Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011
Ghé thăm các Blogs: 25/08/2011
VIẾT CHO MÙA THU
Mẹ Nấm’s Blog
Những ngày cuối cùng của tháng Tám sắp đi qua, và Hà Nội đang vào thu.
Tôi không nhớ nhiều về những ngày đầu tháng rực rỡ, những ngày sôi nổi với bạn bè bằng một lần được ngồi trò chuyện với chị Bùi Hằng, chị Phương Bích và anh Dũng (Aduku).
Khác hẳn với hình ảnh của một nữ quản ca đầy nhiệt huyết bên Bờ Hồ mỗi sáng Chủ Nhật, Bùi Hằng mà tôi gặp rất vui vẻ và "đanh đá" một cách dịu dàng. Chị khoác tay tôi nhìn từ đầu đến chân rồi bảo: "Ôi con bé này còn bé hơn mình nghĩ".Còn tôi thì xin phép chị cho tôi rờ xem hàng chữ "Nợ nước - Thù nhà" trên vai là thật hay là dán.
Lúc chúng tôi đang cùng ngồi nói chuyện thì hình như có một anh an ninh gọi hỏi xem chị đang ở đâu, và chị trả lời anh ấy rất nhẹ nhàng.- Em đã ở ngoài đường rồi anh ạ. Hẹn gặp anh tại địa điểm của những người yêu nước nhé!
Đứng cùng với chị trong đám đông những người tham gia biểu tình tại Hồ Gươm sáng Chủ Nhật ngày 7.08.2011 tôi thực sự thấy phục sức khỏe, và sự kiên trì của chị Hằng. Mọi người hô khẩu hiệu rất phấn khởi, chị giữ nhịp rất đều. Dường như chị không thấy mệt khi phải đi một vòng Bờ Hồ và hát hò cả hơn 3 tiếng.
Khi xem một loạt các tin nhắn hăm dọa chị trong điện thoại, tôi hỏi: "Chị không sợ à?"
Chị trả lời: "Chị đã đi quá nửa đời người rồi em ạ. Sung sướng, khổ nhục gì rồi cũng trải qua, ai cũng sợ, nhưng vượt qua nỗi sợ thì không còn sợ nữa. Chị nghĩ nếu có thể làm được điều gì có ý nghĩa cho đời mình thì chị sẽ làm, vì không thể để đời mình trở thành vô dụng".
Ấn tượng chị để lại trong tôi, ngoài hình ảnh một người yêu nước nhiệt thành, một người phụ nữ luôn có đầy đủ lý lẽ và lập luận sắc bén để "đối thoại" với lực lượng an ninh còn là hình ảnh của một bà chị tốt bụng, chăm lo đến trạng thái sức khỏe và tinh thần của người khác đến nỗi quên cả bản thân mình.Dòng cuối cùng tôi nhận được từ chị :
Bùi Hằng muốn làn bó sen - BH muốn làm NGỌN ĐUỐC
- Ôi Tổ quốc khi cần Tôi chết
- Cho mỗi căn nhà, NGỌN NÚI , CON SÔNG
Nếu chúng dám tàn bạo với chúng ta, với đồng bào của chúng, cho BH này nguyện CHÂM BÓ ĐUỐC ....Sẽ hãnh diện lắm nếu có thể chết cho lòng yêu Tổ quốc và con người
Chị Bùi Hằng (áo dài) và chị Phương Bích (áo đen). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Trái ngược với sự sôi nổi của chị Hằng, chị Phương Bích (Đặng Bích Phượng) lại là người phụ nữ đối lập. Gặp chị ở ngoài, tôi không thể tin được, bà chị 52 tuổi, nhẹ nhàng trầm tĩnh này lại có thể nói hàng giờ về bố mình. Chị nói: chị đã đi qua thời sôi nổi của tuổi trẻ trong an bình, chị muốn dành hết thời gian của mình để chăm bố. Bố chị Phương Bích có vấn đề với dạ dày, nên hàng ngày ngoài giờ đi làm chị luôn về nhà giành phần nấu ăn cho bác.
Lúc tôi hỏi: "Thế mỗi buổi sáng chị đi tập thể dục ở Bờ Hồ, thì ai nấu cơm hả chị?"Chị bảo, lần nào đi chị cũng tranh thủ đi chợ sáng, rồi lúc "đi dạo" xong, phải về ngay chăm cụ.
Chị Phương Bích ở ngoài dịu dàng, nhẹ nhàng hơn một số bài chị viết trên báo. Chị nói: "không thể tin được là chị lại có thể vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để xuống đường cùng mọi người thế này em ạ. Chỉ có thể giải thích điều này bắt nguồn từ tình yêu thiêng liêng đối với Tổ quốc, mà đến chừng tuổi này chị mới cảm nhân được".
