Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011
Đo lường kết quả dân chủ hóa
Ngô Nhân Dụng
Dân chủ hơn, chính quyền tốt hơn
Khi một nước thiết lập chế độ dân chủ, với những bản hiến pháp tân tiến, những luật bầu cử công bằng, liệu đời sống người dân có được cải thiện hay không? Các định chế dân chủ có hoạt động đúng như lý tưởng mà mọi người mong muốn hay không?
Chúng ta biết có nhiều quốc gia đã thử thành lập thể chế dân chủ (Cách mạng Nga tháng Hai năm 1917, chế độ Weimar ở Đức năm 1919) nhưng sau đó cả nước lại phải sống dưới những chế độ độc tài (ở Đức từ năm 1933 mặc dù hiến pháp vẫn còn nhưng không được tôn trọng; ở Nga thì làm cuộc cách mạng Bolchevich bãi bỏ luôn thể chế dân chủ). Các định chế dân chủ có thể tạo cơ hội cho nhiều người được lên tiếng nói, nhưng cũng gây cảnh đảng phái chia rẽ; chính quyền được dân bỏ phiếu chọn nhiều khi cũng chẳng lo cho dân. Các nhà nghiên cứu chính trị ít khi có dịp khảo sát những cuộc thí nghiệm, như người ta làm trong phòng thí nghiệm, để xem trong một thời gian dài các định chế dân chủ đưa đến những kết quả thế nào.
Cuộc thí nghiệm dân chủ hóa từ hạ tầng ở Italy, trao quyền về tay dân chúng qua các cuộc bầu cử nghị viện vùng, chứng tỏ khi người dân được chọn những đại diện của mình lên nắm quyền, guồng máy cai trị có được cải thiện. Nói chung, sau 20 năm cải tổ định chế, nền hành chánh ở các vùng ở nước Italy đều thay đổi; có thể quan sát, thẩm lượng thấy cảnh thay đổi này.
Chính quyền vùng đã gần gũi hơn và đáp ứng đúng nhu cầu của dân hơn. Tác phong các nhà chính trị cũng thay đổi, sau một nhiệm kỳ là họ trở nên ôn hòa hơn, các lập trường quá khích vì động cơ tôn giáo hay ý thức hệ đã giảm bớt. Họ không còn hô hào các chủ trương cực đoan, họ thực tế hơn khi giải quyết các xung đột, không còn quá chú trọng đến những xung khắc về ý thức hệ như trước đó. Thái độ của các nhà chính trị và giới lãnh đạo trong khu vực tư ở các vùng đối với chính phủ trung ương cũng ôn hòa hơn, họ không chống đối kịch liệt như trước. Đối với chính quyền của các vùng tỷ số dân chúng cảm thấy hài lòng hay rất hài lòng đã tăng lên dần, tăng gần gấp rưỡi từ năm 1977 đến 1988. Nhưng dân ở những vùng phía Bắc nói họ hài lòng có tỷ số cao hơn hẳn ở các vùng miền Nam nước Ý. Đây là một hiện tượng khiến các nhà nghiên cứu phải đặt ra những câu hỏi: Lòng dân thỏa mãn cao hay thấp đối với chính quyền sau cuộc cải cách dân chủ hóa có phải do thành quả việc làm của chính quyền cao hay thấp hay không?
Muốn hiểu tổ chức chính quyền mới có kết quả cao hay thấp, muốn thấy sự khác biệt giữa các vùng, nhà nghiên cứu phải tìm cách đo lường các thành quả biểu hiện trong đời sống chính trị ở mỗi vùng. Lấy gì làm tiêu chuẩn đo lường thành quả của một định chế dân chủ? Hiệu quả của công việc cai trị là một khái niệm trừu tượng. Nhà nghiên cứu phải đo lường các thành quả bằng những con số khách quan, rồi đối chiếu các con số đó với việc đánh giá chủ quan của dân chúng; cả hai sẽ cho thấy chính quyền có hiệu quả như thế nào.
