Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Ghé thăm các blogs: 25/07/2011

BLOG CU LÀNG CÁT

Đăng ngày: 08:57 24-07-2011

Kính tặng entry này cho những người yêu nước

Lòng yêu nước của 4000 năm giang vòng tay ôm ấp mùa hè thẳng đứng của mùa yêu nước năm 2011. Lòng người vọng lại những thành Văn Lang, những bóng dáng dựng nước của Vua Hùng, của bao danh nhân lịch sử cùng đứng về phía với nhân dân quét sạch sạch giặc Tàu từ trong lịch sử.

Chưa bao giờ trong mấy chục năm qua, đất nước chứng kiến mùa hè thẳng đứng như mùa hè của năm 2011 này. Tám chủ nhật liên tiếp hàng chục triệu đồng bào theo dõi qua internet biểu tình thể hiện lòng yêu nước. Những trái tim tóc bạc, những trái tim tóc xanh hô vang từ vòm họng lời vọng yêu nước từ linh hồn cha ông truyền lại.

Nhiều người không có điều kiện đi cũng thấy mình có ý nghĩa hơn khi rơi lệ thấy những hình ảnh truyền đi đầy cảm động. Một hào khí can trường giữa Thủ Đô văn hiến. Một giây của internet đã chuyển tải lượng thông tin khổng lồ bằng mấy mươi năm sách vở. Tôi xin tạm gọi hào khí mùa hè này là HÀO KHÍ BIỂN ĐÔNG. Hào khí ấy lan toả cùng lúc đến Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi. Nơi đâu có người Việt yêu nước, nơi đó lan toả hào khí kiêu hùng của mùa hè thẳng đứng.

Dưới lửa cháy bỏng của mùa hè nhiệt đới, bầu nhiệt huyết của cha lông anh linh được nung đỏ từng lồng ngực bao trái tim. Một nhạc phẩm đã nói: “còn Việt Nam , triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.
Mỗi con người Việt được cha ông miệt mài bồi đắp bằng hồn cốt lịch sử và dòng máu đỏ da vàng. Trong mùa hẻ rực lửa của nắng này, sự kiêu hùng toát lên lẫm liệt vô cùng.

Ta sống trên đời không phải tự nhiên ta sinh ra theo lối của sinh học. Mà mỗi đứa trẻ lớn lên dần được bồi đắp bằng hơi thở dân tộc, của anh linh lớp lớp ông cha yêu nước.

Máu ta đang chảy không từ đâu có mà từ chính sự kế thừa của dòng máu kiêu hùng. Tư duy ta đang nghĩ không từ đâu có mà từ chính từ ưu tư, trăn trở thời Văn Lang dồn lại.

Mùa hè này là một trình tự thời gian của vòng luân chuyển trái đất. Nhưng mùa hè này là mùa hè của nhiều trái tim không thẹn với núi sông của tiên tổ để lại.

Làm người vinh quang vẫn là làm người Việt Nam .

Cu Làng Cát


BLOG CU LÀNG CÁT
Đăng ngày: 03:06 23-07-2011

Nghĩ cho cùng, nhiều khi không phải là mạng sống. Mà cao hơn cả là để vuột mất nghĩa đồng bào.

Minh đại uý đạp vào mặt người yêu nước khiến bao nhiêu phẫn nộ bùng lên trên mạng. Các bậc trí thức, học giả, đến những học sinh, sinh viên đều lên tiếng. Các diễn đàn mạng được cho là lề trái có nhiều bình luận đã kích cú đạp lịch sử và khuôn mặt lịch sử đó.

Kẻ đạp vào lòng yêu nước dùng hành vi dã man ấy với một người hoàn toàn chẳng có gì ngoài lời nói và trái tim yêu nước. Hình ảnh đó được loan đi khắp toàn cầu với tốc độ internet khiến niềm tự hào bị thương tổn nặng nề. Lòng tự tôn bị đánh đau như khuỵ xuống.

Kẻ đạp ấy cũng cho thấy, sự hung hăng bất chấp những gì không được làm với người dân hiền lành. Hắn đã được giáo dục, đào tạo những gì nhà trường và các học viện chuyên biệt hay môi trường cơ quan làm việc phải có ở mức tối thiểu nhất.

Nhưng hắn không áp dụng những gì thanh cao thuộc về nhân dân, mà trổ trò lưu manh bằng cú đạp phủ định mọi thứ hắn được giáo dục.

