Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định
(Tiếp theo)
Thuế Công Thương Nghiệp
Trong mấy năm đầu, Việt-Minh phong tỏa những vùng Pháp chiếm đóng, để ngăn cản không cho quân đội Pháp mua lương-thực và mua vật liệu để sửa chữa lại những nơi bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy nên việc buôn lậu giữa hậu phương và vùng tề bị cấm ngặt, và hàng lậu bắt được bị tịch thu và đem đốt trước công chúng, trừ thuốc lá thơm và một vài xa-xí phẩm thì đem biếu cán-bộ cao cấp.

Vì bị Việt-Minh phong tỏa nên Pháp thực sự thiếu lương thực. Lúa gạo phải mang bằng đường thủy từ trong Nam ra, còn thịt phải tải từ Cam-bốt đến Hà-Nội bằng máy bay. Giá sinh-hoạt trong vùng tề cao hơn giá sinh-hoạt trong vùng Việt-Minh kiểm soát rất nhiều. Nhưng chính sách phong tỏa còn gây một ảnh-hưởng khác. Vì hàng hóa công-nghệ không lọt được vào vùng Việt Minh, nên hàng nội-hóa bán rất chạy. Nhiều nhà công nghệ nghĩ cách chế được nhiều mặt hàng tương đối giản dị như vỏ xe đạp, các đồ phụ-tùng xe đạp, một số máy móc đơn sơ, như máy in tay chẳng hạn. Một số chuyên-viên chế được những hóa-phẩm căn bản như acide sulfurique, carbonate de soude, rượu 90 độ, và nhờ những thức này chế thêm được nhiều thức khác. Kết quả là dù bị cắt đứt với thế-giới bên ngoài, dân chúng trong vùng Việt-minh vẫn tự lực cánh-sinh, sống tương-đối đầy đủ. Họ có, nào là sà-phòng, sà-phòng đánh răng, diêm, giấy các-bon, ống tiêm chích thuốc (nhưng không làm được kim), éther, pénicilline nước, vân vân...

Tóm lại, công-nghệ hậu-phương chỉ còn thiếu hai thứ : kim-khí và nguyên động-lực. Nhưng nhờ ở sáng-kiến cá-nhân vấn-đề này cũng giải-quyết được một phần. Máy xe-hơi và máy xe lăn đường, vì không còn đường nữa, dùng để kéo máy tiện, máy cưa v.v... Thác nước thuộc hệ-thống nông-giang biến thành máy thủy-điện và một nhóm kỹ-sư thành-công trong việc xây một "lò cao" sản-xuất mỗi ngày ba tấn gang. Ðặc điểm của lò cao này là chỉ cao có 9 mét, trong khi theo nguyên tắc, lò cao thấp nhất cũng phải cao 13 mét. Một phái đoàn Ðông Ðức tới thăm, vào năm 1954 tỏ ý hết sức thán phục kỹ-thuật của các chuyên viên phụ-trách. Ðường rầy xe lửa cùng "tà vẹt" trở thành một nguồn thép vô tận, vỏ bom napan và xác máy bay bắn rơi biến ngay thành nồi niêu xoong chảo bằng nhôm. Mặc dầu so với mức sống tân tiến, tình hình hậu phương không có gì là "khả quan", nhưng ngoại trừ công chức bị túng-thiếu vì mỗi tháng chỉ được có mấy chục cân gạo, còn ngoại giả dân chúng đều sống tương đối dễ dàng, không một ai thất-nghiệp. Nhưng chẳng bao lâu Việt-Minh đình chỉ chính sách khuyến khích công nghệ nội hóa, vì sau khi cố-vấn Trung Cộng sang, họ giảng cho Việt-minh hay là nếu có khuyến khích công nghệ tư nhân thì tức là gây mầm cho chế-độ tư-bản. Từ đấy Việt-minh đổi ngược lại chính sách, làm khó dễ những người sản-xuất hàng nội hóa và đồng-thời mở rộng kiểm soát cho hang Pháp tràn vào. Nhiều thủ-công nghiệp bắt buộc phải đóng cửa vì không thể nào cạnh tranh lại hàng hóa của Pháp, và trong nhiều trường hợp, cả chủ lẫn thợ kéo vào các thị-trấn do Pháp kiểm-soát để kiếm kế sinh nhai, vì từ ngày Việt-minh đình chỉ việc phong-tỏa kinh tế, đời sống trong vùng Pháp chiếm đóng bỗng nhiên phồn thịnh hẳn lên.

Ðể tiến tới xã-hội chủ-nghĩa, chính-phủ Hồ-Chí-Minh áp dụng hai chính-sách mới : đánh thuế "Công Thương Nghiệp" và thành lập "Mậu-dịch Quốc-doanh". Dĩ-nhiên Mậu-dịch Quốc-doanh chỉ có nghĩa là chính-quyền nắm độc quyền thương-mại trong toàn quốc.

Về đại-cương thì Thuế Công Thương Nghiệp cũng giống thuế Nông Nghiệp, nhưng cũng có hơi khác về thuế biểu và về cách thức tính thuế. Thuế Công Thương Nghiệp phải nộp hàng tháng, không phải một năm hai vụ như thuế Nông Nghiệp. Thuế Công Thương Nghiệp đánh vào lợi-tức, không đánh vào thu hoạch, và mức tối đa chỉ có 28 phần trăm, trong khi mức tối đa của thuế Nông Nghiệp lên tới 64,68 phần trăm. Trên nguyên tắc thuế Công Thương Nghiệp có phần hợp lý và nhẹ hơn thuế Nông Nghiệp. Cách tính thuế Công Thương Nghiệp như sau :
1. Ước định số "thu" của mỗi người công thương.
2. Tính số lời, bằng cách nhân số "thu" với một con số "lợi nhuận" do Bộ Tài-chính ấn-định cho từng nghề nghiệp (Thí-dụ lợi-nhuận của nghề bán tạp-hóa định là 30 phần trăm, hàng ấn định là 50 phần trăm. Việt-minh cho rằng làm những nghề ấy thì phải lãi bằng ấy).
3. Sau khi tính được lợi-tức của một công, thương gia rồi thì mang bản thuế-biểu do Bộ Tài-chính ấn-định xem với số lợi-tức ấy, họ đứng vào loại nào và phải đóng bao nhiêu phần trăm, đại khái cũng như tính thuế Nông Nghiệp, Thuế Công Thương Nghiệp cùng lũy-tiến, xê dịch từ tối-thiểu 15 phần trăm đến tối đa 28 phần trăm.

Như vậy là muốn tính thuế cho một công, thương gia chỉ cần biết số thu hoạch của họ, vì một khi đã có con số này thì chỉ việc đối chiếu với bản lợi-nhuận và bản thuế biểu của chính-phủ mà nhân lên là tính được ngay. Số phận của mỗi công, thương gia đều do con số thu-hoạch chi phối.

Dưới chế-độ Việt-Minh, mỗi công, thương gia phải giữ một cuốn sổ chi thu, ghi chép đầy đủ mọi việc buôn bán. Mỗi lần bán ra một món gì, dù là bán nước, bán trâu đều phải làm ba bản hóa-đơn, giữ một bản, giao cho người mua một bản và nộp cho Sở Thuế một bản. Tuy nhiên những sổ sách và hóa-đơn này chỉ cốt để tiện việc cho chính-phủ kiểm tra, nếu cần, không phải để tính thuế, vì tính thuế là công việc của nhân dân, không phải trách nhiệm của chính-quyền. Dưới chế-độ dân chủ nhân dân, chính-phủ chỉ việc giơ ta thu tiền, còn tính thuế và thu thuế là việc của nhân-dân vì Ðảng cho rằng nhân dân lúc nào cũng "sáng suốt", không cần đến sổ sách, giấy tờ. Khẩu hiệu lúc bấy giờ là : "Phải hoàn toàn tin ở quần chúng".

Ðảng giao việc thu thuế cho nhân dân vì Ðảng coi việc nộp thuế là một "hân hạnh" không phải là một "nghĩa vụ" như ở các nước tư-bản. Mỗi công dân phải vui vẻ đóng thuế để góp phần vào công việc xây-dựng xã-hội chủ-nghĩa. Vì đóng thuế là yêu nước nên mọi người đều nói "được đóng thuế" và không ai nói "phải đóng thuế". Từ nguyên tắc "đóng thuế là một hân-hạnh, một đặc ân" nẩy ra hai nguyên-tắc phụ. Thứ nhất, là không phải bất cứ ai cũng được "hân hạnh" đóng thuế, và thứ hai là nhân dân sẽ sẵn sàng giúp đỡ những người không xứng đáng với "đặc-ân" đó, hoặc chạy không đủ tiền để làm trọn "hân hạnh". Chúng ta hãy đi sâu thêm vào chi tiết của hai điểm này.

Tại sao được nộp thuế lại là một đặc ân ? Ở dưới chính thể dân-chủ nhân-dân, người công-dân không có quyền tự-do kinh-doanh, và đây là đặc-điểm quan-trọng nhất làm cho chế-độ dân-chủ nhân-dân khác hẳn chế-độ dân-chủ tư-sản. Muốn mở một công-nghệ hoặc một hiệu buôn thì trước tiên phải nộp đơn xin phép Mậu dịch vì Mậu-dịch kiểm soát tất cả công thương trong vùng. Khi Mậu-dịch cho phép rồi, lại phải làm đơn xin phép Ủy-ban Hành-chính địa-phương, vì có một số nghề mà một số người không được làm. Ðịa-chủ, chẳng hạn, không được phép bán hàng cơm và làm nghề cắt tóc. Ðơn nộp cho ủy-ban Hành-chính, nhưng chi-bộ cho hay không, là quyền bí-thư chi-bộ Ðảng, vì chỉ có Ðảng mới biết rõ thái-độ chính-trị của đương sự. Nếu đương sự được phép mở cửa hàng rồi, mà sau này chi-bộ mới tình nghi là "phản-động" thì công-an ăn mặc thường-phục túc trực trước cửa, hỏi giấy thông hành của tất cả ngườI mọi ra vào. Vì vậy nên ai được "hân hạnh" nộp thuế tức là còn được tự-do kinh doanh, một thứ tự-do quý báu gấp bội tự-do chính-trị mà báo-chí tư-sản vẫn thường ca tụng, vì mất thứ tự-do này thì toàn gia phải chết đói. Chính vì mọi người sợ mất "hân hạnh nộp thuế" mà toàn dân không dám cưỡng lại chính-quyền Cộng-sản.

Nhân dân giúp đỡ như thế nào ? Mặc dầu Ðảng đã giảng dậy rất kỹ lưỡng và nhắc đi nhắc lại là nộp thuế là một "hân hạnh", lác đác vẫn có những người không hiểu rõ tầm quan trọng của cái "hân hạnh" ấy và không tích-cực nộp thuế như Ðảng đã dặn, không chịu khai đúng con số thu-hoạch, hoặc là không khai đúng với sự ước lượng của cán-bộ. Trong những trường hợp như vậy thì nhân dân trong phố, hoặc trong làng sẽ giúp những người "đãng trí" nhớ lại con số thu-hoạch của mình.

Việc giúp đỡ này thể-hiện bằng hai hình-thức, hai cuộc "bình".

Bắt đầu là một cuộc họp của tất cả những người cùng hành một nghề trong địa-phương, cùng một xã hoặc cùng một khu phố. Họ mổ xẻ công việc buôn bán của mỗi người rồi lập một danh sách kể từ người thu-hoạch nhiều nhất xuống dần đến người thu-hoạch thấp nhất. Công việc xếp đặt theo thu-hoạch nhiều ít này được gọi là "bình dọc" vì mục-đích chỉ là lập một danh sách "dọc" từ trên xuống dưới, từ người thu-hoạch nhiều nhất đến người thu-hoạch ít nhất. Ðảng nói rằng "bình dọc" như vậy rất đúng vì chỉ có những người cùng hành một nghề mới rỡ ai hơn ai kém. Nhưng chủ tâm của Ðảng là bắt những người cùng hành một nghề "bình" lẫn nhau thì họ sẽ vì ghen tị mà tố cáo lẫn nhau không cần phải tra khảo, tự nhiên mọi gian lận sẽ lòi ra hết.

Sau đấy là một cuộc họp thứ hai, nhưng lần này tất cả công, thương gia trong một phố, hoặc trong một xóm đều dự, bất luận là hành nghề gì. Họ thảo luận và bình xem mỗi người trong bọn họ thu-hoạch được bao nhiêu, rồi cuối cùng giơ tay "biểu-quyết" con số. Cuộc bình này gọi là "bình ngang". Mỗi công, thương gia trong phố, hoặc trong xóm đã biết trước là phố mình, hoặc xóm mình sẽ phải đóng bao nhiêu thuế, nên mọi người đều cố tình "tố" người khác, để người khác phải nộp nhiều hơn thì bản-thân mình có hy-vọng nộp ít hơn. Việc "bình ngang" này mang tới hai kết quả :

Thứ nhất là những người cùng phố hoặc cùng xóm thường hay có chuyện xích-mích hoặc thù hằn lẫn nhau, và thường lợi-dụng cuộc "bình thuế" để trả thù. Thí dụ vợ anh A ngoại-tình với anh B, buôn bán cùng phố. Muốn trả thù anh B đã cho mình "mọc sừng" anh A tố là anh B thu-hoạch rất nhiều. Ðể nại chứng, anh A nói thường thấy chị B đi chợ mua gà, vịt. Ðến khi hội-nghị bàn thuế của anh A, thì em anh B muốn trả thù cho anh mình, đứng lên tố là ngày nào cũng thấy anh A ngồi uống cà-phê sữa (cà-phê và sữa được coi là xa-xí phẩm ở Bắc-việt) ở tiệm cà-phê gần nhà mình. Rốt cuộc là thu-hoạch của mọi người đều bị "kích" lên, và nhiều khi sở thuế thu được nhiều hơn con số dự trù.

Kết quả thứ hai là những người cùng phố, cùng xóm không biết hàng xóm láng giềng làm ăn ra sao mà chỉ biết đại khái về lề lối sinh-hoạt. Người nào mà mỗi tuần ăn một con gà, hoặc mỗi sáng uống cà-phê sữa không tránh khỏi những người xung quanh coi là "đại-phú". Rốt cuộc không ai giám ăn gà và uống cà-phê sữa công khai. Nếu chị B muốn mua một con gà thì chị phải nhét gà xuống đáy rổ, đậy rau muống lên trên, còn anh A, nếu thèm cà phê thì đạp xe-đạp tới một nơi thật xa để uống, hoặc pha giấu trong phòng ngủ, không cho hàng xóm láng giềng ngửi thấy mùi. Vì "bình thuế" cả ngang lẫn dọc nên chẳng bao lâu mọi người đều làm ra vẻ xác xơ. Họ mang những quần áo cũ nhất và rách nhất ra mặc, để râu tóc mọc thật dài, hoặc nhờ vợ hớt bằng kéo. Tiệm cà-phê, thợ may và thợ cạo đều lần lượt đóng cửa.

Ðầu tiên vì sợ bình nên mọi người đều "giấu giầu" nhưng cuối cùng, mọi người đều phá sản thực sự. Sau khi phá sản và đóng cửa tiệm cả chủ lẫn người làm công kéo nhau vào vùng Pháp kiểm soát, để lại hậu-phương mặc sức cho Mậu-dịch xây-dựng thương-mại và công-nghệ xã-hội chủ-nghĩa. Lúc bây giờ toàn thể nhân dân đã trở thành bần cố.