Thành quả của chính quyền cao hay thấp phải dựa trên tiêu chuẩn là các chính quyền có làm đủ nhiệm vụ đối với người dân hay không. Thiết lập thể chế dân chủ là để có những chính quyền đại diện thực cho cho dân chúng, do dân bầu lên. Nhưng khi thay đổi thể chế là người ta muốn các định chế mới mang lại phúc lợi cho dân nhiều hơn, đáp ứng những nguyện vọng của dân đúng hơn. Nghĩa là chính quyền dân chủ phải làm việc có hiệu quả tốt; dân chủ không phải chỉ tạo cơ hội cho các đảng phái tranh cãi với nhau và giành phiếu của cử tri. Hai yếu tố, “đáp ứng nhu cầu của dân chúng” (responsiveness); và ‘làm việc có hiệu quả” (effectiveness), đều cần được chú ý khi đặt ra những thước đo thẩm lượng thành quả của định chế dân chủ.
Các thành quả phải được diễn tả bằng những con số, gọi là các “chỉ số” (indicator), để có thể đo đếm, so sánh và tìm hiểu các tương quan giữa các hiện tượng qua các phương pháp thống kê; vì phương pháp nghiên cứu khoa học này chỉ dùng các con số.
Để đo lường “Thành Quả” (performance) của 20 năm cải tổ định chế tản quyền và dân chủ hóa trong các vùng nước Ý, nhóm Putnam dùng 12 chỉ số. Có các chỉ số để đo lường hiệu quả việc thực hiện các chính sách nhắm gia tăng phúc lợi cho dân, có những chỉ số khác để xem chính phủ vùng có gia tăng hiệu năng hay không. Tất nhiên các chỉ số này không đầy đủ để mô tả tất cả những thành quả của các định chế. Nhà nghiên cứu cố quan sát càng nhiều khía cạnh của công việc cai trị càng tốt, nhưng phương pháp nghiên cứu định lượng phải dùng những biến số vì có thể đếm, có thể đo lường được. Nếu các chỉ số đó bao gồm nhiều lãnh vực sinh hoạt, có thể coi như chúng là tiêu biểu cho hoạt động của cả hệ thống chính quyền.
Các chỉ số đo hiệu quả việc cai trị
Mười hai chỉ số mà nhóm Putnam sử dụng để diễn tả hiệu quả của định chế dân chủ mới, mỗi chỉ số cho biết hiệu quả hoạt động trong một lãnh vực của đời sống chính trị, xã hội, hoặc kinh tế, tóm tắt theo thứ tự sau đây:
1- Sự ổn định của chính quyền được đo lường bằng số “nội các” thay phiên nhau cầm quyền, con số càng nhỏ thì càng ổn định. Các nhà nghiên cứu đã chọn khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1985, và thấy có những vùng chỉ có 2 nội các nối tiếp nhau trong 10 năm, có vùng thì thay đổi rất nhiều, lần lượt có đến 9 nội các lien tiếp.
2- Thời gian cần để biểu quyết xong ngân sách; có vùng trễ hạn nhiều tuần lễ, có nơi chậm đến 8 tháng mới có ngân sách chính thức cho chính quyền.
3- Chính quyền có thâu thập tin tức thống kê về cuộc sống người dân để tìm hiểu và sử dụng trước khi đưa ra các chính sách hay không. Có 5 vùng không bao giờ đi tìm các số thống kê, có 5 vùng làm việc này một cách nghiêm cẩn không khác gì ở các nước văn minh tiến bộ
4- Các đạo luật mới ra đời ở các vùng có đầy đủ, nhất quán và đáp ứng những nhu cầu thật của dân chúng hay không? Các chuyên gia khảo sát và cho điểm; kết quả là có vùng được 15 điểm tối đa, có vùng chỉ được 5 điểm.
5- Những chính sách tốt thi hành ở một vùng có được các vùng khác bắt chước một cách nhanh chóng hay không? Nhanh được điểm cao, chậm điểm thấp.
6- Số nhà giữ trẻ trong vùng, đối chiếu với số dân khác nhau để có thể so sánh.
7- Số “bệnh xá gia đình” được thành lập, sau khi chính phủ trung ương ban hành luật về đơn vị y tế gia đình (consultorio familiar) vào năm 1974. Đến năm 1978 tại vùng Umbria cứ 15 ngàn dân là có một bệnh xá mới này, còn vùng Puglia với dân số gần 4 triệu chỉ có một bệnh xá; ba vùng khác thì vẫn chưa có bệnh xá nào chứng tỏ nà nước không đáp ứng nhu cầu của dân.
