Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011
BÓNG DÁNG THÁI TUẤN GIỮA NỀN NGHỆ THUẬT HIỆN ÐẠI
HUỲNH HỮU ỦY
Thái Tuấn là một bóng dáng lớn của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Vừa đắm mình trong công việc sáng tác, anh vừa góp nhiều phần tác động trong việc phát triển và hình thành mạnh mẽ một nền nghệ thuật mới kể từ trường Mỹ Thuật Ðông Dương trước đây.
Cùng với Duy Thanh và Ngọc Dũng, Thái Tuấn đã tạo nên một dấu mốc quan trọng đối với sinh hoạt hội họa ở Miền Nam, là một chuyển tiếp giữa những xung đột, va chạm từ nghệ thuật trước và sau điểm tựa lịch sử 1954. Ðây là một thời điểm hết sức đặc biệt, bởi vì sau hiệp định Genève chia cắt đất nước làm hai miền, miền Bắc đi dần vào khuôn phép của một thứ nghệ thuật phục vụ chính trị rất nghèo nàn và buồn thảm, thì chung quanh trung tâm văn hóa Sài Gòn, một nền nghệ thuật mới đầy tính khai phá và tự do đã nở rộ. Chính trong bối cảnh ấy, Thái Tuấn cùng nhóm Sáng Tạo xuất hiện và hội họa Thái Tuấn đã hình thành.
Sinh năm 1918 ở miền Bắc, khoảng năm 1938 - 1940 Thái tuấn theo học Trường Mỹ Thuật Hà Nội ở lớp dự bị, bỏ học lở dở, và đến năm 1957 mới bắt đầu vẽ sơn dầu vì những hưng phấn giữa những bạn văn nghệ gặp gỡ ở Sài Gòn. Thái Tuấn sau nhiều năm làm việc đã để lại nhiều vết tích đáng kể trong lòng người yêu hội họa. Anh thành công ở chỗ đã tìm được cho mình một màu sắc riêng, những màu xanh xám, xanh rêu, xanh đại dương ngả sậm, pha vào đấy là những mảng trắng để tạo nên chuyển sắc, tức là vẽ theo sắc độ chứ không nặng về màu. Nếu màu sắc và đường nét là da thịt và xương cốt của hội họa thì Thái Tuấn đã tìm được xương thịt của mình, trong cái thế giới đầy say đắm mà có vẻ ảm đạm của riêng anh. Và, trên nền xương thịt kia, thường gợi dậy một không khí rất dung dị với những đường nét nhẹ nhàng, đạm bạc nhưng tinh tế và thanh nhã.
Anh nhìn sự vật dường như qua làn ánh sáng mờ của những buổi sáng sớm hoặc chiều hôm. Với tâm cảm và cách nhìn sự vật như thế, từ lúc Thái Tuấn cầm cọ vẽ ở Sài Gòn thời 1957-1958 cho mãi đến nay, chúng ta thấy dường như lúc nào anh cũng đăm chiêu đi tìm những hình ảnh nào đấy về một quê nhà đã mất: miền Nam nhớ miền Bắc, Orléans nhớ Hà Nội, Paris nhớ Sài Gòn. Anh luôn luôn ao ước vẽ một bức họa tinh giản, ít màu, ít nét và để nhiều khoảng trống rộng rãi. Những chi tiết như nếp nhăn trên khuôn mặt hay trên một tà áo thường bị loại bỏ, anh không ưa vẽ từng ngọn cỏ, đếm từng cái lá.
Ở đây, chúng ta thấy rất rõ là Thái Tuấn đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Ðông và kỹ thuật hội họa Âu châu để vẽ nên những tấm tranh của mình, là sự khoáng đạt của những chấm phá giản dị nơi nghệ thuật thủy mặc cộng với nghệ thuật sơn dầu của phương Tây. Anh thường xuyên suy nghĩ, chiêm nghiệm về những khoảng trống để tạo nên không gian mênh mông, hài hòa trong sắc màu trầm mặc. Có lần, tôi đã nghe anh mải mê nói về một tấm tranh của Dương Bích Liên, vẽ một người cán bộ kháng chiến sắp leo lên mình ngựa trên đường công tác, có lẽ chỉ vì bức tranh này đã đáp đúng với tâm lý của anh trong tạo hình. Người và ngựa trong tranh mặc dù là tâm điểm của tranh nhưng lại rất bé nhỏ so với tỉ lệ và kích thước của tranh, hòa vào trong cảnh thiên nhiên của núi rừng rộng lớn bên ngoài, tất cả bối cảnh ấy đã trở thành những mảng trống xanh dương, đỏ sậm và rêu biếc pha trộn vào nhau.
Theo dõi Thái Tuấn liên tục trong vài thập niên qua, trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đầy ấn tượng về anh vào những năm sau 1975, khi đất nước đang gặp nhiều nghịch cảnh, tôi thấy anh đã giữ gìn được phẩm chất đẹp đẽ của người nghệ sĩ lớn. Cũng gần như Nguyễn Gia Trí, anh có một thái độ chính trị rất kiên quyết, không chao đảo và thỏa hiệp, mặc dù ứng xử thì lúc nào cũng thanh nhã và tử tế. Tôi có khác anh nhiều điều về suy nghĩ đối với thời thế và lịch sử, nhưng trong lòng thì hết sức cảm phục anh. Và thế giới hội họa của anh thì luôn luôn đầy tràn bản sắc của riêng anh, thanh thản và bình dị, không bị áp đảo chút nào bởi đời sống bên ngoài.
Ðầu thập niên 80, anh vẽ được nhiều bức tranh quý, không biết bây giờ đang lưu lạc phương nào. Tôi còn nhớ mãi bức tranh vẽ một cành xương rồng trơ trọi đang lặng lẽ ca hát. Cũng là màu sắc và không gian quen thuộc của anh, mênh mông và trầm mặc, tràn đầy chất thơ, tỏa ra cái tĩnh mặc của một tâm hồn biết ủ kín những hạt mầm của đời sống vĩnh cửu. Bức tranh này, về sau, tôi lại thấy hóa thân vào một cảnh đời khác khi anh xa nhà, sống nơi đất khách, cây xương rồng đã trở thành một nhánh cây gầy trơ trụi chứa vài chồi non, cũng một con chim nhỏ trên đỉnh cây, vắt vào cành cây là tấm lụa trắng phất phơ trước gió, cạnh đó là đôi guốc mộc, đằng xa xa, nhỏ bé và mờ vào trong nền trời là ngọn tháp Eiffel và một ít nhà cửa của Paris. Lòng hoài hương, cũng có thể nói là một chủ đề nghệ thuật lớn của anh.
Có lẽ chúng ta cũng nên nghe qua phát biểu của chính Thái Tuấn về nguồn mỹ cảm của mình, một chút kinh nghiệm về cách nhìn sự vật, tinh lọc thế giới bên ngoài để chuyển hóa thành tác phẩm như thế nào: “Cảnh trí trước mặt tôi thực khác xa bức họa. Màu xanh êm mướt là một nền đất ẩm, cỏ hoang lộn xộn. Những đường nét uốn lượn trên thân cây duyên dáng là cành trụi khẳng khiu. Và bóng nước mặt hồ chỉ còn lại vũng lầy đen bẩn. Những con chim nhỏ trong tranh đã bay đi tự bao giờ, trả lại cho nền cỏ những trống vắng vô cùng. Cố ý nhớ lại những bức tranh, đúng là cảnh trí này, cũng hồ nước, cũng lùm cây, song le khởi từ cuộc đời nhìn thấy, sự vật trở thành sự thật của đời sống trí tuệ... Từ cảnh trí ở ngoài thiên nhiên đến phong cảnh trong bức họa, sự vật đã biến dạng trở thành chất liệu cho người sáng tác. Hình nét trong tranh này có thể từ sự vật mà đến, nhưng không còn là sự vật và thuộc về sự vật nhìn thấy.
“... Luật tắc đã tạo nên niềm rung cảm hay rung cảm đã biến thành luật tắc. Chúng ta yêu trăng sao và tranh của Rubens. Chúng ta nghe lời gió thở than trong nhạc phẩm của Schubert. Nhưng chúng ta cũng đã từng đê mê trong thế giới của Hàn Mặc Tử.
“Sáng tạo cũng chỉ là sự trở về, sự tìm đến cùng thiên nhiên.” (1)
Thái Tuấn – Góc biển
Trong một lá thư gửi cho chúng tôi, Thái Tuấn cho biết: “Bức tranh này, tôi coi như đã đáp ứng đúng với ước muốn trong việc làm nghệ thuật. Người và cảnh đã được thanh lọc, ‘gột rửa’ đến độ đơn giản nhất. Biển cũng chỉ còn là một vạch trắng mờ. Một thoáng dư âm như sự chuyển hóa từ bức Cõi ngoài trước đây (2). Nhớ lại câu của Charles Trenet: Tôi không theo mốt nào cả, nên không sợ démodé.” (3) Thái Tuấn còn ghi chú thêm ở phần tái bút của thư: “Có thể đông đảo người xem tranh thích thú với nét đẹp nguyên vẹn của thiên nhiên ở cảnh và người, và chẳng cần chú ý tới nét đẹp của đường nét, sắc màu lẩn trốn sau cái đẹp từ thiên nhiên. Tất cả kỹ thuật tôi đã gói ghém và không muốn nó lộ liễu, vì kỹ thuật chỉ là phương tiện dành cho các nhà phê bình nghệ thuật. Tôi nhận thấy nghệ thuật ngày nay có phần phô trương kỹ thuật, và quá chú ý đến thời sự.”
Quan niệm tạo hình của Thái Tuấn nhất quán, từ những năm cầm bút vẽ lại sau cuộc di cư từ miền Bắc vào Nam, cho mãi đến ngày nay. Ở Sài Gòn, anh bày tranh năm lần, lần đầu tiên vào năm 1957 ở Alliance Francaise và lần sau cùng ở Dolce Vita, khách sạn Continental, năm 1973. Anh làm việc cẩn thận và chậm rãi, tính trung bình mỗi năm chỉ vẽ được hơn 20 bức, mỗi lần bày tranh cũng không quá 30 bức. Lần bày tranh thứ nhì ở Pháp Văn Ðồng Minh Hội (Alliance Francaise) vào tháng 4.1966 cũng chỉ có 21 tấm, chúng tôi dẫn lại đây mấy lời phát biểu của Thái Tuấn, in trong catalogue của cuộc triển lãm này, sẽ giúp chúng ta nhận ra được một trong những dấu mốc cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh và sẽ thấy rằng anh không thay đổi chút gì về quan niệm mà chỉ có những biến chuyển nhẹ nhàng trên tác phẩm: “... Sau cuộc triển lãm đầu tiên của tôi vào khoảng 1957, tôi đã nhận thấy kỹ thuật sơn dầu đòi hỏi một thời gian lâu dài và những kinh nghiệm thực hành. Nhận xét đó làm tôi quyết định không mở một cuộc bày tranh riêng biệt nào trong vòng gần mười năm nay. Số tranh đưa ra hôm nay cũng chỉ có mục đích trình bày cùng các bạn yêu nghệ thuật con đường tôi đã đi và đang đi.
“Những người, những vật trong tranh không hoàn toàn là sự thật và cũng không hoàn toàn do tôi bịa đặt ra.
“Ðường lối có hình hay không hình thì cũng chỉ là một cách thức sáng tạo. Cho đến cả công việc sáng tạo nữa tôi cũng không hề muốn nói lên một điều gì nhất định hoặc một tư tưởng nào. Tôi cho rằng: đó là điều khác biệt của nghệ thuật với văn chương.”
Và cho đến lần triển lãm năm 1985, ở Foyer International d’Acceuil de Paris, hoặc với cuộc triển lãm tập thể cùng Nguyễn Cầm, Lê Tài Ðiển, Philippe Franchini, Hồ Hữu Thủ và Nguyễn Lâm dưới tên gọi chung Gốc rễ (Racine) ở Galerie Bellint, Paris, năm 1994, vẫn chỉ bàng bạc không khí và cách nhìn riêng tư ấy, đó là một cách nhìn tổng hợp văn hóa Ðông-Tây, và chính ở đó Thái Tuấn đã có sự đóng góp khiêm tốn mà độc sáng và rạng rỡ của mình vào thế giới màu sắc trên giá vẽ.
Có nhiều đề tài anh vẽ đi vẽ lại thành nhiều bức, tưởng chừng như sao chép chính tranh mình, song thực ra mỗi lần vẽ thì lại có một nội dung mới tùy theo tâm trạng đổi thay trong khi vẽ. Những nhân vật hay cảnh trí anh vẽ, nếu quan sát và chiêm nghiệm kỹ, sẽ thấy thực đó mà lại không thực. Anh chẳng bao giờ dùng đến người mẫu, ngay cả những chân dung bạn bè, là những tranh thường anh ưng ý nhất. Cảnh vật và con người chỉ là sự chắp nối của những giấc mơ. Nói đúng hơn, anh muốn tạo ra một không gian cho sự vật và con người hoạt động trong đó. Cái chính yếu trong tranh anh là không gian. Một thứ không gian yên lặng, đơn giản, trống vắng, không có sự trang hoàng. Tính chất trừu tượng nằm ở cái nền tranh, anh phải làm việc nhiều với nền tranh hơn là với sự vật, với hình thể trong tranh. Chính từ những hình khối của sự vật mà nền tranh được tạo dựng cho phù hợp, nói một cách khác: sự vật chỉ là cái cớ để anh vẽ cái nền.
Garden Grove, California, 12-1995
(1) Thái Tuấn. Nguồn mỹ cảm. Tạp chí Văn số 93, 1967, đặc biệt về hội họa.
(2) Cõi ngoài là bức tranh vẽ cảnh một vùng biển ở Thanh Hóa qua trí nhớ, sưu tập của Huỳnh Hữu Ủy.
(3) Thư riêng của Thái tuấn gửi cho tác giả, viết từ Orléans ngày 21 tháng Năm, 1993.