Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Trần Mộng Tú trong vườn hoa vàng

Luân Hoán

Trần Mộng Tú
Năm thì mười họa, tôi vui vẻ nhận được một cuốn sách có chữ ký của tác giả. Nhưng trong ít trăm cuốn đã nhận, chưa có người sáng tác nào thuộc phái yếu. Năm  1991, tôi bất ngờ, sung sướng nhận được thi phẩm  “Thơ Trần Mộng Tú” do chính tác giả ký, gởi tặng. Thú thật, nhờ được giới thiệu trước, nỗi vui sướng của tôi mới thật sự trọn vẹn, bởi quý danh của người có lòng, thiếu đi một chữ duyên dáng, xác định cần thiết của những người đẹp. Căn cứ vào chữ “Mộng’ đầy yểu điệu thì chưa đủ. Nam nhi đâu thiếu những người dùng chữ xinh đẹp này. Việc tôi được tặng sách cũng không phải là sự tình cờ, và chắc chắn cũng không phát xuất từ tự nguyện. Tôi nhận được quà, nhờ nhà văn Nguyễn Đông Ngạc. Trong một lần đến nhà Ngạc chơi, theo thói quen, chúng tôi tán dóc về chuyện sách, báo. Lần đó, chúng tôi nhắc về những cuốn sách mới xuất bản. Tập “Thơ Trần Mộng Tú” được nhắc tới.


Đã có đọc thơ của tác giả này qua một số tạp chí  Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21…tôi buột miệng khen:“bà này làm thơ tới lắm”. Nguyễn Đông Ngạc cười bảo: “thơ hay, người đẹp nữa đấy, nếu Hoán thích, để tôi giới thiệu cho, chỗ bà con mà !” Anh nói thêm, chắc như đinh đóng cột:  “Tôi sẽ nói cô ấy gởi cho Hoán một tập thơ”. Thân mẫu của Ngạc là một bạn đọc của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từ thời còn trong nước kéo dài đến nay, tủ sách của bà gần như không thiếu một tác giả danh giá nào. Hôm đó bà có mặt, nói tiếp lời Ngạc “ cô ấy là con của một người làm sui với tôi, hồi ở Bắc hai gia đình còn là láng giềng nữa”.
        
Tiết lộ của thân mẫu Ngạc làm mất ngay chút xíu hy vọng của tôi. Con của một người sui gia thì sự thân tình hẳn xa vạn dặm. Tôi nghĩ , việc Ngạc bảo sẽ nói cô ấy tặng sách chỉ là vui  miệng, nói dóc chơi thôi. In sách, tặng sách, có thể nói như phim Tàu là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, nhưng người tặng sách ít ra phải biết đại khái về người sẽ nhận quà. Tôi thì chập chờn vài bài thơ trên ít báo hải ngoại dễ gì được ai biết.

Nhưng tập thơ với chữ ký tác giả đã đến với tôi vào ngày 10 tháng 6 năm 1991, trong lưng bìa sau của tập thơ, tôi có ghi rõ ngày vui này.  Tôi không còn nhớ hết nỗi khoan khoái của mình khi cầm tập thơ xinh xinh trong tay. Nỗi xúc động khi nhìn hàng chữ đề tặng và cả chữ ký vô cùng giản dị của chị Tú: Chữ  “t” không viết hoa dính liền với chữ “m”, chữ  “m” dính liền với chữ “tú”, cũng không viết hoa và có dấu sắc đàng hoàng, nhìn chung như một chữ viết bình thường, ai cũng nhại tuồng chữ được. Chị Tú lại còn nâng tôi lên cấp “thi sĩ” nữa thật là thú vị. Chắc chắn trăm phần trăm tôi đã viết thư cảm ơn chị. Việc làm đương nhiên này, suốt đời tôi chưa quên thực hiện lần nào, khác với một số ít bạn “ngon lành” ngày nay, nhận sách rồi im luôn, không một hồi âm cho người gởi sách khỏi lo thất lạc, dù có đủ phương tiện thông tin không mất tiền như điện thư. Tôi và nhà văn Song Thao, thỉnh thoảng cũng gặp những vị “ngon lành” quên phép lịch sự này.

