộc lùng bắt "phản động" trở thành cuộc truy-nã những kẻ ưa dùng xa-xí phẩm, hàng ngoại-hóa. Ăn mặc tươm tất, hoặc dùng sáp bôi đầu chẳng hạn cũng bị quy là "trọng tội". Cán-bộ đón các đầu đường, hễ ngửi đầu thấy mùi sáp thơm là bắt phải gội ngay tại chỗ, bằng nước rửa bát để sẵn gần đấy. Nhiều anh trông thấy quang cảnh như vậy, vội vàng "xung phong" xin gội đầu bằng nước rửa bát ngay để tránh khỏi bị đòn. Nhiều người ưa ăn sang mặc đẹp như mấy bà vợ bác-sĩ (Bác-sĩ Nguyễn-Bát-Can (trước kia là Dr Pascal Nguyễn) cũng bị mang ra "đấu" và hưởng mấy bạt tai.

Cuộc đấu ở nông-thôn và ở thành-thị phát triển theo hai hướng trái ngược nhau. Trong khi ở nông-thôn, cuộc khủng-bố cứ mỗi ngày một kịch-liệt hơn cho đến khi tình trạng trở thành hoàn toàn hỗn loạn, thì ở thành-phố chẳng mấy chốc cuộc "đấu-trang chống phản-động" biến thành một chiến-dịch vớ vẩn, "đấu-tranh chống lề lối sinh hoạt tiểu-tư-sản". Nhận thấy như vậy nên thực tế đã có người nhanh chân bỏ nông-thôn chạy vội ra thành-phố náu ẩn. Cũng vì ở thành-phố thường ít tính chất bạo-động hơn ở nông-thôn, nên dưới chế-độ cộng-sản dân chúng luôn luôn tìm cách "chuồn" ra thành-phố và do đó chúng ta thường thấy chính quyền cộng-sản ở Bắc Việt và ở Trung Cộng chẳng hạn, thỉnh thoảng lại "giải về nguyên quán" những người tản-cư trái phép từ nông-thôn ra thành thị.

(Còn tiếp)

Sau cuộc "đấu chính-trị", ông Hồ có viết một bức thư "Xin lỗi đồng-bào" gửi cho tất cả các xã và mọi người đều phải học-tập. Trong thư, ông nhận chính-phủ và Ðảng đã thiếu sót trong việc lãnh-đạo khiến nhiều nơi quần chúng đã khinh thường luật-pháp, có nhiều hành-động trái với chủ-trương nhân-đạo và khoan-hồng của Chính-phủ và của Ðảng. Cán-bộ kể chuyện cho dân chúng nghe là khi viết bức thư "Xin lỗi đồng-bào" ông Hồ bực quá, chẩy nước mắt. Có lẽ câu chuyện không đến nổi hoàn toàn bịa đặt vì mọi người đều biết ông Hồ đóng trò rất tài tình, muốn cười muốn khóc và ngay cả muốn hôn lúc nào cũng được. Hồi viếng thăm Ấn-Ðộ và Indonesia, những nơi mà nam nữ còn đương "thụ thụ bất thân", ông Hồ cứ tự-nhiên ôm các bà các cô hôn đại. Vì vậy nên năm 1959, báo chí Djakarta tặng ông biệt-hiệu "Vị chủ-tịch thích hôn" (Presiden Pentjium).

Sau khi xin lỗi đồng-bào, ông Hồ ra lệnh cho các ủy ban xã báo-cáo lên cấp trên những vụ quá đáng. Ðồng thời các ủy-ban cũng phải lập danh-sách những người sáng suốt đã nhận thấy những điểm sai trong chiến-dịch và đã cố gắng ngăn cản.

Có nhiều người, phần đông là đảng-viên cấp dưới, quả thực đã xa lánh phong trào, và có một số đã chạy lên huyện lên tỉnh, tìm cách cứu gỡ cho thân nhân. Sau khi lập thành danh-sách đưa lên tỉnh, những người này được tỉnh-ủy mời lên để ban khen, nhưng lên đến nơi họ được tống đi các trại "quản-huấn" để vừa lao-động vừa học-tập lại những nguyên tắc bất-khả sai-lạc của chủ-nghĩa Mác-xít Lê-ninnít. Mãi ba năm sau, nhân dịp chiến-dịch Sửa Sai, tiếp theo chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất họ mới được tha về. Ðây là một thí-dụ điển-hình chứng tỏ chủ-trương của Ðảng là bắt nhốt ngay cả những đảng-viên mặc-dầu trung-thành với Ðảng, nhưng không tán-thành chính-sách khủng-bố của Ðảng.

Một tháng sau khi ông Hồ đã khóc và xin lỗi đồng bào thì những cán-bộ đã phát-động chiến-dịch ở Bắc-Việt lên đường vào Khu V (miền Nam Trung-việt) để phát động một phong-trào in hệt. Ði theo bọn họ vẫn có mấy cố-vấn Trung-quốc quê ở Hồ-nam.

Ảnh-hưởng trực tiếp của cuộc "đấu sơ bộ" này là tất cả các thành-phần trong nhân dân đều sợ oai của Ðảng. Sự thực, trước cuộc "đấu" Ðảng đã mất rất nhiều uy tín. Nhiều nông-dân bị bom đạn của Pháp tiêu hủy nhà cửa đã ngang nhiên oán trách "Cụ Hồ", và hàng ngàn dân-công gánh gạo tiếp-tế bộ-đội đã làm reo bỏ về, quẳng gạo ra hai bên đường. Hồi Ðảng còn rút lui vào bóng tối sau khi tuyên-bố tự giảI tán, dân quân một xã nọ đã vây bắt một chi-bộ cộng-sản đang hội-họp, lấy cớ là hội-họp trái phép.