Hắn có những lời thề dưới là cờ tổ quốc rất kiêu hùng nhưng cú đạp của hắn lại dày xéo lên những lời thề đó.
Hắn có những buổi huấn thị về lễ phép với đồng bào nhưng cú đạp đó đã phủ nhận việc có học điều đó.
Hắn có những người đồng chí hy sinh khi làm nhiệm vụ trên khắp đất nước này nhưng cú đạp của hắn đã xúc phạm vào họ.

Hắn đã thề với tổ chức trung thành với Tổ quốc nhưng cú đạp đó xúc phạm đến chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Hắn đã học những trang sách dày cộm về lòng yêu nước nhưng cú đạp đó đã đạp vào từng con chữ ứa máu đồng bào.

Hắn được đào tạo để bảo vệ nhân dân nhưng cú đạp đó lại đạp vào mặt dân mình.

Cú đạp phản bội.

Cú đạp ấy đã phản bội lại lời thề trước cờ Tổ quốc.

Cú đạp phản bội những gì đã học.

Cú đạp phải bội những gì đã được huấn thị.

Cú đạp phản bội những điều Bác Hồ dạy.

Cú đạp phản bội đồng chí.

Cú đạp phản bội người dân nộp thuế trả lương nuôi hắn bấy lâu.

Cú đạp phản bội lại những liệt sĩ hy sinh ở biển Đông.

Cú đạp phản bội những ngư dân bám biển.

Cú đạp phản bội những thầy cô đã cần mẫn dạy hắn từng con chữ từ lúc đang tập viết, từ lúc bi bô đọc đến ngày hắn ra trường.

Cú đạp phản bội những gia phong lề lối dòng tộc.

Cú đạp phản bội những trang sách

Cú đạp phản bội những bát hương

Cú đạp phản bội cái thiện.

Cú đạp phản bội lòng yêu nước.

Cú đạp phản bội lòng trắc ẩn.

Cú đạp phản bội lại lương tri.

Cú đạp phản bội tuổi hai mươi.

Cú đạp phản bội những người lính đang bảo vệ biển đảo biên cương.

Cú đạp phản bội những hậu phương.

Cú đạp phản bội quá khứ.

Cú đạp phản bội lịch sử.

Cú đạp phản bội mọi thứ.

Cú đạp ấy rất phản quốc.

Cú đạp phản bội nghĩa đồng bào.

Cu Làng Cát



BLOG HIỆU MINH



Cần cắt đường lưỡi bò. Ảnh: Internet

Hiệu Minh Blog. Độc giả Lý Quý Vũ vừa phát hiện rất thú vị khi tìm ra Hiến pháp 1946 và chuyện liên quan đến Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai.

Cho đến thời điểm hiện nay, các blog, báo chí của cả hai bên đều phân tích rất kỹ bối cảnh của Công hàm 1958 và hệ lụy khó lường tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp.

Có nhiều luồng ý kiến cho rằng, HS và TS khi đó thuộc Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) thì việc TTg Phạm Văn Đồng ngầm đồng ý “cho” Trung Quốc là không đúng, vì người ta không thể cho cái không phải của mình.

Hơn nữa, trong câu chữ của Công hàm, không hiểu do vô tình hay cố ý mà phía VNDCCH chỉ công nhận lãnh hải của TQ là 12 hải lý mà không hề nhắc đến hai quần đảo TS và HS. Và còn nhiều ý kiến khác nữa.
Tuy nhiên, ý kiến của Lý Quý Vũ là một phát hiện mới lạ, chưa có ai đề cập. Để đảm bảo tính đa chiều, Hiệu Minh blog xin đăng lại Tuyên bố của Trung Quốc và Công hàm 1958.

Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải
1. Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc

2. Lãnh hải của Trung Quốc đại lục và duyên hải của các đảo được tính theo đường thẳng nối liền những điểm mốc ven bờ làm đường biên cơ sở, thuỷ vực từ đường biên cơ sở này hướng ra ngoài 12 hải lý là lãnh hải của Trung Quốc. Phần nước thuộc đường biên cơ sở này hướng vào bên trong, bao gồm vịnh Bột Hải, phần trong hải vực Quỳnh Châu, đều là phần nội hải của Trung Quốc. Các đảo thuộc đường biên cơ sở này hướng vào trong, bao gồm đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, đảo Mã Tổ, đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khưu, đảo Kim Môn lớn nhỏ, đảo Nhị Đảm, đảo Đông Định đều thuộc về các đảo thuộc nội hải của Trung Quốc.