Hôm UBND Tp Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình tại Hồ Gươm, chị Phương Bích thông báo việc các cơ quan ban ngành địa phương đến yêu cầu, thuyết phục và làm áp lực với gia đình chị. Bố chị tăng huyết áp ngã bệnh, gia đình xào xáo.
Dòng cuối cùng chị thông báo trên Facebook của mình lúc 4:33 sáng Chủ Nhật ngày 21/08/2011:
Không ngủ được, dậy viết thư gửi ông NT Thảo. Có lẽ để chiến thắng được trò chia rẽ nội bộ này của chính quyền, ta phải chấp nhận sự hy sinh nào đó. Tôi bỏ nhà đi bụi đây.
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Người cuối cùng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Văn Dũng (Aduku Aka). Dũng hơn tôi một tuổi, và chúng tôi thống nhất là gọi tên nhau cho thân mật. Quê Dũng ở tận Việt Trì - Phú Thọ. Và mỗi sáng Chủ Nhật hàng tuần, Dũng lại đi xe xuống tận Hà Nội để bày tỏ lòng yêu nước của mình bên Hồ Gươm. Tôi biết Dũng vì chúng tôi có cùng sở thích là đọc sách, và khi gặp nhau, tôi thực sự thấy phục anh bạn mình. Bạn đọc kỹ, nói chậm nhưng quyết liệt và dứt khoát. Nếu nhìn Dũng ở ngoài, bạn sẽ cho rằng đây là một chàng thư sinh trói gà không chặt. Nhưng có nói chuyện, có trao đổi mới thấy được ước mơ và khát vọng nhìn thấy sự tươi mới trên quê hương mình của anh.
Dũng nói với tôi: "Mình rất gàn, nhưng mình gàn vì mình có một sự thay đổi thực sự. Mình gàn vì muốn đem kiến thức mình biết để truyền lại cho các em" (Dũng có một quầy sách nhỏ trước cổng trường)
Tôi chỉ kịp xiết tay Dũng trong một lần hội ngộ bên Hồ Gươm.
Status cuối cùng trên Facebook của mình Dũng viết:
Không bán nước cho người yêu nước
Cứ thích nô với kẻ vong nô :)
Tin cuối cùng mà tôi nhận được về Dũng từ bạn bè mình là thế này:
Lúc Binh Nhì giơ cho mình xem tổng tài sản của Dũng Aduku đưa cho Binh Nhì giữ trước khi tạm biệt để lên Hỏa Lò là 1 chiếc ví da cũ trong đó có 3 tờ 10.000đ. Binh Nhì bảo là Dũng nó có tất cả 80.000đ, đổ xăng xe hết 50.000 đ, ăn trưa 20.000đ còn 10.000 để đề phòng thủng săm xe. Khổ thân em quá, Dũng ơi !
Chúng tôi, nhiều người thấy cay mũi khi đọc những dòng này xin gọi anh là "Chú lính chì dũng cảm"!
Mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn. Bởi hai người chị, và người bạn của tôi vẫn còn đang bị giam giữ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình "không đúng cách".
Viết cho mùa thu năm nay, không mong gì hơn ngoài sự bình an, vững vàng và tinh thần kiên định của chị Hằng, chị Phượng và Dũng.
Tháng Tám mùa thu - ngày thật buồn!
Blog Quê Choa
CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI BIỂU TÌNH BỊ BẮT
Vũ Ngọc Tiến
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Tóc trắng) trong đoàn biểu tình
Anh tuổi Nhâm Ngọ, nếu tính cả tuổi mụ thì anh vừa tròn 70 tuổi, nhưng còn khá phong độ. Dáng người thấp đậm, gương mặt trẻ trung, phúc hậu và đôi mắt một mí biết cười. Lòng bàn tay anh đỏ hồng, đôi gò Kim Tinh và Thái Âm dầy dặn, ấm nóng. Ngồi đối diện anh uống café, nếu dồn hết tinh lực mà dùng thuật Bát Sát trong sách xem tướng để quan sát toàn diện chừng dăm phút, tôi như thấy một viền sáng rất mảnh và trong suốt của thể Phách bao quanh thân hình. Tướng người như thế, gặp một lần là có thể tin ngay, yên tâm kết bạn lâu dài…
