Home

THƯ NGỎ

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Ghé Thăm Các Blogs: 21/11/2011


Blog Trần Minh Quân
KHÔNG THỂ KHÁC!

1. Hai người bạn trò chuyện với nhau:
- Mày có biết tham nhũng là xấu xa lắm không? – Có biết; – Mày có biết những đồng tiền tham nhũng là mồ hôi nước mắt của người dân, trong đó có cả những người là bà con, cô bác, anh chị… của mày không? – Có biết; – Thế mày có biết người ta đang ca thán, nguyền rủa những thằng như mày không? – Có biết; Vậy tại sao mày vẫn cứ tham nhũng? – Vì không thể khác được mày ạ! Tao không làm thế thì bị xem là “thành phần cá biệt” như chơi, nguy lắm.

2. Một người bạn trò chuyện với bác sĩ:
- Ông có nghe người ta đang nói nhiều đến hiện tượng “phong bì”, “phong bao” trong bệnh viện không? – Có nghe; Ông có là “đối tượng” của tình trạng đó không? – Tôi cũng không là ngoại lệ; – Thế ông có biết người nhà bệnh nhân đã phải rất khổ sở, họ đang chạy đến muốn lìa đôi chân, phải khóc đến hết nước mắt, phải cố nhịn ăn, nhịn uống mới có được một khoản tiền nhỏ để khám chữa bệnh hay không? – Có biết; – Ông có biết là ông quá ác và quá nhẫn tâm khi đòi hỏi những đồng tiền của những người khốn khổ đó hay không? – Đôi lúc tôi cũng cảm thấy xấu hổ nhưng … ; – Không nhưng nhị gì hết! – Tôi cam đoan là ông đều biết, biết tất tần tật. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông lại làm thế? – Vì không thể khác được ông ạ! Ai cũng làm vậy thì khác thế đ. nào được.

3. Một người bạn trò chuyện với thầy giáo:
- Là thầy giáo chắc ông có biết đến chuyện chạy trường, chạy lớp chứ? – Tất nhiên!; – Thế ông nghĩ sao về thực trạng này? – Ui chà, ai có nhu cầu thì cứ chạy chứ nghĩ với ngợi gì? – Tôi nghe nói ở nhiều trường người ta ra giá hẳn hoi, có khi lên đến vài chục ngàn USD cho mỗi suất luôn đó? – Có nghe; – Thế ông có từng tham gia mấy vụ này không? – Cũng đôi khi vì một vài mối quan hệ mà phải đành chấp nhận thôi; – Thế ông có biết làm vậy là bất công với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và vi phạm đạo đức làm thầy không? – Thì tôi chỉ … cải thiện đời sống thôi mà. Vả lại mấy ông quan chức, bác sĩ… thu nhập cao ngất ngưỡng còn là thế huống hồ thu nhập ba cọc, ba đồng như tôi …; – Chẳng lẽ vì mấy đồng tiền mà ông bán rẻ danh dự cao quý của người thầy mà xã hội đã dành cho ông sao? – Vì không thể khác được ông ạ! Tôi không làm thì người khác cũng làm thôi mà.


Trên đây chỉ là vài ví dụ điển hình cho một xu hướng “không thể khác được” đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Dường như để khỏa lấp hay đánh lừa cảm nhận của mình về những gì đang tồn tại như một thứ dịch bệnh thì không có gì tốt hơn là đẩy trách nhiệm về phía cơ chế hay xu hướng xã hội. Bởi nói là do cơ chế, do xu hướng thì không thể cưỡng lại được, không thể thay đổi được, và tất nhiên mục đích cuối cùng là để chối bỏ những tội lỗi của mình.

Thật không thể chấp nhận được khi chỉ vì lòng tham mà người ta đã đánh mất lương tri, đạo đức hay giá trị dù chỉ đang loe loét của chính mình. Vì tiền người ta sẵn sàng chấp nhận lấy đi những gì còm cõi nhất, cơ cực nhất và kể cả niềm hy vọng nhỏ nhoi của người dân nghèo, trong đó có cả những người thân của mình.
Đáng buồn thay khi những chuyện vốn được xem là hy hữu, là đáng lên án ở những xã hội tiên tiến khác lại được xem là “chuyện thường ngày ở huyện” ở quê hương mình.

