Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

ĐÀM THOẠI: Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ

Võ Phiến

VÕ PHIẾN
sách và người

NGUYỄN XUÂN HOÀNG (N.X.H).: Từ ngày chúng ta bắt đầu cầm bút đến nay, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Hiện thời chúng ta tiếp tục viết lách trong một hoàn cảnh khác hẳn trước. Hoàn cảnh mới ắt hẳn phải ảnh hưởng đến đường lối sáng tác. Tôi nghĩ thỉnh thoảng nên có cuộc kiểm điểm về các đổi thay, để nhận định về đường hướng sáng tác mới.


VÕ PHIẾN (V.P.): Ý ông muốn bảo là chúng ta đang sống và viết trong hoàn cảnh lưu vong, khác hẳn những ngày ở tại quê hương trước kia chứ gì?

N.X.H.: Không phải thế. Lưu vong, lưu đày, tha hương, hải ngoại v.v..., để đối chiếu với những quốc nội, quê hương, dân tộc, cội nguồn v.v...: cái đó các bậc cao minh đã có nhiều ý kiến cao minh, bàn qua luận lại, thương qua xác lại đã lắm. E không còn tìm được chỗ nào để xen vào nối điêu.

V.P. Ðúng thế, đúng thế. Vậy ý ông muốn nói về hoàn cảnh nào?

N.X.H.: Ai cũng nhận thấy trong một vài chục năm gần đây khắp nơi có những đổi thay lớn lao, quá lớn lao, về chính trị, về kỹ thuật, về kinh tế v.v... Nguyên một vụ sụp đổ của cộng sản trong vòng năm năm nay đã làm cho cục diện thế giới khác hẳn. Ðời sống hàng ngày quanh ta cũng theo trình độ kỹ thuật mà biến đổi: trên một mặt phẳng vài thước vuông của cái bàn viết trước mặt chúng ta bây giờ, bao nhiêu là món lạ có thể làm bối rối thi sĩ Nguyễn Bính chẳng hạn. Trong chúng ta có những người bạn, như ông Nguyễn Ngọc Ngạn, bảo rằng đã quen viết bằng máy đánh chữ và không còn cầm cây bút mà viết bài được nữa. Có những bạn khác như ông Mai Kim Ngọc đã từ lâu quen gõ vào máy điện tử đến nỗi nếu phải xa máy thì cảm hứng bị rắc rối ngay.

Ngày xưa kẻ sĩ để móng tay dài vừa nghĩ thơ vừa hớp từng hớp trà nhỏ. Mới đây, hồi tiền chiến, kẻ sĩ còn nhàn tản, thường nằm dài, lơ mơ, cho nên than thở: “Giường thấp nghe trời xuống tịch liêu”. Bây giờ kẻ sĩ khoái mặc quần bò, nốc cà-phê espresso thật gọn, ngược xuôi suốt ngày. Trước, ông Hoài Thanh từng cho rằng đã ở nhà tây, đi giày tây, mặc áo tây v.v... thì khó lòng tiếp tục làm thơ cũ được nữa: Phải thơ mới cơ. “Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Ðông.”

V.P.: Tôi bắt đầu hiểu. Ông muốn nói thời đại mới phải có văn nghệ mới; chứ không phải muốn nói chuyện ở nơi chốn khác phải có văn nghệ khác?

N.X.H.: Ðúng. Cái hoàn cảnh chúng ta muốn nói đến là hoàn cảnh chung. Chung cho kẻ trong nước lẫn người ngoài nước, kẻ Á cũng như người Âu, bất phân nội ngoại, chủng tộc, quốc gia v.v..., tức cái hoàn cảnh của thời đại mới.

V.P.: Ông nói có khẩu khí.

N.X.H.: ...?

V.P.: Khẩu khí “Thế kỷ hăm mốt”. Nghĩa là ông đang hướng về tương lai, ông muốn chúng ta thử phác hoạ tương lai văn nghệ.

