Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Ghé thăm các blogs: 02/04/2011

BLOG QUÊ CHOA


1. Trên bàn nhậu tuần qua toàn là  tin tức về những cái chết dễ sợ. Đầu tiên là cái chết của một cái hồ: Hồ Ba Bể đợi ngày… biến mất là cái chết được báo trước của “hòn ngọc thiên nhiên”, được quốc tế công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Do khai thác quặng, xây dựng bừa bãi, chặt phá rừng gây xói lở, chỉ trong vòng 30 năm, những cái hồ khổng lồ giờ đã bị biến mất thay vào đó là cột điện, ruộng cấy bản làng và đường đi. GS Đặng Hùng Võ nói: “Tôi có cảm giác toàn bộ hệ thống quản lý ở đây đều vô thức, vô cảm, vô trách nhiệm. Chúng ta ‘ăn quỵt’ của thiên nhiên một, chúng ta sẽ bị thiên nhiên đòi lại gấp nghìn lần. Rõ ràng ở một cấp nào đó đã có lỗi và phải chịu trách nhiệm”. Cấp nào vậy ta? Hay là tất cả các cấp, nghĩa là không có cấp nào, hu hu.



2.Kế đến là cái chết của con voi: chú voi Back Khăm, 38 tuổi của đã bị sát hại dã man. “Kẻ ác đã tháo dây xích cột voi, dắt voi vào một khu rừng rậm cách đó khoảng 3km, buộc chân trước vào một cây rừng rồi dùng rìu cố chặt đứt gân 2 chân sau của voi.”


Kẻ ác là ai? Người lạ không dễ đến gần được voi, chỉ người quen mới dễ dàng dắt voi vào rừng sâu. Ủa, ai quen voi Back Khăm vậy ta?  Người đẹp Kỳ Duyên  đã bình một câu rất hay: Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết. Hay chính “cái gân” đạo đức xã hội vốn đã quá nhiều thương tích một lần nữa, cũng đang bị cứa đau đớn?

3. Loạt bài phóng sự của báo SGGP (chứ không phải của lực lượng thù địch): “Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết” là cái chết thứ ba trên bàn nhậu tuần này. “Nhiều cánh rừng gỗ quý bị chặt trắng, hàng chục hécta đất rừng bị tàn phá và rất nhiều loài động vật quý hiếm bị tàn sát không thương tiếc.”


Ai giết chết Vườn quốc gia Yok Đôn? Chỉ cần đọc đoạn này thì rõ: “Theo quy định, bất kể người dân nào muốn vào các vườn quốc gia đều phải xin phép và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ kiểm lâm vườn, để bảo đảm không một ngọn cỏ, cành cây, không một sinh vật nào có thể mang ra khỏi vườn. Thế nhưng, thực tế tại Vườn quốc gia Yok Đôn lại hoàn toàn khác. Hàng ngày có hàng trăm người dân tự do ra vào vườn bất kể giờ nào với đủ loại phương tiện từ xe gắn máy, xe đạp thồ đến voi… Hàng chục, thậm chí có thời điểm hàng trăm cây gỗ quý – có cây đường kính hơn 1m – mỗi ngày “vô tư” được chở ra khỏi rừng mà không bị một lực lượng chức năng nào kiểm tra, bắt giữ…”

Nếu vẫn không biết thủ phạm là ai hãy đọc đoạn này: “Ra tới đường, lại thấy 2 kiểm lâm lăm lăm khẩu AK quát: “Đi đâu! Nhà báo vào quay phim chụp hình phải không? Ai cho vào, giấy đâu?”. Sau một hồi giằng co, chúng tôi được “tự do” khi nghe tiếng một kiểm lâm nói trong điện thoại: “Để chúng nó đi hả anh…” chợt nhớ câu: Lâm tặc là ai lâm tặc là ta/ Tham ngu vô đạo hóa ra lâm tặc.