Hôm kia, tôi có nghe một câu chuyện về gia đình một ông cán bộ công an ở huyện nọ. Sau khi đã về hưu an hưởng tuổi già với cơ ngơi được xem là khá đồ xộ ở một vùng nông thôn nghèo. Nhưng oái ăm thay, nghỉ ngơi chưa được vài hôm thì được tin thằng con trai lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do cá độ đá banh, đánh bài đánh bạc.

Đáng nói là số nợ này đã tích tụ từ nhiều năm nay, tức từ lúc ông bố còn đương chức. Cậy thế cha, cậu con trai mượn tiền khắp nơi, số nợ lên đến con số mấy tỉ đồng. Giờ người cha hết chức quyền rồi thì cũng là lúc chủ nợ đến đòi tiền và có khả năng phải bán nhà, bán đất tất tần tật để trả nợ cho con.

Nhiều người thầm nghĩ: Của thiên thì trả địa mà thôi. Thật là đơn giản. Một sự thật đơn giản đến hiển nhiên.

Lẽ thường, những đồng tiền do mồ hôi, nước mắt kiếm ra thì người ta mới thực sự quý, chứ còn tiền từ trên trời rơi xuống, từ những phi vụ “áp phe”, làm ăn bất chính thì rồi cũng bỏ ta mà đi, không bằng cách này thì cách khác.

Trong khi đa phần những người dân lao động chân chính đang phải vật lộn với bao nhiêu thứ bộn bề trong khó khăn chồng chất thì vẫn còn đâu đó rất nhiều người đang nhởn nhơ tiêu xài phung phí những đồng tiền của người khác, lại còn tỏ ra tự hào vì điều đó. Thật là trơ tráo khôn cùng.

“Không thể khác”, “Không thể khác”… Không biết đến bao giờ cái điệp khúc khốn nạn ấy sẽ thôi được cất lên mỗi khi có người nhắc đến?

Nếu cứ kêu mãi kêu ca “không thể khác” trong khi chẳng có gì khác cả thì rồi đây cái kết cục bi thảm “không thể khác” như ông quan huyện kia hay còn hơn thế nữa sẽ vẫn đang chờ đợi ở phía trước. Đó là kết quả hiển nhiên mà thôi.


BLOG DÂN LÀM BÁO

Trần Sơn (danlambao) - Sáng đầu đông Hà Nội, hôm nay sao mà buồn đến ra riết. Mới sáng sớm, khí trời còn lành lạnh, làn sương nhẹ vẫn giăng trên phố, người ra đường choàng thêm tấm áo đông xuân. Vậy mà đến chưa đến 8 giờ, trời đã oi lắm. Cái khô, cái ngột của cuối thu, đầu đông đến “gây’ người. Xe, người đã đổ ra phố nhộn nhạo lắm, giăng như mắc cửi.

Nhưng cái nhộn nhạo của Hà Nội sáng nay không thể nhòa đi được hình ảnh 3 người phụ nữ, một già, hai trẻ, trong tấm áo màu đen, chầm chậm đi trên phố. Trên tay họ là di ảnh người quá cố, là hình ảnh cha, chồng họ trong cơn hấp hối giã biệt cõi đời. Di ảnh của những oan hồn.

Họ đi chầm chậm.
Họ đi chầm chậm.
Người hàng phố lặng đi khi họ đi qua.

Mọi câu chuyện dở dang bên chén trà sáng bỗng dưng bặt lại. Ánh mắt dõi theo đến xót lòng. Một đám tang đi qua cũng chưa bao giờ làm họ xót xa đến thế.

Con bé kia là ai? Có phải con ông Tùng dưới Trần Khát Chân đấy không? Ừ đúng rồi, trên tay nó cầm cái ảnh ông Tùng kia kìa. Hình như con bé tên Tiến thì phải, khổ thân nó. Một mẹ hai con chơ vơ.

Thế hai người đàn bà kia là ai ý nhỉ? Tức thì một tiếng ai đó chen vào: Có biết vụ Nguyễn Công Nhật ở Đồng Nai không? Biết! Thì đấy! mẹ và vợ nó đấy. Trời, có phải vụ gạ tình đấy không. Khốn nạn! Chồng người ta nó đánh chết, vợ người ta nó rủ đi nhà nghỉ. Thằng nào rủ? - tiếng ai đó chen vào. Thì thằng công an điều tra viên chứ ai.

