Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Hòn vua ở Bandon

Nguyễn Tường Thiết

Hòn Vua
Buổi sáng tinh mơ tôi thả bộ đi về hướng biển. Đến mép đường ở bờ vực tôi bước cầu thang gỗ xuống bãi. Sương phủ dầy đặc quá. Tôi không thấy biển đâu. Từ trong khối mịt mù phía trước có tiếng sóng vỗ vọng tới, ào lên từng chặp. Gió tạt bụi nước lấm tấm trên da mặt tôi. Mùi tanh nồng của biển thấm vào khứu giác. Khi tôi bước đi trên làn cát mịn, màn sương phía trước như loãng dần ra, lờ mờ hiện những hòn đá tảng thật lớn cắm trên biển, trên cát. Trên nền trời in những tảng màu đen thẫm với đủ những hình thù lạ mắt. Một hòn đá dựng đứng ở ngoài khơi nom hao hao giống như pho tượng đức Trần Hưng Đạo được ai cắm giữa lòng biển. Một hòn khác ngồi bề thế trên bãi cát, hòn ấy có hình một ông quan với đầy đủ mũ mão nhìn ra biển khơi Thái Bình như đang trầm tư về cố quốc. Tôi gọi đó là hòn vua. Vua quan lổn ngổn đứng ngồi trên khắp bãi Bandon thuộc tiểu bang Oregon.


Tôi nhớ đến những những ngày cũ ở Việt Nam. Đến biển. Đến tuổi thơ lóng lánh của mình trên những bờ biển đông ngày ấy. Ấn tượng đầu tiên của tôi về biển là hình ảnh những con ốc. Thủa ấy ở Hà Nội tôi còn bé lắm, chưa được phép theo các anh chị đáp tàu hỏa đi Hải Phòng tắm bãi biển Đồ Sơn. Biển với tôi là một thế giới kỳ bí. Một hôm đang ngồi chơi bi anh tôi vừa đi biển về thả trước mặt tôi một đống những con ốc anh gói trong một cái khăn mu-xoa. Ôi những con ốc biển bé tí tẹo xinh đẹp quá! Chúng nhỏ như đốt ngón tay út có vỏ láng bóng với những đường vân ngũ sắc xoáy tròn trôn ốc, lại có những con khác to hơn cũng đủ màu sắc có hình chiếc tù và, vỏ sần sùi. Ngoài vẻ óng ánh những con ốc đó còn toát ra mùi biển, mùi tanh tanh nồng nồng rất đặc biệt của nó in trong khứu giác tôi. Hôm nay tôi ngửi thấy mùi biển y hệt thế trên bãi Bandon này. Những con ốc biển Đồ Sơn thủa ấy không giữ được lâu. Tôi cất chúng trong đống đồ chơi của tôi gồm những hòn bi ve, những hòn bi trông cũng đẹp lắm, trong lòng thủy tinh của bi có những vẩn mây màu uốn lượn. Sau vài ngày tôi phải vứt hết ốc đi vì chúng xông lên một mùi hôi thủm rất nồng nặc. Khi những con ốc biển bị thối rữa, mùi biển cũng chết theo...

Bãi biển thứ hai trong đời tôi được nghe nói đến là Sầm Sơn. Cho đến nay hình ảnh về bãi biển này vẫn hoàn toàn trong trí tưởng tượng của tôi, bởi vì mấy năm gần đây có dịp về nước tôi có ghé thăm Đồ Sơn, nhưng bãi Sầm Sơn thì chưa bao giờ. Trong trí tưởng tượng tôi, và có lẽ cả trong trí tưởng của những ai chưa từng đặt chân đến đó, hình ảnh Sầm Sơn là hình ảnh bờ biển trong truyện Trống Mái của Khái Hưng. Riêng tôi Sầm Sơn còn gợi lên một kỷ niệm riêng khá thân thương. Tôi được nghe mẹ tôi kể lại rằng, vào thập niên 30 của thế kỷ trước, cứ mỗi lần cha tôi viết xong và xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới thì dù mẹ tôi có bận rộn buôn bán đến đâu, cha tôi cũng buộc mẹ tôi bỏ hết để cùng sống với ông riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến điều ấy những đoạn tả trong truyện Trống Mái như cảnh Vọi và Hiền sánh vai đi trên bãi biển Sầm Sơn tôi lại thoáng thấy xen vào hình bóng bố mẹ tôi.