4.Thác Bản Giốc từ ngày bị xẻ đôi, nửa còn lại không chết, cũng không bị bắt làm tù binh, nhưng đang rơi vào sự ghẻ lạnh, lãng quên. TẠI SAO, BẢN GIỐC? là tiếng kêu của một người lính khi trở lại chiến trường xưa. Năm 2000 anh lên Bản Giốc nghe lính biên phòng tâm sự: “Mình cứ trồng ngô là họ sang nhổ. Xô xát suốt. Chỉ còn thiếu nước… nổ súng” và ao ước: “Giá khu vực này được đầu tư, phát triển bằng một phần bên kia, bọn em cũng đỡ buồn và đỡ… tủi thân”.


Năm nay anh lên Bản Giốc thì cái sự tủi thân ấy vẫn còn nguyên xi.

“Cách đây gần 5 năm, người ta đã vạch ra cái gọi là Dự án Khu Du lịch Thác Bản Giốc với cơ man các khu chức năng (Trung tâm đón tiếp, điều hành du lịch và dịch vụ công cộng; cơ sở lưu trú; thể thao nước; thăm quan và nghiên cứu hang động kết hợp thể thao leo núi; bản văn hóa các dân tộc…) do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ ký đàng hoàng. Thế nhưng, đến bây giờ, cái mà dự án làm được, chỉ là đoạn đường trải đá dăm đã trôi hết đá, lổn nhổn đá xanh u cục, chiếc cầu tre đủ 2 người tránh nhau và… mấy tấm biển gỗ nền xanh, chữ trắng nhắc nhở “Không tè bậy, vứt rác”…

“Mấy trăm mét đường biên giới thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, ở địa điểm mang tính nhạy cảm nhất nhì, mà không kéo được ngọn điện soi sáng, mà hình như có ý định nhờ láng giềng bên cạnh, nổi tiếng là thâm hiểm – tham lam soi hộ… thì việc người dân đặt câu hỏi về phương thức ngoại giao “buôn bạc giả” cũng là điều dễ hiểu và nguy cơ bị mất đất, nói thật, cũng không thể không xảy ra…”

Đau!

5.“Truy tố nguyên sĩ quan công an tiếp tay chuyển ma túy vào trại giam” là tin khởi đầu cho một loạt tin ai cũng hiểu chỉ một số người không hiểu. “Công an đánh người mang thai tại trụ sở?“- Câu hỏi tương tự thế này tuần nào cũng vang lên. Người ta đang băn khoăn những Dấu hiệu bất thường trong vụ nạn nhân chết tại nhà tạm giữ, chả hiểu sao thắt cổ bằng dây nạp pin điện thoại mà dây không đứt, chỉ bị giãn ra. Lại còn treo cổ ở cửa sổ thì làm sao mà chết. Bỗng có “Thư tuyệt mệnh” của người chết ở trụ sở công an. Vui nhất là trong thư “Thư tuyệt mệnh” còn có đoạn khen cán bộ điều tra. Cuối cùng tòi ra việc gạ tình vợ nạn nhân. “Sau khi chôn cất chồng, chị Tuyền rời khỏi Tiền Giang. Ngay tức khắc, chị cung cấp qua email cho phóng viên Báo Người Lao Động hai đoạn băng ghi âm hai cuộc điện thoại giữa chị và một người đàn ông tự xưng tên Phú. Theo chị Tuyền, hai đoạn băng này được chị ghi lại khi chồng chị đang bị tạm giữ ở  Công an huyện Bến Cát. Nội dung chủ yếu là ông Phú gạ gẫm chị vào khách sạn với ông ta.”



Tất cả những điều trên phải chăng báo hiệu cái chết của nhân tính do loại virus phi nhân tính đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm? Ai cũng hiểu chỉ một số người không hiểu, hu hu.



BLOG PAULUS LÊ S ƠN


Ai cũng có một thời, xã hội nào cũng cần có những tầng lớp khác nhau để làm đòn bẩy thúc đẩy xã hội tiến bộ văn minh hơn. Nhất là lực lượng trẻ, họ có một sức sống mãnh liệt, nhiệt huyết và đầy sáng tạo, có thể dám hi sinh vì những lý tưởng của bản thân. Thời của thanh niên sinh viên Việt Nam trong giai đoạn này mà một số em đã thể hiện cho thấy được một niềm hi vọng lớn lao đối với dân tộc, quê hương Việt Nam. Dù không phải là tất cả, nhưng đại đa số các bạn trẻ đều có sự nhận thức rõ ràng hơn với các vấn đề chính trị, xã hội.