Người hàng phố cứ xì xào như thế, lan theo mỗi chân họ bước qua từng góc phố.
Họ vẫn lầm lụi bước đi. Họ đi đòi công lý.

Công lý ở cái xứ này? Nhìn cảnh ba người đàn bà đi trên phố, sao mà nghe chua xót đến thế.

Họ dừng lại giữa phố Yết Kiêu, nơi có cái trụ sở của cái bộ “còn đảng còn mình”, nơi đào tạo ra những thủ phạm giết chồng, giết cha họ. Họ đứng lặng lẽ trước cánh cổng, bên kia đường.

Lúc này, nhiều xe dừng lại, san xẻ với họ nỗi đau oan khuất. Rồi những chiếc xe lại tất tưởi ra đi, lao vào cuộc mưu sinh.

Bên kia đường, những đồng đội, đồng chí của thủ phạm giết cha họ, chồng họ vẫn ra, vẫn vào, không một cái nhìn cảm thông, không một lời an ủi.

Rồi họ lại ra đi, bước chân chầm chậm dọc theo hè phố. Họ dừng lại nơi có có cái khẩu hiệu có lẽ to nhất Việt Nam “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ,văn minh”. Họ đứng im như vậy, mẹ già nhòa lệ, hai cô gái- một mất chồng, một mất cha, mắt nhìn thẳng, môi gằn lại. Giữa quảng trường có cái Cung mang tên Hữu nghị Việt-Xô, lúc này một vòng tròn vây quanh lấy họ. Những ánh mắt ái ngại, những lời nói cảm thông trao cho họ, những lời nói phẫn uất, nghèn ngẹn.


BLOG NGUYỄN XUÂN DIỆN


Quốc Hội thật hồng phước!

Tôi đã bị sốc về đề xuất luật nhà văn và sự ưu tiên luật nhà văn so với luật biểu tình của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Hồng. Nay lại càng sốc hơn với bài phát biểu phản đối luật biểu tình của đại biểu Quốc Hội Hoàng Hữu Phước. Tôi đã có lời bình về đề xuất của ông Hồng mà báo chính thống đã đưa. Tôi cũng có một số ý nghĩ về bài phát biểu của ông Phước mà báo chính thống chỉ lấy ra vài ý.

Đây là bài viết của tôi về ông Phước: 

Sốc về ông Hoàng Hữu Phước 
Nguyễn Quang A 

Tôi thực sự bị sốc khi đọc bài phát biểu của ông Phước. Nếu ông Phước, với tư cách một cá nhân, đọc bài phát biểu ấy ở đâu đó, nếu có người nghe, thì bất cứ ai có chút hiểu biết và dựa trên nội dung bài phát biểu của ông đều có thể thấy rằng ông là một người hiểu biết nông cạn, sử dụng thông tin sai lệch và thích phán một cách hết sức bừa bãi, song người ta cũng chẳng hơi đâu trách ông làm gì. Nhưng ông lại đường đường là một đại biểu Quốc Hội, phát biểu công khai, chính thức trên diễn đàn Quốc Hội.

Tôi trằn trọc đặt cho mình câu hỏi “làm sao những người như ông lại có thể “lẻn” vào Quốc Hội?” và thấy quá lo: với các “dân biểu” như ông thì Việt Nam lụn bại là chắc chắn.

Ông Phước “kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này”. Một “đại diện của dân” lại ngang nhiên đề nghị các “đại diện của dân” tước hai quyền con người cơ bản được hiến định của dân! Dân nào bầu ông làm đại diện của mình nếu họ biết rõ chân tướng của ông.

Theo ông, nếu lập hội:  để “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đều là không cần. Sự hiểu của ông mới nông cạn làm sao về hội, về vai trò của xã hội dân sự và thậm chí về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Lý do để ông loại luật biểu tình:

Theo ông, cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra năm 1913 và mãi đến các năm 1960 mới xuất hiện từ ngữ “biểu tình” ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới. Ông lấy đâu ra những thông tin tào lao và hoàn toàn sai ấy?

