Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011
Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ: sách và nhà
NGUYỄN XUÂN HOÀNG (N.X.H.): Nào, tiếp tục. Lần trước chúng ta bắt đầu bằng câu chuyện hô bài chòi của dân quê tại một làng hẻo lánh nghèo nàn ở miền Trung nước ta. Lần này...
VÕ PHIẾN (V.P.): Lần này, xin đề nghị bắt đầu bằng câu chuyện một đại trí thức ở Paris, kinh đô ánh sáng của nước Pháp. Nên chăng?
N.X.H.: To chuyện thế! Ông định nói về nhà đại trí thức nào vậy?
V.P.: Jean-Paul Sartre.
N.X.H.: Ối!
V.P.: Tôi biết mà: Ông ngấy tận cổ. Ðã có một thời, ở Sài Gòn ta, giới văn nghệ hễ mở miệng là toàn Sartre với Camus. Ông lại là giáo sư, dạy văn dạy triết, sớm chiều đụng đầu mấy ông này hàng ngày, chán là phải. Nhưng xin nói ngay là những điều tôi sắp đưa ra không liên quan gì đến triết học với văn chương cả. Chẳng qua chuyện đời sống.
Như ông đã biết, cha mất sớm, Sartre với mẹ về ở nhà ngoại. Ông ngoại là nhà giáo dạy Ðức ngữ, cũng có soạn một cuốn sách giáo khoa được in đi in lại. Vậy ngoại là một tác giả, một hãnh diện của gia đình. Tác giả tất nhiên có tủ sách gia đình. Cậu bé Sartre từ nhỏ đã lân la vào phòng sách của ngoại, và sống những giờ mê tơi. Về già, lúc gần tuổi sáu mươi, trong cuốn Les mots, ông viết: “Tôi đã bắt đầu và chắc chắn rồi cũng sẽ kết thúc cuộc đời mình giữa các cuốn sách.” (“J’ai commencé ma vie comme je la finirai sans doute: au milieu des livres.”)
Sống và chết giữa các cuốn sách không giống như sống và chết giữa vựa lúa của một nhà nông, hay giữa kho hàng của một nhà buôn, hay giữa bàn ghế trong công thự của một viên quan lại nào đó trong guồng máy cai trị của các chế độ. Sách là thứ lạ lùng hơn nhiều. Ở một đoạn khác của tác phẩm vừa kể, ông viết: “Tôi đã tìm ra cái tôn giáo của tôi: tôi thấy không có gì quan trọng hơn là một cuốn sách. Cái phòng sách, tôi xem nó như một ngôi đền.” (“J’avais trouvé ma religion: rien ne me parut plus important qu’un livre. La bibliothèque, j’y voyais un temple.”)
N.X.H.: Ý ông muốn nhấn mạnh đến vai trò của phòng đọc sách gia đình chứ gì? đến vai trò lớn lao của nó trong việc đào tạo nên những nhà trí thức, nhà văn hóa v.v... chứ gì? Tôi nhận thấy ở nước ta, trong những gia đình đời đời danh tiếng, suốt mấy trăm năm đã cống hiến cho dân tộc bao nhiêu là danh nho danh sĩ, như dòng họ Lê (Quí Ðôn), họ Nguyễn (Du), họ Phan (Huy Vịnh) v.v..., đâu thấy nói tới một phòng sách nào?
V.P.: Ông vừa động đến một đặc điểm văn hoá của Ðông phương. Ở ta, cũng như ở Tàu xưa kia, cá nhân không có vai trò, cá nhân bị xoá nhoà trong cuộc sống đại gia đình. Không ai có phòng riêng, có một khu vực sinh hoạt riêng tư cả. Trong một đại gia đình đông đảo nườm nượp, sự ngăn chia phòng ốc riêng biệt là không thực tế. Bởi vậy lúc bấy giờ không phải chỉ vắng mặt một cái phòng sách, mà vắng thiếu tất cả. Bấy giờ trong nhà không hề có phòng ngủ, mặc dù ai nấy đều có lúc ngủ; không có phòng ăn, mặc dù gia đình nào cũng ăn; không có phòng tắm phòng vệ sinh, mặc dù không có ai nhịn...
Nhà không chia phòng riêng, như vậy trên một bộ phản, nếu vất lên đó mấy chiếc gối thì đó là phòng ngủ. Nếu bày lên đó mâm bát, hay bộ đồ trà thì đó là phòng ăn. Nếu đặt ra cái án thư thì đó là phòng sách... Chiếc án thư đã xa lạc chúng ta lâu ngày quá, đến nỗi thế hệ ngày nay lắm người phân vân không biết viết tên nó ra sao: án hay là áng!
Xưa có, giờ không là thế.
N.X.H.: Ông bảo ta mất cái án thư đã lâu quá, thế nghĩa là ở ta việc đọc sách chấm dứt từ những bao giờ, chứ đâu phải chờ đến cuối thế kỷ này?
V.P.: Sau chiếc án thư của nền văn hoá cũ, ta chịu ảnh hưởng Tây phương, và trong nhà chúng ta liền có những phòng sách hẳn hoi.
N.X.H.: Cái đó hiếm đa.
V.P.: Chắc là hiếm. Ngay ở Pháp có lẽ những nhà có thư phòng như nhà ông ngoại của Sartre cũng không nhiều lắm đâu. Nhưng ở ta vẫn có. Xem nào. Ông còn nhớ vở kịch của Trần Lê Nguyễn viết hồi 1970, đăng ở tạp chí Thời Tập chứ? Vở kịch mang tên là “Ngôi nhà trên đồi thông”. Trong ngôi nhà ấy có một phòng sách. Tác phẩm là một hư cấu, nhưng trong đoạn kịch này Trần Lê Nguyễn ám chỉ một nhân vật lịch sử rất gần, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Nhân vật có thực, hi vọng là nhà cũng thực.
