Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

MỘT THOÁNG CHICAGO (1)

Thân gởi anh chị Đạt Ý và cháu Thủy.

NGỰ THUYẾT

Khi đã ngồi yên trên toa xe lửa khởi hành từ Chicago chạy suốt về Los Angeles, tôi chợt nghĩ đến một cuốn phim tôi đã xem cách đây hơn 50 năm tại Sài Gòn, khoảng cuối thập niên 1950. Đó là thời hoàng kim của phim Mỹ, khi đem qua chiếu tại Việt Nam lại được chuyển âm sang tiếng Pháp với phụ đề Việt ngữ. Tôi không biết tên tiếng Anh của cuốn phim ấy, chỉ nhớ tên tiếng Pháp là Un Homme Est Passé (tạm dịch Một Người Đã Đi Qua) do Spencer Tracy đóng vai chính cùng nhiều vai phụ mà tôi chỉ nhớ lõm bõm vài tên như Ernest Borgnine, Robert Ryan. Cũng vào thời gian ấy, những phim như Les Neiges du Kilimandjaro (với Gregory Peck, Ava Gardner, Susan Hayward), Le Bal des Maudits (với Marlon Brando, Montgomery Clift, Dean Martin), Au Risque de Se Perdre (với Audrey Hepburn, Peter Finch) cũng là những phim tôi còn nhớ. Mới từ Huế vào Sài Gòn, rất thích lai vãng đến các rạp thường trực như Lê Lợi, Vĩnh Lợi, hoặc trong túi rủng rẳng tiền thì tới Đại Nam, Rex, Cathay, Long Phụng v.v... bất cứ lúc nào có thì giờ.

Un Homme Est Passé là một phim hay, Spencer Tracy đóng giỏi, được giải Oscar vai chính. Spencer Tracy (tôi quên tên nhân vật trong phim), một kẻ lạ mặt, lạnh lùng, bí ẩn, một cánh tay bị hỏng không thể cử động giấu trong chiếc áo vest, một buổi sáng sớm từ xe lửa đáp xuống một vùng khô cằn, hoang phế, trông như một thành phố chết. Sau đó được biết anh là một cựu chiến binh đi tìm một người Nhật đã có ơn với anh trong thế chiến thứ hai. Mọi người trong vùng kháo với nhau về chuyện đó và đều không tỏ vẻ thân thiện với anh một chút nào nếu không muốn nói là thù nghịch. Hỏi thì họ đáp tên Nhật ấy đã bỏ xứ đi đâu từ lâu rồi, cũng có người nói hắn ta đã chết, cho nên tốt hơn hết là “mày hãy cút đi nơi khác cho khuất con mắt bọn tao”. Anh không đi, lòng hồ nghi, nhất định tìm cho ra manh mối, dù bị chống đối có khi nguy đến tính mạng. Cuối cùng anh khám phá ra rằng người Nhật đó đã bị giết chết bởi nhóm người bài Nhật tại thị trấn hoang tàn này khi chiến tranh Mỹ Nhật xẩy ra, và anh, dù là một cựu chiến binh chỉ còn một cánh tay, đã đánh bại và giết được mấy người trong bọn hung hăng ấy trước khi lên xe lửa ra đi. Người hùng Spencer Tracy đã xuống xe lửa sáng sớm hôm trước, và đã lên xe lửa ra đi sáng sớm hôm sau, cách nhau đúng 24 tiếng.

Tôi cũng đến Chicago rồi đáp xe lửa ra đi đúng ba ngày sau. Xin chớ vội cho rằng tôi có ý muốn ví von mình với người hùng như trong phim. Ngược lại thì có. Chuyện trái ngược thường vẫn gây liên tưởng mạnh.

Chúng tôi đi máy bay từ phi trường Greenville International Airport, South Carolina, đáp xuống Phi Trường Quốc Tế O’Hare (O’Hare International Airport) của Chicago vào một buổi sáng cuối mùa xuân. Kéo theo cái túi xách đi nhanh qua những tòa ngang dãy dọc nối nhau như bất tận, qua những thang cuốn nằm ngang hoặc lên tầng trên, hoặc xuống tầng dưới, cuối cùng chúng tôi đến được chỗ nhận hành lý. Chỉ chờ khoảng 15 phút lấy hành lý xong, chúng tôi ra khỏi toà nhà phi cảng đón taxi. Bên trong ấm áp nhờ máy điều hòa không khí, ra ngoài mới run cầm cập vì cái lạnh của Chicago. Cũng may, có taxi ngay. Câu chào hỏi đầu tiên của anh tài xế:
“Năm nay thời tiết của Chicago lạ quá phải không ông bà. Đã cuối mùa xuân mà trời lạnh như đang giữa mùa đông.”