Tập “Thơ Trần Mộng Tú”, nền bìa trắng bóng. Họa sĩ Khánh Trường trình bày với chính bản vẽ của anh: Khuôn mặt thiếu nữ nhìn nghiêng, có tóc, có cổ nhưng thiếu vai, màu sắc đậm đà. Người Việt đứng tên xuất bản. Bìa sau để lưng trần, không chữ, không hình vẽ nào. Nhìn chung rất nghệ thuật, thanh thoát. Sách dày 120 trang, được xếp trang theo thứ tự:  trang 3, ghi hai dòng, sát nhau; dòng trên chữ Thơ. Dòng dưới : chữ Trần Mộng Tú. Trang 5 là trang  mặt của cuốn sách,  trình bày chữ Thơ nhỏ phía trên, chữ Trần Mộng Tú khá lớn nằm cách xa dưới chữ thơ, gần cuối trang giấy tên nhà xuất bản Người Việt và năm xuất bản được in dòng dưới, tất cả dùng font chữ Monotype Corsiva. Ở trang 6, giới thiệu những sáng tác đã xuất bản của Trần Mộng Tú, kể từ 1990 về trước, gồm:

Tuyển Tập Thi Ca, in chung cùng nhiều người, thơ viết trong khoảng thời gian 1975-1977, do Bố Cái tại Hoa Kỳ xuất bản.

Thơ Việt Nam, Chiến Tranh, Lưu Đày, in chung cùng nhiều người, do Gìn Vàng Giữ Ngọc, Hoa Kỳ xuất bản năm 1976.

Trăng Đất Khách, tuyển tập truyện ngắn của các cây bút nữ tại hải ngoại, do Làng Văn tại Canada xuất bản năm 1987.

Ở trang 7,  giới thiệu những chi tiết thường lệ của một cuốn sách, trong đó ghi:
          “Bìa: Khánh Trường, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp
          Phụ bản họa: Khánh Trường, Thái Tuấn, Nguyên Khai, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp
          Phụ bản nhạc: Hoàng Quốc Bảo, Vũ Thái Hòa, Tiến Dũng, Trần Trung Ngọc”
          Trang 9: Lời tựa, do chính nhà thơ Trần Mộng Tú viết, nguyên văn:
          “ Những điều tôi muốn giữ kín cho riêng tôi thì tôi lại bồng bột đem viết cả vào thơ. Tôi làm thơ nghĩa là tôi để tinh túy hồn tôi tuôn ra cùng mực. Tôi thu vào lòng tôi những yêu thương hạnh phúc, những phiền muộn, ngang trái của cuộc đời, để dành mãi trong một góc hồn, không chịu nổi phải viết ra thành thơ.
          Tôi là con tằm ăn hết lá dâu non, dâu già thì tự động phải nhả ra những sợi tơ.
          Tôi làm thơ nghĩa là tôi chuyện trò cùng cây cỏ, tôi tự tình cùng trăng sao, tôi khóc than cùng sông nước.
          Tôi không thể bước thản nhiên lên một chiếc lá vàng mà không nghe hồn mình rúng động.
Tôi vỡ oà và tan thành trăm mảnh vào những đêm trăng sáng.
          Sông nước đã cuốn tôi theo không phải là để nhận chìm mà là để cho lòng tôi run rẩy.
Mùa xuân đến thì hồn tôi đâm lộc xanh, nở hoa vàng, thơ tôi cười, thơ tôi hát. Nhưng vào thu thì hồn tôi rớm đỏ như những chiếc lá phong, thơ tôi trôi vào một giòng sương đục.
          Những đám mây trắng mùa hạ cũng cám dỗ tôi và treo thơ tôi lơ lửng trên những cánh ve sầu. Tôi úp mặt giữa hai bàn tay bé bỏng vào những buổi sáng mở cửa nhìn ra một mảnh đất trời trắng xóa. Tôi gãy vụn như những cánh bướm tuyết rơi vào khuôn cửa kính. Tôi và mùa đông tan thành thơ.
          Tôi làm thơ, nghĩa là tôi đọc 1000 trang sách rồi viết tiếp chương 1001. Tôi soạn một bản nhạc mà không phải dùng đến âm giai.
          Tôi làm thơ nghĩa là tôi hát một bài hát mà không cần giọng kim giọng thổ. Tôi vẽ một cây cầu vồng mà không cần đến những ống màu bảy sắc khác nhau.
          Tôi làm thơ nghĩa là tôi chúc tụng hạnh phúc mà không phải đi dự tiệc tân hôn, ai điếu lòng người mà không cần phải đến nghĩa trang.
          Tôi dùng ngôn ngữ để cô đọng ngôn ngữ, và tôi rất hài lòng. Vì phải chăng thơ là tinh hoa của ngôn ngữ?
          Mời bạn hãy bước vào cánh đồng thơ tôi, tuy chưa được mênh mông bát ngát, nhưng xin bạn hãy cẩn thận vì cánh đồng thơ tôi không có hàng rào”.
                                                                                                                                         (Trần Mộng Tú 4/90)
           