Bốn năm trước (2007), cũng vào một ngày tháng bảy mưa ngâu, có người bạn thân thiết của gia đình đưa anh đến làm quen với tôi. Nghe bạn mình giới thiệu, tôi biết anh là con nhà cách mạng nòi, nghỉ hưu với quân hàm Đại tá tình báo công an, từng làm tùy viên Đại sứ quán ta ở một đại cường quốc phương Tây… Tôi bỗng thấy chờn rợn, dè dặt trong từng lời nói. Dường như cảm nhận ra điều ấy nên anh chủ động phá đi không khí gượng gạo ban đầu, bông phèng vài câu chuyện tếu rồi bảo: “Mình đọc truyện ngắn và các bài báo của ông về giáo dục, tam nông thấy tâm đắc nên tìm gặp tác giả tỏ lòng hâm mộ, thế thôi. Cùng cảnh bạn già về hưu trong cái “Hội ngồi bệt”, còn gì cách bức nữa đâu mà ông phải dè chừng, cảnh giác…” Cứ thế, chỉ sau một tuần trà, chúng tôi đã thành thân thiết, say sưa đàm đạo đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, cổ kim, Đông- Tây. Trong anh có đủ sự tinh tế, sắc sảo của người tình báo và cả sự từng trải đi nhiều, hiểu rộng, nghĩ sâu về mọi mặt của đời sống xã hội thời mở cửa hội nhập với thế giới văn minh. Bẵng đi một thời gian dài bận việc, tôi gặp lại anh trong cuộc biểu tình chống TQ xâm lược ngày chủ nhật 24/7/2011. Mấy bạn trẻ đứng gần bảo tôi: “Bác ấy lớn tuổi mà vẫn sôi nổi suốt mấy chủ nhật rồi, vừa đi vừa chụp hình, hô to khẩu hiệu nom khí thế hơn cả lũ thanh niên chúng cháu.” Sáng chủ nhật 7/8/2011, dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, tôi giới thiệu anh với hai bậc trưởng lão làng văn Nguyên Ngọc và Huệ Chi. Nghe tôi tóm tắt cái lý lịch đỏ như son, một cô giáo chừng 50 tuổi gần đó trầm trồ: “Người như bác ấy mà chủ nhật nào cũng nhiệt tình góp mặt thì chúng em không xuống đường sẽ thẹn với cụ Lý Công Uẩn lắm lắm!…” Khoảng 18h30’ ngày 19/8/2011, đang ngồi quán café Nhân ngắm nhìn trời mưa rả rích, tôi nghe được giọng anh qua điện thoại: “Ông đã đọc cái gọi là Thông báo c ấm biểu tình của thành phố chưa, thấy thế nào?” Tôi đáp gọn thỏm: “Đọc rồi. Không chính danh.” Anh đồng tình: “Đúng, danh đã không chính thì ngôn làm sao thuận, nên nó vô giá trị. Chủ nhật tới, dù trời mưa hay nắng tôi vẫn cứ đi, còn ông?” Cảm động trước tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của anh, tôi đáp một lèo không hề nghĩ ngợi: “Đi chứ! Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải xuống đường, cùng mọi người thề giữ gìn chủ quyền biển đảo. Là thằng nhà văn, tôi có nhu cầu dấn thân vào đời sống xã hội để trang viết khỏi khô cứng, mờ nhạt. Là người ông trong gia đình, tôi không muốn sau này hổ thẹn với cháu nội, cháu ngoại của mình. Đơn giản thế thôi.” Đầu bên kia có tiếng anh cười ngả ngớn như muốn vỡ màng loa: “Nhà văn có khác. Tôi có phải ký giả phương Tây đến phỏng vấn đếch đâu mà ông nói hay như đang nhập đồng ngồi viết thế, haha!…” Thế đấy, chúng tôi xuống đường bằng nhu cầu tự thân, tuệ giác mẫn tiệp và sự mách bảo của con tim mỗi người, chứ đâu cần ai tổ chức, càng không thể có thế lực thù địch nào lôi kéo, kích động nổi những mẫu người như anh.
