Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011
Không cần nhiều trí thông minh lắm, người ta có thể chỉ ra vô số lỗ hổng về kiến thức và lập luận trong bài phát biểu bác bỏ Luật biểu tình của ông Hoàng Hữu Phước (HHP) trước Quốc hội. Ỷ thế với vốn liếng tiếng Anh mà theo ông, có thể làm người ta nghĩ rằng “kiếp trước tôi hành nghề luật sư ở Luân Đôn”, ông lộng ngôn và đánh tráo định nghĩa của việc biểu tình, như thể không ai ngoài ông đọc được định nghĩa về từ “biểu tình” (demonstration) trong tự điển Webster như sau: “a public meeting or march protesting against something or expressing views on a political issue”
Rất tháu cáy, ông chỉ đề cập đến phần “protesting against something” (tuần hành phản đối) và bỏ ngang phần “expressing views on a political issue” (biểu thị chính kiến).
Phải là kẻ mê ngủ hay hèn nhát, ông mới không chứng kiến cuộc biểu tình ôn hoà bày tỏ lòng yêu nước của người dân Sài Gòn trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Phải rất hàm hồ và trơ tráo, ông mới có thể phủ nhận sự sang trọng, thong dong của những người Hà Nội yêu nước vào mỗi sáng chủ nhật bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Phải là kẻ dối trá chuyên nghiệp, ông mới đánh đồng sự giận dữ (bịa đặt) của một thiểu số kẻ ngu ngốc khi bị kẹt xe thành một cuộc bạo loạn do hậu quả của biểu tình.
Phải là kẻ ấu trĩ về chính trị đến mức độ ngu ngốc, ông mới không đón gió được yêu cầu khẩn thiết phải có một bộ luật biểu tình, được chỉ đạo bởi đương kim Thủ tướng.
Phải là kẻ dốt nát về luật pháp, ông mới to gan phủ nhận biểu tình, một quyền hiến định đã được ghi vào hiến pháp.
Nếu là kẻ “nâng bi”, ông đã đi quá đà hay việt vị, biến trò “kiss ass” leo thang thành một màn kê giao dung tục.
Đọc qua những bài viết “Tôi và Lê Công Định”, “Tôi và Cù Huy Hà Vũ” của ông, người ta chỉ thấy sự hả hê rất đê tiện với người ngã ngựa. Ông Phước không có được hiểu biết tối thiểu để hiểu rằng: dù muốn dù không, hai con người đó đã đi vào lịch sử. Khen chê thế nào thì tuỳ vào quan điểm sử gia, nhưng họ đã và sẽ không bao giờ là kẻ vô danh tiểu tốt như ông, trước bài phát biểu ô nhục này. Dưới góc độ tâm lý, người ta thấy được mặc cảm tự ti và thèm khát nổi tiếng của ông Phước, qua những phát biểu nhố nhăng và khoác lác trên trang web của mình.
Tóm lại, mẫu người như ông HHP bất quá chỉ là một kẻ cậy tiền, đắc thời về chính trị, có thêm dăm chữ để lộng ngôn. Hạng Erostrates đốt đền để cầu nổi danh như thế, thời nào cũng có và không đáng để đề cập đến quá nhiều. Chẳng nên làm sang cho kẻ cơ hội bằng cách dành cho hắn quá nhiều lời bình phẩm hay miệt thị.
Quan trọng hơn, người ta phải tự hỏi: Vì sao, những kẻ cơ hội, hãnh tiến, ngu dốt như thế có thể lọt chân vào nghị trường, huênh hoang khoác lác trước 90 triệu người Việt như chốn không người?
Vì sao, một Quốc Hội tự xưng là “vì dân, do dân, của dân” lại phát ra những tiếng nói chống lại ý chí của nhân dân mình như thế?
Vì sao, với một tỷ lệ đi bầu tột bực trên thế giới, trên 90%, nhân dân Việt Nam lại chọn ra những nghị Phước chống biểu tình, nghị Cảnh với IQ và đường cao tốc, nghị Đương “rau muống”…?
Những con người quái gở này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy việc bầu cử vẫn chưa thoát ra khỏi căn bệnh hình thức trầm kha. Bầu cho có, bầu giùm, bầu đại để cho xong. Nói cách khác, bầu cử nghị viên Quốc hội vẫn còn là một cuộc chơi giả tạo và tốn kém, mà người thắng cuộc không là người giỏi giang, tài đức để cất lên tiếng nói của nhân dân mình. Hãy còn rất nhiều con vẹt với cái đầu rỗng tuếch xuân thu nhị kỳ xách cặp đi họp Quốc hội, hót lời dối trá thay mặt nhân dân mình.
Nghĩ đến đây, người ta cần phải tri ân ông nghị Phước. Hành động xuẩn ngốc của ông ít nhất cũng có một tác dụng tích cực là thúc đẩy sự cải tổ bầu cử Quốc hội thực chất hơn, nghiêm túc hơn. Và giúp công luận vạch mặt, nhận rõ chân tướng của những kẻ cơ hội, khi nào cũng muốn chơi trò nước đôi “được anh được ả, được cả đôi đàng”.
Kẻ trí thức cơ hội, khi nào cũng đáng khinh hơn người vô học bị nhồi sọ. Chẳng nên để công chúng phải sa vào ngộ nhận với những “nguỵ danh sĩ” hai mang đang nhan nhản.
Khi luật biểu tình được thông qua, tôi, công dân Việt Nam, sẽ dùng quyền biểu tình của mình để biểu thị sự bất tín nhiệm của mình với những “nghị sĩ” như Hoàng Hữu Phước, Trần Tiến Cảnh, Đỗ văn Đương…
Tôi, công dân Việt Nam, kiến nghị tước quyền đại biểu Quốc Hội của gã nghị viên này.
Tôi, công dân Việt Nam, chưa hề và không bao giờ bầu cho ông HHP.
Tôi, với tư cách cá nhân, xin bày tỏ sự khinh miệt với tư cách của ông, thưa ông HHP!
BLOG ĐÀO TUẤN
Tế nhị + 18
Tế nhị + 18
Theo thông báo chính thức trên website Quốc hội, ngày hôm nay, Chính phủ sẽ trình dự án luật Biển và Bộ Ngoại giao sẽ có báo cáo "thêm" về tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, báo chí hôm nay sướng, tự cho mình quyền được nghỉ ngơi bởi đây là nội dung mà Quốc hội sẽ "họp riêng". Ngày mai cũng thế, khi Dự thảo luật được các đại biểu thảo luận.
Họp riêng, có nghĩa là chỉ số ít báo chí nhà nước được biết và đưa tin, cũng có nghĩa là nhân dân không được quyền biết, không cần biết, hoặc chỉ được biết thông qua trình tường thuật của vài phóng viên TTX.
Còn nhớ vào tháng 8-2011, khi Chính phủ có "báo cáo riêng" với QH về tình hình Biển Đông" đại biểu QH Dương Trung Quốc đã có một bài phát biểu trang trọng trước Quốc hội chỉ trích, rằng: "Phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận".
Ông Dương Trung Quốc đã nhắc đến hai từ "tế nhị": "Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết".
Hồi đó, rất nhiều người mắt chữ A, mồm chữ O không hiểu được cái mác "+18" của sự tế nhị. Không có nhẽ Quốc hội- vẫn coi mình là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, họp riêng là không tin cậy nhân dân? là cần ngoại giao mà không cần nội giao? là cảnh giác ngay cả với nhân dân mình?
Còn nhớ vào ngày 21-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (Sau đó vài hôm là chủ tịch Quốc hội) khẳng định : "Chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời... huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia".
Sau đó 4 ngày, chiều 25-7, trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một bài phát hiểu hùng hồn, làm nức lòng dân chúng: "Nước lớn có vị thế khác, nước nhỏ có vị thế khác. Chúng ta là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng... để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Đó là quan điểm dứt khoát".
Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Lễ mít tinh quốc gia nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 "Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình... Đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta.”
3 trong 4 vị "Tứ trụ triều đình" đều đã dùng từ "Chúng ta".
Chúng ta, có lẽ không phải chỉ là các vị Ủy viên Bộ Chính trị, không phải chỉ là mấy trăm vị đại biểu QH. "Chúng ta" ở đây là nhân dân với một thực tế lịch sử đã được kiểm chứng hàng ngàn năm là máu xương của nhân dân đã thấm đỏ từng tấc đất của tổ quốc.
Tội nghiệp cho "chúng ta"!
Ngay cả khi báo chí cũng không được biết, thì "chúng ta" làm sao biết được các vị đại biểu do mình bầu đã nói gì, "chúng ta" làm sao biết được QH đang làm gì? "Chúng ta" lại càng không thể hiểu được tại sao một dự án luật liên quan đến chủ quyền quốc gia lại là "tế nhị", lại bị đẩy đi đẩy lại suốt từ năm 1994 đến nay, thậm chí không hề xuất hiện một dòng trên trang web chính thức của cơ quan soạn thảo là Bộ Ngoại giao.
Ngày 2-2-1992, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp, chính thức luật hóa "Đường lưỡi bò", nhận vơ gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Luật này thậm chí còn "Giao trách nhiệm cho các lực lượng vũ trang phải bảo vệ lãnh thổ trên biển của Trung Quốc". 3 tháng sau đó, Trung Quốc cho công ty dầu khí Mỹ Crestone thăm dò đặc nhượng 25 155 km2 ở phía Tây quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 300 km, ngay cạnh đặc nhượng Đại Hùng của Việt Nam. 5 tháng sau đó, tháng 7-1992, Trung Quốc đổ quân, cưỡng chiếm, thậm chí đặt cột mốc như đã từng làm năm 1988 trên một đảo đá ngầm của Việt Nam.
Còn Việt Nam?
Bây giờ đã là năm 2011. Ngay cả đến một dự thảo luật cũng phải "họp riêng", "thảo luận riêng". Vì tế nhị, và nhạy cảm.
Điều gì tế nhị đến mức nhân dân không được quyền biết? Điều gì nhạy cảm hơn cả chủ quyền quốc gia? hơn cả máu xương của người dân đã, đang và sẽ đổ xuống?
BLOG LÊ DŨNG
NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2011
NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2011
Những bà con cảm thông với ổng chắc chắn phải là dân điện lực hoặc vợ con của dân điện lực.
Lương bình quân năm 2009 theo như sếp to đọc từ báo cáo của sếp dưới thì chỉ ...7,3 triệu - tức là tương đương với lương của 5 công nhân làm việc tại khu các khu công nghiệp như Đông Anh, Chương Mỹ, Bình Dương...
Cứ co kéo nâng giá bù vào ...lỗ.
Thậm chí chỉ vì đình công đòi thêm vài ngàn cho một xuất ăn trưa để bù cho cái lương một triệu hai mà nữ công nhân bị bảo vệ đâm xe chết liền, vài người khác bị thương nặng trong đó có cả phụ nữ mang thai. Mức lương của các công nhân tại khu công nghiệp Đông Anh tầm triệu rưỡi, có làm thêm cũng chỉ cùng lắm được một hay hai trăm ngàn mà thôi. Thuê nhà, ăn uống cầm hơi chứ đừng nói đến được bước chân vào Big C rồi ra mà có hóa đơn mua hàng. Được đi siêu thị để ngắm là đã phải cân nhắc tiền vé xe buýt rồi.
Nói mức thu nhập 7,3 triệu cũng chưa hẳn đã đúng là thu nhập như thế, thu nhập như thế nó bao hàm tất cả thu nhập hay chỉ riêng ký lương để tính thuế thu nhập cá nhân. Lách thuế là trò mà các doanh nghiệp hay nghĩ ra và ứng dụng, nhiều khoản quỹ này kia được chia và ký lẻ tẻ cũng là một trong nhiều cách của kế toán doanh nghiệp tư vấn cho chủ. Với điện lực thì mình chưa thấy thằng bạn nào kể là đã có mã số thuế cá nhân như bọn làm ngoài Quốc doanh.
Nhìn vẻ mặt thê thảm của sếp EVN trên các báo khi nói về thu nhập bình quân của nhân viên thấp quá trong khi giá cả đắt đỏ bỗng khiến mình nhớ ra dạo trước có mấy con cá sấu bên Thái Lan bị lụt đã chạy sang Hà Nội qua lối Biển đông rồi, nguy hiểm quá.
Lẽ ra báo chí lúc họp báo với sếp kia thì nên có một bảng kê lương của cỡ chục doanh nghiệp nhà nước và chục doanh nghiệp ngoài Quốc doanh để đưa ra sau khi sếp diễn cái mặt méo đi một tí cho ra vẻ thương cảm. Nếu ngay sau đó, nhà báo đưa ra vài con số ví dụ : thu nhập của một đại úy bộ đội, đại úy công an, giáo viên, nhân viên xăng dầu, xi măng, thép, đóng tàu và ...nông dân thì sợ rằng sếp kia phải gọi vài em chân dài mang chậu nhựa ra hứng mất.
Mấy cô cháu ở ngoại thành là giáo viên dạy hợp đồng cấp trung học hay tiểu học chắc chỉ nằm mơ nhai cu đơ để thấy đời mình sẽ được nhận một tháng thu nhập 5 triệu vào năm 2020, còn năm nay thì vẫn cứ tạm nhận dưới một triệu đã.
Nhìn cảnh các nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất cứ lần lượt đóng cửa và tiết giảm tối đa dùng điện từ đầu năm nay thì mình đoán ra đồ thị phụ tải toàn hệ thống nó đã rớt thê thảm còn hơn chứng khoán thế nào. Sản xuất chết thì còn ai dùng điện, tổng công suất điện cho sản xuất chiếm bao nhiêu phần trăm của toàn hệ thống thì đều hiện lên bảng điện tử tại trung tâm điều độ điện lực từng giờ. Vậy ai giám sát, kiểm tra độc lập xem cả nước dùng điện ra sao từ đầu năm đến nay? Điện sinh hoạt của dân chiếm bao nhiêu phần trăm mà lại liên tục bị dọa là sẽ phải bỏ thêm tiền ra để bù cho ông EVN do báo cáo của họ là ...lỗ. Nhìn tòa tháp đầy kính của EVN xây dựng chỗ Cửa bắc mà xót tiền điện để làm mát nó trong mùa hè, nước mắt mình chảy ra từ trong lòng, thương cho ngân khố còn hơn sếp điện lực kia thương nhân viên của ổng.
Lỗ, vâng - thì có doanh nghiệp nào lại ngu ngốc tự đi khai là mình làm ăn lãi lắm, lãi nhiều thì có trốn thuế được không ? họa may ra có ông nào sắp lên sàn thì phải "thổi số" để có lãi hoặc lãi lớn, bán được cổ phiếu xong ta lại sào nấu sau, có thằng nào kiểm toán độc lập chịu trách nhiệm về con số trước khách chơi trứng đâu mà lo. Kế toán nào ở Việt Nam mà không nghe thấy "hai sổ " thì chỉ có thất nghiệp dài dài, đừng vác hồ sơ mà đi xin việc kể cả mày học ở Sing về.
Tóm lại chuyện lương thấp như EVN, lỗ như EVN, đòi chia thưởng vì lãi cao như EVN, thiếu điện như EVN, tổn thất công suất nhiều như EVN và phục vụ như EVN thì chỉ có ở Việt Nam mới có. Doanh nghiệp quả đấm thép kiểu này nếu đấm đâu chả chết, huống hồ chỉ đấm vào Dân qua việc quanh năm chỉ khóc đòi tăng giá bù vào ...lỗ.
Hội nhà văn VN đã tới…
”phiên đổi gác”
Trong bài “ Nghị Hồng ơi, ông nỏ phải thế” của Nguyễn Quang Vinh trên mạng trannhuong.com ngày 21/11/2011 về “cuộc điều tra bé nhỏ xinh xinh của Cu Vinh về ông Nghị Hồng “luật nhà văn” nổi tiếng của cử tri chúng ta có một đoạn rất đáng chú ý :
“Có một nhà văn nổi tiếng ở Nghệ mình, kết nạp Hội nhà văn một năm với bác, khi nghe xướng tên bác lên đã cúi gằm mặt xuống vì xấu hổ. Vì anh em nhà văn hiểu bác rõ nhất, hiểu bác viết văn chương chữ nghĩa dở hơi như thế nào nên mới xót xa và cay đắng chúc mừng bác vô Hội, nhưng có lẽ đó là Hội ông Hữu Thỉnh, chứ dứt khoát không phải Hội Nhà văn Việt Nam.”
Vậy là dứt khoát cần phân biệt Hội nhà văn VN với Hội ông Hữu Thỉnh.
Còn nhớ Hội nhà văn VN vốn không phải như Hội ông Hữu Thỉnh bây giờ . Ngày xưa, Hội viên Hội nhà văn VN là oách lắm – mỗi tháng có tem thịt, tem đường mỗi thứ một ký, tết đến có bìa tết mua ở cửa hàng riêng, hàng năm được nghỉ 3 tháng sáng tác…
Tôi vào Hội năm 1978, lúc đó hội viên đa số các lão làng như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận Xuân Diệu… Lớp trẻ như tôi hồi đó chỉ có Đỗ Chu, Nguyễn thị Ngọc Tú, Nguyễn thị Như Trang, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Tô Ngọc Hiến… nhà phê bình gạo cội như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ còn xếp hàng sau này mới len được vào. Bác Hữu THỉnh và ngay cả Ban chấp hành bây giờ vẫn còn… xa mới tới cửa Hội.
Cả nước hồi đó có 3 trung tâm văn học : Hội nhà văn, Nhà xuất bản Văn Học và Viện Văn Học. Nhà xuất bản Văn học là nhà quốc gia, nhưng “chảnh” với thiên hạ lại là ở chỗ đội ngũ biên tập có tới… 5 Hội viên Hội nhà văn. Nào nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Bùi Hiển, nhà văn Nguyễn Thế Phương, nhà văn Hà Minh Tuân, nhà phê bình Như Phong…
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam hồi đó là “của hiếm” là vì tiêu chuẩn vào Hội khá khắt khe : phải có tác phẩm đã công bố và phải tạo được dư luận trong bạn đọc. Có được tác phẩm xuất bản hồi đó đã khó, tạo được dư luận trong bạn đọc càng khó hơn. Vì vậy Hội viên Hội nhà văn đều là “tác giả “ của một tác phẩm “nổi tiếng”. Chẳng hạn Nguyễn Thế Phương có “Đi bước nữa”, Đỗ Chu có “Hương cỏ mật”, Nguyễn thị Ngọc Tú có “Đất làng”, Tô Ngọc Hiến có “Người kiểm tu”, Nhật Tuấn có “Trang 17”… Tôi vào Hội là do nhà văn Nguyễn Thế Phương và nhà phê bình Như Phong bảo viết đơn và hai ông đó giới thiệu, tuyệt đối tôi chẳng phải chạy chọt, xin xỏ, quà cáp cho ai và những người khác được vào Hội hồi đó cũng vậy.
Hội viên hiếm hoi vậy nên đều quen biết nhau. Còn nhớ cái tết năm 1979, hội viên Hội nhà văn có bìa mua hàng Tết ở cửa hàng phố hàng Bài, gặp nhau vui lắm. Nhà thơ Xuân Quỳnh gặp tôi cứ dặn dò: “Này ông Tuấn, chơi bời nó vừa vừa thôi, còn để thời gian mà viết…”. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì đến tận cuộc họp của NXB Văn Học, lôi tôi ra ngoài thì thầm: “Anh em trẻ chỉ có cậu trong Hội đồng Bộ tuyển quốc gia thôi. Vậy cậu phải nhớ đấu tranh cho anh em…”.
Ôi Hội nhà văn Việt Nam, có một thời trong sáng, đẹp đẽ và cả tài năng nữa!
Tiếc thay, Hội nhà văn VN như tôi được biết đã không còn nữa, nó đã biến thành Hội ông Hữu Thỉnh. Ngay từ năm 2004, cho dù bị đập tơi bời nhưng trong bài “Trò chuyện với Hoa thủy tiên”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không phải không có lý khi ông viết :
“Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh.
Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả.”
và ông sổ toẹt cái danh của “nhà thơ” :
“cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”
Tất nhiên không ai vơ đũa cả nắm, qúa khích như Nguyễn Huy Thiệp, nhưng phải thừa nhận rằng gần 20 năm nay ông Hữu Thỉnh đã phá “tiêu chuẩn kết nạp” để “thay máu” Hội nhà văn, kết nạp phần lớn những người chưa kịp là “tác giả”, chưa có tác phẩm nào gọi là “tạo được dư luận trong bạn đọc” thậm chí vơ bèo vạt tép cả những phần tử làm ô danh “nhà văn” như nhà thơ Hùng Anh ở Cà Mâu, hai ông nhà thơ “đại biểu quốc hội” - một ông đưa “luật nhà văn” dở hơi, một ông phản đối Luật biểu tình làm nổi lên một trận bão phản đối trên mạng và trên báo chí.
Để xảy ra thảm trạng Hội nhà văn Việt Nam biến thành Hội ông Hữu Thỉnh trước hết là trách nhiệm của ông Chủ tịch Hội. Đã đến lúc ông Hữu Thỉnh phải trả lời trước công luận về chất lượng kém cỏi về mọi mặt của cả mấy trăm hội viên mà ông đã đưa vào Hội.
Trong thơ đã có người đưa ra khái niệm “phiên đổi gác”, Hội nhà văn VN cũng thế, cũng đã đến lúc phải “đổi gác” rồi. Để Hội nhà văn VN lấy lại uy tín như ngày xưa, thực sự là hội nghề nghiệp của những người “tồn tại” bằng ngòi bút, của những “tác giả” ít nhất một tác phẩm có giá trị tôi tha thiết đề nghị:
- Ông Chủ tịch Hữu Thỉnh và phần lớn Ban chấp hành hiện nay nên từ chức. Chủ tịch Hội phải là những nhà văn có tác phẩm và có uy tín như Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, ủy viên chấp hành phải là những nhà văn có tác phẩm được dư luận khẳng định thuộc thế hệ 7x, 8x.
- Xét lại tư cách Hội viên của những Hội viên vào Hội bằng chạy chọt, không có tác phẩm nào đáng gọi là văn học kiểu như Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Minh Hồng và rất nhiều, nhiều nữa… sao cho danh hiệu Hội viên phải dành cho nhà văn “tác giả”.
Theo tôi, đã quá muộn để ông Hữu Thỉnh tự nhìn lại mình để làm điều gì đó thực sự có ích cho sự nghiệp văn học. Con người là tổng số những hành động mà hắn đã thực thi. Bằng vào những hành động trong cả mấy khóa làm Chủ tịch Hội nhà văn, đã đến lúc ông Hữu Thỉnh có một hành động nào đó chứng tỏ ông là một công dân “ích nước lợi dân” rồi hãy nói tới chuyện là một… nhà thơ.
Mong lắm thay !
BLOG ĐÀO TUẤN
Giọt mồ hôi bị nhục mạ
Giọt mồ hôi bị nhục mạ
Dư luận đã phản ứng ngay lập tức, phản ứng dữ dội, thậm chí lên án là phản cảm ngay sau khi Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh bày tỏ sự đau lòng trước tình trạng "Lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng", rằng: Đó là một mức lương không thể sống được ở thành thị.
Tại sao một sự thông cảm của CEO một ngành, với sự nghèo khó của người lao động ngành mình, lại không nhận được sự thông cảm. Rất đơn giản là bởi đây là mới chỉ là lương "để hạch toán vào giá thành điện". Bởi kêu nghèo, than khổ là để đòi tăng giá điện. Là bởi mỗi đồng tăng thêm của giá điện, mỗi hào tăng thêm trong đồng lương ngành điện đều móc trong túi nhân dân cả. Hơn nữa, sự khiếm nhã này không khác so với hồi năm 2008, khi EVN một mặt cũng kêu lỗ như bây giờ, một mặt xin trích thưởng 1.002 tỷ đồng.