Ông khẳng định, “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ”.

Sự hiểu của ông về biểu tình sai bét. Bất cứ ai biết đọc, biết dùng Google và không biết gì về biểu tình cũng có sự hiểu đúng hơn ông về biểu tình chỉ sau 15 phút!

Khi ông “đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người gần đây Thành phố Hồ Chí Minh chống đường lưỡi bò” và ông “đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng nguyền rủa, thóa mạ, văng tục đầy đe dọa những người đang tập hợp mà ta gọi là biểu tình ấy” và ông sợ “sự giận dữ này có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa vài nhóm người biểu tình và chống biểu tình”.

Ông sợ các cuộc tập hợp đông người như vậy xâm hại đến đến quyền tự do của những người khác. Ông đòi cân đong xem “cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn” một số quyền mà ông nêu ra để đối sánh. Đấy chính là một trong những lý do cần có luật biểu tình, chứ đâu như ông nghĩ.

Rồi ông kết luận “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” như sự ô danh mà các cuộc biểu tình “chiếm phố Wall” gây ra cho nước Mỹ. Tôi thấy thật ô danh cho những kẻ thích phán bừa như vậy mà chẳng tìm hiểu kỹ thực hư thế nào.

Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam phản đối đường lưỡi bò, thế mà ông ngang nhiên dùng những lời được ông cho là của người khác để bôi nhọ, thóa mạ những người “chống đường lưỡi bò” bằng cách thực hiện quyền biểu tình được hiến định của mình. Hay ông ủng hộ đường lưỡi bò? Hay ông muốn bắt người khác phải làm theo cách nghĩ của ông?

Ông bảo “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Không có thăm dò dư luận sao ông biết “đa số nhân dân sẽ”…? Ông muốn hay có thể điều khiển nhân dân ư? Dân biểu như ông chỉ góp phần vào sự bóp nghẹt tự do, biến dân thành tù nhân và nô lệ và gây ra “biến loạn” mà thôi.

Dân biểu như ông chắc khó có thể đóng góp gì cho sự phát triển hướng tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh” nếu không nói là ngược lại.

Càng thích phán theo kiểu này tại diễn đàn Quốc Hội và các diễn đàn chính thức khác với tư cách ông nghị, ông càng tự hủy hoại mình và hủy hoại uy tín của Quốc Hội.

Nếu còn chút liêm sỉ ông nên từ chức đại biểu Quốc Hội và về nhà tu học thêm.
__________________________

Bực, buồn phải suy nghĩ mông lung rồi cũng tìm được sự lý giải: các ông này (mà không có các ông ấy thì có các ông tương tự) mà không thế mới lạ! Và thế là stress được xả.
Xem lại thì thấy 2 ông Hồng Phước này có mấy điểm giống nhau.

Cả 2 ông đều không muốn luật biểu tình. Cả 2 ông đều là các đại biểu tự ứng cử và đã trúng. Khóa trước trong số những người tự ứng cử duy nhất chỉ có ông Hồng trúng cử. Khóa này trong số nhiều người tự ứng cử có 4 người trúng cử, tức là các ông Hồng Phước chiếm 50%! Không rõ chính kiến của 2 vị kia (ông Phan Văn Quý, bà Châu Thị Thu Nga) ra sao. Chất lượng của các vị tự ứng cử đã trúng cử thật là cao! Họ tự ứng cử hay được nhắc “cứ tự ra ứng cử đi”? Cái dân chủ xã hội chủ nghĩa triệu lần tốt đẹp hơn dân chủ tư sản nó vậy đó! Thật là hồng phước cho Quốc Hội!

N.Q.A
*Bài viết do TS Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


BLOG HỒ BẤT KHUẤT

Chữ “dân trí”hiện nay được sử dụng khá nhiều (có hẳn một tờ báo mạng nổi tiếng có tên “Dân Trí”), nhưng chủ yếu trong các trường hợp là các quan chức (bao gồm cả đại biểu dân cử) cho rằng, dân trí của nước ta hiện nay đang thấp. Theo dõi thông tin, nghe ngóng, thậm chí tranh luận với một số vị, tôi lại thấy “quan trí" của chúng ta đang có vấn đề.