Sáng chủ nhật 21/8/2011, cơn mưa dai dẳng, lúc mau lúc thưa cứ níu giữ chân tôi ở quán café gần phở Thìn, trước cổng Sở “Văn- Thể- Du” của thành phố còn đang xây dựng ngổn ngang sắt thép. 8h25’ mưa tạnh. Sân khấu biểu diễn ca nhạc dưới chân tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bắt đầu chuẩn bị khai diễn, không có một bóng người dân hay khách du lịch, chỉ thấy chừng dăm chục cháu sinh viên thuộc khoa Công nghệ- Đại học Bách khoa mặc đồng phục xanh của thanh niên tình nguyện, đội mưa từ mờ sáng đứng vây quanh bên dưới. Tôi bước vội sang bên kia đường, men theo vỉa hè lát đá, lững thững bước về phía công viên Lý Thái Tổ. Ở đó cũng có một sân khấu biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, na ná như cái trò lố tôi vừa ngao ngán coi qua ở gần Sở “Văn- Thể- Du” ban nãy. Nghĩ mà thương các cháu sinh viên, buồn the thắt. Đối diện với sân khấu biểu diễn là nhóm người biểu tình chống TQ xâm lược cũng bắt đầu tụ tập đông dần quanh mấy chiếc ghế đá ven hồ. Từ xa, tôi đã nhìn thấy bạn mình trong nhóm người tiên phong của cuộc biểu tình hôm đó. Những biểu ngữ được căng ra, pa-nô, áp-phích giương cao và những tiếng hô khẩu hiệu yêu nước làm chấn động cả một góc Hồ Gươm thiêng liêng, giữa thủ đô ngàn năm văn hiến. Càng lại gần, tôi càng nhìn rõ cánh tay anh nắm chắc vung lên theo nhịp hô của đoàn người rền vang hưởng ứng lời hô của các chị Minh Hằng, chị Phương Bích, cháu Phương, cháu Đức… Đoàn người đi về phía phố Hàng Khay được chừng 15’ thì cuộc trấn áp biểu tình diễn ra quyết liệt, dồn bắt người lên xe Bus. Chiếc xe Bus đầu chở chị Minh Hằng và hơn 20 người vừa chạy khỏi hiện trường thì chiếc thứ hai rồ tới ngay tắp lự. 3 công an trẻ mặc thường phục hùng hổ vây quanh bạn tôi, một người nắm áo lôi đi đằng trước, còn hai người vừa xốc nách vừa đẩy anh từ phía sau. Tôi nhìn anh chân không chạm đất, tay chới với giơ cao chiếc máy ảnh, miệng vẫn quát “chúng mày quyền gì mà bắt tao” mà lòng như có kiến bò, muối xát. Chân tôi như có lực hút nam châm, nhảy vội xuống đường, muốn theo anh lên xe cho có bạn đi cùng, nhưng một cán bộ an ninh có cánh tay rắn như thép bóp chặt bờ vai, kéo tôi lại và bảo: “Thôi bác làm ơn quay về cho chúng cháu làm nhiệm vụ.” Ở mép vỉa hè bên trái tôi, một vị khách du lịch người Âu cao lênh khênh đang cố kiễng chân, giơ chiếc Camera lên cao quá đầu để ghi hình, có 2 chàng trai và 1 cô gái đeo băng đỏ xòe tay trước mặt ông ta để che ống kính mà không tới được. Cảnh tượng nom thật bi hài! Bạn đi rồi, tôi bần thần nhìn theo chiếc xe Bus tuyến Bờ Hồ- Cổ Nhuế được trưng dụng chở người biểu tình bị bắt vào trụ sở công an phường Mỹ Đình. Chẳng biết trong ống kính của vị khách du lịch kia có lưu được hình của anh lúc còn chới với nơi cửa xe ? Giữa đám đông ngơ ngác và nhốn nháo còn lại bên hồ, tôi chợt nhìn thấy cô gái mặc sắc phục cảnh sát đang cầm trên tay chiếc biển sắt tròn với dòng chữ “Cấm quay phim, chụp ảnh”. Hồ Gươm là danh thắng của thủ đô, du khách tha hồ tự do dạo mát, ngắm cảnh, quay phim và chụp ảnh. Chiếc biển cấm trên tay cô cảnh sát này là cái bẫy để tạo cớ bắt giữ công dân mình quay phim, chụp ảnh về cuộc biểu tình chăng? Tôi nán lại nơi xảy ra biểu tình đến 10h30’, thơ thẩn đi dưới những tán cây cổ thụ ven hồ, bồn chồn nghĩ về anh và hơn bốn chục người bị bắt đưa vào Mỹ Đình. Nhiều người đi biểu tình muộn nhận ra tôi vồ vập hỏi thăm hoặc xin cùng tôi chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm. Thật lạ, có người từ Huế hoặc Nghệ An ra, từ Nam Định lên, từ Tuyên Quang xuống chưa hề gặp mặt mà vẫn biết anh, hỏi thăm anh qua tôi và nói những lời tốt đẹp về anh- một Đại tá công an nghỉ hưu đi biểu tình, bị bắt lúc 9h12’ ngày 21/8/2011…
Đêm tôi vào mạng, mừng vì biết anh cùng nhiều người khác được tha về lúc 14h30’ trong ngày. Chợt tôi lại đắng lòng khi mờ sáng hôm sau (22/8/2011) đọc bài viết của một Nhà thơ- PGS- TS mỹ học trên báo Hà Nội Mới. Tác giả này tôi biết, thậm chí khá thân thiết với gia đình bởi anh là học trò cũ của bác tôi, khi cụ còn làm Hiệu trưởng một trường THPT ở vùng đồi núi trung du những năm 60 của thế kỷ trước. Sau khi vô cớ lên án gay gắt “những hành vi vi phạm pháp luật thất bại và trở nên lố bịch” của các trí thức, văn nghệ sĩ, tác giả còn lạnh lùng kết luận như dao chém đá: “Hành động vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng của họ đã bị các lực lượng chức năng xử lý trong sự đồng tình của những người thật sự yêu nước.” (!?) Giữa hai người tôi quen biết, một Nhà thơ- PGS- TS mỹ học, một Đại tá tình báo công an có chân dung vừa phác họa, cả hai đều đã rời ghế quyền lực, hạ cánh an toàn thì ai thật lòng yêu nước đây? Câu trả lời nhường cho bạn đọc và lịch sử sau cùng phán xét…
Hà Nội đêm 23/8/2011
VNT
Blog Trần Minh Quân
Biểu tình Đại Liên và tiếng nói của người dân
Ngày 14.8 vừa qua, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh phía bắc Trung Quốc đã diễn ra một cuộc biểu tình vì môi trường. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn người tham dự nhằm gây sức ép, yêu cầu chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp nhà máy hóa chất Fujia ra khỏi khu dân cư của họ sau khi những cột sóng cao do cơn bão Muifa đã xé nát bờ đê bảo vệ nhà máy này vài ngày trước đó.
Trước áp lực của cuộc biểu tình, chính quyền địa phương đã đồng ý đóng cửa nhà máy hóa chất này ngay lập tức và cam kết sẽ di dời nhà máy này ra khỏi Khu công nghiệp cảng Đại Liên trong thời gian sớm nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra tại Trung Quốc. Năm 2007, tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc cũng xảy ra một cuộc biểu tình tương tự khi người dân yêu cầu di dời một nhà máy hóa chất do Đài Loan đầu tư và cũng được chính quyền tại đây chấp thuận cho di dời nhà máy này ra khỏi khu trung tâm.
Nêu lại những sự kiện này để thấy rằng khi sống trong một môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm nặng thì yêu cầu của người dân về một môi trường sống an toàn, không nhiễm hóa chất độc hại là một yêu cầu chính đáng. Ngay lập tức, yêu cầu này thu hút sự ủng hộ của đông đảo người dân ở mọi tầng lớp trong xã hội. Và chính quyền địa phương đã phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng này của người dân.
Tại Trung Quốc, hàng năm có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra. Trong đó, ô nhiễm môi trường và chất thải độc hại là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất ổn xã hội trong thời gian gần đây.
Trước hàng loạt vụ bê bối về môi trường và an toàn thực phẩm xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, có thể thấy đây là hệ quả của quá trình phát triển quá ”nóng” của Trung Quốc. Trong hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển đô thị, nhiều địa phương đã bỏ qua yếu tố an toàn cho môi trường sống của người dân để ưu tiên cho phát triển kinh tế.
Những dấu hiệu trên đây tại Trung Quốc cũng là thực trạng chung và cũng là một bài toán nan giải tại Việt Nam hiện nay.
Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra khá nhanh, kết hợp với sự gia tăng về dân số tại các khu công nghiệp, khu đô thị lớn và nhất là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, chỉ biết chạy theo lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thêm nghiêm trọng.
Hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường đã được phát hiện trong thời gian qua và cũng đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng xem ra vẫn không đủ tính răn đe. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng hơn vẫn liên tục được phát hiện.
Có thể kể ra ngay những vụ việc điển hình về vi phạm môi trường đã từng thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây như vụ xả nước thải tại cụm công nghiệp Tham Lương, TP.HCM; vụ xả lượng nước thải ước đạt 500.000 m3/ngày từ các nhà máy giấy, bột giặt, nhuộm, dệt ở thành phố Thái Nguyên; vụ khai thác khoáng sản ở đầu nguồn trên các con sông tại miền Trung, … đặc biệt là vụ xả nước thải ra sông Thị Vải của Công ty Vedan gây chấn động dư luận và mới đây là phát hiện của các cơ quan chức năng về việc công ty Sonadezi Long Thành xả nước thải chưa qua xử lý ra môi tròng trong một thời gian dài …
Tại Việt Nam, những đánh giá về tác hại của những vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường trước đây thường mang tính ước lượng, chỉ dừng lại ở mức độ thiệt hại về kinh tế mà chưa có những đánh giá tác hại toàn diện đến môi trường và sức khỏe của con người. Ví dụ như vụ xả nước thải nghiêm trọng của Công ty Vedan, mức xử phạt của nhà nước và đền bù cho người dân cũng chỉ dựa vào đánh giá và khai báo thiệt hại về kinh tế của những người liên quan là chính, còn việc đánh giá lượng nước thải này có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và thế hệ mai sau hay không thì dường như vẫn chưa được xem xét đến.
Những vụ việc gây ô nhiễm môi trường thường không quá khó để phát hiện nếu người dân và chính quyền địa phương cùng nhau giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất trên địa bàn của mình và dám tranh đấu đến cùng.