3. Tất cả phi cơ và thuyền bè quân dụng của ngoại quốc, chưa được chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho phép, không được tiến nhập vào lãnh hải vào không gian trên lãnh hải. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào vận hành tại lãnh hải của Trung quốc, phải tôn trọng pháp lệnh hữu quan của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

4. Dựa trên nguyên tắc quy định 2, 3 áp dụng cho cả Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc. Đài Loan và Bành Hồ địa khu hiện nay đang bị Mỹ dùng vũ lực xâm chiếm. Đây là hành vi phi pháp xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đài Loan và Bành Hồ đang chờ đợi để thu hồi, chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa sử dụng tất cả những phương pháp thích đáng tại một thời điểm thích đáng để thu phục những khu vực này, đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc, không cho phép ngoại quốc can thiệp.

Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (tạm gọi là Công hàm 1958)

“Thưa đồng chí Tổng lý,Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Theo bạn Lý Quí Vũ, năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đang tuân theo Hiến pháp 1946 (HP1946). Đứng đầu Chính phủ VN là Chủ tịch nước, không phải là Thủ tướng (TTg), TTg chỉ là thành viên trong nội các.

Hiến pháp năm 1946 quy định:
Điều 43: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà”.
Điều 44: “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các.
Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng.”


Đảo Núi le ở Trường Sa. Ảnh: internet

Như vậy, việc TTg PVĐ ký công hàm 1958 mà không có dẫn đề: “Thừa lệnh Chủ tịch nước VNDCCH” là trái với quy định của HP1946, tức Công hàm 1958 có thể đã vi hiến. Lý do:
Điều 49, HP1946 nói rõ:
“Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
a) Thay mặt quốc gia…

h) Ký hiệp ước với các nước…

Điều 53 còn nhấn mạnh quyền hạn của Chủ tịch nước: “Mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chữ ký của Chủ tịch nước Việt Nam”.

Công hàm 1958 là một dạng hiệp ước biên giới, vì vậy, theo HP1946, người ký hợp hiến Công hàm này phải là Chủ tịch nước VNDCCH. Hoặc nếu không, thì TTg phải viết thêm câu “Thừa lệnh Chủ tịch nước…” và có chữ ký của Chủ tịch nước.

Đúng sai thế nào xin nhường lời cho các nhà làm luật chính thức lên tiếng là liệu Công hàm 1958 có vi hiến nếu áp dụng Hiến pháp 1946.

Nội dung HP1946 tại đây:

Bên Chính phủ đã lo hết rồi. Chúng ta cứ yên tâm.

Bàn trong blog như thế này là để cặp nhật tri thức cho chính mỗi chúng ta, nhằm dạy con cháu những bài học sơ đẳng về chủ quyền quốc gia và thể hiện tình yêu đất nước.
Cảm ơn Lý Quý Vũ rất nhiều.

Hiệu Minh Blog.

Thấy bài viết bắt đầu nóng, Hiệu Minh Blog xin gửi các đồng chí Công an mạng viếng thăm blog này 6 lời dạy của Hồ Chủ Tịch như sau
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Blog HM đăng một loạt bài về công hàm 1958 khá nhậy cảm nhằm một mục đích duy nhất “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Xin cảm ơn các đồng chí.


BLOG QUÊ CHOA

Phạm Xuân Nguyên


Nguyễn Bắc Sơn &Phạm Xuân Nguyên bên tấm bia khắc thơ Bác

Cách đây vài tháng mình đã có bài “Ai đục bỏ lòng yêu nước” kể chuyện Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê (Lạng Sơn) đã bị đục bỏ mấy chữ “Trung Quốc xâm lược“. Chuyện này do Mr. Do kể lại và đã gây sốc rất nhiêu người. Cứ tưởng đây là chuyện hi hữu, có một không hai. Không ngờ tại đền thơ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An), tấm bia khắc thơ Hồ Chủ tịch đã bị đục bỏ chỉ vì lời yêu nước chống Tàu của Bác. Tệ hại hơn, tấm bia khắc công trạng của vua Quang Trung cũng bị đục bỏ, vì đó là công trạng chống Tàu. Thật kinh khủng khiếp.