Nhưng thành thị không phải chỉ toàn người của EVN. Và nếu lương 7,3 triệu của một ngành độc quyền như EVN không sống nổi thì các ngành khác, hay tệ hơn là hơn 11% dân số sống ở mức 400-500 ngàn/tháng, theo chuẩn nghèo, có còn được gọi là sống?
Một báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam công bố một tháng trước đây cho ra những thông số thảm hại: 73,4% người lao động có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng (dưới mức sống tối thiểu). Mức lương bình quân chỉ đủ đáp ứng 80%-90% nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động. Và đó là mức đủ để "mua" 56,7%-62,5%, mức sống tối thiểu thực tế.
Trong chính ngày CEO của EVN than vãn lương thấp, 19-11, báo chí, kể chuyện cô giáo Bùi Thị Luyến: "Tôi không hề muốn bỏ việc, bản thân có 29 năm gắn bó với lũ trẻ làng. Từ lúc đất nước còn khó khăn, chúng tôi phải nhận lương 3-4 kg gạo mỗi tháng. Nay lạm phát, giá cả tăng cao nhưng tôi cũng chỉ nhận khoản tiền lương trên 500.000 đồng/tháng, ngoài ra không có hỗ trợ gì khác nên đời sống rất bi đát".
15 ngàn đồng mỗi ngày cho 2 ca, 8 tiếng đứng rạc cẳng- lời tố khổ của một chế độ lương nhục mạ người lao động.
Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ các nhà giáo nhân dân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Đến năm 2008, Hội nghị TƯ 6 thống nhất chủ trương cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012 theo hướng, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội.
Nhưng đến tận bây giờ, khi năm 2011 sắp sửa kết thúc, vẫn còn những câu chuyện 15 ngàn đồng cho một ngày công giáo viên, CEO của EVN vẫn kết luận lương 7,3 triệu, mức đủ để đóng thuế thu nhập cao là "không sống nổi", và Quốc hội vẫn còn đang băn khoăn nghiên cứu làm sao để "Lương tổi thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu", làm sao để lương theo nổi chỉ số giá.
Thời bao cấp, đã có bài vè về lương, rằng:
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Gần hai chục năm sau, lương- được dân gian hóa trong những clip theo điệu hip-hop, có câu:
Bắc thang lên hỏi ông trời.
Giá lương như thế, dân thời sống sao?
Ngẫm ra, ông Phạm Lê Thanh chỉ là nạn nhân vì những lời nói thật, một nạn nhân bất đắc dĩ gánh sự đàm tiếu chê trách mà những người làm lương, và quản lý giá, đáng lẽ phải gánh chịu.
Dạo này thấy tuổi đã cao sức lại khỏe nhưng đầu lú, nghĩ mãi không ra đầu bài cho Entry thì vớ phải tập “ SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ”, cướp luôn câu ĐƯỢC VOI ĐÒI HAI BÀ TRƯNG về-áp với nội dung chuẩn bị viết, không sai chút nào.
Vào nội dung luôn cho nó máu.
24 triệu tin nhắn của quân ta bầu chọn cho Vịnh Hạ Long ta và đã mang tới một kết quả rất chi là tự hào: Vịnh Hạ Long ta đã được quân ta bầu chọn để lọt vào 7 kỳ quan mới của Thế giới.
Nhưng chỉ là kết quả tạm thời.
Vì trong thư gửi nước ta, lão trưởng ban tổ chức New7Wonders cài một câu hơi bị lưu văn manh: đây chỉ là kết quả bầu chọn tạm thời, danh sách chính thức sẽ công bố sau 3 tháng và chúng tôi sẽ rất lấy làm tiếc và không mong muốn nếu Vịnh Hạ Long không lọt vào 7…cái ấy. Đại khái thế.
Thôi, chuyện đó không sao. Được hay không thì cũng lỡ dại có bầu…Bộ dại thì bà con…mang ( Là nói theo câu: Con dại..cái mang). Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đừng càu nhàu, cằn nhằn, hằm hằm, lằng nhằng chuyện bầu bán vớ vẩn này nữa. Thôi. Cho qua. Tương lai mới quan trọng.
Ô hô.
Nhưng mà tương lai ? Tương lai thuộc về 3 tháng nữa để công bố chính thức kết quả 7 cái ấy (tức 7 kỳ quan mới của thế giới).
Trong quá trình bình chọn, tổ chức New 7 này chia chác bộn tiền, với Việt Nam thì cũng kiếm được trên 14 tỷ rồi còn gì.
Mà bao nhiêu nước ta? 220 quốc gia nha, mỗi quốc gia muốn được đăng ký bầu chọn phải nộp ngay 199 USD nha. Rồi doanh thu từ tin nhắn, từ Email…lại được New 7 thò tay chia tiếp nha ( chỉ như ở Việt Nam là trên 14 tỷ), thế là ôm cả con voi rồi còn gì nữa. Một cuộc thi mà Tổ chức UNESCO loại ra khỏi sự công nhận, chỉ là chơi cho vui trên mạng mà ôm được cả con voi tiền thì đã quá ha.
Nhưng không.
Bây giờ là giai đoạn hai, sặc mùi tiền.
Dù đã tạm lọt vào 7 cái ấy nhưng để được công nhận chính thức, nghĩa là các kỳ quan giờ thì không lọt, sau này có thể lọt, là vì còn lệ thuộc vào việc phờ i phi là phi sắc phí các bác ạ.
Quá trình tổ chức, chúng nó không nói có phí, giờ xong rồi, tòi tiếp.
“Chúng nó”- Ban tổ chức New 7 ấy ra bố cáo bá cáo với các nước rằng phải nộp phí quảng bá kỳ quan. Bé nhỏ như đất nước Maldives mà cũng yêu cầu nộp cho New7 các khoản: 350.000 USD phí đăng ký tài trợ Bạch kim ( xin tài trợ áp đặt luôn từng quốc gia, Việt Nam ta không biết bị áp đặt Bạch gì); phí chi phí đi lại cho các phái đoàn thăm cái nước được lọt, 500.000 USD là khoản nộp cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia chiến dịch bình chọn ( ta nộp hơn 14 tỷ), phí nộp cho một Hãng hàng không gắn logo là 1 triệu đô…đại loại nhiều thứ.
Việt Nam ta chưa công khai cho dân ta biết các khoản phí này nha, hàng triệu đô la nha, dấu không được đâu nha.
Nhưng nếu không nộp? Thì đây. Tổ chức New 7 dọa Inđonesia:Công viên quốc gia Komodo có thể bị bỏ khỏi danh sách cuối cùng sau khi “chính phủ từ chối trả một khoản phí đăng ký 10 triệu USD và phí công bố giải thưởng 35 triệu USD để tổ chức lễ công bố những kỳ quan giành chiến thắng”.
Lừa rồi.
Buôn rồi.
Và vì lừa được rồi nên mới được voi đòi Hai Bà Trưng rồi.
Hỡi các bác ở Bộ Văn Du Thao- Hãy cảnh giác.
Các bác ở Bộ Văn Du Thao mà cứ cố đấm ăn xôi, tốn tiền thuế của dân là nhà em nỏ chơi đâu nha.
BAUXITE VIETNAM
Chuyện thật như... bịa: Kế sách “Liên hoành”
của “Sứ thần” Lăng Tần Hoàng Hữu Phước
Lê Trung Thành
Chuyện thật như... bịa: Kế sách “Liên hoành”
của “Sứ thần” Lăng Tần Hoàng Hữu Phước
Lê Trung Thành
Nhận được bài viết này, BBT BVN nhắn tin cho nhau ngẩn ngơ một lúc lâu. Sau cùng chúng tôi thống nhất trước khi đăng phải hỏi lại tác giả đầu đuôi cho chắc chắn. Đầu dây bên kia là một giọng khẳng định hàm chút giễu cợt: Thế ra các anh nghĩ tôi viết truyện cổ tích đấy à, toàn bộ tư liệu còn nằm trong tay tôi cả đây này. Đây là chuyện thật một trăm phần trăm và kể cũng hơi lạ lùng là chuyện rơi đúng vào cái kẻ vừa nổ một phát pháo “thăng thiên” ở Quốc hội phản đối Luật Biểu tình khiến các trang mạng đâm ra quá tải vì hàng vạn tin nhắn của bạn đọc xa gần chửi rủa không tiếc lời.
Và thế là, như cơn mơ chợt tỉnh, chúng tôi bỗng choàng dậy đối diện với sự thật, sự thật về một khuôn mặt khác của ông nghị Phước Việt Nam, một người bao năm nay vẫn mơ ước làm Tô Tần (ông ta tự đặt cho mình biệt danh là Lăng Tần), mơ ước tự mình thực hành kế “liên hoành” đời nay với những lá thư tự giới thiệu với ngài Tổng thống nay đã ở bên kia thế giới là ông ông Saddam Hussein để được ông ta nhận cho đóng một vai Đặc sứ của Iraq – trước khi Mỹ và Khối Nato đánh tan Iraq – để cho ông đi mây về gió giữa ba nước mà ai cũng có thể đoán là những nước nào rồi: Iraq, Bắc Triều Tiên và Iran, cốt tạo nên được một “liên minh” quân sự vững mạnh, đánh tan Israel và Nam Hàn để... giúp cho hòa bình thế giới ổn định.
Chao ôi là ông Phước ôi! Nếu kế hoạch của ông được Tổng thống Saddam Hussein chấp thuận, chỉ chấp thuận đã thôi chứ chưa nói thành công, thì chắc khi trở về Việt Nam mặt ông còn vênh hơn mặt Tô Tần nhiều, chẳng phải tên ông là “Lăng Tần” kia mà, và không biết vợ ông có phải quỳ lết ra đón ông như vợ Tô Tần ngày xưa hay không.
Ấy thế, không được chấp thuận, kế hoạch “liên hoành” vẫn chỉ là đống giấy lộn, và Saddam Hussein thì xuống mồ, vậy mà ông đã vênh ở Quốc hội rồi đấy. Có lẽ ông nghĩ, cơ may để cho Việt Nam có một danh nhân tầm cỡ thế giới vẫn đang còn trước mắt, Quốc hội Việt Nam chưa phải là nơi để ông thi thố tài năng hơn đời đâu, đó chỉ là cái ao làng không hơn không kém, riêng ông sẽ còn đi xa.
Chuyện hoang tưởng của ông Hoàng Hữu Phước đã lạ, nhưng lạ hơn là tại sao một người như ông không được đưa đi chữa bệnh, mà lại được bầu vào Quốc hội – “cơ quan quyền lực cao nhất nước”? Cái quy trình hiệp thương nhiều vòng do Mặt trận Tổ Quốc chủ trì, tưởng chặt chẽ, mà hoá ra không; hay chỉ chặt chẽ với người này, mà lại rộng mở đối với người kia. Thông tin về người ứng cử được đưa đến người dân như thế nào? Hay người dân chẳng cần quan tâm đến chuyện ai vào Quốc hội, cứ bầu cho xong, khỏi bị tổ dân phố nhắc nhở? Và nếu thế, thì cái gọi là nền dân chủ “cao gấp vạn lần dân chủ tư sản”, như bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới đây vẫn hùng hồn tái khẳng định, thực chất ra sao?
Bởi vậy chúng tôi xin đăng bài này của bạn Lê Trung Thành để biểu tỏ lòng mong đợi cái triển vọng trăm năm mới có một cơ may để cho đất nước được mở mày mở mặt. Thật là nỗi mừng biết lấy chi cân, xem chừng còn hơn cả kỳ quan Hạ Long được xếp hạng vừa rồi. - Bauxite Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước là Tổng giám đốc một doanh nghiệp có cái tên rất dài là “Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Tư vấn - Đầu tư Doanh thương Mỹ Á”, Trụ sở đóng tại 399B - Đường Trường Chinh - Phường 14, Quận Tân Bình. Ông có một slogan rất ấn tượng là “Đưa Việt Nam hội nhập vào Thế giới và đưa Thế giới đến với Việt Nam”. Có lẽ vì thế mà ông mong muốn doanh nghiệp của ông giữ vai trò quan trọng ở khu vực Đông Dương (?) và khối ASEAN trong việc trở thành nhà dịch vụ cao cấp độc đáo cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân quan tâm đến chất lượng thượng hạng, với quyết tâm tất cả vì lợi ích và sự hài lòng của cộng đồng. Khẩu hiệu (lại khẩu hiệu?) của chúng tôi (Doanh nghiệp Mỹ Á) là: “Việt Nam hôm nay, ASEAN ngày mai và Châu Á tiếp nối ngày mai”.
Sau khi tốt nghịêp khoa tiếng Anh Trường đại học Tổng hợp TPHCM năm 1981 với mức điểm trung bình kém (vì thi trượt môn văn học Anh) ông vẫn trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh từ năm 1982. Tuy nhiên, ông vẫn tự đánh giá mình là “chuyên gia” về các bộ môn như từ vựng học, văn chương Anh, văn minh Anh, luận văn Anh, văn phạm, biên phiên dịch, Anh văn thương mại, hợp đồng thương mại… Ông cũng có hai mươi năm đảm nhận chức vụ lãnh đạo tại các công ty nhà nước và công ty nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đa dạng, chẳng hạn như xuất nhập khẩu, dịch vụ cao cấp doanh nghiệp, phát triển đào tạo… Ông tự hào từ năm 1989 đến năm 1996, ông điều hành việc phát triển kinh doanh của Công ty CIMMCO của Tập đoàn kỹ nghệ Birla - Ấn Độ nhập khẩu hàng vào Việt Nam, ông đã “tổ chức thành công chuyến xuất khẩu lô gạo đầu tiên kể từ ngày giải phóng miền Nam” và tổ chức tập huấn lần đầu tiên cho lãnh đạo và chuyên viên Vinacontrol phương pháp giám định gạo.
Ông là người của công chúng từ lâu, được nhiều người biết đến qua “các bài viết về tư vấn và phê bình độc đáo” trên các tờ báo lớn của cả nước????
Ông thích viết, viết khá nhiều bài và về những lĩnh vực khác nhau. Đại từ nhân xưng “tôi” – tức là ông Phước – luôn gắn liền với tên của các nhân vật “nổi cộm”. Ví dụ, “Tôi và Lê Công Định”, “Tôi và Cù Huy Hà Vũ”… Lẽ dĩ nhiên, một người yêu Việt Nam, yêu quê hương như ông, những cái tên ấy đều bị một “Thạc sĩ kinh doanh quốc tế” Hoàng Hữu Phước ghét cay ghét đắng vì dám chống lại chính quyền.
Không chỉ vì yêu Việt Nam đến phát cuồng, ông còn yêu các “danh nhân” ở các quốc gia xa tít mù khơi như… Iraq! Ông cảm thấy thương xót chế độ của Saddam Hussein khi bị Mỹ, Anh và mấy chục quốc gia khác đem máy bay, tàu chiến, binh lính đến đánh trong chiến dịch “bão táp sa mạc” năm 1990 – 1991, sau đó, vào năm 1998, lại mở chiến dịch “Cáo sa mạc” không kích các trung tâm đầu não của chính phủ Iraq.
Là người “uyên bác”, muốn trổ tài kinh bang tế thế, ông thầy giáo dạy tiếng Anh ra tay nghĩa hiệp cứu vị Tổng thống mà ông hằng ngưỡng mộ đồng thời góp sức tiêu diệt lũ đế quốc sài lang nhằm mang lại hòa bình cho Thế giới. Mặc dù đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam còn nghèo, thông tin liên lạc khó khăn, đắt đỏ và chậm chạp nhưng vì tinh thần quốc tế cao cả, ông Phước liên tục gửi điện tín cho Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad và đồng gửi cho Đại sứ Iraq tại thủ đô Hà Nội. Mỗi bức điện đánh đi hồi ấy dài dằng dặc nên tốn mỗi bức vài chỉ vàng (theo thời giá bây giờ, mỗi bức mươi, mười lăm triệu đồng!). Bà vợ của ông luôn than thở mỗi khi ông lấy tiền thanh toán “điện phí” vì ông viết dài và “theo phong thái formal không viết tắt”.
Nhằm mục địch “tư vấn danh nhân” giúp vị Tổng thống đang bị vây đánh, đang bị cô lập, ông đeo đuổi công tác tư vấn cho Saddam ròng rã hơn mười năm trời. Thật đáng nể và chúng ta hãy xem ông tiếp tục giúp Iraq như thế nào?
Ông suy nghĩ nhiều đêm viết ra giải pháp “Kế sách liên hoành” tuyệt diệu! Kế sách này dựa vào lời tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush ngày 29 - 01 - 2002 liệt Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên là trục “liên minh ma quỷ” (axis of evil). Theo ông Phước “đây là cơ hội bằng vàng để thực hiện một khối trục mới Neo-axis của sức mạnh liên kết phòng thủ tự vệ, bảo vệ sự bình an cho nhân dân các nước Neo-axis, duy trì thăng bằng cán cân quân sự cần thiết cho thế giới”.
Ông sợ người ta hiểu lầm sự trong sáng của “khối trục mới” nên phải thanh minh ngay: “Neo-axis khác với khối trục Đức-Ý-Nhật gây chiến tàn khốc cho nhân loại”.
Việc triển khai kế sách ra sao?
Điều đầu tiên, cực kỳ quan trọng và cấp bách là Tổng thống Saddam Hussein phải khẩn trương bổ nhiệm ông làm Đặc sứ toàn quyền của Iraq (Extraordinary and Plenipotentiary) để ông có đủ uy thế và quyền hạn như một sứ thần bay sang Iran gặp Tổng thống Mohamad Khatami – một cựu thù của Iraq. Ông sẽ nói với Tổng thống Iran là Iraq chỉ là “kẻ thù giai đoạn” nên hai nước phải bắt tay nhau chống lại “kẻ thù không đội trời chung”. Sau đó, ông bay sang Bắc Triều Tiên gặp chủ tịch Kim Jong Il. Với tài năng và sự uyên bác, lịch lãm có sẵn, với trình độ tiếng Anh điêu luyện, vị sứ thần Hoàng Hữu Phước “sẽ trổ tài hùng biện để đảm bảo đạt được sự đồng thuận của các vị này!”.
Ba nước Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên sẽ lập thành Neo-axis để giúp nhau tồn tại dài lâu, duy trì an ninh các khu vực khác nhờ thế chân vạc được tạo lập.
“Đặc sứ toàn quyền” Hoàng Hữu Phước còn vạch ra một kế hoạch quân sự không tiền khoáng hậu đề phòng Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp xâm lược Iraq hay Iran. Đó là, Iraq (hoặc Iran) phải lập tức tấn công Israel ở Trung Đông, còn Bắc Triều Tiên mở cuộc tấn công đại quy mô, tràn qua vĩ tuyến 38 đánh Hàn Quốc! “Đó là cơ hội Triều Tiên tấn công tổng lực tràn ngập giải phóng Nam Hàn, thống nhất đất nước!”.
Nhà chiến lược vĩ đại Hoàng Hữu Phước còn dự phòng phương án tác chiến thứ 2 là, nếu Mỹ trừng phạt Bắc Triều Tiên thì Iraq và Iran tấn công tổng lực triệt hạ Israel với sự ủng hộ của Palestine và các quốc gia Trung Đông khác là cựu thù của Israel.
Khi ấy, đồng thời với các cuộc chiến trên khắp mặt trận, vị Đặc sứ Hoàng Hữu Phước sẽ tiếp cận với Washington để du thuyết nhằm “giúp Mỹ nhận thức sự tai hại đối với toàn cầu nếu Mỹ trở nên suy yếu do dấn sâu vào những cuộc xung đột vũ trang, bỏ quên mối nguy cơ tiềm tàng từ Bắc Kinh!”.
Thật là một kế hoạch hoành tráng, hoàn hảo và đầy tính “nhân văn” từ “Lăng Tần Hoàng Hữu Phước” vạch cho Saddam Hussein. Điện đi hàng chục bản, ông sứ thần tương lai ngồi ở Sài Gòn chờ mòn mỏi chẳng thấy một dòng hồi âm từ Baghdad nên ông Phước càng lo cho vị Tổng thống Iraq đang tìm cách chống đỡ sức ép của một cuộc chiến thật sự đang đến gần. Chiến lược ông viết ra hay như thế chẳng ai chịu nghe nên ông vội vàng tới Bưu điện Sài Gòn, đánh điện khẩn sang Iraq. Ông viết rằng Thủ tướng Anh (Blair) và Tổng thống Mỹ là những kẻ mưu mô, xảo quyệt sẽ đánh Iraq nay mai nên ông khuyên Saddam phải giữ lại mấy trăm công dân người Mỹ, người Anh… đưa họ vào dinh Tổng thống để làm con tin, làm “lá chắn sống” ngăn không lực Hoa Kỳ oanh kích tàn phá Baghdad! Vậy mà một lần nữa, Saddam “không nghe” lời Lăng Tần Việt Nam Hoàng Hữu Phước! Ông ta vẫn cho phép người nước ngoài rời khỏi thủ đô.
Quá buồn chán, “Đặc sứ toàn quyền” lại đánh đi bức điện cuối cùng với lời mong cầu Trời phù hộ cho Saddam. Điện gửi đi rồi, chiến lược gia Hoàng Hữu Phước thấp thỏm lo âu, có lẽ bức điện không bao giờ đến tay ngài Tổng thống vì vài hôm sau, chiến dịch “Tự do Iraq” mở màn ngày 20 - 03 - 2003 và 20 ngày sau, 09 - 04 - 2003 Baghdad thất thủ!
Trong nuối tiếc, tan mộng làm sứ thần đầy trọng trách vì nhân loại, ông “Thạc sỹ kinh doanh quốc tế” ấm ức, nếu Saddam nghe ông, chịu tấn phong cho ông thì thế giới đã đổi khác và ông Saddam không bị treo cổ ngày 30 - 12 - 2006. Không những thế, Mỹ vẫn mạnh, Trung Quốc vẫn chỉ là “cường quốc trung bình”. Cũng vì không nghe lời khuyên, không chấp nhận kế sách của Lăng Tần Việt Nam, ba nước Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên không “liên hoành” với nhau nên từng chiếc đũa đã bị Mỹ bẻ – “chiếc gãy (Iraq) chiếc cong (Iran và Triều Tiên) dù chiếc nào cũng khiến Hoa Kỳ trầy sướt và nhiễm độc sốt nặng triền miên vô phương cứu chữa”.
Ông Hoàng Hữu Phước đau đớn nhìn “kế sách liên hoành”, nhìn “thế chân vạc” của mình đã lao tâm khổ tứ viết ra giờ thành kỷ niệm khó phai. Ông than thở “vì Việt Nam, vì Hoa Kỳ, vì thế giới, tôi đã dồn tiền bạc và công sức tư vấn nhằm cứu Saddam Hussein. Tiếc là thế chân vạc phải gãy vì sự cực kỳ tự tin của Saddam”.
Rồi ông buông câu kết buồn thảm: “Âu cũng là thiên định”. Vĩnh biệt Tổng thống Saddam Hussein Abd al-Majid al-Tikriti.”
***
Câu chuyện tôi vừa kể cho các bạn nghe là sự thật một trăm phần trăm, không bịa một chi tiết nào! Những dòng chữ nghiêng là trích nguyên văn lời ông Phước viết.
Vậy các bạn nghĩ thế nào về những lời phát biểu của ông nghị Hoàng Hữu Phước trên diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về Luật biểu tình và Luật lập hội?