Đấu tranh và theo đuổi đến cùng nhằm bảo vệ một môi trường sống tốt đẹp cho chúng ta và thế hệ mai sau là một việc làm hợp lý và cần kíp hơn bao giờ hết. Vì một môi trường trong sạch, chúng ta không thể chờ đợi một ân huệ hay lòng trắc ẩn của các ông chủ doanh nghiệp mà cần phải mạnh dạng nêu ra yêu cầu của mình với chính quyền địa phương và yêu cầu chính đáng này cần được các cơ quan thực thi pháp luật xem xét, bảo vệ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần rà soát lại thật kỹ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nằm gần khu dân cư đang sinh sống, đồng thời trong quá trình quy hoạch phát triển cho tương lai, các nhà hoạch định hay cấp phép đầu tư cũng cần phải xem yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường, những cam kết trước khi thực hiện dự án là điều kiện tiên quyết trước khi cấp phép đầu tư. Và người dân có quyền tham gia giám sát những cam kết này. Sự giám sát này là cần thiết vì đấu tranh cho môi trường sống trong sạch sẽ chẳng bao giờ là thừa thải.
Khi sống trong một môi trường bị ô nhiễm vì chất thải độc hại hay có nguy cơ ô nhiễm, người dân cần có thái độ dứt khoát để tránh những di hại có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai. Bởi đơn giản là sẽ không có một giá trị kinh tế nào có thể bù đắp được cho một thế hệ tương lai luôn phải mang trong mình những di chứng về sức khỏe do môi trường sống bị ô nhiễm.
BLOG ĐOAN TRANG
THỨ HAI, NGÀY 22 THÁNG TÁM NĂM 2011
“Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”
Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.
Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.
Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.
Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…
* * *
Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …
Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bóp”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?
Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên “an ninh quốc gia”, họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.
Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.
Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.
* * *
Cái cảm giác xa lạ này đã nhiều lần đến với tôi. Lần đầu tiên, là ngày tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Tôi thường được bố mẹ cho lên nhà ông bà chơi – một căn nhà áp mái ở phố cổ, nhỏ xíu, nóng như điên như dại, có khung cửa sổ tròn màu xanh cổ kính, rất đẹp, và rất không ăn nhập với bức tường lở loét, gian buồng chật đến không thể chật hơn. Đó là một khung cửa sổ thời Pháp thuộc.
Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.
Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: “Á, con này, con này…”.
Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi. Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác như con ma thế. Trẻ con mà, chúng thường nghĩ ai xung quanh cũng phải hiền và yêu chiều chúng nó như ông bà, bố mẹ chúng nó; người tốt dứt khoát là phải ở với người tốt.
Đứa bé đâu có biết, ngôi nhà ấy không còn là của ông bà nó nữa từ ngày giải phóng thủ đô.
* * *
Bây giờ tôi đã lớn, và ông bà tôi đều đã mất từ lâu. Ngôi nhà xưa nay càng xa lạ hơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến ông (như lúc này đây), tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong lòng ông – cụ giáo dạy sử, dạy toán trường Hàng Kèn – và nghe ông thủ thỉ: “Ông đố cháu ông này, triều Hậu Lê có bao nhiêu vua?”. Và tôi reo lên: “Cháu biết rồi, “Đời vua Thái Tổ Thái Tông; con bế, con bồng, con dắt, con mang”, mở đầu phải là Thái Tổ nhé…”. “Đúng rồi, cháu ông giỏi. Thế triều Nguyễn có bao nhiêu vua?”. “Ưm… Gia Long này, Minh Mạng này, Thiệu Trị này…”.
Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành một trong những phần tử “bất mãn”, “chống phá”, từng bị quy kết là “xâm hại an ninh quốc gia” không, ông của cháu? Có bao giờ ông tưởng tượng được, bạn của nó, một thanh niên rất yêu và rất giỏi môn lịch sử, bây giờ đang bị giam đâu đó “trong kia” vì tội tham gia biểu tình… chống Trung Quốc gây hấn không, ông của cháu?
Anh tôi làm thơ:
… Bao giờ cho đến ngày xưa,
Cháu thành thằng bé ngồi vừa lòng ông?
Nhưng tôi không biết làm thơ. Tôi chỉ ao ước, giá ông bà tôi còn sống… tôi sẽ hỏi ông bà thật nhiều về lịch sử, về quá khứ của Việt Nam thế kỷ 20: thời Pháp thuộc, những ngày tháng căng thẳng tiền khởi nghĩa, cách mạng mùa thu 1945, tạm chiếm, cuộc đấu tranh thầm lặng của người dân trong lòng thành phố, bộ đội về thủ đô, ký hiệp định hai miền chia cắt, dòng người tản cư, tiếng mẹ gào gọi con, những đêm Khâm Thiên lửa đỏ trời, chiến thắng rộn rã, rồi bo bo, cơm độn, gạo tấm, những mảnh tem phiếu…
Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó với đất nước không ông?
Hà Nội, buổi chiều trống rỗng 21/8/2011
BLOG TRẦN MINH QUÂN
Tháng Tám 22, 2011Trần Minh Quân
Khi những băn khoăn về thực trạng thu mua hàng nông sản Việt Nam vừa tạm lắng xuống thì cũng là lúc nỗi lo về công ăn việc làm và bất ổn xã hội xuất hiện. Điều đáng nói là những băn khoăn, lo lắng này đều liên quan đến một tác nhân chính: Trung Quốc.
Một góc công trình nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, người lao động đang có nguy cơ mất việc làm trong lúc giá cả tiêu dùng tăng cao. Có thể nói những khó khăn chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người làm công ăn lương. Vậy mà tại rất nhiều dự án đầu tư của nhà nước do các nhà thầu nước ngoài thực hiện, số công ăn việc làm lại rơi vào tay lao động người nước ngoài, kể cả những công việc đơn giản nhất. Đó là bức tranh về lao động và việc làm tại Việt Nam hiện nay.
Trong khi chính quyền tại các nước khác như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, … đang xử lý mạnh tay với các trường hợp lao động nước ngoài bất hợp pháp, thậm chí mới đây, Ủy ban lao động Đài Loan còn treo mức thưởng cao cho người tố giác lao động bất hợp pháp thì tại Việt Nam tình trạng này đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo thông tin từ báo chí thì trong thời gian qua tại hầu hết các công trình do các nhà thầu nước ngoài thực hiện, trong đó phần lớn là nhà thầu đến từ Trung Quốc đang có rất nhiều lao động phổ thông mang quốc tịch nước ngoài làm việc. Điều đáng nói là số lao động không phép đang chiếm tỉ lệ rất cao ở hầu hết các dự án và xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khác nhau.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ (ngay khi mời thầu) các nhà thầu nước ngoài chỉ được phép mang theo lao động, kỹ sư, chuyên gia quản lý có trình độ cao, … mà lao động trong nước không thể đáp ứng được và mọi vị trí làm việc khác đều phải ưu tiên cho lao động Việt Nam nhưng dường như các nhà thầu, nhất là nhà thầu Trung Quốc, đã phớt lờ mọi quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngay cả quy định về việc phải đăng ký lao động người nước ngoài đang làm việc tại dự án cho chính quyền địa phương cũng bị các nhà thầu này gạt sang một bên. Theo phản ánh của báo chí thì rất nhiều lao động người Trung Quốc đã nhập cảnh bằng đường du lịch và ở lại làm việc chui tại các công trình. Lợi dụng khe hở của pháp luật là những lao động làm việc dưới 3 tháng thì không cần phải xin phép, hàng ngàn lao động Trung Quốc đã ngang nhiên đứng ngoài sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam.
Về phía Việt Nam, mặc dù đã có đầu đủ các quy định của pháp luật nhưng trách nhiệm quản lý và xử lý còn chồng chéo giữa sở Lao động – Thương binh – Xã hội và phía công an. Ngoài ra, để tồn tại tình trạng trên trong một thời gian dài chứng tỏ các cơ quan chức năng tại các địa phương đã chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này và thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
Đầu tư của nhà nước là để phát triển kinh tế xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong khi hiệu quả kinh tế từ các dự án có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc trong thời gian qua chưa có gì rõ nét, nếu không muốn nói là đã gây rất nhiều khó khăn, phiền toái do công nghệ, máy móc lạc hậu lại thường hay hỏng hóc, thời gian thực hiện quá dài, gây tốn kém, … thì ngay cả mục đích thứ hai là tạo công ăn việc làm cho người dân cũng không đạt được. Thật đáng buồn khi người lao động Việt Nam lại bị ra rìa ngay trên chính quê hương của mình.
Trước áp lực về nguồn nguyên liệu và công ăn việc làm quá lớn từ trong nước. Trong vài chục năm trở lại đây, người Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động, kể cả xuất khẩu nông dân ra nước ngoài. Khi làn sóng di cư người Trung Quốc đến Châu phi có xu hướng giảm xuống thì cũng là lúc một làn sóng khác đang hình thành. Đó là xuất khẩu lao động theo các nhà thầu. Trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà thầu Trung Quốc tại hầu hết các công trình, nhất là các gói thầu EPC tại Việt Nam.
Khi những băn khoăn về thực trạng thu mua hàng nông sản Việt Nam vừa tạm lắng xuống thì cũng là lúc nỗi lo về công ăn việc làm và bất ổn xã hội xuất hiện. Điều đáng nói là những băn khoăn, lo lắng này đều liên quan đến một tác nhân chính: Trung Quốc.
Cũng như những lần trước, thương nhân Trung Quốc được tự do đến tận ruộng vườn thu gom nông sản của nông dân để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thì lần này, người lao động Trung Quốc lại vẫn ngang nhiên đứng ngoài vòng pháp luật của Việt Nam.
Nhiều người sẽ tự hỏi rằng liệu người lao động, các nhà thầu đến từ Trung Quốc đã quá xem thường pháp luật Việt Nam hay các cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương đã không làm tròn trách nhiệm? Hay là vì cả hai nguyên nhân trên?