8- Chính quyền vùng có hướng dẫn dân trong kế hoạch phát triển công nghiệp hay không. Nhiều vùng chỉ phân phối tiền trợ cấp phát triển của trung ương cho các xí nghiệp (có thể thiên vị phe đảng); có nơi thì lập ra các cơ quan và soạn kế hoạch sử dụng ngân sách, hoặc mở lớp huấn luyện nghề nghiệp mới.
9- Tỷ lệ ngân sách phát triển nông nghiệp được sử dụng thật cao hay thấp, đây là ngân sách do chính phủ trung ương cấp cho tất cả các vùng, nơi nào không dùng hết tiền trợ cấp thì dân chúng chịu thiệt.
10- Chi phí y tế của chính quyền trong mỗi vùng cao hay thấp. Năm 1977 chính phủ trung ương trao thêm quyền hạn cho các vùng trong lãnh vực y tế. Năm 1983 có vùng chi tiêu 34% nhiều hơn số trung bình toàn quốc, có vùng chi thấp hơn 25%.
11- Tỷ lệ số tiền được sử dụng trong ngân sách phát triển gia cư ở các thành phố, ngân sách này do chính phủ trung ương cung cấp. Các nhà nghiên cứu thu thập dữ kiện của 4 năm khác nhau, từ 1979 đên 1987 rồi tổng kết lại. Có vùng sử dụng hết 67%, có vùng chỉ chi hết 32%.
12- Đáp ứng nhanh hay chậm đối với dân chúng. Các tác giả đã nhờ những người Ý đi hỏi. Chẳng hạn, viết thư hỏi có người em muốn học nghề thì phải làm gì, muốn xin trợ cấp để thí nghiệm hạt giống mới phải hỏi ai, vân vân. Chỉ số thành quả cao nếu chính quyền trả lời nhanh chóng, rõ ràng, và đầy đủ. Có chính quyền vùng rất nhanh, trong một tuần trả lời thư. Có nơi không bao giờ trả lời cả, phải đến tận bàn giấy hỏi mới được!
Tóm lại, Chỉ Số mà Putnam dùng có thể biểu hiện hiệu quả công việc lập pháp của guồng máy nhà nước vùng như biểu quyết ngân sách, soạn thảo các đạo luật có tính chất nhất quán, tức là chúng phù hợp với nhau chứ không trái nghịch nhau. Những hiệu quả có thể đếm được, như con số nhà giữ trẻ, số chẩn y viện gia đình, số chi tiêu về y tế, về gia cư. Sự quan tâm của guồng máy hành chánh đối với đời sống dân chúng có thể đo lường được, qua tỷ số tiền được dùng trong chính sách phát triển công nghệ, nông nghiệp, việc thâu thập các số liệu thống kê, hoặc trắc nhiệm coi cơ quan nhà nước có đáp ứng nhanh chóng khi người dân thường cần đến họ hay không.
Sau khi đo lường các Chỉ Số ở các vùng, các tác giả lại cẩn thận làm trắc nghiệm để thấy các chỉ số mình đã đo được có nhất quán, phù hợp với nhau (coherence) và có độ tin cậy (reliability) cao hay không. Tính nhất quán giữa các chỉ số cần thiết, vì nhiều khi nhà nghiên cứu xã hội học chọn một chỉ số làm thước đo lường một giá trị nào đó, nhưng thực ra nó có thể không liên hệ mật thiết đến điều mà mình muốn đo lường cả, hoặc nó có thể bị “nhiễu,” bị lệch lạc vì các yếu tố khác hoàn toàn điều mà mình muốn đo! Có trắc nghiệm thì mới biết chắc các chỉ số sử dụng đo lường đúng điều mà nhà nghiên cứu muốn biết; ngược lại thì phải thay đổi, bỏ bớt hoặc thay thế các chỉ số nếu cần. Chỉ có thể kết luận chính quyền một vùng “có hiệu quả” khi các chỉ số đo lường có cùng một chiều hướng cao hay thấp như nhau; tức là tất cả các chỉ số cùng đo lường một thứ, là thành quả của guồng máy nhà nước cao hay thấp. Putnam và các đồng nghiệp đã trắc nghiệm tính nhất quán (consistency) của 12 chỉ số họ sử dụng và thấy chúng đưa tới những kết quả nhất quán. Mức độ khả tín của các chỉ số cũng cần được trắc nghiệm; vì một vùng có thể đạt được một chỉ số cao trong một thời gian nào đó vì sự tình cờ, rồi kết quả đó thay đổi nhanh, không bền, tức là chỉ số đó không đáng tin. Cuộc trắc nghiệm của Putnam cho thấy những chỉ số thành quả đo được của mỗi vùng, qua hai giai đoạn 1970-76 và 1978-85 liên hệ với nhau rất chặt chẽ, chỉ có hai vùng; chỉ có hai vùng thiếu nhất quán, là Lombardia (6 năm sau không cao như 6 năm trước) và Piedmont (6 năm trước rất thấp, 6 năm sau lên cao).
