Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

CHUYỆN NƯỚC NGA TRƯỚC CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI VÀ TỔNG THỐNG QUYẾT GIỮ NGÔI BÁU DÀI DÀI

Hoàng Trường Sa

Trung tá Putin trong quân phục KGB
Ngày thứ bảy 24.09.2011, một tấn tuồng được trình diễn trên sân khấu chính trị nước Nga: trước hơn 11 nghìn đại biểu tham dự đại hội XII của Đảng “Nước Nga Thống nhất” (Edinaya Rossya), Tổng thống đương nhiệm Liên bang Nga Dmitri Medvedev đăng đàn, long trọng đề cử Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin ra ứng cử Tổng thống, và ông Putin trịnh trọng đứng lên vui vẻ nhận lời trong tiếng hoan hô như sấm dậy của các đại biểu, đồng thời ông tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cử ông Medvedev làm Thủ tướng. Các đại biểu lại vỗ tay ầm ĩ. Xin lưu ý bạn đọc là dưới thời ông Brezhnev, đại hội XXVI của Đảng cộng sản Liên Xô đông đại biểu nhất cũng chỉ có 4994 người, họp ở Cung Đại hội. Còn đại hội Đảng của ông Putin đông hơn gấp đôi, không cung điện nào chứa nổi khối người khổng lồ đó, nên phải họp trên sân vận động lớn nhất nước Nga là sân Luzhniki ở Moskva! 

 
Thật ra, cái trò hề “kẻ tung người hứng” của cặp bài trùng này chẳng có gì mới cả, nó chỉ lặp lại màn hài kịch hồi cuối năm 2007: Đảng “Nước Nga Thống nhất” đề cử Phó Thủ tướng đương nhiệm hồi đó là ông Dmitri Medvedev ra ứng cử Tổng thống, và Tổng thống đương nhiệm sắp hết nhiệm kỳ thứ hai là ông Vladimir Putin tuyên bố nhiệt liệt ủng hộ ứng viên Medvedev, còn ông Medvedev thì cám ơn sự tín nhiệm của Tổng thống Putin, đồng thời tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cử ông Putin làm Thủ tướng.
Thật không thể tưởng tượng nổi hai vị đứng đầu nhà nước này coi khinh dân Nga đến mức nào mới dám diễn đi diễn lại cái trò hề “tung hứng” kệch cỡm dường ấy trước bàn dân thiên hạ của nước Nga vĩ đại, khi dân chủ đang là xu thế chung của nhân loại ở cái thế kỷ 21 này!

Thật ra, cái “sự kiện lịch sử” vừa qua không làm cho ai có chút hiểu biết phải ngạc nhiên cả! Theo dõi kỹ những “nước bài” của ông Putin đã đi ngay từ năm 1999 (khi ông đang ở trên cương vị Thủ tướng và chuẩn bị tiếp nhận ngôi vị Tổng thống do ông Boris Yeltsin trao lại) đến nay đều nằm trong một kịch bản có tính toán kỹ càng nhằm giúp ông chiếm giữ dài dài “ngai vàng” ở nước Nga ít nhất là trong 20 năm, nếu mọi việc của ông đều được suôn sẻ và nếu đến năm 2024, điều 81 trong Hiến pháp Liên bang Nga vẫn còn tồn tại. Xin nói thêm, điều 81 của Hiến pháp nước Nga cấm tổng thống được giữ cương vị của mình hơn hai nhiệm kỳ liên tục. Cho nên khi sắp hết nhiệm kỳ hai, Tổng thống Putin đã có “sáng kiến” đề cử ông Medvedev lên ngôi vị Tổng thống, còn chính ông thì lui về cương vị Thủ tướng. Chắc là ông khoái trí lắm khi nghĩ ra cái “tuyệt chiêu” này để luồn lách điều 81. Phần đông dân chúng đều biết ông Medvedev chỉ là người canh giữ ngôi báu trong bốn năm cho ông Putin mà thôi. Để tránh sự hiểu lầm mình là con rối trong tay ông Putin, Tổng thống Medvedev thường cố làm ra vẻ “độc lập”, thỉnh thoảng có ý kiến ít nhiều “khác biệt” với ông Putin, nhưng thực ra ông chỉ đóng đúng vai trong vở kịch đã viết sẵn mà thôi. Như vậy, rõ ràng là ông Putin có cái mộng giữ ngôi báu ở nước Nga ít nhất trong 20 năm, hơn ông Brezhnev hai năm.

Có thể nói vắn tắt những “nước bài” chính trong cái kịch bản của ông Putin để chiếm giữ dài dài ngôi báu ở nước Nga như sau .

1/ Ngay sau khi nhận chức Thủ tướng hồi tháng 08.1999, nhân có vụ nổ bom ở Moskva, ông Putin liền huy động quân đội cấp liên bang mở chiến dịch lớn chống phiến quân Chechnya, mở đầu cuộc chiến tranh ở Chechnya lần thứ hai. Việc này “gãi đúng chỗ ngứa” của số đông người dân Nga bình thường, trí óc thấp kém đang khao khát có “một bàn tay sắt” để đem lại vị thế nước Nga như dưới thời đế chế Nga hoàng. Quyết định mở chiến dịch này cũng như những lời tuyên bố hùng hổ nặng tính dân tộc chủ nghĩa nước lớn của Tổng thống đã kích động mạnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân Nga. Nhờ đó uy tín của ông Putin bắt đầu tăng vọt từ 14% lên đến gần 70% trong một thời gian ngắn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 03.2000. 
 
Nhưng mặt tiêu cực của điều nói trên cũng đã lộ rõ, như ông Vladimir Lukin, Ủy viên phụ trách nhân quyền của Liên bang Nga, đã tuyên bố hồi năm 2004: nhận thấy rằng dưới thời Tổng thống Putin, đầu óc sô-vanh và chủ nghĩa chủng tộc đã tăng lên mạnh. Ông Lukin làm việc trong bộ máy chính quyền mà nói như vậy là mạnh miệng lắm. Còn vị lãnh đạo Ủy ban bảo vệ tự do tín ngưỡng, linh mục Gleb Yakunin, thì buộc tội nhà cầm quyền đã dung túng và tuyên truyền cho bạo lực và lòng căm ghét đối với các dân tộc thiểu số cũng như một nhóm người nhất định. Hậu quả rõ rệt nhất của việc cổ vũ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân Nga là trong thời gian này rất nhiều tổ chức dân tộc chủ nghĩa quá khích hoặc phát xít mới đã mọc lên và ngang nhiên hoành hành. Nhiều người than phiền rằng các lực lượng an ninh của nhà nước trong một thời gian dài đã dung túng cho những phần tử này, thậm chí để cho chúng có tổ chức bán vũ trang và công nhiên dùng các biểu trưng của phát xít. Nhiều vụ giết người ngoại quốc do bọn này đã gây ra, trong số đó có vài người Việt; một số gia đình người Việt đã kiện lên tòa án, nhưng khi xét xử thì bọn giết người lại được tha!
Cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Chechnya đã gây ra biết bao đau thương cho dân Chechnya, cũng như dân Nga, Sau nhiều năm chiến đấu, cuối cùng người Nga đã dựng lên được một bộ máy cầm quyền tay sai ở Chechnya. Năm 2007, Tổng thống Putin tuyên bố “nhờ lòng dũng cảm và sự thống nhất của nhân dân Nga, cuộc xâm lăng của khủng bố quốc tế đã bị quật lùi”. Thế là bộ máy tuyên truyền tung lên huyền thoại dường như ông Putin đã bình định được vùng Caucasia. Nhưng thật ra cho đến nay vùng này vẫn chưa yên, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, nó thay đổi hình dạng và lan rộng ra mấy nước lân cận đến tận xứ Daghestan. Những vụ khủng bố thường diễn ra ngay trên nước Nga. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ nổ bom các nhà ở tại Buinaksk, Moskva và Volgadonsk hồi tháng 09.1999 đã làm 307 người chết, trên 1700 người bị thương và vụ bắt con tin ở trường học số 1 tại Beslan hồi tháng 09.2004 làm 331 người chết ! Ngay tại thủ đô Moskva cũng đã xảy ra vụ bắt con tin trong buổi biểu diễn tại sân khấu trên đường Dubrovka hồi tháng 10.2002 làm 174 người chết, vụ nổ bom trên đường phố Moskva và tại festival-rok ở Tushino hồi năm 2003 làm 20 người chết, vụ nổ bom ở metro hồi tháng 02 và tháng 08.2004 làm trên 40 người chết, v.v... Nhưng dù sao đi nữa việc phát động cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Chechnya đã bảo đảm cho ông Putin giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu tổng thống năm 2000.

2/ Bước tiếp theo là Tổng thống cố tạo nên lực lượng chính trị mạnh riêng của mình. Vừa lên nắm quyền, ông bắt tay ngay vào việc thành lập đảng chính trị làm hậu thuẫn cho ông. Lúc đầu, ông cử bộ trưởng thân tín của mình là ông Sergei Shoigu đứng ra thành lập tổ chức “Thống Nhất” (Edinstvo). Một thời gian sau, tổ chức này tìm mọi cách thu hút tổ chức “Tổ Quốc” (Otechestvo) của ông Yuri Luzhkov, thị trưởng Moskva và tổ chức “Toàn bộ nước Nga” (Vsya Rossya) của ông Mintimer Shaimiev Tổng thống Cộng hòa Tatarstan, là những tổ chức thanh thế hồi đó ở Nga (một thời họ muốn đứng ngoài tổ chức “Thống Nhất”) để hình thành nên Đảng “Nước Nga Thống nhất” vào cuối năm 2001. Từ tháng 11.2002, Đảng này do ông Boris Gryzlov, Bộ trưởng Nội vụ Nga làm chủ tịch Hội đồng tối cao của Đảng. Còn ông Putin không là thành viên, nhưng lại được suy tôn là lãnh tụ của đảng. Chuyện lạ đời này chỉ ở nước Nga mới có! Đảng của Tổng thống nhanh chóng trở thành một tổ chức lớn mạnh nhờ bám chặt vào bộ máy nhà nước bằng cách thu nạp các bộ trưởng, các tỉnh trưởng, các tổng thống các nước cộng hòa và quan chức các bộ, các tỉnh... để khuếch trương lực lượng của đảng trong mọi cơ cấu nhà nước. Các quan chức khắp cả nước đua nhau vào đảng, tỏ lòng trung thành với lãnh tụ của đảng vì họ biết đó là cách bảo đảm chắc chắn nhất để thăng quan tiến chức và giữ “ghế” lâu dài. Từ năm 2005, đảng này còn chú ý kết nạp những người lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp lớn. Dưới thời Tổng thống Putin một vài tổ chức thanh niên được thành lập, đáng kể nhất là tổ chức “Nashi” (có nghĩa: “Những người của chúng ta”), một tổ chức na ná như Đoàn Thanh niên cộng sản dưới thời xô-viết, làm trợ thủ và hậu thuẫn cho đảng cầm quyền. Tổ chức “Nashi” được Tổng thống đặc biệt chăm sóc. Ngoài ra, theo sáng kiến của ông Putin, Mặt trận nhân dân toàn Nga đã được thành lập hồi tháng 05.2011. Như vậy là ông Putin đã tạo được một chỗ dựa đông đảo, vững vàng, bảo đảm mọi chủ trương do ông đưa ra đều được thực hiện dễ dàng, và đặc biệt là bảo đảm cho Đảng “Nước Nga Thống nhất” giành được đại đa số trong Quốc hội (có tên là Duma Quốc gia), cũng như trong các cơ quan dân cử ở các địa phương. 
 
Để cổ vũ lòng dân, trước cuộc bầu cử vào Quốc hội năm 2003, Đảng “Nước Nga Thống nhất” đưa ra cái gọi là “Tuyên ngôn Nước Nga Thống nhất” và trước cuộc bầu cử năm 2007 đưa ra “Kế hoạch Putin”. Cả hai văn bản này đều rất hoành tráng hứa hẹn những mục tiêu huy hoàng đầy khích lệ. Chỉ xin nêu một điểm thôi: ...“năm 2008, mỗi gia đình, không tùy thuộc vào mức thu nhập hiện nay, đều sẽ có nhà ở khang trang của mình xứng đáng với thiên niên kỷ thứ ba” (đáng buồn thay, nay đã gần cuối năm 2011 mà điều này vẫn còn nằm trên giấy và hình như không ai còn nhớ tới nữa)! Với những mục tiêu tuyệt vời như vậy thì không ai ngạc nhiên trước thắng lợi rực rỡ của ông Putin và Đảng “Nước Nga Thống nhất” trong các cuộc bầu cử năm 2003 và 2007 cả.

TT Putin trong buồng lái máy bay Su-27
3/ Bước quan trọng nữa là lợi dụng thế thượng phong của Đảng “Nước Nga Thống nhất” trong Quốc hội, Tổng thống đưa ra những quyết định nhằm xóa dần cấu trúc dân chủ và từng bước xây dựng cấu trúc quyền lực độc đoán. 

 
Tổng thống thường tuyên bố rằng phải hồi sinh lại nước Nga thành một nhà nước hùng mạnh. Nhưng, dưới cái khẩu hiệu rất hấp dẫn đó đối với đa số dân Nga, ông khôi phục lại hệ thống cai trị tập trung quan liêu, do đó chính quyền trung ương nắm lấy tất cả, mà gạt bỏ tính tự quản của các địa phương.

Điều này những người thuộc phe cánh Tổng thống gọi là “liên bang hóa nước Nga”. Thoạt tiên, ông đặt các đại diện toàn quyền của Tổng thống cạnh các tỉnh trưởng, các tổng thống các nước cộng hòa do các cuộc phổ thông đầu phiếu bầu lên dưới thời ông Boris Yeltsin để kiểm soát họ và đề cao uy thế của quyền lực Tổng thống. Sau đó, tiến lên một bước nữa: xóa bỏ chế độ các cử tri trực tiếp bầu cử các tỉnh trưởng, thị trưởng, các tổng thống nước cộng hòa, thay bằng việc “khối đa số” trong các cơ quan dân cử các cấp đó (tức là Đảng “Nước Nga Thống nhất”) đề cử các ứng viên vào các chức vụ đó, rồi Tổng thống lựa chọn và giới thiệu để các cơ quan dân cử các cấp đó bỏ phiếu tán thành. Như vậy, các chức vụ này từ cuối năm 2004 thực tế đều do Tổng thống chỉ định, còn cử tri thì bị tước mất quyền bầu cử các tỉnh trưởng, thị trưởng, các tổng thống nước cộng hòa! Điều luật vi hiến này đã bị đảng Liên minh Hữu phái (SPS) kiện lên Tòa án Hiến pháp, nhưng... đáng buồn thay cho cử tri nước Nga, ngày 21.12.2005, Tòa án Hiến pháp đã công nhận việc làm ấy là hợp pháp! Đó là chưa nói đến nhiều hành động vi hiến khác, như áp dụng hệ thống các khu liên bang, sửa đổi nguyên tắc hình thành Hội đồng Liên bang (thượng viện), v.v...

TT Putin quan sát việc phóng tên lửa trong cuộc tập trận hải quân
Để xây dựng cấu trúc quyền lực độc đoán thì việc quan trọng nữa là phải gạt bỏ các đảng đối lập ra khỏi Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương, tiến lên một bước nữa là chặn đường không cho các đảng và các phong trào đối lập được đăng ký hợp pháp để ngăn cản họ ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan dân cử ở các địa phương. Nhiều đảng đã có trước dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, nay Bộ Tư pháp dựa vào Luật mới về các đảng chính trị để không cho họ đăng ký, như Đảng Cộng sản Công nhân Nga, Đảng Cộng hòa Nga, Liên minh những người vì Giáo dục và Khoa học... Riêng Đảng Bolchevich Dân tộc chủ nghĩa thì bị cấm. Trong lúc đó, vài đảng “bỏ túi” đối lập “cuội” thì được đăng ký và được trúng cử vào Quốc hội.


Thực ra để làm những việc này thì không khó gì cả, khi đảng của Tổng thống chiếm đại đa số trong Quốc hội lại thêm có mấy đảng đối lập “cuội” toa rập theo đảng cầm quyền. Chỉ cần Tổng thống đưa ra những dự luật về sửa đổi luật bầu cử, luật về các đảng chính trị, về báo chí, về trưng cầu dân ý, về biểu tình, về các tổ chức tôn giáo, ... thậm chí cả về việc dùng lại quốc thiều của Liên Xô cũ làm quốc thiều của Liên bang Nga, thì “khối đa số” trong Quốc hội, tức là Đảng “Nước Nga Thống nhất”, bảo đảm chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua thành luật. Chỉ xin nêu một trong số rất nhiều điểm thay đổi, là việc nâng ngưỡng phần trăm được bầu để có dân biểu trong Quốc hội từ 5% (được thực hiện từ những năm 90 thế kỷ trước đến năm 2003) lên 7% (được thực hiện từ năm 2007). Chỉ một điểm thay đổi đó thôi, Tổng thống đã gạt được nhiều đảng dân chủ và đảng đối lập ra khỏi Quốc hội hồi năm 2007. Trong cuộc bầu cử năm 2003, Đảng “Nước Nga Thống nhất” là đảng của Tổng thống, thu được 37,57 % số phiếu, cho phép đảng đó có đoàn dân biểu đông nhất trong Quốc hội, và hồi đó trong Quốc hội có 8 đảng. Đến khóa 5 được bầu lên năm 2007, đảng của Tổng thống thu được 64,3 % số phiếu, được có 315 dân biểu trong tổng số 450 dân biểu ở Quốc hội (chiếm 70% số ghế), và trong Quốc hội chỉ còn 4 đảng: ngoài Đảng “Nước Nga Thống nhất”, có thêm Đảng Cộng sản Liên bang Nga (ĐCS) có 57 dân biểu (12,7% số ghế), Đảng Tự do Dân chủ Nga có 40 dân biểu (8,9% số ghế) và Đảng “Nước Nga Công bằng” có 38 dân biểu (8,4% số ghế). Cần nói rõ, trừ ĐCS là đối lập thật, còn hai đảng sau chỉ là những đảng “bỏ túi” đối lập “cuội”. Luật về các đảng chính trị đưa ra rất nhiều điều khoản ngặt nghèo (trái với điều 30 của Hiến pháp) để Bộ Tư pháp, Viện Tổng công tố và các tòa án viện cớ lặt vặt về kỹ thuật pháp lý để dễ dàng không cho các đảng dân chủ hay đối lập được đăng ký, do đó gạt họ ra khỏi việc ứng cử, ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước. Trong số các đảng không được đăng ký trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới (04.12.2011), đáng chú ý có Đảng Tự do Nhân dân (còn gọi là Parnas), là chính đảng do cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov và cựu dân biểu Quốc hội nhiều khóa Vladimir Ryzhkov làm đồng chủ tịch. Điều này chứng tỏ kẻ cầm quyền run sợ trước một tổ chức dân chủ đối lập thật sự. 
 
Sau khi đã triệt hạ được nhiều đảng và đã thay đổi hầu hết các đạo luật quan trọng rồi, thì mới đây, hồi tháng 10.2011, Quốc hội lại thông qua luật hạ ngưỡng phần trăm được bầu vào Quốc hội từ 7% xuống 5% để làm ra vẻ mở rộng dân chủ, nhưng điều này sẽ... không được thi hành trong cuộc bầu cử dân biểu vào Quốc hội năm 2011, mà phải đợi đến năm 2016 mới thực hiện!

TT Putin trên boong tuần dương hạm tên lửa nguyên tử hạng nặng “Piotr Đại Đế”
4/ Bước quan trọng nữa trong kịch bản của ông Putin là phải dẹp hết báo chí và các kênh truyền hình độc lập đã tồn tại dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, như các kênh NTV, ORT, TV-6 do các “đại gia” Nga bỏ vốn, thuê người làm.


(Còn tiếp)