Sau 40 phút, taxi đưa chúng tôi đến một khách sạn nằm ở ngay giữa một khu phố đẹp đẽ và đông đúc trên đường South Illinois chạy từ Tây sang Đông, và cuối đường về phía Đông là Hồ Michigan. Đường Illinois song song với đường Grand rất dài, đồng thời song song với một nhánh sông Chicago đổ ra Hồ, và song song với những con đường lớn khác như Ohio, Ontario, Hubbard, Kinzie v.v... Những con đường thẳng góc, tức là chạy theo hướng Bắc Nam, là La Salle, State, Lake Shore, Wells v.v... Chỗ chúng tôi ở đến Hồ khá gần, khoảng 15 phút đi bộ. Chicago và vùng phụ cận rất lớn, thuộc tiểu bang Illinois. Trong một thời gian quá ngắn ngủi chúng tôi không thể nào đi được nhiều nơi. Ngay cả khu downtown này chúng tôi cũng phải đi vồi vội như kẻ chạy rông, thế nhưng có đến được hết những nơi muốn đến đâu.

Chicago quả có sức hút kỳ lạ đối với tôi, hơn hẳn những thành phố lớn khác của Mỹ mà tôi có ghé qua như Los Angeles, New York, Atlanta, San Francisco, Miami, Seattle, Houston, Orlando, Washington D.C., Virginia, Maryland v.v...

Hồ Michigan mênh mông. Nhìn ra xa, nhìn mãi, không thấy được bờ bên kia, lẽ dĩ nhiên, mà chỉ thấy một chân trời thoai thoải cong theo chiều cong mơ hồ của quả đất. Nước xanh, sóng nhỏ, tàu bè thấp thoáng. Đã lạnh, gió hồ thổi vào càng lạnh thêm. Trên bãi cát dài, cát trắng, cát vàng, chạy theo bờ nước uốn mình, không có rong rêu. Thế có dã tràng không nhỉ? Dã tràng xe cát biển Đông. Và gió cũng không mặn. Nước hồ ngọt thì làm sao có gió mặn. Và hồ thì nằm phía đông bắc Chicago chứ đâu phải là biển đông, thế mà những liên tưởng cứ đưa tôi đến những bãi biển tôi đã qua, nhất là bãi biển Cam Ranh. Giá bên kia con đường nhựa đen chạy song song với hồ không đứng sừng sững những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà chọc trời, mà là những ngọn đồi xanh trên đấy cũng xanh biếc nào me, dừa, bàng, nào cau, chuối, tre phất phơ trong gió, và chen lẫn lác đác trong nhiều tầng lớp màu xanh ấy là những cây phượng mùa này đã trổ hoa đỏ thắm ... thì đây đúng là Cam Ranh rồi. Nhưng tại sao Cam Ranh? Bờ biển Việt Nam dài, rất nhiều nơi trông giống nơi này nếu ta không nhìn xéo vào phía thành phố, thế mà tôi chỉ nhớ Cam Ranh thôi. Quả là trí nhớ của tôi không sòng phẳng chút nào.

Không chỉ lạnh, còn có mưa bụi hạt nhỏ như sương mù. Trên nhiều con đường dài và thẳng góc với nhau họp thành những ô vuông, ô chữ nhật, xe cộ khá tấp nập. Lề đường rộng thênh thang, và khách bộ hành cũng tấp nập không kém. Người đi bộ nhiều như thế này, nhất là đi bộ dưới cơn mưa dù là mưa lất phất, sẽ có nhiều chiếc giày dễ bị đứt chỉ, mòn gót, lủng đế, rách mũi, thì quanh đây chắc cũng có những tiệm sửa giày như ở quê tôi chăng. Chứ tại California, tôi chỉ thấy những cửa hàng bán giày lớn lao, những shoe cities mà thôi. Và hình như người ta không có thói quen mang giày đi sửa, giày chưa hỏng đã mua giày mới, kiểu mới. Giày cũng khó hư lắm vì rất ít người đi bộ. Dân Mỹ, kể cả di dân từ nước khác tới Los Angeles, vừa ra khỏi nhà đã lên xe, hoặc lên xe ngay từ trong nhà xe rồi lái xe thẳng tới sở làm, rồi cũng cho xe vào chỗ đậu không xa nơi làm việc là bao, cho nên rất ít dịp đi bộ. Lạ quá, cả cái lề đường Chicago cũng kéo tôi trở về với những góc phố vắng dưới tàng cây bàng, cây phượng, nơi đó có ông già hiền lành với bộ đồ nghề rất đơn sơ - vài hộp xi-ra đen, nâu nằm bên cạnh cái bàn chải và chiếc khăn lông lem luốc dùng để đánh giày cho láng, cái kéo cắt da thô tháp, chiếc dao mỏng hình dáng như lưỡi mã tấu sắc lẻm để xén da, mấy cây kim lép lép cong cong sáng loáng lỗ kim thật to để được xâu qua đấy những sợi dây gai sau khi được chuốt nhẹ vào thỏi bạch lạp. Tất cả bộ đồ nghề ấy được đặt vào cái hộp bằng gỗ ọp ẹp có nhiều ngăn. Và chiếc ghế xếp, mặt ghế bằng vải bố, thấp chủn nằm sát gốc cây dành cho khách ngồi chờ. Khách chờ lâu lỡ có mỏi lưng có thể dựa vào thân cây đó.

Những người đi bộ nơi đây đại đa số phục sức trang nhã, nam giới quần dài, áo vest, áo choàng, giày đen bóng, nữ giới váy dài, vớ dài, giày cao gót đi thoăn thoắt. Tay thường cầm dù. Thỉnh thoảng có người mặc áo mưa hay đội nón. Thường trông họ vóc người tầm thước như những người Pháp, Ý, Tây Ban Nha ở châu Âu. Một số ít người da đen - những người da đen của thành phố này rất nhã nhặn và hiếu khách. Hiếm khi gặp người châu Á. Họ thường đi thành từng toán nhỏ vài ba người, nói chuyện với nhau vui vẻ, hơi khói tuôn ra từ cửa miệng, lỗ mũi, không phải do hút thuốc lá mà do trời lạnh. Ở các thành phố lớn khác, New York chẳng hạn, người ta đi riêng rẻ, hấp tấp, vội vàng. Mà có đi kề nhau đi nữa, ai cũng lo phận nấy, ít khi chuyện trò, mặt khó đăm đăm.

Đặc biệt, không thấy cảnh sát đâu cả.

Đèn lưu thông vẫn thay nhau đổi màu cho xe cộ biết mà chạy hoặc dừng, nhưng người bộ hành hễ thấy đường trống là “rùng mình một cái rồi khoa chân lăng ba vi bộ” vượt ngay qua bên kia đường một cách nhanh chóng, tài tình. Có khi đèn xanh bật lên báo hiệu cho xe hơi chạy, nhưng nếu thấy vài ba bộ hành tràn xuống lòng đường, xe từ từ giảm tốc độ và chờ. Người lái xe không bấm còi, không tỏ ý bực bội. Như đã nói, không thấy cảnh sát đâu cả, nhưng nếu họ có mặt, có lẽ họ cũng không biên giấy phạt ai cả. Vì vậy cái cảnh vui mắt ấy mới xẩy ra hoài. Chắc chắn là cảnh sát Chicago hiền hơn cảnh sát Los Angeles nhiều.

Đâu đâu cũng thấy những bồn hoa, chậu hoa to lớn, nhiều màu sắc, nằm rải rác trên các lề đường rộng rãi trước những cửa tiệm bán hàng hóa, hoặc ngân hàng, hoặc khách sạn, hoặc nhà hàng ăn uống. Lẫn trong đám bộ hành ngược xuôi, dăm ba người, hẳn là công nhân của một cơ quan nào đó của thành phố, mặc đồng phục, dùng xuổng cầm tay xới đất, bón phân, ngắt bớt những cành hoa nghiêng ngã, những ngọn lá héo, hốt đi lớp tuyết giá phủ trên gốc cây, và trồng thêm hoa mới. Họ làm việc một cách thầm lặng, chăm chỉ, cần mẫn.