Sau khi đã thẩm lượng, bằng các phương pháp thống kê học, để biết chắc mức độ nhất quán và khả tín của các chỉ số đó đáng sử dụng. Từ đó mới tính ra những “Chỉ số Thành quả,” tổng hợp cả 12 chỉ số trên.
Chỉ số khách quan và thẩm lượng chủ quan
Đo lường được các Chỉ số Thành quả nhờ quan sát khách quan, nhưng cần phải xem các chỉ số đó có đi đôi với mức độ hài lòng của dân chúng hay không. Người dân biết thế nào là chính phủ tốt, chính phủ xấu, vì chính họ sống dưới sự cai trị của các nhà nước vùng. Mức độ hài lòng của họ có thể đo lường bằng những cuộc phỏng vấn chấm điểm. Cuối cùng, việc đo lường khách quan và thẩm lượng quan của dân chúng phải đưa tới những kết quả tương tự thì các chỉ số mới thực sự hữu ích. Trong môn Thống kê học mức độ tương tự giữa hai biến số được diễn tả bằng chỉ số r (Correlation), chỉ số r càng cao thì hai biến số càng đi đôi mật thiết với nhau.
Trắc nghiệm hai chỉ số khách quan và chủ quan, Putnam thấy chỉ số r khá lớn, bằng 84%; nghĩa là hiệu quả công việc của guồng máy nhà nước tốt hay xấu là yếu tố giải thích được tâm lý hài lòng của dân chúng đối với chính quyền; ít nhất đến 85%. Còn lại 15% kia có thể vì lý do người dân thiên vị: Có người thích chính quyền cùng đảng với mình, có người ghét vì chống đảng đang cầm quyền! Nhưng một khám phá rất quan trọng trong 6 lần khảo sát từ 1977 đến 1988, là thái độ yêu và ghét vì lý do phe đảng không quan trọng quá đáng. Thí dụ, trong những vùng mà chính quyền chứng tỏ có hiệu năng cao (đo bằng các chỉ số khách quan), thì cũng có đến 42% những người thuộc đảng đối lập chấm điểm cho chính quyền ở đó là tốt. Ngược lại, trong những vùng mà các chỉ số thành quả thấp, thì chỉ có 33% những người cùng đảng với nhà nước chấm điểm tốt cho họ điểm tốt mà thôi. Dựa trên kết quả này, Putnam đã bác bỏ lối suy nghĩ của nhiều người có thành kiến, cho rằng nhiều vùng trong nước Ý chính quyền bất lực, tham nhũng, vì dân chúng họ chập nhận lối sống như thế, không đổi được! Ông quyết đoán ngược lại, cho rằng dân chúng ở đâu cũng vậy, họ biết chính quyền thế nào là hay, thế nào là dở. Họ thích chính quyền tốt và ghét chính quyền xấu. Tất nhiên dân một vùng, hay một nước, luôn luôn bất đồng ý kiến khi thẩm lượng chính quyền, vì họ có những sở thích, xu hướng, và chọn những ưu tiên khác nhau. Nhưng không thể nói là người dân hoàn toàn mù quáng.
Tại sao hiệu quả chính quyền khác nhau?
Khi phân tích các Chỉ Số Thành Quả của 20 vùng, Putnam thấy sự khác biệt rất xa giữa các vùng trong nước Ý. Có những vùng hoàn toàn thất bại trong quá trình dân chủ hóa, chính quyền dựng lên vẫn tham nhũng, trì trệ và làm việc không có hiệu năng. Ngược lại, có những vùng thành công, thiết lập những chương trình mới ích lợi cho dân như nhà giữ trẻ, trung tâm dậy nghề, bệnh viện gia đình, khuyến khích và thu hút đầu tư, ấn định và áp dụng các tiêu chuẩn mới bảo về môi trường sống, vân vân; tất cả nhắm mục đích phục vụ người dân bỏ phiếu. Nói chung, phần lớn các vùng ở nửa phía Bắc nước Ý đạt được những thành quả rất cao; còn đa số những vùng hiệu năng thấp yếu nằm ở nửa phía Nam. Khách du lịch đến Ý thường cũng thấy tình trạng khác biệt giửa hai vùng lớn như vậy. Nhưng nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem có những yếu tố nào không phải là địa dư gây ra sự khác biệt trong cùng một quốc gia như thế.
So sánh hai vùng cùng thiết lập một loạt định chế chính trị mới và cùng có một ngân sách chi tiêu tương đương do trung ương đài thọ, mà thấy hiệu quả của việc cải tổ dân chủ hóa khác hẳn nhau, chắc phải có những yếu tố giải thích sự khác biệt này. Theo các lý thuyết xã hội học đương thời, tác giả dùng hai lối giải thích, trong hai phạm vi kinh tế và chính trị, về sự chênh lệch trong thành quả của các định chế. Thứ nhất là mức độ hiện đại hóa trong kinh tế và xã hội (socioeconomic modernity) có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng thể chế dân chủ. Thứ hai là Tinh Thần Công Dân (civic culture) trong đó có tinh thần liên đới, tinh thần cộng tác giữa mọi người, và mức độ tham gia tích cực của họ vào đời sống cộng đồng.
Tiến trình hiện đại hóa trong cuộc sống kinh tế xã hội là điều ai cũng công nhận có ảnh hưởng quan trọng. Sau cuộc cách mạng công nghiệp hóa, mức sống của nhiều người được nâng cao, những khối lớn dân cư di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Cơ cấu giai cấp thay đổi. Của cải được tích lũy tạo thành vốn; vốn nhân lực cũng gia tăng nhờ giáo dục và y tế cải thiện. Một thước đo như tổng sản lượng nội địa (GDP) có thể giải thích phần lớn trình độ dân chủ hóa của một quốc gia, mặc dù còn có những yếu tố khác. Một xã hội trù phú sẽ giảm bớt những tranh chấp bên trong, hơn là khi nhiều người phải tranh giành nhau một số tài nguyên có giới hạn. Giáo dục sẽ phát triển khi người ta giầu hơn, khiến trình độ dân trí lên cao, người dân ý thức được các quyền mà họ phải được hưởng. Khi kinh tế phát triển, một tầng lớp trung lưu thành hình; mà ai cũng công nhận họ là nền tảng giữ gìn một thể chế dân chủ.
Cuộc nghiên cứu của nhóm Putnam thấy lối giải thích bằng yếu tố kinh tế chứng tỏ có phần đúng. Trong số 20 vùng được khảo sát, các vùng tiến bộ về kinh tế có Chỉ Số Thành Quả cao hơn những vùng nghèo, chia ra hai nhóm rõ rệt. Các nơi đã hiện đại hóa và giầu có hơn gồm 12 vùng đạt được Thành Quả cao hơn 8 vùng còn lại, những nơi còn nghèo và chưa hiện đại hóa. Điều này chứng tỏ khi người dân giầu hơn thì xã hội dân chủ hóa dễ hơn! Tuy nhiên, chúng ta lại biết rằng ngân sách chi tiêu cho các chương trình cải tổ định chế và tản quyền đều do chính phủ trung ương cung cấp. Tiền trợ cấp lại được phân phối với mục đích giảm bớt sự chênh lệch giầu nghèo bằng cách cho các vùng lợi tức thấp được hưởng nhiều hơn.