Buồn, lo từ những phát biểu của một số đại biểu Quốc hội

Mấy hôm trước báo chí loan tin rộng rãi là Đại biểu Quốc hội, Bác sỹ - Nhà văn Nguyễn Minh Hồng đề xuất với Quốc hội là cần có Luật nhà thơ. Tôi nghe, giật mình và thấy buồn cười. Sau đó thì buồn thật vì thấy là một đại biểu Quốc hội, lại là nhà văn (Tôi đọc nhiều nhưng không hiểu ông nhà văn này viết cái gì) mà còn suy nghĩ và hành động kiểu này thì xã hội ta sẽ còn phải chịu đựng sự “ấm ức” khá lâu đây.

Hôm nay (18/11/2011) các báo đưa tin, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Báo “Tuổi Trẻ’ còn đăng hẳn cả một bài phỏng vấn ông Phước; đọc xong, tôi thấy lo quá!

 Mối lo trước tiên hơi sâu xa, hơi mơ hồ. Đó là trong số hàng chục triệu người Việt Nam trưởng thành, ta chỉ bầu chọn lấy mấy trăm đại biểu; đáng ra ta phải tìm ra được những người xứng đáng nhất: Họ phải hiểu biết nhiều, xử lý thông tin giỏi, phản ứng linh hoạt, hiểu biết tâm tư nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích của dân chúng… Song, qua phát biểu của một số đại biểu, tôi có cảm giác là chúng ta đã lựa chọn không chính xác ở một số trường hợp. Nỗi lo thứ hai, rất cụ thể, chủ yếu liên quan đến phát biểu của ông Phước vì ông muốn loại bỏ cả hai dự luật là Dự luật Biểu tình và Dự luật Lập hội. Nỗi lo ở chỗ ông Hoàng Hữu Phước là Đại biểu Quốc hội, là người tham gia vào quá trình lập pháp, nhưng những phát biểu của ông đầy băm bổ và mang nặng tính vi hiến, nghĩa là ông không hiểu, hoặc không tôn trọng những điều đã được Hiến pháp ghi rõ.

Đôi lời với ông Hoàng Hữu Phước

Kính thưa ông Hoàng Hữu Phước!
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước

Không biết căn cứ vào đâu và hiểu thế nào mà ông cho rằng dân trí của nước ta đang thấp, không phù hợp cho Luật biểu tình ra đời? Xin thưa với ông là hiện nay Việt Nam có trên 2 triệu người đã tốt nghiệp đại học, gần 25 000 thạc sỹ, trên 20 000 tiến sỹ; cả nước đã hoàn thành phổ cập Tiểu học và đang phấn đấu hoàn thành phổ cập Trung học Cơ sở trong mấy năm tới.

Nhưng thôi, khoan đã bàn đến chuyện học hành và bằng cấp ở đây. Chữ “dân trí” không hẳn để chỉ trình độ học vấn của nhân dân, mà là chỉ sự hiểu biết của nhân dân. Một người có thể chỉ có trình độ tiểu học, thậm chí không biết chữ, nhưng người đó có thể hiểu biết nhiều vấn đề, từ những vấn đề liên quan đến đất đai, cái ăn cái mặc của từng người, cho đến những vấn đề chiến tranh và hoà bình, chủ quyền lãnh thổ, vận mệnh quốc gia. Lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của dân tộc ta chỉ ra rằng, nhờ có sự hiểu biết và ủng hộ của nhân dân mà chúng ta giành được những chiến thắng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Nay là thời bình nhưng đang có nhiều vấn đề xẩy ra khiến đại bộ phận quần chúng nhân dân cảm thấy cần phải có một hình thức nào đó để lên tiếng, để bày tỏ thái độ, tình cảm, nhận thức của mình. Đó chính là biểu tình. Biểu tình là những cuộc tụ họp của nhiều người để hưởng ứng hay phản đối một điều gì đó. Đơn giản vậy thôi. Và quyền được biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp của nước ta, và đã xẩy ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mấy tháng trước. Không chỉ xẩy ra một lần mà diễn ra nhiều lần trong mấy tháng trời.
Trước đến nay Quốc hội bận rộn nhiều thứ nên tạm thời chưa ban hành được Luật biểu tình. Nay Quốc hội còn định bàn đến Luật Nhà thơ, cớ sao lại không bàn tới Luật Biểu tình?