Sau chiến-dịch khủng-bố, tình-trạng thay đổi hẳn. Không những không ai giám từ-chối không đi dân-công, mà trái lại, hàng ngàn người xung-phong đi ngay. Thuế khóa cũng chỉ thu trong vài giờ là xong ngay.

Nhiều người nhận thấy như vậy cho rằng Ðảng đã áp-dụng chính-sách khủng-bố để thu thuế cho nhanh và bắt dân-công cho dễ. Nhưng thực ra như chúng tôi sẽ trình bày về sau, Cộng-sản phát động chiến-dịch khủng-bố với hai mục-đích khác. Một mục-đích dài-hạn là dọn đường cho chiến-dịch Cải-cảch Ruộng-đất sắp tới (Xin xem Phần 5) và một mục-đích tức thời là thị uy với toàn thể nhân-dân không kể giàu nghèo . và thanh-trừng những phần-tử : mặc-dầu tham gia kháng-chiến chống Pháp, nhưng tình-nghi là không chấp-nhận chế-độ cộng-sản.

Cuộc "đấu chính trị" do Trung-ương Ðảng phát-động, kéo dài trong nửa tháng, gây không biết bao nhiêu tang tóc, nhưng sau khi ông Hồ đã viết thư "xin lỗi đồng-bào" thì tình hình ở nông-thôn lạI tương-đối được ổn-định. Những người chạy trốn ra thành-phố lần lượt trở về làng. Cán-bộ làm ngơ không hỏi tới và để yên cho tự-do sinh hoạt trong khoảng vài tháng.

Nhưng "đấu" rồi, Ðảng còn một công-tác khác cần phải làm. Tức là chứng tỏ trước nhân dân là dù sao lời dậy của Bác Mao vẫn đúng. Bác Mao đã nói : "Quần chúng bao giờ cũng sáng suốt" và "Nông dân có thể lãnh-đạo được Cách-mạng vô-sản". Nhưng cuộc "đấu chính trị" quả đã gây nên nhiều ảnh-hưởng tai hại. Nhiều người trước kia nhiệt-liệt ủng-hộ cộng-sản, nay bỗng nhiên hết tin-tưởng. Họ nhận thấy ông Hồ quá lệ thuộc vào ông Mao đã nhập cảng vào Việt-Nam nhiều hành động dã man mà từ ngàn xưa sử sách Việt Nam chưa từng chép, và hiện nay không một dân-tộc văn-minh nào có thể dung thứ được. Họ cũng nhận-định là Cộngsản, mặc dầu đã nắm trọn quyền trong tay, mà còn dùng mánh lới "phát-động quần chúng" để trừng-trị đối-phương thì thế tất sau này không bao giờ Cộng-sản có thể áp-dụng những biện-pháp công-bằng và nhân-đạo để trị dân. Những người còn giữ được lý-trí . mà thực sự thì nhiều người đã mất vì "học tập
chính trị" quá nhiều . bắt đầu so sánh chế độ cộng-sản với chế-độ thực-dân ngày xưa. Họ công-nhận dưới chế-độ thực-dân, tuy không có công-bằng và tự-do, nhưng ít ra cũng có một hình-thức pháp-lý nào đó. Chính-quyền thuộc-địa cũng giết, nhưng giết bằng máy chém, không giết bằng "phát động quần-chúng".

Ngay những đảng-viên trung-thành cũng bắt đầu ngờ vực khả năng lãnh-đạo của nông-dân. Họ tự hỏi nếu gây căm-thù, rồi "phóng tay phát-động nông-dân" thì liệu nông-dân sẽ đưa cách-mạng tới đâu? Họ vẫn biết một xã-hội mà người giầu đá đít người nghèo là một địa-ngục, nhưng họ không tin rằng những kẻ kẹp tay thiên-hạ vào "ê-tô" để vặn có thể xây dựng được thiên-đường trên mặt trái đất.

Ðể đánh tan luồng tư-tưởng nguy-hại này, Cộng-sản áp-dụng hai biện-pháp một cho những người có học và một cho dân chúng thiếu học :

1. . Ở mỗi tỉnh đều thành lập toà án quân sự để xử tội những "Việt gian" bị bắt trong vụ "Ðấu chính trị". Mục-đích của Cộng-sản là để chứng minh cho dân-chúng trông thấy rằng mặc dầu "quần chúng đã tự động", sự thực quần-chúng vẫn sáng suốt, vì trong số những người họ "tố", quả thực có nhiều "Việt gian" lợi hại, làm tay sai đắc lực cho Pháp.

2. . Ðảng tổ-chức một chiến-dịch Cải-tạo Tư-tưởng cho toàn thể đảng-viên và cán-bộ để giảI thích cho họ hiểu là "phóng tay phát-động quần-chúng", mặc dầu có nhiều sai lầm, nhưng tựu-trung vẫn là một chính-sách rất "hợp tình, hợp lý". Vì hai biện-pháp kể trên bao gồm trong "chiến-thuật Mao-Trạch-Ðông", nên chúng tôi sẽ cố gắng trình-bầy cặn kẽ trong những chương sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét