Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

TỪ THỰC-DÂN ÐẾN CỘNG-SẢN (FROM COLONIALISM TO COMMUNISM)

HOÀNG-VĂN-CHÍ

MỘT KINH-NGHIỆM LỊCH-SỬ CỦA VIỆT-NAM
Bản dịch của MẠC-ÐỊNH

Lời Tòa soạn Diễn Đàn Thế Kỷ: Thái độ lệ thuộc rất rõ rệt của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện tại đối với Trung Quốc đang làm cho dân chúng Việt Nam trong nước và hải ngoại ngạc nhiên và phẫn nộ. Muốn hiểu thái độ ấy, cần phải khảo sát sự liên hệ của đảng cộng sản Việt Nam đối với đảng cộng sản Trung Quốc như thế nào, kể từ khi đảng CS TQ chiếm được toàn thể lục địa Trung Hoa (1949). Lịch sử sự lệ thuộc ấy đã được học giả Hoàng Văn Chí ghi lại trong cuốn sách “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” được xuất bản vào đầu thập niên 1960. Nguyên tác cuốn sách bằng Anh ngữ, kính mời bạn đọc theo dõi bản dịch Việt ngữ của Mạc Định sau đây.
GIỚI THIỆU TÁC-GIẢ VÀ TÁC-PHẨM

Tác giả Hoàng Văn Chí

Hoàng Văn Chí
Các bạn đọc có thể ngạc nhiên khi thấy một cuốn sách tiếng Việt, tác giả là người Việt, mà lại là bản dịch. Trường hợp có hơi bất thường nhưng lý do là tại tác giả, ông Hoàng-Văn-Chí đã viết nguyên bản bằng tiếng Anh, xuất bản ở ngoại quốc để trực tiếp trình bày vấn đề Việt-Nam với đọc giả quốc tế và phổ biến kinh nghiệm Việt-Nam rộng ra khắp thế giới tự do.

Ông Hoàng, hiện còn bôn ba ở hải ngoại, đã tự giao cho mình trọng trách này vì trước khi rời khỏi Bắc-Việt năm 1955, ông đã hứa với các bạn bè trong hàng ngũ trí thức kháng chiến là ông sẽ cố gắng nói lên tâm trạng đau thương của họ và của toàn thể nhân dân miền Bắc đương quằn quại dưới chế độ Cộng-sản. Sau mười năm cặm cụi theo đuổi một mục đích, ông Hoàng đã hoàn tất một phần lớn nhiệm vụ tinh thần kể trên vì như ông P.J. Honey, giáo sư Ðại-Học-Ðường Luân Ðôn đã công nhận, chính nhờ ở các tác phẩm của ông Hoàng mà thế giới bên ngoài đã biết nhiều về nội tình Bắc Việt và chiến thuật Mao-Trạch-Ðông. Thực sự, không một tác phẩm nào của ông không được phổ biến khắp thế giới tự do, dịch ra năm bảy thứ tiếng, từ tiếng Ðan-mạch đến các thổ ngữ Ấn-Ðộ, từ các tiếng Á-đông đến tiếng I-pha-nho ở Nam-Mỹ. Hiện nay ông là nhà văn Việt-Nam có nhiều đọc giả nhất ở ngoại quốc.


Sinh tại Thanh-Hóa năm 1913 trong một gia đình nho giáo có truyền thống cách mạng, ông đã từng tham gia cuộc bãi khóa năm 1926, phong trào "Le Travail" năm 1936, hoạt động trong Ðảng Xã-hộI SFIO năm 1937-39, và tham gia Kháng chiến chống Pháp từ đầu đến cuối (1946-54). Ông giúp chính phủ Kháng chiến với chức vụ một chuyên viên, phụ trách đúc tiền, làm giấy in bạc, chế tạo hóa chất cho Quốc-phòng. Nhưng sau Hiệp-định Genevè, mặc dù đã được ông Hồ-Chí-Minh tuyên dương công trạng trong toàn quốc, ông quyết tâm rời bỏ Bắc Việt, di cư vào Nam. Trong bốn năm ở Saigon, ông đã để lại nhiều bài báo bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa và đặc biệt là tập chuyện ngắn, vừa hài hước vừa chua chát, nhan đề PHẬT RƠI LỆ, và một thiên khảo cứu về phong-tục học nhan đề ÐÍNH CHÁNH MỘT ÐỊNH KIẾN SAI LẦM VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT-NAM đăng trong báo NGÀY MỚI xuất bản tại Saigon năm 1958. Vì một sự lầm lẫn nào đó, bài này đã được dịch ra Anh-văn và đăng trong tập chí ASIAN CULTURE của Hội Liên-lạc Văn-hóa Á-Châu, năm 1961, ký tên ông Nguyễn-Ðăng-Thục, Hội
trưởng hội văn hóa kể trên.

Chúng tôi được quen ông Hoàng-Văn-Chí hồi chúng tôi nhờ ông đề tựa cuốn TRĂM HOA ÐUA NỞ TRÊN ÐẤT BẮC, do chúng tôi soạn năm 1959. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông tình nguyện đi Ấn-Ðộ, giữ chức phó Lãnh-sự tại New Delhi. Ra sân bay, ông có tâm sự với chúng tôi là mục đích của ông không phải là làm ngoại giao mà là để có dịp nói lên sự thực của cả hai chế độ : Hồ-Chí-Minh và Ngô-Ðình-Diệm. Quả nhiên ông chỉ ở Ấn-Ðộ đúng một năm, đủ thì giờ để kết giao với một số nhà báo, nhà văn Ấn-Ðộ. Năm 1960, ông sang Thụy-sĩ, sang Anh và lưu trú 5 năm tại Paris, nơi mà ông viết cuốn sách này.