Kể từ 30/6 blog mình không đăng bài người ngoài. Bài viết của Phạm Xuân Nguyên là một ngoại lệ, một ngoại lệ vô cùng cần thiết.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà



Cả đoạn thơ viết về Nguyễn Huệ trên đây của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được khắc vào tấm bia đá đặt ở đền thờ “người anh hùng áo vải” trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đền này được khánh thành năm 2008. Đi vào cổng đền, qua bình phong tứ trụ, là hai nhà bia nhìn vào nhau. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”, chính là đoạn thơ này. Đứng trên đỉnh núi lộng gió, đưa mắt nhìn toàn cảnh một vùng sơn thủy hữu tình địa linh nhân kiệt xứ Nghệ, đọc tấm bia khắc những lời người anh hùng dân tộc thế kỷ XX ca ngợi người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII tôi thấy lòng mình cảm khái vô cùng. Hồ Chí Minh không chỉ ca ngợi Nguyễn Huệ. Ông ca ngợi khối đoàn kết toàn dân, khi “vua hiền tôi sáng” biết ở giữa nhân dân, dựa vào sức dân, nhân mạnh lên sức của dân, để giữ nước và xây nước. Ông vua nào, nhà cầm quyền nào, thể chế nào có được, và giữ được, và phát huy được sức mạnh đó, thì sẽ bền vững và xứng đáng với dân tộc, giống nòi. “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà” – đó là một chân lý truyền đời.

Những người làm văn hóa ở Nghệ An đã có công khi chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ và thuyết phục được các cấp lãnh đạo, quản lý chấp nhận khắc ghi nó lên tấm bia ở đền thờ. Tôi nói “thuyết phục” vì trong một lần về thăm đền tôi nghe phong thanh chừng như là đang có ý kiến cho rằng mấy câu thơ ấy “nhạy cảm”, dẫu là của cụ Hồ nhưng trong hoàn cảnh “tế nhị” hiện nay của quan hệ Việt-Trung thì khắc nó lên bia, bày nó ra giữa thanh thiên bạch nhật là không lợi. Ôi, chỉ mới nghe phong thanh thế thôi tôi đã bực mình, tức giận. Sao lại có thể hèn nhát đến vậy! Tôi nghĩ, đó chỉ là một vài ý kiến của ai đó, sẽ không được chấp nhận. Tôi tin, tấm bia khắc những câu thơ viết về Nguyễn Huệ của Hồ Chí Minh sẽ đứng mãi ở đền thờ Quang Trung, trên núi Dũng Quyết, giữa đất trời Nghệ An, đất trời Việt Nam, để tỏa sáng một chân lý của người Việt Nam, nước Việt Nam.

Hỡi ôi, lời phong thanh đã thành sự thực, niềm tin của tôi đã bị dập tắt phũ phàng. Khi viết bài này tôi đã gọi điện về Vinh nhờ một tiến sĩ văn học lên tận đỉnh núi Dũng Quyết, vào tận đền thờ Quang Trung, xem tận mắt tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung có còn nguyên đó không. Điện báo ra là đã thay, đã thay rồi chú ơi! Cháu gửi ảnh ra ngay cho chú đây.

Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã bị đục bỏ, thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu.

Thơ yêu nước của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô.

Và nhìn những tấm ảnh chụp mới tức thì, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu. Còn ở tấm bia bên phải, những lời của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô. Tôi đã điện hỏi kỹ người chụp đây có phải là thay bia mới vào bia cũ, hay là chỉ đục bỏ văn bia, thay bài mới. Anh cho biết đã hỏi người trông coi đền thờ thì họ nói là chỉ đục bỏ chữ, thay văn bia, chứ không thay bia.



Vậy là đã rõ.

Lý do việc đục bỏ văn bia lời Hồ Chí Minh là sợ Tàu! (Hãy gọi là Tàu như trong đoạn thơ của ông Nguyễn). Đau xót, nhục nhã biết bao! Chẳng lẽ trên khắp nước Nam cái gì nói đến lịch sử oai hùng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc từ xưa đến nay đều là phải né tránh, cấm đoán?

Nhưng chính quyền tỉnh Nghệ An phải có trách nhiệm trả lời cho đồng bào cả nước biết rõ ràng, công khai, vì sao có sự đục bỏ văn bia ghi lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết? Ai đưa ra chủ trương này? Một việc hệ trọng, thiêng liêng như vậy đã được quyết định ở cấp nào, theo nghị quyết nào của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, hay của Bộ VH-TT-DL, hay của một cấp cao hơn nữa?

Bởi vì tôi được biết, để chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh và quyết định khắc vào bia dựng ở đền thờ Quang Trung là phải có cả một quá trình từ người chuyên môn đến nhà chính trị lựa chọn, cân nhắc và quyết định. Khắc bia rồi đục bia, xưa hay nay, đều là chuyện nghiêm trọng.

Nếu hôm nay người ta không dám ca ngợi anh hùng dân tộc của mình trên đất nước mình, thì ngày mai người ta sẽ thóa mạ ai?

Nếu hôm nay người ta đục bỏ lời của Hồ Chí Minh, thì ngày mai người ta giữ lại cái gì?

Đục bỏ những lời Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung vì lý do sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nước láng giềng là xúc phạm cả Nguyễn Huệ, cả Hồ Chí Minh, cả toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, những lời ca ngợi sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc trong những lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đang rất cần được vang lên mạnh mẽ và thống thiết!
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà

Hà Nội 23.7.2011
P.X.N


BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT

Một tuần buồn như chưa bao giờ buồn đến vậy. Buồn không chỉ vì cái đoạn video quay cú đạp bất nhân kia, mà hơn thế, buồn vì quanh tôi, quanh chúng ta, quanh các bạn, quanh “đồng bào” đang phơi lột quá nhiều thứ bất nhân hơn.

Buồn vì cái đoạn video quay cú đạp bất nhân ấy phơi lột nhiều thứ bất nhân hơn. Người bị đạp im lặng, tác giả cú đạp súc vật kia và cả lãnh đạo ngành Công an cũng câm lặng. Quốc hội khóa mới đang nhóm họp cũng câm lặng. Và hơn 700 tờ báo cũng câm lặng. Cái gì đã dìm tất cả trong lặng im trước cú đạp súc sinh này? Sự vật vã trước cơn bão giá, những đồn thổi về bộ tứ trụ mới cùng phiên bầu bán của kỳ Quốc hội mới cũng không đủ nóng bằng cú đạp lịch sử kia. Suốt một tuần qua, đi đâu ở đâu trên khắp đất nước này (và với cả người Việt trên khắp thế giới nữa) đều sùng sục duy nhất một chủ đề: cú đạp dã man vào lòng yêu nước.
Tôi nhận quá nhiều thư từ bạn đọc, toàn những dòng… uất hận! Nhà văn Vân Hải từ Canada viết “Nhất ơi anh đã khóc!” và gửi cho tôi những dòng thơ này:
Chúng
Đạp vào mặt em
Đạp vào mặt tôi
Đạp vào mặt anh
Đạp vào cha ông
Đạp vào mặt nhân dân

Hơn thế nưã
Chúng đạp vào nỗi đau
Đạp mặt Tổ Quốc, Quê Hương
Đạp mặt bốn ngàn năm Lịch sử….

***
Bao máu xương, bồi đắp nước non này. …?
Chợt thấy mình trên khoé mắt cay cay
Ai yêu nước, yêu dân mà bị bắt ?
- Bà con ơi…
Tiếng kêu em chợt tắt.
( Cú đạp mặt dã man.
Lời thách đấu cuối cùng )
Ôi nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi,
Lẽ nào …Ta…. Ngồi… Khóc ?

Sáng nay, Tiến sĩ Vũ Thế Long gửi cho tôi những dòng thư tâm sự qua lại của những người bạn trí thức già tâm giao:
Nguyễn Gia Hảo: Tình hình không hay nếu cứ tiếp tục ứng xử như vậy. Nếu mình đi biểu tình hôm 17/7 mình sẽ hô khẩu hiệu "Công an là Bạn dân" như Bác Hồ đã dạy.

Vũ Thế Long: Đứng trong nhà tù Sơn La, mưa rừng và gió núi! Nghĩ đến những người tù chống Pháp vĩnh viễn ra đi. Nghĩ đến bao đồng bào mình đã hi sinh sạch sành sanh vì tổ quốc. Để có cái ngày như ngày hôm nay ư? Buồn nẫu ruột nẫu gan.

Nguyễn Gia Hảo: Trần Tuấn ơi, Cách đây mấy năm mấy anh em mình có dịch cuốn “Mặt dầy, Tim đen” của một nữ tác giả Mỹ gốc Trung Quốc, chưa kịp đưa in thì bị “cướp” bản quyền. Cuốn sách đó có nhiều đoạn tâm đắc, đọc để rồi suy ngẫm. Một trong những triết lý của tác giả là: Khi xã hội dặt những lưu manh thì một người tử tế sẽ nổi lên làm lãnh tụ, và rồi ngược lại, khi xã hội dặt người tử tế thì một tên lưu manh sẽ đổi ngôi lên làm lãnh tụ. Như vậy, chả lẽ chúng ta cứ chặc lưỡi, vì lợi ích mà hy sinh phẩm giá, biến thành lưu manh hết để chờ cho được thấy lãnh tụ xuất hiện à? Hãy để cho người tử tế được thể hiện hết mình là người tử tế và để cho lưu manh lộ rõ hết bản chất lưu manh. Đỏ và đen, đen và trắng cho rõ ràng, không nhờ nhờ như hiện nay, không thiếu gì những lưu manh nhân danh người tử tế! Ai bảo vệ người tử tế? Ai trấn áp bọn lưu manh? Nguy hiểm nhất là: sợ bọn lưu manh và coi khinh người tử tế! Đành tạm tự dối lòng mình vậy: Sau cơn mưa, trời lại sáng (mà chẳng biết tới bao giờ mới sáng!). Cười ra nước mắt mà vẫn nhủ nhau: Cố vui lên nhé!

Trần Tuấn: Anh Hùng ơi, đọc bài viết của Ngô Minh (Công an mà tốt), tôi biết anh sẽ nói hoàn toàn đồng ý với tác giả. Với tôi, đọc xong tự hỏi: liệu người dân có nói câu tương tự như thế với ngành y: Bác sĩ mà tốt! Anh, anh Long, anh Hào chắc có những suy nghĩ riêng, chả biết có trùng với tôi không. Câu trả lời của tôi là: Cũng thế thôi! Buồn lắm! Lòng dân nghĩ về những cái gì là tốt đẹp xưa kia, nay đều ngược lại hết rồi! GS Phạm Song, sau buổi đi tiếp xúc cử tri (ông được đề cử ở khóa trước) tại Hải Phòng về, gọi điện cho tôi đến tâm sự. Ông bị sốc khi tại hội trường, một cử tri đứng lên hỏi: thưa Giáo sư Viện sĩ, ông có biết xã hội ghét nhất hai loại người nào không? Rồi không đợi ông trả lời, họ tiếp luôn: tôi xin trả lời hộ- đó là thầy thuốc và thầy giáo! Cả hội trường lặng yên. Không một ai đứng lên phê phán kẻ đã phát ngôn rất chướng ấy! Ông bảo tôi: trên đường về, và tận đến lúc này, anh không thể nào quên được! Sự im lặng của đám đông làm cho mình tê tái! (ông hay xưng hô với tôi là anh, rất chân tình). Và chúng tôi tê tái suy ngẫm về nghề y, ngành y. Hỏng rồi, hỏng từ mái trường đại học Y Hà Nội! Hỏng từ hệ thống chọn lựa giáo viên! Từ hệ thống cất nhắc bổ nhiệm cán bộ! ….. Chắc anh cũng lại nghĩ đến trường cảnh sát, trường an ninh… Tôi về Yên Thế, tâm sự với những thanh niên đang học đại học cảnh sát. Và tôi hiểu ra. Vì sao, tình hình trong ngành bên anh, cũng lại chỉ ngày càng tệ hơn mà thôi! Bùi Minh Quốc đã rất đau đớn khi phải thốt lên trước thực cảnh xã hội: “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”. Người có lương tâm, giờ sao ít quá!

Các bạn nghĩ sao khi đọc mấy dòng tâm giao của các vị trí thức già trên?

Nhớ hôm ở Vancouver Canada dân chúng xuống đường biểu tình đốt xe vì đội hockey Vancouver bị nốc ao trước đội Mỹ. Nhìn những viên cảnh sát to cao xếp thành hàng đứng im chịu trận trước cơn giận dữ từ đám cổ động viên quá khích, tôi buột miệng: sao cảnh sát hiền vậy, không còng mấy thằng đó lại? Nhà văn Vân Hải cười: không được đâu, chỉ cần một hành vi thô bạo là sáng mai tay cảnh sát đó bị sa thải ngay, thậm chí cả sếp của tay cảnh sát đó cũng lập tức bị sa thải.

Lại nhớ mấy lần qua Mỹ, 4 thằng khệ nệ đang hì hục kéo vali ra khỏi khu shopping thì một chiếc Police bất thần như từ đất chui lên, phanh kít trước mặt. Cả 4 đứa giật mình hoảng, tưởng có chuyện chi. Chưa kịp hoàn hồn thì thấy gã cảnh sát da đen thò đầu khỏi cửa kính, nhoẻn miệng khoe hàm răng trắng muốt:
– Helo, mấy ông có cần tôi gọi taxi giúp không?

– Không. Chúng tao gọi rồi. 20 phút nữa có xe. Nhưng sao mày đàng hoàng thế, tốt thế?

– Tao nhận lương để làm việc này mà. Đấy là công việc của tao!

Câu "đấy là công việc của tao" khiến tôi ngẫm và liên tưởng mãi đến câu “cảnh sát nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ” và những gương mặt hầm hừ dọc dài trên những trục quốc lộ quê nhà.

Suốt những ngày ở Canada, thấy xe cứ chạy đụng ngã ba ngã tư là dừng, xe nào xe nấy đều nhìn nhau nhường nhịn và giơ tay ra hiệu chào cảm ơn nhau. Canada là đất nước di dân, dân trăm xứ đủ màu da chủng tộc tụ dồn về, vậy mà sao ai ai cũng nhã nhặn nhường nhịn nhau. Trong khi người Việt mình lúc nào cũng tự hào là chung bọc trứng, “đồng bào” mà nhìn nhau, cư xử với nhau như hàng cướp trộm, ra đường chẳng ai nhường nhịn ai.

Buồn. Một tuần buồn như chưa bao giờ buồn đến vậy. Buồn không chỉ vì cái đoạn video quay cú đạp bất nhân kia, mà hơn thế, buồn vì quanh tôi, quanh chúng ta, quanh các bạn, quanh “đồng bào” đang phơi lột quá nhiều thứ bất nhân hơn.

Lại chợt nhớ câu thơ xót lòng của cựu Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Bùi Thanh: “Có phải đất nước mang hình dấu hỏi/Để chúng mình cứ phải hỏi: Tại sao?”


BLOG NGUYỄN XUÂN DIỆN
Thứ sáu, ngày 22 tháng bảy năm 2011


Về chuyện “Đã có Đảng và Nhà nước lo”

Trịnh Hữu Long

Đã 7 Chủ nhật trôi qua, cộng đồng mạng Việt Nam đã có một chủ đề nóng để mải miết bàn luận. Một đất nước, hay nói cho chính xác là nhiều thế hệ người Việt Nam ngày nay đang tập làm quen với biểu tình và những khái niệm cơ bản liên quan đến nó, như cha ông họ cũng đã từng làm quen trước năm 1945. Những giá trị được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia phát triển đang được chúng ta mổ xẻ để tìm ra câu trả lời riêng của mình, âu cũng là lẽ tự nhiên và sự thận trọng cần thiết. Từ đó, nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau ra đời. Tôi cũng có một vài quan điểm rời rạc của mình và muốn chia sẻ quan điểm đó như góp một tiếng nói nho nhỏ vào cuộc tranh luận sôi nổi này và cũng để hoàn thiện quan điểm của mình hơn. Tuyệt nhiên tôi không dám đánh giá thấp những ai có quan điểm khác tôi và càng không dám áp đặt nó cho bất kì người nào. Hy vọng chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở và sẵn sàng chấp nhận những phản biện gay gắt có thể đến.

Câu nói "Đã có Đảng và Nhà nước lo" có lẽ là câu nói quen thuộc nhất với những người biểu tình, như là lý do để các cơ quan công vụ giải tán họ. Họ được nghe câu này ở khắp nơi, từ đủ những người ở những vị trí khác nhau: từ chú công an ngồi trên xe chĩa loa ra ngoài cho đến các bác trật tự phường đã có tuổi, từ anh công an khu vực đến tận nhà, tận cơ quan nhắc nhở hay những người bạn vốn dĩ bình thường chỉ nói chuyện phiếm với nhau.

Có rất nhiều người tin chắc rằng đó là lý do đúng đắn và những người biểu tình cần phải về nhà. Nhưng tôi thì lại trộm nghĩ thế này:

1. Xét về mặt logic, chuyện Nhà nước lo về chủ quyền quốc gia và chuyện công dân đi biểu tình là hai chuyện khác nhau, không mâu thuẫn với nhau và không triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy chuyện Nhà nước lo không có nghĩa là công dân không được lo, càng không có nghĩa là công dân không được biểu tình. Và chuyện công dân đi biểu tình không có nghĩa là họ không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước như nhiều người ngụy biện.

2. Xét về mặt pháp lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia là nghĩa vụ Nhà nước phải làm và biểu tình là quyền chính trị của công dân được Hiến pháp quy định. Nhà nước được nhân dân bầu lên và đóng thuế duy trì để thay mặt họ quản lý xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân không đi xin Nhà nước lo cho họ mà cái chuyện "lo" đấy là chuyện đương nhiên Nhà nước PHẢI LÀM. Và tất cả những quy định pháp luật nào trái với quyền biểu tình được quy định tại điều 69 Hiến pháp đều không có giá trị pháp lý.

3. Xét về mặt lịch sử, chưa từng có thắng lợi nào của Đảng và Nhà nước mà không phải trả giá bằng máu và nước mắt của nhân dân. Hàng trăm ngàn người đã hi sinh, hàng triệu người đã xuống đường biểu tình dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 15 năm giành độc lập dân tộc (1930 - 1945). Tôi không biết trong những cuộc biểu tình của nhân dân suốt 15 năm đó, có khi nào Đảng nói rằng "Đã có Đảng lo" hay không? Hay là Đảng mới là người tích cực tuyên truyền và phát động nhân dân xuống đường?

9 năm kháng chiến chống Pháp sau đó đã có 300 nghìn người lính đã hi sinh, 500 nghìn người khác bị thương để làm nên kết cục cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ, có khi nào Đảng và Nhà nước nói "để chúng tôi lo" không?

Và nếu chỉ có Đảng và Nhà nước lo, thì 1,1 triệu người lính đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là những ai? Ai là người đã kêu gọi họ ra trận và để lại tuổi thanh xuân của mình ở đấy?

Xét cho cùng, vị trí lãnh đạo của Đảng hiện nay đã được xây dựng và củng cố bởi sự hi sinh của hàng chục triệu người và hàng ngàn cuộc biểu tình. Do đó, nhân dân không đáng phải nghe cái câu "Đã có Đảng và Nhà nước lo" như một sự ban phát và càng không đáng bị tước mất cái quyền biểu tình mà nhờ đó Đảng có được như ngày hôm nay.

4. Xét về mặt quản lý xã hội, có rất nhiều thứ đáng để Đảng và Nhà nước phải lo nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Ai đang lo khi nhân dân các vùng sâu vùng xa phải tham gia "giao thông đường dây" để qua sông bao nhiêu năm qua? Ai đang lo khi giữa thế kỷ 21 mà 240 nghìn nông dân Thanh Hóa phải đứng trước nguy cơ chết đói? Ai đang lo khi hàng chục triệu người hàng ngày ra đường và đối mặt với nạn tắc đường? Ai đang lo khi chỉ cần một cơn mưa nhỏ là phố phường cũng hóa những con sông?

Chắc nhân dân sẽ sung sướng lắm, khi mỗi lần bị cắt điện, có đại diện của Đảng và Nhà nước phát biểu "đã có Đảng và Nhà nước lo". Còn các bà nội trợ chắc cũng không thấy phiền lòng khi có Đảng và Nhà nước lo làm sao cho mỗi lần họ đi chợ mua rau không giống như huấn luyện viên đi mua cầu thủ. Tôi cũng chưa từng thấy ai nói rằng "Đã có Đảng và Nhà nước lo" khi các thế lực tội phạm hoành hành cuộc sống của nhân dân, càng không thấy ai nói điều đó khi hàng trăm công nhân Trung Quốc mang ống nước đến đập phá nhà cửa và đánh trọng thương công dân Việt Nam ngay trên đất Việt Nam.

[...]

Còn thực tế thì sao?

5. Xét riêng trong vấn đề biểu tình, có rất nhiều thứ đáng để Đảng và Nhà nước phải lo. Đó là soạn thảo và ban hành Luật biểu tình, đó là đảm bảo cho công dân được thực thi quyền biểu tình đã được Hiến pháp thừa nhận, đó là đảm bảo an ninh cho đoàn biểu tình, đó là đưa tin về các cuộc biểu tình một cách đầy đủ và trung thực trên báo chí, vân vân và vân vân... Nếu có thế lực nào đó có âm mưu lợi dụng lòng yêu nước của đoàn biểu tình để gây phương hại đến lợi ích xã hội, thì việc của Đảng và Nhà nước phải lo là phát hiện và ngăn chặn bọn họ.

Nhưng cho đến cuộc biểu tình ngày 17.7 vừa qua, tôi mới chỉ thấy Đảng và Nhà nước "lo" được một việc, đó là ngăn chặn công dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước.

Đừng trách nhân dân đã không cố hiểu Đảng và Nhà nước đã lo như thế nào, bởi Bộ Ngoại giao đã từ chối lời thỉnh cầu của 18 vị nhân sĩ trí thức hàng đầu về việc công khai nội dung chuyến công du Trung Quốc của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Như vậy thì nhân dân biết Đảng và Nhà nước đã lo như thế nào?

Tôi thực sự muốn nói rằng: đất nước này là của gần 90 triệu người Việt Nam, hàng chục triệu người đã đổ xương, đổ máu, đổ mồ hôi để có được dải đất hình chữ S này, vì vậy đừng nói rằng, chỉ có Đảng và Nhà nước mới có quyền được lo.
.
Hà Nội, ngày 22.7.2011