Cứ đi một đoạn đường ngắn là gặp một nhà hàng ăn. Quá nhiều nhà hàng ăn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, Mỹ, Pháp, Ý, v.v..., có cả một số nhà hàng Nhật, Tàu, Ả Rập, Việt Nam. Các nhà hàng Việt Nam với những bản hiệu vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt nằm trên một con đường khá đẹp gần trường Đại Học Loyola University thuộc khu Magnificent Mile phía bắc một nhánh sông Chicago, ở đó có rất nhiều món ăn Việt Nam nấu rất ngon không thua gì vùng Little Sài Gòn, Nam California. Lại có cả Bánh Mì Ba Lẹ, Phở Tăng, Bún Bò Huế, thực khách đủ mọi sắc dân, người da trắng đông hơn người Việt. Vậy vào nhà hàng nào đây, bụng chưa đói nhưng miệng đòi ăn, và tiện thể tránh một loạt mưa theo gió từ trên cao sà xuống? Thử vào Au Bon Pain nhé để đổi món. Vào đấy như vào một thế giới khác, ấm cúng, thơm tho. Các món ăn Pháp trông hấp dẫn, mùi cà phê Pháp ngào ngạt. Những chiếc bàn ăn xinh xắn, những bản thực đơn nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Anh. Và những người phục vụ trẻ trung, niềm nỡ, nam thì nhanh nhẩu, điển trai, nữ thì đẹp đẽ, duyên dáng.

“Xin lỗi, người Pháp phải không?” tôi hỏi.

Câu trả lời dễ thương kèm theo nụ cười tươi:
“Không, thưa ông. Nhưng chúng tôi cũng nói được tiếng Pháp chứ. Oui, non, merci, chỉ chừng đó thôi.”

Nhìn xéo qua bên kia đường thấy có bản hiệu Chicken Rôtisserie trên vòm cửa của một quán ăn nhỏ. Lại nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp. Tôi định bụng chiều nay sẽ tới đó mua một ổ bánh mì Tây vừa mới “ra lò”, chưa cầm nó trong tay mà đã nghe mùi nắng hè, mùi lúa mới gặt, mùi bếp lửa than hồng, và thoang thoảng mùi bơ; và lẽ dĩ nhiên phải mua nguyên một con gà rô-ti kiểu Pháp, rồi mang về khách sạn, rồi cho vào lò nướng thêm một chút cho da nó vàng hơn, cho thịt có chút cháy sém. Thế là sẽ có một bữa ăn tối mơ ước. A, nhớ mua một chai rượu chát Pháp nữa chứ, xem nào, có dồi dào tiền thì mua một chai Château d’Yquem loại nhỏ rót ra vừa đủ hai ly. Trí nhớ quay về với những con gà rô-ti trên vỉa hè đường Saint Michel, Paris, Pháp, cách đây đã lâu rồi. Gà rô-ti theo kiểu Pháp ngon quá, ngon hơn hẳn gà quay kiểu Tàu tại tiệm Kang Lạc khu Bolsa, Nam California. Lần này đến Chicago lòng háo hức mong được thưởng thức lại món ăn của những ngày khá xa xôi ấy.

Lại nghĩ lan man, lại nhớ những quãng thời gian xa hơn nữa. Những ngày thanh bình ngắn ngủi trên quê hương, những năm cuối của thập niên 1950. Hồi đó từ Trung vào Nam còn có thể sử dụng phương tiện di chuyển mà tôi rất thích: đi xe lửa. Từ Huế vào, xe lửa dừng lại tại các ga lớn khá lâu, như các ga Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Mường Mán ..., đủ thì giờ cho hành khách xuống xe đi tản bộ trên sân ga cho dãn gân dãn cốt, cho mắt được dịp ngắm nhìn kẻ mua người bán xôn xao, nhộn nhịp, cho tai được nghe giọng nói khác lạ của từng địa phương.

Tôi đến các sạp bán đồ lưu niệm chọn vài món. Rồi đến các hàng ăn trông rất ngon lành, không đói mà cũng thử một vài món đặc sản. Tôi nhớ các món đặc sản ở ga Quảng Ngãi hơn cả: mạch nha, kẹo gương, kẹo cau, đường phổi, chim mía... và nhất là gà. Gà Quảng Ngãi thật là đặc biệt, ngon đặc biệt, và rẻ đặc biệt. Với số tiền trả cho nửa tô phở bây giờ mà đã có thể mua được một dĩa cơm gà hấp nguyên con có cả cái đầu, cặp giò, phao câu, với mấy ngọn rau xà lách tươi tắn, mấy cọng hành xanh nõn, mấy lát cà chua và ớt đỏ thắm, dăm miếng dưa leo cắt xéo, hạt tiêu đen rải lốm đốm, cùng một chén nước mắm gừng ngọt ngọt, cay cay. Lần đầu tiên ăn hết nguyên một con gà. Rồi xe lửa tiếp tục xuôi Nam, qua khỏi Nha Trang, Cam Ranh mà mùi vị gà Quảng Ngãi vẫn còn vương vấn trong hơi thở, trong cổ họng. Vâng, chiều nay thế nào cũng phải quay lại Chicken Rôtisserie.

1   2