Phản đối hay ủng hộ Dự luật Biểu tình, Dự luật Lập hội là quyền của mỗi người. Nhưng thông qua sự phản đối hay ủng hộ, người ta đánh giá được sự hiểu biết của người đó.

Ông thì cho rằng dân trí (sự hiểu biết của nhân dân) hiện nay còn thấp nên không thể ban hành Luật biểu tình được. Còn tôi thì cho rằng, ông nói như vậy là kém hiểu biết (mặc dù tôi thấy ông ghi: Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh – doanh Quốc - tế) tình hình thực tế hiện nay. Ông có biết những người tham gia biểu tình vừa qua là những ai không? Họ chủ yếu là những người có trình độ học vấn và nhận thức sâu sắc mọi vấn đề, bao gồm giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà báo, sinh viên, học sinh. Không thể nói họ là những người dân trí thấp dưới bất cứ góc nhìn nào! Đây không chỉ là những người hiểu biết mà còn là những người yêu nước nồng nàn và đầy lòng dũng cảm.


BLOG ĐÀO TUẤN

2 năm 1997-1998 có thể xem là những năm tàn khốc nhất của đại dịch chuột. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật nếu năm 1996, dịch chuột "mới chỉ" tàn phá 262.000 ha hoa màu thì đến năm 1997 đã tàn phá 573. 000 ha hoa màu, trong đó, hơn 30.000 ha bị phá hoại gần ở mức độ hủy diệt. Dư trấn của dịch chuột nặng nề nhất là năm 1998 khi diện tích bị phá hoại lên tới 677.000 ha.

Một cán bộ thực vật ở An Giang sau này nhớ lại: "Chuột như những đội quân hùng mạnh kéo xuống cắn phá, không cây lúa nào ở Bảy Núi còn nguyên vẹn. Hầu hết diện tích đất canh tác lúa của nông dân An Giang đều bị chuột gây hại, mất trắng.” Những năm đó, khi ngủ người dân phải để cả đồ ăn trong mùng, để bên ngoài là chuột xơi hết ráo! Kênh Vĩnh Tế đầy dấu chân chuột chạy. Ngày ấy ở An Giang, đi đâu cũng nghe người dân kháo nhau: “Con chuột ăn cả trâu, bò!”. Chuột cắn phá mùa màng dữ dội, nhiều mảnh ruộng bị mất trắng, dân nợ nần do mất mùa, phải bán trâu, bò để trả nợ ngân hàng.

Dịch chuột kéo dài suốt gần 5 năm nghiêm trọng đến mức ngày 18-2-1998, Thủ tướng Chính phủ buộc phải có chỉ thị 09 về những biện pháp cấp bách phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng. Chỉ thị nêu rõ "...trước mắt nghiêm cấm ngay việc săn bắt các loài thiên địch của chuột như mèo, trăn, rắn, chim cú... để xuất khẩu, làm thực phẩm, khuyến khích và phát động phong trào nuôi mèo, bảo vệ mèo trong toàn dân". Văn bản do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký thậm chí yêu cầu "xử lý thật nghiêm các vi phạm về săn bắt các thiên địch của chuột để xuất khẩu và làm thực phẩm, đặc biệt cấp bách hiện nay là việc săn bắt trộm, vận chuyển và buôn bán mèo qua biên giới".

Bản thân Chính phủ, bấy giờ cũng đã nhận thấy rằng một trong những nguyên nhân của dịch chuột kinh hoàng là bởi, những con mèo, thiên địch của chuột, đã bị những thương lái Trung Quốc mua vét đến những con cuối cùng.

Phó Thủ tướng Tạn đã về hưu và nông dân, rất nhanh, quên ngay câu chuyện cảnh giác. Cũng chưa có bất cứ một cơ quan nhà nước nào trả lời câu hỏi "Tại sao" của việc thương lái phía "bạn" mua vét mèo những năm 90 thế kỷ trước. Cũng không ai có ý kiến sau khi họ tiếp tục thu gom những mặt hàng "hiểm" sau này: thớt nghiễn, móng trâu, rễ hồi, râu ngô non, ốc bươu vàng, đồng vụn, cáp quang, gỗ sưa, và giờ là đỉa.