Có thể ông chê rằng tôi dẫn một nhân vật đặc biệt quá. Vậy xin kể một nhân vật khác không đặc biệt. Nhân vật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, sống ở miền quê Nam phần, ở miệt vườn...
N.X.H.: Ủa, ông bảo là... Hồ Biểu Chánh? Thời cụ Hồ Biểu Chánh văn chương quốc âm đã có mấy, sách được bao nhiêu cuốn mà đòi làm phòng sách? Rồi mua sách chữ nho xếp vào tủ sao? Miệt vườn thời ấy có nhiều người thông hán học không?
V.P.: Ấy, tôi không dám bảo! Thực ra là Sơn Nam bảo. Ở xứ này xa quê hương quá, muốn tiêu sầu thực khó tìm được những cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh để đọc chơi. Sơn Nam khảo về nếp sống miệt vườn, kể rằng trong tiểu thuyết của Hồ tiên sinh có cậu Bác Ái từng học ở Sài Gòn rồi về quê tại cù lao Ông Chưởng dưới Long Xuyên. Cậu muốn đi Tây du học, nhưng cha cậu là ông hội đồng Thời không muốn cho cậu đi xa. Cậu bèn xin tiền mẹ gửi lên Sài Gòn mua bốn năm nhựt báo mà xem, lại còn “gởi qua Tây mua sách, nhứt là mấy bộ tiểu thuyết hay, để dành mà đọc. Anh ta lại xin phép cha rồi dọn trọn một cái chái nhà phía trên để làm thơ phòng.” Hồ Biểu Chánh gọi nhân vật Bác Ái là “anh ta”. Còn Sơn Nam thì mách thêm: “Cái thơ phòng ấy được mô tả tỉ mỉ, trong tiểu thuyết Một chữ tình cũng của Hồ Biểu Chánh, nên chú ý là tiểu thuyết này ‘viết xong hồi tháng 10 năm 1923’.”
Tôi chú ý lắm. Cách đây bảy mươi năm, nhà ở miền quê dưới Long Xuyên có phòng sách. Chỉ tiếc không có được cuốn Một chữ tình để xem cho kỹ cái phòng.
Chắc chắn phòng sách cậu Bác Ái ở Long Xuyên hồi đầu thế kỷ thua xa phòng sách miền Alsace-Lorraine của ông ngoại cụ Sartre. Dù sao, vẫn hơn ngôi nhà Mỹ của chúng ta hiện nay, vào cuối thế kỷ.
N.X.H.: Theo tôi nhận thấy, nội dung tủ sách của cậu Bác Ái, như đã kể, cũng khá nghèo nàn: một số nhựt báo, mấy bộ tiểu thuyết.
V.P.: Ý tôi muốn nói về cái phòng. Cái phòng chẳng qua là cái vỏ, không phải là nội dung. Tuy nhiên nó có ý nghĩa quan trọng của nó, ông ạ.
Hiện nay ở Mỹ chúng ta mua nhà hay thuê nhà, loàng xoàng thì một vài phòng, khá hơn thì ba bốn phòng. Có phòng nào gọi là phòng sách không? Ông nghĩ coi: Phòng ngủ, có. Phòng ăn, có. Phòng bài tiết, có. Ngoài ra nào là T.V. room, family room, living room v.v... Cái phòng sách, nó ở đâu? Nó biến mất từ hồi nào? Mất ngôi đền, mất cả tôn giáo của ông Sartre rồi.
Thành thử cái sự kiện con người xa sách, nó không phải chuyện bất thường, tạm bợ, ngẫu nhiên. Xa này là xa hẳn, là dứt khoát. Sự xa rời ấy đã ăn vào nếp sống, vào tập tục ngày nay, nó âm thầm ảnh hưởng tới quan niệm của ngành kiến trúc mới lúc nào không ai hay. Cái sự mất đi phòng sách là sự quan trọng: Mất phòng là mất đền, mất đạo. Bất luận cái phòng ấy chứa đựng một nội dung phong phú hay nghèo nàn, nó tiêu biểu một nhu cầu. Không còn nó nữa là không còn một nhu cầu. Thật vậy: mỗi ngày chỉ còn 11 phút đọc sách thì phòng phiếc làm chi cho lố bịch hả ông?
Sự thiếu phòng hiện nay không giống như sự thiếu phòng ở Ðông phương ngày xưa. Ở Mỹ bây giờ thỉnh thoảng bên mép bồn tắm có tờ tạp chí đặt úp mặt xuống để làm dấu một trang đang đọc lở dở, thỉnh thoảng trên nắp thùng nước ở cầu tiêu cũng có cuốn sách bị bẻ gấp một trang đánh dấu đang đọc v.v... Những cuốn sách tờ báo ấy không có khả năng biến cái bồn tắm hay cầu tiêu nọ thành ra thư phòng (như cái án thư đã biến bộ phản thành thư phòng xưa kia).
N.X.H.: Muốn nói cho có sách mách có chứng thì nói vậy, thực ra không cần phải đi tìm cái phòng sách trong cuốn kịch nọ cuốn tiểu thuyết kia. Hồi ở Sài Gòn, chung quanh chúng ta cũng không thiếu những bạn bè nhà có phòng sách; sau tháng 4-75 chạy đi không mang sách theo được, nghe tin bị tịch thu kêu trời như bọng. Nhưng cái phòng sách ở cù lao Ông Chưởng thì sớm thật... Tội nghiệp cậu Bác Ái... ít sách, sơ sài quá.
V.P.: Xem bộ ông băn khoăn mãi về cái “nội dung”. Không hề gì, ông ơi. Phòng sách không phải là kho sách. Kho sách là nơi chứa sách: cốt nhiều. Phòng sách là nơi để đọc sách: cốt ta tìm thấy hứng thú say mê ở trong đó hơn 11 phút mỗi ngày.
Tủ sách của ông ngoại có thể đồ sộ, nhưng cậu bé Jean-Paul Sartre lúc bấy giờ tôi e không đọc được mấy đâu. Ðêm đêm cu cậu ôm vào giường cuốn Sans famille của Hector Malot đã thuộc làu. Lớn hơn chút nữa, cậu đọc đi đọc lại hoài đoạn cuối của cuốn Madame Bovary đến nỗi thuộc từng đoạn dài, cậu thắc mắc mãi về chuyện anh chồng mất vợ vừa tìm ra được mấy lá thư và râu anh ta mọc tùm lum: tại sao vậy cà? có phải râu mọc vì thư tình không nhỉ? thắc mắc về cái vụ anh chồng nhìn Rodolphe cách ai oán: ai oán cái gì vậy cà? v.v... Cậu bé loay hoay mãi về những đoạn văn mình hiểu mà vẫn không hiểu, cậu mê tơi về cái hấp dẫn của cuộc sống bí ẩn, hàm hồ... Về già, Jean-Paul Sartre viết mấy nghìn trang về Gustave Flaubert. Có phải mấy nghìn trang nọ đã bắt nguồn mãi tận những ngày lẩn quẩn trong cái phòng sách thời thơ ấu?
Cái hang động của trầm tư ấy mất tích rồi. Bây giờ, T.V. room, cái giang sơn của gã mặt vuông náo nhiệt quá trời.
N.X.H.: Thưa ông, cái chính yếu là cái đọc, không phải là cái phòng. Có thật chắc chắn bây giờ người ta ít đọc hơn xưa không? Chúng ta đã nói rằng quần chúng ngày nay ít kiến thức sách vở hơn “kiến thức ti-vi”, rằng ngày nay không có nơi đọc sách như ngày xưa, rằng học sinh ngày ngày dành ít thì giờ cho cuốn sách hơn cho ti-vi v.v... Nhưng sự thực thế nào? Có bằng cứ gì rõ ràng chứng tỏ sự sút giảm không? Trên thị trường sách báo vẫn bán được, số lượng ấn hành không sút giảm, các nhà xuất bản vẫn phát đạt v.v... Chúng ta cần những số liệu cụ thể, những tang chứng có thể tin cậy hơn.
V.P.: Ông nói phải quá. Nên tìm chứng cứ. Nên lắm.
Trên tạp chí Văn Nghệ số 1730, xuất bản vào tháng 3-1993 ở Hà Nội, trong bài “Ðổi mới và tự do sáng tạo”, ông Hữu Mai hân hoan mở đầu: “Công cuộc Ðổi Mới đã mở ra trước nhà văn một chân trời sáng tạo rộng lớn về đề tài cũng như chủ đề, hình thức cũng như nội dung.” Sau đó tám dòng, ông nêu lên mấy số liệu cụ thể: “Người đọc bỏ rơi chúng ta. Số lượng in trung bình một cuốn tiểu thuyết trước khi có đổi mới là một, hai vạn cuốn, nay còn lại... một ngàn! (có lúc 500!)”
Chân trời sáng tạo nó mở ra rộng lớn một cách oái oăm quá. Vì vậy ông Huỳnh Bảo Trân không tưng bừng như ông Hữu Mai.
Trên tờ Văn Nghệ Quân Ðội, số tháng 2-1993 ở trong nước, ông Huỳnh có giọng buồn rầu: “Nhiều người viết hiện nay đã khá mệt mỏi, vì danh không có mà lợi cũng không. Nếu viết không đúng thị hiếu thì không những không được nhuận bút, mà còn phải bỏ tiền ra để tự xuất bản, nhiều khi lỗ vốn to. Sách in ra có khi chỉ vài ba trăm cuốn, nộp lưu chiểu, tặng bạn bè đã gần hết, số còn lại nhiều khi lăn lóc mãi chẳng có người mua. Thế là không có người đọc, hoặc rất ít người đọc, vậy thì làm gì có danh? Nhiều tác giả được bạn bè chúc mừng vì có sách mới, thường chép miệng một cách buồn bã: ‘Thôi thì cũng gọi là có thêm một đầu sách’!”
Sách in ra vài ba trăm cuốn! Ông thử nghĩ: Hồi tiền chiến đâu có vậy? mà hồi thời các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng không đến nỗi thế. E thời cụ Lê Quí Ðôn, thời cụ Lê Văn Hưu cũng khá hơn.
N.X.H.: Tôi nghĩ ông Huỳnh Bảo Trân cố tình nêu ra trường hợp tệ nhất.
V.P.: Chắc thế. Hãy nói đến các trường hợp tốt, trường hợp những tác giả thượng thặng, có danh tiếng lớn trong nước: Chẳng hạn Nguyễn Khải. Năm 1985 cuốn Gặp gỡ cuối năm in lần thứ hai mà in những 30,000 bản. Năm 1987 cuốn Vòng sóng đến vô cùng in lần đầu 15,000 bản. Ðến năm 1989 cuốn Một cõi nhân gian bé tí in 7,150 bản. Lại chẳng hạn trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Năm 1988 cuốn Tướng về hưu in 30,500 bản. Năm 1991 cuốn Con gái Thủy thần in 2,000 bản.
N.X.H.: Sự cách biệt thật quá xa. Chính vì chỗ quá đáng ấy mà tôi thấy không thể giải thích bằng lý do người đọc chán sách. Khó tưởng tượng người ta chán đột ngột, nhanh chóng đến thế.
Có một lý do khác, tôi cho là quan trọng. Trước, sách in ra không căn cứ theo nhu cầu: cứ in theo “kế hoạch”, cơ quan xuất bản tự ấn định lấy số lượng ấn hành, rồi sách được phân phối xuống các thư viện, các cơ quan, các tủ sách tỉnh, huyện, xã v.v..., cứ tống bừa xuống cho đến hết sách thì thôi. Sau này, sách đưa ra bày bán tự do, ai muốn đọc thì mua, thế là hốc hác ngay. Nhu cầu thực sự chẳng là bao. Ðây là câu chuyện chế độ kinh tế đổi thay, không phải sở thích con người đổi thay.
V.P.: Lý do ông đưa ra đúng là lý do quan trọng. Lý do thay đổi sở thích không quan trọng bằng, nhưng nó liên quan đến vấn đề chúng ta đang nói. Tôi cho rằng không thể bỏ qua nó, coi nhẹ nó. Năm 1963 cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê in 2,000 bản; năm 1991 cuốn Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng, quyển 1, của Cao Xuân Hạo in 700 bản. Năm 1970 cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên do Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê viết in 3,000 bản (bán hết trong vòng sáu tháng, và in lại 2,000 bản). Năm 1990 cuốn Ðỗ Phủ, nhà thơ dân đen, quyển thượng, của Phan Ngọc viết in 2,500 bản. Những tác phẩm nọ cùng là sách biên khảo, hoặc cùng thuộc về ngữ pháp Việt Nam, hoặc cùng về văn học Trung Hoa, nghĩa là cùng loại. Các cuốn trước in ở Miền Nam lúc bấy giờ khoảng hai chục triệu dân; các cuốn sau phát hành toàn quốc với dân số trên bảy chục triệu. Cùng chế độ kinh tế thị trường cả. Ông nghĩ sao?
N.X.H.: Ở Việt Nam ta trong những năm gần đây tình hình gặp bế tắc, suy sụp. Ở Âu Mỹ, nơi những nước ổn định...
V.P.: Ổn định và thịnh vượng như Hoa Kỳ là nhất chứ gì? Thế nhưng ở đây người đọc cũng bỏ rơi sách dữ lắm, ông ơi.
Thoạt trông qua, việc làm ăn của giới xuất bản vẫn tấp nập như thường: Trong vòng năm năm, từ 1985 đến 1990 số bán tăng lên 11%. Tuy vậy, chuyện không đơn giản đâu. Theo kết quả điều tra của viện Gallup thì từ 1978 đến 1990 số người Mỹ “không đọc một cuốn sách nào trong suốt năm qua” tăng gấp đôi: Năm 1978 là 8%, năm 1990 là 16%. Trong khi ấy, số người được học hành vẫn tăng cao. Từ 1940 đến 1990, số người Mỹ học xong bốn năm trung học tăng gấp ba, số người học xong bốn năm đại học tăng hơn bốn lần.
Ủa, vậy sách in ra bán cho ai mà vẫn bán? – Số thống kê của Hiệp hội các thư quán Hoa Kỳ (American Booksellers Assn.) cho biết hơn một phần tư tổng số sách bán được là vào khoảng hai tháng 11 và 12 mỗi năm. À, hoá ra sách cũng như cà-vạt! mua để làm quà Giáng sinh! Thảo nào. Sách do mình bỏ tiền ra mua còn không chịu đọc, huống hồ là sách người ta biếu không! Sách để chưng. Sách vất đấy, thỉnh thoảng có dịp nghe thiên hạ nói nhiều thì bốc lên, lướt nhanh qua mấy trang cho biết đại khái v.v...
Những con số thống kê, điều tra nọ kia tôi vừa dẫn ra là nhặt từ trong một bài báo của ông Mitchell Stephens, giáo sư đại học ở New York. Bài báo có cái tên nghe rất... trệ: “The death of Reading”. Chết rồi. Cái đọc là cái chết ngỏm từ khuya ở Mỹ rồi nhé. Không còn là chuyện để lo lắng gì nữa. Xong rồi. Ðây là một thời đại khác, của cái khác.
N.X.H.: Ông lại muốn gầm gừ với chiếc ti-vi chứ gì?
V.P.: Thì đấy. Tiêu biểu của trí thức trước đây là con mọt sách (bookworm). Tiêu biểu của thời nay là cái củ khoai.
N.X.H.: Củ khoai?
V.P.: Vâng. Là cái củ khoai nằm chình ình giữa đi-văng. Tiếng couch potato xuất hiện lần đầu tiên trong Anh ngữ là vào khoảng 1986. Ðấng anh hùng thời đại xuất thế cũng chưa lâu mấy. Vậy mà tình thế đã đủ đảo điên. Trong gia đình Mỹ bây giờ mỗi ngày trung bình ti-vi mở bảy tiếng đồng hồ: trai, gái, già, trẻ xúm nhau chia hưởng quãng thời gian ấy.
N.X.H.: Tôi e chúng ta đi xa trọng tâm vấn đề rồi chăng? Nếu củ khoai có đè bẹp con mọt, ti-vi có lấn cuốn sách thì chẳng qua là anh hàng sách, ông nhà văn bị nghèo đi, so với cửa hàng ti-vi, việc ấy có dính líu gì đến chuyện đường hướng sáng tác đâu? Vì một chuyện cạnh tranh làm ăn mà đâm cay cú với gã mặt vuông thì hổng được... quân tử. Chúng ta đang nói đến chuyện văn nghệ, chuyện văn hoá mà ông.
V.P.: Tôi nào dám quên. Nhưng xin từ từ. Tôi đề nghị thế này: Trước tiên, chúng ta nêu ra một số dữ kiện đặc biệt của hoàn cảnh mới. Như vụ bỏ rơi sách vừa rồi chẳng hạn. Sau đó, chúng ta sẽ lần lần tìm hiểu ảnh hưởng của những đặc điểm hoàn cảnh ấy đối với việc sáng tác văn nghệ. Chuyện tìm hiểu, hãy thong thả. Kỳ sau, chúng ta lại thử nêu một đặc điểm nữa.
3 - 1993
VÕ PHIẾN (V.P.): Lần này, xin đề nghị bắt đầu bằng câu chuyện một đại trí thức ở Paris, kinh đô ánh sáng của nước Pháp. Nên chăng?
N.X.H.: To chuyện thế! Ông định nói về nhà đại trí thức nào vậy?
V.P.: Jean-Paul Sartre.
N.X.H.: Ối!
V.P.: Tôi biết mà: Ông ngấy tận cổ. Ðã có một thời, ở Sài Gòn ta, giới văn nghệ hễ mở miệng là toàn Sartre với Camus. Ông lại là giáo sư, dạy văn dạy triết, sớm chiều đụng đầu mấy ông này hàng ngày, chán là phải. Nhưng xin nói ngay là những điều tôi sắp đưa ra không liên quan gì đến triết học với văn chương cả. Chẳng qua chuyện đời sống.
Như ông đã biết, cha mất sớm, Sartre với mẹ về ở nhà ngoại. Ông ngoại là nhà giáo dạy Ðức ngữ, cũng có soạn một cuốn sách giáo khoa được in đi in lại. Vậy ngoại là một tác giả, một hãnh diện của gia đình. Tác giả tất nhiên có tủ sách gia đình. Cậu bé Sartre từ nhỏ đã lân la vào phòng sách của ngoại, và sống những giờ mê tơi. Về già, lúc gần tuổi sáu mươi, trong cuốn Les mots, ông viết: “Tôi đã bắt đầu và chắc chắn rồi cũng sẽ kết thúc cuộc đời mình giữa các cuốn sách.” (“J’ai commencé ma vie comme je la finirai sans doute: au milieu des livres.”)
Sống và chết giữa các cuốn sách không giống như sống và chết giữa vựa lúa của một nhà nông, hay giữa kho hàng của một nhà buôn, hay giữa bàn ghế trong công thự của một viên quan lại nào đó trong guồng máy cai trị của các chế độ. Sách là thứ lạ lùng hơn nhiều. Ở một đoạn khác của tác phẩm vừa kể, ông viết: “Tôi đã tìm ra cái tôn giáo của tôi: tôi thấy không có gì quan trọng hơn là một cuốn sách. Cái phòng sách, tôi xem nó như một ngôi đền.” (“J’avais trouvé ma religion: rien ne me parut plus important qu’un livre. La bibliothèque, j’y voyais un temple.”)
N.X.H.: Ý ông muốn nhấn mạnh đến vai trò của phòng đọc sách gia đình chứ gì? đến vai trò lớn lao của nó trong việc đào tạo nên những nhà trí thức, nhà văn hóa v.v... chứ gì? Tôi nhận thấy ở nước ta, trong những gia đình đời đời danh tiếng, suốt mấy trăm năm đã cống hiến cho dân tộc bao nhiêu là danh nho danh sĩ, như dòng họ Lê (Quí Ðôn), họ Nguyễn (Du), họ Phan (Huy Vịnh) v.v..., đâu thấy nói tới một phòng sách nào?
V.P.: Ông vừa động đến một đặc điểm văn hoá của Ðông phương. Ở ta, cũng như ở Tàu xưa kia, cá nhân không có vai trò, cá nhân bị xoá nhoà trong cuộc sống đại gia đình. Không ai có phòng riêng, có một khu vực sinh hoạt riêng tư cả. Trong một đại gia đình đông đảo nườm nượp, sự ngăn chia phòng ốc riêng biệt là không thực tế. Bởi vậy lúc bấy giờ không phải chỉ vắng mặt một cái phòng sách, mà vắng thiếu tất cả. Bấy giờ trong nhà không hề có phòng ngủ, mặc dù ai nấy đều có lúc ngủ; không có phòng ăn, mặc dù gia đình nào cũng ăn; không có phòng tắm phòng vệ sinh, mặc dù không có ai nhịn...
Nhà không chia phòng riêng, như vậy trên một bộ phản, nếu vất lên đó mấy chiếc gối thì đó là phòng ngủ. Nếu bày lên đó mâm bát, hay bộ đồ trà thì đó là phòng ăn. Nếu đặt ra cái án thư thì đó là phòng sách... Chiếc án thư đã xa lạc chúng ta lâu ngày quá, đến nỗi thế hệ ngày nay lắm người phân vân không biết viết tên nó ra sao: án hay là áng!
Xưa có, giờ không là thế.
N.X.H.: Ông bảo ta mất cái án thư đã lâu quá, thế nghĩa là ở ta việc đọc sách chấm dứt từ những bao giờ, chứ đâu phải chờ đến cuối thế kỷ này?
V.P.: Sau chiếc án thư của nền văn hoá cũ, ta chịu ảnh hưởng Tây phương, và trong nhà chúng ta liền có những phòng sách hẳn hoi.
N.X.H.: Cái đó hiếm đa.
V.P.: Chắc là hiếm. Ngay ở Pháp có lẽ những nhà có thư phòng như nhà ông ngoại của Sartre cũng không nhiều lắm đâu. Nhưng ở ta vẫn có. Xem nào. Ông còn nhớ vở kịch của Trần Lê Nguyễn viết hồi 1970, đăng ở tạp chí Thời Tập chứ? Vở kịch mang tên là “Ngôi nhà trên đồi thông”. Trong ngôi nhà ấy có một phòng sách. Tác phẩm là một hư cấu, nhưng trong đoạn kịch này Trần Lê Nguyễn ám chỉ một nhân vật lịch sử rất gần, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Nhân vật có thực, hi vọng là nhà cũng thực.
Có thể ông chê rằng tôi dẫn một nhân vật đặc biệt quá. Vậy xin kể một nhân vật khác không đặc biệt. Nhân vật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, sống ở miền quê Nam phần, ở miệt vườn...
N.X.H.: Ủa, ông bảo là... Hồ Biểu Chánh? Thời cụ Hồ Biểu Chánh văn chương quốc âm đã có mấy, sách được bao nhiêu cuốn mà đòi làm phòng sách? Rồi mua sách chữ nho xếp vào tủ sao? Miệt vườn thời ấy có nhiều người thông hán học không?
V.P.: Ấy, tôi không dám bảo! Thực ra là Sơn Nam bảo. Ở xứ này xa quê hương quá, muốn tiêu sầu thực khó tìm được những cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh để đọc chơi. Sơn Nam khảo về nếp sống miệt vườn, kể rằng trong tiểu thuyết của Hồ tiên sinh có cậu Bác Ái từng học ở Sài Gòn rồi về quê tại cù lao Ông Chưởng dưới Long Xuyên. Cậu muốn đi Tây du học, nhưng cha cậu là ông hội đồng Thời không muốn cho cậu đi xa. Cậu bèn xin tiền mẹ gửi lên Sài Gòn mua bốn năm nhựt báo mà xem, lại còn “gởi qua Tây mua sách, nhứt là mấy bộ tiểu thuyết hay, để dành mà đọc. Anh ta lại xin phép cha rồi dọn trọn một cái chái nhà phía trên để làm thơ phòng.” Hồ Biểu Chánh gọi nhân vật Bác Ái là “anh ta”. Còn Sơn Nam thì mách thêm: “Cái thơ phòng ấy được mô tả tỉ mỉ, trong tiểu thuyết Một chữ tình cũng của Hồ Biểu Chánh, nên chú ý là tiểu thuyết này ‘viết xong hồi tháng 10 năm 1923’.”
Tôi chú ý lắm. Cách đây bảy mươi năm, nhà ở miền quê dưới Long Xuyên có phòng sách. Chỉ tiếc không có được cuốn Một chữ tình để xem cho kỹ cái phòng.
Chắc chắn phòng sách cậu Bác Ái ở Long Xuyên hồi đầu thế kỷ thua xa phòng sách miền Alsace-Lorraine của ông ngoại cụ Sartre. Dù sao, vẫn hơn ngôi nhà Mỹ của chúng ta hiện nay, vào cuối thế kỷ.
N.X.H.: Theo tôi nhận thấy, nội dung tủ sách của cậu Bác Ái, như đã kể, cũng khá nghèo nàn: một số nhựt báo, mấy bộ tiểu thuyết.
V.P.: Ý tôi muốn nói về cái phòng. Cái phòng chẳng qua là cái vỏ, không phải là nội dung. Tuy nhiên nó có ý nghĩa quan trọng của nó, ông ạ.
Hiện nay ở Mỹ chúng ta mua nhà hay thuê nhà, loàng xoàng thì một vài phòng, khá hơn thì ba bốn phòng. Có phòng nào gọi là phòng sách không? Ông nghĩ coi: Phòng ngủ, có. Phòng ăn, có. Phòng bài tiết, có. Ngoài ra nào là T.V. room, family room, living room v.v... Cái phòng sách, nó ở đâu? Nó biến mất từ hồi nào? Mất ngôi đền, mất cả tôn giáo của ông Sartre rồi.
Thành thử cái sự kiện con người xa sách, nó không phải chuyện bất thường, tạm bợ, ngẫu nhiên. Xa này là xa hẳn, là dứt khoát. Sự xa rời ấy đã ăn vào nếp sống, vào tập tục ngày nay, nó âm thầm ảnh hưởng tới quan niệm của ngành kiến trúc mới lúc nào không ai hay. Cái sự mất đi phòng sách là sự quan trọng: Mất phòng là mất đền, mất đạo. Bất luận cái phòng ấy chứa đựng một nội dung phong phú hay nghèo nàn, nó tiêu biểu một nhu cầu. Không còn nó nữa là không còn một nhu cầu. Thật vậy: mỗi ngày chỉ còn 11 phút đọc sách thì phòng phiếc làm chi cho lố bịch hả ông?
Sự thiếu phòng hiện nay không giống như sự thiếu phòng ở Ðông phương ngày xưa. Ở Mỹ bây giờ thỉnh thoảng bên mép bồn tắm có tờ tạp chí đặt úp mặt xuống để làm dấu một trang đang đọc lở dở, thỉnh thoảng trên nắp thùng nước ở cầu tiêu cũng có cuốn sách bị bẻ gấp một trang đánh dấu đang đọc v.v... Những cuốn sách tờ báo ấy không có khả năng biến cái bồn tắm hay cầu tiêu nọ thành ra thư phòng (như cái án thư đã biến bộ phản thành thư phòng xưa kia).
N.X.H.: Muốn nói cho có sách mách có chứng thì nói vậy, thực ra không cần phải đi tìm cái phòng sách trong cuốn kịch nọ cuốn tiểu thuyết kia. Hồi ở Sài Gòn, chung quanh chúng ta cũng không thiếu những bạn bè nhà có phòng sách; sau tháng 4-75 chạy đi không mang sách theo được, nghe tin bị tịch thu kêu trời như bọng. Nhưng cái phòng sách ở cù lao Ông Chưởng thì sớm thật... Tội nghiệp cậu Bác Ái... ít sách, sơ sài quá.
V.P.: Xem bộ ông băn khoăn mãi về cái “nội dung”. Không hề gì, ông ơi. Phòng sách không phải là kho sách. Kho sách là nơi chứa sách: cốt nhiều. Phòng sách là nơi để đọc sách: cốt ta tìm thấy hứng thú say mê ở trong đó hơn 11 phút mỗi ngày.
Tủ sách của ông ngoại có thể đồ sộ, nhưng cậu bé Jean-Paul Sartre lúc bấy giờ tôi e không đọc được mấy đâu. Ðêm đêm cu cậu ôm vào giường cuốn Sans famille của Hector Malot đã thuộc làu. Lớn hơn chút nữa, cậu đọc đi đọc lại hoài đoạn cuối của cuốn Madame Bovary đến nỗi thuộc từng đoạn dài, cậu thắc mắc mãi về chuyện anh chồng mất vợ vừa tìm ra được mấy lá thư và râu anh ta mọc tùm lum: tại sao vậy cà? có phải râu mọc vì thư tình không nhỉ? thắc mắc về cái vụ anh chồng nhìn Rodolphe cách ai oán: ai oán cái gì vậy cà? v.v... Cậu bé loay hoay mãi về những đoạn văn mình hiểu mà vẫn không hiểu, cậu mê tơi về cái hấp dẫn của cuộc sống bí ẩn, hàm hồ... Về già, Jean-Paul Sartre viết mấy nghìn trang về Gustave Flaubert. Có phải mấy nghìn trang nọ đã bắt nguồn mãi tận những ngày lẩn quẩn trong cái phòng sách thời thơ ấu?
Cái hang động của trầm tư ấy mất tích rồi. Bây giờ, T.V. room, cái giang sơn của gã mặt vuông náo nhiệt quá trời.
N.X.H.: Thưa ông, cái chính yếu là cái đọc, không phải là cái phòng. Có thật chắc chắn bây giờ người ta ít đọc hơn xưa không? Chúng ta đã nói rằng quần chúng ngày nay ít kiến thức sách vở hơn “kiến thức ti-vi”, rằng ngày nay không có nơi đọc sách như ngày xưa, rằng học sinh ngày ngày dành ít thì giờ cho cuốn sách hơn cho ti-vi v.v... Nhưng sự thực thế nào? Có bằng cứ gì rõ ràng chứng tỏ sự sút giảm không? Trên thị trường sách báo vẫn bán được, số lượng ấn hành không sút giảm, các nhà xuất bản vẫn phát đạt v.v... Chúng ta cần những số liệu cụ thể, những tang chứng có thể tin cậy hơn.
V.P.: Ông nói phải quá. Nên tìm chứng cứ. Nên lắm.
Trên tạp chí Văn Nghệ số 1730, xuất bản vào tháng 3-1993 ở Hà Nội, trong bài “Ðổi mới và tự do sáng tạo”, ông Hữu Mai hân hoan mở đầu: “Công cuộc Ðổi Mới đã mở ra trước nhà văn một chân trời sáng tạo rộng lớn về đề tài cũng như chủ đề, hình thức cũng như nội dung.” Sau đó tám dòng, ông nêu lên mấy số liệu cụ thể: “Người đọc bỏ rơi chúng ta. Số lượng in trung bình một cuốn tiểu thuyết trước khi có đổi mới là một, hai vạn cuốn, nay còn lại... một ngàn! (có lúc 500!)”
Chân trời sáng tạo nó mở ra rộng lớn một cách oái oăm quá. Vì vậy ông Huỳnh Bảo Trân không tưng bừng như ông Hữu Mai.
Trên tờ Văn Nghệ Quân Ðội, số tháng 2-1993 ở trong nước, ông Huỳnh có giọng buồn rầu: “Nhiều người viết hiện nay đã khá mệt mỏi, vì danh không có mà lợi cũng không. Nếu viết không đúng thị hiếu thì không những không được nhuận bút, mà còn phải bỏ tiền ra để tự xuất bản, nhiều khi lỗ vốn to. Sách in ra có khi chỉ vài ba trăm cuốn, nộp lưu chiểu, tặng bạn bè đã gần hết, số còn lại nhiều khi lăn lóc mãi chẳng có người mua. Thế là không có người đọc, hoặc rất ít người đọc, vậy thì làm gì có danh? Nhiều tác giả được bạn bè chúc mừng vì có sách mới, thường chép miệng một cách buồn bã: ‘Thôi thì cũng gọi là có thêm một đầu sách’!”
Sách in ra vài ba trăm cuốn! Ông thử nghĩ: Hồi tiền chiến đâu có vậy? mà hồi thời các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng không đến nỗi thế. E thời cụ Lê Quí Ðôn, thời cụ Lê Văn Hưu cũng khá hơn.
N.X.H.: Tôi nghĩ ông Huỳnh Bảo Trân cố tình nêu ra trường hợp tệ nhất.
V.P.: Chắc thế. Hãy nói đến các trường hợp tốt, trường hợp những tác giả thượng thặng, có danh tiếng lớn trong nước: Chẳng hạn Nguyễn Khải. Năm 1985 cuốn Gặp gỡ cuối năm in lần thứ hai mà in những 30,000 bản. Năm 1987 cuốn Vòng sóng đến vô cùng in lần đầu 15,000 bản. Ðến năm 1989 cuốn Một cõi nhân gian bé tí in 7,150 bản. Lại chẳng hạn trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Năm 1988 cuốn Tướng về hưu in 30,500 bản. Năm 1991 cuốn Con gái Thủy thần in 2,000 bản.
N.X.H.: Sự cách biệt thật quá xa. Chính vì chỗ quá đáng ấy mà tôi thấy không thể giải thích bằng lý do người đọc chán sách. Khó tưởng tượng người ta chán đột ngột, nhanh chóng đến thế.
Có một lý do khác, tôi cho là quan trọng. Trước, sách in ra không căn cứ theo nhu cầu: cứ in theo “kế hoạch”, cơ quan xuất bản tự ấn định lấy số lượng ấn hành, rồi sách được phân phối xuống các thư viện, các cơ quan, các tủ sách tỉnh, huyện, xã v.v..., cứ tống bừa xuống cho đến hết sách thì thôi. Sau này, sách đưa ra bày bán tự do, ai muốn đọc thì mua, thế là hốc hác ngay. Nhu cầu thực sự chẳng là bao. Ðây là câu chuyện chế độ kinh tế đổi thay, không phải sở thích con người đổi thay.
V.P.: Lý do ông đưa ra đúng là lý do quan trọng. Lý do thay đổi sở thích không quan trọng bằng, nhưng nó liên quan đến vấn đề chúng ta đang nói. Tôi cho rằng không thể bỏ qua nó, coi nhẹ nó. Năm 1963 cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê in 2,000 bản; năm 1991 cuốn Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng, quyển 1, của Cao Xuân Hạo in 700 bản. Năm 1970 cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên do Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê viết in 3,000 bản (bán hết trong vòng sáu tháng, và in lại 2,000 bản). Năm 1990 cuốn Ðỗ Phủ, nhà thơ dân đen, quyển thượng, của Phan Ngọc viết in 2,500 bản. Những tác phẩm nọ cùng là sách biên khảo, hoặc cùng thuộc về ngữ pháp Việt Nam, hoặc cùng về văn học Trung Hoa, nghĩa là cùng loại. Các cuốn trước in ở Miền Nam lúc bấy giờ khoảng hai chục triệu dân; các cuốn sau phát hành toàn quốc với dân số trên bảy chục triệu. Cùng chế độ kinh tế thị trường cả. Ông nghĩ sao?
N.X.H.: Ở Việt Nam ta trong những năm gần đây tình hình gặp bế tắc, suy sụp. Ở Âu Mỹ, nơi những nước ổn định...
V.P.: Ổn định và thịnh vượng như Hoa Kỳ là nhất chứ gì? Thế nhưng ở đây người đọc cũng bỏ rơi sách dữ lắm, ông ơi.
Thoạt trông qua, việc làm ăn của giới xuất bản vẫn tấp nập như thường: Trong vòng năm năm, từ 1985 đến 1990 số bán tăng lên 11%. Tuy vậy, chuyện không đơn giản đâu. Theo kết quả điều tra của viện Gallup thì từ 1978 đến 1990 số người Mỹ “không đọc một cuốn sách nào trong suốt năm qua” tăng gấp đôi: Năm 1978 là 8%, năm 1990 là 16%. Trong khi ấy, số người được học hành vẫn tăng cao. Từ 1940 đến 1990, số người Mỹ học xong bốn năm trung học tăng gấp ba, số người học xong bốn năm đại học tăng hơn bốn lần.
Ủa, vậy sách in ra bán cho ai mà vẫn bán? – Số thống kê của Hiệp hội các thư quán Hoa Kỳ (American Booksellers Assn.) cho biết hơn một phần tư tổng số sách bán được là vào khoảng hai tháng 11 và 12 mỗi năm. À, hoá ra sách cũng như cà-vạt! mua để làm quà Giáng sinh! Thảo nào. Sách do mình bỏ tiền ra mua còn không chịu đọc, huống hồ là sách người ta biếu không! Sách để chưng. Sách vất đấy, thỉnh thoảng có dịp nghe thiên hạ nói nhiều thì bốc lên, lướt nhanh qua mấy trang cho biết đại khái v.v...
Những con số thống kê, điều tra nọ kia tôi vừa dẫn ra là nhặt từ trong một bài báo của ông Mitchell Stephens, giáo sư đại học ở New York. Bài báo có cái tên nghe rất... trệ: “The death of Reading”. Chết rồi. Cái đọc là cái chết ngỏm từ khuya ở Mỹ rồi nhé. Không còn là chuyện để lo lắng gì nữa. Xong rồi. Ðây là một thời đại khác, của cái khác.
N.X.H.: Ông lại muốn gầm gừ với chiếc ti-vi chứ gì?
V.P.: Thì đấy. Tiêu biểu của trí thức trước đây là con mọt sách (bookworm). Tiêu biểu của thời nay là cái củ khoai.
N.X.H.: Củ khoai?
V.P.: Vâng. Là cái củ khoai nằm chình ình giữa đi-văng. Tiếng couch potato xuất hiện lần đầu tiên trong Anh ngữ là vào khoảng 1986. Ðấng anh hùng thời đại xuất thế cũng chưa lâu mấy. Vậy mà tình thế đã đủ đảo điên. Trong gia đình Mỹ bây giờ mỗi ngày trung bình ti-vi mở bảy tiếng đồng hồ: trai, gái, già, trẻ xúm nhau chia hưởng quãng thời gian ấy.
N.X.H.: Tôi e chúng ta đi xa trọng tâm vấn đề rồi chăng? Nếu củ khoai có đè bẹp con mọt, ti-vi có lấn cuốn sách thì chẳng qua là anh hàng sách, ông nhà văn bị nghèo đi, so với cửa hàng ti-vi, việc ấy có dính líu gì đến chuyện đường hướng sáng tác đâu? Vì một chuyện cạnh tranh làm ăn mà đâm cay cú với gã mặt vuông thì hổng được... quân tử. Chúng ta đang nói đến chuyện văn nghệ, chuyện văn hoá mà ông.
V.P.: Tôi nào dám quên. Nhưng xin từ từ. Tôi đề nghị thế này: Trước tiên, chúng ta nêu ra một số dữ kiện đặc biệt của hoàn cảnh mới. Như vụ bỏ rơi sách vừa rồi chẳng hạn. Sau đó, chúng ta sẽ lần lần tìm hiểu ảnh hưởng của những đặc điểm hoàn cảnh ấy đối với việc sáng tác văn nghệ. Chuyện tìm hiểu, hãy thong thả. Kỳ sau, chúng ta lại thử nêu một đặc điểm nữa.
3 - 1993