Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Vũ Hữu Định, còn rất nhiều điều để nhớ

Luân Hoán

Với chiều cao khoảng một thước sáu nhưng có bề ngang, cộng với dáng đi chữ bát, cộng thêm lối ăn vận lè phè, nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh trông gần như hơi thấp. Anh không có khuôn mặt đẹp trai, nhưng nhìn rất bắt mắt. Nụ cười xuề xoà luôn luôn đi trước giọng nói dí dỏm, bộc trực đã thắp sáng khuôn mặt ngả màu nâu sậm của nhà thơ miền Trung ra đời vào năm 1942 tại Huế với tên thật Lê Quang Trung.


Năm 1970, năm tôi không may mắn phải giã từ rừng núi và phố chợ Quảng Ngãi để trở về với Ðà Nẵng, tôi đã gặp và quen nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh. Lúc đó hình như anh đang mặc áo cán bộ xây dựng nông thôn. Ðịa bàn công tác của anh lòng vòng ven rìa thành phố như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sơn Trà... Anh chợt đi, chợt về. Ðặc biệt là lúc nào cũng có vẻ thong dong, giàu có thời giờ phất phơ phố xá. Anh làm thơ nhiều trong giai đoạn nàỵ Thơ của anh hầu hết được đăng trên các tạp chí văn chương tại thủ đô Sài gòn. Bài "phố núi cao ...phố núi đầy sương...", một bài thơ viết về thị trấn Pleiku, một phố thị miền núi của cao nguyên Việt Nam, với đầy đủ nét hoang sơ, lạnh lùng, đã được nhìn, được vẽ bởi một nhà thơ hết lòng yêu thiên nhiên, nên vô cùng linh động, thân mật. Trời đất và con người như một khối đồng nhất, thở chung một nhịp. Tất cả đều có thật, ngoại trừ nhân vật chính, người đã khai mở, dẫn dắt thi tứ của chàng thi sĩ dừng chân ở một nơi "đi dăm phút trở về chốn cũ."

Trong cái hạn hẹp của một không gian hoang vắng, trước cái trống lạnh của tâm hồn, Vũ Hữu Ðịnh chợt thấy trên đường anh đang đi "may mà có em đời còn dễ thương." Và anh đã chân thành "cảm ơn thành phố có em", một thành phố núi đã ưu ái cho đời anh "còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để thương." Người em tuyệt vời kia, cái ngôi sao lấp lánh, thắp sáng cho cảnh sắc Pleiku quần tụ chung quanh, trong một cuộc nhúng lời vào rượu, Vũ Hữu Ðịnh đã tiết lộ cùng tôi, em chỉ là vóc dáng tưởng tượng mà anh đã nhặt ra trong những giờ phút trôi nổi linh hiển nhất của anh: làm thơ.

Mặc dù người đẹp của Vũ Hữu Ðịnh không hiển hiện bằng xương thịt như anh đã bày tỏ, nhưng nàng đã thở vào thơ anh làn hơi ấm áp tình người đủ để ngôn ngữ anh tác thành bài thơ lộng lẫỵ Và may mắn hơn nữa bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa, chắp thêm cho đôi cánh vàng, nên sức bay của nó càng lên cao, thêm xa, sống còn đến ngày nay trong lòng người thưởng ngoạn.

Thơ Vũ Hữu Ðịnh giống như bản tính của anh: yêu đời, thong dong, cởi mở. Ngoài thơ và rượu, giao du với bạn bè cũng là cái thú lớn của anh. Người bạn thân của anh thời sau 1975 có lẽ là anh Ðoàn Huy Giao, một cựu nhân viên nhà in Da Vàng của anh Hoàng Công Khanh, bạn tôi.(Khanh chính là người bưng đi mất một trong những cụm hoa Thu, Đông, Xuân... trước ty thông tin Đà Nẵng).

Vũ Hữu Ðịnh lang thang suốt ngày chỉ với hai bàn chân, không phương tiện gì khác. Chúng tôi thường gặp nhau ở quán cà phê Lộng Ngọc của cố hoạ sĩ Lâm Quang Phước ( con nhà thầu khoán Lâm Quang Tự, tốt nghiệp cùng vợ - Trinh- tại Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, sau 1975, bỏ mình trong một cuộc vượt biển) hoặc tại một căn nhà trong con hẻm trên đường Nguyễn Hoàng, tổ ấm của đám thiếu nhi bụi đời sống ngoài hè phố. Vũ Hữu Ðịnh đảm nhiệm một phần công tác dìu dắt tinh thần các em ở đâỵ Nhìn anh trò chyện vui chơi với đám trẻ vô gia cư, ngoài việc bắt gặp nét hồn nhiên của anh, thỉnh thoảng tôi còn thấy thấp thoáng trong niềm vui của anh vướng mắc một cái gì thật man mác ngậm ngùi.