Hành động của  Nguyễn Anh Tuấn,  sinh viên năm 3 đang tu học tại một trường đại học ở Hà Nội đã khiến cho hiệu ứng dư luận xã hội trộn rộn, thực sự có một sự ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ, sinh viên là những người có tri thức, nắm bắt được các thông tin. Sinh viên Tuấn tự tra mình trong cái bất ưng mà Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đang phải gánh chịu do nhà nước XHCN  án phạt lên ông. Nguyễn Anh Tuấn, một công dân nước Việt Nam, mới độ tuổi đôi mươi, theo anh nói, đã tàng trữ những tài liệu của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ mà tòa án XHCN đã kết tội ông vì cho rằng ông “tuyên truyền chống phá nhà nước”  theo điều 88 BLHS. Tuấn can đảm đề nghị Tòa án truy vấn mình để làm sáng tỏ trước nền “Pháp lý XHCN”.  Với hành động đó sinh viên Tuấn chấp nhận những điều tai quái có thể xảy ra với mình trong tương lai.

Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn

Hành động của Tuấn mới khởi điểm đã khiến cho dân tình cộng đồng mạng  xôn xao. Đa số khâm phục ý chí, cách hành động đầy bản lĩnh, khôn ngoan và hiểu biết luật pháp của em. Đồng thời cũng có số họa hiếm những tiếng ì xèo chê bôi việc làm của em là thiếu hiểu biết, ngựa non háu đá, thích nổi tiếng. Sau khi sự kiện của Tuấn được lan truyền rộng rãi trên internet thì trên các con phố, đường làng dân tình cũng bàn tán xôn xao, đa nguyên rất huyên náo.

Trong những  lần trò chuyện với các bạn sinh viên thuộc đại học Y, Quốc Gia Hà Nội, Đại Học Văn Hóa, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các bạn gợi hứng và bắt nhịp theo các câu chuyện mang tính thời sự nóng bỏng của đất nước, về chuyện của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị tòa án truy tố bản thân vì tích trữ tài liệu của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Có những bạn trẻ đã phải thốt lên hết sức quyết liệt ngưỡng mộ hành động của sinh viên Tuấn, lại có những sinh viên thì cho rằng, mình cũng đang vướng “trọng tội”  như sinh viên Tuấn vì đã đọc, đã tìm hiểu, đã “tàng trữ”  những bài viết, tài liệu của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Đặt một câu hỏi cho các em tại các em sao lại dám thủ thư tài liệu “chống lại nhà nước XHCN”?  Các em bình tĩnh mà trả lời “nói như Tiến sĩ Họ Cù mà chống lại nhà nước XHCN thì cả dân tộc này đang chống lại à, chúng em đang tích trữ vốn tài liệu quí của tiến sĩ Vũ thì cũng đang chống lại à ?, vậy thì nhà nước này là vì ai, của ai và do ai?”

Mỗi ngày càng ló rạng những con người dám nói, và muốn nói sự thật mới thấy được con người ta ngày càng bớt đi sự sợ hãi, những người như anh Tuấn đã có những suy nghĩ, trăn trở cho đất nước, dân tộc. Với suy nghĩ “Tôi không thể tiếp tục thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và sự hèn nhát của bản thân mình. Biết đến nhiều tấm gương dấn thân trong lịch sử và đọc nhiều về tư tưởng của họ, sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu”.  Có thể  còn có nhiều người lắm đã đang nghĩ như sinh viên Tuấn.

Việc của Tuấn làm xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, suy nghĩ và lương tâm của bản thân.  Người ta quí và trân trọng những hành động được xuất phát đi từ sự thúc giục của lương tri con người. Một con người, một cái đầu với chỉ 21 năm trải nghiệm sóng đời, còn nhiều thứ lắm mà Tuấn chưa từng trải qua, chỉ có những người thế hệ trước đã từng trải những cay đắng do cái xã hội mà Tuấn đang chất vấn, đang phải sống đem lại mới hiểu được những mưu mô xảo quyệt của nó gây ra. Nhưng Tuấn vẫn thản nhiên gánh vác, đỡ vai cùng Cù Huy Hà Vũ trong khốn khó tù tội, trong một nền pháp quyền theo Tuấn thấy là “chưa ổn định và hỗn loạn”.
Nói đến sinh viên Tuấn, thế hệ 9X, chỉ cách nay vài tháng, một con người là phận nữ bé nhỏ theo quan niệm truyền thống Á đông, nhưng mà bản lãnh thì thật đáng khâm phục. Em Trịnh Kim Tiến, con gái của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh cho đến chết, trước nỗi đau đớn của gia đình mất đi người thân, trước cái chết thương tâm, oan khuất của người cha do chính tay công an gây ra. Song hành với nỗi đau, em Tiến đã không ngừng đòi lại công bằng cho bố mình bằng nhiều cách thức, sự ảnh hưởng của em đến công chúng, dư luận.

Sinh viên Trịnh Kim Tiến

Nói như thế mới thấy, trước bất công đang chà đạp lên chính gia đình, người thân, là một sinh viên còn đang theo học dưới mái trường khoác lên nhãn hiệu XHCN nhưng các em đã không im lặng, không đồng lõa với tội ác. Trịnh Kim Tiến với sức vóc của mình đã dốc lòng cho một ánh sáng Công lý được thực thi, ít nhất là với bố của em.

Những hành động đó của các em thật đáng trân trọng và cũng thật đáng xấu hổ cho những kẻ nào không muốn thấy những hành động của các em. Cũng chẳng có ai có quyền, hoặc một thứ luật pháp nào cấm đoán chúng ta yêu mến hay đồng hành với các em mà các em đang mưu kiếm những sự hoàn hảo cho đất nước nói như sinh viên Tuấn là để “bảo vệ pháp quyền ở một mức độ nào đó”.

Tại sao sinh viên Nguyễn Anh Tuấn lại làm những việc động trời như vậy trong một đất nước XHCN ?. Việc nhà trường giáo dục các em trong những giáo trình Mác-Lê…, định hướng XHCN các em quên hết rồi sao ?. Phải chăng những bài học quán triệt định hướng cho các em về CNXH bị thất bại, phá sản hết rồi sao ?

Có lần nói chuyện với một em đang là sinh viên năm đầu của một trường đại học trong Sài Gòn, em này nói rất nhiều về các đề tài chính trị, xã hội như chuyện tham nhũng, vụ bế bối Vinashin, Bô Xít Tây Nguyên, Hoàng Sa, Trường Sa… rồi đến những lời bình luận của Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu về vụ án Cù Huy Hà Vũ, cho rằng xã hội bây giờ trong mắt em không có gì là giống như em được dậy trong nhà trường về một thiên đường XHCN. Em nói việc học các bộ môn chính trị Mac-Lê chỉ là học cho qua và rất tiếc cho thời gian học các môn này, trên lý thuyết thì em chẳng bao giờ để ý tới mà cứ nhìn thẳng vào thực tế xã hội sẽ cho ta câu trả lời.

Có bạn trẻ nào đó trên mạng  cho rằng, giới trẻ, sinh viên Việt Nam nên học tập tấm gương dũng cảm của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn. Nếu vậy cũng tốt, ấy nhưng mà “chẳng may” nhà nước lại kết tội cho bạn là tuyên truyền, kích động trong nhân dân  âm mưu lật đổ chế độ, nhà nước XHCN thì sao ?. Tốt hơn hết là hãy yêu nước theo cách của mỗi người, nhưng yêu nước phải đảm bảo được tính trung thực, dám nói, dám làm, dám hi sinh dù phải  có “va chạm” nhóm lợi ích nào đó.

Nếu cứ theo như người bạn trẻ nào đó nói thì thử giả như bây giờ mọi người có tích trữ tài liệu của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ  đều nộp đơn “tự thú”  như  sinh viên Nguyễn Anh Tuấn trước cổng viện kiểm sát tối cao hay tòa án tối cao là tôi có tội, làm được như thế mới thể hiện tính trung thực của mỗi người và tôn trọng nền pháp quyền XHCN. Như thế mới nói thẳng, nói thật, nói sớm, chữa trị được những căn bệnh không dám nói, hay nói trễ, nói không trung thực thì cái sợ cũng dần bị tan biến trong mỗi người.