Nhưng các nhà nghiên cứu lại nhận thấy một điểm khó giải thích là giữa các vùng cùng trong nhóm giầu hay cùng trong nhóm nghèo vẫn thấy những thành quả khác nhau rất xa. Có những thí dụ hiển nhiên. Cùng trong nhóm kinh tế thấp, khi so sánh thì thấy người dân sống trong vùng Campania vẫn giầu hơn hai vùng Molise và Basilicata. Nhưng, sau 20 năm dân chủ hóa từ hạ tầng, chính quyền ở hai vùng Molise và Basilicata (nghèo hơn) lại đạt được hiệu quả cao hơn hẳn vùng Campania (khá giả hơn). Như vậy, chắc phải có những yếu tố khác quan trọng hơn là chỉ có yếu tố giầu hay nghèo tạo nên thành quả khác nhau.
Trong nhóm các vùng kinh tế cao cũng vậy. Lúc bắt đầu cuộc cải tổ, năm 1970, ba vùng kỹ nghệ hoá cao nhất là Lombardia, Piemonte, và Liguria, cả ba đều giầu có hơn ba vùng Umbria và Emilia-Romagna; cả 6 vùng này đều thuộc nhóm “giầu.” Nhưng cuộc khảo sát cho thấy Chỉ số Thành Quả ở hai vùng sau (nghèo hơn) lại cao hơn ba vùng trước. Rõ ràng, yếu tố kinh tế không thôi không đủ giải thích được sự khác biệt giữa các vùng bên trong mỗi nhóm.
Ngoài ra, cũng phải đặt câu hỏi về phương pháp nghiên cứu: Các vùng kinh tế đã hiện đại hóa giầu có hơn thì thành quả việc cải tổ chính trị đạt cao hơn; nhưng trong hai hiện tượng kinh tế và chính trị đó, cái gì là nhân, cái gì là quả? Hay là cả hai đều do một yếu tố thứ ba tạo ra, cho nên sự có mặt song song của hai yếu tố trên chỉ vì chúng đều là kết quả do một nguyên nhân chung?
Để tìm hiểu vấn đề này, Putman đã nghiên cứu đặc biệt về hai yếu tố, truyền thống Tinh thần Công dân và Trình độ Phát triển Kinh tế Xã hội ở các vùng trong nước Ý, để tìm hiểu về quan hệ giữa hai lãnh vực này. Một nhận xét là qua lịch sử sự khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam nước Ý đã thay đổi rất nhiều trên mặt kinh tế. Ngược lại, sự chênh lệch về tinh thần công dân cho thấy miền Bắc luôn luôn thấp hơn ở miền Nam.
Vào thế kỷ thứ 12, nền kinh tế của vương quốc Norman tại miền Nam tiến bộ ngang với các nước cộng hòa ở miền Bắc, nhưng sau đó các vùng ở miền Trung và Bắc, nơi tinh thần tham dự và hỗ tương của người dân cao hơn, họ đã tiến nhanh hơn nhiều. Nhưng từ thế kỷ thứ 15, khi các cuộc xâm lăng từ bên ngoài làm đảo lộn các vùng, kinh tế miền Bắc lại xuống thấp, đến thế kỷ 16 thì dân miền Bắc phải di cư xuống miền Nam kiếm sống, trong khi vùng chung quanh thành phố Naples ở phía Nam trở thành giầu có nhất. Các vùng miền Bắc không phải lúc nào cũng giầu mạnh hơn, nhưng trình độ ý thức công dân thì luôn luôn được giữ ở mức cao.
Putnam so sánh riêng hai vùng, Emilia-Romagna (miền Bắc) với Calabria (Nam) trong những thập niên từ đầu thế kỷ 20 đến gần 1990. Emilia-Romagna là một vùng có trình độ công dân cao bậc nhất, người dân ở đó có truyền thống họp thành những hội tương trợ, tin tưởng và cộng tác với nhau; còn Calabria đứng hạng chót, tinh thần phong kiến, hệ cấp trên dưới rất nặng nề, người dân chia rẽ và kính sợ người có quyền.