Về phía hải đăng trong làn sương mù thốt nhiên có tiếng còi xa vọng lại. Tiếng còi trầm trầm đục đục, âm vang như thể bị nghẹn lại bởi màn sương dầy đặc. Hu... Hu...Hu... Ba tiếng rồi tắt. Mấy hôm nay tôi để ý ở Bandon suốt ngày đêm cứ lâu lâu ba hồi còi lại hụ lên từ phía hải đăng ấy vọng ra khơi như điểm giờ cho biển cả. Để làm gì. Tôi không biết. Nhưng tiếng còi ấy làm lóe trong hồi ức tôi một tiếng còi tàu rất xưa tưởng như đã vĩnh viễn mất hẳn trong trí nhớ, tiếng còi tàu vang lên một thủa nào trên mặt sông Hồng vào một đêm tối của bến Phà Đen. Năm đó khoảng hai năm cuối của thập niên bốn mươi không lâu sau ngày chúng tôi tản cư trở về Hà Nội tôi theo anh tôi ra bến Phà Đen đáp tàu thủy đi Nam Định. Anh tôi là con nuôi của nhà văn Khái Hưng, năm đó anh dẫn tôi, một đứa bé mới tám tuổi về quê mẹ nuôi của anh ở làng Dịch Diệp cách Nam Định khoảng 20 cây số. Cha nuôi của anh đã mất tích từ một năm trước. Chúng tôi về Dịch Diệp lần này để thăm mẹ nuôi của anh còn ở đó. Đấy là lần đầu tiên tôi được đi tàu thủy. Cũng là một chuyến tàu trên sông Hồng như nhà văn Mai Thảo. Thời gian qua, đã hơn sáu chục năm rồi, ký ức về cuộc hành trình đầy mộng mơ của tuổi ấu thơ ấy nay đã bị tuổi đời xóa nhòa hết, không thể nhớ lại rõ một điểm nào trong chuyến đi. Thế nhưng tiếng còi ngân vang trên mặt sông Hồng đêm ấy thì nay lại vụt sống dậy một cách sắc nét như thể chúng vừa được ba tiếng hụ của hải đăng Bandon vực lên khỏi vùng mờ mịt của ký ức, nó loé trong tôi sau tiếng còi đêm là hình ảnh con tàu rời bến Phà Đen cùng với ánh đèn lung linh trong những quán lá ven sông tròng trành trôi đi.

Hồi còn ở Việt Nam tôi đã trải qua trong đời ba chuyến tàu trên sông. Chuyến thứ nhất ở miền Bắc trên sông Hồng đưa tôi về Nam Định. Hai chuyến sau ở miền Nam trên sông Sài Gòn đưa tôi ra biển. Nếu chuyến tàu thứ nhì năm 1953 đưa tôi tới Vũng Tàu để tôi được thấy biển lần đầu trong đời, thì chuyến tàu cuối cùng ngày 30 tháng Tư năm 1975 đưa tôi ra biển Cần Giờ để vĩnh biệt nó.

Mặt trời lên. Hòn vua đã bắt đầu có nắng riềm ở trên mão. Theo với ánh bình minh bầu trời náo lên với bầy chim biển. Những con hải âu bay lượn kêu tao tác trên không trung. Trong khi trên trời rộn ràng như thế thì dưới mặt đất vẫn im lìm không một bóng người. Sinh hoạt trên đất ngưng hẳn. Có chăng chỉ được ghi lại âm thầm trên cát. Thủy triều đêm hôm trước không dâng đủ cao để liếm đi vết tích cái sinh hoạt rộn ràng trên bãi của dân Bandon chiều hôm trước: những dấu chân người chằng chịt, những vệt bánh xe đạp ngoằn nghèo, những vết chân chó loăng quăng trên cát. Cả những vết chân chim li ti in trên bãi nom tựa như vô vàn những que tăm ai vung vãi trên nền cát mịn. Nắng không đủ cao, chiếu xiên xiên bãi cát ướt mịn màng, lộ rõ những hòn sỏi nhỏ nằm rải rác đó đây. Cả những đụn cát li ti đùn lên bởi vô số những con sò biển.

Bỗng nhiên hình ảnh một hồi ức vụt hiện. Một buổi bình minh, ánh dương vừa lên, thằng bé chạy dọc bãi biển Vũng Tàu. Theo bước chân chạy của nó mặt cát ướt phía trước bỗng dưng hoa lên như chuyển động. Những đốm nắng chạy rất nhanh trên cát. Loáng loáng. Dừng lại, mặt cát yên tắp. Chạy. Mặt cát lại loáng loáng hoa lên. Đứng yên hồi lâu quan sát nó thấy đằng trước trên bãi Vũng Tàu hàng triệu những đụn cát nhỏ li ti, cạnh mỗi đụn cát là một chú dã tràng tí hon thò đầu khỏi tổ như để chào đón ánh bình minh. Bước chân người đến đâu thì những chú dã tràng ở vùng quanh đó rụt ngay vào trong hang, Sự di chuyển hàng loạt của chúng, dưới ánh nắng mai, tạo ảo giác hoa nắng rung rinh chạy trên mặt cát.