Vũ Hữu Ðịnh có một đời sống vật chất không mấy khả quan. Quen biết nhau khá lâu nhưng anh từ chối không thuận cho tôi đến nhà chơi, cũng không hề đề cập đến gia cảnh của anh. Biết anh có vợ, có con nhưng mãi về sau này tôi mới tình cờ được gặp trong một hoàn cảnh thật buồn. Mặc dù nghèo nhưng Vũ Hữu Ðịnh vẫn thong thả rong chơi. Cảm mến bản tính của anh, trong một bài thơ nhắc đến bạn bè, bài “Trên Vuông Chiếu Ðời Ta” in trong tập Rượu Hồng Ðã Rót xuất bản năm 1974, tôi đã viết về Vũ Hữu Ðịnh như sau:
“bỗng muốn như thằng Vũ Hữu Định
càng nghèo càng đói càng rong chơi
lang thang với lũ-con-hè-phố
còn có ai hơn ? họa có trời
vá víu lòng sầu hoa với gạo
chẻ tình nhau buộc lại tao nôi
hát ca thay thế lời cầu nguyện
Thượng đế quên nhìn lũ bỏ rơi”
(RHĐR-LuânHoán- 1974)

Biến cố của đất nước năm 1975 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi và Vũ Hữu Ðịnh được may mắn, rất may mắn hơn nhiều người. Sau thời gian cải tạo ngắn ngày tại trại Ngô Văn Sở (trong thành phần sĩ quan đã giải ngũ), tôi được trở về công việc cũ nhờ có chút nghiệp vụ kế toán ngân hàng mà chính phủ mới đang cần. Trong lúc đó Vũ Hữu Ðịnh hình như đang còn bị cải tạo vì hai tội danh: cán bộ xây dựng nông thôn, tình nghi hoạt động cho CIA vì có chân trong tổ chức nuôi dưỡng đám thiếu nhi vô gia cư. Bỗng một đêm sau khi cửa hàng bán quạt máy cũ và phụ tùng của vợ tôi đã đóng cửa, chúng tôi đã ăn tối xong ngồi xớ rớ đợi điện đỏ lại, thường thường vào lúc chín giờ, thì có tiếng gõ cửa sau. Vũ Hữu Ðịnh bất ngờ đến thăm dẫn theo một người đàn ông trung niên. Người đàn ông với áo quần mặt mũi thơm tho hương đất Bắc, một mùi hương tôi đang rất sợ. Vũ Hữu Ðịnh vẫn cởi mở, vui vẻ như ngày nào. Anh không chậm trễ giới thiệu: nhà thơ Phùng Quán. Thật ngỡ ngàng xúc động. Trong niềm vui được gặp một nhà thơ từ lâu mình ưa thích, không hiểu sao tôi vẫn có chút lo sợ vơ vẩn. Vũ Hữu Ðịnh im lặng trong lúc anh Phùng Quán chăm chú đọc bài thơ đầu trong tập Rượu Hồng Ðã Rót của tôi.

"Thơ đúng là thơ!" Anh Phùng Quán chợt nói. Tôi liếc qua, không thấy anh Quán nhìn lại tôi, nhưng tôi đã cảm thấy yên tâm. Dĩ nhiên sau đó chúng tôi trò chuyện, tán gẫu về văn nghệ. Tiếc rằng ngày nay cả hai anh Phùng Quán và Vũ Hữu Ðịnh đều đã ra người thiên cổ nên tôi không dám kể lể nhiều ở đây.

Lần gặp gỡ anh Phùng Quán đó là lần đầu và cũng là lần cuối. Cũng may tôi đã ghi lại ít dòng thơ để kỷ niệm. Bài thơ có tên Mừng Gặp Người Bạn Thơ được in trong tập “Hơi Thở Việt Nam” do Sông Thu và Nhân Văn xuất bản tại Hoa kỳ năm 1986. Tôi xin phép được trích dẫn hai đoạn cuối của bài thơ đó:
....
“bạn có nhớ không lời mẹ dặn
hoang vu nằm dưới những gót giày
ta mơ trời sáng ngồi chép lại
thơ bạn run lên những ngón tay


giờ chừ đãi bạn không còn rượu
chan chứa còn đôi giọt mực này
và đây khói thuốc ngày gặp gỡ
đóm lửa lòe lên được mấy giây”
(Hơi Thở Việt Nam, trang 83)

Bài thơ này tôi chưa có dịp gửi đến anh Phùng Quán và chắc chắn bạn đọc cũng rất khó phát giác tôi viết để tặng anh. Bởi lẽ ba chữ Lời Mẹ Dặn tôi cố tình cho in bình thường không viết hoa. Vũ Hữu Ðịnh cũng chưa đọc qua bài thơ này, kể cả nhiều bài khác tôi viết sau năm 1975. Tôi ngại cho anh đọc bởi vì anh có tính thích bốc thơm bạn bè lại không được kín miệng khi đã say chuyện văn nghệ. Thời điểm này Vũ Hữu Ðịnh cũng làm thơ nhiều, mỗi lần ghé tôi chơi anh đều đọc cho tôi nghe những sáng tác mới. Tiếc rằng trí nhớ của tôi rất tồi tệ và thú thật tôi đã rất lơ đãng trước nhiệt tình của anh. Tôi sợ. Không phải sợ Vũ Hữu Ðịnh mà sợ những ông bạn văn mới có, cũ có đang quây quần bên anh.