N.X.H.: Không hẳn. Như thế e quá tham lam. Trước hết hãy thử phác qua mấy nét đại khái của hoàn cảnh mình đang sống xem có gì khác trước. Xem cái thuận lợi, và cái bất thuận lợi của nó như thế nào, xem ảnh hưởng của nó ra sao đối với sáng tác văn nghệ. Còn đường hướng văn nghệ mai sau, biết sao mà nói.

V.P.: Xin nhất trí. Vấn đề đã được qui định rõ ràng. Chúng ta có thể bắt đầu.

N.X.H.: Bắt đầu, xin ông cho biết cảm nghĩ của ông về những đổi thay đang diễn tiến.

V.P.: Có lẽ không nên đi ngay vào cảm nghĩ chung chung. Hãy đi vào từng khía cạnh, hết khía cạnh này đến khía cạnh khác. Ðầu tiên, tôi có nên nêu lên một điểm thay đổi bất lợi không? Thế kỷ hăm mốt tối hơn thế kỷ hai mươi, về một phương diện nào đó. Nói vậy ông nghe được không?

N.X.H.: Ông chưa nói hết ý.

V.P.: Hãy thong thả. Nói chuyện thời đại, tôi nhớ lại thời xưa, nhớ những ngày thơ ấu ở quê nhà. Vùng tôi có lối chơi bài chòi. Khi anh hiệu bắt trúng lá bài Bạch Huê thì anh ta có thể hô to như sau:
“Ðổng Trác xưa bẻ nạng chống trời
Nuôi thằng Lữ Bố nối đời làm con
Dốc lòng chiếm đoạt áo son
Nối ngôi thiên tử gả con Ðiêu Thuyền
Cũng vì “đám ruộng” con Ðiêu Thuyền
Cho nên Ðổng Trác trao duyên má đào
Khen thay Vương Doãn mưu cao
Ðem dâng Lữ Bố, cho vào Ðổng chương” v.v...
Xin lỗi, ông có biết lá Bạch Huê chứ ạ?

N.X.H.: Quê tôi không chơi bài chòi.

V.P.: Ấy chết. Ðành phải nói rõ: Bạch Huê là... là... “đám ruộng” của Ðiêu Thuyền, là cái món vũ khí riêng của phụ nữ ấy mà. Lá Bạch Huê, có chỗ gọi là lá Bạch Tuyết, trắng phau! Trong bộ bài chòi còn có cả sinh thực khí của đàn ông, đó là lá bài Nọc Ðượng. Ngoài ra lại có con Ngũ Rún, con Ba Bụng, con Tứ Cẳng, con Chín Gối, con Ðổ Ruột v.v...

N.X.H.: Ối, Trời!

V.P.: Thôi. Không nên làm ông kinh hãi. Ông vốn là nhà giáo, nhà mô phạm. Lẽ ra trước mặt ông không nên thốt ra một tiếng tục tĩu nào. Ngặt một điều là ở đây tôi muốn đưa ra trình diện với ông một đám tục tử. Phải, cái quần chúng vây quanh chín chòi để chơi bài đầu xuân không phải là một đám trí thức mà là những bà con hỗn tạp trong xóm làng, phần đông không có chữ nghĩa gì, mỗi lúc mỗi cười hô hố với những quân bài kỳ cục, gồm toàn những rún với bụng, bạch huê với nọc đượng; không có một tướng sĩ, một bóng dáng xa mã nào. Ấy vậy mà khi mở miệng ra hô, họ lại gọi lên những Ðiêu Thuyền, Ðổng Trác, Vương Doãn, Lữ Bố. Những nhân vật nọ, làm sao họ biết được? họ gặp mặt ở đâu? Tất nhiên không gặp ở đầu làng cuối xóm nào, mà chỉ có gặp trong... sách. Ông thấy có lạ không?

N.X.H.: Quê ông hay đa.

V.P.: Tôi không dám có ý khoe quê mình đâu. Ở ta xưa kia nông dân đâu đâu cũng “hay” như thế, cũng “giỏi” như thế cả. Ðêm đêm, trai gái hát hò, họ đố nhau những câu hóc búa:
“Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai sinh ra cửa ra nhà nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời yên vui?”
“Nàng” đáp ngon ơ:
“Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Sào sinh ra cửa ra nhà chàng ơi.
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Ðại Vũ trị thủy cho đời yên vui.”

Ðại khái những câu như thế từ Bắc chí Nam địa phương nào cũng có. Và cái kiến thức trong đó là kiến thức sách vở, từ các nho sĩ thấm ra khắp bà con chòm xóm.

Bây giờ, tôi đang sống ở Los Angeles. Trong “chòm xóm” quanh tôi là một quần chúng “trí thức” cao hơn những bà con chín chòi đánh bài độ nọ, nhưng ngôn ngữ của họ lại có nét đặc điểm ngộ nghĩnh. Số là giới choai choai (teen-ager) mỗi vùng họ xài mỗi thứ tiếng lóng, lâu lâu lại thay đổi. Hồi năm ngoái có lần tôi gặp trong một bài phóng sự nhật báo mấy câu trao đổi của các cô cậu. Chẳng hạn: “It was an on-hit kind of afternoon in L.A. A mac daddy was scamming on a fly houchy, while one of his homies was clocking some dead Presidents.” Như vậy nghĩa là: “Hôm ấy Eo Ê đẹp trời. Một gã kẻng trai đang tán một em xinh gái, trong khi một thằng bạn của gã đang làm việc kiếm tí tiền.” On-hit là đẹp, mac daddy là kẻng trai, homies là đứa bạn, dead Presidents là tiền bạc. Phụ nữ đẹp thì gọi là fly houchy, hay freak mama, hay Betty; người nữ xấu xí gọi là Wilma; anh chàng xí trai, khù khờ là một Fred, một Barney Rubble. Ðiển tích cả đấy. Ðiển lấy ra từ các màn kịch ti-vi The Flintstones. Còn khi nói tới các thầy phú-lít thì họ bảo đó là những Five-O, lấy từ kịch ti-vi Hawaii Five O. Ðại khái thế.

N.X.H.: Một đàng là giới trẻ, tương đối có học, mà kiến thức không bắt nguồn từ sách vở. Một đàng là quần chúng tạp nhạp đa số thiếu học mà kiến thức lại cơ sở trên sách vở.

V.P.: Ðấy, đấy. Ðổi đời rồi ông ơi. Học trò Mỹ bây giờ không gần gũi với những nhân vật của Mark Twain, Hemingway, Steinbeck v.v... nữa đâu. Không gần bằng các Thị Nở, Chí Phèo ở ta xưa kia gần gũi vua Ðại Vũ, ông Vương Doãn bên Tàu.

N.X.H.: Ông vừa nói đến học trò. Học trò mà xa sách, xa chữ nghĩa là thế nào? Ông có bất công không đấy? Một phần quá thương nhớ quê xưa, một phần không được thoải mái với cuộc sống xa lạ, người ta khó công bình.

V.P.: Ông vừa phân tích tôi một cách bất lợi cho tôi. Sự thực thì khi nói đến học trò tôi không còn nghĩ tới làng quê mình nữa. Mà nghĩ tới cô Bích Câu.

N.X.H.: Ủa, cô Bích Câu nào ở đâu vậy? Cũng vừa mới gặp trên bài phóng sự nào đó phải không?

V.P.: Không. Bích Câu là cô bạn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, trong tập truyện ngắn Học trò. Mùa đông năm ấy Huế cũng mưa dầm dề như mọi mùa đông khác. Một buổi sáng, nhân vật “tôi” (cũng lại teen-ager) đi đò qua nhà Bích Câu, thấy cô ta ngồi thả rơi lả tả những tờ giấy màu xanh xuống mặt nước, mà mắt thì đỏ hoe vì mới khóc. Cậu lo lắng hỏi nguyên do chuyện buồn: “Bộ nhà hết gạo ăn rồi hả?” Hoá ra không phải Bích Câu khóc vì sắp đói, mà là vì mưa vừa làm hỏng mất tập thơ chép tay, “món đồ quí nhất” của nàng. “Nàng đã mua mấy trăm tờ giấy pelure màu xanh khâu chỉ đóng lại thành một tập dày, có đóng bìa cứng cẩn thận.” Rồi nàng đã ra công chép trong hai năm, cả mấy trăm bài thơ.

Bích Câu vậy đó. Hoàng Ngọc Tuấn là một tác giả trẻ tuổi hơn tôi và ông. Từ Bích Câu đến hôm nay đâu có xa xôi gì. Vậy mà hiện nay tôi và ông nhìn quanh quất dễ gì tìm ra được một trò Bích Câu nữa? Bích Câu là gái Huế, không ở quê tôi; nhưng tôi vẫn cứ tiếc ngẩn ngơ.

Tháng vừa qua ở Los Angeles lụt bão liên miên, không nghe nói có một cô Bích Câu nào khóc lóc vì ướt mất thơ. Nhân vật “tôi” trong truyện của Hoàng Ngọc Tuấn bảo: “Bích Câu cứ ngồi âu sầu một chỗ mãi. Tôi nghĩ rằng có lẽ nàng cứ ngồi lặng yên như thế, cho đến khi biến thành một hòn sỏi lăn xuống nước, và tôi làm thế nào tìm được một hòn sỏi nhỏ bé trong sóng nước mịt mù này.” Ôi, thảm thiết! Bích Câu là châu báu của một thời đã qua, không bao giờ trở lại.

N.X.H.: Ông tiếc Bích Câu như Bích Câu tiếc tập thơ chép tay. Không khéo hoá sỏi hoá đá...

V.P.: Ðể làm trò cười cho thiên hạ? Ông nghĩ coi: Lúc này, tại đây, có một nữ sinh trung học như thế, e lố bịch chăng? Sau các vụ học sinh bắn nhau trong trường, người ta đang đặt máy dò vũ khí ở nhà trường. Dò vũ khí thì thỉnh thoảng khám phá ra có vũ khí. Nhưng giả sử các trường trung học có xét tìm những tập giấy pelure chép thơ thì chỉ mất công lục soát thôi, chẳng bao giờ còn tìm thấy trong cặp học sinh cái món quái gỡ đó nữa.

Ông có đọc tập san Tiếng Sông Hương không? Trong một số nào đó, bà Bùi Bích Hà có bài ký về các nàng tôn nữ, kể rằng vào mùa mưa ở Huế các nàng đi học bị ướt át nhiều thứ cắc cớ lắm, nhưng không thấy bà Bùi nói tới vụ ướt thơ. Ðáng tiếc: mùa đông tôn nữ ướt thơ, rồi buồn khóc hoá ra sỏi, cảnh đó đẹp ơi là đẹp. Hết rồi, cảnh đó hết rồi. Ngay ở xứ ta bây giờ e cũng không dễ gì bắt gặp trong cặp nữ sinh những tập vở pelure đóng bìa cứng chép mấy trăm bài thơ nữa. Xin ông lưu ý: Bích Câu không phải là một trường hợp lẻ loi bất thường nhé. Cô ấy là một nữ sinh điển hình. Trước kia, tôi có cảm tưởng phần lớn các cô đều thế. Vậy mà họ sắp tuyệt tích. Nghĩ mà thương.

N.X.H.: Lại thương lại tiếc nữa! Tôi e ông quá đáng. Lẽ nào vào cái thời chín chục phần trăm dân số còn mù chữ người ta lại gần gũi văn chương hơn là ngày nay...

V.P.: Cái đó có vẻ kỳ cục. Nước ta cách mạng ngoài Bắc trước, thanh toán nạn mù chữ xong cái rụp. Bèn tiến vào cách mạng trong Nam, nạn mù chữ lại bị thanh toán nữa. Ở Mỹ, bà Barbara Bush đâm sốt ruột, cũng chạy loanh quanh đòi noi gương. E đến khi khắp mọi nơi không còn người mù chữ nữa thì chuyện đọc sách thành lỗi thời, hoàn toàn.

N.X.H.: Làm sao chúng ta có thể bênh vực được một luận cứ lập dị như vậy được? Lý do nào làm cho con người bỗng bỏ rơi cuốn sách?

V.P.: Có người hỏi tổng thống Lech Walesa nguyên nhân nào đã làm cho cộng sản Ba-lan sụp đổ, đem đến cho ông sự thành công vẻ vang. Ông chỉ tay vào cái ti-vi bên cạnh: Ðấy, lý do là nó đấy.
Bọn cầm bút chúng ta nên nhìn cái màn ảnh con con ấy bằng cặp mắt sợ sệt, ông ạ. Kẻ thù mặt vuông ấy là một kẻ thù đáng khiếp lắm.

Năm ngoái, tính ra trung bình mỗi ngày học sinh Mỹ xem truyền hình mất 2 giờ 15 phút, chơi game và chơi thể thao 1 giờ 27 phút, còn xem sách thì được... 11 phút! Người Nhật có tiếng là siêng năng, lớn siêng làm bé siêng học: Học sinh Nhật mỗi ngày xem truyền hình 2 giờ 17 phút, chơi game và thể thao 44 phút, còn xem sách báo họ xem đến 25 phút.

Ti-vi nó lấn mạnh thế, làm sao chịu thấu? Ðời Tam quốc, Chu Du rốt cuộc đã kêu: “Trời hỡi! Ðã sinh Du, sao còn sinh Lượng?”, kêu rồi lăn ra chết tốt. Trước đã sinh ra cuốn sách, sau này lại bày đặt sinh ra cái ti-vi làm chi để hại sách. Mỗi một ngày con người ta bất luận giàu nghèo lớn bé đều chỉ được Thượng Ðế ban cho 24 giờ đồng hồ, không hơn không kém. Từ khi có ghem có ghiếc, có ti-vi ti-viếc, Thượng Ðế vẫn nhất định không chi thêm một tích tắc nào. Ông thấy hoàn cảnh có nghiệt ngã không chứ?

N.X.H.: Oái oăm thật. Càng văn minh, càng kẹt. Mỹ Nhật nhiều máy móc tối tân, có truyền thanh, truyền hình, băng tiếng, băng hình, họ gặp khó khăn lớn phen này.


V.P.: Năm 1991 bà Nadine Gordimer được giải Nobel văn chương, tạp chí Time tìm đến phỏng vấn. Bà bảo ở Nam Phi truyền hình chỉ mới xuất hiện được 12 năm, vậy mà tràn lan rất nhanh, nhất là ở các khu da đen. Dân càng mù chữ nhiều càng ít đọc, lại càng dồn vào trước các máy truyền hình. Ở đời, mù chữ thì có; đâu có ai không hỏng mắt mà mù... ti-vi? Sách càng lép vế nặng. Tình cảnh ấy có thể là tình cảnh chung ở các nước kém mở mang.

N.X.H.: Dù sao, bà Nadine Gordimer vẫn viết dữ tợn. Chúng ta vẫn viết (tuy không mấy dữ tợn). Chấp nhận rằng cái mà chúng ta chi chút một đời bỗng dưng mất giá, khó chấp nhận quá.

V.P.: Ông nói hợp bụng tôi. Chấp nhận thế, mình ép lòng mình quá. Rồi chúng ta sẽ trở lại chuyện này, xem sao.

2 - 1993