Thực trạng này đã không dừng lại ở một dự án nào cá biệt mà nó đã phổ biến rộng khắp trên cả nước. Nơi nào có nhà thầu Trung Quốc thì hầu như nơi đó có vi phạm pháp luật về quản lý lao động xảy ra. Đến đây thì đã rõ, chúng ta đã quá dễ dãi trong việc quản lý lao động nước ngoài.
Để lý giải được hiện tượng này, thiết nghĩ trước tiên chúng ta nên lý giải tại sao có tình trạng hơn 90% các gói thầu EPC rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc? Đây là việc không hề đơn giản mà rất cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, sự ra tay mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và quan trọng hơn là phải biết nghĩ đến những lợi ích lâu dài trước khi những hậu quả tệ hại có thể xảy ra.
TRẦN MINH QUÂN
BAUXITE VIETNAM
23/08/2011
Hà Đình Sơn
Hôm trước – “Đám đông tụ tập”, hôm sau – “Biểu tình thể hiện tình yêu nước”, hôm nay lại là… “Đám đông tụ tập”.
Xã hội ai cũng cần, ai cũng muốn chính tai mình nghe thấy điều hay, chính mắt mình nhìn thấy cái đẹp. Không vì tình cảm thiên vị nhất thời, lợi ích sai khiến, nhận thức thấp, cao hãy khách quan để nhận ra chân của cái xã hội mình sống.
Có phải “Điều dối trá nói một trăm lần, một nghìn lần rồi người ta sẽ tin là thật” ? Có lẽ trước đây có thể đúng, nhưng với thời đại công nghệ thông tin những điều dối trá đó sẽ bị đẩy lùi vào bóng tối.
Mọi điều tốt sẽ đều được ghi nhớ, mọi điều ác cũng không thể quên bởi mỗi người dân là một nhân chứng của lịch sử.
Dân tộc Việt Nam có lẽ chưa bao giờ là dân tộc đi đầu trong các cuộc cách mạng xã hội của nhân loại. Vì thế chúng ta có cái thiệt thòi của người đi sau, nhưng chúng ta có cái lợi từ bài học của những dân tộc đi trước.
Về hình thức của các cuộc cách mạng xã hội thì nói nhiều cũng không hết; nhưng nó có một điều giống nhau là đều là sự tham gia của nhiều người. Tùy quan điểm, lợi ích của mỗi người mà người ta về danh từ gọi những người đó là “quần chúng”, là “nhân dân”, là “lực lượng” hay chỉ là “đám đông”, là “bọn người”, là “lũ người”… Về tính chất người ta có thể gọi hành vi của những người đó là “thể hiện tinh thần yêu nước” hoặc “đám người tụ tập”… Nhưng bản chất sự việc thì không thể vì sự tuyên truyền hay cách gọi chủ quan mà làm cho nó thay đổi được. Cũng chính qua cách nhìn, cách đặt tên hiện tượng nó phản ánh cái lợi ích, bộc lộ cái bản chất của kẻ gọi đó là gì.
Chỉ vì ngoan cố, vì lợi ích đối kháng với tiến bộ xã hội, để che đậy, xuyên tạc thì người ta đã từng gọi Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám Việt Nam, Cách mạng dân chủ Đông Âu… đều là những đám tụ tập đông người, bị kẻ khác lợi dụng, nhưng sự thật thì lịch sử mới là người đặt tên cho các cuộc cách mạng đúng với bản chất của nó chứ không phải do một cỗ máy tuyên truyền nào có thể làm thay.
Biển Đông bị Trung Quốc bành trướng tuyên bố và hành xử coi như là của riêng mình, các nước gọi đó là “lưỡi bò” phi pháp. Gọi như vậy là vì trên bản đồ khu vực biển mà TQ tuyên bố chủ quyền trông giống hình cái lưỡi bò, và theo nghĩa khác là để tố cáo hành vi ăn cướp của Trung Quốc hòng “liếm” lãnh hải của các nước láng giềng. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình của những người Việt Nam yêu nước trong thời gian qua. Sự việc đã không được nhìn nhận khách quan, không ghi nhận những nhân tố tích cực, quý hiếm còn tồn tại trong xã hội mà lại phản ứng một cách tiêu cực, không sáng suốt. Hôm trước gọi những người yêu nước đó là “đám đông tụ tập”, hôm sau nói rằng “biểu tình thể hiện tình yêu nước”, hôm nay lại là “đám đông tụ tập”. Có việc này là do cái “lưỡi người”!
Dù thế nào thì chân lý không thay đổi. Và không thể: người ngay lại sợ kẻ gian, dối trá lên ngôi, đạo lý thất thế.
Thăng Long – Hà Nội, 21/8/2011
H.Đ.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét