Home

THƯ NGỎ

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

HOA BÔNG

Truyện ngắn Trần Mộng Tú

Căn nhà chính phủ cấp cho có một buồng ngủ nhỏ, mấy đứa con hay mang cháu đến gửi bà, nên đã chật lại chật thêm. Mùa đông thì còn khả dĩ, mùa hè thì quả là chen chúc khi chúng nó đòi ngủ lại cả bốn năm đứa. Người đàn bà da đen đứng tuổi, sáng nay ra chợ xin mấy cái thùng không của cam táo bỏ đi, về xếp những chiếc áo len, áo nỉ vào, rồi cất chung với những thứ lặt vặt không dùng tới trong một góc tủ. Bà mở những chiếc bịch ni-lông lôi ra mấy cái áo mùa hè. Áo này bà có nhiều lắm, người ta cho hay đi mua ở Good Will bà cũng không nhớ, nhưng bao giờ bà cũng chọn những chiếc áo bằng vải, mầu trắng. Ai cho bà áo hoa, vải có pha ni-lông, đẹp mấy bà cũng không nhận. Mùa hè bà chỉ thích mặc áo bằng vải bông sợi (cotton) thôi. Mặc để nhớ đến xứ sở của mình. Đôi khi có những cái áo cũ đã hơi ố vàng, nhưng dệt bằng bông sợi bà cũng không nỡ vứt đi.


Áo dài tay, ngắn tay, áo sát nách, áo tay lửng qua khuỷu tay một chút được treo một dẫy, ban ngày trông như đàn bướm trắng ở ngoài vườn bay vào trong nhà, ban đêm chúng sáng lên trông như bóng trăng chui vào trong tủ. Chao ôi là nhớ!

Truyện thần thoại Viễn Đông kể rằng có một loài cây kỳ diệu lắm ở Ấn Độ. Trên mỗi bẹ có một con trừu nhỏ mọc ra ở đó giống như đóa hoa của cây, cành rất mềm, cong xuống để những con trừu có thể ăn cỏ trên mặt đất xung quanh cái cây khi chúng đói. Cây này có tên là Baumwolle, nghĩa là Cây Len (Baum là “cây” Wolle là “len” .)

Nhưng đó chỉ là thần thoại thôi. Vào cuối thế kỷ 16, hoa bông mọc bát ngát trên những cánh rừng ở Ấn Độ và các nước thuộc Châu Phi, đứng thứ ba sau nước Mỹ.


Cây Baumwolle

Bà Camisha đặt tay trên những vạt áo trắng, mân mê những thớ vải, nhớ lại thời trẻ ở quê hương mình. Cái quê hương xa lắc xa lơ.

Camisha là người da đen nên cô có thể phơi mình trong nắng và chịu đựng sức nóng của mặt trời cháy trên da thịt mình hơn những người da trắng. Cô đi hái bông từ khi lên sáu, cô theo mẹ vì không thể ở nhà một mình và cô chẳng thấy cha bao giờ. Cô đoán là cô không có cha, nên không hỏi mẹ. Mẹ may cho cô một cái túi nhỏ cô đeo trước ngực, cái túi có chiều dài vừa chạm đến mu bàn chân của cô. Cái nắng miền Tây Châu Phi như thiêu đốt trên da thịt người nhưng lại làm cho hoa bông kết trái, quả bông nở rộ.

Cô dậy thật sớm đợi mẹ cho ăn một bát cháo bột ngô hay một miếng bánh ngô hôm đó, nhưng bao giờ mẹ cũng nhớ bỏ vào đáy túi của cô một miếng bánh ngô để cô ăn ngoài đồng. Bánh ngô hay cháo ngô thì cũng chỉ làm từ bột ngô khô và nước lạnh mà thôi. Hai mẹ con phải đi bộ xa lắm, cô chỉ biết là cô vừa đi theo tay mẹ dắt vừa ngủ gà ngủ gật. Họ đến một chỗ có xe đón đưa tới ruộng bông. Tùy theo khả năng của người hái, cứ đầy túi thì đem vào cân, dồn vào bao lớn, cuối ngày tổng cộng số cân, chủ trả tiền mỗi ngày. Mình nghỉ giờ nào thì thiệt giờ đó. Cô chỉ thấy mẹ cô dừng tay một lần trong ngày để ăn một miếng bánh ngô và uống một ca nước.

Lớn lên, Camisha được mẹ kể lại chuyện về cây bông. Hạt bông được gieo xuống vào đầu mùa xuân, chỉ hai tuần sau là hạt nẩy ra cái mầm xanh biếc. Cây tăng trưởng theo xuân qua hạ, vào tháng thứ bẩy, cây như một thiếu nữ dậy thì, quả bông nứt ra, tung một đám tuyết trắng trong không gian giữa mùa hạ. Đó là lúc sẵn sàng cho thợ hái. Quả bông được hái bằng tay bao giờ cũng có phẩm chất tốt hơn vì hái bằng máy có thể mang theo cả cành, lá và rác. Sau khi hái, bông được xay để lấy hạt bông ra, đóng bao và gửi đi đến những thành phố nào trên thế giới cần bông để dệt thành vải. Miền Tây Châu Phi xuất khẩu một triệu tấn bông, chiếm 13% sản lượng bông trên toàn thế giới.

Mẹ con cô đã đi qua không biết bao nhiêu cánh đồng bông ở Châu Phi. Cuối cùng, Camisha không biết bằng cách nào người mẹ đó đã mang cô sang được tận nước Mỹ, lúc đó, cô lên chín tuổi. Cô lại được mẹ lôi đi qua những cánh đồng bông ở Alabama, Missisippi, Louisiana. Cô được đi học nhưng mỗi trường chỉ học vài tháng, theo những vụ bông nở. Cô chưa kịp nhớ hết tên bạn, tên thầy đã lại theo mẹ sang nơi khác. Cuối cùng mẹ con cô dừng lại ở Atlanta, nơi đây mẹ không đi hái bông nữa, nhưng mẹ làm đủ mọi việc, cô không thể nào nhớ hết. Mẹ chọn ở lại đây vì mẹ đã quá già và ở đây có nhiều người có mầu da giống cô, từ Nigeria, Ghana, Ethiopia, Eritrea, Somalia, Ai Cập, Nam Phi… sinh sống.

Với những công việc mới của mẹ và với tuổi đủ để ở nhà một mình, cô không phải đi theo mẹ nữa. Cô được đi học ở trường có những đứa trẻ giống cô. Khi lớn lên Camisha cũng lấy một người trong cộng đồng của cô, cô bỏ anh ta, lấy một người khác, anh này lại bỏ cô. Thời gian trôi qua, mẹ cô qua đời, cô Camisha thành bà nội, bà ngoại nhưng không có chồng.

Bà Camisha luống tuổi bây giờ chỉ có một niềm hạnh phúc duy nhất là mỗi mùa hè, bà chạm bàn tay mình vào những vạt áo được dệt bằng bông nguyên không pha chế. Bà nói với mấy đứa cháu là bà nghe được tiếng quả bông nứt vỏ, thấy da lưng bàn tay mình ấm dưới nắng của mặt trời vùng Tây Châu Phi và bà nghe được cả tiếng thở của mẹ, chạm được những ngón tay vào những giọt mồ hôi của mẹ mình.
Cho đến một hôm thằng cháu nội mười lăm tuổi của bà rủ bà đi hội chợ các sắc tộc của thành phố. Bà nội Camisha đã gặp một bà cụ Việt Nam tên Hạnh. Qua thông ngôn của hai đứa cháu, bà Camisha được biết khi ở quê nhà miền Bắc Việt Nam, lúc trẻ bà Hạnh cũng là một cô thiếu nữ nuôi tầm, dệt vải. Rồi bà di cư vào miền Nam, có sạp vải ở chợ Tân Định (mấy cái tên này bà khó nhớ quá). Bà Hạnh lưng còng và tóc trắng xóa, bà vẫn ở Việt Nam, con trai đón bà sang chơi ba tháng thôi. Bà Camisha kể cho bà Hạnh nghe về tuổi thơ của mình dưới cái nắng trong những ruộng bông ở Châu Phi. Bà Hạnh kể lại việc trồng dâu, nuôi tầm, luộc kén, lấy tơ như thế nào. Lụa dệt khung quay bằng tay hồi đó ra sao. Hai đứa nhỏ thông ngôn thật là vất vả, vì có chỗ nó không biết chọn chữ thế nào cho đúng. Cuối cùng, đoán là như thế đủ cho hai bà rồi. chúng nó dắt nhau đi chơi chỗ khác. Hai bà cụ bỗng trở thành hai người câm, chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau cười. Bất giác bà Camisha nhìn xuống hai bàn tay bà Hạnh, bà cố hình dung lại bàn tay của mẹ bà ngày trước, hai bàn tay tuốt bông cả một đời người, chai sần với rất nhiều vết sẹo nhỏ. Bà đưa tay sang nắm tay bà Hạnh, tay bà lão khô, cái khô của một bàn tay người già, nhưng làn da vẫn mỏng không thấy tì vết nào. Mắt bà bỗng ứa lệ. Bà Hạnh không biết tại sao bà cụ này nói chuyện với mình không được, lại cầm tay mình khóc, bà lúng túng dùng bàn tay còn lại đặt lên bàn tay bà Cashima, bà cũng thấy lòng mình nao nao.

Trong buổi trưa mùa hè của một thành phố trên đất Mỹ có hai bà cụ, một da đen, một da vàng đang chồng bốn bàn tay lên nhau chia xẻ một điều gì thiêng liêng lắm mà cả hai cùng không biết rõ.

Tmt

Mùa Hoa Bông Gòn. 2011

1. John Mandeville, writing in 1350, stated as fact the now-preposterous belief: "There grew there [India] a wonderful tree which bore tiny lambs on the ended of its branches. These branches were so pliable that they bent down to allow the lambs to feed when they are hungrie [sic]." (See Vegetable Lamb of Tartary.) This aspect is retained in the name for cotton in many European languages, such as German Baumwolle, which translates as "tree wool" (Baum means "tree"; Wolle means "wool"). Cotton-Wikipedia