Sách đồng thời xuất bản ở Luân-đôn, Nữu-Ước, New Delhi, bản dịch tiếng I-pha-nho xuất bản ở Buenos Aires và có nhà xuất bản đã mua bản quyền tiếng Nhật, Triều-tiên, Thái, Mã-lai, v.v... Nhận thấy không lẽ một tác phẩm hoàn toàn Việt-Nam phát hành khắp thế giới mà nhân dân Việt-Nam không có dịp thưởng thức, nên chúng tôi yêu cầu tác giả cho phép dịch ra tiếng Việt. Bản dịch này được tác giả duyệt lại, sửa chữa một vài sơ-xuất trong bản tiếng Anh in tại Luân-đôn và thêm bớt một vài câu cho bớt tính
chất văn dịch.

Sau cùng chúng tôi xin lưu ý các bạn đọc về một điểm sau đây: Vì mục đích của cuốn sách là trình bày chiến thuật Mao-Trạch-Ðông áp-dụng tại Bắc-Việt, hướng về các đọc-giả ngoại quốc, nên phần nhắc lại lịch sử dân tộc và lịch sử Cách-mạng Việt-Nam chỉ tóm tắt qua loa, vừa đủ để người ngoại quốc chưa hề biết đến nước ta có thể nắm được đại cương vấn đề. Vì tóm tắt nên không thể trình bày đầy đủ chi tiết, do đó đọc-giả trong nước có thể có cảm tưởng là quá sơ sài và thiếu chính-xác. Về điểm này, thay
lời tác-giả, chúng tôi xin thành thực xin lỗi các bạn đọc.

MẠC ÐỊNH

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh, nhan đề:
FROM COLONIALISM TO COMMUNISM

Xuất bản năm 1964 đồng thời tại :
ANH, The PALL MALL Press Ltd.
77-79 Charlotte Street, London W I.
HOA-KỲ, F.A. Praeger Inc, Publisher III,
4th Ave. New York, N.Y.
ẤN-ÐỘ, The ALLIED PUBLISHERS,
13-14 Asaf Ali Road, New Delhi.

Cùng với bản tiếng Việt này đã có những bản dịch sau đây :
Tiếng Bồ-đào-nha, Nhà xuất-bản GRD,
Rio de Janeiro, Brésil.
Tiếng I-pha-nho, Nhà xuất-bản Editorial SUR,
Buenos Aires, Argentine.
Tiếng Pháp, Nhà xuất-bản MAME,
Tours, Pháp

Lời chú-thích của dịch-giả
Tất cả các đoạn văn trích trong báo chí Bắc-Việt đều là nguyên văn, trừ hai bản báo-cáo của Trường-Chinh, vì không có nguyên bản tiếng Việt nên tác giả đã dịch ra Anh-văn từ bản tiếng Pháp do Bắc-Việt xuất bản. Chúng tôi cũng dịch theo bản tiếng Pháp ấy.

Do lời yêu cầu của chúng tôi, cũng như của nhà xuất bản tiếng Pháp và tiếng I-pha-nho, tác giả đã viết lại chương 18 (chương cuối) để trình bày thêm về tình hình Bắc-Việt từ 1962 đến 1965.

LỜI GIỚI THIỆU CỦA GIÁO SƯ P.J. HONEY

Trước Thế-chiến thứ 2, không mấy ai ở thế giới bên ngoài biết đến nước Việt-Nam và dân tộc Việt-Nam, và họa chăng chỉ nghe nói đến Ðông-Pháp, trong đó có xứ "An-Nam". Ngoại trừ người Pháp, không mấy người Tây-phương biết dến Việt-Nam là một quốc hiệu, và số du khách có dịp ghé qua Việt- Nam lại càng hiếm hơn. Vì vậy nên, năm 1945, dư luận thế giới rất đỗi ngạc nhiên khi báo chí loan tin có
một chính phủ mệnh danh là "VIỆT-NAM DÂN-CHỦ CỘNG-HÒA" tuyên bố độc lập đối với Pháp.

Nhưng vì đồng thời, việc chấm dứt chiến tranh với Nhật-Bản gây nên nhiều biến cố khác, nên dư luận thế giới lại lãng quên vấn đề Việt-Nam, cho mãi đến cuối năm 1946, khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt-Nam, báo chí thế giới một lần nữa lại nói đến Việt-Nam. Nhưng dư luận hồi ấy cho rằng quân đội Việt-Nam thiếu luyện-tập và chỉ có những võ khí thô sơ, nên không thể kháng cự nổi với đội quân Viễn-chinh hùng-hậu của Pháp, và chẳng bao lâu sẽ bị dẹp tan.

Nhưng chiến cuộc mỗi ngày một lan rộng, vì Pháp tỏ ra bất lực không dẹp nổi phong trào kháng chiến Việt-Nam, hồi đó thường gọi là Việt-Minh. Nhiều nguời Tây-phương, và đặc biệt những người Mỹ quan tâm đến thời cuộc Viễn-Ðông, cho rằng chiến tranh ở Việt-Nam là do những phần tử quốc gia lãnh đạo, với mục đích giành lại độc lập cho quốc gia của họ. Hoa-Kỳ không trực tiếp can thiệp, nhưng, một phần nào, có thiện cảm với Việt-Minh. Vì chiến tranh "lạnh" mỗi ngày một bành trướng nên dần dần các quốc gia Tây-phương mới thấy rõ âm mưu sâu rộng của Cộng-sản. Lúc bấy giờ Hoa-Kỳ mới ngả theo quan điểm của Pháp, nhận định Việt-Minh không phải là một phong trào thuần túy quốc gia, mà thực sự là một phong trào Cộng-sản chiến đấu với mục đích thiết lập chế độ Cộng-sản trên một phần đất Á-Châu. Vì vậy nên Hoa-Kỳ bắt đầu viện trợ mỗi ngày một nhiều cho quân đội Pháp và quân đội Quốc-gia Việt-Nam mới thành lập. Nhưng mặc dù, Việt-Minh vẫn thắng trận. Trận Ðiện-Biên kết thúc chiến cuộc, và Hội-nghị Quốc tế họp ở Genève, đầu năm 1954, mang lại hòa bình ở Việt-Nam.

Chiếu theo Hiệp-định Genève thì Việt-Nam bị chia đôi dọc theo vĩ tuyến 17, Miền Bắc đặc dưới quyền kiểm soát của Cộng-sản, và Miền Nam vẫn thuộc quyền phe Quốc-gia. Ðây là lần đầu tiên một quốc gia Cộng-sản xuất hiện ở Ðông-Nam-Á, và sự-kiện này vô cùng quan trọng. Từ ngàn xưa con đường từ Ðông-Á xuống Ðông-Nam-Á vẫn xuyên qua Việt-Nam, và trong lịch sử hiện đại, chính vì Nhật-Bản chiếm cứ được miền này, năm 1941, nên trong chớp nhoáng, Nhật-Bản đã thôn tính được toàn thể Ðông-Nam-Á. Không ai không nhìn thấy âm mưu của khối Cộng-sản là xử dụng Bác Việt như một bàn đạp để tràn xuống phía Nam. Hoa-Kỳ đã phải rút khỏi nước Lào, và chiến tranh hiện nay đương tiếp diễn tại Nam-Việt. Chiến cuộc ở Việt-Nam có thể mở đầu cho một cuộc xâm-lăng rộng lớn của Cộng-sản.

Muốn ngăn cản cuộc xâm lăng kể trên một cách hữu hiệu, công việc việc đầu tiên là phải tìm hiểu chiến lược và chiến thuật của Cộng-sản thì mới có thể dự đoán được kế hoạch của họ và dự trù biện pháp đối phó. Nhưng vì Cộng-sản Việt-Nam rất ít sáng kiến về quân sự và chính trị, nên thực sự việc ấy không khó khăn như thoạt đầu nhiều người tưởng tượng. Họ chỉ ưa bắt chước và áp dụng những chiến thuật đã được thử thách ở các nước đàn anh. Bác-sĩ Nguyễn-Ngọc-Bích, một nhà học giả Việt-Nam rất uyên thâm, đã phê bình Cộng-sản Việt-Nam như sau : "Bất cứ sau một biến cố hay một hành động nào, Việt-Cộng cũng tổ chức kiểm thảo để tìm ưu-khuyết-điểm. Mục đích của kiểm thảo là để tránh những sai lầm cũ, không phải để hoạch định kế hoạch cho tương lai. Nhưng vì thiếu sáng kiến nên mỗi lần hoạch định kế-hoạch cho tương lai, Việt-Cộng thường ưa áp-dụng những biện pháp đã từng mang lại thắng lợi trong quá khứ. Họ không đủ sáng suốt để nhận định rằng mỗi tình hình mới đòi hỏi một kế hoạch thích ứng và hoàn toàn mới. Chính vì vậy mà Việt-Cộng thường bị phê-bình, mặc dù có đôi khi quá đáng, là chỉ ưa bắt chước và áp dụng những chiến thuật cũ kỹ, không hề sáng tác được chiến thuật nào có thể gọi là mới".

Chỉ có những Lãnh-tụ Cộng-sản mới biết rõ những giai đoạn họ đã vượt qua để lên nắm chính quyền ở Bắc-Việt, và cũng chỉ có họ mới biết rõ họ đã trù tính và ấn định mỗi giai đoạn phải như thế nào. Tuy nhiên những người trong hàng ngũ kháng chiến có đủ kiến thức và óc quan sát để nhận định những sự việc xảy ra xung quanh họ, phân tích chính sách, đường lối từ trên ban xuống, rất có thể nghiên cứu và trình bày những sự việc đã qua với một trình độ chính xác rất cao.

Với hoài bão tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở, ông Hoàng-Văn-Chí, tác giả cuốn sách này, đã tham gia kháng chiến ngay từ phút đầu. Mặc dù ông không phải là môn đồ của chủ nghĩa Mác-xít, và ông thừa biết phong trào kháng chiến đã bị Việt-Cộng lũng đoạn, ông vẫn tích cực tham gia, vì ông cho rằng, nếu những phần tử quốc gia không tham gia kháng chiến thì kháng chiến sẽ thất bại, và Pháp sẽ có cơ hội đặt lại nền đô-hộ trên đất nước Việt-Nam. Nhưng sau khi Pháp đã thất bại, ông Hoàng-Văn-Chí không do dự đứng về phe Quốc-gia để chống Cộng-sản.

Trong thời gian kháng chiến, ông Hoàng có điều kiện thuận tiện để nghiên cứu chiến thuật và lập luận của Cộng-sản. Ông đã chứng kiến việc cán bộ Trung-quốc bắt buộc Bắc Việt phải tuân theo đường lối của họ Mao, và ông đã dự nhiều cuộc đấu tố trong dịp "Cải Cách Ruộng Ðất" mà vô số nhân dân Bắc-Việt đã bị giết chóc một cách tàn khốc.

Phần lớn những sự việc tường thuật trong cuốn sách này là do chính ông Hoàng nghe tận tai, thấy tận mắt. Phần còn lại là kết quả một công cuộc sưu tầm sâu rộng của ông. Trong suốt cuốn sách, tác giả tường thuật một cách cặn kẽ Cộng-sản đã lợi dụng và thao túng phong trào ái quốc giành độc lập như thế nào, và đã thành lập chế độ Cộng-sản ở Bắc Việt như thế nào. Chỉ riêng về phương diện này cuốn sách cũng đã là một công cuộc khảo cứu hết sức quan trọng về chiến thuật hiện đại của Cộng-sản.

Nhưng, hơn nữa, vì chính những chiến thuật ấy lại đương được áp dụng ở Nam-Việt, và rất có thể trong tương lai, ở nhiều nuớc khác thuộc Ðông-Nam-Á, nên chắc chắn tác phẩm của ông Hoàng sẽ trở thành một cuốn sách giáo khoa mà mọi người có ít nhiều trách nhiệm chống Cộng ở Á-Châu đều cần phải nghiên cứu.

Bằng những tác phẩm Anh-văn đã từng xuất bản, ông Hoàng-Văn-Chí đã cống hiến cho thế giới bên ngoài rất nhiều kiến thức về Cộng-sản Việt-Nam, và gần đây, trong bài báo mới nhất của ông, nhan đề "Sản xuất lúa gạo dưới chế độ nông nghiệp tập-thể", đăng trong tạp chí China Quarterly, số 9, tháng 2 năm 1962, ông đã giải thích tại sao nông nghiệp không những thất bại ở Bắc-Cao. Theo thiển ý của tôi thì tác phẩm này sẽ là một trong các tác phẩm tiêu chuẩn về Cộng-sản Á-Châu.

P.J. HONEY Giáo-sư trường Nghiên-cứu Á-Phi của Luân-đôn Ðại-học-Ðường.

LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ

Tường thuật giai đoạn cuối cùng của cuộc Cách-Mạng phản đế-quốc Việt-Nam, cuốn sách này chuyên nghiên cứu một chiến thuật thường được mệnh danh là "Cải Cách Ruộng Ðất", một chiến thuật mà các Lãnh-tụ Cộng-sản Bắc Việt đã áp dụng để biến cuộc chiến đấu ái-quốc giành độc lập thành một công cuộc thiết lập chế độ vô sản chuyên chính. Ðấy là một chiến thuật tinh vi, lợi dụng tâm lý quần chúng đến triệt để, có thể coi là phần đóng góp lớn nhất của Mao-Trạch-Ðông đối với lý thuyết Mác-Xít Lê-nin-nít. Theo thiển ý của tác giả thì "Cải Cách Ruộng Ðất" là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong lịch-sử hiện đại.

Bắt nguồn từ chủ trương căn bản của họ Mao là Cách-Mạng vô sản có thể dùng nông dân làm lực lượng căn bản, "Cải Cách Ruộng Ðất" đã được mang ra thử thách lần đầu tiên, dưới một hình thức thô sơ, trong cuộc Nông-dân bạo-động ở Hồ-Nam năm 1926. Sau khi cuộc bạo động này thất bại và Cộng-sản Trung-hoa phải ẩn náu ở Diên-An, trong hơn mười năm, họ Mao đã nhân sửa chữa lại đường lối và kiện toàn lại toàn bộ chiến thuật của ông. Nhờ vậy mà sau khi nắm được chính quyền ở Trung-hoa lục địa, ông Mao đã tiêu diệt được tất cả các phong trào chống đối, và những thất bại liên tiếp trong các phong trào "nhảy vọt", hoặc tiến, hoặc thoái, không lay chuyển nổi chế-độ do ông thành lập.

Chiến thuật "Cải Cách Ruộng Ðất" mà ông áp dụng trên toàn thể lãnh thổ Trung-Hoa lục địa ngay sau khi Cộng-hòa Nhân dân Trung-Hoa được thành lập là dựa theo hoàn cảnh xã hội và tinh thần của nhân dân Trung-Hoa. Chỉ vài năm sau là chiến thuật ấy được mang áp dụng ở Bắc Việt, dưới sự lãnh đạo của một số cố vấn Trung Cộng.

Nhân sống ở Khu Bốn, là miền Cộng-sản kiểm soát từ đầu đến cuối, tôi được dịp chứng kiến phong trào "Cải Cách Ruộng Ðất", vừa thán phục vừa kinh hoàng.

Trong những trang sau đây tôi cố gắng diễn tả những gì tôi đã thấy, hoặc đôi khi đã tham dự với mục đích nhỏ mọn là đóng góp chút ít vào công cuộc phát triển khoa học xã hội, và đồng thời cống hiến các tác giả ngoại quốc thường viết về Việt-Nam hoặc về Á-Ðông, một vài chi tiết mà tự trước tới nay họ chưa từng biết.

Toàn bộ vấn đề không thể thu gọn trong một cuốn sách nhỏ, nên ở đây tôi chỉ nêu lên một cách hết sức khách quan một vài yếu tố chính của vấn đề Việt-Nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh là tôi không định tâm bênh vực hoặc đả phá một lý-thuyết hay một chế độ chính trị nào, vì tôi quan niệm tất cả đều lỗi thời. Tôi không có hoài bão nào khác là trình bày đứng đắn những kinh nghiệm xưa và nay của Việt-Nam để góp phần xây dựng cho mai hậu, một triết lý hoàn toàn mới, phù hợp với những phát minh mới
nhất của khoa học và kỹ thuật hiện-đại.

Paris, tháng 6, 1962
Hoàng-Văn-Chí

MỤC-LỤC

Giới thiệu Tác-giả và Tác-phẩm
Lời Giới-thiệu của Giáo-sư P.J. Honey
Lời Tựa của Tác-giả

Phần 1 . CÁI VINH VÀ CÁI NHỤC CỦA MỘT TIỂU NHƯỢC QUỐC
Chương 1 Sứ mạng Lịch-sử của Dân tộc Việt-Nam
Chương 2 Việt-Nam trong lịch-sử Hiện-đại

Phần 2 . NƯỚC MẤT LẠI CÒN
Chương 3 "Bác Hồ", vị Cứu-tinh của Dân-tộc
Chương 4 Cộng-sản xuất hiện
Chương 5 Có công mài sắt, có ngày nên kim

Phần 3 . CHUẨN-BỊ THÀNH-LẬP CHẾ-ÐỘ ÐỘC-TÀI
Chương 6 Bần-cùng-hóa toàn dân
Chương 7 "Ðấu Tranh Chính Trị"
Chương 8 Danh sách Việt-gian

Phần 4 . CẢI-TẠO TƯ-TƯỞNG
Chương 9 Công tác Tư-tưởng
Chương 10 Kiểm-thảo
Chương 11 Chỉnh-huấn
Chương 12 Năm bài học

Phần 5 . CẢI-CÁCH RUỘNG-ÐẤT
Chương 13 Ðại-cương về Cải-Cách Ruộng-Ðất
Chương 14 Chiến-dịch Giảm Tô
Chương 15 Cải-Cách Ruộng Ðất Ðích-thực
Chương 16 Sửa Sai
Chương 17 Chống đối Chế-độ
Chương 18 Con đường thẳng tới Cộng-sản Chủ-nghĩa

PHẦN 1
CÁI VINH và CÁI NHỤC của một TIỂU NHƯỢC QUỐC

"Một việc phi thường mà không một sử gia nào có thể giải thích một cách thoả đáng - mặc dầu đã nghiên cứu rất nhiều, là: Tại sao, sau hàng ngàn năm đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa, và Việt-Nam vẫn còn là một quốcgia biệt lập".

Joseph BUTTINGER
The Smaller Dragon

Chương 1
SỨ-MẠNG LỊCH-SỬ CỦA DÂN-TỘC VIỆT-NAM

Việt-Nam là một phần đất của Á-châu. Vị-trí địa-lý của Việt-Nam đối với lục địa Á-châu quyết-định một phần lớn tiền-đồ cũng như sứ-mạng mà lịch-sử đã giao phó cho dân tộc Việt-Nam trong mấy ngàn năm nay.
Chúng ta hãy so sánh Âu-châu và Á-châu. Âu-châu là một đơn-vị địa-lý duy nhất, núi không cao, sông không rộng nên trong nội-địa Âu-châu văn-hóa thường được trao đổi và các nòi giống thường được pha trộn một cách tương đối dễ dàng. Ðịa-lý Á-châu có một điểm trái ngược với Âu-châu. Lục-địa Á-châu bị dẫy núi Hi-ma-lay-a, và tiếp theo là dẫy Trường-sơn phân chia thành hai đơn-vị địa-lý văn-hóa riêng biệt. Ðơn-vị phía Bắc thuộc ảnh hưởng Trung-Quốc, đơn-vị phía Nam chịu ảnh hưởng Ấn-Ðộ.

Việc phân chia địa-lý này rất có nhiều ảnh-hưởng. Trong khi một vài tư-tưởng và đạo-lý có thể truyền-bá từ Nam lên Bắc, và một vài bộ-lạc có thể từ từ di-chuyển từ Bắc xuống Nam, qua dẫy Hi-malay-a, dẫy núi này vẫn là một "Vạn lý trường thành" chặn đứng không cho bên nào tấn công quân sự bên nào. Chính nhờ vậy mà Ấn-Ðộ và các quốc-gia khác thuộc Nam-Á đã duy trì được nền văn-hóa, tổ-chức xã-hội và chính-trị riêng biệt của họ, không bị văn-hóa Hán-tộc xâm nhập và không hề bị binh mã của "Thiên-triều" quấy nhiễu. Ngay cho tới ngày nay, dẫy trường thành này vẫn đóng một vai trò tối quan trọng.

Nếu một ngày kia Ấn-Ðộ và Trung-cộng có thể thỏa-thuận công nhận giới tuyến Mac Mahon là biên-giới thiên-nhiên giữa hai nước, và nếu Hoa-kỳ đủ sức bảo-vệ Việt-nam Cộng-hòa và duy trì một nền trung lập chân chính ở Lào thì dẫy Hi-ma-lay-a - Trường-sơn, chạy dài từ Kashmir ở phía Tây đến Vỉệt nam ở phía Ðông, sẽ là bức bình phong đứng giữa hai khối : khối Cộng-sản và khối không Cộng-sản trên lục-địa Á-châu. Chỉ vì kỵ-binh của Hán, Nguyên, và Thanh-triều không hề vượt qua dẫy núi này, vì không vượt nổi, nên nhiều chính-khách ở Nam và Ðông-Nam-Á đã nhẹ dạ tin tưởng ở cái mà họ mệnh danh là "tình hữu-nghị cổ truyền với Trung-Quốc". Khi họ đề ra thuyết trung lập và sống chung hòa bình, họ đã trông cậy quá nhiều vào dẫy núi này coi như một cái mộc che chở cho xứ sở của họ.Nhưng những biến cố gần đây đã chứng tỏ rằng bức trường thành thiên tạo này không còn hiệu nghiệm như xưa: không chặn nổi sự xâm nhập và cả những cuộc tấn công quân sự của Cộng-sản. Về phía Tây thì Ấn-Ðộ hiện đương lo phòng thủ biên-thùy Ấn - Hoa, còn về phía Ðông, Hoa-kỳ đương ra sức bảo-vệ Việt-Nam Cộng-hòa, Lào và Thái-lan khỏi bị rơi vào tay Cộng-sản. Nhưng so sánh thì các nước ở phía Ðông bị đe dọa nhiều hơn các nước ở phía Tây, vì dẫy Truờng-sơn phân cách Lào và Việt không cao và hiểm trở bằng dẫy Hi-ma-lay-a phân cách Ấn-Ðộ và Tây-Tạng. Hơn nữa, Bắc-Kinh nối liền với Hà-Nội bằng một đường xe lửa mà-trái lại, đường bộ từ Bắc-Kinh đến Lhasa, thủ-đô Tây-tậng, thì khó khăn, hiểm trở. Vì vậy nên hiện nay cũng như từ ngàn xưa, Trung-Quốc vẫn coi Việt-Nam là con đường thuận tiện nhất cho mọi cuộc Nam-tiến.

Nhìn vào bản đồ hai nước (trang 16), chúng ta có thể ví Trung-Quốc với một cái loa phễu khổng lồ, mà Việt-Nam là cái cuống phễu vừa hẹp vừa dài. Hình ảnh cái phễu khổng lồ trên đây có thể giải thích một phần lớn đặc điểm của nền bang giao Hoa - Việt, nếu chúng ta hình dung Trung-Hoa như một chất lỏng chứa đựng trong loa phễu, và suốt trong lịch-sử lúc nào cũng muốn chẩy dọc theo cái cuống phễu để tràn xuống những miền đồng bằng phì-nhiêu thuộc đông-nam-á. Lịch-sử đã giao phó cho Việt- Nam, nằm ở đầu cuống phễu, một trách nhiệm nặng nề : ngăn chận không cho quân lực Trung-Hoa tràn qua để xuống tới các đồng bằng kể trên. Dân-tộc Việt-Nam đã làm tròn nhiệm vụ ấy, và đã đánh bật trở lại tất cả các cuộc chinh phạt liên tiếp của các triều đại, Hán, Nguyên, Minh, Thanh, đặc-biệt nhất là các đoàn kỵ-binh hùng hậu của Hốt-Tất-liệt mà từ Ðông sang Tây không một quốc-gia nào kháng cự nổi.

Hoàn thành được nhiệm vụ lịch-sử kể trên, dân tộc Việt-Nam không những đã bảo toàn được nền tự chủ của mình, mà còn giữ cho tất cả các dân-tộc khác ở Đông-Nam-Á khỏi bị Hán-hóa.

Theo Hán-sử thì ngày xưa ở phía Nam sông Dương-Tử có một trăm bộ-lạc, gọi là Bách-việt. Các bộ-lạc này đều bị Hán-hóa hoàn toàn, bắt đầu từ cuộc chinh phạt của Tần Thủy-Hoàng, thế-kỷ thứ 3 trước Tây-lịch. Theo nhiều học giả chuyên về nhân-chủng và phong-tục học thì phần lớn các bộ-lạc này thuộc chủng tộc In-đô-nê-si-a. Dân-tộc Việt-Nam cũng thuộc về khối này. Theo một truyền-thuyết - một truyền-thuyết đã trở thành định kiến - nhiều người Việt Nam hiện còn tin rằng tổ tiên của họ ngày xưa cũng là một trong các bộ-lạc Bách-việt, nhưng đã may mắn thoát khỏi nạn Hán-hóa mà tất cả các bộ-lạc khác phải chịu.

Về truyền-thuyết này, có một câu chuyện khá lý thú đáng được ghi lại. Sau cuộc Cách-mạng Tân hợI (1911), va sau khi nhường chức tổng-thống cho Viên-Thế-Khải, ông Tôn-Văn sang viếng thăm Nhật- Bản, với tư cách là đảng trưởng Quốc-dân-đảng Trung-Hoa, và được ông Khuyển-Duỡng-Nghị, đảng trưởng Quốc-Dân-Ðảng Nhật, thết tiệc khoản đãi. Giữa bữa tiệc, lừa khi ông Tôn-Văn bất ý, ông Khuyển-Dưỡng-Nghị đột nhiên hỏi: "Tôi được biết tiên-sinh đã có dịp qua Hà-Nội, xin tiên-sinh cho biết tôn-ý về dân tộc Việt-Nam?" Bị hỏi một cách bất thình lình, ông Tôn-Văn đáp : "Người Việt-Nam vốn nô-lệ căn tính. Ngày xưa họ bị chúng tôi đô-hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp đô-hộ. Dân-tộc ấy không có tương lai". Ðược dịp, ông Khuyển-Dưỡng-Nghị nói tiếp: "Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với tiên sinh.

Ngày nay họ thua người Pháp, vì họ thiếu khí giới tối tân, nhưng cứ xét lịch-sử thì trong số Bách-việt chỉ có họ là thoát khỏi, không bị Hán-hóa. Tôi tin rằng một dân-tộc đã biết tự bảo-vệ một cách bền bỉ như vậy thì thế nào sớm muộn cũng sẽ lấy lại được quyền tự-chủ". Ông Tôn-Văn đỏ mặt không trả lời vì biết mình đã nói hớ. Ông hiểu ý ông Khuyển-Dưỡng-Nghị muốn châm chọc, cho rằng ông là người Quảng-Ðông, tổ-tiên cũng là "Việt" nhưng kém xa dân tộc Việt Nam vì đã bị đồng-hóa hoàn toàn, không còn chút gì là "Việt" nữa. Sau buổi tiệc, ông Khuyển-Dưỡng-Nghị gọi giây nói mời mấy học-sinh Việt-Nam tị nạn ở Nhật đến kể truyện cho nghe tỏ ý hớn hở đã thắng nhà chính khách Trung-hoa trong cuộc đối thoại. Trong số những người được ông Khuyển-Dưỡng-Nghị mời đến và thuật lại câu chuyện có cụ Lê-Dư. Chính Cụ Lê-Dư đã kể lại câu chuyện này cho tác-giả.

Trong hơn hai ngàn năm, dân-tộc Việt-Nam đã giữ một vai trò in hệt dân Sparte ở ải Thermopile. Công nghiệp của dân-tộc Việt-Nam đối với các lân bang ở Ðông-Nam-Á chưa được các sử gia công nhận một cách đầy đủ. Có một điểm cần nêu lên là những Hoa-kiều hiện nay đông đảo ở Sin-ga-po, Mã-lai-á và ln-đô-nê-si-a đều tới định cư ở những nơi này bằng đường biển, và mới gần đây họ được di cư tới các xứ này một cách dễ dàng vì các chính quyền thực-dân Anh, Pháp, Hòa-Lan thấy họ cần cù và khéo léo hơn dân bản xứ.

Trở lại hình ảnh cái phễu khổng lồ, chúng ta có thể hình dung dân-tộc Việt-Nam như một cái nút bông ngăn chặn quân lực Trung-Hoa không cho tràn qua, nhưng vẫn để văn hóa Trung-Quốc, ví như nước trong, thấm dần qua cái cuốn phễu. Dân-tộc Việt-Nam thấm nhuần nền văn-hóa phong phú này và sử dụng nó như một lợi khí để tự bảo vệ, và đồng thời Nam-tiến chinh phục Chiêm-Thành. Nước này bị xâm chiếm theo kiểu tầm ăn lá dâu và biến khỏi lịch sử năm 1697. Sau khi đã tiến đến miền cực nam của bán đảo Ðông-Dương, dân-tộc Việt-Nam bắt đầu vòng quanh dẫy núi Trường-sơn để tiến vào nội địa Cam-bốt, nhưng muộn quá, vì người Pháp đã tấn công và chặn lại bắt đầu từ năm 1858. Mặc dầu là nạn nhân của đế quốc Trung-Hoa, người Việt đã có tinh thần đế quốc không kém ai, và dân Cam-bốt thực sự đã chịu ơn người Pháp cứu họ khỏi bị Việt-hóa, mãnh liệt không kém Hán-hóa.

Về ảnh hưởng của văn-hóa Trung-Quốc, có hai điểm đáng được nêu lên một cách khách quan : đấy là thái độ của thượng lưu trí thức Việt-Nam đối với Trung-Hoa và nền văn-hóa Hán-tộc. Nói chung thì người Việt vẫn coi người Tầu là kẻ thù lịch-sử (mười lăm cuộc xâm chiếm trong hai ngàn năm, và một ngàn năm Bắc-thuộc), nhưng mỗi khi có nội biến hay ngoại xâm, thường có nhiều người vội vã chạy sang Trung-Quốc để khẩn cầu ngoại viện; và mỗi lần như vậy là một lần đại đội binh mã Trung-Quốc kéo sang và ngang nhiên chiếm đóng cho tới khi bị đánh bật ra khỏi.

Gần đây, ông Hồ-Chí-Minh có nhận viện-trợ của ông Mao, nhưng, để bào chữa thái độ của ông, ông nói: “Nhân-dân Việt-Nam và nhân-dân Trung-Quốc bao giờ cũng coi nhau như anh em. Chỉ có phong-kiến Trung-Quốc là kẻ thù của cả hai”, Lý-luận của ông Hồ rất thông, nhưng giới trí thức kháng chiến thường không chấp nhận. Họ phê bình là ngụy biện.

Một điểm thứ hai đáng được nêu lên là từ ngàn xưa sĩ phu Việt-Nam thường ngưỡng-mộ văn hóa Trung-Quốc một cách quá mức. Ngay trong thời kỳ tự chủ, các nho sĩ Việt-Nam thường học thuộc lòng từng câu, từng chữ, trong các kinh, các sách của các vị "thánh hiền" Trung-Quốc không hề suy luận, phê phán. Họ sùng bái văn-học Trung-Quốc đến nỗi họ gọi "chữ nho" - chữ của người Tầu - là “chữ ta”, mà chính tiếng Việt, họ lại gọi là "tiếng nôm". Vì quá lệ thuộc vào nền văn-hóa Trung-Quốc nên ngay trong thời-đại tự-chủ, Việt-Nam vẫn là một chư hầu văn-hóa của nước láng-giềng phương Bắc. Cũng vì vậy mà số phận Việt-Nam bị gắn liền vào số phận Trung-Quốc. Cả hai đều bị phá sản trước sự tấn công của các học-thuyết Tây-phương và Mác-xít. Ðể sáng tỏ thêm vấn-đề, chúng ta có thể đối chiếu Việt Nam với Nhật-Bản. Trước kia cả hai đều là đệ-tử của nền văn-hóa Trung-Quốc, nhưng dù vậy, thái độ của mỗi nước đối với Trung-Hoa có khác.

Trong khi các sĩ-phu Việt Nam coi trọng văn-học Trung-Quốc như chính của nước mình thì người Nhật, vì là dân đảo-quốc, vẫn coi Trung-Quốc là ngoại bang và triết học Trung-Quốc là một thứ hàng nhập cảng. Vì vậy mà người Nhật duy trì được tinh thần phê phán, có thể lựa chọn và hấp thụ một số học thuyết cũng xuất xứ từ Trung-Quốc, nhưng bị Trung-Quốc coi là tà thuyết và bác bỏ. Trong số những học thuyết này có học-thuyết Lương-tri của Vương-Dương-Minh (1472 - 1528) mà các triết gia cận đại coi là một giải thích khổng-giáo hướng theo thực-tế.

Học-thuyết nầy được truyền sang Nhật vào đầu thế-kỷ thứ 17. Chính vì đã hấp thụ được học thuyết Lương-tri mà nho sĩ Nhật giữ được một phần nào sáng-suốt, không đến nỗi quá hủ lậu như giới Tống nho Trung-Quốc và Việt-Nam, và do đó, họ dễ dàng công nhận giá trị của kỹ-thuật Tây phương.

Nhờ sự phản ứng kịp thời của sĩ-phu Nhật-Bản mà các lãnh-chúa Nhật phải thay đổi chính sách, giao thông với Tây-phương và thực-hiện cuộc cách-mạng Minh-trị (1876) tiến đến công cuộc canh tân toàn bộ đời sống.

Cũng nên nhắc lại là cũng vào thời kỳ này, học thuyết Lương-tri đã có cơ truyền sang Việt-Nam nhưng không thành. Hồi đó một môn-đệ của Vương-dương-minh là Chu-chi-dư hiệu là Thuần-thủy, trốn khỏi Trung-Quốc sau khi Trung-Quốc bị Mãn-Thanh chiếm đóng, và sang tị nạn ở Hội-an. Chúa Hiền biết ông là người hay chữ nên thường mời ông vào cung đàm đạo về văn-chương chữ nghĩa. Ðấy là một dịp rất tốt cho nhà triết học Trung-Hoa truyền bá học-thuyết của mình, nhưng điều rất không may là chúa Hiền không đủ học vấn để nhận định những sai lầm của học-thuyết Chu-hy và công-nhận những điểm hay của học-thuyết Lương-tri, và trong khi đó thì các triều thần, thấy chúa coi trọng ông Chu, cũng tìm cách làm thân, nhưng chỉ hỏi ông về lý số. Sau khi trú ngụ trên đất Việt-Nam trong mười năm mà không truyền bá được tư tưởng của mình, Chu tiên-sinh bèn nghe lời một lái buôn Nhật, lên thuyền của họ di cư sang Nhật. Ông là một trong những người đã có công truyền bá học-thuyết Vương-Dương-Minh trên đất Nhật.

Chỉ vì tôn sùng văn-hóa Hán-tộc một cách quá đáng mà mãi cho tới khi mất nước hằng chục năm rồi, các nho gia Việt Nam mới nhận thấy Tây-phương cũng có một nền văn hóa không kém và đáng được noi theo. Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, họ nhất thiết không chịu quan sát thế giới bên ngoài và không bận tâm đến những phát minh khoa-học và kỹ-thuật của Tây-phương. Trong khi dân-tộc Phù-tang hối-hả canh tân đảo quốc của họ thì vua Tự-Ðức vẫn điềm nhiên xướng-họa với mấy vị đại-thần. Tám bản "điều trần" của Nguyễn Trường Tộ (1853-1871) lần lượt bị bác bỏ, mà trong khi ấy thì Pháp chiếm Hội-an (l858), Nam-việt (1862-l867), Hà-Nội (l873-l882) và hoàn thành cuộc đô-hộ năm 1884.

Nhìn lại lịch trình tiến-hóa của dân-tộc Việt-Nam chúng ta phải công nhận với sử-gia Trần-Trọng-Kim là sỡ dĩ Việt-Nam dành lại được quyền tự chủ và xây dựng được một cơ cấu xã-hội, chính-trị, có nền tảng vững chắc, là nhờ ở sự hấp-thụ và tiêm nhiễm văn-hóa Hán-tộc, mà bộ phận chính là Khổng-giáo với tinh thần duy-lý. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận định thêm rằng Việt-Nam chỉ thực sự phú-cường dưới triều-đại Lý, Trần, là thời kỳ mà Phật giáo có được coi là quốc-giáo; và trái lại, Việt-Nam bắt đầu suy nhược từ cuối Trần, sau khi Khổng-giáo đã chiếm địa-vị độc tôn, đánh bật Phật giáo ra ngoài vòng chính-trị. Theo thiển ý của tác-giả thì có hai nguyên nhân chính. Một là từ Tống trở đi, học-phái Chu-hi được coi là học-phái chính thống đã đưa Khổng-giáo vào một khuôn khổ chật hẹp, hủ lậu, và hai là chế độ thi cử dành cho Khổng giáo độc quyền lựa chọn quan lại, lâu ngày trở thành xa lìa quần chúng, nên mỗi lần quốc-gia bị xâm lăng Khổng-giáo không đủ sức hấp dẫn để huy động quảng đại quần chúng tham-gia kháng chiến. Vì vậy nên những vị anh hùng cứu quốc từ Lê-Lợi đến Nguyễn-Huệ, đều không phải là những người xuất thân ở cửa Khổng sân Trình. Nói về lịch sử hiện-đại thì mất nước với Pháp về
cuối thế-kỷ trước, và đất nước tan tành trong hoàn cảnh hiện nay cũng chung một nguyên nhân: Tinh thần nô lệ đối với "Trung-Hoa vĩ đại". Về điểm này sử-gia Trần-Trọng-Kim đã phê bình như sau:

"... Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã là của Tầu là hay, là tốt hơn cả: từ tư tưởng cho chí công-việc làm, điều gì mình cũng lấy Tầu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tầu là giỏi, không bắt chước được là dở".

Những sự việc trình bày sau đây sẽ chứng minh hậu quả tai hại của tinh-thần hướng ngoại kể trên.

(Còn tiếp)