Có thể xem đây là một bản tuyên ngôn về sự việc làm thơ của tác giả một cách thú vị, tinh tế.  Tiếp sau văn bản này là 58 bài thơ, như 58 luống hoa của Trần Mộng Tú. Khởi sự bừng nở với Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam. Một chút cái tôi của chính nữ sĩ được giới thiệu, được tường trình bằng những hình ảnh thật đặc biệt, phát sinh từ  hoàn cảnh đất nước, trong một giai đoạn đáng buồn của lịch sử.:
         “Mẹ tôi chuyển dạ trên một chiếc xe rơm
          Có hai con bò kéo
          Hai con bò nào hiểu
          Đang chở một thi sĩ trên lưng
          Và thi sĩ ra đời
          Bài thơ đầu tiên là tiếng hát…”

Dù  chính xác hay chỉ thi vị, hư cấu, những dòng thơ trên thật là đẹp. Hình ảnh người thi sĩ  này đến với cuộc sống có phần khác thường nhưng không bi thảm. Tôi nghĩ, không chỉ đôi bò mà cả chiếc xe, cả những cọng rơm lót ổ trên xe, đều linh cảm được sự có mặt của một nguồn sống tràn đầy văn hoá sau này. “Bài thơ đầu tiên là tiếng khóc” quả thật như vậy. Bởi tiếng khóc ở thời điểm nào, cho hoàn cảnh nào cũng rất gần với thơ, nếu ta lắng lòng cảm nhận. Những địa danh, những con đường, những khoảnh khắc hít thở, đến một cuộc tình lần lượt được sống lại, được gọi tên như từng mũi dao, có đủ đau thương, chua xót khắc sâu vào tim, vào não của một người giàu chân tình. Suốt cả chiều dài bài thơ là những gợi nhớ, gần như riêng tư với bao nhiêu vết tích đã và đang trở thành kỷ niệm. Nhưng thật linh hiển, những nét riêng biệt bỗng trở thành hình ảnh chung của nhiều phụ nữ hiền thục Việt Nam: biết  tạo dựng và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình:
          “Buổi sáng người bố đi làm
          Các con đi học
          Mẹ ở nhà nấu ăn, làm bánh, làm thơ
          Bạn bè đến nhìn vào
          Khen gia đình tôi hạnh phúc…”

 Người phụ nữ biết làm thơ có thật sự  nhiều nước mắt hơn những người đàn bà bình thường, dù nàng là những danh nhân, công chúa như Chiêu Quân, Hạnh Nguyên… ? (…Hỡi nàng công chúa Huyền Trần/ khi nhớ quê đã khóc được bao lần/ chắc khóc ít- vì không phải là thi sĩ. - Thơ Trần Mộng Tú). Tôi nghĩ  rằng, những người phái đẹp biết làm thơ, sẽ biết nhiều cách khóc tuyệt diệu. Làm thơ nhiều khi cũng là một cách khóc.

Trần Mộng Tú tiếp tục vẽ chân dung tâm hồn mình trong hầu hết những bài thơ của chị. Chị sử dụng nhiều thể loại. Bảy chữ, năm chữ, tám chữ, lục bát, tự do với câu ngắn tiếp câu dài… chỉ là những phương tiện để sắp đặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ thi ca lâu nay vẫn chỉ loanh quanh quen thuộc, và là của chung nhiều người. Gần đây thêm được một số từ vốn không dùng cho thơ, nhưng chị Trần Mộng Tú không đụng đến. Thơ cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác cần có sắc thái riêng. Cái căn cước của mỗi người chỉ có điểm khác nhau ở nội dung. Cách xếp chữ, trình bày hình ảnh, màu sắc xen lẫn việc biểu lộ chân tình cũng sẽ làm nên  dáng vẻ riêng biệt. Chị Trần Mộng Tú thành danh thi sĩ vì có khả năng này trước tiên. Trong một điện thư cho phép tôi được Dựa Hơi, chị Tú căn dặn:
          “…Anh cần hỏi tôi điều gì cứ hỏi. Nhưng chỉ xin một điều là đừng có khen quá. Tôi dễ bị ngượng khi nghe khen, vì bạn bè nhiều khi hay khen nhau một cách quá đáng, làm độc giả bên ngoài khó chịu”
                                                                                             (Tue 14. Nov 2006- 09.3718-0800)

 Chị Tú đã tế nhị và cẩn thận. Nhân đây, tôi xin thú thật,tôi có vài thói quen khi phải trả lời những câu hỏi có tính cách nhận định, từ một số bạn có chút chút quen biết hoặc chưa. Nếu đã đọc được một bài không ưng ý. Tôi thường trả lời: “có thấy bài anh, xin lỗi chưa kịp đọc…”. Ngược lại, gặp một bài hay, tôi luôn luôn ngắn gọn: “đọc rồi, thú vị lắm”. Ở câu trả lời đầu, tôi thiếu thật thà, nhưng với câu trả lời sau, tôi rất thật tình. Cơ hội tôi khen bè bạn rất hiếm. Một vài bạn văn in sách tìm không ra người giới thiệu cho tác phẩm mình đầy đủ lệ bộ, mới áp dụng câu tục ngữ “ không chó bắt mèo ăn c…”. Trong trường hợp bị ép ăn này, tôi chỉ ba hoa, loanh quanh, với những câu đậm đà chất màu mè, nhưng sạch sẽ bên trong là xong. Dĩ nhiên không thiếu điều đáng đề cao, khen ngợi trong các tác phẩm của bằng hữu tôi. Ngay ở thơ, ở văn của chị Trần Mộng Tú cũng vậy. Nét đẹp của thơ văn chị, tôi không nói lên được, không phải vì lời dặn của chị mà vì tôi thiếu khả năng để diễn đạt sự cảm nhận, thưởng ngoạn của mình. Cảm nhận cái tinh túy của một tác phẩm không khó, nhưng phân tích cái giá trị đó thành bài bản, thuyết phục người khác đồng quan điểm với mình không phải là chuyện dễ. Để có một vài cái nhìn về thơ chị Trần Mộng Tú, tôi xin trích một số nhận xét:
          “Có thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại. Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Đầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực như chính ngôn ngữ của cô; hay đúng hơn, ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như tình yêu của cô: vừa phải, chừng mực, nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị.
          Thơ Trần Mộng Tú là thơ tình. Thứ tình rất keo sơn, thủy chung. Thứ tình bất tận. Tình yêu quê hương. Tình yêu gia đình. Tình yêu đôi lứa và đặc biệt, tình yêu đối với cuộc đời, dù với bao cay đắng, phũ phàng. Trần Mộng Tú luôn ca tụng lẽ thiện và niềm hạnh phúc chung cho con người, nhưng không thù ghét cái ác, người ác. Thơ cô là biểu tượng lòng bao dung tha thứ của một người mẹ, một người chị, một người em gái, mở rộng vòng tay đối với những sai lầm, man trá, tàn ác...”
                                                                                                                            (Vinhhao.net/Doctho/tranmongtu.htm)

“…Trần Mộng Tú là nhà thơ tiếng tăm hải ngoại. Mọi thứ tình người tràn trề trong tâm chị, trào ra ngọn bút ngọt ngào tươi tắn, chị không trau chuốt mài dũa từng chữ nên thơ chị cực kỳ trong sáng gây xúc động. Bài thơ nào cũng có tình thương yêu như hạt kim cương lấp lánh đã tạo cho Trần Mộng Tú một giọng thơ-văn riêng biệt. Thơ chị là món quà quý hiếm còn sót lại giữa thời buổi thơ hậu hiện đại bắt đầu mở màn cho kỷ nguyên mới khác.”
                                                     (http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/TranMongTu/GioithieuTMT.htm)
        Thơ Trần Mộng Tú không chỉ được phổ biến, đón nhận tại nhiều quốc gia có người Việt cư ngụ. Những người có lòng với văn học tại Việt Nam cũng sớm giới thiệu thơ chị đến với bạn đọc trong nước. Có lẽ ngoài ba tuyển tập thơ: Vầng Trăng Lưu Lạc do Hội Nhà Văn Hà Nội xuất bản năm 1994,  Thơ Việt Nam Hiện Đại do nhà xuất bản Hội Nhà Văn sưu tầm, xuất bản năm 1995 và Thơ Tình Việt Nam và Thế Giới do ông Nguyễn Hùng Trương (Khai Trí) sưu tập, nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành,  thơ Trần Mộng Tú còn được tuyển in trên nhiều tuyển tập khác tại Việt Nam. 

          Định cư tại Hoa Kỳ, nhưng nguồn cảm hứng của Trần Mộng Tú được lượm từ nhiều quốc gia. Những con ngỗng bay từ nước láng giềng  Canada, đã may mắn được sống đời cùng thơ chị. Đây là bài thơ “Chàng Ngỗng Gia Nã Đại Trong Vườn Thú Issaquah” ở hai trang 288, 289 của tuyển tập Thơ Việt Nam Hiện Đại, gồm đầy đủ phần dẫn nhập và thơ:
          “Hàng năm cứ vào đầu mùa thu, từng đàn ngỗng Gia Nã Đại (Canada Goose)  rủ nhau kéo về Bắc Mỹ để tìm nắng ấm rồi từ đó lại xuôi dòng về Trung Mỹ để trốn mùa đông. Ngỗng cứ đi, đi mãi và dừng lại ở bất cứ dòng sông, mặt hồ nào ấm áp. Trên hồ Sammamish chảy qua thành phố Issaquah, nơi nàng cư ngụ có chàng ngỗng ngơ ngác đi lạc vào vườn thu hoa cúc nhà nàng. Sau khi ăn hết những mẩu bánh hạnh phúc trong tay nàng, chàng lại lững thững ra đi, tìm một dòng sông khác. Nàng đứng nhìn theo, vài chiếc lông ngỗng bay bay trong gió, những vụn bánh rơi ở trong vườn, vết sước giữa lòng tay nàng. Tất cả như một giấc mơ…
          Mùa thu vừa rẽ vào trong ngõ/ áo cúc vội khoe dẫy khuy vàng/  từng đám ngỗng lạ theo nhau đến/ trên hồ đập cánh gọi vang vang.
          Có chàng mơ mộng như thi sĩ/ ngơ ngác lạc vào vườn hoa/ nàng ôm một vốc đầy vụn bánh/ thấp tay mời đón khách phương xa.
          Chàng khẽ nghiêng đầu không lên tiếng/ cả hai lặng lẽ đứng nhìn nhau/ gió thu rạo rực trên hoa cúc/ lông ngỗng bay bay trong mắt sầu.
          Bên ấy bên này bao nhiêu dặm./ dặm thời, dặm nước, dặm tương tư/ mỗi lần thu đến chàng bỏ xé/ mảnh hồn lãng tử vẫy xa mù.
          Khi lá rừng phong thay sắc đỏ/ chàng sẽ theo đàn về chân mây/ mẩu bánh ân cần rồi cũng hết/ chỉ còn vết sước giữa lòng tay.
          Chàng ngỗng nhâm nhi xong hạnh phúc/ lững thững quay lưng bỏ lại hồ/ nàng đứng giữa vàng thu hoa cúc/ mối tình lông ngỗng xoá như mơ”
                                                                                                                                 (Trần Mộng Tú 9/92)
         
Trần Mộng Tú là một thi sĩ khai thác trọn vẹn xúc cảm của mình. Những hình ảnh thường ngày trong cuộc sống, những sinh vật, thực vật chị bắt gặp được thi vị hoá và san sẻ hồn thơ của chị. Thú vị nhất là những sáng tác chị viết tặng những người thân yêu trong gia đình và bằng hữu. Những bài viết này, có lẽ không chỉ gởi đến những người được nhớ tưởng, mà được gởi đến, dành riêng cho chính cá nhân tác giả. Bài “cho Cung đã mất” có tên Chuông Gọi Hồn Ai là một ví dụ:
          “ Mai em về người tình xưa còn đợi/ mắt nâu trong em xin mượn làm gương/ em sẽ kiếm trong mảnh gương vỡ đó/ giải mây xanh thủa chưa mất Thiên Đường.
          Mai em về Người có lòng rộng mở/ tay bao dung ôm nhẹ chút dư hương/ em bé nhỏ đời cuốn đi trong gió/ trái tim hồng sót lại một giọt sương.
          Mai em về hồi chuông xưa vẫn đổ/ Người có cùng em khóc cuối giáo đường/ ôi lạy Chúa tình yêu lá trái đắng/ con cắn chia nhau từng múi đau thương.
          Mai em về tìm thăm ngôi nhà nhỏ/ bên thềm trăng Người có đón em vào/ em sẽ úp mặt lên chăn gối cũ/ tìm hương xưa trong tóc rối ngọt ngào.
          Khi em về mắt nâu người khép kín/ gối chăn xưa bày bán giữa chợ đời/ trăng thơ mộng vỡ tan trên thềm cũ/ chuông giáo đường rộn rã gọi hồn ai”
                                                                                                                 (Thơ Trần Mộng Tú, trang 78, 79)
           
Xin được ghi chú ngay ở đây:  Nguồn gợi hứng, được nghĩ đến là Cung, nhưng bài thơ vẫn chỉ vì Trần Mộng Tú mà có. Riêng nhân vật Cung tên thật là …Cung, người chồng đầu đời của nhà thơ. Anh Cung là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Pháp văn. Sau một năm hành nghề, anh thi hành lệnh tổng động viên của Việt Nam Cộng Hòa. Giấy gọi nhập ngũ đã tạo cơ hội lập sớm hôn thú giữa Cung và Trần Mộng Tú, vào tháng 6 năm 1968. Hôn lễ của hai người chính thức thực hiện vào sau lễ Phục sinh, tháng 4-1969. Việc lập hôn thú trước giống như trường hợp của tôi và Lý, cốt yếu tránh những thủ tục xin phép, điều tra gia đình bên vợ, theo hệ thống quân giai sau này. Chỉ chừng ba tháng sau ngày cho nhau hơi ấm da thịt, anh Cung hy sinh tại mặt trận Rạch Giá tỉnh Kiên Giang vào ngày 30 tháng 7 năm 1969, trước thời hạn Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa có nghị định cho phép giáo chức  biệt phái về dạy tại nhiệm sở cũ, cũng chỉ chừng ba tháng ! Thảm kịch này không thiếu trong chiến tranh Việt Nam. Tôi mất một ống chân khi trong túi đã có lệnh nhưng chưa kịp về một đơn vị an toàn hơn.

1   2   3