Thủa đó khoảng hai ba năm trước khi đất nước chia đôi không ai nói đến bãi biển Vũng Tàu. Người ta nói đi “cấp” tắm biển. Cap Saint Jacques! Từ bến sông Sài Gòn tôi theo gia đình người bác đáp tàu thủy ra Cap. Tầu đến cửa biển Cần Giờ thì mặt sông phía trước mở rộng hẳn ra. Hai bên cửa sông rừng tràm lấp xấp ngút ngàn. Biển mênh mang trước mặt. Lần đầu tiên tôi thấy biển. Các anh họ sấp sỉ tuổi tôi cũng thế. Bốn đứa chúng tôi, đứa nhỏ nhất 10 tuổi, đứa lớn nhất 14 vừa đến Cap đã vội vàng thay quần tắm chạy đua ra bãi xem ai là người được tắm biển trước tiên. Từ nhà bưu điện của thành phố ở bãi trước, nơi mà trên lầu dùng làm cư xá nghỉ mát cho viên chức sở bưu chính, chúng tôi chạy băng qua đường, băng qua hàng dừa, những cây bàng, những quán cóc trên cát, qua hàng thùy dương và sau cùng là biển xanh hình cánh cung hiện ra trước mắt. Thi nhau nhẩy tùm xuống nước chúng tôi chơi rỡn với sóng. Sóng xộc cả vào mồm vào mũi. Chúng tôi lần đầu biết thế nào là hương vị của biển cả. Sáng hôm sau chúng tôi dậy thật sớm đi xuống bãi xem dân chài đánh cá. Những người đi mua cá tươi đã chầu chực đông đảo trên bãi. Hai người ở hai đầu kéo chiếc lưới dài lên cát. Khi chiếc lưới thu lại nhỏ dần tôi thấy dưới nắng mai những con cá tươi dẫy dẫy trong mắt lưới thân chúng lấp loáng ánh bạc.

Hơn hai mươi năm sau đó, cho tới ngày rời khỏi Việt Nam, tôi đã tắm đã đi trên những bãi biển bờ cát Vũng Tàu không biết bao nhiêu lần. Những bãi cát mịn màng, những bãi đầy vỏ sò hến, những bãi hoang vu, những bãi lộng gió, những bãi Point au Vent, Rocher Noir... Bãi trước, Bãi sau, Bãi dứa, bãi Ô Quắn, bãi Nghinh Phong... tôi đã hít thở bình minh của biển, hoàng hôn của biển, chất đầy trong lồng ngực mình mùi biển mặn mặn nồng nàn. Ôi, cái mùi biển Vũng Tàu của tôi thủa ấy!

Biển đã chết lặng trong tôi khi con tàu Tourane 3 rời cửa Cần Giờ vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975. Con tàu, thay vì cập bến Vũng Tàu như chuyến hải trình trên sông Sài Gòn hai mươi hai năm trước, nó tiến thẳng ra khơi về miền vô định.

Thành phố của biển và của tuổi trẻ tôi, Vũng Tàu, thành phố với hàng thùy dương hình cánh cung nơi bãi truớc, với mái ngói đỏ tươi của ngôi biệt điện Thành Thái nằm lưng chừng một ngọn núi cao, với tháp hải đăng chót vót trên đỉnh, thành phố ấy đang nhỏ dần, lùi xa. Tôi nhìn lần cuối quê hương ấy cho đến khi giải màu xanh của rừng tràm mỏng dần đi rồi biến mất vào đường chân trời.
Hàng trăm chiếc tàu và thuyền bè di tản nối đuôi nhau ra khơi. Trên lòng biển bao la trông chúng bé nhỏ và mỏng manh như những chiếc lá liễu.

*

Về phía hải đăng trên bãi cát có ba người đàn bà đi tới.

Thái Vân người đi giữa mặc chiếc áo len màu đỏ. Hai người bên cạnh là nhà văn Trùng Dương và nhà thơ Trần Mộng Tú. Khi ba người tới gần, chị Thái tay cầm máy ảnh rời hai người kia đi nhanh về phía tôi, giơ tay ra dấu muốn chụp hình tôi với cái phông hòn vua ở phía sau. “Trùng Dương ơi!”. Tôi gọi thầm. Từ ngày quen biết chị chúng tôi hay gọi chị Thái như thế. Và lời chào buổi sáng của tôi với chị thường là một câu hát trong Ngày Đó Chúng Mình của Phạm Duy.

Để át tiếng ầm ầm của sóng biển, tiếng hát của tôi vừa thoát ra khỏi miệng đã trở thành tiếng hét:
–Trùng Dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi...

Chị Thái tay giơ cao chiếc máy ảnh, ngửa mặt lên nhìn ra biển khơi Thái Bình Dương, chị cũng hét to không kém trả lời tôi:
–Anh Thiết ơi! Trùng dương này vô tình lắm. Trùng dương này chẳng bao giờ biết xót xa đâu! Không tin anh cứ thử hỏi những thuyền nhân thì biết...

Nguyễn Tường Thiết
Bandon-Oregon, September 2009