Chỉ rất nhanh sau khi thương lái Trung Quốc bắt đầu mua vét đỉa, những cảnh báo đã thành sự thật: Những cánh đồng giờ đã ngập đỉa. Và giờ, sau khi thu được vài đồng bạc lẻ, những người nông dân sẽ phải bỏ rất nhiều tiền để tiêu hủy "cho đủ chết" giống vật "của nợ" mà ít hôm trước họ còn nuôi với ý định làm giàu.
Muốn tiêu diệt đỉa, người ta phải đào hố chôn, rồi rắc vôi bột. Hoặc mua hóa chất về phun. Ngay cả việc tẩm xăng đốt, cũng phải đốt cháy kỹ bởi những tế bào còn sót lại của con đỉa cũng có thể sinh sản ra những con đỉa mới.Cuộc tiêu diệt đỉa sẽ kỳ công và tốn kém hơn rất nhiều so với việc làm cho chúng sinh sôi nhung nhúc khắp các cánh đồng từ Nam chí Bắc.

Những lời cảnh báo đã ngay lập tức được các nhà khoa học đưa ra khi thương lái Trung Quốc mua vét những con đỉa đầu tiên.

Nhà khoa học A nói đỉa sinh sôi, phá hoại, gây hại không khác gì ốc bươu vàng.

Nhà kinh tế học B nói ngay khi thương lái bỏ đi, nông dân sẽ lại lỗ vốn với những chi phí để tiêu diệt giống vật của nợ, làm sạch ruộng đồng.

Chỉ có những nhà quản lý C vẫn yên lặng từ đó đến giờ.

Khó có thể trách những người nông dân là tham lam dù chính xác việc nuôi đỉa, hoặc ốc bươu vàng, rùa tai đỏ thực sự là một hành vi đánh bạc với môi trường sống được biện minh bằng chuyện áo cơm.
Nhưng cơ quan quản lý đã ở đâu?

Hay là họ đợi đỉa nhung nhúc gây đại dịch như đại dịch chuột để đưa ra chính sách mua đỉa của nông dân để cứu vãn ruộng đồng, giống như việc phải thu mua ốc bươu vàng với giá 20 ngàn đồng/kg.

Dịch ốc bươu vàng phải cần gần 1 thập kỷ sau mới thấy được hậu quả. Và gần 4 thập kỷ sau chưa khắc phục hết thiệt hại. Nhưng vấn đề đáng nói không chỉ là những thiệt hại xung quanh những cánh đồng nhung nhúc đỉa- loài vật hút máu. Mà ở chuyện sẽ còn những sinh vật gì hoặc được mua vét, hoặc được du nhập vào Việt Nam trong sự im lặng đầy khó hiểu của cơ quan quản lý.

Sau mười mấy năm, có lẽ phải cần thêm một "chỉ thị 09" áp dụng cho loài đỉa.


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ


Xưa tráng sĩ Kinh Kha thân sang Tần làm thích khách, trí hùng ngút ngàn lấp cả bến sông Dịch Thủy. Người tiễn đưa hai hàng, trọng kính cực kỳ.

Kha vào được cung Tần, qua bao nhiêu hàng lớp quân canh, phải chuẩn bị chu đáo vô cùng đến hàng năm trời. Phải nhờ đến đầu của tướng Phàn Ư Kỳ để làm tin, rồi địa đồ, ngọc báu ...công phu, tổn thất lắm mới vào được cung điện, mà vẫn cách Tần Vương 50 mươi bước chân. Việc nhớn chưa thành, nhưng ngàn đời sau ai nghe kể cũng làm thán phục.

Chuyện ấy sau này đến tai người nước Vệ, bấy giờ là triều nhà Sản năm thứ 66.

Người này giữ chức quan nhỏ trong đội tuần canh, tên chữ là Phòng.

Phòng hàng ngày theo lệnh quan trên đốc thúc, thường tuần tra trên địa bàn, bắt bớ những người dân đen buôn bán lẻ, đi rong. Siêng năng, chăm chỉ nhưng mãi chưa lập chiến công nào lớn, thấm thoắt thoi đưa tuổi đã lục tuần.

Bỗng ngày nọ, triều đình chiếm đất của xứ Thái Hà, khiến cho dân xứ ấy bức bối quá tụ lại bày tỏ sự không bằng lòng. Triều đình nghị các quan lại, bàn rằng.

- Không thể tha thứ bọn này, triều đình đã quyết thế nào mà có ý kháng lệnh đều đáng tội trọng. Nay truyền cho các bộ phải làm đến nơi, đến chốn. Cho bọn chúng không ngóc đầu lên nổi.

Lệnh trên truyền xuống, các bộ, phủ thi hành răm rắp. Quân lính gươm giáo sáng lòa tỏa các nơi khủng bố, uy hiếp tinh thần dân xứ Thái Hà. Loa khắp nơi phỉ báng, vu vạ đám dân ấy. Hai mặt giáp công nhịp nhàng, rồi nhân đêm tối mà nẫng gọn được đất.

Đám dân mất đất kéo nhau lên tận kinh thành kêu than. Triều đình chưa biết xử thế nào, đang nghĩ ngợi cách trị, vì dân chỉ kêu oan mà dùng binh lính trị cũng khó coi.

Phòng bấy giờ nghe các quan trên bàn bạc đi lại, có chiều đang lúng túng khó xử. Bèn nghĩ đây có thể là cơ hội lập công, mới bảo đồng nghiệp đi tuần cùng rằng.

- Sao cứ phải nương tay bọn chuột nhắt ấy, chỉ cần mình ta cũng đủ làm cho tinh thần đám ấy khiếp hãi đến muôn đời. Há Phòng ta không bằng tên thích khách mọn họ Kinh chăng ?

Nói xong, Phòng một mình một gươm, trang phục đâu đó, tay nắm chặt chuôi gươm, tay cầm điếu thuốc. Nhằm đúng lúc xứ ấy đang làm lễ, người đông nghìn nghịt nhưng toàn trẻ con nghiêm trang kính cẩn làm lễ. Phòng hiên ngang, khí phách ngời ngời đi qua đám đông mà như đi giữa chốn không người, thẳng tiến lên cung thánh lễ mà không ai dám ngăn, Phòng đi đến đâu, đám trẻ dự lễ đều khiếp đảm, cúi gằm mặt không dám nhìn. Đến nơi Phòng bước lên cung, chỉ tay vào mặt chủ tế hỏi xấc.

Chủ tế nín thinh không trả lời, bấy giờ có mấy người đến van xin. Phòng thấy cũng đã đủ oai và khiến bọn dân mất mặt, sợ hãi rồi. Bèn quay đít đi ra, lúc Phòng đi ra, trẻ con sợ đến nỗi bịt miệng không dám để tiếng khóc bật ra. Ai nấy đều sợ hãi nhìn Phòng hùng dũng, oai phong. Kẻ can đảm nhất cũng phải cúi mặt nghĩ thầm

- Đến quân tuần canh còn thế này, thì quân nhà Sản còn đáng sợ đến đâu?

Phòng về đến trạm tuần canh, đồng nghiệp xúm vào khen nức nở. Có kẻ nói xưa Quan Võ xông pha vào trận chém Nhan Lương, Văn Sú cũng chả hơn được Phòng bây giờ. Người khác nói so với Phòng, Kinh Kha chỉ là đứa con nít.

Quan trên nghe Phòng đảm lược lớn hơn người, phá được đám dân kia, làm chúng khiếp nhược, vui lắm. Mới gọi lên phong thưởng khen trước ba quân, đề cao tấm gương anh hùng của Phòng cho quân lính noi theo.

Sau có người hỏi Phòng vì sao can đảm thế, Phòng cười nhạt ghé tai rằng.

- Lúc đó là lễ trẻ con, có đứa nào mà chả sợ, huống chi nếu chúng động vào lông chân ta, Triều đình sẽ cho quân vào điều tra, xét hỏi, triệu tập nhân chứng liên miên, nghiên cứu hiện trường mất vài năm. Liệu chúng nó có yên mà làm lễ được không ?

Người kia nghe xong, than thầm rằng.

- Nhà Sản thật khéo đào tạo Anh Hùng