Trước khi tôi xin nghỉ việc để lo giấy tờ xuất cảnh, Vũ Hữu Ðịnh còn tạo cho chúng tôi một kỷ niệm khó quên. Lúc đó không hiểu vì lý do nào, và từ bao giờ Vũ Hữu Ðịnh được vào làm việc tại Nhà Ðèn Ðà Nẵng. Anh còn tạo được uy tín trong đám công nhân cùng sở. Họ đã ủy thác cho anh làm đại diện đến ngân hàng để xin rút số tiền bị thu đổi còn quản lý. Danh sách công nhân quá đông. Theo quy chế ngân hàng chỉ duyệt chi cho mỗi cá nhân một số nhất định. Vũ Hữu Ðịnh đã thuyết phục tôi lợi dụng sự ưu ái của người kế toán trưởng đối với cá nhân tôi, duyệt chi cho anh và tất cả bạn anh toàn bộ số tiền. Tôi thật vui khi hoàn thành được công việc nàỵ Nhưng chưa đầy một tháng sau, tôi lo sợ biết được cả số tiền đó Vũ Hữu Ðịnh đã thua trong một cuộc cá độ bóng tròn trước sân Chi Lăng. Tôi chờ đợi sự rắc rối đến với người kế toán trưởng và chắc chắn có ảnh hưởng đến tôi khi có người đến khiếu nại sự duyệt chi. Nhưng rồi mọi sự cũng qua. Gặp Ðịnh, vẫn với nụ cười đi tiên phong, anh đã hạ ngay những bực mình cố hữu của tôi. Tôi cũng là một người mê bóng tròn nên thời gian cùng Ðịnh đứng tán dóc trước sân Chi Lăng không phải là ít.

Một hôm đang ngồi với họa sĩ Hoàng Trọng Bân trong một quán cà phê vỉa hè ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Vũ Hữu Ðịnh đã mất qua một người quen vừa từ Ðà Nẵng vào. Người bạn đó kể lại anh nghe đồn có hai nguồn tin về cái chết đáng tiếc này. Thứ nhất, Vũ Hữu Ðịnh đến chơi nhà một người bạn văn bên An Hải (bên kia sông Hàn) và vì nhậu quá say, trong lúc tìm nơi tiểu tiện đã ngã xuống từ trên gác lửng bỏ mạng. Thứ hai, Vũ Hữu Ðịnh được một số đông bạn văn mời nhậu, tất cả cùng quá chén và trong cái say hương rượu nội địa đó có người đã cố tình xô ngã Vũ Hữu Ðịnh vào cửa tử.

Giữa thời cái ác lấn cái thiện, mạng sống con người rẻ hơn phân bón, trước cái chết của một người từng được gán nhãn hiệu ngụy quyền, ngụy dân, ai hơi đâu phí công điều tra, tìm hiểu. Tôi nhức đầu liền mấy ngày trước tin Vũ Hữu Ðịnh mất. Tôi không hề tin anh bị mưu sát, nhưng lạ thật, trong lòng cứ băn khoăn.

Hôm nay, ngồi trên đất người, tự cho phép mình về hưu non, nhớ, viết về đám bạn già cũ trong những ngày ngồi chờ ăn cháo lú cũng là một cái thú. Và khi viết về Vũ Hữu Ðịnh, nỗi băn khoăn của tôi vẫn còn thao thức. Tôi hy vọng sẽ có một ngày nhận được từ đâu đó trong đám bạn bè cũ của chúng tôi, cho tôi biết thật chính xác về cái chết của Vũ Hữu Ðịnh. Dĩ nhiên biết chỉ để mà biết. Quả là một trong những cái lẩm cẩm của một con người đang ở vào giai đoạn nuôi mạng sống mình bằng hai thành phần thực phẩm: kỷ niệm nhiều hơn chất đạm

Viết về Vũ Hữu Ðịnh mà không nhớ, không tìm ra đôi bài thơ của anh để gởi đến bạn đọc cùng thưởng thức thì thật là thiếu sót. Ðã thế, vì kỷ niệm, tôi đã tham lam trích dẫn ít dòng thơ của tôi và cuối bài viết này tôi cũng không thể không liều lĩnh trích thêm bốn câu nữa trong thi tập “Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh” (xuất bản năm 1994) đã dành cho Vũ Hữu Ðịnh như một nén nhang:
“Gặp nhau giữa đám bụi đời
Trải lòng mà rước nhau ngồi với thơ
Mày theo Lý Bạch, bất ngờ
Nhói lòng ta rắc rượu vào ánh trăng”

Xin vĩnh biệt người bạn thơ đã để lại trong tôi rất nhiều điều để nhớ, rất nhiều điều để thương.
(Tạp Chí Văn số 163, tháng 12-1996, California, Hoa Kỳ)

(Trích từ: Hồi Kí Rời - Luân Hoán)