Thành phần tri thức trẻ bất kể trong thời đại đại, mỗi trường xã hội ra sao, đều là những trụ cột chính có vai trò xây dựng đất nước đổi mới, tiến lên, tiến mạnh, và là những nhân tố chính để giải quyết các vấn đề bức thiết của đất nước.

Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn hay Trịnh Kim Tiến đã vượt qua sự sợ hãi dám lên tiếng theo cách của các em. Còn chúng ta “hãy yêu nước theo cách của mình” ?. Một câu hỏi lớn chờ đợi mỗi người.

Hà Nội, 29/04/2011



BLOG LÊ DŨNG
Ông nói gà, bà nói vịt.

http://vn.360plus.yahoo.com/Elec-Life/article?mid=1293

 Mới mấy hôm trước thấy bảo giá điện sẽ ...thả, ấy nhưng hôm qua lại thấy anh Phúc chỗ Văn phòng chính phủ bảo : " sẽ không thả giá điện và giá xăng".

 Hôm qua còn thấy báo chí đăng tin : "Bộ công thương đề nghị bên dầu khí ...bình tĩnh!" ! ôi chán quá, bộ công thương mà lại có cái kiểu đi đề nghị doanh nghiệp không ... côn đồ, sốt sắng đòi tăng giá, đòi xin cơ chế tỷ giá ...tóm lại là đòi bú sữa ngân sách theo kiểu ...con giời?

 Sao ở xứ mình lại có những kiểu phát ngôn và điều hành làm ăn như đám cò vé thế nhỉ? Không thể hiểu nổi, hôm nay anh này nói tăng, mai anh kia bảo không tăng, họp hành triền miên tìm cách kiềm chế lạm phát, kiên quyết với quyết tâm cứ hô hét đến lạc cả giọng nhưng mọi thứ vẫn cứ tăng đều, tăng vọt, tăng từ từ... đủ kiểu.

 Sáng ra quán cà fe, tinh mơ đã thấy anh Thiều nhà văn cưỡi con BMV đỏ chói để trước cửa quán rồi. Ái chà, mới làm hội nhà văn được tí thời gian mà đã kiếm ăn được ghê, hay lại có cổ phần trong mấy hội khác đây? Nhà văn nhà báo quốc doanh mà có BMV X 6 đi là hơi giỏi đấy, đám cầu thủ bóng đá Anh mới đủ tiền chơi xe này ấy chứ. Chứng tỏ dân báo, văn xứ ta kiếm ăn giỏi mà cũng chịu chơi thật!

 Lướt qua mấy trang Dân báo, Ba sàm thấy cũng có bài của anh Thiều viết về mấy anh em trưởng thôn ở quê mình và các vùng quê khác ở Bắc bộ. Chắc mấy vụ thanh niên vác kiếm chém nhau loạn làng ở Hưng Yên vừa rồi mới khiến cho đám nhà văn, nhà báo biết đến các trưởng thôn ở làng quê là ai.

 Trưởng thôn - anh là ai ? anh Thiều có đặt ra câu hỏi như vậy. Mình thì biết chắc trưởng thôn làng mình là thằng con ông cậu, nó học hết lớp 4, đi bộ đội về chả có nghề ngỗng gì nên cứ chơi dài. Đám thanh niên học hành đỗ đạt thì bỏ làng đi kiếm ăn hết, còn lại toàn khoèo chân hở rốn, không nghề nghiệp thì phải ở làng.
Dạo làng tìm một đứa làm trưởng thôn chả ai nhận, mà cũng chả ai biết gì mà nhận. Ép mãi nên nó phải làm, chán thế đấy.

 Làng bây giờ không như ngày xưa, việc làng thì vẫn tỗ chức trên đình chứ không ra văn phòng hợp tác xã.  Đình làng thời chiến tranh được dùng cho công an huyện về sơ tán, các chú phá mất cả đền Mẫu, bà con mới góp tiền xây lại năm ngoái. Hội làng lần đầu tiên được lãnh đạo thôn đứng ra tổ chức vào mùng 4 tết năm nay còn trước thì do các cụ già thích làm gì thì làm.

 Đấy, nói vậy để thấy là mấy anh em trưởng thôn toàn tầm ấy cả, không được học, không được đào tạo để biết mình là ai, phải làm gì, được làm gì, ăn nói đi đứng ra sao... thế thì trách ai để cho các làng quê giờ như những cái chợ: hổ lốn, mất hết bản sắc văn hóa, loạn lạc và đầy rẫy nghiện ngập.

 Đám cán bộ xã cũng chả hơn thế là mấy, chủ tịch hay bí thư cũng cả ngày chả biết đọc báo mạng, có tờ Nhân Dân miễn phí giắt vào đít cho vẻ biết đọc thôi chứ thực ra cứ cầm đến tờ báo là mắt nhắm tịt lại vì buồn ngủ. Có cái ao hay cái lô đất xen kẹt nào thì bán quách đi lấy tiền tiêu, cả làng có cái xe tang đưa người quá cố ra đồng cũng nát như sắt vụn thế thì lãnh đạo cái gì?

 Làng xã như vậy, trên cao thì sao? Cứ đến khai giảng là bố mẹ các cháu hết mẫu giáo lại chạy đua xếp hàng qua đêm để ...xin cho con vào lớp 1 ! giáo dục cải cách liên tục mà kết quả như vậy.

 Có cả bộ i tế hẳn hoi nhưng cứ dịch bệnh xảy ra lại bảo: tại bệnh dịch bây giờ nó phức tạp nên bị động. Thuốc tamiflu mua hết cả núi tiền nhưng "bị lừa", ngân sách bỗng dưng bị đốt cùng thuốc hết hạn. Quản lý như kiểu trưởng thôn thôi hơn gì đâu.

 Báo chí thì hùa với lạm phát để lùa Dân: nào là phải "làm quen với mặt bằng giá mới", "không hốt hoảng với lạm phát", "các phương pháp sống chung với giá cả tăng vọt"...vân vân và vv để ru ngủ bà con đang sắp chết chìm vì giá liên tục nhảy lambada và sex.

 Vài báo còn đăng tin bà con huyện Mường Lát Thanh Hóa sắp chết đói đến 7 xã, trẻ em vào rừng tìm măng ăn thay cơm! Ấy thế nhưng Đà Nẵng  vẫn tưng bừng bắn pháo hoa hết cả tiền tỷ, bằng cả bao nhiêu tấn gạo. Đấy, điều hành kinh tế thế đấy thử hỏi tầm làng xã hay tầm huyện?

 Anh bạn người Úc dạy cho trường Quốc tế cấp tiểu học ngồi quán nước chè buôn chuyện vui bảo: sao  Hà nội bọn mày nhiều nhà nghỉ thế, phố nào cũng có nhà nghỉ? Bên tao dân đi làm thích vào nhà nghỉ để ...ngủ trưa, ngồi vạ vật vỉa hè thế này chiều lấy sức đâu mà làm việc. Bộ văn hóa thể thao du lịch bọn tao sáng tạo hơn bên mày nhiều, còn giúp cả người lao động có chỗ ngả lưng, lẽ ra việc này của bên bộ lao động nhưng các anh chị bên ấy bận mấy vụ cứu dân xuất khẩu bên Lybi nên quên mất. Công nhân đình công đòi quyền lợi cũng chả thấy anh chị nào của bộ Lao động ra giúp cả. Chả biết họ ăn lương rồi làm gì?

 Chưa biết chừng mình đang ngồi viết bờ lốc thì bọn xăng nó lại đóng cửa cây để chờ tăng giá vào đúng lúc ...0 giờ !



BLOG LÊ DŨNG


 Đọc báo thấy tin bên ta bỏ ra 700 tỷ chi cho việc bầu cử nghe như tiếng sét đánh bên tai.
 Bên các nước khác họ bầu cử thì thế nào ? có bỏ  tiền ngân sách ra để chi cho việc bầu cử hay không, tại sao lại phải bỏ ra... vân vân và vân vân, nhiều câu hỏi cần trả lời nhưng bà con không biết hỏi ai.

 Việc tranh cử như bên Mỹ hay Nhật chẳng hạn: vị nào muốn giành chức Thủ tướng hay Tổng thống thì đi tìm bạn bè, các nghiệp đoàn ủng hộ mình để có tiền tài trợ cho việc đi đi lại lại tán tỉnh các cử tri, hứa hẹn sẽ làm điều này điều kia tốt đẹp có lợi cho cử tri để có được lá phiếu bầu. Vị nào không được sự ủng hộ của các mạnh thường quân thì chỉ có nước ở nhà ...ngủ chứ chưa nói đến việc đi đâu để hò hét, hứa xuông.

 Tóm lại ngân sách của mấy cái Quốc gia tư bản chả mất xu nào cho cái việc bầu cử cả. Hay vậy!

 Bên ta nó lại khác bên các Quốc gia ấy rất nhiều, thậm chí ngược lại, thế mới kỳ. Ai đời kẻ muốn tranh chức này chức nọ để làm thuê cho Dân, được Dân trả lương lại được nhà nước bỏ tiền từ việc đóng thuế của dân ra để lo cái việc bầu bán như vậy? nghe rất ngược đời.

 Nào là tiền làm băng rôn, khẩu hiệu, nào là tiền cho các xe dán đầy pa nô áp phích, gắn loa nén đi diễu ngang diễu dọc các phố phường, ngõ ngách khắp nơi, nào là chi cho báo chí để viết bài, đăng các phóng sự về việc các ông kễnh đi phố này, phường nọ để bốc phét với các cử tri (đa số là già sắp chết, đi đái còn phải chống gậy) rồi nói năng chém gió vớ vẩn. Họ hứa, đúng là chỉ toàn họ hứa cả, ấy thế nhưng vẫn trúng ghế mới lạ!

 Những vấn đề cử tri như mình quan tâm chẳng hạn: biên giới biển đảo bị nước lạ lấn, đòi giành hết, trong nước thì hối lộ, tham nhũng, lạm phát tăng cao, ngân sách thâm thủng, nhập siêu, môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm tràn lan, qui hoạch như cái áo vá, giáo dục tụt hậu, y tế lởm khởm,  thiếu trường học cho trẻ khi các trung tâm thương mại và sân golf thì thừa, nạn bạo hành trẻ em liên tục phát triển, phụ nữ bị bán và lừa sang nước lạ triền miên, công nhân càng ngày càng đói rách, thất nghiệp... thì không thấy vị nào ký vào các bản cam kết sẽ có phương án giải quyết, khi nào giải quyết xong, nếu không làm được thì sao...?

 Chỉ thấy các anh nhận ghế xong cả nửa năm vẫn bảo: "tôi vẫn chưa có chương trình làm việc", " tôi mới nhận nhiệm vụ nên cần thời gian để bàn giao, nghiên cứu..." nghe chán không thể ngửi nổi. Thế mà nghe đâu số phiếu bầu vẫn cứ cao chót vót mới tài chứ ?

 Báo chí đưa tin là ta bỏ ra gần ngàn tỷ từ ngân khố ra để chi vào việc bầu cử - như thế khác gì bảo: Việt nam trân trọng nhân tài hơn cả Mỹ, Nhật - anh ra tranh cử đi, không mất xu nào hết, có ngân sách chi cho, kể cả cái thùng phiếu hay cái đám kiểm phiếu trong buồng kín cũng được ăn nhậu từ tiền thuế cả, thế mới văn minh chứ lị.

 Bọn bên tư bản thế mà dại, các tổ chức truyền thông cho phóng viên đến đưa tin bầu cử, giám sát thùng phiếu, kiểm phiếu thì đều tự bỏ tiền túi ra mà ăn, thuê nhà nghỉ mà đăng bài. Báo chí ở ta cũng sướng hơn bên tư bản nhiều, thảo nào dân báo chí ăn lương từ thuế cứ đông nhung nhúc như vậy.

 Nhưng theo mình thì bầu cử như ở ta là dớ dẩn, chỉ là trò hề vì ai đời lại có chuyện ông chủ đi tuyển đầy tớ lại phải bỏ cả núi tiền ra để chi cho việc bọn đầy tớ nó ăn ngon mặc đẹp sách túi đến ngồi ghế chỉ đạo chủ. Trong khi chưa biết nó có biết làm gì hay không, nếu không làm được thì xử lý nó thế nào, cái gì đảm bảo cho nó nếu nó làm sai, hỏng việc của chủ ?

 Đúng, rất dớ dẩn !