Năm 1901, hai vùng trên có mức phát triển công nghiệp gần bằng nhau, Emilia-Romagna có 65% dân sống trong nông nghiệp và 20% sống bằng công nghệ; trong khi đó ở Calabria tỷ lệ là 63% và 26%. Một yếu tố được đem so sánh để đo lường tiến bộ xã hội là tỷ lệ trẻ sơ sinh chết yểu. Đầu thế kỷ 20, Emilia-Romagna có tỷ lệ trẻ chết non cao hơn số trung bình toàn quốc (coi như là tình trạng xã hội thấp hơn) trong khi đó tỷ lệ trẻ chết non ở Calabria thấp hơn, tức là tốt hơn số trung bình toàn quốc.
Trong tám thập niên sau đó, tình trạng kinh tế xã hội ở hai miền thay đổi hẳn khi so sánh với nhau. Tới năm 1977, số dân sống bằng công nghệ ở Emilia-Romagna đã tăng lên 39% (gấp đôi năm 1901) trong khi ở Calabria lại tụt xuống chỉ còn 25%. Tỷ lệ trẻ con chết yểu ở cả nước Ý đã giảm bớt trong thời gian này, nhưng Calabria thua xa Emilia-Romagna.
Putman đã tìm cách so sánh ảnh hưởng qua thời gian bẩy thập niên của hai yếu tố, thứ nhất là Trình độ Tinh thần Công dân, và thứ hai là Trình độ Phát triển Kinh tế Xã hội ở các vùng trong nước Ý. Với mỗi yếu tố Tinh thần hoặc Kinh tế kể trên, ông phân loại các vùng thành hai nhóm, một nhóm có trình độ cao, một nhóm thấp, dựa trên thực tế vào đầu thế kỷ 20. Sau đó, ông lại phân chia các vùng một lần nữa, theo trình độ cao hay thấp nhưng dựa trên những gì quan sát được trong thập niên 1970. Khi quan sát sự tiến bộ về Kinh tế, Xã hội cũng như Tinh thần Công dân của các vùng vào hai thởi điểm cách nhau khoảng tám thập niên, người ta có thể thấy ảnh hưởng của yếu tố này trên yếu tố kia.
Sau khi thử nghiệm bằng phương pháp thống kê học, Putman đã nhận thấy như sau: Ở những vùng có Trình độ Tinh thần Công dân cao thì sau gần 80 năm, cả Trình độ Phát triển Kinh tế Xã lẫn Trình độ Tinh thần Công dân của vùng đó vẫn cao hơn. Ngược lại, những vùng có Trình độ Phát triển Kinh tế Xã cao thời đầu thế kỷ 20 không nhất thiết đưa tới mức độ cao trong cả hai yếu tố đó trong thập niên 1970-80!
Khi chỉ chú ý tới tỷ số trẻ em chết yểu, Putman đã cũng nhận thấy rằng ở vùng nào mà Trình độ Tinh thần Công dân cao trong khoảng những năm từ 1860 đến 1920 thì vào thập niên 1970 cũng có tỷ số trẻ em chết yểu thấp hơn. Trái lại, ở những vùng Trình độ Tinh thần Công dân thấp thì dù tỷ lệ đó thấp vào đầu thế kỷ 20, đến thập niên 1970 cũng không giảm được.
Điều kết luận hiển nhiên là chính Trình độ Tinh thần Công dân cao giúp cho sự phát triển kinh tế cũng như xã hội của một vùng.
Một hiện tượng khác được Putman chú ý là sự tham gia của các công nhân vào nghiệp đoàn, công đoàn. Ông nhận thấy, tỷ số công nhân tham gia vào công đoàn lên cao ở các vùng có Trình độ Tinh thần Công dân cao, trong khi mức độ công nghiệp hóa của một vùng cao cũng không nhất thiết đưa tới tỷ số công nhân vào nghiệp đoàn đông đảo.
Với những nhận xét trên đây, phải kết luận rằng “sự giầu có và mức độ phát triển kinh tế không thể giải thích được sự phát triển tinh thần công dân, nhờ đó đã đưa tới sự khác biệt về thành quả của việc cải tổ, dân chủ hóa, và tản quyền ở nước Ý trong 20 năm từ năm 1970”! Với những nhận xét đó Putnam quay sang thử dùng lối giải thích thứ hai, trắc nghiệm ảnh hưởng của yếu tố xã hội, chính trị là “Trình Độ Công Dân,” có thể gọi chung là Dân Trí và Dân Khí.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét